Bringing out the Dead: Mang bóng tối ra chỗ sáng Bài cuoa Cao Thanh Tùng TOUCHSTONG/PARAMOUNT Nicholas Cage trong phim Bringing Out the Dead. Cách nay 23 năm, đạo diễn Martin Scorsese thực hiện "Taxi Driver" với diễn viên chính Robert de Niro trong vai một tài xế taxi màu vàng ở New York, bị chứng mất ngủ nhưng làm quá công việc kiếm cơm của mình: anh dấn thân vào việc ăn thua đuo với các tệ nạn xã hội, vào tận sào huyệt bọn buôn ma túy, cứu một cô gái non trẻ (Jodie Foster) bỏ nhà đi hoang. Lần này, trong câu chuyện mượn tiếng hô của các hiệp sĩ đẩy xe thời Trung cổ đi tìm lại Ly Thánh mà Chúa đã dùng trong bữa ăn tối sau cùng - "Hãy mang người chết ra" ("Bringing Out the Dead") - Scorsese đã giao vai chính cho Nicolas Cage, một nhân viên cứu thương khẩn cấp của bệnh viện xông vào tận những bóng tối của "phía tây Manhattan" (cũng thuộc kinh thành New York vĩ đại), giành giật cái sống từng giây phút một từ những con người và cảnh đời sắp chết trong tệ nạn, lầm than. Cage không có tập luyện bắn súng lục cột vào nách cho chớp nhoáng chuồi ra tay nắm hoặc thụt vào trong nhờ giây thun như De Niro. Anh "ăn thua đủ" với chính anh: từ bao tháng qua, anh không cứu sống kịp dược người nào, những bóng người chết ám ảnh hiện về trên đường anh công tác, anh nghi ngờ chính anh, chính cái việc mà anh đặt thành châm ngôn "cứu người là cứu mình," là như "rơi vào yêu đương." BÓNG TỐI. Nhân viên cứu thương khẩn cấp Frank Pierce công tác lưu động trên đường phố New York ba đêm, theo sự điều động qua radio của bệnh viện, tấp vào bất cứ chỗ nào có nạn nhân, làm những động tác cấp cứu cần thiết ban đầu, xong cùng đồng sự chuyển vận nạn nhân về phòng hồi sinh "Đức Mẹ Từ Bi" (Mercy) mà người ta đặt tên là "Đức Mẹ Khốn Cùng" (Misery) bởi nơi ấy toán cấp cứu ngày đêm bị tràn ngập bởi đủ loại nạn nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội nhưng đông đảo nhất là tầng lớp rách rưới, nhớp nhúa, nạn nhân của các tệ nạn xã hội, của kiếp sống không độc lập mà cũng không tự lập nổi. Có người được mang vào, trốn trại, trở lại đập phá ngoài xã hội, lại được mang vào, lại quậy trong nhà thương. Có nạn nhân chơi ma túy, vào trại nhiều lần đến đổi một nữ y tá phải nói thẳng: "Không hiểu nổi sao chúng tôi phải cứu giúp các ông. Chúng tôi đâu có bán ma túy cho các ông. Chúng tôi đâu có dâng ma túy lên tận mũi các ông." Frank Pierce một lần vào cứu một phụ nữ "không nói được tiếng Anh" và được người nhà mô tả là "trinh nữ," làm vài động tác, chính anh phải đỡ đẻ luôn lôi ra hai hài nhi mà khi hộc tốc chạy về tới phòng hồi sinh đang hỗn loạn như từ bao giờ, một đứa máu me dưới làn môi anh đang hô hấp nhân tạo đã nín thở. Trong những cảnh đời tối tăm mà Frank dấn thân vào để cứu người ấy, dần dà anh thấy có bóng tối dâng lên trong anh: Anh không cứu được ai nữa hết. Trong bóng tối cụ thể trên đường phố anh luôn thấy hiện ra khôn mặt của Rose như một bóng ma 18 tuổi luôn luôn buồn rầu trách móc: Sao anh giết tôi, Frank? BÓNG TỐI XÃ HỘI. Thật ra, khi Martin Scorsese phát biểu rằng làm phim dựa theo tiểu thuyết của cựu chuyên viên y tế cấp cứu Joe Connelly với toán làm phim của "Taxi Driver" (Hình ảnh: Robert Richardson, Oscar với phim "JFK," kịch bản: Paul Schrader) nhà đạo diễn đã "quan tâm đến phía tối, chỉ là để tìm thấy ánh sáng." Đó không phải là bóng tối của những cảnh đời vây quanh những nạn nhân tối tăm được vực vào phòng hồi sinh Đức Mẹ Từ Bi tràn ngập ánh sáng. Đó là bóng tối của những phương thức xã hội mà một "kinh thành ánh sáng" (gần 20 triệu người) đem ra cứu chữa và ngăn chặn những tệ nạn - ngăn chặn như thế nào mà bất cứ một "Đức Mẹ Từ Bi" nào tiếp nhận, cứu giúp, xong trả lại cho xã hội là y như phải rước vào những nạn nhân cũ, hoặc mới với y chang những tệ trạng cũ. "Từ Bi" đổi thành "khốn cùng" không phải là cách khôi hài đen mà phim sử dụng suốt. Cũng không phải là "khôi hài" hình ảnh một đồng sự của Frank trên đường phố, trong xe cứu thương chợt thấy tên bệnh nhân trẻ hôi hám nhiều lần vào trại rồi trốn trại, lập mưu tóm và đập vào mặt tên nầy cho đến chết; tên đó đang lủi trốn, dùng gậy bóng chày liên tiếp đập nát kính xe đậu dọc đường phố đêm. ÁNH SÁNG. Cứu người mà lại đập chết người, đó không phải là một kết cuộc mang tới ánh sáng. Hành động của Frank ở cuối phim cũng không thể xem như chiếu rọi một ánh sáng nào cho công tác cứu người: rút ống dẫn thở ra khỏi bệnh nhân, để cho nó chết vì sống mà chỉ thở bằng ống, tim vẫn đập mà trí óc không biết gì thì không thể coi như sống một cách bình thường được. Đó là giết người. Nhưng đó có phải là "người" không? Dù vậy, hồn ma của Rose 18 tuổi vẫn hiện ra, nhắc rằng hãy để cho "hơi thở và tim của nạn nhân tự nó ra đi," người của "Đức Mẹ Từ Bi" mới được phép hoàn tất công tác, công tác bình thường, không bị khủng hoảng, không bị ám ảnh, không đổ cho xã hội cái trách nhiệm cứ tạo ra trùng điệp những nạn nhân mà công tác từ bi, "rơi vào yêu đương" của những người như Frank chỉ tổ là những công tác khốn khó, khốn cùng. Các tác giả của "Bringing Out the Dead" cho khán giả một tia sáng về ý thức xã hội mà công tác "khốn khó" của những người như Frank Pierce là một cái cớ. Không phải vì thiên kiến mà đạo diễn Martin Scorsese luôn chọn "phía tối" của Manhattan, của New York, của đời sống để mang cái tiêu cực lên màn ảnh, lên nghệ thuật. "Từ khi lên 10 tôi đã bị xuyễn. Tôi xa lánh thể thao và chui vào phòng ngủ tối của tôi, hầu hết ngày giờ xem phim mà thoát ly... Sau này tôi lớn lên, làm phim tôi cũng muốn làm những phim cao bồi vĩ đại, phim ca nhạc, phim chiến tranh phiêu lưu hoành tráng. Thời đại đổi thay. 'On the Waterfront' (Trên Bến Cảng) ra đời, phim Đợt Sóng Mới của Pháp ra đời..." Martin Scorsese là đạo diễn của khuynh hướng xã hội rõ rệt. Ông rất nổi tiếng. Nhưng ông nói: "John Ford bốn lần đoạt Oscars. Còn tôi, tôi muốn tạo một thế giới khác, phản ánh một thế giới khác. John Ford và ngày nay Spielberg ở trong truyền thống của dòng chính, muốn tiếp tục truyền thống ấy. Tôi muốn cái gì khác." Cái gì khác đó có khác với những tiếng tăm của "Taxi Driver" (1973), "Raging Bull" (1980), "Good Fellas" (1990)? Nhưng cái giống nhau thì đã hẳn: "Tôi làm phim tôi thích." "Cái thích" của Martin Scorsese đã lôi cuốn cái thích của vợ chồng Nicolas Cage - Patricia Arquette và cả hai đã thủ diễn những vai rất tuyệt trong phim. Cage phải đi theo một đơn vị y tế cấp cứu ở phía nam trung tâm Los Angeles "học tập thực tế." Arquette trong vai một người con gái thuần hậu, âu lo cho bệnh tình khẩn cấp của cha, đã lôi cuốn tâm tình của người chuyên viên y tế lo cho cha mình, đã bất ngờ cho thấy là một nạn nhân ma túy ở phía tối của xã hội. Cái mặt tối này chắc không lôi cuốn quầy vé giải trí và hội đồng các giải thưởng. Cái đó đạo diễn Scorsese đã biết, nhưng ông nói: "Làm được phim, đó đã là giải thưởng." ON AND ON AND ON