1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

RAJADHIRAJA YOGA (Giới thiệu hệ thống các bài thiền của Yoga Ananda Marga)

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi phunglam, 15/07/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Từng người một, Prabhat âm thầm điểm đạo cho các đệ tử mới trong số các đồng nghiệp đường sắt, luôn giữ vững nguyên tắc bí mật để ngăn ngừa họ biết về nhau. Chẳng mấy chốc, những người nhận lễ điểm đạo đã mở rộng ra ngoài phạm vi Jamalpur. Bắt đầu từ người bạn thuở thiếu thời, Shiva Shankar Bannerjee, người hàng xóm lớn lên ở Keshavpur. Đôi khi trong năm 1951, Shiva Shankar quay về Jamalpur để thăm gia đình, nghỉ phép hai tuần từ nhiệm sở với vai trò một phó thanh tra cảnh sát. Quãng thời gian đó, anh đang khổ sở với chứng khó thở của mình và đã đi gặp nhiều bác sĩ khác nhau, trải qua nhiều loại hình điều trị nhưng căn bệnh không hề thuyên giảm. Vì vậy anh vô cùng thất vọng. Ngay khi vừa tới Jamalpur, anh nhìn thấy người bạn thời niên thiếu đang đi ngang qua nhà mình. Hai người mừng rỡ gặp lại nhau và hàn huyên về thời xưa cũ. Khi Prabhat hỏi thăm tình trạng hiện giờ, Shiva Shankar phàn nàn về sức khỏe của mình và tỏ ra tuyệt vọng vì chưa tìm thấy phương thuốc nào hiệu quả.


    “Tôi biết cách điều trị căn bệnh của anh,” Prabhat gợi ý: “Có một phép tu luyện mà tôi có thể dạy anh, với một điều kiện, tôi không chắc là anh sẽ thích nó.”


    “Anh nhất định phải dạy tôi,” Shiva Shankar đáp đầy hy vọng, “chứng bệnh này hủy hoại cuộc sống của tôi. Tôi sẵn sàng thử nghiệm bất cứ phương pháp nào, miễn là nó có hiệu quả.”


    “Tôi sẽ dạy anh,” Prabhat trấn an, “nhưng anh phải nhận tôi làm guru. Anh có đồng ý không?”


    Shiva Shankar ngạc nhiên khi nghe thấy bạn mình trở thành một guru. Nhưng anh muốn tìm cách giảm bớt căn bệnh của mình.


    “Nếu nó hiệu quả, tôi sẵn sàng.”


    “Nó chắc chắn sẽ có công hiệu.”


    Prabhat dẫn anh vào phòng và dạy phép thiền định, một kỹ thuật pranayama – kiểm soát năng lượng chuyên biệt, cùng với vài asana. Cậu đưa ra quy định bắt buộc về chế độ ăn kiêng và thuốc thang điều chế từ việc chưng cất các loại lá cây trong sữa đun nóng ở nhiệt độ chưa sôi. Shiva Shankar thực hành các bài luyện một cách thành tâm đi kèm với thuốc uống. Khi sắp kết thúc kỳ nghỉ, anh rất cảm động khi nhận ra chứng bệnh kinh niên dường như đã biến mất. Trước khi trở về nhiệm sở, anh cảm tạ Prabhat về phương cách chữa trị thần kỳ và tiết lộ anh đã thực sự coi cậu là guru của mình. Prabhat dạy anh bài thiền thứ hai, Guru Mantra, và những hướng dẫn chi tiết về kỷ luật sống đi kèm các thực hành.


    Khi Shiva Shankar rời Jamalpur trở về với công việc ở Sahebganj, anh mang theo những lời dạy của Prabhat, bao gồm kỷ luật sống, đạo đức, yama và niyama. Tuy nhiên trong công việc, anh cảm thấy ngày càng khó để áp dụng các chỉ dẫn từ guru. Do đó anh xin chuyển về một tiền đồn nhỏ ở bang Bihar với hy vọng sẽ được tự do sống theo các nguyên tắc của mình. Đơn xin chuyển việc của anh được nộp vào cuối năm 1952, và được chuyển tới Dumka dưới quyền chỉ huy của vị thượng sĩ 35 tuổi, Chandranath Kumar.


    Chandranath là một sĩ quan hiếm có ở Bihar, người tuân thủ kỷ luật sống nghiêm khắc về đạo đức và cẩn trọng tuyệt đối trong công việc. Cao, gầy, khỏe mạnh, đề cao thanh danh, anh được nuôi dạy bởi người cha nghiêm khắc, luôn đề cao giá trị của một cuộc sống đơn giản, ngay thẳng. Khi vị sĩ quan mới đến, anh cảnh giác để ý xem người này có vô trách nhiệm, xấu tính, hoặc các khuyết điểm khác đã khiến y buộc phải chuyển việc hay không. Nhưng anh lại phát hiện ở con người này một sự mẫu mực đi kèm với hạnh kiểm hiếm thấy trong mọi khía cạnh từ tính cách tới sinh hoạt đời tư. Tò mò, cuối cùng anh hỏi Shiva Shankar xem vì sao lại tự nguyện chuyển việc.


    Khi nghe câu chuyện của Shiva Shankar, Chandranath cảm thấy một nguồn cảm hứng thiêng liêng dâng tràn như sóng biển. Bản thân anh đã mất nhiều năm đi tìm một vị thầy tâm linh. Suốt thời gian đó, anh đã gặp vài vị guru mà không thấy có hứng thú với bất cứ vị nào cho đến khi anh gặp một bậc thánh ở làng quê Gaddopur của mình, người để lại cho anh ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên khi anh xin được điểm đạo, vị thánh đã từ chối, nhưng bảo đảm: “Con sẽ được điểm đạo vào thời điểm thích hợp.” Giờ đây, sau một năm, Chandranath có linh cảm thời điểm đó đã tới. Anh bảo Shiva Shankar rằng anh muốn được gặp người có khả năng giáo hóa phi thường đó. Shiva Shankar chuyển thông điệp tới guru và chờ phản hồi. Đề nghị của anh được chấp nhận và ngày giờ hẹn được ấn định. Chandranath xin nghỉ phép để tới Jamalpur.


    Khi Chandranath tới nhà Prabhat, Manas đang ngồi trước hiên. Manas dẫn anh vào tiền phòng, đi xuyên qua một bức rèm và thông báo với anh mình có khách đến thăm. Từ phía bên kia bức rèm, Chandranath nghe thấy tiếng nói: “Thời điểm đó đã đến rồi sao?” vang lên hệt như những lời vị thánh cùng làng với anh. Sau một lúc, Prabhat đi qua cửa và kéo ghế mời Chandranath ngồi. Sau khi Chandranath tự giới thiệu bản thân, Prabhat bảo anh có thể hỏi bất cứ điều gì, cậu sẽ cố trả lời trong khả năng.


    “Tôi đến đây mà không mang theo câu hỏi nào,” Chandranath nói, “Tôi đến vì muốn được điểm đạo vào con đường tâm linh.”


    “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?” Prabhat hỏi.


    “Chắc chắn rồi, tôi đã tìm kiếm một bậc đạo sư lâu nay. Tôi cảm thấy mình đã tới đúng chỗ.”


    Thái độ của Prabhat thay đổi đột ngột. Bằng một giọng điệu nghiêm trang, cậu chỉ dẫn Chandranath ngồi xuống trước mặt mình trong thế hoa sen với hai chân bắt chéo. Sau đó cậu làm lễ điểm đạo cho anh. Khi kết thúc, Prabhat đưa anh một mảnh giấy ghi mười điều yama và niyama kèm theo chú giải ngắn gọn. Cậu muốn đảm bảo người học trò mới đến hiểu rõ từng vấn đề, rồi dặn: “Hãy tuân thủ yama và niyama thật nghiêm khắc. Đừng để tư cách đạo đức của anh có điều gì làm xấu mặt tôi. Thông qua hạnh kiểm của trò mà người ta sẽ biết thầy là dạng người nào. Hãy khiến gương mặt anh luôn tỏa rạng ánh sáng tâm linh.”
    Lần cập nhật cuối: 08/12/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  2. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Sau một cuộc nói chuyện ngắn, trong đó Prabhat giải thích nhiều phương diện của việc thực hành tâm linh và cuộc sống tâm linh, cậu hỏi Chandranath: “Linh hồn đến từ đâu? Nó sẽ trở về đâu? Nó sẽ tồn tại ở đâu khi nó chìm trong u mê tăm tối?” Chandranath không thể trả lời, Prabhat giải đáp luôn: “Linh hồn đến từ thế giới tuyệt đối, duy trì trong thế giới tương đối, và dính mắc vào thân mạng khi bị mê man trong thế giới huyễn ảo.”


    Khi Chandranath chuẩn bị ra về, Prabhat dặn dò thêm: “Hãy thực hành tâm linh nhiều nhất trong khả năng. Tìm kiếm cơ hội phục vụ mọi người. Hãy nhớ lời Tulsi Das: “Khi bạn đến thế giới này, bạn đang khóc và thế giới đang cười. Hãy sống theo cách để khi bạn rời bỏ thế giới này, thế giới sẽ than khóc còn bạn đang cười.”


    Chandranath khắc ghi những lời dạy của Prabhat vào trong tâm tưởng. Anh bắt đầu hành thiền bằng tất cả lòng thành. Mùa xuân năm đó, Nagina Prasad Sinha, người họ hàng xa cùng tuổi công tác ở Sở Thuế trung tâm Bhagalpur, tới thăm anh. Trong bữa tối, Nagina ngạc nhiên thấy người bạn thân phục vụ mình đồ mặn, trong khi anh ta ăn đồ chay. Khi Nagina hỏi lý do, Chandranath giải thích rằng giờ đây anh ta đang thực hành thiền định và yoga. Các yogi khuyến cáo một chế độ ăn kiêng với đồ chay cho những ai muốn tiến bộ trên con đường tâm linh vì thịt và các thực phẩm mặn khác sẽ làm lu mờ tâm trí và kích động các xu hướng bản năng thấp kém. Chandranath cũng ngừng hút thuốc lá vì lý do đó. Nagina bị chạm tự ái. Anh vốn là người cường tráng, một cựu đô vật thời trung học, thích uống rượu, hút thuốc và rất sành các các món ăn Châu âu. Những tháng sau đó, anh cố thuyết phục Chandranath từ bỏ mối quan tâm mới xuất hiện ở bạn mình, nhưng anh không thể gây ra bất cứ ảnh hưởng nào lên người bạn kiên định của mình.


    Tháng 10, Chandranath tới Bhagalpur và ở lại chỗ ở Nagina. Buổi tối, Nagina tranh thủ chuyến thăm của người họ hàng để trút bầu tâm sự. Trong vài tháng gần đây, sếp của anh ta tìm đủ mọi cách để làm cuộc đời anh khốn khổ. Tới hôm nay, vấn đề đã trầm trọng đến mức Nagina không biết có thể chịu đựng thêm nữa hay không. Chandranath lắng nghe chăm chú rồi an ủi bạn mình: “Nagina, tôi không khoan nhượng bất cứ ai cố gắng làm hại tôi. Cho dù nếu Thượng Đế muốn, Ngài cũng phải dè chừng về điều đó.” Sau đó Chandranath đi vào phòng khách để thiền định, bỏ lại bạn mình đang trầm tư về điều vừa nói.


    Khi Chandranath đang thiền, Nagina ngả lưng lên chiếc võng ở phòng kế bên và tự hỏi mãnh lực nào thúc đẩy Chandranath khiến hắn dám thách thức cả Thượng Đế. Anh biết rất rõ người bạn nối khố của mình chẳng phải dạng người khoa trương năng lực vốn có hoặc ba hoa dù chỉ một lời để tự tâng bốc bản thân. Khi đang nghĩ về điều bạn mình nói, anh bất chợt thấy hình ảnh một chàng trai đang nhìn mình chằm chằm, xuất hiện ngay trong tâm trí của anh. Chàng trai không cao, da sáng, tóc đen lượn sóng, đeo kính râm, mặc quần áo dhoti và kurta truyền thống. Khuôn mặt chàng tỏa rạng ánh hào quang thần thánh. Tâm hồn Nagina bị xâm chiếm bởi một niềm hạnh phúc bao la vô tận khi đối diện với linh ảnh. Say mê trong niềm hứng khởi xuất thế gian, chỉ đến khi người phục vụ cất tiếng gọi, linh ảnh cùng muôn vạn ánh hào quang mới tan biến. Anh ngạc nhiên khi thấy người phục vụ nói đã dọn xong bữa tối từ lâu và Chandranath đang đợi anh. Nhìn lên đồng hồ, anh giật mình khi biết thời gian đã trải qua hai tiếng.


    Khi hai người đang ăn tối, Nagina bắt đầu tấn công bạn mình bằng những câu hỏi dồn dập về việc thực hành yoga, nhưng Chandranath trả lời với một thái độ rất lãnh đạm. Nagina hỏi phải chăng bạn mình có một guru, Chandranath công nhận, nhưng không được phép tiết lộ về thầy mình. Nhận ra sẽ không thể khai thác thêm được gì từ bạn mình, Nagina thay đổi chiến thuật, anh bảo rằng sẽ mô tả một người xem Chandranath có thể cho biết đó là ai. Nagina nêu ra các đặc điểm chi tiết về chàng trai trong linh ảnh của mình.


    Chandranath nhìn bạn mình đầy nghi ngờ: “Tại sao anh làm phiền tôi với hàng tá câu hỏi về người anh đã biết rõ là ai?”


    Nagina ngạc nhiên vì nghi vấn của mình đã được xác thực. Anh kể lại chuyện đã xảy ra với mình khi Chandranath đang thiền. Anh nài nỉ bạn mình sắp xếp một cuộc gặp với vị thầy đó.


    “Tôi sẽ cố hết sức,” Chandranath nói, “Nếu chỉ bằng sự truyền tâm của thầy đã có thể khiến anh thay đổi toàn diện trong một khoảnh khắc như vậy, thì một khi được ban phúc và nằm dưới sự gia hộ của Người, anh sẽ có khả năng thách thức cả Thượng Đế.”


    Khi Nagina biết vị thầy sống ở Jamalpur, chỉ hai giờ đi bằng tàu hỏa, anh gợi ý họ nên ra luôn nhà ga để bắt chuyến tàu đêm. Sau đó họ có thể quay lại vào sáng ngày mai sau khi Nagina được điểm đạo và ban phúc.


    “Điều đó là không thể, Nagina. Không ai được phép biết guru là ai, sống ở đâu khi chưa được sự đồng ý của ông trước đó.”


    “Vậy thì hãy đi và xin phép ông giúp tôi ngay.”


    “Anh vừa là bạn, vừa là họ hàng của tôi. Tôi biết anh đang trải qua một thời kỳ khó khăn, nên tôi sẽ đi Jamalpur để chuyển giúp anh lời thỉnh cầu, nhưng tôi không đảm bảo anh sẽ có được phản hồi tích cực. Một số người phải đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để được sự đồng ý từ thầy, vậy mà giờ đây anh lại đòi hỏi được chấp nhận luôn, cùng với sự ban phúc của ông.”


    Nagina trải qua một ngày bồn chồn ở văn phòng trước khi Chandranath quay lại Bhagalpur tối ngày hôm sau để thông báo qua điện thoại là vị thầy đã đồng ý nhận Nagina và cho phép anh tới nhận lễ điểm đạo. Tối đó, Chandranath khiến Nagina đứng tim khi kể rằng trước khi kịp trình bày về lời thỉnh cầu của bạn mình, guru đã nói: “À, anh tới để nói về bạn mình, Nagina.”



    Ngày mùng 3 tháng 11, khi Nagina tới nhà Prabhat, bước chân vào phòng khách, anh bồi hồi xúc động khi nhìn thấy gương mặt sáng ngời đã nhìn thấy trong linh ảnh. Prabhat bảo anh ngồi xuống theo thế hoa sen và làm lễ điểm đạo. Trước khi buổi lễ kết thúc, Nagina cảm thấy đau lưng, anh phải ngồi sụp xuống.

    “Anh không thể ngồi thẳng lưng được phải không?” Prabhat hỏi.

    “Tôi bị đau lưng từ lâu rồi. Thật khó để ngồi trong tư thế này.”

    Prabhat nhắm mắt lại một lúc, khi mở ra cậu nói: “Hãy uống nước nóng thì cơn đau sẽ không còn.”

    Sau lễ điểm đạo, Nagina thắc mắc liệu có cần thiết trở thành người ăn chay trường để hành thiền và luyện tập yoga. “Tôi không biết liệu tôi có thể sống mà không ăn thịt.”

    Prabhat cười: “Tốt hơn hãy trở thành người ăn chay trường. Thực tế, sẽ còn tốt hơn nếu kiêng cả hành và tỏi. Chúng thậm chí còn gây ra nhiều tính chất trì trệ hơn cả thịt.”

    “Nhưng làm sao tôi có thể ngừng ăn thịt. Chỉ đơn giản là tôi không thể.”

    Prabhat cười lớn: “Tới giờ, anh chỉ nghĩ tới chuyện làm sao để chế biến thịt cho ngon nhất. Có lẽ anh chưa từng nghĩ tới chuyện bỏ ăn mặn. Hãy nghĩ về điều đó xem anh có thể hay không. Con đường và hành trình tôi chỉ ra cho anh rất trí tuệ và logic,” Prabhat nói tiếp, “Hãy hiểu nó một cách chuẩn xác và thực hành theo từng bước. Sadhana, thực hành tâm linh, là điều bắt buộc đối với sự sống của con người. Tuy nhiên hãy đặt câu hỏi, tại sao anh thực hiện điều đó. Nếu anh hiểu lý lẽ đằng sau nó, anh sẽ có thêm nhiều động lực và hứng khởi để vượt qua vấn đề của bản thân.”

    Sau khi trở về Bhagalpur, Nagina quên mất chỉ dẫn của Prabhat về việc uống nước nóng. Thay vào đó, anh tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ. Tình trạng của anh ngày càng tồi tệ. Chẳng bao lâu sau, anh thấy khó thở và phải nằm dài trên giường, không thể ngồi dậy hoặc đi lại nếu không được hỗ trợ. Các bác sĩ khuyên anh tới Patna, thủ phủ của bang, để chụp x-quang. Hai tuần sau lễ điểm đạo, vào một ngày Chủ Nhật, Chandranath tới rủ bạn mình tới Jamalpur tham gia chương trình cuối tuần. Nagina không còn khả năng để đi. Anh nhờ Chandranath gửi lời chào tới thầy và trình bày rằng sau lễ điểm đạo, anh không thể ngồi xuống và hành thiền đúng cách vì cơn đau. Chandranath quay lại tối hôm sau và chất vấn Nagina:

    “Guru bảo anh dùng nước nóng, nhưng thay vì tuân theo chỉ dẫn, anh lại nương vào mớ thuốc thang này. Cần phải chấm dứt ngay lập tức.”

    Chandranath gom tất cả thuốc men trên bàn lại rồi đề nghị người phục vụ gia đình Nagina trả lại hiệu thuốc ngay ngày hôm sau. Tiếp theo anh yêu cầu người phục vụ và vợ Nagina nghiêm khắc tuân thủ hướng dẫn cách dùng nước nóng. Từ lúc đó, họ chẳng mang cho Nagina bất cứ thứ gì ngoài nước nóng để uống. Khi Nagina tỉnh dậy vào sáng hôm sau, cơn đau của anh đã giảm đi nhiều. Chỉ trong vài hôm, nó đã biến mất hoàn toàn.

    Sau lễ điểm đạo của Nagina, số học trò mới được tăng lên đáng kể trong Sở Thuế. Vì Prabhat không cho phép các đệ tử tiết lộ về thầy khi chưa được phép, cậu bảo họ nếu ai đó tìm đến với khát khao chân thành để học cách thực hành tâm linh, họ có thể gửi tên người đó tới cậu. Nếu Prabhat chấp thuận, họ có thể cho người đó biết tên và địa chỉ của cậu cùng thời gian làm lễ điểm đạo.

    Chandranath sau đó được chuyển công tác tới trung tâm huấn luyện sĩ quan ở Nathnagar, ngoại ô của Bhagalpur. Sự xuất hiện của anh ở đó có một ảnh hưởng lớn đến độ, chẳng mấy chốc, số học trò mới ở cơ quan này đã nhiều gần bằng ở công ty xe lửa Jamalpur. Vài năm sau, có lần Prabhat đã nói đùa rằng cách mà cậu thích nhất trong việc truyền bá giáo lý của mình là để cho các đệ tử điều chuyển công tác.
    Lần cập nhật cuối: 10/12/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  3. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    VI. CHIẾC KÉO VŨ TRỤ


    Gần ba năm sau lễ điểm đạo của Pranay, anh vẫn tiếp tục gọi thầy mình như một người bạn hoặc đồng nghiệp, gọi là Dada hoặc Prabhat-da mặc dù anh rất kính trọng guru. Một hôm trong khi đang đi dạo trên cánh đồng, Prabhat bảo anh cách xưng hô như vậy không phù hợp đối với thầy và trò, không nên gọi thầy là “Dada”, ngoại trừ đang trong văn phòng hoặc ở nơi công cộng, hãy gọi là “Baba”. Từ đó, Pranay tuân theo cách gọi truyền thống này bất cứ khi nào họ gặp nhau riêng rẽ. Prabhat quy định các học trò khác cũng xưng hô như vậy. Chẳng mấy chốc, mọi người đều gọi thầy là “Baba”, cho dù một số người như Chandranath hay Nagina còn nhiều tuổi hơn thầy.


    Số học trò tiếp tục tăng lên, trừ một số ngoại lệ, thường các học trò không biết những người khác là ai, chỉ biết người dẫn dắt họ đến với thầy và người mà họ đích thân giới thiệu với thầy. Baba đưa ra một quy định là nếu họ thấy thầy đi cùng ai khác, dù ở nhà hay trên cánh đồng, họ nên quay về và gặp thầy vào một dịp khác. Biện pháp này cho phép Baba giữ kín thân phận của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt.


    Một ngày trong năm 1952, Subodh Chatterjee, một người bạn đã từng được nhận lễ điểm đạo trước đó một năm, nói chuyện với bác sĩ Sachinandan Mandal, người cùng lớn lên với Baba. Trong lúc chuyện trò, Subodh nhìn thấy Baba đi ngang qua đường. Chuyển hướng câu chuyện sang Baba, Subodh tiết lộ cho Sachinandan biết Baba đã trở thành một yogi siêu phàm với các quyền năng phi thường cùng với hệ thống triết lý riêng. Hàng tối, những con người khác nhau đến với thầy trên cánh đồng để lắng nghe kiến thức tâm linh, để được ban phúc và chứng kiến những phép màu. Nghe vậy, Sachinandan nhớ ra một vài sự kiện khiến anh lặng người. Mới đây, một người bạn trong nhóm, Gopi Kishore kể lại, có lần anh tới chỗ Baba xin lời khuyên và phát hiện ra hiểu biết của Baba thật vô hạn, đến những chuyên gia trong các lĩnh vực đặc thù của họ cũng khó mà sánh được. Một lần khác, Sachinandan đang đi xuống cầu thang từ tầng hai văn phòng sau khi khám cho một bệnh nhân, cùng lúc đó Baba đang đi lên cầu thang. Khi đi ngang qua nhau, Baba hỏi có phải bệnh nhân của anh đang khổ sở vì cơn đau ở cả hai phía. Ngạc nhiên với câu hỏi, Sachinandan thoáng nghĩ rằng chắc Baba nhìn thấy anh ta qua cửa sổ khi đang khám cho bệnh nhân ở cả hai phía bằng ống nghe tim phổi, cho đến khi anh nhận ra điều đó là không thể xảy ra, vì trên thực tế độ cao của cửa sổ không cho phép.


    Sau khi nghe Subodh tiết lộ, Sachinandan quyết định đến tìm người bạn học cũ để học hỏi. Nhưng khi gặp Baba và kể rằng đã nghe về sự vĩ đại của thầy, rằng anh rất muốn học hỏi. Baba từ chối: “Vô lý. Những người đó bịa chuyện. Tôi chẳng biết gì cả.” Sachinandan không nản lòng. Anh tiếp tục đeo bám Baba dai dẳng bất cứ lúc nào gặp mặt. Cuối cùng, Baba bảo rằng sẽ giới thiệu anh tới một vị thầy Mật giáo ở Nathnagar nếu anh thực sự quan tâm, nhưng Sachinandan vẫn cương quyết chỉ học từ thầy. Baba khuyên anh trước tiên hãy đọc các sách của Ramakrishna, sau đó thầy sẽ xem xét. Hai tháng sau, thầy trao cho anh một mảnh giấy ghi tay liệt kê mười điều yama và niyama rồi dặn anh thực hành theo. Vài hôm sau, Baba gọi anh tới nhà để làm lễ điểm đạo.


    Tuần đầu của tháng 2 năm 1953, Sachinandan có cơ hội đi dạo tối với Baba và Sadhan Dey, người mà anh không quen biết, cũng mới nhập môn. Khi tới ngôi mộ hổ, họ cùng ngồi xuống và bắt đầu nói chuyện, một trình tự mà Baba luôn thực hiện mỗi tối, bất kể ai đang đi cùng thầy. Sau một lúc, Baba nhìn lên trời và bắt đầu nói về thiên văn học. Được một vài phút về chủ đề này, thầy chìm vào yên lặng. Thầy phá tan bầu không khí tĩnh mịch khi yêu cầu Sadhan nhắm mắt lại, tập trung vào luân xa mắt, Ajna chakra. Sachinandan vừa được điểm đạo, say sưa theo dõi sự việc khi Sadhan dường như đang đi vào trạng thái nhập định. Tiếp theo Baba hướng dẫn Sadhan hướng tâm trí tới dịnh thự của tên trùm khủng bố ở quốc gia khác xem hắn, Abdu Rajid đang làm gì. Đang chăm chú theo dõi bằng linh ảnh của tâm nhãn, Sadhan trả lời hắn đang ngồi một mình. “Hãy thâm nhập vào tâm trí hắn xem hắn đang nghĩ gì,” Baba tiếp tục chỉ dẫn. Sadhan trả lời rằng hắn đang ủ mưu làm sao reo rắc chủ nghĩa khủng bố ra toàn thế giới, hắn đang lập kế hoạch tấn công các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Ấn Độ. “Hãy bảo hắn bỏ ngay những âm mưu đó đi,” Baba ra lệnh, “nếu không đó sẽ là thảm họa cho chính hắn.” Sau đó Baba hướng dẫn Sadhan xả thiền, ra khỏi trạng thái nhập định và bắt đầu nói về lịch sử quận Birbhum, quê hương của Sachinandan.


    Ba tuần sau, Baba đang ngồi trên mộ hổ với Haraprasad và Shiva Shankar Bannerjee. Giữa cuộc đàm đạo, đột nhiên Baba hỏi Haraprasad có muốn kinh nghiệm về cái chết không. Haraprasad, mường tượng ra thảm cảnh éo le, đã lễ phép từ chối. Baba khuyến khích, nói rằng anh không việc gì phải sợ, thầy sẽ đưa anh trở lại cuộc sống sau đó, nhưng Haraprasad không dám trải nghiệm. Vừa lúc đó, một người đàn ông mặc áo lính đi ngang qua khu vực gần mộ hổ. Baba gọi người đó bằng ngôn ngữ Bhojpuri, đề nghị ông lại gần và ngồi xuống một lúc. Họ tán gẫu vài câu, sau đó Baba đưa hai tay lên thực hiện một thủ ấn đặc biệt. Người lính ngã nhào. Baba bảo Haraprasad kiểm tra mạch đập nhưng không thấy dấu hiệu gì. Người lính có biểu hiện chết lâm sàng, điều này gây nên một nỗi hoảng sợ đối với hai đệ tử.


    “Đừng lo,” Baba trấn an, “Thầy sẽ đưa ông ta trở về, nhưng trước hết thầy sẽ đưa một linh hồn lang thang chưa tìm được thân xác mới vào trong cơ thể này.”


    Hai đệ tử điếng người, lấm lét theo dõi thầy thực hiện phép du hồn. Baba giơ chân ra chạm ngón cái vào Ấn Đường của người lính. Thân xác người lính bắt đầu cựa quậy nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền.


    “Tới ngay dinh thự của Abdu Rajid,” Baba ra lệnh “và cho ta biết ngươi nhìn thấy gì.”


    Linh hồn lang thang, thông qua thể xác người lính trả lời: “Hắn đang trong hội trường với các thủ lĩnh khác. Hắn đang giảng giải điều gì đó và chỉ lên bản đồ.”


    “Hãy thâm nhập vào tâm trí hắn và khám phá kế hoạch của hắn.”


    “Hắn đang lên kế hoạch đưa khủng bố vào Ấn Độ.”


    “Bảo hắn dừng lại ngay lập tức, nếu không hắn sẽ gặp tai họa.”


    “Tôi bảo hắn rồi.”


    “Hắn phản ứng thế nào?”


    “Một chút sợ hãi dấy lên trong tâm trí hắn. Hắn rời hội trường và đi vào phòng riêng.”


    “Tốt rồi.” Baba chuyển sự chú ý trở hai hai người học trò và bắt đầu đàm luận về các chủ đề khác trong khi thân xác người lính nằm im bất động bên cạnh ngôi mộ hổ.


    Nửa giờ trôi qua, Baba lại quay sang người lính và ra lệnh cho linh hồn lang thang quay trở lại dinh thự để xem Abdu Rajid đang làm gì.


    “Hắn đã vượt qua nỗi sợ và chuẩn bị ban hành mệnh lệnh tới các thủ lĩnh cấp dưới.”


    Baba nói: “Abdu Rajid không tỉnh ngộ. Thời giờ của hắn đã điểm.” Baba giơ ngón trỏ tay phải lên không khí và làm động tác cắt xuống dứt khoát, đồng thời đọc chú: “NiPat Jao”(hủy diệt).


    Sau một lúc, Baba ra lệnh cho linh hồn lang thang rời bỏ thân xác khiến thân thể người lính không còn sức sống. Mệnh lệnh tiếp theo dành cho linh hồn người lính quay lại cơ thể mình, sau một hồi, người lính bắt đầu thở, tay chân dần cử động nhẹ nhàng. Trải qua vài phút, ông mở mắt, ngồi dậy, quá mệt mỏi nên không thể nói chuyện. Baba bảo hai đệ tử xoa bóp cho ông tới khi ông đủ sức khỏe đứng dậy và bỏ đi.


    Mấy hôm sau, Haraprasad có thêm cơ hội được đi dạo cùng Baba. Trên đường về, sau khi hộ tống Baba vào nhà, anh thấy một đám đông đang tụ tập trước loa phát thanh trong một cửa hàng bánh kẹo. Anh dừng lại nghe thông tin và sửng sốt khi biết tin về cái chết của Abdu Rajid giờ mới được công bố.


    Năm 1970, khi Baba đang đi dạo với một đệ tử miền nam Ấn Độ, Bhaktavatsalam. Trong lúc nói chuyện, Baba kể: “Tối đó thầy đang ngồi trên ngôi mộ hổ, một bậc thánh chuyển thế nhỏ tuổi trên Himalaya gửi thầy một thông điệp thần giao cách cảm: “Baba, Abdu Rajid đang lên kế hoạch đưa khủng bố vào nằm vùng Ấn Độ, hãy làm gì đó ngay.” Ba tuần sau, thầy đang ngồi trên mộ hổ thì cậu bé lại gửi thầy một thông điệp thần giao cách cảm khác: “Baba, Abdu Rajid chuẩn bị tung lực lượng vào Ấn Độ, hãy làm gì đó ngay.” Con biết không, hắn chết sau đó ít phút.


    Cũng trong năm, Baba có buổi thuyết giảng ở Ranchi. Thầy dạy rằng mọi thứ xảy ra đều do ý muốn của Tâm Thức Tối Cao, chẳng có gì thực hiện được mà không do ý muốn của Ngài. Sau đó thầy yêu cầu Vinayananda đứng dậy và thuyết trình về Ananda Marga. Giữa chừng, Baba tác ấn, đột nhiên Vinayananda cứng họng không thể ú ớ một lời nào nữa. Khi anh đang đứng đó, Baba cười và giải thích thầy đã thu rút năng lực nói của anh, khi chưa được thầy cho phép, anh sẽ không thể nói bất cứ điều gì. Sau đó Baba trả lại khả năng nói cho anh, rồi chạm vào trán anh khiến Vinayananda nhập định tức thì. Baba định rời hội trường để vào phòng, nhưng thầy lại ngồi xuống và giảng: “Quyền năng khiến khả năng nói của Vinayananda bị cắt đứt được gọi là chiếc kéo của vũ trụ. Bằng cách sử dụng chiếc kéo vũ trụ, Paramapurusha, Tâm Thức Tối Cao có thể ngừng mọi hoạt động trong vũ trụ. Trong Markendeya Purana, quyền năng này được gọi là chandika shakti. “Một kẻ khủng bố đến lúc tận số đã bị chiếc kéo vũ trụ cắt đứt động mạch cung cấp máu cho não, hắn lìa đời ngay lập tức.” Nói xong Baba đứng dậy rời hội trường.
    Lần cập nhật cuối: 11/12/2015
    tranvukhanh thích bài này.
  4. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    VII. Cuộc Họp Đầu Tiên


    Khi một người giác ngộ chân lý hội nhập vào Thượng Đế, tri giác hữu hạn của người đó về thế giới khách quan sẽ tự đánh mất chính nó, và đạt đến sự hợp nhất với Thực tại Tối hậu, chính người đó trở thành Đấng tuyệt đối. Thực hành tâm linh là cách để mở rộng tâm hồn, chứ không phải để tận diệt nó; vì vậy Samadhi , thiền định, không phải là tự vẫn, mà là tự siêu nghiệm. Ai đã kinh nghiệm Ý thức Tối cao sẽ sở thành Đấng tối cao, vì anh/chị ta sẽ có được chính thực trạng của đối tượng mà anh/chị ta nghĩ đến.


    Khi thập kỷ 50 đang tiếp diễn, Ấn Độ phải vật lộn với vô vàn yêu cầu thực tế đối với một quốc gia mới thành lập. Tuy nhiên ở Jamalpur, cách xa các đô thị lớn như Delhi và Calcutta, cuộc sống tiếp diễn với một nhịp độ thong thả. Baba trở thành người giám sát tổ thẩm tra của phòng kế toán. Danh tiếng của ông về tài xem chỉ tay, chữa bệnh, và tư vấn cuộc sống ngày càng mở rộng, ra tới cả bên ngoài Jamalpur, tới những nơi như Sahebgani, cách đó khoảng bốn giờ đi tàu hỏa. Năm 1951, em trai của Baba, Himanshu được chuyển tới Sahebganj bởi Công ty Đường sắt Đông Ấn. Ngay sau khi được chuyển, bà mẹ góa phụ của một đồng nghiệp, Ram Rainjit Bhattacharya, đã đến với cậu cùng một yêu cầu. Bà đang lo lắng về tương lai của đứa con trai thứ của mình, Bubai, với tình trạng học hành yếu kém. Bà hy vọng Himanshu có thể thưa chuyện với anh trai về đứa con học dốt của mình.


    Một tuần sau đó, trong chuyến về thăm Jamalpur, Himanshu mang theo yêu cầu của bà. Gia đình vừa dùng xong bữa trưa, còn Baba đang nằm. Ông nhắm mắt lại sau khi nghe Himanshu trình bày, rồi bắt đầu mô tả cậu bé trong từng chi tiết: màu da, đặc điểm đôi mắt, cấu trúc xương và những nét khác. Khi Himanshu xác nhận rằng những mô tả hoàn toàn khớp với thực tế, Baba bảo anh lấy một mảnh giấy cùng chiếc bút và bắt đầu đọc cho viết về tương lai cậu bé. Ông hướng dẫn Himanshu đánh dấu những chỗ mà cậu bé sẽ gặp khó khăn. “Đừng để lộ những thời điểm khó khăn này cho mẹ cậu bé biết,” Baba dặn, “nếu không lo lắng của bà sẽ tăng lên.” Khi kết thúc, ông bảo anh ghi chú thời gian. “Khi em tới Sahebganj, hãy hỏi cậu bé xem chính xác nó đã làm gì vào thời điểm này.”


    Hai hôm sau, Himanshu tới thăm gia đình đó. Khi được hỏi, cậu bé kể rằng có điều gì đó rất kỳ lạ đã xảy ra lúc đó. Cậu đang ngồi học chính xác lúc ba giờ kém mười lăm và không hiểu vì sao cậu mất ý thức trong hai mươi phút. Vừa mới 2:45, chỉ chốc lát đã tới 3:05. Tất nhiên cậu khẳng định lúc đó không buồn ngủ. Cậu chỉ đơn giản không biết chuyện gì xảy ra. Tối đó, Himanshu cho mẹ cậu biết những tiên đoán của Baba về tương lai. Bà cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Khi Baba tới thăm em trai mình ở Sahebganj, bà đã mang các vật phẩm tới để cảm tạ.


    Baba tiếp tục lựa chọn những người đến xin điểm đạo khi các học trò của ông giới thiệu danh tính của những người muốn nhập đạo với một khát vọng mạnh mẽ. Một trong số họ là Bindeshvari Singh, một nhà thầu ở Jamalpur, vốn là họ hàng với Nagina. Bindeshvari hết sức ấn tượng với những thay đổi mà anh nhận thấy ở Nagina, đồng thời trong nhiều tháng yêu cầu Nagina sắp đặt một cuộc gặp với guru của anh. Tuy nhiên khi Nagina mang lời thỉnh cầu tới Baba, vị thầy đã từ chối. Trong cơn thảng thốt của Nagina, ông báo cho anh biết rằng Bindeshvari sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. “Anh ta có thể làm gì với quỹ thời gian ngắn ngủi đó?” Baba nói. Biết rằng Bindeshvari thường trải qua các cơn đau tức định kỳ ở vùng ngực, Nagina buồn rầu chấp nhận số phận không thể tránh được của người anh họ. Nhưng Bindeshvari vẫn khăng khăng nài nỉ ngày càng khẩn thiết. Cuối cùng, Nagina quay lại gặp Baba và cầu xin ông ban cho anh họ mình một cơ hội để được học cách thực hành tâm linh. “Dù thời gian còn lại của anh ấy ngắn ngủi thế nào,” Nagina trần tình, “thầy vẫn có thể cho anh ta một cơ hội để giải thoát nếu thầy muốn. Con biết rằng nếu muốn, thầy có thể kéo dài mạng sống cho ảnh.”


    Sau cùng Baba cũng mủi lòng. Tháng 6 năm 1954, Nagina dẫn Bindeshvari tới nhà Baba để nhận lễ điểm đạo. Khi Bindeshvari ra khỏi phòng của Baba, anh ta loạng choạng bám vào vai Nagina rồi thì thào hỏi: “Anh có biết ai đang ngồi trong phòng đó không?”


    “Tất nhiên là biết,” Nagina đáp, “đó là Prabhat Ranjan Sarkar.”


    “Không.” Bindeshvari phủ nhận. “Ngài đã tới đây như Shiva, Ngài đã tới đây như Krishna, chính là người đang ngồi trong phòng đó.”


    Cả tháng sau đó, Bindeshvari vẫn còn trong trạng thái ngất ngây thần thánh khiến anh không thể tập trung vào công việc. Thực tế, anh phải cố gắng để tự chủ bản thân. Anh nằm trên giường hàng giờ liền và lẩm nhẩm: “Baba, Baba, Baba” liên tục, hoặc đi tới đi lui trong phòng gọi thầy thống thiết. Nagina buộc phải nghỉ một số giờ làm việc để hỗ trợ anh họ mình. Cuối cùng, Bindeshvari cũng có thể quay trở lại công sở, nhưng anh không bao giờ quay lại trạng thái tâm trí khi trước. Suốt quãng đời còn lại, anh duy trì sự hội nhập tinh thần với vị guru kính yêu của mình. Nhiều lúc quá nhập tâm đến nỗi anh bắt đầu nói năng, tác ấn hệt như Baba đang hiện diện, đôi lúc thậm chí còn yêu cầu các học trò khác hành lễ trước mặt mình. Khi họ phàn nàn với Baba, ông giải thích rằng anh ta đang trong trạng thái bhava, quá thăng hoa với lòng sùng kính, khi đó anh ta hoàn toàn đồng hóa mình với guru.
    Lần cập nhật cuối: 08/01/2016
    tranvukhanh thích bài này.
  5. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Những sự kiện như vậy góp phần mở rộng phạm vi những người ngưỡng mộ tìm đến Baba xin được hướng đạo và tăng trưởng nguồn cảm hứng tâm linh. Hầu hết họ không biết rằng Baba đang âm thầm tập hợp xung quanh ông một nhóm đệ tử để dạy các kỹ thuật của Mật giáo và Yoga cũng như những triết lý mà sau này họ sẽ phổ biến khắp thế giới. Một ngày cuối tháng 10 năm 1954, Baba gửi tới từng đệ tử lời mời tham dự cuộc họp tâm linh vào Chủ Nhật, mùng 7 tháng 11 ở khu đường sắt tại số 339 E-F, Rampur Colony, vốn là nơi được phân bổ cho anh của Baba, Sudanshu. Sudanshu dành khu nhà này cho Baba để sử dụng tùy ý; Baba lại dành cho Pranay sử dụng để làm nơi thực hành tâm linh sau khi cha Pranay, một tín đồ Ấn giáo thuần thành, phản đối việc thực hành thiền định của anh tại nhà. Baba dùng khu nhà này vào những dịp gặp gỡ các đệ tử hoặc làm lễ điểm đạo cho học trò mới. Giờ đây chúng được dùng làm nơi phục vụ cho cuộc gặp gỡ lần đầu giữa thầy và đông đủ các trò.


    Chập tối, một vài đệ tử tới nhà Baba đợi ông. Khi ông đi ra, họ hộ tống ông trong cuộc đi bộ mươi – mười lăm phút tới khu Rampur Colony, nơi những đệ tử còn lại đang chờ. Khi họ tới nơi, Baba giới thiệu từng người với nhau. Nhiều người, đặc biệt những ai tới từ Jamalpur, đều ngạc nhiên khi phát hiện bạn bè, đồng nghiệp và người quen đang tụ họp tại đây, thường là những người đã biết nhau nhiều năm mà không hề hay biết rằng họ là đệ tử của cùng một vị guru. Sau màn giới thiệu, Baba ngồi trước mặt mọi người trên một chiếc giường gỗ được phủ một tấm nệm đơn sơ. Các học trò lần lượt từng người tiến lên cử hành nghi thức sastaunga pranam, cúi lạy sát đất trước guru. Sau đó Baba bắt đầu nói về mục đích thực hành tâm linh, sự hội nhập với Thượng Đế, các tầng thiền định Samadhi, hoặc trạng thái siêu nghiệm tâm linh, cảnh giới mà người sùng đạo tạm thời hội nhập với Đấng Thiêng Liêng, và cũng là chặng cuối cùng trong tám phần tu luyện của Yoga (Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratryahara, Dharana, Dhyana, Samadhi). Sau đó ông gọi Pranay lên và bảo anh ngồi trong tư thế kiết già.


    Nói tiếng Bengal, Baba chỉ thị: “Nhắm mắt lại và tập trung tâm trí của con vào ista chakra.” (luân xa mà mỗi thiền sinh Ananda Marga dùng để tập trung trong bài thiền 1). “Hỡi Kulakundalini, Ta, Yogeshvar Anandamurti, lệnh cho ngươi rời luân xa Muladlahara và thăng lên svadisthana.”


    Cơ thể Pranay bắt đầu run lên.


    “Này Kulakundalini, Ta, Yogeshvar Anandamurti, lệnh cho người rời luân xa Svadisthana và thăng lên Manipura.”


    Pranay rung lắc dữ dội. Sau một lúc giảm dần, cột sống anh ta dựng đứng, đầu ngửa ra phía sau.


    “Kulakundalini, Ta, Yogeshvar Anandamurti lệnh cho người rời Manipura và thăng lên Anahata.”


    Pranay ngã ngửa ra sau, hai chân vẫn đan chéo nhau trong thế kiết già. Anh bắt đầu gầm gừ âm thanh “hum, hum” lớn tiếng trong cổ họng, một trong những dấu hiệu phổ biến xuất hiện khi một yogi thăng hoa.


    Sau đó Baba lệnh cho kundalini thăng lên luân xa Vishudha, Pranay trở nên hoàn toàn yên lặng. Khuôn mặt anh toát lên một vẻ bình an vô hạn. Tiếp theo, Baba chỉ định kundalini thăng lên luân xa Ajna. Thần thái Pranay trở nên tĩnh lặng tuyệt đối.


    Trong khi Pranay đang trong cơn xuất thần nhập định, Baba mỉm cười nhìn những đệ tử đang kinh ngạc, “đây là trạng thái đáng mơ ước của Savikalpa Samadhi trong đó tâm trí cá thể hội nhập vào Tâm trí Vũ trụ. Sự hội nhập vĩnh viễn của một hành giả tâm linh vào trạng thái này được gọi là mukti hoặc giải thoát. Nhờ thực hành đều đặn sadhana, với tính siêng năng, quyết tâm lớn và tập trung cao độ, các con cũng sẽ có thể đạt đến trạng thái này.”


    Sau đó Baba tiếp tục mô tả các tầng thiền định và quá trình mà một yogi đạt đến các phẩm trật như vậy. Sau đó ông quay lại người đệ tử đang được thị phạm và ra lệnh cho kundalini giáng xuống luân xa Vishudha. Pranay bắt đầu khóc lóc rền rĩ, như thể anh đang trải qua một nỗi khổ ngoài sức chịu đựng. “Được rồi, hãy để cậu ấy hưởng thụ trạng thái đó thêm một lúc nữa,” Baba nói. Ông quay sang tán gẫu với các học trò khác về tâm linh trong vài phút. Sau đó tiếp tục ra lệnh cho kundalini lần lượt giáng xuống từng luân xa, cho tới Muladhara. Pranay khóc rống lên. Khi anh mở mắt và đứng dậy, nước mắt vẫn chảy ròng ròng. Baba gọi anh lại và cho gối đầu vào lòng, vỗ về an ủi rằng anh sẽ có cơ hội khác được trải nghiệm những gì ông vừa ban cho một cách chóng vánh.


    Khi kết thúc, Pranay và vài học trò đưa Baba về nhà. Những đệ tử khác giải tán đơn lẻ hoặc theo nhóm đôi, ba người. Trên đường, họ bán tán về sự kiện được chứng kiến lúc tối, phần lớn vẫn còn ấn tượng mạnh về màn thị phạm kỳ diệu. Một vài người trong số họ thẳng thắn bày tỏ thắc mắc rằng tầm vóc của thầy mình như thế nào mà lại dùng danh xưng Yogeshvar, Chúa tể của các Yogi, vốn được gán cho cả Shiva và Krishna từ thời thượng cổ xuyên suốt qua miền bóng tối u uẩn của thần thoại và các truyền thuyết !!?
    Lần cập nhật cuối: 16/01/2016
    tranvukhanh thích bài này.
  6. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    VIII. Thị Phạm Cái Chết


    Điều gì xảy ra khi người tầm đạo chứng ngộ Purushottama (Ý thức Tối cao) và đạt được sự hợp nhất với Ngài? Mọi gông cùm trói buộc đều bị bẻ gãy. Khi một người từ bỏ theo đuổi những điều vụn vặn, những ngục tù tạo ra những điều vụn vặn cũng tàn lụi theo. Với sự biến mất của tâm trí cá thể, đi đôi với thành tựu mở rộng tinh thần, đau khổ sẽ dần dần không còn nữa. Ngay cả những gì trói buộc vòng sinh tử cũng sẽ bị cắt đứt, vì sự sống và cái chết vốn thuộc về cái hữu hạn, nên nỗi sợ hãi về chúng cũng chỉ như vậy mà thôi. Thượng đế Chí tôn vượt ngoài phạm vi của sinh và tử, nên kẻ nào trở nên đồng hóa trọn vẹn với Ngài cũng sẽ vĩnh viễn không còn bị đau khổ bởi vở kịch huyễn ảo liên miên bất tuyệt.


    Chủ Nhật tiếp theo, các học trò lại tụ họp lần nữa ở khu nhà Rampur Colony để được darshan từ Baba (nhận được phúc lành và chuyển hóa thân tâm chỉ bằng cách nhìn thấy guru). Baba ban cho một buổi thuyết giảng và chứng minh một kiểu khác của samadhi thông qua trung gian là Pranay. Mối quan hệ gắn bó bắt đầu nảy sinh giữa các học trò khi họ trở nên quen thuộc với nhau và cùng chia sẻ lòng sùng kính guru, những tình cảm sâu sắc làm biến đổi cuộc sống mà chỉ có các đệ tử thân cận mới có thể hiểu được. Một cộng đồng dần hình thành. Những người có mặt ở những cuộc họp đầu tiên này có thể cảm nhận ngay lập tức, tình bằng hữu ngày càng thân thiết bởi mối liên hệ tâm linh, gắn kết họ gần gũi với nhau còn hơn chính gia đình họ.


    Tin tức lan truyền nhanh chóng giữa những người đã được khai tâm điểm đạo về các buổi thị phạm. Chủ Nhật tiếp theo, ngày 21 tháng 11, nhiều đệ tử háo hức muốn được chứng kiến xem Baba sẽ làm gì. Sáng hôm đó, Virendra Kumar Asthana, người đã không thể tới dự Chủ Nhật tuần trước, tới Jamalpur từ nhà mình ở Bhagalpur và đi thẳng đến nhà Baba. Khoảng một năm trước, anh chuyển công tác tới văn phòng của Nagina với vai trò là người thu thuế của Phòng Thuế trung tâm và Giao dịch Khách hàng, thay thế cho vị cấp trên trước đây từng đầy đọa Nagina. Bị ấn tượng bởi sự chuyển hóa của Nagina, anh ta bày tỏ nguyện vọng được gặp guru và nhận điểm đạo. Mặc dù bị Baba từ chối nhiều lần, anh vẫn không từ bỏ nỗ lực và cuối cùng cũng được nhận lời hai tháng sau đó.


    Asthana tới nhà Baba ngay sau bữa sáng và may mắn được gặp vị thầy một mình. Họ cùng ngồi và nói chuyện về đạo học. Baba kiên trì giải đáp các thắc mắc của học trò và chỉ dẫn cho anh những điểm mấu chốt của việc hành thiền. Khi họ đang trò chuyện, một chàng trai trẻ tuổi xuất hiện ở lối vào. Ngay khi Baba nhìn thấy anh chàng này, ông lập tức mắng lớn: “Đồ vô lại! Tên vô tích sự! Sao cậu dám vác mặt đến đây! Cút đi! Tôi không muốn nhìn thấy cậu nữa!” Asthana vô cùng kinh ngạc. Anh chưa từng thấy Baba trong tâm trạng như vậy bao giờ. Vị thầy luôn thể hiện với anh một phong thái trầm lặng, vị tha và đầy trí tuệ.


    Anh chàng kia, tuy vậy, không nghe lời Baba. Hắn chạy lại nắm lấy bàn chân Baba và van vỉ: “Xin hãy tha lỗi cho con, Baba, con không thể làm chủ được nó. Xin hãy tha thứ cho con.”


    Baba hạ giọng: “Cậu đã phạm một tội lỗi trầm trọng. Cậu có sẵn sàng bị trừng phạt vì việc cậu làm không?”


    “Vâng thưa Baba, bất cứ hình phạt nào thầy đưa ra,” hắn đáp với niềm thiết tha hy vọng cùng với dòng nước mắt tuôn trào.


    “Virendra, đi lấy một chiếc giầy của con và mang lại đây.”


    Asthana đang bối rối trước sự việc vội vàng đứng dậy, chạy đi nhặt một chiếc giầy của mình rồi mang tới cho Baba. Baba sau đó chỉ thị cho chàng trai phải liếm gót giầy, một hành động nhục nhã đến cùng cực trong văn hóa Ấn Độ. Asthana ngồi chứng kiến, bị sốc vì vụ việc. Khi chàng trai đang liếm gót giầy, Baba bảo hắn dừng lại rồi ban phúc cho hắn. Ông bảo hắn có thể đi, nhưng nên tới tham dự chương trình buổi tối ở Rampur Colony. Khi hắn đã đi, Baba cho Asthana biết rằng hắn đã phạm vào một tội lỗi nghiêm trọng nhưng ông đã tha thứ. Sau đó ông quay lại chủ đề mà họ ngắt quãng trước đó, không có gì trong giọng điệu hoặc thái độ của ông biểu hiện vừa có chuyện gì đó bất thường xảy ra. Guru của mình là kiểu thầy nào vậy? Asthana nghĩ thầm, khi họ đang tiếp tục nói chuyện, làm sao có thể dung hòa được trong cùng một con người vừa có tinh thần chấp hành kỷ luật tàn khốc mà anh vừa chứng kiến, vừa có sức lôi cuốn đầy ma lực, người sẽ khiến cuộc đời anh ngập tràn hạnh phúc sau này!?


    Cuối giờ chiều, khu nhà Rampur Colony đã đông đủ các học trò. Khi Baba tới, phần trước căn phòng đã quá chật khiến mọi người khó nhúc nhích. Baba chào mừng mọi người và hỏi han vài người ngồi gần nhất. Một đệ tử cất tiếng hát lên một khúc nguyện cầu. Sau đó ông mở đầu phần thuyết giảng.




    Ông giải thích sự sống trên quan điểm Yoga, nhấn mạnh rằng sự sống đòi hỏi trạng thái song song giữa thân thể, năng lượng sống và tâm trí. Khi trạng thái song song này bị mất đi do thay đổi bởi các làn sóng thể chất, chẳng hạn do bởi đau ốm hoặc thương tật, hoặc do thay đổi bởi các làn sóng tinh thần, thì tâm trí sẽ rời bỏ thân thể.


    “Hầu hết mọi người đều sợ chết,” Baba giảng, “nhưng chẳng cần phải như vậy. Chết là một quá trình tự nhiên, cũng tự nhiên như bản thân sự sống vậy. Mọi người thường nghĩ chết là đau đớn. Họ chứng kiến các giai đoạn mà người chết trải qua và nghĩ rằng người chết hẳn phải đau đớn ghê gớm, nhưng thường thì điều này không đúng. Trong phần lớn các trường hợp, kinh nghiệm chết không khác nhiều so với lúc rơi vào giấc ngủ. Nhìn từ bên ngoài, trông họ có vẻ không được thanh thản. Họ có thể có biểu hiện đau đớn, nhưng kinh nghiệm bên trong lại rất khác biệt.”
    tranvukhanh thích bài này.
  7. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Baba giảng tiếp về quan điểm của yoga về năng lượng sống trong thân thể. “Thân thể con người có mười vayus hoặc sinh lực khí, năm ở trong và năm ở ngoài. Đối với năm loại vayus bên trong, prana chi phối khu vực từ bụng đến cổ; apana phụ trách vùng dưới bụng; saman tọa lạc ở vùng rốn có chức năng giữ cân bằng giữa apana và prana; udana chỉ phối vùng cổ, và vyana phân phối khắp toàn thân. Mỗi loại sinh lực khí này chịu trách nhiệm về các chức năng của thân thể trong khu vực mà chúng kiểm soát. Ví dụ prana kiểm soát hô hấp.”


    Sau khi giảng chi tiết từng loại vayu bên trong, ông giải thích các vayus bên ngoài theo cách tương tự, và tiếp theo làm sáng tỏ điều gì xảy ra đối với các vayus vào lúc chết: “Trong thân người, vùng bụng ngang rốn là điểm cân bằng giữa phần trên và phần dưới. Khi saman mất khả năng kiểm soát sự cân bằng giữa prana và apana, thì prana sẽ di chuyển, điều này làm phát sinh hơi thở vùng rốn. Khi ba vayus này mất khả năng duy trì tính nguyên vẹn độc lập của chúng, chúng sẽ hòa lẫn vào nhau và thâm nhập vào udana. Khi udana cũng mất tính nguyên vẹn độc lập của nó, bốn vayus sẽ hòa trộn vào vyana và sẽ có chiều hướng thoát ra khỏi thân thể.”


    Tới đây, Baba hỏi các học trò xem họ có muốn được thầy thị phạm về chủ đề này không. “Các con có sợ không?” ông hỏi. Khi họ khẳng định không sợ, ông gọi Krishna Chandra Pal, hoặc Kestopal như thường được gọi, lên chỗ thầy và ngồi xuống trong thế hoa sen, nhắm mắt. Asthana nhận ra anh chàng mà Baba vừa trừng phạt nghiêm khắc sáng nay.


    “Đưa tâm trí của con vào ista chakra và tập trung tại đó,” Baba nói với một giọng điệu uy nghiêm. Kestopal tập trung theo sự hướng dẫn. “Prana vayu, hãy rời vị trí và thâm nhập vào saman vayu,” Baba tiếp tục.


    Hơi thở của Kestopal trở nên sâu lắng hơn. Khi Baba hỏi anh cảm thấy thế nào, anh trả lời là rất thư giãn và anh đang mất cảm giác ở các bàn tay và bàn chân.


    “Prana và saman, hãy hòa lẫn vào nhau rồi thâm nhập vào apana vayu.”


    Hơi thở Kestopal trở nên nặng nề, anh bắt đầu há hốc miệng để cố hớp không khí. Những âm thanh lo lắng của mọi người bắt đầu râm ran trong phòng, tuy nhiên khi Baba hỏi liệu anh ta có cảm thấy không thoải mái, dù chỉ chút xíu, anh lắc đầu.


    “Prana, saman và apana, hãy hòa lẫn vào nhau rồi thâm nhập vào udana vayu.”


    Kestopal ngã ngửa ra sau. Tiếng ùng ục phát ra từ cổ họng anh ta, còn miệng thì sùi đầy bọt mép. Một vài người chứng kiến nhớn nhác nhìn nhau.


    “Bây giờ, prana, saman, apana và udana hãy hòa lẫn vào vyana vayu.”


    Mọi hoạt động thể chất của Kestopal đều ngừng lại, đầu anh ta ngoẹo sang một bên.


    Baba đề nghị bác sĩ Sachinandan Mandal lên kiểm tra. “Anh ta còn sống hay đã chết?” Baba hỏi với một giọng bình thản, lãnh đạm. Vị bác sĩ tiến hành thăm khám chăm chú trong một, hai phút khi bầu không khí căng thẳng trong phòng gia tăng.


    “Baba, con chẳng tìm thấy dấu hiệu nào của sự sống, anh ta không còn nhịp tim, không còn mạch đập.”


    Baba nhìn quanh phòng một lúc. Những dấu hiệu sợ hãi đã xuất hiện trên mặt hầu hết mọi người. “Anh ta đã chết lâm sàng,” Baba nói, “nhưng trên thực tế anh ta chưa chết. Prana vayu vẫn còn hiện diện trong cột sống ở tình trạng ngưng đọng. Giờ đây điều có thể xảy ra trong một số trường hợp hiếm hoi, trước khi các vayu hoàn toàn thoát khỏi thân thể và hòa lẫn vào năng lượng vũ trụ, là chúng tiếp tục ngưng đọng bên trong cột sống. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp của một vài tai nạn nào đó, hoặc bị rắn độc cắn, và đôi khi là nạn nhân dịch tả. Trong những ca đó, người ta chẳng còn dấu hiệu nào của sự sống. Người đó có biểu hiện là đã chết nhưng thực tế lại chưa chết. Ở những quốc gia có phong tục chôn cất, có thể những người như vậy sống lại sau khi đã bị chôn. Có một số ghi chép ở những quốc gia đó khi quan tài được khai quật, những vết trầy xước do cào cấu được tìm thấy ở bên dưới nắp áo quan. Hoặc bộ xương có tư thế dịch chuyển. Thỉnh thoảng người ta quy kết sự kiện này là do ma quỷ. Vì lý do này, ở Ấn Độ thời cổ, thi thể các nạn nhân chết trong dịch tả hoặc bị rắn độc cắn thường được thả trôi sông trên một chiếc bè với hy vọng những người đó có thể sống lại. Đây cũng là lý so vì sao thầy ủng hộ hỏa táng. Nếu sự sống của một người bị ngưng đọng tạm thời, và không được bác sĩ phát hiện, thì sẽ không còn cơ may thoát thân nào khi họ tỉnh dậy trong quan tài và sau đó chết lần thứ hai trong cơn hoảng loạn.”


    Baba nâng ngón tay lên ra lệnh prana vayu còn lại hoàn toàn rời khỏi thân thể. Đầu Kestopal tiếp tục ngoẹo sang bên ở mức độ sâu hơn và miệng hơi há ra. “Bây giờ anh ta mới chết,” Baba nói với thái độ dứt khoát. “Như đã nói, thầy ủng hộ hỏa táng vì những lý do vừa giải thích. Bây giờ các con có thể tiến hành lễ thiêu hủy thân xác.”


    Những tiếng rì rầm dần trở nên huyên náo trong số các đệ tử. Một vài người giục Baba đưa Kestopal trở lại cuộc sống. “Thầy có thể làm gì lúc này? Thầy không có khả năng đó,” Baba trả lời. Một số người bắt đầu lo lắng về chuyện gì xảy ra khi cảnh sát phát hiện. Những người khác tự hỏi phép màu nào khiến Baba có thể làm những việc như vậy. Số còn lại giữ im lặng, tiếp tục dằn lòng thưởng thức màn thị phạm đầy hấp dẫn, họ tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của guru. Rasamay thì khiếp sợ. Kestopal vừa cưới trước đó vài ngày, anh và cô dâu đang sống cùng Rasamay khi họ đến Jamalpur. Làm sao anh có thể nói với cô dâu rằng cô đã trở thành góa phụ, rằng thầy của Kestopal đã tước đi mạng sống của anh?


    Baba tươi cười: “Đừng lo! Nhớ rằng các con đã hứa sẽ không sợ hãi. Thầy sang phòng bên một chút. Trong lúc đó hãy canh chừng thi thể của Kestopal và đảm bảo không có con côn trùng nào chui vào qua bất cứ quan khiếu nào của anh ta.”


    Baba yêu cầu Pranay và Nagina cùng ông sang phòng bên, ông dặn họ mát xa tay chân ông trong khi ông thực hiện một thời thiền ngắn. Họ trải một tấm chăn trên sàn cho ông ngồi thiền và mát xa trong khoảng mười lăm, hai mươi phút trong khi ông đi vào trạng thái nhập định. Cuối cùng Baba mở mắt và trở lại gian phòng nơi Kestopal nằm lạnh lẽo giữa những nhóm học trò đang sốt ruột đợi ông.
    Lần cập nhật cuối: 19/01/2016
  8. HeartCoreTourist

    HeartCoreTourist Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    09/07/2015
    Bài viết:
    396
    Đã được thích:
    7
    Vô cùng tuyệt vời.

    Bạn cứ tiếp đi nhé!
    tranvukhanhphunglam thích bài này.
  9. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    Baba ngồi xuống gần phía đầu Kestopal. Ông đưa ngón chân cái chạm đỉnh đầu anh ta. Gần như ngay lập tức Kestopal lay động. Một loạt tiếng thở phào nhẹ nhõm phát ra từ đám đông.


    “Mở mắt ra,” Baba ra lệnh. Thể xác liền mở mắt.


    “Ngươi là ai?” Baba hỏi. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, một cái tên lạ lẫm được thốt ra.


    “Tại sao ngươi lại ở đây?” Baba hỏi.


    “Bởi vì ngài chỉ thị cho tôi nhập vào thân xác này và bảo vệ nó.”


    “Rất tốt. Vậy thì chừng nào còn ở đây, ngươi cần làm một số việc. Hãy hướng tâm ngươi tới mặt trăng.”


    “Tôi đang ở đó.”


    “Ngươi thấy gì?”


    “Đất đai khô cằn và những dãy núi.”


    “Có dấu hiệu nào của sự sống không?”


    “Không. Chẳng có không khí để hít thở.”


    “Chui xuống dưới mặt đất! Người nhìn thấy gì?”


    “Baba, tôi thấy những khối quặng khổng lồ của vàng và bạc.”


    “Bây giờ hãy hướng tâm ngươi tới sao Hỏa. Có dấu hiệu nào của sự sống không?”


    “Có.”


    “Dạng nào của sự sống?”


    “Sự sống của vi khuẩn.”


    “Giờ hãy hướng tâm ngươi tới một hành tinh của ngôi sao Ashvin!” (ngôi sao đầu tiên của chòm Bạch Dương). “Có sự sống ở đó không?”


    “Có.”


    “Sự sống dạng nào?”


    “Loài người.”


    “Con người ở đó có gì giống con người trên Trái Đất không?”


    “Không, Baba. Họ có cấu trúc thân thể khác biệt.”


    “Tiêu chuẩn tâm linh của nền văn minh đó ra sao?”


    “Họ tiến bộ hơn con người trên Trái Đất nhiều. Trẻ con ở đó được nhập môn ngay vào những tầng thiền định bậc cao.”


    “Được rồi. Giờ hãy dẫn tâm ngươi tới Tây Tạng,” Baba chỉ dẫn linh hồn này tới một hang động trên dãy Himalaya gần Limpopo. “Ngươi nhìn thấy gì ở đó?”


    “Baba, có một yogi tóc dài đang ngồi thiền trong động.”


    “Ngươi có nhận ra ông không?”


    “Có, Baba, đó là Subhash Chandra Bose.”


    “Hỏi ông ta có muốn quay về Ấn Độ không?”


    “Ông từ chối.”


    “Rất tốt.” Baba cho phép linh hồn đó rời đi khiến thân xác quay về tình trạng chết. Ông nhìn quanh phòng và dặn mọi người rằng ông sắp đưa tâm trí Kestopal quay lại thân thể, nhưng trước khi làm vậy, mọi người phải đảm bảo là sẽ không kể cho Kestopal biết những chuyện đã xảy ra.


    “Như đã trình bày lúc trước, kinh nghiệm chết không mấy khác biệt so với lúc rơi vào giấc ngủ. Khi Kestopal lấy lại ý thức, cậu ta sẽ tưởng mình vừa ngủ. Tuy nhiên cậu ta sẽ cảm thấy rất mệt và mất phương hướng, vì thân thể không có sự sống trong một khoảng thời gian, lúc đó hệ tuần hoàn máu huyết bị ngừng hoạt động. Thầy sẽ yêu cầu ai đó xoa bóp cho cậu ấy, để được hồi sức nhanh hơn.”


    Baba giơ một tay lên và vẽ một vòng tròn với một ngón vươn dài. “Cho dù anh đang ở đâu trong cõi thinh lặng vô cùng, hãy tới Trái Đất, hạ xuống Ấn Độ, tới bang Bihar, tới thị trấn Jamalpur, đến dãy nhà 339 EF Rampur Colony, nhập vào thể xác này!”


    Baba lần lượt điều dẫn từng loại sinh lực khí vayu vào trong thân thể Kestopal. Mọi người nín thở quan sát, họ phát hiện một chút động đậy ở bàn tay anh ta. Rồi đến lượt bàn chân. Cuối cùng sau một vài phút, anh ta mở mắt. Baba niệm vài câu mantra bằng tiếng Phạn, một vài phút tiếp theo, anh ta đã có thể ngồi dậy.


    “Kestopal,” ông nói, “trông anh có vẻ không được khỏe. Chuyện gì vậy?”


    “Con xin lỗi, Baba. Chắc con vừa ngủ. Con cảm thấy mệt quá.”


    Baba gọi hai học trò lên xoa bóp cho anh ta và một người khác chuẩn bị cốc sữa nóng.


    Asthana cũng ngạc nhiên như những người khác bởi sự kiện này, nhưng một sự hiếu kỳ bùng lên trong suy nghĩ của anh và đeo bám dai dẳng. Tại sao Baba sỉ vả Kestopal không thương tiếc sáng hôm đó? Sau đó, khi có cơ hội gặp thầy một mình, anh tranh thủ nêu lên thắc mắc.


    “Hắn thật ranh mãnh. Khi làm lễ điểm đạo, thầy nghiêm cấm hắn cưới vợ, vì biết rằng hắn có nghiệp báo của một kẻ đoản thọ. Con cũng biết rõ số phận của các góa phụ như thế nào trong xã hội này rồi đấy. Họ bị khinh miệt. Họ được mong đợi là sẽ không bao giờ tái giá, phải ngừng mọi hoạt động xã hội và lánh đời vào cuộc sống ẩn dật, kể cả khi họ còn rất trẻ. Gia đình chồng thường ngược đãi họ. Nếu Kesto lấy vợ, thì một cô gái ngây thơ vô tội sẽ trở nên góa bụa và sẽ phải chịu đựng một cuộc đời đau khổ vô ích. Thầy không muốn điều đó xảy ra. Nhưng tên vô lại đó đã đi trước một bước và không tuân theo huấn thị của thầy. Thầy có thể làm gì? Hắn là đệ tử của thầy. Hắn có nghiệp chết trẻ và nghiệp đó buộc phải trả. Do vậy thầy thị phạm cái chết. Bây giờ nghiệp đó đã được giải quyết nên hắn sẽ sống với thọ mạng lâu dài.”


    Các học trò không thể giữ mồm giữ miệng được lâu. Cuối cùng hết người này tới người khác tiếp cận Kestopal và hỏi anh ta có biết chuyện gì xảy ra tối đó chăng.


    “Biết chứ. Tôi đã ngủ quên trong khi lúc đó cần phải ngồi thiền.”


    “Không. Baba đã thị phạm cái chết trên thân thể anh. Anh đã chết. Chúng tôi đều tận mắt chứng kiến.”


    Khi lời hứa giữ bí mật đã không được giữ, Asthana hỏi Kestopal về ngày hôm đó sau khi tiết lộ những gì Baba kể với anh.


    “Đúng đó, chuyện đó là thật,” Kesto trả lời, “trước đó một tuần, tôi về quê trong kỳ nghỉ để thăm cha mẹ. Thật bất ngờ, họ đã chuẩn bị đầy đủ cho đám cưới của tôi. Họ đã chọn một cô dâu từ làng bên, ấn định ngày giờ và mời đông đủ khách khứa. Tôi cố gắng phản đối và nói họ biết guru đã cấm tôi lấy vợ, nhưng chẳng có tác dụng gì. Áp lực gia đình quá lớn đến nỗi tôi phải nhượng bộ. Khi trở lại Jamalpur, tôi đã bỏ lại vợ mình ở nhà ga và chạy thẳng tới chỗ Baba để xin lỗi ổng và giải thích chuyện đã xảy ra. Nhưng anh chứng kiến rồi đấy, chẳng cần thiết, ổng đã biết rồi. Ổng biết mọi thứ trên đời.”


    Nagina cũng thắc mắc với Baba về sự vụ và hỏi ông vì sao lại yêu cầu mát xa khi ngồi thiền trong phòng. “Tâm trí thầy có thể nhập vào cảnh giới Nirvikalpa Samadhi bất cứ lúc nào,” Baba giải thích, “nếu để tình trạng đó xảy ra, nó sẽ khiến thầy mất một khoảng thời gian tương đối lâu để ra khỏi đại định rồi lấy lại thân hành và tâm hành bình thường, khi đó thân thể anh ta sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn phân hủy, khiến việc đưa tâm trí anh ta quay lại rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì thế thầy không muốn nhập sâu vào đại định. Thầy yêu cầu các con mát xa để tâm trí thầy duy trì hiện diện trong thân. Mặc dù đã áp dụng biện pháp đề phòng, nhưng thầy vẫn nhập vào sơ định trong một thời thiền ngắn.”


    Trên thực tế, Kestopal đã sống với tuổi thọ cao. Ông mất vào tháng 8 năm 2008 khi bản thảo của cuốn truyện này đang được chuẩn bị.
    tranvukhanh thích bài này.
  10. phunglam

    phunglam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2015
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    38
    XI. Nhiều Người Tìm Đến


    Vì chưa ai có bất cứ ý niệm mơ hồ nào về tầm vóc triết lý mà Baba sắp rao giảng, nên ông trình bày các giáo lý của mình thật dễ hiểu với mọi người ngay từ đầu. Baba không ủng hộ các tín ngưỡng giáo điều, bao gồm cả việc thờ cúng các tượng thần và hệ thống phân biệt đẳng cấp xã hội vốn là nền tảng đạo Hindu chính thống. Ông thúc giục các đệ tử sống công bằng, giúp đỡ mọi người. Thứ chủ nghĩa duy nhất mà ông cổ vũ là chủ nghĩa phổ quát, nhấn mạnh rằng nhân loại thuộc về một thế giới đại đồng và bình đẳng dưới ân huệ của Thượng Đế. Phần thực hành cơ bản của họ là đối xử với mọi thứ, hữu tri hay vô tri, như những biểu hiện phong phú khác nhau của Tâm thức Thiêng liêng. Điều này ngụ ý một tấm lòng chân thành trong việc phụng sự mọi tạo vật, một thiện nguyện hành động không chỉ cho lợi ích của loài người, mà cho muôn loài và thậm chí cả những đối tượng vô tri.


    Những tư tưởng mà ông thuyết giảng trở thành cơ sở cho thông điệp mà ông yêu cầu các học trò của mình truyền bá: một pháp môn đầy tính logic về khoa học tinh thần có khả năng thu hút ngay lập tức những đầu óc tiến bộ ở Jamalpur và các thị trấn gần đó, và cũng là thứ nhanh chóng khiến cộng đồng đạo Hindu chính thống nổi giận. Mặc dù các thần thông mà họ đã được chứng kiến đều được giải thích một cách khoa học, và Baba cũng lý giải thấu đáo những cơ chế huyền vi ẩn giấu đằng sau chúng, nhưng những phần giải thích của ông đôi khi quá phức tạp hoặc quá trừu tượng để có thể lĩnh hội được đối với mọi người. “Chẳng có gì là siêu nhiên ở trong vũ trụ này,” ông bảo họ, “mọi thứ đều là tự nhiên. Chỉ là có một số điều tương đối hiếm gặp nên chúng ta thường nghĩ chúng có nguồn gốc siêu nhiên.” Dù đã nhiều lần thị phạm và thi triển các quyền năng tâm linh, ông vẫn không ngừng nhắc nhở các học trò nên tuyên truyền về tư tưởng của ông, chứ không phải về cá nhân ông. “Hãy nhìn vào các giáo lý,” ông nói, “chứ không phải thân xác này; đến lúc nào đó thân xác này sẽ ra đi, nhưng các giáo lý sẽ tiếp tục duy trì.” Những năm tiếp theo, Baba liên tục nhắc nhở hội chúng rằng ông cần lòng kính ngưỡng với những tư tưởng mà ông truyền bá, chứ không phải kính ngưỡng một con người.


    Một ngày giữa tháng 12, Baba đi dạo cùng Chandranath, Pranay và một vài người khác trên cánh đồng, ông nói: “Giờ đây sẽ bắt đầu có nhiều người tới. Các con cần có một tổ chức để đón nhận họ.” Những năm trước đây, ông đã từng đề cập tới chuyện này với em họ Himanshu và Manas rằng ông dự định sẽ lập ra một tổ chức vào một ngày nào đó mà ông có thể triển khai các dự án phục vụ cộng đồng như: trường học, trại trẻ mồ côi, trung tâm khám chữa bệnh, trung tâm hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số và các hoạt động tương tự. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên các học trò biết về kế hoạch của ông. Một vài ngày sau, ông lại đề cập đến vấn đề này với một nhóm học trò khác. Ý tưởng hình thành và đã được quyết định, dựa trên gợi ý của Baba, chính thức thành lập tổ chức “vào ngày đầu tiên của dương lịch.” Trong khi chờ đợi, Baba đề xuất tổ chức một cuộc họp để phác thảo cương lĩnh và lập ra các quy chế, đòi hỏi phải được đăng ký hoạt động hợp pháp dưới danh nghĩa một tổ chức. Đợt Giáng Sinh được chọn để thực hiện mục tiêu này.


    Sáng hôm Giáng Sinh, một nhóm đệ tử dẫn đầu bởi Pranay gặp nhau tại dãy nhà Rampur Colony để phác thảo cương lĩnh. Không biết về cuộc họp, Nagina cũng tới Jamalpur sáng hôm đó cùng với bác sĩ Vishvanath, một người bạn thuở thiếu thời và là một bác sĩ thú y, đã được giới thiệu tới Baba để nhận lễ điểm đạo trước đó, và với Dipnarayan, một cán bộ văn thư làm việc dưới quyền anh ta ở Sở Thuế Trung Tâm.


    Dipnarayan đã được nhận điểm đạo hai tuần trước đó trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trong thời khắc được dẫn vào phòng Baba, anh ta bị mất ý thức và sau đó được đưa ra ngoài.


    Còn nhớ tôi vào trong phòng và ngồi xuống trước Baba, thầy đang ngồi trên một chiếc giường. Sau đó ơn huệ của thầy đã thâm nhập vào trong tôi và tôi đi vào trạng thái nhập định. Khi ý thức quay trở lại, tôi đang nằm trong góc của phòng kế bên. Tôi nghe thấy Baba bảo Sukumar đưa cho tôi một cốc sữa nóng. Tôi cố ngồi dậy nhưng không được. Tôi là một vô địch cử tạ ở trường nhưng tôi không thể đứng dậy nổi. Thân thể tôi cứng như đá. Những người khác ở đó đã giúp tôi đứng dậy. Sau đó Baba dạy tôi một câu mantra mà tôi cần phải trì niệm. Đó là tất cả những gì tôi có thể nhớ về buổi điểm đạo nhập môn. Ngày hôm sau Baba kiểm tra lại trình tự hành thiền của tôi.
    Lần cập nhật cuối: 22/01/2016
    tranvukhanh thích bài này.

Chia sẻ trang này