1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sống yêu thương... - Tuyển Người hỗ trợ cá nhân (Personal assistant- PA) - "Hội trái tim từ thiện Hà

Chủ đề trong 'Cuộc sống' bởi saobien_12, 17/11/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Chuyện lương y “ki bo” nhất Thái Bình

    Cuộc đời ông cũng chính như cái tên của ông vậy, đã nói thì nhất định phải làm, đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Gắn bó với nghề bốc thuốc từ lúc tóc còn ba chỏm, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn tâm niệm và răn dạy con cháu mình rằng “Chia nỗi đau với mọi người là hạnh phúc được nhân đôi”.
    Lấy thơ răn mình
    Căn nhà nho nhỏ ở ngõ 2, khu An Bình, (Vũ Thư – Thái Bình) là một địa chỉ được nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến. “Khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí”, “Chữa bệnh nan y để cứu người/Cứu người hạnh phúc của đời tôi....”. Những khẩu hiệu, những vần thơ được chủ nhân của ngôi nhà này, lương y Phạm Nhất Định trang trọng treo ở khắp nơi để tự răn mình. Bước vào căn nhà nhỏ, tiếp tục ngạc nhiên bởi khẩu hiệu “Sống: Cống hiến - Lao động - Học tập” gắn ngay trước cửa. Từ trong nhà bước ra với bộ quần áo bộ đội cũ kĩ trên người, ông Định cười hiền bảo: “Là một công dân, hơn nữa là một thầy thuốc tôi luôn tâm niệm mình đã sống thì phải cống hiến cho gia đình và xã hội, để cống hiến chúng ta phải lao động, muốn được lao động thì phải cố gắng học tập. Nếu không làm được ba điều này thì cuộc sống sẽ mất đi nhiều ý nghĩa”. Gấp lại đống sổ sách chữa bệnh, chi tiêu, ông Định trầm ngâm tâm sự.
    [​IMG]

    Bác sĩ Định bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân.
    Ông Định sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề thầy thuốc, các con ông đã là đời thứ tư. Quê gốc ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, Nam Định. Thời kháng chiến chống Pháp, ông Định theo quân du kích bị địch bắt nhốt trong nhà máy Chai Nam Định và bị tra tấn, nhưng ông kiên quyết một lòng theo cách mạng. Không lay chuyển được ý chí của ông, cuối cùng bọn chúng phải thả ông một cách vô điều kiện. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Trường Y tá Liên khu III, ông Định được cử về làm Trưởng phòng Y tế huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) rồi học dần lên bác sĩ. Năm 1969, với tư cách là chuyên gia y tế, ông được cử sang giúp đỡ nước bạn Lào. Năm 1973, ông lấy bằng Bác sĩ Chuyên khoa dân tộc và gắn bó với công việc bốc thuốc Đông y cho đến tận bây giờ.
    [​IMG]

    Người “ki bo” nhất Thái Bình

    Đang nói chuyện thì anh nhân viên bưu chính tới nói ông Định có thư. Ông cho biết đó là thư cảm ơn của một bệnh nhân trong Đắk Lắk gửi ra. Ông lục ngăn kéo lấy ra hàng trăm bức thư từ mọi miền tổ quốc gửi về cảm ơn bác sĩ Phạm Nhất Định. Trong lúc ông bốc thuốc cho một người bệnh ở Nam Định, tôi thử đặt tập thư lên chiếc cân đồng hồ thì chiếc kim chỉ 2kg.
    Nhắc đến lương y Phạm Nhất Định, người dân ở thị trấn Vũ Thư nghĩ ngay đến sự “ki bo” nổi tiếng của vị bác sĩ này. Được mời đi ăn tiệc, ông không ăn mà xin tiền mang về, quà bệnh nhân biếu ông không dùng mà đem bán lấy tiền... Ông trân trọng đồng tiền, bởi ông hiểu rằng, phải có nó ông mới thực hiện được công việc cứu giúp những mảnh đời bất hạnh suốt mấy chục năm qua. Hàng xóm, đồng nghiệp của bác sĩ Định không nhớ rõ ông làm từ thiện từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi về làm Trưởng phòng y tế huyện Vũ Thư đã thấy ông làm từ thiện rồi. Ngồi ở nhà ông vài tiếng đồng hồ, chứng kiến cảnh người chữa bệnh ra vào tấp nập tôi đã hiểu được tấm lòng bao la của ông lão. Cho đến bây giờ, những người làm việc trong Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư vẫn không quên được tấm lòng cao cả của bác sĩ Định đối đãi với “người dưng, nước lã”. Cuối năm 1982, một phụ nữ không may bị tai nạn xe máy chết gần cổng bệnh viện, trong người phụ nữ không có bất kì một giấy tờ tùy thân nào. Thấy vậy, ông Định đưa người phụ nữ xấu số ấy vào Bệnh viện Vũ Thư tổ chức tang lễ rồi tự mình mặc áo tang thay người nhà khâm liệm.
    Lần khác, khi chương trình “Người xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam phát câu chuyện cảm động về một cô gái tên Nga vì nhận nuôi con của một người bạn từ thời sinh viên mà phải chịu không biết bao nhiêu tủi nhục, ông Định cảm động lắm. Ông thuyết phục vợ bán chiếc nhẫn mà con gái tặng được 1,8 triệu đồng, sau đó ông phụ thêm 100 nghìn đồng gửi tặng cô gái đó nuôi con cùng một lá thư động viên. Khi tôi hỏi kỉ niệm khó quên trong đời thầy thuốc của mình, mắt ông Định ánh lên một niềm vui: “Với tôi cứu giúp được một người là có một niềm vui. Nhưng kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là đầu năm 2003. Hôm đó, tôi đang nghỉ trưa thì nghe thấy tiếng khóc rất thảm thiết của một đứa trẻ. Với kinh nghiệm thầy thuốc của mình, tôi nhận ra ngay là tiếng khóc của người bị bệnh. Ra ngõ, tôi thấy một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang bế trên tay một đứa trẻ ốm yếu. Qua trò chuyện tôi biết được con chị ấy bị bệnh viêm tắc động mạch, phải tháo khớp tứ chi, đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng hết tiền đành phải quay về phó mặc cho số phận. Thấy vậy, tôi chủ động nói rằng: Tôi đồng ý chữa trị miễn phí cho con chị bằng thuốc Đông y đến khi cháu khỏi bệnh thì thôi. Mặt khác, sẽ bảo lãnh chữa bệnh cho cháu suốt đời nếu bệnh tái phát. Tôi mất đi rồi, các con tôi sẽ có trách nhiệm làm công việc mà tôi đã hứa”. Ông Định vui vẻ cho chúng tôi biết cháu bé ngày đó tên là Nguyễn Thị Hiền ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư giờ đã lớn và đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Vũ Thư. Người dân sống cạnh nhà bác sĩ Định cho chúng tôi hay. Cứ đến cuối tuần là cháu Hiền lại đến thăm người ông “đặc biệt” đã cưu mang chữa trị khỏi bệnh cho em.
    [​IMG]

    Cháu Hiền trước và sau khi được bác sĩ Định chữa trị khỏi.
    Ông lão Phạm Nhất Định nay đã ở cái tuổi 80, lưng đã mỏi, gối đã chùn nhưng ông chưa một ngày nghỉ ngơi. Ông bảo còn sống ngày nào thì phải là người có ích cho xã hội ngày đó. Mỗi tháng ông nhận được 2,8 triệu đồng tiền lương hưu, 1/4 số tiền đó ông dành để giúp đỡ những người nghèo khó, trẻ em cơ nhỡ, người tàn tật neo đơn. Tiền lãi từ việc bán thuốc hàng ngày, ông bỏ lại một ít cất vào một chỗ riêng để đề phòng khi đột xuất có người khó khăn cần giúp đỡ. Mới đây, ông đã liên hệ với Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư tiến hành làm và cấp phát thêm thẻ chữa bệnh cho 72 cháu mồ côi không nơi nương tựa. Chỉ cần cầm chiếc thẻ đó đến nhà ông bất cứ thời gian và hoàn cảnh nào ông đều chữa trị và cấp phát thuốc miễn phí.
    Ngoài việc chữa bệnh cứu người, ông Định cũng tích cực tham gia các phong trào xã hội, ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thầy thuốc cao tuổi... Hằng năm ông còn dành một số tiền lớn cho phong trào khuyến học khuyến tài của thị trấn. Tôi ngỏ ý thắc mắc việc ông lấy tiền đi làm công việc “vác tù và hàng tổng này”, vợ và con ông không phản đối sao? Ông cười khà khà: “Ngày xưa bố mẹ tôi dạy tôi phải biết lấy trung làm hiếu, lấy nghĩa làm người. Cho dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ đúng lương tâm của người thầy thuốc. Giờ tôi đem đạo lý đó răn dạy con cháu mình. Bản thân các con tôi, bà nhà tôi cũng là một thầy thuốc nên mọi người đều hiểu và thông cảm công việc tôi đang làm”. Nói rồi ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ mà ông đúc kết: “Tiền bạc trên đời ai chẳng quý/Miễn đừng tâm đức hóa thành vôi...”.
    Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư, chỉ trong vòng hai năm từ 2005 - 2006 ông Định cấp thuốc cho người có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi hơn 10 triệu đồng, góp Quỹ Xóa nhà dột nát của thị trấn Vũ Thư, Quỹ Khuyến học, Quỹ Nâng cao chất lượng dân số hơn 7 triệu đồng. Dành toàn bộ 4 triệu đồng tiền Huân Huy chương cho vay giảm nghèo không thu lãi. Khám, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí cho hơn 7.000 lượt người, cấp 95 sổ khám chữa bệnh thường xuyên cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Dù tuổi cao sức yếu nhưng hàng năm bác sĩ Định vẫn dành hơn 10 triệu đồng làm từ thiện và chữa trị cho hàng nghìn lượt người...
    Nguyên Huân


    http://suckhoedoisong.vn/20100726101238178p61c89/-chuyen-luong-y-ki-bo-nhat-thai-binh.htm
  2. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    "Ông thuốc Nam"
    [​IMG]
    KTNT - Đó là tên gọi thân mật mà bà con ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội (Cai Lậy - Tiền Giang) dành cho ông Trần Văn Truyền (Năm Truyền) dù ông chưa một lần cầm tay bắt mạch hay kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh. Cái tên này xuất phát từ công lao trong việc gây dựng phong trào trồng thuốc Nam làm từ thiện ở địa phương của ông. Chuyện bắt đầu từ năm 1998, khi ông Năm Truyền đảm nhận chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) xã Tân Hội. Vốn là người ưa hoạt động, thích tìm hiểu về các cây thuốc Nam, ông Năm bắt đầu những ngày say sưa nghiên cứu từng bài thuốc, loài dược liệu... với ước mơ biến Tân Hội thành cơ sở trồng thuốc Nam lớn. Ông còn “tận dụng” vị trí của mình để vận động bà con tham gia HCTĐ và tích cực trồng cây thuốc Nam để chữa bệnh miễn phí cho những nông dân nghèo. Từ chỗ không có hội viên nào, sau hơn 10 năm kiên trì vận động, đến nay, ông Năm đã lập được 7 chi HCTĐ với gần 800 hội viên và 5 cơ sở bốc thuốc Nam, chuyên bốc thuốc miễn phí cho bà con trên địa bàn xã và các vùng phụ cận. Hiện, tuy không còn giữ chức Chủ tịch Hội nữa nhưng việc sưu tầm, tìm kiếm và trồng cây thuốc Nam vẫn là niềm say mê của ông.
    Ông Năm kể: “Nghỉ hưu về làng, thấy bà con mình nghèo, nhiều người bị bệnh mà không có tiền mua thuốc, tôi xót xa lắm, trong khi nguồn dược liệu từ thiên nhiên lại phong phú vô cùng. Làm gì để bà con hết bệnh mà không khốn đốn bởi đồng tiền là nỗi trăn trở thường trực trong tôi...”. Thế rồi, ông Năm tìm đến bạn bè cũ như các ông Bảy Chí, Tư Gấm, Hai Ngữ... bàn cách tổ chức, vận động để thành lập các chi hội bốc thuốc Nam miễn phí cho bà con trong xã. Những ngày đầu thật gian nan, ông Năm vừa tìm hiểu, vừa đi sưu tầm cây thuốc. Có thuốc rồi, ông lại hì hụi thái, phơi khô, đóng bao cẩn thận để đem xuống từng điểm bốc thuốc từ thiện. Ông hào hứng kể: “Tôi làm không biết mệt vì niềm vui của bà con đã truyền sang mình từ lúc nào. Ai bốc thuốc ở đây, uống hết bệnh cũng đều báo tin cho tôi, tôi lại khoe với anh em trong Hội. Tiếng lành đồn xa, bà con tìm đến các điểm bốc thuốc Nam ngày càng đông hơn. Mình làm việc vất vả mà có kết quả như vậy thì đâu phải tiếc công...”.
    Biết không còn đủ sức khoẻ để đeo đuổi việc tìm kiếm cây thuốc trong thiên nhiên, ông Năm lại mơ ước có thể chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại quê nhà. Vậy là ông quyết tâm nhân giống và trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Sau nhiều thất bại, đến nay, nhiều cây thuốc Nam quý như: mướp gai, lức cây, chó đẻ, cỏ xước, từ bi... xuất hiện khắp nơi trong làng, ngoài xã, Tân Hội trở thành vùng sản xuất cây thuốc Nam lớn. Ông Năm còn thuyết phục các cơ quan, đơn vị như trường học, trạm xá, UBND xã... trồng cây thuốc Nam trong khuôn viên. Thậm chí, những mảnh đất nhỏ ở lề đường, mé sông cũng được tận dụng. Nhờ cách làm này, ông không còn phải lo lắng tìm nguồn thuốc cho các cơ sở bốc thuốc từ thiện nữa.
    Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thuốc Nam, ông Năm giới thiệu tường tận từng cây thuốc và công dụng của chúng: “Đây là cây từ bi chuyên trị sỏi thận; lức cây có công dụng giải nhiệt; chó đẻ, mướp gai, cỏ xước... cây nào cũng là loài thuốc quý”. Chúng tôi nhìn nhau, thầm cảm phục “ông thuốc Nam”...

    Hoàng Thi

  3. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Ba chục năm vớt rác trên kênh
    Đó là việc làm tự nguyện vì cộng đồng của ông Phạm Văn Tân (Bảy Tân), 70 tuổi, ngụ tại 161D/104/45 Lạc Long Quân, tổ 25, khu phố 2, phường 3, quận 11- TPHCM
    Không hề than phiền, không hề đòi hỏi gì, suốt tháng này qua năm khác, ông Phạm Văn Tân (Bảy Tân) cứ miệt mài làm công không cho thiên hạ, những công việc mà người ta xem là nhỏ nhặt, nhếch nhác. Nhưng chính từ những công việc nhỏ nhặt đó lại rất hữu ích cho cộng đồng, xã hội.

    Vác tù và hàng tổng

    Người dân sống ở khu vực kênh Cầu Mé (phường 3, quận 11) từ mấy chục năm nay đã quen với hình ảnh một người đàn ông dong dỏng, khắc khổ, không có quần áo bảo hộ, chỉ với chiếc móc dài, hằng ngày vớt rác trên dòng kênh nước đen ngòm. Ông không phải là công nhân vệ sinh cũng không ai trả tiền cho ông, việc làm của ông chỉ xuất phát từ những điều thực tế: Thấy rác bẩn thì dọn cho sạch dòng kênh.

    Trước đây kênh Cầu Mé vốn là một con kênh đẹp, sạch và nước trong. Từ sau ngày giải phóng, người dân đến sống dọc theo con kênh ngày càng đông. Chính vì vậy mà rác thải và nước bẩn ngày càng đổ xuống dòng kênh này ngày một nhiều hơn.

    Không những vậy, rác bẩn và nước thải không qua xử lý từ các nhà máy sản xuất, các làng nghề dệt nhuộm, may mặc, lò luyện nhôm, xưởng sản xuất hóa chất thủ công ở quận Tân Bình và nhiều khu dân cư đông đúc ở phường 3 – quận 11 đổ vào dòng kênh này khiến con kênh ngày càng trở nên ô nhiễm.

    Gặp những khi trời mưa to, nước và rác thải từ con kênh không thoát kịp đã tràn lên gây ngập và ô nhiễm nặng những khu dân cư sống hai bên bờ. Khu vực Cầu Mé tiếp giáp giữa phường 3 (quận 11) và phía sau khu B của Công viên Văn hóa Đầm Sen – là nơi trũng nhất – nên thường xuyên bị nước của con kênh này tràn vào gây ngập nặng.


    [​IMG]
    Ông Tân đang vớt rác trên kênh Cầu Mé

    Không chịu được cảnh sống chung với rác thải và sự ô nhiễm nặng, ông Bảy Tân đã nhiều năm liền vớt rác tại khu vực này. Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, vẫn thấy ông lọ mọ vớt rác. Rác vớt lên được phơi khô rồi gom lại một chỗ, đến khoảng 4 giờ sáng thì ông thức dậy lo đốt rác.

    Tuy đã 70 tuổi nhưng ngày nào ông Tân cũng miệt mài với công việc vớt rác của mình. Từ 4 giờ, ông Thức dậy đi đốt rác đã thu gom, đến sáng thì chạy xe đạp đến các tiệm sắt ở quận 6 mua sắt vụn về bán lại kiếm lời từ 40.000-60.000 đồng, đến chiều, ông lại ra kênh Cầu Mé vớt rác, cứ như vậy ông đã cần mẫn với công việc trong suốt gần ba chục năm qua.

    Hết lòng vì cộng đồng

    Hiện các con ông Tân đều đã có gia đình và ở riêng, chỉ còn vợ chồng ông sống trong căn nhà nhỏ, tuy kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng ông Tân luôn say mê với công việc vớt rác không công của mình.

    Ông Phan Văn Bạch (ngụ số 161D/104/45 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) cho biết: “Nếu không có ông Bảy Tân thì con kênh này đã đặc cứng vì rác rồi chứ đâu được như bây giờ”. Ông Nguyễn Văn Đúng, tổ trưởng tổ dân phố 25, khu phố 2, cho biết thêm ông Tân đã tự bỏ tiền ra làm lan can, tay vịn hai bên thành cầu Mé và lắp 5 bóng đèn khu vực quanh cầu, vì cây cầu Mé bắc ngang đường dẫn vào khu phố này có gầm quá thấp, lại đúng chỗ khúc cua, người đi đường thường bị đụng đầu. Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường 3, nhận xét: “ Việc làm của ông Tân xuất phát từ ý thức cộng đồng, tạo cho con kênh sạch sẽ hơn để phòng tránh bệnh tật. Việc làm đó khiến nhiều người dân xung quanh noi gương và học tập”.

    Khi chúng tôi hỏi đến khi nào ông sẽ thôi làm công việc này, ông Bảy Tân nhìn chúng tôi cười: “Chỉ khi nào tôi không còn sức làm nữa thì tôi mới thôi”. Với những thành tích trong hoạt động xã hội và vớt rác trên dòng kênh Cầu Mé, hằng năm ông Bảy Tân đều được tuyên dương “Người tốt, việc tốt” trong lễ tổng kết cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư, nhiều năm liền được nhận danh hiệu “Người tốt việc tốt” của UBND phường 3.

    Bài và ảnh: PHƯỚC ĐĂNG
    (theo nld)​
  4. huylong217

    huylong217 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2010
    Bài viết:
    70
    Đã được thích:
    0
    Hướng về miền trung ruột thịt

    Hành trình miền trung – “về với lũ”
    HÀNH TRÌNH MIỀN TRUNG – “VỀ VỚI LŨ”

    Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2010

    KÍNH THƯA QUÝ VỊ!

    Tình hình mưa lũ ở miền trung Việt Nam diễn ra vừa qua khiến cho biết bao gia đình nơi đây nhà tan cửa nát. Những con người vốn đã khốn khó, nay lại phải vật lộn với dòng lũ khủng khiếp và hậu quả là sự thiệt hại thảm khốc về người và của như quí vị đã thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.
    Giờ phút này họ đang thiếu thốn tất cả mọi thứ như quần áo, chăn màn, nồi niêu, bát đĩa, lương thực, nước uống…và cả thuốc men để đối phó với dịch bệnh sau khi cơn lũ đi qua.
    Với tinh thần tương thân, tương ái, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã tự phát thành lập những đơn vị cứu trợ cho đồng bào miền trung trong tình thế cấp thiết như hiện nay, và chúng tôi nhóm “VỀ VỚI LŨ” cũng nằm trong số đó.
    “VỀ VỚI LŨ” đã tập hợp được một số tổ chức, cá nhân hảo tâm và đặc biệt là một số nhóm sinh viên tình nguyện trên tinh thần phi lợi nhuận và niềm tin vào luật “Nhân quả – Nghiệp báo”.
    “VỀ VỚI LŨ” luôn cổ vũ và sẵn sàng chuyển tiếp đến tận tay đồng bào miền Trung bất kỳ thứ gì mà Quí vị muốn chia sẻ trong cơn hoạn nạn này.
    Cổng thông tin chính thức của chương trình:
    Website: http://vevoilu.com
    Email: lienhe@vevoilu.com
    Hotline: 0912505599 (Mr.Long) * 0904663881 (Mr.Tuấn) *0982463666 (Mr Hà)
    Địa chỉ tập kết hàng:
    1. Tổng kho: NIM STUDIO – số 1 ngõ 27/2 Huỳnh Thúc Kháng – Q.Đống Đa - HN
    Hotline: 0912505599 (Mr.Long)
    2. 50mm Coffee Shop & Wedding Studio : P104 nhà A2, Ngõ 213B Xã Đàn đường Kim Liên Mới – Q.Đống Đa – HN
    Hotline:0934618074 (Mr.Đàm Linh)
    3. Kho số 2: Số 3A ngách 22/17 ngõ 49 Phố Dương Quảng Hàm– Q.Cầu Giấy – HN
    Hotline: 01687450519 (Mr.Long)
    4. Vinades.,Jsc : 67B ngõ 35 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
    Hotline: 0904762534 (Mr. Hùng)
    * Quần áo cũ, chăn, màn cũ, sách cũ, nồi niêu, bát đĩa, lương thực, nước uống…mà quý vị muốn giúp đỡ đồng bào miền Trung nhưng không có điều kiện vận chuyển đến nơi tập kết. Xin hãy cho chúng tôi địa chỉ và lịch hẹn, chúng tôi sẽ cử sinh viên tình nguyện đến tận nơi để thu nhận.
    ** VÌ NGHĨA CỬ CAO ĐẸP hôm nay của Quý vị, chúng tôi tin rằng ngày mai ông trời sẽ ban phúc lành đến toàn thể đại gia đình Quý́ vị!

    ĐẠI DIỆN “VỀ VỚI LŨ”

    Mai Thái Hà
    0982463666

    Ps: Mọi thông tin liên tục được cập nhật tại vevoilu.com
  5. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Chùa Bửu Sơn (Dốc La Ngà, Định Quán, Đồng Nai) chỉ có 01 sư & 3 ni cô nhưng nuôi đến 32 trẻ mồ côi, từ sơ sinh đến 16 tuổi (có 2 trẻ mới mấy ngày tuổi đã bị bỏ rơi); 03 người tâm thần; gần 10 cụ già không nơi nương tựa, ốm đau thường xuyên và không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Đã vậy, thứ 7 & chủ nhật hàng tuần chùa còn tổ chức bốc thuốc miễn phí & nấu cơm từ thiện cho người bệnh & thân nhân. (Vì nhà sư nói, thấy người bệnh vất vưởng thương quá không chịu được. Để họ ra ngoài ăn thì không có gì nhưng giá lại rất cao. Có người vì vậy phải nhịn đói. Đành phải cố!). Riêng 2 ngày này, chùa phải tiếp đón hơn 500 người. (Nghe đâu thầy thuốc của chùa rất mát tay, nên nhiều người từ rất xa cũng đến xin thuốc). Vì vậy, cả sư & ni đều phải làm việc quần quật suốt ngày đêm mà vẫn không sao chăm sóc tốt được gần 50 con người ấy. Với người già, người tâm thần thì đã đành, nhưng thương nhất là lũ trẻ, không người chăm sóc, đứa lớn trông đứa bé. Thiếu thốn tình thương, nên các bé lớn lên trong sự nhút nhát, thiếu tự tin,… rất tội nghiệp.
  6. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4


    103 cụ già trong ngôi chùa nhỏ

    Bà Lan, 90 tuổi, đãng trí và lãng tai nhưng rất thích kể chuyện. Hễ có người đến thăm là bà lão kéo lại bằng được, để nghe bà kể về một thời chiến tranh oanh liệt đã qua với trí nhớ không còn nguyên vẹn của tuổi già.

    http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/11/3BA22918/
    "Hồi đó nhiều máy bay lắm, bà cũng cầm súng bắn đùng đùng. Cả làng xuống hầm trú đạn", bà Lan cười móm mém kể. Nhưng một hồi sau, bà lại khóc sụt sùi: "Ba mẹ bà chết hết rồi, nhiều người chết lắm...", rồi run run kéo tà áo bà ba nâu cũ lên lau nước mắt.
    Bà Lan là một trong số hơn 100 cụ già vô gia cư đang sống ở chùa Lâm Quang, một ngôi chùa nhỏ của các ni sư ở quận 8, TP HCM.
    Vốn sống bằng nghề bán vé số, hành khất, hoặc đi lang thang, nay ốm yếu bệnh tật, không còn sức mưu sinh lại bước vào tuổi xế chiều, các cụ chọn chùa Lâm Quang làm nơi nương náu.
    Chăm sóc các bà cụ neo đơn [​IMG]Mỗi người một cảnh ngộ, các cụ bà không có gia đình tìm đến nương thân chốn cửa Phật để sống quãng đời ngắn ngủi còn lại. Ảnh: Ngoan Ngoan
    Đến sống ở chùa Lâm Quang từ 4 năm về trước, bà Nguyễn Thị Hà, 67 tuổi, quê ở Sóc Trăng cho biết, cha mẹ li dị từ khi bà là cô bé 10 tuổi. Mẹ đi bước nữa nên bà được giao cho cha nuôi dưỡng. Nhưng rồi cha cũng lấy vợ mới, không chịu nổi cảnh dì ghẻ con chồng, bà bỏ nhà đi bụi. Lên thành phố, cô bé Hà ngày ấy gia nhập một nhóm bạn bụi đời, ngày đi bán vé số, ban đêm về ngủ dưới gầm cầu.
    Cuộc sống tha phương cầu thực rày đây mai đó không được học hành và không lấy chồng nên về già bà cụ vẫn cô đơn một mình. "Hồi đó sống một mình riết cũng quen, nhưng giờ về già, nhất là lúc bệnh tật không có ai chăm sóc mới thấy tủi thân. Hai năm trước tôi bán vé số ngang qua ngôi chùa này, mấy cụ ở đây thấy thương nên rủ vào sống chung, thế là tôi ở luôn cho đến bây giờ. Trước đây tôi gầy lắm nhưng được các sư cô tận tình chăm sóc, cho ăn uống ngày 3 bữa nên giờ tôi mập hẳn ra", bà Hà kể.
    Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì chùa Lâm Quang cho biết, từ trước khi ni sư về tiếp quản ngôi chùa này đã thấy nhiều cụ già hành khất, bán vé số đến tá túc sống, ban ngày đi mưu sinh, ban đêm về ngủ. Thấy hoàn cảnh các cụ đáng thương, sư cô ngỏ ý mời các cụ ở lại đây để tiếp tục chăm sóc. Từ đó đến nay đã 15 năm và ngày càng có nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật tìm đến nơi này nương nhờ cửa từ bi.
    [​IMG]Huỳnh Thị Kiều Thanh cười thật tươi. Ảnh: Ngoan Ngoan
    Một trường hợp ngoại lệ ở ngôi chùa này là em Huỳnh Thị Kiều Thanh, 19 tuổi, bị bại não từ hồi 8 tháng tuổi. Mặc dù còn trẻ nhưng do hoàn cảnh mất cha mẹ từ nhỏ nên Thanh được sư trụ trì nhận về nuôi. Căn bệnh bại liệt khiến cô bé suốt ngày phải nằm bất động trên giường, nhưng vừa nghe nói có ai đến thăm, Thanh nằng nặc đòi mọi người đỡ lưng ngồi dậy để được trò chuyện.
    Thanh tâm sự: "Nghĩ lại em thấy có nhiều người khác còn đáng thương hơn mình nên em tự hứa với lòng sẽ cố gắng sống và học hành thật tốt để cuộc đời có ý nghĩa. Như thế cha em ở suối vàng mới yên lòng được".
    Nhờ bàn tay chăm sóc, vỗ về của các ni cô, Phật tử cũng như các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, bạn trẻ tình nguyện, cuộc sống của những con người kém may mắn ở chùa Lâm Quang hiện nay đã đỡ vất vả mà vui vẻ, lạc quan hẳn lên.
    Sư cô Huệ Tuyến cho biết thêm, cô vừa xây xong một ngôi nhà mới hơn cho các cụ. Hiện nay nhà chùa vẫn hàng ngày mở rộng cửa đón những người có hoàn cảnh kém may mắn đến nương nhờ. "Tất cả các cụ khi có giấy của chính quyền địa phương chứng nhận không có người thân chăm sóc hoặc mất sức lao động thì sẽ được nhà chùa nhận nuôi mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào", vị ni sư nói.
    [​IMG]Có nhiều cụ bị bại liệt phải đút từng muỗng cơm. Ảnh: Ngoan Ngoan.
    Trò chuyện với VnExpress.net, Lê Huy, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, tuần trước đến đây, nhìn thấy cảnh các cụ phải vất vả nhóm củi nấu ăn mà thức ăn vẫn dai khó nuốt, nên Huy cùng với bạn quyên góp mua tặng 2 chiếc nồi áp suất lớn giúp các cụ nấu ăn thuận tiện hơn.
    "Các cụ ở đây cũng bằng tuổi ông bà em ở quê nhưng vất vả hơn nhiều, vì dù sao ở quê ông bà cũng có cha mẹ em chăm sóc. Vì thế tụi em bảo nhau tranh thủ những ngày được nghỉ học để đến đây phụ nấu ăn, rửa chén giúp các cụ vơi đi khó khăn", Huy nói.
    Đôi tay thoăn thoắt nhặt rau, vo gạo, rửa chén, lau dọn nơi nghỉ ngơi cho các cụ, nhóm nam nữ sinh viên thế hệ 8X trường Đại học Kinh tế cho biết, hàng tháng các bạn đều tổ chức đi đến những trung tâm, mái ấm có người già neo đơn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ trong và ngoài thành phố để thăm hỏi, động viên giúp đỡ.
    "Thay vì rủ nhau đi chơi xả tress sau những ngày học hành căng thẳng, tụi em bảo nhau làm một việc gì đó giúp những người kém may mắn để cuộc đời sinh viên nhiều ý nghĩa hơn. Em chỉ mong ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ chung tay thì sẽ giúp được nhiều người bớt khổ hơn", nữ sinh Nguyễn Trần Lan Thảo, khóa QT 789, Đại học Kinh tế TP HCM vui vẻ nói.
    Ngoan Ngoan
  7. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4

    Cả phường làm từ thiện​


    Phường Tân Lộc, thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, được người dân ở đây gọi là “Phường Từ Thiện”. Ði trên những con đường tráng nhựa hoặc tráng xi măng, ai cũng thầm khen sự tốt và đẹp của nó. Và, đi dài theo những con đường quê nhiều bóng cây này là cảnh các ông, các bà, các cô, các cháu... xúm nhau chặt cây thuốc phơi đầy lề đường, sân nhà.


    [​IMG]
    Phụ nữ của phường từ thiện chặt cây thuốc.​

    Ở phường Tân Lộc, đông đảo người dân tham gia làm thuốc. Làm thuốc là trồng, săn tìm cùng với chặt phơi khô cây thuốc cung cấp cho các cơ sở hốt thuốc nam hoặc cơ sở bào chế thuốc nam. Riêng ấp Tân Mỹ, xã Tân Lộc có khoảng 10 người tham gia làm thuốc, do ông Ðỗ Thành Khởi (Tư Khởi) làm tổ trưởng.

    Ông Cao Văn Ri (Ba Ri), 68 tuổi, là một người rất đắc lực trong nhóm tìm và sơ chế cây thuốc của nhóm. Ðất nhà ông Tư Khởi, Ba Ri, cũng như bà con khác, chỗ nào trống, cây thuốc mọc xanh um. Nào đỗ trọng, cỏ lá xoài, cam thảo, quế,...

    Tư Khởi cho biết để có nhiều loại thuốc quý, các ông và các đồng sự phải lặn lội săn tìm khắp các nơi, đặc biệt ở Kiên Giang và An Giang vì thuốc núi là số một. Mỗi lần đi cả chục người, khi thì ghe máy lúc xe đò, anh em hùn tiền thuê. Ai theo đoàn thì đem theo gạo, muối, nước tương, gia vị, nồi niêu xoong chảo cùng một số tiền chi xài và mua thức ăn chay.


    [​IMG]
    Một chiếc xe từ thiện (xe nhân đạo, cứu thương) ở huyện Phú Tân của bà con đạo Hòa Hảo đang qua phà.​

    Xuống biển, lên núi nhọc nhằn, bao vất vả ấy tan biến ngay khi tìm được nhiều loại thuốc quý. Thuốc quý bây giờ còn lại rất ít tại những nơi xưa kia gọi là “sơn lam chướng khí” vì đâu phải chỉ có nhóm Tư Khởi săn tìm, mà còn có nhiều nhóm làm từ thiện khác ở nhiều địa phương khác đã rốt ráo đốn chặt chúng từ hàng chục năm qua.

    Cây thuốc được các nhóm từ thiện ở Tân Lộc đem về, cả tổ chia nhau chặt bằng tay. Mới đây, được sự giúp đỡ của một mạnh thường quân, nhóm Tư Khởi đã mua được chiếc máy bào thuốc bằng điện 3 triệu đồng. Máy đặt tại hàng ba nhà Ba Ri. Ba Ri sung sướng nói: “Máy coi ‘bèo’ vậy chớ năm sáu người một ngày làm không lợi.” Nói rồi, ông vận hành máy và cho cây thuốc bự cỡ bắp vế vào bào. Chẳng mấy chốc cây thuốc dài cả thước trở thành những lát thuốc đẹp.


    [​IMG]
    Ông Năm Ly trước một căn nhà ở Tân Mỹ đang được xây cất miễn phí.​

    Ba Ri nói: “Cái được nữa là các lát thuốc dầy như nhau nên phơi khô đồng loạt; không như trước chặt tay dầy không đều, phơi lát khô lát chưa.” Trong nhà Ba Ri thuốc là thuốc, đựng đầy trong các bao chờ chuyển tới các phòng khám từ thiện.

    Trồng, săn tìm cây thuốc riết, Tư Khởi và Ba Ri trở thành “dược sĩ”, biết giá trị của từng cây thuốc. Các ông cho biết: đinh lăng trị thận, bạch trĩ trị nhức đầu, nhãn ***g giúp ngủ tốt, xăng máu đặc trị gai cột sống, mần ri trị gan,... Ba Ri nói: “Cỏ lá xoài là trụ sinh được người dân dùng làm thuốc hàn, vò nát cầm máu đại tài.” Tư Khởi nhấn mạnh: “Là thuốc sinh học nên các cây thuốc có lợi cho sức khỏe con người hơn thuốc Tây.”

    Cây thuốc chặt phơi xong, họ cho vô bao cột miệng chở đến các phòng thuốc nam phước thiện để các lương y sau khi bắt mạch hốt thuốc miễn phí cho bệnh nhân; hoặc cung cấp cho cơ sở Ðông dược Hội Ðông y phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, để lương y Trịnh Văn Năng bào chế thành thuốc viên, thuốc tễ, trị các bệnh: Viêm (viêm gan, viêm xoang, viêm tử cung và khí hư, bạch đái), mát gan (nóng gan, phong ngứa, u nhọt, mụn dị ứng), thuốc trị viêm dạ dầy, thuốc bổ thận,... đựng trong bọc nylon mỏng hàn kín miệng. Các loại thuốc này đều có sẵn tại nhà của nhóm Ba Ri. Ai than bị bệnh gì, các ông mau mắn đưa cho một cách vui vẻ.

    Với quan niệm “Làm gì có ích cho bà con thì không nề cực khổ,” tổ của Tư Khởi cũng như nhiều tổ khác của phường Tân Lộc còn tham gia nấu cháo, nấu cơm và nước sôi từ thiện cho bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện ở Cần Thơ (Thốt Nốt, Ðầu Sấu), An Giang, Tây Ninh, do Năm Ly (Nguyễn Văn Vui) làm tổ trưởng.

    Ðể giảm bớt chi phí, họ còn có một lò tương do Mười Ngọt điều hành. Mỗi đợt, lò này sản xuất từ 600-1,000 lít nước tương bằng đậu nành. Riêng cơm nước ở các bệnh viện, các thành viên trong tổ thay phiên phụ trách nấu nướng, chia thức ăn, cấp nước sôi cho người nhà bệnh nhân. Nhờ vậy mà họ có thời gian vừa kiếm tiền nuôi sống gia đình và đóng góp từ thiện vừa tham gia hoạt động từ thiện.

    Ba Ri sống bằng 2,500m2 vườn trồng mận hồng đào đá và mận An Phước. Còn Tư Khởi thì có 2 công xoài cát Hòa Lộc. Những người khác ở Tân Lộc đều làm như vậy. “Của ít lòng nhiều”, “góp gió thành bão”, họ đã làm dịu đi nỗi khổ của những người nghèo khi lâm bệnh phải nằm nhà thương.

    Ðể làm từ thiện tới nơi tới chốn, bà con Tân Lộc còn hùn tiền mua 3 chiếc xe nhân đạo (xe cứu thương), 100 triệu đồng. Giá rẻ vì xe cũ. Xe này dùng chở người bệnh nặng từ nhà đến nhà thương trên những con đường trơn tru cùng những cây cầu vững chắc của Tân Lộc. Ða số đường và cầu ở đây đều do tổ Năm Ly đảm trách.

    Từ năm 2000, tổ này đã làm trên 40 cầu lớn, khoảng 60 cầu nhỏ và 20 cây số đường bê-tông (đường chính và đường phụ; mặt đường 3,5-4-5m), tính ra hàng mấy tỉ đồng.

    Từ đầu năm đến Tháng Mười, 2009, tổ này đã xây khoảng 20 nhà tình thương, trị giá mỗi căn từ 10-20 triệu đồng. Bên cạnh đó tổ còn giúp các gia đình nghèo chỉnh sửa nhà cửa miễn phí. Khoảng 100 anh em trong tổ được sống trong tổ chức khá hoàn chỉnh do Năm Ly phụ trách. Họ mặc đồng phục có in hàng chữ “Công trình đội thi công từ thiện phường Tân Lộc” sau lưng.

    Năm Ly “khoe” mỗi thành viên trong tổ đều có lương hẳn hoi và được phân công rạch ròi. Ðể có tiền nuôi số lớn con người như vậy, Năm Ly phân công người trồng rau cải, làm vườn, nuôi cá; kẻ lãnh thi công xây nhà lấy tiền và vận động xin tiền các nhà mạnh thường quân... Tiền bạc thu chi rạch ròi do kế toán và thủ quỹ đảm nhận. “Mệt óc lắm”, Năm Ly nhăn mặt rồi cười tươi: “Nhưng vui vì giúp ích xã hội.”

    Cầu đường, nhà cửa do tổ Năm Ly làm luôn tốt và rẻ rất nhiều so với gọi thầu. Thuốc nam giúp trị bệnh thông thường. Cơm cháo, dù là cơm chay, đã giúp người bệnh và người nuôi bệnh chỉ phải lo đối phó với tiền thuốc và viện phí. Tất cả được các tổ từ thiện Tân Lộc làm bằng cả tấm lòng nhân ái của những con người theo đạo Hòa Hảo.

    (Cát Tường)
  8. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Chùa Quảng Sơn trên đường nhập thế



    [​IMG]ĐĐ Thich Minh Tánh cùng các đạo hữu hốt thuốc cho bệnh nhânPhòng khám bệnh từ thiện chùa Quảng Sơn thuộc Hội Đông y huyện Ninh Sơn được bà con gần xa quen gọi là chùa “Hốt thuốc”. Vào mỗi buổi sáng Chủ nhật hàng tuần, không khí ngôi chùa “Hốt thuốc” trở nên nhộn nhịp. Rất đông người bệnh đến khám và đạo hữu đến chế biến, hốt thuốc từ thiện cho bệnh nhân. Chùa Quảng Sơn là “địa chỉ xanh” duy nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tổ chức khám bệnh và cấp thuốc Nam miễn phí cho người nghèo.


    Người sáng lập Phòng khám bệnh từ thiện là ĐĐ.Thích Minh Tánh, trụ trì chùa Quảng Sơn. Thuở còn tu học tại chùa Giác Huệ, TP.Hồ Chí Minh, ĐĐ.Thích Minh Tánh được học nghề thuốc do HT.Thích Viên Giác truyền dạy. Trong cuộc đời hành đạo của mình, Đại đức mong ước thành lập cơ sở chữa bệnh từ thiện góp phần cùng xã hội chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo. Căn duyên đạo đời tao ngộ, ĐĐ.Thích Minh Tánh gặp hai vợ chồng lương y Đinh Quang Hùng và Cao Thị Thanh Mai có thiện chí khám bệnh từ thiện. Phòng khám bệnh từ thiện chùa Quảng Sơn chính thức thành lập đi vào hoạt động kể từ mùa lễ Vu lan năm 2005. Vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, hai vợ chồng lương y Quang Hùng - Thanh Mai từ xã Hòa Sơn chạy xe máy đến chùa Quảng Sơn khám bệnh cho người nghèo. Nguồn thuốc Nam được ĐĐ.Thích Minh Tánh vận động đạo hữu thu hái trong khu vực núi rừng huyện Ninh Sơn. Đồng thời động viên bệnh nhân tham gia thu hái thuốc Nam cung cấp cho phòng khám có đủ nguồn dược liệu phục vụ người bệnh. Trung bình mỗi tuần có 150-200 bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám chữa bệnh. Thuốc được cấp điều trị trong 6 ngày, bệnh nhân đến tái khám nhận thuốc mới vào Chủ nhật hàng tuần.
    Đến với chùa “Hốt thuốc”, bệnh nhân được hoàn toàn miễn phí từ việc cấp sổ theo dõi đến khám và cấp thuốc. Có mặt tại chùa Quảng Sơn vào sáng ngày 5-10, chúng tôi gặp số đông bà con đến chữa bệnh đều là những người nghèo mắc bệnh lâu ngày chạy chữa nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Ông Đào Danh Tân, 60 tuổi ở thôn Trà Giang 1 (xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn) nói: “Tôi bị mắc bệnh tim hồi hộp đã nhiều lần vào TP.Hồ Chí Minh chạy chữa rất tốn kém tiền bạc nhưng chưa khỏi. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên tôi tới nhà chùa khám hốt thuốc Nam uống 6 tuần thấy tình hình sức khỏe được cải thiện khá tốt”. Bà Lê Thị Nhiều, 68 tuổi ở thôn Vạn Phước (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) bộc bạch: “Tôi bị mắc bệnh gai cột sống rất đau nhức không đứng thẳng lưng được. Gia đình không có tiền chạy chữa Tây y, được bà con trong xóm chỉ đường, tôi đón đi xe buýt lên chùa hốt thuốc miễn phí uống 4 tuần đến nay lưng đã bớt đau, đi đứng bình thường”. Bà Huỳnh Thị Hanh, 63 tuổi ở khu phố 7 phường Đô Vinh (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) thường xuyên bị đau nhức chân tay. Bà uống thuốc Nam chùa Quảng Sơn thấy sức khỏe cải thiện, ăn ngon ngủ được. Bà Hanh đi công đức phòng khám từ thiện thùng “hảo tâm tùy hỷ” với ước mong của người bệnh được góp sức cùng nhà chùa mua sắm vật dụng cần thiết phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh.
    “Tuy lặn lội vô rừng hái thuốc rất cực nhưng bản thân tôi và các đạo hữu phòng khám từ thiện rất vui vì được góp phần làm giảm nhẹ khó khăn cho bà con gặp hoàn cảnh đau ốm. Qua hơn ba năm hoạt động khám chữa bệnh từ thiện, nhà chùa nhận được sự đồng thuận tin tưởng của người bệnh gần xa. Tôi dự kiến thành lập quán cơm chay phục vụ nhu cầu ẩm thực cho người dân địa phương và giúp bệnh nhân nghèo có những bữa ăn từ thiện khi đến chữa bệnh tại chùa giúp bệnh nhân nghèo có những bữa ăn từ thiện khi đến chữa bệnh tại chùa Quảng Sơn”, với chất giọng Nam Bộ ấm áp, ĐĐ.Thích Minh Tánh bày tỏ niềm vui.

    Bài, ảnh Thái Sơn Ngọc
  9. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Bồ lúa tình thương ở cù lao Ông Hổ

    (LĐ) - Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hoà Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) là nơi chôn nhau, cắt rốn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây, hơn 10 năm trước, những “Hai lúa” chân đất đã khởi xướng phong trào xây dựng “Bồ lúa tình thương” giúp người nghèo, bệnh tật, già cả, neo đơn vượt qua cơn thắt ngặt... [​IMG]
    Tiếng lành đồn xa, theo thời gian, “Bồ lúa tình thương” được tấm lòng vàng từ nhiều nơi tin tưởng, tìm đến sẻ chia, và nhờ vậy mà mở rộng lĩnh vực giúp người, giúp đời...

    Góp lúa giúp đời

    Người khởi xướng và trực tiếp quản lý, điều hành “Bồ lúa tình thương” là ông Nguyễn Văn Thương, tự Út Thương, ngụ ấp Mỹ An 2. Sắp bước sang tuổi “bát tuần”, nhưng vừa nghe tôi hỏi về “Bồ lúa tình thương”, ông Út Thương sôi nổi nói ngay: “Sinh ra trong gia đình nông dân cơ cực, bám đất, bám ruộng, hầu như cái nghèo, cái khó và cả cái đói, tôi đều trải qua.

    Mình đã từng đói nên khi thấy người khác đói là không thể cầm lòng được. Nhất là năm 1996, lũ ngập sâu và kéo dài khiến nhiều gia đình khốn đốn với cái ăn. Nhưng làm gì để giúp bà con? Mình chỉ tạm đủ ăn, còn nhiều bà con trong xóm thì không ít khó khăn”. Đang lúc tưởng chừng sắp bế tắt, ông Út Thương nhớ đến phong trào “Hũ gạo tình thương” do Bác Hồ vận động toàn dân giúp cả miền Bắc vượt qua cơn đói.

    Thế là ông rủ rê thêm mấy ông bạn già trong xóm như: Bảy Thiệt (Ngô Văn Thiệt), Sáu Liêm (Trần Văn Liêm), Út Phúc (Nguyễn Văn Phúc), Hai Mạnh (Lê Văn Mạnh)... cùng nhau góp lúa. Để có địa điểm gom lúa phân phát cho bà con, ông Út Thương dành một phần đất bên cạnh nhà dựng vách, che mái nên được bà con trong ấp gọi là “Bồ lúa tình thương”. Lúc đầu khởi động cũng không ít lời ra tiếng vào.

    Vì vậy vận động “khô miệng” mà quy mô bồ lúa vẫn rất khiêm tốn với khoảng 30 giạ. Tuy nhiên, nhờ đó mà hơn chục hộ nghèo, neo đơn trong xã vượt qua cơn đói. Ai nghèo đến xin, cho ngay! Ai già yếu thì mang đến tận nhà. Bà Nguyễn Thị Đưng, 73 tuổi, một trong những người nghèo nhất ấp Mỹ An 2, xác nhận: “Gần chục năm nay, tháng nào đoàn cứu trợ của anh Út Thương cũng mang gạo đến tận nhà”.

    Tiếng lành đồn xa, người nghèo tìm đến ngày càng đông. Cảm động trước tấm lòng nhân nghĩa của các cụ, bà con trong xã tự nguyện tìm đến chia sẻ... Thế là chỉ đến tháng thứ hai, “Bồ lúa tình thương” đã có đến 70 - 80 giạ. Ông Út Thương khoe: “Có hộ góp gần 10 giạ, cá biệt có chủ máy suốt đã “gởi lại” toàn bộ tiền công suốt lúa nhờ tôi góp vào bồ lúa...”.

    Đến nay, “Bồ lúa tình thương” thu hút hơn 20 mạnh thường quân thường xuyên; có năm lượng đóng góp lên đến vài tấn gạo... Giờ đây, những người “khai sinh” phong trào kẻ còn, người mất, nhưng bà con gần xa vẫn nhớ, vẫn trân trọng và quý mến họ - những người có tấm lòng vàng trên quê hương Bác Tôn.

    Thắp sáng tình người


    [​IMG]Ông Nguyễn Văn Thương và một góc "Bồ lúa tình thương".“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thế nhưng ở cù lao Ông Hổ, “Bồ lúa tình thương” không chỉ giúp người nghèo vượt qua khốn khó mà còn thắp sáng trong họ cảm giác hạnh phúc ấm áp của tình người. Anh Huỳnh Văn Cường, Trưởng ấp Mỹ An 2, cho biết: “Hơn 10 năm qua, “Bồ lúa tình thương” đóng góp rất lớn cho địa phương, không chỉ giúp bà con nghèo ở cù lao hay ở tận huyện Châu Thành, Chợ Mới.... mà chính nghĩa cử cao đẹp ấy còn gieo vào lòng người nghèo khát vọng vượt qua nghịch cảnh”.

    Ông Tư Sum, hơn 80 tuổi, ngụ ấp Mỹ An 1, xác nhận: “Già hay đau yếu, lại không con cái chăm sóc, năm rồi bệnh liệt giường tôi định... Nhưng nghĩ đến cảnh hàng tháng anh em mang gạo, thuốc Nam đến, tôi đã trút bỏ tâm trạng bi quan, gượng dậy”.

    Mấy năm gần đây, cùng cả nước cù lao Ông Hổ không ngừng phát triển, đời sống bà con ngày càng nâng lên, số hộ có điều kiện đóng góp cho “Bồ lúa tình thương” ngày một tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Điển hình như anh Yên ở ấp Mỹ An 2, mỗi vụ góp 50 giạ lúa, chú Chín Béo ở ấp Mỹ Hiệp mỗi tháng góp 200 ngàn đồng...

    Ông Út Thương sôi nổi: “Không chỉ cứu đói hộ nghèo, giờ đây lúa, gạo còn được chúng tôi “chuyển hoá” thành nhiều hình thức hoạt động từ thiện như: Mở nồi cơm để bà con no bụng khi tham gia xây dựng các công trình công cộng. Ngoài ra, còn chuyển một phần “Bồ lúa tình thương” sang nuôi cơm lực lượng tìm kiếm, chế biến thuốc Nam cho các tổ đông y chuyên khám bệnh, hốt thuốc miễn phí cho người nghèo”.

    Không chỉ chăm lo cho người đang sống, ông Út Thương và các vị trong ban điều hành “Bồ lúa tình thương” còn mạnh dạn “chuyển” lúa, gạo thành áo quan lo cho người nghèo. Ông Út Thương đã dành toàn bộ phần đất ven sông của mình để mở trại hòm từ thiện, rồi tích cực vận động bà con trong xã góp công, góp của giúp những gia đình nghèo có điều kiện an táng người thân đúng theo nghi thức cổ truyền của dân tộc.

    Cảm động trước nghĩa cử này, “Bồ lúa tình thương” nhận được thêm nhiều cam kết trị giá hàng chục triệu đồng mỗi năm từ nhiều nhà hảo tâm ở bên ngoài cù lao Ông Hổ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, ngụ ở phường Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, cho biết: “Thấy bác Út Thương và mấy bác điều hành “Bồ lúa tình thương” làm việc chí tình chí nghĩa nên tôi đã tự nguyện gia nhập bằng cam kết bao toàn bộ tiền công khâu đóng và trang trí hòm mà không giới hạn về số lượng”.

    Có thể rồi đây những nhà sáng lập “Bồ lúa tình thương” trên quê hương Bác Tôn sẽ “theo ông, theo bà”, có thể đến lúc nào đó xã hội giàu có không cần đến sự sẻ chia này nữa, nhưng tôi tin rằng người đời sẽ không bao giờ quên ngọn lửa rực sáng tình người từ phong trào “Bồ lúa tình thương”.
  10. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Nhà thơ Lâm Xuân Thi: Lập quỹ vì các nhà thơ khó khăn, hoạn nạn…
    http://www.quytinhtho.com

    (TT&VH) - Hôm 28/9/2009, tại TP.HCM, Quỹ Tình thơ đã trao 10 triệu đồng trợ giúp nhà thơ Hà Nguyên Dũng đang mắc bệnh tim nặng và có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Tình thơ do ba nhà thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca và Phan Hoàng thành lập vào Ngày Thơ VN năm Kỷ Sửu, nhằm hỗ trợ các nhà thơ gặp khó khăn trong cuộc sống và giúp họ in, phát hành tác phẩm.
    Quỹ Tình thơ được thành lập và hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Ban điều hành “tự thân vận động” - nghĩa là không ai “nhận lương” ở quỹ này. Toàn bộ kinh phí của quỹ đều do các thành viên trong ban điều hành tự đóng góp. Quỹ không tổ chức quyên góp tài chính dưới bất kỳ hình thức nào. Để giữ sự trong sáng cho thơ, Quỹ Tình thơ không gắn với bất cứ đơn vị kinh doanh hay nhà tài trợ nào. Tuy không tổ chức quyên góp tài chính, nhưng quỹ vẫn mời gọi các nhà thơ, nhà hảo tâm trở thành thành viên của quỹ để chung tay góp sức chia sẻ với các nhà thơ đang gặp khó khăn.
    Đến nay, sau gần một năm hoạt động, quỹ này đã giúp đỡ nhiều nhà thơ gặp hoạn nạn, ốm đau, khó khăn trong cuộc sống. Có thể kể, quỹ đã giúp các nhà thơ: Phan Trung Thành (mổ tim, tháng 2/2009), Mai Trinh Đỗ Thị (bệnh tim nặng, 26/2/2009), Minh Tâm (bệnh viêm tủy cột sống, chạy thận nhân tạo thường xuyên, 22/2/ 2009), Bửu Khánh Hồ (bị teo não giai đoạn cuối, 6/3/2009), Kiên Giang Hà Huy Hà (hoàn cảnh khó khăn, 11/9/2009).
    Quỹ Tình thơ hỗ trợ phát hành cho các nhà thơ bằng cách mua thơ mới xuất bản của tác giả, như: Thèm ăn của nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, Thi lược kinh cú pháp của Triều Nguyên, Phiên bản Bùi Thanh Tuấn, Cây ánh sáng Nguyễn Quang Thiều... với số lượng 200 cuốn/ 1 tập. Quỹ đang tiến tới hỗ trợ các nhà thơ trẻ gặp khó khăn về tài chính trong việc in và phát hành tập thơ đầu tay.
    Quỹ Tình thơ thành lập được gần một năm và đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lâm Xuân Thi - người chủ xướng Quỹ Tình thơ, vào hôm qua 28/9.
    * Thưa nhà thơ, từ đâu ông có ý nghĩ thành lập Quỹ Tình thơ để giúp đỡ các đồng nghiệp gặp khó khăn?
    - Đầu tiên tôi xin đính chính là tôi không phải nhà thơ, tôi chỉ có làm thơ, mê thơ, yêu mến các nhà thơ và hay đi chơi với nhiều nhà thơ mà thôi. Do hay đi chơi với các nhà thơ, nên tôi biết được nhiều nhà thơ có hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi nghĩ, mình có làm thơ, lại có chút ít điều kiện kinh tế... thì tại sao không giúp những người mình yêu mến?
    * Quỹ Tình thơ thành lập khá lâu, nhưng hình như ông không muốn quảng bá rộng rãi?
    - Nói không muốn quảng bá cũng đúng, vì rằng trong giới hạn cá nhân của mình, tôi sợ “la to” quá rồi làm không nổi. Nên tốt nhất cứ thầm lặng, giúp được ai thì cứ giúp, xem như niềm vui nho nhỏ thôi. Thêm nữa, giúp các nhà thơ là việc làm tế nhị, không nên “khua chiêng gõ mõ” ầm ĩ.
    Nhưng trong một chừng mực nào đó, tôi muốn các nhà thơ biết đến quỹ nhiều hơn. Nhân đây, tôi muốn gửi lời nhờ các nhà thơ, nhà báo giúp giới thiệu những địa chỉ cần hỗ trợ để chúng tôi tìm đến, chứ chỉ có mỗi chúng tôi không thể biết hết nhà thơ nào đang khó khăn.
    * Lâu nay, dư luận nghi ngờ “sự trong sáng” các quỹ, kiểu như Tình thơ bị “lợi dụng” để quảng cáo kinh doanh. Ông có nghĩ đến điều này?
    - Tôi khẳng định rằng, quỹ này không liên quan gì đến công việc quảng cáo thương hiệu đang kinh doanh của tôi hết. Ngay cả ý nghĩ dùng quỹ để đánh bóng thương hiệu trong đầu tôi cũng hoàn toàn không có. Nếu tôi thật sự muốn quảng cáo thì tôi bỏ tiền để quảng cáo sòng phẳng, rõ ràng chứ không “nhờ” quỹ này. Quỹ Tình thơ trong sáng như tên gọi của nó. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, việc các doanh nghiệp “lợi dụng” các công việc từ thiện để “đánh bóng” thương hiệu, theo tôi là sự “lợi dụng” dễ thương, vì ít nhất cũng có lợi cho những người bất hạnh.
    * Ngoài việc giúp các nhà thơ trong đời sống, quỹ còn mua thơ của họ, vậy ông phát hành các tập thơ này ra sao?
    - Tôi tặng khách hàng khi họ mua xe đạp Martin 107 (ông Lâm Xuân Thi là chủ doanh nghiệp kinh doanh xe đạp Martin 107- PV). Nói là tặng, nhưng cách tặng của tôi có khác, nghĩa là chúng tôi hỏi khách hàng có thích đọc thơ không? Nếu họ thích và có yêu cầu, chúng tôi bao bì tập thơ thật đẹp và tặng họ. Thường thì, mười khách hàng mới có một người yêu cầu tặng thơ. Nói thế để thấy, chúng tôi tặng thơ có “chọn lọc” cho những người thích đọc thơ thực sự chứ không tặng “đại trà”.
    * Còn việc giúp các nhà thơ trẻ in tác phẩm đầu tay, quỹ sẽ hỗ trợ như thế nào?
    - Tùy vào mức độ khó khăn của tác giả và chất lượng tác phẩm. Nếu quá khó và tác phẩm chất lượng, quỹ hỗ trợ 100%, nói vui là “bao tiêu sản phẩm” trọn gói.
    * Xin cảm ơn nhà thơ!

    1. Các nhà thơ gặp khó khăn hoặc những ai có thông tin về các nhà thơ cần giúp đỡ, xin liên lạc với nhà thơ Hồ Thi Ca. Điện thoại: 0913713042 hoặc E-mail: info@quytinhtho.com.
    2. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là tài chính để giúp các nhà thơ, mà là thông tin. Vì tôi biết rằng, các nhà thơ dù khó khăn đến mấy họ cũng chọn sự im lặng chứ ít khi chia sẻ với người khác. Do đó, quỹ thường xuyên phải nhờ đến người thứ ba giới thiệu để tiếp cận với nhà thơ cần giúp đỡ. Giúp được một nhà thơ, trong tôi có một cảm xúc không thể nói nên lời, cảm xúc ấy đặc biệt lắm. (nhà thơ Lâm Xuân Thi)

Chia sẻ trang này