1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sổ tay violin.

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi gun_ho, 22/01/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. gun_ho

    gun_ho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/03/2005
    Bài viết:
    84
    Đã được thích:
    1
    Bác CoDep.
    Tôi có làm thử hai cái nhưng không hài lòng tí nào bác ạ. Phần thì không ở ngay nơi có gỗ thích hợp, phần thì thiếu nhiều dụng cụ. Hiện tại, muốn mua gỗ tôi phải mua qua internet từ tonewood.sk (Tiệp) Vì mua online nên chỉ nhìn hình và giá tiền rồi mua nên nếu nói là chọn gỗ thì không đúng. Hên thì có gỗ tốt, xui thì chịu thua nên tôi không còn ý định làm nữa. Giờ đây, tôi thường mua những cây đàn rẻ tiền được làm cuối thế kỷ 19, loại Strad copy mà hiện nay nếu bác vào eBay sẽ thấy bán khá nhiều.
    Mua về, tôi tháo mặt đàn ra, điều chỉnh lại độ dày theo tài liệu và kinh nghiệm có được. Kết quả cũng rất khả quan vì những cây đàn ấy tuy ngày xưa khi làm ra được làm một cách cẩu thả nhưng qua thời gian lâu dài. Gỗ đã rất khô và ổn định nên giờ đây đã có thể cho một âm thanh khá tốt nếu mình bào lại mặt đàn theo đúng tiêu chuẩn.
    Tôi cũng post lên hình cây Strad được bán ra năm ngoái với giá 3.5 triệu. Nhìn vào, các bạn sẽ thấy người ta dùng tail piece và fittings bằng boxwood (cho nhẹ) Hình này bạn có thể zoom sát để nhìn thấy thớ gỗ của nó. Nhớ để ý tới String after length nha.
    Còn hình hai là bản sao lại độ dày của một cây Strad khác, nếu tôi nhớ không lầm thì đây là cây "Soil" Strad của Perlman.

    [​IMG]
    [​IMG]
  2. yeudieuthucnu

    yeudieuthucnu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/01/2003
    Bài viết:
    20
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bài viết của bác gun_ho
    Bài của bác rất bổ ích và có chiều sâu. Có vẻ bác cũng rất cẩn thận nữa. Nhiều điều về violin mà em chưa biết. Em cũng chưa từng dám làm đàn hay sửa lỗi lớn của violin.
    Mong bác post tiếp để mọi người tham khảo.
    Em chống cây chống - Việt Nam hay gọi là " am"- toàn dùng 1 cái kim băng và 1 chiếc kéo đầu tròn.
    Có 1 điều em thấy là không hẳn cứ thớ gỗ mặt đàn dày là hay. Vì thực tế em gặp nhiều cây violin thớ gỗ không dày mà âm thanh vẫn hay bác ạ.
  3. gun_ho

    gun_ho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/03/2005
    Bài viết:
    84
    Đã được thích:
    1
    Chào bạn Yeudieuthucnu.
    Cám ơn bạn (cô?) đã có lời khuyến khích. Ngày còn bé tôi cũng gọi cây chống này là cây "am" (âme _tiếng Pháp :linh hồn). Sau này vì phong trào tiếng Anh lan rộng nên tôi ngại không dùng chữ này nữa vì sợ các bạn trẻ không hiểu. Hơn nữa, vì phải giao tiếp nhiều với người nói tiếng Anh nên nay tôi thường gọi nó là sound post hơn.
    Các người bạn làm đàn mà tôi quen biết hiện nay thì họ ưng nhất là loại gỗ có từ 38 tới 40 sớ trong một inch. Như vậy, có lẽ là sớ gỗ nhỏ thua 1mm một tí ti. Cũng có người khuyên là chừng 1mm là tốt nhất. Có người lại nói là sớ dày hay thưa đều được, quan trọng là độ cong của mặt đàn (arching) phải thích hợp với sớ gỗ
    Tuy nhiên, nhìn lại các nhà làm đàn trứ danh nước Ý như Testore hay Guadagnini thì ta có thể thấy là đàn của các ông này sớ hơi thưa hơn. Âm thanh vẫn hết sức hay. Riêng trong mớ đàn tạp nhạp mà tôi có thì cũng có những cây sớ thưa và âm thanh rất vang, tuy nhiên, không đủ độ ngọt ngào quyến rũ như những cây sớ dày.
    Ngoài ra, tôi cũng có một nhận xét là : Dường như sớ gỗ dày hay thưa sẽ thích hợp với loại đàn tương ứng. Thí dụ cello có âm vực trầm thì thích hợp với sớ gỗ thưa, viola thích hợp với sớ gỗ trung bình và violin thì thích hợp với sớ dày.
    Đây là hình mặt đàn cello của Montagnana. Các bạn có thể nhìn thấy sớ gỗ hoàn toàn thưa hơn violin rất nhiều.
    [​IMG]
    Fingerboard scoop.
    Là bào cho phím đàn lõm xuống chút. Làm lõm xuống thì có ích gì ? Xin các bạn kiên nhẫn đọc hết nha.

    Thỉnh thoảng các bạn cầm cây violin lên như kiểu Guitar, dùng ngón tay phải bật giây và chơi vài nốt. Nếu để ý kỹ, thỉnh thoảng bạn nghe có nốt hơi bị rè, âm thanh không trong như các nốt kia. Như vậy có nghĩa là mặt phím ngay tại đó không đều.
    Cái gì đã làm cho âm thanh bị rè như vậy ?
    Khi ngón tay bạn bấm xuống giây đàn, giây đàn sẽ chạm vào mặt bàn phím và giây đàn và bàn phím sẽ tạo nên một góc. Góc này rất nhỏ và nếu góc này quá nhỏ thì phần đầu giây đàn khi rung sẽ chạm vào một phần của bàn phím ngay kế ngón tay của bạn. Sự chạm giây này làm cho âm thanh bớt trong sáng. Điều này, chúng ta nhận ra dễ dàng khi dùng tay bật giây (pizz) Nếu kéo bằng vĩ thì khó nhận ra hơn.
    Những cây đàn mới xuất xưởng, bàn phím mới tinh từ máy bào ra, thẳng băng như thước thợ. Nếu để nguyên như vậy mà chơi thì nếu bạn tinh ý sẽ nghe thấy âm thanh ở các thế 1,2,3 không trong trẻo như ý. Vì sao ? Vì góc độ giữa giây đàn và bàn phím quá nhỏ. Mỗi nốt đều hơi rè một tí, đôi khi ta chỉ cảm nhận được mà không hiểu tại sao.
    Để làm cho âm thanh trong sáng hơn, gia tăng cái góc nhỏ xíu kia lên tí chút cho âm thanh trong sáng hơn, người thợ phải bào mặt bàn phím xuống chút ngay ở quãng giữa của bàn phím.
    Xin các bạn xem hình.
    [​IMG]

    Hình này, tôi chụp một bàn phím cũ đã được tháo rời khỏi cây đàn. Tôi dùng một cây thước thợ cặp vào bàn phím và chụp trước ánh đèn để các bạn có thể thấy ánh sáng giữa bàn phím và cây thước, đó là khoảng lõm vào của bàn phím. Chính nhờ bàn phím được làm lõm vào như thế, phần đầu của giây đàn dưới ngón tay sẽ cùng bàn phím tạo ra một góc lớn hơn và nhờ đó, âm thanh sẽ trong sáng hơn.
    Nếu các bạn muốn làm điều này cho chính cây đàn của mình thì sau đây là các điều cần thiết. Dĩ nhiên, các bạn không có cái bào chuyên nghiệp của thợ đàn. Bạn có thể dùng con dao thật bén, loại dao lưỡi thật mỏng người ta vứt bỏ khi dùng xong.
    _Vì giây G là giây có độ rung rộng (chu kỳ rung thấp) nên bạn cần phải cạo lõm xuống nhiều hơn tại khu vực giây này, cạo xuống 1.5mm tại khoảng giữa là đúng.
    _Giây E rung hẹp nên dưới giây E chỉ cần 0.5
    _Nếu chưa làm bao giờ, bạn phải đếm khi cạo. Thí dụ, bạn cạo lần đầu từ gần sát đầu bàn phím này tới đầu kia, đếm 1. Bạn nhích dao lùi một tí và phần bạn cạo sẽ ngắn hơn lần đầu 2cm (mỗi đầu ngắn hơn 1cm) bạn đếm 2, lần ba ngắn hơn lần 2 thêm 2cm nữa và cứ thế cho đến khi bạn chỉ còn 5 hay 6 cm ở ngay khoảng giữa thì lúc ấy có lẽ bạn đếm được 10 hay 12. Nhìn lại bàn phím bạn sẽ thấy dao bạn đã đi qua phần giữa 10 (12) lần, phần hai đầu bạn mới chỉ cạo có 2 lần. Chính nhờ vậy mặt bàn phím của bạn sẽ là một đường cung đều đặn.
    _Nhớ cạo nhẹ nhàng và thật đều tay. Thỉnh thoảng, bạn nên ngưng lại và dùng thước thật thẳng để kiểm soát độ cong của bàn phím.
    _Khi đã cảm thấy gần đạt yêu cầu, bạn dùng giấy nhám nguyên tấm loại nhỏ hạt (220) rà lại toàn bộ bàn phím.
    _Bạn nhớ là dùng nguyên tấm giấy nhám lớn, hai tay cầm hai bên và rà thật đều.

    Sau khi gắn giây và chơi thử thấy vừa ý, bạn nhổ lên bàn phím một bãi nước bọt (heh heh) dùng giấy nhám nhỏ hạt nhất (tôi dùng loại 2000.) chà cho láng.
    Chúc các bạn thành công.
  4. Fallingleaf

    Fallingleaf Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/08/2007
    Bài viết:
    80
    Đã được thích:
    0
    Lúc đầu tiên, đọc thấy bác Gun_ho nói có 70 cây đàn Violin, nghĩ chắc bác này viết thừa 1 con số 0 Giờ thì cháu tin rồi ạ, hâm mộ bác Gun_ho quá...Mong bác tiếp tục đóng góp!
    Thân!
  5. anhvery35

    anhvery35 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2007
    Bài viết:
    306
    Đã được thích:
    1
    Bàn vui tí , 70 cây violin và 70 cô gái đẹp , bạn chọn bên nào
  6. emilytears

    emilytears Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/09/2006
    Bài viết:
    367
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn 2 bác Gunho va Codep nhiều. Topic rất hay !
  7. anhvery35

    anhvery35 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2007
    Bài viết:
    306
    Đã được thích:
    1
    Bác Gunho , bac Codep đàn hay , các bác up clip lên youtube cho tụi em nghe với !
  8. gun_ho

    gun_ho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/03/2005
    Bài viết:
    84
    Đã được thích:
    1
    Wolf Notes _Những nốt "sượng".
    Trước hết, tôi xin lỗi vì phải dùng Tiếng Anh, vì tôi không biết từ tương đương trong tiếng Việt. Bạn nào có thể giúp dùm, xin cám ơn.
    Trong gia đình đàn kéo bằng vĩ, từ contrebass, cello, viola và violon, thỉnh thoảng các bạn sẽ nhận thấy cây đàn mình chơi có những nốt nhạc dường như muốn chống đối, muốn tạo phản, không chịu phát ra âm thanh mà ta mong đợi.
    Vì những nốt nhạc này phát âm nghe rất nghẹn ngào, dằng co, thê thảm như tiếng sói gọi bầy đêm đông trong truyện xưa của Jack London nên người ta gọi là wolf tone, wolf notes (âm sói, nốt của sói).
    _Trên đàn cello, các bạn thường gặp wolf tone ở nốt F hay F#, trong âm vực một quãng sáu trưởng hay một quãng bảy của nốt G (giây G).
    _ Trên viola, nốt này thường gặp ở nốt A, may mắn cho các violist, đây cũng là giây buông nên các tay chơi viola ít khi đau khổ vì bị sói gặm.
    _Trên đàn violin, nốt này thường thấy ở nốt B, Bb, giây G thế thứ 7. (Bạn nào chơi Tzigane của Ravel là biết tay ngay) Đôi khi, tệ hại hơn, bạn có thể gặp nó ngay tại nốt B hay Bb ở ngay trên giây D thế thứ 3.
    Thông thường thì các đàn hay, đàn tốt lại hay gặp vấn đề này. Đàn kém chất lượng thì ít bị hơn nhưng nếu đã bị thì bị rất nặng, bị thê thảm hết thuốc chữa.

    Bạn nào chơi đàn khá lâu, có cây đàn tốt sẽ nhận ra là đôi khi, bạn đang nói chuyện, cười đùa hay làm gì đó vô tình tạo ra một âm thanh thì bỗng nhiên, bạn nghe thấy có tiếng vang từ cây đàn bạn đang để đâu đó trong góc phòng. Dường như là cây đàn của bạn muốn lên tiếng, cảm ứng với âm thanh mà vô tình bạn mới tạo ra. Đúng vậy, cây đàn violin yêu quý của bạn có một sự nhạy cảm với một chu kỳ rung nào đó và nó muốn lên tiếng, muốn cộng hưởng với âm thanh có cùng chu kỳ rung như nó. Và đó là nguyên nhân sinh ra wolf note.
    Dĩ nhiên, đàn dở chẳng chịu cảm ứng với chu kỳ nào cả nên cũng chẳng có wolf note trên những cây đàn này. (chu kỳ : frequencies)

    Lý do :

    Một cây đàn violin sau khi được set up ngựa đàn, gắn giây đàn, được điều chỉnh tail piece, cây chống, string after length, rồi cọng vào với tất cả các món như chin rest (miếng kê cằm) vi chỉnh v.v...nó sẽ cảm ứng với một chu kỳ nào đó. Nếu chu kỳ này là một chu kỳ gần sát với chu kỳ rung của nốt nhạc bạn muốn chơi, wolf note sẽ xuất hiện.
    Thí dụ cây đàn của bạn cảm ứng với chu kỳ 470, là chu kỳ gần sát với chu kỳ của Bb (466.16) thì khi bạn chơi nốt Bb, cây đàn sẽ "đòi" rung theo chu kỳ của nó. Bạn thì muốn 466.16 trong khi đó nó muốn theo 470 là chu kỳ nó thích hợp.
    Lúc đó ngay trên bản thân cây đàn sẽ chia làm 2 phe, một phần rung theo nốt nhạc bạn đang ra sức kéo, phần kia của cây đàn cố rung theo chu kỳ của bản thân nó. Từ sự dằng co giữa hai chu kỳ này, bạn sẽ nghe một âm thanh nghẹn ngào, thê thảm như sói gọi bầy.
    Đừng nghĩ là cây đàn không chịu phát âm, ngược lại lúc ấy là lúc cây đàn rung động mãnh liệt nhất. Nếu bạn nhờ một người khác chơi hộ, bạn có thể dùng đầu ngón tay sờ lên mặt đàn, chừng 35mm dưới lỗ F bên giây G, bạn sẽ nhận ra ngay tại đó là nơi đang nổi loạn. Sau khi tìm ra khu vực này, bạn đè đầu ngón tay mạnh hơn chút ít sẽ thấy là wolf tone biến mất.
    Cách chữa :

    Sau khi đã biết nguyên nhân gây ra thì nay ta chỉ cần làm sao thay đổi sự cảm ứng của cây đàn, làm cho cây đàn cảm ứng với một chu kỳ của một nốt nhạc có ghi trên giấy. Nghĩa là làm cho cây đàn cùng cộng hưởng hài hoà với nốt nhạc ta muốn chơi. Hay là làm cho cây đàn trơ ra tí, không còn cảm ứng với chu kỳ nào cả.
    1 _Cello :
    *Sau khi đã tìm ra khu vực "nổi loạn" trên mặt đàn, người ta dùng một đồng xu nhỏ dán vào bên trong , ngay bên dưới điểm đó. (bên trong mặt đàn)
    * Dùng một vật nặng bằng đồng bên hông có con vít nhỏ, gắn vào giây đàn ở đoạn string after length của giây G hay D để thay đổi sự nhạy cảm của nó. Nhớ di chuyển cái cục này lui tới để tìm ra vị trí tối ưu.
    *Khi chơi tới wolf note, người cellist có thể kẹp mạnh hai đầu gối mình lại để ép thân đàn chút ít. Nhờ vậy, wolf note sẽ tạm thời biến mất. (Phê quá !!! lâu lâu lại phải khép háng, không mê tí nào).

    2 _Viola : Như đã nói, wolf note trên viola thường nằm trên giây A buông nên không là vấn đề. Nếu có, xin xem chung với violin.
    3 _ Violin :
    * Dùng một miếng gỗ nhỏ hình quả trám dán vào bên dưới khu vực "nổi loạn" của mặt đàn. (kích thước mảnh gỗ này lớn hay nhỏ tuỳ vào wolf note quá tệ hay chỉ là chút ít).
    *Đưa cây chống (sound post) sát chân ngựa đàn.
    *Khoan lỗ bên dưới tail piece rồi đổ chì vào cho tail piece nặng hơn.
    *Dùng hiệu giây đàn khác (Tôi có cây đàn nếu dùng giây Pirastro Obligato thì bị wolf tone, thay qua giây Thomastik thì hết).
    *Dùng một cái Sourdine nhỏ loại bằng giây kẽm gắn lên string after length.
    *Thay chin rest nhỏ hơn hay lớn hơn.
    * Điều chỉnh string after length ngắn lại.
    Ghi chú :
    Dĩ nhiên bạn không cần phải làm tất cả các điều trên mới cải thiện được vấn đề. Đôi khi chỉ cần thay giây loại khác là đủ. Các bạn cũng có thể vào google tìm chữ wolf tone eliminator để biết thêm.

    Được gun_ho sửa chữa / chuyển vào 12:28 ngày 27/01/2008
  9. gun_ho

    gun_ho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/03/2005
    Bài viết:
    84
    Đã được thích:
    1
    Mài chân ngựa.
    Bề mặt tiếp xúc giữa chân ngựa và mặt đàn góp phần rất quan trọng trong sự phát âm của cây đàn. Nhìn vào đó, ta cũng còn có thể đánh giá tay nghề của người thợ đàn nữa.
    Tôi sẽ không bàn đến gọt ngựa mỏng hay dày, khoét hông ngựa ra sao, điều chỉnh thế nào vì mỗi con ngựa đàn hầu như đều khác nhau về chất liệu gỗ, hơn nữa, một cây đàn đều có một âm thanh riêng biệt và đòi hỏi một con ngựa được gọt khác nhau. Nên vì thế, bài này tôi chỉ thu gọn trong cách mài chân ngựa mà thôi. (Đó là chưa nói mỗi người còn có thể thích một loại âm thanh khác nhau nữa).

    Khi bạn có một con ngựa mới, bạn tháo ngựa cũ ra, kẹp ngựa cũ bên cạnh ngựa mới và dùng bút chì đồ lại hình dáng của ngựa cũ lên ngựa mới. Nhờ vậy, hình vẽ bút chì này sẽ lớn, cao hơn ngựa cũ chút ít mà nhờ đó ta có thể từ từ điều chỉnh nhỏ lại về sau.
    Theo đường vẽ trên chân ngựa mới, bạn dùng dao bén cắt gần đúng theo đường vẽ. Dùng một miếng giấy nhám chừng nửa bàn tay, loại hạt trung bình 180 hay 220 đặt lên khu vực chân ngựa đàn, mặt nhám xoay lên trên. Đặt ngựa mới lên đúng với tư thế tối ưu của nó và căng giây đàn lên chút ít, khi bốn sợi giây đàn đã đè ngựa mới xuống ngay ngắn là được. Xem hình.
    [​IMG]
    Một tay bạn giữ tờ giấy nhám cho nó nằm cố định, tay kia bạn di chuyển ngựa qua lại theo chiều ngang. Nhớ đừng di chuyển quá nhiều, chừng 1cm là được. Khi đang mài, bạn luôn chú ý đừng để cho ngựa nghiêng về phía trước hay sau.
    Bạn nhớ luôn kiểm soát chiều dày còn lại của chân ngựa, thỉnh thoảng bạn lấy tờ giấy nhám ra để xem thử chân ngựa mới đã tiếp xúc toàn vẹn với mặt đàn hay chưa.
    Khi đã cảm thấy hài lòng, bạn dùng một lưỡi dao thật bén, loại lưỡi cong, bạn cạo nhẹ phần trong của bề mặt tiếp xúc của chân ngựa sao cho bề mặt này lõm vào tí. Nhớ cẩn thận đừng chạm vào phần cạnh.
    [​IMG]
    Trước khi gắn vào đàn và lên giây chơi thử, bạn nhớ liếm ướt bề mặt chân ngựa, nước bọt sẽ giúp cho gỗ mềm ra và tạo thành một bề mặt tiếp xúc tối ưu.
    Ghi chú :

    _Với những đàn cũ, mặt đàn ngay tại vị trí chân ngựa đã hơi bị lõm vào. Bạn cần dùng giấy than (loại giấy đánh máy mà ta dùng cho bản sao) hay dùng phấn (loại thợ may dùng) đặt (bôi) lên ngay trên mặt đàn, để ngựa lên, xem lại vết than hay phấn tên bề mặt chân ngựa để rà soát lại bề mặt tiếp xúc.
    _Trong khi làm những thao tác trên, bạn nhớ dùng một mảnh vải mềm lót vào bên dưới tail piece để bảo vệ mặt đàn.
    _Trong hình một, bạn có thể thấy ngay dưới giây E tôi dùng một miếng velum nhỏ dán vào để bảo vệ cho ngựa không bị giây E cắt.

  10. martenzi

    martenzi Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    28/07/2002
    Bài viết:
    806
    Đã được thích:
    0
    Hic, bác gun_ho mà ở VN thì em nhờ chỉnh đàn 1 tí.
    Đàn em ko dám cho ai đụng vào từ dạo mang ra tiệm đàn nổi tiếng nhất SG - Tiến violin . Mang đàn ra,các mợ phán 1 câu "đàn này vứt sọt rác đi ". Rồi cứ thế mà tách đàn làm đôi. Xót ơi là xót. Em về mày mò tự sửa nhưng kết quả em biết là chưa chuẩn lắm, chưa phát huy hết âm thanh nhưng đành phải thế . Hehe, nhưng ít ra ai cũng khen tiếng đàn ấm . Nếu mà đặt vào tay bác nào lành nghề thì chắc là tiếng sẽ hay lắm !!!

Chia sẻ trang này