1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phong tục ,tập quán của các dân tộc sinh sống trên yên bái và lào cai

Chủ đề trong 'Lào Cai - Yên Bái' bởi dukickvietnam, 24/08/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Phong tục ,tập quán của các dân tộc sinh sống trên yên bái và lào cai

    Nét đẹp văn hóa chợ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai)

    Chợ văn hóa huyện Bắc Hà - Lào Cai (hay còn gọi là chợ phiên) từ lâu không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

    Chợ văn hóa Bắc Hà nằm ở giữa trung tâm huyện lỵ, chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày chủ nhật. Vì vậy ngay từ sáng sớm, trên các ngả đường từ các thôn bản về trung tâm huyện lỵ, từng đoàn người trong trang phục rực rỡ màu sắc cùng nhau xuống chợ. Trong sương sớm ngày chủ nhật, các chủ quán thức dậy giết dê, mổ trâu, ngựa, nấu thắng cố phục vụ du khách, bà con. Ở đâu đấy vang lên điệu hát giao duyên, tiếng khèn, tiếng sáo tâm tình như chào gọi. Về chợ, đa phần mọi người ai nấy đều mang theo sản vật của núi rừng, vừa để bán đổi lấy vật dụng lao động, thực phẩm và mời bạn uống rượu, ăn thắng cố thủ thỉ tâm tình hoặc bàn cách làm ăn.

    Chợ văn hóa Bắc Hà giờ đây hàng hóa đa dạng. Ngoài những mặt hàng mang từ dưới xuôi, chợ còn phong phú về nông lâm sản, sản phẩm của bà con như: hàng thổ cẩm, mật ong rừng, măng rừng, chè đặc sản, nấm hương, mộc nhĩ, rượu ngô, gà đen?đã và đang thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và du khách trong nước và khách nước ngoài. Cùng với quả mận tam hoa, lê, đào thì rượu Bắc Hà đã theo chân du khách khắp mọi miền đất nước. Dân gian đã có câu ca dao:

    ?oKhi vào nhớ dốc Trung Đô
    Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà?

    Mỗi phiên chợ có từ 4 đến 6 hàng thắng cố - đây là điểm trò chuyện làmg quen, kết giao làm ăn của trai bản và các già làng. Bên chén rượu ngô đặc sản, bát thắng cố thơm lừng, mọi người như gần nhau hơn. Mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu, ngựa giống tốt được khách mua đưa về xuôi, số khác được trao đổi, bán mua với cư dân quanh vùng là động lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển và phục vụ sản xuất. Mặt hàng nông cụ cầm tay khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Đối với những người vùng cao khi đi chợ ai nấy đều mua sắm một vài dụng cụ để chuẩn bị cho công việc sản xuất.

    Khi mặt trời trở về hướng tây, sườn núi xuống dần, các chàng trai chuếnh choáng, má các cô gái ửng hồng, từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay, ai cũng mong gặp lại nhau trong phiên chợ tới. Thế mới có câu hát níu chân người:

    ?oRượu chưa uống mà lòng ngây ngất
    Phiên chợ tan mà anh chẳng muốn về??
  2. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Một số đồ vật trong lễ cúng tết Vu Lan của người Cao Lan Yên Bái
    Cũng giống như bất kỳ dân tộc nào trong cộng đồng người Việt Nam, tết Vu Lan của người Cao Lan, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được coi là dịp tết để thể hiện lòng hiếu đễ với cha mẹ, tổ tiên. Trong dịp này họ cũng làm cơm mời các thổ thần, các linh hồn kiếp trước bị oan sai về dự lễ. Với người Cao Lan đây còn là một nét văn hóa đặc sắc mang tính giáo dục con cháu được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
    Trước tết một ngày, mọi thành viên trong gia đình người Cao Lan đều lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trâu bò được chuẩn bị đồ ăn trước, gà, lợn được nhốt trong chuồng. Người đàn ông trong gia đình lo lau chùi lại giương thờ, bát nhang. Người phụ nữ lo việc giã gạo, xay bột làm bánh. Những thành viên khác chuẩn bị lá làm bánh, củi và phụ giúp các việc cho lễ cúng.
    Đồ cúng của người Cao Lan được chuẩn bị rất công phu, bên cạnh giấy màu, rượu, thịt gà, vịt và thịt lợn, các loại bánh không thể thiếu như bánh vắt vai, bánh gai, bánh tét, bánh dày, bánh chưng, bánh rợm, xôi năm màu? các loại bánh này đều được gói bằng lá chuối rừng rồi đồ trong chõ, riêng bánh chưng được gói bằng lá dong và đem luộc. Điều đặc biệt các loại bánh trên đều được làm từ bột, gạo nếp có nhân làm bằng mỡ lợn băm nhỏ trộn cùng lạc, vừng, đỗ xanh và dùng cả quả đài hái trên rừng.
    Lễ cúng tiến hành với nghi thức trang nghiêm. Người đàn ông lớn nhất trong gia đình giữ vai trò dâng báo với tổ tiên, mời tổ tiên về dự tết cùng cháu con và nhận mặt cháu con, phù hộ cho gia đình sức khỏe, con cháu đầy nhà và cầu thần linh cho mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tốt tươi, trồng cấy và chăn nuôi gặp nhiều may mắn.
    Trong mâm cỗ người Cao Lan, cũng thể hiện rõ sự uy nghi, vai trò của người trụ cột và những người đàn ông trong gia đình. Thường thường những ngày này họ cũng mời bạn thân, bạn tri kỷ đến dự cỗ. Những người đàn ông trong nhà và khách quý được ngồi tại mâm giữa trong gian chính. Phụ nữ và trẻ em thì ngồi gian bên cạnh bởi với người Cao Lan phụ nữ luôn là cái bóng của người đàn ông do vậy họ luôn đứng sau hoặc bên cạnh. Thức ăn, đồ chấm được bày hoàn toàn trên các tàu lá rừng hay lá chuối, riêng xôi và bánh được chia đều ra các góc.
    Năm nay là năm nhuận có 2 ngày rằm tháng bảy, người Cao Lan vẫn làm lễ cả hai song ngày lễ của tháng đầu được coi trọng hơn, việc làm các loại bánh và sắm sửa cho nghi lễ vẫn được đồng bào lưu giữ đây thực sự là một nét văn hóa đặc sắc của người Cao Lan.
  3. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Tục ở rể của đồng bào Dao quần trắng
    Xã Vũ Linh huyện Yên Bình (Yên Bái) là nơi quần tụ của 5 đồng bào dân tộc là Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan, trong đó đồng bao Dao quần trắng chiếm chủ yếu. Kinh tế phát triển, theo đó cuộc sống của đồng bào đã có bước phát triển rõ nét so với trước. Tuy thế, những giá trị văn hoá truyền thống và nét bản sắc riêng của các tộc người nói chung và người Dao quần trắng nói riêng vẫn đang được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt tục ở rể ?" một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của đồng bào cho đến giờ vẫn còn giữ nguyên được nét bản sắc.
    Tục ở rể được thực hiện trước từ một đến ba năm khi lễ cưới chính thức được tổ chức và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của nhà trai. Để được nhà gái cho ở rể, nhà trai nhất thiết phải chuẩn bị để đưa sang nhà gái một mâm lễ vật gồm: Một đồng bạc trắng hoa xoè, một chiếc vòng tay ?olá hẹ? bằng bạc trắng, 6 đôi gà và một con lợn dò chừng 30 kg.

    Bạc trắng và vòng tay được coi như vật tín trao cho người con gái, còn lại gà, lợn sẽ được đem ra giết thịt để dâng cúng tổ tiên chính thức công nhận người con trai trở thành con rể và được phép ăn ở, qua lại trong gia đình nhà vợ một cách đàng hoàng.

    Đáp lễ và để cầu phúc cho đôi trẻ, bà mẹ người con gái sẽ tặng lại cho con gái và con rể một chiếc địu hoa do chính tay bà mẹ cắt khâu, ngụ ý mong các con sớm có con bồng con bế theo quan niệm ?ocó nuôi có lãi? của đồng bào.

    Tục ở rể tuy không thành văn nhưng nó đã tồn tại từ rất nhiều đời nay trong quan niệm và trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Trên cơ sở của sự tự nguyện nhưng vẫn đặt trong một khuân phép lễ giáo, tục ở rể như một sợi dây vô hình gắn kết tình cảm và trách nhiệm của hai gia đình, giúp đôi bạn trẻ ý thức hơn về mình trước hạnh phúc gia đình và cuộc sống sau hôn nhân.

    Cuộc sống hiện đại với sự giao thoa của các nền văn hoá nên tục ở rể của đồng bào Dao quần trắng ở Vũ Linh cũng có đôi nét thay đổi. Người con trai thay vì phải đến nhà gái ở rể như trước đây, thì nay đã vẫn có thể ở nhà mình nhưng phần lễ vật mang sang nhà gái vẫn phải sắm đủ và mỗi năm góp chung với nhà gái một món tiền nhỏ từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng.

    Được biết, những trường hợp ở rể như thế này không nhiều, phần lớn các gia đình người Dao ở Vũ Linh Yên Bình hiện nay vẫn khuyến khích con cháu mình giữ gìn nề nếp phong tục của tổ tiên xưa. Việc bảo tồn các sinh hoạt văn hoá này sẽ góp phần làm phong phú thêm bản sắc dân tộc và các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Yên Bái.
  4. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Dân tộc Kháng còn có những tên gọi khác là Háng, Brển, Xá với các nhóm đia phương là Kháng Dẩng, Kháng Súa, Kháng Hoặc, Kháng Dón, Ma Háng, Bẻng, Bư Háng Cọi?, dân số khoảng 4 vạn người, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Người Kháng là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc nước ta.
    Nhà ở của người Kháng gồm hai loại: nhà tạm bợ và nhà kiên cố, gồm 1 mái hoặc 2 mái, không phủ nóc, không có chái, cửa sổ chính thông suốt từ đầu này đến đầu kia và thông với cầu thang lên xuống. Người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua cay như cá ướp chua, dưa lá củ ráy?Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hoá độc đáo của người Kháng.
    Do chịu ảnh hưởng sau sắc của văn hoá Thái nên trong sinh hoạt hàng ngày người Kháng có nhiều nét giống với người Thái. Những bộ trang phục của phụ nữ Kháng rất giống với trang phục của phụ nữ Thái trắng. Cũng do nằm trong sự quản lý của các mường Thái trước đây nên người Kháng không có tổ chức xã hội riêng. Kiểu gia đình phụ hệ chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ như tục ở rể, vai trò của ông cậu?
    Cưới xin và ma chay là những hoạt động mang đậm tính văn hoá của người Kháng. Ngày xưa, việc lấy vợ, lấy chồng phải trải qua nhiều nghi thức phức tạp. Sau bốn năm đêm tìm hiểu ngủ tại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì báo cáo với gia đình để tổ chức lễ ăn hỏi và thực hiện rất nhiều các nghi thức khác trước khi tổ chức cưới. Lễ cưới của người Kháng được tiến hành gồm 2 bước: chàng trai đi ở rể và đưa dâu về nhà chồng. Thông thường sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt họ hàng, nhà trai mới tổ chức cưới lần hai và đón dâu về nhà. Ngày nay, các nghi thức trong hôn lễ của người Kháng đã được giản tiện đi rất nhiều, tục ở rể thưa dần và thời gian ở rể cũng ngắn đi?
    Trong tang lễ người Kháng có tục "chia của" cho người chết gồm chăn đệm, dao bát, đĩa, hòm đựng quần áo, ống nước, giỏ xôi?và những gì người quá cố thường dùng. Phía đầu mộ người ta còn chôn một cái cột cao, trên đó buộc một con chim bằng gỗ và một cái áo của vợ hay chồng người quá cố. Người Kháng còn tin và thờ cúng nhiều loại ma, trong đó đáng lưu ý là tục thờ ma bố và ma mẹ. Việc cúng bố mẹ được tiến hành ba năm một lần. Đây là một trong những lễ cúng lớn nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới ăn cơm, uống rượu, sau đó múa xoè thâu đêm.
  5. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Nét đẹp trong dân ca, dân vũ Mường
    - Nằm trong sự phát triển chung nền văn hóa dân tộc mình, kho tàng văn nghệ của cộng đồng người Mường sống quanh vùng lòng chảo Mường Lò huyện Văn Chấn (Yên Bái) khá phong phú. Điều này thể hiện ở dân ca, dân vũ và nhạc cụ.
    Trước hết nói về dân vũ (múa Mường). Với dân tộc Mường, đặc trưng nhất là múa mỡi, múa nàng Tiên, múa Trống Tu, múa sạp, múa ống. Riêng múa mỡi ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn là khuôn múa nằm trong hệ thống múa "Thiêng" (gần với Then Tày) vì có sự hiện diện của ông mo. Tìm hiểu sâu sẽ thấy cái hay cái đẹp trong tất cả các điệu múa nói trên.

    Lấy một ví dụ ở múa mỡi: sau Tết, người ta tổ chức vui. Thày mo ra sàn diễn uống rượu cùng nhảy múa. Một cây bông làm bằng giấy hoặc vải nhiều màu, giữa chiếu đặt mâm quả để tăng sự linh thiêng cho các đường múa quanh thày mo. Nhạc cụ lúc này là những ống nứa ngộ (dài trên một mét), những diễn viên gõ nhẹ đầu ống lên sàn tạo thành âm thanh trầm bổng đều nhịp. Người tham gia múa cứ theo nhịp mà nhún chân, nhảy quanh thày mo, kết hợp với những động tác thể hiện như trồng lúa, gặt hái, mời rượu, mời cơm, bắt cá, săn bắn, trồng bông dệt vải v.v... Thày mo vừa làm động tác ăn uống vừa nghiêng ngả theo. Như vậy, múa mỡi cho thấy chất lãng mạn của con người, những khát khao mưa thuận gió hòa, cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Đấy chính là chất nhân văn, là bản sắc độc đáo của cộng đồng người Mường.

    Còn âm nhạc Mường nơi đây có gì ? Có thể nói, nhạc Mường nói chung và dân ca Mường nói riêng cũng rất đa dạng, phong phú. Chưa kể nhạc cụ, dân ca Mường có thể chia thành 4 thể loại:

    Loại hát giao duyên: Loại này gồm nhiều hình thức gọi chung là "đang", thể hiện như "đang thường" (hát lúc thường, lúc lao động); "đang cặp" (hát lúc có đôi, lúc đối đáp); "đang mừng" (hát khi hội hè, nhà mới, xuân về, cưới hỏi...).

    Loại hát ru (chủ yếu là ru con, tuy nhiên cũng dùng giai điệu ru này để bày tỏ nỗi lòng buồn, vui...).

    Loại hát giáo bùa (có đến 12 bài dùng trong ngày Tết).

    Loại hát mỡi (phần lớn dùng trong tế lễ, cúng bái).

    Trong 4 thể loại trên, "đang" là phổ thông. Người Mường thích "đang" bởi sự phong phú về cấu trúc câu đoạn, giai điệu phóng khoáng, ổn định và cơ bản. Tùy nội dung, hoàn cảnh mà người ta sáng tạo, đặt lời ghép vào để hát. Ví dụ ở hình thức "đang cặp" (hát giao duyên trai gái) dưới đây (lời cổ).

    Nam hát: ..."Lòng ước biến thành vàng thoi
    Thành đôi nón bạc cho nàng đội chơi
    Ơ ******** ơi..."

    Nữ đáp: ..."Lòng em cũng ước thành đôi áo đẹp
    Thành con dao bạc cho chàng gài lưng
    Ơ ******** ơi..."

    ở một điệu trong hình thức "đang" khác, anh con trai được vợ mới, nên mừng:
    ..."Mừng như con ngóe có nước
    Mừng như con cá lội vực sâu
    Mừng như con trâu được vũng rộng
    Mừng như chiếc trống có dùi..." (lời cổ)

    Ngược lại, cô con gái (người yêu cũ) trách chàng trai bạc tỉnh:
    ..."Chẳng biết tại lòng anh hay lòng cha mẹ
    Tại cha mẹ ta còn lấy được nhau
    Nếu tại lòng anh thì em chẳng dám..."
    (Trích trong "Đang mấng du" và "Đang cho phan")

    Cũng như các dân tộc khác, khi Tết đến xuân về hoặc lên nhà mới, hoặc vui trong đám hội, bà con thả sức hát ca hình thức "đang mừng".
    ..."Em biết chăng hôm nay ngày lành tháng tốt
    Bản mường mình đón năm mới về rồi..."
    (Trích "Đang mừng Tết")

    Từ đây "đang" đi vào các làn điệu và những nội dung mà người hát muốn bày tỏ (lời cổ)
    ..."Dậy dậy, bố con Tiếng, mẹ con Đang
    Tiếng và Đang, ta dậy từ hàng răng cật
    Dậy từ hàng răng nanh
    Dậy từ thuở vua anh sửa bịch
    Dậy từ thời vua em sửa nhà..."
    (Trích điệu "Dẩn Đang")

    Ngoài loại hát giao duyên được gọi chung là "đang", người Mường còn có hát giáo bùa. Hình thức giáo bùa là hát chúc Tết. Có đến 12 làn điệu về hình thức này. Thường hát hết một câu, một đoạn, người ta lại đánh một tiếng cồng hoặc tiếng chiêng. Thí dụ điệu "Mừng chúc năm mới" dưới đây:

    ..."Chúc tết nhà ông, trước ngõ cây cau, đằng sau cây mít (đánh một tiếng cồng hoặc chiêng). Ông bán trâu được giá trâu, ông bán nghé được giá nghé (lại đánh cồng hoặc chiêng). Thóc nếp trong nhà được đến tháng năm, gạo tẻ còn đến tháng chín, tháng mười (lại đánh cồng, chiêng). Năm mới, tôi xin mừng ông (kết thúc là một hồi cồng, chiêng...)".

    Ở loại hát mỡi là hát của ông mo (dùng trong cúng lễ). Giai điệu, khúc thức thể loại này có phần tự do, dễ dãi, vì vậy, người Mường bây giờ hay đặt lời mới vào để bày tỏ ý nghĩ, khát vọng của mình. Như thế, hát mỡi không còn giữ vị trí độc tôn trong tế lễ, cúng bái như ngày xưa nữa.

    Đến với dân ca Mường mới thấy những thể loại đã nói ở trên là phong phú. Hầu hết trong 4 thể loại đều mang giai điệu uyển chuyển, biến hóa. Điệu thức trưởng và thứ đan xen làm giai điệu đậm chất trữ tình (không câu nệ vào câu, đoạn, nhịp...). Nội dung chủ yếu là hình ảnh đất nước, quê hương, con người nơi xứ Mường giầu lòng nhân ái, bao dung. Thêm vào đó là tình yêu lứa đôi cùng những khát vọng ấm no, hạnh phúc và được thể hiện theo mùa, theo lễ hội, lễ nghi trong năm.

    Mỗi dân tộc đều có nền nghệ thuật phong phú, độc đáo khác nhau. Vì thế, cái hay, cái đẹp trong dân ca, dân vũ của cộng đồng người Mường Yên Bái đã góp thêm hương sắc trong đời sống văn hóa các dân tộc anh em nơi này.
  6. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Lễ hội ?otoọc moong" của người Mường

    Nghề dệt của người Mường.
    Người Mường cư trú chủ yếu ở vùng rừng núi. Vì vậy, hàng năm cứ đến dịp Tết Nguyên đán thì mọi công việc của họ như: lấy lá bánh, lấy củi, săn bắn, hái thuốc, đốn gỗ... phải kết thúc trước ngày 23 tháng chạp. Còn từ đó trở đi, người Mường làm lễ đóng của rừng để ăn tết. Người Mường cho rằng, ai đi lên rừng sau khi rừng đã đóng cửa thì dễ bị ma rừng bắt mất vía hoặc bị hổ, beo ăn thịt.
    Thực tế đã có rất nhiều hiểm họa trùng hợp khi nhiều người đi vào rừng trong thời gian ấy. Sở dĩ như vậy là bởi khi rừng đã "đóng cửa" không có ai lên rừng thì rừng trở nên yên tĩnh. Các loài thú, trong đó có hổ, báo bắt đầu mon men xuống thấp để ăn hoa màu hoặc bắt những con thú nuôi thả rông của người dân, thậm chí là bắt cả người đi vào rừng.
    Đã có lễ đóng cửa rừng thì đồng thời sẽ có lễ mở cửa rừng "lễ khai sơn", người Mường gọi là lễ "Toọc moong", tiếng Mường có nghĩa là đuổi hoặc săn hổ, beo. Lễ này được người Mường tổ chức trong một ngày vào khoảng thời gian từ mồng 7 đến rằm tháng giêng, tùy vào việc thầy mo xem ngày tốt, xấu. Nhưng có lẽ lễ hội "Toọc moong" được tổ chức phổ biến hơn cả là vào ngày mồng 7 - ngày hạ cây nêu.
    Việc tổ chức lễ hội này diễn ra theo phạm vi của từng mường, tương đương với một thôn hiện nay.
    Trước khi tổ chức hội, thầy mo làm lễ cúng trình báo nghi lễ tại miếu hoặc đình của mường vào chiều hôm trước hoặc sáng sớm hôm chính hội. Sau đó, già trẻ, gái trai kéo đến khu rừng (động) thuộc địa phận của mường quản lý và theo kinh nghiệm của họ thì khu rừng này vào kỳ nghỉ tết thú rừng thường kéo về nhiều nhất. Họ mang theo nỏ cứng, súng hỏa mai, giáo, dao, chó săn, tù và cồng chiêng, dây thừng. Một đám thợ săn lành nghề, khỏe mạnh được phân công đi trước đến những khu vực mà họ dự đoán thú rừng sẽ chạy qua nhiều đón lõng (mai phục). Đoán chừng việc đón lõng đã ổn định, thầy mo và chùm phường săn phát lệnh mọi người dùng cồng chiêng thúc chó săn cùng ùa vào rừng để đuổi thú. Thấy động thú rừng sẽ tìm cách chạy thoát thân theo ven các hẻm núi và chân các vách đá nên dễ bị các thợ săn mai phục ở đây hạ thủ. Con thú nào chạy ngược lại với đám đông đang thúc chó săn cũng bị những người thợ săn ở đó tiêu diệt. Khi một đám thợ hay một người nào đó hạ được thú thì nổi tù và thông báo cho mọi người cùng biết. Nếu may mắn thì chỉ cần trong khoảng thời gian ngắn sẽ có nhiều nơi tù và rúc lên. Nếu trong buổi Toọc moong không may trời mưa dày, sương mù không săn được thú thì mường phải mổ lợn, trâu để thay vào lễ cúng, nhưng rất hiếm khi việc đó xảy ra. Ước chừng thời gian săn bắn có thể dừng lại, ông trùm phường săn và thầy mo phát lệnh thu quân. Mọi người khiêng thú và đi về nơi khai hội để cùng nhau mang những con thú săn được về đình, miếu làm lễ cúng. Cảnh tượng của đoàn người khiêng thú rất sôi động, hồ hởi và đặc biệt ai đó hoặc nhóm người nào săn được con thú to, thịt ngon được chọn làm thịt trong lễ cúng thì họ vinh dự, tự hào lắm. Những con vật khác săn được không dùng làm lễ cúng thì được chia đều thịt cho mọi người. Nhưng riêng người hoặc nhóm người săn được con thú ấy thì được chia cả phần cho người, phần cho chó săn như nhau và được thêm cái đầu của con thú được cắt theo kiểu vít chóp tai con thú đến chỗ nào trên cổ của nó thì cắt ngay chỗ đó. Làm như vậy là để trả công, nhưng cũng vừa kích thích mọi người chịu khó luyện chó săn và thể hiện sự nhiệt tình trong khi cùng săn bắn.
    Lễ cúng của người Mường trong lễ hội Toọc moong là lễ cúng "Đức Thánh Tản" hay còn gọi cách khác là tục cúng "Sơn thần". Trong văn tế, thầy mo thường cầu Đức Thánh Tản phù hộ độ trì cho người người trong mường được khỏe mạnh, tránh được thiên tai, dịch họa, tà ma quấy nhiễu; mọi việc làm ăn thuận lợi và trong mường luôn đoàn kết yêu thương nhau.
    Về ý nghĩa dân gian của lễ hội này, qua tìm hiểu cho thấy đó là nghi lễ thờ thần núi khá phổ biến trong nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta. Cụ thể với người Mường, nghi lễ này thờ Tản Viên Sơn Thánh - một vị thánh thiêng liêng trong tâm linh của họ. Nó thể hiện ước nguyện về sự hài hòa của con người với thế giới tự nhiên. Xưa kia, rừng núi rậm rạp, âm u nên các độc tố gây mầm bệnh hay nhiều thú dữ nên rừng vừa là nơi mang lại nguồn sống nhưng cũng là nơi đầy hiểm họa với con người. Việc hình thành nghi lễ đóng cửa rừng có dụng ý ngầm quy định con người không nên lên rừng trong thời gian dài vắng người qua lại để tránh thú dữ làm hại hoặc tránh gặp khí độc do trời lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt nảy nở ra các loại nấm độc. Nghi lễ mở cửa rừng hay lễ hội Toọc moong của người Mường cũng có ý nghĩa giống như lễ khai xuân. Việc đi săn thú, làm lễ cúng "Sơn thần" vừa là để cầu an cho năm mới vừa cầu cho việc săn bắn và làm ăn may mắn. Đây cũng là một nét văn hóa khá phổ biến trong hình thái kinh tế các tộc người xưa kia sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm hoặc canh tác nương rẫy. Về ý nghĩa thực tế thì lễ hội Toọc moong của người Mường còn là một động thái xua đuổi thú rừng lùi xa vào rừng sâu để không phá hoại sản xuất, không làm hại tính mạng con người và đưa nhịp sống trở lại bình thường sau một kỳ nghỉ tết.
  7. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Bảo tồn nét văn hoá bản sắc của người Mông Sùng Đô

    3/5 thôn của Sùng Đô đã ra mắt được thôn văn hoá.[​IMG]
    Tuy nằm cách trung tâm huyện ly Văn Chấn (Yên Bái) không xa, nhưng Sùng Đô lại là xã vùng cao khó khăn nhất nhì của huyện. Giống như một người con gái núi, Sùng Đô vẫn mang đậm nét hoang sơ, nguyên thuỷ như chính cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây.
    Một điệu múa Kênh uyển chuyển trong ngày hội xuân, tiếng sáo Mông dìu dặt hay tiếng đàn môi gọi ******** tha thiết trong đêm trăng? Nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc ấy là thứ tài sản tinh thần vô giá trong đời sống của đồng bào, nay đang được chính quyền địa phương và những nghệ nhân tâm huyết gìn giữ và truyền dạy lại cho lớp con cháu.
    Lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, đặc biệt là tiếng khèn, tiếng sáo nổi tiếng cả vùng của cha và ông nội, Vàng A Ký sớm được thừa hưởng cái ?omáu? nghệ sỹ của gia đình. Cảm nhận được sự diệu kỳ, lôi cuốn đến đam mê bởi những âm thanh là lạ của khèn lá, của những ống sáo trúc hay những chiếc khèn bè to tướng làm bằng tre nứa rừng, Vàng A Ký trở thành chàng trai thổi khèn hay, thổi sáo giỏi có tiếng của bản Ngã Ba. Như có duyên duyên nợ với những nhạc cụ của dân tộc mình và cùng bởi trách nhiệm với dòng họ, anh đã dạy cho các con biết đàn biết sáo. Giờ đây ở cương vị Phó bí thư Đảng uỷ xã anh càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống quý giá đó.
    Với đồng bào Mông Sùng Đô, khèn to còn gọi là kênh được dùng chủ đạo trong các sinh hoạt văn hoá tinh thần và các nghi lễ của đời sống tâm linh như: ngày tết, hội xuân hay những đêm văn nghệ của bản, của xã. Kênh cũng được dùng trong các đám ma, đám giỗ như trống, nhị. Người dân ở đây cho hay, thổi được kênh thì nhiều người biết nhưng để thổi và múa được cùng với Kênh hay và khéo hiện ở Sùng Đô chỉ còn 5-6 người, chủ yếu là các bậc cao niên. Kênh đi cùng với các điệu nhảy, điệu múa nên ngoài sức khoẻ còn rất cần đến sự uyển chuyển, khéo léo của người chơi thứ nhạc cụ dân tộc này.
    Nếu sáo và kênh là những nhạc cụ dành cho con trai thì khèn môi và khèn lá là thứ ngôn ngữ đặc biệt mà các cô gái Mông dùng để bày tỏ tình cảm của mình với người con trai họ thương. Và không quá khó như thổi kênh, hầu hết con trai con gái Mông ở Sùng Đô đều biết sử dụng hai thứ nhạc cụ này.
    Hiện nay xã Sùng Đô đã xây dựng và ra mắt được 3/5 làng văn hoá. Bên cạnh sự tâm huyết của các nghệ nhân, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của 4 đội văn nghệ ở các thôn, bản là điều kiện tốt để Sùng Đô bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân bản địa.
  8. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hoá của đồng bào Cao Lan ở Hòa Cuông
    Thôn Đá Chồng, Đá Cháy xã Hoà Cuông huyện Trấn Yên (Yên Bái) là nơi quần tụ của 150 hộ đồng bào Cao Lan. Cùng với thời gian và những ảnh hưởng của sự giao thoa giữa các nền văn hoá, song đồng bao Cao Lan ở đây vẵn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống lao động sản xuất và các sinh hoạt tinh thần.
    Múa Pâng Loóng hay còn gọi là múa mừng cơm mới được người Cao Lan truyền từ đời này qua đời khác. Những bậc cao niên người thôn Đá Chồng, Đá Cháy cho hay, lễ múa Pâng Loóng của người Cao Lan thường được tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Nhưng lễ này chỉ được tổ chức và những năm được mùa, với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hoà.
    Sản vật dâng cúng tổ tiên, đất trời là cốm mới. Lúa nếp được lấy về để làm đồ cúng lễ phải là những bông nếp to, đều. Hạt nếp phải vừa độ vào chắc, không được quá non hay quá già. Thóc nếp được rang qua lửa rồi đưa vào giã trong một chiếc cối làm từ thân cây gỗ rừng hình thuyền độc mộc. Bốn thiếu nữ phải là những người đẹp người, đẹp nết được làng lựa chọn tham gia vào đội giã cốm. Lễ Pâng Loóng thường được đồng bào tổ chức vào ban đêm, trong ánh lửa bập bùng nhịp chày vang lên đều đặn, uyển chuyển mềm mại theo điệu chèo thuyền.
    Cùng điệu múa Pâng Loóng gắn với lễ hội mừng cơm mới, múa Chim Gâu, múa xúc tép?, những làn điệu hát ví hay hát giao duyên bằng ngôn ngữ riêng của đồng bào Cao Lan cũng đang được chính quyền xã Hoà Cuông quan tâm bảo tồn và gìn giữ. Hiện nay trong lễ cưới của người một số gia đình người dân tộc Cao Lan ở Hoà Cuông vẫn còn duy trì được tục hát đối, hát xin dâu...
    Năm 2006, 8/8 thôn của xã Hoà Cuông đều đã xây dựng được làng văn hoá, tiến tới xây dựng xã văn hóa. Trong đó, làng văn hóa thôn Đá Chồng và Đá Cháy được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Nhiều hoạt động văn hoá tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Cao Lan ở đây đang được các nghệ nhân tâm huyết truyền thụ lại cho lớp cháu con thông qua hoạt động của các đội văn nghệ của làng. Đây là điều kiện tốt để Hoà Cuông nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Yên Bái.
  9. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Thầy mo trong đời sống tinh thần của người Thái xưa
    Thầy mo là một đối tượng rất được kính trọng trong cộng đồng tộc người Thái. Bởi vì, người làm thầy mo được coi là bậc thông thái do họ giỏi về văn tự Thái cổ và lưu giữ nhiều thư tịch cổ, lại luôn tiếp xúc với công việc liên quan đến những quan niệm về vũ trụ cũng như đời sống tâm linh của cộng đồng.
    Thông qua đó, họ hiểu rất rõ phong tục tập quán; có khả năng lý giải các mối quan hệ tự nhiên và xã hội; biết thực hiện các nghi lễ; hướng dẫn cộng đồng cách ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với thế giới siêu nhiên... Họ càng được cộng đồng trọng vọng vì khi làm thầy mo phải được các thầy mo trong vùng công nhận, mặc dù sự công nhận này là bất thành văn. Hơn nữa, người làm thầy mo đều phải từ tuổi 60 trở đi - lứa tuổi này xưa kia rất hiếm và có thể nói nôm na là tuổi đã ?ođắc đạo?. Trước tuổi 60, ai muốn làm thầy mo thì phải chuyên tâm đọc sách tìm hiểu nghi lễ, pháp thuật, đời sống tâm linh và đi giúp việc cho các thầy mo khi hành lễ. Thầy mo còn luôn sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng, không đòi hỏi thù lao, còn việc trả công thầy tùy tâm gia chủ.
    Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa thầy mo của người Thái với các tộc người khác là họ có thầy mo phục vụ các nghi lễ cho người sống, nghi lễ cho mường, bản riêng và có thầy mo chỉ chuyên phục vụ nghi lễ cho người chết. Thầy mo là người luôn luôn bận bịu vì dân trong mỗi vùng khá đông đúc và người làm nghề này trong mỗi bản, mường lại không nhiều. Ngược lại, công việc của thầy lại khá phức tạp như: giúp đỡ nghi lễ cưới hỏi, làm nhà; cúng vía cho người ốm, cúng vía cho trẻ nhỏ khỏe mạnh; cúng vía vật nuôi; cúng cầu mùa, cầu mưa; cúng ma nhà, ma bản, ma mường, ma rừng; cúng ma cho người chết...
    Chỉ riêng việc cúng vía cho trẻ nhỏ, cho người ốm hay người già hay đau yếu thì đã chiếm của thầy mo khá nhiều thời gian. Chẳng hạn, với trẻ nhỏ, người Thái thường cúng vía làm hai giai đoạn: từ lúc trẻ lọt lòng đến 2 tuổi và từ 2 - 6 tuổi.
    Thực tế về mặt sinh học, đối với trẻ em ở lứa tuổi này do sức đề kháng với sự thay đổi thời tiết, khí hậu còn yếu nên chúng dễ ốm. Do vậy, ngoài việc thuốc ********* trẻ, người Thái xưa còn quan niệm ở giai đoạn này, vía của trẻ còn non nớt nên hay lạc vía hoặc dễ bị tà ma quấy nhiễu. Vì vậy, vía của trẻ nhỏ nếu được thường xuyên chăm sóc thì trẻ sẽ khỏe mạnh.
    Việc cúng vía cho người già lại càng phức tạp hơn, bởi họ bước vào thời kỳ cơ thể lão hóa mạnh nên không chỉ hay đau ốm mà còn thường ốm nặng. Về mặt tâm linh thì người Thái xưa quan niệm rằng, mỗi bộ phận trên cơ thể có một vía riêng. Việc ốm đau của người già là do vía của họ đã yếu, lú lẫn nên vía cũng hay đi lang thang mà quên cả đường về với chủ. Hoặc là người già không được con cháu chăm sóc chu đáo, hay vô tình con cháu nói lời bất kính mà vía tủi, vía bỏ đi. Khi mời thầy mo đến cúng vía, thầy sẽ xem nguyên nhân vì sao mà bị ốm và đau ốm nhiều ở những vía nào thì thầy sẽ cúng tìm vía ấy trở về. Khi vía về đến cầu thang mà còn giận dỗi chưa lên nhà thì thầy mo sẽ có lời thay cho con cháu trình bày lý do, tỏ lời ăn năn hối lỗi để vía trở lại với người ốm và người bệnh sẽ khỏe lên.
    Cùng với việc cúng vía cho người thì việc giúp cộng đồng các nghi lễ xem tuổi, định ngày cưới hỏi, làm nhà hay làm nghi lễ tang ma cũng là những công việc thường nhật của thầy mo. Đến ngày lễ tết, thầy mo giúp dân làm lễ cúng cúng bản, cúng mường, cúng rừng, cúng lễ hội ***g tồng; lễ hội cầu mùa, cầu mưa, mừng măng mọc...
    Qua những công việc của thầy mo trong đời sống của người Thái, nếu tách bỏ các yếu tố mang sắc thái mê tín dị đoan thì thầy mo có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố đời sống tinh thần của mỗi người dân. Việc cúng vía cho trẻ nhỏ, người già thể hiện việc định hướng, duy trì quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người. Thầy mo giúp xem tuổi và định ngày cưới hỏi, làm nhà là để củng cố tinh thần cho mọi người vững tin vào hôn nhân, hoặc yên tâm chuyện nhà cửa để làm ăn. Tổ chức các nghi lễ tang ma là việc làm thể hiện sự thành kính đối với người chết. Cúng bản, cúng mường, cúng rừng, cúng các lễ hội là việc làm phản ánh tinh thần và ước vọng của con người muốn được sống hòa hợp với thế giới tự nhiên...
    Ngày nay, người làm thầy mo trong cộng đồng người Thái đã trở nên hiếm hoi. Các nghi lễ cúng gắn liền với cuộc sống thường nhật của họ xưa kia, nay cũng đã thưa vắng dần, thậm chí có những nghi lễ đã mất hẳn. Việc nhắc lại nét sinh hoạt văn hóa tâm linh này nhằm giúp mọi người hiểu thêm một góc nhỏ trong vốn văn hóa dân gian của tộc người Thái xưa kia. Đồng thời, mong rằng chúng ta sẽ cố gắng nghiên cứu để tìm thấy những yếu tố tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái xưa để bảo tồn và phát triển trong cuộc sống hôm nay.
  10. dukickvietnam

    dukickvietnam Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2004
    Bài viết:
    4.351
    Đã được thích:
    7
    Hát mừng dâu mới của người Mường

    Thiếu nữ Mườnghttp://www.baoyenbai.net/Includes/NewsImg/20287_7-6-thieu-nu-muong.gif/img]
    Cũng giống dân tộc Thái anh em, người Mường Tây Bắc cũng có những mỹ tục trong việc cưới xin, xây dựng mái ấm gia đình.
    Các cô gái Mường từ tuổi học trò đã thạo trồng bông, dệt vải, thêu thùa, làm đệm làm chăn, làm của hồi môn, để kính biếu bố mẹ chồng, họ hàng thân thích nhà chồng. Sau khi làm xong thủ tục trong buổi lễ đón dâu, cả cô dâu và "hội hôn" được nghe bố mẹ chồng, chú bác, cô dì của chồng "đồng ca" bài hát mừng nàng dâu mới một cách tha thiết, thiết thực, gây phấn chấn cho mọi người:
    "Mừng sao mừng thế,
    Mừng như con gà mừng thóc,
    Mừng như con chim mừng ngọn cây lau,
    Mừng như con gâu hót mừng xuân mới,
    Mừng như con cá nó mừng vực sâu,
    Mừng như cây cau mừng sai buồng sai quả,
    Mừng như trống cái mừng dùi sơn son,
    Mừng có ông mối bà lái,
    Đã đi đón dâu này lại,
    Đã đi đón gái này về,
    Từ nay:
    Cái mạ cũng là của nàng
    Cái sàng cũng là của dâu,
    Con lợn, con gà, con bò, con trâu
    Cũng là của nàng dâu tấtcả
    Nàng hãy cùng chồng thay mẹ thay cha,
    Trông nom lấy cửa lấy nhà,
    Mong con chồng vợ thuận hòa,
    Cho mẹ cho cha vui vẻ,
    Cho họ hàng vui vẻ,
    Cho cả mường ngợi ca
    Hãy nhớ kỹ buổi vui hôm nay".
    Vui mừng nghe hát toàn ý đẹp lời hay, vui đón những công việc sắp phải làm theo lời mẹ cha, họ hàng đã quyết, cô dâu nâng chén rượu chúc mừng bố mẹ chồng bằng những lời ca có vần có điệu tận đáy lòng mình:
    "Thơm nồng chén rượu bông báng,
    Thơm cay chén rượu bông con,
    Cha mẹ thực lòng thương con,
    Thì chén rượu này sẽ cạn,
    Không cạn bẩy cũng phải cạn ba,
    Để mừng cho đôi chúng con,
    Từ nay nên cửa nên nhà,
    Mai kia:
    Sinh được con trai - làm nhà kê mái,
    Sinh được con gái - làm nhà vây quanh,
    Để ngày ngày:
    Nhường cơm xẻ canh,
    Phần cha phần mẹ,
    Phần ông phần bà,
    Đó là lòng con muốn thế,
    Cả chúng con muốn thế,
    Cha ơi, mẹ ơi, cha mẹ thương con thì rượu này phải cạn?.
    Truyền thống ấy, mỹ tục ấy, nét đẹp văn hóa ấy vẫn tồn tại trong hầu hết những đám cưới trong các bản làng từ Thanh Hóa ra Tây Bắc, nơi có dân tộc Mường sinh sống.

Chia sẻ trang này