1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phim bãi - một thời để nhớ

Chủ đề trong 'Cuộc sống' bởi firstdown05, 13/04/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. firstdown05

    firstdown05 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/03/2007
    Bài viết:
    59
    Đã được thích:
    0
    Phim bãi - một thời để nhớ

    Trong tâm trí tôi, thuở ấy như vừa mới đây nhưng tính ra đã hơn hai chục năm rồi. Cái thời mà vô tuyến truyền hình còn chưa có khái niệm trong đầu những người dân quê tôi.
    Từ đầu chiều, khắp làng người ta phấn khích thông báo cho nhau rằng tối nay sẽ có chiếu phim. Bao giờ cũng vậy, xã H.L bên cạnh luôn là điểm đến của các đội chiếu phim bởi vì ở đó có một cái sân Hợp tác xã rất lớn, được bao bọc bởi tường cao và ao sâu, thuận lợi cho việc kiểm soát khán giả. H.L cách làng tôi 1 cánh đồng và 1 con sông.
    Cả làng nao nức như có hội. Người ta bàn tán, phỏng đoán sẽ chiếu phim gì, đen trắng hay phim mầu, phim truyện hay chiến đấu, phim mới hay cũ, liệu họ có chiếu tiếp bộ phim mầu chiến đấu của Liên Xô mà lần trước ?" đã lâu lẩu lầu lâu rồi ?" đang chiếu chưa đến tập cuối không. Thời ấy, phim mầu chiến đấu của Liên Xô thì khoái nhất rồi, cứ đánh nhau khói lửa hoành tráng, mũi lõ mắt xanh xì la xì lô có thuyết minh thì gọi là ?oPhim mầu chiến đấu của Liên Xô?. Rồi người ta hỏi nhau điều quan trọng nhất là: phim chiêu đãi hay phải mất vé.
    Phim chiêu đãi tức là không bán vé, thoải mái vào xem. Hiếm khi có phim chiêu đãi lắm, chỉ vào những dịp kỷ niệm hay tuyên truyền gì đó mới có. Người ta chiếu hai, ba bộ phim mang tính tuyên truyền cổ động liền một lúc rồi mới chiếu đến phim chính. Mà phim chính thường là những bộ phim cũ rích, đến trẻ con cũng đã thuộc làu nội dung. Nhưng cứ có phim, lại không mất vé là vui rồi. Tối hôm ấy, cả làng sẽ chỉ còn lại ông già bà cả ở nhà. Người ta rồng rắn, bế cả trẻ con kéo nhau đi như trẩy hội.
    Khi biết là sẽ bán vé, người ta thở dài. Nhưng rồi người ta vẫn nao nức.
    Nhịp sống của cả làng bỗng sôi động hơn, gấp gáp hơn. Ai cũng muốn mau chóng thu xếp công việc trong ngày thật chóng vánh. Trong các gia đình bắt đầu có sự thi đua.Trẻ con bỗng ngoan hơn, việc người lớn giao làm nhoay nhoáy. Chúng không ngớt nằn nì, xin xỏ người lớn. Đứa nào mà sơ sẩy mắc lỗi, bị người lớn rầy la hôm đó thì sự tuyệt vọng ngẩn ngơ hiện rõ lên mặt. Các bà vợ trở nên xăng xái tất bật, sốt sắng cắt đặt công việc cho bầy trẻ, thể hiện rằng đang chuẩn bị để tối nay sẽ đi xem. Họ khéo léo, đảm đang hơn trước mặt các ông chồng - những ông chủ gia đình đầy uy quyền - hy vọng sẽ được chấp nhận một khoản chi bất thường. Khoản chi này, đối với người dân quê tôi thời đó là cả một quyết định phải đắn đo.
    Khoảng 5 rưỡi chiều, tiếng loa phóng thanh chợt vang lên.
    ?oAlô, alô! Kính thưa đồng bào, đồng chí! Tối hôm nay, tại sân bãi xã H.L, đội chiếu phim lưu động Sở Văn hoá tỉnh về đây xin phục vụ đồng bào, đồng chí một tối duy nhất với bộ phim mầu chiến đấu của Liên Xô mang tựa đề .... Buổi chiếu được lên màn bắt đầu từ ... giờ. Kính mời đồng bào, đồng chí thu xếp công việc về sân bãi xã H.L ...?
    Qua một cánh đồng và một con sông tiếng được tiếng mất, tiếng loa như thúc giục. Gấp gáp càng gấp gáp hơn, dường như mọi mái bếp đều cùng lên khói. Hôm nay, cả làng ăn cơm sớm. Vào giờ này mọi hôm, người ta còn chưa từ đồng về nhà. Ai cũng nôn nao theo tiếng loa mời gọi, ai cũng muốn trời mau tối.
    Rồi đến lúc mọi người í ới gọi nhau đi. Cả làng dồn dập tiếng bước chân và ánh đèn pin lia loang loáng. Vang lên tiếng nằn nì, khóc lóc của lũ trẻ bị bắt ở nhà, tiếng quát tháo của người lớn, tiếng dỗi hờn của chị vợ có ông chồng khó tính.
    Người ta đi hàng đoàn. Không chỉ làng tôi, lũ lượt người từ các xã lân cận kéo tới nô nức. Dòng người dồn ứ lại bắt đầu từ khá xa đoạn đường rẽ vào bãi chiếu phim. Tại bàn bán vé, người ta tranh nhau chen lấn để được mua vé trước, vào bãi trước để chọn cho mình chỗ tốt.
    Bãi chiếu phim ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Ai cũng muốn vào trước để có chỗ thẳng trước màn chiếu, đừng có xa quá kẻo phải xem đầu người khác. Đã có chỗ tốt rồi phải lo giữ chỗ không thì ?ođi ăn cỗ, về mất chỗ? ngay. Thế mới có chuyện, có anh chàng mắc tiểu quá mà không dám đi ra ngoài sợ mất chỗ, len lén xì bí mật tại chỗ. Được lúc, cô gái ngồi trước thấy mát mông, cô ngoái lại sau kiểm tra và làm toáng lên:
    - Nước nào đây?
    Anh chàng tỉnh bơ, tay chỉ lên màn hình:
    - Liên Xô! Phim chiến đấu của Liên Xô mà lị.
    Cô gái vẫn chỏi lỏi:
    - Đây cơ mà! Nước này cơ mà?
    - Đây hả? Việt Nam chứ còn nước nào nữa!
    Ở cổng ra vào lại càng hỗn loạn tợn. Công an bảo vệ, dân quân du kích ra sức ngăn cản dòng người chỉ chực ào vào cả một lượt. Đôi lúc, mấy anh bảo vệ lại nhao vào kéo cổ một tên không có vé định nhân cơ hội hỗn loạn chen vào. Giằng kéo, la hét thật ầm ĩ.
    Lũ trẻ chúng tôi khoái chí đứng xem và cũng tham gia hét váng lên, nhưng đứa nào cũng thật âm mưu. Ở nhà, chúng tôi cũng xin xỏ, cũng nài nỉ người lớn nhưng thường chẳng mấy khi thành công. Người lớn cứ nại đủ lý do để không cho chúng tôi tiền mua vé, tất cả là do lỗi của chúng tôi hết hoặc là này khác. Thực ra, cái nghèo mới là lỗi. Chỉ với những mảnh ruộng, mảnh vườn thời ấy, cha mẹ lo cho chúng tôi có ăn mặc, được cắp sách đến trường đã là cố gắng lắm rồi. Cái quỹ tiền mặt rất ít ỏi của người nông dân như cha mẹ chúng tôi sao có để mà chi cho những khoản xa xỉ này.
    Vẫn biết rằng chẳng bao giờ được, nhưng chúng tôi vẫn xin. Chúng tôi vẫn hy vọng được một lần hãnh diện cầm tấm vé giơ ra, bước vào bãi một cách đàng hoàng trong ánh mắt ghen tỵ của bao đứa trẻ khác. Không có tiền, chúng tôi vẫn đi, vẫn nô nức như bao lần. Việc đầu tiên là chúng tôi chạy một vòng để nắm tình hình canh gác của lực lượng bảo vệ, xem có thể trèo tường hay lội ao vào không. Rồi thì chúng tôi xin xỏ người lớn cho đi kèm, hoặc những lúc lộn xộn, chúng tôi cũng xông bừa vào cổng và thoát, có đứa thì tìm cách chui háng người lớn ... Đủ mọi kiểu, và cũng ăn đủ mọi đòn.
    Chỗ tốt nhất đối với chúng tôi là ngay bên cạnh máy chiếu. Chúng tôi say mê nhìn người phụ trách máy thao tác, nhìn những máy móc phức tạp chứa trong nó bao bí ẩn. Rồi chúng tôi ngất ngây khi đèn phụt tắt, tiếng rè rè của máy chiếu vang lên, chúng tôi được sống trong những giây phút với một thế giới khác lạ.
    Chúng tôi chọn chỗ gần máy chiếu còn vì mỗi lần thay phim, thường người phụ trách máy cũng ngắt bỏ 1 đoạn phim đầu bị hỏng đi. Lũ chúng tôi tranh nhau vồ lấy những mẩu phim đó. Chúng tôi sẽ nâng niu, giữ gìn nó, nhất là khi trong mẩu phim đó là hình ảnh của nhân vật mà chúng tôi yêu thích. Bằng đèn dầu hoả và hộp giấy, chúng tôi sẽ chiếu những hình ảnh đó lên tường, lên giấy trắng và sẽ tiếp tục say sưa ngắm nhìn.
    Không ít lần, những đứa trẻ chúng tôi đứng ngậm ngùi buồn tủi bên ngoài suốt cả buổi đêm, mắt chong chong vào bên trong sân bãi, dường như cố hy vọng vào một sự may mắn nào đó. Chúng tôi đứng nghe và cố tưởng tượng ra câu chuyện đang diễn ra trên phim. Mỗi lần tiếng ồn ào từ bên trong của khán giả vang lên, trong lòng mỗi đứa lại như có lửa đốt.
    Chúng tôi cứ đứng thế mãi cho đến 15 phút cuối, bao giờ người ta cũng mở cổng ?otháo khoán?. Cả lũ trẻ đang chồn chân hò reo ùa vào. Chúng tôi cố len lỏi, cố xoay xở để có chỗ xem tốt nhất mấy phút phim quý báu còn lại.
    Và rồi, trong dòng người hồ hởi ra về hôm ấy, chúng tôi cố gắng hóng lại câu chuyện của mọi người, kết ráp với những gì nghe được, cũng ra sức bàn tán, ra sức tranh cãi thật sôi nổi về bộ phim như thể đã được theo dõi từ đầu đến cuối. Chúng tôi sẽ còn bàn tán, còn xuýt xoa mãi, có khi cho đến tận lần sau, khi đội chiếu phim lưu động Sở Văn hoá tỉnh lại về.

Chia sẻ trang này