1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Quê nhà tôi ơi...!!!

Chủ đề trong 'Thái Bình' bởi nguvanbaochi, 20/01/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    Lâu lắm mới thấy anh Tungteng nhỉ? Em nghĩ đáng lẽ người ta phải thêm vào danh sách đặc sản "cháo" Thái Bình nữa, hehe >:) (Mội tội nó đặc sản nhân tạo chứ ko phải là đặc sản thiên nhiên)
  2. tungteng

    tungteng Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/01/2003
    Bài viết:
    682
    Đã được thích:
    0
    :)):)):)). Bác nào bây giờ đầu tư vào thương hiệu "Cháo Thái Bình" bán kèm "Muôi Thái Bình" khéo lại giàu to...!

    Đợt này anh cũng bận nên ít tham gia em ạ... Hôm nào có vụ gì báo nhé!
  3. farfar

    farfar Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/09/2006
    Bài viết:
    941
    Đã được thích:
    0
    Món cháo thì là 1 món ăn thông dụng từ lâu rồi . Cháo được nấu từ nhiều thứ khác nhau , như cháo ngô , cháo bí ngô , cháo trai . mùa hè Thái Bình mà được húp bát cháo bí ngô là sướng nhất .
  4. farfar

    farfar Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/09/2006
    Bài viết:
    941
    Đã được thích:
    0
    Ngày xưa vào dịp tháng 7 như thế này . Là gia đình nào cũng cho con cho cái đeo giỏ ra cánh đồng để bắt cua , vớt cá , vớt tép , vớt chạch . Vì nóng quá , nước ruộng cũng nóng quá . Vậy cua thì phải ngoi lên bờ . Còn cá , tôm , chạch không ngoi lên được bờ , thì chúng cứ quằn qoại dẫy dụa và bơi trong nước . Ta cứ cầm cái rổ mà chao chúng lên , rồi cho vào giỏ . Nên tháng 7 là tháng mà nhà nào cũng ruồi bâu kiến đậu . Vì nhiều nhà làm cá , đem phơi , rồi cho vào hũ để ủ làm mắm . Nào là mắm cua , mắm cá , mắm chạch . Để giành cho đến tận mùa đông .
  5. farfar

    farfar Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/09/2006
    Bài viết:
    941
    Đã được thích:
    0
    Nói ra thì dễ , nhưng bắt tay vào làm mới thấy được cái không dễ của nó . Cũng là nông dân Thái Bình , thì có người ủ được mắm mà cũng có nhiều người không thể ủ được . Vì trong lọ có bọ , con cua bị xác , thâm đen , nước cua cũng đen xì như nước điếu . Cá ướp thì nhũn , bết chặt lại với nhau , nhìn giỗng như chượp cá của những hợp tác xã nấu nước mẵm vậy . Chắc có bí quyết hay kinh nghiệm gia truyền gì đó . Không phải ai cũng có cá có muối có lọ là có mắm ăn đâu !
  6. dactalangnhang

    dactalangnhang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    15/04/2002
    Bài viết:
    279
    Đã được thích:
    0
    - Đọc phát kết luận luôn : Căn nhà đầu tiên ấy là căn nhà 3 gian 2 chái đặc trưng vùng nông thôn Bắc Bộ.
    Nín thở chờ đợi 6 căn nhà kế tiếp ( đại gia có khác, chuyển phát 7 căn nhà )
  7. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    Những ngôi nhà

    Ngồi lẩn thẩn, tự nhiên tôi lại nghĩ đến những ngôi nhà mình từng gắn bó – 7 ngôi nhà tất cả. Có là quá nhiều so với số năm mà tôi đã sống trên đời?

    Ngôi nhà đầu tiên


    Là căn phòng của gia đình - một căn buồng nhỏ nằm liền kề dãy nhà lớn 5 gian của ông bà.

    Trong ký ức của tôi, căn buồng ấy rộng lắm. Thế mà bây giờ, mỗi lần về quê, vào lại căn buồng đó, tôi mới thấy nó nhỏ bé vô cùng. Hồi ấy, bố mẹ tôi kê một chiếc giường cho cả nhà nằm, sâu vào bên trong là hòm tủ, xe đạp, quần áo… Tóm lại, là tất cả tài sản của một gia đình nhỏ.

    Căn buồng có 1 cửa sổ và hai cửa chính để đi ra đi vào. Một cửa nối thông với 4 gian còn lại, một cửa hướng ra hiên. Hồi bé, chị em tôi hay đuổi nhau chạy vòng quanh 2 chiếc cửa đó. Tôi cứ đang chạy thì lại cười òa, mỗi khi bị chị quay ngược, đón đầu.

    Những hôm bão to, cả nhà tôi nằm trên giường đùa nhau. Bố toàn đùa 2 chị em tôi bằng cách tranh giành mẹ với hai con. Chị trầm tính hơn, riêng tôi bao giờ cũng hăng hái đẩy bố ra thật xa mẹ. Cả nhà cười lăn lộn!

    Với tôi, căn buồng thân thương lắm! Mặc dù không thể nhớ được nhiều, vì khi ấy tôi còn quá nhỏ; nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi vẫn dậy lên cảm giác vừa gần gũi, lại vừa âu yếm và ấm áp. Ngày ấy, mỗi khi buồn, tôi lại chạy vào buồng, tìm góc tối nhất để giấu mặt.

    Trong căn buồng của gia đình, tôi thích nhất là chiếc valy mẹ đặt trên ghế cao, để ở góc nhà. Chiếc valy da cũ sờn, bên dưới mẹ lót những tờ báo cũ, đựng toàn bộ đồ mùa đông của cả gia đình, và cả những tấm ảnh, bức thư của bố mẹ viết cho nhau, từ hồi bố còn là sinh viên cho tới khi lấy nhau, bố còn đi dạy học ở tận Hà Tuyên. Với tôi, chiếc valy ngai ngái mùi băng phiến giống như một chiếc rương bước ra từ câu chuyện cổ tích vậy. Mỗi khi trộm mẹ, kiễng chân lên mở valy, tôi lại thấy hồi hộp, vui sướng như được khám phá một kho báu bí mật nào đó.

    Hồi bé tôi thích đọc truyện đọc sách, chưa hết cấp 1, tôi đã ngốn toàn bộ số truyện và số sách văn nghiên cứu của bố để trên giá sách – mặc dù bị cấm, vì bố bảo chưa đến tuổi đọc. Hết sách đọc, tôi lại mày mò đọc đi đọc lại quyển nhật ký và số thư mà bố mẹ viết cho nhau. Nhật ký của bố thì buồn cười lắm, đúng là dân văn, mơ mộng, lãng mạn, lý tưởng hóa tình yêu. Bố có rất nhiều đoạn “trữ tình ngoại đề” kiểu như (tôi không nhớ chính xác từng câu từng chữ): “Hôm nay buồn quá, sương giăng mờ con đường trước mặt, hàng cây buồn buồn đứng trong sương. Mình thấy chúng cô độc và thấy mình cô độc theo. Mình nhớ H (mẹ tôi) quá, nhớ và buồn lắm. Không biết giờ này H đang làm gì, có nhớ tới mình ko?”. Còn giai đoạn mà bố bị 1 cô cùng lớp thích và tán tỉnh, thì bố viết thế này: “Mình coi Dung (tên cô thích bố) chỉ như một người bạn. Liệu có thể có một tình bạn trong sáng giữa hai người khác phái ko? Mình tin là có. Nhưng mà hình như Dung không chịu hiểu. Mình chỉ biết là mình yêu H và mãi mãi chỉ yêu H thôi”…

    Bố cũng ghi lại giai đoạn tưởng chú bị hi sinh ngoài chiến trường, bố viết và khóc rất nhiều trong cuốn nhật ký ấy.

    Bố còn có một cuốn sổ ghi lại những bài thơ yêu thích, trong đó có một bài thơ, tôi đọc và nhớ mãi. Hồi đó tôi cũng lờ mờ hiểu, bố chép bài thơ ấy vào sổ khi bố mẹ chia tay nhau:

    Bông huệ trắng bức tường cũng trắng
    Sao bóng hoa in lên tường lại đen
    Em nhìn đi đâu thế em?
    Vẫn biết chúng mình ko có lỗi
    Nhưng mà vẫn băn khoăn tự hỏi:
    “Sao bóng hoa in lên tường lại đen”?

    Bây giờ tra google, tôi mới biết tác giả là Bế Kiến Quốc, và bài thơ ấy còn có thêm 1 đoạn nữa.

    Cuốn sổ ấy cũng được học sinh của bố chép lại những bài thơ, bài hát – giai đoạn bố rời Hà Tuyên, quay trở về quê dạy học. Có “Bài ca Cachiusa”, “Tự nguyện”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”…, rồi cả những dòng lưu bút của học trò viết cho bố nữa.

    Những lá thư của bố mẹ gửi cho nhau kéo dài từ thời sinh viên, khi bố mẹ yêu nhau cho đến tận khi lấy nhau. Có lá thư mẹ khoe mang bầu tôi, mẹ bảo có lẽ tôi là con trai, vì ở trong bụng mẹ, tôi nghịch lắm. Hai chân, hai tay, đầu, đầu gối, khuỷu tay của tôi cứ thúc liên hồi vào bụng mẹ, khác hẳn chị. Và sau đó là lá thư bố viết về, có dặn mẹ rằng: “Nếu con là con trai, thì em cứ đặt tên. Còn nếu là con gái, thì em đặt tên cho con là Lan Anh nhé”. Có lẽ, bố muốn đặt tên tôi là Lan Anh, để có chút hơi hướng con trai chăng?

    Chiếc valy ấy còn có cả những tấm ảnh còn trẻ của bố mẹ nữa. Có tấm ảnh mẹ mặc áo trắng quần đen tay cầm nón lá đứng giữa cầu, xinh lắm! Có tấm ảnh bố thời sinh viên cầm ghi-ta, ngồi trên ghế đẩu, miệng huýt sáo, gầy tong teo, cao lỏng khỏng. Đằng sau tấm ảnh có 2 dòng thơ gửi tặng mẹ:

    Hoa chỉ đẹp khi còn đang nở
    Tình chỉ vui khi giữ vẹn câu thề

    Lên cấp 3, tôi mới biết 2 câu thơ đó là của Xuân Diệu, và bố đã cải biến nó từ câu chính xác sau: Hoa chỉ đẹp khi còn đang nở/Tình chỉ vui khi chẳng vẹn câu thề. Bây giờ, nhắc lại với bố về cuốn sổ và những câu thơ ấy, bố khoặm mặt xuống, chắc là phần vì thấy mình ngày xưa hâm, phần vì ngượng với mọi người.

    Về sau này, tôi chẳng biết những tấm ảnh của bố mẹ và gia đình bị mất như thế nào!

    Vậy đấy, ngôi nhà đầu tiên của tôi, phần nhiều là gắn liền với kỷ niệm về chiếc valy da sờn cũ!!!
  8. tungteng

    tungteng Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/01/2003
    Bài viết:
    682
    Đã được thích:
    0
    Đọc được bài báo này... Post nhờ nguvan tí nhé! :-w

    Thương nhớ làng chiếu ngàn năm tuổi


    Từ lúc mới chào đời, tôi đã quen với những âm thanh rất đặc trưng của làng nghề. Suốt tuổi thơ, gắn bó thân thiết với tôi là hình ảnh bà và mẹ ngồi dệt chiếu ngày này qua tháng khác...

    [​IMG]
    Giờ đây, chiếu thủ công đã được thay bằng chiếu dệt máy. Vẫn là đôi chiếu của làng Hới nhưng nó lẫn vào hàng triệu đôi chiếu khác ở khắp mọi nơi.

    Trước đây, làng tôi có tên Hải Hồ hay làng Hới – nay là thôn Hải Triều (Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình). Tương truyền, vào khoảng thời Tiền Lê – Lý thế kỷ 10 – 11, làng Hới đã bắt đầu nghề dệt chiếu rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê thế kỷ 15. Làng chiếu thịnh lên là nhờ công lao của trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, sau này được dân làng suy tôn là “Trạng Chiếu”. Trước khi Phạm Đôn Lễ mang kỹ thuật mới về làng thì chiếu được dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi đay nên giàn không căng, chiếu dệt ra không đều và mất nhiều thời gian. Trong một lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, qua vùng Ngọc Hà, châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã để ý và học được kỹ thuật dệt chiếu dùng khung nằm có ngựa đỡ sợi dọc, làm sợi đay căng, chao cói nhanh hơn, chiếu đẹp và năng suất hơn.
    Quê tôi lưu truyền rất nhiều câu chuyện kể về nghề và người của làng. Còn nhớ lúc nhỏ, khi lang thang chơi trong sân từ đường họ Nguyễn, tôi được ông bõ già giữ từ đường kể cho nghe câu chuyện về đức bà Nguyễn Thị Lộ, người con gái xinh đẹp nết na của làng cùng cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyễn Trãi.
    Tôi còn nhớ như in giọng ngân nga, trầm bổng của ông bõ già khi đọc bài thơ đối đáp giữa tài tử giai nhân. Rồi giọng ông chùng xuống, đau đớn, tiếc nuối khi kể về cái án Lệ Chi Viên đã giết chết gần hết người họ Nguyễn và hàng trăm cô gái Hải Hồ theo lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vào hầu cung vua.
    Gái làng tôi ai cũng thạo nghề từ rất sớm. Lên bảy tuổi, những bé gái đã bắt đầu tập se đay, tập chao chiếu rồi tập dệt. Khi dệt thành thạo là được công nhận đã lành nghề. Bà nội hay kể, thời của bà, mỗi cô gái làng Hới khi sắp về nhà chồng đều chọn mẻ cói đẹp nhất, tự se đay thật nhỏ, rồi dệt thành đôi chiếu đậu đặc biệt vừa dày, vừa mềm mại. Chiếu được phơi vừa nắng, đem đi in hoa rồi mang về nhà chồng như một thứ của hồi môn để trải lên chiếc giường tân hôn. Tay nghề của mỗi cô gái sẽ được đánh giá bằng độ bền của đôi chiếu qua thời gian. Tuổi thọ của đôi chiếu dệt khéo có khi lên tới mười năm. Lúc đó, con bé tôi đã bắt đầu mơ mộng nghĩ đến cái ngày mình cũng sẽ chọn cói rồi ngồi dệt đôi chiếu hoa giống bà, giống mẹ.
    Nhưng làng tôi bây giờ đã rất khác. Một ngày trở về quê sau nhiều năm xa nhà, tôi ngỡ ngàng bởi không khí im ắng của làng. Trước đây, chỉ cần bước qua cổng làng đã nghe rộn rã thanh âm vọng ra từ sau những căn nhà. Bước vào ngõ, tôi không còn thấy sân nhà phơi đầy những lá chiếu xanh ánh vàng với con mèo mướp nằm cuộn tròn sưởi nắng.
    Cả làng giờ còn rất ít nhà dệt chiếu thủ công. Những giàn chiếu hiếm hoi ấy không đủ khua động âm thanh làng. Mẹ bảo cói đắt vì phải chuyển từ vùng khác về, dệt thủ công lại lâu nên mỗi đôi chiếu chỉ lãi khoảng 15 ngàn. Một ngày, hai người dệt giỏi cũng chỉ được hai đôi hoặc năm lá chiếu. Tính ra mỗi người thu nhập chưa tới 20 ngàn một ngày. Nhiều người làng đã bỏ quê đi nơi khác kiếm sống, thanh niên thì theo làn sóng vào Nam làm công nhân. Có gia đình đến mấy đứa con đều bỏ đi làm ăn xa nên chẳng còn người để dệt chiếu. Làng nghề chao đảo. Những chiếc cọc giàn nhổ lên trơ hai lỗ sâu đen ngòm, go đập cói thì bị xẻ làm củi đun. Người đóng go cuối cùng của làng cũng đã bỏ nghề đi làm việc khác vì chẳng còn ai cần.
    Giờ đây, chiếu thủ công đã được thay bằng chiếu dệt máy. Một vài nhà trong làng có tiền nên mua máy dệt chiếu của Trung Quốc về, mỗi ngày làm ra cả hai chục đôi. Chiếu dệt máy dùng chỉ chứ không dùng sợi đay vốn là một cây nguyên liệu đặc trưng của vùng nên sẽ không bền. Đôi chiếu cũng không mềm mại như chiếu thủ công, nằm không có được cảm giác êm ái. Vẫn là đôi chiếu của làng Hới nhưng nó lẫn vào hàng triệu đôi chiếu khác ở khắp mọi nơi vì được dệt đại trà hàng loạt, không còn thấy dấu ấn đôi bàn tay khéo léo của người con gái làng Hới.
  9. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    Bài viết hay quá! Nguyễn Thị Lộ với vụ Lệ Chi Viên, ngày xưa học, em chỉ biết bà là người Thái Bình, giờ mới biết thêm thông tin bà là người làng chiếu. Một người phụ nữ xinh đẹp và tài giỏi! Thương cho kiếp hồng nhan =((

    Không hiểu sao em rất thích mùi chiếu cói. Giờ thì hầu như chả ai dùng chiếu cói nữa rồi, toàn dùng chiếu trúc Trung Quốc. Nhớ ngày xưa, buổi trưa em hay cắp chiếu ra rặng tre trước ngõ nằm, bị đánh đòn mà ko chừa. Đọc bài viết này, thấy sự tan rã của nghề dệt chiếu cói làng Hới, em lại liên tưởng đến sự suy tàn của nghề dệt cửi quê em. Quê em vốn nổi tiếng với nghề dệt cửi. Những tấm đũi dệt ra được các "cai" trong xã thu mua, tẩy trắng, mang tận sang Lào bán. Thời cực thịnh của làng nghề quê em, là vào những năm 1993-2000. Tiếng thoi đưa suốt ngày suốt đêm. Giờ về quê, chỉ còn lác đác tiếng dệt cửi thôi. Vì có giầu, thì chỉ là các "cai", nhiều người trở thành tỷ phú. Còn người dân thì nghèo vẫn hoàn nghèo

    Xã em nổi tiếng với nghề dệt cửi, và cũng "giữ nghề" lắm. Xã khác muốn sang học nghề dệt cửi à? Đừng mơ! Thậm chí con gái xã em đi lấy chồng xã khác, cũng không được tiếp tục làm nghề này luôn. Tiếc thay, bây giờ cũng chỉ còn là "vang bóng một thời"
  10. tbprince

    tbprince Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/04/2003
    Bài viết:
    478
    Đã được thích:
    0
    LA ở làng nghề dệt đũi Nam Cao à, đã 1 thời làng nghề này là biểu tượng cho sự thịnh vượng làng nghề của Thái Bình,người TB hay du nhập nghề mới nhưng cũng thật tiếc cho những làng nghề truyền thống bị mai một. Ngày còn bé mình chỉ ước có 1 cái máy ảnh để đi chụp làng nghề khi xem ảnh của các nhiếp ảnh gia chụp những tấm vải trắng trải dài ..
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    Lại nói đến chiếu Hới, ngọn cói nằm rất êm và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nếu mùa hè nằm sẽ nóng, đó là đặc tính khó cạnh tranh với các loại chiếu tre, trúc ..khác, một số người thức thời ở Làng Hới đã chuyển qua làm chiếu công nghiệp và cũng thành công không kém nghề truyền thống của làng, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng mạnh dạn làm được như vậy, tuy nhiên nếu được chính quyền định hướng và giúp đỡ mình tin làng nghề này vẫn có thể "sống" lại.

Chia sẻ trang này