PR Nhân Dân PR nhân dân GS Shin (giữa) và sinh viên khoa quan hệ công chúng Đại học Sogang - Ảnh: Thanh Huyền TT - "Chị đến đây vì đã kết hôn với chồng Hàn Quốc phải không?". Đó là câu hỏi quen thuộc nhiều người Hàn đặt cho tôi trong lần đầu gặp mặt. Nghe đọc nội dung toàn bài: Tôi không còn ngạc nhiên nữa, bởi phụ nữ VN sang đây vì lý do kết hôn đã trở thành quá phổ biến. Hơn 2 vạn cô dâu Việt trên đất Hàn đã làm cho các câu chuyện về họ thường được đề cập ở trường học của tôi. Trở lại khoa sau kỳ nghỉ hè, các bạn Hàn vây quanh thăm hỏi đủ chuyện, rồi dè dặt: "Vụ cô dâu Huỳnh Mai chắc làm người Việt căm ghét người Hàn lắm phải không?" hay "Bạn thật sự không nghĩ rằng đàn ông Hàn đều thô bạo như thế chứ?"? Họ có vẻ lo lắng cho hình ảnh dân tộc của mình. Cũng bởi vì tính dân tộc đã là một đặc điểm nổi bật trong tính cách của người Hàn. Làm sao tôi có thể "vơ đũa cả nắm" được khi quanh tôi là những bạn nam và nữ rất tốt bụng và giỏi giang như Moon Seoung Hun, Park Eun Kyu, Lee Woo Yoong, Cho Jeong Min? Họ luôn quan tâm đến tôi một cách đặc biệt, vì họ biết tôi gặp nhiều khó khăn khi du học ở đây. Seoung Hun sắp xếp chỗ ngồi học và máy tính cho tôi bởi cậu biết tôi sẽ lúng túng khi làm việc này với phòng hành chính. Woo Yoong thì buổi học chung nào cũng in riêng cho tôi bài giảng tóm tắt của thầy giáo vì cậu biết tôi chưa kịp có máy tính xách tay trong học kỳ đầu? Tôi không khỏi xúc động khi Jeong Min chủ động tìm mua vé máy bay giá rẻ giúp tôi có thể về thăm nhà kỳ nghỉ hè vừa rồi, mặc dù tôi chưa hề cất lời nhờ vả. "Chị không thạo tiếng và không có thẻ tín dụng, để em mua cho rồi chị trả tiền em sau cũng được". Jeong Min như luôn biết trước tôi cần gì và sẵn lòng góp một tay, ngay cả khi cô ấy rất bận rộn. "Vì sao chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề liên quan đến cô dâu nước ngoài?" - giáo sư Shin Hochang, chủ nhiệm khoa quảng cáo và PR (quan hệ công chúng), đặt vấn đề trong giờ học về xây dựng hình ảnh quốc gia. Rất nhiều ý kiến nêu ra, chủ yếu quanh lý do vì hình ảnh của dân tộc trong mắt người nước ngoài (ai cũng biết Hàn Quốc từng bị đánh giá là còn thiếu tôn trọng nhân quyền khi có nhiều cô dâu nước ngoài bị đối xử không tốt). "Các lý do trên đều đúng, nhưng như thế chúng ta mới chỉ nghĩ đến hình ảnh đối ngoại thôi. Một mặt nữa, không kém phần quan trọng của vấn đề này, là chính phủ chúng ta cần có chiến lược quan hệ công chúng nội bộ đối với cô dâu nước ngoài và những người liên quan đến họ, vì họ là một phần của nhân dân Hàn Quốc" - GS Shin chốt lại vấn đề và giảng giải rằng những cô dâu này đã và đang sản sinh ra những thế hệ tiếp nối cho tương lai của Hàn Quốc. Họ sẽ đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nuôi dưỡng những mầm non cho đất nước. Vì thế, họ có vai trò rất quan trọng trong xã hội. "Càng ngày mối giao lưu quốc tế của Hàn Quốc càng lớn hơn, hình ảnh dân tộc tốt đẹp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước nói chung cũng như cho chính từng người dân" - GS Shin Hochang nhận định. Lời GS giúp chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao nhiều cơ quan, tổ chức, liên minh, hiệp hội của những người Hàn đã và đang có những động thái tích cực để giúp đỡ các cô dâu nước ngoài. Tư vấn, giao lưu, giáo dục? là những chương trình khá phổ biến. Một giáo trình tiếng Hàn cho những cô dâu Việt cũng đang được nghiên cứu và triển khai. Khi có sự cố xảy ra, như trường hợp Huỳnh Mai vừa rồi, người Hàn biết liên kết lại với nhau để thể hiện quan điểm và thái độ của mình. Lập hương án cho Huỳnh Mai, quyên góp rồi viết thư tạ lỗi, chia buồn với gia đình Huỳnh Mai..., những việc làm đầy tình người ấy không chỉ để đối ngoại mà còn là đối nội. Con cái của các cô dâu nước ngoài với người Hàn sau này rất cần được biết rằng đất nước đã quan tâm đến mẹ của họ. Câu chuyện trên khiến tôi nhớ đến sự kiện một sinh viên người Hàn xả súng vào giảng đường ở Mỹ mới đây. Ngay khi biết tin, rất nhiều người Hàn ở trong và ngoài nước đã họp lại ở các quảng trường thành phố để cầu nguyện cho những người xấu số. Họ còn viết hàng ngàn bức thư và thông điệp tạ lỗi với gia đình nạn nhân cùng nhân dân Mỹ. Nhiều hành động để hàn gắn đã được thực hiện trên tinh thần bảo vệ hình ảnh dân tộc và cũng là xuất phát từ lợi ích của chính con em họ. Và như thế, những nguy cơ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Hàn Quốc đã được họ nỗ lực tối đa biến thành cơ hội tuyên truyền cho một hình ảnh tốt hơn. Những việc làm đó được thực hiện như một nhu cầu nội tại cho chính họ, rồi mới đến các đối tượng khác nên đã dễ dàng được thông cảm và đi vào lòng người, đặc biệt là trong các tình huống khủng hoảng. THANH HUYỀN (ĐH Sogang, Seoul, Hàn Quốc)