1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Quán ăn đặc sản Huế năm châu bốn bể

Chủ đề trong 'Huế' bởi duongphuongbay, 17/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Đến Huế chớ quên ăn hàng rong​
    Buổi sáng, những con đường phố ở Huế không thức dậy một cách vội vã. Có lẽ nhộn nhịp nhất chỉ có khu vực cầu Trường Tiền: những giòng xe cộ ngược xuôi chở hàng hóa về bên kia, bên này... Và những gánh hàng rong từ các vùng lân cận cũng theo đó rảo bước nhanh nhịp nhàng đôi quang gánh về phố cho kịp phục vụ người ăn sáng.
    Hàng rong ở Huế đủ các loại món ăn bình dân. Sáng sớm từ An Lăng, An Cựu, Nam Phổ, Vỹ Dạ, Cồn Hến... hàng bánh canh, bún đổ về phố. Một số gánh qua những con phố ở phía chợ Đông Ba, một số rảo gánh bên này cầu Tràng Tiền.
    Trên đường Trần Hưng Đạo phía trước chợ Đông Ba, là nơi tập kết ngô (bắp) luộc từ Kim Long chở đến, để từ đây phân phối đi khắp nơi. Gánh bánh canh hay các loại bún đều giông giống nhau: một đầu gánh là trả lửa hình vuông có nồi nước lèo đặt bên trên. Đặc biệt, chỉ đến Huế người ta mới gặp lại cái nồi nhôm dạng hình cái chum, có người gọi là nồi gương. Đầu gánh bên kia là tô, chén, dĩa và đủ thứ linh tinh phục vụ cho một tô bún có đủ: rau, mắm, hành...
    Bánh canh buổi sáng thường là bánh canh bột gạo, buổi chiều mới có bánh canh cua bột lọc. Nồi bánh canh cũng như nồi bún bò: cũng thịt, cũng giò, da heo, có thêm chả cá...
    Bún gánh (từ đặc biệt dành cho gánh hàng rong) có đủ loại: bò, cá, hến, riêu...Tôi đã ăn những tô bún bò từ trong các tiệm lớn đến những gánh hàng rong và nhận xét một điều rằng: bún bò tại đây, không giống như ở các thành phố khác. Cái khác trước nhất là rau không phải là rau xắt ghém nhất là rau được lặt thành từng lá nhỏ (xà lách, rau thơm, hành có nơi cũng không xắt thành hành hoa, mà cắt thành từng đoạn nhỏ); cái khác thứ hai là trong nồi bún có chả lụa, gọi là giò (không biết có phải thay cho giò heỏ): thịt chả lụa được vắt thành từng vê nhỏ, nổi lên phía trên mặt nồi nước lèo; cái khác thứ ba là nếu muốn, tô bún sẽ có thêm thịt bò tái (giống như ăn phở). Rồi tùy theo yêu cầu của khách, tô bún sẽ có đầy đủ (giò heo, giò lụa, thịt bò gân, nạm, bò tái) hay chỉ có một vài thứ (có giò heo thì không có giò lụa, có bò tái thì không có bò gân...).
    Đặc sản của Huế mà bất kỳ ai đến đây cũng phải tìm ăn cho bằng được: cơm hến. Hàng cơm hến nào cũng kèm theo bún hến. Thúng bún được phân làm hai bằng miếng nylon: một bên là bún, một bên là cơm, khách ăn món nào gia vị kèm theo đặc trưng của món ấy (đậu phộng chiên còn nguyên hạt, dầu ăn đã khử với ớt mầu thật cay, mắm ruốc...). Đặc biệt chỉ có món này mới thấy rau ghém thái chỉ, gồm có rau môn, xà lách, bắp chuối, rau thơm... xắt thành sợi rất nhuyễn.
    Cồn Hến là nơi chuyên cung cấp hến cho các hàng ăn, hến được lấy thịt bằng cách bỏ vào rổ và xát, thịt hến bong ra, ở đây người ta cũng cung cấp luôn nước hến. Hàng ăn chỉ việc đến mua thịt hến và nước hến về rồi chế biến tiếp.
    Ngoài hàng "gánh", còn có hàng "nách". Tầm sáng sớm có các nách bánh mì, xôi, bắp... cũng một điều rất khác ở Huế là rau bỏ vào bánh mì ngoài hành, dưa leo còn có thêm rau răm và thịt thường là thịt nhưng có nước xốt chế vào, ăn cũng hay hay, là lạ... Hàng nách còn có nách bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng...
    Bánh bèo Huế rất mỏng và có đường kính gần bằng chén chè, xếp vào cái đĩa nhìn thấy được cả hoa văn của dĩa ở bên dưới, không phải là loại bánh bèo đổ trong chén nhỏ, dày cui khi ăn phải múc bằng thìa. Người Huế giải thích ăn bánh bèo mỏng như vậy mới thấm nước mắm! Đặc biệt, bún thịt nướng hay bánh ướt thịt nướng (bánh ướt bọc bên trong là thịt nướng) ăn với một loại nước chấm được chế biến rất ngon.
    Các món ăn Huế bây giờ không có vị cay như trước, ai muốn ăn cay, thì bỏ thêm ớt được xắt lát trong các tô mắm. Tầm tháng tư, không có ớt xiêm, mà chỉ có loại ớt sừng mầu xanh, tưởng là không cay, thế nhưng ăn một miếng là cay xé lưỡi, còn hơn cả ớt xiêm.
    Hàng rong ở Huế, mỗi món gắn liền với một địa danh đặc thù, nói đến bánh canh phải là bánh canh Nam Phổ, các loại bún phải xuất phát từ An Cựu; bắp hầm ở Kim Long...
    Về khoản vệ sinh an toàn thực phẩm của những gánh hàng rong? Thú thật là người trong nghề tiêu chuẩn đo lường chất lượng gần hai mươi năm, ban đầu tôi cũng hơi ngài ngại, nhưng cái ý muốn khám phá và cái tật thèm ăn quà rong đã khiến tôi "cầm lòng không đậu".
    Buổi sáng đi bộ lang thang trên đường Hùng Vương, tôi ngồi sà xuống một gánh bún bò, tô bún chỉ có 3.000 đồng, nhưng cũng đầy đủ: giò lụa, thịt bò nạm, gân, thêm vài miếng da heo... Một đầu quang gánh của cô bán hàng là nồi nước lèo, đầu gánh bên kia là rổ bún và "đồ mầu phụ trợ", rổ rau tươi trông có vẻ ngon mắt và sạch sẽ.
    Thử đến Huế một lần, sáng sớm tinh mơ bạn sẽ gặp hình ảnh từng tốp những người gánh hàng rong đi cùng với nhau từ một vùng nào đó đổ về phố, dừng lại đặt cái đòn gánh xuống đất làm đòn ngồi, nghỉ một chút trên đường, có người phe phẩy chiếc nón lá cho đỡ mệt, có người cời lại bếp than cho đỏ lửa, rồi bắt đầu tỏa đi khắp nơi.
    Ngồi xuống bên các gánh hàng rong, bạn sẽ có cảm giác của người không bị ràng buộc bởi công việc: muốn ăn gì thì ăn, gặp gì ăn nấy...
    Sáng sớm bạn sẽ thấy bánh canh, các loại bún, bánh mì, xôi bắp, bánh bèo... Trễ hơn một chút có đủ các loại chè (chè nóng, chè lạnh) hay các loại nước đậu nành, đậu ván, đậu hủ (cũng là một đặc biệt nữa, đậu hủ ở đây không ăn với nước đường đã thắng bỏ thêm gừng mà lại ăn với đường cát trắng tinh, vắt vào tí chanh, chỉ có 500 đồng một chén mà người bán hàng cho vào cả muỗng súp đường cát trắng). Trưa hơn chút nữa có các hàng "đồ trái", đó là các gánh trái cây (vải, nhãn, bơ, cam...) xuất phát từ chợ Đông Ba, lúc này cũng có các gánh rau bán dạo cho những nhà ở phố.
    Sau giấc ngủ trưa, xê xế có bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng, bánh canh bột lọc, chè... Các gánh này có thể bán đến chiều xẩm tối.
    Để khám phá Huế, người ta phải mất nhiều năm, có khi cả đời cũng không hết, nhưng chỉ cần vài ngày lang thang ở Huế, bạn cũng sơ sơ biết Huế, và bắt đầu yêu Huế. Yêu những con đường nhỏ nhỏ có ai hàng cây suốt ngày chụm đầu vào nhau rì rầm kể chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh tươm, yêu cổ thành bí ẩn, yêu dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát lên: "Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được".
    Và một trong những vẻ đẹp cổ kính đó, những gánh hàng rong cũng là một đặc thù của thành phố du lịch nổi tiếng thơ mộng và dịu dàng này. Mời bạn, hãy tạm xa rời các nhà hàng sang trọng, một lần đến với các gánh hàng rong để tận hưởng cho bằng hết cái thú của người đi du lịch.
  2. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Bánh Khoái Thượng Tứ​
    Trần Đức Anh Sơn​
    Khách thập phương đến Huế lần đầu ai cũng muốn tìm đến Thượng Tứ, ở phía đông nam kinh thành, để thưởng thức một món ăn mà những lời tán tụng về nó đã lan truyền khắp tứ xứ. Đó là bánh khoái.
    Chỉ riêng tên gọi này cũng đã gợi lên sự tò mò và hấp dẫn đối với giới ẩm thực. Khối kẻ đã tốn giấy mực và ... nước bọc để bàn cải về nguồn gốc tên gọi BÁNH KHOÁI mà vẫn chưa ngả ngũ.
    Có người cho rằng nguyên gốc của tên bánh là BÁNH KHÓI, nhưng do người Huế phát âm sai nên thành ra BÁNH KHOÁI. Đến quán bánh khoái Lạc Thiện ở cửa Thượng Tứ, ăn xong thấy cách giải thích nào cũng có lý cả. Bánh vừa chiên xong, nóng hôi hổi cắn miếng nào, KHÓI bốc theo miếng ấy. Quán nhỏ, bốn năm bếp lò hừng hực lửa củi để chiên bánh đặt ngay trước cửa, khói cay muốn nổ con mắt. Chẳng BÁNH KHÓI thì là bánh gì? Lúc cô hàng bưng bánh ra, nhìn dĩa bánh vàng ươm, nóng giòn, đặt cạnh đĩa rau sống tươi xanh, với tô nước lèo còn bốc khói là đã thấy KHOÁI nhãn. Ăn hết một đĩa bánh, muốn gọi thêm một đĩa khác vì KHOÁI KHẨU quá. Vậy gọi BÁNH KHOÁI không đúng hay sao?
    Bánh khoái Huế có chung nguồn gốc bánh xèo trong Nam, nhưng cách làm, người Huế gọi là đổ bánh, thì có khác. Bột gạo khuấy trong nước lạnh, pha thêm chút muối và đường thắng để bánh có màu vàng cho ngon con mắt. Tôm bóc vỏ ướp với thịt heo nạc rồi xào sơ qua với nấm hương hoặc nấm mèo xé nhỏ để làm nhân bánh. Chuẩn bị thêm chút ít giá sống và một chén lòng đỏ trứng gà đánh lỏng để trán trên mặt bánh cho đẹp. Bắt khuôn bánh lên lò, đợi nóng khuôn, tráng dầu cho sôi mới múc bột đổ vào. Rải nhân bánh lên bếp lò, đậy nắp, chờ bánh sắp chín cho thêm giá sống vào giữa rồi tráng lòng đỏ trứng gà lên mặt bánh. Dùng vỉ gập bánh làm đôi, lật mặt bánh cho đều để bánh chín dòn mới để ra dĩa. Bánh khoái ngon còn nhờ rau sống và nước lèo. Hai thứ này thường được dọn ra trước nên mới có chuyện có một vị khách lạ đi ăn bánh khoái thấy người ta đưa nước lèo vào rau sống đã lâu mà bánh vẫn chưa chín, bèn sơi độc hai món ấy rồi thắc mắc: sao gọi bánh mà chỉ toàn thấy rau và nước? Rau sống ăn bánh khoái phải có đủ: cải con, rau thơm, khế, chuối chát, vả... Trái vả chỉ ở Huế mới có bên bánh khoái Huế ngon lừng danh và có hương vị riêng. Nước lèo thì phải chế biến từ tương, đậu nành, gan heo vằm nhỏ, đậu phụng hoặc mè, thêm chút bột và gia vị vừa đủ, nấu chín thành một thứ soup sền sệt có mùi thơm đầy quyến rủ. Dân Huế là "dân Việt gốc ... ớt" nên ăn bánh khoái lúc nào cũng kèm thêm dĩa ớt tỏi với những trái ớt chỉ thiên cay xé lưỡi "rứa mới ngon". Họ vẫn thường nói vậy để an ủi mấy ông khách đang vừa ăn vừa lau nước mắt vì vừa cay vừa ... khói.
    Bánh khoái ở Huế ngon nhất là bánh khoái Lạc Thiện ở cửa Thượng Tứ. Quán này lúc nào cũng nườm nượp khách. Tây Tàu Ta đủ cả . Chủ quán, ba bốn người cả trai lẫn gái đều rất đẹp và ... câm, nhưng nói, nghe hiểu tiếng Anh bằng cách ra dấu, còn "xuya" hơn người đắc khẩu. Có ông khách Việt đến ăn, thấy bánh ngon quá, cô hàng bánh lại xinh đẹp nên xuất khẩu thành thơ (để tặng cô nàng):
    Trăm năm bửu vật đất đế đô
    Bánh Khoái là đây phải không cô?

    Khổ nỗi, cô hàng bị câm, nghe không hiểu tưởng gọi tính tiền bèn giơ sáu ngón tay tỏ ý "sáu ngàn hai dĩa" làm thực khách trong quán được một bữa cười muốn xỉu...
  3. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Hai quán Huế ở Paris

    Có khoảng 10 quán ăn người Việt ở Paris (Pháp) hầu hết đều ngụ ở quận 13. Nhưng quán Huế chỉ có hai, đều nằm ở Avenue de Choisy.
    Một quán lấy luôn tên là quán Huế và món được quảng cáo ra ngoài là... bún bò Huế. Cách bày biện, bài trí trong quán khá đẹp mắt và mang phong vị VN, trong đó có một số tranh, ảnh phong cảnh Huế xưa.
    Chủ quán - anh Nguyễn Trường Lâm cho biết: Quán ban đầu vốn chỉ là một bar nhỏ, về sau dần dà làm ăn được, gia đình mở rộng ra thành một quán ăn lớn hẳn hoi. Vốn là người Huế, nên quán kinh doanh đồ Huế như một lẽ đương nhiên. Bánh lá, bánh bèo, bánh bột lọc, bún bò Huế... nguyên liệu lấy từ chợ Tàu gần đó, còn thì gia đình anh tự gia giảm, chế biến theo khẩu vị của khách. Ngoài ra, quán cũng bán thêm các món ăn ở các vùng miền khác của VN từ canh chua, cá kho tộ, súp, phở, nem nướng, bò lui... - tổng cộng khoảng 100 món, giá dao động từ 5 đến 8 euro.

    Phút nghỉ ngơi của anh chủ Lâm trong quán​
    Quán anh Lâm, khách tây chiếm đến 95% và họ rất mê món chè chuối bắp. Nói chung, khách tây khoái tìm đến món ăn VN ở chỗ nó tươi, ngon, lạ miệng và đặc biệt không gây mập! Còn thực khách VN như chúng tôi nếm thử thì thấy quả là các món ăn chất lượng chẳng hề thua sút so với đồ ở nhà, có chăng là bát ăn to hơn (gấp rưỡi) và giá cũng "chóng mặt" hơn, như bát phở ở đây 7,5 euro.
    Nằm cách đó một quãng không xa, quán Sông Hương nhỏ hơn về quy mô nhưng lượng khách ra vào rất đông. Anh Nguyễn Phi Long (quản lý kinh doanh) vui vẻ: "Tôi sang đây gần 30 năm, nhưng mở quán mới được 5 năm nay, bán đồ Huế là chính, song bán thêm cả mì Quảng và đây mới là món "đặc sản" của quán mà các nơi khác không thể cạnh tranh nổi". Không biết anh Long có chủ quan quá không, nhưng rõ ràng món mì Quảng ở đây là "tuyệt cú".
    Anh Long cho biết các quán thường đóng cửa ngày thứ hai, riêng quán anh chỉ nghỉ chiều thứ hai, còn sáng vẫn bán. "Đã bao năm nay, tôi không hề biết đến du lịch là gì cả!"- anh Long cười: Thậm chí bóng đá tôi rất mê mà cũng không có thời giờ xem nữa!".
    Điều thú vị là các quán ăn người Việt ở Paris dù cạnh tranh nhau, nhưng các ông chủ không bao giờ nói xấu nhau, với suy nghĩ giản dị: Người Việt mình, ai làm được đều đáng mừng! (Theo LĐ)
  4. loncon18

    loncon18 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/02/2002
    Bài viết:
    1.242
    Đã được thích:
    0
    Đọc bài của anh ĐPB bỗng thấy đói bụng chi lạ. Ở đây, ăn uống thất thường, thích thì ăn, mà nhác thì thôi, không chịu ăn, nên nhớ món ăn quê nhà ghê gớm. Mỗi lần về thì chỉ ăn được món bún bò thôi, còn mấy món khác đành ngậm ngùi vì thời gian ở Huế quá ngắn, mà cái bụng thì có giới hạn. Thêm một điều nữa là mỗi lần về mở mắt dậy là đã thấy đồ ăn mua về rồi, nên không dám đi ăn ngoài. Từ nhỏ đến lớn đều được mua về, nên vừa rồi đi chơi, Kiên hỏi " MI co'' biết quán Đồng Quê ở mô không?" đành chịu khi không trả lời được, liền bị chê là mất gốc. Không biết răng chớ Lc rất thích ăn gánh hàng rong, Me nói mất vệ sinh, cũng biết là rứa, nhưng cái cảnh ngồi chồm hổm để ăn, rồi chỉ chỏ bảo " O bỏ cái ni cho con nì" thấy đã ngon rồi.
  5. haha12

    haha12 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/08/2003
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    hi !
    Bạn có vẻ rành về các món ăn ở Huế nghe .Bạn có thể cho mình biết địa chỉ nơi có các món này được không?
    Cá dìa: 50.000đ
    Cá hanh: 55.000đ
  6. junkie

    junkie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/10/2003
    Bài viết:
    175
    Đã được thích:
    0
    Anh ĐPB ơi! cho chỉnh tý, đừng gọi là rau môn trong món cơm hến, đó là cọng cây bạc hà, họ với cây môn, không có nó thì đem đổ cả nồi cơm hến.
    Chả biết ông Tường nghĩ gì khi viết bài cơm hến, ông ép cái cồn hến đó biến thành Tả Thanh Long, tội nghiệp nó trong lúc nó chỉ là con giun nhỏ, lại đem dịch lý ra nữa mới ghê, Tả Thanhlong lại là cái khu vực Chi lăng Gia hội, nói chung cũng chả phải bận tâm lắm mặc dầu đừng hoa hoè như vậy thì hay hơn có phải không?
    Bổ sung thêm tý về cái Âm phủ, trước đây nó là quán bình dân để bán cho người lao động vào ban đêm như phu kéo xe chẳng hạn, nền quán trũng sâu xuống, bàn ghế lụp xụp, đèn dầu mờ ảo cho nên nó được gọi là âm phủ, bây giờ mất chất nên chả vào làm gì, chỉ nhớ rằng trước đây từng có quán âm phủ là đủ rồi.
    Rất tiếc không có nhiều thời gian để đọc hết những bài của anh được, một số góp ý thêm xin anh vui lòng nhận lấy cho dù nó chỉ là quan điểm của riêng em.
  7. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Món ăn Huế dưới góc độ y dược học​

    Các món ăn của Huế, từ món ?obát trân? chốn cung đình cho đến canh rau ?otập tàng? trong giới bình dân, đều phảng phất mùi vị và hình bóng của các cây thuốc. Người Huế đã biết kết hợp các cây thuốc trong những món ăn hằng ngày một cách khá nhuần nhuyễn và khoa học.
    Người xưa lập luận: từ ngũ hành sẽ có ngũ vị (cay, chua, đắng, mặn, ngọt), ngũ sắc (trắng, đen, xanh, đỏ, vàng); chúng liên quan đến hoạt động của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) của con người. Vì vậy, món ăn nào cân bằng được âm dương ngũ hành thì sẽ điều hòa được lục phủ ngũ tạng, từ đó giúp phòng tránh và điều trị được các bệnh tật. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dược tính của một số món ăn đặc thù vùng Huế và nhận thấy chúng đã vận dụng khéo léo và nhuần nhuyễn quy luật âm dương, ngũ hành, kết hợp một cách khoa học các thực phẩm có tác dụng dược lý khác nhau.
    Các món chè
    Đậu quyên: Contal ania assamica Benth, điều trị đau thần kinh tọa cơ năng, thấp khớp, đau lưng, đau nhức thần kinh...
    Đậu ván: (bạch biển đậu, bạch đậu): Lablab vulgaris Sav L, bổ tỳ, giải độc, điều trị rối loạn tiêu hóa, hạ khí...
    Hạt sen: Nelumbo nucifera Gaertn, điều trị di tinh, mộng tinh, tim hồi hộp, tiêu nhiều, mất ngủ...
    Hoàng tinh (bình tinh, củ cây cơm nếp): Polygonatum kingianum Coll và Hemol, bổ phổi, giải nhiệt, kích thích thể dịch, bồi dưỡng cơ thể...
    Khoai mài (hoài sơn, củ mài): Dioscorea Persimilis Prain và Burk, điều trị suy nhược cơ thể, ho, tiêu nhiều, di tinh, bệnh đường ruột...
    Nhãn ***g (long nhãn): Euphorialongana Lamk, điều trị thần kinh suy nhược, mất ngủ, hoảng hốt...
    Canh rau tập tàng
    Món này được chế biến từ các loại rau hoang dại mọc quanh năm ở vùng Huế, gồm:
    Cúc tần ô (cải cúc): Crysanthemum coronarium L, chứa tinh dầu thơm, nhiều vitamin A, B và C, có tác dụng điều trị ho, đau mắt, nhức đầu mãn tính.
    Lá dâu tằm: Morus alba L., chứa caroten, vitamin C, cholin, adenin, chữa cảm sốt, cảm cúm, trị ho, an thần, bổ dưỡng, chống lão suy.
    Lá lốt: Piper lolot, tên thuốc Đông y là Tất bát, tính ấm, vị cay, mùi thơm đặc biệt, có tác dụng điều trị phong thấp, nôn mửa, đầy hơi, tiêu chảy do lạnh. Trong lá lốt có nhiều tinh dầu tạo nên hương vị thơm ngon của bát canh rau tập tàng.
    Lá mồng tơi: Brasella rubsa L, chứa nhiều vitamin A3, B3, sắt, saponin. Rau mồng tơi đỏ hay mồng tơi tía đều có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu và nhuận tràng, điều trị đỏ mắt và viêm nhiễm.
    Lá sung (lá sân): Zanthoxylum nitiolum, có nhiều tinh dầu, vị cay, có tác dụng điều trị nôn mửa, đầy hơi, đau bụng do lạnh, làm tăng hương vị cho món canh.
    Lá vông nem: Erythrina india Lamk, tên thuốc là Hải đồng bì. Lá chứa alkaloid và erythrine, có tác dụng an thần, gây ngủ, sát trùng, nhuận tràng, lợi tiểu, chống dị ứng.
    Rau ngót (bồ ngót): Sauropus androgynus Lour. Merr, có nhiều vitamin, muối khoáng, lipid và glucid. Tỷ lệ protid trong rau tương đương với một số loại đậu giàu đạm.
    Rau má: Centella asiatica. Urb., vị ngọt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng giải độc, giải nhiệt, thông tiểu, lợi sữa. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rau má còn có tác dụng chữa bệnh về gan và phổi.
    Rau sam: Portulaca oleraceae L., chứa vitamin A, B, C, PP, glucosid, saponin, glucid, caroten, sắt, canxi. Rau sam có tác dụng kháng sinh, ức chế trực trùng E.coli, lỵ và thương hàn.
    Rau khoai lang: Ipomea batatas L., có tác dụng nhuận tràng do chứa nhiều chất tẩy. Trong ngọn non dây khoai lang đỏ có một chất gần giống insulin, có khả năng điều trị bệnh đái tháo đường.
    Lá bát bát trâu: Tricosanthes cucumerina L., có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.
    Chỉ cần 5-7 loại rau nói trên là đã đủ để có món canh; có thể kết hợp với nấm tràm, quả mướp ngọt... để làm tăng hương vị và tính bổ dưỡng.
    Rau sống
    Bạc hà: Mentha arvensis L., trị cảm sốt, ăn uống khó tiêu, ho, viêm nhiễm đường hô hấp trên, sát trùng da và niêm mạc.
    Tía tô: Perilla frrutescens L. Breit, phòng chống cảm cúm, ăn uống khó tiêu, ngộ độc thức ăn, chữa ho, nôn mửa do ăn phải thức ăn mát lạnh.
    Diếp cá: Houttuynia cordata Thunb, giải nhiệt, hạ sốt, trị lòi dom, đỏ mắt, viêm họng, khử mùi tanh.
    Rau cải: Brassica juncea L., tiêu đàm, trị ho, chữa đầy bụng.
    Rau mùi (ngò): Corian drum sativum L., vị cay, tính ôn, có tác dụng kích thích tiêu hóa, long đàm, tăng tiết sữa.
    Chuối chát (chuối sứ, chuối hột): Musa brrachycarpa Back., kích thích tiêu hóa, trị bệnh đường ruột, phòng chống tiêu chảy.
    Vả: Ficus roxburghii, Wall, kích thích tiêu hóa, phòng chống tiêu chảy.
    Rau quế (húng quế): Ocimum basilicum L, chữa cảm sốt, giúp ra mồ hôi, ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau răng, thông tiểu tiện.
    Khế: Averrhoa carambola L, vị chua và ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm tiết nước bọt, trừ phong thấp, giảm đau, hạ sốt.
    Rau răm: Polygonum odoratum Lour, kích thích tiêu hóa, chữa no hơi, đầy bụng, lợi tiểu, chống nôn.
    Các món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ
    Theo tập quán, người Huế thường làm thịt vịt, chè kê, bánh ú tro... trong dịp Tết Đoan Ngọ. Đây cũng là những món ăn rất có ý nghĩa về phương diện y dược học.
    Thật vậy, theo triết lý y học Đông phương, trong ngày Tết Đoan Ngọ, hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người đều lên đến tột bực. Muốn cân bằng âm dương để phòng tránh bệnh tật thì nên ăn thịt vịt vì vịt thuộc âm, tính mát. (theo lý luận âm dương thì thân mình vịt thấp lè tè, đi lại chậm chạp, sống dưới bùn nước nhiều hơn trên cạn nên thịt vịt có tác dụng bổ âm rất tốt).
    Tháng 5 âm lịch là tháng Ngọ, thuộc hỏa, phương nam nên nằm vào quẻ Ly: ?oNgoại thiệt trung không? (ngoài tuy rất nóng mà trong lại lạnh). Vì thế, khi làm món thịt vịt, phải xát kỹ với rượu gừng và ăn với nước chấm gừng để giúp chống lại cái lạnh bên trong cơ thể.
    Món chè kê giúp bổ tỳ dương, góp phần bồi bổ cho những người tỳ vị hư hàn hoặc mạng môn hỏa suy kiệt do dùng nhiều món ăn, thức uống mát lạnh trong mùa viêm nhiệt. Theo lý luận của y học phương Đông, hạt kê nhỏ nên chứa nhiều năng lượng hơn các loại ngũ cốc khác, có tác dụng mạnh với tỳ vị.
    Bánh ú tro làm bằng gạo nếp, có nhiều glucid và lipid hơn gạo tẻ. Khi chế biến, bánh lại được ngâm trong nước tro bếp nên làm gia tăng lượng kali, vừa có tác dụng lợi tiểu vừa góp phần làm mạnh cơ tim Theo thuyết âm dương ngũ hành, tim thuộc hỏa nên dễ bị ảnh hưởng của khí hậu nóng nực và suy yếu. Vì vậy, dùng bánh ú tro trong dịp Tết Đoan Ngọ là rất phù hợp.
    Các nguyên liệu trong những món ăn kể trên được kết hợp rất khéo. Chỉ qua món rau sống, chuối chát ăn với thịt lợn luộc, ta cũng nhận thấy đầy đủ ngũ vị: cay (bạc hà), chua (khế), đắng (chuối chát), mặn (nước mắm), ngọt (vả). Các món chè cũng đầy đủ ngũ sắc: đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, kê (vàng), đậu ván (trắng). Do đó, chúng đều có đủ điều kiện để đi vào lục phủ, ngũ tạng.
    BS Đoàn Văn Quýnh, Sức Khoẻ & Đời Sống
  8. ptl285aden

    ptl285aden Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/11/2010
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    Quán ăn Huế ở giữa lòng Thủ Đô.

    Ở Hà Nội có nhiều quán ăn phục vụ món Huế nhưng quán Ăn Vỹ Dạ Xưa ở 45 Đông Các, (đầu Nguyễn Lương Bằng rẽ phải) là một trong những quán hiếm hoi giữ được hương vị Huế gốc, các món ăn ở đây đều do người Huế chế biến, gia vị mang từ Huế ra nên rất đậm đà. Ở đây có bún bò, bánh canh, các loại bánh cuốn, bánh bèo, bánh lọc và một số loại chè rất ngon mà giá cũng mềm, mọi người sang nếm thử.

Chia sẻ trang này