1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sắp đến trung thu rồi! Cùng đọc " Chiếc Đèn Ông Sao " và cảm nhận các bạn nhé!

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi who.am.i, 13/09/2012.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. who.am.i

    who.am.i Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/09/2012
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO

    NGUYỄN DUY NHẤT


    Đêm trung thu, trên một chiếc cầu nhỏ mục nát bắc ngang qua một khúc sông, một bà cụ gầy gò với vóc người nhỏ bé đang ngồi trên một chiếc xe lăn. Hai bàn tay gầy guộc, xác xơ lúc nào như cũng run run của bà cụ đang ôm vào lòng một chiếc đèn ông sao nhỏ, giấy đã úa màu. Bà cụ rất yếu. Trên khuôn mặt in hằn những dấu vết thời gian, đôi mắt đùng đục sâu trũng của bà cụ lúc nào cũng chỉ nhìn đăm đăm vào dòng nước; trong ánh mắt mờ đục hiển hiện: sự buồn tủi, tình yêu thương và hơn hết cả là một nỗi đau vô hạn.

    Bên trong đôi mắt bà cụ, những hồi ức về một thời thơ ấu xa xưa hiện về:

    Đó là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm biệt lập trên một cái gò cao cách bờ sông không xa lắm. Ngôi nhà nhỏ trơ trọi, heo hút sau mỗi trận gió to lại đung đưa kẽo kẹt là mái ấm của một cô bé và mẹ của cô. Ngôi nhà đơn sơ chẳng có gì, nhưng tình yêu thương mà người mẹ dành cho cô bé thì chưa bao giờ vơi cạn. Hiểu là cô bé có rất nhiều điểm thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa, mẹ cô bé luôn gắng sức dồn hết mọi quan tâm, cùng yêu thương dành cho cô bé: mẹ cô bé có thể nhịn đói, nhưng cô bé sẽ luôn được ăn những món ăn ngon; mẹ cô bé có thể ăn mặc rách rưới, nhưng cô bé không khi nào thiếu quần áo đẹp; cả về vật chất lẫn tinh thần, cô bé chưa một lần cảm thấy thiếu thốn.

    Trung thu năm ấy, trong những sự háo hức đợi chờ của cô bé, dường như đến thật chậm. Cô bé đã đợi chờ đêm Trung Thu mơ ước ấy: từng ngày, từng ngày một…

    … Và rồi, đêm mai cũng đã là đêm Trung Thu. Dọc theo con đường về quen thuộc mà đôi bàn chân nhỏ ngày nào cũng sải bước, trên khắp tuyến phố, từ mấy hôm trước người ta đã treo rất nhiều những chiếc đèn trung thu thật là đẹp: những chiếc đèn ông sao nhiều tua rua lóng lánh, những chiếc đèn xếp ngộ nghĩnh đung đưa, những chiếc đèn cù có cánh xoáy tít, những chiếc đèn kéo quân cầu kỳ, những chiếc đèn ***g rực rỡ…

    “Ôi chao! Những chiếc đèn ***g! Những chiếc đèn ***g thật là đẹp!”

    Cô bé thích mê những chiếc đèn ***g đỏ và cô bé thường đứng ngắm nghía chúng cả tiếng đồng hồ mà không hề biết chán.

    Mấy ngày gần đây, trên lớp học, chủ đề hay được lũ bạn của cô bé đem ra bàn tán nhất, đương nhiên không gì khác ngoài những chiếc đèn mà chúng đã cầu kỳ chuẩn bị dành riêng cho đêm trung thu mơ ước. Những đứa bạn của cô bé khoe với cô bé rằng: chúng đã được ba má chúng mua cho những chiếc đèn trung thu thật là đẹp và rực rỡ biết nhường nào. Dẫu chưa có được cho riêng mình một chiếc đèn dành cho đêm trung thu, nhưng cô bé cũng đã ngắm nghía rất nhiều những chiếc đèn được người ta bày bán, và cô bé cũng đã tự chọn lấy cho riêng mình một chiếc đèn: đó là một chiếc Đèn ***g đỏ rất đẹp – có thể nói đó là chiếc Đèn ***g đẹp nhất mà người ta bày bán. Tuy có hơi ngượng nghịu, nhưng cô bé vẫn mạnh dạn miêu tả về chiếc đèn ***g đỏ mơ ước của mình cho lũ bạn cùng nghe. Cô bé thực sự vui sướng và hãnh diện biết bao, khi mà lũ bạn của cô tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ chiếc đèn trung thu mà cô nhắc tới. Chúng thừa nhận rằng:

    “Những chiếc đèn trung thu của chúng, chẳng thể nào mà đẹp được nhường ấy!”

    Hôm ấy trên đường về, cô bé một lần nữa dừng lại thật lâu trước chiếc đèn trung thu mơ ước. Nhìn ngắm chiếc đèn, cô bé vui thích mường tượng tới cảnh, chính tay cô bé sẽ cầm chiếc đèn tuyệt đẹp đó và lũ bạn của cô sẽ ngưỡng mộ chính bản thân cô bé cũng như chiếc đèn của cô bé biết nhường nào. Thả hồn mình vào bên trong những mường tượng ấy: cô bé sướng vui, cô bé hoan hỉ. Trên suốt quãng đường dài từ trường trở về nhà, bàn chân nhỏ của cô bé bước đi thoăn thoắt mà cô bé chẳng hề thấy mệt. Khi cô bé về tới ngôi nhà nhỏ thì trời cũng gần sẩm tối; theo thông lệ, cô bé sẽ ngồi đợi mẹ ngoài sân – phải một lúc nữa mẹ cô bé mới về.

    “Con gái ngoan của mẹ đã về lâu chưa?”

    Trong bóng tối mập mờ, mẹ cô bé: một người phụ nữ gầy gò, lem luốc, trên vai địu một gánh củi to vừa leo dốc vừa hỏi với lên dịu dàng.

    Lên tới nhà, mẹ cô bé đặt vội bó củi xuống sân để có thể ngay lập tức được ngồi xuống thật gần bên con gái; mẹ cô bé dùng bàn tay chai sần, gầy guộc của mình nắn bóp nhẹ nhàng bàn chân nhỏ của cô, dịu dàng xua tan đi những đường xa mỏi mệt. Khe khẽ đưa tay gạt đi những lọn tóc lưa thưa trên trán cô bé lấm tấm mồ hôi, mẹ cô bé hỏi:

    “Con mỏi lắm phải không?”

    Trong lòng mẹ, cô bé lắc đầu.

    Cô bé nhìn mẹ hớn hở:

    “Mẹ ơi! Đêm mai đã là đêm trung thu rồi! Năm nay người ta bày bán nhiều chiếc đèn trung thu đẹp lắm mẹ ạ! Đèn Ông Sao, đèn Xếp, đèn Cù, đèn Kéo Quân và cả đèn ***g nữa!

    Cô bé tỉ mỉ liệt kê ra các chủng loại đèn trên những đầu ngón tay búp măng nhỏ xíu.

    “Năm nay con cũng sẽ có được một chiếc đèn trung thu thật đẹp phải không hở mẹ?”

    Nhìn vẻ hồn nhiên của cô bé, mẹ cô bé ôm cô bé vào lòng khẽ nói:

    “Đương nhiên rồi con gái! Nhất định là con cũng sẽ có một chiếc đèn trung thu thật đẹp!”

    Câu trả lời của mẹ, khiến cô bé vui mừng nhiều lắm: nhảy bật ra khỏi lòng mẹ, cô bé vừa chạy nhảy, vừa hát ca rối rít như môt chú chim non. Cô bé sướng vui, trên khuôn mặt vỗn dĩ tần tảo, lem luốc của người mẹ vơi đi thật nhiều những nỗi mệt nhọc đời thường.

    Đêm đến đợi cho cô bé ngủ say, mẹ cô bé mới rón rén trở dậy. Lo cô bé thức giấc, mẹ cô bé không dám bật điện. Dưới ánh đèn dầu, mẹ cô bé khẽ khàng lấy ra từ bên trong gầm giường những ống giang đã chuẩn bị sẵn, một cuộn chỉ, vài tờ giấy màu và một nắm cơm nguội.

    Đầu tiên người mẹ vót giang thành nan, trau chuốt tỉ mỉ. Người mẹ đan khung đèn, buộc chỉ rồi chống cho thân đèn phồng lên. Khi phần khung của một chiếc đèn ông sao nhỏ xinh đã hoàn thành, người mẹ tiếp tục cắt giấy, cắt viền rồi kế đến là những hình trang trí thật là ngộ nghĩnh.

    Công việc tiếp theo phải làm là giã cơm nguội thành hồ; người mẹ đã phải lọ mọ ra thật xa mãi tít ngoài sân để giã cơm nguội.

    Tất cả mọi công việc được người mẹ làm một cách thầm lặng, trong bóng tối, hết sức tỉ mỉ nhẹ nhàng để không gây ra bất kỳ một tiếng động nào dù là nhỏ nhất.

    Khi trời tờ mờ sáng, một chiếc đèn ông sao nhỏ xinh xắn đã kịp hoàn thành: người mẹ ngắm nghía chiếc đèn ông sao nhỏ một lát, mỉm cười rồi quay lại ngắm nhìn cô bé một cách say sưa. Trên giường ngủ đơn sơ, khuôn mặt cô bé rạng ngời trong một tiết trời thu lành lạnh cũng đủ khiến cõi lòng người mẹ trở nên ấm áp. Ngẩn ngơ như vậy một lúc lâu, người mẹ mới chậm rãi thu dọn đồ đạc, rồi cẩn thận giấu chiếc đèn ông sao nhỏ vào bên trong môt cái thúng.

    Đêm Trung Thu mơ ước của cô bé sau nhiều ngày dài mong mỏi cuối cùng thì cũng tới. Tan học, cô bé hớn hở rảo bước trở về. Khi cô bé về nhà, không như mọi khi, mẹ cô bé đã đợi cô trước cổng. Người mẹ đặt chiếc thúng giấu món quà bí mật ở giữa sân, vừa thấy con gái về liền nói:

    “Con gái! Xem mẹ có món quà gì cho con đây này! Mẹ đảm bảo, nhất định là con sẽ thích!”

    Người mẹ đưa tay về phía chiếc thúng được đậy kín bằng một cái mẹt.

    Bâng khuâng tiến lại gần cái thúng: cô bé vừa tò mò, vừa hồi hộp.

    “Nhất định đó phải là một chiếc đèn trung thu! Một chiếc đèn Trung Thu thật đẹp! Đó là chiếc đèn ***g đỏ đẹp nhất mà mình đã chọn. Nó chạy bằng pin mà không phải đốt nến, lại còn có thể phát ra những bản nhạc thật là hay! Mẹ đã kịp mua nó ở bên ngoài trước khi mình về tới nhà”.

    Cô bé vui mừng chắc mẩm.

    ”Con mở ra xem trước được không hở mẹ?”

    Cô bé ngước lại, đôi mắt ngây ngô hỏi mẹ.

    “Được mà con gái. Nó là của con.”

    Mẹ cô bé hiền dịu đáp lời khi thấy cô bé dường như đang rất lấy làm háo hức.

    Cô bé cúi xuống, lật bỏ cái mẹt đang che miệng cái thúng.

    “Nó rất đẹp phải không nào con gái!”

    Nhìn con gái, mẹ cô bé vồn vã hỏi.

    Bên trong cái thúng, cô bé thấy một chiếc đèn ông sao bé tí, được dán giấy màu bằng cơm nguội – trông nó mới thật là xấu xí làm sao, nếu đem so với chiếc đèn ***g mơ ước của cô bé.

    Trong một chốc, những hình ảnh tuyệt vời về một đêm trung thu mơ ước của cô bé, gần như vỡ vụn. Khuôn mặt cô bé đang hớn hở, bỗng chốc đen xì: quá giận dữ, cô bé dùng chân đá tung chiếc thúng, chiếc đèn ông sao nhỏ văng đi, lăn lông lốc.

    Hành động của con gái trước mặt khiến người mẹ gần như đứng tim, chết lặng.

    Trước sự thẫn thờ của mẹ, cô bé trừng mắt lên quát lớn:

    “Xấu xí thế ai mà thèm cơ chứ!”

    Nước mắt cô bé giàn giụa, cô bé nấc lên thút thít :

    “Đèn gì mà xấu như ma! Đèn của chúng nó vừa đẹp, vừa không phải thắp nến lại còn có thể phát ra cả tiếng nhạc! Chứ ai mà thèm cái đèn xấu xí thế kia! Lúc nào mẹ cũng nói thương con! Nhưng thực ra mẹ chẳng thương con gì cả!”

    Lòng nghẹn đắng chát, nuốt nước mắt vào tim, mẹ cô bé lại gần bên cô bé khẽ ôn tồn:

    “Con ơi! Mẹ thực sự thương con! Mẹ thương con thật mà! Con muốn một chiếc đèn như thế nào? Nói cho mẹ nghe, rồi thì mẹ sẽ đi mua về cho con một cái!”

    Ánh mắt người mẹ nhìn vào cô bé van lơn như thể đang cầu xin một sự tha thứ.

    Nghe mẹ dỗ dành, cô bé nín khóc rồi từ từ thủ thỉ trong những tiếng nấc hãy còn chưa thôi:

    “Con muốn! Con muốn, có chiếc đèn ***g đẹp nhất ngoài chợ! Nó chạy bằng bin cơ! Không phải thắp nến mà lại còn phát ra được cả những bản nhạc rất hay! Bác bán hàng thấy còn nhiều lần nhìn nó, bác nói là: chỉ có hai mươi nghìn thôi mẹ ạ!”

    Nhìn bộ dạng tội nghiệp và đôi mắt đỏ hoe của cô bé, người mẹ không khỏi những nỗi xót xa.

    Khéo dấu đi hai hàng nước mắt, người mẹ nói với cô bé:

    “Được rồi con gái! Nhất định là con sẽ có một chiếc đèn ***g đẹp nhất! Nhất định là thế! Con đợi mẹ một lát thôi! Mẹ ra sông, vớt thêm một ít củi nữa, rồi mẹ sẽ về!”

    Người mẹ ôm cô bé vào lòng, vỗ về, an ủi giây lát rồi cứ thế ra đi.

    Trên cái gò cao, bên cạnh ngôi nhà nhỏ liêu xiêu đơn độc, cô bé nhìn theo cái bóng của mẹ cứ xa dần, xa dần, xa dần.

    Cô bé đợi, đợi mãi, đợi mãi. Đợi từ khi trời còn hửng nắng, đến khi trời sẩm tối, rồi tới lúc trời tối hẳn mà mẹ cô bé vẫn chưa về.

    Mặt trăng sắp lên cao: trăng trung thu tròn và sáng.

    Xung quanh vắng ngắt, cô bé bắt đầu cảm thấy lạnh, cô bé thấy sợ.

    Sự sợ hãi bên trong cô bé cứ lớn dần, lớn dần, lớn dần, rồi cô bé òa khóc thật to. Cô bé cố gào lên thật lớn, hy vọng rằng, mẹ của cô bé từ xa có thể nghe thấy tiếng khóc của cô bé; mẹ cô bé sẽ ngay lập tức chạy vội về nhà, dỗ dành cô bé như mọi khi.

    Những tiếng khóc của cô bé vọt ra, như bị màn đêm nuốt chửng. Cô bé đã khóc khản cả cổ rồi mà vẫn không thấy bóng dáng của mẹ ở đâu. Gạt nước mắt, cô bé thấy chiếc đèn ông sao nhỏ của mẹ vẫn đang nằm trơ trọi dưới đất. Một thoáng, cô bé cảm thấy chiếc đèn ông sao nhỏ đó thật là thân thuộc; nó thân thuộc giống như chính hình ảnh của mẹ cô bé vậy. Trong những vồn vã, cô bé nhặt lên chiếc đèn ông sao nhỏ, ôm khư khư nó vào lòng rồi cô bé lại khóc.

    Cô bé khóc, lúc này không phải vì cô bé sợ, mà là bởi, cô bé đang ân hận nhiều quá:

    “Mẹ ơi! Hu Hu! Mẹ ơi!... Mẹ ơi! Hu Hu! Mẹ ơi!”

    Nắm chặt chiếc đèn ông sao nhỏ trong lòng bàn tay bé xíu, cô bé lao vào bóng tối. Dưới ánh trăng rằm vằng vặc, cô bé vừa chạy vừa khóc:

    “Mẹ ơi! Về với con đi mẹ ơi! Con không cần chiếc đèn ***g nào cả! Con chỉ cần có một mình mẹ thôi! Con đã thấy rồi! Chiếc đèn ông sao của mẹ là đẹp nhất! Chiếc đèn Ông Sao của mẹ là đẹp nhất! Mẹ ơi! Hu hu! Về với con đi mẹ ơi!”

    Xuyên đêm tối, cô bé chạy liền một mạch: cô bé chạy xuyên qua những bụi lau sắc lẻm rồi những bụi gai mây rậm rì. Đôi chân trần ứa máu, làn da mỏng manh rách toạc, cô bé vẫn cứ chạy: cô bé chạy, chạy mãi, chạy mãi, cuối cùng thì cô bé cũng chạy được ra tới bờ sông.

    Khúc sông ấy là nơi mẹ cô bé vẫn thường hay bơi ra vớt củi để bán lấy tiền.

    Dưới ánh trăng, dòng sông lạnh lùng chảy xiết, thi thoảng dâng trào, lấp lánh bạc. Ôm khư khư chiếc đèn ông sao nhỏ của mẹ, vừa khóc, cô bé vừa gọi với ra giữa lòng sông:

    “Mẹ ơi! Mẹ về đi! Về với con đi mẹ ơi! Con không cần chiếc đèn ***g nào cả! Con chỉ cần có mình mẹ thôi! Chiếc đèn ông sao của mẹ là đẹp nhất trên đời! Hu Hu! Mẹ ơi! Về với con đi mẹ ơi!”

    Ngoài những tiếng nước bì bõm, không một lời nào đáp trả; dưới ánh trăng, dòng sông vẫn chảy.

    Cô bé tiếp tục gọi: cô bé cứ gọi, gọi mãi, gọi mãi. Tiếng gọi và tiếng khóc của cô bé nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn; dưới ánh trăng, dòng sông vẫn chảy.

    Chạy dọc bờ sông, cô bé vẫn không ngừng gọi mẹ mà không ý thức được rằng, giọng của cô bé đã mất hẳn. Kiệt sức, cô bé gục xuống, đôi bàn tay nhỏ vẫn ôm thật chặt chiếc đèn ông sao của mẹ; dưới ánh trăng dòng, sông vẫn chảy. Trăng đêm trung thu, càng lên cao càng sáng. Ánh trăng soi sáng một dải bờ sông: chẳng có gì, chỉ có một cô bé nằm co ro; cô bé ôm trong lòng một chiếc đèn ông sao nhỏ như thể nó là một báu vật vô giá nhất trên đời.

    Đêm hôm đó, mẹ cô bé đã ra đi vĩnh viễn. Cô bé được đưa vào một trại trẻ mồ côi, trưởng thành rồi vào đời.

    ------oOo------

    Thời gian trôi đi như dòng nước, cảnh vật hai bên bờ sông năm xưa đã rất nhiều đổi khác: khúc sông mẹ cô bé năm nào vẫn hãy đi vớt củi đã có một cây cầu lớn bắc qua, ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo của hai mẹ con cũng không còn nữa, hai bên bờ sông nhà cao tầng nối nhau san sát. Cảnh vật có nhiều điều thay đổi, nhưng vẫn có một điều chưa bao giờ thay đổi trong suốt nhiều năm liền bên trên khúc sông ấy: hằng năm cứ vào những đêm rằm tháng tám, những người vội vã qua cầu luôn thấy một cô gái nhỏ nhắn, ôm trong lòng mình một chiếc đèn ông sao cũng nhỏ bé như cô. Cô gái cứ đứng như thế trên cầu suốt đêm mà nhìn vào lòng sông đăm đắm.

    ------oOo------

    Thời gian tiếp tục trôi, cô gái năm xưa nay đã là một người con gái rất thành đạt: đêm rằm tháng tám, trên cây cầu, cô gái vẫn ôm trong lòng chiếc đèn ông sao nhỏ, nhưng cô gái đã không còn đứng một mình; bên cạnh cô gái, đã có một người đàn ông và một đứa trẻ.

    ------oOo------

    Năm tháng tiếp tục trôi đi, giống như dòng sông kia chưa bao giờ ngừng chảy: bên cạnh chiếc cầu nhỏ, người ta đã xây dựng một cây cầu khác lớn hơn; đứa trẻ năm xưa bên cạnh cô gái đã trở thành một chàng trai trưởng thành, đĩnh đạc; người mẹ trẻ năm nào mái tóc đã điểm hoa râm; nhưng, trên cây cầu nhỏ hoang phế, cũ nát, vào những đêm rằm tháng tám cái bóng của chiếc đèn ông sao nhỏ vẫn chưa một lần thay đổi.

    Trung thu năm nay, trên cây cầu nhỏ có ba chiếc xe hơi và thêm một chiếc xe cứu thương nữa. Một đám đông: những ý tá, bác sĩ, những người đàn ông, đàn bà, rồi có cả những đứa trẻ xinh xắn đáng yêu; tất cả đều ăn vận sang trọng; tất cả đều lặng im dõi theo một bà cụ đang ngồi lặng lẽ bên trên một chiếc xe lăn.

    Một bác sĩ nhìn vào một người đàn ông lắc đầu nói khẽ:

    “Bà cụ đã rất yếu! Chỉ e cụ sẽ khó qua khỏi đêm nay! Gia đình nên có sự chẩn bị về tinh thần từ trước!”

    Bên canh người đàn ông, một cô bé nhìn về phía bà cụ khóc thút thít. Cô bé khẽ lay ba cô, rồi cô bé hỏi:

    “Ba ơi Ba! Sao trung thu năm nào Bà Nội cũng nhất định, cứ phải ngồi đó suốt đêm hở Ba? Hôm nay trời lạnh, con thương Bà Nội nhiều lắm Ba ơi! Ba nói, để Bà Nội về nhà với con Ba con mình, đi Ba!”

    Cô bé nước mắt giàn giụa, bấu mạnh vào bàn tay Ba.

    Ba Mẹ cô bé, và những người lớn xung quanh nghe cô bé nói mà rớm nước mắt. Họ nhìn cả về phía bà cụ, không dám khóc to. Cô bé tiếp tục bấu mạnh vào bàn tay ba, vừa khóc vừa đòi:

    “Ba! Ba ơi Ba! Sao Ba còn chưa đưa bà nội về nhà? Con không chịu đâu!
    Cô bé buông tay Ba, khóc nức nở rồi chạy vụt đi. Mẹ cô bé với theo định giữ cô bé lại nhưng không kịp, thì gọi:

    “Mai! Con ơi! Để cho Bà Nội được yên tĩnh đi con!”

    Cô bé không nghe lời mẹ, vẫn chạy đến sát bên cạnh bà cụ. Bàn tay nhỏ mềm mại của cô bé khẽ lay nhẹ bàn tay đã khô kiệt của bà nội:

    “Bà Nội ơi! Về nhà với cháu đi Bà Nội! Trời đêm lạnh lắm Bà Nội à!”

    Bà cụ khẽ đưa tay gạt đi những dọt nước mắt còn vương trên khuôn mặt cô bé, mỉm cười. Bà nói khẽ:

    “Cháu có biết không! Cháu, và cả ba cháu ngày xưa nữa, đều rất ngoan ngoãn và đáng yêu! Ba Mẹ cháu, và cả Bà nữa, may mắn hơn rất nhiều so với người Mẹ của Bà!”

    Bà cụ nhìn trở lại dòng sông, một giọt nước mắt trắng đục, rỉ ra, chảy dài trên khuôn măt già nua, nhợt nhạt, đã gần như không còn sức sống. Giọt nước mắt rơi xuống, rơi vào mặt giấy của chiếc đèn Ông Sao nhỏ đã bạc màu thời gian và có nhiều chỗ hoen ố; giọt nước mắt ấy một lần nữa được chiếc đèn Ông Sao nhỏ thấm hết. Giọt nước mắt vừa rớt xuống ấy, là giọt nước mắt cuối cùng của Bà Cụ rớt xuống chiếc đèn Ông Sao nhỏ và được nó thấm trọn vẹn vào lòng. Bà cụ đã trút hơi thở cuối cùng của mình, ngay sau giọt nước mắt ấy. Trên khuôn mặt già nua của Bà, và cả bên trong đôi mắt vẫn còn đang nhìn xuống lòng sông đăm đắm, hằn sâu một nỗi ân hận, xót xa. Chiếc đèn Ông Sao trong lòng bà cụ, được bàn tay khô kiệt của bà cụ, giữ chặt như môt thứ báu vật vô giá.

    Cô bé nhỏ thấy bà nội có điều không ổn liền lay mạnh cơ thể bà rồi khóc thét lên thất lớn:

    “Bà Nội ơi! Hu Hu! Bà Nội ơi!”

    Các bác sĩ và những người thân của bà cụ chạy vội về phía bà cụ và cô bé. Mọi người cúi đầu… Người đàn ông nhìn vào đôi mắt của mẹ vẫn mở ra trừng trừng nhìn xuống lòng sông mà lòng đau quặn; anh không gìm được những giọt nước mắt xót thương cho mẹ, khóc lên rấm rức. Người đàn ông vuốt mắt cho mẹ rồi lấy ra trong trong mình môt mảnh giấy, vừa khóc, vừa đọc.

    Nguyên văn mảnh giấy viết: “Sau khi mẹ chết, hãy hỏa táng mẹ cùng với chiếc đèn Ông Sao của Mẹ! Một nửa tro đem chôn bên canh mộ của Ba con. Nửa còn lai, đêm trung thu năm sau con đưa bé Mai đến đây và bảo cháu rải xuống lòng sông bên dưới! Mẹ phải tiếp tục đi tìm Mẹ của Mẹ.”

    Một năm nữa đã lại qua đi thật nhanh. Đêm rằm tháng tám năm nay, theo di nguyện của Bà, bé Mai được Ba đưa đến cây cầu cũ. Ôm trong lòng chiếc hũ sứ nhỏ, cô bé chạy về vị trí mà cô bé biết rằng, bao năm qua Bà Nội cô vẫn đứng. Bốc ra từng nắm tro một, rải xuống lòng sông, cô bé thì thầm:

    “Bà nội ơi! Giờ thì cháu đã hiểu vì sao, đêm trung thu năm nào bà cũng tới đây rồi Bà ạ! Cháu hứa với Bà, những năm tiếp theo, vào những đêm rằm tháng tám, cháu sẽ đến trò chuyện cùng bà! Hãy đợi để nghe những tâm sự của cháu bà nhé!”

    Nguyễn Duy Nhất _ viết tặng các bé Thiếu Nhi _ Trung Thu năm 2005.
  2. who.am.i

    who.am.i Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/09/2012
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    :-bd:-bd:-bd:-bd:-bd:-bd:-bd:-bd
  3. who.am.i

    who.am.i Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/09/2012
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    :-bd:-bd:-bd:-bd:-bd@};-@};-

Chia sẻ trang này