PR Việt Nam=??? Chào tất cả mọi người. Lifelearner còn đang học phổ thông nên xét về tuổi tác có lẽ không bằng mọi người, là em của mọi người thôi. Ở Việt Nam PR vẫn còn là một nghề mới mẻ với nhiều người, em nghe tên thì đã lâu nhưng đến lúc đọc cuốn sách hướng nghiệp của nxb kim đồng, em mới có được chút ít hiểu biết ban đầu về nó. Lúc đầu cũng là tò mò thôi, nhưng sau khi đọc bài viết của các anh chị trong forum, càng ngày em càng cảm thấy hứng thú với PR. Tự nhận thấy rằng mình cũng có chút say mê với công việc này nên em rất mơ ước một ngày nào đó có cơ hội được thử sức mình với vai trò là một PR. Bây giờ mác sinh viên còn chưa có, nên chắc phải một thời gian dài nữa em mới có thể thâm nhập trực tiếp vào thế giới sôi động của các PR. Nhưng Em mong rằng ngay từ bây giờ cũng có thể có thêm nhiều kiến thức nữa của ngành này từ chính Forum của chúng ta Trước đây em chỉ đọc bài viết các anh chị post lên, so với mọi người em còn thiếu hiểu biết nên em không tự tin lắm. Nhưng em nghĩ học bất cứ thứ gì thì không bao giờ là quá sớm hay quá muộn nên từ bây giờ em sẽ mạnh dạn trực tiếp trao đổi cùng mọi người. Em biết mọi người trong forum đều cởi mở và tốt bụng nên em cũng đỡ sợ. Rất mong được các anh chị chỉ bảo. Biết đâu lại có một ngày em có thể tự tin bắt tay các anh chị để xây dựng tương lai PR Việt Nam sáng sủa hơn, chuyên nghiệp hơn.
Trong forum đã có rất nhiều bài viết về những thành công của nhân viên PR trên thế giới nhưng em chưa thấy có bài viết nào đề cập đến những "chiến công" của PR Việt Nam . Em nhớ đã đọc được đâu đó trên forum một câu slogan rất hay: Think globally, Act locally. Em thắc mắc không hiểu trong thời gian phát triển ngắn ngủi của PR vài năm qua, không biết các bác PR nước mình đã Act locally như thế nào . Mặc dù xét về tuổi tác thì lịch sử PR Việt Nam còn quá non trẻ so với lịch sử toàn cầu của nó, nhưng trong khoảng thời gian ấy chẳng phải PR Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng khen ngợi hay sao? đó là Em đọc trên báo thấy vậy, hổng biết gì về Who? Ai hiện đang là những Professional PR làm việc hiệu quả nhất, "lừng danh" nhất trong giới PR nước ta? (hẳn phải có vài cái tên nổi bật chứ) Họ có những Phẩm chất gì mà giỏi quá vậy? What? When? How? Những phi vụ đình đám nhất của PR trong thời gian vài năm qua? Vào thời điểm nào? Mọi người có thể tường thuật lại hông? Đây là những câu hỏi em đã thắc mắc từ lâu mà hông biết hỏi ai, rất mong được các bác giúp đỡ giải đáp giùm em. Maybe someday? vài chục năm nữa lại có một thành viên prc đang căm cụi ghi lại những câu trả lời của mọi người trong cuốn s ách " LỊCH SỬ PR VIỆT NAM" cũng nên.hihi Who knows?
Đọc bài viết của em ko nghĩ em đang học PTTH mà nghĩ còn cao hơn.Cái nick của em cũng có rất nhều ý nghĩa. Về người làm PR đình đám nhất VN:cái nè ko nói nhưng theo như anh thấy thì có anh Nguyễn Ngọc Thuỵ-người được mệnh danh là "người làm thuê số 1 Việt Nam" . Ngoài ra còn có bà Tôn Nữ Thị Ninh-được coi là người làm PR tầm cỡ quốc gia khá là thành công.
Bác Antigod đã trả lời câu hỏi Who cho bạn rùi đó. Leo không biết Ms Tôn Nữ Thị Ninh, nhưng có đọc được một số bài viết về anh Ngọc Thụy, và cũng thật sự ấn tượng về một số Event mà anh Thụy đã dàn dựng. Những event đó khá hoành tráng, mang tính cộng đồng cao, và về mặt PR thì rất ổn. Leo không nhớ rõ tên ctrình, chỉ nhớ hình như là: chương trình về nỗi đau chất độc màu da cam, với hình ảnh những con hạc trắng (ko biết có phải mang tên Đêm trắng ko), chương trình thi hoa hậu qua ảnh của báo TGPN (ý tưởng dàn dựng là Hoa sen, và mới năm ngoái là Hoa Hướng Dương ---> nhưng Leo ấn tượng với Hoa sen hơn ) chương trình của kem đánh răng C với ý tưởng là đem tuyết về VN, tạo nên làn sóng mua sp để được tham quan, tham gia ---> nhưng một số người (chưa thống kê là bao nhiêu) đi xong về la í ới quá trời. ............ Không biết trả lời thế này trả lời cho câu hỏi What được chưa nhỉ? Leo chỉ biết thế thui. có ai biết thêm thông tin, hay biết về Ms Ninh, chia sẻ nha. Leo_168
Bà Tôn Nữ Thị Ninh là phó chủ nhiệm UBĐN VPQH là ngươi mà em khá là khâm phục về tài năng của bà ý. Post lên đây để mọi người đọc qua Những người làm PR tầm quốc gia Có thể khái niệm PR Việt Nam hay PR tầm quốc gia (Public Relations - quan hệ công chúng) còn khá mới mẻ với nhiều người. Nhưng khái niệm ấy đã trở nên rất quen thuộc với những người làm công tác đối ngoại. Ý thức được trách nhiệm của mình, say mê công tác và nói được nhiều ngoại ngữ, họ đã và đang tiếp thị một Việt Nam yên bình, năng động và giàu bản sắc văn hoá với bạn bè thế giới. Hãy đưa Việt Nam vào "tầm ngắm" của bạn Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội. Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội, thì "Việt Nam là một đất nước nổi tiếng nhưng để biến sự nổi tiếng ấy thành mối quan tâm của các nhà đầu tư thì lại là cả một vấn đề". Chính vì vậy, phải làm thế nào để họ hiểu và tìm thấy một cơ hội ở đất nước này. Đó là một mục tiêu mà bà Tôn Nữ Thị Ninh đề ra khi bà làm PR Việt Nam trên các diễn đàn thế giới. Tốt nghiệp Đại học Sorbonne ở Paris, khởi nghiệp trong nghề dạy học nhưng cái duyên ngoại giao lại vẫy gọi bà. Bà trở thành phiên dịch, Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, rồi Đại sứ, và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội. Duyên dáng, nhẹ nhàng và có tài cuốn hút người nghe khi nói chuyện, nhà ngoại giao này đã từng đặt chân đến hơn 50 nước trên thế giới luôn để lại một ấn tượng khó quên đối với nhiều người. Bà kể khi bà đến dự Hội nghị Brainstorm - Hội nghị thường niên dành cho các chính khách, giới chủ doanh nghiệp tại Mỹ hồi tháng 7/2004 vừa qua, họ ưu ái dành cho bà 3 phút phát biểu "để nói bất cứ điều gì đó về Việt Nam". Bà hiểu rằng, đây là cơ hội tốt nhất để bà hướng sự quan tâm của các ?ođại gia? tới Việt Nam. Giống như Hội nghị Davos (Thuỵ Sĩ) và các Hội nghị lớn, bà có một kinh nghiệm "xương máu" không được phép nói lê thê, nếu không sẽ bị ngắt lời. Sau một đêm suy nghĩ, nói thử để bấm giờ, bà quyết định đem đến một thông điệp ngắn gọn với những hình ảnh, con số sinh động nhất về Việt Nam trong 30 năm qua, từ một đất nước phải gánh chịu khối lượng bom đạn lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động... Sau cùng bà kết luận: "Quý vị hãy đưa Việt Nam vào "tầm ngắm" (Put Viet Nam on your radar screens), tầm suy nghĩ của mình vì Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được quan tâm. Các bạn hãy đến Việt Nam và khi các bạn đến đây nếu có khó khăn gì tôi sẵn sàng giúp đỡ". Ngay sau khi trở về, bà đã nhận được rất nhiều e-mail tìm hiểu về Việt Nam và ngỏ ý tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Nhiều chính khách, doanh nghiệp khi nhắc đến Việt Nam, đều biết đến bà Ninh như là một "cửa sổ" thuận lợi cho họ, một người luôn vui lòng "mở cánh cửa nhà mình" để chào đón những vị khách thiện chí. Cởi mở đến nhường ấy, sẵn sàng giúp đỡ "khi bạn gặp khó khăn từ Việt Nam", nhưng bà Ninh cũng là người thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình. Dường như không có câu hỏi nào làm bà lúng túng, bà hiểu rõ đất nước mình và biết làm thế nào để người khác hiểu. Những năm sau khi giải phóng, trong một diễn đàn của các nhà ngoại giao, có người hỏi: "Bà lý giải thế nào về việc những dòng người Việt Nam cứ ào ào ra đi, có phải họ sợ một cuộc đàn áp?" Bà đã hỏi lại: "Sau ngày 30/4/1975, một số báo nước ngoài đã đưa những dòng tin lớn về khả năng của một cuộc tắm máu ở Việt Nam. Trong thực tế đã có điều đó hay không?" Im lặng. Ngay cả các nhà báo thiếu thiện chí với Việt Nam lúc bấy giờ cũng không trả lời được. "Vậy câu trả lời là không, đúng không?" bà tiếp, "Việt Nam sau bao nhiêu năm chia cắt, đương nhiên sau ngày thống nhất sẽ có sự xáo trộn ghê gớm. Phải chứng kiến sự thay đổi nhanh như vậy, một số người không thể tránh khỏi tâm lý sụp đổ trong chính mình. Tôi sống trong Nam cho đến lúc giải phóng tôi biết chứ, thân nhân của tôi cũng có người ra đi, dù họ không làm cho chính quyền Sài Gòn - nghĩa là họ không có lý do sợ chính quyền mới trừng phạt. Họ bỏ tất cả tiền ra để mua lấy một cuộc sống dễ dãi, sung túc ở nước ngoài. Vậy thì tại sao?" Đó chỉ là vấn đề tâm lý. Gần 30 năm sau, mỗi năm hàng trăm ngàn người Việt Nam lại trở về. Trong huyết quản của họ, dòng máu Việt vẫn chảy mãi không ngừng... Lại một lần nữa, gần đây thôi, trước đông đảo các nhà báo trong dịp đến Mỹ vừa qua, khi họ hỏi bà về việc vì sao Việt Nam lại từ chối cấp visa cho bà Lorretta Sanchez, Dân biểu California. Chắc hẳn nhà báo đặt câu hỏi này đã chờ đợi một điều gì đó như là "sự bối rối" của người được hỏi. Không ngờ, bà đã nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là trường hơp ngoại lệ. Trong năm 2004, Việt Nam đã tiếp 8 đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ. Bà Sanchez đã đến Việt Nam 2 lần, chúng tôi đã quan sát bà, đã nghe bà, và bây giờ xin cho chúng tôi được quyền có kết luận riêng của chúng tôi: thái độ của bà không giúp ích gì cho quan hệ song phương, theo nhận định khiêm nhường của tôi, bà chỉ nghĩ đến lá phiếu. Nếu bà Sanchez thấy đối thoại là có ích thì tôi sẵn sàng nói chuyện với bà ngay tại đất Mỹ này, ngay tại California nơi bà sống". Nói về sự chủ động, xử lý thông minh sắc sảo trong các tình huống tưởng như đã ở "thế bí" của bà Tôn Nữ Thị Ninh, giới truyền thông nước ngoài cho rằng vì bà có khả năng nói "một thứ tiếng Anh quý phái và tiếng Pháp còn tốt hơn". Nhưng nghiệm lại từ chính những gì đã diễn ra, bà bảo rằng với một nhà "thuyết khách", ngoại ngữ giỏi chưa đủ mà còn cần có lý lẽ thuyết phục và năng khiếu giao tiếp. Ở bà, năng khiếu ấy lại nằm chính trong sự giản dị, súc tích và một cái tâm luôn muốn tiếp thị hình ảnh đất nước mình với bạn bè quốc tế. Ông D. Sneider, một nhà báo kỳ cựu của Mercury News (Mỹ) nói rằng: "Dù nói bằng tiếng gì, bà Ninh đều bộc lộ những suy nghĩ sắc bén, hùng biện một cách thẳng thắn. Điều này khiến bà trở thành người phát ngôn rất hiệu quả cho Việt Nam". "Nếu có nhiệt huyết làm bao nhiêu cũng chưa đủ" Trong câu chuyện cởi mở, có lúc suy tư, có lúc sôi nổi, ông Lê Kinh Tài, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ UNESCO Bộ Ngoại giao tâm sự: "Người nước ngoài hiểu về Việt Nam còn rất ít. Có thời gian tôi làm việc ở Đức, một vụ trưởng của UNESCO chuyên về hoạch định chiến lược khi trao đổi kế hoạch chuẩn bị hội nghị ở Việt Nam vẫn còn nghĩ Việt Nam là một đất nước khó khăn, lạc hậu, chiến tranh, vậy thì người dân thường làm sao có thể biết Việt Nam như thế nào. Điều đó đặt ra một trách nhiệm rất nặng nề cho người làm đối ngoại. Từ ấy, tôi thường có ý nghĩ làm thế nào để giới thiệu được nhiều hình ảnh Việt Nam, những con người nhân hậu, khoan dung, đằng sau đó là một nền văn hóa có bề dày ngàn năm lịch sử". Với suy nghĩ giản dị như vậy, ông và đồng nghiệp của mình đã chuyển tải những suy nghĩ, mong mỏi ấy bằng nhiều hành động, việc làm thật cụ thể. Là một nhà ngoại giao làm việc cho UNESCO từ những ngày đầu tiên, ông hiểu, tài liệu giới thiệu về Việt Nam ra bên ngoài còn rất ít. Mới đây thôi, Bộ Ngoại giao đã có quyết định cho Vụ lựa chọn và xây dựng một tủ sách 15 - 16 cuốn tiêu biểu nhất để làm tài liệu giới thiệu nhưng xem chừng vẫn chưa khả thi vì kinh phí có hạn. Trong khi đó, các nước khác ấn phẩm rất phong phú, từ tài liệu chủ chốt như đĩa CD, phim ảnh, đến sách báo để quảng bá rộng rãi cho tất cả mọi người. Tại bất cứ đâu, ở bất cứ cương vị gì, ông luôn tranh thủ giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài về Việt Nam, sẵn sàng cung cấp thông tin cho các hãng thông tấn và nếu có thể lại tổ chức tuần văn hóa giới thiệu về Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, hình ảnh Việt Nam không chỉ "lưu danh" bên ngoài mà còn "kéo" họ đến tận Việt Nam để chiêm ngưỡng. Giờ đây, nói đến Việt Nam người ta biết đến mảnh đất có nhiều di sản thế giới, biết đến Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn hay Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng ít ai biết đằng sau những địa danh nổi tiếng được ghi nhận kia là những đóng góp thầm lặng đầy tâm huyết như của ông Tài và nhiều đồng nghiệp khác. Năm 1988, là Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, ông đã đề xuất với UNESCO công nhận Huế trở thành di sản văn hóa thế giới. Còn con đường "đến với di sản thế giới" của Vịnh Hạ Long cũng không "bằng phẳng". Lúc đầu, Vịnh Hạ Long đã bị gạt ra trong danh sách công nhận. Đúng vào thời điểm đó, tình cờ ông biết tin, có một chuyên gia văn hóa UNESCO liên quan đến di sản tới Việt Nam. Không chần chừ, ông đã tìm gặp, hỏi thăm về vướng mắc và được chuyên gia này "mách nước", tác động tới IUCN, tổ chức giám định tìm hiểu nguyên nhân. Ngay lập tức, ông gọi điện sang Geneva để trao đổi, họ cho biết trở ngại là do công tác quản lý chưa đạt yêu cầu và đề nghị ta xác định lại địa giới, vẽ bản đồ quy hoạch phát triển du lịch Hạ Long. Ngay hôm sau, ông đến mời trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam đi thăm Vịnh Hạ Long. Nửa tháng sau mọi việc đã hoàn tất, Vịnh Hạ Long đã được công nhận và phát triển rất nhanh. Rồi Hội An, Mỹ Sơn cũng gặp phải những khó khăn nho nhỏ nhưng gian nan hơn cả là hành trình đến với di sản của Phong Nha - Kẻ Bàng. Cuộc vận động được tiến hành từng bước cam go, kéo dài liên tục, có lúc tưởng như thất bại và kết quả cuối cùng ngoài sức mong đợi. Du lịch Quảng Bình một năm sau đã phát triển rất nhanh, có những ngày lượng khách du lịch đến nhiều hơn cả một năm trước đây. Vui mừng bao nhiêu khi kể về những cuộc "ra trận" thành công thì ông lại suy tư bấy nhiêu khi nhắc đến lối sống buông thả của một số lao động Việt Nam ở nước ngoài, khiến hình ảnh Việt Nam bị xói mòn. Hình ảnh đất nước được gây dựng ngay từ chính mỗi cá nhân, cộng đồng, từ ý thức mỗi con người. Bật mí về tài ngoại giao "biến cái không thể thành có thể", ông đơn giản cho rằng, muốn chinh phục được sự ủng hộ của bạn bè, muốn thuyết phục người khác trước hết phải thuyết phục được chính mình, xác định việc làm đó có ý nghĩa và tác dụng thực sự mới tạo cho mình có động cơ và niềm tin. Ông nói thêm, công việc của người làm văn hóa đối ngoại không có sức ép như kinh tế, chính trị, nhưng nếu có nhiệt huyết thì làm bao nhiêu cũng chưa đủ. Chẳng hạn ngay lúc này đây, mặc dù Hội nghị Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững đã kết thúc (một hội nghị do Việt Nam khởi xướng, theo đánh giá của ông là hoạt động rất thành công để ta có thể tranh thủ giới thiệu văn hóa, từ đó giới thiệu thế mạnh của Việt Nam trên mọi lĩnh vực một cách hiệu quả) - ông lại bận rộn chuẩn bị cho chương trình chiêu đãi ngoài giờ sắp tới với Tổng Thư ký UNESCO Hàn Quốc mà ở đó hứa hẹn một số dự án hợp tác về giáo dục, văn hóa... rất nhiều triển vọng. "Làm PR như đấm bị bông..." Nói đến PR tầm quốc gia, không thể không kể đến một đại biểu của ngoại giao nhân dân - đó chính là ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến chàng sinh viên đã từng tham gia chỉ đạo phong trào giải phóng cho Nelson Mandela khi đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thế giới cuối những năm 1970. Tiếp chúng tôi vào một chiều cuối năm, ông say sưa kể về những kỷ niệm của người "có duyên" với PR, mà theo ông "có nhiều niềm vui lắm", đó là được thay mặt nhân dân đón nhận tình cảm của bạn bè dành cho Việt Nam, cũng như đóng góp vào việc hình thành mạng lưới nhân dân để "làm cho nhiều người quan tâm đến chúng ta, lắng nghe và hiểu chúng ta". Để hiểu một đất nước, không có gì hiệu quả hơn là qua các câu chuyện thân tình của người dân với người dân. Là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ nên ông có rất nhiều chuyện về các bạn Mỹ. Tại cuộc hội thảo Việt - Mỹ Tăng cường hiểu biết, hướng tới tương lai mới được tổ chức, một nhà báo nổi tiếng Mỹ khuyên chúng ta hãy quảng bá cho du lịch VN bằng các tạp chí ảnh hay tiếp cận Hollywood, vì một quảng cáo về du lịch VN mà được đưa vào một bộ phim nào đó của màn ảnh Mỹ sẽ khiến hình ảnh VN nổi tiếng. Cả thế giới biết tới VN thông qua việc khống chế thành công SARS chứ người dân ít người biết VN hiện là nước đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo, hạt tiêu... Cho nên theo ông Hồng chúng ta đừng bỏ lỡ bất cứ điều kiện gì để tiếp cận và quảng bá Việt Nam một cách tự nhiên, đồng thời phối hợp với bà con Việt kiều cùng làm việc này. Hiện nay hầu như mọi người đều nói thiếu thông tin về VN hoặc gần như không có thông tin tổng thể về chúng ta. Đề cập vấn đề này ông Hồng cho rằng đã đến lúc chúng ta nên làm việc này cho chuyên nghiệp, chứ không phải vì thành tích, không phải đã có được bao nhiêu website, có bao nhiêu tờ báo... mà chúng ta phải xem thực sự đã hợp với khẩu vị của thiên hạ chưa. Bởi việc quảng bá hôm nay không thể nói chung chung được mà phải qua các hoạt động cụ thể, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nước bạn qua đó thu hút sự quan tâm của họ hay giới thiệu Hà Nội điểm hẹn của các bạn qua ngôn ngữ Esperanto để hướng tới 1.000 năm Thăng Long đồng thời giới thiệu Thủ đô Hòa bình... mà Liên hiệp đã làm trong thời gian qua. Có thể nói vừa qua Liên hiệp đã làm được rất nhiều việc, liên hệ được với các bạn trong phong trào phản chiến Beiheren của Nhật Bản, các bạn châu Phi hay đón hai người bạn Pháp đã dành suốt cuộc đời cho Việt Nam là Raymonde Dien và Henri Martin sang thăm. Họ rất mừng vì thấy thắng lợi của VN rõ ràng rất hiệu quả với những kỳ tích mới, nên càng củng cố lòng tin ở họ. Việc tăng cường du lịch, giao lưu văn hoá, giao lưu giữa dân với dân cũng như tăng cường các hoạt động giữa các hội hữu nghị là việc làm rất cần thiết. Họ cho rằng nếu trong công nghiệp có ngành du lịch là công nghiệp "không khói" thì trong việc làm PR, đối ngoại nhân dân nếu biết làm tốt cũng có thể ví như vậy, vì câu chuyện giữa con người và con người với nhau có sức thu phục và thuyết phục nhau rất hiệu quả. Chúng tôi hỏi ông đã từng thuyết phục được ai ghét chúng ta trở nên yêu chúng ta chưa, ông Hồng cười: "Chúng tôi đã rất thành công trong việc này. Khi chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, những cựu binh lúc đầu thành kiến lắm. Chúng tôi mời họ đến những nhà có 7-8 người hy sinh, chỉ cho họ bát hương để họ thắp rồi rủ rỉ với họ rằng nỗi đau của các anh cũng là nỗi đau của chúng tôi, nỗi đau rất con người... Những cựu binh Mỹ từng gây tội ác, thế mà lại được đối xử tử tế nên họ suy nghĩ rất nhiều". Chính những lần "rủ rỉ" như vậy nên đã có rất nhiều các tổ chức CCB Mỹ sang VN và có tình cảm rất đặc biệt. Họ là những người đấu tranh chống lại các quyết định sai trái, đấu tranh cho một quan hệ kinh tế - thương mại công bằng giữa Mỹ và VN hay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam... "Tôi nghĩ đây là quá trình cảm hoá tự nhiên. Điều cơ bản phải để cho họ thấy được sự chân thành, đặc biệt là sự khoan dung, hòa hiếu của VN". Vì vậy ông cho rằng chúng ta nên có cách tiếp cận, giải thích chính xác thì mới có hiệu quả và cách làm PR Việt Nam tốt nhất là qua những con người cụ thể, nhờ họ nói hộ chúng ta. "Điều quan trọng trong đối ngoại nhân dân phải có 3C (chuyên trách, chuyên môn, chuyên tâm) và phải đầu tư nhiều hơn nữa vì làm PR nhiều lúc như "đấm bị bông" vậy, nó không cho kết quả ngay được" - ông tâm sự.