Phỏng vấn Trần Đăng Khoa "...Tôi sẽ gác bút không quan tâm cái gọi là phê bình nữa..." Lời dẫn của Người thực hiện: Lần này thì tôi gặp và hỏi chuyện "ông Cựu Thần đồng Thơ" trong dịp cùng dự Hội thảo "Văn hoá, Nghệ thuật và Truyền thông ở Việt Nam ngày nay" do Viện Tin lành Iserlohn (Evangelische Akademie Iserlohn), Đức, tổ chức từ 29-6 đến 01-07-2001. Cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo Việt Nam đến từ Việt Nam và từ khắp nước Đức. Khoảng năm 1977, là những người "lính văn hóa", tôi và Trần Đăng Khoa đã có đợt ở cùng nhau gần một tháng. Khi đó tôi là thiếu úy, còn anh hình như là thượng sĩ haytrung sĩ. Nay, trên 20 năm gặp lại, trước mắt tôi, anh đang ở hàm trung tá QĐND VN. Phỏng vấn người nổi tiếng dễ làm mà khó hay. Họ mà "chiều" mình thì họ nương theo câu hỏi của mình; họ "tương" với mình thì câu hỏi có cũng như không. Chả sao, dẫu "chiều" hay "tương", với tên tuổi và tài năng đã có cái gì phát ra từ người nổi tiếng cũng dễ bắt tai, bắt mắt thiên hạ. Miễn là mình... sạch nước cản một chút! Song với nhà thơ quá nổi tiếng Trần Đăng Khoa này thì lại nảy ra chuyện khác: 4-5 năm nay, bỗng dưng, anh lại kiêm luôn một cái nổi tiếng nữa: về phỏng vấn. Với nghề phỏng vấn đã đạt đến mức nghệ thuật, anh mà "tương" thì không dễ gì chúng tôi có được cái hay hay để hầu tiếp độc giả của mình. Biết vậy, chúng tôi không tham vọng nhiều, chỉ muốn hỏi về: Các thông tin mới nhất quanh cuốn sách bình luận văn chương "Chân Dung và Đối thoại" - sự kiện đã làm anh "nổi tiếng lần hai" trong trường văn trận bút Việt Nam chừng 40 năm qua; Cái nhìn của anh về người Việt, nhất là về các văn nghệ sĩ, ở nước ngoài; Về chuyện... riêng tư của anh (vì anh còn khá nổi tiếng vì chuyện... muộn vợ!); Về các sự kiện văn hóa-văn nghệ trong, ngoài nước (Cái này thì tôi thủ sẵn khá nhiều, tính trong câu chuyện tiện đến đâu là dí ra đến đó! May, lần này cũng có được hai cái nặng kí: về tiểu thuyết "Chuyện kể năm 2000" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn và về cuộc thảo luận trên Diễn đàn Liên mạng "Trí thức VN" do chúng tôi "bày bàn"). Vậy, mời Quý độc giả cùng vào hỏi chuyện Trần Đăng Khoa với chúng tôi, để thấy còn có nhiều cái bất thần khác mà chúng ta vớ được qua một môi miệng lém lỉnh và sắc sảo của làng văn Việt Nam hiện đại. Phạm Hoàng (PH): Chào anh Trần Đăng Khoa. Trước hết cám ơn anh đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Sau khi cuốn "Chân Dung và Đối thoại" của anh được xuất bản, nó đã trở thành một sự kiện với 8 lần tái bản và chúng tôi được biết là anh còn ra tập 2 của cuốn này. Nhưng sau lại thấy anh cho ra cuốn"Người thường gặp" (Ghi chép - NXB Thanh Niên, 2001), được báo chí giới thiệu như là cuốn nối tiếp của "Chân Dung và Đối Thoại" và cho đến nay cuốn đó đã tái bản lần thứ ba rồi. Chúng tôi, và chắc nhiều bạn đọc ở đây, chưa được đọc cuốn "Người thường gặp". Anh có thể cho biết sơ sơ về về cuốn đó? Trần Đăng Khoa (TĐK): Tôi nghĩ người sáng tác cũng giống như anh thợ săn. Khi anh ta vác súng đi săn thì không thể nào biết trước là cái con thú nào sẽ chạy qua mũi súng của mình. Câu nói đó không phải của tôi mà là của ông Raxum Gamzatov, một người rất là có kinh nghiệm về sáng tác và ông cũng có một cuốn sách mà tôi xem như một cuốn lý luận về văn học, lý luận của người sáng tác. Đó là cuốn "Daghetxtan của tôi". Tôi đã cho ra đời cuốn "Chân Dung và Đối Thoại" tập 1 cách đây 3 năm. Thực ra tập 1 mới chỉ là chạm đến một số vấn đề, phác hoạ một số tác giả và tác phẩm. Đó mới là một khúc dạo đầu thôi và sau đó tôi chuẩn bị cho tập tiếp theo. Nhưng trong khi đang chuẩn bị cho tập tiếp theo thì lại có những cuốn sách khác nó "gõ cửa" tôi, đòi cho ra đời trước. Đầu tiên chính là cuốn "Tuyển thơ Trần Đăng Khoa 1966-1999" với những bài thơ đầu tiên của tôi cho tới năm 1999 là năm cuốn này ra đời. Và cuốn tiếp theo là "Đảo Chìm" ra vào năm 2000. Đây là cuốn, cũng như "Chân Dung và Đối Thoại", tôi chỉ viết về những người thật, việc thật. Tức là những nhân vật, những sự kiện đều có thật mà tôi được chứng kiến, với những địa chỉ hết sức cụ thể và hiện họ vẫn đang còn sống. Tiếp theo là cuốn "Người thường gặp" vừa mới ra vào tháng Tư năm nay và cũng đúng như đã biết: hiện nay cuốn này đã tái bản lần thứ ba rồi. Lần đầu in là 5000 bản, lần thứ hai cũng số lượng như vậy và lần thứ ba là 2000 bản. "Người thường gặp" đúng như cái tên của nó và tôi cũng đặt nó vào thể loại ghi chép. Đây không phải là giả vờ khiêm tốn gì đâu mà thực sự nó là ghi chép. Ghi chép những câu chuyện vụn vặt mà mình vẫn gặp hàng ngày. Nói tóm lại đây là một dạng mà tôi thử đưa ra về cách tiếp cận đời sống, tiếp cận sự việc; và tôi muốn mỗi cuốn sách phải có những phong cách khác nhau. Cuốn này tôi chia ra làm hai phần: Phần thứ nhất tập hợp khoảng hơn chục những bài viết rất ngắn, có bài chỉ khoảng 2 trang, bài nào dài nhất có 4 trang, đề cập đến những vấn đề mà bạn đọc hiện đang quan tâm, những bức xúc của đời sống. Tất cả những vấn đề mà tôi đưa ra cũng không mới mẻ gì, vì báo chí người ta cũng bàn đến rồi, chỉ có điều tôi viết theo cách viết của tôi, theo cái giọng điệu của tôi và ngay trong cùng phần này thì tôi cũng cố gắng để làm cho mỗi một bài có cách viết khác nhau. Có bài tôi viết như một truyện ngắn mini, có nhân vật, có đối thoại, có chấm phá một vài nét để làm sao ra người, ra cảnh, ra tình huống, ra ngôn ngữ của nhân vật. Có những cái tôi lại viết như một tản văn. Nói tóm lại, không cái nào giống cái nào. Phần thứ hai là những nhân vật cụ thể, những con người tôi đã từng được tiếp xúc, trong đó có những nhà báo, vị tướng, dũng sĩ trong chiến tranh, bà mẹ anh hùng, còn phần lớn là những người bình dị mà ta vẫn thường gặp hàng ngày. Cho nên tôi mới lấy tên "Người thường gặp". PH: Thế nếu để độc giả tò mò muốn đọc cuốn sách đó thì anh có thể kể thêm gì về nó? TĐK: Ở đây thì tôi viết rất nhiều về những con người bình thường, hết sức giản dị. Ví dụ như câu chuyện về con nuôi con đẻ chẳng hạn... Có một ông già nhà quê chỉ mê cậu con nuôi vì cậu nuôi biết nịnh bợ, nói những "lời có cánh" đôi khi ngược hẳn sự thật. Còn cậu con đẻ đứt ruột ra thì toàn nói thật, nói tất cả những bệnh tật của ông, ví dụ như bệnh ông bị hôi miệng chẳng hạn, thì cậu ta nói ngay: "Đó là dấu hiệu của bệnh tật, bố phải đi chữa bệnh đi, con mua thuốc xúc miệng về cho bố đấy". Và rồi cậu ta còn dặn rất cụ thể: "Bố nói chuyện với ai thì bố đùng ghé sát vào mặt người ta, người ta kinh lắm đấy, người không nỡ nói ra thôi". Thế là ông cụ rất bực bội, ông nghĩ: "Thế hoá ra nó lại bảo mình là cái thằng thối mồm". Hay có lần cậu con trai tìm được một cây gỗ lim rất tốt và cậu mang về đóng ngay cho bố một cỗ hậu sự. Ở làng quê tôi người ta hay đóng cỗ quan tài sớm lắm, có khi bố mẹ vẫn còn sống đã để chềnh ềnh cỗ quan tài ngay trong nhà, khi bố mẹ vẫn còn khỏe thì cỗ quan tài để làm cái hòm để chứa lúa, đến khi chết thì "nhảy" vào cái quan tài đó. Trong làng tôi, ngày xưa, các cụ thường hay sắm trước cái cỗ hậu sự và chính ông bố này đã từng khen một cậu hàng xóm ở bên cạnh: "Cái thằng này có hiếu với bố nó quá, nó sắm cái cỗ quan tài mà trông cứ sướng cả mắt". Nhưng đến khi cậu con ông sắm cho ông một hậu sự bằng gỗ lim thì ông lại nói: "Thế ra là mày muốn chôn sống ****** à!" Và thế là ông ta đuổi luôn cậu con ra khỏi nhà. Trong khi đó thì anh con nuôi lại suốt ngày ve vãn, khen nịnh ông: "Bố phải sống đến trăm tuổi là ít". Rốt cuộc là ông già từ đứa con đẻ của mình. Đến khi ông đổ bệnh rất nặng, cậu con trai phải bán hết cả nhà cửa đi để chăm cho bố. Cậu ta còn phải đến lạy lục ông con nuôi, đưa tiền của mình cho anh ta và nói: "Thôi thì tôi góp của, còn bác thì góp công, tôi mà về chăm sóc sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông cụ. Tôi biết là ông cụ rất quý bác. Bác cứ cầm lấy tiền của tôi và cứ coi như của bác để chăm sóc ông cụ". Khi cậu con đẻ bán nhà để lo cho bố thì người vợ run rẩy hỏi: "Bán mất nhà thì lấy ở đâu?", anh ta liền trả lời: "Trước mắt, ta nương nhờ ông bà ngoại. Chờ bố nguôi ngoai rồi thì về. Khi ông cụ quy tiên thì ta ở đó luôn, rồi còn hương khói cho cụ nữa chứ". Rốt cuộc thì vì không nghe lời nói thật của cậu con đẻ, chữa bệnh sớm, nên ông cụ đã chết. Đám tang làm rất to, linh đình, người đến viếng rất đông. Người ta bàn về cậu con nuôi. Có người thì cho rằng ông già tốt số, vớ được thằng con tốt quá, phương phi quá, tuyệt vời quá. Có người thì nói rằng lão con ấy là khôn ngoan quá, tự dưng không phải "tốn" một ông bố mà tổ chức được một đám tang rất linh đình và hốt về không biết bao nhiêu tiền của. Khi cậu con đẻ đến để trông nom hương khói ông bố, thì anh con nuôi mới "xỉa" ra một cái giấy: đó là giấy chuyển nhượng tài sản, trao toàn bộ nhà cửa cho anh con nuôi. Đến lúc đó anh con đẻ mới ngả ngửa, không ngờ bố mình lại ghét mình đến như vậy, tới khi chết rồi vẫn còn muốn đuổi mình ra khỏi nhà. Khi đó anh ta đành xin bác cả một ân huệ, đó là xắn lại cho anh một mét đất để anh có chỗ lập bản thờ, thờ bố... Đấy, một cái chuyện thì nó như vậy. Đại để, toàn là chuyện có thật diễn ra trong làng xóm thôi. Tôi có rất nhiều những mẩu chuyện như thế. Hay một câu chuyện về "Người không quen ở nhà mình", kể về một ông giám đốc Sở Văn hoá vừa về hưu nhưng không làm sao quen nổi khi về nhà của mình. Ông vẫn đến cơ quan và gây ra rất nhiều phiền toái. Chỉ đến khi về hưu thì ông ta mới quan tâm đến cuộc sống của cấp dưới. Thôi, kể mãi thì lằng nhằng lắm, mà cũng chẳng đâu vào đâu, tốt hơn hết là hãy đọc nó! PH: Với cuốn "Chân dung và Đối Thoại", cho đến nay đã được 3-4 năm và sau gần 300 trang của tác phẩm này đã có 3 quyển sách với hàng nghìn trang viết, bình luận về nó ở thái độ cả phản đối cả ủng hộ. Chúng tôi muốn biết với tư cách là tác giả, anh tự đánh giá về tác phẩm đó ra sao? TĐK: Tôi nghĩ rằng mình chỉ biết tạo ra tác phẩm thôi còn việc đánh giá nó thì tốt nhất nên để cho độc giả họ đánh giá. Tôi nhận được rất nhiều thư của độc giả ở khắp nơi trong nước, của cả bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài, cùng bàn về cuốn sách này. Trong đó có nhiều ý kiến góp ý mà tôi thấy sâu sắc. Còn xung quanh nó cũng rất nhiều bài viết bàn về nó. Việc cuốn sách hay hoặc dở thì tôi không bàn, hãy để cho độc giả và để cho thời gian nữa. Có những cuốn sách ra có thể ầm ĩ nhưng thời gian lắng đi thì trôi vào quên lãng. Có những cuốn sách ra rất khiêm nhường, rồi cuối cùng càng lùi về quãng thời gian thì nó lại càng sáng. Cái này Xuân Diệu nói rất giỏi, ông bảo là: Một tác phẩm ra đời giống như con thuyền mới xuống nước, nó cứ nhấp nha nhấp nhô theo những đợt sóng của những "làn sóng" của dư luận mang đầy mầu sắc cảm tính và đến khi giời yên bể lặng rồi thì nó sẽ nổi bằng đúng cái sức nổi của nó. Tôi nghĩ, tác phẩm của tôi, cũng như nhiều những cuốn sách khác, sẽ do thời gian và bạn đọc phán quyết. Tôi thì thấy mình đã làm được một việc này, một việc tôi nghĩ cũng có ích: Đó là tôi đã "rủ re", "lôi kéo" bạn đọc đến cái "sân" phê bình, mà cái "sân" này bấy lâu nay phải nói rằng rất là nghiêm trang và người ta ngại đến. Và thế là tôi đã rủ rê độc giả đến đó và đến khá là ồn ào, khá là vui vẻ. Tôi nghĩ mình làm được thế cũng tốt rồi, để thấy được một điều là bạn đọc không thờ ơ với văn học. Hoàn toàn không thờ ơ. Bởi vì đọc tôi có những học giả tên tuổi, giáo sư rất nổi tiếng và cũng có cả những bạn đọc rất bình thường. Thậm chí có cả những em bé đánh giày, những em bé cơ nhỡ đều đọc được, đến với tôi và tôi rủ họ vào cái sân phê bình. Việc còn lại, đấy là của các bác phê bình và tôi chỉ cầu mong làm sao các bác ấy có thể giữ được chân họ lại, đừng để họ quay đi. PH: Nếu vì viết phỏng vấn, chân dung hay ghi chép này mà nhà văn-nhà báo Trần Đăng Khoa nổi tiếng hơn "cựu thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa, thì anh dám đánh đổi không? TĐK: Tôi nghĩ rằng hoàn toàn không có sự đánh đổi nào ở đây cả, vì tôi vẫn là một cái anh nhà thơ thôi. Bây giờ có ai sống được chỉ bằng một công việc của mình đâu, ngay cả các nhà thơ lớn ở trên thế giới người ta cũng viết nhiều thể loại lắm. Ví dụ như Puskin, ông là nhà thơ rất tuyệt vời, nhưng kịch của ông rất hay và văn xuôi cũng rất tuyệt tác. Đến Lev Tolxtoi cũng kính phục cái văn xuôi của Puskin và cho rằng chính ông là người mở đầu văn chương hiện thực của nước Nga. Người ta đánh giá ông rất cao. Ngay ở nước ta cũng vậy, Xuân Diệu không chỉ có làm thơ, ông còn viết cả bình luận, viết cả tùy bút, văn xuôi. Tất nhiên văn xuôi của ông cũng như một dạng thơ, đó là một kiểu của Xuân Diệu. Hay ngay như một nhà thơ mà chúng ta tưởng cả đời ông chỉ gắn bó với thơ là Nguyễn Bính chẳng hạn, thì té ra gần đây người ta mới biết ông viết rất nhiều truyện ngắn. Trong một tuyển tập làm cho các em học sinh đọc, chúng tôi có trích đến hai truyện ngắn của Nguyễn Bính. Mỗi người đều làm thêm ngoài công việc chính của mình, vì có những cái hợp với thơ nhưng cũng có những cái thơ không thể chuyển tải được, thì phải dùng thể loại khác. Tôi nghĩ như vậy. Mà đấy là những nhà thơ lớn, những người có tài; còn tôi, tôi nghĩ là mình chỉ là người bình dị như những người bình dị ở khu phố tôi ở. Phố tôi ở là phố Lý Nam Đế, một phố của lính và từ xưa tới nay khu phố này nghiêm trang lắm. Tự dưng đời sống kinh tế thị trường ào đến một cái, thế là chỉ sau có một đêm thay đổi hẳn. Tất cả những ngôi nhà trước kia quay lưng ra đường một cách thơ ơ, lãnh đạm và khá kiêu kỳ thì bây giờ đều xoay hết trở lại. Mọi người đều đục một cái cửa và bày ra đấy một cái mặt hàng gì đó, người thì bán tủ lạnh, người thì bán quạt máy... Và khu phố trở thành một cái chợ khá đông đúc. Chủ những cửa hàng đó không phải là những vị thương nhân, đấy đều là những người lính, những thầy cô giáo, những học giả và những người bình thường khác. Thế là tôi cũng học tất cả các anh các chị ấy: tôi "đục" ra một cái lỗ bé hin hin, bày ra đấy một cái "mẹt hàng" trong đó có mỗi thứ một tý. Tý văn xuôi, tý phỏng vấn, tý truyện ngắn, tý bút ký... Mỗi thứ tôi làm tý ti. Và như thế hoá ra lại đông vui, khách hành đến với tôi đông lắm, có khi lại còn đông hơn cả thơ đấy. Mặc dù là tôi không phải là người bỏ thơ. Nhiều người vẫn bảo rằng, Trần Đăng Khoa từ bỏ thơ ca, Trần Đăng Khoa là một nhà thơ đã chuyển ngành hoặc chuyển nghề. Nhưng hoàn toàn tôi không phải vậy. Chả nhẽ khi ông Chế Lan Viên viết phê bình thì là vì ông đã bí thơ hay sao?
PH: Cái cửa chính ngoảnh ra đằng trước rất kiêu kỳ là "cửa" nhà thơ, tôi thấy cái "cửa" mà anh "trổ" ra đằng sau trong cái thời kinh tế thị trường cũng hấp dẫn. Mà hình như người ta thích nhìn qua "cửa sau", hay qua "cửa sổ" vì nó hấp dẫn hơn hay sao? Và bây giờ thì tôi muốn nói về chuyện "phỏng vấn" của "Chân Dung và Đối Thoại". Qua việc anh phỏng vấn người này người kia, thì cũng có người bị "tai tiếng" vì "dây dưa" với Trần Đăng Khoa và cũng có nhiều người, như anh đã biết, nói: "Đấy là Khoa nó nhét cái câu đó vào mồm tôi" và họ không công nhận những câu nói của họ. Vậy, kể từ những lúc anh phỏng vấn, rồi thành tác phẩm và cho đến nay thì cái quan hệ của anh đối với những "chân dung" mà anh đã làm việc ra sao, và sự thật của nó là thế nào? Xin anh cho biết... TĐK: Thật ra khi làm việc trên tư cách một nhà báo thì làm gì tôi cũng có máy ghi âm, rất nghiêm túc. Còn người mà phản ứng tôi rất dữ dội thì đấy chính là một người rất thân thiết của tôi. Đó là nhà văn Lê Lựu. Ai đã sống với Lê Lựu cũng sẽ thấy anh là một người xuề xoà. Đấy là tôi viết theo cái lý luận, cái kiểu của tôi, tức là tôi dựng chân dung, dựng người, dựng cảnh, dựng nhân vật. Khi đã dựng nhân vật thì phải có tình tiết để nói về sự xuề xoà của Lê Lựu. Về chi tiết đi dự hội thảo ở bên Mỹ, anh vắt cả cái chân nguyên giầy nguyên tất đưa lên mũi ngửi: điều này tôi nghe chị Thùy Linh kể ở Matxcơva, chị Thùy Linh lại nói đấy là anh Nguyễn Quang Thiều kể lại; và tất nhiên do tôi thân với Lê Lựu, hiểu anh và vì vậy tôi tin ngay. Đến khi in ra thì anh Lựu lại thấy không phải thế, làm ầm lên: "Chuyến này tôi phải đưa cậu ấy ra tòa vì cậu ấy bôi bác tôi, không bao giờ tôi lại làm cái chuyện dị mọ như thế, không bao giờ tôi lại đưa giày lên mũi ngửi; mà tôi chỉ có rút tất ra lau... miệng!" Chuyện anh Lựu lấy tất lau miệng do chính anh kể trên báo Tiền Phong, báo Văn Hoá Văn Nghệ Công An số Tết năm 1999, nếu quý vị cần có thể kiểm tra được ngay. Tôi nghĩ viết thế cũng chẳng phải làm xấu gì Lê Lựu cả, người nào đọc thì cũng chỉ thấy yêu anh ấy hơn thôi. Nhiều người "kích" vào Lê Lựu bảo đấy là nhếch nhác thì cũng chẳng phải. Anh Lựu viết rằng tôi giống như cái bao tải, mà tôi thấy mình quả thật cũng giống cái bao tải. Cái đó chả ảnh hưởng gì. Đấy, tôi cho chỉ là cách nhìn, một cách nhìn nó vui vui thôi. Hay như là khi anh Lựu anh ấy "lai" tôi trên một cái xe máy và anh nói là đang đèo một cái bao trấu chẳng hạn, thì tôi thấy cũng đúng vì có khi mình giống bao trấu hơn cả cái bao trấu thật. Thì biết làm sao được, mắt ông Lựu ông ấy nhìn thế, sao tôi cãi ông ấy được. (Tất cả cùng cười) PH: Anh ra nước ngoài nhiều, anh thấy người Việt ở nước ngoài nói chung ra sao, và sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng như giới văn nghệ sĩ ở nước ngoài như thế nào? Anh có giao tình nào đối với những đồng nghiệp người Việt ở nước ngoài? So với suy nghĩ của các đồng nghiệp ở trong nước, các suy nghĩ trên của anh giống và khác nhau ra sao? TĐK: Tôi đã có dịp được đặt chân lên nước Mỹ, nước Nga và bây giờ là nước Đức. Tôi cũng tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nước ngoài... Có thể nói là anh em rất vất vả. Tôi nói thật như thế, vì cha ông mình đã nói: "Sảy nhà ra thất nghiệp" mà, dẫu rằng ở một nước phồn thịnh thế nào, văn minh thế nào thì đấy vẫn là quê người. Và cái sự ở quê người thì khổ lắm. Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, phải nói rằng có những tình cảm rất cảm động vì họ luôn hướng về Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho quê hương, đặc biệt là cứu trợ những đồng bào bị lũ lụt, chăm sóc những người cơ nhỡ. Sang đến bên này mới biết rằng để kiếm ra đồng tiền vất vả vô cùng, phải đổ mồ hôi, thậm chí có khi cả xương máu nữa. Còn đối với anh em văn nghệ thì thực ra là thế này. Tôi nghĩ là rất nhiều cái gắn với Tổ quốc có khi vì đi xa lại gần Tổ quốc hơn. Anh Nguyễn Duy viết một câu rất hay: "Có gì lạ quá đi thôi / Gần thì lại mất xa xôi lại còn". Nhiều khi để hiểu Tổ quốc Việt Nam thì ta lại phải ra với thế giới, đấy là như vậy. Chúng ta cứ bàn cãi mãi về giữ gìn tính dân tộc, tôi nghĩ muốn giữ gìn tính dân tộc thì phải rộng cánh cửa để ra với thế giới rộng lớn. Tôi ví dụ như ngay ông Sergei Essenin, vì về nước Nga thì tôi thạo. Ông này là một nhà thơ nổi tiếng của Nga. Một nhà thơ nông thôn. Cả đời ông, ông chỉ viết về làng quê, về con chó, về con cáo, về con bò, về cái cây bạch dương, rất là giản dị về cái làng quê cụ thể của ông. Nhưng xin thưa là để viết được vậy về làng quê này thì ông phải vượt ra khỏi nước Nga. Năm 14 tuổi ông đã rời khỏi làng rồi cơ mà. Ông lấy vợ Mỹ và sống ở Mỹ, Pháp, Ý, ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ông đi khắp nơi, ông nhìn bằng con mắt rộng lớn như thế, con mắt của thế giới, để quay nhìn lại, ngắm lại quê nhà ông bằng con mắt của nhân loại. Chính thế mà cảnh sắc cụ thể vượt qua khỏi biên giới cụ thể mà rồi đến với bạn đọc của nhân loại. Ivan Bunhin cũng thế, Trotsky cũng vậy. Cho nên tôi nghĩ anh em người Việt trong điều kiện xa Tổ quốc thì đó là cách thiết thực để nhìn Tổ quốc một cách sâu sắc hơn và phát hiện được nhiều điều thú vị hơn. Cũng bằng con mắt của người Việt các anh có thể phát hiện ra những vẻ đẹp của nước ngoài mà có khi chính người bản xứ không thể thấy được. Đây là một điều hay và nếu tận dụng được cái đó để hoạt động văn học nghệ thuật thì tuyệt vời! Nhưng nếu ngược lại, không làm được những điều đó thì đau xót vô cùng! Cũng có thể có người không làm được những điều ấy, tiếng Việt thì bị quên mà tiếng nước người thì không vào, bơ vơ ở giữa giời: cái đó phải nói là rất vất vả mà tôi vừa cảm thông, vừa chia cái nỗi vất vả với các anh đó. Nhưng tôi nghĩ rằng - nhất là với những anh em có điều kiện - làm sao làm cái nhịp cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, có thể giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của nước ngoài nơi anh em ở về trong nước. Ở trong nước chọn những cái đó không phải dễ, đôi khi vớ được một cuốn sách thì chắc gì đó đã là cuốn sách hay, có khi vớ được một bài phê bình mà cái ông phê bình lại làm công việc quảng cáo thì sao! Ở trong nước không thể nắm được cái đích thực trong ý nghĩa như vậy của nước ngoài bằng những người ở nước ngoài. Đó là: nhìn nhận khách quan hơn, với những điều kiện lựa chọn tốt hơn, biết được những ý kiến phê bình của các nước sở tại về những tác phẩm đó. Sau nữa là anh em có thể giới thiệu các tác phẩm hay của nước ta ra nước ngoài. Hiện nay văn chương của nước ta cũng khá, tiểu thuyết, truyện ngắn có những cái rất hay. Nhưng tôi tiếc là gần như ở nước ngoài người ta không biết gì về văn chương của chúng ta cả. Họ biết rất ít và nhìn chúng ta méo mó lắm. Chính thế mà trông chờ vào những anh em cộng đồng người Việt, ngoài kiếm sống sinh nhai để tồn tại ở xứ người còn có một việc nữa cũng quan trọng là làm nhịp cầu nối văn hóa hai nước. Như thế rất có ích cho đồng bào ở trong nước cũng như bạn đọc ở nước ngoài. Đấy là điều tôi rất mong muốn. PH: Bây giờ xin hỏi một chút về đời tư... Anh làm thơ từ lúc còn nhỏ, theo lẽ thường một đứa trẻ mới 9-10 tuổi khó có thể chọn cho mình một nghề theo đuổi cả đời, nhưng kể từ đó cho đến nay anh đã sống bằng nghiệp viết. Vậy giả dụ nếu trưởng thành như tất cả những đứa trẻ bình thường khác thì khi lớn lên anh có chọn nghề viết không, nghề mà anh cũng từng biết là vất vả? TĐK: Tôi nói điều này cũng cũ, vì trước tôi đã bao người nói; nhưng đúng là như vậy. Tức là, "tôi không phải chọn cây bút mà cây bút nó chọn tôi". Từ thuở nhỏ đã như vậy và bây giờ cũng như vậy. Tôi thấy, bằng cây bút tôi có thể đến được với đông đảo độc giả, đến với mọi người, mọi người quý mến tôi cũng vì cây bút ấy và cũng có người ghét là tôi do cây bút ấy. Trong cuộc đời ta cũng cần những người bạn tốt để an ủi và đôi khi cũng phải cần những người ghét mình để mình biết rằng cuộc đời không đơn giản, nhờ vậy phải sống cho nghiêm túc hơn, tốt đẹp hơn. Với tôi, cả hai đều có ích và đó là do cây bút mang lại. Còn nghề viết văn thì các anh biết rồi, đấy là một số phận mỏng may lắm, đấy là một nghề chỉ làm cái việc là ngả ruột gan mình, phơi ra cho thiên hạ họ bình phẩm chỗ này nó xanh, chỗ kia nó trắng, chỗ này nó vàng vàng, nó thơm hay nó thối. Và khi đã nhận "búa rìu dư luận" thì anh phải chịu cả hai phía, khi người ta khen cũng như khi người ta hắt hủi anh. Và đấy là điều bình thường.
PH: Trong cuộc sống đời thường và đời văn, cái khó nhất đối với anh là gì? Và cái... dễ nhất? TĐK: Tôi thấy, cái khó nhất là làm sao để kiếm được một bà vợ và bây giờ thì tôi đã kiếm được một bà vợ cũng rất là tươi tắn và nhiều người khen là đẹp lắm! Tôi thì cũng chả biết là như thế nào, nhưng bây giờ cái khó hơn là giữ chân bà vợ vì gia đình là quan trọng. Gia đình giống như một tổ ấm của chúng ta: ngoài đời sóng gió lắm, gia đình như một vũng lặng để ta buông neo. Gia đình mà đổ vỡ thì còn biết trú ngụ ở đâu! Ta cứ tưởng cái đó là đơn giản chứ hóa ra thì không đơn giản tí nào. Và sống trong đời sống gia đình, tôi thấy vui lắm. Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng "hai chúng ta tuy hai mà một", cứ tưởng cứ lấy được vợ rồi thì tất cả chỉ là một, nhưng thật là nhầm. Đấy mãi mãi là hai thế giới chả bao giờ hoà nhập được với nhau. Hai thế giới đi song song bên nhau và cùng tồn tại. Nhiều người cứ tưởng khi đã có được nhau rồi thì không cần giữ kẽ nữa và nhiều khi vì cái "tưởng" ấy mà tan vỡ gia đình. Tôi thấy rất nhiều mợ kỳ lạ ở chỗ chỉ trang điểm khi đi ra ngoài đường, trang điểm rất sạch sẽ, tươm tấp, thơm tho, tuyệt vời, hấp dẫn - đấy chỉ là làm đẹp mình cho cái lão "hàng xóm" tốt bụng và vô trách nhiệm! Còn ông chồng của mình thì coi chả là cái quái gì! Lẽ ra người mà bà vợ cần phải làm mình trở nên hấp dẫn hơn, tuyệt vời hơn, thơm phức lên - đấy chính là ông chồng của mình - thì các bà vợ lại chả để ý. Ngược lại, các ông chồng cũng vậy: cứ ra ngoài đường thì trông lịch sự, văn hoá cứ như những nhà chính khách, còn khi về nhà bao nhiêu cái lịch sự vứt hết ở ngoài đường, khiến bà vợ chỉ thấy trần sì trước mặt mình một lão nông thôn lếch thếch, nhem nhuốc; Thậm chí có ông ngủ với vợ miệng cứ há hốc ra như một cái xác chết đói, trông hãi vô cùng. Như thế thì bao nhiêu những cái giây thần kinh gọi là rung động sẽ tê liệt hết, làm sao mà mê nhau được! Tôi thấy gia đình là cả một vấn đề không đơn giản chút nào và tôi cầu mong tất cả các anh có được một cái gia đình yên ấm, có được một bà vợ thật là tuyệt vời để làm một chỗ tựa cho nhau. PH: Vừa nghe anh nói, tôi nghĩ tới những lời đồn đại của mọi người khi thấy anh chậm, mãi không chịu lấy vợ: "Có vẻ như Trần Đăng Khoa "đụt" về chuyện vợ chồng hay chuyện cưa cẩm mấy em?" Nhưng nghe anh "triết lý" như thế, thì tuy chúng tôi cũng trải qua không ít thời gian của cuộc sống gia đình nhưng có lẽ cũng phải học anh về mấy cái "triết lý" này... TĐK (Lập tức trả lời): Thật ra tôi lấy vợ muộn bởi tôi đến với văn chương từ bé. Từ xa người ta lại cứ nghĩ tôi là em bé, thậm chí có người còn "kết nghĩa" chị em thắm thiết với tôi, còn dặn tôi là phải chịu khó tập thể dục cho người phát triển cân đối, lúc đến gần thì người ta lại chào tôi bằng bố già! Mà khi người ta đã chào là bố già thì mình lại phải nghiêm trang mất rồi, chứ "bố" gì mà lại mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét liếc con gái thì còn ra làm sao! Thế rồi tôi cứ luôn luôn phải nghiêm trang, mà nghiêm như thế thì khó lấy vợ. Tôi cho là muốn lấy vợ tốt thì phải nửa nghiêm một tí, nửa năng động một tí, nhem nhuốc một tí: chứ còn nghiêm quá khiến người ta sợ, mà lăng nhăng quá thì người ta không tin. PH: Cám ơn anh về những câu trả lời chân tình về cuộc đời; và bây giờ tôi muốn hỏi một chút về "nghề". Hai tháng nay, chúng tôi đang thực hiện một cuộc thảo luận liên mạng cho những người Việt cầm bút ở khắp nơi trên thế giới (tất nhiên cả với các đồng nghiệp ở trong nước). Đề tài số 1 là "Trí thức Việt Nam" (nhân bài tọa đàm của nhà văn Phạm Thị Hoài tại Berlin tháng 10-2000, tựa đề "Tư cách chính thống của trí thức VN", đăng trên báo Cánh Én (Đức) số tháng 3 và tháng 4-2001. Đề tài số 2 là "Trí thức và Phản trí thức" (nhân bài tiểu luận "Trí thức và Phản trí thức: vấn đề trước mắt của chúng ta" của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc-Tuấn, đăng trên tạp chí Hợp Lưu (Mỹ) số 52, tháng 4 & 5-2000). Các đề tài này đã, đang và sẽ làm sườn cho một cuộc thảo luận dài hơi về mối quan hệ của Văn chương và Thời thế VN; của Trí thức-Văn nghệ sĩ và Thời cuộc VN. Là một nhà thơ, nhà báo, người viết phê bình hẳn anh có suy nghĩ gì đó về các vấn đề trên? TĐK: Tiếc là ở nhà tôi không có Internet nên tôi không theo dõi được cuộc tranh luận đó. Nhưng tôi biết là khi bàn về vấn đề trí thức thì có thể nói rằng đó là một vấn đề rất cấp thiết và không phải chỉ anh chị em ở nước ngoài mà trong nước chúng ta cũng đang bàn rất kỹ vấn đề này. Hơn bao giờ hết, hiện nay chúng ta đang chạm đến vấn đề rất thiết thực, đấy là thời đại của thông tin toàn cầu và kinh tế tri thức; vì vậy không thể không quan tâm đến đội ngũ trí thức được. Tôi nghĩ, nên coi tất cả các cuộc tranh luận là một sự đối thoại, mà đối thoại là cái cả hai bên cùng nghe nhau để tiếp cận đến chân lý, chứ trong cái đó không có người thắng hoặc người thua. Tôi không biết cuộc tranh cãi anh đang nói này như thế nào, nhưng trong tranh cãi về văn chương chẳng hạn, thì xin nói thật rằng: Cái đích mà người tranh luận cần đến chính là "khán giả" - người xem, người nghe - chứ không phải là vì đối tượng tranh luận của mình. Nhiều người tranh luận chỉ biết nhăm nhăm vài cái đối tượng của họ thôi, tức là cứ làm sao đổ hết những cái gì xấu xa lên đầu đối tượng, coi đấy là thắng! Cái đó là không phải. Cái chính của tranh luận là không phải thuyết phục đối tượng đó, vì có khi mỗi người một quan niệm, có những cái không gặp nhau được nên mới phải đối thoại. Và có những khi đối thoại cũng không đến được với nhau thì bỏ ngỏ đấy, để cùng nghĩ. Khi tranh luận mà lại quên mất độc giả, không coi đó mới chính là đối tượng để mình phải "chinh phục" thì thật đáng tiếc. Nó làm cho độc giả người ta chán chúng ta, không hiểu chúng ta là những người như thế nào cả. Trí thức gì mà cãi nhau, rất buồn cười. Cho nên tôi thấy, tranh luận về trí thức thì cần lại phải trí thức hơn. PH: À, chắc anh cũng biết cuốn "Chuyện kể năm 2000" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa được nhà xuất bản Thanh Niên vừa phát hành thì có lệnh cấm... TĐK: Trước hết, tôi xin thưa rằng là về cuốn sách này người ta cứ đồn thế thôi, đồn là bị cấm chứ thực ra chả có văn bản gì cả. Bằng cớ là vừa rồi anh Bùi Ngọc Tấn vẫn là đại biểu để đi dự Đại hội của Hội Nhà Văn VN. Và trong khi tôi nói cùng anh điều này thì anh Bùi Ngọc Tấn vẫn đang sống ở Hải Phòng, đang gặp gỡ bạn bè một cách bình thường và vẫn viết. Tôi cho rằng hiện nay ở nước ta tương đối phóng khoáng trong tất cả các quan niệm. Còn trên báo chí những lời đồn thì đôi khi rất nhiều. Ngay như tôi mà trên báo chí cũng có tin đồn "Khoa thật Khoa giả" cơ mà. Tôi biết hiện nay các nhà văn của chúng ta được mở hết các cánh cửa để sáng tạo, nếu mà viết không hay thì lỗi là ở chúng ta thôi. Cái này tôi nói có khi các bạn ở nước ngoài không hiểu, lại cho là tôi "tuyên truyền" chăng? Nhưng thực chất là như vậy. Ngay nhà xuất bản Thanh Niên, và anh Cao Giang là người biên tập cuốn đó, cũng vẫn bình thường, bằng cớ là vừa rồi chính anh Cao Giang và NXB Thanh Niên biên tập và xuất bản cuốn "Người Thường Gặp" của tôi. Anh Bùi Văn Ngợi hiện nay vẫn là Giám đốc nhà xuất bản này. PH: Thế còn đánh giá thế nào cuốn "Chuyện kể năm 2000" về mặt văn học? TĐK: Tôi thấy đây là một cuốn truyện không có gì ghê gớm, nó chỉ có một vài chi tiết thôi. Ở nước ngoài đọc đôi khi lại đọc một cái gì đó phía ngoài văn học. Cho nên tôi nghĩ rằng đọc sách nên vô tư và khi vô tư thì nhìn nhận mọi cái nó sẽ khác. Đôi khi chúng ta đọc vì một định kiến đã có sẵn, sau đó tìm mọi cách để phụ họa cho cái định kiến đó của mình. Cái đó theo tôi là một cái thứ không văn học lắm. Bùi Ngọc Tấn có rất nhiều cuốn sách hay, còn cuốn này tôi thấy bình thường. Như cuốn "Babylon", rồi một số cuốn khác, hay lắm. Với cuốn này tôi cho rằng nó chỉ có một số chi tiết làm tôi nhớ được thôi, chứ thực ra đọc nó nặng nề. Nếu gọi đó là cuốn sách hay, hoặc thậm chí có người "tung hô" lên, thì tôi nghĩ cái đó không phải, không đúng. Tất nhiên, điều này còn tùy vào cách cảm nhận của từng người, nhưng riêng tôi thấy đây không phải là cuốn tiêu biểu của Bùi Ngọc Tấn. PH: Câu cuối của cuộc phỏng vấn này tôi muốn anh hé mở một chút: không biết anh đã "săn" được "con thú" nào trước mặt chưa, anh có dự định sáng tác gì, với tác phẩm nào trong thời gian tới? TĐK: Cũng như tôi đã nói, người viết như một người đi săn nên không thể biết trước mặt sẽ là gì. Nhưng hiện nay tôi cũng đang có một cuốn phải tiếp tục hoàn thiện, đó chính là "Chân Dung và Đối Thoại" tập 2 và tập 3. Làm xong nốt cái này tôi sẽ "gác bút" không quan tâm cái gọi là phê bình nữa. Vì "chơi" với cái "lão" phê bình này xem ra nó lằng nhằng lắm! Tất nhiên là vui vẻ thôi nhưng cái vui vẻ này cũng hơi ồn ào; và thậm chí làm những người yếu bóng vía thấy mệt mỏi. Vợ tôi có một đức tính rất hay mà tôi rất "kính trọng": cái "đức" đó là cô ấy không bao giờ đọc sách, chứ nếu mà đọc thì cô ấy sẽ thấy kinh tởm tôi, không biết người ta khen hay người ta chê tôi, cứ mù mịt có khi lại đâm hoảng, đâm sợ cái ông chồng của mình. PH: Trong không khí vui vẻ như thế này, không biết anh có nhã ý tặng cho độc giả một bài thơ vui của anh đuợc chăng? TĐK: Thôi thế thì tôi sẽ đọc một bài thơ mà tôi đã đọc cho các anh nghe rồi, vì tôi nghĩ đây là một bài thơ đơn giản, có tính phổ cập, hay dở tôi cũng chẳng biết. Đó là bài thơ vui tặng bà mẹ vợ. Tôi nghĩ rằng đàn ông chúng ta đều là con của hai bà mẹ, một bà mẹ đẻ ra ta và một bà mẹ chả họ hàng gì với ta cả. Đấy chính là bà mẹ vợ. Trong hai bà mẹ thì bà mẹ vợ lại vất vả hơn. Đúng như ông Thanh Tịnh đã nói: Con gái là con người ta, khi con mình lấy chồng thì mình mất con, khi con mình có con thì mình mất vợ, vì vợ phải đi chăm chút cho cháu, "cháu bà nội thì tội bà ngoại" mà. Bà mẹ vợ vất vả vì phải tạo dựng ra một cô con gái. Tôi cảm giác là bà phải "đúc" từ bao nhiêu cái xác hoa làm nên cái làn môi của cô con gái, phải kiếm, góp nhặt từ bao nhiêu những ánh trăng non để làm nên làn da huyền bí của cô con gái, phải lấy cả tuổi xuân rất là tuyệt vời của mình để làm nên cái vẻ dịu dàng đến mức bí hiểm nên rất hấp dẫn của cô con gái. Nhưng đùng một cái, một anh chàng ất ơ ở đâu đó, chả có họ hàng, quen biết gì trước với mình cả, nó đến nó rước đi mất cô con gái - một tòa thiên nhiên - như thế là bao nhiêu của nả đi cùng, nào là vòng Tàu, xe máy, nhẫn... Đấy thật là một cuộc mất trộm ngoạn mục mà công an thì ủng hộ, pháp luật lại vỗ tay hoan hô, bà mẹ thì cũng sung sướng vì lo cho con đi "vu qui". Nhưng thật ra đây là một vụ mất trộm. Thế thì xin thay mặt cho những "thằng trộm", tôi cám ơn bà mẹ vợ, bằng một bài như thế này. Tôi đọc vui cùng các anh và đây cũng là một món quà tặng cho tất cả các chàng trai. Thơ tặng mẹ vợ Mẹ từng lặn lội suốt đời Trên những cánh đồng hoang dại Tìm ánh trăng non ngàn xưa Toả mát màu da con gái Mẹ vượt qua trăm ngọn núi Chập chùng rừng mộng suối mơ Kiếm những sắc hoa đẹp nhất Làm nên làn môi thơm tho Và mẹ ngược miền thiếu nữ Nhặt từng nét đẹp vẻ xinh Và nỗi dịu dàng muôn thuở Chuốt lên vóc dáng con mình Mẹ trao Thiên Thần của mẹ Cho một chàng trai nghèo nàn Thế là con thành ông chủ Bỗng nhiên giàu nhất thế gian Xin cảm ơn quý vị. Phạm Hoàng: Rất cám ơn anh Khoa. Nhưng... nhân nghe anh đọc thơ thì tôi chợt thấy mình quên một câu định hỏi. Đó là những đánh giá của anh cũng như một số dẫn chứng về "thơ mới" hiện nay ở Việt Nam, mà chúng tôi đã có dịp nghe anh nói. Nếu không nghĩ là chúng tôi quá lạm dụng, anh có thể cho độc giả được biết qua vài nét? Trần Đăng Khoa: Đây lại là vấn đề rất là dài và có thể nói lại thành một chương trình nữa (Tất cả cùng phá lên cười). Tôi nghĩ rằng các bác đừng ngại là đã lạm dụng tôi mà có lẽ chính tôi mới là người lạm dụng các bác. Nay kể câu chuyện này: Có một chàng trai rất mê một cô gái, tới nhà cô ta chơi và trước khi về anh ta còn muốn quay lại nữa. Anh ta bèn giả vờ bỏ quên bao thuốc lá, để ngày hôm sau có cớ quay lại... Thế thì tôi cũng như vậy, mà tôi lại không hút thuốc lá nên tôi giả vờ "bỏ quên" cái câu hỏi này của bác để sau này tôi còn có cái cớ quay trở lại đây. (Một tràng cười vui vẻ kết thúc cuộc phỏng vấn) Phạm Hoàng thực hiện Đỗ Quyên cộng tác Tháng 6 & 7-2001
Tôi không ngạc nhiên lắm về điều này. TĐK biết chính xác chỗ đứng thật sự của mình, anh chưa bao giờ là nhà phê bình cả... Có chăng là do mọi người cứ gán cho anh danh hiệu ấy...lại nhớ câu của một nhà thơ lớn đã nói sau khi cuốn CHÂN DUNG VÀ ĐỐI THOẠI ra đời" Nếu để làm một người viết chân dung đúng nghĩa thì TĐK thiếu sự trung thực, còn nếu để trở thành mnột nhà phê bình văn học thì TĐK lại thiếu kiến thức". Mừng cho TĐK vì anh đã không ảo tưởng về mình! Quả thì đỏ như môi em ngọt lịm Quả lại xanh như lúc em hờn
"Cuội Khoa" - ngày ấy, bây giờ Trần Đăng Khoa trả lời phỏng vấn-Ngô Thị Kim Cúc thực hiện Anh cho biết cái gì đã biến anh chàng Trần Đăng Khoa làm thơ và hình như dị ứng với các thứ máy móc đối với tác phong nhà báo chuyên nghiệp hiện nay? Anh có bỡ ngỡ vì điều đó không? Không có gì bỡ ngỡ cả. Nếu chị gặp Khoa, chị sẽ rất chán, vì hắn không năng động. Người thì ụ ị. Gương mặt đần và tẻ. Đã thế, mắt lại lờ đờ như mắt cá chết. Nói tóm lại, ở con người hắn không thấy tỏa ra chút sinh khí nào. Hắn như tảng đá nhão. Nhưng ở cái thời đại phát triển như bão lốc của công nghệ tin học này thì đến đất đá cũng không thể yên bề làm đất đá. Thế là hắn bị cuốn theo. Hắn bị công nghệ hành, rồi hắn cũng hành lại công nghệ tin học. Chỉ đơn giản thế thôi... Trong những chân dung văn học mà anh đã công bố, có bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiều phần trăm sự gần-giống-cái-thật? Nói đến sự thật là một vấn đề không mấy đơn giản, nhất là đối với việc sáng tác văn học. Vì cùng một sự việc, có thể tôi nhìn khác chị. Và chị thì nghĩ khác tôi? Điều ấy là rất bình thường. Bởi vậy không thể lấy mắt tôi ra làm tiêu chí, làm thước đo để đánh giá cách nhìn của chị. Tôi rất tôn trọng sự trung thực, nhất là trung thực với chính mình. Tôi thường viết đúng như những gì mình thấy, mình nghĩ. Vốn là người làm báo và cũng say mê với nghề báo, nên tôi có nhiều tư liệu rất tốt. Gần đây, làm chương trình về một vài nhà văn đã khuất, các bạn bên truyền hình đã sử dụng không ít tư liệu của tôi. Tôi quay phim các nhà văn cũng vì lòng yêu mến, ngưỡng mộ, muốn giữ lại hình bóng của họ trên cõi thế, chứ chẳng có mục đích nào khác. Tôi rất tiếc không kịp quay Xuân Diệu, Chế Lan Viên và một số nhà văn khác mà tôi yêu mến. Hồi các cụ còn sống, nước mình khổ quá. Bây giờ có muốn ngắm gương mặt các cụ cũng chịu. Thế nên sau này, có điều kiện, tôi cứ ghi lại. Ghi rồi để đấy. Cái gì sử dụng được thì sử dụng. Cái gì chưa sử dụng thì để ở dạng tư liệu. Có cuộc đối thoại, tôi chép từ băng ghi âm ra (hiện băng tôi vẫn còn giữ, và đã chuyển sang đĩa CD), vậy mà khi sách ra, có ý kiến phê phán, quy chụp, thế là người ta chối, bảo tôi bịa, tôi đã nhét vào miệng họ chứ họ không nói như thế. Tôi thấy chán quá. Vừa chán vừa buồn cười. Những tác phẩm văn học mà anh đang đọc trong thời điểm này có tác động lên anh không? Tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Tôi rất thích Mạc Ngôn. Anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn "Báu vật của đời" còn có đôi chút cường điệu, chứ "Đàn hương hình" thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh ở thời điểm này. Tôi phục Mạc Ngôn một phần, nhưng cũng rất phục các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã đổi mới đúng. Nhờ thế mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực. Riêng văn học và điện ảnh, chúng ta thấy quá rõ. Suốt ngày, dân mình xem phim Trung Quốc. Tất nhiên, đó mới chỉ là hàng chợ của họ thôi. Nhưng hàng chợ, họ làm cũng giỏi vô cùng. Còn văn học thì một trong những đại biểu của họ là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh chỉ cùng trang lứa với chúng tôi. Thế mới hãi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ tôi thì tôi sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng như mình mà lão làm được những việc lớn như thế, mà mình thì cứ bi bét mãi. Trong cuộc hội thảo gần đây về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: "Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn". Tôi không tin... Hiện nay ở ta, hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn? Tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin hãy lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em mình nữa. Nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết. Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng chẳng dễ đâu. Gần đây, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn. Cuốn sách nghe đồn có vấn đề. Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có mỗi một tí nhược điểm là... không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn. Tôi kêu thì tác giả bảo: "Ông đã đọc Mạc Ngôn và García Márquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. García Márquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém". Tôi thật sự kinh ngạc. Hóa ra ông bạn tôi chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối. Quả trong tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" của García Márquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng. Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm. Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí còn có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn sự thật. Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không còn chốn nương náu nên cái đẹp phải "biến" thôi. Toàn bộ những chi tiết cởi truồng là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn tôi dường như chỉ học được phép cởi truồng và lại cứ tưởng cởi truồng là García Márquez. Trong khi tinh hoa của Márquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng... Nhiều người đã xem Trần Đăng Khoa là một thần đồng văn học, còn anh, anh tự nhìn nhận mình ngày ấy thế nào? Thuở bé, cậu Khoa là một đứa trẻ chịu khó, ham học, ham đọc. Vì là trẻ con, nên cậu được người lớn ưu ái. Người lớn có thể đố kỵ với nhau, nhưng với trẻ con, lòng bao dung của họ lại to lớn như bể cả. Một đứa trẻ đi lại hậu đậu bị ngã. Lập tức, người lớn kêu: "Ôi, cháu tôi anh hùng quá! Kìa, đứng dậy, bà đánh cái đất nhé. Cái đất hư quá!". Thế là lấy roi quất đen đét xuống đất. Thằng bé nhệch miệng định khóc. Nhưng rồi không khóc. Anh hùng ai lại khóc? Thế đấy. Chỉ có đi thôi mà cũng bị ngã. Người lớn đã không trách, còn phong cho làm anh hùng. Cậu Khoa thuở nhỏ cũng là một "anh hùng" như vậy đấy. Cậu đi đứng vững lắm. Không những thế, cậu còn múa may làm xiếc, nhún nhảy trên cái sào tre đặt ngay trên... mặt đất. Thông thường, một đứa trẻ tám tuổi chỉ cao đến một mét. Nhưng cậu Khoa phổng người hơn nên cu cậu cao đến mét mốt, mét hai. Vì vài phân nhỉnh hơn bè bạn ấy mà người lớn hy vọng, rằng khi cậu ta 20 tuổi không khéo phải cao đến ba mét. 30 tuổi thì thành ông khổng lồ. Bởi thế, đến năm 30 tuổi, 40 tuổi, cu cậu vẫn chỉ tè tè mét rưỡi. Thế là người ta lại thất vọng, lại thấy buồn vì mình tin nó thế, hy vọng ở nó thế, mà nó chẳng chịu phát triển gì. Có người bảo, người đàn ông 40 tuổi Trần Đăng Khoa bây giờ chỉ là cái bóng mờ của cậu bé con tám tuổi Trần Đăng Khoa xưa kia. Anh nghĩ sao? Chẳng ai yêu Trần Đăng Khoa bằng tôi và cũng chẳng ai ghét Trần Đăng Khoa bằng tôi. Chính vì thế mà tôi rất hiểu... bố con hắn. Tôi có thể thành thật nói rằng, chẳng bao giờ lão già Trần Đăng Khoa lại là cái bóng mờ của thằng bé con Trần Đăng Khoa, mà phải ngược lại mới đúng. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, đừng nên lấy trẻ con làm thước đo người lớn, vì nó rất phản khoa học. Muốn so sánh phải so cùng cấp độ. So cậu Khoa với bạn bè cùng trang lứa với cậu là những tác giả nhí nổi tiếng thời ấy, như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, v.v. hoặc rộng hơn, so cậu với mấy thi sĩ thuộc lớp đàn anh của cậu, những tác giả cùng nổi tiếng thời ấy, xem bây giờ họ sống và viết ra sao, chứ sao lại so sánh giữa cô bé tám tuổi với người phụ nữ trưởng thành. Chưa nói đến những vấn đề cao siêu, chỉ riêng cái ai nhìn cũng thấy ngay là cơ thể cũng đã hoàn toàn khác rồi. Nếu lấy cô bé tám tuổi làm thước thì sẽ thấy người phụ nữ vô lý đùng đùng. Bởi trước kia sao nó nhẵn nhụi phẳng phiu thế mà bây giờ lại gồ ghề, lồi lõm thế. Đúng là một cơ thể có bệnh u bướu rồi. Họ đâu ngờ, chính những đường nét bệnh tật ấy lại chính là vẻ đẹp mê hồn của giới nữ. Nếu tự cho điểm với tư cách một ông bố, anh sẽ cho mình điểm mấy, và vì sao? Tôi là người yêu tồi, nhưng lại là một người chồng, một ông bố tuyệt vời. Nói đến người chồng hay nói đến ông bố là nói đến lòng yêu thương vợ con, và những trách nhiệm rất cụ thể. Tôi không sao nói nổi những lời có cánh. Vì chưa kịp nói thì mình đã ngượng rồi. Hồi còn ở Hải quân, phòng ở của tôi ngay bên cạnh đường, cách có mỗi bức tường. Bên kia tường là nơi trai gái ôm nhau. Tôi có đóng chặt cửa lại thì lời họ cũng cứ róc vào đầy hai lỗ tai. Khổ lắm. Nhiều khi tôi chỉ muốn kêu lên: "Nhạt lắm! Cho thêm muối vào!". Cô em gái tôi mắng: "Ông anh biết gì mà nhạt hay mặn. Nó nói với nhau bằng mật mã đấy chứ. Ông anh làm gì có chìa khóa yêu mà giải được mã, biết được nó tuyệt diệu thế nào. Phải rất hay thì người ta mới đứng được với nhau đến hai ba giờ đêm chứ. Ông anh thì vừa già vừa cũ. Già từ lúc còn trẻ con. Đã thế lại cứ khoắng mũi vào chuyện riêng của người ta". Anh có hài lòng với cuộc sống hiện nay? Anh có tự thấy mình là người hạnh phúc? Tôi sống rất đơn giản, không nghiện ngập bất cứ thứ gì. Quyền chức, rượu bia, trà thuốc... tôi đều dửng dưng. Đến cả danh tiếng cũng chỉ là hão huyền và vớ vẩn. Nhu cầu của tôi rất thấp. Sống thế nào cũng được. Ăn ở thế nào cũng xong. Món ăn ngon nhất đối với tôi là món mẹ tôi vẫn nấu cho tôi thời còn đói khổ. Vài ngọn lang luộc, một khúc cá kho, bát canh mồng tơi rau đay. Thế là thỏa mãn bần cố rồi. Bởi thế, tôi rất bằng lòng với những gì mình có. Anh có đặt nhiều niềm tin vào người đọc không? Và có hài lòng với những gì mình mang đến cho họ? Tôi rất tin bạn đọc. Họ luôn tỉnh táo và vô tư. Cũng vì họ mà tôi cầm bút và phấn đấu viết hết lòng. Cái đích mà tôi phấn đấu là đến được với bạn đọc. Tôi cũng rất mừng là những cuốn sách của tôi ra đều được bạn đọc ưu ái đón nhận. Tôi biết trình độ của bạn đọc bây giờ cao lắm. Không dễ lừa được họ đâu. Anh đang thực hiện hay đang ấp ủ tác phẩm văn học nào không? Tôi đang hoàn thiện cuốn "Chân dung và đối thoại". Tập 1 đã ra mấy năm trước. Nhiều nơi muốn in lại, nhưng tôi không cho đâu in cả, để bổ sung cho đầy đủ đã rồi mới in lại. Tôi không tách riêng tập II, III như dự định ban đầu mà gộp hết thành một cuốn chừng 800 trang. Trong đó có hơn trăm trang phụ lục, tôi bàn lại với mấy bác phê bình chung quanh một số vấn đề mà người ta tranh cãi. Hy vọng cuốn này sẽ ra vào cuối năm 2003 này. Ngoài ra, tôi đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết "Lão Đấu". Đây là cuốn sách tôi rất tâm đắc. Tôi coi nó là một trong những cuốn sách chính của đời mình. Xin cảm ơn anh.
Trần Đăng Khoa: ''Văn học VN không hề bế tắc'' Với vóc dáng vậm vạp và cách nói chuyện rủ rỉ rù rì, Trần Đăng Khoa say sưa phát ngôn về chuyện văn chương chữ nghĩa. Trước những lời cấp báo về tình trạng "văn học đang tắc tị", Trần Đăng Khoa dường như không hề tỏ ra lo lắng. - Tại sao anh lại giữ thái độ lạc quan trước tình hình văn học hiện nay? - Tôi nghĩ chúng ta cũng chẳng việc gì phải bi quan. Chúng ta từng được mùa với tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn có những cuốn sách hay, như truyện ngắn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, gần đây nhất là cuốn Giàn thiêu của Võ Thị Hảo. Đó là những dấu hiệu tốt lành để chúng ta hy vọng. Văn học ta không hề bế tắc như một số người lầm tưởng. Xin hãy vững tin và chờ đợi... - Thế còn về phê bình, anh đánh giá thế nào về thực trạng lý luận phê bình của Việt Nam? - Nói phê bình của ta kém thì cũng không đúng. Nhưng cứ phải nói thật, mấy năm gần đây, những người làm nên sự sôi động trong lĩnh vực phê bình lại chính là những anh em sáng tác chứ không phải các nhà phê bình thuần tuý. Có thể họ còn nhiều sơ suất do tính ngẫu hứng nhưng nhờ thế, họ lại có được những trang viết xuất thần. Tôi vẫn quý các nhà sáng tác viết phê bình hơn, cũng chỉ đơn giản vì họ hiểu được văn chương, cũng như các anh đầu bếp giỏi nói về các món ăn. Tính chuyên nghiệp của họ cao hơn các nhà phê bình thuần tuý. - Thế nhưng thời các cụ ngày xưa, đâu có các nhà lý luận phê bình rạch ròi như bây giờ mà chỉ có các nhà văn chuyên bàn chuyện sáng tác. Anh nghĩ sao? - Theo tôi, thời nào cũng có nhà phê bình có tài, như Kim Thánh Thán bên Trung Quốc. Ở ta những năm 30, có Hoài Thanh. Hoài Thanh là cái đỉnh nhô lên khỏi mặt bằng phê bình rất cao thời bấy giờ. Bên cạnh Hoài Thanh, ta còn có Lê Thanh, một nhà phê bình đặc sắc. Ông chỉ thua Hoài Thanh ở một số trang viết xuất thần, vì thế so với Hoài Thanh, Lê Thanh cũng ở dạng một mười, một tám. Hoài Thanh nhận xét rất chuẩn. Đặc biệt là những tiên cảm về Lưu Trọng Lư và Chế Lan Viên. Và cũng thật bất ngờ khi trong những cái còn hỗn mang thời ấy, ông đã nói rằng, trong số các nhà thơ mới này, sẽ có một người còn đi xa: Chế Lan Viên. Đây là một tiên cảm thiên tài. Ngoài ra, những đánh giá của Hoài Thanh về Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng rất chuẩn. - Không bao giờ tâm phục khẩu phục các nhà lý luận phê bình hình như là phẩm chất của giới sáng tác? - Đa phần các nhà phê bình của ta cứ nói lý luận chung chung thì còn tạm nghe được, nhưng cứ sờ đến những tác phẩm cụ thể thì hoá ra họ không hiểu gì và điều đáng kinh ngạc là họ không hiểu được cả nghĩa đen. Ví dụ bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, có ông lại hiểu đấy là con tàu đi khai hoang kinh tế Tây Bắc thì buồn cười thật. Đến bây giờ, chúng ta cũng đã có đường tàu hoả lên Tây Bắc đâu. Hay như câu thơ Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái có ông cũng hiểu đấy là hoa khô từ năm ngoái còn lại đến bây giờ thì thật không còn biết nói thế nào. Làm sao có hoa khô ở ngoài dậu mà lại còn tồn tại được với mưa gió? Nguyễn Khuyến là một nhà nho yêu nước. Ông không chấp nhận thực tại mà luôn hướng về nước xưa. Vì thế với ông, hoa vẫn là "hoa năm ngoái", tiếng ngỗng trên không vẫn là "ngỗng nước nào". Câu thơ xuất phát từ thơ Đường Trung Quốc nhưng đến Nguyễn Khuyến nó đã mang hình thức khác, hồn vía khác rồi. Cũng tương tự như thế, bài thơ rất hay Khi con tu hú... của Tố Hữu, có câu Đôi con diều sáo lộn nhào từng không là cái diều sáo, diều có gắn sáo, nhưng vì nhà thơ gọi là đôi con nên có ông giáo sư lại hiểu nhầm là động vật, là hai con, tức là chim diều với chim sáo đang bay lượn rồi. Thế nhưng diều với sáo có bao giờ bay đôi với nhau đâu, vì thấy sáo là diều "thịt" liền. Gần đây, câu thơ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da có giáo sư cũng hiểu theo nghĩa đen rất thô thiển nên đã viết một câu rất kinh dị: "Tóc nàng đen hơn mây và da trắng hơn tuyết". Tôi không thể hiểu tại sao lại có ông giáo sư thuộc dạng đầu ngành lại có thể hiểu một cách thô thiển như thế. - Anh nhận định thế nào về thơ Trần Mạnh Hảo và phê bình thơ Trần Mạnh Hảo? - Trần Mạnh Hảo là người có tài, rất tài. Ông có nhiều bài thơ hay và đến bây giờ ông vẫn viết hay. Phải công bằng mà nói như vậy. Ông hoá thân rất giỏi. Ông đã "dựng" lên một nhà thơ nữ, tên là Nguyễn Thị Kim Chi. Tác giả này có cả một trang thơ trên báo Văn Nghệ. Bài nào cũng hay. Đặc biệt rất con gái và rất Huế. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu cũng rất phục chùm thơ này, sau mới biết đó là hoá thân của Trần Mạnh Hảo. Về phê bình, Trần Mạnh Hảo cũng là một cây bút có ma lực. Văn phê bình của ông Hảo đọc rất cuốn hút. Theo tôi, hầu hết những điều ông Hảo nói là đúng. Nếu có sai là sai ở những tiểu tiết. Ông thẩm thơ khá tinh. Nếu có điều gì đáng tiếc thì cũng là ở cái thái độ. Bởi ông Hảo căng thẳng quá. Với sự căng thẳng như thế, người bị ông phê phán cũng rất khó tiếp thu.
Đầu năm, hỏi chuyện hai nhà văn đi tây Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Độc giả nước ngoài nhìn văn học Việt Nam rất... méo mó Anh là người đi nước ngoài hơi nhiều. Qua những lần "xuất ngoại" gần đây nhất là trong năm nay, anh thấy công chúng nước ngoài biết gì về văn học Việt Nam? Nước ngoài thì nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ biết những nước mà tôi đi gần đây nhất, như Đức, Thuỵ Điển, Pháp. Công chúng ở các nước này cũng cần phải chia ra làm hai dạng. Một là người Việt hiện đang học tập, công tác, lao động, hoặc định cư ở nước ngoài. Hai nữa là người bản địa. Người Việt ở nước này, nhờ có công cuộc đổi mới, họ luôn gắn bó với Tổ Quốc và không hề lạc hậu trước mọi diễn biến ở quê nhà, qua kênh truyền hình VTV4, mạng Internet và nhiều nguồn thông tin khác. Có cuốn sách nào hay, được dư luận trong nước chú ý là họ có ngay. Có thể tìm mua những cuốn sách đó ở các quầy hàng... thực phẩm trong các siêu thị của người Việt. Còn người bản địa thì chỉ biết một cách chung chung Việt Nam có nhiều tiến bộ, là một nước đang phát triển. Thế thôi. Còn về cơ bản, họ nắm văn học chúng ta lơ mơ lắm. Nếu có biết thì cũng chỉ biết được vài tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái... Và lỗi là do nền văn học chưa đủ sức hút, hay là... Cũng có yếu tố ấy. Nhưng một phần nữa do chúng ta chưa chú tâm đến việc "xuất khẩu" văn học ra nước ngoài. Khâu "nhập khẩu" thì tốt rồi. Những cuốn sách được giải Nobel, hoặc ăn khách ở nước ngoài, chỉ sau một vài tháng là chúng ta có ngay. Ngay cả một người không biết ngoại ngữ ở trong nước bây giờ cũng không hề lạc hậu. Các nhà sách, các ông bà đầu nậu mục đích chính của họ có khi chỉ đơn thuần là làm kinh tế, nhưng vô tình, họ lại rất có công trong việc nâng cao dân trí. Liệu qua các chuyến đi, tác giả có thể tự tiếp thị văn chương? Muốn tiếp thị phải giỏi ngoại ngữ. Những nhà văn giỏi ngoại ngữ, sử dụng ngoại ngữ thành thạo may ra có thể làm được, có chăng chỉ ba người: Thái Bá Tân, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái. Tất nhiên, ngay cả với người giỏi ngoại ngữ, việc tiếp thị cũng chẳng phải dễ. Nếu tác phẩm không hay, thì chẳng ai dám in đâu. Vì in những thứ dở òm thì không bán được. Người ta đã dịch, đã in thì chí ít tác phẩm ấy cũng phải có một cái gì... Vậy việc cần thiết và cụ thể bây giờ nên làm là... Nhà nước không tiếc tiền đối với Hội Nhà văn, điều này thể hiện ở những tài trợ hàng tỷ đồng, nhưng chúng ta mới chỉ đầu tư chủ yếu cho sáng tác. Điều đó cũng là rất quan trọng. Vì nhiều nhà văn của chúng ta hiện nay cũng rất khó khăn. Nhưng cứu đói là một chuyện, còn để có tác phẩm hay lại là chuyện khác. Ngày xưa cụ Nam Cao, cụ Vũ Trọng Phụng nghèo thế mà vẫn có những tác phẩm để đời. Tôi cầu mong Hội Nhà văn cải tổ và đầu tư cho Hội đồng văn học nước ngoài. Hội đồng này không phải chỉ theo dõi mảng văn học nước ngoài in ở trong nước, mà còn phải lo việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Về tiểu thuyết, chúng ta còn rất vất vả, nhưng thơ và truyện ngắn, chúng ta không thua nước ngoài đâu. Nhìn mặt bằng thì hỗn mang lắm. Nhưng nếu cứ bình tĩnh tinh lọc, lựa chọn, chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm hay, thậm chí là rất hay đấy. Theo tôi, ta nên dành một khoản tiền làm việc này. Phải có sự kết hợp giữa người dịch của ta với các nhà văn nước ngoài. Ta "dịch vỡ" rồi các nhà văn nước ngoài hiệu đính lại. Có thế, mới mong tác phẩm Việt Nam đến được với độc giả nước ngoài... Nhà thơ Hoàng Hưng: "Tôi đã rất đau khổ..." Thưa nhà thơ, theo ông, có thể có tương quan so sánh nào đó giữa văn học đương đại VN với văn học thế giới không? Nói so sánh thì không phải, bởi nền văn học nào, trước hết, cũng phải đáp ứng nhu cầu của nước đó. Nhưng dù sao, trong một tương quan nhất định, tôi nhận thấy chúng ta lâu nay biệt lập quá nhiều với nền văn học đương đại thế giới. Nói một cách khách quan, chúng ta đã dẫm chân tại chỗ rất lâu trong những quan niệm, lý thuyết về văn học, trong khi, một thế kỷ vừa qua, các nước khác đã có bao tiến triển, chúng ta vẫn tự bằng lòng với những gì vốn đã có từ xưa. Đại đa số thơ ta vẫn mang tính đa cảm, kể lể, trong khi thơ ca của thế giới đã tiến đến khai thác chiều sâu trí tuệ, vô thức, tâm linh... của con người. Không chỉ dẫm chân tại chỗ, chúng ta vẫn viết đi viết lại những gì mà văn chương thế giới đã đi qua từ lâu. Vậy trong những cuộc gặp gỡ quốc tế, ví dụ đi dịch sách ở Pháp để rồi sau đó ông đã tiến cử hai nhà thơ Thanh Thảo và Vi Thuỳ Linh đi dự Liên hoan thơ quốc tế tại Pháp trong năm 2003, ông mong đợi các đại diện đó sẽ mang đến điều gì? Theo tôi, những gì mà các nhà thơ Việt Nam mang đến diễn đàn văn chương thế giới, chủ yếu, là để thế giới biết về tình hình thơ Việt Nam hiện nay. Tôi không tin họ có thể đóng góp cái gì độc đáo, sâu sắc và mới mẻ. Bản thân tôi khi đi qua các nước Pháp và Mỹ, đã rất đau khổ khi thấy ngay cả những nhà thơ có uy tín lớn, cũng không hề biết thơ Việt Nam như thế nào. Thậm chí chữ Việt Nam viết ra làm sao, nhiều người cũng còn chưa biết! Ông có tin là dần dần thế giới sẽ biết về một nền văn học Việt Nam thông qua việc dịch thuật nghiêm túc và qua chính sự giao lưu của các tác giả? Việc dịch thuật để giới thiệu văn học VN đương đại còn quá yếu kém. Còn về các tác giả, sự thật là, số người đi nước ngoài mà làm được việc đó rất ít. Và nếu tôi không lầm, so với các ngành nghệ thuật khác, những nhà văn biết ngoại ngữ có tỷ lệ rất ít, trong khi, chúng ta lại là những người làm việc bằng ngôn ngữ. Điều đó cũng phản ánh sự khép kín trong văn học chúng ta từ lâu nay. Vậy mà một số nhà văn lạc quan cho rằng hoá ra thế giới kể cả cường quốc văn học cũng chẳng hơn gì ta nhất là về truyện ngắn, đến nỗi mới đây có một nhà văn là Ngô Tự Lập phải bức xúc viết bài bác lại. Tôi tán thành ý kiến anh Lập. Chúng ta chẳng có gì để gọi là ngang tầm với thế giới cả. Những người xuất sắc nhất của chúng ta cũng chỉ ngang với những người "đọc được" ở trên thế giới. Mà số người đó thì đếm được trên đầu ngón tay. Đối với những ai có lòng tự tôn dân tộc, đây là một sự báo động. Cho thấy: lâu nay, chúng ta vẫn quá ảo tưởng với chính mình. Lê Mỹ Ý thực hiện