Cái tên Sigmund Freud ngày nay bất kỳ ai với một chút hiểu biết về tâm lý học đều hẳn đã phải nghe nói qua. Ngày nay được biết đến một cách rộng rãi như cha đẻ của ngành phân tâm học, Freud là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc nhất thời kỳ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Tiểu sử và tổng quan về công tác khoa học SIGMUND FREUD sinh năm 1856 ở Freiburg (cũng gọi là PTíbor), một thị trấn ở nước Moravia (vào lúc ấy thuộc đế quốc Áo, còn bây giờ là một phần của cộng hoà Séc). Thật ra, tên khai sinh của ông là Sigismund Schlomo Freud nhưng về sau này (năm 1877) chính ông đã rút ngắn tên mình thành Sigmund Freud vì lý do thực tiễn. Freud là anh cả của một gia đình có ba anh em trai và năm chị em gái. Vào lúc Freud được 3 tuổi, cha ông - Jacob Freud, một nhà buôn vải - bị vỡ nợ, và thế là ngay từ lúc rất nhỏ Freud đã phải nếm mùi nghèo túng. Hoàn cảnh tài chánh của gia đình Freud không cải thiện những năm sau đó, và vào năm 1860 - lúc Freud mới lên bốn tuổi - gia đình ông đã mất hết của cải và phải chạy trốn qua thành Wien, thủ đô nước Áo. Tuy cực kỳ túng thiếu, song gia đình của Freud luôn cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho ông được học tập đến nơi đến chốn, mở mang về mặt trí thức. Tại Wien, Freud trở thành học sinh xuất sắc ở trường phổ thông, tuy ông có khá nhiều vấn đề thích nghi với cuộc sống ở một thành phố lớn. Năm 17 tuổi, ông tốt nghiệp phổ thông và chọn theo học ngành y dù ông không hề có hứng thú. Freud vào Trường Y Dược ở Wien không vì muốn hành nghề chữa bệnh, lý do thực sự là sở dĩ ông ta đam mê nghiên cứu các mối quan hệ giữa người với người. Năm 1876, ông làm việc tại phòng thí nghiệm của Ernst Wilhelm Brücke, nơi ông đã bắt đầu một sự nghiệp nghiên cứu sáng chói về một số hiện tượng giải phẫu - sinh lý học của hệ thần kinh. Năm 1881, Freud tốt nghiệp đại học và có cơ hội làm quen với bà Martha Bernays - vợ tương lai của ông 5 năm sau đó. Xin nhắc thêm là con gái của Sigmund Freud, bà Anna Freud, đã noi gương cha và trở thành nhà phân tâm học tiếng tăm, nhất là trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và tâm lý học phát triển. Trước nhu cầu lập gia đình, Freud cần tiền. Vì lý do này ông đã từ bỏ những phòng thí nghiệm lý thuyết nhàm chán và quyết định tham gia những dịch vụ tâm thần học của giáo sư Theodor Meynert. Trong thời gian này, Freud nghiên cứu, đào sâu và thực tập thêm về môn thần kinh học. Năm 1885 đánh dấu thành tựu đầu tiên của nhà phân tâm học tương lai: ông đã chứng minh được những tính chất giảm đau của cocain và cho xuất bản quyển ober Coca (Về chất cocain). Với cuốn này, Freud trở thành người đầu tiên trong lịch sử y dược đã ca ngợi những tính chất của cocain, một điều đã gây nhiều hiềm khích giữa Freud và giới y khoa ở Wien về sau. Cũng vào năm 1885, cuộc đời của Freud đi theo một ngã rẽ mới. Ông ta dành được học bổng và tìm đến kinh đô nước Pháp Paris, nơi ông sẽ thực tập sư phạm với nhà thần kinh học người Pháp Jean Charcot, vào lúc bấy giờ khá nổi tiếng. Tuy thất vọng với thành phố và con người Paris, Freud lại rất kính mến tầm hiểu biết xa rộng của thầy mình. Tại bệnh viện Salpêtrière, Paris, Freud bỏ công sức quan sát và nghiên cứu những biểu hiện của chứng hysteria và về ảnh hưởng của thôi miên. Ở đây thiết nghĩ chúng ta tạm lạc đề một chút. Freud đã tự đốt đi những ghi chép cá nhân của mình vào năm 1885 - một hành động sẽ được lập lại một vài lần về sau, nhất là vào năm 1907. Vì lý do đó, khá ít điều được biết đến về thời thơ ấu của Freud ngày nay. Chúng ta chỉ có thể ít nhiều võ đoán về nội dung của những ghi chép đã bị huỷ - một câu hỏi mà chuyên gia tiếng Phạn kiêm phân tâm học đầu thế kỷ 20 Jeffrey Moussaieff Masson đã có công tìm tòi và làm sáng tỏ một phần. Vấn đề tìm hiểu về cuộc đời Freud càng khó khăn hơn khi những ghi chép về cuối đời ông được cất kín trong kho tư liệu Sigmund Freud, mà những người duy nhất có quyền tra cứu và sử dụng là người chép tiểu sử chính thức của Freud - Ernest Jones - và một số ít chuyên gia của ngành phân tâm học. Sau một thời gian ở Paris, Freud dời ra khỏi kinh đô nước Pháp và dọn về Berlin - nơi ông dành thời gian quan tâm đến những bệnh thần kinh ở trẻ em - và rồi lại dọn về nơi ở cũ Wien, nước Áo. Tại đây, ông đã mở riêng một phòng mạch thần kinh và đã nhận chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân thần kinh bằng liệu pháp điện hoặc liệu pháp thôi miên. Trong khoảng một thập kỷ, công tác và kinh nghiệm chữa bệnh thâm niên của Freud đã dần dần giúp ông dựng nên nền tảng của ngành phân tâm học. Bà Anna O. (tên thật là Bertha Pappenheim) - một bệnh nhân nổi tiếng của Freud với chứng bệnh hysteria - được xem như trường hợp phân tâm học đầu tiên được ghi chép trong y văn. Sau một thời gian khám bệnh cho bà ta, Freud đi đến một vài kết luận quan trọng về nguồn gốc của chứng hysteria. Theo ông, những cơn hysteria không gì khác hơn là một số kỷ niệm nhất định, một số cảnh quá khứ đóng một vai trò quan trọng nào đó đã được làm sống lại qua những ảo giác. Ngoài ra, từ năm 1887 đến năm 1902, Freud bỏ công nghiên cứu những cơ chế của sự dèn nắn cảm xúc, những triệu chứng của hiện tượng này và nhất là đã khám phá ra hội chứng Êđíp vào năm 1897. Năm 1990, ông viết và cho xuất bản quyển sách Giải đoán những giấc mơ - và lần đầu tiên trong lịch sử khoa học giấc mơ trở thành một đối tượng nghiên cứu nghiêm túc. Năm năm sau đó ông lại cho xuất bản tiếp Ba tiểu luận về lý thuyết giới tính - một tác phẩm cột mốc của sự nghiệp Freud. Cần phải nói thêm rằng ở độ tuổi 40, bản thân Freud cũng là nạn nhân của một vài chứng rối loạn tâm lý - thể xác, bao gồm nhiều chứng sợ quá đáng, nhất là sợ cái chết. Với bản năng là một nhà phân tâm học, ông đã tự áp dụng phân tâm học cho chính mình. Ông đã tự khám phá lại những giấc mơ, những kỷ niệm của chính ông - nhất là kỷ niệm thơ ấu, và tiến trình phát triển của cá tính ông. Cũng trong giai đoạn này, Freud nhận thức được rằng ông có những hiềm khích sâu kín với cha mình, và lại có những xung cảm ******** với mẹ ông - một người mà theo ông là nồng ấm, quyến rũ và rất bảo hộ. Có lẽ những rối loạn tâm lý mà Freud đã trải qua trong những năm này đã đóng góp một cách đáng kể cho sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu phong phú của ông đã nói trên. Trở lại với phân tâm học. Nên biết đây là một giai đoạn cột mốc, Freud dần dà phát triển nên một định nghĩa chính xác cho từ phân tâm học: phân tâm học, theo ông, được định nghĩa như là ngành khoa học có chức năng nghiên cứu những cơ chế hoạt động của bộ máy tâm thần. Một định nghĩa sẽ gây nhiều tiếng vang và tán thưởng trong giới chuyên môn bấy giờ. Năm 1902, Hội Tâm Lý Học Ngày Thứ Tư ra đời, với sự có mặt của nhiều đồ đệ giỏi của Freud như Paul Federn hay Carl Gustav Jung. Năm 1908, hội này đổi tên thành Hội Tâm Lý Học Wien. Trong suốt sự nghiệp của mình, Freud có đặc điểm là rất thiếu khoan dung với bất kỳ ai bất đồng ý kiến với những lý thuyết do ông đưa ra. Từ năm 1910 cho đến 1930, Freud tiếp tục cho xuất bản một số tác phẩm giá trị, chẳng hạn cuốn Vật tổ và điều cấm kỵ (năm 1913), mà trong đó lần đầu tiên Freud đưa vào khái niệm narcissism (sự tự yêu - một cách dịch tạm) trong khi bàn về nguồn gốc loài người. Thậm chí gây nhiều tiếng vang hơn nữa là tác phẩm Ra ngoài nguyên tắc thú vui, trong quyển này Freud giới thiệu một vài khái niệm mới như xung năng cuộc sống, xung năng cái chết và nhất là ông đã đề xuất ba phạm trù tâm thần mà sau này mọi người đều nhắc đến: cái tôi, cái không phải tôi (cái khác) và cái siêu tôi. Không dừng lại ở đó, Freud mở rộng và áp dụng lý thuyết phân tâm học vào các nền văn minh loài người, ông tố cáo sức nặng của tôn giáo và đạo đức lên trên vai những đứa trẻ, qua những cuốn như Tương lai một ảo tưởng viết năm 1927. Vào năm 1930, cả nước Đức công nhận tài năng của Freud bằng cách trao giải thưởng Goethe cho ông. Không may cho Freud, đây lại là thời của chủ nghĩa phát xít đang lên cao, và vào một vài năm sau đó sách của Freud đã bị đốt trên toàn nước Đức. Hơn nữa, cuộc Anschluss của Đức Quốc Xã (việc thâu tóm nước Áo vào đế quốc Đức) đã buộc Freud và gia đình đi lưu đày: vào năm 1938, Freud được quyền rời nước Đức, qua Pháp rồi từ đó ông vượt biển đến London, Anh. Người ta đồn rằng, khi đến biên giới Pháp, Freud được đòi hỏi phải ký một biên bản chứng nhận rằng ở Đức, ông đã được những người phát xít đối xử tử tế. Freud có lẽ đã phục tùng (vì không còn cách nào khác), nhưng ông đã viết thêm dưới đáy tờ giấy một câu châm chích: Tôi xin nồng nhiệt giới thiệu Gestapo với bất cứ ai. Ở Anh, ông tiếp tục trị bệnh cho một vài bệnh nhân hiếm hoi. Vào năm 1923 Freud đã được giải phẫu lần đầu tiên vì bệnh ung thư hàm. Biến cố này không ngăn cản được thói quen hay hút những điếu thuốc kiểu Churchill của ông, mà ông giữ cho đến lúc chết. Tương truyền ông hút trọn một gói thuốc mỗi ngày. Tuy vậy bệnh ung thư ác tính đã gây cho ông nhiều đau đớn đến nỗi, vào ngày 21 tháng 9 năm 1939, Freud yêu cầu bác sĩ của mình tiêm một liều móocphin. Hai xentigram móocphin đã đưa ông chìm vào hôn mê và qua đời hai ngày sau đó. Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 00:57 ngày 21/04/2005
Sự nghiệp của Freud nổi bậc bởi hai cách khác nhau. Một mặt, ông đã phát triển lý thuyết về trí óc con người, mặt khác, về cách cư xử của con người. Ngoài ra ông là tác giả của nhiều phương pháp trị liệu thần kinh học. Từ những nghiên cứu thần kinh học đến tiềm thức Như đã nói trên, ông đã bắt đầu bằng nghiên cứu môn thần kinh học. Freud là một trong những người tiên phong nghiên cứu về chứng liệt não và chỉ ra rằng căn bệnh này đã tồn tại rất lâu trước khi giới chuyên gia vào thời ông bắt đầu quan tâm đến nó. Ông đã xuất bản một vài tài liệu về chủ đề này. Theo Freund, William Little - người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh liệt não - đã sai khi cho rằng căn bệnh được gây ra bởi sự thiếu ôxi trong não vào lúc bẩm sinh. Ngược lại, Freud gợi ý rằng sự thiếu ôxi này chỉ là một biến chứng của căn bệnh lúc thai nhi ra đời. Mãi sau này đến thập niên 1980, các nghiên cứu hiện đại mới có thể chứng minh rằng những tiên đoán của Freud là xác đáng. Ngoài ra, Freud là một trong những người đầu tiên đề xuất sử dụng chất côcain trong y học và là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực chữa trị rối loạn chức năng thần kinh. Freud hy vọng rằng, một ngày nào đó khoa học sẽ chứng minh rằng phương pháp chữa trị của ông - phân tâm học - là đúng. Mục đích chính của liệu pháp này là làm cho bệnh nhân ý thức trở lại những cảm xúc và suy nghĩ đã bị đè nén trong thâm tâm họ, để bệnh nhân có một bản ngã mạnh mẽ và tự tin hơn. Về mặt thực tiễn, Freud áp dụng phương pháp liên tưởng tự do đối với bệnh nhân và yêu cầu họ nói về những giấc mơ của mình. Ngoài ra, phân tâm học cũng đòi hỏi một sự can thiệp tối thiểu có thể được từ phía nhà phân tích. Điều này cho phép bệnh nhân có thể "trút hết" mọi cảm xúc bị đè nén, bày tỏ mọi tư tưởng đã dấu kỹ trong lòng ra cho nhà phân tâm như thể nhà phân tâm chính là đối tượng của những cảm xúc và tư tưởng đó (tiến trình chuyển hướng cảm xúc qua tiềm thức). Bằng cách này bệnh nhân có thể giải toả những cảm xúc đó một cách hiệu quả, nhất là những xung đột với cha mẹ thời thơ ấu. Nhưng đóng góp có giá trị nhất của Freud cho nền y học là khái niệm tiềm thức mà ông ta đã đề xướng. Vào thế kỷ 19, chủ nghĩa thực chứng đang đạt đến đỉnh cao ở châu Âu: người ta tin rằng trí tuệ con người, qua tiến trình mày mò, tìm hiểu tự nhiên và bản thân con người, một lúc nào đó sẽ đạt đến chân lý và có thể kiểm soát lẫn con người lẫn tự nhiên. Tuy nhiên theo Freud điều này là vô lý, và chúng ta thậm chí không thể ý thức, chủ động được hoàn toàn những suy nghĩ của mình. Hơn nữa, con người rất thường tạo những hành động không ăn nhập gì với lý trí, suy tư của chính họ. Freud bắt đầu đề nghị khái niệm tiềm thức khi ông đưa ra lý thuyết suy nghĩ có nhiều tầng, và có những suy nghĩ xảy ra ở "tầng dưới". Theo Freud, những giấc mộng - "con đường hoàng gia dẫn đến tiềm thức" - là minh hoạ tốt nhất về sự hiện diện của tiềm thức và trong tác phẩm nổi tiếng của mình Giải đoán những giấc mơ, Freud đã vừa chứng minh rằng có tiềm thức vừa đề nghị một vài những phương pháp tiếp cận với nó dễ thực hiện. Một khái niệm luôn luôn đi đôi với tiềm thức là khái niệm đàn áp. Freud cho rằng, con người ta thỉnh thoảng chịu đựng những kinh nghiệm, từng trải hoặc cảm xúc quá mãnh liệt, hay đau đớn đến nỗi họ không chịu nổi, và những kinh nghiệm, cảm xúc này (và phần trí nhớ dành cho chúng) đúng là không thể được loại bỏ dễ dàng và đơn giản khỏi trí óc ta, nhưng ít ra chúng có thể được loại bỏ khỏi ý thức ta. Dần dà, chúng tích tụ lại và cái được gọi là tiềm thức xuất hiện. Trong quá trình chữa bệnh của ông, Freud đã nỗ lực tìm ra những mẫu hình, những kiểu đàn áp cảm xúc cố định để từ đó xây dựng một lý thuyết hoàn chỉnh, song ông thừa nhận rằng sự đàn áp xảy ra theo nhiều cách rất khác nhau, và có đối tượng rất khác nhau, từ người này đến người khác. Hơn nữa, quá trình đàn áp cảm xúc/suy nghĩ bản thân nó là một quá trình mà ý thức không kiểm soát được, nói cách khác, chúng ta không chủ động đàn áp những gì mình không chịu nổi. Hơn nữa, những cảm xúc, suy nghĩ đối tượng nào sẽ chịu sự đàn áp cũng được quyết định bởi tiềm thức: tiềm thức, như vậy, vừa là tác nhân gây ra vừa là hệ quả của đàn áp. Những giai đoạn phát triển tâm lý - giới tính Freud tin rằng dục tính phát triển ở mỗi cá nhân bằng cách có một đối tượng riêng biệt vào mỗi thời kỳ phát triển nhất định. Theo Freud, con người bẩm sinh là "đồi bại một cách đa hình thái", một thành ngữ khó hiểu ám chỉ rằng mọi vật thể lúc ban đầu đều có thể là một nguồn khoái cảm. Về sau, sự tiến triển tâm lý giới tính ở người được chia làm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn đường miệng. Từ lúc mới sinh ra cho đến hai tuổi, mọi khoái cảm được tập trung ở miệng và môi và đứa bé thích đưa vào miệng mọi thứ nó với tới được. Vật đầu tiên tạo khoái cảm là núm vú người mẹ, sau đó đứa bé sẽ học cách tự tạo khoái cảm cho mình, bằng cách ngậm ngón tay chẳng hạn. Nói cách khác, vú mẹ - và sau đó là người mẹ - là đối tượng yêu đầu tiên của đứa bé, do đó hội chứng Êđíp cũng xuất hiện ở giai đoạn này (đứa trẻ tự đồng cảm với người cha và muốn thế chỗ người cha). (2) Giai đoạn ác dâm - hậu môn, được chia đôi thành những thôi thúc chủ động và những thôi thúc bị động. Thôi thúc chủ động biểu hiện qua ý muốn làm chủ, sở hữu của đứa trẻ - có thể dẫn đến sự tàn nhẫn. Ngược lại, thôi thúc bị động biểu hiện ở việc đứa trẻ rất khoái được nhìn chằm chằm. Ở giai đoạn này, vật ******** chuyển từ vú mẹ hay ngón tay cái qua lỗ trực tràng (hậu môn). Đứa trẻ thích chơi gần phân, ở những nơi xú uế, và có khuynh hướng tạo cho riêng mình một thứ gì đó. (3) Giai đoạn *********. Từ bốn đến khoảng bảy tuổi, đứa trẻ bước vào giai đoạn *********, khi mà bộ phận sinh dục trở thành vật khoái cảm của nó. Vào giai đoạn này, đứa bẻ cảm thấy thích thú với việc đi tiểu (và cả việc nín tiểu). Đứa trẻ ở giai đoạn này có một ám ảnh đặc trưng về việc thiến - một ám ảnh sẽ giúp nó vượt lên hội chứng Êđíp. Đứa bé cũng trải qua hiện tượng lo lắng vì cách ly với mẹ nó, bản ngã dần dần tuân thủ nguyên tắc thực tại và nguyên tắc khoái cảm, một tiến trình sẽ trở nên hoàn thiện một khi đứa trẻ tiến vào giai đoạn ấp ủ. Ngoài ra, trong giai đoạn vượt qua hội chứng Êđíp có sẵn trong hai giai đoạn trên, đứa bé cũng đồng cảm chính nó với bố hoặc mẹ - một chọn lựa sẽ ảnh hưởng đến thiên hướng giới tính của nó về sau. Tiến trình này cũng ảnh hưởng đến sự hình thành của cái siêu kỷ của đứa trẻ. (4) Giai đoạn ấp ủ, là giai đoạn từ bảy đến mười hai tuổi, thời gian mà đứa bé tạm hoãn tiến trình phát triển tâm lý - giới tính của mình. Giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc đàn áp hoặc giải toả những khoái cảm, cảm xúc ở các giai đoạn trước. Ở thời kỳ này nguyên tắc thực tại được tuân thủ hoàn toàn. Đức trẻ học cách tự lập, và thoát khỏi sự ích kỷ của tuổi nhỏ: nó đang học cách yêu thương người khác. (5) Bắt đầu từ mười ba tuổi trở đi, đứa bé bắt đầu học cách yêu người khác giới và làm tròn bản năng sinh dục của con người. Theo Freund, bất kỳ ai có thể bị chặn đứng lại hoặc không phát triển toàn diện một trong những giai đoạn nói trên, dẫn đến nhiều dạng rối loạn khác nhau khi đã trưởng thành. Cần phải chú ý rằng lý thuyết nói trên chủ yếu là đúng cho đàn ông, đó là tại sao ông nhận được nhiều sự chỉ trích từ phong trào bình đẳng phụ nữ. Freud đã gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập những ý thích của phụ nữ vào lý thuyết phát triển của mình, và ông còn nói đùa: ngay cả tâm lý học cũng chịu thua trước câu đố về đàn bà. Freud cho rằng, sự phát triển tâm lý - giới tính ở phụ nữ ít nhiều có phần giống ở đàn ông, chẳng hạn vào giai đoạn mà các bé nam ám ảnh về sự thiến, các bé nữ trải qua thời kỳ thèm muốn *********. Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 01:51 ngày 21/04/2005
Chào bạn. Hoan nghênh sự tham gia của bạn. Nhân đây, tôi cũng có một vài vấn đề cần trao đổi với bạn: - Thứ nhất, ngoại trừ phần về tiểu sử, các phần khác của bạn hầu như đã trình bày đầy đủ trong các tôpic đã có về Phân tâm học trên Box Tâm lý. Bạn nên tham khảo qua để tránh post trùng lặp. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể post lại với điều kiện bạn cảm thấy những gì post trên các tô pic trên Box là không thoả đáng. - Box Tâm lý học luôn mở rộng cửa với các bài post mang tính phổ biến những kiến thức mà ở Việt Nam còn ít được biết tới với một thái độ xây dựng và không mang nội dung chính trị cũng như quá trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. Mong bạn đọc kỹ lại Nội quy của Box. Bạn có thể dùng lại một vài từ cho uyển chuyển và nhẹ nhàng hơn, ví dụ như bạn có thể thay từ đàn áp thành dồn nén được không? Hay như hội chứng Êđíp hay mặc cảm Êđíp. Hoặc giả, về câu bản chất con người là "đồi bại đa hình thái", mong bạn có thể để nguyên văn từ đó bằng tiếng Đức, hay tiếng Anh được không, để chúng tôi có thể hiểu chính xác hơn nghĩa của từ này.Tương tự với từ tiềm thức. - Một lần nữa, cảm ơn bạn đã tham gia đóng góp cho Box và mong các bài viết tiếp theo của bạn. Thân mến.
Chào ông anh dumb, Vâng, tôi hoàn toàn ý thức rằng cho đến nay, những bài trên chưa có gì là thực sự mới mẻ so với những cái đã có trong box. Song tôi còn dự định post nhiều thứ khác về Sigmund Freud, và hai bài viết trên mới là phần mở đầu, do đó tôi nghĩ có thể tự cho phép mình lặp lại đôi chút. Thứ nhì, tôi cũng ý thức được rằng những thuật ngữ trong tiếng Việt còn chưa được thực sự thống nhất và đầy đủ. Cái tôi gọi là tiềm thức bao hàm cả cái Freud đặt tên là das Vorbewusste và cái Unbewusste trong tiếng Đức, hay the subconscious và unconscious trong tiếng Anh và le subconscient / preconscient và l''inconscient trong tiếng Pháp. Như vậy, tôi bọc lại dước từ tiềm thức bất cứ cái gì không phải là hữu thức, vì tôi chưa thấy nhắc đến sự phân biệt giữa vô thức (Unbewusste) và tiềm thức nghĩa hẹp (Vorbewusste). Đây là điều tôi sắp làm (các bài viết của tôi trong khoảng thời gian 48 giờ sau khi post luôn được sửa chữa và cập nhật liên tục). Về thành ngữ đồi bại một cách đa hình thái, tôi quên mất thành ngữ gốc tiếng Đức rồi, nhưng tiếng Anh gọi là polymorphously perverse - thiết nghĩ cũng tối nghĩa như trong tiếng Việt, cho nên tôi không chú thích cách dịch tiếng Anh này trong bài viết. Về đàn áp và dồn nén, tôi dùng lẫn lộn cả hai trong bài viết. Về mặc cảm và hội chứng Êđíp, tôi cho rằng ông anh nói cũng có lý, vì từ HỘI CHỨNG gợi lên ý bệnh hoạn nhiều quá, và không thích hợp lắm để chỉ một giai đoạn phát triển tự nhiên của con người. Sẽ cập nhật bài viết với ý này, xin cám ơn. Thứ ba, về vấn đề thuần phong mỹ thục. Tôi xin nhắc lại cho ông bạn là chúng ta đang bàn luận một cách nghiêm túc, dưới khía cạnh khoa học, và việc cấm đoán dùng những từ chỉ bộ phận sinh dục như ông anh đề nghị là một việc làm không hợp lý, phản khoa học. Ông anh nghĩ là mình có quyền sửa Freud ?
Qua bài viết cho thấy Qwertzy2 có rất nhiều kiến thức về S.Freud. Tuy nhiên tôi có một chút băn khoăn thế này. Tôi có thấy trong một số sách về Phân tâm học ở Việt nam : 1. sự phát triển tâm tính dục của con người thành được chia thành 4 giai đoạn chính: Giai đoạn môi miệng (0-1 tuổi), giai đoạn hậu môn (2-3 tuổi), giai đoạn ********* (3-6 tuổi), giai đoạn tiềm ẩn :sau 6 tuổi trở đi đến dậy thì. Trong đó thì gia đoạn xuất hiện mặc cảm Odip của trẻ là ở khoảng 3-6 tuổi. 2. Bộ máy tâm trí của con người được chi thành 3 tầng: Ý thức-Tiềm thức - Vô thức. Tương ứng với cái Siêu tôi-cái tôi-cái nó. Như vậy có sự khác nhau giữa những cái tôi đọc và của bạn. Nguồn tôi đọc là một số sách dịch của Trung tâm NT. Bạn có thể giải thích nguồn của bạn để tôi được học hỏi thêm không?
Có rất nhiều cách chia bộ máy tâm trí con người. Theo Phân tâm học, Freud và các đồng sự nhất trí chia thành cái Siêu tôi - Cái Tôi - Cái Nó. Còn ví dụ Tâm lý học hoạt động lại chia thành Ý thức - Tiềm thức - Vô thức (trong đó tiềm thức là phần mà ta lờ mờ nhận ra, nó cũng tham gia vào điều khiển hoạt động của ta, nhưng không được nhận rõ như ý thức, cũng không hoàn toàn không có cảm nhận gì về nó như vô thức). Nhưng 2 cách chia này căn cứ vào những dấu hiệu khác nhau để chia, nên ở đây hoàn toàn không có chuyện Tương ứng. Không thể hiểu Vô thức là Cái Nó, tiềm thức là cái Tôi và ý thức là cái Siêu tôi. Tôi ko vẽ được hình vào đây, nên tôi mô tả cho bạn cách hiểu của tôi nếu so sánh các phần của 2 cách chia như sau: Cái Nó: hoàn toàn thuộc về Vô thức, do Vô thức điều khiển Cái Siêu Tôi: có phần tham gia của cả ý thức, vô thức và tiềm thức. Cái Tôi: Cũng có phần tham gia của cả ý thức, vô thức và tiềm thức. Nếu vẽ thì bạn vẽ 1 quả trứng. Trước tiên bạn vẽ 2 vạch ngang song song cắt quả trứng làm 3 phần, phần dưới cùng to hơn 2 phần trên. 3 phần đó từ dưới lên trên biểu hiện cho vô thức, tiềm thức và ý thức. Bây giờ bạn lại vẽ 1 vạch dọc lệch về bên trái chia quả trứng thành 1/3 và 2/3 theo chiều dọc. Cái 1/3 bên trái đó tượng trưng cho Siêu tôi, gồm cả 3 phần vô thức, tiềm thức và ý thức. 2/3 còn lại bạn lại dùng 1 nét ngang chia đôi, nét ngang đó nằm dưới nét ngang khuôn vùng Vô thức. Phần dưới nét ngang mới vẽ phải nằm hoàn toàn lọt thỏm trong vùng vô thức, phần trên thuộc cả 3 vùng vô thức, tiềm thức, ý thức là cái Tôi. Tất nhiên khi vẽ ra là không chính xác hoàn toàn vì chẳng biết mỗi cái tỷ lệ bao nhiêu. Quan trọng nhất là các phần trong tâm trí, rộng hơn là các phần trong tâm lý con người không tách biệt với nhau một cách thô thiển như thế, mà nó quyện lẫn với nhau theo cách riêng, và cùng điều khiển hoạt động của chúng ta
To Gaimahong: Bạn nói đúng, tôi đã biết lúc đó mình viết nhầm. Nhưng đợt trước ngày diễn đàn bị lỗi mấy ngày không vào được nên tôi không soá được câu ấy nữa. Dầu sao cũng cảm ơn thông tin chia sẻ của bạn.
Các bác nói to quá đó , tôi toàn thấy các bác chép từ đâu đó ra thôi , chẳng thấy cái gì là thực chất cả ! mấy cái lịch sử của ông ta thì liên quan gì đến chúng ta chứ , tôi thì cho rằng simon frued chằng có giá trị gì cả , ông ta là một cái vòng luẩn quẩn , và nói chung phân tâm học chảng có ích gì cho lắm , chính chúng ta đã tạo ra vẫn đề vậy mà cứ đi hỏi người khác làm sao mà giải quyết vẫn đề cho chính mình ???????????? thật là khùng quá đi , Tất cả là ở cái mà bạn đang muốn thì bạn đang vô thức làm nó , tất cả các vẫn đề là bạn đang duy trì năng lượng cho các vấn đề của bạn ,hãy cắt nguồn năng lượng đó , bạn sẽ khong còn vẫn đề nào cả ! thế thôi !