1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

SMERSH - VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA STALIN

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vacbay03, 20/07/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    SMERSH khác với UOO trong một khía cạnh cực kỳ quan trọng. Abakumov báo cáo trực tiếp cho Stalin, vì Stalin đã có những kế hoạch đặc biệt cho SMERSH. Nhà độc tài Liên Xô cần một tổ chức do đích thân ông kiểm soát để giúp ông củng cố về mặt chính trị trên những vùng lãnh thổ mà ông dự kiến Hồng quân sẽ chiếm được ở Đông Âu và Đức. Vì vậy, SMERSH thực sự là vũ khí bí mật của Stalin - một vũ khí mà thậm chí còn hiệu quả hơn so với xe tăng và bom trong việc chinh phục những vùng lãnh thổ mới ở phương Tây.

    Vào thời điểm tạo ra SMERSH, Stalin là nhà độc tài tối cao của Liên Xô. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy, Chủ tịch của GKO thời chiến (Ủy ban Quốc phòng Nhà nước), Dân Uỷ Quốc phòng, và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

    Lệnh thành lập SMERSH của Stalin vào ngày 19 tháng 4 năm 1943 được đánh dấu 'ss' (hai chữ cái 's' nhỏ tiếng Nga, từ viết tắt của sovershenno sekretno hoặc Tuyệt Mật). Một đoạn trích dẫn trong mệnh lệnh mô tả chi tiết trách nhiệm công việc của SMERSH đã cho thấy sự mất lòng tin sâu sắc vào Hồng quân, và điều khoản cuối cùng của nó rõ ràng cho thấy rằng SMERSH đã đóng một vai trò đặc biệt:

    Các trách nhiệm của SMERSH được liệt kê như sau:

    a) chống lại các hoạt động gián điệp, chiêu mộ, khủng bố, và các hoạt động phá hoại khác của tình báo nước ngoài trong các đơn vị và tổ chức của Hồng quân;
    b) chống lại các phần tử chống Liên Xô đã thâm nhập vào các đơn vị và tổ chức của Hồng quân;
    c) có những biện pháp hành động-đặc vụ cần thiết [ví dụ thông qua các điểm chỉ viên] và các biện pháp khác (thông qua các sĩ quan chỉ huy) để ngăn chặn đặc vụ của đối phương xâm nhập chiến tuyến và làm cho chiến tuyến trở nên không thể xâm nhập được đối với gián điệp và các phần tử chống Liên Xô;
    d) đấu tranh chống những kẻ phản bội Tổ quốc trong các đơn vị và tổ chức của Hồng Quân (những người đã chạy qua phía đối phương, những người che giấu gián điệp hoặc có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các gián điệp);
    e) chống đào ngũ và tự thương tại các mặt trận;
    f) điều tra những quân nhân và những người khác, những người đã bị bắt làm tù binh hoặc đã bị bao vây bởi kẻ thù;
    g) Thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt cho Dân Ủy Quốc phòng.

    Do màn bí mật bao phủ SMERSH, lúc đầu thậm chí những sĩ quan ở chiến trường không biết tên thật của SMERSH. Daniil Fibikh, một nhà báo làm việc cho một tờ báo quân đội ở Phương diện quân Tây Bắc, đã viết trong nhật ký của mình: "những phân đội đặc biệt SSSh-"Smert', smert shpionam’ ["Cái chết, cái chết cho bọn gián điệp"] (!) [dấu chấm than trong bản gốc] thuộc Ban Đặc Biệt đã được tổ chức." Tháng 6 năm 1943 Fibikh đã biết tổ chức này là gì. SMERSH đã bắt giữ ông vì tội 'truyền bá tư tưởng chống Liên Xô’ (Điều 58-10 của Bộ luật hình sự) sau khi một điểm chỉ viên bí mật đã báo cáo về một phát biểu quan trọng của Fibikh về Hồng quân. Fibikh đã bị kết án mười năm tù trong các trại lao động.

    Chẳng bao lâu sau sự tàn nhẫn của các thẩm vấn viên SMERSH đã trở thành huyền thoại. Các sĩ quan điều tra, được gọi là 'smershevtsy', đã tra tấn và giết hại hàng ngàn người cho dù họ có phạm tội hoạt động tình báo hay không. Hai người Liên Xô đã phục vụ trong SMERSH đào thoát đã công bố cuốn hồi ký bằng tiếng Anh ít được biết đến trong đó họ mô tả các phương pháp thẩm vấn khủng khiếp. Trong một trong những cuốn sách này, Nicola Sinevirsky, một thông dịch viên quân sự, đã viết ông đã bị buộc phải chứng kiến một cuộc tra tấn dã man bởi một nữ sĩ quan SMERSH như thế nào:

    'Tay người Ba Lan không trả lời. Galya tiến lại gần anh ta hơn. Cô ta di chuyển cây gậy cao su từ từ qua lại trước khuôn mặt anh ta. 'Đừng tự biến mình thành một kẻ ngu ngốc hơn là mày bây giờ. Hiểu chưa?'. Tay người Ba Lan nhìn quanh một cách bất lực và nói, "Tôi không hiểu." Tôi dịch câu nói của Galya cho người tù nghe. Khi tôi đang dịch, Galya cắt ngang, "Hắn nói dối! Đồ chó đẻ! Hắn hiểu hết! Được rồi! Sự xảo quyệt ở hắn còn nhiều hơn tất cả những tên Ba Lan cộng lại. Nghe tao nói đây, con lợn Ba Lan!'. Galya gào lên, giơ cao gậy cao su trên đầu cô ta ... Galya đánh vào mặt người Ba Lan không ngừng. 'Tao sẽ đánh mày nhừ tử! Tao sẽ đánh cho đến khi mày khai hoặc mày sẽ chết tại chỗ này!". Một tràng những lời chửi thề thô tục bật ra từ đôi môi của Galya ... khuôn mặt của người Ba Lan đã bị đánh thành một khối bầy nhầy thịt và máu không rõ hình dạng. Máu chảy từng dòng xuống ngực và áo anh ta. Đôi mắt bầm tím của anh ta không còn loé lên sự sống ... Công việc với anh ta được tiếp tục tại nơi cô ta rời đi trước thời gian nghỉ ngắn ngủi của chúng tôi để ăn tối. Đó là lúc 4:00 sáng trước khi lính gác mang đi cái xác bầm dập của người Ba Lan đã chết ... Giống như một người say rượu, tôi lần tìm về khu nhà tôi ở, và đổ ập lên giường mà không cởi quần áo. Trong một vài giây, dường như tôi đã lặng lẽ rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Tôi mất nhiều ngày để hồi phục từ cuộc tra tấn đẫm máu đó.'
    hk111333huytop thích bài này.
  2. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Mỗi Phương diện quân có bộ phận SMERSH riêng đặt trụ sở ở tiền tuyến cùng với Hồng quân, và SMERSH sử dụng rộng rãi những điểm chỉ viên trong tất cả các cấp của Hồng quân và các cựu tù binh. Cơ cấu tổ chức của SMERSH là hoàn toàn độc lập với hệ thống cấp bậc quân đội, do đó, một sĩ quan SMERSH chỉ ở dưới quyền một sĩ quan SMERSH cấp cao hơn. Thông tin liên lạc thường xuyên giữa các đơn vị SMERSH tiền phương và trụ sở ở Moscow được duy trì, để Abakumov có thể chuẩn bị các báo cáo hàng ngày cho Stalin.

    Trở thành người đứng đầu SMERSH là một bước thăng tiến lớn đối với Abakumov. Là chỉ huy cơ quan tiền thân của SMERSH, UOO, ông đã từng là cấp dưới của Lavrentii Beria, người đứng đầu cơ quan NKVD khét tiếng. Bây giờ ông và Beria ngang nhau, và mối quan hệ của ông với Stalin là một thách thức trực tiếp với Beria.

    Abakumov sớm chứng tỏ được giá trị của mình, ghi được những chiến thắng ấn tượng chống lại người Đức. SMERSH có hàng trăm đặc vụ hai mang làm việc trong lòng địch, đặc biệt là ở các trường tình báo Abwehr (cơ quan tình báo quân đội Đức-ND). Nhiều điệp viên Đức do đó đã bị SMERSH biết đến thậm chí trước khi họ vượt qua chiến tuyến, và ngay lập tức bị nhận diện và bị bắt giữ. SMERSH cũng nhận diện được những điệp viên và sĩ quan phản gián cấp cao trong hàng ngũ tù binh Đức và đưa họ tới Moscow để thẩm vấn. Mức độ hiểu biết về đối phương do đó được nâng cao rất nhiều. "Trò chơi radio' hoặc 'phát lại" đánh lừa địch, trong đó những nhân viên tình báo và các nhân viên điện đài Đức bị bắt dựng lên những chương trình phát sóng quân sự Đức giả mạo, cũng là một thành công lớn. Tuy nhiên, việc kiểm tra (fil'tratsiya) các quân nhân Liên Xô, những người đã bị quân Đức giam cầm, và việc xác định các điệp viên, chủ yếu là tưởng tượng, trong số các quân nhân Liên Xô vẫn là một phần quan trọng trong công việc của SMERSH.

    Cuộc tiến quân của Hồng quân vào Đông Âu có nghĩa là có những giai cấp hoàn toàn mới của người dân để bắt giữ: các thành viên tích cực của các đảng phái chính trị, các quan chức địa phương, các nhà ngoại giao, và vân vân. Nhiều tổ chức của người Nga di dân và Bạch Vệ vốn đã phân tán khắp châu Âu sau khi cuộc nội chiến Nga kết thúc vào năm 1922 cũng là mục tiêu. SMERSH bắt giữ các thành viên của các tổ chức này ở Bulgaria, Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư, và sau đó ở các tỉnh của Trung Quốc được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản. Nhưng tổ chức mà SMERSH truy đuổi quyết liệt nhất là Quân đội Giải phóng Nga (ROA), được dựng lên từ các tù binh Liên Xô trong trại giam của Đức dưới sự lãnh đạo của một cựu tướng lãnh Liên Xô Andrei Vlasov và nhân viên của ông ta. Sau thỏa thuận Yalta với Stalin, đồng minh Anh và Mỹ buộc phải chuyển giao nhiều đơn vị của ROA và những đơn vị quân đội người Nga chống Liên Xô khác, một số người trong số họ thậm chí còn là công dân Anh, cho SMERSH.

    Những người bị bắt giữ bởi SMERSH đã được xử lý trong một số cách. Quân nhân Liên Xô bị xét xử bởi tòa án quân sự và sau đó bị đưa đến các tiểu đoàn trừng giới hoặc xử tử. Đặc vụ đối phương có tầm quan trọng thấp được đưa vào trại tù binh chiến tranh của NKVD, trong khi các tù nhân quan trọng được đưa đến trụ sở chính SMERSH tại Moscow, nơi mà họ bị thẩm vấn kỹ lưỡng ngay cả trong và sau Thế chiến II. Trong số đó có cựu lãnh đạo của các chính phủ châu Âu như Bá tước István Bethlen, Thủ tướng Hungary 1921-1930, và Ion Antonescu, nhà độc tài phát xít Rumani 1941-1944, vợ của họ cũng đã được đưa đến Moscow.

    SMERSH cũng đã bắt giữ nhiều nhà ngoại giao. Một số phạm tội ác chiến tranh, như Gustav Richter và Adolf-Heinz Beckerle người Đức, cả hai người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong nạn diệt chủng (Holocaust) ở Romania và Bulgaria. Tuy nhiên, SMERSH cũng bắt các nhà ngoại giao Thụy Sĩ và Thụy Điển hoàn toàn vô tội, những người đại diện cho chính phủ trung lập. Điều này đặc biệt làm người Thụy Điển khó chịu khi họ đã đại diện cho lợi ích của Liên Xô tại Đức Quốc xã và Hungary trong nhiều năm.

    Có lẽ vụ bắt giữ khét tiếng nhất của SMERSH là vụ bắt giữ nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg, người đã cứu hàng nghìn người Do Thái ở Budapest vào cuối Thế chiến II bằng cách cung cấp cho họ các giấy tờ giả, thành lập ngôi nhà an toàn, đưa họ ra khỏi những chuyến xe lửa đang đi đến các trại để bị giết, vv. Được chính phủ Israel vinh danh với danh hiệu Righteous Gentile (Công dân chính trực - mô tả những người không phải là người Do Thái đã liều mạng sống của họ trong thời kỳ diệt chủng Holocaust để cứu những người Do Thái khỏi bị tiêu diệt-ND) vì những hành động anh hùng của ông, sự thật về những gì đã xảy ra với Wallenberg sau khi bị bắt bởi SMERSH là một trong những bí ẩn sâu thẳm nhất trong Thế chiến II. Dường như ông đã chết trong nhà tù Liên Xô Lubyanka năm 1947. Một bí ẩn thậm chí còn sâu kín hơn là lý do tại sao ông không bao giờ hồi hương về Thụy Điển, mặc dù thực tế rằng ông là một thành viên của gia tộc Wallenberg đầy quyền lực và làm việc cho công ty gia đình. Gia tộc Wallenberg, sở hữu tài sản trong Thế chiến II có lẽ lên tới một nửa tổng sản phẩm quốc gia của Thụy Điển, cũng đã tham gia vào các giao dịch tài chính hai bên cùng có lợi với Liên Xô từ những năm 1920.
    hk111333 thích bài này.
  3. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Các sĩ quan cao cấp Abwehr và SD (chi nhánh nước ngoài của an ninh nhà nước Đức quốc xã) cũng trở thành tù nhân của SMERSH. Trong số đó có Trung tướng Hans Piekenbrock, người đứng đầu Abwehr Abteilung (Department) I (tình báo hải ngoại) 1937-1943; Đại tá Erwin Stolze, Cục Phó cục II Abwehr (phá hoại và lật đổ) 1937-1944, người được biết đến như là Kẻ Phá Hoại số 2; và Trung tướng Franz-Eccard von Bentivegni, người đứng đầu Cục III Abwehr (phản gián) 1943-1944.

    SMERSH cũng bắt giữ và thẩm vấn SS-Oberführer (Thiếu Tướng) Friedrich Panzinger, cựu Cục trưởng Cục A Gestapo, chuyên về chống Cộng sản và các thành phần đối lập khác trong chính quyền Đức Quốc xã. Ông nổi tiếng là người đứng đầu Uỷ ban điều tra Gestapo điều tra mạng lưới gián điệp nổi tiếng của Liên Xô Dàn nhạc đỏ vào năm 1942, và những kẻ âm mưu chống Hitler vào năm 1944. Giữa hai cuộc điều tra này, từ tháng 9 năm 1943 đến tháng 5 năm 1944, Panzinger đứng đầu Chi nhánh Gestapo ở Riga, thủ đô của Latvia, và đồng thời chỉ huy Einsatzgruppe A, một biệt đội tử thần SS người Latvia. Sau khi được phóng thích khỏi nhà tù của Liên Xô vào tháng Mười năm 1955, Thiếu Tướng Panzinger tự tử trong khi đang chờ bị bắt ở Tây Đức.

    SS-Hauptsturmführer (Captain) Heinz Pannwitz, người chỉ huy cuộc điều tra Dàn nhạc đỏ ở Pháp của Gestapo, cũng rơi vào tay của SMERSH. Sau khi được thả, CIA thẩm vấn ông về vấn đề liên quan đến việc điều tra Dàn nhạc đỏ và cuộc thẩm vấn của SMERSH đối với ông, và sử dụng các thông tin thu được trong báo cáo năm 1979, The Rote kapelle.

    Nhiều tướng lĩnh quân sự cấp cao của Đức cũng đã bị cầm tù bởi SMERSH. Trong số đó là viên Trung Tướng Reiner Stahel tàn bạo, người chỉ huy chiến dịch chống nổi dậy ở Warsaw năm 1944. Ông đã bị bắt bởi SMERSH ở Romania, nơi Hitler đưa ông đến trong một nỗ lực cuối cùng để cứu quân đội Đức đóng quân ở đó. Stahel chết trong tháng 11 năm 1955 trong một trại tù binh quá cảnh trên đường đến Đức trong chương trình hồi hương lớn của các sĩ quan Đức. Một tù nhân khác của SMERSH là Thiếu Tướng SS Wilhelm Mohnke. Người Mỹ và người Canada mất mười năm truy lùng ông ta vì đã ra lệnh giết tù binh Canada trong chiến dịch Normandy tháng Sáu năm 1944. Chỉ khi Mohnke được thả vào năm 1956, họ mới biết Liên Xô đã giam giữ ông ta.

    Các nhóm hành động SMERSH cũng bắt giữ một nhóm người đã chứng kiến cái chết của Hitler. Trong thực tế, có hai nhóm các nhân chứng như vậy trong trại tù Liên Xô, và đã có hai cuộc điều tra hoàn toàn riêng biệt về tình huống cái chết của Hitler. Chúng được tiến hành độc lập bởi SMERSH dưới sự giám sát trực tiếp của Abakumov và Tổng cục tù binh chiến tranh(GUPVI), một bộ phận của NKVD, dưới sự giám sát của người đứng đầu GUPVI, Amayak Kobulov. NKVD và SMERSH cạnh tranh lẫn nhau để tìm ra sự thật để dâng công với Stalin, người rất có hứng thú với Quốc trưởng. Stalin nghi ngờ rằng Hitler bằng cách nào đó đã sống sót trong hầm, và do đó muốn có bằng chứng thuyết phục về cái chết của ông. Một trong những nhân chứng được điều tra bởi SMERSH, SS-Gruppenführer (Trung Tướng) Hans Rattenhuber, vệ sĩ trưởng của Hitler, có thể là người gần gũi nhất với Hitler khi ông còn sống.

    Tù binh Nhật Bản cũng bị SMERSH thẩm vấn. Họ gồm Tướng Yamada Otozō, tổng tư lệnh quân đội Quan Đông, và Hoàng tử Fumitaka Konoe, Đại Uý (Senior Lieutenant ), người đã theo học tại Đại học Princeton trước Thế chiến II. Vị hoàng tử trẻ là thành viên của một gia tộc cai trị Nhật Bản 1.200 năm, và SMERSH coi ông là một tù nhân quan trọng vì ông là con trai và thư ký riêng của Hoàng tử Fumimaro Konoe, hai lần làm thủ tướng Nhật Bản (1937- 39 và 1940- 41). Ngoài ra, Fumikata Konoe có quan hệ bà con với Hoàng đế Hirohito qua người vợ Masako, một người em họ của hoàng đế. Konoe, người chưa bao giờ bị bệnh nặng, đột ngột qua đời vào tháng 10 năm 1956 tại một trại tù binh quá cảnh trên đường trở lại Nhật Bản. Cái chết của ông, cũng như của Raoul Wallenberg, vẫn còn là một bí ẩn lớn.

    Tướng Yamada may mắn hơn; ông sống sót và trở về Nhật Bản. Hiroki Nohara, Phó Cục trưởng Cục tình báo quân đội của Yamada, đã bị kết án tử hình vào tháng 2 năm 1947 vì tội gián điệp và bị hành quyết. Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Cáp Nhĩ Tân, Kimio Miyagawa, chết trong nhà tù Lefortovo ở Moscow trước khi bị xét xử, trong khi Tướng Shun Akifusa, Trưởng Phái đoàn quân sự Nhật Bản tại Cáp Nhĩ Tân, đã bị kết tội làm gián điệp trong tháng 12 năm 1948 và bị kết án 25 năm tù giam. Bốn tháng sau đó, ông chết trong nhà tù Vladimir. Trong sự thất vọng của lãnh đạo SMERSH, vào tháng Tám năm 1945, vị Hoàng đế Mãn Châu cuối cùng Pu Yi đã bị bắt bởi một nhóm hành động của NKVD, không phải SMERSH. Mặc dù tư lệnh quân đội Liên Xô tại vùng Viễn Đông, Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky, ra lệnh chuyển Pu Yi cho SMERSH, Dân Uỷ NKVD Beria chỉ cho phép các sĩ quan SMERSH thẩm vấn Pu Yi; ông ta vẫn nằm trong tay NKVD.
    ngthi96hk111333 thích bài này.
  4. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Kể từ khi các sĩ quan SMERSH mặc quân phục Hồng quân, những người bị bắt giữ bởi SMERSH thường không biết rằng họ đang ở trong tay một cơ quan mật vụ riêng biệt. Ngay cả tù binh Liên Xô cũng từng nghĩ rằng NKVD hoặc NKGB đã bắt giữ họ. Ví dụ, Lev Mishchenko, một nhà vật lý học Moscow đã tình nguyện tham gia opolchenie (dân quân tình nguyện) năm 1941 và sau đó bị quân Đức bắt, đã viết trong những năm 2000: 'Trong tháng 6 năm 1945, tôi bị bắt bởi đội phản gián SMERSH của Tập đoàn quân Cận vệ 8. SMERSH ... là tên của các phòng ban NKGB trong quân đội.' Sự thiếu hiểu biết này đã dẫn đến những sai lầm khó hiểu về SMERSH trong hồi ký của nhiều cựu tù nhân nước ngoài của SMERSH.

    Một trong những nhiệm vụ quan trọng cuối cùng của SMERSH là tham gia vào Toà Án Quốc tế Nuremberg. Các điều tra viên của Abakumov đề xuất năm tù nhân có thể xuất hiện tại toà án Nuremberg. Tuy nhiên, Bộ Chính trị chỉ chọn một trong những người có trong danh sách của SMERSH: Hans Fritzsche, một quan chức tương đối không quan trọng thuộc Bộ Tuyên truyền của Paul Joseph Goebbels, người cuối cùng đã được tha bổng. Có thể Stalin chọn Fritzsche vì ông không muốn các cựu đồng minh của mình biết rằng các tướng lãnh quan trọng như Mohnke đang nằm trong tay ông ta.

    NKVD cũng mang đến một bị cáo từ trại tù binh, Đô đốc Erich Raeder, chỉ huy Hải quân Đức cho đến năm 1943. Ông đã bị kết án tù chung thân. Các chứng cứ chủ yếu được trình bày bởi các công tố viên Liên Xô gồm trích đoạn các cuộc thẩm vấn được ghi lại của nhiều tù nhân SMERSH, nhưng bản thân các tù nhân không được đưa ra.

    Đại tá Sergei Kartashov, Cục trưởng Cục II của SMERSH, phụ trách việc thẩm vấn những tù binh Đức quan trọng và các quân nhân Liên Xô trong trại giam Đức, là người đầu tiên đến Nuremberg. Công việc của ông là đánh giá tình hình ban đầu. Sau đó, một nhóm đặc biệt gồm ba sĩ quan SMERSH do Mikhail Likhachev, Phó Cục trưởng Cục Điều tra SMERSH chỉ huy, đưa Fritzsche đến Nuremberg. Tuy nhiên, công việc chính của nhóm này là theo dõi phái đoàn Liên Xô- các công tố viên, thẩm phán, phiên dịch, và vân vân. Họ cũng được giao nhiệm vụ ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận nào tại phiên tòa về Hiệp ước Molotov- Ribbentrop hoặc trách nhiệm của Liên Xô về các vụ thảm sát 22.000 sĩ quan Ba Lan bị bắt và bị hành quyết năm 1940 tại khu rừng Katyn và hai địa điểm khác.

    Sau khi một trong các công tố viên quân sự của Liên Xô, tướng Nikolai Zorya, bị phát hiện đã chết với một vết thương do đạn bắn vào đầu trong phòng khách sạn của ông ta trong quá trình phiên toà diễn ra, rõ ràng rằng trong nội bộ phái đoàn của Liên Xô có vấn đề. Tuyên bố chính thức của Liên Xô là cái chết là do "bất cẩn trong khi sử dụng súng của Tướng Zorya'. Tuy nhiên, theo con trai của Zorya, Likhachev hoặc một người của ông ta đã giết công tố viên Zorya để ngăn chặn một cuộc thảo luận về vụ thảm sát Katyn.

    Đồng thời, trong đầu năm 1946, SMERSH chuẩn bị một loạt các phiên toà ở Moscow xét xử một số cựu tướng lĩnh Nga Bạch Vệ bị bắt ở châu Âu và Mãn Châu, trong đó có viên Tướng Liên Xô cũ Andrei Vlasov. Các bị cáo quan trọng nhất được xét xử trong phiên toà kín Toà Án Quân sự tối cao Liên Xô. Chỉ có một vài câu ngắn ngủi thông báo việc xử tử các viên tướng được công bố trên báo chí. Tuy nhiên, các phiên toà này diễn ra sau khi SMERSH chấm dứt sự tồn tại và sẽ được thảo luận trong một cuốn sách khác.

    SMERSH chấm dứt sự tồn tại chính thức vào tháng 5 năm 1946, khi nó được sáp nhập với NKGB, lúc này được đổi tên thành MGB (Bộ An ninh Nhà nước). Abakumov trở thành người đứng đầu MGB, và các nhân sự chủ chốt ở trụ sở SMERSH tại Moscow và từ các phòng ban tại các mặt trận nắm giữ các vị trí chủ chốt trong MGB. Là Bộ trưởng của MGB, Abakumov giám sát không chỉ các hoạt động phản gián quân đội mà còn các hoạt động tình báo hải ngoại và phản gián nội địa trong lãnh thổ Liên bang Xô viết, là những chức năng chính của NKGB trước đây. Ông tiếp tục báo cáo trực tiếp với Stalin, và MGB đã trở thành công cụ chính để thực hiện các cuộc thanh trừng và đàn áp của Stalin từ năm 1946 cho tới năm 1951, khi Abakumov bị bắt. Vụ án Leningrad nổi tiếng và vụ án Uỷ Ban người Do Thái chống phát xít chỉ là hai trong số các vụ án truy tố quan trọng được thực hiện bởi Abakumov và MGB trong cuối những năm 1940.

    Ở Đông Âu, các phòng ban mặt trận của SMERSH được chuyển đổi thành các phòng ban của MGB trong đội quân chiếm đóng của Liên Xô. Chức năng của chúng vẫn giống như trong thời chiến – truy tìm gián điệp và kẻ phản bội trong hàng ngũ quân đội Liên Xô và thanh trừng các kẻ thù chính trị của Liên Xô tại địa phương. Hàng trăm người đã bị bắt hoặc bị bắt cóc và đưa tới Liên Xô. Nhiều khi họ chỉ đơn giản là bị chặn bắt ngay giữa phố, và gia đình và bạn bè của họ không bao giờ biết những gì đã xảy ra với họ. Người Phó đầu tiên của Abakumov, Nikolai Selivanovsky, giám sát những cuộc thanh trừng ở Ba Lan. Một trong những trợ lý của Abakumov, Pyotr Timofeev, kiểm soát tình hình ở Romania. Cựu lãnh đạo một Cục SMERSH tại mặt trận, Mikhail Belkin, giám sát các sự kiện ở Hungary
    huytop, danngochk111333 thích bài này.
  5. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ở Tây Âu, các toán hành động SMERSH hoạt động dưới sự che chở của viên Toàn quyền phụ trách vấn đề hồi hương, Thượng tướng Fyodor Golikov. Các cựu sĩ quan SMERSH cũng hoạt động ở Đông Âu trong vai trò cố vấn của MGB tại địa phương, tổ chức các cơ quan an ninh Quốc gia thân Liên Xô và tham gia vào các phiên toà trình diễn tại Đông Âu. Belkin và Kartashov chịu trách nhiệm về các vụ bắt giữ và xét xử tại Budapest, trong khi Likhachev thẩm vấn tù nhân tại Bulgaria, Hungary, và Tiệp Khắc. Vì các sĩ quan báo cáo trực tiếp cho Abakumov, và Abakumov báo cáo cho Stalin, việc kiểm soát của Stalin với những phiên toà này được đảm bảo.

    Phần lớn các tù nhân SMERSH quan trọng bị bắt trong và ngay sau chiến tranh đã được lưu giữ và thẩm vấn tại nhà tù điều tra Moscow cho đến năm 1948, khi họ bị kết án. Phần còn lại vẫn ở trong các nhà tù cho đến 1950- 1952, khi họ cuối cùng cũng được xét xử. Nhiều người trong số họ, bao gồm cả các nhà ngoại giao nước ngoài trước đây, đã bị cáo buộc làm gián điệp; đoạn 4 của Điều 58 quái dị, "hỗ trợ cho giai cấp tư sản trên thế giới’, cũng được sử dụng thường xuyên. Các điệp viên và những kẻ phản bội may mắn nhất được xét xử vào giữa thời gian 26 tháng 5 năm 1947 và ngày 12 tháng một năm 1950, thời gian mà bản án tử hình được thay thế bằng 25 năm tù trong các trại lao động. Có một lý do thực tế, không phải lý do nhân đạo, đằng sau việc bãi bỏ này: với sự mất mát hàng triệu người trong chiến tranh, Stalin cần lực lượng lao động không lương để giúp khôi phục lại ngành công nghiệp.

    Trong tháng Hai- Ba 1948, các trại lao động đặc biệt (lúc đầu có sáu, sau đó thêm bốn trại) với điều kiện sống và công việc đặc biệt khắc nghiệt được dựng lên cho các ‘tù nhân đặc biệt nguy hiểm", tức là các tù nhân bị kết án theo Điều 58. Các tù nhân chính trị được tách ra khỏi tội phạm và được đưa đến các trại đặc biệt này, trong khi các tù nhân chính trị quan trọng nhất, đặc biệt là với các bản án 25 năm, bị giam trong ba nhà tù đặc biệt - Vladimir, Verkhne-Uralsk và Aleksandrovsk. Tù nhân mới bị kết án theo Điều 58 được giao cho các trại lao động đặc biệt và nhà tù đặc biệt dành riêng. Như trong các trại tập trung của Đức quốc xã, tù nhân trong các trại đặc biệt có số hiệu đính liền với quần áo của họ. Vì vậy, hầu hết các tù nhân SMERSH quan trọng đã kết thúc cuộc đời trong hệ thống hình phạt đặc biệt này. Vào tháng Giêng năm 1953, có 221.727 tù nhân chính trị trong các trại đặc biệt, và 1.313 tù nhân trong nhà tù đặc biệt.

    Mặc dù SMERSH chỉ tồn tại trong ba năm, 1943-1946, hai năm trước khi nó thành lập chính thức (khi đó Abakumov chỉ huy cơ quan tiền nhiệm của nó, UOO), và năm năm sau khi SMERSH kết thúc (khi Abakumov là người đứng đầu MGB), phải được coi như là một phần của lịch sử SMERSH.

    Có một dòng liên tục trong mười năm về mối quan hệ đặc biệt của Abakumov với Stalin. Cho đến nay, vẫn còn thiếu thông tin trong các tài liệu lịch sử về vai trò của Abakumov. Vai trò của Abakumov như lãnh đạo UOO, SMERSH, và sau đó là MGB được đặt trong vòng bí mật. Ông không phải là thành viên của Đảng Cộng sản hay giới lãnh đạo chính phủ Liên Xô, và chân dung của ông không được hiển thị công khai tại bất cứ nơi nào ở Liên Xô. Cho đến gần đây, ngay tại kho lưu trữ Phim Ảnh Quốc gia Nga, nơi lưu giữ tất cả các bộ phim tài liệu và rất nhiều hình ảnh của thời kỳ Xô viết, không có hình ảnh của Abakumov. Có lẽ chỉ có bảy hay tám tấm ảnh của ông tồn tại, và tôi biết chỉ có một dịp duy nhất vào tháng 3 năm 1946 khi tờ báo Pravda đăng một bức ảnh của ông- ngồi bên cạnh Nguyên soái Georgii Zhukov, người chinh phục Berlin. Ngay cả ở Liên Xô, rất ít người biết rằng MGB, cơ quan mật vụ đáng sợ nhất, là do Abakumov đứng đầu, không phải Beria. Ngược lại, có hai cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh về Lavrentii Beria, người khá nổi tiếng trong thời gian ông ta ở Moscow. Mỗi công dân Liên Xô đều đã quen thuộc với khuôn mặt của Beria, vì hình ảnh của ông thường xuyên được đăng trên báo chí. Ngoài ra, những bức chân dung của ông, cùng với chân dung những thành viên Bộ Chính trị khác, được treo trên các tòa nhà ở mọi thành phố và thị trấn trong những ngày lễ chính thức ở Liên Xô - ngày 01 tháng 5 (Ngày Quốc tế Lao động) và 07 tháng 11 (Ngày Cách Mạng Tháng Mười). Tuy nhiên, thời kỳ mà Beria là người đứng đầu tất cả các cơ quan an ninh chỉ kéo dài năm năm, từ năm 1938 đến 1943. Sau khi thành lập SMERSH, Beria đã phải cạnh tranh với Abakumov về tầm ảnh hưởng.

    Từ năm 1943, với cương vị Dân Uỷ NKVD, Beria chính thức chịu trách nhiệm quản lý các trại lao động và nhà tù NKVD, nhưng thông qua người phụ tá thân cận của ông, Vsevolod Merkulov, Beria cũng kiểm soát một cách hiệu quả NKGB, vốn chịu trách nhiệm về công việc tình báo hải ngoại và phản gián nội bộ. Tuy nhiên, sau năm 1943, ông không bao giờ có thể nắm giữ vị trí chỉ huy các cơ quan an ninh đầy quyền lực như trước đây trong suốt thời gian Stalin còn sống.
    huytop, hk111333danngoc thích bài này.
  6. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ngày 29 tháng 12 1945 Beria, lúc này vẫn là phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy, được bổ nhiệm làm người đứng đầu dự án nguyên tử của Liên Xô, trong khi Sergei Kruglov, người phó tận tâm và tẻ nhạt của ông, trở thành người đứng đầu MVD (Bộ Nội vụ, hậu thân của NKVD). Vì vậy, trái với những gì thường được biết, từ đầu năm 1946 cho đến khi Stalin chết vào ngày 05 tháng 3 năm 1953, Beria không còn chỉ huy bất kỳ cơ quan an ninh nào của Liên Xô. Là một thành viên của Bộ Chính trị, mỗi người được chỉ định một nhóm các Bộ để giám sát, trong những năm tiếp theo Beria giám sát công việc của MGB và MVD, cũng như mười bộ khác, mặc dù chủ yếu là giám sát hành chính. Vào tháng 2 năm 1947 thậm chí vai trò giám sát này còn bị tước bỏ. Vào tháng 7 năm 1947 Abakumov từ chối làm theo lệnh của Beria về việc MGB xây dựng hạ tầng cơ sở của cho dự án nguyên tử.

    Đến tháng chín năm 1947, rõ ràng là Beria đã mất hết quyền kiểm soát các cơ quan an ninh quốc gia. Abakumov, trái lại, tiếp tục tìm cách gia tăng quyền lực, nỗ lực để sáp nhập một số cục của MVD vào cơ quan MGB của ông ta. Về phương diện kiểm soát an ninh quốc gia, từ năm 1946-1951, quyền lực của Abakumov vượt trội hơn Beria nhiều trong thời kỳ ông ta nắm quyền từ năm 1938 đến 1943
    Năm 1947, MGB của Abakumov mất quyền chỉ huy Cục tình báo hải ngoại (Cục 1) khi Stalin sáp nhập nó cùng với tình báo quân sự (GRU hoặc Cục tình báo) và các cơ quan tình báo khác của Đảng thành một tổ chức mới gọi là Ủy ban Thông tin. Không nản lòng, trong tháng 10 năm 1949, Abakumov thành lập Cục 1 mới, phụ trách các hoạt động phản gián nhắm vào người nước ngoài, và vào nhân viên Liên Xô ở nước ngoài. Nó được lãnh đạo bởi Đại tá Georgii Utekhin, người đã từng lãnh đạo những phòng ban ở tổng hành dinh SMERSH phụ trách lùng bắt điệp viên của đối phương trong hậu phương Hồng quân và cử những điệp viên SMERSH xâm nhập vào các trường tình báo của Đức.

    Như đã từng làm với rất nhiều người trước đó, Stalin quyết định thanh trừng Abakumov, và vào ngày 12 Tháng 7 năm 1951, ông bị bắt. Nhiều sĩ quan SMERSH cao cấp, bao gồm Selivanovsky, Likhachev, Belkin, và Utekhin, cũng bị bắt giữ. Đến đầu năm 1953 Stalin làm như ông ta ông không hề liên quan đến việc bổ nhiệm Abakumov làm bộ trưởng MGB. Stalin nói với những người điều tra vụ Abakumov rằng vào năm 1946 Beria đã kiên quyết yêu cầu bổ nhiệm Abakumov và đó là lý do tại sao ‘ông ta không ưa và không tin tưởng Beria'. Rõ ràng, Stalin đã chuẩn bị để sử dụng Abakumov như một công cụ chống Beria.

    Nikita Khrushchev, người kế nhiệm vị trí lãnh đạo Liên Xô ngay sau cái chết của Stalin tháng 3 năm 1953, đã đóng một vai trò lớn trong việc che giấu vai trò thực sự của Abakumov. Trong suốt chiến dịch chống Stalin, bắt đầu với bài phát biểu bí mật của Khrushchev tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 21 năm 1956 và tiếp tục tại Đại hội Đảng lần thứ 22 vào năm 1961, cũng như trong một loạt bài phát biểu tại các cuộc họp Đảng khác, Khrushchev nhiều lần đề cập đến Abakumov như là 'đồng lõa' của Beria. Rõ ràng, Khrushchev muốn Beria trở thành nhân vật phản diện chính của thời kỳ Stalin để đẩy nhanh việc xét xử nhanh chóng và hành quyết Beria vào cuối năm 1953. Nhân tiện, nội dung bài phát biểu của Khrushchev năm 1956, được công bố bằng nhiều ngôn ngữ cùng năm đó, chỉ xuất hiện trên báo chí Liên Xô vào năm 1989.

    Sau cái chết của Stalin vào ngày 05 tháng ba 1953, Beria được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ (MVD). Đây là một MVD mới bao gồm các bộ trước đây, MGB và MVD. Nói cách khác, Beria đã phục hồi nguyên trạng cơ cấu của NKVD thời kỳ 1941-1943. Tuy nhiên, MVD hiện nay lớn hơn nhiều so với NKVD của thời kỳ 1941-1943, và Beria đã đạt đến ngưỡng quyền lực rất lớn.
    huytop, hk111333danngoc thích bài này.
  7. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Để chống lại mối đe dọa này, Georgii Malenkov, Vyacheslav Molotov và Khrushchev kết hợp lại, và vào ngày 26 Tháng 6 năm 1953, với sự giúp đỡ của Georgii Zhukov, Thứ Trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Beria bị bắt và bị cáo buộc làm gián điệp và kẻ thù của nhân dân. Ngày 23 Tháng 12 năm 1953, phiên Toà đặc biệt của Tòa án tối cao Liên Xô kết án tử hình Beria và ông đã bị hành quyết. Những cấp dưới lâu năm của Beria-Vsevolod Merkulov, Vladimir Dekanozov, Bogdan Kobulov, và Sergei Goglidze, người mà ông ta đã đưa về từ vùng Caucasus vào năm 1938, cũng như Pavel Meshik và Lev Vlodzimersky, người đã trở thành thân tín của Beria tại Moscow-cũng bị kết án và bị hành quyết.

    Cuộc điều tra vụ Abakumov được tiếp tục một năm sau khi Beria bị hành quyết. Khi Roman Rudenko, Công tố viên trưởng của Liên Xô mới được bổ nhiệm thẩm vấn Abakumov vào năm 1953-1954, ông ta đã cố gắng trong vô vọng để tìm ra sự liên kết giữa Abakumov với Beria. Abakumov kiên quyết khẳng định: Tôi chưa bao giờ đến thăm Beria tại nhà riêng hoặc tại dacha (nhà nghỉ tại vùng nông thôn Nga-ND) của ông ta. Chúng tôi chỉ có mối quan hệ trong công việc một cách công khai, và không có điều gì khác.'

    Abakumov và các cấp dưới trung thành của ông-Aleksandr Leonov, cựu lãnh đạo Cục Điều tra của SMERSH, và hai người phó của mình, Likhachev và Vladimir Komarov, cũng như Ivan Chernov, cựu Trưởng Ban Thư ký SMERSH, và người phó của ông Yakov Broverman-đã bị xét xử tại một phiên toà đặc biệt của Tòa án quân sự tối cao Leningrad từ 12-19 tháng mười hai năm 1954. Bị kết tội là 'một thành viên của phe Beria’, Abakumov bị buộc tội phản quốc, khủng bố, chống lại chính quyền cách mạng, và vân vân. Chẳng có lời buộc tội nào có cơ sở vững chắc. Abakumov không nhận tội, nói rằng 'Stalin ra chỉ thị và tôi chỉ thi hành'. Điều này là sự thật. Chernov nhớ lại, trong lúc bản án tử hình được công bố, ‘khuôn mặt Abakumov bất động, như thể bản án không liên quan gì đến ông ta'. Abakumov, Leonov, Likhachev, và Komarov đã bị hành quyết ngày 19 Tháng 12 năm 1954 ngay sau khi xét xử. Chernov và Broverman bị kết án tù lao động khổ sai, 15 và 25 năm cho mỗi người.

    Vào thời điểm đó, Khrushchev là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản, và không nghi ngờ gì, ông ta đã phê duyệt bản cáo trạng và kết quả của phiên toà xét xử. Đã từng là một trong những người thân cận Stalin, Khrushchev tất nhiên đã ký nhiều mệnh lệnh của Stalin ban hành trong thời kỳ 1937-1953. Theo một số nguồn tin, khi Khrushchev lên nắm quyền, ông cũng đã ra lệnh tiêu hủy các tài liệu lưu trữ liên quan đến vai trò của ông ta trong cuộc Đại Thanh Trừng. Trong thời gian đó, là Bí thư Đảng bộ đầu tiên của thành phố Moscow và tỉnh (oblast) Moscow, ông ta đã phê chuẩn hàng ngàn vụ bắt giữ và hành quyết.

    Abakumov là một trong số ít người, do mối quan hệ thân thiết của mình với Stalin trong thời gian 1943-1951, biết tường tận các chi tiết về việc ra những quyết định của Stalin và Bộ Chính trị, bao gồm cả Khrushchev. Ngoài ra, Abakumov và các điều tra viên hàng đầu của ông nhận được chỉ thị riêng của Stalin và các thành viên Bộ Chính trị liên quan đến việc ai bị bắt giữ và những biện pháp tra tấn nào được áp dụng. Rõ ràng, Abakumov là người biết quá nhiều. Sau phiên xét xử, ông ta quyết phơi bày những gì ông ta biết. Theo hồi ức của người hành quyết, ông ta bắn Abakumov vào phía sau đầu trong khi Abakumov la hét, 'tôi sẽ viết về tất cả gửi Bộ Chính trị.' Ông ta đã chết trước khi nói xong từ ‘Bộ Chính Trị’.

    Nhưng thậm chí ngay cả trước khi Beria bị bắt, ngay sau cái chết của Stalin, những tù nhân chính trị sống sót sau những cuộc thanh trừng bắt đầu được phóng thích từ các trại tù và trại lao động. Quá trình này tiếp tục trong một vài năm.Tuy nhiên, để được cấp giấy phép cư trú ở Moscow hay Leningrad, hoặc có được một công việc chuyên môn, cựu tù nhân cần được 'phục hồi quyền lợi'.
    Việc phục hồi quyền lợi là một sự công nhận chính thức rằng các tù nhân chính trị đã bị kết án bất hợp pháp và được phục hồi quyền công dân. Vào ngày 01 Tháng Tư năm 1954, 448.344 tù nhân bị kết án vì tội ‘phản cách mạng' vẫn còn trong các trại lao động và trại tù. Tháng 5 năm 1954 một Ủy ban Trung ương được đặc biệt thành lập cho việc xem xét lại các trường hợp những người bị kết án vì tội ‘phản cách mạng' được đi làm trở lại, và Uỷ Ban quân sự cũng bắt đầu xem xét lại nhiều vụ án chính trị ngay cả trước bài phát biểu lịch sử của Khrushchev về những tội ác của Stalin vào tháng Hai năm 1956. Chẳng bao lâu đã xuất hiện hàng ngàn vụ án, bao gồm cả những vụ án Quân sự, trong đó không còn thành viên nào trong gia đình mà các Uỷ Ban quân sự có thể báo cáo về việc phục hồi quyền lợi, vì cả gia đình đã bỏ mạng trong những cuộc thanh trừng. Đối với người nước ngoài bị giam cầm, họ đã được phóng thích và đưa về nước, chủ yếu là trong giai đoạn 1954-1956.
    hk111333, danngoc, huytop1 người khác thích bài này.
  8. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Các số liệu thống kê sau đây đã đưa ra ánh sáng về khối lượng công việc phục hồi quyền lợi khổng lồ: 1918-1958, 6.100.000 người bị bắt đã bị kết án tại Liên Xô vì các tội (chính trị) chống nhà nước Liên Xô, trong đó 1.650.000 bị hành quyết. Trong số đó, khoảng 1.400.000 người thực tế đã phạm tội (ví dụ gia nhập quân đội Đức Quốc xã và các cơ quan an ninh trong chiến tranh), và 4.700.000 người là hoàn toàn vô tội. Ngoài ra có khoảng từ 2,5 đến 7 triệu người, spetspereselentsy (những người bị trục xuất đặc biệt), đã bị lưu đày trước và trong chiến tranh.

    Năm 1960 điều khoản 58 'chính trị' khét tiếng được bãi bỏ, nhưng nó không biến mất hoàn toàn. Bộ luật hình sự 'Khrushchev' mới bao gồm các điều khoản riêng về các tội phản quốc, gián điệp, khủng bố, lật đổ và phá hoại. Nhưng Điều Khoản 58-10 (tuyên truyền chống Liên Xô) đã được chuyển đổi thành Điều 70: 'Tuyên truyền kích động chống Liên Xô để phá hoại hoặc làm suy yếu sức mạnh của Liên Xô ... và phổ biến, sản xuất hoặc lưu giữ những tác phẩm có cùng nội dung dưới các hình thức viết tay, in hoặc các hình thức khác với cùng một mục đích sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm và phạt sống lưu đày thêm từ một đến năm năm." Điều 72 quy định các hình phạt tương tự đối với thành viên của những tổ chức chống Liên Xô. Như trước đây, NKVD/MGB, bây giờ là KGB (Komitet gosudarstvennoi bezopasnosti hoặc Uỷ ban An Ninh Quốc Gia; Bảng 1-1), chịu trách nhiệm điều tra những tội danh đó.

    Năm 1966, sau khi Leonid Brezhnev (lãnh đạo Đảng Cộng sản 1964-82) thay thế Khrushchev, điều 190-1 đã được giới thiệu thêm trong bộ luật. Nó nói rằng 'việc tung tin đồn có hệ thống về những bịa đặt chắc chắn là sai lạc nhằm phỉ báng quyền lực của Liên Xô ... bị phạt tù lên đến ba năm". Kể từ những năm 1960, các nhà chính trị đối lập của Liên Xô đã bị kết án chủ yếu là theo Điều 70 hoặc 190-1. Tuy nhiên, một số nhà văn, nhà thơ đã cố gắng sống như 'những ký sinh ăn bám xã hội' (tuneyadtsy).

    Trong giai đoạn 1983-1984, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của Yurii Andropov, chủ tịch KGB trong một thời gian dài trước khi ông trở thành tổng Bí thư Đảng (Bảng 1-1), một Khoản mới đã được đưa vào Điều 70 trong đó ghi rằng những hỗ trợ tài chính của các tù nhân chính trị và gia đình của họ ở nước ngoài là phạm pháp, và Khoản 3 được bổ sung trong Điều 188, nói rằng 'việc không tuân lệnh ban quản lý trại giam một cách cố ý' - ví dụ một cái nút áo dở dang trên áo của người tù sẽ bị trừng phạt lên đến năm năm tù giam. Có khả năng điều này có nghĩa là một tù nhân chính trị "sẽ không bao giờ được phóng thích".

    Tất nhiên, số lượng tù nhân bị kết án trong những năm 1960-1980 phạm tội ‘chống Liên Xô' là nhỏ so với các tù nhân chính trị thời Stalin, nhưng những bản án chính trị vẫn tồn tại cho đến năm 1989, khi các Điều 70 và 190-1 cuối cùng cũng đã được bãi bỏ. Ví dụ, trong năm 1976 đã có 851 tù nhân chính trị trong các trại lao động và nhà tù Vladimir, và trong số đó, 261 người bị kết án tuyên truyền chống Liên Xô (Điều 70). Ngoài ra, KGB cảnh báo lên đến 36,000 kẻ tình nghi có những hoạt động chống Soviet.

    Quá trình phục hồi quyền lợi dừng lại một vài năm trong thời Brezhnev, nhưng sau đó lại được tiếp tục, đến tháng 1 năm 2002, hơn 4,000,000 cựu tù chính trị đã được phục hồi. Ngoại trừ một nhóm nhỏ các cộng tác viên của Đức Quốc xã như Tướng Andrei Vlasov và cộng sự của ông ta, một số người Nga Bạch vệ, các lãnh đạo của các cơ quan an ninh Liên Xô và Đức, nhiều tù nhân nước ngoài và tất cả tù nhân Liên Xô được đề cập trong cuốn sách này đều đã được phục hồi. Nói cách khác, hầu hết các quân nhân, cũng như hầu hết những người nước ngoài bị bắt giữ bởi cơ quan phản gián quân sự Liên Xô trong và ngay sau Thế chiến II, là vô tội.

    Trong những năm 1990-2000, đã có những nỗ lực để phục hồi danh dự cho Beria và Abakumov. Tháng 5 năm 2000, Tòa án Quân sự Tối cao Liên bang Nga đã bác đơn của các thành viên trong gia đình Beria xin xem xét lại bản án của ông năm 1953. Tòa án đã ra phán quyết rằng Beria và đồng bọn không được phục hồi danh dự về mặt chính trị vì những tội ác của bọn họ chống lại nhân dân Liên Xô. Nhưng Tòa thấy Dekanozov, Meshik, và Vlodzimersky phạm tội lạm dụng chức quyền chứ không phải là tội chống lại nhà nước được nêu trong Điều 58 trong thời Stalin, và bản án của họ được truy đổi từ tử hình thành 25 năm tù giam.

    Vài năm sau đó, theo xu hướng tôn vinh Stalin và bộ sậu của ông ta từ những nhà sử học có mối liên hệ với các cơ quan an ninh, một cuốn sách dày 798 trang với tựa đề ‘Beria: Nhà Quản lý xuất sắc nhất của thế kỷ 20’ đã được xuất bản tại Nga. Cuốn sách không chỉ nhằm tôn vinh Beria mà còn cố gắng thuyết phục người đọc rằng những tội ác mà Beria đã phạm là cần thiết cho sự phát triển kinh tế Liên Xô, nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Hitler, và đấu tranh thành công trong cuộc chiến tranh Lạnh.
    hk111333danngoc thích bài này.
  9. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Trong những năm 1990, Tòa án Tối cao Liên bang Nga đã hai lần xem xét phục hồi danh dự về mặt chính trị cho Abakumov và cộng sự. Vào tháng Bảy năm 1997, Tòa án quân sự Tối cao xét thấy Abakumov, Leonov, Likhachev, Komarov, và Broverman đã phạm tội lạm dụng chức vụ, nhưng không phạm tội chính trị. Trong tháng 12 năm 1997, Đoàn Chủ tịch Tòa án tối cao Liên Bang Nga đã truy đổi bản án tử hình cho bốn người này (phải là 5 chứ?-ND) sang bản án 25 năm tù giam trong các trại lao động, và hủy bỏ việc tịch thu tài sản của tất cả các bị cáo. Chernov đã hoàn toàn được phục hồi danh dự vào năm 1992

    Các nhà sử học và sĩ quan của FSB hiện nay (Federal'naya bezopasnosti sluzhba hoặc Cơ quan An ninh Liên bang) khá sùng bái Viktor Abakumov. Một trong những người viết tiểu sử ông, Oleg Smyslov, đã gọi ông trên mặt báo là 'Một Hiệp sĩ của ngành An ninh quốc gia’ (Nguyên văn: a Knight of State Security-ND), trong khi chính trị gia và là cựu Thiếu tướng KGB, Aleksei Kondaurov, cho rằng Abakumov là 'một trong những nhà lãnh đạo dân chủ nhất của KGB'.

    Di sản của SMERSH được tiếp nối với cơ quan KGB khét tiếng, thành lập vào năm 1954. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, bộ phận phản gián quân đội vẫn trực thuộc KGB. Pyotr Ivashutin, cựu lãnh đạo một trong những bộ phận tiền phương SMERSH, là phó chủ tịch KGB từ năm 1954 và 1956, và sau đó cho đến năm 1963 là Phó chủ tịch thứ nhất. Sergei Bannikov, người đã bắt đầu sự nghiệp của mình trong OO (Cục Đặc Biệt-ND) của Hạm đội Baltic và sau đó phục vụ trong Cục SMERSH của Dân Uỷ Hải quân, chỉ huy Cục 2 KGB (phản gián) trong những năm 1964-1967, Grigorii Grigorenko, một trong những người tổ chức những trò chơi phản gián qua sóng radio ở Cục 3 SMERSH (ông đã tham gia tổ chức 181 trò chơi phản gián), đứng đầu Cục 2 KGB trong những năm 1970-1978 và sau đó trở thành Phó chủ tịch KGB từ năm 1978 đến 1983. Khi Grigorenko chết vào năm 2007, một cáo phó trên báo Argumenty nedeli (Tóm Tắt thông tin trong Tuần) của FSB đã xác định mười bốn điệp viên nước ngoài đã bị phát hiện và bị bắt giữ dưới sự chỉ huy của Grigorenko, và gọi ông là "một thiên tài của phản gián Nga'.

    Một Filipp Bobkov nham hiểm, người đứng đầu cục 5 KGB khét tiếng trong những năm 1969-1984, phụ trách việc đàn áp bất đồng chính kiến, đã tốt nghiệp trường đào tạo SMERSH ở Leningrad năm 1946. Bobkov là phó chủ tịch, sau đó là chủ tịch thứ nhất KGB cho đến khi KGB kết thúc vào năm 1991.

    Trong quá trình chuyển đổi từ KGB của Liên Xô cũ sang Bộ An ninh Liên bang Nga, Ủy ban An ninh Liên bang và cuối cùng là FSB (Bảng 1-1), bộ phận phản gián quân đội không thay đổi nhiều. Năm 1997, Đại tướng Aleksei Molyakov, đứng đầu Cục Phản gián quân đội của FSB (UVKR), nói với báo chí: ‘Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga được đặt dưới sự kiểm soát mạnh mẽ của chúng tôi ... Cục phản gián quân đội ... nhận chỉ thị rất rõ trong việc phát hiện và ngăn chặn những xu hướng cực đoan và nguy hiểm khác kịp thời ... Nhân sự [của nó] gồm 6.000 sĩ quan.' Sau khi từ chức ở cơ quan an ninh, Molyakov và Trung tướng Vladimir Petrishchev, người kế nhiệm ông đứng đầu UVKR vào năm 1997 và phục vụ cho đến năm 2002, đã gia nhập siloviki ('những tay quyền lực') - một nhóm các cựu sĩ quan quân đội và KGB cao cấp, trở thành một bộ phận của giới thân cận nắm quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin. Molyakov chủ trì Quỹ Quân sự Quốc gia, hỗ trợ các sĩ quan quân đội và KGB/FSB về hưu, và cá nhân ông được Putin hậu thuẫn.

    Năm 2005, Petrishchev được bầu làm thành viên của Hội đồng Sĩ quan Cấp cao hoặc VOS. Hội đồng gồm mười một thành viên này đại diện cho nhóm các sĩ quan quân đội, FSB, tình báo Đối ngoại, và MVD (Bộ Nội vụ) theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phần lớn đã về hưu, cũng như các nhà lãnh đạo cộng đồng dân Cossacks. Có lẽ nhất là, Petrishchev, một sĩ quan phản gián quân đội chuyên nghiệp, không phải là một thành viên thật sự của VOS nhưng đóng vai trò giám sát các hoạt động của nó từ bên trong. Ông cũng là một thành viên của Quỹ Tư Vấn Phát triển Khu vực, giúp chính phủ trong việc ra các quyết định về kinh tế và chính trị và phân bố các nguồn Quỹ của chính phủ.
    hk111333 thích bài này.
  10. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Có một đại diện của phản gián quân đội trong chính quyền của Tổng thống Nga Dmitrii Medvedev hiện nay (thời điểm xuất bản cuốn sách-ND): Thượng tướng Vladimir Osipov, người đã gây dựng sự nghiệp qua nhiều phòng ban phản gián quân đội KGB, bao gồm cả Quân khu Moscow. Từ năm 1991 cho đến năm 1998, Osipov làm việc tại Cơ quan Liên bang về truyền thông và Thông tin của Chính phủ (trước đây là một bộ phận của KGB), chủ yếu là chỉ huy bộ phận Nhân sự. Từ năm 1998, Osipov đứng đầu Cục tổ chức Cán bộ trong chính quyền ba đời tổng thống Nga: Boris Yeltsin, Vladimir Putin và cuối cùng là Dmitrii Medvedev. Nói cách khác, từ năm 1998 trở đi, việc lựa chọn cán bộ trong bộ máy chính quyền đã được kiểm soát bởi siloviki, một nhóm các cựu sĩ quan cao cấp KGB hiện đang nắm quyền lực ở Nga, với Vladimir Putin là người đứng đầu. Năm 2009, khi tái cơ cấu chính quyền, Tổng thống Medvedev đã bổ nhiệm Osipov làm Cục trưởng Cục xét tặng Giải thưởng của Chính phủ, trước đó là một bộ phận của Cục tổ chức Cán bộ.

    Năm 2008, Tổng thống Nga Medvedev đã bổ nhiệm Giám đốc FSB mới: Tướng Aleksandr Bortnikov, một cựu nhân viên KGB (năm 2003-2004, ông đứng đầu chi nhánh FSB tại St. Petersburg) có quan hệ chặt chẽ với Putin. Tuy nhiên vị Giám đốc mới đã không thực hiện bất kỳ sự thay đổi nghiêm trọng nào trong FSB, và vào năm 2011, Thượng tướng Aleksandr Bezverkhny vẫn tiếp tục đứng đầu Cục phản gián quân đội của FSB, hoặc được gọi là UKVR từ năm 2001. Ngày 25 tháng 5 năm 2005, Bezverkhny công bố một tượng đài mang tên 'Vinh quang của ngành Phản gián quân đội' trong sân của một ngôi biệt thự của Cục Phản gián quân đội tại Quân khu Moscow, số 7 đường Prechistenka ở trung tâm Moscow. Ngoài ra còn có một bảo tàng lịch sử nhỏ, dành riêng về ngành phản gián quân đội trong tòa nhà này. Theo báo chí, hầu hết khu triển lãm của nó đều dành riêng cho SMERSH. Rõ ràng là, các cơ quan an ninh Nga đều tự hào tôn vinh SMERSH và các hành động tàn bạo của nó như là một phần trong lịch sử của họ.
    hk111333 thích bài này.

Chia sẻ trang này