sống tốc độ Dù chỉ chiếm 1% dân số, song tầng lớp SV cũng như một xã hội thu nhỏ. Trước nhịp sống gấp gáp của nền kinh tế thị trường, nó cũng nhiều thời cơ và đầy rẫy nguy cơ. Một cái gì, tạm gọi là một kiểu "sống... tốc độ" đang diễn ra trong một số SV: ăn nhanh, học nhanh, yêu nhanh, bỏ nhanh, chơi nhanh, nghiện ngập cũng nhanh. Nhịp sống nhanh khiến cho những SV thiếu bản lĩnh và lý tưởng không đủ thời gian để điều chỉnh hành vi của mình. Và họ cứ lao đi... Kỳ 1: Dân chơi Nghe tít bài cũng đủ hiểu đây không phải nói tới những người nổi tiếng về học, càng không phải về làm thêm hay khó khăn gì cả. Những SV này có sự phân biệt với các SV khác ở chỗ, họ chơi ở mức công nghệ cao đến độ bài viết cũng chỉ phần nào giúp bạn biết là có những SV như thế mà thôi. Trang bị vỏ ngoài Đó là điều đầu tiên và gần như quan trọng nhất để phân biệt dân chơi và dân... ngoài. Đó còn là mực thước, là vấn đề được dân chơi dựa vào mà có thái độ cư xử, để đánh giá về nhau và "hạ mục vô nhân" với thiên hạ. Nhìn qua, bạn có thể không để ý, hoặc cùng lắm bạn cũng chỉ nghĩ: Chàng kia, nàng kia ăn mặc đẹp. ờ, cái quần bò đẹp đấy, cái áo cũng có vẻ hợp... Nhưng bạn sẽ đau thót tim ngay nếu có ý định mua một trang phục như họ. Đơn giản vì họ toàn chơi đồ hiệu. Nôm na là dùng các sản phẩm của các hãng nổi tiếng thế giới và trang phục theo cách của các ngôi sao thế giới. Quần, vâng, mặc quần đầu tiên, chí ít cũng phải mác Levi's chính hiệu, giá khoảng 750.000 đ một chiếc. Nhích hơn là mác Versace mà giá áp chót là 800.000 đ. Tuy nhiên nếu có một dân chơi mặc quần giá tới 2 triệu đồng thì bạn nên tin, vì đó là sự thật. "Kém tắm" nhất là dùng đồ nhái như thật, thì rẻ cũng vứt đi tới 400.000 đ một quần. Tương tự như thế là áo. Một sơ mi cổ ve chó hiệu Versace chỉ có hơn 300.000 đ, một áo phông cộc tay của các hãng thể thao từ 125.000 đến 350.000 đ. Dân chơi giẫm chân lên bao nhiêu tiền? Nếu là dép lê Nike thì 500.000 đ, nếu là giày Under Ground kiểu khủng bố thì khoảng 1.200.000 đ, còn kiểu Doctor rẻ hơn: 1 triệu đồng. Ngược lên đầu, họ đội mũ lưỡi trai trông y như mũ thường 15.000 đ mà ta vẫn hay mua. Nhưng bạn đừng giật mình, vì là đồ xịn nên giá từ 100.000 đ đến 300.000 đ. Ngoài ra còn nhiều vật dụng khác đeo bám trên cơ thể như bật lửa Zippo, thắt lưng Duhill, đồng hồ Rollex, Swatch... Mặc một tài sản, dân chơi còn ngồi trên một tài sản lớn hơn. Đó là xe máy: Yêu cầu là mới, mốt, đắt. Spacy, FX, Rebell, Wave 110, Reebok cùng đinh cũng phải là Max kính coong. Chưa hết, nếu là con gái, dân chơi phải có môi tím đen kiểu Hàn Quốc, tóc nhuộm, đeo lắc vàng, bạc ở cổ chân. Hàng tuần đến các cửa hiệu để dũa tỉa móng tay, móng chân. Mát xa da mặt, xăm tỉa mi mày. Vì ăn mặc như vậy nên dân chơi ít khi "hạ cố" vào siêu thị hoặc các cửa hàng quần áo bình thường. Nơi họ đến là các Shop nhỏ có thể đếm trên đầu ngón tay như Lan OOng, Đồ hiệu, Tùng Lâm, Độ Dung... Nếu nhỡ bước chân vào đây, nhỡ mồm hỏi giá chiếc quần, nếu bạn ăn mặc bình thường, chủ hàng sẽ lạnh toẹt: "Đừng hỏi, cái đó đắt lắm đấy...". Chơi cho đáng mặt dân chơi Vì sao chủ hàng lại thờ ơ như thế? Vì chỉ có dân chơi mới dám bỏ ra cả đống tiền để cho các chủ hàng phải niềm nở, phục vụ họ. Thế đủ biết là vũ khí lợi hại của dân chơi. Mà chơi kiểu có tiền là không chơi với người nghèo. Ai để ý sẽ thấy những bộ cánh xa xỉ, ngào ngạt nước hoa đến và đi, không thân mật với bất cứ... thường dân nào. Dân chơi chỉ chơi với nhau. Họ gắt gỏng chủ quán phở, hạ nhục người đánh giày, nhăn mặt bịt mũi khi đi ngang qua người lao động và khinh khỉnh với tất cả mọi người không có quần áo đẹp như họ. Tan học, dân chơi ôm eo nhau chạy hàng đàn xe lên Hồ Tây, chán rồi túm tụm chuyện trò về một chỗ ăn chơi mới, sàn nhảy tối nay có cái gì, cái quần kia giá bao nhiêu... Sẩm tối, các đôi đưa nhau về nhà ăn cơm, thay một bộ mới và bắt đầu một cuộc chơi thật sự. Khởi động là chạy xe như khoe của trên đường, sau đó, thì vào sàn nhảy, thụt bida, hát karaôkê. Dân chơi không hẳn là kẻ ném tiền qua cửa sổ ở những nơi này. Bởi lẽ, tốn tiền nhất là bao gái. Mà dân chơi ai cũng có cặp. Họ ào đến, phô diễn sự giàu sang rồi lại đi. Trai giàu, gái cũng giàu, chung tiền chơi cho thành chất quýstộc. Nửa đêm, dân chơi rời sàn nhảy đi ăn đêm. Bát phở 4 lòng đỏ trứng gà, cô nàng nhăn mặt nuốt hết ba hột, gảy gảy vài cọng phở trên bàn. Sau đó là cuộc "vượt sông" giạt nhà, tức là qua cầu Chương Dương sang Gia Lâm thuê nhà nghỉ qua đêm, nói đúng hơn là chơi qua đêm. Hoặc là mỗi đôi một phòng. Họ làm gì với nhau thì chỉ có cái giường mới biết chính xác. Hoặc là cả chục người thuê một phòng để hút hêrôin hoặc uống rượu. Đã là dân chơi, con trai 100% đều có "ăn nằm với nàng Bạch Tuyết" (Ma túy), con gái 100% đều biết rượu, bia, một số còn "dính trắng" (nghiện). Bia, rượu chảy tràn, khói thuốc mù mịt, họ nằm ngồi chống đống lên nhau, công kênh nhau, mơn trớn nhau và nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ tự do cả những điều tế nhị nhất. Như trên đã biết, dân chơi có rất nhiều tiền. Nhưng chơi như thế thì không phải lúc nào cũng đủ tiền. Và thế là họ lộ ra một tính rất đặc trưng của những kẻ tiêu tiền như rác này: Ki bo. Hết tiền, họ cầm xe máy để "nuôi nhau". Nhưng xin lỗi, hôm nay mày, ngày mai tao, Hai đôi đến bàn bida. Hai chàng chơi cá độ. Hai nàng ôm eo, vỗ tay cổ vũ. Hai chàng cãi nhau, hai nàng cũng cãi nhau. Quỹ lớp, có khi không thèm đóng. Nhà ngoằng làm những người dân ngoại thành thồ rau vào thành phố bán hoảng sợ đổ kềnh càng. Dân chơi với nhau thì như thế. Còn nếu chơi với người ngoài, thì người ngoài có lẽ cũng là "đồ chơi" mà thôi. Các chàng trai thì có thú vui đi "săn bắt gái" mà toàn con gái nhà lành hoặc nhà giàu thôi. Vì sao? Vì con gái nhà giàu thường được chăm chút, thường đánh giá đàn ông qua cách họ có chăm chút được mình không. Cứ thói ích kỷ, thích được chiều chuộng mà đưa đón, tặng quà mà giã là xong. Con gái nhà lành thì ngu ngơ, cứ ra vẻ lịch sự, đường mật là dễ bị mắc bẫy. Cả hai khoản này dân chơi đều rất thạo ngón. Con gái dân chơi thì sao? Ai muốn được các nàng "hạ cố" thì tất phải nhiều tiền, nàng nhìn vào đồ gì là phải hiểu ý mua đồ ấy, thường là các anh "tóc ánh bạc, túi ánh kim". Vài chân dung Chàng L. quê ở Hải Phòng nhà rất giàu, muốn bỏ người yêu cũ để cưa cẩm H. cùng trường. H. cũng lại là dân chơi, nên L. rất lao đao về tiền. Một lần H. cần 2 triệu làm gì đó, L. lập tức cho vay. Tất nhiên H. không trả nợ, còn L. thì xót tình phí bèn quay lại với người yêu cũ. H. ngứa mắt kéo đội đến trường tình địch đánh cho cô này một trận. Cô này nhờ người nhà tới đánh cho H. tơi bời để trả thù. Chuyện thường là vậy. Q và T đẹp trai nổi tiếng vì tài đánh tráo người yêu. Nghĩa là sau vài tháng hai chàng đổi người yêu cho nhau và cả bốn người vẫn chơi thân nhau như thế. Dĩ nhiên hai nàng là dân chơi và cũng nổi tiếng vì có thể coi người yêu của bạn như người yêu của mình. Bạn cùng lớp bảo: "Loạn luân". Còn hai nàng chẳng biết xấu hổ cười: "Của tốt nhà dùng". Một dân chơi khác là con một, gia đình có biệt thự cho thuê ở Nghi Tàm, giá 2 nghìn đô một tháng, vẫn chẳng đủ nuôi cậu. Mỗi lần muốn đổi xe, cậu đặt xe, giạt nhà vài bữa. Bố mẹ vì muốn con học cho xong đại học để xóa dư luận gia đình buôn bán ít học, lại đồng ý cho tiền đổi xe. Ba năm phổ thông, một năm đại học cậu mới đi có mười một con xe. Nói tóm lại, dân chơi là con nhà giàu. Và bố mẹ vì lý do nào đó sẵn sàng cho họ tiền để con đỡ khổ. Dân chơi tiêu tiền như nước, nhưng không một ai làm ra tiền. Dân chơi là mặc đồ hiệu, đi xe đẹp, biết đặt xe, giạt nhà, hút hêrôin và uống rượu... Họ học như thế nào? Có lẽ vì viết về họ chơi quá dài nên chẳng còn gì để viết về học nữa. Vả lại, trời rất công bằng, nổi tiếng về chơi thì thôi nổi tiếng về học. Có điều như một dân thường thắc mắc: "Không hiểu sao họ vẫn lên lớp?". Vũ Hùng - Quang Huy (Theo Sinh Viên Việt Nam )