1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Quảng Bình - Phong Nha - tháng 4/2005

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi KienGiangriver, 24/05/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Quảng Bình - Phong Nha - tháng 4/2005

    Quảng Bình - Phong Nha

    Đặng Vân Phúc

    Quảng Bình 01/04/05


    ?oQuảng bình quê ta ơi!

    ... Khoai khoai toàn khoai...

    Nay đổi thay rồi,

    ... Bia bia toàn bia...?




    Sau chuyến đi dài, đến ga Đồng Hới nghe đứa bé bán hàng hát làm chúng tôi cũng phải để ý đến cảnh quan xung quanh của miền đất này, miền đất nổi tiếng với mái chèo mẹ Suốt với những chuyến đò đưa quân sang đêm ngày. Cây cầu mới thông xe bắc ngang qua sông Nhật Lệ như một cánh cung bắn phát tên thúc đẩy tiềm năng kinh tế và du lịch của mình. Bên kia cầu là bãi biển đang hối hả các dự án du lịch. Từng khu nhà hiện đại đẹp đẽ mọc lên, những công trình những dự án cùng công nghệ cao được đem đến như muốn xoá đi dấu vết bom đạn một thời vẫn còn đây nền nhà thờ đổ chỉ còn lại cái tháp chuông giữa trời mà chúng tôi vừa đi qua...

    Từ tối hôm trước, tôi và cậu cử nhân khoa Địa mạo ?" Liêm - liên lạc với nhau qua điện thoại cùng gặp nhau trước cửa ga Hà Nội. Thời tiểt không lạnh lằm, tuy sau tai nạn thảm khốc của đoàn tầu E2, dường như đi lại bằng tàu hoả vẫn là lựa chọn tốt của số đông. Tôi không mua được thậm chí là vé ngồi mềm, nên đành chịu ngồi trên ghế cứng đến khi có một nhân viên nhà xe đến bán chỗ nằm. Hai đứa được nằm trong một khoang chất hẹp đủ để nằm úp thìa và có thể ngủ ngon.

    Do kết hợp gió mùa đông bắc và áp thấp còn lại của cơn bão sớm, cơn bão Số 1 nên trời Đồng Hới vẫn mưa mù lúc gần 7h khi chúng tôi đến. Thuê xe ôm đưa về khách sạn Lương thực, nơi đoàn thường trú, chúng tôi không liên lạc được với nhóm đi trước nên đành phải ở lại đây. Đồng Hới đã là thành phố nên cũng có các quán cafe, trà như những thành phố khác, có điều tìm các quán ăn sáng hơi mệt, chúng tôi vào một quán phở. Quả thực có đi như thế này mới thấy giá trị của phở Hà Nội, ở đây tôi đoán chắc nước dùng chỉ là nước sôi có ít mỡ, mỳ chính...

    Đoàn thám hiểm Hang động Hoàng gia Anh phối hợp với trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội sang thám hiểm các hang động tại Việt nam từ trên 15 năm nay. Cứ khoảng 2 năm một lần vào mùa khô họ tổ chức một đoàn từ 10 đến 15 người sang. Trong thời gian làm việc khoảng 6-8 tuần, trường bố trí 2 người đi cùng giúp họ. Tôi tham gia hoạt động này lần thứ hai, lần trước là năm 2003.

    Công việc của họ tưởng chừng không phức tạp, nhưng thực tế khá công phu. Họ cần có giấy phép của Chính phủ, rồi công văn xin phép phối hợp với Tỉnh nhà. Từ những giấy tờ này chúng tôi tiếp tục làm việc với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, UBND và các sở liên quan để xin các loại giấy phép đến các huyện, xã vùng có hang động. Những thành viên trong đoàn cần phải có sức khoẻ và kinh nghiệm đi rừng, vì thường ngày phải đi ít nhất 7 tiếng xuyên rừng rậm, vượt núi có nhiều sên, vắt. Phải mang các thiết bị khảo sát, lương thực tối thiểu, các đồ dùng cá nhân để ngủ lại trong rừng hoặc trong hang.

    Những kết quả đem lại của các chuyến đi cũng đáng tự hào, các số liệu khảo sát góp phần để được UNESCO công nhận vùng Phong Nha Kẻ Bàng này. Huyện Sơn Trạch, nơi có động Phong Nha mà nhiều khách du lịch biết đến. Trước đây người dân chủ yếu sống bằng khai thác rừng, săn thú, chặt gỗ, lấy mây. Nhà cửa nghèo lắm, nhưng từ khi phát triển du lịch, các ngôi nhà bằng gỗ lụp xụp được thay thế dần bằng những ngôi nhà hiện đại khang trang ?" anh Hà, Giám đốc khu du lịch Phong Nha, người găn bó với Phong Nha hơn 10 năm nói - hiện tại trên sông Son có trên 300 thuyền máy đưa khách du lịch giải quyết được trên 1000 lao động, ngoài ra còn khoảng 1000 lao động khác cho các loại hình dich vụ trên bến. Nếu so với trước đây, một gia đình có thanh niên khoẻ mạnh đi vào rừng lấy gỗ được đi khai thác gỗ quý trong rừng 45 ngày sẽ có thể kiếm được số tiền khoảng 5-7 triệu đồng và phải nuôi sống những người ở nhà, đồng thời bao rủi ro, rừng cạn kiệt ?" anh Lưu, một thợ săn kỳ cựu nói ?" thì quả là một thay đổi lớn lao.

    Nằm chờ ở khách sạn tại Đồng Hới gần 2 ngày, tôi nhận được điện thoại của đoàn từ trong rừng ra, Hiệu, phó bộ môn của khoa cùng với 3 xe chở đoàn đi qua và đón hai đứa chúng tôi. Những người trong đoàn hầu hết biết tôi vào nên rất vui khi gặp mặt. Wattson, một nông dân chính hiệu, to béo luôn luôn nói chuyện ồn ào. Không hiểu khi chui hang thi anh ta có bị mắc kẹt ở lỗ nào không!? Đón tiếp tôi bằng cái bắt tay kiểu đọ tay xem ai thắng. Chris, Chuyên gia Vật lý, người gầy nhẳng chưa được 60kg vui tính. Andy it tuổi, mới có 21, một cậu bé chắc là ở nhà rất khó bảo. Martin, tóc bạch kim, người kín đáo trầm lặng... trong các lái xe lần trước chỉ còn chú Nhiều, biệt danh Su-ma-khơ đi tiếp đợt này. Sau khi chiêu đãi một chầu kem, tôi chính thức tiếp nhận đoàn và lên xe tiến về Sơn Trạch Phong Nha. Liêm còn ở lại lấy nốt một số giấy tờ trên tỉnh. Hiệu và Vân về Hà Nội.

    Tới Phong Nha, việc đầu tiên là chúng tôi đặt phòng khách sạn. Hai vợ chồng Howard đã về đó, nhóm của họ đến đây từ hôm trước. Gặp tôi họ rất mừng, hai vợ chồng vì đam mê hang động đã dành thời gian gần 15 năm nay sang Việt nam, ông bà quyết đinh không có con và bây giờ muốn có không kịp nữa, ho đã trên 50 tuổi! Chào hỏi xong, chúng tôi lấy đủ 8 phòng cho 16 người (kể cả 4 lái xe). Nhìn những bộ đồ, thiết bị đi hang làm tôi cũng phấn chấn lên hẳn sau 2 ngày trên tàu và nằm chờ ở Đồng Hới. Đồ đạc thiết bị của họ khá nhẹ nhàng đơn giản, quần áo cao su để bơi lội trong hang nhiều chiếc đã cũ và rách bươm nhưng nó lại đặc biệt hữu dụng cho các nhà thám hiểm.

    Chiều tối hôm đầu tiên, tôi cùng vợ chồng Howard đi làm việc với Giám đốc vườn Quốc gia Kẻ Bàng, gặp giám đốc khu du lịch Phong Nha để lấy thông tin về các hang động mà họ chưa đi và xin giấy phép đến các khu vực đó. Nói là vườn nhưng thực tế nó rất rộng, chiều dài trên 100 km nằm trong nhiều huyện, nhiều xã khác nhau nên các giấy phép xin vào đó cũng khá rắc rối. Xong việc chúng tôi về nhà hàng ăn cơm và gặp gỡ tất cả mọi người. 10 người nước ngoài, 2 người Việt và 4 lái xe Uóat. Người dân ở đây gần như đã quen biết đoàn chúng tôi qua nhiều năm làm việc.

    Ngày tiếp theo với 3 nhóm đi 3 nơi, chúng tôi không thu được kết quả gì đành quay lại Sơn Trạch để thu thập thông tin vì từ năm 1991 đến nay, với hệ thông sông Son, sông Chầy hình thành từ các dòng suối nhỏ trên các núi của dãy Trường Sơn, bên Lào cùng chảy về biển. Trên đường đi với địa mạo karst cùng hệ thống núi đá vôi, đã tạo ra rất nhiều hệ thống hang động với nhiều kiểu dáng, kích thước trên đường đi của nước. Dựa trên bản đồ và các dòng nước chính, đoàn thám hiểm đã đi qua rất nhiều hang nổi tiếng ở đây như hệ thống hang thuộc sông Chầy: Hang Rục Caroong, hang Én, hang Đại cáo, hang Vòm... hai vợ chồng Howard đã có lần dành 7 ngày đo trong hang được trên 18 km. Họ nói hệ thống hang này như kinh nghiệm đã từng khảo sát trên nhiều nước thì nó là đẹp nhất và hoành tráng nhất mà họ từng biết. Hang Phong Nha chỉ là một phần rất nhỏ. Theo nghiên cứu của họ, chắc chắn còn nhiều hang lớn nữa trong khu vực vì cả vùng tây bắc Sơn Trạch là rừng già với nhiều suối khe nhưng chưa có thông tin gì về hang động. Chúng tôi mất thời gian vì không hỏi được đúng người. Để biết thông tin về hang, người tốt nhất để hỏi là dân địa phương, nhưng không phải ai cũng biết. Nhiều tin, có hang đấy. To không? Rất to. Rộng không? Rất rộng, có nước không? Có... Thực tế, chẳng có gì cả!

    12h trưa, chúng tôi quyết định quay về khi cả 4 xe chạy lòng vòng gần 80 km trên đường 20 và đường mòn Hồ Chí Minh nhánh tây. Đến Văn phòng Vườn Quốc gia, đợi đến 2h gặp được anh Chính phó giám đốc, may mắn, anh tìm được người chụp ảnh hang Nước Lặn tại vùng Khe Dứa và sau đó giúp chúng tôi tổ chức chuyến đi cho ngày hôm sau. Sau khi gặp chủ tịch xã và tìm được người, anh Phong, một thợ săn sẽ dẫn đường một nhóm đi hang Nước Lặn, đi xe 20 km, rồi đi bộ vào rừng sâu 7 tiếng. Liêm, Wattson, và 2 người đi nhóm này với 4 người gùi hàng đi 3 ngày. Mình cùng anh Chiêm người địa phương, 2 người gùi đồ, Howard, cùng 2 người nữa đi đường 20 lên bản Rục 3 ngày. Deb cùng 3 người và 4 người gùi hàng đi Giàng hai, đi xe 25 km và lội rừng 3 tiếng.

    Chiều tối về mọi người ăn uống và chuẩn bị cho chuyến đi rất hào hứng vì sau mấy ngày vất vả không kết quả gì. Tôi đi mua thêm một ít Yomost, nước khoáng và lương khô rồi về sắp xếp đồ mang đi ngày mai, một ngày đầy thách thức.

    Rục Cà Roòng

    Sáng sớm sau khi chia tay hai nhóm Liêm và bà Deb, chúng tôi lấy 2 xe Uóat lên đường đi bản Rục. Trời mưa phùn hơi lạnh hứa hẹn trong rừng sẽ nhiều vắt. Đường 20, con đường lịch sử được gắn tên bằng lứa tuổi của những thanh niên làm lên nó. (?o...Thêm bao nhiêu con đường lứa tuối hai mươi...? lời một bài hát.). Con đường rải đá hộc thời chiến tranh, năm 1994 Howard đã lên đây, thời gian đi mất khoảng 8 tiếng nhưng giờ đã cải thiện hơn đi chỉ mất có 2,5 tiếng cho quãng đường 24 km!

    (còn tiếp)
  2. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Đường xóc kinh người, đá hộc to tròn trơn nhẵn nhìn cứ như cái máy in HP giữa đường làm cho cái xe Uoat đã thêm cầu số 2 phải trượt sang ngang, dọc như trẻ con đang chơi vậy. Cây cối ven rừng cũng bắt đầu rậm rạp thực sự là rừng già. Đi được nửa tiếng, bên đường có một miếu thờ khá to đang xây dựng, anh Chiêm người đi cùng kể, ở đây có một hang động nhỏ, ngày trước thời chiến tranh, bom Mỹ thả trúng cửa hang, trong đó có 8 thanh niên xung phong trú ngụ bị lấp, bên ngoài 5 chiến sĩ pháo binh bị hy sinh... 7 người trong hang đều trên dưới 20 tuổi, người Thanh hoá, một người trên 30 phơi phới tuổi thanh xuân. Hang không sâu nên họ không chạy vào trong được, mà cửa hang bị lấp bằng khối đã hàng trăm mét khối. Đồng đội bất lực, không sao cứu họ được, vì nổ mìn phá đá sẽ giết luôn người trong hang. Tiếng khóc, tiếng kêu trong hang hàng ngày và yếu dần hơn 1 tuần rồi cả 8 người hy sinh! Đến năm 1996 họ mới được đưa ra khỏi hang, và bây giờ miếu thờ họ đang được xây dựng.
    Qua một khúc quanh, chúng tôi phải tránh 2 xe tải rất lớn ngược chiều, trên xe là sắt vụn họ vừa thu mua về. Vì phải xuống xe nên tôi lại gần và phát hiện, sắt vụn mà họ nói hoá ra toàn là vỏ bom và đạn! Vỏ những quả bom bi mẹ mà tôi đã biết trước kia hay làm kẻng cho các cơ quan. Các quả bom bi con mà các ông sửa xe lấy bi chữa xe đạp. Sau gần 40 năm được thả, và sau hơn 10 năm nhặt nhạnh mà vẫn còn nhiều như vậy. Và trước hôm chúng tôi vào một hôm, một qua bom bi vẫn làm tròn chức năng của nó, sát hại một thanh niên nhặt sắt vụn kiếm tiền, xác anh ta được bạn đem vượt rừng mất 1 ngày. Quanh quẩn bên xe bom đạn tôi xin được mấy vỏ bom bi con, nó trong như một cốc uống rượu Jony Walker mà công ty mua làm quà Tết vừa qua, với ý định kiếm đủ 6 quả làm bộ đồ uống trà khi quay về và nếu có thể mời trà người Mỹ bằng những chiếc cốc này! Lúc lên xe tôi mới để ý, dưới đường vị trí mọi người đứng, nhung nhúc vắt đang hối hả tiến đến, hú vía!
    12h trưa đến trạm kiểm lâm cuối cùng, trình giấy tờ xong, chúng tôi rẽ sang con đường bê tông sau gần 3 giờ đồng hồ trên đường đá. Giữa rừng già, một ngôi làng với 44 nhà sàn mái đỏ hiện ra, cổng làng có một biển đá ghi UBND Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng làng AREM... nhìn ngôi làng cũng không có ấn tượng lắm vì chẳng thể nói lên điều gì khi tôi đã từng đi nhiều miền, nhiều làng xã trên đất nước. Đây là 44 ngôi nhà sàn, cột bằng bê tông, mái bằng tôn màu đỏ như một số nơi di dân xây dựng thuỷ điện, chẳng hiểu ai thiết kế ra cái mãu nhà như vậy mà vẫn được sử dụng? Đất mới khai hoang gặp mưa phùn dính bê bết trước cửa uỷ ban xã.
    Khi chúng tôi đến, uỷ ban khá đông người. Đón chúng tôi là Bí thư Bình, người dưới xuôi bổ xung cho bản, anh Sơn, phụ trách về quân sự vì bản này là vùng biên giới. Chủ tịch xã là người bản, Chủ tịch MTTQ là anh Rầu, người nhiều tuổi nhất bản là người Arem. Trong đám đông còn có Ct phụ nữ, hội Nông dân, ... Hoá ra hôm nay mọi người đang họp giải ngân tiền hỗ trợ của UBND tp. Hồ Chí Minh cho bản, sau cuộc họp có liên hoan bằng rượu uống với thịt lợn. Howard, Martin và Chris không dám ăn khi người ta tiếp cho họ lòng lợn! Rượu là loại rượu ngô khét chua, nhưng uống cũng được, hơn nữa trước khi làm việc cũng cần ngoại giao nên chúng tôi vẫn uống tì tì vô tư. Nhìn những khuôn mặt ngây ngô phấn khởi của người dân tộc, (một số cô gái trông xinh phết) không thể hình dung được cuộc sống nguyên thuỷ của họ. Sau khi làm việc xong với mấy ngài quan chức, trình giấy tờ (Quân sự, Biên phòng, Công an, và Uỷ ban riêng rẽ) chúng tôi được giao cho cả hội trường để làm nơi nghỉ tối. Trời mưa không to nhưng nhiệt độ giảm nhanh chóng, chắc phải dưới 10 độ C. Hai anh lái xe mượn được thêm 2 cái chăn, tôi được một bộ túi ngủ như bao tải bắt lợn thời bao cấp nên không dám chui vào mà chạy sang phòng Bí thư chiếm một giường khách. Bí thư Bình tỏ ra hiếu khách đồng thời khoe với tôi hệ thồng điện thoại vệ tinh của xã, và cho phép tôi làm một cú về Hà Nội cho bạn. Quả thật, giữa rừng già heo hút này mà vẫn gọi được điện thoại quả là văn minh! (Mỗi tháng 24 triệu thuê bao!!!) Bữa ăn tối của chúng tôi là các gói hỗn hợp thịt, đậu, xúc xích như món cháo thập cẩm và món chè khoai với Socola được luộc lên bằng bếp hơi xăng. Đồ ăn đơn giản nhưng nó đủ năng lượng cho chúng tôi cả ngày leo núi
    ''''Người rừng'''' về với cộng đồng
    Một thập niên đã trôi qua, kể từ khi các chiến sĩ đồn biên phòng 593 (Cà Roòng- Quảng Bình) phát hiện 98 đồng bào Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đang cư ngụ trong hang núi và đưa họ về định canh, định cư ở km 39 đường 20 Quyết Thắng. Lúc vừa rời khỏi hang núi, đồng bào chỉ như những cái xác không hồn. Tộc người Arem là một trong những nhóm dân tộc chậm phát triển nhất nước. Khi được các chiến sĩ biên phòng đưa ra khỏi hang núi, đồng bào Arem không có cơm ăn, áo mặc, mọi thông tin với xã hội đều bị cắt đứt. Họ bị xem như những ''''người rừng'''', những người rừng thật sự vì vẻ ''''ngơ ngác'''' với đời sống bên ngoài. http://www.vnn.vn/xahoi/2003/8/23522/

    Buổi tối, nói chuyện với anh Rầu, một già làng, một người ít nói nhỏ nhắn có vẻ trầm tư luôn suy ngẫm sự đời đã qua. Qua nói chuyện, anh biết khá nhiều về vùng đất mà dân tộc anh từng du cư qua, vùng đất mà bản thân anh cũng từng tham gia xây dựng, giúp đỡ các đơn vị thanh niên, bộ đội trong suốt kháng chiến chống Mỹ. Nhiều thông tin về hang động mà trên bản đồ và thiết bị GPS xác định có nhưng không ai dẫn đường đến được anh biết khá rõ. Lúc đi ngủ nói chuyện với anh Bình Bí thư mới biết thêm về bản Arem này. Người Arem là một tộc người hiện sống trong vùng Rục này, họ sống du canh du cư từ đèo Hải vân ra các tỉnh phía bắc miền trung. Cuộc sống của họ như người nguyên thuỷ, sống trong hang đá, làm nhà lá cây, bắt ốc, săn bắn, hái lượm như loài người đã làm hàng ngàn năm trước. Số lượng người Arem còn rất ít, chưa đến 50 người, các gia đình sống rải rác xa nhau hàng chục cây số. Họ không có chữ viết nhưng có ngôn ngữ riêng mà như mọi người nói là gần giống tiêng Pháp! Họ có thể nói được tiếng Việt, tiếng Lào, tiêng Bru Vân kiều, tiếng Sàn, Măng coong, Chứt. Không hiểu bằng cách nào mà họ có thể truyền khẩu cho nhau được các ngôn ngữ như vậy?
    Hiện tại trong làng có 44 ngôi nhà với 198 nhân khẩu gồm các dân tộc Arem, Bru Vân kiều, Chứt, Mã riềng, Măng coong và Sàn, có trường học, có trạm y tế, có Uỷ ban (thuộc xã Tân trạch huyện Bố trạch). Người Arem ít nhất và chỉ còn ở đây, họ được vận động rời hang trong núi dọc sông Chầy, rời cuộc sống nguyên thuỷ để về ở làng có nhà sàn cột bê tông mái tôn đỏ mà UBND tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí (840 triệu) và 7 tỷ của tỉnh Quảng bình xây nên. Bố của anh chủ tịch hiện nay là người rời hang cuối cùng về bản, sống trong nhà mới được 3 tháng thì chết. Cuộc vận động của tỉnh khá vất vả và công phu. Tôi hỏi anh Chặp, 27 tuổi mới cưới vợ, là hội trưởng Nông dân tập thể, người đã được ra Hà Nội, thăm một số làng dân tộc trên Kim bôi Hoà bình, không những có đi học mà còn biết ít tiếng Anh, về cuộc sống trong làng mới, anh nói: Tuy có nhà mới nhưng hầu hết mọi người không quen và không thích, sống trong hang thích hơn, với thiên nhiên, mọi sinh hoạt dựa vào thiên nhiên!
    Người Arem sống rất đoàn kết, hiếm khi ai nhìn thấy họ cãi nhau trong gia đình. Không có chuyện ăn cắp, ăn trộm. Trong gia tộc, người Cậu là có vị trí cao hơn cả cha mẹ. Nếu có chuyện xảy ra, vợ bỏ về nhà cha mẹ, người chồng phải mang lễ đến xin chuộc vợ ở nhà ông cậu thay vì đến nhà bố mẹ đẻ. Vợ con là tài sản và có khả năng thừa kế. Nếu anh em trai mà chết, người sống sẽ thừa kế vợ. (Anh Rầu, chủ tịch mặt trận Tổ quốc cũng thừa kế một vợ thứ hai của người em và 3 đứa con ?" anh có 7 đứa tất cả! Đáng khuyến khích để khỏi tuyệt chủng mà!) Có một cậu còn trẻ mới hơn 20 có vợ, tôi chỉ một người đàn bà trên 40 nhem nhuổc hỏi, ?oCụ nhà anh hả?? ?oKhông phải đâu, vợ mình đó!!!? Đó là người vợ anh ta được thừa kế! Đàn ông họ cũng rất hay đánh bạc (theo cách của họ với vài cành cây) họ chơi vài ba người ngoài suối rồi tồi về dắt trâu bò ra đi, vợ con không phàn nàn gì cả! Nhiều người đi uống rượu say vài ba ngày về, vợ chăm sóc không hề phàn nàn. (Giá như người tộc nào cũng thế nhỉ?)
    Trong làng mà có người sắp chết cũng dễ nhận biết, vì khi đó họ sẽ đi tìm thân cây to để chuẩn bị. Người chết được để trong nhà 3 ngày, họ không thờ cúng riêng, mà cúng ma chung. Sau đó, người chết được đưa vào núi, thầy mo sẽ tìm nơi thích hợp, có thể trên thân cây, trong hốc đá, hoặc đào huyệt... họ để xác đó và quay về không bao giờ tới nơi đó nữa! (Là nhỉ? Cái xác có thể còn bị thú ăn nếu treo trên cây!)
    Trai gái đến tuổi trưởng thành thích nhau là ngủ với nhau, nếu có con thì sẽ làm đám cưới. Con trai phải chuẩn bị lễ vật đến nhà ông cậu, nêu không có sẽ cho nợ đến bao giờ cũng được, trả dần khi nào có. Tuy vậy nhưng có vẻ phụ nữ có vai trò khá cao trong tộc người này, gần như là mẫu hệ! Nếu làm dâu, cô gái sẽ mang họ chồng, nhưng nếu ở rể, con trai sẽ mất họ!
    Cuộc sống của họ nếu chỉ nghe kể cũng khó mà cảm nhận được. Chỉ đến ngày hôm sau, khi chúng tôi đi đến một hang đá cheo leo trên vách núi. Tại cửa hang có hơn chục người ở đó, họ làm những cái lán nhỏ bằng lá cây trông tồi tàn. Tôi nhìn và đoán có khoảng 4 gia đình ở đây vì có 4 bếp lửa riêng, có 4 cái có thể gọi là giường riêng. Có mấy đứa trẻ con tò mò nhìn người lạ, có hai bà mẹ trẻ với đứa con trong miếng vải quấn treo trên lưng. Quả thực khi đi chùa Hương, Hang người xưa ở rừng Cúc phương. Người ta giới thiệu người xưa thường ăn ốc và đó là lý do ta có thể thấy hàng tấn vỏ ốc ở miệng hang. (Chắc cũng giống như ta đi ăn ốc ở các quán đường Liễu Giai, nếu họ không đổ thì chẳng khác gì đâu!) Hang chúng tôi đến cũng vậy, có hàng tấn vỏ ốc để có thể nói người nguyên thuỷ họ ở đây. (Nhưng là người nguyên thuỷ thế kỷ 21.) Lý do tôi vẫn gặp người sống trong hang là vì, họ không thích sống trong nhà mới, họ lấy lý do đi canh nương rẫy nên lôi cả nhà lớn bé vào hang ở.
    Quả thật, chắc chỉ đến khi thành triệu phú, không còn phải kiếm tiền tôi mới mong có được cuộc sống thư thả như họ. Đói luộc sắn, ngô ăn, xuống suối bắt ốc về ăn. Tăm trong suối đầu nguồn trong veo mát lạnh. (Có thể nhìn mọi thứ vi khi tắm họ chẳng e ngại gì cả.) Chúng tôi đi hang về cũng từng xuống suối tắm như họ. Quảng bình đang cố gắng thay đổi thói quen của họ, thay đổi cách sống, không làm nương rẫy, săn bắt, phá rừng. Vì họ nằm chính trong rừng quốc gia nên tỉnh trả gạo cho họ công cai quản hàng ngàn hecta rừng! (Cũng ít ỏi lắm!) Họ có khă năng làm thủ công, đan lát... nhưng xa trung tâm quá (2,5 giờ ô tô) nên ai bán sản phẩm cho họ được? Không có bài toán đúng cho cuộc sống của họ, tộc người này hoặc sẽ tuyệt chủng nhanh chóng nhờ người xuôi tác động, hoặc họ phải trở lại rừng già và du canh du cư...
    (còn tiếp)
  3. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Hang Rục
    Rừng quốc gia Kẻ Bàng rộng lắm, địa hình khá phức tạp nên có nhiều hệ thống hang động rất đẹp, đẹp nhất thế giới. Đoàn khảo sát đã có gần 15 năm khảo sát thực địa ở đây nên hầu hết các hang lớn nhỏ họ đều đã từng đi qua đo đạc rất tỉ mỉ. Hệ thống sông suối trên bản đồ và qua thông tin của dân cho phép suy đoán vị trí các hang có thể có. Có nhiều loại hang, hang khô là hang không có suối chảy, hoặc chỉ có nước mùa mưa. Hang gió, hang trên cao, nó thường là hang ngắn vài trăm mét đến 2 km. Những hang này do địa chất thay đổi làm nó bị đùn lên cao, nhiều hang nhũ đá và các khối đá lấp kín bên trong không đi sâu được. Hang nước là hứa hẹn nhiều thú vị nhất, vì chính dòng chảy cho phép mình theo đó đi được xa, cũng chính theo nước nghĩa là hang có thể không tắc. Có hang đi sâu vào được đến 18 km. Do đó, những thông tin mà đoàn cần hỏi là các hang có sâu không? Có nước không? Có gió không? Cửa hang nằm trên cao hay dưới thung lũng? Các câu trả lời giúp cho việc chuẩn bị rất nhiều vì quãng đường đi rất xa, thường vài giờ leo núi vượt rừng đến vài ngày nên các thiết bị, lương thực phải lường trước tương ứng.
    Mất mấy ngày xin giấy phép, chúng tôi đến bản Rục Cà Roòng. Anh Rầu cho chúng tôi thông tin dọc sông Chầy có các hang: Rục, Én, Đại Cáo, Hổ, Vòm. Xem trên bản đồ thì những hang đó đã khảo sát năm 1994. Nên anh cho biết thêm các hang khác như Klung, Klinh là các hang khô, hang À Cu, và một hang nữa cạnh hang Én là hang có nước. Từ bản Rục, chúng tôi xuất phát 8h sáng, tôi được phát một bộ đồ gồm mũ cứng có đèn như thợ mỏ, một bộ quần áo cao su, một túi đựng giống như túi ruột tượng đựng gạo loại bự ngày xưa, túi rất bền có thể va đập, mài mòn trong hang. Tôi đem thêm ít đồ cá nhân, máy ảnh, đồ uống. Hai người gùi hàng thuê từ Sơn Trạch mang các thiết bị khảo sát và đồ ăn cho cả đoàn. Đường đi không khó vì có đường mòn của dân nhưng lên đèo xuống dốc rất mệt. Khoảng nửa tiếng, chúng tôi đi qua làng cũ, làng vẫn còn nhiều nhà sàn tạm bợ, tồi tàn xiêu vẹo mà họ từng ở đây trước khi về làng mới. Đi được gần hai giờ, chúng tôi qua một hang có người ?onguyên thuỷ? ở, nghỉ ngơi một lát, anh Rầu giới thiệu vợ hai, em và chị gái với chúng tôi. Leo lên khoảng 300 mét cửa hang Klinh hiện ra, nó không đến nỗi bé như chúng tôi tưởng. Nhưng miệng hang trên cao nên sẽ không có khả năng đi sâu. Đến cửa hang, chúng tôi lấy đồ đạc ra, Howard, tôi và 2 người nữa đi vào hang, anh Chiêm, Rầu, và 2 người gùi đồ ở ngoài. Hang khá rộng, gió thổi ra mát lạnh. (Trong hang ấm hơn bên ngoài, dù thời tiết đang khá lạnh.) Hang không có nước nhưng độ ẩm cao nên nhiều nhũ đá rất đẹp. Chiều cao khoảng 80 mét, rộng khoảng 150 mét. Các cột nhũ tuyệt vời, theo Howard, cứ 10cm nhũ đá mà ta nhìn thấy thì nó được hình thành trong khoảng gần 1000 năm! Nghĩa là cột nhũ đá cao lên gần nóc hang được hình thành sau hàng triệu năm! Vào sâu hang nhiều bùn nhưng hang rộng nên cũng dễ đi. Vừa đi vừa đo đạc được khoảng gần 1km thì bị vòng lại. Hang cụt không đi tiếp được. Việc đo đạc khá đơn giản, dùng thước dây đo dài, rộng. Có thước góc đo hướng theo chiều ngang và chiều dọc, một người ghi chép và vẽ sơ đồ lòng hang. Chúng tôi quay ra và tiến hành chụp ảnh, việc chụp ảnh cũng đòi hỏi thiết bị đặc biệt. Đèn đi hang của chúng tôi chạy pin (trước kia dùng đèn đất đèn ?" Axetilen) 3 cục pinn AAA chạy được 140 giờ liên tục, đèn rất sáng nhưng không đủ để chụp ảnh. Họ phải dùng đèn đặc biệt giống như bóng đèn đỏ của mình, đèn này Howard nói, dùng để chụp ảnh xa lộ khi có tai nạn đêm. Mỗi lần chụp cần hai hay 3 người cầm đèn bật sáng flash, mỗi bóng chỉ dùng được 1 lần (giá là 8USD/bóng.) để có được 1 bức ảnh mà khách du lịch thấy khi đến Phong Nha, ít nhất chi phí cũng gần 50 USD. (Tôi tranh thủ lấy máy ảnh của mình chụp ké nhưng kết quả không tôt!). Trong hang có khá nhiều vết chân thú như chân chó, sau này anh Rầu nói, đó là nhím, nhiều lắm, họ phải đặt bẫy mới bắt được. Quay ra một ngách hang gió rất to và sâu xuống dưới 20 mét, chúng tôi phải dùng dây thừng để xuống. Phía dưới có tiếng nước chảy, sau một vòng kiểm tra, Howard phát hiện nó thông với hang Rục! Như vậy Kling là một nhánh hang trên dòng sông Chầy cùng hệ thồng hang Rục Cà Roòng nhưng qua biến đổi địa chất triệu năm trước nó bị đẩy lên trên cao và dòng chảy tạo thêm các hang khác thấp hơn, có nước chảy. Một người ra lấy giây thừng rồi chúng tôi thả xuống hang Rục. Hang có nước và có hai cửa hang thông nhau cách nhau khoảng 500 mét. Hang rất rộng, ẩm ướt và có dơi nên nặng mùi. Cửa hang rộng, có nước chảy nên nhìn rất đẹp, dòng suối chảy ra rừng già, tiếng chim kêu tạo thành một hợp âm thanh bình. Theo anh Chặp thì mùa mưa nước rất lớn có thể lên chạm trần hang (cao trên 100 mét ?" nhà 30 tầng). Các khối đá, các cảnh quan sẽ bị biến đổi hằng năm bởi nước lũ.
    Ra khỏi hang Kling, ngoài hang đám anh Chiêm, Rầu đang luộc sắn ăn. Thời gian 3 tiếng chúng tôi trong hang, anh Rầu cùng mấy người đi kiếm được một bao tải to phong lan, nhiều loại nhưng hoa Nghinh xuân là đẹp nhất, nở vào mùa xuân. Hoa rất bền, phải được vài ba tháng. Vùng này cũng có nhiều khỉ, vượn, voọc. Quanh cửa hang, ngoài các vỏ ốc ra, chúng tôi còn tìm được một cái đầu lâu, trông như của người nhưng đó là của khỉ. Nhìn nó cũng có nhiều suy nghĩ về rừng hiện tại...
    Không ăn trưa, chỉ vài cái kẹo, ống nước, tiếp tục hành trình, chúng tôi đến hang Klung, cách không xa, khoảng 1km, nhưng mất 3 tiếng để đến đó, chúng tôi đi xuyên qua 2 cửa hang Rục vừa rồi, tiếp đến 1 cửa hang rất to, đẹp do nước chảy bào mòn chứ không phải do nhiều nhũ thạch, nhưng đáng tiếc là đá núi lở lấp mất 2/3 cửa hang nên nó chỉ còn một khoảng trống bằng vài gian nhà V-TRAC! Leo lên trên núi, rừng rậm nhưng khô nên tôi vẫn không bị vắt cắn. Howard nói tôi vẫn là Leech Virgin! Hang Klung là một hang gió ở trên cao sườn núi, gió thổi thông hai đầu, hang chỉ dài có 450 mét, không đẹp lắm. Anh Rầu nói, thời chống Mỹ bộ đội đã đóng trong hang này rất an toàn. Trên đường về, một điều làm nhóm Howard ngạc nhiên làm chúng tôi cũng tự hào đó là, trên một số thân cây vẫn còn máy vòng dây đồng và các trụ sứ mà như anh Rầu nói, của bộ đội thông tin trước kia khi anh từng là người giao liên trên tuyến đường này. Quả thật, tôi là người Việt nam cũng khó hình dung được nữa là người nước ngoài khi biết tuyến đường Hồ Chí Minh không chỉ là một con đường, còn có cả mạng lưới hàng chục ngàn km thông tin, mạng lưới hang ngàn Km ống dẫn dầu xuyên qua địa hình núi phức tạp mà chúng tôi vừa đi qua. (Tất nhiên bây giờ dễ đi hơn nhiều, 1km chỉ mất có 3 tiếng đồng hồ!)
    Trở lại hang Rục có người ở, Howard quyết định gửi đồ ở lại mọi người về bản Arem ngủ, mai quay lại tiếp tục đến hang Én để khám phá 2 hang cạnh đó. Đường về sao mà xa, lúc đi xuống dốc nên không cảm nhận được, tiếng kêu của chim, thú về tổ càng làm chúng tôi mệt. Leo được mỗi một dốc, tôi phải tiếp thêm một hộp sữa Yomost hoặc vài cái kẹo Sô cô la. Cuối cùng rồi cũng về được đến nhà sau gần 3 tiếng. (Khi đi chỉ mất gần 2 tiếng!) Không được như dự định của Howard cho ngày mai, chúng tôi bị trục xuất ra khỏi bản với lý do chưa đủ giấy tờ. Thế là 2 người gùi hàng cùng Martin phải quay lại con đường vừa rồi để lấy đồ gửi lại (khủng khiếp!). Trời tối rét, gió mùa đông bắc thổi mạnh, cùng với cái rét của sự lạnh lùng nhưng gần 11h đêm họ cũng về đến nơi.
    3 ngày sau, sau khi tôi mất toi 1 ngày lên làm việc với Huyện đội, trình đủ loại công văn giấy tờ từ tỉnh đến huyện của kính thưa các ban ngành đoàn thể. Thời tiết thay đổi hẳn, hết mưa, trời nóng như mùa hè, vắt không còn luôn. Mà các cán bộ hôm trước cũng thay đổi thái độ, nhiệt tình hơn hẳn, hướng dẫn chúng tôi tìm người dẫn đường. (Anh Rầu không có nhà, chúng tôi không dùng 2 người mang đồ trước mà kiếm trên này.) 12h trưa, cũng chẳng ăn gì, tôi, Howard, Chris, Andy cùng Chặp, Thăm mang đồ tiến vào rừng. Anh Cung lái xe ở lại bản. Trời nóng nên Andy, cậu bé ít tuổi nhất cao khoảng 1,8 mét uống nhiều nước và phải trả giá xuống sức rất nhanh. Tôi nhìn và học theo 2 người Arem, ít uống nước nên gần 2 tiếng vào đến hang Rục vẫn không hề gì. Lần này đi, Chris mang máy quay, nên dừng lại hang co người ở khá lâu. Hôm nay có thêm người đến đây, ngoài suối có chục đứa trẻ con đang tắm, nhảy đùa nghịch như mọi trẻ con khác, thật vô tư. Các cô kín đáo hơn, không mặc gì núp trong đám cây phơi ngực. Tôi đoán thế vì thấy họ cứ đứng mãi ở đó!
    Đi qua Kling, Klung, Chặp dẫn chúng tôi đến một hang mà anh biết, nó nằm trên đường đi hang Én, theo anh nói, nó trên cao, khô, và không đẹp lắm vì anh chưa vào bao giờ. Sau 2 tiếng vượt rừng, qua những nơi mà ta thường thấy trong phim Tôn Ngộ Không, dãy núi đá vôi, vách trắng xoá trên các tầng cây rừng già, qua những vạt chuối chẳng bao giờ kịp chín quả (vì khỉ nó ăn hết) qua những khe núi dòng nước trong veo cùng tiếng đủ loại chim hót, ở đây có rất nhiều rùa vàng, thật xứng đáng rừng Quốc gia để bảo tồn. Chúng tôi rốt cục cũng đến hang A-Cu, leo lên 200 mét mệt phờ nhưng đổi lại, hang A-Cu tuyệt vời, nó khác lời Chặp kể (anh ta đã vào bao giờ đâu!) Cửa hang mốc meo cũ kỹ (Hàng triệu năm rồi mà!) nhưng khi xuống dưới, trong đó có nước, đẹp tuyệt vời, đẹp hơn tất cả những hang tôi đã qua. Hang rộng khoảng 200 mét, cao 100 mét, nhiều hang chỉ có một số đoạn như thế nhưng hang này gần suốt chiền dài hang đều rộng. Nền hang phẳng vì đất như kiểu phù sa. Howard nói, hang này trước kia là một dòng chảy, nó rất rộng và cao, hiện tại, đất đá bồi lấp nửa chiều cao của hang. Chúng tôi càng vào sâu, hang càng đẹp, những cột đá khổng lồ chống lên trần hang. Có cột đá trông như quả thông khổng lồ bằng toà nhà 10 tầng. Howard giải thích, loại cột đá này hang ở Trung quốc có rất nhiều, nó được tạo ra bởi nước trên trần giỏ xuống rồi toé ra xung quanh, những hạt nước toé ra đó tạo thành các cánh nhũ đá như cánh quả thông, qua hàng triệu năm lớp lớp cánh mọc ra, các cánh dài gần 2 mét. Loại này rất ít thấy trong các hang ở Việt nam. Vào tận trong đáy hang chỉ khoảng gần 1 km, nhũ đá mọc mật độ dày đặc, đẹp tuyệt vời, rất đa dạng, tôi nghĩ giá mà có mấy ông ở chùa Hương vào đây mà phịa chuỵện thì kho tàng cổ tích của ta chắc trẻ em đọc đến già! Tuy là người sống với rừng nhưng Chặp chưa bao giờ vào đây, cũng như chưa bao giờ thấy có hang nào đẹp như vậy. Cũng đúng thôi, may mắn đi với chúng tôi nên mới có đủ thiết bị và đèn sáng hiền đại để thưởng thức. Chặp có ý thức khá tốt, không cần nhắc nhở nhưng cũng có ý tránh làm gãy, vỡ nhũ đá. Chặp nói, nghe kể lại 10 năm trước một nhóm có cả phụ nữ người nước ngoài vào hệ thống hang sông Chầy 7 ngày liền mới ra. Cậu ta trầm trồ thán phục lắm và sững người ngạc nhiên khi tôi nói những người đó là Howard và vợ cùng mấy người hôm nay. Hang động thường có nhiều tầng, nhiều nhánh, để lập số liệu phải đánh dấu và đặt tên. Howard thường lấy tên của người thân trong đoàn để đặt. Tên bạn tôi cũng được đặt cho một nhánh trong hang A-Cu này, một hang tuyệt vời đẹp và hoành tráng.
    Gần 4 giờ chiều, chúng tôi ra khỏi A-Cu đi hang Én, hang Én chính là hang mà Howard mất 7 ngày để đi xuyên. Đây là hang nước nên phải bơi, lặn, trèo leo rất vất vả. Hang cũng nhiều ngóc ngách. Tuy cách A-Cu chưa đến 1km mà gần 5h chúng tôi mới đến nơi. Đúng là hoành tráng, hang cực kỳ rộng, cửa hang phải cả ngàn mét vuông mặt bằng, sâu vào trong đến 500 mét vẫn là ánh sáng ban ngày. Hang này thời chiến tranh đã từng là nơi trú của cả làng Arem với hơn chục nhà làm trong nền hang (trần hang cao trên 150 mét), nơi chúng tôi hạ trại là nền trường học. Xung quanh là các đơn vị quân đội. Bom Mỹ thả rất ác liệt nhưng chỉ có một quả trúng miệng hang. Chẳng ai bị chết hay thương cả ngoài một con lợn bộ đội nuôi, tiện thể họ làm tiệc mừng chiến thắng! Trong cửa hang mùi rất năng của phân chim, chim Én, chính là tên của hang. Khi vào hang khá yên tĩnh những giờ chim về tổ làm chúng tôi bất ngờ. Chặp và Thăm đang nấu ăn cho bữa tối tuy đã quen cũng bị bất ngờ bởi tiếng cánh chim bay về. Hàng vạn vạn con chim én, như trước một tổ ong. Chúng tôi ngừng hết việc bếp núc đứng nhìn lên trên cao, nhìn lên đàn chim về tổ mà ngỡ ngàng, mà kinh ngạc trước thiên nhiên. Với hàng vạn vạn con chim én như vậy thật hữu ích cho hàng triệu triệu cây xanh trong khu rừng khỏi bị sâu tàn phá. Tiếng cánh chim, tiếng chí choé mỗi lúc một to và nhiều, tôi đoán chắc chắn với hàng vạn tổ chim trong vách đá, thể nào chẳng có chú chim vào nhầm nhà hữu ý hay vô tình, chúng nó chí choá là phải. Nhìn mỏi cổ, tôi xoay ra hỏi chuyện Chặp. Trên vách hang, cheo leo tận trần hang (150 mét cao) có những mớ dây lòng thòng, bắc thêm ít que gỗ làm như những giàn giáo trông bé tí như mạng nhện. Chặp nói, đó là thang và dây của người dân làm để lấy tổ chim. Nó giống như dân Nha Trang lấy tổ Yến, trông cực kỳ nguy hiểm. Cứ tưởng tượng bạn treo người trên trần nhà cao 30 tầng và nhìn thẳng xuống nền đất phía dưới cũng đủ sợ rồi. Dây dân họ làm là dây rừng, nó được làm từ đời cha, ông của Chặp. Loại dây này rất bền, tôi cũng đã từng biết vì ông Nội tôi cũng từng sử dụng. Dây mây hay dây nhân tạo không thể bền như vậy được. Nhìn vách đá, tôi nói với Howard, ông xem nên phát triển loại hình leo núi ở đây được không? Mỗi tổ chim có 2 con, nhưng cũng có tổ có đến 3 hay 5 con ở chung. (Chắc chúng cho ở nhờ vì nhà rộng rãi!?). Mùa này các tổ chim bắt đầu có trứng, khoảng tháng 5 người ta sẽ lên lấy chim non về. Mỗi lần lấy được vài bao tải to, phải cả tạ chim non bán làm đồ ăn, Chặp nói. Điều này thực sự gây sốc cho Howard khi tôi thuật lại. Nhưng Chặp nói, họ ở đây khai thác chim non từ đời cha, ông mà chẳng sao cả, chim vẫn về như thường và vẫn đầy đàn. Chặp nói chim én ở đây thường bỏ đi vào mùa mưa vì trong hang sẽ đầy nước nó không thích? (Ngược lại với tập tục của nó là về phương Nam trú đông và quay lại mùa Xuân, có thể Chặp sai, cũng có thể nó sang một nơi khác gần đây mà Chặp không biết?)
    (còn tiếp)
  4. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Trời mát khá đẹp, chúng tôi gọi Chris đang mải quay phim về ăn tối rồi chuẩn bị chỗ ngủ. Bọn họ có túi ngủ cùng đệm hơi, tôi ngại mang nên chỉ có võng nhưng có chăn và áo mưa. Chọn chỗ ít gió và phân chim, tôi làm tổ riêng của mình. Chặp và Thăm chặt lá cây về lót để nằm. Tiềng chim chí choé suốt đêm và như để phản đối những khách lạ, thỉnh thoảng tôi được tặng một bãi phân chim lên chăn đắp. Nhưng quả thật, cho đến sau này có thành triệu phú, chắc chẳng có dịp nào được ngủ trong hang như thế này, dưới hàng vạn tiếng chí choé của chim én.
    Hang Én này thông với đầu phía dưới sông Chầy, cửa kia cũng được gọi là hang Én vì cũng có chim én ở. Howard tự hào là người đầu tiên đi thông hang này mất 4 ngày (chuyến đi 7 ngày cả hệ thống hang Vòm) và chuyến đi đó cũng nổi tiếng khắp nơi với tai nạn bất ngờ khi cơn mưa trái mùa ập đến làm 4 người kẹt trong một ngách hang gần 2 ngày, không dám bật đèn, chỉ có mấy thanh Sô-cô-la, đứng một tay bám vách hang, một tay giữ đồ chờ nước rút. Bên ngoài tỉnh chỉ đạo đội tìm kiếm cùng Quân đội sẵn sàng. May mắn không ai việc gì. Theo đánh giá của Howard, hệ thống hang này có thể là đẹp nhất thế giới, hang Phong Nha không được một phần, hang trên vịnh Hạ long còn thua xa...
    Sáng ngủ dậy, đàn chim đang bay đi, chúng vẫn chí choé. Tôi xuống góc hang nới quả bom Mỹ thả trúng lấy nước và rửa mặt. Lạ lùng là chỗ này không có phân chim và khá sạch sẽ. Chúng tôi chuẩn bị ăn sáng và nói chuyện với Chặp về hang mới. Chặp sẽ dẫn Chris và Andy đến hang mới cách 1giờ đi, tôi và Thăm cùng Howard quay lại hang A-Cu chụp ảnh! 7h30 sáng xuất phát. Cả nhóm đến bất cứ hang nào cũng phải làm một việc - đó là lấy cái GPS trông như điện thoại di động, dơ ra trước mặt 5-10 phút để nhận sóng Vệ tinh. GPS được định vị bởi 12 vệ tinh, xác định vị trí đang đứng. Cùng với bản đồ chi tiết, chúng tôi biết được chính xác toạ độ vị trí đến từng giây (từng mỏm đá, khúc suối.). Đường quay về nhanh hơn vì có xuống dốc. Đến hang A-Cu khoảng 8h30, chúng tôi tiến hành chụp ảnh. Không may, Howard đặt sai chế độ làm hỏng mất ảnh, lãng phí 6 bóng đèn, chỉ còn 6 cái thì nhóm Andy, Chris quay lại. Hang họ đi không đạt yêu cầu. Sau khi quay phim chụp ảnh, chúng tôi quay về hang Rục. Nhìn đám trẻ bắt ốc tắm, đúng 12h trưa trời nóng, chẳng ai bảo ai, chúng tôi nhất loạt nhảy xuống tắm. Đường về không mệt như hôm đầu tiên, đi nhanh hơn và chúng tôi ra đến bản gần 2giờ, kịp thời gian cho tôi quay về Sơn Trạch để ra ga về Hà Nội.
    Hang Nước Lặn
    Hôm tôi đi bản Rục, nhóm Liêm và Wattson đi hang Nước Lặn, hang này nằm trong vùng Khe Dứa, nhóm Liêm sau 3 ngày đã khám phá được 1 km hang Nước Lặn, hang khá to, nhưng tới đó có nước chảy phía dưới vực khoảng 40 mét nên họ quay về. Chúng tôi quyết định tổ chức quay lại. Thuê được hai thợ săn là anh Lưu, anh Thắng là hai anh em với anh Phong, họ có kinh nghiệm săn khỉ và thú trong khu vực này. Thêm 3 người gùi thiết bị cùng 6 người nhóm Howard, Deb, Chris, Wattson, Andy, và Martin. Tôi và anh Chiêm. Như vậy, nhóm có 13 người, một con số xấu.
    3 xe U oát đổ chúng tôi trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây cách Sơn Trạch 20 km, chúng tôi bắt đầu leo vào rừng lúc 9 giờ sáng. Rừng khô nhưng lá cây nhiều ẩm ướt nên vắt thỉnh thoảng vẫn kiếm ăn được (tuy nhiên tôi vẫn là ?oLeech Virgin?). Nhìn cả đoàn với các túi đồ trên lưng leo vào núi, vào rừng sâu tôi nghĩ những cái mông nhoay nhoáy leo núi Yên tử của Bích kể chưa nhằm nhò gì. Quãng đường chúng tôi đi nhìn trên bản đồ khoảng 5-6 km, nhưng phải vòng vèo qua các sườn núi, rừng nên dài ra khoảng 20 km, thời gian từ đường Hồ Chí Minh đến đích, cửa hang là khoảng 6-7 giờ đi tuy theo thời tiết. Lúc đầu mấy người địa phương, họ là lâm tặc cũ và là những người ngậm ngải tìm Trầm rất thông thạo đi rừng có vẻ ái ngại cho chúng tôi, nhưng khoảng 1 tiếng sau thì chính họ thường phải yêu cầu nghỉ uống nước. Rừng bị khai thác nhiều, khu vực này có nhiều gỗ quý. Thú cũng nhiều như Hổ, Gấu, Chồn bay, Khỉ, Voọc... mấy người thợ săn cũng là người dẫn đường chuyên nghiệp cho các nhà nghiên cứu Voọc từ trường ĐH Lâm nghiệp, từ các dự án với Đức về động vật hoang dã, họ đi từ chục ngày đến cả tháng trong rừng sâu. Đi được 3 tiếng rừng còn trẻ rậm rạp, nhiều tầng lớp đặc thù của rừng nhiệt đới, nhưng vào sâu hơn, rừng già toàn cây to, các lớp thấp không cạnh tranh được ánh sáng và dinh dưỡng nên chắc chết yểu. Rừng dễ đi hơn, tiếng kêu của chim rừng và thú rừng cũng đa dạng hơn. 12h trưa, nhóm dẫn đường yêu cầu nghỉ ăn trưa trên con suối cạn, tôi cũng đã quen việc không ăn trưa nên chỉ dừng lại nghỉ và uống 1 hộp Yomost, chia cho mọi người kẹo béo. Trời nắng to nhưng không giống phía rừng bản Rục Cà Roòng, ở đây cây to tán rộng nên không bị nóng.
    Qua một vạt rừng mây, đến một vạt rừng toàn cây lá to làm nón chúng tôi bắt đầu xuống một con suối mà theo chỉ dẫn, nó dẫn đến hang Nước Lặn. Cũng thật khâm phục người dân ở đây, phụ nữ thường vào tận trong này (6 tiếng đi và 6 tiếng về) lấy lá làm nón gùi về. Mỗi chiếc nón bán không được bao nhiêu tiền mà họ phải đổi biết bao là công sức như vậy! Khoảng 4 giờ, tới gần hang, chúng tôi cắm trại, trại đã được nhóm Liêm và Wattson dựng lần trước hai cái khá vững chắc, lý do cắm trại xa cửa hang như vậy vì chỗ này tiện lấy nước. Mọi người nhanh chóng dọn dẹp chỗ ngủ, nổi lửa đun nước. Tiếng thú và chim kêu, thỉnh thoảng có tiếng tắc kè, bắt cô trói cột thật thú vị. Tôi và anh Chiêm mắc võng trên 3 cây gỗ gần bếp lửa, dùng áo mưa và màn làm mái, thế là yên tâm chỗ ngủ. Bên ngoài sát góc suối cạn, Wattson đang say sửa chỉ dẫn cho mọi người cái bẫy anh ta làm lần trước do anh Phong hướng dẫn. Wattson rất hứng thú với cái bẫy mới được học nói, sẽ áp dụng để về đi bẫy hươu tại Anh quốc, nơi quê hương mà anh ta là một nông dân chính hiệu, chất phác tốt bụng. Thực ra đó chỉ mới là một cái bẫy thòng lọng đơn giản mà Robinhood nhà anh ta cũng rất thành thạo nhiều thế kỷ trước!
    Chuyến đi này mọi người rất kỳ vọng vì hang có nước hứa hẹn rất nhiều. Như khảo sát, cả một vùng rộng thuộc sông Chầy phía trên này không có thông tin gì về hang động cả, người ta thấy có nước chảy vào từ bên Lào nhưng không biết ra ở đâu phía Việt Nam. Hy vọng hang này sẽ chỉ ra dòng sông ngầm của cùng này. Tên hang là Nước Lặn vì người dân ở đây gọi theo hiện tượng, các dòng suối chảy vào đến cửa hang rồi biến mất, phía nước ra khỏi hang được gọi là nước mọc. Lý do quyết định đi một nhóm lớn đến đây là để chia làm hai nhóm, mỗi nhóm 3 người, một nhóm đi ngược nước, một nhóm đi xuôi nước giống lần tôi đi ở hang trên Cao Bằng. Trong khi ăn tối, nhóm Wattson tranh thủ kiểm tra trước trong hang về, họ mang cả thang dây báo tin xấu. Hang không đi tiếp được, vì nước chảy ngầm nóc hang quá hẹp không đi được! Tất cả mọi người cụt hứng, bao nhiêu công chuẩn bị của bao nhiêu người không được kết quả gì. Howard quyết định sáng sớm quay về. Nhưng chúng tôi dự định chuyến đi 4 ngày 3 đêm và dặn xe ra đón chiều ngày thứ 4. Nếu chúng tôi đi sớm mai 7h thì khoảng hơn 1 giờ ra đến nơi sẽ phải tìm cách gọi xe (ra đi nhanh hơn vì xuống dốc). Cả đêm mọi người ngủ lặng lẽ vì chẳng ai vui.
    Sáng sớm sửa soạn, ăn sáng, mọi người xuất phát 7h. May mắn khi chúng tôi lên đỉnh núi cao nhất, nơi chúng tôi có thể nhìn thấy quốc lộ 1A, thấy biển và đảo Cồn Cỏ, chắc là còn thấy cả Lào... ở vị trí này điện thoại của tôi lại gọi được, mọi người thở phào khi biết xe sẽ đến đón chúng tôi. Như cảm thấy được vẻ buồn của chúng tôi, anh Lưu nói sẽ dẫn đến một hang trên đường về. Đến giữa đường, nơi nghỉ trưa hôm qua chúng tôi rẽ lên hang, hang này có tên là hang Bệnh Viện, nó là trạm Quân y của Quân đội trước đây. Thực tế hang Bệnh Viện chỉ là một trong những cửa hang của nó ở trên cao và khô ráo. Chúng tôi vào hang phía dưới, đây là một dòng sông ngầm chính hiệu làm chúng tôi phấn chấn hẳn sau chuyến đi dài cả hai ngày liên tục. Hang này không rộng, nó cũng khá đẹp nhưng thuộc dạng khác. Tưởng tượng như hai tấm ván ép sát vào nhau hở một khe như chữ A, chúng tôi chui vào khe đó. Hang toàn đá đen xì, nước bào mòn rất đẹp, nhũ đá ít, các cạnh đá sắc ngọt như dao Thái lan, nếu không có mũ cứng chắc sứt đầu như chơi. Do không chuẩn bị vì chỉ nghĩ hang ngắn, nên chúng tôi bị đói, hang dài hơn 1km thì bị tịt không đi tiếp được nhưng lấy mất của chúng tôi 3 tiếng đồng hồ vì hang quá hẹp. Nhưng như thế cũng đủ để giải thích được phần nào dòng chảy của khu vực này và làm phấn chấn trở lại của cả đoàn. Dù sao cũng báo hại 3 lái xe nhịn đói chờ chúng tôi ngoài đường từ 11h trưa. 3h30 chúng tôi ra đến đường. Tôi, Wattson, Andy và Chris nhảy xuống suối tắm, nhảy nhót reo hò như chưa từng được tắm vậy. Trên đường về Sơn Trạch anh Lưu cho biết thêm còn có 2 hang nữa trong khu vực này nhưng cần phải đi 5 ngày liền. Thật là tin vui. Tôi bị thua mất một két Heineken cho Wattson, ông nông dân lắm mồm vì cá ông ta trật tự không nói gì từ rừng về khách sạn.
    Có cơ hội đi như thế này mới thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ hoành tráng của tự nhiên, có vào hang động mới thấy được sự kiên nhẫn của thời gian, thấy được tiềm năng sức mạnh của cuộc sống, thấy được vòng luân hồi của xã hội và thấy được sự vô nghĩa của cuộc sống bon chen ngoài kia... Những vùng đất tôi đi qua chưa phải là nhiều. Hơn 15 năm đoàn hợp tác với trường Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi nhờ GS-TS Phạm Quang Mỹ tham gia được có hai lần, thật đáng tiếc những cơ hội rèn luyện và khám phá thiên nhiên. Qua những chuyến đi, đất nước sau 30 năm hết chiến tranh, một tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch mở ra trước mắt nhưng cần có con người có khả năng hoạch định. Như Howard ước mơ, những tuyến du lịch sinh thái như đi rừng rậm, khám phá hang động, chiêm ngưỡng rừng già và động vật hoang giã, thăm các bản làng, tộc người thiểu số... đầy tiềm năng trong tầm tay. Những khu rừng Amazon, Châu Phi, Châu Mỹ nổi tiếng được phim ảnh, báo chí lăng xê nhiều, nhưng rừng già Châu Á, Việt Nam nói riêng còn hấp dẫn hơn hẳn!!!

Chia sẻ trang này