1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phóng sự của Longhair12 ở Huế

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi longhair12, 18/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. longhair12

    longhair12 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    85
    Đã được thích:
    0
    Ừ, Mít nói đúng quá.
    Hãy bắt đầu từ bản thân mình đã.
    Ngay Longhair đọc thư về môi trường của tù trưởng oai hùng người da đỏ và thấy rằng Ông nói rất đúng nhưng những việc mà ông yêu cầu Tổng Thống Hoa Kỳ dạy bảo con cháu thì là điều không tưởng......., không thực hiện được dù tổng thống ấy có hứa - mà lời hứa ấy được đảm bảo bằng vàng đi chăng nữa... .
    Bắt đầu từ chính mình. Mít nhỉ.
    -----------------------------------------------------------------------------
    PHần II: Nét Huế
    1. Nghệ thuật Kiến Trúc
    Xin kể với các bạn là hai mẹ con Longhair đi chơi đều có người hướng dẫn. Đó là gia đình nhà chú của Longhair. Nếu chú bận thì đi chơi cùng với Hổ. Cũng nên kể sơ qua về nhà chú, gia đình có bốn người, hai vợ chồng và hai cậu con trai. Cả hai vợ chồng chú hiện đang công tác và giảng dạy tại Trường ĐH Huế. Nhìn vào gia đình chú thì đúng là một mẫu hình gia đình đáng để mơ ước. Cả hai vợ chồng rất đẹp đôi. Chú là Tiến sĩ đồng thời là giảng viên của Trường ĐH Huế, Vợ chú phụ trách ban Văn thư của toàn trường. Chồng phong độ, hài hước và rất mực chiều vợ thương con, vợ nền nã và đảm đang khéo léo. Còn hai cậu con trai trông rất nhanh nhẹn và sáng sủa. Đặc biệt, Longhair rất có ấn tượng với cậu bé thứ hai tên gọi ở nhà là Hổ. Đây là thành viên không thể thiếu trong bài viết này của Longhair. Đó là một cậu bé cao, gầy nhưng chắc khoẻ (chiều nào cũng đánh cầu lông cùng Longhair mờ), rất đẹp trai và có cá tính. Tuy còn nhỏ tuổi (năm nay lên lớp 7 nhưng cậu cũng đã tỏ ra khá chững chạc, am hiểu về Huế như một hướng dẫn viên du lịch hơn thế cậu còn rất sành sỏi trong vấn đề ẩm thực sẽ giới thiệu ở phần sau.
    Longhair đi thăm nhiều nơi như Đại Nội, Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, Đàn Nam Giao, Đồi Thiên An, Chùa Thiên Mụ (Longhair cũng chụp ảnh dưới chân chùa Thiên Mụ như trong một bài hát nhưng quá tiếc lại không có anh chàng nào theo để mà hát "Dưới chân Thiên Mụ, anh còn nhớ không?" Uổng!().
    Lẽ ra Longhair cũng còn muốn viết bài về Đại Nội nhưng vì bài viết quá dài nên hẹn vào dịp khác vậy. Bây giờ Longhair viết về lăng Khải Định - để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Longhair.

    So với 6 khu lăng tẩm khác của các Vua nhà Nguyễn, thì Lăng Khải Định là lăng sau cùng, mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất nhưng công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của. Công cuộc kiến trúc Lăng Khải Định kéo dài 11 năm từ năm 1920 - 1931.
    Dưới thời Khải Định (1916 - 1925), chủ quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hoá nghệ thuật Phương Tây thâm nhập mạnh vào nước ta (như sử dụng những cánh cửa sắt, gạch ca rô, ngói ác đoa (ardoise), cột thu lôi (paratonnerre)...) cho nên lăng Khải Định đã kết hợp một số yếu tố hiện đại (éléments modernes) với nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Những yếu tố núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều được dùng làm yếu tố phong thuỷ địa lý: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thuỷ tụ, tạo ra cho Lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Nhưng giá trị nghệ thuật cao nhất của Lăng này là ở phần trang trí nội thất cung Thiên Định, công trình kiến trúc chính của lăng. Khi vào đây, quý vị sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi nghệ thuật kiến trúc rất hiện đại. Thời kỳ này là thời kỳ đồ sành sứ phát triển rực rỡ. ở các mặt tường và trần của Tả, Hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu xanh sẫm vẽ lên xi măng để giả đá cẩm thạch trông giống như thật. Longhair đã quan sát kỹ những bức hoạ Long Vân với diện tích hàng chục m2, trên trần 3 phòng giữa cửa cung Thiên Định đang được các hoạ sĩ Việt nam hiện đại công nhận là những bức hoạ hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội hoạ nước ta - Đó là về hội hoạ.
    Còn về nghệ thuật ghép mảnh lên tường thì sao? Những bàn tay vàng của các Nghệ nhân đầu thế kỷ XX đã dùng hàng vạn mẫu sành, sứ, thuỷ tinh đủ màu để đáp nối thành hàng ngàn hình ảnh cung đình và dân gian sinh động, vui mắt; các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngũ quả (trông như thật, Longhair thèm quá, định hái xuống, vừa sờ vào đã bị hai anh bảo vệ nhắc nhở, híc híc ... đúng là sờ vào gẫy tay). Mọi hình ảnh tuy được kết cấu bằng những vật liệu cứng nhưng nhờ vào sự tạo hình khéo léo nên trông vẫn thanh nhã, mượt mà, óng ả, long lanh.
    Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự toạ tuy làm bằng xi măng nhưng các bậc nghệ nhân thời ấy đã tạo ra được cho người xem cái ảo giác của nó rất nhẹ nhàng, như có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Longhair và Chú đã đứng ngắm nhìn nó đầy say mê và ngưỡng mộ. Chú đã chỉ cho Longhair thấy mỗi một bức hoạ, mỗi một điểm ghép nối đều đem lại cho Longhair một điều gì mới mẻ, sống động qua không gian và thời gian. Mọi sự dưới thời Khải Định như đang lướt qua trước mắt du khách qua những bàn tay điêu luyện của các bậc nghệ nhân. Tùng, Trúc, Cúc, Mai biểu hiện một đời sống mang đậm nét văn hoá.
    Nếu bạn đến Huế thì không thể không ghé qua Lăng Khải Định, bạn sẽ được lạc vào một thế giới phồn hoa đô hội của ngày xưa hay lạc vào một khung cảnh thơ mộng có liễu rủ, mưa rơi, thú vật đang chạy nhảy trên đồng cỏ, những đôi chim đang chao lượn trên bầu trời.
    Ngoài ra, còn có chữ "Phúc", " Thọ" và "Vạn Thọ" - hàng trăm chữ được cách điệu bằng hàng chục hình thức khác nhau: tròn, vuông, chữ nhật, hình cái lư, ***g đèn. "Thọ" - sống lâu mang nghĩa sống gửi thác về của các Vua nhà Nguyễn. Với tượng đồng bia đá của cung Thiên Định giống như một Viện bảo tàng với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vỹ, Lăng Khải Định là một mỹ thuật tổng hoà của nhiều dòng văn hoá, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim cổ, đông tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống thích chưng diện của Vua Khải Định lúc sinh thời (ở đây Longhair không phê phán lối sống của vua Khải Định mà chỉ là diễn tả một cách trung thực theo cách nhìn nhận của mình mà thôi. Còn nếu bạn muốn đàm luận với Longhair xét theo kiểu công và tội của các bậc đế vương như Tần Thuỷ Hoàng, Khải Định hay bậc vương tôn trong hoàng thất như Trần Thủ Độ thì cứ cho biết nhé) và đánh dấu giai đoạn giao thời giữa hai nền văn hoá á - Âu của XH Việt Nam đầu thế kỷ.
    Sở dĩ vì sao Longhair giới thiệu với mọi người kỹ về Lăng Khải Định bởi đây là công trình theo Longhair đánh giá là nghệ thuật cực kỳ đặc sắc, góp phần quan trọng vào việc UNESCO xếp Huế là kỳ quan của thế giới.
    2. Nghệ thuật ẩm thực
    Vào đến Huế, các bạn không những bị hoa mắt bởi các công trình kiến trúc đồ sộ mà còn bị choáng ngợp bởi nghệ thuật ẩm thực của người dân Cố Đô.
    Longhair cũng vậy, đành hy sinh cái eo thon thả để thưởng thức các món ăn (như vậy thì mới có tư liệu để mà viết cho các bạn chứ ---> tinh thần vì mọi người đó nha).
    Hổ như đã nói với các bạn ở phần trên, là một cậu bé nhanh nhẹn và hiếu khách. Cậu khá am tường về các món ăn của quê hương mình. Có một hướng dẫn viên như thế thì còn gì bằng. Longhair đã được thưởng thức món bánh: Bánh cuốn Kim Long, bánh canh cá lóc, bánh khoái, bánh phu thê, bánh ít đen, bánh bột lọc. Bún bò giò heo, bún bò chả. Chà tuyệt vời.
    Đồ uống: chè hẻm, nước mía...vv.
    Còn nhiều thứ nữa nhưng Longhair chưa có thời gian để thưởng thức hết như bò bía, nem lụi...
    Buổi tối hai mẹ con Longhair quây quần bên mâm cơm cùng gia đình chú. Vợ chú nấu nướng rất ngon. Longhair đặc biệt thích món cá kho mà cô làm. Nếu các bạn được thưởng thức cùng với Longhair thì sẽ không thể quên đựơc đâu.
    Tối đầu tiên sau khi chè chén no say, Longhair cùng chú và Hổ đi dạo một vòng trên bờ sông Hương vào ban đêm. Sau đó cả ba bố con chú cháu về, mỗi người làm một bát Bánh canh cá lóc to bự. Thèm không? Longhair giới thiệu với các bạn về món ăn này nhé.
    Bánh canh bao gồm các thành phần sau:
    Phần cái:
    a. Bánh canh.
    Qua tìm hiểu thì Longhair được chú cho biết có hai loại:
    Một loại bằng bột gạo và một loại pha giữa bột gạo và bột mỳ. Họ làm thành các sợi to như bánh phở nhưng mà dạng vuông dầy chứ không dẹt như bánh phở. Loại bột gạo pha mỳ có thể phơi khô và để lâu hơn là loại chỉ có bột gạo không (loại này dễ chua)
    b. Cá lóc:
    Theo gouter của Longhair thì cửa hàng mà Longhair vào tuy bình dân nhưng cá ở đây thuộc vào loại ngon, tươi. Cá lóc được người ta làm sạch sẽ và chiên giòn đến độ dai sau đó người ta trộn với màu nghệ để tạo sự hấp dẫn, kích thích cho người ăn.
    Phần nước
    Đây là thành phần cực kỳ quan trọng tạo nên độ hấp dẫn trong món ăn này. Nếu người làm không khéo thì tất cả những công phu chuẩn bị từ trước sẽ đổ thành công cốc. Nước lèo tuy đơn giản nhưng nếu không làm cẩn thận sẽ tạo cho người ăn có cảm giác đây không phải là nước của món bánh canh cá lóc.
    Đặc biệt món không thể thiếu ở hầu hết các món ăn của người dân xứ Huế đó là ớt. Theo Longhair có thể sánh tài ăn ớt của người dân nơi đây với người ấn Độ. Nếu thiếu nó thì ... Bạn nào đã tomber d' amoureux hoặc đã say mê một ai đó thì sẽ hiểu rõ cảm giác này!!! ớt là thứ dễ tìm thấy nhất trên các bàn ăn ở Huế. ở quán bình dân, thì thường người ta cũng không chú trọng đến phần trình bầy lắm bởi cứ khi có khách là người ta làm và bưng ra cho thực khách thôi. Còn theo Longhair được biết thì trong một bữa ăn nghiêng về nghệ thuật người ta sẽ trình bầy các món ăn đạt đến độ khéo léo, cực kỳ tinh xảo.
    3. Người dân xứ Huế
    Cảnh vật nơi đây yên ả, thanh bình. Còn con người ở đây thật thà, chất phác và đặc biệt hiếu khách. Bạn cứ nghĩ mà xem nếu cứ phải đi nhiều trong những ngày hè nóng nực thì cũng chán chứ. Đó là cảm nghĩ của Longhair nhưng vào đây rồi mới thấy mình lầm, Longhair được gia đình chú hướng đãn tận tình chu đáo. Longhair cũng thấy áy náy nhưng dường như điều này là hơi thừa bởi người dân nơi đây coi trọng tình cảm lắm. Chắc hẳn qua những điều Longhair kể trên các bạn cũng cảm nhận được phần nào. Không phải chú là chú của Longhair mà nói vậy, tình cảm tất nhiên là một chuyện nhưng chất con người có sẵn trong tâm hồn mới là quan trọng nhất. Nó chân chât, ngọt ngào như nước giếng khơi.
    Longhair vào Huế lần này là lần thứ hai, nhưng lần đầu năm 4 tuổi thì không còn nhớ chi cả, chỉ nhớ trong Huế có nhiều cây hoa đại màu trắng và đến nhà một cô bạn của mẹ ăn món tôm. Từ lúc đó Longhair chưa được gặp lại một bữa ăn nào mà hình ảnh con tôm nó đỏ au ngon lành đến thế. Có lẽ hồi đó là còn nhỏ nên màu sắc đập vào mắt Longhair để lại trong Longhair một điều gì đó không phai chăng? Longhair vừa kể chuyện lại với cô bạn của Mẹ như vậy, cô liền bảo trưa hôm sau cô mời hai mẹ con sang ăn cơm và cô đãi lại món tôm như khi Longhair còn bé. Quả thật, Longhair cảm động quá, nước mắt ầng ậc, nghẹn cả giọng chẳng nói được câu nào (í ẹ, lớn tướng rồi còn khóc không cẩn thận lại bị cu Hổ cười cho). Thôi không kể nữa kẻo bạn lại ghen tị với Longhair vì khi sang ăn, Longhair được cô tiếp cho nhiều con tôm đỏ lắm, lại to nữa chứ.
    Nhớ đã đời.
    Phần III: Chuyện ở Huế
    Trước hết Longhair sẽ đưa mọi người ngược về quá khứ, chuyện này theo Longhair thì các chàng trai có thể thích thú lắm đây.
    Vua Thành Thái chọn quý phi
    Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tân, Kim Long là nơi đô hội. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687) đưa thủ phủ về Phú Xuân, Kim Long được giao lại cho các ông hoàng, bà chúa, các gia đình quan lại làm nhà, lập vườn và chẳng bao lâu Kim Long đã trở thành một vùng ngoại ô xinh đẹp, cây trái bốn mùa. Đặc biệt, con gái Kim Long phần đông làm nghề thủ công ở chỗ im mát, lại xuất thân từ các gia đình có nền nếp, có văn hoá cho nên vừa đẹp người, vừa nết na, duyên dáng và rất dễ thương... Sự hấp dẫn, nét kiều diễm của con gái Kim Long đã vang xa... đến nỗi các bậc quân vương trong cung cấm phải cháy ước mơ để rồi trốn triều thần "vi hành" đến tận nơi mong nhìn tận mặt giai nhân. Vì thế trong dân gian có câu ca rằng:
    "Kim Long có gái mỹ miều
    Trẫm yêu, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi!"
    Câu hát không nói rõ "trẫm" ở đây là ai, nhưng nhiều người quả quyết là chỉ có "Ngài Thành Thái" mới dám "liều" như thế...
    Chuyện kể rằng: Vào một ngày trong Tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang làm một người dân bách tính đi "liều" lên Kim Long để tìm chọn một Quý Phi. Đến nơi, nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý (khó tính quá), thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về. Đò ghé vào. Khi bước lên, ông thấy cô lái, khoảng chừng mười tám đôi mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng ông bỗng xao xuyến rộn lên một niềm xúc cảm lạ lùng... Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột:
    - Ni, o tê! O có muốn lấy vua không?
    Cô lái đò tình thiệt, nhìn ông khách lạ đời đáp:
    - Đừng nói bậy mà họ lấy đầu chừ!
    Giọng điệu và bộ dạng thật thà của cô gái càng đáng yêu hơn, vua Thành Thái đổi giọng:
    - Tui nói thiệt đó, o muốn lấy vua thì tui làm mối cho! (Ngày xưa còn thật thà chắc như bây giờ thì sẽ bị lườm nguýt bảo rằng hâm hè?)
    Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng cúi mặt nhìn lơ qua chỗ khác. Một khách đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc như vừa mới đi dự lễ về, tủm tỉm cười , vui vẻ bảo cô gái:
    - Ni, o tê! O cứ nói "ưng" để coi thử nờ!
    Cô lái đánh bạo nói nhanh:
    - "Ưng". (Cả tin quá. Cẩn thận kẻo bị mang sang Trung Quốc bây giờ)
    Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi vể phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mũi thuyền. Mặc cho cô gái e thẹn, dùng dằng, ông bảo:
    - Rứa thì Quý Phi ngồi nghỉ để Trẫm chèo cho. (Trời ơi! Lãng mạn quá. Hôm trước Longhair cũng ra đấy để ăn bánh cuốn kim Long và cố gắng nhìn quanh quất xem có anh chàng nào tướng mạo như vua giả trang không nhưng thật tiếc là không có. Bực quá ăn hết vèo cả đĩa bánh cuốn. Xong trước tiên.)
    Nói rồi vua đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ của mọi người. (Bạn thấy không làm con gái đẹp cũng sướng đấy chứ). Trước cử chỉ đó, những người khách nhận ra người khách lạ đời kia chắc là vua Thành Thái, trong lòng vừa vui vừa sợ....
    Chiếc đò xuôi theo dòng Hương Giang êm ả. Cô lái không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra...
    Đến trước Kinh Thành, Vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người:
    - Thôi các khanh đứng dậy trả tiền đò cho trẫm và tiễn đưa Quý Phi vào cung. (Vua khôn quá, vừa không mất tiền lại được vợ đẹp).
    Lời vua là ý trời, mọi người răm rắp tuân theo. Tất cả quỳ rạp xuống tung hô Vua và Quý Phi vạn tuế. Mãi đến lúc ngẩng lên thì chẳng còn ai nữa, tưởng như một giấc chiêm bao về Cô Bé Lọ lem.
    E hèm, tới đây là chuyện ngày nay.
    Vào chợ Đông Ba, Longhair cũng còn đang ngây ngất vì câu chuyện lãng mạn vừa rồi. Cứ tưởng tượng mình là cô lái đò đất Kim Long đi chợ. Thế mới chết chứ. Rảo một vòng chợ, mỏi chân quá, ngồi xuống đúng hàng giầy dép.
    Gọi một anh đứng lấp ló trong đó - chắc là chủ hàng
    - Này, anh ơi. Cho em xem đôi xăng đan kia nào, cái đôi màu đỏ ý.
    Xỏ vào chân thấy không ưng lại chỉ đôi khác cũng màu đỏ. Vẫn chưa ưng, cứ léo nhéo chê là dây to, trông không mảnh mai, cục mịch. Vậy mà anh chàng không tức giận gì cả cứ tơi tới đưa cho Longhair làm Longhair ngỡ mình số dzách đây. Thử nhiều quá, đau cả tay, cả chân vì cứ phải tháo ra xỏ vào và mỏi cả miệng ... vì mải chê.
    Mãi đến lúc một chị bên cạnh vừa chỉ vào anh chàng bán giầy dép bảo chỉ có anh này là mảnh mai thôi. Nói xong tủm tỉm cười và cả hai anh chị cùng đi ra. í ẹ, hoá ra họ cũng là khách mua hàng. Và một bà xồn xồn ở trong góc ló ra với một bộ mặt bự phấn khó chịu hỏi Longhair mua gì mà thử nhiều thế, thấy Longhair không ưng đôi nào bà rầm rĩ lên. Hoảng quá, kế sách của Tôn Tử bay sạch khỏi đầu, chỉ còn đánh bài chuồn.Wow.
    Thôi chuyện đã quá dài, hẹn gặp lại mọi người trong kỳ sau nhé.
    Au revoir! à bien tôt! J' espère que vous m' écrivez! Je vous attends.
    Ngoc xanh

Chia sẻ trang này