1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

SAY

Chủ đề trong 'Mỹ Thuật' bởi DACAM, 13/09/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. sunny03k2

    sunny03k2 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/12/2006
    Bài viết:
    488
    Đã được thích:
    110
    mấy hôm Hà Lội lụt.....vỡ mặt....mất quần.....!
  2. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0
    Sóng đánh tụt quần à?
  3. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0
    Cóc chết!
    Mò sang bên tnxm thay đổi ko khí tí, mà chiến sự ác liệt quá, lớ ngớ vướng phải bom thì ko còn cái gì để đi dép, tặc lưỡi mò về.
    Gọi cho tri kỷ hỏi thăm tình hình lụt lội thế nào, chuyện thật như đùa, rắn ngóe ngoài mương trôi vào tận mép giường, tị nạn 3 ngày hôm nay, thấy bảo :"già đi mất mấy tuổi". Hì, sau vụ lụt, độ tuổi bình quân của Hà Nội tăng thêm mất mấy vạch. Trẻ con đang 3 tuổi thành 6,7 tuổi, bà lão 65 làm tròn thành 70. Sài Gòn thì vẫn mưa như nửa năm nay mưa, và vẫn nắng đẹp xen kẽ như nửa năm nay nắng.
    Lụt có khi hay:
    Hà Nội mùa lụt
    Tát chung xô nước
    Hàng xóm lần đầu nhìn mặt nhau
    Quần xắn bụng chân
    A!
    Ra nhà bên có cô em nước da trắng nõn.
    Buồn mồm không dám nhổ bọt
    Nhỡ sóng ô tô đánh trôi vào tận bàn thờ
    Dân nghiện thiếu thuốc vật vờ
    Mưa to quá nàng tiên nâu chết đuối.
    Hà Nội mùa nước rút
    Mặt đường lằn rõ hè đường
    Những đôi chân khô cong
    Không còn chung ì oạp
    Những đôi chân lại gấp gáp
    Giẫm đạp lên nhau.

    Đêm qua ngủ có 6h, hụt so với tiêu chuẩn 2h, hôm nay mắt cứ cay cay. Thôi làm ván trứng khủng long + secret garden rồi ngủ. À, vnexpress hôm nay có chân dung em giông axolotl vãi hồn quá. Thấy mình xấu thế vẫn còn may mắn chán!
    [​IMG]

  4. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0

    LỜI DẪN
    Tôi luôn mong đợi bắt gặp kiểu chữ in nghiêng khi lật qua trang đầu của bất kỳ một cuốn sách nào. Đối với tôi, chữ in nghiêng - dấu hiệu nhận biết rõ ràng của một lời giới thiệu, một lời tựa, vài dòng bộc bạch từ tác giả, vài ý kiến phê bình có nguồn gốc hoặc tên tuổi hoặc mơ hồ, nhưng dứt khoát là những lời khen ngợi - có giá trị của một khúc dạo đầu lịch sự. Quả là hơi đường đột, nếu một bữa tiệc bỏ qua món súp khai vị nhẹ nhàng; hay thiếu thiện chí, khi giao điểm đường ranh giới lãnh thổ một địa phương với trục quốc lộ không cắm cái biển sắt sơn "Welcome to ... " (!)
    Đặc biệt là lời dẫn của chính tác giả! Tôi muốn xác định rõ, dù chỉ qua phỏng đoán bước đầu, một mối nghi vấn khá cảm tính và ngớ ngẩn: tác giả cuốn sách này có thái độ như thế nào với tác phẩm của mình, ông ta có trách nhiệm với nó tới đâu; sau rốt, ông ta thật sự có thiện chí với độc giả của nó hay không!? Tôi cảnh giác vấn đề nghiêm túc, không chỉ ở sợi dây liên kết trực tiếp giữa tác giả và tác phẩm, mà còn ở mối quan hệ gián tiếp giữa tác giả và độc giả. Sự cảnh giác này xuất phát từ ý tự kiêu: tác phẩm này có đáng đọc không; và từ khía cạnh tự ái: tác giả này có đáng biết không!?
    Giờ đây, đặt mình ở vị trí người viết, bắt đầu bằng lời dẫn cho một cuốn tiểu thuyết - giả sử có một cuốn tiểu thuyết và tôi mạo muội gọi nó là "tiểu thuyết", với vẻ quan trọng tức cười bừng lên trên gương mặt một đứa trẻ lần đầu tiên được mẹ đặt vào lòng bàn tay bé xíu đồng xu lẻ, sai đi làm một loại công việc của người lớn - tôi thấy hoang mang! Tại sao tôi viết cuốn sách này, và tôi viết nó cho ai?
    Tôi có lẽ biết không dưới một tuyên ngôn sâu sắc khắc họa sứ mệnh cao cả của công việc Viết. Chúng thường có dạng sau: "Viết để cắt nghĩa cuộc sống", "Viết để giải thích cuộc sống" hay gì đó tương tự, chúng mang hình dáng con dao mổ làm bằng kim cương. Thực lòng tôi thấy dễ tin vào kết luận đưa ra của cả một hệ thống ngành Tâm Lý Học, Xã Hội Học, Nhân Chủng Học đồ sộ - nơi nền tảng lý thuyết được nghiên cứu và thiết lập vững chắc, nơi thực nghiệm được tiến hành với quy mô thuyết phục - hơn là nhận định của một vài cá nhân đơn lẻ, trong công trình mổ xẻ mối quan hệ con người - con người, con người - xã hội, trong ca "phẫu thuật cuộc sống" quá đỗi phức tạp!
    Yếu tố khoa học mang tấm visa danh giá, có thể tùy ý nhập cảnh bất kỳ quốc gia nào, trong khi yếu tố thẩm mỹ bị bó buộc bởi loại visa hạn chế hơn. "Cuộc sống" là một danh từ quá rộng, "cuộc sống" trong tiếng nói, trong chữ viết, trong ý niệm của mỗi người được hiểu là chân dung cuộc sống thu được qua lăng kính cá nhân riêng biệt của người đó mà thôi. Chỉ với một lăng kính cực kỳ trong suốt, trong gần như không khí, ánh sáng mới không đổi hướng và cho ảnh khá trung thực. Số lăng kính trong suốt tuyệt đối như thế không nhiều, và rơi vào một trong ba trường hợp: trẻ con, người điên, cuối cùng là Phật, chứ hiếm khi là một nhà văn. (!)
    Lẽ dĩ nhiên tôi hết sức tránh cho mình loại tuyên ngôn thuộc hàng bác học nói trên. Thế vào đó là một tuyên bố có lẽ khá liều lĩnh: tôi viết để thể nghiệm một tiềm năng. (!) Hạt thóc nào chẳng khẳng định nó ẩn chứa tiềm năng, nhưng lớn lên được thành cây lúa, xay xát được thành hạt gạo, đun nấu được thành bát cơm là cả một câu chuyện còn dài ở phía trước, câu chuyện với nhiều dấu hỏi, dấu chấm than, và thậm chí là cả dấu chấm hết. Tôi mơ mộng một cuốn tiểu thuyết! Tôi mơ giấc mơ của một hạt thóc, giấc mơ còn được lớp vỏ trấu bao bọc cẩn thận, vì thế, hoàn toàn tròn vẹn và hồn nhiên.
    Chí ít, tôi có thể in riêng một cuốn cho mình nếu phải trả lời câu hỏi " Viết cho ai?", hoặc đơn giản là đến một thời điểm nào đó trong cuộc sống, tạm lắng lại sau cả chuỗi đứt gẫy biến động, người ta thường có nhu cầu nhìn về quá khứ, với thái độ tuy cố gắng là người ngoài cuộc, vẫn rất dễ bị lôi kéo một cách vô thức. Dù thế nào chăng nữa, đây là một cuốn tiểu thuyết - tự truyện đã được bắt đầu vào một chiều cuối tháng 10, trên dãy ghế gỗ kê dài giữa sảnh chính của nhà bưu điện Sài Gòn.

    Được parusa sửa chữa / chuyển vào 19:43 ngày 04/11/2008
  5. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0

    I. BƯU ĐIỆN - QUÁ KHỨ
    Vậy là tôi đang ngồi ở bưu điện và nghĩ về quá khứ. Có nhiều địa điểm thích hợp cho công việc tưởng nhớ quá khứ: một sân ga chiều hun hút những vệt đường ray trườn dài đến vô tận, một sân bay đêm lạnh cóng ngổn ngang hành lý, lào xào thứ âm thanh rầm rì buồn buồn của loại ngôn ngữ xa lạ, một bến sông nhập nhoạng thong thả dệt chuyến phà mệt mỏi cuối cùng v.v..., nhưng một bưu điện thì không nằm trong số ấy.
    Nơi ầm ì tiếng xe cộ đan như mắc cửi ngoài đường phố dội vào, nơi roàn roạt tiếng xé băng dính bọc thít lấy bưu phẩm, tiếng biên lai tòng tọc hăm hở tuồn khỏi máy thu ngân - nhiều khi còn hơi quá hăm hở, so với động tác rút ví tiền của người trả lệ phí (!), đã ken kín không gian nhịp điệu công sở bận rộn, không còn chỗ chứa một thứ vốn nằm ngoài công việc giao dịch, số seri, hay chữ ký v.v... là quá khứ.
    Thế mà tôi lại ngồi đây. Tại sao chính tại nơi đây, tại nhà bưu điện thành phố này, lạc lõng giữa không khí làm việc khẩn trương, giữa các loại thủ tục giấy tờ hành chính lãnh đạm, tôi lại nhìn thấy rõ ràng sợi dây có một đầu buộc chặt vào quá khứ của mình; rõ đến nỗi nếu nắm lấy được và kéo nhẹ, nó sẽ căng mỏng ra như một sợi tơ nhện. Tôi không thể lôi được quá khứ về với hiện tại, nhưng có thể lần theo một đường dẫn hết sức mỏng mảnh mơ hồ để tìm về nó.
    Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy được một sợi tơ nhện, dù nó có luôn luấn quấn trước mắt. Chỉ khi một tia nắng đi lạc nào đó vô tình vấp phải, một phần sợi tơ bật óng lên trong không khí, dứt khỏi trạng thái gần như trong suốt ban đầu, ta mới bất chợt thốt lên: "A". Lẽ nào vòm trần nhà bưu điện Sài Gòn lại tỏa ra vô số những tia sáng đi lạc như thế?!
    Uốn cong theo đúng một nửa đường tròn, vươn cao bên trên mặt sàn phẳng lỳ, vòm trần sâu vòi vọi gợi nhớ tới cái thủa trời tròn đất vuông, nó mang trong mình cái nỗi niềm hư vô bát ngát trang trọng, thành kính cổ điển. Ánh sáng rọi từ đó gợi Phúc âm nơi Chúa trời, an ủi và cứu rỗi chứ không đóng vai trò nặng nề của bộ trục quay thời gian. Nguồn sáng vô tình có khả năng đánh thức quá khứ ở đây hẳn phải là "linh vật" của bất kỳ một nhà bưu điện lớn nhỏ nào: cái đồng hồ, với kích cỡ to lớn đặc trưng khác thường. Còn gì gắn bó hơn thế nữa, hơn mối quan hệ đồng hồ - thời gian, mối quan hệ tất yếu đến mức không thể nào nghĩ khác đi được.
    Ta mở cánh cửa một chiếc đồng hồ, quá khứ sẽ ló ra, hoặc cũng có trường hợp ngược lại: ta mở cánh cửa của quá khứ, và nhìn thấy một chiếc đồng hồ. Quá khứ của tôi có chứa một chiếc đồng hồ. Dù chỉ thoáng qua hình ảnh nó trong một chuyến tàu hỏa rời ga từ mười năm trước, tôi đã kịp nhốt nguyên vẹn cái đốm sáng xanh nhạt xa xôi ấy vào ký ức.
    Chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng tối đó gặp sự cố và buộc phải dừng lại ở một tỉnh lỵ nào đó ven đường mà tôi không biết tên. Phải đêm không trăng sao, không gian bên ngoài ngự trị một khoảng tối sửng sốt. Quen với ánh sáng thành phố, tôi ngay lập tức bị ngập lút đầu trong một biển tối đen thẫm, cảm thấy ngợp như người sắp chết đuối. Không có ánh sáng, phân tử không khí đông đặc lại thành một thứ thạch xắt miếng ra được. Xung quanh đường ray là đồng ruộng, là bãi hoang, bụi dại đâm lên ngun ngút, xa xa là con đường vàng vọt hắt bóng một phố huyện gầy gò. Bóng TốiPhố Huyện, hai cái tên này nghe quen quá, trong tôi ùa về cả một không khí dằng dặc trĩu nặng tù đọng của "Hai chị em" - Thạch Lam. Vừa lúc ấy, tôi bắt gặp một đốm sáng nhợt nhạt - cột đồng hồ của một bưu điện nhỏ có lẽ là đã đóng cửa - lơ lửng trên nền bức tranh phố đìu hiu. Cột đồng hồ lẻ loi, cột đồng hồ thừa, cột đồng hồ vô duyên như một con ma chơi sáng xanh trong đêm tối, để làm dài ra mãi chuỗi ngày quanh quẩn mấy sắc màu đơn điệu của hơi thở phố huyện nặng mùi buồn tẻ, để bên vách người ta nghe thấy rõ hơn tiếng giun dế eo óc, tiếng trở mình không biết đến lần thứ mấy, tiếng thở dài chẳng rõ nguyên do.
    Tất nhiên là cái đồng hồ to tướng, kềnh càng những chiếc kim dài, lực lưỡng như cái đòn gánh dán trên mặt tiền của tòa bưu điện bề thế nơi tôi đang ngồi đây chẳng làm dài ra được cái gì (!), bù vào, nó đọng lại được thời gian. Ngoài kia, thời gian trơn trượt mất theo những vòng xe quay quá nhanh, nhanh đến nỗi chỉ có thể đếm nổi số lần quay của chúng trong suốt cuộc đời qua phép tính toán học, chứ không thể nắm bắt tận mắt sự chuyển động ấy. Trong này, cái kim giây vẫn thong thả dịch từng nấc một, vẫn cần mẫn quét qua và nhúng đẫm dung dịch thời gian, từ đó mới có thể lần tìm ra được hơi hướng của quá khứ.
    Quay lưng lại với tôi, ngược sáng, mặt đồng hồ in hằn một hình tròn đen đặc trên nền trời có dạng những thanh sáng xếp dọc, xen kẽ những thanh sắt trang trí cũng chạy dọc theo cùng một độ mảnh. "Nguồn sáng vô tình có khả năng đánh thức quá khứ" vì thế, giống một mặt trời màu đen, bắn tóe ra những tia lửa màu đen. Nó cũng giống một lỗ đen kỳ lạ, hút sạch mọi ánh nhìn, mọi trí nghĩ vào hõm sâu ký ức với mãnh lực bí ẩn; hoặc giống một con mắt tròn xoe mở to, mở không nhân nhượng, mở thẳng về quá khứ, tròng mắt thăm thẳm đen.

    Được parusa sửa chữa / chuyển vào 19:43 ngày 04/11/2008
  6. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0

    I. BƯU ĐIỆN - QUÁ KHỨ
    (tiếp)
    Không ai mất công để ý một ngày mình đã xem đồng hồ mấy lần, càng không ai đếm nổi số lần lặp lại động tác này trong suốt cuộc đời. Xem đồng hồ thường được hiểu là xem thời gian (tất nhiên), chỉ ở một cửa hàng bán đồng hồ, cụm từ này mới quay trở lại ngữ nghĩa nguyên thủy của nó: người mua ngắm nghía bản thân chiếc đồng hồ, chứ không quan tâm đến số giờ hiện trên đó.
    Ta mặc nhiên trộn lẫn hai khái niệm: đồng hồ - thời gian. Chúng càng hòa quyện nhuần nhuyễn hơn nữa, gần như nhập làm một đặc biệt ở những đêm mất ngủ; gian phòng vắng lặng chỉ cộm lên mỗi tiếng kim giây chậm rãi lạch tạch - tiếng giọt thời gian nhỏ tí tách - vật sống duy nhất còn chuyển động. Chỉ khi chiếc đồng hồ bị hỏng, bị thời gian bỏ rơi, gạt ra bên lề, nó mới hiện nguyên hình một cỗ máy với vài cái bánh răng bí mật . Không ở đâu đồng hồ bị lột trần chân tướng như ở cửa hàng đồng hồ - nơi mỗi chiếc kim giờ, kim phút hồn nhiên chĩa theo một hướng khác nhau; trong khi thời gian - xét ở một phạm vi hẹp, nhưng vẫn đủ rộng để bao trùm toàn bộ hoạt động sống của một người - mang tính đồng nhất tuyệt đối.
    Mặc dù vậy, trong tâm tưởng của tôi, chiếc đồng hồ vẫn không thể nào giống một cái máy bơm, một cái quạt điện, hay một loại máy móc thuần túy nào. Bị chặn bởi lớp kính phủ bề mặt mỏng tang, trong suốt nhưng hết sức cương quyết, tôi không bao giờ chạm tay vào được những chiếc kim đồng hồ; cũng như tôi không bao giờ chạm được thời gian. Chúng rõ ràng có mối gắn kết tự nhiên bí ẩn, nằm ngoài đống số liệu ghi trên bản vẽ thiết kế của vị kỹ sư chế tạo. Đôi khi tôi để mình rơi vào một trạng thái thôi miên ngớ ngẩn: dồn toàn bộ chăm chú có được vào từng bước nhảy đều đặn vô hại của chiếc kim giây hiền lành. Đủ lâu để ý thức bị ru ngủ, nó đột ngột giật sập mất một khoảnh nhận thức - tài sản tưởng như hiển nhiên là thuộc quyền sở hữu cá nhân và không gì xâm phạm nổi. Tôi vẫn đứng đó, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt số đồng hồ mà thụ động một cách lạ lùng với tất cả; bỗng không còn hiểu mình là ai, mình đang ở đâu, thứ trước mặt mình đây là cái gì. Giây lát, dòng chảy ý thức bị hẫng mất một nhịp, thứ duy nhất còn liền mạch cùng hơi thở, còn tiếp tục tràn tới lấp đầy điểm tối đứt gẫy ấy là thời gian, vốn bảo toàn nguyên giá trị ngay cả ở trạng thái vô định. Đồng hồ, với nhịp điệu đều đều nguy hiểm, như chiếc nhẫn buộc vào sợi chỉ, đong đưa trước mắt, không khỏi gây cho tôi một gợn băn khoăn, e ngại mơ hồ.
    Với ấn tượng như vậy, đồng hồ dễ dàng gợi lên ở tôi những xúc cảm phụ, những xúc cảm dôi ra tấm áo khoác mục đích trùm lên nó; dễ dàng gợi lên những bồi hồi dìu dịu, những âm hưởng quá khứ rung nhè nhẹ. Quá khứ của tôi còn chứa âm thanh của một chiếc đồng hồ, cũng là cột đồng hồ bưu điện, nhưng không phải loại bưu điện đìu hiu trong đêm của một tỉnh nhỏ ven đường mà là nhà bưu điện trung tâm Hà Nội, tòa nhà ghi xám chạy dài nghiêm nghị tỏa bóng xuống mặt hồ Gươm.

    Được parusa sửa chữa / chuyển vào 21:05 ngày 04/11/2008
  7. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0
    "Thể nghiệm tiềm năng" gì chứ, nợ đời!
    Mình có vẻ đang muốn chuồn khỏi cái BƯU ĐIỆN này đây, giống như mình vẫn chuồn khỏi tất cả những dự định xưa nay. Phải set nó vào chữ kỹ, để ko trốn được. Hễ nhìn thấy cái mẹt parusa, là thấy ngay bưu điện.
    Xanh cỏ luôn nhỉ? Hì, dựng nó dậy, tát mấy cái cho tỉnh, rồi đạp xuống hố, chôn sống, đắp đất, thanh minh mưa ào phát, xanh cỏ. Với tốc độ này, dù són ngày 1, cũng bét nhất là nửa năm nữa mới đặt được dấu chấm hết. Cũng vừa đẹp tiết sụt sùi thanh minh. Hè thì, ừm, chuẩn bị ... đi bơi tẩy trần là vừa. Rũ sạch!
    Độ này không kiết già ở ciao nữa. Cuối cùng thì cũng ko chịu nổi thứ nước lã màu cafe ở đấy. Ciao ko phải là chỗ dành cho 1 người ... tinh tế. Hihi, thì duy trì được 1 chất lượng cafe kém tinh tế như thế, người quản lý ở đấy ắt ko thể có 1 vị giác tinh tế. Ko có vị giác tinh tế thì cũng khó có khả năng nhạy cảm chung, dẫn đến 1 chất lượng nhân viên ... tinh tế, đồ ăn cũng vậy, nhạc nhẽo cũng thế nốt,..., tóm lại là 1 ko gian hết sức kém tinh tế. Khách ưa ko gian ấy, cũng đương nhiên là các thượng đế kém tinh tế, hợp với gu kém tinh tế, ... tất tật cộng lại, đấy ko phải chỗ dành cho 1 người tinh tế.
    Đơn giản là mình sẽ cảm thấy ... ô nhục, hổ thẹn đến chết bất đắc kỳ tử đi được, nếu quán cafe của mình có thứ nước ... kém tinh tế cỡ đó.
    Còn long nhong cafe 3 tuần nữa.

  8. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0
    Ối giời ôi! Mình nhìn thấy "the finger of parusa". Lấp lánh!
    [​IMG]
    [​IMG]
    Chính xác là chòm sao này, mỗi tội nó nằm xiên xiên, ko thể nhầm lẫn được!
    Đêm trời trong, sao chi chít. Trước mỗi lần ngước đôi mắt ngu dốt lên nhìn bầu trời sao, mình lại mơ ước giá mà mình biết tên của chỉ cần 1 trong số các chòm sao xa xôi tít tắp ấy, đủ uyên bác. Cũng tập tọng xem bản đồ sao, mà chẳng nhớ, chỉ láng máng Đại Hùng Tinh, Thập Tự Nam và nhất là Thợ săn Orion này. Hôm nay chứng kiến tận mắt, xúc động quá!
    3 ngôi đi liền sát kia hồi xưa cứ ví là sợi dây chuyền trên cổ bà chúa đêm. Mơ mộng sáo mòn rỗng tuyếch! Nó là cái thắt lưng nổi tiếng sinh ra Chúa Giêsu, hồi ở 3h có bác lại là: sự sống phải sinh ra từ bầu sữa căng mọng chứ? Ngành thiên văn nên sớm đổi tên chòm Orion đi là vừa.
    Đang tít mít "Những con đường của ánh sáng". Nói chung mình cảm kích sát đất những tinh hoa vãi lúa cỡ này, những trí tuệ xuất sắc của Việt Nam được cất cánh ở những cái nôi khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, đưa tri thức dân tộc lên 1 nấc mới, dù được bơm bởi đô la Mỹ, mà tất nhiên là phải bơm bằng đô la Mỹ, mới phổng phao được cỡ đó.
    Mình cảm kích những tầm cao mà kiễng chân ngoáo cổ nhìn lên, thấy mình sống cuộc đời của 1 con chó ghẻ, với ba cái chuyện liệu cơm gắp mắm lèm bèm. Mình cảm kích những cái đòn bẩy kênh toàn bộ nhân loại lên 1 loại vinh quang làm người mới, đánh tụt nhiều nấc bình thường xuống thành tầm thường, nấc phi thường xuống thành bình thường, lột trần bộ mặt của ngu dốt và man rợ ra ánh sáng!
    Của hiếm! Thì nhọn, mới xiên được. Có bao giờ tù chằn chặn tiến lên được đâu, Naoleon chẳng hạn.
  9. parusa

    parusa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/04/2007
    Bài viết:
    2.271
    Đã được thích:
    0
    Kiềng nể cả thể loại này nữa:
    http://mp3.baamboo.com/search-nhac-music-mp3-c2VjcmV0IGdhcmRlbg==/1/1/kw-secret-garden.html
    Đóng góp: nâng cao vẻ đẹp âm thanh con người có thể phát ra được, hướng đến những xúc cảm thánh thiện, thanh thoát, cao thượng.
    Loại nhạc cùng chung một xung động cảm ứng với thiên văn học, đồng loạt chĩa loa + ống kính lên vũ trụ.
  10. hoanhoxiu

    hoanhoxiu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/06/2008
    Bài viết:
    87
    Đã được thích:
    0
    Ủa, 16h chiều nay em cũng ghé BĐ TPHCM nhớ
    Chị í văn kỳ thanh mà hông được kỳ hình, sao đối diện mà hông tương phùng, tiếc nhờ
    Các anh chị trong bưu điện cực lắm í, hông"hành chính" đâu, hàng gửi thùng thùng khủng bố, nữ nhiều hơn nam, vì áo cơm mà làm, chính gốc là lao động chân tay, chỉ khác phụ hồ ở chỗ là làm trong bóng mát. Sau khi Bưu và Điện tách ra, doanh thu giảm, bên Bưu phải kiếm sống bằng cách nhận đủ thứ việc thượng vàng hạ cám. thời sự tí ti thế thôi.
    Chị í viết tự sự è è chán lắm nhớ
    Nhưng viết truyện ngắn hoặc phóng sự hay lắm í.
    Tiểu thuyết thôi đừng thử, thời gian quý như vàng, Đoản văn rõ ràng là sở trường rồi, Khai bút nào!

Chia sẻ trang này