1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sinh viên trao đổi (Exchange Students)

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi anhtrung_dang, 04/08/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. anhtrung_dang

    anhtrung_dang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/04/2003
    Bài viết:
    32
    Đã được thích:
    0
    Sinh viên trao đổi (Exchange Students)

    SINH VIÊN TRAO ĐỔI (EXCHANGE STUDENTS)

    1. Tại sao nên trở thành một sinh viên trao đổi?

    Để trả lời câu hỏi trên thì trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là sinh viên trao đổi. Theo đúng định nghĩa của các tổ chức tuyển dụng, sinh viên trao đổi là những sinh viên được tuyển đi du học ở nước ngoài trong vòng 1 năm (phổ thông) hoặc 2 năm (cao đẳng cộng đồng), nhằm mục đích trao đổi văn hóa.

    Tất nhiên, nếu chỉ vì mục đích trao đổi văn hoá thì có lẽ chẳng mấy bạn hào hứng lắm. Thế nhưng hàng năm vẫn có hàng trăm học sinh Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi bởi vì thực chất đó chính là một trong những cách để khởi đầu cho con đường vào đại học của các bạn. Có nghĩa là sau khi hoàn tất chương trình này, nếu có khả năng, bạn sẽ có thể đăng ký vào học tiếp ở một trường đại học của Mỹ.

    Ngoài ra còn những cách khác như đăng ký học phổ thông mà không thông qua một tổ chức trao đổi nào hết (du học phổ thông tự túc), đăng ký thẳng vào đại học, đi du học theo học bổng ngân sách nhà nước... Rất nhiều cách, rất nhiều con đường, vậy nên bạn đừng vội vàng chọn hướng đi trao đổi sinh viên trước khi biết rõ những mặt tốt, mặt xấu mà mình sẽ kể sau đây. Thứ nhất về mặt chi phi, đây chính là điểm mạnh của chương trình này, bởi vì các bạn sẽ được miễn học phí trong vòng một năm học, đồng thời được một gia đình người Mỹ chu cấp cho ăn ở. Thứ hai, về khả năng được đi bao gồm cả khả năng được tham gia chương trình và khả năng xin được thị thực nhập cảnh (VISA) là khá cao. Một điểm lợi nữa là các bạn sẽ có một năm làm quen với cuộc sống, con người Mỹ và trau dồi vốn tiếng Anh trước khi bước chân vào đại học. Tuy nhiên, tham gia chương trình này cũng có một số điểm bất lợi, đó là sự bị động. Bị động ở chỗ bạn sẽ không được chọn trường, chọn nơi ở, chọn gia đình mà mình sẽ sống cùng... Trái lại, bạn là người được người khác chọn, như thế đồng nghĩa với sự may rủi; bạn phải chuẩn bị đón nhận những rủi ro không lường trước được như phải rơi vào một trường học kém chất lượng, một vùng hẻo lánh, một gia đình không như trong tưởng tượng của bạn - những người muốn đổi bánh mỳ lấy sức lao động của bạn không phải là ít. Điều bất lợi thứ hai là không ai bảo đảm bạn sẽ nhận được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông của Mỹ, tấm bằng mà đa số các trường đại học đòi hỏi đối với các sinh viên đầu vào. Và điều cuối cùng - đây là điều bất lợi hay thuận lợi thì tuỳ vào sự đánh giá của các bạn - mình muốn các bạn lưu ý rằng: sống tự lập không bao giờ là một điều dễ dàng cả và nó khác xa với tưởng tượng của chúng ta.

    Đọc đến đây, có lẽ các bạn cũng đã có được một cái nhìn khái quát về chương trình này. Nếu bạn chọn con đường tiến lên phía trước, mời bạn đọc tiếp những phần sau để củng cố niềm tin cho mình và có được hành trang vững chắc trên con đường du học đầy gian nan đang chờ đón.

    2. Những yêu cầu tối thiểu để bạn có thể trở thành một sinh viên trao đổi:

    Hiện nay, có rất nhiều chương trình trao đổi khác nhau như ASPECT, CCI, ISE, OCEAN... Mỗi chương trình có những chỉ tiêu tuyển chọn riêng, nhưng nói chung các bạn cần phải đạt được những yêu cầu tối thiểu sau đây:
    - Chi phí cơ bản: 4200 USD.
    - Tuổi: 15 - 17 (lớp 9 - 11)
    - Học lực: khá hoặc giỏi (một số chương trình như CCI yêu cầu điểm tổng kết từ 8.0 trở lên)
    - Trình độ tiếng Anh: đạt điểm SLEP (Secondary Level English Proficiency Test) tối thiểu là 50 tương đương với 425 điểm TOEFL.

    Nếu bạn có thể đạt được những yêu cầu trên, bạn phải làm những thủ tục sau để có thể tham gia chương trình:
    - Liên hệ với tổ chức: bạn có thể liên hệ thẳng với tổ chức trao đổi hoặc liên hệ thông qua một công ty tư vấn du học.
    - Sau khi đã liên hệ, một số công ty tư vấn du học sẽ cho bạn làm một bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào (không chính thức).
    - Làm bài kiểm tra tiếng Anh chính thức của tổ chức trao đổi: SLEP Test (Secondary Level English Proficiency Test)
    - Nếu bạn vượt qua được bài kiểm tra này thì bước tiếp theo sẽ là nhận hồ sơ tham gia chương trình và phải nộp tiền đặt cọc (100 - 200 USD).
    - Sau đó là hoàn thành và nộp hồ sơ cho tổ chức, tất nhiên lại phải đặt cọc tiếp lần 2 (khoảng 800 - 900 USD)
    - Nộp hồ sơ được khoảng 1 - 2 tháng, bạn sẽ nhận được giấy DS-2019, có thể coi như là giấy chứng nhận bạn được tham gia chương trình.
    - Làm hộ chiếu (passport): thời gian đợi để có hộ chiếu là 20 ngày.
    - Bước cuối cùng là chuẩn bị hồ sơ và đi phỏng vấn xin thị thực nhập cảnh (VISA) tại lãnh sự quán Mỹ. Đây là bước quan trọng nhất và khó nhất.

    3. Chuẩn bị lên đường:

    - Hồ sơ, giấy tờ:
    + Hộ chiếu (passport)
    + Thị thực nhập cảnh (VISA) và thư của lãnh sự quán Mỹ (bạn sẽ nhận được thư này cùng lúc nhận được VISA sau khi phỏng vấn, viên chức lãnh sự quán sẽ dặn bạn là đừng mở phong bì này ra, thế nên đừng dại mà táy máy nhé)
    + Hồ sơ chương trình trao đổi mà bạn tham gia.
    + Công chứng tiếng Anh học bạ 3 năm học gần nhất (để sau này đăng ký vào đại học)
    + Các giấy tờ tài chính: thư bảo lãnh của cha mẹ, giấy chứng nhận tiền gửi trong ngân hàng, giấy chứng nhận thu nhập hàng tháng và công chứng của tất cả các giấy tờ tài chính mà bạn đã sử dụng khi phỏng vấn xin VISA trong trường hợp bạn muốn chuyển tình trạng cư trú từ J1 sang F.
    - Đồ dùng cá nhân và sách vở: sách vở thì theo mình mang ít thôi, quan trọng nhất là từ điển. Đồ dùng cá nhân thì cũng tuỳ theo từng bạn, hàng ngày ở nhà bạn phải dùng những thứ gì thì mang tất cả theo. Có những thứ ở Việt Nam rất rẻ nhưng ở Mỹ rất đắt như thuốc, đĩa CD... thì cũng nên mang theo.
    - Tiền:
    + Tiền mặt: theo mình thì bạn chỉ nên mang tối đa là 3000USD để... đỡ mất ngủ trên máy bay
    + Thẻ tín dụng (cre*** card): có 2 loại nổi tiếng nhất là VISA Card và Master Card. Khi làm thẻ, bạn sẽ nhận được 2 thẻ: thẻ chính do bố hoặc mẹ bạn cầm, thẻ phụ do bạn cầm.
    + Chuyển tiền: chuyển tiền qua Western Union thì an tâm nhưng mà có cái là bị trích phần trăm hơi nhiều. Nói chung là cũng xót quá mà mất ngủ thôi Còn mấy cách chuyển tiền khác nữa thì sau này sang bên Mỹ tính sau.
    - Vé máy bay: tham gia chương trình bạn bắt buộc phải mua vé khứ hồi. Có một số hãng mãy bay sau là được nhiều người tin cậy: Cathay Pacific, China Airlines, Korea Airlines...
    - Quà tặng: bạn có thể mua bất cứ thứ gì mà bạn muốn nhưng theo mình thì tốt nhất là mua cái gì đặc trưng của Việt Nam, nhỏ gọn và rẻ rẻ thôi.





    Được anhtrung_dang sửa chữa / chuyển vào 06:50 ngày 04/08/2003
  2. anhtrung_dang

    anhtrung_dang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/04/2003
    Bài viết:
    32
    Đã được thích:
    0
    MỘT SỐ KINH NGHIỆM XIN VISA J1
    I. Hồ sơ:
    Chú ý: kể từ năm 2003 phải nộp tất cả hồ sơ trước khi phỏng vấn và hồ sơ này sẽ được nhân viên Việt Nam xem xét
    1. Hồ sơ chương trình học:
    - DS-2019.
    - Hóa đơn thu tiền.
    - Các bản cam kết với tổ chức trao đổi (cam kết quay về nước sau khi kết thúc chương trình, cam kết không phá hoại tài sản, cam kết không vi phạm nội quy chương trình...) (không bắt buộc)
    - Giấy giới thiệu của giám đốc chương trình hoặc host family (nếu có).
    2. Hồ sơ bản thân:
    - Passport.
    - Học bạ 3 năm học gần nhất.
    - Giấy xác nhận bảo lưu điểm tổng kết.
    - Giấy chứng nhận tham gia các hoạt động ngoại khoá (không bắt buộc)
    3. Hồ sơ cha:
    - Giấy chứng nhận công việc làm và chức vụ.
    - Giấy chứng nhận học hàm, học vị.
    - Giấy chứng nhận là thành viên của các tổ chức (không bắt buộc).
    4. Hồ sơ mẹ và những người bảo hộ khác có tên trong sổ hộ khẩu (ông, bà, anh, chị...): tương tư như hồ sơ cha.
    5. Hồ sơ tài chính:
    Tất nhiên là mang càng nhiều tiền càng tốt, nhưng hãy nhớ là tất cả số tài sản đó phải được chứng mình rõ ràng nguồn gốc.
    a. Thu nhập hàng tháng
    - Giấy xác nhận lương tháng của những người bảo trợ (những người bảo trợ tức là cha, mẹ và những người có tên trong cùng sổ hộ khẩu)
    - Giấy xác nhận thu nhập thêm hàng tháng của những người bảo trợ (lương B, tiền thưởng...)
    - Hoá đơn, chứng từ xác nhận việc làm thêm của những người bảo trợ (ví dụ như dạy thêm thì phải có giấy mời, lịch giảng dạy, hoá đơn thù lao...; viết báo thì phải có hoá đơn tiền nhuận bút và mang bài báo đó tới)
    - Giấy tờ cho thuê bất động sản bao gồm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bất động sản (sổ đỏ) và bản hợp đồng cho thuê bất động sản.
    - Giấy tờ thuế (đối với những cán bộ nhà nước có lương dưới 5 triệu đồng/tháng thì không cần).
    b. Tài sản.
    - Giấy chứng nhận tài khoản trong ngân hàng của những người bảo trợ (nếu có)
    - Sổ tiết kiệm của những người bảo trợ: nên gửi trước ít nhất là 6 tháng; nếu nhiều sổ thì nên có thời hạn gửi liên tiếp theo chu kỳ bởi vì nếu bạn gửi nhiều sổ tiết kiệm trong cùng 1 thời gian sẽ làm người ta nghi ngờ.
    - Giấy tờ xác nhận việc sở hữu bất động sản và định giá bao gồm sổ đỏ, giấy tờ mua bất động sản, giấy nhượng quyền sử dụng bất động sản và giấy thuê bất động sản của nhà nước (trươc đây 2 loại giấy tờ này không được chấp nhận, nhưng may thay bây giờ là người Việt Nam xem xét giấy tờ nên họ hiểu rằng những dạng bất động sản này có thể hoá giá )
    - Ngoài ra cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ sở hữu một số tài sản cố định khác cũng được chấp nhận.
    II. Phỏng vấn.
    1. Dạng câu hỏi: người Mỹ không phỏng vấn lung tung đâu, họ sẽ căn cứ vào hồ sơ của bạn để hỏi bạn vào những điểm mà họ nghi ngờ nhất. Theo mình, có những dạng câu hỏi sau đây.
    a. Câu hỏi về bản thân:
    - Bạn học lớp mấy, bạn học trường nào, bạn học thế nào, bạn thích môn nào nhất...?
    - Bạn có muốn sau này học đại học tại Mỹ không? (đây là câu gần như chắc chắn sẽ hỏi và là câu mấu chốt. Mục đích của họ khi hỏi câu này là để đảm bảo rằng bạn sẽ quay về nước sau khi hoàn tất chương trình (đây là luật). Nhiều người khuyên nên trả lời là không, nhưng trả lời có cũng không sao đâu, miễn là bạn phải có cách nói khéo léo để chứng minh rằng bạn sẽ không vi phạm luật)
    - Bạn dự định sẽ học ngành gì? (ngành nào cũng được nhưng tốt nhất là nên chọn một số ngành đang nổi ở Việt Nam như CNTT, xây dựng...)
    - Bạn dự định sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì? (phải nói rõ dự định ra, bạn nên cố gắng thể hiện rằng mình đã tìm hiểu rất kỹ qua sách, báo, đài, người quen...)
    - Bạn có người thân ở bên Mỹ không? (Nếu người bảo trợ bạn không phải là người thân bên Mỹ thì trả lời là không luôn đi.)
    b. Câu hỏi về chương trình:
    - Tại sao bạn lại biết đến chương trình này? (Quảng cáo, sách báo, internet...)
    - Tại sao bạn lại tham gia chương trình này? (Trao đổi văn hoá, tăng khả năng tiếng Anh, tăng khả năng độc lập...)
    - Bạn phải làm những thủ tục gì để tham gia chương trình này? (Cái này thì bạn cứ kể nguyên xi những bước mà bạn đã làm thôi)
    - Tại sao bạn lại chọn đi Mỹ mà không chọn những nước khác? (Hầu hết mọi người trả lời vì Mỹ là nước có trình độ giáo dục rất cao... thế nên tốt hơn hết là bạn tránh câu trả lời này bởi vì nghe giống bài học thuộc lòng quá)
    - Bạn nghĩ là bạn có khả năng sống và học tập tốt ở Mỹ không? (Các bạn có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau nhưng ý chung phải là có)
    c. Câu hỏi về tài chính:
    - Người bảo trợ của bạn làm nghề gì?
    - Tại sao người bảo trợ của bạn làm nghề đó mà có mức thu nhập như thế này? (bạn phải nắm rõ hồ sơ tài chính của mình để có cách trả lời thích hợp)
    - Tại sao nhiều tiền thế này được gửi cùng một ngày? Tất nhiên, bạn lại phải nẳm rõ tình hình tài chính để trả lời. Tuy nhiên nếu bạn không nắm rõ thì theo mình bạn có thể dùng một trong những cách sau:
    + Gia đình tôi trước đây có thói quen giữ tiền mặt nhưng bây giờ để thuận tiện cho việc học tập của tôi, gia đình tôi quyết định gửi tiền vào ngân hàng.
    + Hôm đó người bảo trợ của tôi được nhận tiền thù lao từ một dự án lớn nên quyết định gửi tiền vào ngân hàng ngay.
    + Số tiền này không thực sự qúa lớn đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi còn những sổ tiết kiệm khác nhưng theo như thông tin tôi được biết thì để tham gia chương trình này, chúng tôi chỉ cần chứng minh một khoản tiền như vậy thôi.
    .v.v...
    c. Câu hỏi khác: đây chỉ là những câu hỏi phụ thôi nhưng nhớ là trả lời tất cả, không biết thì bảo là không biết, tránh ậm à ậm ừ.
    - Bức tranh treo trên tường kia là ai vẽ thế? Tôi không biết bởi vì tôi không tìm hiểu kỹ về hội họa.
    - Bản sonata số 8 của Beethoven có tên là gì? Tôi không biết vì tôi không tìm hiểu kỹ về nhạc cổ điển.
    - Cầu thủ bóng rổ nào nổi tiếng nhất? Tôi không biết vì tôi không tìm hiểu kỹ về môn bóng rổ.
    .v.v...
    Bạn hỏi tại sao họ lại hỏi những câu quái lạ như thế ư? Đó là một câu hỏi rất thú vị nhưng rất tiếc là mình không biết vì mình không tìm hiểu kỹ về vấn đề này.
    2. Thái độ khi phỏng vấn:
    - Trung thực: đây là điều quan trọng nhất. Bởi vì người Mỹ rất ghét bị nói dối, nên tuyệt đối tránh những biểu hiện thiếu trung thực như gãi đầu gãi tai, mắt nhìn liên láo, nói ậm à ậm ờ...
    - Tự tin: thứ nhất là có tự tin thì bạn mới có thể tránh được những biểu hiện thiếu trung thực như đã nói ở trên (đừng để rơi vào tình trạng nói dối mà không biết đường nói dối), thứ hai là để thể hiện khả năng của bạn, chứng tỏ rằng bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi thích ứng với xã hội Mỹ.
    - Lịch sự: khi mới vào thì phải "Good morning/afternoon" chứ không được "Hello" hay "Hi". Khi trả lời thì nhớ nói vừa phải, không to quá không bé quá. Phỏng vấn cho dù thành công hay không thì cũng nhớ cảm ơn và chào tạm biệt họ. Bởi vì nếu tỏ thái độ bất mãn sẽ gây mất cảm tình cho người phỏng vấn và làm giảm khả năng thành công cho đợt phỏng vấn lại lần sau.
    - Khéo léo: điều này thì tuỳ thuộc vào cách làm của từng bạn, mình chỉ có thể nói là bạn nên chú ý đến người phỏng vấn một chút. Khi vào bạn có thể nói một vài câu đùa vui, mình có thể không cười nhưng mình phải làm cho người ta cười (tất nhiên là nếu có thể thì cái mặt của bạn nên như thế này này ).
    Xong rồi, còn một điều cuối cùng mình muốn nói và cũng là điều quan trọng nhất: chiều nhớ mang tờ giấy tim tím ra lãnh sự quán để lấy VISA nhé

Chia sẻ trang này