1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

RAJADHIRAJA YOGA (Giới thiệu hệ thống các bài thiền của Yoga Ananda Marga)

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi phunglam, 15/07/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    50 khuynh hướng tâm lý luôn chế ngự tâm trí. Tâm trí luôn bị chi phối bởi một vài khuynh hướng nào đó. Nó không thể duy trì trong trạng thái trống rỗng. Chỉ thông qua rèn luyện thiền định lâu năm, nó mới trở nên trống rỗng. Khi đó nó trong suốt và soi thấu linh hồn. Kinh Upanishad nói rằng tâm trí của các bậc giác ngộ phẳng lặng không một gợn sóng tư tưởng, như chân không.


    Bài thiền 5 sẽ mang lại hương thơm cho thân thể, đó là loại hương thơm siêu nhiên. Nó xuất hiện khi chiều sâu tâm thức được rung động ở từng luân xa, khiến hệ luân xa mất dần các ảnh hưởng trì trệ và hỗn loạn. Chúng dần trở nên ổn định, khi đó hương thơm sẽ được nhận ra.


    Bài thiền 5 còn làm cho thân thể sáng hơn, một cảm giác tươi mới và hân hoan. Những gì nặng nề, ô trược đè nặng lên thể xác và tâm hồn, các loại tà khí hắc ám đeo bám bên trong và bao bọc bên ngoài sẽ bị tẩy sạch khiến thân tâm sảng khoái, sáng láng. Ý tưởng vũ trụ thâm nhập nhẹ nhàng vào các chấn động vi tế làm phát sinh hỷ lạc khiến rung cảm thần thánh lan tràn tới mọi ngõ ngách trong thân thể.


    Chakra Sodhana còn làm dịu bớt tình trạng căng thẳng tinh thần. Những người có quá nhiều mối quan tâm và mâu thuẫn, thường rơi vào trạng thái căng thẳng, có thể được thư giãn và dễ chịu. Những người khổ sở vì chứng huyết áp cao cũng nhận được nhiều lợi ích từ bài thiền này. Hệ thần kinh, các tuyến nội tiết, toàn bộ thể xác cũng như tâm hồn sẽ tan chảy vào cảm giác thư thái và dễ chịu. Khi hạt nhân của các luân xa (các bindu – quả cầu ánh sáng nhỏ, ở trung tâm luân xa, trong suốt) được cảm nhận và rung động, rất nhiều năng lượng tinh thần được sản sinh và người thực hành như được tiếp sức đặc biệt sau bài tập.


    [​IMG]
    tranvukhanh thích bài này.
  2. lanpurge

    lanpurge Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    28/07/2005
    Bài viết:
    4.953
    Đã được thích:
    481
    thánh bác tư liệu hay lắm
    thế còn bài 6 đâu ạ ... ???
  3. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Khiếp ... thánh bác (thanks?)
    Để em up lên từ từ, chưa hết diễn giải về bài 5 đâu bác ợ
    lanpurge thích bài này.
  4. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Bài thiền 1 được hỗ trợ nhiều từ bài thiền này, bởi vì ý tưởng vũ trụ thấm đẫm từng luân xa, người thực hành được thăng hoa lên một tầm mức sâu rộng hơn của niềm hạnh phúc tâm linh. Khi nguồn hạnh phúc nội tâm xuất hiện, ngọt ngào lan tỏa và tràn ngập thân tâm, người ta sẽ không muốn mở mắt và nghĩ đến những vấn đề khác vì sợ sẽ đánh mất nó. Rung động tinh tế của Ista Mantra ở mỗi luân xa mang lại những kinh nghiệm khác nhau, nhưng nhìn chung đều an lạc kỳ diệu. Khi âm ba huyền vi thâm nhập vào 50 khuynh hướng tinh thần ở các luân xa, chúng sẽ được tịnh hoá. Do đó, có một kinh nghiệm là khi không có điều kiện thực hành asana, người ta phải thực hành bài thiền 5 để ngăn ngừa sự chậm tiến xảy ra, do lâu ngày không tập asana. Điều này không có nghĩa là bài thiền 5 có thể thay thế các asana, bởi vì asana là các bài tập thể chất của yoga. Các asana mang lại hiệu quả trực tiếp và tích cực lên thể chất của hành giả. Bài thiền 5 tác động lên tinh thần là chính, trong khi các asana ảnh hưởng chủ yếu lên thân thể và có hiệu quả rõ rệt trong công dụng điều hòa các tuyến nội tiết và thanh lọc hệ thần kinh.

    Sự khác biệt giữa bài thiền 3 và bài 5 ở chỗ bài 3 đặc biệt tăng cường khả năng ghi nhớ và tư duy, còn bài 5 làm nảy sinh an lạc và rung động vi tế. Bài 3 chỉ quán tưởng đến luân xa Vishuddha, trong khi bài 5 thực hiện đến luân xa Shahasrara. Có thể nói rằng bài 3 đi sâu vào năm yếu tố cơ bản, còn bài 5 ngoài năm yếu tố cơ bản còn tác động thêm vào tâm trí và linh hồn. Nơi trú ngụ của tâm trí là luân xa Ajna, còn nơi trú ngụ của linh hồn là luân xa Shahasrara. Chakra Sodhana tác đông đến toàn bộ các tầng bậc từ thể xác, tinh thần và tâm linh vì nó luyện vào cả hệ luân xa, gián tiếp tác động vào các tuyến nội tiết và hệ thần kinh động thực vật, vì vậy toàn thân đắm chìm trong lạc thọ. Bài thiền 3 mang lại sức mạnh cho tâm trí, còn bài 5 mang lại hạnh phúc.


    Nhờ các làn sóng êm dịu của mantra, vô số tế bào trong thân thể cùng rung chuyển nhịp nhàng và sản xuất thêm nhiều nguyên sinh chất. Nó có công dụng đặc biệt như thuốc an thần, giúp thân tâm lắng đọng, thanh thản và nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Bài thiền 5 không nên thực hiện bằng cách tập trung cao độ và gò ép căng thẳng, trái lại, phải sử dụng tinh thần thật nhẹ nhàng, mượt mà, êm ả và giữ thân thể trong trạng thái thư giãn hoàn toàn. Tư thế tốt nhất là Shavasana (asana xác chết).


    [​IMG]

    Tất nhiên cũng có thể thực hành trong bất cứ tư thế nào giữ được xương sống thẳng, như asana Baddha Padmasana rất thích hợp và hữu ích.

    [​IMG]

    Vấn đề duy nhất khi thực hành thiền 5 trong tư thế Savasana là người ta dễ buồn ngủ, dù ngủ chập chờn hay ngủ say thì cũng không thể duy trì các rung động của bài tập, vốn là thứ không chỉ thực hiện một số lần cụ thể, mà có thể kéo dài bao lần tùy ý muốn.


    Khác biệt chính giữa bài thiền 1 và bài 5 là ở bài 1, người ta cố gắng đạt đến sự hợp nhất với ý nghĩa của Ista Mantra, khi đó người ta sẽ chứng nhập Savikalpa Samadhi. Còn ở thiền 5, ý nghĩa của Ista Mantra không được nghĩ đến nhiều, mà chủ yếu tập trung vào âm thanh của mantra để làm nảy sinh chấn rung năng lượng, dẫn đến hiệu quả thanh lọc các luân xa. Khi các luân xa thực sự rung cảm với âm thanh của mantra, thân thể sẽ chìm đắm trong lạc thọ, một cảm giác khoan khoái vô ngần, say mê ngây ngất chưa từng có trên thế gian.

    Do 50 khuynh hướng tâm lý được tịnh hoá, các cảm nhận xuất thế gian sẽ xuất hiện.
    Lần cập nhật cuối: 31/07/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  5. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Bài 6: Guru Dhyana (Thiền quán Guru)


    Giống như bài thiền 1 giúp hành giả đạt đến trạng thái cao tột của thiền định là Savikalpa Samadhi, bài 6 giúp người ta đạt đến trạng thái cao nhất là Nirvikalpa Samadhi. Thực tế mà nói, bản thân các bài thiền không thể đưa người ta đến giải thoát. Đúng hơn, đó là tha lực nhiệm mầu của Guru đằng sau các bài thiền mới đưa hành giả tới cái đích của con đường. Khi không có tha lực của Guru gia trì trong các bài thiền, chúng không có tác dụng giải phóng tâm trí và phát triển trí tuệ tâm linh. Các bài thiền của Ananda Marga có thể được tìm thấy nguyên bản trong các kinh Veda, các câu mantra cũng vậy, nhưng nhặt nhạnh các bài tập, các câu chú từ trong kinh sách ra thực hành sẽ chẳng bao giờ có hiệu nghiệm, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, người ta sẽ không có con đường để đi hoặc không biết phía trước của con đường mình đang tự đi là cái gì - đang chờ đón mình. Do đó, kinh điển viết rằng: Gurushakti dayakah nah tantra na mantra (Chính Guru, mà chẳng phải ai khác, là người ban cho sức mạnh tâm linh, sự giải thoát và cứu rỗi linh hồn).


    Các bài thiền rất quan trọng, nhưng nếu không có Guru, chúng sẽ chẳng là gì. Chúng sẽ trở nên khô khan và không có linh lực. Do đó, Guru đóng vai trò quan trọng sống còn trong cuộc đời của hành giả tâm linh.


    Bài thiền 6 được thực hiện trong luân xa Guru, ở trên luân xa mắt Ajna và ở dưới luân xa đỉnh đầu Shahasrara.


    [​IMG]


    Rất đúng khi nói rằng, gốc rễ của thiền là hình ảnh của Guru, nghĩa là yogi thực hành thiền quán về hình ảnh đạo sư tâm linh của mình. Bằng lòng sùng mộ phi thường và quyết tâm dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình cho Guru, yogi có thể đạt được sự thành tựu trong bài 6.

    Guru là ai? Thế nào là lòng sùng mộ mãnh liệt dành cho ông ta? Guru có ba loại:

    1. Uttama Guru (được coi là Guru hạng nhất, hoặc Sadguru)

    2. Madhyama Guru (Guru hạng hai)

    3. Anya Guru (Guru hạng ba)

    Anya Guru là người xuất hiện trước học trò, dạy cho điều gì đó rồi đi mất. Ông ta không quan tâm tới sự thăng trầm của trò. Madhyama Guru xuất hiện rồi truyền dạy tương đối sâu rộng hơn, nhưng rồi cũng đi mất. Uttama Guru, trái lại, là Mahakaola, không chỉ là người đã giác ngộ Thượng đế, mà trong chớp mắt còn có thể ban truyền sự giác ngộ Thượng đế đó cho bất cứ ai chỉ đơn giản bằng ý muốn. Ông ta toàn tri, toàn giác và đồng nhất với cái toàn thể hiện diện khắp nơi. Chẳng có gì khác nhau giữa phẩm tính của Sadguru và phẩm tính của Thượng đế. Ananda Sutram viết rằng: Brahmaeva Gururekah (Guru và Brahma là một và chẳng có gì khác nhau).

    Thân thể vật chất với mọi mối liên quan là biểu hiện bề ngoài của Guru. Guru trong hình dáng đích thực là không có hình thể, chỉ vì Mahakaola sử dụng năm yếu tố cơ bản và đến với thế giới này vì lợi ích của nhân loại. Khi ông mượn hình hài cấu thành từ năm yếu tố cơ bản, ông được gọi là Mahasambhuti. Mahakaola hoặc Sadguru không có đạo sư tâm linh, ông ta sinh ra đã là bậc toàn giác. Ông là Nirvanacitta, nghĩa là ông đến thế giới này để thực hiện ước nguyện phục vụ lợi ích chúng sinh.

    Mahasambhuti liên quan đến mọi bình diện của cuộc sống và mong mỏi một sự thay đổi toàn triệt trong tâm hồn nhân loại. Loài người ngưỡng vọng lắng nghe ông. Như đã đề cập, ông có đủ mọi quyền năng tâm linh. Do đó, Guru đích thực, Uttama Guru, chính là Sadguru, người có quyền năng siêu phàm. Trong mật giáo, một người như vậy được gọi là Taraka Brahma. Nơi ở của Taraka Brahma là trong sự giao thoa giữa Saguna Brahma (toàn thể) và Niguna Brahma (phi thuộc tính). Triết học về Taraka Brahma là triết lý về thực thể toàn khắp phi thuộc tính. Ngài là người cha vũ trụ mà những người tầm đạo đều kính ngưỡng, cầu nguyện để được ban ân sủng khiến loài người có được đạo lộ để mở mang tâm trí và hoàn thiện nhân phẩm.

    Trong bài thiền 6, một người như vậy là đối tượng thiền quán. Trong khi thiền về Người, những trải nghiệm hạnh phúc sẽ xâm chiếm và cuối cùng người ta sẽ đạt được sự hợp nhất bản thân với Nirguna Brahma. Tại đây, cái Tôi bị mất đi. Đó không phải là sự mờ nhạt hoặc ngủ quên mà là sự biến mất của cái Tôi vào dòng chảy Tâm thức Vũ trụ. Khi đó, một niềm hoan lạc khôn tả và trạng thái minh triết vô song của tâm trí sẽ được kinh nghiệm. Trong Ananda Sutram tình trạng đó là: Abhavottarananda prattyayalambaniirvrttih tasya paramanam (sau khi chứng nhập Nivikalpa Samadhi sẽ ngập tràn trong hạnh phúc tột cùng, khi đó người ta biết rằng đó là trạng thái Nirvikalpa).

    Một yêu cầu trong bài thiền này là phải quán tưởng Guru đang tác ấn Varabhaya. Vara nghĩa là "ban ân phúc", Abhaya nghĩa là "không sợ hãi". Một tay Guru ban rải tha lực, tay kia thu hút nghiệp lực của môn đồ.
    Lần cập nhật cuối: 01/08/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  6. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Trong bài thiền này, có một chuyển động hướng thượng của tất cả các khuynh hướng tinh thần (vrttis), sau đó chúng sẽ kết hợp với cái Tối Cao. Toàn thể tâm trí và tất cả những gì trong nó sẽ hội nhập vào Ý Thức Tối Cao. Tâm trí rời bỏ những vùng trì trệ, loạn động và kể cả ổn định của thân thể để hội nhập vào Ý Thức Tối Cao Phi Thuộc Tính trong luân xa Shahasrara. Purusottama, chứng nhân tỉnh thức nhận biết mọi hoạt động tâm trí, không phải là trạng thái này. Trạng thái này hoàn toàn phi thuộc tính. Trạng thái của Purusottama là duy trì sự kiểm soát và điều khiển, nhưng ở trạng thái này chẳng có gì còn lại ngoài Thực Thể Phi Thuộc Tính. Đó là Nirguna Brahma.

    Thiền quán Guru sẽ khơi nguồn cảm hứng thiêng liêng, cổ nhân nói rất đúng rằng Thiền không phải là thứ có thể cưỡng ép thực hiện, đúng hơn là nó xảy ra tự nhiên. Các hành giả mật tông biết rằng để đưa Sadguru vào trọn vẹn trong tâm khảm của mình là rất khó. Cho dù người ta đã từng nhìn Người rất nhiều lần trong thực tế, Người vẫn không xuất hiện, và kể cả Người xuất hiện, Người cũng chỉ xuất hiện một phần và trong một khoảng thời gian rất ngắn. Khả năng tâm trí của người thường không thể nắm bắt rung động của Người, nhưng nếu hết sức cố gắng thiền về Người và nhìn thấy Người thì sẽ rất có ích. Vì vậy không bao giờ được từ bỏ nỗ lực này.

    Những bộ óc hiện đại với trí năng phát triển đã đưa Guru vào hoạt động thờ cúng thần tượng, nhưng việc này hoàn toàn không nên. Bởi vì Sadguru là Nirvanacitta, tâm giải thoát, bằng cách thiền quán về Người, hành giả có thể đạt đến giải thoát. Cổ nhân nói rằng thờ cúng thần tượng là cách thờ cúng thấp kém nhất. Đấng Vô Hạn còn vi tế hơn cả tâm trí, sẽ không bao giờ có thể bị giam cầm trong bốn bức tường của đền thờ. Không ai có thể cầm giữ được Ngài. Toàn thể vũ trụ cũng nằm trong Ngài. Vậy thì làm sao tượng và đền thờ có thể giữ được Ngài? Tâm trí của Người đồng thể với Đấng Tối Thượng. Do đó có câu, Thượng đế chính là Người, từ Người ân huệ tới, từ Người sự sống tồn tại và cũng chính từ Người mà sự sống ra đi. Đó là Thực Tại không có khởi đầu, không có trung gian, không có kết thúc, bất tử, bất biến, bất diệt, đó là Thượng đế. Cách thờ cúng Người tốt nhất là thiền quán về Người – Sadguru.

    Hoàn toàn hiến dâng nghĩa là tâm trí không ngừng khao khát Thượng đế, liên tục nghĩ đến Ngài và hoan hỷ chấp nhận mọi đau khổ cũng như niềm vui trong cuộc sống. Tự coi mình là một công cụ trong tay của Đấng Toàn Thể, sống tùy thuận bằng lòng, hết mình phục vụ cuộc đời và phó mặc mọi thứ cho Ngài.

    “Nếu yogi nhớ đến đôi sandal của Guru, cho dù nó sạch hay bẩn, với một tình cảm thiêng liêng, anh/chị ta sẽ dễ dàng thành tựu chân lý cuộc sống, có được sức khỏe, thỏa mãn các mong ước, đạt đến giải thoát.” (Kularnava Tantra).


    (Hết Tiểu luận)
    lanpurge, tranvukhanhThoihoado thích bài này.
  7. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Truyện kể về cuộc đời Guru Sarkar - Người sáng lập Ananda Marga
    (Anandamurti - The Jamalpur Years)
    Tác giả: Devashish

    Mục lục

    Giới thiệu

    Phần 1

    I. Một linh hồn tỉnh thức
    II. Những ngày đi học
    III. Kalikananda
    IV. Văn phòng kế toán: 1941 - 1947

    Phần 2

    V. Những học trò đầu tiên
    VI. Cuộc họp lần thứ nhất
    VII. Chứng minh cái chết
    IX. Nhiều người tìm đến
    X. Bindeshvari
    XI. Triết học định hình
    XII. Samkalpa
    XIII. Prachar
    XIV. Vòng tròn mở rộng
    XV. Thời gian biểu dương
    XVI. Sự điên rồ thần thánh
    XVII. Vấn đề thời đại
    XVIII. Người thầy mật giáo
    XIX. Một không gian để thức tỉnh
    XX. Lễ kỷ niệm nội bộ
    XXI. Mối quan hệ gia đình
    XXII. Hố chôn hổ
    XXV. Liên hệ cá nhân

    Phần 3

    XXVI. Đám cưới đặc biệt
    XXVII. Trung tâm đào tạo
    XXVIII. Đi tìm thành phố hạnh phúc
    XXX. Các tiền kiếp
    XXXI. Trong văn phòng
    XXXII. Những năm cuối ở Jamalpur
    XXXIII. Siêu thăng
    tranvukhanh thích bài này.
  8. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Phần 1: Một linh hồn tỉnh thức


    “Tương lai của nhân loại không hề đen tối. Tôi tin tưởng như vậy. Con người sẽ tìm kiếm và một ngày nào đó sẽ nhận ra ngọn lửa bất diệt hằng cháy đằng sau bức màn bóng tối.”

    Tôi đang ở trong tử cung của mẹ. Từ trong này tôi có thể nhìn thấy mẹ mình, tôi nhận ra bà thật thân quen. Tôi nhìn thấy bố, chị gái và các anh em họ hàng. Họ đều rất thân quen, tôi còn biết cả tên của họ.


    Tôi được sinh ra. Trẻ sơ sinh thường gào khóc lúc mới đẻ, nhưng tôi thì không. Tôi toàn cười. Thực ra tôi hạnh phúc khi được sinh ra. Tôi muốn gọi tên mọi người xung quanh bởi tôi biết rõ về họ, nhưng tôi không đủ khả năng. Thanh quản của tôi chưa cho phép nói chuyện. Họ muốn cho tôi ăn. Họ nhúng một mẩu bông vào vào cốc sữa, rồi nhỏ từng giọt sữa vào miệng tôi. Những người này thật khờ. Tôi bé bỏng đến mức phải ăn theo cách này sao? Tôi phản đối và đưa tay ra cầm chiếc cốc. Mọi người sửng sốt với hành động đó. Tôi nhận ra mình vừa làm hơi quá khiến họ cảm thấy khó hiểu, nên tôi quay trở lại làm một đứa trẻ sơ sinh.


    - Ký ức đầu đời của Anandamurti, được kể lại cho Amitananda hồi mùa đông năm 1969 ở Ranchi.


    Bên ngoài ngôi nhà của Lakshmi Narayana Sarkar và vợ, bà Abharani Devi, một thị trấn nhỏ ở Jamalpur, bắt đầu vào một ngày hè nóng nực, 11 tháng 5 năm 1922. Nhiệt độ có thể tăng dần lên tới 40 độ C, vì vậy, cư dân của thị trấn đều khẩn trương tận dụng không khí mát mẻ buổi sáng để hoàn thành mọi việc vặt trong nhà trước khi đi ra những con phố khô nóng như thiêu đốt. Một vài Phật tử của thị trấn đang bận rộn cho buổi lễ quan trọng nhất trong năm, ngày trăng tròn trong tháng Phật đản, tưởng nhớ ngày sinh của đức Phật. Cách đó vài trăm cây số, trong Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật giác ngộ, những người hành hưởng từ khắp nơi trên thế giới thắp hương và tụng chú để kỷ niệm ngày sinh của bậc giác ngộ khi mặt trời đang lên.


    Bên trong ngôi nhà ba phòng bình dân, nằm gọn trên mảnh đất nhỏ trong con đường nhánh nối liền đại lộ Keshavpur, gia đình di cư từ Bengal, cùng với những người họ hang đang tất tả chuẩn bị cho sự chào đời của đứa con thứ tư của đôi vợ chồng. Họ đang mong chờ một đứa con trai, nhất là Lakshmi Narayana. Trước đó vài hôm, ông thấy một linh ảnh, trong đó vợ ông sẽ sinh một đứa con trai nối dõi, vốn rất quan trọng trong truyền thống Ấn Độ, mà ông đã hy vọng từ lâu. Ông chắc chắn linh ảnh này sẽ là điềm báo đúng. Gia đình ông đã phải chịu đựng nhiều đau khổ qua những lần sinh nở. Đứa con gái thứ hai của ông đã mất khi mới hai tuổi rưỡi. Đứa con trai thứ ba của ông mất ngay khi mới chào đời. Chỉ có đứa con gái đầu lòng, Hiraprabha, bẩy tuổi là còn sống. Cô con gái hiền lành, thông minh nhanh nhẹn này sớm thể hiện năng khiếu âm nhạc khiến bố mẹ mình có những khoảng thời gian hạnh phúc trong nhiều năm. Lần sinh này, linh ảnh đã cho thấy điều khác biệt. Ông sẽ có cậu con trai sống lâu hơn ông và khiến ông tự hào. Ông háo hức chờ để được thấy điều này trở thành sự thật.

    Abharani Devi trở dạ buổi tối. Lúc sáu giờ bẩy phút, với sự giúp đỡ của hai người phụ nữ cao tuổi của gia tộc, bà Indumati Mitra và Vinapani Sarkar, một cậu bé hồng hào khỏe mạnh đã được sinh ra dưới những tia sáng nhẹ của mặt trời đang lên phản chiếu trên cơ thể cậu.

    Thực hiện nghi thức truyền thống gia tộc, Indumati nâng chiếc cốc bạc đầy sữa tươi, bà nhúng một nhúm bông vào sữa và cho cậu bé ăn từng giọt. Trước sự kinh ngạc của mọi người, đứa trẻ sơ sinh vươn tay với tới chiếc cốc và như thể cố gắng uống trực tiếp từ đó. Vinapani há hốc miệng và kêu lên: “Nó không phải là một đứa bé, nó là một burha, một linh hồn tỉnh thức.” Từ đó về sau, mỗi khi nhìn thấy đứa cháu ngoại đáng yêu nhất của mình, bà đều gọi cậu là “Burha” một cách trìu mến để nhớ lại khoảng khắc hiếm có đó.
    tranvukhanh thích bài này.
  9. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Lakshmi Narayana, một người Ấn giáo mộ đạo thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận triết học siêu hình trong ngôi nhà của mình với các vị học giả và những người sùng đạo. Tối hôm đó ông mời vài nhà chiêm tinh tới nhà mình để chuẩn bị lập lá số cuộc đời cho con trai. Được sự đồng ý của gia đình, họ đặt tên cậu bé là Prabhat Ranjan và với lá số trong canh giờ đó đã dự đoán một tương lai rạng rỡ cho đứa trẻ. Nội dung lá số khi được giải đã khiến các thành viên gia đình hoang mang. Các cung số cho thấy danh tiếng của cậu bé sẽ lan truyền khắp thế giới, mang lại vinh dự lớn cho song thân và dòng họ, nhưng nó cũng chỉ ra rằng cậu ta sẽ không làm gì nhiều cho gia đình mình. Cậu sẽ có phẩm chất của một đấng minh quân, nhưng sẽ dành trọn cuộc đời mình để sống như một thầy tu khổ hạnh, từ bỏ và sử dụng toàn bộ thời gian bên những người xuất gia và các yogi.

    [​IMG]

    Phần giải lá số của các nhà chiêm tinh đã khiến Lakshmi Narayana lo lắng. Đã từng có một lịch sử bất an trong gia đình cha ông từ các thành viên nam khi họ từ bỏ thế gian để trở thành những nhà tu khổ hạnh lang thang, và ông không mong muốn nhìn thấy con trai trưởng của mình trở thành một người như vậy. Ông quyết định đốt lá số. Ông cấm mọi người thảo luận về đề tài này trong gia đình và bạn bè, mặc dù trên thực tế ông có thể đọc lá số chính xác không kém các nhà chiêm tinh và luôn tin tưởng vào sự ứng nghiệm cao độ của ngành khoa học dự đoán cổ xưa này của Ấn giáo. Ngoài ra, ông chẳng muốn cái tương lai không mong đợi kia xảy ra khi ông hy vọng có thể cải biến được nó. Các thành viên gia đình cần phải tuân thủ nguyện vọng này của ông, ít nhất cho tới khi ông đã qua đời và khi mọi thứ đã rõ ràng rằng các nhà chiêm tinh đã dự đoán đúng về tương lai cậu bé. Tuy nhiên câu chuyện về chiếc cốc đã trở thành giai thoại trong gia tộc. Những người già trong dòng họ không ngừng nhắc lại chuyện Prabhat đã cố gắng uống sữa trực tiếp từ chiếc cốc ngay khi vừa lọt lòng.


    Các kinh nghiệm đặc biệt lần lượt được thêm vào danh sách những câu chuyện thú vị của gia đình. Trong năm đầu đời, Prabhat đã phải chịu đựng nỗi khổ tinh thần vì không thể đi lại được, cơ thể khó điều khiển buộc cậu phải trườn bò để di chuyển xung quanh. Cùi chỏ và đầu gối của cậu thường đau nhức. Mỗi khi chán nản cậu đều tự hỏi còn phải chịu đựng nỗi khổ này bao lâu nữa, và lần nào cũng có một giọng nói xuất hiện rõ ràng bên tai: “Một thời gian nữa, chỉ một thời gian nữa thôi. Tôi biết cậu đang khó chịu, nhưng chỉ ít ngày nữa thôi.” Cậu nhìn xung quanh, tự hỏi ai đang nói chuyện với mình nhưng chẳng có ai để nhìn thấy bao giờ. Khi cậu tập đi đã vững và trở nên thoải mái hơn với cơ thể mình, giọng nói ít xuất hiện dần và cuối cùng biến mất, nhưng cậu không bao giờ quên sự an ủi dành cho mình.


    Một đêm tối, khi Prabhat hai tuổi đang ngủ bên mẹ mình, cậu tỉnh dậy và nhìn thấy không gian xung quanh tràn đầy những quầng sáng êm dịu. Một cảm giác ngây ngất đưa cậu đi xa khỏi thực tại đến khi cậu không còn nhận thức mình đang ở đâu. Sau một vài hôm, cậu tiếp tục tỉnh dậy và thấy vô số sinh vật sáng ngời không giống nhau đang tuôn trào ra từ tai trái của mình. Cậu bé thích thú ngồi dậy và quan sát khi chúng đang nhảy múa xung quanh phòng. Đến lúc chúng tụ tập lại bên phía tai phải của cậu và chuẩn bị đi vào, cậu trở nên sợ hãi và quát to lên một tiếng rồi ôm chặt lấy mẹ. Khi bà đang giụi đôi mắt buồn ngủ của mình, cậu liền mô tả đám đông sinh vật mà cậu chứng kiến bay ra từ tai mình gồm: bò sát, thú, chim, côn trùng, người. Abharani dỗ dành cậu rằng đó chỉ là giấc mơ và bảo cậu ngủ tiếp. Nhưng giấc mơ đó lặp lại liên tục trong những ngày và những tuần tiếp theo. Thỉnh thoảng cậu đánh thức mẹ dậy và nhắc nhở bà thận trọng đối với các sinh vật đang hiện diện, như thể cậu đang nhìn chúng nhảy múa xung quanh trong phòng.


    Abharani ngạc nhiên về trí tưởng tượng quá phong phú của con mình. Bà tự hỏi liệu thằng bé có nhìn thấy tranh ảnh về các sinh vật kia. Tuy nhiên chẳng có cuốn sách nào trong phòng. Những lần khác, cậu nhìn thấy các ngôi sao, hành tinh và các thiên hà tuôn chảy ra từ tai mình thay vì các sinh vật. Khi các giấc mơ tiếp diễn, mẹ cậu bắt đầu thực sự lo lắng. Đôi khi bà kể lại với chồng, họ hàng và bạn bè rằng con trai mình yếu đuổi, thường bị khiếp đảm trong các cơn ác mộng.
    Lần cập nhật cuối: 29/08/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  10. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Những giấc mơ lạ lùng tiếp diễn. Một sáng, Prabhat nói với mẹ rằng đêm qua cậu nhìn thấy một ngôi làng ở xa bị cháy và một nhóm các nhà tu khổ hạnh chạy ra khỏi đó. Khi tin tức về vụ cháy và các thầy tu đến tai bà một vài ngày sau đó, bà mới biết rằng những gì con trai bà nhìn thấy không chỉ đơn thuần là giấc mơ, mà là linh ảnh. Điều này khiến bà tin rằng đứa trẻ mà bà sinh ra không phải người thường.


    Một hôm, bà có một cuộc tranh luận với mẹ chồng mình, Vinapani Sarkar, về sự việc xảy ra cách đó vài năm. Cuộc tranh luận tạm lắng trong chốc lát khi cả hai người cùng cố gắng nhớ lại chính xác những gì xảy ra hôm đó. Prabhat giúp họ gợi lại ký ức: “Con nhớ sự việc đó,” cậu nói thản nhiên và kể lại chi tiết câu chuyện mà họ đã quên.


    “Sao cháu biết chuyện đó?” bà nội cậu ngạc nhiên hỏi. “Lúc đó cháu còn chưa sinh ra.”


    “Cháu biết. Câu chuyện là như vậy.” Cậu đáp lại ngắn gọn.


    Abharani chỉ mỉm cười. Những năm sau đó, mỗi khi những đứa cháu hỏi bà điều gì không thể giải đáp, bà đều nói, “Hãy hỏi Prabhat. Nó biết mọi thứ. Cái gì bà không biết, nó đều biết.”


    Khi Prabhat lớn hơn, bản tính không ngừng hoạt động của cậu dần được định hình. Cậu bắt đầu dành phần lớn thời gian ở bên ngoài, sang nhà hàng xóm hoặc chơi với các bạn. Khi đó, cậu bị lôi cuốn vào những câu chuyện về Siva, vị thầy của các hành giả yoga, mà cậu nghe được từ cha mẹ và họ hàng. Cậu rất hứng thú với những câu chuyện kể về tính hào hiệp và cuộc sống ẩn dật của Siva. Vì cậu chỉ biết chút ít về tôn giáo và các nghi lễ, cậu dùng một Linga của Siva và mỗi buổi sáng trước bữa ăn, cậu tắm nó trong khi niệm bất cứ mantra nào nghe được từ những người lớn, sau đó cậu đặt nó trên một chiếc đĩa bằng đồng. Khi có chiếc Linga, cậu coi nó như một dấu hiệu cho thấy Siva chấp nhận sự thờ cúng của cậu.


    Nhiều lần, Prabhat ngồi xem một nhóm khất sĩ thường hay tập hợp trên một quả đồi nhỏ gần đó để ngân nga những lời tụng ca cầu nguyện trong vòng tròn xung quanh đống lửa thiêng. Nhiều cư dân trong thị trấn, bằng sự kính trọng dành cho các khất sĩ lang thang, cũng tham gia vào lễ tán thán.


    Khi Prabhat đang lắng nghe những lời tụng niệm của các khất sĩ cầu nguyện Siva, cậu phát hiện ra các vị này đang cố làm mủi lòng những người xung quanh. Cậu không thích thói quen hút cỏ gai dầu trong ống tẩu của họ. Với đôi mắt tinh nhanh của một đứa trẻ, cậu nhận thấy tâm trí của họ dường như gắn chặt vào đồ ăn mà cư dân thị trấn mang đến cho họ hơn là chú tâm vào việc hành thiền.


    Trong khoảng thời gian này, một giấc mơ xuất hiện định kỳ bắt đầu. Một đêm, cậu mơ thấy mình đang ở giữa một cơn cuồng phong. Cơn lốc nhấc bổng cậu lên và thổi bay cậu trong không trung đến khi đột ngột thả cậu xuống một bãi cát rộng bên bờ sông Hằng, lấp đầy cát vào mắt và miệng. Cậu dụi sạch cát khỏi mắt, khi mở ra cậu nhìn thấy một khất sĩ đang đứng trước mặt với một cây đinh ba trong tay. Vị khất sĩ bắt đầu niệm một câu chú dài, sau đó ông yêu cầu Prabhat lặp lại theo ông.


    “Không!” Prabhat quát lên.


    “Hãy niệm đi con trai,”vị khất sĩ đề nghị. “Nó sẽ tốt cho con.”


    “Không, dưới bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng sẽ không niệm câu chú đó.”


    Trong khoảng khắc đó, cơn bão nổi lên và nâng cậu lên không trung, mang đi và thả cậu xuống trở lại chiếc giường của mình. Cậu nhận ra đó chỉ là một giấc mơ, nhưng sự việc còn như nguyên vẹn trong tâm trí cậu đến hết buổi sáng.


    Trong hai mươi đêm liên tiếp nhau, Prabhat đều có giấc mơ giống như vậy; cậu nhớ câu Mantra đó nhanh chóng, không phải vì cậu cố gắng để nhớ mà chỉ đơn giản là vì cậu nghe nó thường xuyên.

    Khi ấy, cậu bắt đầu có cảm giác như bị dồn vào đường cùng. Cậu nghĩ mình bị yếu thế khi hàng đêm vị khất sĩ đe dọa cậu với cây đinh ba, mặc dù ông ta chưa sử dụng nó. Cuối cùng cậu hạ quyết tâm nếu giấc mơ tương tự tiếp tục, cậu sẽ chấm dứt nó. Giấc mơ tiếp tục tái diễn, giống hệt như hai mươi đêm trước, nhưng lần này khi vị khất sĩ vung cây đinh ba và cảnh cáo cậu phải niệm câu Mantra, Prabhat giật lấy cây đinh ba và ném về phía khất sĩ. Cậu nghe thấy một tiếng va mạnh. Khi nhìn lại, vị khất sĩ đã biến mất, chỗ ông đứng có một bức tượng đá của Siva. Âm thanh cậu vừa nghe thấy là tiếng bật nẩy của chiếc đinh ba từ bức tượng. Có một nụ cười như được khắc trên khuôn mặt bức tượng khiến Prabhat cảm thấy như Siva đang mỉm cười hân hoan với mình. Lúc đó, giấc mơ chấm dứt, Prabhat thấy mình đang ở trên giường, ướt đẫm mồ hôi. Giấc mơ không quay trở lại nữa.
    tranvukhanh thích bài này.

Chia sẻ trang này