1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sáu năm chiến tranh 1939 - 1945

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vuthanhbinh1993, 19/03/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Mình có cuốn sách hay hay có tên là "Six war years 1939 - 1945: Memories of Canadians at Home and Abroad" của Barry Broadfoot, xuất bản năm 1976. Đây là cuốn sách tập hợp hồi ức của những người Canada đã sống qua giai đoạn WWII. Những hồi ức ngắn, nhỏ nhoi, nối tiếp liền kề theo nhau dựng lên bức tranh tổng thể về một quốc gia đang tham gia vào cuộc chiến tranh ở nơi nào đó rất đỗi xa xăm. Mình xem nó như một cuốn sách lịch sử nhưng thú vị và rất cuốn hút nên muốn chia sẻ cùng các bạn. Dù vậy vẫn cứ phải post một nhát mở đầu xem phản ứng của bạn macay và các bạn khác như thế nào. Nếu các bạn ủng hộ thì mình sẽ dành thời gian dịch và giới thiệu cùng các bạn, không thì thôi. Và cũng phải nói trước là mình làm việc này sẽ không đều lắm đâu nhé.
    vacbay03, maseo, gaume13 người khác thích bài này.
  2. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    mời bác
  3. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Preface

    ……

    Cuốn sách này được viết bởi những người Canada, đàn ông và phụ nữ, ở hậu phương hay hải ngoại. Nó được viết bởi những người đã trải qua chiến tranh trong những vai trò rất khác biệt: một cô bé 12 tuổi đan tất cho Hội Chữ Đỏ, mẹ của cô làm việc trong một nhà máy lắp ráp máy bay, hàng nghìn người không rõ gương mặt làm công tác huấn luyện trong các căn cứ quân sự hay trại lính trên toàn Canada suốt những năm dài u ám, những nữ y tá trẻ nơi gần chiến tuyến ở Normandy, cả những cậu bé con và những gã đàn ông trong những trận chiến mùa đông khủng khiếp trước Ortona(1), hoặc chiến đấu trong làn nước ngập ngang thắt lưng trên con đường địa ngục tiến về Antwerp, hoặc sấp ngửa trong những cơn bão mùa đông trên Bắc Đại Tây Dương, hoặc đêm lại đêm bay trên những chiếc Lancaster vào sâu đất Đức.

    Cuốn sách nói về và được viết bởi những người xây dựng lên con đường cao tốc Alaska trong một mùa đông khắc nghiệt, về cả những thủy thủ đoàn trong những con tầu chở dầu nổ tung trên Bắc Đại Tây Dương, về cả những người lính cận kề cái chết trong các trại tù binh của Nhật.

    Cuốn sách nói về và được viết bởi những người vợ có chồng nơi chiến tuyến, cả những người phục vụ tại Victorry Garden(2) trong cái nóng của mùa hè oi ả; về cả những người trẻ tuổi hơn đưa bạn gái đến trường tham dự buổi khiêu vũ bằng phí vào cửa là hai chiếc tem War Saving(3); về cả những người phụ nữ láng giềng có đứa con trai duy nhất bị thương ở Dieppe; về cả những người chờ đợi, trong nỗi sợ triền miên, người bưu tá mang đến thông điệp kinh khủng nhất cho tất cả mọi người – tin tức về sự hy sinh của người mà họ thương yêu nhất

    ……

    ____________________________________________________________

    (1): http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Ortona

    (2): http://en.wikipedia.org/wiki/Victory_garden

    (3): http://en.wikipedia.org/wiki/War_savings_stamps_of_the_United_States
    vacbay03, thanhVNW, vuonngu5 người khác thích bài này.
  4. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Một tóm tắt giản lược về cuộc chiến tranh của Canada

    Thỉnh thoảng các số liệu thống kê là vô nghĩa nhưng khi chúng ta xem xét phần đóng góp trong thời chiến của Canada dựa trên các số liệu thống kê thì chúng trở nên rất hữu ích. Qua chúng, người ta có thể nhận ra nỗ lực khổng lồ trên qui mô lớn đã được người Canada thực hiện trong suốt thời Đệ Nhị Thế chiến.

    Trước tiên là nỗ lực quân sự. Năm 1939, cả ba quân chủng của Canada có tổng nhân lực khoảng 10.200 người, mỗi quân chủng đều có một lực lượng hỗ trợ được gọi là dân quân hay dự bị nhưng “những người lính đêm thứ bảy” này chỉ được huấn luyện sơ đẳng, vũ khí và tất cả các quân dụng khác đều tồi tệ và lếch thếch. Về trang bị vũ khí, để tham gia vào cuộc chiến tranh trong năm 1939, quân đội Canada đã gom được 29 khẩu súng máy Bren, 23 khấu súng trường chống tăng (anti-tank rifle) và 5 khẩu cối 80 ly (three inch mortar). Đó không phải là lời giỡn chơi, chúng là sự thật.

    Năm tháng trôi qua. Đến tháng Năm năm 1945, chỉ riêng lực lượng tác chiến trên bộ đã có hơn 700 nghìn người trải qua chiến đấu bền bỉ và hiệu quả tại Italia và vùng Tây Bắc của châu Âu, được nhiều vị chỉ huy mô tả như là một trong những đội quân tốt nhất trên thế giới. Đội quân ấy đã chịu tổn thất 23 nghìn sinh mạng.

    Hải quân Hoàng gia Canada, với 6 chiếc khu trục hạm già nua chậm chạp thiếu sinh khí của năm 1939 đã phát triển thành lực lượng hải quân lớn thứ ba thế giới với hơn 480 tầu và hơn 100 nghìn quân nhân phục vụ trên biển và trên bờ. Đó là lực lượng hải quân với những chiếc tầu nhỏ như kiểu tầu hộ tống, tầu hộ vệ hạm và khu trục hạm có nhiệm vụ kiểm soát tuyến đường biển qua Bắc Đại Tây Dương và chiến đấu cho đến khi kết thúc chống lại các đội tầu ngầm hung hãn của người Đức. Trong những năm tháng dài dằng dặc khi nước Anh cô độc tại châu Âu, Hải quân Hoàng gia Canada đã tháp tùng thành công hơn 180 triệu tấn hàng viện trợ giúp quốc đảo này tiếp tục cuộc chiến đấu. Xin hãy đọc lại con số này một nữa: 180.000.000 tấn.

    Năm 1939, Không quân Hoàng gia Canada hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa cùng một công ty cổ phần với khoảng 4000 người. Kết thúc chiến tranh, lực lượng này có 250 nghìn người và khoảng 100 nghìn trong số họ phục vụ tại các sân bay và căn cứ trên toàn Canada – những nơi đã tạo ra 130 nghìn đội bay được huấn luyện nhuẫn nhuyễn thông qua Kế hoạch đào tạo không quân của Liên hiệp Anh. Trên toàn thế giới, 4/5 số phi công thuộc Liên hiệp Anh được đào tạo tại Canada và thường là bởi người Canada. Có 48 phi đội ném bom và khu trục ở Anh và nhiều nơi thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh bờ biển Canada trợ giúp cho hải quân trong việc tìm kiếm và phát hiện tầu ngầm. 25% nhân lực bay trong Không quân Hoàng gia Canada là người Canada, một tỷ lệ phần trăm đáng kinh ngạc.

    Chiến tranh là tiền bạc. Năm 1939, chính phủ Canada chỉ bỏ ra 553.063.000 đô-la để giữ cho quốc gia này tiến bước. Năm 1945, chỉ riêng chi phí quốc phòng đã hơn 19 tỷ đô-la. Không tồi cho một đất nước có 11.300.000 dân.

    Năm 1943, một nhà văn người Anh trong chuyến du hành Bắc Mỹ đã sững sờ khi nhận ra rằng vào năm 1942, Canada đã gửi tới Britain 90 nghìn giạ lúa mì; 4.500.000 thùng bột mì; 266.649200 kg thịt lợn muối và giăm-bông; 7.661.000 pound trứng sấy khô; 4.375.000 pound trứng tươi, cộng thêm số lượng khổng lồ pho-mát, thịt hộp, cá hộp, dầu cá và những hàng hóa khác là quá lớn, quá nhiều để có thể đề cập. Đó chỉ là trong năm 1942 khi hơn 3 năm chiến tranh đã trôi qua. Và đó cũng là sự góp phần của những người nông dân, ngư dân, chăn nuôi bò đã làm việc ngày đêm chăm chỉ.

    Trên mặt trận sản xuất, tổng số lượng cũng tạo nên sự kinh ngạc. Năm 1939, Canada không có công nghiệp quố phòng. Khi chiến tranh kết thúc, 1.100.000 nhân công, chiếm 1/10 dân số, làm việc trong các nhà máy quốc phòng, chế tạo ra 900.000 khấu súng trường; 794.0000 xe máy phục vụ quân sự; 244.000 súng máy hạng nhẹ; 16.000 máy bay chiến đấu với gần 80 kiểu loại và 486 tầu chiến cùng 391 tầu thuyền vận tải và 3.500 tầu đa nhiệm, tất cả đều cần thiết cho nỗ lực chiến tranh. Năm 1939, chắc chắn là có rất ít người Canada nhìn thấy xe tăng nhưng trong năm 1945, quốc gia này đã tạo ra 6.500 chiếc, ngang bằng với 13 tháng sản xuất xe tăng của Đức – quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Và dĩ nhiên, Canada cũng chế tạo ra những thứ mà người gõ búa đấu giá thường mô tả là “những món hàng có số lượng quá lớn để đề cập”. Hàng nghìn loại hàng hóa, tất cả mọi thứ cần thiết để tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại.

    Thêm vào đó là các sản phẩm khai thác từ mỏ cũng trợ giúp cho những nỗ lực chiến tranh của Đồng Minh: a-mi-ăng, vonfram dành cho áo giáp; radium, nhôm cho máy bay, than đá, man-gan, giấy (thứ cần thiết tương đương với các loại thép có chất lượng hàng đầu), cộng thêm hàng trăm nghìn tấn hóa chất và thuốc nổ.

    Những điều này là sự thật không thể bác bỏ cho nỗ lực chiến tranh của Canada. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ kể cho các bạn biết, bằng ngôn từ của chính người Canada, rằng cuộc chiến này đã diễn ra như thế nào, họ đã làm việc ra sao và cách họ cảm nhận về nó.
    vacbay03, thanhVNW, hk1113334 người khác thích bài này.
  5. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    THỜI BUỔI TỒI TỆ NHẤT. THỜI BUỔI HUY HOÀNG NHẤT.
    _________________________________________________________________________
    Chiến tranh mang lại rất nhiều điều khác biệt cho rất nhiều người khác biệt. Tôi tin rằng lời kể từ chính họ còn rõ ràng hơn cả mức mà tôi có thể
    __________________________________________________________________



    Đến Jerusalem

    Tôi không muốn tham chiến. Tại sao tôi lại phải nhập ngũ để bị giết bởi một gã người Đức nào đó, một kẻ cũng không muốn chiến tranh và không biết tôi là ai hết, giống như tôi không hề biết hắn.

    Ngoại trừ một điều. Tôi là người Do Thái và trong khi những người thân già dặn hơn tôi không muốn tôi làm điều đó – giống như họ không muốn tôi vào Đại học Toronto, làm một bác sỹ, một luật sư hay là một ai đó tránh xa việc kinh doanh – thì mẹ tôi, một chiếc chiến hạm vững chãi, lại nghĩ khác. Isser sẽ nhập ngũ và đến Jerusalem, nó sẽ đến Bức tường phía Tây, rút ra cuốn Kinh Thánh và đọc bài kinh thứ 83.

    Chiến tranh, một phần nào đó luôn xoáy tròn trong tâm trí của mẹ tôi. Bà đọc tin tức về Tập đoàn quân số 8 của Anh đang chiến đấu gần Cairo, lần theo nó trên bản đồ và thánh thần ơi! Chỉ có 2 inch là tới Jerusalem. Hai inch trên bản đồ có thể là 250 dặm. Một trong số các con trai của bà sẽ cầu nguyện bên Bức tường, có nên đánh cược cuộc sống không nhỉ. Mặc kệ cho mọi người phản đối, mẹ tôi, thực sự là đã đẩy tôi ra khỏi nhà, đến phòng tuyển quân trong ngày sinh nhật thứ 18 của tôi. “Hãy nhập ngũ, con trai”, bà bảo, “ và con sẽ đến đó nhanh hơn. Trên trang nhất báo Star hôm qua, họ đang cách Jerusalem không quá xa”. Thực tế không như bà nghĩ, Tập đoàn quân số 8 vẫn ở phía Tây cách xa Cairo và vì thế nó còn cách Jerusalem rất xa. Mẹ tôi là một phụ nữ thiển cận.

    Tôi nhập ngũ. Bởi vậy đấy. Một năm ở Canada, bốn tháng ở Anh, rồi Pháp, Đức và quay về nhà. Khoảng hai năm rưỡi. Về nhà. Đón tôi ở sân bay là tất cả người thân trong gia đình – một buổi lễ đoàn tụ đậm chất Do Thái được tổ chức ngay ở sân bay. Nhưng … Lạy Chúa, mỗi lần tôi nhớ về nó!

    Mẹ đón tôi trước tiên và sau khi tôi đã nhận những cái ôm hôn của tất cả mọi người, bà nói: “Isser, con đã không đụng tới cuốn sách ư?”. Tôi hỏi lại, cuốn sách nào. “Cuốn Kinh Thánh mà mẹ đã trao cho con ngày con nhập ngũ”. Lời nói đó như cú đánh vào tôi. Bức tường phía Tây, Jerusalem, bài kinh thứ 122, bài kinh thứ 83, những đàn ông già cả đứng đó khóc lóc và nghẹn ngào, một dạng người Do Thái mà tôi không hề muốn.

    Tôi nói bà: “Mẹ, con không tới được Jerusalem. Con cũng không ở gần nơi đó. Đơn vị con đi đường khác. Bọn con rẽ phải chứ không rẽ trái”. Câu nói như một lời đùa cợt nhưng nó là câu nói sai lầm.

    Mẹ chợt nhìn tôi bằng cái nhìn lạnh lẽo và trở về với đúng hình dung của bà, một người phụ nữ nhỏ bé nhưng vững vàng như thép. Bà buông ra đúng một từ: “Thằng đần”. Chỉ một câu “thằng đần”. Đó là tôi. Một thằng đần.

    Với mẹ, tôi không tham gia cuộc chiến vì nền dân chủ hay vì Canada. Tôi chiến đấu để được đến Jerusalem. Mẹ tôi đã nói thế về con trai của bà với tất cả xóm giềng.

    Khi mẹ bình tĩnh trở lại thì một điều điên khùng nữa lại đến khi tôi xin lỗi bà và lấy làm tiếc vì đơn vị của tôi đã không đi theo con đường mà bà muốn. Nét đẹp thường ngày trở lại trên gương mặt mẹ và bà nói: “Isser, rốt cuộc thì là con đã không cố gắng”.
    vacbay03, Everest_V, macay33 người khác thích bài này.
  6. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Mười bốn tuổi rưỡi

    Tôi nhập ngũ khi 14 tuổi rưỡi và giải ngũ khi chỉ còn một tháng nữa là tròn 18 tuổi.

    Ở Pháp, tôi làm liên lạc trên một chiếc motor và vào cái ngày đó, khi tôi chuẩn bị rời đi với một bản báo cáo mới nhận được thì một khẩu 88 của Đức bắn tới từ phía sau. Tôi không biết là khẩu pháo ấy mới chuyển đến trong đêm hay được bọn Đức giấu kín ở đó từ trước. Ngay khi tôi vừa dấn ga thì bọn chúng bắn và hạ ngay một chiếc xe tăng của ta, còn tôi thì nhận một mảnh thép vào ngực. Tất cả tan tành.

    Khi người ta đưa tới trạm quân y, tôi không còn nguyên vẹn, da tay chân, ngực đã mất hết. Khi tới lượt tôi được khám thì người ta khiêng vài người ra ngoài và một vị bác sỹ hỏi: “Có một người chết phải không?”. Người ta đáp có nên vị bác sỹ đó bảo khiêng cái gã đã chết đó trở lại. Họ đã lấy da của anh ta để đắp cho tôi, rồi bằng cưa, dao và những sợi kim loại thép họ hàn gắn tôi lại. Tiếp đó, tôi trải qua 9 tháng trong bệnh viện và đến giờ thì tôi ổn, rất ổn. Ngoại trừ khi trời lạnh. Khi trời lạnh tôi cảm nhận được nó, thực sự cảm nhận được. Tôi phải mang một bộ quần áo lót đặc biệt. Trong ngực tôi có 44 inch dây bạc để giữ ***g ngực lại với nhau. Nguyên nhân duy nhất tôi còn sống đến ngày nay là do các vị bác sỹ đó và bởi tôi mới 17 tuổi, và, ơn Chúa rằng tôi đã mạnh mẽ.

    _________________________________________________________________________

    Zombie

    Chắc chắn tôi đã là một Zombie. Nếu ai đó hỏi tôi, tôi sẽ trả lời như thế. Tôi chẳng xấu hổ gì. Nếu Mackenzie King cảm thấy nó như là một thủ đoạn chính trị để có một đạo luật riêng dành cho người Canada gốc Pháp và bộ luật cho phần còn lại của Canada, thì đó là vấn đề của hắn. Tôi mặc chứng thoát vị nên không phải ra hải ngoại và cũng chẳng phải nhập ngũ nhưng bị yết tên làm thư lại tại Dundurn cho đến tận tháng 7 năm 1946 – đó tựa như là sự trừng phạt cho việc bảo vệ các nguyên tắc của tôi và của mọi người Canada khác.

    Các bạn sẽ không bao giờ biết được sự phiền nhiễu mà chúng tôi phải chịu đựng. Giả như tên tôi là LaPointe hay là Desroches hoặc là bất kỳ cái tên đặc Pháp nào đó, tôi sẽ bị gửi đến các trung đoàn Zombie và chịu đựng cuộc chiến như một cái bóng. Nhưng tên tôi là Carpenter, một cái tên cũ kỹ, chính trực và đặc chất Anglo-Saxon nên tôi thành một kẻ có tỳ vết.

    Các bạn có tin là tôi đã bị buộc phải huấn luyện đến những bốn lần và cả bốn lần đều vượt qua kỳ huấn luyện không? Các trung đội tôi tham dự luôn có 25 gã tân binh chỉ tôi là Zombie duy nhất, và mọi người, từ bình sỹ cho đến các sỹ quan, các chỉ huy trung đội có dám quả quyết rằng tôi đang được đối xử một cách trung thực?

    Nhầy nhụa trong suốt 4 năm và tôi thường phải giữ vững quyết tâm của mình bằng cách đắp một con cá ướt lên gương mặt. Mỗi lúc như vậy, tôi lại tự nhủ: “Nào, bình tĩnh lại, thằng cha này. Mày mạnh mẽ gấp 10 lần chúng nó. Nếu mày ở đây đủ lâu thì chúng nó sẽ phải tôn trọng mày”. Rắc rối là ở chỗ tôi luôn bị di chuyển, dù vậy tôi vẫn biết một vài gã rất tốt và chúng tôi vẫn thường viết thư cho nhau, thậm chí có lần tới Toronto tôi đã say túy lúy vì bia cùng với hai gã ở đó.

    Mackenzie King đã chơi trò chính trị với Canada, với cuộc sống của mọi người và danh dự của đất nước, và bởi vì điều đó mà tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn.

    Người dịch: - Mackenzie King làm Thủ tướng Canada hai lần. Lần cuối là từ 1935-1948.

    - Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, từ “Zombie” được người Canada dùng để ám chỉ những người nhập ngũ nhưng không đủ can đảm tình nguyện ra nước ngoài chiến đấu. Cái này có lịch sử khá dài. Có thể tham khảo tại đây:

    http://en.wikipedia.org/wiki/Conscription_Crisis_of_1944

    https://zombielaw.wordpress.com/2012/11/29/ww2-history-canadian-zombie/

    http://www.terracestandard.com/news/180698861.html
    hk111333, vacbay03, Everest_V2 người khác thích bài này.
  7. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Một kẻ đào ngũ

    Phải có đến hàng trăm gã như tôi. Có thể là hàng nghìn. Các anh đã bao giờ nhìn thấy con số thống kê xem có bao nhiêu gã đào ngũ ở Canada chưa?

    Tôi vừa 18 tuổi và khi kết thúc huấn luyện ở Shilo, người ta gọi ra một vài cái tên, trong đó có tôi, và ra lệnh chuẩn bị balo đi cùng một viên trung sỹ tới phòng tập chính. Tại đây, từ một viên hạ sỹ, tôi biết được rằng chúng tôi sẽ tới Suffield. Trại Suffield nằm trên một thảo nguyên đỏ như máu, cằn cỗi gần Medicine Hat và đó là nơi họ thử nghiệm khí gas, khí gas độc, hóa chất, các loại vũ khí đặc biệt và tất cả chúng là một phần của một thứ rất chi là *** đái – khí độc làm phỏng da. Chạm vào nó và goodbye nhé làn da thân yêu của bạn. Chúng tôi sẽ trở thành những con chuột thí nghiệm. Ở đó, họ sử dụng tù nhân người Đức và cả người Ý nữa làm nhân công nhưng những người lính Canada tốt lành như chúng tôi cũng sẽ trở thành vật thí nghiệm – đó là cái mà viên hạ sỹ nói với tôi. Thực sự là những lời nói đó đã xé toạc mông đít của tôi. Tất cả.

    Sau Shilo, trạm xe lửa kế tiếp là Brandon, một thành phố đầy rẫy lính tráng và phi công, luôn có đánh nhau, đúng là địa ngục. Và khi tới đó, tôi nhảy tầu. Tếch. Giống như là chuyển sang đường ô tô thôi.

    Tôi bỏ lại balo và súng trường ở cột đèn tín hiệu đường sắt và phốc qua hàng rào, xuống phố, thoát khỏi ga xe lửa. Sáng hôm sau tôi quay lại, đập gẫy cây súng trường và chôn toàn bộ cùng balo xuống đất, sát vệ đường sắt. Sau đó, có một xe chở dầu nhận và đưa tôi đi. Chỉ được một lát, tên lái xe bắt đầu tọc mạch rằng tôi là ai, tôi đi đâu…vân vân và vân vân. Thế là đến một ngã tư, tôi bảo nhà tôi đây rồi, tạm biệt và tôi bước vào cái trang trại đầu tiên mình nhìn thấy.

    Tôi xin việc và ngay lập tức tôi có nó, rất nhanh. Người chủ trang trại đếch cần biết tôi là ai dẫu tôi có là Thống chế Montgomery cũng vậy thôi. Ban đầu anh ta trả 75 đô/tháng, sau khi mặc cả dần dần thành lên 100 đô. Một trăm đô/tháng vào tháng 6 năm 1944. Khoảng 2 hôm sau, anh ta trao cho toàn bộ số tiền đó cho tôi và chúng tôi cùng nghe tin tức về cuộc đổ bộ ở Pháp, cái ngày D-Day. Lúc đó tôi đã rất vui vì được ngồi trong căn bếp của anh ta trong một sáng nắng nhẹ chứ không tổn phí thời gian trên những bãi biển xa xôi đó.

    Sáu tháng sau chiến tranh, tôi tạm biệt anh ta. Cho đến lúc ấy người chủ trang trại ấy cũng không hỏi tôi bất cứ điều gì và tôi cũng chẳng phải trả lời làm gì cho nhọc. Chúng tôi đều tốt đẹp cả và chẳng có ai nơi đó phát hiện ra.

    Nếu quân đội Canada đã đối xử với tôi không giống như với một con người thì địa ngục sẽ tới với họ. Một địa ngục đẫm máu.
    hk111333, vacbay03, Everest_V2 người khác thích bài này.
  8. anheoinwater

    anheoinwater GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    25/10/2007
    Bài viết:
    2.811
    Đã được thích:
    1.208
    Bọn Mỹ khoảng thời gian trước WW2 cũng y như Canada. Có giai đoạn năm 35, 36 lục quân Mỹ quân số còn ít hơn cảnh sát. Toàn sĩ quan không có lính để chỉ huy. chỉ đi học và chơi bời.

    Hai thằng này ỷ có hai đại dương bảo vệ nên lục quân không cần, chỉ duy trì hải quân (đóng tàu lâu lắm, có biến mới xây dựng hải quân thì không kịp), còn không quân thì tàm tạm. Làm vậy để tiết kiệm chi phí nuôi lính, đưa khoản nhân lực đó vô sản xuất có lợi kinh tế. Khi có biến thì lôi ra huấn luyện hai ba tháng là đá đít ra chiến trường choảng nhau được.

    Tấm ảnh cổ động tuyển quân chính thức của Canada
    [​IMG]
    vacbay03 thích bài này.
  9. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    Sau WWI, xe tăng xuất hiện, thời đó các sĩ quan lục quân Mỹ được đào tạo tại Westpoint vẫn quen kiểu cỡi ngựa bắn súng kiểu cowboy, sau mới chuyển sang chỉ huy lực lượng thiết giáp( điển hình như Patton) nhưng các lữ cơ giới vẫn giữ nguyên tên kỵ binh như cũ
    vacbay03 thích bài này.
  10. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Chữ thập Đỏ

    Tôi ở trung đoàn Nam Alberta, phía bắc nước Pháp, kiểm soát một con đường nhỏ đàng sau một ngôi làng và chúng tôi chiếm được một bệnh viện dã chiến của Đức nằm trên một cánh đồng.

    Bệnh viện này không ngăn nắp cho lắm. Nó chỉ là những cái lều vải hay hầm phủ bạt để cho thương binh nằm… Xung quanh không còn kẻ thù, ngoại trừ hai bác sỹ, họ đã quyết định ở lại với những người bị thương, còn tất cả hộ lý, lái xe đều đã rút hết. Có rất nhiều người bị thương và một đống xác chết được xếp thành hàng dài ở phía sau.

    Hai ngày qua, không quân Mỹ hoạt động rất nhiều và các bác sỹ đã phải tạo ra một số biểu tượng chữ thập đỏ. Kiểu như “Bệnh viện đây. Đừng bắn” vậy. Điều đáng buồn là ở chỗ, các biểu tượng chữ thập đỏ trên tấm ga trải giường găm trên mặt đất, hay treo trên cành cây đều được bôi bằng máu. Máu người.

    __________________________________________________________________________

    Thoát khỏi Belsen

    Tôi đã một lần đào thoát. Nó không thực sự là một cuộc đào thoát mà là vào cuối cuộc chiến, tôi đã trốn khỏi một vụ dẫn giải tù binh. Ngày ấy, tôi đã mong chờ, đã hy vọng người Đức áp giải chúng tôi về phía Tây, về phía người Mỹ, người Anh để thương lượng, đàm phán chuyển giao trong hòa bình hàng nghìn tù nhân. Cuộc áp tải bắt đầu từ Ba Lan, qua chỗ chúng tôi và rồi tiếp nhận thêm tù nhân ở các trại khác. Hàng nghìn rồi lại hàng nghìn người.

    Tôi đã lôi kéo được 30 người khác cùng trốn. Tôi cho là ngu ngốc nhưng chúng tôi đã làm như vậy. Ngu ngốc bởi dù sao thì chúng tôi cũng sẽ về nhà và bởi chúng tôi không bị canh gác nghiêm ngặt như khi chúng tôi bị giam giữ gần chiến tuyến giáp Đồng Minh nhưng chúng tôi đã trốn thoát và hướng lên phía Bắc, tới Stettin, mò mẫm quanh đó mà chẳng hề biết mình đang đi về đâu, lạc cả vào các thị trấn, ngôi làng bị người Đức chiếm đóng.

    Rồi chúng tôi tới Belsen. Các bạn có biết Belsen không? Một trại tập trung. Những lò khí độc, 10 nghìn người Do Thái bị giết. Tôi vẫn còn nhớ đêm đó, trong một nông trại gần Belsen, tôi cảm thấy buồn nôn, một cơn buồn nôn quặn thắt từ dạ dày dù cho tới lúc đó tôi chưa hề ăn cái gì. Cuối cùng tôi không thể chịu nổi nữa nên đã đi ra ngoài, nôn thốc nôn tháo. Tôi nôn ở khắp nơi và đột nhiên, điều đó đến. Một làn gió tây thổi tới và nó mang theo mùi hôi thối rất khó chịu của cái chết, hoặc là của thần chết, từ trại tập trung Belsen. Mùi hôi thối của cái chết, cái thứ mùi mà tôi biết rất rõ, lấp đầy không khí. Ở mọi nơi.

    Dĩ nhiên là lúc đó, tôi không biết tý gì về những điều đã xảy ra với người Do Thái. Tôi đã bị giam cầm nhiều năm. Tôi không biết rằng có một trại tập trung Belsen. Chỉ mãi sau này khi chiến tranh kết thúc, tin tức truyền đi về sự thảm sát hàng triệu người Do Thái thì tôi mới đủ khả năng nối kết thứ mùi kinh khủng của đêm đó với cơn nôn mửa của tôi, nối kết tới cái thị trấn mà tôi đã đưa người của mình vào – Belsen. Một trại tập trung chết chóc.
    vacbay03, Everest_V, hk1113331 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này