1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

SHAKESPEARE VỚI Y HỌC VÀ VIỆC CHỮA BỆNH

Chủ đề trong 'Văn học' bởi despi, 22/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    SHAKESPEARE VỚI Y HỌC VÀ VIỆC CHỮA BỆNH

    PHAN THƯ SOẠN

    Đọc các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng nước Anh Wiliam Shakespeare, chúng ta thấy rằng ông hiểu biết khá sâu về y học và rất quan tâm đến việc chống lại bệnh tật, nhằm đem lại sức khỏe, niềm vui về thể xác và tâm hồn cho con người. Nhiều ý kiến, quan điểm về y học, về sức khỏe con người, về bệnh tật và phòng bệnh, chữa bệnh của ông được nêu ra trong tác phẩm. Người gần gũi ông đã từng được nghe ông nói hoặc xử sự trước một cảnh tượng về bệnh tật và sức khỏe con người.

    Bốn trăm năm nay, giới văn học và cả giới y học không hiểu tại sao trong vở kịch Hăm-lét (công diễn năm 1601), đại văn hào Shakespeare lại dựng cảnh vua Đan Mạch bị giết vì bị đổ thuốc độc vào tai, mà trước đó chưa ai biết đến cách đầu độc kỳ lạ này.

    Mới đây, hai bác sĩ người Anh là D. Otlanđơ và A. Iden cho biết rằng họ khám phá ra điều bí mật nói trên. Theo họ, Shakespeare đã am hiểu những kiến thức khoa học tiên tiến nhất trong lĩnh vực y học thời bấy giờ. Từ năm 1563, nhà giải phẫu học người Italia tên là Barơtôlômêô Evơxtakhiô đã công bố công trình Ghi chép về cơ quan thính giác. Tác giả cho rằng tai rất nhạy cảm với chất lỏng, nhất là rượu cồn. Các bác sĩ Anh cho rằng Shakespeare đã căn cứ vào ý kiến của nhà giải phẫu nói trên.

    Trong bi kịch Antoine và Cléopâtre, Shakespeare viết:

    Hãy cho ta uống rượu nhân thảo

    Để ta có thể ngủ yên

    Trong thời gian trống rỗng

    Khi chàng xa ta.

    Theo các nhà y học, dược học, thì rễ nhân thảo, giống hình người. Người xưa tin rằng, khi cây nhân thảo bị nhổ lên, rễ của nó lên tiếng kêu và tiếng kêu đó làm cho kẻ nghe phải chết, không chết thì cũng mất trí. Vì thế, những người đi kiếm nhân thảo mới nghĩ ra cách buộc cây đó vào cổ cho chó. Chó cũng tìm cách trốn, nhưng khi chó trốn thì nhân thảo trốc rễ. Một tài liệu Ần Độ kể rằng người đi kiếm nhân t3hảo bịt tai lại vì sợ nghe tiếng kêu của cây nhân thảo, tiếng kêu ấy có thể giết chết cả người lẫn chó.

    Nhân thảo là thuốc tễ thông dụng nhất trong thời trung cổ ở châu Ấu và vẫn còn được dùng trong thời Nữ hoàng Elizabelth I (nước Anh) thay cho ma túy.

    Thuốc phiện cũng được biết tới từ lâu và do người Trung Hoa khám phá ra. Shakespeare mô tả tác dụng hỗn hợp nhân thảo và thuốc phiện như sau:

    Pavot hỡi, cả nhân thảo, cả các loại thuốc ngủ trên trần

    Đều không thể tái tạo cho người giấc ngủ dịu dàng

    Như người đã ngủ hôm qua...

    Trong vở bi kịch Roméo và Juliette, Shakespeare còn mô tả chất ma túy, tác dụng trên thân thể nàng Juliette, một cách chính xác đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng tác giả đã dùng thử:

    Hãy uống rượu cất này đi

    Tức thì trong mạch máu

    Khí lạnh sẽ chảy tràn và ru ngủ

    Và mạch sẽ ngừng đập...

    Các nhà giải phẫu ở La Mã thời cổ có thói quen làm giảm sự đau đớn đối với bệnh nhân bằng cách cho họ dùng thuốc an thần. Trong một tài liệu khoảng 200 năm trước công nguyên, tác giả Apulcé quả quyết rằng "Kẻ nào buộc phải cắt, phải đốt, hoặc cưa một bộ phận cơ thể thì hãy uống một nửa đơn vị (thuốc mê), pha với rượu là có thể ngủ một giấc trong khi người ta rạch lưỡi dao trên cơ thể mình".

    Shakespeare để cho Juliette uống thuốc an thần mà ngủ say như chết, mạch ngừng đập rồi sau đó tỉnh lại là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

    Một điều nữa rất đáng lưu ý là trong những tác phẩm của Shakespeare, ông chỉ nói tới những nỗi thống khổ, chỉ khảo sát và trình bày ảnh hưởng tai hại của nỗi thống khổ đối với con người. Nhà văn này chưa bao giờ phác ra những bức tranh đầy hy vọng và thoải mái về cuộc sống con người. Một nhà văn đã kể lại câu chuyện sau đây:

    Một người nọ từ lâu cảm thấy khó chịu trong người và thấy xuất hiện nhiều triệu chứng của một căn bệnh nguy kịch. Người ta vội tìm đến cho anh một thầy thuốc có khả năng mau chóng làm yên lòng người bệnh và gia đình. Vị thầy thuốc đã chỉ ra ngay tên chứng bệnh, kê ra nhiều vị thuốc khác nhau và không quản ngại hằng ngày đến thăm người bệnh nhiều lần. Do đó, ông thành vị khách quý nhất của gia đình người bệnh.

    Nhưng tình trạng sức khỏe của người bệnh ngày càng xấu đi. Không bao lâu, anh ta kiệt sức. Vị thầy thuốc vẫn tiếp tục nói về mùa hè, về những chuyến du lịch, về tương lai và cuộc sống tươi đẹp khi người bệnh qua khỏi.

    Cũng vào những ngày ấy, có một người bạn cũ của gia đình người bệnh, bản thân cũng là một thầy thuốc, nhân đi qua thành phố này ghé lại thăm. Vừa nhìn thấy người bệnh - là bạn của mình - vị khách giật mình hoảng sợ, vì ông cảm thấy ông ta sẽ không sống được. Ông khám xét kỹ lưỡng hồi lâu và không giấu giếm gia đình nỗi lo lắng của mình, dù theo ông, ông chưa thể chẩn đoán được đích xác căn nguyên chứng bệnh gì.

    Quả nhiên, hai ngày sau người bệnh qua đời. Trước đó, trong cơn tuyệt vọng, bà mẹ hỏi ông bạn thầy thuốc xem liệu con trai bà thật ra có thể cứu sống được không, vì cứ theo chứng bệnh mà vị thầy trước đã nói, thì không thể chết. Ông bạn suy nghĩ hồi lâu rồi mới trả lời: "Không! Bệnh anh ấy không thể cứu vãn được". Khi ra ngoài, ông ta nói riêng với em trai người bạn quá cố: "Giá như người ta chuyển anh chú cho một nhà phẫu thuật thì anh chú sẽ sống. Đó là ý kiến của tôi và tôi cần nói thật điều đó với chú. Mẹ chú đã già rồi, cụ không cần sự thật nữa, cụ cần niềm an ủi. Nhưng chú thì còn trẻ, chú cần biết sự thật". "Thế, tại sao vị thầy thuốc chạy chữa cho anh tôi lại không giao ngay anh ấy cho bác sĩ phẫu thuật" - Người em trai hỏi - "Tại sao ông ta lại chỉ nói đến sức khỏe, đến chuyện tai qua nạn khỏi của anh tôi? Và cả những vị thuốc đắt tiền, những lời chỉ dẫn để làm gì, khi chúng hoàn toàn vô bổ?" - "Anh bạn trẻ ạ, không phải lúc nào thuốc đắt tiền và những lời chỉ dẫn cụ thể cũng đem lại hiệu quả - Người bạn của kẻ quá cố nói - Nhưng điều mà người ta đòi hỏi ở một thầy thuốc là phải chỉ ra được căn nguyên của bệnh. Để làm cho một người khỏe mạnh, trước hết cần có sự chẩn đoán chính xác. Và, để có thể chẩn đoán chính xác, người ta không thể chỉ cần có tri thức y khoa đầy đủ mà thôi, mà cần có sự nhiệt tình chạy chữa thực sự nữa. Chỉ mang danh thầy thuốc chưa đủ, còn phải có khả năng cứu chữa. Vị thầy thuốc kia đã nói tới việc tai qua nạn khỏi, trong khi ông ta lại không chỉ ra được căn nguyên chứng bệnh. Còn tôi, nói nhiều về chứng bệnh và chỉ nói về chứng bệnh cho tới khi nào tôi biết đích xác căn nguyên của nó, biết đích xác những dấu hiệu đầu tiên của sự thuyên giảm. Đến lúc đó tôi mới nói tới sự khỏi bệnh". "Nhưng, ông có phải là thầy thuốc đâu?". Người kia hỏi lại đầy ngạc nhiên. "Tất nhiên là không rồi. Nhưng, tôi là nhà văn". Wiliam Shakespeare trả lời như vậy.


    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  2. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    MỘT SỐ VĨ NHẤN VÀ CHUYỆN VUI BÊN GIƯỜNG BỆNH
    PHẠM KHẢI
    (Biên soạn)
    Thông thường đã ở vào tình thế phải nằm trên giường bệnh, ai chẳng buồn. Trường hợp là trọng bệnh, tâm thần càng dễ hoang mang, hoảng hốt. Ầy vậy mà ở một số vĩ nhân, người ta đã ghi lại được nhiều câu chuyện vui, nhiều lời nói hài hước, cho thấy ngoài sự thông minh, dí dỏm, các vị còn rất bình tĩnh, thậm chí lạc quan... Nó không chỉ làm cho tâm hồn các vị thanh thản mà còn khiến bầu không khí xung quanh cũng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát...
    Trước khi mất, thi hào Đức Henrích Hainơ yếu mệt đến độ các cô hộ lý phải giở mình cho ông trên giường bệnh, vậy mà khi bạn bè vào thăm, ông vẫn đùa vui: "Các vị thấy không, đàn bà vẫn cứ bế tôi trên tay...".
    Khi Sácli Saplin (tức vua hề Sáclô) ốm nặng, bác sĩ đến khám và buồn bã thông báo: "Rất tiếc tôi không đủ khả năng để làm ngài trẻ lại". Vua hề nghe vậy bèn vẫy bác sĩ lại gần, đoạn thì thào: "Tôi đâu có yêu cầu ngài làm tôi trẻ lại. Chỉ cần giúp tôi già được thật lâu cũng quý báu lắm rồi !".
    Khi nhà bác học Pháp Lui Paxtơ hấp hối, cha đạo tới làm lễ rửa tội và đề nghị ông "hãy khước từ quỉ dữ". Paxtơ phều phào đáp: "Thưa cha, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, liệu con có nên chuốc lấy kẻ thù cho mình hay không?".
    Hay tin Chúttrép - nhà thơ nổi tiếng của nước Nga lâm bệnh nặng, Sa hoàng Alếchxanđrơ II ngỏ ý muốn tới thăm. Biết điều này, Chúttrép tỏ vẻ băn khoăn. Ông tâm sự với những người thân, rằng sẽ "hết sức thiếu tế nhị" nếu ít giờ sau khi được Sa hoàng tới thăm, ông từ giã cõi đời.
    Hay tin văn hào Anh Bécna Sô bị ốm, hai bố con nhà nọ tới thăm ông. Cầm tay chú bé con mới 12 tuổi, Bécna Sô nói: "Này cháu, năm mươi năm sau cháu có thể tự hào nói mình đã được bắt tay Bécna Sô". Đến đây nhà soạn kịch trứ danh cười vui: "Và hẳn người ta sẽ hỏi lại cháu: Thế cái ông Bécna Sô là ông nào?".
    Thi sĩ Pháp nổi tiếng Anphrết đờ Muyxê, khi biết phút giây "ly biệt" của mình đang tới gần, đã ngáp và thốt lên: "Ngủ ! Ôi đến giờ tôi mới được ngủ ngon !".
    Trước khi mất chừng một tháng, văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn đã ngẫm ngợi tới việc viết một cái gì đó "như thể di chúc". Cuối cùng, trên giường bệnh, ông đã viết được những lời để lại cho người thân, trong đó có những yêu cầu khá hóm hỉnh về những việc người nhà và bạn bè cần lưu ý sau khi ông mất, đó là: "Khâm liệm nhanh, chôn cất, thế là xong" và "quên tôi đi, lo lắng đời sống của mình, nếu không thì là ngốc".
    Văn hào Nga Tsêkhốp vốn là một bác sĩ. Ông biết rất rõ các triệu chứng liên quan đến bệnh trạng của mình. Đêm đó, ông tỉnh giấc và lần đầu tiên trong đời ông cho mời thầy thuốc tới. Khi người này đến, Tsêkhốp bảo vợ rót sâm banh. Đoạn ông ngồi dậy nói to với thầy thuốc bằng tiếng Đức: "Tôi sẽ chết". Sau đó, ông quay về phía vợ, bê cốc rượu và mỉm cười nói một cách hết sức trìu mến, như để giải thích hành động của mình: "Đã lâu lắm rồi anh không uống sâm banh"... Tsêkhốp thản nhiên uống hết cốc rượu rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nghiêng người về bên trái và... vĩnh viễn ra đi.
    Thi hào Đức Vônphơgăng Gớt giã biệt cuộc đời ở tuổi 83. Trên giường bệnh, trước khi nhắm mắt vĩnh viễn ông còn kịp yêu cầu mọi người: "cho thêm ánh sáng nữa". Câu nói này được lưu truyền như một ví dụ về sự khát khao hiểu biết của con người.
    Ở Việt Nam ta cũng từng lưu truyền câu chuyện vui về thi sĩ Tản Đà như sau: Lần ấy, hay tin ông ốm, nhà phê bình Lê Thanh tìm đến thăm. Khi nghe nhà phê bình ngỏ ý xin ông một tấm ảnh để in vào một tập sách nghiên cứu, Tản Đà nói: "Ngài làm cho tôi giật mình: Mỗi lần có ai muốn giữ một cái gì của tôi để kỷ niệm tôi lại tưởng tôi sắp chết đến nơi..." Nói đến đó, thi sĩ cười ha hả, rồi thú thực rằng đấy là ông "nói cho vui" thế thôi. Chẳng qua ông không muốn phô "cái thân già yếu của mình", "sự bần hàn của mình", "e mất cảm tình của quốc dân".
    Mới thấy, tất cả những thái độ vui hóm ấy của các vĩ nhân trên giường bệnh - đã giúp cho những người xung quanh bớt "nặng lòng" biết chừng nào, đồng thời lưu lại được những kỷ niệm rất đẹp về họ trong tâm hồn những người đang sống...
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​

Chia sẻ trang này