Rùa Hồ Gươm... Hì hì, bạn nào đã nhìn thấy rùa ở Hồ Gươm chưa? Tớ nhìn thấy hai lần, nghe nói người ta còn vặt được cả ổ trứng rùa ở đó. Hiện vẫn còn nhiều điều chưa biết về nguồn gốc, đời sống của rùa Hồ Gươm. Nhà văn Lê Bầu kể lại những chuyện về rùa Hồ Gươm mà ông đã chứng kiến vào thời gian ở đền Ngọc Sơn từ năm 1963 đến năm 1972. Trước hết, tôi không phải là một nhà sinh vật học, nên không thể mô tả đời sống cùng môi trường, sinh thái cùng tên khoa học bằng chữ la-tinh của con rùa như từ điển bách khoa. Tôi cũng không phải là nhà sử học hay khảo cổ muốn đào sâu xuống lòng hồ để "khảo" xương những con rùa "cổ" xem xem có phải chính Lê Lợi đã "cách rách" mang những cụ rùa từ Lam Kinh, Thanh Hóa về đây, để tạo dựng lên truyền thuyết "Hoàn Kiếm", vỗ yên trăm họ. Tôi lại càng không phải là một nhà văn giàu tưởng tượng, có biệt tài "hư cấu" những điều không có thực, về những con rùa có thực. Tôi chỉ nói về những điều có thật, nghĩa là thấy thế nào nói thế ấy, không thêm không bớt, mà tôi đã chính mắt nhìn thấy vào thời gian tôi ở nhờ trong đền Ngọc Sơn từ năm 1963 đến năm 1972... Vào mùa lạnh, trong những ngày hoe hoe nắng vàng, ấm áp, rùa thường hay lên phơi nắng, sưởi ấm, thông thường là ở bãi cỏ quanh tháp Rùa. Chúng nằm im lặng như lơ mơ ngủ. Đôi khi cũng có con lân la vào bờ, nhưng chúng chỉ nằm ở mép nước, thò đầu gác lên thành bờ, lưng chập chờn trên mặt nước. Những con phơi nắng bên bờ, không bao giờ bền được, bởi người trên đường đổ xô đến xem, rồi dậm dọa khiến chúng sợ, vội vàng đi ngay. Phơi nắng ở ngoài bãi cỏ tháp Rùa thoải mái hơn. Chưa bao giờ tôi thấy một con rùa nào lên phơi nắng ở sân gạch rộng ngoài Trấn Ba Đình (Đền Ngọc Sơn). ở đây rùa chỉ lên vào ban đêm khi cổng đền đã khóa, nhưng chỉ thoáng thấy bóng người, chúng liền bỏ đi... Về mùa hè, chúng hay lên "hóng mát" ở gốc si sau đền. Có khi chúng leo hẳn lên trên mặt những thân si ngả xuống, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Ngày ấy những cây si sau đền, nhất là vào những trưa hè, rất yên tĩnh vì giữa nó và Trấn Ba Đình (đền Ngọc Sơn) bên ngoài được ngăn cách bằng một bức tường cao. Dù vậy, cứ thấy bóng người là lập tức nó lật người như làm xiếc, nhẹ nhàng xuống nước không một tiếng vang. Đây là những anh bạo dạn, còn những anh nhút nhát thường chỉ luẩn quẩn dưới nước, trong bóng mát. Vì chỗ đó nông nên những chú rùa đi đến đâu là làm đục nước đến đấy, đôi khi còn sủi tăm lên. Cũng có khi chúng nằm im lặng dưới đáy nước. Hồi ấy, tôi thường ra Hồ Gươm bắt tôm, bắt cá. Tôi mua một chục chiếc lờ tôm về cắm quanh đền Ngọc Sơn. Những ngày đầu cũng khá, cả tôm, cả cá con, cả rắn nước cũng được một bát ăn cơm... Nhưng "mộng đẹp" chỉ được dăm ngày, những ngày sau, ông rùa đã rúc đầu vào lờ tôm ăn sạch, và còn phá tan cả cái lờ nữa. Tôi cũng đã từng nuôi rùa. Lần ấy tôi bắt được một con rùa, to có đến gần một gang tay, bị mắc trong rễ cây si. Tôi đọc sách thấy người ta nói, rùa sống dai, có đến 300 năm, nuôi nó không cần cho ăn uống gì cả, tự nó nó sẽ bắt gián, bắt mối và bắt chuột mà sống. Vì thế tôi đem nó thả về phòng mình. Quả là có như thế thật, gián và chuột nhắt trong phòng tôi bỗng nhiên như vợi hẳn đi. Nhưng nuôi rùa trong nhà có một điều đặc biệt thú vị là nó dự báo thời tiết rất chính xác. Thật tình, tôi còn thấy nó chính xác hơn các nhà khí tượng thủy văn báo mưa báo bão nhiều. Ngày bình thường, nó nằm yên lặng, gần như chết đi trong góc tường dưới gầm giường, nhưng khi thời tiết sắp thay đổi, lập tức nó bò lục xục khắp nơi trong phòng. Đến khi nó chịu nằm yên trở lại, cũng đúng là lúc thời tiết thay đổi, không một lần nào "báo nắng thì mưa" cả... ấy vậy mà, trong một lần đi công tác độ mươi ngày, về đến nhà "ông giám đốc khí tượng thủy văn" của tôi đã bỏ tôi mà đi, không một lời từ biệt, chắc là ông chỉ về hồ thôi, chứ thử hỏi, còn đi đâu được nữa? Cái bậu cửa phòng tôi rất cao, cao có tới 30 phân, cũng đã có lần đi đâu đó về, tôi đã bắt gặp cái đầu của "ông ta" vươn cao lên đến gần bậu cửa, đang cố ngoắc nó vào bậc cửa , còn cái bụng áp sát vào thành gỗ chân duỗi dài, đẩy xuống đất cố leo lên... Vậy mà tôi đã mất "cảnh giác", nên "ông ta" đã "vượt ngục" thành công. Tôi cũng đã từng vớt được ở dưới hồ lên một con rùa con, bé tí xíu, chỉ to bằng miệng chiếc chén uống nước. Con rùa rất xinh, đặc biệt là cái bụng nó, đầy những đốm màu hồng tươi loang lổ trên nền mai bụng màu vàng. Tôi lấy nước hồ Gươm vào lọ thủy tinh, đặt trên bàn làm việc, nuôi nó. Tôi nuôi nó bằng giun, bằng thủy trần (vớt trên hồ) và những miếng thịt nạc băm nhỏ, thỉnh thoảng lại thay nước một lần... Con rùa con ấy tôi đã làm quà tặng cho một cô bé học sinh lớp bốn, con một người bạn gái, đến từ biệt tôi, đi sơ tán lên miền núi. Khi cô bé trở về, tôi có hỏi đến con rùa con, cô bé cho biết đã biếu lại con gái bà chủ nhà, cùng trường cùng lớp với cô... Mong sao con rùa bé nhỏ ở hồ Gươm đến nay vẫn còn sống, hợp với môi trường miền núi, nơi tha hương ấy... Mong sao nó cũng đã tìm về được một hồ nước nào đó rồi! Mong sao sự ngu dại của tôi đừng ai lặp lại... Trong những ngày sống nhờ trong đền Ngọc Sơn, tôi còn được chứng kiến một cảnh thật xúc động của một cặp rùa: Hôm ấy, như mọi buổi sáng, tôi một mình bước ra cầu Thê Húc. Không phải để tập thể dục và hít không khí trong lành mà những buổi sớm thu như thế, tôi thích ra ngắm màn sương dăng dăng mờ ảo trên mặt hồ. Nhiều khi sương dày che kín cả ngọn tháp phía xa. Hôm ấy mặt hồ cũng có sương, nhưng rất mỏng, như tơ. Tôi đứng trên cầu nhìn về phía những bãi vông (phía trước cửa Sở Văn hóa). Bất chợt trên hồ có chuyện lạ. Trên mặt nước có một khối gì đó, to hơn cái nón cứ phập phềnh, trôi nổi. Điều lạ hơn là bên cạnh đó có một con rùa đang bơi vòng quanh cái khối phập phềnh đó... Chỉ đến khi con rùa bơi quanh đó, ngụp hẳn xuống nước, và bất chợt, đầu nó húc thẳng vào giữa vật ấy, đội nó lên cao, tôi mới nhìn rõ đó là một con rùa chết... Một con rùa chết, nổi lập lờ trên mặt nước, bên cạnh nó là một con rùa sống, cứ bơi vòng quanh, chốc lát lại lặn xuống, đội con rùa chết lên khỏi mặt nước... Phải chăng đấy là một cặp vợ chồng rùa? Trước sự tử biệt sinh ly, vẫn còn lưu luyến, chẳng cam tâm rời bỏ nhau? Sự bịn rịn ấy, sự không nỡ chia tay ấy, cứ kéo dài, kéo dài theo thời gian, và động tác bơi quanh, rồi đội con rùa chết lên, được lặp đi lặp lại. Cho đến giờ đi làm, mọi người đứng kín trên bờ hồ xem "cảnh lạ". Và quả là lạ thật, bởi như đã nói, giống rùa rất nhát, thấy bóng người là "biến" ngay. Nhưng đây, cảnh đấy vẫn tiếp tục diễn ra trước mặt đông đảo mọi người, mặc dù nơi con rùa đang bơi chỉ cách chỗ mọi người đứng chỉ chừng dăm bảy thước... Trước sự đau thương của cái chết, dường như cái sự sợ cũng đành nhường bước. Khi ấy tôi mới chạy vào trong đến, nói với cụ từ đền đang quét lá rụng phía sau: - Bác ơi, ngoài hồ có con rùa chết, bác chạy sang Sở Văn hóa báo cho họ biết để họ vớt nó lên... Nói xong, tôi cũng vội vã xách xe đạp đi dự một hội nghị nông dân ở ngoại thành, nên không biết xác con rùa chết trôi nổi ra sao? Cho đến tận giờ, nghĩ tới "mối tình chung thủy" ấy, đôi khi tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi: - Con rùa sống ấy, liệu bây giờ có còn hay chăng? Hay nó cũng đã chết trong cô đơn ở một góc nào trong hồ đó rồi? Đến đây, tôi muốn nói thêm một câu, bên ngoài chuyện những con rùa hồ Gươm, nhưng vẫn là chuyện rùa: Trong những huyền thoại, truyền thuyết lịch sử của nước ta, tôi thấy hình tượng con rùa đã xuất hiện nhiều hơn, so với hình tượng con rồng. Phải chăng hình tượng con rồng chỉ là sự vay mượn vội vã của giai cấp phong kiến nước ta từ giai cấp phong kiến Trung Hoa? Hình tượng con rùa vẫn còn là một mảnh đất hoang hóa đối với các nhà nghiên cứu nước ta. Phải chăng? Lê Bầu (Tạp chí Kiến thức ngày ngay)
Bác yêu quý của em ,rùa bác nói em e rằng là rùa bà con thả ngày ông táo lên trời thôi Em copy thông tin mới nhất lên cho các bác đọc nhé Rùa hồ Gươm có nguy cơ tuyệt chủng Đốm trắng nhận dạng trên đầu rùa hồ Gươm. "Hiện trong hồ chỉ còn một con duy nhất, lại đã quá già và không xác định được là đực hay cái. Trong khi đó, khả năng tìm được con cùng loài để giao phối là gần như vô vọng". Phó giáo sư Hà Đình Đức, người đã 12 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, than phiền với phóng viên VnExpress. - Thưa ông, căn cứ vào đâu để khẳng định rùa hồ Gươm chỉ còn một con? - Tôi đã theo dõi và thống kê hiện tượng rùa nổi ở Hồ Gươm từ năm 1991 đến nay. Qua quan sát bằng ống nhòm, chụp hàng trăm bức ảnh và ghi hình thì chỉ thấy duy nhất một "cụ" rùa to chừng 200 kg, dài gần 2 m, có đốm trắng tròn rộng khoảng 3 cm trên đỉnh đầu, hơi lệch về bên trái. Khi bơi, đầu rùa cũng hơi nghiêng về bên trái. Từ đó, tôi khẳng định ở hồ Gươm hiện nay chỉ còn một "cụ" rùa, và đặt tên cho loài là Rafetus leloii, công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000. - Có những đặc điểm gì riêng biệt để có thể coi rùa hồ Gươm là một loài mới? - Đây là loài rùa lớn mai mềm thuộc họ ba ba (Trionychidae). Sách Đỏ Việt Nam năm 1992 viết rùa hồ Gươm thuộc loài giải (Pelochelys bibroni). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi những năm 1993-1994 cho thấy đây không phải là loài giải. Tiến sĩ Peter Pritchard, Chủ tịch Hội Bảo vệ rùa Quốc tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rùa Florida (Mỹ), cũng khẳng định: "Chắc chắn rùa hồ Gươm không phải loài giải. Chúng có thể là chủng quần xa của loài rùa Thượng Hải (Rafetus swinhoei) hay loài mới". Trên cơ sở các tài liệu về loài rùa Thượng Hải, so sánh với rùa hồ Gươm thì thấy có nhiều điểm khác biệt về hình thái, xương sọ và tấm sống . - Nếu đúng rùa hồ Gươm là loài mới, lại chỉ còn một con trong hồ, vậy nguy cơ tuyệt chủng là rất lớn. Làm cách nào để duy trì nòi giống của loài? - Theo giả thuyết của tôi, rùa hồ Gươm đã được vua Lê đem từ Lam Kinh (Thanh Hóa) về thả. Bằng chứng là tại nhiều nơi quanh vùng Lam Kinh, người dân từng bắt được những con rùa lớn (có con nặng tới 150 kg), và hiện nay ở huyện Thọ Xuân, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trứng ??oba ba???. Nếu đúng như vậy thì có thể tìm bắt rùa ở Lam Kinh về nuôi tại Hồ Gươm để giao phối với con hiện nay. Tuy nhiên, có một khó khăn rất lớn là rùa hồ Gươm đã quá già, lại không xác định được giới tính. Mặt khác, chúng tôi không được tạo điều kiện để nghiên cứu loài rùa này. Chẳng hạn như không được mở tủ kính để đo tiêu bản rùa trưng bày ở đền Ngọc Sơn, và thợ lặn cũng không được xuống hồ để quay phim chụp ảnh. Cho nên chúng tôi phải tiếp cận rùa hồ Gươm theo kiểu ??okính nhi viễn chi???. - Gần đây rùa nổi nhiều, vì sao vậy? - Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn nước thải xung quanh đều được ngăn chặn không đổ trực tiếp vào hồ, chỉ còn nước thải từ một số nhà vệ sinh công cộng bên đường Đinh Tiên Hoàng và ở đền Ngọc Sơn. Sắp tới, khu vực đền Ngọc Sơn sẽ được cải tạo thu gom nước thải và bơm vào hệ thống thoát nước của thành phố. Kết quả phân tích mới nhất vào tháng 11/2001 cho thấy, nước hồ chỉ ô nhiễm nhẹ, đáp ứng tiêu chuẩn loại B, TCVN 5942 - 1995. Nói chung, nước vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường của rùa. Rùa hồ Gươm là loài ở nước ngọt mai mềm, có bộ phận hô hấp phụ nên có khả năng trao đổi ôxy trong nước, thậm chí có thể vùi mình trong bùn. Khi nồng độ ôxy trong nước thấp, bộ phận hô hấp phụ không đảm bảo đủ nhu cầu ôxy thì rùa phải ngoi lên thở bằng phổi. Hiện tượng này không diễn ra thường xuyên mà chỉ nhất thời, có khi một vài giờ hoặc cả ngày. Cũng có hiện tượng không thể lý giải được, đó là rùa nổi trong một số dịp sửa chữa hay khánh thành các công trình có liên quan đến khu tưởng niệm vua Lê ở cạnh hồ Gươm. Ví dụ ngày bàn giao mặt bằng Khu Di tích tưởng niệm vua Lê26/8/1999, rùa lên lúc 10h30' đến 12h30'; ngày sửa đầu đao trên nóc Tháp Rùa 23/8/2000. Gần đây nhất là ngày khánh thành khu tưởng niệm vua Lê bên hồ Gươm (27/9/2000), rùa lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc từ 8h20' đến 10h20', trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội. - Có những nguy cơ nào đang đe dọa rùa hồ Gươm? Hình ảnh rùa bị thương ở bên phải cổ. Ảnh chụp ngày 24/3/1998. - Đó là những cọc tre cắm giữ đài phun nước, cọc bê tông kè quanh chân đảo Ngọc, hoặc dây nylon buộc vào các tảng đá lớn để giữ bóng bay mỗi dịp lễ tết. Ngày 10/12/1996, con rùa bị xây xát, chảy máu trên lưng và chân trái. Ngày 24/3/1998, Đài Truyền hình Trung ương ghi được hình ảnh rùa bị thương, ở bên phải cổ sưng tấy, màu đỏ hồng, trông như có vết cứa chéo. Các trường hợp rùa bị thương có thể là do chướng ngại trong hồ, hoặc bị móc lưỡi câu chùm của kẻ câu trộm. - Theo ông, cần có biện pháp gì để bảo vệ ??ocổ vật sống??? này? Đá và cọc tre còn sót lại sau khi kè hồ có thể làm rùa bị thương. - Rùa Hồ Gươm là báu vật sống duy nhất của nước ta, là chứng nhân sống duy nhất của thời kỳ Lê Lợi chống giặc ngoại xâm, là linh hồn của hồ Gươm. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cần giao hẳn trách nhiệm bảo vệ rùa hồ Gươm cho Đội bảo vệ trật tự an ninh khu vực hồ Gươm; đưa tên loài này vào Sách Đỏ Việt Nam. Đồng thời, cần dọn dẹp tất cả những chướng ngại trong lòng hồ và thành lập trạm quan trắc thường xuyên theo dõi sự hoạt động của rùa và sự biến động môi trường hồ. Đặc biệt, cần tiến hành khảo sát ở các địa phương có loài rùa mai mềm lớn cùng loài với rùa hồ Gươm, làm nguồn dự trữ khi cần thiết bổ sung. Nếu không làm ngay những việc trên, sẽ là quá muộn khi "cụ" rùa duy nhất ra đi và cái giá phải trả là không thể tính được. (Theo vnexpress ngày 9 tháng 5 năm 2002) --------------------------------- Cuộc sống ?Chẳng có gì hay ho ,ngoại trừ sự kiện một số cục c. muốn chìm trong khi trọng lượng riêng của chúng bé hơn nước .
Ngày xưa cụ rùa đã mang gươm báu trao cho Lê Lợi để cứu dân tộc thoát khỏi kẻ thù xâm lược. Vậy mà ngày nay cụ rùa gặp nguy khốn chúng ta chỉ biết ngồi nhìn hichic.. LýThông
Well, hôm trước vào VNexpress tớ đã đọc thấy bài nói về vụ rùa Hồ Gươm sắp tuyệt chủng kia rồi, nên tớ mới đi tìm mấy bài khác về rùa ở đó thôi. Chuyện của nhà văn Lê Bầu là chuyện những năm 60, tớ chưa sinh ra và bác có lẽ cũng thế. Đọc bài viết của ông tớ xúc động thật, những chuyện về rùa Hồ Gươm tớ không được biết nhiều. Còn chuyện của năm 2002 là chỉ còn có một con rùa, tớ cũng đã nhìn thấy một vài lần, dăm năm nữa thì chắc chỉ còn rùa chở Táo Quân. You are what you know