1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

SMERSH - VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA STALIN

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vacbay03, 20/07/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ngày 03 Tháng 3 năm 1940, Stalin và năm thành viên Bộ Chính trị, cùng với chính Beria, đã chấp thuận đề nghị của Beria hành quyết các sĩ quan Ba Lan bị giam giữ trong các trại tù binh chiến tranh cũng như các sĩ quan và thành viên của ‘các tổ chức gián điệp và hoạt động chệch hướng khác nhau của các cựu chủ đất và nhà máy’ bị giam trong các nhà tù NKVD. Kết quả là vụ thảm sát rừng Katyn khét tiếng: hành quyết, vào tháng Tư năm 1940, khoảng 22.500 sĩ quan Ba Lan và các tù nhân trong khu rừng Katyn gần Smolensk và trong các nhà tù ở Kharkov và Kalinin (hiện nay là Tver). Merkulov, Bogdan Kobulov, và Leonid Bashtakov, Cục trưởng Cục 1 Đặc Biệt của NKVD (đăng ký và thống kê), chịu trách nhiệm tổ chức các vụ hành quyết. Các OO địa phương đã tích cực tham gia vào việc chuẩn bị cho các vụ hành quyết. Nhìn chung, NKVD đã giết chết gần một nửa sĩ quan Ba Lan và nhiều thành viên của giới trí thức Ba Lan, bao gồm các bác sĩ y khoa. Chỉ có 395 người được tha, chủ yếu là những người được Cục tình báo Đối ngoại quan tâm (Pavel Sudoplatov, nhà tổ chức các hành động khủng bố nổi tiếng, đã biên soạn danh sách các cái tên những người này).

    Ngày 20 tháng ba năm 1940, Beria đã ra lệnh đưa 11 biệt đội tử thần NKVD đến các phần đất vừa mới chiếm của Ukraine và Belorussia. Pavel Meshik 30 tuổi, một trong những cộng sự tận tụy nhất của Beria, đứng đầu nhóm được cử đến Lvov, nơi những hành vi tội ác chủ yếu diễn ra. Trong tháng 12 Beria báo cáo với Stalin rằng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1940, trong các phần đất vừa mới chiếm của Ukraine và Belorussia này, ‘lên đến 407.000 người đã bị bắt và ... [thêm] 275.784 người đã bị đưa đến Kazakhstan và các khu vực phía bắc của Liên Bang Xô Viết.’

    Vụ thảm sát được tiếp tục vào tháng Sáu và tháng Bảy năm 1941. Khi quân Đức tiến công và Liên Xô rút lui khỏi các vùng lãnh thổ Ba Lan trước đây, NKVD đã hành quyết ít nhất 10.000 tù nhân địa phương, những người đang bị giam giữ mà không qua xét xử. Trong thuật ngữ tàn nhẫn của NKVD, những người này được gọi là 'những hao tổn của danh mục đầu tiên'.

    Ngày 12 tháng Tám năm 1941, Bộ Chính trị ân xá tù nhân Ba Lan và ra lệnh phóng thích họ, cũng như các công dân Ba Lan bị trục xuất. Vào ngày 1 tháng 10, NKVD đã sẵn sàng phóng thích 51.257 người Ba Lan bị kết án và những người Ba Lan bị bắt đang chờ được xét xử, và 254.473 người bị trục xuất. Ngay sau đó nhiều người trong số đó đã gia nhập quân đội của Anders do viên Tướng được phóng thích Wladislaw Anders chỉ huy. Cho đến khi Đức tấn công ngày 22 tháng 6 năm 1941, Anders đã bị giam giữ trong nhà tù Lubyanka ở Moscow sau khi ông từ chối gia nhập Hồng quân. Tuy nhiên, 12.817 tù nhân Ba Lan và 33.252 thành viên gia đình của họ vẫn ở trong trại NKVD và bị lưu đày ở Liên Xô. Quân đội của Anders chuyển đến Iran, lúc đó đang bị chiếm đóng bởi cả hai quân đội Liên Xô và Anh.

    Xâm lược Phần Lan

    Ngày 28 tháng 9 năm 1939, Joachim von Ribbentrop, bộ trưởng ngoại giao của Hitler, đã có chuyến thăm thứ hai tới Moscow. Trong một cuộc họp sớm vội vã vào lúc 5 giờ sáng, ông đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Ranh giới Đức-Xô, trong đó có một biên bản bí mật hoàn thành việc phân chia Ba Lan và nhượng lại Lithuania cho Stalin. Người phiên dịch của Stalin Valentin Berezhkov nhớ lại: "Khi một tấm bản đồ với đường lằn ranh biên giới đã được thoả thuận giữa các vùng đất thuộc Đức và Liên Xô được đưa vào, Stalin đặt nó trên bàn làm việc, lấy một cây bút chì màu xanh lớn và cho phép cảm xúc của ông tuôn trào, ký tên ông ta với một nét bút những chữ cái khổng lồ bao phủ các vùng lãnh thổ mới chiếm được phía Tây Belorussia và Tây Ukraine.' Bây giờ cả ba nước Baltic, cộng với Phần Lan và miền đông Ba Lan, sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Hai ngày sau, trong một bài phát biểu dài hỗ trợ cuộc chiến của Đức chống lại Anh và Pháp, Molotov đã đổ lỗi cho quân Đồng Minh: 'Nó là vô nghĩa và là tội ác khi tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy, một cuộc chiến ‘để tiêu diệt những người theo chủ nghĩa Hitler (Hitlerism).’

    Giống như cuộc xâm lược của Đức Quốc xã ở Ba Lan, bắt đầu trên biên giới Đức-Ba Lan bằng một vụ khiêu khích do các cơ quan mật vụ của Đức tổ chức, cuộc chiến tranh của Liên Xô với Phần Lan bắt đầu với việc pháo binh của NKVD bắn vào chính quân đội Xô Viết, sau đó đổ lỗi cho người Phần Lan. Aleksandr Shcherbakov, trưởng Ban tuyên truyền của Đảng, giải thích việc Liên Xô xâm lược: ‘Học thuyết của Lênin dạy chúng ta rằng trong hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, một nước xã hội chủ nghĩa phải-và có trách nhiệm khởi đầu một cuộc tấn công quân sự chống lại các nước tư bản xung quanh nhằm mục đích mở rộng mặt trận Chủ nghĩa Xã Hội’.

    Stalin đã rất tự tin rằng ông sẽ giành được một chiến thắng nhanh chóng trước Phần Lan đến nỗi ông thậm chí không thông báo cho Nguyên soái Boris Shaposhnikov , Tổng Tham mưu trưởng, người đang trong kỳ nghỉ, về việc bắt đầu các hành động quân sự. Theo kế hoạch của Liên Xô, toàn bộ chiến dịch sẽ mất 12 ngày. Trong sự thất vọng của Stalin, Phần Lan đã có thể đứng vững trước sự ham muốn 'mở rộng mặt trận Chủ nghĩa Xã Hội’ của ông ta. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Vào đầu năm 1940, Tướng Konstantin Pyadyshev đã can đảm viết thư cho vợ từ mặt trận: 'sĩ quan chỉ huy của chúng ta được đào tạo rất kém, nhiều người thậm chí không thể sử dụng bản đồ. Họ không có khả năng chỉ huy, và họ không có quyền hạn đối với binh sĩ. Binh lính Hồng quân cũng được huấn luyện kém và nhiều người trong số họ không muốn chiến đấu. Đây là lý do tại sao tình trạng đào ngũ lại cao như vậy.’ Lá thư này và các lá thư khác gửi vợ ông đã nằm trong hồ sơ tướng lãnh của OO (OO có một phòng phụ trách giám sát các Tướng lãnh-ND), nhưng ông chỉ bị bắt sau này, vào tháng Chín năm 1941, vào lúc bắt đầu Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

    Tinh thần của quân đội và sự phối hợp của các đơn vị chiến đấu tồi tệ đến nỗi chỉ trong mười ngày đầu tháng 1 năm 1940, các phòng ban OO của các đơn vị Hồng quân đã gửi Stalin 22 báo cáo phàn nàn về hiệu quả kém của quân đội. Để duy trì kỷ luật, NKVD zagradotryady (zagra***el'nye otryady, nghĩa đen là "Các đơn vị rào chắn'(fence detachments) hoặc các đơn vị ngăn chặn) được thành lập lần đầu tiên trong lịch sử Hồng quân. Mệnh lệnh chung của các Dân ủy NKO và NKVD đã nêu:

    Để ngăn chặn nạn đào ngũ và thanh lọc các phần tử thù địch ở hậu phương các đơn vị chiến đấu, chúng tôi ra lệnh:
    1. Thành lập các phân đội kiểm soát-ngăn chặn từ những trung đoàn NKVD... và đặt chúng dưới sự chỉ huy của Ban Đặc biệt.
    2. Nhiệm vụ của các đơn vị kiểm soát-ngăn chặn là tổ chức lực lượng bố ráp ở hậu phương các đơn vị chiến đấu, kiểm tra giấy tờ những quân nhân đi lẻ và thường dân đi về khu vực hậu phương, và bắt những kẻ đào ngũ.
    3. Tù nhân phải được đưa đến Ban Đặc biệt ...
    4. Mỗi đội kiểm soát-ngăn chặn cần có 100 binh sĩ bao gồm ba trung đội bộ binh, cũng như một nhóm hành động của Ban đặc biệt gồm 3-5 người...
    5. Các nhân viên giỏi nhất của Ban Đặc biệt cần được huy động [cho các đơn vị này]...
    6. ... Những kẻ đào ngũ phải được chuyển ngay cho tòa án quân sự và bị xét xử trong vòng 24 giờ.
    --- Gộp bài viết: 24/06/2017, Bài cũ từ: 24/06/2017 ---
    Có thể nhiều Bác xem rồi nhưng thôi cứ để vô để minh hoạ cho vụ thảm sát Katyn của NKVD. Chú ý đến quy trình hành quyết của NKVD từ lúc tù binh bị đưa đến bằng xe Black Raven

    http://hdonline.vn/phim-vu-tham-sat-o-katyn-2360.html#zzjEJGdgwSogyQL0.97
    DepTraiDeu thích bài này.
  2. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Từ tháng giêng đến tháng 3 năm 1940, zagradotryady đã bắt giữ 6,724 binh lính Hồng quân. Trong số đó, 5,934 người bị đưa trở lại các đơn vị chiến đấu, và 790 người bị xét xử bởi tòa án quân sự. Trong nhóm người thứ hai, chỉ có sáu quân nhân được tha bổng. Sau đó, trong cuộc chiến tranh với Đức, các đơn vị ngăn chặn đã trở thành một trong những công cụ chính của NKVD và SMERSH.

    Trong 5 tháng của cuộc chiến tranh mùa đông, từ tháng 11 năm 1939 đến tháng 3 năm 1940, người Phần Lan 'đã có sự chuẩn bị, chiến thuật, và quyết tâm cao hơn nhiều so với Liên Xô, với 131.500 thương vong so với 21,400 của Phần Lan'. Stalin đã rất phẫn nộ bởi khả năng kém cỏi của Kliment Voroshilov ở cương vị Dân Uỷ NKO đến nỗi vào tháng 5 năm 1940 ông đã thay thế Voroshilov bằng Semyon Timoshenko.

    Nikita Khrushchev nhớ lại một cuộc tranh cãi giữa Stalin và Voroshilov chỉ ngay sau chiến tranh (Phần Lan-ND):

    'Một ngày nọ Stalin đã chỉ trích Voroshilov một cách giận dữ trong khi chúng tôi [các thành viên Bộ Chính trị] có mặt tại ngôi nhà nghỉ nông thôn (dacha) gần đó. Ông đã rất kích động và công kích Voroshilov một cách hung hãn. Voroshilov cũng nổi giận; ông đứng dậy với một khuôn mặt đỏ gay và thình lình đập lại Stalin: 'Đồng chí chỉ biết đổ lỗi. 'Đồng chí đã huỷ diệt quân đội [trong cuộc Đại Thanh trừng].' Stalin đáp trả một cách giận dữ. Sau đó, Voroshilov cầm một cái dĩa đang đựng thịt heo luộc lên và đập nó xuống sàn nhà. Đây là lần duy nhất mà tôi chứng kiến một tình huống như vậy. Stalin chắc chắn đã cảm thấy những yếu tố thất bại trong chiến thắng của chúng tôi trước Phần Lan năm 1940.'

    Nhưng việc bổ nhiệm mới không phải là sự giáng chức của Voroshilov. Mặc dù khả năng kém cỏi của Voroshilov, Stalin đã đưa ông lên đứng đầu Ủy ban Quốc phòng (trong vai trò này, Voroshilov giám sát cả hai Dân uỷ Quốc phòng mới Timoshenko và Dân uỷ Hải quân Nikolai Kuznetsov) cũng như Phó Chủ tịch Sovnarkom phụ trách ngành công nghiệp quân sự. Trái với vóc dáng thấp của Voroshilov và Semyon Budennyi, hai người bạn thân của Stalin từ cuộc nội chiến, Timoshenko, người mà Stalin gọi là muzhik (nghĩa đen là một người đàn ông thực sự), là rất cao lớn. Như Timoshenko thường nói, 'Stalin ... thích những tay cao to’. Sau này, vào năm 1945, Stalin đã buộc con trai mình Vasilii lấy con gái của Timoshenko.

    Các điều khoản ngày 12 tháng 3 năm 1940 trong hiệp ước hòa bình quy định rằng Phần Lan sẽ mất đi một phần lãnh thổ nhỏ nhưng đông dân cư của mình cùng với các mỏ nickel quan trọng, nhưng sẽ được duy trì chủ quyền và độc lập. Sự gây hấn chống lại Phần Lan đã làm Liên Xô bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc.

    Trong số hơn 6.000 tù binh chiến tranh của Liên Xô bị Phần Lan bắt, khoảng 100 người từ chối trở về Liên bang Xô Viết. Những người trở về đã bị sàng lọc trong Trại Yuzhskii của NKVD bởi các điều tra viên NKVD-nhiều khả năng là OO. Ngày 29 tháng 6 năm 1940, Beria trình Stalin một danh sách 232 quân nhân hồi hương, đề xuất rằng Tòa án Quân sự tối cao nên kết án tử hình họ. Trong nhiều trường hợp việc này là không cần thiết, vì 158 người đã bị hành quyết. Có thể những người này là tù binh Liên Xô tình nguyện chiến đấu trong Quân đội nhân dân Nga chống Liên Xô, một lực lượng nhỏ của Boris Bazhanov ở Phần Lan trong Chiến tranh Mùa Đông.

    Việc trừng phạt những sĩ quan chỉ huy bị bắt bởi OO được tiếp tục sau chiến tranh. Trong tháng 7 năm 1940, Beria đã báo cáo với Stalin:

    'Ngày 03 Tháng 3 năm 1940, Kondrashov Grigorii Fyodorovich, chỉ huy Sư Đoàn bộ binh 18... đã bị bắt vì tội phản bội...Cuộc điều tra do Cục Đặc biệt của NKVD tiến hành cho thấy vì những hành động bất cẩn của Kondrashov mà sư đoàn của ông ta bị kẻ thù bao vây... Kondrashov đã rời khỏi đội ngũ và bỏ chạy...

    NKVD xét thấy cần thiết đưa Kondrashov Grigorii Fyodorovich, người đã thừa nhận tội lỗi của mình, ra Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô để xét xử tội trạng của ông ta...

    Tôi đợi chỉ thị của đồng chí.'

    Stalin đã viết trên trang đầu tiên của báo cáo: ‘Ông ta phải bị xét xử nghiêm khắc. St [alin].' Ngày 12 tháng Tám, Tòa án Quân sự Tối cao đã kết án tử hình Kondrashov, và vào ngày 29 tháng Tám, ông đã bị xử tử.

    Các nước vùng Baltic, Bessarabia và Tây Ukraine

    Các nước vùng Baltic là nạn nhân tiếp theo của việc bành trướng của Liên Xô. Trong tháng 6 năm 1940, Hồng quân xâm lược Latvia, Estonia, Lithuania dưới chiêu bài 'Hiệp ước tương trợ lẫn nhau'. Một lần nữa, các lực lượng NKVD đóng một vai trò đặc biệt trong việc chiếm đóng. Ngày 17 tháng sáu năm 1940, trong khi quân đội Liên Xô vẫn còn đang hành quân (tới các nước nói trên-ND), Dân uỷ NKO Timoshenko đã mô tả các bước cần tiến hành:

    1. Bộ đội biên phòng của chúng ta ngay lập tức phải chiếm lĩnh đường biên giới với Đông Phổ và bờ biển Baltic để ngăn chặn các hoạt động gián điệp và gây chệch hướng từ nước láng giềng phía tây của chúng ta.
    2. (Ban đầu), một trung đoàn NKVD phải được đưa đến mỗi nước cộng hòa để giữ trật tự.
    3. Vấn đề về 'chính phủ' của các nước cộng hòa phải được quyết định càng sớm càng tốt.
    4. Việc tước khí giới và giải tán quân đội của các nước cộng hòa phải được bắt đầu. Các tổ chức quân sự, cảnh sát, dân sự cần phải được giải tán.

    Một số chi tiết của cuộc sáp nhập đã được công chúng biết đến 50 năm sau. Vào tháng Giêng năm 1991, theo mệnh lệnh của chính phủ Mikhail Gorbachev, xe tăng Liên Xô đã bắn vào dân thường ở Vilnius, thủ đô của Lithuania. 14 thường dân thiệt mạng và 600 người bị thương. Sau việc này, đầu tiên đài phát thanh chính phủ độc lập Tiếng vọng Moscow (Ekho Moskvy) truyền đi một bài phát biểu của Georgii Fedorov, người đã phục vụ trong quân đội Hồng quân chiếm Lithuania vào năm 1940 và sau này trở thành một nhà sử học nổi tiếng. Fedorov kêu gọi lính xe tăng không tuân theo những mệnh lệnh tội ác từ Moscow thêm nữa. Ông so sánh tình hình với các sự kiện trong năm 1940:

    'Trước khi chúng tôi vượt qua biên giới [năm 1940], sĩ quan chính trị của chúng tôi đã nói với chúng tôi rằng chúng ta sẽ thấy tất cả những nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa ở Lithuania: nông dân nghèo, công nhân bị bóc lột khủng khiếp suy nhược vì đói, và một nhóm nhỏ những người giàu bóc lột người nghèo.

    Thay vào đó, chúng tôi thấy một đất nước trù phú tươi đẹp...

    Những kẻ có quyền lực của chúng ta-tội phạm và bọn vô lại-đã cướp bóc Lithuania ... Những tên đao phủ được gọi là ... 'sĩ quan Dân uỷ Nhân Dân Nội Vụ'... đã hành động rất tàn bạo ... Và chúng ta, những người lính Hồng quân, đã che đậy cái tấn hoan lạc của việc cướp bóc, bạo lực và giết chóc này bằng thuật ngữ một cách cay độc là 'hành động vì ý nguyện của người dân Lithuania.’
    DepTraiDeu thích bài này.
  3. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Năm 1940, Stalin đã cử ba người giám sát đặc biệt, chính thức đại diện toàn quyền cho chính phủ Liên Xô, để giám sát các sự kiện ở vùng Baltic: Nhà tư tưởng của Đảng (Party ideologue) Andrei Zhdanov đến Estonia; cựu công tố viên Liên Xô khét tiếng Andrei Vyshinsky đến Latvia; và người của Beria, Vladimir Dekanozov, đến Lithuania. Sau đó, Merkulov, Abakumov, và Serov đến Lithuania, Estonia, Latvia để tổ chức và giám sát các vụ bắt giữ và trục xuất.

    Irena Baruch Wiley, vợ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ ở Latvia và Estonia (Envoy Extraordinary and Minister Plenipotentiary), đã chứng kiến việc trục xuất: "Các đoàn tàu dài với các cửa sổ che rèm rời ga mỗi đêm đến nước Nga. Tôi đã nghĩ rằng trong sự tàn bạo không kể xiết trong cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào nước Áo, tôi đã chứng kiến nhiều sự khủng khiếp, nhưng có một cái gì đó thậm chí còn ác mộng hơn, đáng sợ hơn là theo dõi một cách mệt mỏi và bất lực, cuộc di cư hàng đêm câm lặng này. Bọn phát xít Đức thực hiện những hành vi tàn bạo ngày và đêm; người Nga thì lén lút hơn, chỉ thực hiện những hành vi đó khi màn đêm buông xuống.’ Những cách thức này, vào năm 1940, là một kiểu mẫu khi tiếp quản một quốc gia, kiểu mẫu này được phát triển và sử dụng thành công, với sự giúp đỡ của SMERSH, ở các nước Đông Âu vào cuối cuộc chiến.

    Ngày 21 Tháng Bảy năm 1940, những chính phủ do Liên Xô kiểm soát đã lên nắm quyền lực ở ba nước cộng hòa. Các quan chức chính phủ các nước Baltic đã bị đưa tới Liên Xô. Một năm sau, sau khi bắt đầu chiến tranh với Đức, các cựu quan chức Latvia và Estonia và vợ của họ đã bị bỏ tù không qua xét xử và bị giam trong xà lim. Họ không bị kết án cho đến năm 1952, khi họ trở thành những tù nhân chính trị bí mật vô danh, bị cách ly nghiêm ngặt trong nhà tù Vladimir bỉ ổi vô nhân đạo, được nhận dạng chỉ bằng những con số.

    Các vụ bắt giữ được tiếp tục trong năm 1941, ngày 16 tháng 5 năm 1941, Merkulov gửi Stalin kế hoạch trục xuất cuối cùng của các nước vùng Baltic cũ. Kế hoạch này quy định việc bắt giữ các thành viên chủ chốt của các tổ chức ‘phản cách mạng'; các thành viên của các tổ chức di dân Nga; tất cả cảnh sát, chủ đất và chủ sở hữu các nhà máy công nghiệp; sĩ quan quân đội; và vv. Những người bị bắt 'phải được giam giữ trong các trại [lao động] từ 5 đến 8 năm và sau khi họ được phóng thích, họ phải được đưa đi lưu đày đến những vùng xa xôi của Liên Xô trong 20 năm. Ngoài ra, các thành viên gia đình của họ cũng sẽ bị trục xuất đến các vùng xa xôi của Liên Xô trong 20 năm. Thật kinh ngạc là trong năm 2009, Viktor Stepakov, nhà sử học có quan hệ với FSB, đã viết: "Tài liệu này ... là một ví dụ của chủ nghĩa nhân văn đích thực [nhấn mạnh]. Trong suốt thời kỳ phức tạp đó, những kẻ thù có thể ... [đơn giản] là bị bắn chết.'

    Nhưng đối với nhiều người, đây là một án tử hình. Ví dụ, trong tháng 6-tháng 9 năm 1942, 9,080 người Lithuania bị trục xuất, cộng với những người Phần Lan và Đức bị lưu đày từ Leningrad, đã bị đưa tới Yakutia (hiện tại là nước Cộng hòa Sakha thuộc Nga), một vùng đất Siberia với khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, làm nghề ‘đánh cá’. Trong số này, chỉ có 48% có thể làm việc và 36% là trẻ em dưới 16 tuổi. Những người bị trục xuất không được cung cấp nhà ở, thực phẩm, tàu thuyền hay ngư cụ, và bị buộc phải sống trong những căn hầm đào xuống mặt đất (dugouts), mỗi căn hầm cho 60 người bị trục xuất ở. Chỉ có 30% trong số họ sống sót. Vào tháng 6 năm 1941, Merkulov đã có thể báo cáo với Ủy ban Trung ương rằng hầu như tất cả giới trí thức của các nước nhỏ này đã bị giam trong các trại lao động Liên Xô, và số người bị bắt và bị trục xuất là khoảng 66,000 người. Tuy nhiên, các nước Baltic hiện nay cho rằng những con số này đã bị ước tính thấp:


    Bị trục xuất
    Quốc gia Tổng dân số Nguồn Nga Nguồn các nước Baltic

    Lithuania 2.879.000 28.533 35.000

    Latvia 1.951.000 24.407 35.000

    Estonia 1.133.000 12.819 15.000


    Đồng thời, những cuộc thanh trừng hàng loạt đã được thực hiện tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng khác của Hồng quân. Tháng Năm 1941 chứng kiến sự trục xuất khoảng 12.000 thành viên gia đình của những người 'phản cách mạng và người theo chủ nghĩa dân tộc' từ Tây Ukraine, trước đây là một phần của Balan. Cuộc thanh trừng cũng diễn ra ở Bessarabia, trước đây là một phần của Romania, nay đổi tên thành Cộng hòa Xô viết Moldavia. Cũng có những vụ trục xuất từ một số khu vực khác của Romania và Belorussia. Nhìn chung, số lượng những người bị trục xuất trong thời gian 1940-1941 là khoảng 380,000-390,000, và trong số họ, 309,000-325,000 là cựu công dân Ba Lan.

    Liên Xô có một thái độ khác nhau đối với cộng đồng dân Đức trong những nước này. Hiệp định Xô-Đức đặc biệt cho phép cộng đồng dân Đức di chuyển từ các nước vùng Baltic sang Đức, trong khi cộng đồng dân Lithuania, Nga, và Belorussia sống trên lãnh thổ Ba Lan hiện nay bị Đức chiếm đóng buộc phải di chuyển đến vùng Lithuania do Liên Xô chiếm đóng. Liên Xô thậm chí đã trả một khoản tiền đáng kể cho người Baltic gốc Đức cho các tài sản bị tổn thất.

    Ngày 26 tháng 6 năm 1940, trong chiến dịch Baltic, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao giới thiệu một quy định làm việc mới, rõ ràng là có liên quan với việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn. Nghị định của Đoàn Chủ tịch quy định một tuần làm việc 7 ngày và một ngày làm việc 8 giờ thay vì 7 giờ. Từ bây giờ bỏ việc mà không có sự cho phép của cấp quản lý hoặc đi làm muộn 20 phút sẽ bị phạt tù từ 2 đến 6 tháng. Điều này có nghĩa rằng mọi người bị gắn chặt vào nơi làm việc cụ thể và không thể thay đổi công việc. Ngày 26 Tháng 12 năm 1942, một nghị định bổ sung tăng hình phạt lên 2-5 năm. Trước chiến tranh, 2.664.472 người phạm tội đã bị kết án theo nghị định 26 tháng 6, và trong thời gian chiến tranh, con số này là 7,747,405 người.

    Trong 1941-1942, có thêm năm nghị định đưa ra những quy định hạn chế bổ sung. Số lượng người vi phạm quy định làm việc trong chiến tranh lên đến 8.550.799 người; trong số này, 2.080.189 người bị đưa đi làm việc có thời hạn trong các trại lao động, những người bị kết án loại này chiếm số lượng lớn trong số tù nhân. Có lẽ, cảm giác về thân phận nô lệ đã tác động đến tinh thần chiến đấu thấp của những người lính chỉ mới được lùa vào quân ngũ trong thời kỳ đầu thảm hoạ của cuộc chiến tranh với Đức. Nghị định ngày 26 tháng sáu chỉ bị bãi bỏ vào năm 1956, ba năm sau cái chết của Stalin; một cách tổng quát, trong thời kỳ 1940-1956, có 14.845.144 người đã bị kết án theo Nghị định đó.
    DepTraiDeu thích bài này.
  4. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ba cơ quan an ninh

    Sau quá trình mở rộng (lãnh thổ-ND), Stalin đã cố gắng duy trì một mối quan hệ tốt với Hitler. Trong tháng 11 năm 1940, Molotov, Merkulov, và Dekanozov đã đến Berlin để đàm phán về các vấn đề kinh tế và chính trị với chính quyền Quốc xã. Không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, nhưng Dekanozov ở lại Berlin trong cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô và Amayak anh trai của Bogdan Kobulov, người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo, trở thành chỉ huy NKVD thường trú (người đứng đầu một mạng lưới gián điệp) trong sứ quán Liên Xô. Những việc bổ nhiệm này cho phép Beria và NKVD rất nhiều quyền kiểm soát các viên chức ngoại giao, đặc biệt là những người đang thường trú tại Berlin.

    Với khối lượng công việc mới phát sinh do sự mở rộng các vùng lãnh thổ phía tây, rõ ràng là cơ cấu NKVD quá cồng kềnh cứng nhắc để hoạt động hiệu quả. Vào tháng Giêng năm 1941, Beria đề nghị tách các chức năng tình báo và phản gián khỏi các cơ quan chống khủng bố nội địa kém hấp dẫn hơn bằng cách loại bỏ GUGB khỏi NKVD và biến nó thành Dân uỷ An ninh Quốc gia, hoặc NKGB. NKGB sẽ bao gồm ba Cục quan trọng: tình báo Đối ngoại, phản gián nội địa, và Cục chính trị mật. Từ thời điểm này trở đi, trong khi gần như tất cả các việc tái tổ chức tiếp theo diễn ra trong những cơ quan an ninh Liên Xô, tình báo Đối ngoại được gọi là Cục 1, và phản gián nội địa là Cục 2.

    Chỉ huy GUGB Merkulov trở thành người đứng đầu cơ quan NKGB mới, với Beria vẫn là lãnh đạo NKVD bây giờ có quy mô nhỏ hơn, với chức năng chính là quản lý vô số các trại lao động và nhà tù của Liên Xô với dân số 2.417.000 tù nhân và thêm vào một số lượng 1.500.000 người trong các trại lao động và khu đặc biệt, bao gồm cả những người được đưa tới từ các nước vùng Baltic và các vùng lãnh thổ chiếm đóng khác. Mặc dù không phải là lãnh đạo trực tiếp của NKGB, Beria vẫn kiểm soát nó thông qua Merkulov. Ngày 30 tháng một năm 1941, với việc Beria được thăng chức Nguyên soái An ninh Quốc gia (State Security General Commissar), tin đồn lan truyền rằng ông cuối cùng sẽ kế vị Stalin.

    OO, Cục 4 của GUGB, đã không được đưa vào cơ quan NKGB mới, nhưng thay vì vậy, nó được chia thành ba bộ phận. Một bộ phận, vốn phụ trách công tác phản gián quân sự trong lực lượng Bộ đội biên phòng và các lực lượng vũ trang NKVD khác, vẫn ở trong NKVD và trở thành Cục 3. Trong sự liên hệ đầu tiên của mình với phản gián quân đội, vào ngày 25 tháng 2 năm 1941, Abakumov đã trở thành Phó Dân ủy NKVD phụ trách giám sát nó và một số phòng ban khác. Bộ phận thứ hai và quan trọng nhất được chuyển sang Dân uỷ Quốc phòng (NKO), trở thành Cục 3. Bây giờ mỗi quân khu (gọi là phương diện quân trong thời kỳ chiến tranh), tập đoàn quân, quân đoàn, và sư đoàn đã có Phòng 3 mà người chỉ huy cùng báo cáo cho cấp trên của Phòng 3 và chỉ huy đơn vị quân đội của mình. Bộ phận thứ ba của OO trở thành Cục 3 của Dân uỷ Hải quân (NKVMF).

    Nhưng mặc dù hai bộ phận của phản gián quân đội đã được chính thức chuyển giao cho NKO và NKMF, Beria vẫn kiểm soát tất cả các cơ quan an ninh. Các nhân viên của các Cục 3 mới vẫn ở trên tầng sáu của tòa nhà Lubyanka NKVD, và một Hội đồng Trung ương đặc biệt bao gồm các Dân ủy NKGB và NKVD, cùng với những lãnh đạo hai Cục 3 (NKO và NKMF – ND) và Cục 3 NKVD, phối hợp tất cả các hoạt động phản gián quân đội. Ngoài ra, chức vụ chỉ huy Phó mới được thành lập trong các Cục 3 và các phòng ban trực thuộc, đã được Merkulov đưa nhân viên của mình nắm giữ. Cuối cùng, NKGB có quyền chuyển bất kỳ vụ việc điều tra nào do các Cục 3 tiến hành sang cho đơn vị điều tra riêng của nó. Ngoài ra, NKVD duy trì một kho lưu trữ trung tâm mà thông qua đó nó có thể lưu giữ các hồ sơ chi tiết về bất cứ điều gì xảy ra trong các cơ quan an ninh khác.

    Cơ cấu tổ chức ba cơ quan an ninh-Cục 3 NKO, NKGB và NKVD-từ tháng Hai đến tháng 7 năm 1941 là khá tương tự như những gì Stalin đã thiết lập vào tháng Tư năm 1943, khi Liên Xô bắt đầu chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Trong thực tế, cấu trúc ba thành phần này có ý nghĩa chỉ khi Hồng quân chuyển sang tấn công. Phản gián quân đội di chuyển cùng với các đơn vị tiền tuyến và thực hiện các vụ bắt giữ đầu tiên những kẻ thù chống Liên Xô thực sự và tiềm năng trong các vùng lãnh thổ mới. Sau đó, NKGB tiếp tục công việc này ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, trong khi NKVD chủ yếu phụ trách trị an và giam giữ những kẻ thù và tù binh chiến tranh bị bắt. Có lẽ nhất, sự thay đổi trong năm 1941 là một phần của công việc chuẩn bị chung của Stalin để đưa quân đội Xô Viết tiến về phía tây vượt ra ngoài những vùng lãnh thổ mới chiếm được.

    Trên bờ vực chiến tranh

    Rõ ràng, với việc thâu tóm các vùng lãnh thổ mới và điều chỉnh cơ cấu các cơ quan an ninh nhằm cai trị tốt hơn một đất nước đang bành trướng lãnh thổ, Stalin đã không nghĩ rằng cuộc chiến tranh với Đức sẽ đến sớm. Ông bắt đầu một làn sóng mới những cuộc thanh trừng chống lại quân đội, đặc biệt là những sĩ quan gần đây đã chiến đấu ở Tây Ban Nha và cho thấy sự độc lập của họ thoát khỏi Moscow trong các quyết định chuyên môn của mình. Đồng thời, Stalin đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tấn công trong tương lai bằng cách biến mình trở thành người đứng đầu chính phủ (Chủ tịch Hội đồng Dân ủy), điều sẽ cho phép ông ta tuyên bố và chỉ đạo tiến hành một cuộc chiến tranh nếu cần thiết.

    Những cuộc thanh trừng hàng loạt mới

    Chỉ hai tháng trước chiến tranh, Cục 3 NKO bắt đầu phát hiện ra một 'âm mưu' mới trong quân đội, lần này là trong lực lượng không quân và ngành công nghiệp vũ khí. Cuộc điều tra đã được kích hoạt bởi một sự kiện bất thường. Ngày 09 tháng 4 năm 1941, Pavel Rychagov ba mươi tuổi, Cục trưởng Cục Không quân và là một Phó Dân uỷ Quốc phòng, đã dám đối đầu với Stalin tại một cuộc họp của Bộ Chính trị. Rychagov, một phi công ace đã chiến đấu ở cả Tây Ban Nha và Trung Quốc, đã quẫn trí do một loạt các vụ tai nạn máy bay gây ra bởi các vấn đề về máy móc. Tại cuộc họp, ông thốt lên: ‘Tỉ lệ tai nạn là cao và sẽ tiếp tục như vậy bởi vì ông đã buộc chúng tôi bay trong những chiếc quan tài’. Sau một lúc, nhà độc tài đã trả lời: ‘Anh không nên nói câu đó’. Rychagov bị sa thải ngay lập tức, nhưng, theo đúng nghi thức thông thường, không bị bắt giữ ngay lập tức.

    Vụ bắt giữ 'những kẻ âm mưu' đầu tiên diễn ra hai ngày sau đó, và nhiều vụ bắt giữ khác vẫn tiếp tục cho đến khi cuộc chiến tranh với Đức bắt đầu. (Phụ lục I, xem http://www.smershbook.com). Là người đứng đầu cơ quan phản gián quân đội, Mikheev chịu trách nhiệm về các vụ bắt giữ. Trong số mười sáu tướng lãnh và sĩ quan hàng đầu của lực lượng không quân bị bắt vào giữa tháng Tư và tháng Sáu 1941 có Aleksandr Loktionov, chỉ huy mới đây của các lực lượng quân đội Liên Xô chiếm đóng thành công các nước vùng Baltic. Yakov Smushkevich, Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách Không quân, đã được trao Ngôi sao vàng Anh hùng Liên xô hai lần vì đã phục vụ ở Tây Ban Nha (nơi mà bí danh của ông là 'Tướng Douglas') và sau đó vì đã chỉ huy một đơn vị không quân trong một xung đột quân sự ngắn với quân đội Nhật Bản vào năm 1939 gần sông Khalka- bị bắt tại một bệnh viện quân đội sau một ca phẫu thuật nghiêm trọng và bị mang đến nhà tù Lubyanka trên cáng. Bởi vì hầu như tất cả những người bị bắt là đều là Anh hùng trong Nội chiến Tây Ban Nha, cái tên của vụ án này là 'Âm mưu của những Anh hùng’.
    DepTraiDeu thích bài này.
  5. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Rychagov cuối cùng đã bị bắt vào ngày 24 tháng sáu năm 1941, hai ngày sau khi Đức Quốc xã bắt đầu tấn công. Bị bắt trong cùng một ngày là vợ ông, Maria Nesterenko, một nữ phi công huyền thoại và là phó tư lệnh một quân đoàn không quân đặc biệt, và sau đó, thêm năm chỉ huy nữa. Những vụ bắt bớ được tiếp tục trong tháng Bảy năm 1941.

    Sau khi bị tra tấn đánh đập nặng nề, gần như tất cả những người bị bắt 'đã thú nhận' có âm mưu. Những người duy nhất không ký vào biên bản nhận tội là Loktionov và Nesterenko. Nhà báo điều tra Arkadii Vaksberg, người đã truy cập vào các hồ sơ điều tra, sau này đã viết: "Tôi không đủ sức để mô tả các kiểu tra tấn mà các điều tra viên đã sử dụng cho người phụ nữ phi thường này [Nesterenko].

    Như thường lệ, Stalin đích thân giám sát việc điều tra và đọc các biên bản thẩm vấn. Sự vô nghĩa của việc bắt giữ các sĩ quan không quân có kinh nghiệm tại thời điểm này đã nhấn mạnh nỗi sợ hãi cùng cực của Stalin trước bất kỳ sự thách thức nào của quân đội đối với quyền lực của mình. Cuộc điều tra chỉ bị gián đoạn bởi đòn tiến công nhanh chóng của quân Đức về phía Moscow.

    Ngay trước chiến tranh

    Ngày 04 tháng năm 1941, Bộ Chính trị bổ nhiệm Stalin làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (Sovnarkom hoặc SNK), đưa Molotov xuống làm phó cho Stalin. Trước đó, Stalin chỉ là một Bí thư Đảng-không phải là một chức vụ chính thức của chính phủ. Là Chủ tịch Sovnarkom, Stalin đã sáp nhập công việc của Sovnarkom với công việc của Bộ Chính trị. Ông đã thành lập Văn phòng Sovnarkom trong đó ông bao gồm tất cả các thành viên Bộ Chính trị (trừ Kalinin), và Văn phòng thực hiện tất cả các quyết định quan trọng liên quan đến ngành công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế. Từ thời điểm này trở đi, các cuộc họp Bộ Chính trị tại văn phòng của Stalin bắt đầu bằng các cuộc họp Văn phòng Sovnarkom và sau đó tiếp tục các cuộc họp của Bộ Chính trị. Nikolai Voznesensky trở thành phó của Stalin phụ trách các vấn đề của Sovnarkom, và Georgii Malenkov phụ trách các vấn đề của Đảng. Tuy nhiên, Stalin đã quyết định tất cả. Yakov Chadaev, Bí thư Sovnarkom, người đã viết các biên bản cuộc họp Văn phòng Sovnarkom, nhớ lại trong hồi ký của mình: ‘Các đồng chí thân cận của Stalin đã có một thái độ tôn kính tuyệt vời đối với ông và chưa bao giờ chống lại ông’.

    Bây giờ là người đứng đầu chính phủ, Stalin có thể dẫn dắt cuộc chiến, nếu cần thiết. 1 ngày sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Sovnarkom, Stalin gián tiếp đề cập đến một kế hoạch ‘chiến đấu cho đất nước chúng ta trên lãnh thổ nước ngoài’ tại một bữa tiệc chiêu đãi ở điện Kremlin sau buổi lễ tốt nghiệp của các sinh viên Học viện Quân sự. Ông đề nghị nâng cốc: "Chỉ có một cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, và chiến thắng cuộc chiến đó, mới có thể cứu nước ta. Tôi muốn uống vì chiến tranh, vì những nỗ lực tấn công trong cuộc chiến đó, và vì chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến ấy!’.

    Nhưng Hitler đã phá hỏng mọi kế hoạch của Stalin. Vào sáng sớm ngày 22 Tháng Sáu năm 1941, quân đội Đức xâm lược Liên Xô, và Cuộc chiến tranh vệ quốc Vĩ đại hoặc Thế chiến II như được biết đến ở Nga, đã bắt đầu. Người Đức tuyên bố đây là một biện pháp phòng ngừa: "Do các mối đe dọa to lớn đối với khu vực biên giới phía đông của nước Đức, được tạo ra bởi sự tập trung lớn và chuẩn bị của tất cả các binh chủng Hồng quân, chính phủ Đức đã bị buộc phải đưa ra biện pháp quân sự đối phó ngay lập tức’. Mặc dù Hitler đã lên kế hoạch xâm lược Liên Xô trong một thời gian, những nỗi sợ hãi của ông trước một quân đội Liên Xô đang được xây dựng chẳng phải là vô căn cứ. Tại thời điểm tấn công của Đức, Hồng quân có 5.400.000 quân nhân và Liên Xô rõ ràng phải là vượt trội về nhân lực và vũ khí.

    Ngay sau khi tấn công, 550 triệu bản sao của bản đồ chi tiết Liên Xô được cất giữ trong các kho quân sự đã trở thành chiến lợi phẩm của Đức. Thú vị là, những tấm bản đồ này chỉ cho thấy khu vực có biên giới tiếp giáp với những thành phố Petrozavodsk-Vitebsk-Kiev-Odessa về phía Đông, và Berlin-Prague- Vienna-Budapest-Bucharest về phía Tây. Theo kế hoạch từ trước chiến tranh của Stalin, Những vùng này sẽ là những khu vực của cuộc chiến tranh trong tương lai, về phía tây của lãnh thổ Liên Xô. Bản đồ quân sự của Liên Xô với những vùng về phía đông lằn ranh Petrozavodsk-Vitebsk-Kiev-Odessa đã không được sản xuất trước chiến tranh, và một vài ngày sau khi Đức tấn công, các chỉ huy Xô Viết thấy họ đang ở trong những khu vực mà họ không hề có một tấm bản đồ nào. Chỉ vào đầu năm 1942, sau khi nỗ lực vượt bậc, quân đội Liên Xô mới bắt đầu nhận được những tấm bản đồ mới in.

    Những chuẩn bị trong ngày 21 tháng 6 năm 1941

    Một ngày trước cuộc xâm lược của Đức, Stalin vẫn phủ nhận khả năng của một cuộc tấn công. Ngày 21 tháng sáu năm 1941, tùy viên quân sự của Liên Xô tại Pháp, Thiếu tướng Ivan Susloparov, đã báo cáo rằng Đức sẽ tấn công ngày hôm sau. Stalin đã trả lời: ‘Thông tin này là một hành động khiêu khích của người Anh. Tìm hiểu ai là tác giả, và trừng phạt anh ta’. May mắn cho Susloparov, như ông đã dự đoán, chiến tranh bắt đầu vào ngày hôm sau.

    Vào buổi tối ngày 21 tháng sáu, Stalin đã không còn có thể che giấu sự thật. Tùy viên hải quân Xô Viết tại Đức, Mikhail Vorontsov, người vừa trở về từ Berlin, đã được triệu tập đến cuộc họp của Bộ Chính trị lúc 07:05 tối. Theo Dân Uỷ Hải quân Nikolai Kuznetsov, Vorontsov đã dành 50 phút để mô tả cuộc tấn công sắp xảy ra của Đức. Rõ ràng là, sau báo cáo của ông, Stalin và Bộ Chính trị cuối cùng đã nhận ra là đất nước đang ở trên bờ vực của một thảm họa quân sự.

    Bộ Chính trị ngay lập tức ra lệnh tổ chức hai Phương diện quân mới, phía Nam và phía Bắc. Việc sử dụng từ ‘phương diện quân’ trong quyết định của Bộ Chính trị, như trong thời chiến, thay vì 'quân khu’, như nó nên được sử dụng trong thời bình, có nghĩa là Bộ Chính trị đã hiểu rằng cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi. Georgii Zhukov, người thay thế Shaposhnikov làm Tổng Tham mưu trưởng, được chỉ định làm tư lệnh của cả hai phương diện quân Tây Nam và phương diện quân Nam, trong khi phó Dân uỷ quốc phòng Kirill Meretskov làm tư lệnh phương diện quân Bắc. Sau đó, Timoshenko, Dân ủy NKO, và Zhukov đã gửi một chỉ thị cho các quân khu Leningrad, Baltic, Tây, Kiev và Odessa chuyển sang tình trạng báo động trước một cuộc tấn công của Đức.
    convitbuoc, DepTraiDeu, danngoc1 người khác thích bài này.
  6. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ngoài ra, Bộ Chính trị phục chức cho Lev Mekhlis làm người đứng đầu Tổng cục Chính trị Hồng quân, GlavPURKKA. GlavPURKKA là một Cục trong Ủy ban Trung ương Đảng chịu trách nhiệm về tư tưởng và đạo đức trong các lực lượng vũ trang, trong khi Mekhlis là một trong những người trung thành nhất của Stalin, đã từng là trợ lý riêng của ông từ năm 1924 đến 1930. Sau đó, trong những cuộc thanh trừng 1937-1938, Mekhlis giám sát Hồng quân thông qua mạng lưới các chính ủy của GlavPURKKA. Người tiền nhiệm của ông tại cương vị này, Yan Gamarnik, đã tự sát vào năm 1937 trong khi chờ đợi bị bắt. Mặc dù sự tận tâm của Mekhlis, Stalin rất thích chơi đùa với ông ta và Mekhlis đã nói với bạn bè của ông rằng: "Ông ấy là một người tàn nhẫn. Một lần tôi đã nói thẳng với ông ấy: ‘Tôi chưa bao giờ nghe một lời tốt đẹp từ ông’. Trong cuộc khủng hoảng mới này, Stalin lại quay sang Mekhlis một lần nữa.

    CHƯƠNG 7
    Những con dê tế thần: Săn lùng các tướng lãnh


    Cuộc tấn công của Đức vào ngày 22 Tháng 6 năm 1941 đã gây ra sự hỗn loạn hoàn toàn trong quân đội Hồng quân ở biên giới Xô-Đức. Hồng quân đã cho thấy họ chưa sẵn sàng để phòng thủ. Ngay sau đó Stalin đã ra lệnh rằng một số tướng phải được coi là những kẻ phản bội, biến họ thành 'những con dê tế thần’ cho thất bại.

    Chiến tranh bắt đầu
    Cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 21 tháng sáu năm 1941 kết thúc vào lúc 11:00 tối. Ngay cả khi tất cả các công việc chuẩn bị đã được thực hiện, Stalin vẫn không sẵn sàng về mặt tâm lý đối với cuộc tấn công của Đức. Bốn giờ và 30 phút sau đó, vào lúc 03:25 sáng, Zhukov đánh thức Stalin dậy bằng một cú điện thoại và thông báo cho ông về cuộc xâm lược của Đức. Như Zhukov đã nhớ lại vào năm 1956, 'Stalin thở nặng nhọc trong ống nghe, trong vài phút, ông không nói được một lời nào. Đối với những câu hỏi lặp đi lặp lại của chúng tôi [Zhukov và Timoshenko], ông trả lời: ‘Đây là một sự khiêu khích của quân đội Đức. Đừng bắn trả để tránh cho họ một cơ hội gia tăng cường độ hoạt động.’... Ông không cho phép bắn trả cho đến lúc 6:30 sáng.' Thú vị là, đoạn này đã biến mất trong cuốn hồi ký được trau chuốt và gọt giũa của Zhukov được xuất bản sau đó.

    Ba cụm Tập đoàn quân Đức đã xâm lược Liên Xô. Cụm Tập đoàn quân Bắc tấn công xuyên qua vùng Baltic hướng tới Leningrad, cụm Tập đoàn quân Trung tâm tiến công vào Moscow, và cụm Tập đoàn quân Nam đánh vào Ukraine nhắm tới Kiev. Những khó khăn của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh mùa Đông đã làm Hitler tin rằng Liên Xô có thể bị chinh phục một cách nhanh chóng, và lúc đầu dường như điều này là đúng. Quân xâm lược Đức đã nhanh chóng tiến về phía trước, gây ra sự sợ hãi và hỗn loạn hoàn toàn trong lực lượng quân đội Xô Viết.

    Cuộc tấn công của Đức và các thảm họa quân sự của Liên Xô sau đó đã gây sốc nặng cho dân chúng Liên Xô. Hầu như tất cả công dân Liên Xô đều đã xem bộ phim tuyên truyền Nếu Chiến tranh Bắt đầu Ngày mai, được quay trong năm 1938 tại các cuộc diễu binh và huấn luyện quân sự. Trong phim, Hồng quân đã tiêu diệt một đạo quân tấn công họ trước, trong bốn tiếng đồng hồ trên đất của kẻ thù bằng cách sử dụng tất cả các loại vũ khí, bao gồm khí độc, và cuộc chiến tranh gây ra một cuộc nổi dậy của giai cấp vô sản ở hậu phương địch. Lời của một bài hát rất nổi tiếng từ bộ phim-'chúng ta sẽ tiêu diệt kẻ thù trên đất của kẻ thù/chịu tổn thất ít, sử dụng đòn tấn công mạnh mẽ’ đã bày tỏ những quan điểm phổ biến của Liên Xô rằng họ sẽ giành chiến thắng một cách nhanh chóng và tương đối ít tổn thất trước người Đức. Stalin là một fan hâm mộ lớn của bộ phim này, ông xem nó trong và sau Thế chiến II, thậm chí mời khách nước ngoài tham gia xem phim cùng ông trong phòng chiếu phim.

    Vào ngày 29 tháng 6, Stalin đã đến thăm Bộ Tổng tham mưu hai lần. Beria, Anastas Mikoyan, và Georgii Malenkov đi cùng với ông. Những lần viếng thăm này đã gây ra một sự bất ngờ khó chịu cho Georgii Zhukov, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu, và Timoshenko, Dân ủy Quốc phòng. Sau khi nghe báo cáo của Zhukov, Stalin mắng ông: "Cái kiểu Bộ Tổng tham mưu gì thế này? Làm thế nào mà người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu lại mất hết tự chủ trong ngày đầu tiên của chiến tranh, không liên lạc được với quân đội, Không đại diện cho bất cứ ai, và không chỉ huy ai cả?’. Stalin trải qua ngày hôm sau tại ngôi nhà nghỉ nông thôn (Dacha) của ông trong trạng thái nói chung được cho là vô cùng thất vọng.

    Vào ngày 29 tháng 6, GKO, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước được thành lập để phối hợp các hoạt động thời chiến của Liên Xô. Nó chỉ bao gồm năm người: Stalin (Chủ tịch), Molotov (Phó Chủ tịch), Voroshilov, Malenkov, và Beria. Nhóm này, với tất cả ý định và mục đích, đã thay thế Bộ Chính trị trong Thế chiến II và đưa ra tất cả các quyết định quan trọng liên quan đến quốc phòng. Mỗi thành viên GKO phụ trách một nhóm đặc biệt các ngành công nghiệp, hoặc trang thiết bị hậu cần quân sự.

    Ngoài ra, Stavka (Tổng hành dinh tối cao các lực lượng vũ trang LIên Xô) được thành lập để phối hợp các kế hoạch quân sự của Hồng quân, Dân uỷ Hải quân, lính biên phòng và các lực lượng vũ trang khác của NKVD, và các phong trào du kích. Nó được lãnh đạo bởi Dân ủy NKO Timoshenko, sau này là Stalin, và bao gồm Tổng Tham mưu Trưởng Zhukov, Molotov, nguyên soái Voroshilov và Budennyi, và Dân uỷ Hải quân Kuznetsov; cũng có một ban cố vấn. Về mặt chính thức, tất cả các chiến dịch quân sự do Bộ Tổng Tham mưu đưa ra được phê duyệt bởi Stavka. Tuy nhiên, cho đến giữa năm 1942, Stalin trên thực tế đã tự mình quyết định tất cả những vấn đề về quân sự.

    Ngày 03 tháng bảy, Stalin mở đầu bài diễn văn đọc trên radio truyền đi cả nước với câu: ‘Các đồng chí! Công dân! Các Anh chị Em'. Đây là lần đầu tiên ông sử dụng cụm từ ‘anh chị em’. Như một người chứng kiến thời điểm đó đã viết, Stalin ‘dường như bị ốm bởi vì ông phát âm không rõ và thường xuyên uống nước. Thật đáng sợ khi thấy bàn tay ông run rẩy và tiếng bình pha lê va vào thuỷ tinh'.

    Ngay lập tức sau khi Đức tấn công, luật thời chiến được ban bố trong cả nước. Tòa án quân sự không chỉ phụ trách xét xử các vụ án quân sự mà còn các vụ án dân sự nếu họ liên quan đến các mối đe dọa về quốc phòng của Liên Xô hoặc an ninh quốc gia. Các vụ án bị truy tố trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi thủ phạm bị buộc tội. Ban đầu, tòa án phải được Moscow phê duyệt đối với mọi bản án tử hình, nhưng từ ngày 27 tháng 6 năm 1941, quy trình này đã bị bãi bỏ. Đến tháng chín năm 1941, các chỉ huy và chính ủy các sư đoàn cũng được trao quyền kết án tử hình. Việc hành quyết được tiến hành ngay lập tức.
    DepTraiDeu thích bài này.
  7. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Các cơ quan an ninh nhanh chóng phản ứng với sự tấn công của Đức. Vào ngày 28 tháng 6, Abakumov, Merkulov, và Bochkov, đại diện các cơ quan NKVD, NKGB, và Văn phòng Trưởng Công tố, đã ký một mệnh lệnh chung đóng dấu tuyệt mật giao cho NKGB (các vụ án dân sự) và hai Cục phản gián quân đội, và Phòng 3 NKVD (các vụ án quân sự) phụ trách điều tra những kẻ phản bội (Điều 58-1), những ai chạy qua phía Đức và thường dân vượt biên với hy vọng thoát khỏi Liên Xô. Ba cơ quan phản gián quân đội cũng chịu trách nhiệm trong việc bắt giữ và điều tra các thành viên gia đình của những kẻ phản bội này (chsiry) theo Điều 19-58-1a (có ý định phản quốc). Các vụ án được xét xử bởi tòa án quân sự hoặc OSO.

    Boris Yefimov, một nhà biếm họa chính trị cho báo Pravda và Izvestia, nhớ lại thời điểm mùa hè năm 1941 trong cuốn hồi ký của ông: ‘Tất nhiên, Stalin không nghĩ rằng tình hình xấu đi một cách nhanh chóng tại các mặt trận là kết quả của những sai lầm của riêng ông. Cái trí tuệ không thể sai lầm của ông ta và quan điểm của ông là rất rõ ràng. Chỉ có những người khác mới phạm sai lầm.’ Và cuộc săn lùng những con dê tế thần bắt đầu.

    Vụ án Meretskov
    Ngày 24 tháng 6 năm 1941, chỉ hai ngày sau khi Đức tấn công, Cục 3 NKO đã bắt giữ Phó Dân ủy Quốc phòng Tướng Kirill Afanasyevich Meretskov. Vụ bắt giữ này có vẻ đặc biệt lạ lùng vì Meretskov vừa mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phương diện quân Bắc và Cố vấn quân sự cho Stavka chỉ ba ngày trước đó, nhưng nó sẽ hợp lý hơn nếu ta xem xét một câu chuyện do Vasilii Novobranets, lúc còn là một nhân viên của Razvedupr hoặc RU (Cục Tình báo) Bộ Tổng tham mưu, kể lại. Theo Novobranets, trong tháng 1 năm 1941, Meretskov ‘bị giáng chức làm Phó Dân ủy NKO sau khi nói với Stalin rằng Đức đã chuẩn bị chiến tranh và Liên Xô nên khẩn trương bắt đầu chuẩn bị phòng thủ.’ Nếu điều này là đúng, việc bắt giữ là sự trả thù của Stalin vì dự đoán chính xác của Meretskov.

    Meretskov bị buộc tội là thành viên của những kẻ âm mưu trong lực lượng Không quân của Rychagov, có lẽ vì ông cũng từng chiến đấu trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha dưới bí danh 'Petrovich Tình nguyện’. Lev Schwartzman, chỉ huy Phó đơn vị Điều tra NKGB, đã làm chứng vào năm 1955, rằng các điều tra viên 'đã đánh [Meretskov] bằng dùi cui cao su. Trước khi Meretskov bị bắt, lời khai đã được thu thập từ bốn mươi nhân chứng xác nhận việc ông tham gia vào một âm mưu quân sự ... tôi đã nhận lệnh từ cấp cao nhất, và người ta không thể kháng lại các lệnh như thế'. Rõ ràng ngay cả khi Stalin đã chết, Schwartzman vẫn sợ không dám nói ra tên ông ta, người đã ra lệnh tra tấn.

    Một cựu điều tra viên khác bổ sung thêm rằng Meretskov ‘đã thú nhận' là 'đã tham gia vào một nhóm gián điệp và chuẩn bị một cuộc đảo chính chống lại Stalin.’ Như một điều tra viên khác nhớ lại, Thượng tướng Aleksandr Loktionov, bị bắt giữ ngay trước chiến tranh, đã bị đánh đập không thương tiếc trước mặt Meretskov, nhưng đã từ chối hợp tác: 'người Loktionov bị ... dính đầy máu, và Meretskov không dám nhìn ông bởi vì ông đã làm chứng chống lại [Loktionov]. Loktionov ... gào thét trong đau đớn, lăn lộn trên sàn nhà, nhưng từ chối ký [bản thú nhận]'. Merkulov cũng tham gia cuộc đánh đập, điều ngạc nhiên là, ông ta đã không coi đó là tra tấn: ‘Trong những cuộc thẩm vấn, có hoặc không có sự tham gia của tôi, các thẩm vấn viên đã đấm vào mặt Meretskov và [Boris] Vannikov [Dân uỷ phụ trách Vũ khí, bị bắt ngày 07 tháng 6 năm 1941] và đánh vào lưng và mông của họ bằng dùi cui cao su, nhưng những việc đánh đập này không biến thành sự tra tấn. Tôi cũng đánh đập Meretskov và Vannikov cũng như những người bị bắt khác, nhưng không tra tấn họ’.

    Vào tháng Chín năm 1941, Stalin đột nhiên ra lệnh thả Meretskov, Vannikov, hai người Phó của ông, và một số cấp dưới bị bắt trước chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều người bị bắt khác có liên quan đến vụ án Rychagov và Vannikov đã sớm bị xử tử (Phụ lục I, xem http://www.smershbook.com). Trong nhà tù Lefortovo, Meretskov được đưa cho một bộ quân phục mới và được đưa ngay lập tức đến văn phòng của Stalin trong điện Kremlin, nơi Stalin đã hỏi thăm sức khỏe của ông một cách cay độc (sau ba tháng bị tra tấn!). Sau đó, ông ra lệnh cho Meretskov đến Tập đoàn quân Độc lập số 7, vị trí chỉ huy mới của ông.

    Stalin đã xin lỗi Vannikov như sau: 'Chúng tôi đã sai lầm ... Một số tên vô lại đã vu khống anh'. Vannikov, được bổ nhiệm làm Phó Dân ủy phụ trách Vũ khí và sau đó là Dân ủy phụ trách Đạn dược (Munitions Commissar), ông là một tay quản lý tàn nhẫn thích kể với cấp dưới của ông ta như sau: ‘Một lần khi tôi đang là Dân ủy phụ trách Đạn dược, người kỹ sư trưởng của tôi đã thay đổi một quyết định [mang tính kỹ thuật] của riêng ông ta sang một quyết định có tính kinh tế hơn. Tôi đã ra lệnh bắn ông ta’. Và sau đó để minh họa cho câu chuyện đó, ông lấy ra một khẩu súng lục từ trong túi và đặt nó phía trước mặt ông ta.

    Trong giới thân cận của Stalin, Vannikov được coi là ‘nhà tổ chức tuyệt vời trong ngành vũ khí, một người bạn tốt, một người đàn ông dễ mến và dễ chịu', cũng như một tay hay nói đùa tinh nghịch. Ngay cả khi Vannikov nghĩ rằng cái câu chuyện lừa bịp với khẩu súng lục chỉ là một trò đùa, các cấp dưới của ông đã rất sợ hãi.

    Tướng Dmitrii Pavlov
    Đại tướng Dmitry Pavlov đã không may khi chỉ huy Phương diện quân Tây trong khi Meretskov đang ở trong tù. Ngày 04 Tháng 7 1941, Pavlov đã bị nhóm đặc biệt của NKVD bắt giữ và đưa về Moscow. Hai ngày sau Lev Mekhlis, Uỷ viên Hội đồng quân sự Phương diện quân của Pavlov do Bộ Chính trị bổ nhiệm và, trên thực tế, là đại diện của Stalin, đã đánh điện cho Stalin đề nghị rằng sáu thuộc cấp thân cận nhất của Pavlov, tất cả đều là tướng, nên bị bắt. Stalin đã đồng ý. Mekhlis cũng báo cáo rằng thêm một số chỉ huy cấp thấp cũng đã bị bắt giam. Stalin đã bị ấn tượng bởi các hành động của Mekhlis đến nỗi vào ngày 10 tháng 7, NKO đã bổ nhiệm Mekhlis làm Phó Dân uỷ NKO.

    Pavlov và ba tướng dưới quyền ông (Phụ lục I, xem http://www.smershbook.com) bị cáo buộc không tuân theo mệnh lệnh của Stalin tấn công quân Đức. Họ không thể làm như vậy chỉ đơn giản là vì quân đội của họ đã hầu như bị xóa sổ bởi quân Đức sau khi có lệnh trước đó từ Moscow cho phép đánh trả. Pavlov cũng bị buộc tội âm mưu: 'Trong khi tham gia vào những âm mưu chống Liên Xô và là tư lệnh quân đội Phương diện quân Tây, [Pavlov] đã phản bội lợi ích của Đất Mẹ bằng cách mở mặt trận cho bọn phát xít'. Pavlov đã bị thẩm vấn về Meretskov, và Meretskov bị thẩm vấn về ông ấy. Rõ ràng, các điều tra viên đã thử cố gắng kết nối các vụ án Pavlov và Meretskov với nhau.
    DepTraiDeu, huytopdanngoc thích bài này.
  8. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Cuộc điều tra của Cục 3 NKO được tiến hành với tốc độ rất nhanh. Trong hai tuần một bản dự thảo phán quyết đã được đặt lên bàn của Stalin. Stalin đã ra lệnh bỏ tội danh 'âm mưu quân sự chống Liên Xô'. Không nghi ngờ gì là ông đã cân nhắc sự khôn ngoan trong việc công bố một âm mưu như vậy tại thời điểm Đảng cần Hồng quân nhất. Các tội danh thay vào đó, phải nhấn mạnh sự hèn nhát của các tướng.

    Trong đêm 22 tháng 7 năm 1941, tại Toà án Quân sự trong nhà tù Lefortovo ở Moscow, Pavlov đã giải thích rằng biên giới mới phía tây Liên Xô, được thiết lập sau khi chiếm vùng lãnh thổ Ba Lan vào năm 1939 đã không được gia cố phù hợp: 'Vào thời điểm xảy ra các hành động quân sự, trong số 600 hoả điểm pháo binh dự kiến, chỉ có 169 hoả điểm được trang bị pháo, nhưng thậm chí chúng không hoạt động.' Pavlov cũng cho rằng 'lý do cơ bản trong việc quân Đức tấn công nhanh chóng... là ưu thế rõ ràng của đối phương về không quân và xe tăng. Bên cạnh đó, quân đội Lithuania ... không muốn chiến đấu ... các đơn vị Lithuania đã bắn chết chỉ huy của họ. Điều đó đã cho phép các đơn vị xe tăng Đức có khả năng tấn công chúng tôi.’ Với việc đất nước của họ gần đây bị Liên Xô tiếp quản, không có gì ngạc nhiên khi một số sư đoàn Lithuania nổi loạn.

    Những lời cuối cùng của Pavlov là: 'Không có kẻ phản quốc trong Quân khu Đặc biệt miền Tây ... Chúng tôi là bị cáo ... bởi vì chúng tôi đã thất bại trong việc chuẩn bị thích hợp cho cuộc chiến này trong thời bình’. Theo hướng dẫn xét xử của Stalin, Toà án Quân sự kết án tử hình các tướng vì tội hèn nhát và họ đã bị hành quyết ngay lập tức sau phiên toà. Tất nhiên, Stalin biết rất rõ rằng một đội quân được huấn luyện kém đã chưa sẵn sàng về mặt tâm lý cho một cuộc chiến tranh phòng vệ. Ví dụ, Phó Tư lệnh pháo binh Hồng quân, đại tướng (sau là Nguyên soái) Nikolai Voronov, đã báo cáo với Stalin vào ngày 15 Tháng Tám 1941: 'bộ binh của chúng ta đã phản ứng một cách thảm hại với sự xuất hiện của máy bay địch, các cuộc bắn phá bằng pháo binh của địch, những vụ nổ gây ra do đạn và mìn của đối phương, ngay cả với quy mô nhỏ. Binh lính tin rằng chúng ta-có quyền bắn và ném bom, nhưng kẻ thù không có quyền bắn và ném bom chúng ta.'

    Nhưng Stalin cần những người đứng mũi chịu sào. Sáu ngày sau khi Pavlov bị hành quyết, Stalin đã cảnh cáo: 'Tôi kêu gọi tất cả mọi người hiểu rằng trong tương lai bất cứ ai vi phạm lời thề quân nhân và quên đi nhiệm vụ đối với Đất mẹ, những ai nghi ngờ vị thế cao của một người lính quân đội Hồng quân, mọi kẻ hèn nhát và hoảng loạn rời khỏi vị trí mà không được phép và đầu hàng kẻ thù mà không chiến đấu, sẽ bị trừng phạt không thương xót theo luật thời chiến. Tất cả các chỉ huy cấp trung đoàn trở lên ... phải hiểu rõ mệnh lệnh này.

    Dân uỷ Quốc phòng Liên Xô
    J. Stalin'

    Các thành viên của gia đình các tướng cũng bị hành hạ. Công nhân xử lý cống rãnh là công việc duy nhất mà người vợ góa của Tướng Pavlov bị lưu đày ở Siberia được phép làm. Vụ án này đã báo trước một cuộc thanh trừng các sĩ quan cấp cao sau đó.

    Sau khi Pavlov bị sa thải, Stalin đã bổ nhiệm Trung tướng Andrei Yeremenko làm tư Phương diện quân Tây, nhưng Yeremenko sớm trở thành tư lệnh Phương diện quân Bryansk mới thành lập. Viên tướng này khét tiếng bởi những hành vi tàn bạo của ông. Kombrig Ganenko Ivan, thư ký Ủy ban Trung ương Belorussia và là thành viên của Hội đồng Quân sự Tập đoàn Quân 13 của Phương diện quân Bryansk, đã đánh điện cho Stalin:

    'Yeremenko, không hỏi tôi về bất cứ điều gì [Ganenko chỉ vừa đến từ chiến tuyến], bắt đầu cáo buộc Hội đồng quân sự tội hèn nhát và phản bội chống lại Đất mẹ. Sau khi tôi cho rằng người ta không thể đưa ra những lời buộc tội nặng nề như vậy [mà không có lý do], Yeremenko tấn công tôi bằng nắm đấm của ông ta và đánh vào mặt tôi vài lần, và đe dọa sẽ hành quyết tôi. Tôi đã nói với ông ta rằng ông có thể bắn tôi, nhưng ông không có quyền hạ nhục nhân phẩm của tôi như một người cộng sản ...

    Yeremenko rút khẩu Mauser ra nhưng [Trung Tướng Mikhail] Yefremov [cấp Phó của Yeremenko] đã ngăn cản ông ta nổ súng. Sau đó, Yeremenko bắt đầu đe dọa Yefremov. Trong khung cảnh kinh tởm này, Yeremenko đã sử dụng ngôn ngữ thô tục một cách điên cuồng trong suốt cuộc thời gian đó.

    Sau khi dịu xuống một chút, Yeremenko bắt đầu tự hào khoe khoang rằng, được cho là với sự hỗ trợ của Stalin, ông đã đánh đập vài tư lệnh quân đoàn và đã đập bể đầu một chỉ huy.'

    Trong thực tế, hành vi của Yeremenko không phải là duy nhất. Đánh đập cấp dưới đã trở nên quá phổ biến trong quân đội đến nỗi trong tháng 10 1941, thậm chí Stalin đã phải ký một mệnh lệnh đặc biệt cố gắng ngăn chặn những hành vi này.

    Stalin đã không trả lời điện tín của Ganenko. Thú vị là, khi Yeremenko và quân của ông bị bao vây gần Moscow, Stalin đã gửi một máy bay đặc biệt đến cứu ông ta. Yefremov, trái lại, đã chiến đấu trong vòng vây trong tháng 4 năm 1942 cho đến khi bị thương, sau đó tự sát để tránh bị bắt làm tù binh. Sau này Yeremenko trở thành một trong những chỉ huy quan trọng trong trận Stalingrad. Sau chiến tranh và sau khi Stalin chết, ông thậm chí được thăng hàm nguyên soái.

    Bối cảnh của Vụ án Pavlov
    Các cáo buộc nhắm vào Pavlov là hoàn toàn sai. Stalin và các lãnh đạo quân sự trước chiến tranh của ông phải chịu trách nhiệm về việc đảo lộn hoàn toàn quân đội. Trong một cuộc phỏng vấn vào những năm 1990, Vladimir Novikov, Cựu Phó Dân uỷ phụ trách Vũ khí đã mô tả tình hình tháng 6 năm 1941:

    'Trong vòng hai tuần sau khi bọn phát xít tấn công Liên Xô, dường như là không có súng [trong Hồng quân] ... Điều này là do ... các kho súng được đặt trong các khu vực gần biên giới [phía Tây]. Theo thông tin của Dân uỷ phụ trách Vũ khí, số lượng súng dự trữ khoảng 8 triệu khẩu, tôi nghĩ rằng có đến 10 triệu khẩu súng. Tuy nhiên, hầu như tất cả các khẩu súng được cất giữ trong các kho trong những khu vực đó đã bị kẻ thù chiếm đoạt. Ngoài ra, việc làm mất súng của quân đội của chúng ta trong khi rút lui là đáng kể.

    Việc thiếu các vũ khí chống tăng cũng là sự bất ngờ. Kết quả là, thường chỉ có những cái chai chứa chất cháy được sử dụng để chống lại xe tăng địch trong những tháng đầu tiên chiến tranh. Trong thời bình, chúng tôi đã sản xuất được số lượng đáng kể vũ khí chống tăng, bao gồm súng trường chống tăng, nhưng do sự kiên quyết của Tổng cục Pháo binh thuộc Dân uỷ Quốc phòng (lãnh đạo bởi Nguyên soái GI Kulik, người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này), một năm trước chiến tranh, việc sản xuất súng trường chống tăng và pháo chống tăng 45 và 76mm đã bị chấm dứt ...

    Số lượng súng phòng không được sản xuất cũng rất thấp.'
    DepTraiDeuhuytop thích bài này.
  9. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Phim tài liệu của Mỹ nâng bi cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô

    DepTraiDeu, vacbay03huytop thích bài này.
  10. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859

Chia sẻ trang này