1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Phỏng vấn Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi ngochau, 16/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ngochau

    ngochau Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2002
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Phỏng vấn Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long

    Âm hưởng Việt Nam tại International Guitar Festival 2001 Bernau (CHLB Đức)

    Trung tuần tháng 11/2001 vừa qua, nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long đã tham dự biểu diễn rất thành công tại Liên hoan âm nhạc guitar quốc tế Bernau (CHLB Đức) Được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh và báo chí Đức ca ngợi: "Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã đưa chúng ta vào một cuộc dạo chơi vòng quanh quả đất bằng thế giới âm nhạc guitar thật thú vị...". Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Berlin đã gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ.

    PV: Vừa qua anh đã tham dự Liên hoan âm nhạc guitar quốc tế tại Bernau (bang Brandenburg-CHLB Đức) xin anh cho biết tầm cỡ của Liên hoan lần này?

    Đặng Ngọc Long: Đây là Đại hội liên hoan âm nhạc guitar cổ điển lần đầu tiên do trường âm nhạc Bernau tổ chức, dưói sự tài trợ của tiểu bang Barnim va thành phố Bernau. Khách được mời tham gia biểu diễn và giảng dạy phải có trình độ cao và rất quen biết với công chúng. Ngoài ra còn có cuộc thi guitar độc tấu Guitar dành cho các thí sinh trẻ.

    PV: Các khách mời là những ai?

    ĐNL: Các Nghệ sĩ được mời biểu diễn là giáo sư M. Mysliveck (trường đại học âm nhạc Cộng hoà Áo) solo, nhóm tứ tấu Spanish Art Guitar Quartet (CHLB Đức), Đặng Ngọc Long (Việt Nam) solo cùng với dàn nhạc giao hưởng "Philharmonic Art Ensemble", mà các thành viên của dàn nhạc được tuyển chọn từ nhiều nước như: Nga, Balan, Tiệp, Thuỵ sĩ... Giáo sư I. Wilczok (trườg đạ học Âm nhạc Đức) là thành viên Ban giám khảo chấm thi. Tại Liên hoan còn có một hội thảo chuyên đề "Kỹ thuật Alexander" cho các giáo viên âm nhạc và một triển lãm các nhạc cụ, bản nhạc và sách vở về đàn guitar.

    PV: Trong chương trình anh đã biểu diễn những tác phẩm nào?

    ĐNL: Tôi đã trình tấu những tác phẩm kinh điển của Tây ban nha, châu Mỹ la tinh... và một số tác phẩm của Việt Nam. Đặc biệt 2 tác phẩm cùng với dàn nhạc: bản Conzerto de Aranjuez của nhạc sĩ vĩ đại người Tây Ban Nha, và một tác phẩm hiện đại của nhạc sĩ người Đức.

    PV: Khán giả đón nhận những tác phẩm Việt Nam do anh trình diễn như thế nào?

    ĐNL: Họ ngạc nhiên và rất thú vị khi nhge âm hưởng pha trộn giữa châu Á và châu Âu. Sau buổi biểu diễn, có nhiều tờ báo đã phân tích về cấu cách, hoà âm, và sự kết hợp trong phong cách biểu diễn của tôi, họ rất khen ngợi về các tác phẩm mang âm hưởng giai điệu dân ca Việt Nam như bài: "Bèo dạt mây trôi" (dân ca quan họ Bắc ninh), bài "Núi rừng Tây nguyên", "Miên man" (sáng tác của tôi),...

    PV: Trong chương trình thi tài năng trẻ chúng tôi thấy có 2 tác phẩm bắt buộc cho thí sinh là sáng tác của anh, vì sao hội đồng đã chọn những tác phẩm này?

    ĐNL: Âm nhạc châu Á là một trong những nội dung chính của Liên hoan âm nhạc lần này. Hội đồng xét chọn 2 tác phẩm viết riêng cho guitar mà nhạc sĩ sáng tác phải là người biết chơi guitar, đồng thời phải chứa đựng hài hòa chất liệu châu Á. Do vậy, hai tác phẩm của tôi đã được may mắn chọn làm bài thi bắt buộc cho các thí sinh.

    PV: Anh hiện đang là giảng viên của Trường âm nhạc Berlin và Bernau, ngoài các học trò Đức anh có dạy học trò là người Việt Nam không?

    ĐNL: Có một số gia đình Việt Nam, do bố mẹ quan tâm tới nghệ thuật và tương lai con cái, nên đã nhờ tôi dạy cho con em của họ. Tôi cũng có dự định mở một lớp cho các cháu người Việt nam, đẻ có đièu kiện học tập tiếp thu với nền âm nhạc quê hương, sau này lớn lên các cháu khỏi cảm thấy xa lạ với chính nền văn hoá của dân tộc ta. Tôi nghĩ mình dạy cho Tây được sao không dạy cho người của mình. Tuy nhiên, muốn mở những lớp như vậy cần có sự đầu tư về thời gian và sự hỗ trợ, cũng như quan tâm tới giáo dục âm nhạc của cộng đồng người Việt ở Berlin.

    PV: Anh dự định gì nữa trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành guitar trong nước?

    ĐNL: Đẫ từ lâu tôi có ý định và mong muốn về Việt Nam tham gia biểu diễn, cũng như giảng dạy và bồi dưỡng cho các thế hệ trẻ trong nước. Nhưng cách làm như thế nào và bắt đầu từ đâu, tôi thực sự còn ít kinh nghiệm. Tôi nghĩ, nếu có ai đó yêu guitar và có tài tổ chức, phối hợp giúp tôi, thì có lẽ tôi dễ thực hiện được ước muốn của mình hơn. Song phần tôi, với cây đàn guitar trong tay, tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu, miễn là đóng góp phần nhỏ bé của mình cho nền âm nhạc quê nhà.

    PV: Xin cám ơn và chúc anh sớm đạt được ý định!

    (Đặng Đình An thực hiện, gửi cho VOVNEWS từ Berlin)
  2. hoangmy

    hoangmy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/11/2002
    Bài viết:
    0
    Đã được thích:
    0
    Nghe nói tết này Đặng Ngọc Long về Việt nam biểu diễn thì phải?
  3. ngochau

    ngochau Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2002
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    sao bây giờ vẫn chưa thấy quảng cáo nhỉ???
    bạn hoang my nghe thấy ở đâu vậy???
  4. ngochau

    ngochau Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2002
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    http://www.nhandan.org.vn/vietnamese/chinhtri/201203/clch_nguoitao.htm
    Người tạo nên chất "quê" giữa trời Âu

    Sau thành công rực rỡ của Đại hội Guitar quốc tế do nhóm tứ tấu "Spanich Art Guitar Quartet" trình diễn mới đây, một tờ báo của Đức đã nhận xét về tác phẩm mới viết cho hòa tấu bốn đàn guitar của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Sự kết hợp hài hòa giữa quãng Á Đông và nhạc hiện đại mang một mầu sắc mới lạ mà âm hưởng bắn phá mãnh liệt".
    Đây không phải là lần đầu tiên giới yêu nhạc trên quê hương của Bach dành cho nhạc sĩ tài hoa người Việt này những lời khen tặng, mà đã từ lâu tên tuổi của anh đã trở nên quen thuộc trong giới nhạc sĩ ở Đức và các nước châu Âu. Giáo sư Inge Wilczok, Chủ nhiệm khoa guitar trường Đại học Berlin từng nhận xét: "Đặng Ngọc Long là một nghệ sĩ có tầm cỡ quốc tế trình tấu các tác phẩm cổ điển quen thuộc theo phong cách riêng của mình". Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, tại Đại hội liên hoan nhạc guitar tại Hungary vào năm 1987, Đặng Ngọc Long đã nhận được giải thưởng đặc biệt của cuộc thi quốc tế âm nhạc Villa Lobos, và trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải của một cuộc thi guitar quốc tế. Sau đó, anh tiếp tục nhận được những giải thưởng nghệ sĩ trẻ ở Tiệp Khắc, Italy....
    Nghệ sĩ trẻ ngày đó nay sẽ bước sang tuổi 47 vào năm tới. Từ nước Đức, anh cho biết qua Internet:
    - Hiện nay tôi sống ở Berlin, với công việc chính là giảng dạy chuyên ngành guitar tại hai trường âm nhạc của Đức (Berlin và Bernau). Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi biểu diễn theo lời mời của các tổ chức guitar quốc tế. Đồng thời tôi cũng là người chịu trách nhiệm tổ chức và mời các nghệ sĩ guitar danh tiếng từ các nước trên thế giới tới biểu diễn và giảng dạy nâng cao, tham gia hội thảo các chuyên đề về guitar tại Đại hội Guitar Quốc tế Bernau diễn ra 3 năm một lần. Còn thời gian rỗi thì tôi viết sách và sáng tác cho guitar.
    Hỏi: Một tài năng nghệ thuật hay một nghệ thuật ít nhiều được thừa hưởng của dòng họ. Anh có được cái may mắn đấy chứ?
    Trả lời: Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc, nhưng bố mẹ tôi rất có năng khiếu bẩm sinh về thẩm âm. Tôi biết điều này vì sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội đã có dịp "thử tai" ông bà như đi tuyển học trò cũng đập phách, cũng xướng âm... Như vậy, có nghĩa là tôi cũng có gene của bố mẹ tôi đấy chứ. Bố tôi nay không còn nữa (ông đã mất vì một cơn bệnh ung thư hiểm nghèo), nhưng mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, tôi vẫn được nghe mẹ ngân nga những làn điệu dân ca rất chuẩn mà thầm cảm ơn công sinh thành của bố mẹ. Tôi cũng nghĩ rằng, ai muốn đi theo con đường nghệ thuật, điều trước tiên phải có năng khiếu bẩm sinh, sau đó khổ luyện sẽ thành công.
    Hỏi: Anh nghĩ như thế nào khi trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải của một cuộc thi guitar quốc tế vào năm 1987 tại Hungary?
    Trả lời: Tôi còn giữ nguyên cảm giác lâng lâng hạnh phúc đó cho đến tận bây giờ. Quả thực tôi rất lấy làm tự hào, vì từ trước đó trên thế giới đại diện cho giới nhạc sĩ châu Á, người ta chỉ quen tên các nghệ sĩ guitar người Nhật thôi. Thông qua sự kiện này, Việt Nam cũng có tên trong danh sách những người chơi guitar cổ điển. Cũng vì lẽ đó, tôi đã ở lại nước Đức với quyết tâm nâng cao trình độ âm nhạc của mình, những mong đem những giai điệu quê hương giới thiệu với bạn bè quốc tế. Cây đàn guitar xuất thân từ châu Âu thì phải đến châu Âu mới hiểu hết về nó. Cũng như một người ngoại quốc muốn học đàn bầu thì phải đến Việt Nam.
    Hỏi: CD "Guitar Music" của anh được phát hành năm 1998. Đây cũng là CD âm nhạc đầu tiên của một người Việt phát hành tại Đức, và đặc biệt lại được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở Đức - những người sống xa quê hương được nghe những ban nhạc mang âm hưởng Việt Nam ở xứ người điều đó có ý nghĩa như thế nào?
    Trả lời: Âm nhạc của tôi là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và cổ điển hoặc hiện đại, trong các tác phẩm của tôi đều thể hiện rõ điều đó. Trong CD này, anh có thể nghe thấy âm hưởng Tây Nguyên rất đặc trưng và quen thuộc trong nhạc phẩm "Núi rừng Tây Nguyên". Nhạc phẩm này tôi viết từ cách đây 20 năm (lúc đó tôi đang dạy học ở Trường âm nhạc Tây Nguyên). Mục đích của tôi là lấy chất liệu Tây Nguyên, thông qua các âm sắc của cây đàn guitar để vẽ lên một bức tranh, "nhìn" thấy được. Sau khi Hãng sản xuất đĩa nhạc Compact Disc Planton phát hành CD này, nhiều người Việt Nam trên nước Đức gặp tôi cứ xuýt xoa: bài "Bèo dạt mây trôi" sao nghe mênh mông thế, rồi bài "Núi rừng Tây Nguyên" còn thấy cả rượu cần trong đó. Bấy nhiêu cũng đủ gợi nên nỗi nhớ nhung quê nhà da diết của những người con xa xứ.
    Hỏi: Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một nhận xét thế này sau chuyến đi thăm cộng đồng người Việt ở Đức: "Khi đi xa mới thấy Tổ quốc thêm gần gũi. Nỗi niềm xa cách đó đã làm nên một chất "quê" trong CD âm nhạc phát hành ngay tại trung tâm châu Âu?
    Trả lời: Hai mươi năm sống ở xứ người rồi. Nói thật tôi nhớ lắm. Nhiều sáng tác, ngoài những tìm tòi, thể nghiệm, phần lớn tôi ***g vào trong đó những tình cảm với quê hương. Chất liệu âm nhạc dân ca tiêu biểu như các quãng, cung bậc dân tộc pha trộn vào thành cái lạ đối với phương Tây. Thí dụ gần đây nhất là tác phẩm viết cho hòa tấu bốn đàn guitar tại Đại hội Guitar quốc tế do nhóm tứ tấu "Spanich Art Guitar Quartet" trình diễn. Nói riêng về cộng đồng người Việt ở đây, quả thật họ khan hiếm về văn hóa nghệ thuật quê hương. Do vậy, mỗi lần có văn nghệ, triển lãm của người Việt Nam tổ chức là bà con kéo nhau đi xem rất đông.
    Đặng Ngọc Long say mê âm nhạc từ bé. Anh có sự mẫn cảm và rung động kỳ lạ mỗi lần nghe những bài hát giai điệu quê hương của bố mẹ. Ngày đó gia cảnh khó khăn, mơ ước có một cây guitar để ngày ngày tập tọng quả là quá xa xỉ với cậu bé Long. Cậu tự mầy mò tạo ra một cây sáo, một cây đàn, những thứ chỉ hao hao một "nhạc cụ" để tắc búp tập tành. Thương con quá, bố cố gắng tìm mua cho anh một chiếc guitar loại "dán nhấm". Bất ngờ là bài hát đầu tiên do anh sáng tác ra đời từ chiếc guitar "dán nhấm" ấy đã giành giải nhất hội diễn văn nghệ toàn trường.
    Buổi biểu diễn gần đây nhất của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long tại quê hương diễn ra vào năm ngoái, theo lời mời của ban tổ chức Đại hội Guitar toàn quốc tại Hà Nội. Buổi biểu diễn không chỉ gây xúc động với khán giả quê hương mà đối với chính các nhạc sĩ. Sau hai mươi năm, bản "Núi rừng Tây Nguyên" của Đặng Ngọc Long lại xuất hiện trên sân khấu âm nhạc quê nhà, và người nhạc sĩ vẫn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt như ngày xưa. Anh nhớ nhất là đoạn vỗ tay của khán giả giữa bài, "cũng y xì của hai mươi năm trước". Và Đặng Ngọc Long dự định sẽ cho ra đời một album âm nhạc thứ hai để đáp lại lòng chung thủy của người mến mộ.
    MINH HOÀN (thực hiện)
    (Báo Đại đoàn kết)

    --------------------------------------------------------------------------------


Chia sẻ trang này