1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phỏng vấn Dương Thu Hương

Chủ đề trong 'Văn học' bởi metbohoitai, 24/10/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Phỏng vấn Dương Thu Hương

    Lần đầu tiên nhà văn Dương Thu Hương bộc lộ những tâm tình riêng tư nhất và cho độc giả biết một số chi tiết về cuộc đời cũng như công việc thường ngày của mình.
    Talawas

    "Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ"
    Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn
    M.Hoàng thực hiện ngày 30.06.2002


    Dương Thu Hương đồng ý trả lời phỏng vấn với thái độ thận trọng. Chị hẹn tôi tại tầng trệt khách sạn Daewoo. Một nơi yên tĩnh, lịch sự nhưng đồ uống rất đắt và không khí thì hơi xa lạ, kiểu cách.

    Phóng viên(PV): Hình như chị luôn hẹn gặp khách tại những nơi có tiếng là sang cũng như đắt đỏ nhất Hà nội. Chị có giàu đến mức vậy không?

    Dương Thu Hương (DTH): Không hề. Tôi có mấy khi đến những chỗ thế này đâu. Tôi ở nhà suốt, sống rất bình thường. Nhưng tôi thường là người trả tiền nên tôi muốn khách phải được tiếp đón đàng hoàng. Tôi không muốn mang tiếng là người bủn xỉn.Với lại những nơi như thế này thường rất yên tĩnh, có cảm giác thoải mái, dễ chịu.

    PV: Ra là vậy, một cung cách rất "chị hai" đấy.

    DTH: Thì tôi cũng là chị cả trong nhà mà.

    PV: Một ngày của chị diễn ra thế nào?

    DTH: Tôi làm việc đêm nên bình minh của tôi là 10h sáng, thậm chí 12h trưa. Tôi sống một mình nên tất cả những việc vặt trong nhà phải tự làm lấy. Buổi chiều tôi đọc sách báo, thỉnh thoảng dịch tài liệu gọi là có thêm thu nhập. Tôi có đặt mua mấy tờ như Le Point, Paris Macht, Le Nouvel Observateur. Báo Việt thì có ông bạn cứ bài nào hay, có vấn đề thì đem đến cho tôi đọc. Từ 8h tối trở đi tôi mới thực sự làm việc. Có hôm bốc lên có thể viết 10 tiếng liền và cũng có hôm chẳng làm gì cả.

    PV: Thu nhập chính của chị là gì?

    DTH: Nhiều người cho là tôi giàu vì được lĩnh nhuận bút từ những nhà xuất bản nước ngoài. Thực ra không nhiều đến thế đâu. Hồi năm 90 bạn bè có xui tôi mua một số miếng đất nhỏ. Và tôi cứ bán dần từng miếng một để sống, để chu cấp thêm cho các con. Ngoài ra tôi có lương hưu hàng tháng.

    PV: Chị giải trí như thế nào?

    DTH: Tôi không xem TV. Khi rỗi rãi tôi đem quần áo ra khâu vá, nghe nhạc cổ đIển và những bài hát Pháp xưa cũ thời Dalida, Mathieur, hay Clara Fabien.

    PV: Chị có nhiều bạn bè không?

    DTH: Bạn thân rất ít, một hai người. Nhưng tôi cũng có những mối quan hệ tốt, thỉnh thoảng tôi rủ họ ra quán ăn uống nói chuyện cho vui.

    PV : Chị là người rất đáo để, đúng không?

    DTH: Tôi vốn là một người phụ nữ bình thường, rất bình thường. Cuộc hôn nhân đổ vỡ làm cho cuộc đời tôi xáo trộn ghê gớm. Đã thế cuộc sống với những điều ngang trái, bất công cũng khiến tôi chẳng mấy khi thanh thản. Hồi sinh viên tôi xuýt bị đuổi học vì lấy guốc đập vào mặt một gã đã giở trò sàm sỡ với tôi. Tôi bị qui tội hành hung chỉ vì gã ấy thuộc diện ưu tiên, chính sách, lại là đảng viên nữa. Ông chồng cũ của tôi hồi ấy là cán bộ lớp đã ra tay cứu vớt tôi. Sau đó anh ta tìm mọi cách để lấy được tôi. Đỉnh điểm là dí súng vào cổ tôi và nói rằng nếu không nhận lời thì "cô chết trước tôi chết sau". Hồi ấy tôi rất trẻ, tôi sợ chết, sợ gia đình mang tiếng là có cô con gáI chết vì chuyện yêu đương nhăng nhít. Cho đến giờ tôi vẫn là người sợ mang tiếng là đĩ thoã, lăng loàn. Và tất nhiên một cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ rất tồi tệ. Tôi cũng định sống nhẫn nhục để cho các con đỡ khổ nhưng không làm nổi. Có thể chồng tôi là một người cha không đến nỗi nào nhưng ông ấy luôn xúc phạm vợ mình bằng cách này hay cách khác, ông ấy không tôn trọng phụ nữ. Năm 1980 chúng tôi ly dị


    Mệt Bở Hơi Tai
  2. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    PV: Những người đàn ông sau này đến với chị có dễ chịu hơn không?
    DTH: Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn cho rằng đàn bà chỉ được phép ngủ với người chồng hợp pháp của mình. Những cuộc mây mưa ngoài hôn thú là không tốt đẹp. Sau khi ly dị khoảng 4 năm tôi có quan hệ với một tay hoạ sĩ điên khùng kém tôi 14 tuổi. Cũng lại bắt đầu bằng bạo lực. Anh ta đến mang theo một lưỡi dao cạo và nói rằng nếu tôi không yêu anh ta sẽ cắt cổ tự sát. Gia đình tôi rất phản đối, hai đứa con giận mẹ, thằng lớn bỏ nhà đi. Ông chồng cũ cũng làm ầm lên, đòi kiện tôi thậm chí có hôm còn xuất hiện với một chiếc búa trong tay. Cũng may là chuyện này chỉ kéo dài vài tháng. Đó là mối quan hệ thân xác duy nhất của tôi sau khi ly dị. Sau vụ này tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi không hề yêu tay hoạ sĩ đó vậy mà tôi lại đồng ý lên giường với anh ta. Tôi chợt phát hiện ra mình vẫn chỉ là một người đàn bà với những nhu cầu bản năng thường tình. Tôi không muốn kết hôn khi các con còn nhỏ, tôi sợ chúng nó thương tổn, tôi không muốn cặp bồ chơi chơi vì tôi cho rằng như thế là xấu, là mất danh dự. Vả lại tôi rất khó yêu nên những mối quan hệ với đàn ông chỉ làm cho cuộc đời tôi thêm rắc rối. Vậy là chỉ còn một cách duy nhất là tự thiến mình.
    PV: Có nghĩa là chị phải???
    DTH: Phải tự tiêu diệt bản năng giới tính của mình. Tôi đã nhờ một sư ông cắt cho tôi những thang thuốc bắc. Thứ thuốc đó khá hiệu nghiệm, tôi không còn cảm thấy ham muốn ********. Tôi có thể bình tĩnh làm việc, kiếm tiền, chăm lo cho hai đứa con. Nhiều người cho rằng tôi bị lãnh cảm hay luyến ái đồng tính. Họ đâu có biết rằng để được sống trọn vẹn trong danh dự tôi đã phải trả giá đắt lắm. Tôi thường xuyên bị nám da, tóc tôi bạc rất sớm và bệnh khớp luôn hành hạ tôi. Đó là tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài. Tôi biết tôi đã hành động rất đIên khùng nhưng tôi thấy tốt hơn cả là làm vậy. Tôi không ân hận.
    PV: Các con chị biết điều này không?
    DTH: Gần đây tôi mới nói trong một lúc nóng giận. Chúng nó đều ngoài ba mươi tuổi, đã có gia đình cả rồi. Có thể chúng nó đã hiểu tôi hơn mà không hiểu cũng chẳng sao. Tự tôi biết là tôi đã sống hết lòng cho con cái.
    PV: Chị có định sống chung với một trong hai cô cậu?
    DTH: Có lẽ không nên vậy. Tôi có mua cho thằng lớn một căn hộ. Đứa em gái nó ở nhà chồng chật chội, tôi sẽ cho nốt căn hộ đang ở. Khi nào vợ chồng nó dọn đến, tôi sẽ đi thuê nhà.
    PV: Chị rất chiều con đấy !
    DTH: Tính tôi nó vậy. Chính thế cũng làm giảm tính tự lập của chúng nó. Nhưng tôi không dám làm khác. Cả đời tôi chỉ đánh con có một lần, chúng nó lấy trộm tiền của tôi đi xem phim, đã thế về còn nói dối loanh quanh. Tôi rất ghét tính dối trá nên đã đánh chúng nó. Đánh xong thì ân hận cả một thời gian dài.
    PV: Vậy là ngoài các con ra chị chẳng còn bận tâm đến ai khác?
    DTH: Có, chỉ duy nhất một người, nhưng mà là yêu thầm. Tôi tự đề ra một nguyên tắc là không bao giờ yêu người có vợ vì đó là một tình yêu vô đạo đức, thế nhưng ông trời bắt tội tôi. Người duy nhất tôi thấy yêu lại có gia đình rồi. Có lẽ anh ấy cũng yêu tôi nhưng cũng hiểu là giữ khoảng cách thì hơn cả. Và chúng tôi yêu nhau thầm lặng vậy gần mười năm rồi. Giờ anh ấy không còn ở đây nữa nhưng chúng tôi vẫn trao đổi thư từ. Vì không quên được anh ấy nên tôi đã từ chối vài lời cầu hôn mà tôi biết sẽ đem đến cho tôi một cuộc sống khác hơn, có thể là vui hơn.
    PV: Chị có nghĩ mình sẽ làm vợ một lần nữa không?
    DTH: Hôm nay tôi chưa có ý định nhưng có thể là ngày mai, tháng sau hoặc sang năm tôi lại nghĩ khác. Những chuyện thế này không thể nói trước được đâu.
    PV: Chị có thần tượng không?
    DTH: Có, nhưng không phải là nhà văn. Tôi ngưỡng mộ nhà triết học Anh gốc Áo tên là Karl Popper. Tư tưởng của ông ấy thật đáng khâm phục. Popper đã giải quyết được những vấn đề lớn nhất về biện chứng. Ông ấy đã từng nói một câu rất hay: "Chúng ta gần như chưa biết gì về vũ trụ và con người".
    PV: Nhưng chắc chắn chị cũng phải yêu thích một số nhà văn chứ?
    DTH: Tất nhiên. Dostojevski, Gogol, Tshechov, Bulgakov. Nhà văn Việt Nam thì tôi thích Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương ???
    PV: Có bao giờ chị liên hệ chút gì giữa mình và Hồ Xuân Hương?
    DTH: Không hề.
    PV: Gần đây có nhà văn Việt Nam nào chị thấy được hơn cả?
    DTH: Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp viết rất hay nhưng tôi không thích gặp. Có hai lần anh ta đến nhà tôi cùng với một cô người Nhật đề nghị tôi hợp tác mở nhà hàng. Tôi rất kinh những kiểu đề xuất như vậy.
    PV: Chị có thích "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn không?
    DTH: Cuốn sách đó rất nghiêm túc, đáng trọng nhưng bây giờ tôi không quan tâm tới những vấn đề như thế nữa.
    PV: Chị tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất?
    DTH: Không cuốn nào cả. Nhà văn không nên tâm đắc thực sự với những gì đã hoàn thành.
    PV: Nếu một người bảo rằng kiểu viết của chị hay nhưng "xưa rồi" thì chị sẽ đáp lại thế nào?
    DTH: Đã nhiều người nói với tôi thế. Tôi không quan tâm lắm. Văn chương cũng giống như đồ ăn vậy, phụ thuộc vào "khẩu vị" của mỗi người. Họ có quyền không thích những tác phẩm của tôi.
    PV: Con đường văn chương của chị bắt đầu thế nào nhỉ?
    DTH: Không nhớ nữa. Ngày là học sinh tôi mơ ước trở thành vận động viên thể dục dụng cụ. Mấy thứ đó tôi chơi tốt lắm. Sau 1975 tôi bắt đầu viết bút ký, sau đó là truyện ngắn. Bạn đã biết đấy, trong lòng tôi chất chứa nhiều nỗi phiền muộn, bức xúc lắm. Viết văn đôi khi như là một cách trút giận vậy.
    (E***or cắt bớt đi một đoạn)
    PV: Bây giờ chị có thấy là Việt Nam đã và đang thay thay đổi rất nhiều không?
    DTH: Có, nhưng mà trong sự thối rữa của châu Á.
    PV: Xin cảm ơn chị Dương Thu Hương.
    Copy từ Talawas
    Mệt Bở Hơi Tai
    Được E***or sửa chữa / chuyển vào 17:39 ngày 24/10/2002
  3. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Không có nhà văn Việt Nam đương đại nào gây dư luận và ảnh hưởng hơn Nguyễn Huy Thiệp. Số lượng các công trình nghiên cứu và bài viết về ông đã nhiều hơn hàng chục lần các tác phẩm của ông. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ba bài, như ba chân dung, với nhiều phần riêng tư và bất ngờ hơn, của cũng một Nguyễn Huy Thiệp ấy.
    Talawas
    Ở Việt Nam Tháp Rùa vẫn như cũ
    Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Paris
    Trong chuyến đi thăm và làm việc tại Pháp do nhà xuất bản E***ions de l´Aube tổ chức vào mùa xuân năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gặp gỡ công chúng văn học tại hiệu sách Phénix, Paris, ngày 10 tháng 4 năm 2002. Người dẫn chương trình là ông Jean Lacouture, người phiên dịch là bà Kim Lefèvre. Sau đây là bản ghi lại từ băng vidéo quay buổi gặp gỡ đó, do Thuận (Paris) gửi cho Talawas. Đầu đề do Talawas đặt.
    Jean Lacouture: Ngày nay, bằng cách nào một nhà văn người Việt có thể rời khỏi Việt Nam để đến một nước khác? Ðâu là những thuận lợi và khó khăn so với những năm trước? Ðây có thể là một câu hỏi hơi tầm thường nhưng chắc chắn nó có ích cho những người cầm bút ở Việt Nam.
    Nguyễn Huy Thiệp: Trước hết tôi xin gửi lời chào đến tất cả các quí vị và các bạn đọc yêu quí của tôi. Ðây là lần thứ hai tôi đến Paris và đây cũng là một điều may mắn cho số phận của tôi. Hình như là hình ảnh Việt Nam trong mắt các bạn Pháp ... tôi thấy ... các bạn Pháp chưa nắm được tình hình Việt Nam những ngày này. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Việc các nhà văn Việt Nam đi ra nước ngoài đă là một việc tự nhiên, có nhiều dễ dàng, không còn gặp các trở ngại như trước nữa. Tôi không biết ai đã nói, tự do của văn nghệ sĩ như thước đo của một nền dân chủ. Xét về một khía cạnh nào đó thì việc tôi có mặt ở Paris cũng như việc các văn nghệ sĩ khác đi ra thế giới là một dấu hiệu của sự cởi mở dân chủ ở Việt Nam.
    Jean Lacouture: Trong chuyến đi Ðức cách đây hai năm ông có sang cả Pháp, chuyến đi này có được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép không, hay ông tự động sang?
    Nguyễn Huy Thiệp: Cách đây hai năm tôi có làm một chuyến đi Ðức. Tới Ðức tôi cũng mua vé tàu sang Paris. Trước khi đi khỏi Việt Nam tôi cũng, nói theo kiểu Việt Nam, báo cáo với chính quyền và sau đó cũng đã trở về một cách bình thường, tốt đẹp. Nhưng thực ra chuyến đi Pháp cách đây hai năm là một chuyến đi không chính thức, còn chuyến đi này là một chuyến đi chính thức được Trung tâm Văn hoá và Hợp tác của đại sứ quán Pháp ở Hà Nội và nhà xuất bản E***ions de l'Aube tổ chức.
    Jean Lacouture: Thế có nghĩa là ông không gặp gì rắc rối với chính quyền về chuyến đi này? Ông sang Pháp một cách công khai?
    Nguyễn Huy Thiệp: Vâng.
    Jean Lacouture: Ông đã đi Pháp hai lần trong hai năm. Ông có thấy sự tiến triển nào so với cách đây hai năm? Ông có thấy sự mới mẻ nào cần quan sát? Có nhiều sự khác nhau không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Nhìn chung tôi không đi nhiều nên cũng khó trả lời câu hỏi này. Nhưng tôi cảm thấy nước Pháp gần gũi với Việt Nam hơn phần nào, ít nhất là ở đồng Ơ-rô. ở Hà Nội người ta cũng tiêu được đồng Ơ-rô. Lần trước tôi phải đổi đồng Phơ-răng ra Đô-la mới tiêu được ở Hà Nội, còn bây giờ tiền Ơ-rô không phải đổi nữa. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ "Ðồng tiền liền khúc ruột". Ðồng tiền trở thành thân thiết. Ở nhà quê các bà giữ tiền ở quanh bụng.
    Jean Lacouture: Người ta có thể nói việc kiểm duyệt ở Việt Nam đã giảm bớt. Nhà văn Việt Nam có thể viết dễ dàng hơn?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là nhà văn thì ở đâu viết cũng khó khăn.
    Jean Lacouture: Nói chung ở Việt Nam chính sách Ðổi Mới vẫn tiếp tục trên tinh thần tự do dân chủ chứ?
    Nguyễn Huy Thiệp: Có chứ, có. Tôi nghĩ là Việt Nam ngày càng đổi mới, nhưng quá trình đổi mới cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nhưng phải nói Việt Nam bây giờ gần gũi hòa nhập với thế giới hơn, không bế quan toả cảng như trước nữa.
    Jean Lacouture: Quan hệ của ông với chính quyền có đúng đắn không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không giao thiệp với chính phủ. Tôi cũng chỉ là dân đen.
    Jean Lacouture: Cách đây hai năm tôi có hỏi ông là người Việt Nam có đòi hỏi tự do nhiều hơn không, và ông đã cho tôi một câu trả lời đầy ngạc nhiên là "ngừơi Việt Nam cũng thích một hình thức quyền lực nào đấy và không đòi hỏi nhiều tự do như các ông". Ông vẫn giữ nguyên ý kiến cũ, hay đấy chỉ là một câu trả lời mang tính chính trị và thận trọng?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tự do là một khái niệm mới mẻ, không quen thuộc với người Việt Nam. Ngay bản thân tôi là một nhà văn, thú thực tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nhiều đến khái niệm tự do. Rất nhiều người Việt Nam nghĩ đến chữ miếng ăn và áo ấm hơn là chữ tự do. Tôi nghĩ là trong cách sáng tạo từ ngữ của con người, bao giờ người ta cũng nghĩ đến hai chữ cơm no áo ấm sau đó đến một lúc nào đấy người ta mới nghĩ đến chữ tự do. Hay dân chủ.
    Jean Lacouture: Nhìn từ những thành công của ông, với tư cách là một nhà văn lớn của Việt Nam, ông có cảm thấy mình là người đứng đầu một trường phái văn học không? Ông có thấy ảnh hưởng của mình đến các nhà văn khác không? Ông có những người đồng minh, những bạn đường trên con đường đi tìm tự do dân chủ?
    Nguyễn Huy Thiệp: Ở Việt Nam chỉ có một trường phái văn học, đó là văn học xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng không dám nói là tôi có một trường phái văn học khác, nhưng tôi cũng thấy là nhiều nhà văn trẻ cũng viết theo lối của tôi gần đây.
    Jean Lacouture: Tôi thấy trong tác phẩm gần đây của ông có chiều hướng chuyển từ chủ nghĩa hiện thực sang hướng tưởng tượng, thần tiên, tự do hơn và mang nhiều chất thơ hơn.
    Nguyễn Huy Thiệp: Trong văn của tôi chẳng có gì là thơ mộng. Bao giờ tôi cũng chỉ là một nhà văn hiện thực dù có viết về lịch sử hay những chuyện trên trời dưới biển thì tôi vẫn là một nhà văn hiện thực. Hiện thực thì cũng có nhiều cái. Có cái đau khổ, cũng có nên thơ của nó, có thể trong tác phẩm của tôi nó cũng có cái đó.
    Jean Lacouture: Trong các tác phẩm trước của ông, người ta thấy các nhân vật mang tính chất lịch sử của dân tộc Việt Nam, tướng về hưu chẳng hạn, còn bây giờ ông cho xuất hiện những ông vua, những triều đại cổ... Ðó có phải là một ý muốn tách khỏi hiện thực hay đơn giản chỉ là thế?
    Nguyễn Huy Thiệp: Gần đây tôi quay trở lại với các đề tài hiện đại và nó cũng có nhiều nụ cười.
    Jean Lacouture: Ông có bao giờ bị chính quyền và dư luận lên án là đã đưa ra một cái nhìn có tính chất xét lại đối với những người anh hùng từng được lịch sử tôn trọng, và ngược lại, đã phục hồi danh dự cho những người khác, chẳng hạn như Gia Long, từng bị phản đối bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc và những nhà cách mạng từ 50 năm nay?
    Nguyễn Huy Thiệp: Cách đây 10 năm tôi cũng có viết một số truyện lịch sử và nó cũng gây ra những cuộc tranh luận văn học khá sôi nổi trong vòng ba năm. Có nhiều người tham gia cuộc tranh luận và sau khi đã đọc tất cả những bài tranh luận ấy thì tôi cảm thấy chẳng ai biết gì về lịch sử cả, vì bản thân những câu chuyện mà tôi viết ra thì cũng là những sáng tác của tôi, những câu chuyện mà tôi bịa đặt thôi.
    Mệt Bở Hơi Tai
  4. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Jean Lacouture: Ông đã dạy học ở vùng các dân tộc thiểu số. Phải nói là tôi cũng đã đến thăm các dân tộc này trong vòng hai tuần tháng 11 năm ngoái. Ông có nghĩ là các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam ngày nay trở nên hoà nhập hơn không? Họ ít đứng ngoài rìa Việt Nam hơn ngày xưa không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Các dân tộc thiểu số cuộc sống có thay đổi hơn, nhiều vùng đã có điện. Những nơi có đời sống cao không thể hiểu đuợc giá trị của điện và nước. Ở những vùng lạc hậu thì điện và nước sạch thực sự là mơ ước, là hạnh phúc đối với những vùng hẻo lánh ở Việt Nam.
    Jean Lacouture: Tôi có thể có được câu trả lời mà tôi chưa thực nắm được không: có phải ở những làng này giáo dục miễn phí?
    Nguyễn Huy Thiệp: Nhiều nơi cũng phải trả tiền.
    Jean Lacouture: Việc tổng bí thư đảng cộng sản mới là người Thái có phải là một dấu hiệu rằng người thiểu số được tôn trọng hơn, đã hoà nhập hơn không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Xét về một khía cạnh nào đấy, đấy cũng là một hình ảnh tượng trưng nào đấy.
    Jean Lacouture: Tờ báo đã xuất bản những tác phẩm đầu tiên của ông đã bị cấm. Bây giờ nó đã mở lại chưa?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tờ báo Văn Nghệ thì nó vẫn còn, chỉ có ông tổng biên tập thì không còn là tổng biên tập của tờ báo nữa. Một phần vì ông ấy cũng già rồi.
    Jean Lacouture: Ông ấy có được tự do không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Ông ấy được tự do, ở Việt Nam có câu già rồi thì không mắc tội gì nữa, tức là già rồi thì có làm gì đi nữa người ta cũng tha cho. Ðó cũng là một tập quán của nông thôn Việt Nam, người ta không xét đoán, không chấp những người già. Tôi cũng già rồi.
    Jean Lacouture: Ở đây không như thế, nhưng có thể về sau cũng như thế. Tôi muốn hỏi ông, trong các nhà văn Pháp hiện đại ông có tìm thấy những kĩ thuật có ích, những mẫu hay cảm hứng cho bản thân?
    Nguyễn Huy Thiệp: Việc giới thiệu các nhà văn hiện đại thế giới ở Việt Nam rất hạn chế vì mắc việc dịch thuật. Công tác dịch thuật ở Việt Nam tôi cảm thấy rất hạn chế, hầu như các tác giả nổi tiếng ít được giới thiệu ở Việt Nam.
    Jean Lacouture: Trong tác phẩm của ông có ảnh hưởng nước ngoài nào: châu Âu, Trung Hoa, Nga, Gorki chẳng hạn hay Tam Quốc Chí?
    Nguyễn Huy Thiệp: Những sách văn học cổ điển được dịch khá đầy đủ ở Việt Nam, Pháp, Nga, Trung Quốc. Thế hệ của chúng tôi chỉ tiếp xúc nhiều với văn học cổ điển. Chứ văn học hiện đại rất hạn chế.
    Jean Lacouture: Trong những bài phê bình viết bởi giới cầm quyền, có một bài nói ông viết giống Sartre. Ðấy có phải là sự ngẫu nhiên hoàn toàn, hay trên thực tế ông biết ông ta và thấy mình gần với Sartre?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tôi cũng gần như chưa đọc gì tác phẩm của J.P.Sartre, tôi chỉ biết một chút tiểu sử và cuộc đời tình ái của ông ta mà thôi.
    Jean Lacouture: Tôi muốn biết ông có lo lắng về vấn đề Mỹ hoá toàn cầu ngày hôm nay?
    Nguyễn Huy Thiệp: Thực ra ở Việt Nam người ta ít nghĩ đến chuyện Mỹ hóa mà nghĩ đến chuyện Trung Quốc hóa nhiều hơn, tức là hàng hóa và ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam thì mạnh hơn tất cả những nước khác.
    Jean Lacouture: Tôi muốn hỏi ông câu hỏi cuối cùng trước khi nhường lời cho bạn bè và độc giả của ông. Một người Việt Nam có thể hạnh phúc ở Paris được không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là có thể, nếu anh ta có gia đình và một người yêu.
    Jean Lacouture: Tôi hy vọng đó là trường hợp của ông.
    Một độc giả: Lúc nãy ông nói Việt Nam từ hai năm lại đây có nhiều cởi mở. Bây giờ muốn hỏi ông, có gì chưa đổi mới, chưa cởi mở?
    Nguyễn Huy Thiệp: Câu hỏi của ông thật là khó. Xét về một khía cạnh nào đó, ở Việt Nam Tháp Rùa vẫn như cũ, đồng tiền vẫn như cũ, hay có những đường phố vẫn giữ được vẻ như xưa.
    Một độc giả: Tôi đi Việt Nam năm 1996, có gặp một đạo diễn truyền hình nói với tôi rằng, ở Việt Nam có thể nói bất kì điều gì trừ chính trị, ********, bạo lực. Sáu năm sau điều này vẫn đúng?
    Nguyễn Huy Thiệp: Ở Việt Nam ai cũng nói về chính trị, thanh niên nói nhiều về ********. Chắc là cái ông đạo diễn điện ảnh kia cũng chỉ nhìn ở một khía cạnh nào đấy. Tất nhiên là tôi cũng chỉ nhìn ở một khía cạnh nào đấy. Theo quan sát của tôi thì không có nước nào bàn nhiều về chính trị như Việt Nam, ở thành phố cũng như nông thôn, người ta rất quan tâm đến chính trị.
    Một độc giả: Người ta nói ở Việt Nam chỉ có văn nghệ sĩ và trí thức mới bị bắt nạt?
    Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là trí thức và văn nghệ sĩ là những người khó bắt nạt nhất.
    Một độc giả: Anh vừa trình bày một vấn đề rất tế nhị là vấn đề hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Với tư cách một nhà văn, một nhân chứng, hy vọng là người đọc sẽ được đọc một truyện của anh có tính chất viễn kiến, những cái nhìn từ xa không cảm thấy Việt Nam trở thành một thị trường ảo tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc.
    Nguyễn Huy Thiệp: Số phận Việt Nam gắn chặt với số phận Trung Hoa từ mấy ngàn năm lịch sử rồi. Và dù thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, Việt Nam vẫn là Việt Nam. Ðương nhiên là hai bên có ảnh hưởng lẫn nhau. Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam không những trên lĩnh vực kinh tế mà còn chính trị và văn hóa và rất nhiều phương diện khác nữa. Tất nhiên là có cái ảnh hưởng như thế nó mới là Việt Nam.
    Một độc giả: Tôi muốn anh trả lời câu hỏi mà tôi chưa được thỏa mãn. Anh nói trí thức văn nghệ sĩ khó bị bắt nạt. Tôi xin đưa một ví dụ như anh Phù Thăng, tác phẩm của anh ấy cất trong vại trong chum, không được xuất bản, như thế anh ấy có phải là một nhà văn không?
    Nguyễn Huy Thiệp: Phù Thăng là một nhà văn quân đội ở Việt Nam và năm nay chắc cũng gần 80 tuổi rồi. Khi Phù Thăng viết sôi nổi thì đó cũng là giai đoạn Việt Nam còn chiến tranh và chưa mở cửa. Nhân đây tôi cũng bày tỏ nỗi buồn của tôi về việc nhà xuất bản dịch sách tôi sang tiếng Pháp hơi bị lộn xộn. "Trái tim hổ" là một trong 10 truyện, nếu tách 1 truyện ra thì nó sẽ mất đi 9 truyện khác. Truyện "Vàng lửa" là 1 trong 3 truyện mà nếu xếp theo thứ tự thì nó xếp thứ 2, trong khi cấu tạo cuốn sách ở đây lại xếp nó lên thứ nhất, tức là trật tự bị đảo lộn, truyện "Vàng lửa" là khúc giữa của một câu chuyện có 3 phần: đầu, thân và đuôi. Truyện mà tôi viết cách đây 10 năm thì bây giờ mới được in. Thế nhưng tôi nghĩ tất cả những chuyện đó không sao cả. Cũng may tôi cũng là một nhà văn đa dạng, tức là tôi viết rất nhiều kiểu viết khác nhau. Nguyễn Du thì tác phẩm "Truyện Kiều" người dân có thể đọc xuôi từ đầu đến cuối, cũng có thể đọc từ cuối lên đầu. Tôi rất mong là nhà xuất bản E***ions de l'Aube và bà Marion sẽ cho dịch lại và in lại thành một cái tuyển tập đầy đủ.
    © Talawas 2002
    Mệt Bở Hơi Tai
  5. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Lê Minh Hà
    Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn
    Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn
    Gương mặt ông nhàu. Tôi biết rằng có thể ông không nhất thiết trải qua toàn bộ những cảnh đời mà nhân vật của ông đã trải. Ông không sống trong một gia cảnh không quân thần phụ tử. Nhưng ông đã đói cái đói của kiếp người, đã phải nhào lộn giữa đời như một giọt máu, như một... Những vết rạn trên gương mặt bùn khô của ông không nói hết được với ta về những cơ cực vò xé tâm hồn ông trước khi cho ông thấu hiểu nỗi đời nhường ấy.
    Trong văn học đương đại Việt Nam, chưa có một nhà văn nào lại làm thiên hạ tốn bút mực nhiều như ông, ngay trong khi tác giả còn chưa chết. Không có trước những bước dọn đường, tên nhà văn nổ bùng trên báo chí, bằng một loạt truyện ngắn dữ dội và hết sức thơ. Nếu đọc ông bằng một tâm hồn chỉ có phẫn nộ và phẫn nộ, người ta sẽ hả hê bởi cái giọng văn gằn lạnh ấy. Nếu đọc bằng đôi mắt của người yêu văn chương nhưng mới chỉ dừng lòng yêu ấy ở những gì hờm hợp với mình, người ta sẽ khó chịu nổi ông. Thực đơn chữ nghĩa ngày ấy không có món ấy. Và thói quen trong sáng tạo và thưởng thức sáng tạo bao giờ cũng lì lợm hơn bất kỳ thói quen nào. Người ca ngợi ông thì hết lời ca ngợi. Nhưng liệu ông có hài lòng chăng vì những lời khen không hoàn toàn thỏa đáng, không bắt đầu từ trang viết của chính ông mà lạc tuốt ra ngoài qũy đạo văn chương. Người chê ông thì cũng hết lời. Và cái hèo người ta dùng để nện ông thì thật đáng sợ: Là quan niệm đạo đức của cả một thời. Tài có mà tâm thiếu. Tôi nhớ có nhà phê bình đã phán một câu như thế về ông, xanh rờn. Cứ sống đi đã. Ông thường trở lại với bạn đọc nhiều lần trên từng trang sách với ý tưởng này. Và cũng nhiều lần nói thế với cử tọa bằng cái giọng "cả tẩm", điềm đạm, trầm tĩnh. Tôi nghe như chứa cả một chút chán chường. Có cảm giác rằng ông hiểu rõ những người đang chất vấn ông đến với ông vì lý do gì. Biết ngưỡng mộ một tên tuổi luôn là mốt của nhiều thời. Biết trình bày lòng ngưỡng mộ ấy là một cách trang điểm không phải dở của nhiều người tự tin đến đáng ghen tỵ. Ông ý thức rõ ràng về danh tiếng của mình. Danh tiếng, chứ không phải tăm tiếng. Điều ấy ở ông mạnh đến nỗi ông biết rằng bản thân cái tên ông là một lực cản sáng tạo, và thời của ông thực ra đã qua rồi. Tôi nhớ một nhà thơ đích thực từng khao khát được người ta chôn mình đi. Tài không lớn, tâm bé bé, không thể đạt tới tầm khao khát tự hủy đó. Đời nghệ sỹ sẽ dài hơn đời người trong nghĩa sinh học đơn giản nhất khi người nghệ sỹ được chọn là một cọc mốc, một tiêu chí trên hành trình sáng tạo của những người nghệ sỹ khác của dân tộc mình, và xa rộng hơn. Từng tiên đoán nền chính trị thế giới rồi ra sẽ là một món nộm suồng sã, ông hay nói về thời và thế. Và khái niệm bá đạo, vương đạo cũng hay trở đi trở lại trong tác phẩm của ông, trong câu chuyện của ông. Đọc ông, và nghe ông, tôi nhận ra điều này: Ông biết tìm thời thế để chính danh. Biết rõ mặt trái thường không trong ngọc trắng ngà của chính trị, ông bộc lộ rõ và can đảm sự nhạy cảm chính trị của mình. Nghe ông, trong tương quan với nhiều người viết cùng thời, cùng hoàn cảnh sáng tạo như ông, không sợ nhầm lẫn khi nói rằng đó là một nhân cách. Nhân cách không phải bao giờ cũng trùng khít lên cá tính sáng tạo. Nhưng khi điều đó xảy ra, ở một tầm mức cao, ở độ đậm đặc lớn, thì điều đó là một may mắn cho những người đam mê nghệ thuật và chọn khuất lụy nghệ thuật như một cách sống. Trong trường hợp ông, đó là may mắn cho bạn đọc, cho những người tin vào khả năng biến cải của nghệ thuật và của những người tạo ra thứ báu vật này.
    Bươn trải trong đời sống để vươn tới trong nghệ thuật, ông đã tự chọn cho mình một con đường khó khăn. Cũng có thể bảo là nhà văn của chúng ta khờ khạo. Hay ngông ngạo? Khi ông là nhà văn Việt nam, khi ở Việt nam, nghệ sỹ hoàn toàn sống được nếu biết biến mình thành một thứ công chức. Ông từ bỏ biên chế nhà nước, ông đi buôn, ông mở quán, ông vẽ... Ông tự sống. Và bây giờ, tự sống bằng ngòi bút. Ông nói rằng nhất thiết phải vương đạo trong nghệ thuật. ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, ông đã nói và viết rằng phải vương đạo trong chính trị. Vương đạo thì chỉ có một. Vậy là hai khái niệm này không loại trừ nhau. Liệu nghệ thuật có vương đạo được không trong một bối cảnh chính trị vương đạo? Tôi không hỏi, nhưng lắng nghe giọng ông, đục và khàn đi, cảm giác như hơi âm u khi nói về điều ấy, tôi biết rằng ông tin vào khao khát của mình. Và tôi muốn bị thuyết phục. Phải, lịch sử văn minh nhân loại đã cho thấy rằng một nền nghệ thuật có thể thăng hoa từ đói nghèo, mông muội, nhưng để đi xa hơn nữa, ở cái thời con người không được quyền mông muội như mấy ngàn năm về trước, nghệ thuật đòi hỏi nhiều lắm, nơi chủ thể sáng tạo, nơi khách thể thụ hưởng sáng tạo ấy. Ông nói với bạn đọc rằng cần phải để cho mình không được nghèo. Đó là điều kiện để không bị nhục. ở đâu, bao giờ, cũng phải như thế. Tôi không biết valy của ông có lèn chặt mì gói như valy của nhiều nhà văn và cán bộ Việt nam khi ra nước ngoài làm việc không? Nhưng tôi tin rằng không, khi tiếp xúc với ông. Ông bày tỏ một cách thoải mái thái độ tôn trọng sự giàu có ở những xứ ông đặt chân tới ngoài Việt nam. Tôn trọng, không phải là sùng mộ. Ông cũng kể tôi nghe về ý định sẽ mua một ngôi nhà sàn đặt chơi trong vườn nhà. Mang ngàn sâu về thành thị, một cách xuất xử hành tàng thú vị của thời nay. Đấy là thái độ của người từng làm ra và biết giá trị tốt đẹp của vật chất, là thái độ của người tự sống, không bám víu vào bất kỳ một thứ lộc nào ngoài lộc trời dành cho mình: Là tài năng. Chính cái đó tạo ở ông phong thái đường hoàng và giản dị hiếm thấy. Biết mình, và biết tự hào, người ta thường không màu mè. Tôi cười: Đấy là thái độ sống của người gần đất xa trời. Ông không cười: Đấy là đường gặp chân lý.
    Mệt Bở Hơi Tai
  6. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Đã phải là chân lý chưa, khi ông nói, với một chút ngậm ngùi, rằng trí thức Việt Nam hiện đang sống ở hải ngoại được đào tạo tốt hơn trí thức xã hội chủ nghĩa nhà mình. Hình như, chưa có ai, trong giới văn nghệ sỹ Việt nam hiện nay ra nước ngoài nói thế. Muốn biết bản chất của bất kỳ hiện tượng nào, chấp nhận sự khác biệt, thừa nhận sự hơn của người, đấy là thái độ của kẻ sỹ theo đúng nghĩa. Không ăn gỏi đời sống, không lên giọng phán xét, không tự đồng nhất với dân tộc, tự tách biệt với cơ cấu mà hiến pháp Việt Nam hiện thời đã cho quyền lãnh đạo cả dân tộc, ông nói, kiêu hãnh, giản dị, "tôi là một nhà văn danh tiếng của một dân tộc nhược tiểu". Một dân tộc nhược tiểu gồm tám mươi triệu. Đấy là một trải nghiệm cay đắng, bình tĩnh, thực tế của một người mà tôi tin rằng lịch sử văn học Việt nam sẽ ghi nhận như là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam ít nhất trong năm mươi năm đổ lại đây. Trong một nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng ông đã đưa văn học Việt nam đạt tới tầm nhân loại bằng sáng tạo của mình. Ông cần một Người Dịch. Liệu có ảo tưởng không? Vì thực tế cho thấy một nhà văn càng dân tộc bao nhiêu thì càng mang tới cho dịch giả nhiều gian nan bấy nhiêu trên con đường chuyển dịch ngôn ngữ và, đồng sáng tạo. Một nhà văn hải ngoại từng nói về văn ông: "Văn chương đến thế thì thôi". Đấy là sự bùng vỡ của thi pháp, của quan niệm về con người, về không gian lịch sử, về thời gian lịch sử, của quan niệm về biểu hiện... Điều này rất hiếm thấy ở một tác giả, ngay trong những khoảng giao thời của nghệ thuật, khi mà vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật trở thành vấn đề sinh tử của nó. Mỗi người, từ vị trí của mình, từ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã đọc ông một cách. Sự thụ cảm văn ông vì thế về lý thuyết là không thể giới hạn. Người thì đơn giản là không thể chấp nhận. Vì lối tưởng tượng đời sống, lối hiểu đời sống của ông. Vì giọng văn nén chặt, rất cộc, vẻ như triệt tiêu mọi cảm xúc, ngay cả khi sử dụng tính từ. Nhưng vẫn phải đọc. Người khoái cái giọng sát phạt ở một số truyện của ông, hả hê với lối mổ phanh đời sống một cách lạnh và tỉnh. Người thích cái chất thơ bùa ngải ở một số truyện khác. Kẻ lại để mình bị mê hoặc bởi cái lãng đãng khó định hình như sương khói, như lên đồng ở một số sáng tác gần đây hơn... Ông buông bắt người đọc bằng cái khả năng viết không thể thay một chữ nào, và bằng khả năng ấy, ông đưa tới cho chúng ta một cách nhìn mới về lịch sử, về các cá nhân làm nên lịch sử, về nhân dân. Đừng tưởng ông bê vác khối tâm hồn nông dân lên mặt giấy khi ông xưng "tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân". Ông không giả tảng, không làm duyên bằng lý lịch. Nhân vật của ông là con người trong cái phận vừa lớn lao vừa bé mọn của mình, trong ý thức về sự biết và không biết của mình, trong nỗi buồn trước cái đẹp, cái chua chát của đời sống. ý thức được tất cả những điều đó, qủa thật "làm người khó lắm". Tôi mê một nhà văn đã từng làm cho những kiếp sống mòn thành sống mãi, và tôi nhiều năm nay không có ý định so sánh tác gia này với bất kể người viết Việt Nam nào. Nhưng bây giờ thì tôi nói rằng nhân vật của ông, trên một tầm ý nào đó, có thể gọi tên, là nông dân, là trí thức. Nhân vật của nhà văn chúng ta đang nhắc đây, trên chính tầm ý ấy chỉ có thể gọi: Con người.
    Viết, trước hết là cho mình. Cái hành vi hết sức vị kỷ này, ở thiên tài, sẽ có kết quả là báu vật cho thiên hạ. Báu vật ông trao cho chúng ta, giống như là kiếm sắc, chặt, gọt, lạng tất cả những gì màu mè, không buộc người đọc phải đồng ý với ông mà buộc người đọc đối diện với chính mình, một mình náo động. Để cuối cùng, tin ở yêu thương. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ thế về văn ông, ngay cả khi ông phanh phui cái ác, cái không như ý thì cũng không phải là để hể hả, mà là xót xa. Năng lực tưởng tượng kỳ diệu của ông đã buộc mỗi người đọc phải tự nhận diện cái ác một lúc nào đó có thể đã xuất hiện và chế ngự chính mình, và hủy diệt nó. Tận cùng văn ông là khả năng yêu thương và đau đớn. Cái đấy là cái cần có ở mỗi người, và là chính yếu ở một nghệ sỹ. Đọc ông, nghe ông, tôi không nghĩ rằng tất cả đều chính xác, nhưng ẩn chứa trong đó là sự thật đó của tâm hồn ông. Vậy thì có nên băn khoăn nhiều không, vì những điều này khác ông nói có thể là chưa đúng theo ý chúng ta. Có thể, được chăng, đọc trong những khẳng định quyết liệt của ông một ý hướng chống lại áp chế, hay là một biểu hiện cái quyền ít nhiều được thất thường trong tính khí của bậc kỳ tài. Nếu ngần ngại trước các khả năng ấy, có thể nói đơn giản: Là nhà văn, sống và sáng tạo ở Việt Nam trong những năm tháng này, ông không phải chịu trách nhiệm vì sự thiếu thông tin của mình.
    Tôi thấy ông. Ông cô đơn làm sao với hành trang nội tâm của mình. Và, vĩnh viễn đơn độc trên hành trình sáng tạo. Đấy là số kiếp của những bậc chân tài. Tôi lắng nghe, và hình dung, qua những khoảng ngừng ngắn giữa lời, khi ông lặp đi lặp lại "tức là...", như tìm lời giải đáp trước hết cho mình, và, qua âm thanh im lặng của từng con chữ rất ông. Ông đã tạo hẳn một dòng chảy mới cho văn học Việt Nam đương đại, là bóng cả của nhiều người viết hiện nay. Ông không biết ông là một trong những người thầy lớn mà tôi đã chọn để quên đi, để bước ra khỏi bóng của họ. Dù sao thì tôi đã không nói điều đó. Ông và tôi không cần ở nhau sự màu mè.
    Một bạn viết hơn tuổi có nói rằng nếu tôi không phỏng vấn ông nhân dịp gặp ông ở nơi này thì thật đáng chém bút. Để làm gì? Và tại sao ông? Vì danh tiếng của ông? Những huyền thoại bao giờ cũng đầy dẫy xung quanh những người danh tiếng. Tôi đã đánh rơi mà không tiếc ý thích để huyền thoại bỏ bùa từ rất lâu rồi. Đặt người đối thoại trong một quan hệ hỏi đáp nghiêm cẩn thế, sẽ chắc chắn được nghe nhiều tuyên ngôn, nhiều lời hay ý đẹp. Và khó có gì hơn thế. Nhưng tôi thích tin hơn vào những đối thoại giản dị, giữa CON NGƯỜI.
    Tháng tư 2000
    (In lần đầu trên Tạp chí Văn Học tháng 5.2000)
    Mệt Bở Hơi Tai
  7. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    Trần Thị Trường
    Gặp Nguyễn Huy Thiệp trong cái "thế giới riêng"
    Vẫn con đường ấy. Từ Ngã Tư Sở qua Khương Trung qua những ngoằn ngoèo phố nhỏ đến cái cổng làng (giờ đã chìm lẫn vào mặt tiền những ngôi nhà mới) chui vào, đi thêm ngoằn ngoèo nữa qua những ngôi nhà mới làm thành Khương Hạ phố, ta gặp một cái cổng nhà ở gần cuối ngõ. Phải! Cái cổng nhà mang mảnh hồn trí Nguyễn Huy Thiệp.
    Cách đây 10 năm, nhà ông ở hướng thiên đông. Sau thành công không thể so sánh được của những truyện ngắn mang tầm vóc Thuỷ thần & Lửa, sau những gian truân khó bề tưởng tượng của đời người, Nguyễn Huy Thiệp phá đi, xây nhà mới xây lại với hướng cũ (Khách nghĩ: ông theo thuyết phong thuỷ). Nhà lát đá ghi, các khuôn cửa mầu nâu sẫm, rộng gần 100 mét, một tầng, kiểu nhà có mái có chái, cao hơn 4 mét nằm trong khuôn viên hơn 1000 mét vuông. Khuôn viên có cây (ăn trái) lâu năm, có cây mới trồng, có tượng (mang dáng) Phật cao hơn 4 mét. Gương mặt thiếu nữ, tượng khoác cà sa hình lá sen, không chỉ hở bờ vai, cánh tay khoanh, ngón tay bắt quyết, thế tự tại (nhưng mắt còn??? chưa nhắm hết) ngồi trên một đoá sen nhiều cánh. Không phủ son vàng, tượng để nguyên màu xi măng, màu của bản nguyên, màu Nguyễn Huy Thiệp hiếm khi hé lộ. Bản nguyên thuần phác, tới đáy, đầy sức mạnh, có khả năng lay động tới cùng.
    So với 10 năm trước, Trang (vợ Nguyễn Huy Thiệp) trông như có vẻ trẻ hơn, đẹp hơn. Nguyễn Huy Thiệp thì trông chẳng khác gì, vẫn "dọn" sẵn cái vẻ "tù mù", khắc kỷ trước mặt người lạ, nhưng nếu khách là người quen hay người biết cách, người đem đến một câu chuyện đáng quan tâm??? thì cái vẻ ấy sẽ biến mất. Bước chân qua cổng; thế là để lại cả thế gian bên ngoài, gặp cái thế giới Nguyễn Huy Thiệp và Trang.
    Khi đã ngồi trong nhà, uống nước trong cái bát sành, một kiểu chơi của những kẻ tao nhã, chờ ông lấy tập ảnh mới nhận được từ bên Pháp, khách thầm nghĩ: Giá đất ở đây hiện đang xấp xỉ 10 triệu/mét vuông, vị chi ông đang là chủ một cơ ngơi vài chục tỷ.
    - Ông bà ở rộng thế này sao không bán bớt một ít "xả láng" cho đã đời. Vài trăm mét vườn vẫn rộng chán?
    - Kể cũng rộng quá thật??? Ðất đai, tài sản là những điều chẳng ít phiền phức??? Mà, biết đâu được với thời. Vườn này đã có từ hơn 600 năm nay, động vào không thể không nghĩ. Cũng đang nghĩ đấy. Tiền! Cần lắm chứ. Nhiều việc không có nó không xong.
    Lúc này Trang bước từ trong ra mang theo một chùm nhãn tươi vừa trẩy:
    - Nhiều năm trước phải bán nhãn non, bán món tù mù từ lúc còn xanh. Nhưng vài năm nay để ăn. Ăn đi??? Chuyện đất cát, anh ấy nói đùa đấy.
    Khách liếc chiếc xe kiểu @ mới coóng dựng trong gian bếp rộng (đã nhìn thấy họ đèo nhau trên đường Quang Trung), cười lại:
    - Phải, ai dám bảo Nguyễn Huy Thiệp giờ đây còn nghèo. Chỉ thu nhập của Trang (thợ sửa morat thượng thặng) cũng đã đủ dùng cho cả 4 người rồi, còn nhuận bút các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ khắp mọi nơi gửi trả chưa kể!
    Trang bảo:
    - Ừ! Có mấy nhà xuất bản nước ngoài thi thoảng gửi sách và nhuận bút sang đây cho anh ấy. Nhưng từ xưa tới nay thì bọn này cũng có trông vào đấy đâu.
    Ông như không nghe thấy gì. Ðưa khách cuốn album. Cuốn album cho thấy một Nguyễn Huy Thiệp: áo vét tông, cổ ca vát, gương mặt sáng rỡ, hoạt bát, tự tin và??? đang diễn thuyết, khác hẳn với Nguyễn Huy Thiệp thường gặp: áo Natô mùa đông hoặc áo cộc tay bỏ buông mùa hè, trán hay nhiu nhíu, nghe chứ không nói, nếu có thì nói như người nói lắp, tuyệt nhiên chẳng thấy chút năng khiếu diễn thuyết nào. Anh chụp, các kiểu khác nhau nhưng đều thấy ông ngồi trong trung tâm sách rất lớn ở Paris: Asie Du Est Librairie LE PHENIX, ở giữa, một bên là bà người Pháp giỏi tiếng Việt, một bên là ông giám đốc trung tâm và phía dưới khá nhiều độc giả chăm chú nghe ông nói chuyện. Người tặng ông cuốn album viết "Kính tặng anh, nhà văn lớn mà tôi kính trọng. Ðây là những tấm ảnh tôi chụp được trong những khoảng khắc quý giá và hoàn toàn bất ngờ". Trên bàn làm việc, tập bản thảo kịch bản chuyển thể truyện ngắn "Không có vua" thành phim để đó, cuốn "Ðàn hương hình" đang mở. Khách hỏi:
    - Chắc ông đã đọc Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Kun đơ ra; Mác két ông thấy thế nào? Ông có nghe nói chủ nghĩa hiện thực huyền ảo văn học thế kỷ 20 chấm dứt rồi không? Và nói chung ông thấy hình thức diễn đạt nào thích hợp nhất cho tiểu thuyết nói riêng và các tác phẩm văn học nói chung?
    - Người ta đọc khi người ta không viết. Khi viết người ta quên những cái đã đọc. Hình thức, chủ nghĩa??? càng quên. "Ðàn hương hình" chưa đọc xong, "Phong nhũ phì độn" hay đấy nhưng Mạc Ngôn vẫn còn chưa cao tay, còn "vòng vèo" quá, dùng phép xảo nhiều quá, chưa đạt đến cái hay của sự chân thật của Cao Hành Kiện. Một thời tôi tin vào sức mạnh của trí tưởng tượng, tin vào hư cấu. Giờ thấy điều đó chưa phải là hay nhất. Chân thật mà hay được tất nhiên là không dễ. Khi đọc Kun đơ ra hay Mac két tôi bỗng nhớ nhiều hơn đến Tônxtôi, đến Gô gôn , ừ thì bây giờ cũng nhiều người không còn muốn đọc và không đọc nổi Ðốt??? Nhưng??? Cũng như còn có mấy người tin Vích to Huy gô? Và làm gì có thực một Giăng van giăng? Bịa ra để an ủi ư? Chia sẻ ư? Không xong được. Bây giờ cuộc sống trắng trợn hơn nhiều, cực đoan hơn nhiều, giả chân??? không ăn thua. Nhưng Chân -Thực? Ðã không dễ, lại phải trả giá. Ðau đớn lắm. Cao Hành Kiện, "hắn" đem cuộc đời thực của hắn ra mà viết với một cách tân riêng làm tôi chú ý hơn cả... Thực về bản thân nghĩa là thực về những người xung quanh, về tất cả. Một cái thực lớn dưới ngòi bút của kẻ có suy nghĩ lớn thì sẽ là một cuốn sách lớn, nhưng vì thế mà sẽ xúc phạm đến nhiều người. Những (thành công) sách của tôi cũng đã xúc phạm khối người rồi. Ngay người thân cũng còn không chịu nổi. Chính điều này mới thật khó bước qua. Và vì thế nên tôi thích Cao Hành Kiện và cái thật trong "Linh sơn".
    (Nghe ông nói khách chợt nhớ rằng có lần ông bảo cuộc đời sáng tạo giống như nhan sắc người đàn bà, đẹp nhất chỉ dăm năm thôi, và quãng thời gian đó của ông đã qua rồi khách thấy không tin được. Còn sức nghĩ như thế này thì ông sẽ còn nung nấu viết ra)
    - Ông có nghĩ văn học ở ta đã đạt tới một đẳng cấp? Ông có đọc các tác giả Việt Nam không? Có xem báo hay tivi không?
    - Văn học ở ta tất nhiên là có những thành tựu nhất định. Quên thế nào được một Vũ Trọng Phụng, một Ngô Tất Tố , một Nam Cao... Ðọc và xem. Thấy mỗi người là mỗi đóng góp... Lê Lựu chẳng hạn, sẽ có nhiều người sướt mướt, hồi hộp cho một Giang Minh Sài. Thành tựu đấy và??? thời đại đấy!
    - Phim "Danh gia vọng tộc" của người láng giềng Trung Quốc đang chiếu, ông có xem không? Không hiểu sao hai ông Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu đạo diễn nổi tiếng còn tham gia cả vai diễn?
    - Trung Quốc cũng có nhiều cái để xem. Chả cứ hai ông ấy, tôi cũng đã từng làm nhiều việc. Chỉ không lừa đảo thôi. Không lừa được thì đúng hơn. Ngụp lặn đủ cả. Sống. Phải sống mà???(cười).
    - Phải, nhiều người đã xem ông vẽ tranh, làm gốm, kẻ áp phích quảng cáo, chung vốn mở nhà hàng, bày biện các gian triển lãm, trước đó thì dạy học ở Tây Bắc và làm ở kho sách Cục xuất bản.
    Mệt Bở Hơi Tai
  8. metbohoitai

    metbohoitai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2002
    Bài viết:
    33
    Đã được thích:
    0
    (Khách nghĩ: Nhà hàng Hoa Ban của ông nơi có mặt nhiều thực khách. Từ chính khách đến bình dân, từ ông đại sứ bà phu nhân đến những "hảo hán, anh hùng" giang hồ khét tiếng, từ người xưa cũ "Tự lực văn đoàn" đến kẻ hôm nay say sưa thơ trẻ. Hình như tất cả giống nhau ở chỗ muốn thực nhìn thấy cái vẻ "tù mù", thực nghe thấy cái câu chuyện từ một người đã từng viết truyện mang tên Nguyễn Huy Thiệp. Và khách nghĩ: Ai đã biết ông từ thời Tây Bắc đến giờ thì hiểu ông từng trải thế nào, kiên cường khổ ải thế nào, tàn nhẫn ra sao nhưng đồng thời lại thấy rất rõ phía sau những điều đó. Cũng yếu lòng, nhậy cảm và xót thương. Khi đọc "??? Hoa ban??? một vẻ đẹp nao lòng. Hoa ban ơi, một nghìn năm nữa thì mày sẽ thế nào? "; hay khi trò chuyện thế này càng rõ nữa... Khách nhớ đến cuốn sách đầu tiên của ông với lời đề tặng Hồng Hưng, đoán rằng người này với ông có nhiều kỷ niệm)
    - Có dạo ông bảo muốn làm một cái gì đó phải có nhiều tiền. Bây giờ có tiền rồi (nếu bán đất) sao ông không làm một cái gì đi?
    - (Cười thủng thẳng, nhìn sang vợ đang gọt khế) Có tiền á, sẽ đưa vợ đi du lịch khắp nơi. Xem thế giới. Làm cái gì à. Vô nghĩa cả thôi. Chẳng quan trọng nữa.
    - Những truyện ngắn của ông dù tàn nhẫn thế nào cũng vẫn là những câu chuyện tình cảm động. Cuộc tình của Nguyễn Trãi và Thị Lộ dưới lối kể của ông khiến cho bao kẻ ước ao được ngồi trong cái quán mưa hôm ấy. Tình yêu có chi phối nhiều, có là mối bận tâm lớn của ông không?- Tình yêu là một bí mật lớn của đời sống. Bí mật bao giờ cũng hấp dẫn. Tình yêu chẳng chi phối riêng tôi mà tất cả mọi người. Song ai rồi cũng phải lựa chọn, cái lựa chọn không phải lợi cho mình mà vì người khác. Ðiều đó sẽ gây ra sự tàn nhẫn.
    (Khách bỗng nhớ trong "Những bài học Nông thôn", ông viết "Vợ người thì đẹp vợ mình thì tử tế", rồi tự hỏi không biết có ai được cả hai điều đó cùng một lúc không?)
    - Ông có thích âm nhạc không? Thường nghe loại nhạc gì?
    - Thời tôi trẻ hầu hết người ta không được giáo dục âm nhạc. Không được giáo dục thì hiểu làm sao được để mà thích và có thể nói chắc cái này đáng thích hơn cái kia. Cho đến hơn ba mươi tuổi tôi mới học cách thắt giây giầy và cho đến hơn bốn mươi tôi mới tự thắt được ca vát??? Tôi vẫn biết âm nhạc là một thứ có thể tác động mạnh mẽ, là một chất di dưỡng tâm hồn. Nhưng, tôi còn nuôi tôi, nuôi những đứa con trong những năm tháng quần quật và tan nát mà chỉ để có ăn và có học thôi cũng chưa đủ, nói gì đến cái khác. Bây giờ thì nghe, gặp cái gì nghe cái đấy. Một vài cái cũng muốn nghe lại vài lần.
    (Khách bỗng nghĩ đến những người làm "hoàng đế cởi truồng" trong âm nhạc, hội hoạ, mỹ học??? mà giọng thì ra vẻ ta đây. Mấy ai dám thật như ông thế này!)
    - Bách và Khoa nhà ông dạo này thế nào?
    - Bách đã học xong Ðại học Mỹ thuật. Tranh của cậu ta cũng có người tìm mua. Tôi bảo chưa ăn thua. Phải quyết liệt hơn nữa. Nhưng cậu ta nói chẳng thích quyết liệt để làm gì. Còn Khoa thì đang học Ðại học Văn hoá Hà Nội. Thằng này, nhìn chung thích ăn chơi nhảy múa và sành đủ thứ. Cũng có thể bởi nó nhìn thế hệ của bố nó, mà nghĩ: Tại sao lại khổ nữa làm gì?
    - Chúng có sử dụng tên tuổi của ông?
    - Chắc chắn là có, tội gì mà không, tuổi trẻ bây giờ ít bị những quan niệm này nọ ràng buộc. Chúng nhẩm nhanh lắm. Và chúng biết hưởng những gì chúng có??? Tính thời đại đấy. Cứ gì con nhà tôi?
    - Trở lại chuyện bán đất, đổi đất lấy??? lợi lộc. Khắp nơi người ta đang sôi sục cả lên. Ông sẽ bán đất chứ? Trăm năm hay truyền thống??? theo ông có quan trọng lắm không? Giả sử có một kẻ tri âm đến mua để sống trên mảnh đất này, cạnh nhà ông, ông bán cho họ chứ?
    - Khi người ta không đủ sức giữ nó thì người ta phải bán, hoặc đổi. Giữ nó mà không đủ sức thì rất nguy hại. Song, nhượng bán cho một người mình không hiểu họ thì??? tất nhiên là??? nguy hơn.
    Trang lại lên tiếng ngang:
    - Kiếm đâu ra tri âm bây giờ... Mà thôi đừng nói chuyện đất cát, bán đổi. Cũng còn phải nghĩ nhiều đấy, anh Thiệp thì có lúc lại dễ lắm cơ. Cũng như chuyện uống rượu, và nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa thay vợ ấy mà, có lúc một li cũng không làm, có lúc thì làm tất... Chỉ có chuyện sắp tới anh ấy dỡ cái mái này ra nối thêm một tầng nữa là chắc chắn thôi. Ngay cả chuyện này anh ấy cũng không định nhưng hàng xóm ở đây họ xây cao nghất nghểu, thế là bọn trẻ cũng đòi cao như vậy, anh cũng ừ. Anh ấy bảo: khác người thì dễ chết lắm.
    (Khách cười thầm: Thế nhưng ông ấy vẫn sống khi rất khác đấy thôi)
    Nói rồi Trang vào bếp bê ra một mâm cơm. Rau luộc, thịt rán, cá kho khô, nước mắm chanh ớt, rau thơm??? Mười mấy năm nay vẫn thế, bất kể khách là ai, màu da nâu hay trắng, áo ngắn hay áo dài, có tên hay vô danh, câu chuyện tẻ nhạt hay lôi cuốn đến bữa họ đều mời như thế. Khi về còn có túi hoa quả chủ nhà ngắt ở vườn đặt trên giỏ xe.
    Trời đã xâm xẩm. Hương cau thoảng đưa trong gió. Bóng cau đổ ngập ngừng trên lối đi. Có tiếng con mực hức hức bên những bước chân. Bức tượng thấp thoáng trong nửa sáng nửa tối, chợt, đó như ai, khách đã gặp trong đời. Hiện thực hay huyền ảo, đâu chỉ là hình thức, nội dung đấy. Có nội dung thì hình thức sẽ chọn được thôi. Có người bảo với ngần ấy, đọc Thiệp cũng đủ khoái rồi. Viết nữa hay không vẫn là đây - Nguyễn Huy Thiệp.
    30/7/2002
    © Talawas 2002
    Mệt Bở Hơi Tai
  9. daysleeper

    daysleeper Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    10/02/2002
    Bài viết:
    779
    Đã được thích:
    0
    Để làm gì với những thứ này nhể >>???

    những con heo đã bỏ đi

  10. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Khiếp .....? Kinh khủng ...Mà nhân vật này là ai nhỉ ..Mỗi cái tên nghe quen ..Nhà thơ phải không nhỉ ...Hic chắc người này vĩ đại quá nên không biết
    <img src='images/emotion/icon_smile_rose.gif' border=0 align=middle> Chúng ta yêu nhau chỉ mong thế ...!<img src='images/emotion/icon_smile_rose.gif' border=0 align=middle>

Chia sẻ trang này