1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Stuka Pilot-Hans Ulrich Rudel-Huy chương Chữ thập hiệp sĩ với Lá sồi vàng, thanh kiếm và kim cương.

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi ChuyenGiaNemDa, 09/11/2021.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. lamali1

    lamali1 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    11/05/2009
    Bài viết:
    7.492
    Đã được thích:
    13.665
    :-D Nga lính được đào tạo kém, chỉ huy các cấp cũng dốt lại thiếu trách nhiệm, nhất là công tác phối hợp cũng kém. Nên vũ khí Nga kể cả cuối cuộc chiến số lượng vượt trội hơn nhiều so với Đức, nhưng lính vẫn chết khá khá. Được cái máy bay và xe tăng thì sản lượng quá lớn nên chả sợ thiếu.
    Mà bọn Đức có vẻ cũng không bị thiệt hại nhiều bởi IL2 hay sao, it thấy IL2 được nhắc tới.
  2. kuyomuko

    kuyomuko Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    21/04/2011
    Bài viết:
    18.399
    Đã được thích:
    26.769
    Stuka cường kích với xạ thủ súng máy phía sau rất ít có cơ hội bắn trúng và chả có mấy việc quan trọng để làm ở WWII. Trong khi lại phải mang cả 2 người thể chất tốt lên không là việc tiêu hao nhân lực không phù hợp cho cuộc chiến kéo dài. Cái cần phải tiêu hao nhiều nhất trong chiến tranh chống tập kích đường không là phải bắn chết càng nhiều phi công nó càng tốt. Đó là thứ tái lập lâu nhất, khó nhất.

    Các máy bay không yểm tiền duyên LX giai đoạn đầu xài toàn đồ Mỹ. Tiêm kích thì họ xài loại lạc hậu La. LX dùng IL-2 vào mục đích không yểm tiền duyên chứ không đem thứ ấy ra ăn thua với người Đức vì họ cũng yếu. Thế mạnh của họ là lực lượng mặt đất và họ tập trung phát triển thế mạnh ấy. Bọn Đức không kích vu vơ chẳng qua là để chữa cháy mặt trận theo kiểu manh mún bạ đâu đánh đó mà chả theo kế hoạch nào cả. Nó chỉ có thể gây thiệt hại chứ không quyết định được cuộc chiến.

    Các sai lầm của Đức trong WWII có thể gói gọn trong mấy vấn đề:
    - quá hăng tiết nên công tác chuẩn bị chưa kỹ, không đủ nguồn lực để tái trang bị. Họ khao khát giết người do thái đến mờ cả mắt.
    - chọn hướng chiến dịch sai. Lẽ ra không cần đánh sâu xuống Nam Âu rồi xoay qua đánh LX mà cần đánh mạnh ở hướng Hy Lạp Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận nguồn tài nguyên dễ hơn. Họ không có đủ thông tin về các vùng đầm lầy đầy băng tuyết tiếp giáp vào Nga.
    - không có kế hoạch lâu dài tiêu hao tiềm lực tái trang bị của kẻ địch. Họ cần trang bị hàng ngàn máy bay ném bom 4 động cơ tầm xa để ném nát bét hết nhà máy xí nghiệp LX và ném bom qua tận bên Mỹ. Phải phá nát bét nước Mỹ ra thì mới thoả hiệp với nó được. Đằng này có cái nước Anh bé tí mà khuất phục mãi không xong thì đánh đấm gì. Bên duy nhất đưa hoả lực tiếp cận được nước Mỹ thì lại đánh như lol. Đánh đấm phải tính dài hơi chứ đánh ngu thế chọc nó đánh cho chết à. Tự nhiên đi đánh mấy nước như TQ, VN làm đoé gì. Nó làm giàu được khoản mục nào trong chuỗi tái trang bị?
    huytop, MuahoaLekimaviagraless thích bài này.
  3. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    Dự báo khí tượng khu vực Gorlitz-Bautzen dần tốt lên, vì thế chúng tôi quay trở lại chiến đấu. Liên Xô đã vượt qua Gorlitz và tiến tới Bautzen, nơi đang bị bao vây bởi các đơn vị Đức, hi vọng chiếm Dresden qua con đường Bischofswerda. Để chặn đứng nguy cơ khiến phòng tuyến của Thống chế Schoerner hoàn toàn sụp đổ, chúng tôi tham gia vào những nỗ lực phản kích liên tục, qua đó giải vây cho Bautzen, phá hủy một lượng lớn xe tăng và phương tiện vận tải. Cũng ở đây, quyền hạn chỉ huy của tôi bao trùm sang các đơn vị tiêm kích trong toàn khu vực. nhưng việc cùng một lúc phải chiến đấu và chỉ huy đã đẩy sức chịu đựng của cơ thể tôi đến mức giới hạn, tôi tiếp tục mất máu không cầm được, người luôn mệt mỏi.

    Thượng tuần tháng Tư, Phủ Thủ tướng ra lệnh cho tôi tới trình diện. Tại đó, Quốc trưởng đón tiếp và thông báo bổ nhiệm tôi làm chỉ huy toàn bộ các đơn vị tiêm kích phản lực có nhiệm vụ bảo vệ không phận khu vực Hamburg, nơi tập đoàn quân mới của tướng Wenk đang được xây dựng. Đây sẽ là điểm xuất phát của đòn tấn công vào Harz nhằm cắt đứt tuyến tiếp vận về phía đông của quân đồng minh. Điểm quan trọng là phải ngăn chặn những cuộc oanh tạc của không quân đối phương, nếu không kế hoạch sẽ chắc chắn thất bại. Tôi trả lời, cầu xin Quốc trưởng giải phóng cho mình khỏi cương vị đó vì trong thời điểm hiện tại kiến thức, kinh nghiệm của tôi sẽ có ích hơn ở khu vực mặt trận của Thống chế Schoerner, nơi những cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra dai dẳng và ác liệt. Một sĩ quan xuất thân từ phi công tiêm kích sẽ lãnh đạo và hoàn thành nhiệm vụ của Quốc trưởng tốt hơn tôi gấp nhiều lần. Tôi, một phi công chỉ quen tấn công mặt đất sẽ không làm nên trò chống gì trong một đơn vị chuyên tấn công trên không trung và như một lẽ tự nhiên nếu tôi không tự tay thực hiện thì sẽ không chỉ huy được ai hết.

    Nhưng Quốc trưởng không bị thuyết phục bởi lí lẽ của tôi:

    - Anh không cần phải bay chiến đấu, anh chỉ cần làm công tác tổ chức và chỉ huy. Nếu bất kì ai nghi ngờ lòng dũng cảm của anh chỉ vì điều đó, tôi sẽ treo cổ hắn ta ngay lập tức.

    Tôi thận trọng phản đối nhưng ông xua đi một cách cương quyết:

    - Tôi có rất nhiều sĩ quan giàu kinh nghiệm, nhưng thế là chưa đủ. Tôi cần một người có thể tổ chức và thực hiện kế hoạch “một cách hăng hái và nhiệt thành”.

    Cuộc thảo luận kết thúc mà không đưa đến kết luận cuối cùng. Tôi bay trở lại đơn vị chỉ để vài ngày sau nhận được cuộc gọi từ đích thân Thống chế Goring bổ nhiệm tôi vào vị trí đấy. Thế nhưng tình hình chiến sự thay đổi quá nhanh, mặt trận Đức có nguy cơ bị cắt ra làm đôi dẫn đến tính khả thi của chiến dịch không còn nữa. Tôi bay đến Karinhall, trình bày hết với Goring những ý kiến của bản thân để biện minh cho quyết định từ chối bổ nhiệm. Ông có vẻ không ngạc nhiên, dù đây là lần đầu tiên chứng kiến tôi mất lòng tin vào tương lai của cuộc chiến. Bản thân Goring cũng không thể thoát được nó. Trong lúc cúi nhìn tấm bản đồ trải trên mặt bàn và thảo luận về tình hình mặt trận, ông lẩm bẩm như tự độc thoại với bản thân:

    - Tôi tự hỏi bao giờ thì chúng ta sẽ đốt cái lều này đây? (ND: Cái lều mà Goring nói chính là Karinhall. Chỉ vài ngày sau các tài sản bên trong bị chuyển về miền Nam còn tòa dinh cơ bị giật nổ tung).

    Goring khuyên tôi nên tới Sở chỉ huy của Quốc trưởng để giải thích lí do từ chối. Tuy nhiên ở đấy không phản hồi đề nghị của tôi. Vì thế tôi bay trở lại Không đoàn với các đồng đội. Đấy vẫn chưa phải là chuyến bay cuối cùng của tôi tới Berlin.

    Ngày 19 tháng Tư năm 1945, một bức điện vô tuyến triệu tập tôi tới Phủ thủ tướng. Thật không phải là chuyện đơn giản khi bay từ Tiệp Khắc đến Berlin trong thời điểm hiện tại. Ở nhiều nơi người Nga và người Mĩ chỉ còn cách nhau một khoảng ngắn, trên bầu trời dày đặc các loại máy bay, chỉ có điều đấy không phải là máy bay Đức. Tới Phủ thủ tướng tôi được đưa vào phòng chờ trong boongke, nơi các sĩ quan tham mưu, tác chiến vẫn đi lại và làm việc một cách trầm tĩnh, tự tin. Từ phía trung tâm thành phố vọng lại những tiếng nổ trầm trầm của loại bom 1.000kg được thả từ máy bay Mosquitos của Anh.

    Cuộc gặp cuối cùng với Tổng tư lệnh tối cao diễn ra vào lúc 11h đêm. Không khó để đoán là nội dung vẫn tập trung vào kế hoạch Quốc trưởng đang ấp ủ. Vẫn giữ thói quen dẫn dắt câu chuyện đi lan man rất xa rồi mới quay trở lại vấn đề chính, ông mở đầu bằng một bài giảng dài 30 phút về tính ưu việt của nền kĩ thuật Đức, một lợi thế mà chúng tôi phải vắt kiệt đến giọt cuối cùng nhằm đảo ngược tình thế cuộc chiến, mang lại một kết quả có lợi cho đất nước. Ông nói rằng cả thế giới đều khiếp sợ và nể phục công nghệ Đức, chỉ ra các bước đồng minh sẽ thực hiện nhằm cướp đoạt các nhà khoa học Đức cùng các phát minh của họ. Lần này cũng vậy, tôi tiếp tục kinh ngạc về trí nhớ siêu phàm, đồng thời thán phục tầm hiểu biết sâu rộng của ông trong các vấn đề mang tính chuyên môn. Tới thời điểm này tôi đã bay hơn 6000 giờ bay, có 5 năm kinh nghiệm lăn lộn với các loại máy bay Đức – Anh – Mĩ – Liên Xô, thế mà ông vẫn vượt trội hơn tôi về mặt chi tiết kĩ thuật, có thể dễ dàng giải thích nguyên tắc hoạt động, so sánh tính năng rồi sau đó đưa ra các đề xuất cải tiến.

    Ở lần gặp này tình trạng thể chất của Quốc trưởng không còn giống như trước nữa. Một tia sáng lạ lùng xuất hiện bên trong mắt còn tay trái ông run rẩy. Mặc dù ngôn ngữ vẫn rõ ràng và tràn đầy quyết tâm, bài diễn thuyết của ông có xu hướng lặp đi lặp lại một cụm từ hay một ý tưởng - điều trước kia chưa từng xuất hiện -. Có lẽ đó là hậu quả của sự kiện 20 tháng Bảy (ND: Vụ nổ bom ám sát Hitler tại Đông Phổ của Đại tá Stauffenberg) và tình trạng căng thẳng quá mức, liên tục kéo dài. Theo Đại tá Von Below, 8 tuần qua Quốc trưởng hầu như không ngủ, tham dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác.

    Mãi rồi cũng đến lúc phải quay về nội dung chính, cuộc phản công của tướng Wenk mà tôi chịu trách nhiệm bảo vệ trên không, Quốc trưởng tóm tắt những ý chính rút ra từ cuộc thảo luận trước rồi kết luận:

    - Tôi mong rằng anh sẽ đảm nhiệm vai trò khó khăn này. Bởi anh, người mang huân chương cao quý nhất cho lòng dũng cảm của nước Đức, là người phù hợp nhất.

    Vừa lặp lại những ý kiến đã từng trình bày, tôi vừa chỉ cho ông thấy trong mấy ngày qua tình hình chiến sự còn xấu hơn trước, chả mấy chốc mặt trận phía Đông và phía Tây của quân đồng minh sẽ bắt tay với nhau và cô lập nước Đức thành từng mảnh riêng biệt. Đến lúc đó chỉ khu vực phía Bắc của tướng Schoerner là còn ý nghĩa về mặt quân sự. Hiện giờ trong tay chúng tôi chỉ có khoảng 180 máy bay phản lực còn sử dụng được, tỉ lệ chênh lệch là 1:20 so với không quân kẻ thù. Đây là loại máy bay cần đường băng dài, rất dễ nhận biết từ trên không trung và hiện đang là mục tiêu ưu tiên của các máy bay ném bom Hoa Kì. Tuổi thọ một chiếc máy bay phản lực tụt xuống chỉ còn vài ngày kể từ khi xuất xưởng, lăn bánh trên đường băng.

    Mặt khác, các cuộc tiếp xúc của tôi với tướng Wenk trước đó cho thấy tướng Wenk đặt vai trò của việc áp chế không quân địch là yếu tố sống còn cho thành công của lực lượng trên mặt đất . Đấy là điều mà tôi không thể đảm bảo và chịu trách nhiệm. Vì thế tôi kiên quyết từ chối vai trò mà Quốc trưởng muốn đặt tôi vào.

    Với những người mà ông tin tưởng, Quốc trưởng luôn khuyến khích họ tự do bày tỏ ý kiến đồng thời sẵn sàng chấp nhận những điều chỉnh hợp lí dù có thể trái ngược với suy nghĩ ban đầu của ông. Bác bỏ đề nghị rút khỏi Berlin và tập trung vào mặt trận phía Bắc của tôi, ông nhấn mạnh vào việc phải giữ vững đến cùng phòng tuyến dọc theo phía tây sông Elbe, phía đông sông Oder cùng dọc theo dãy núi Neisse và Sudeten. Tôi nhận xét rằng những người lính Đức sẽ chiến đấu trên đất Đức đến viên đạn cuối cùng, nhưng họ sẽ không thể chống lại sự tập trung người và phương tiện của Liên Xô tại một điểm trọng yếu của mặt trận. Mặt trận sẽ bị phá vỡ, người Nga và người Mĩ sẽ hội quân với nhau bất kể cái giá mà họ phải trả. Cũng giống như trên mặt trận Nga mấy năm trước, họ sẽ ném lần lượt 3 đến 5 thậm chí là 10 sư đoàn thiết giáp để đạt được mục tiêu. Nhờ sự giúp đỡ của quân đồng minh, dự trữ người và phương tiện của quân Nga trở nên vô tận và những thắng lợi của người Đức trong việc phòng thủ sẽ không thay đổi được kết cục chung. Giờ thì dự trữ của chúng tôi cạn kiệt, chúng tôi cũng không còn đường lùi nữa. Phương Tây sẽ phải chịu trách nhiệm, trong nhiều thế kỉ tới – về việc khiến nước Đức suy yếu và qua đó, thúc đẩy sự lớn mạnh của Đế quốc Nga.

    Cuộc nói chuyện với Quốc trưởng đã đến lúc kết thúc. Tôi nói với ông những lời cuối cùng:

    - Theo tôi, vào lúc này chúng ta không còn có thể chiến thắng trên cả 2 mặt trận. Nhưng nếu đình chiến với một bên thì vẫn còn hi vọng.

    Một nụ cười mệt mỏi hiện ra trên mặt ông:

    - Nói như anh thì dễ dàng quá. Ngay từ năm 1943, tôi đã cố gắng tìm kiếm một nền hòa bình nhưng quân Đồng minh thì không, họ muốn nước Đức đầu hàng không điều kiện. Tôi không quan tâm đến số phận bản thân nhưng sẽ không chấp nhận điều kiện đó áp đặt lên đầu người dân Đức. Bây giờ vẫn đang có đàm phán đấy nhưng tôi không còn mong chờ vào kết quả. Chúng ta chỉ còn con đường duy nhất, đó là sử dụng vũ khí đi tới thắng lợi cuối cùng.

    Sau khi nói thêm một chút về tình hình của tập đoàn quân Schoerner, Quốc trưởng bảo rằng ông sẽ đợi thêm một vài ngày nữa xem tình hình có phát triển theo hướng ông dự đoán hay sẽ thành như tôi lo sợ. Trong trường hợp ông đúng, tôi sẽ được gọi đến Berlin để thực hiện nhiệm vụ cuối cùng. Tôi từ biệt Quốc trưởng, rời boongke của ông lúc một giờ sáng. Ngoài phòng chờ, những vị khách đầu tiên đang đứng đợi để chúc mừng sinh nhật ông. (ND: Sinh nhật Hitler là 20/4)

    Tôi quay trở lại Kummer vào lúc sáng sớm, bay thấp để tránh máy bay Mĩ. Chúng hoạt động trên vùng trời phía trên đầu trong suốt quãng đường quay trở lại. Nỗi lo sợ về một cuộc tấn công bất thình lình từ trên cao xuống gây cảm giác mệt mỏi hơn bất kì một phi vụ chiến đấu nào khác. Mồ hôi chảy đầy dưới cổ áo bay khi chúng tôi cuối cùng cũng hạ cánh an toàn xuống sân bay quê hương.

    Những thiệt hại nặng nề do chúng tôi gây ra khiến áp lực của người Nga lên tây Gorlitz giảm bớt. Khi tình hình chiến sự dịu xuống, tôi lái xe về thăm lại thành phố quê hương, nơi rất nhiều người quen cũ vẫn còn sống. Mọi người đều bận rộn, ít nói, phần lớn trong đó là thành viên của lực lượng Dân quân. Họ tập trung vào công việc, che giấu những lo lắng bên trong lòng. Phụ nữ cũng bị huy động đi đào hào chống tăng, chỉ ngừng thuổng trong chốc lát khi cho những đứa con ăn. Những người đàn ông trung niên, những thiếu nữ trẻ cũng đầm đìa mồ hôi vì công việc thổ mộc, biết rõ điều gì đang đón đợi nếu bọn Đỏ tràn tới, đặc biệt là với những cô gái. Dân tộc tôi đang vật lộn trong nỗ lực sinh tồn. Nếu các quốc gia phương Tây nhìn vào mắt người dân tôi vào lúc này, có lẽ họ sẽ từ bỏ thái độ phù phiếm với chủ nghĩa bolshevism.

    Chỉ có Phi đoàn 2 được đóng ở Kummer, đội ngũ nhân viên Không đoàn đặt sở chỉ huy tại một trường học ở Niemes, còn phần lớn mọi người sống trong nhà của cư dân địa phương. 95% cư dân ở đây là người Đức, họ luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của người lính chiến xa nhà. Việc đến và rời khỏi sân bay trở thành một công việc nặng nhọc, luôn phải có một người ngồi trên nóc capo của những chiếc ô tô để quan sát và cảnh báo máy bay địch. Không quân Nga – Mĩ cùng nhau chia cắt bầu trời, lùng sục từng centimet mặt đất Đức để tìm kiếm và phá hủy các mục tiêu.

    Mỗi chuyến xuất kích của chúng tôi đều trở thành một sự kiện. Ngay khi vừa rời khỏi sân bay, bọn Mĩ đã chờ sẵn chúng tôi ở bên này còn phía bên kia thì bọn Nga đang đứng đợi. Những chiếc Ju 87 trông thật chả khác gì vài con ốc đang bò lổm ngổm xung quanh một bầy cá đói. Càng đến gần mục tiêu các cuộc đột kích chớp nhoáng của đối phương càng gia tăng về cường độ, sau đó bùng nổ thành một cuộc loạn đả dữ dội nếu chúng tôi lao vào oanh tạc. Còn đến khi trở về thì mọi người phải vượt qua tầng tầng lớp lớp máy bay vây xung quanh, hạ cánh xuống đường băng theo một con đường được “vạch ra” bởi hỏa lực phòng không trên sân bay.

    Một điều buồn cười nữa là người Nga và người Mĩ phân chia bầu trời rất rạch ròi. Nếu chúng tôi bay về phía phòng tuyến Nga thì bọn tiêm kích Mĩ chỉ đứng sau nhìn và ngược lại.

    Thường thường chúng tôi cất cánh trên sân bay Kummer vào buổi sáng, khoảng 4-5 chiếc Stuka chống tăng có sự yểm trợ từ 12-14 chiếc FW 190 mang bom. Còn nếu đủ xăng – điều rất hiếm - thì cả Không đoàn sẽ xuất kích cùng lúc. Ngay cả khi đó thì tỉ lệ chống lại chúng tôi cũng là 5 với 1. Nói không ngoa thì miếng bánh chúng tôi ăn hàng ngày thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

    Một chiếc tiêm kích phản lực Me 262 trên bầu trời. Chiếc máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới.

    [​IMG]

    Me 262 dưới mặt đất

    [​IMG]
  4. lamali1

    lamali1 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    11/05/2009
    Bài viết:
    7.492
    Đã được thích:
    13.665
    ChuyenGiaNemDa thích bài này.
  5. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    Vào ngày 25 tháng Tư, một bức điện vô tuyến từ boongke Quốc trưởng gửi tới trong tình trạng hoàn toàn bị nhiễu. Không đọc được nội dung nhưng theo ý hiểu của tôi thì đó là một lệnh triệu tập. Tôi gọi tới Bộ chỉ huy Không quân và yêu cầu được phép bay đến đó. Viên Chuẩn tướng trực chiến từ chối, bởi theo báo cáo của lục quân thì đang có giao tranh quanh sân bay Tempelhof và ông không biết kẻ thù đã chiếm sân bay hay chưa. Ông ấy nói:

    - Nếu anh rơi vào tay người Nga, “người ta” sẽ chặt đầu tôi vì đã cho phép anh đến đó.

    Ông khuyên tôi nên chờ để ông điện hỏi Đại tá Von Below về nội dung bức điện và địa điểm hạ cánh an toàn. 3 ngày sau, vào lúc 11h đêm ngày 27 tháng Tư, ông gọi lại, thông báo rằng tôi sẽ bay đến Berlin trên một chiếc Heinkel 111 và hạ cánh trên con đường huyết mạch đông – tây rộng lớn tại cổng Brandenburg và tượng đài Chiến thắng. Niermann sẽ đi cùng với tôi.

    Cất cánh vào ban đêm trên chiếc Heinkel 111 không hề dễ dàng. Quanh sân bay không có đèn đêm, không thể bắn pháo hiệu, ngoài ra còn phải tính tới dãy đồi lớn, thấp ngay bên cạnh đường băng. Để giảm tải trọng máy bay, chúng tôi chỉ đổ đầy một phần bình nhiên liệu. Có nghĩa là phải tuân thủ lịch trình bay sít sao để còn đủ nhiên liệu quay về.

    Chúng tôi cất cánh lúc 1h sáng, vượt dãy núi Sudeten theo hướng bắc - tây bắc tiến vào vùng chiến sự. Từ trên cao nhìn xuống, cả nước Đức chìm trong biển lửa. Làng mạc, thị trấn, rừng núi, đồng ruộng đang bốc cháy, sáng rực. Cố gắng không để những tình cảm tiêu cực xâm chiếm, tôi điều khiển máy bay tiến vào ngoại ô Berlin. Bầu trời ở đó bị xé nát bởi những cột ánh sáng phát ra từ đèn phòng không Liên Xô. Không thể định vị được các cột mốc vì tất cả chìm trong làn khói, hơi nước dày đặc cùng những đám cháy chói sáng. Những tia chớp, những vụ nổ liên tục bùng lên một cách bất tận, không ngừng nghỉ, đến mức mà ngay cả khi tôi nhắm mắt lại, chúng vẫn tiếp tục lóe sáng trước mặt, trong đầu. Đó là khung cảnh địa ngục chứ không còn là thành phố Berlin thân yêu của tôi nữa.

    Không thể tìm ra con đường huyết mạch đông – tây, tôi cầu cứu đài giám sát không lưu. Họ bảo chúng tôi chờ đợi. Sau 15 phút bay vòng vòng trên không trung, tiêu tốn những giọt xăng ít ỏi còn sót lại, tôi cũng liên lạc được với Đại tá Von Below. Liên Xô đã chiếm được Postdamer Platz, còn con đường đông – tây thì chìm trong làn đạn pháo dày đặc. Tôi được yêu cầu bay đến Rechlin rồi gọi điện tới Berlin để nhận mệnh lệnh tiếp theo.

    Niermann liên lạc được với Rechlin, chúng tôi bay tới đó trong tình trạng máy bay cạn kiệt nhiên liệu. Phía dưới là một biển lửa, điều đó có nghĩa là quân Đỏ đã đột nhập tới khu vực Neuruppin ở phía bên kia Berlin và hành lang thoát hiểm sang phía Tây giờ chỉ là một con đường rất hẹp. Rechlin từ chối bật đèn để chúng tôi hạ cánh, viện cớ điều đó sẽ thu hút máy bay địch không kích sân bay. Tôi nhắc họ phải có trách nhiệm trong việc dẫn hướng để tôi hạ cánh, khuyến mãi thêm một lô những câu cảm thán gắn liền với tứ thân phụ mẫu của kẻ đang cầm bên kia ống nghe. Tôi đang mất dần kiên nhẫn vì xăng máy bay hết sạch đến nơi rồi.

    Đột nhiên những dải sáng lờ mờ lóe lên phía dưới, vạch trên mặt đất hình dạng mơ hồ của một cái sân bay . Ghim chặt vị trí đấy vào trong óc, tôi điều khiển máy bay hạ cánh. Đây là đâu vậy nhỉ? Đây là sân bay Wittstock, cách Rechlin 19 dặm. Họ đã lắng nghe cuộc tranh cãi, chửi rủa giữa tôi và Rechlin và quyết định thực hiện màn trình diễn ánh sáng giúp tôi hạ cánh. Một giờ sau, vào lúc 3h sáng, tôi có mặt tại Rechlin và vào phòng liên lạc. Ở đây có một đài V.H.F giúp tôi nói chuyện với Berlin. Đại tá Von Below thông báo rằng sự có mặt của tôi ở Berlin không còn cần thiết vì Thống chế Greim đã tiếp nhận mệnh lệnh của tôi và hoàn thành nó. (ND: Von Greim và nữ phi công Hanna Reitsch hạ cánh xuống cổng Brandenbrug trên một chiếc máy bay hạng nhẹ Fieseler Storch vào ngày 26/4). Tôi trả lời:

    - Tôi đề nghị sáng mai hạ cánh vào ban ngày trên xa lộ đông – tây bằng một chiếc Stuka. Tôi có thể làm được. Chính phủ cần phải thoát ra ngoài để tiếp tục chỉ huy cuộc chiến.

    Von Below yêu cầu tôi giữ máy. Một lát sau ông ta quay lại, nói:

    - Quốc trưởng đã quyết định ở lại Berlin. Ông ấy sẽ không rời bỏ thủ đô. Quân đội đang kháng cự, việc ông không còn ở đây sẽ truyền tải một thông điệp sai lầm là mọi cố gắng đều vô ích. Đây là quyết định cuối cùng. Anh không cần phải đến Berlin nữa. Hãy quay trở về Sudeten và chiến đấu cùng với quân đội của Thống chế Schoerner, tấn công về hướng Berlin.

    Những lời lẽ của Von Below bình tĩnh và nghiêm trang đến mức tôi phải hỏi ông xem tình hình ở đấy như thế nào. Ông trả lời:

    - Tình hình không tốt lắm. Tướng Wenk hoặc Schoerner phải tấn công để giải vây Berlin.

    Tôi chào tạm biệt, thực sự ngưỡng mộ ông vì sự điềm tĩnh và can đảm trong việc thực thi bổn phận, bất kể những khó khăn đang bủa vây xung quanh. Với tôi mọi thứ giờ rất rõ ràng. Tôi quay trở về Không đoàn, tiếp tục chiến đấu.

    Tin tức về cái chết của Nguyên thủ, Tư lệnh tối cao của Đế chế khiến cho toàn thể quân đội bàng hoàng. Nhưng chúng tôi vẫn không được buông tay súng vì ngoài kia quân Đỏ đang tàn phá nước Đức thân yêu. Chúng tôi sẽ chỉ ngừng lại khi nhận được lệnh, đấy là lời thề thiêng liêng mà mỗi quân nhân có bổn phận phải tuân theo. Đấy cũng là nghĩa vụ của nước Đức với tư cách là một cường quốc ở trung tâm Châu Âu, là bức tường thành từ ngàn xưa của phương Tây chống lại phương Đông. Cho dù cả Châu Âu không hiểu hoặc thù địch với vai trò mà số phận đặt lên vai dân tộc Đức thì nghĩa vụ đó vẫn còn đó, không thay đổi theo thời gian. Chúng tôi quyết tâm ngẩng cao đầu khi lịch sử lục địa, mà phần nguy hiểm nhất vẫn còn ở phía trước, đang được viết ra.

    Mặt trận phía Đông và phía Tây mỗi ngày một siết chặt thêm, các cuộc hành quân trở nên rất khó khăn. Nhưng tôi luôn tự hào về đơn vị mình khi kỉ luật của từng chiến binh đều được giữ vững. Từ trước đến nay hình phạt nặng nhất là cách li người vi phạm khỏi các nhiệm vụ bay chiến đấu. Về phần mình, tôi gặp chút rắc rối với “mỏm chân” bị thương. Những chuyên gia cơ khí thiên tài của không đoàn đã chế tạo cho tôi một thiết bị rất tinh xảo giống cẳng chân của loài động vật móng guốc. Tôi gắn nó vào dưới khớp gối, dùng để điều khiển bàn đạp bên phải. Bình thường thì không sao nhưng cứ những lúc không chiến căng thẳng, đặc biệt khi phải đưa máy bay lật sang phải thì lực tác động mạnh vào bàn đạp sẽ khiến lớp da của “mỏm cụt” chưa lành hẳn vỡ toác ra và máu lại chảy dữ dội. Đây là điều không thể khắc phục, có những hôm tôi trở về nhà và các thợ máy phải lau dọn khoang lái máy bay đầy máu.

    Vào đầu tháng Năm, thần may mắn lại mỉm cười với tôi một lần nữa. Trước một cuộc hẹn với Thống chế Schoerner, tôi bay đến Bộ tư lệnh Không quân đang đóng trong một lâu đài ở Hermannstadtel, cách đơn vị 50 dặm về phía đông. Cùng với Fidolin ngồi sau, tôi điều khiển chiếc Fieseler Storch tìm cách hạ cánh xuống giữa khu rừng bao quanh tòa lâu đài. Để chiếc máy bay hạng nhẹ vốn có gia tốc yếu dễ dàng hạ cánh, tôi hạ thấp các cánh tà xuống trước khi tiếp cận khoảnh rừng. Khi máy bay sà xuống quá thấp, tôi kéo vội cần lái để tránh nguy cơ va chạm với những ngọn cây. Một lần, rồi lại một lần nữa. Nhưng bởi vì không còn đủ tốc độ, chiếc máy bay lao sầm vào một bụi cây rồi dừng lại, lơ lửng trên đấy. Tôi và Fidolin ngồi nhìn nhau, còn chiếc máy bay cứ nhẹ nhàng đu đưa theo làn gió trên đỉnh ngọn cây cao ngất. Cuối cùng Fidolin trườn tới phía trước, hỏi:

    - Chuyện quái gì vậy?

    Tôi quát anh ta:

    - Ngồi im đấy. Đừng cựa quậy. Không thì 2 chúng ta lộn cổ xuống đất đấy.

    Tay vẫn nắm chặt cần lái, tôi nhìn xuống 30m mặt đất phía dưới, nơi những mảnh vụn đuôi và cánh máy bay đang nằm rải rác. Tuy không bị thương nhưng rõ ràng nếu không có sự giúp đỡ thì chúng tôi không thể nào thoát khỏi tình trạng hiện tại. May thay vụ hạ cánh ồn ào này cũng thu hút một đám đông, trong đó có cả Đại tướng ở Bộ tư lệnh tìm đến. Người ta gọi đội cứu hỏa địa phương rồi đưa 2 đứa tôi xuống đất nhờ một cái thang cứu hỏa rất dài.

    Người Nga vượt qua Dresden, cố gắng băng qua phía bắc của Erzgebirge để tiến vào Tiệp Khắc, qua đó đánh tạt sườn tập đoàn quân của Thống chế Schoerner. Quân chủ lực của Liên Xô đang ở khu vực Freiberg và phía đông nam của nó. Vào một trong những phi vụ chiến đấu cuối cùng ở nam Diepoldiswalde, tôi tận mắt chứng kiến một đoàn dài người tị nạn Đức trên đường và những chiếc xe tăng Liên Xô lao qua giống như những chiếc xe ủi đất, nghiền nát mọi thứ dưới băng xích sắt.

    Ngay lập tức, chúng tôi lao bổ xuống bắn phá tan tành những chiếc xe tăng ghê tởm trên. Đoàn người tị nạn tiếp tục di chuyển về phía nam, hi vọng tìm kiếm sự an toàn sau dãy núi Sudeten. Một cuộc chạm trán ngay sau đó giúp chúng tôi tiêu diệt thêm một số xe tăng khác. Mọi thứ thật hỗn loạn. Vừa bổ nhào xuống bắn vào lưng một chiếc IS, sau đó kéo cao lên độ cao 200m, tôi ngẩng đẩu lên nhìn, thấy một cơn mưa mảnh vụn rơi lả tả từ trên cao xuống. Tôi hỏi Niermann:

    - Ai trong chúng ta vừa bị bắn hạ?

    Đấy là câu hỏi hợp lí duy nhất. Làm sao có thể khác được? Nhưng Niermann đếm các máy bay đồng đội và thấy vẫn đủ. Thế là thế quái nào vậy? Tôi nhìn xuống chiếc IS nạn nhân vừa nãy và thấy nó chỉ còn là một dấu chấm màu đen trên mặt đất. Sau khi hạ cánh, các phi công khác xác nhận chiếc IS chính là nguyên nhân của vụ nổ khủng khiếp khiến tất cả phải kinh ngạc. Có lẽ nó được nhồi đầy thuốc nổ cho một mục đích đặc biệt nào đó, chứ nếu không làm sao có thể tung mảnh vụn lên tới một độ cao đến như vậy?

    Tôi khâm phục những phẩm chất cá nhân của Niermann. Anh sẵn lòng bay cùng tôi vào những ngày đen tối cuối cùng với một sự bình thản không ai sánh được, hiểu rõ rằng bị bắn rơi hoặc hạ cánh cưỡng bức sẽ là sự kết thúc. Phần thưởng duy nhất cho người phi công Đức bị bắn rơi ở thời điểm này chỉ là cái chết và sự quên lãng mà thôi

    Xa lộ Đông - Tây, phía xa là cổng Brandenburg, nơi mà Greim và Hanna Reitsch hạ cánh ngày 26/4 và cất cánh ngày 28/4.

    [​IMG]

    Nicolaus Von Below (1907-1983), trợ lí không quân của Hitler, là người đứng ngay sau lưng Hitler trong buổi trao tặng huân chương Chữ thập sắt hạng 1 cho Hanna Reitsch. Hanna Reitsch là nữ phi công thử nghiệm nổi tiếng, người phụ nữ Đức duy nhất được trao tặng huân chương chữ thập sắt hạng 1 và 2.

    Von Below sống sót sau chiến tranh và hồi kí At Hitler's side của ông được xuất bản sau khi ông chết.

    [​IMG]
    viagraless, MuahoaLekimakuyomuko thích bài này.
  6. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    Rudel (bên tay trái) trong cuộc thảo luận tình hình chiến trường với Hitler - tháng Một năm 1945

    [​IMG]

    Rudel và Đại tá Von Below - trợ lí không quân của Hitler. Tháng Một năm 1945 (Below chết vào năm 1983, chỉ sau cái chết của Rudel 6 tháng)

    [​IMG]

    Nhân viên kĩ thuật nạp băng đạn 6 viên lõi vonfram cho pháo 37mm trên Ju 87 - G2


    [​IMG]

    2 chiếc Ju 87 - G2 trên bầu trời

    [​IMG]
    --- Gộp bài viết: 24/01/2022, Bài cũ từ: 24/01/2022 ---
    Lễ kỉ niệm phi vụ thứ 2000. Bên trái Rudel là tấm bảng liệt kê thành tích chiến đấu.

    [​IMG]

    Bảng liệt kê thành tích chiến đấu. Bay 100 phi vụ sau 1 tháng ở Nga, một năm sau đạt 500 phi vụ, đến tháng Hai năm 43 đạt phi vụ thứ 1000, đỉnh điểm là từ năm 43 đến năm 44 bay tiếp 1000 phi vụ nữa.

    [​IMG]
    viagraless, MuahoaLekimakuyomukotoho thích bài này.
  7. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    18. Kết thúc


    Mùng 7 tháng Năm, tất cả các chỉ huy Luftwaffe thuộc tập đoàn quân Schoerner được triệu tập tới cuộc họp tại Bộ tư lệnh Quân đoàn, nhằm thảo luận về kế hoạch của Tổng tư lệnh. Đề xuất được đưa ra là rút dần toàn bộ mặt trận phía Đông, theo từng khu vực một, cho đến khi sát nhập hoàn toàn vào mặt trận phía Tây. Các sĩ quan hiểu được tầm quan trọng của quyết định và tranh cãi rất lâu về nó. Liệu phương Tây có tận dụng cơ hội này để bắt đầu chống lại phương Đông hay chỉ đơn giản là phớt lờ chúng tôi.

    Ngày 8 tháng Năm, tôi chỉ huy đơn vị tìm kiếm các xe tăng địch ở phía bắc Bruex và gần Oberleutensdorf. Lần đầu tiên trong chiến tranh, tôi không còn tập trung hoàn toàn tâm trí vào nhiệm vụ chiến đấu. Cảm giác thất vọng tràn ngập bên trong khiến toàn thân tôi rã rời. Tăng địch không có ở đây, chúng vẫn còn ở trong các căn cứ trên các đỉnh núi.

    Đầu óc quay cuồng, tôi quay về sân bay. Hạ cánh và bước vào trong phòng kiểm soát không lưu, Fidolin không có ở đó. Nhân viên báo cáo anh ta được triệu tập đến Bộ tư lệnh quân đoàn. Thế là thế nào nhỉ? Tôi lắc đầu thật mạnh, cố thoát khỏi trạng thái đờ đẫn, ra lệnh:

    - Niermann, gọi điện cho phi đoàn ở Reichenberg chuẩn bị cho một phi vụ mới, ấn định điểm hẹn với tiêm kích hộ tống.

    Rồi tôi quay lại ngắm nghía tấm bản đồ tình huống. Để làm gì bây giờ? Suốt từ sáng đến giờ Fidolin ở đâu? Ngoài kia một chiếc Storch đang hạ cánh. Đấy có phải là Fidolin không? Có lẽ tôi nên chạy ra ngoài đón anh ta. Không, tốt hơn là cứ đứng đây. Giờ đang là thời điểm ấm áp trong năm … còn ngày hôm kia thì 2 người trong đơn vị tôi bị du kích Tiệp Khắc phục kích và bắn chết. Fidolin đang làm cái quái gì mà lâu vậy? Rồi có tiếng cánh cửa mở ra và một ai đó đi vào. Tôi cố gắng không quay người lại, chờ đợi. Một nhân viên trong phòng ho nhẹ. Bên cạnh tôi Niermann tiếp tục nói chuyện qua điện thoại … Người vừa vào không phải là Fidolin còn Nierman thì vẫn loay hoay với chiếc điện thoại … Thật là buồn cười.

    Ngày hôm nay bộ não của tôi bỗng trở nên nhạy cảm một cách lạ thường. Nó ghi lại từng chi tiết nhỏ nhặt mà ngày thường tôi không bao giờ để ý tới. Giống hệt như một chiếc máy ảnh.

    Tôi vừa quay người lại thì cánh cửa mở ra một lần nữa … Đó là Fidolin. Gương mặt anh ta trông mệt mỏi. Chúng tôi nhìn nhau rồi đột nhiên cổ họng tôi khô đắng. Tôi chỉ còn có thể thốt một câu vô nghĩa:

    - Vậy là …..

    - “Thế là hết … Đầu hàng không điều kiện”. Giọng của Fidolin không hơn một lời thì thầm.

    Kết thúc …. Tôi cảm thấy như mình đang rơi thẳng xuống vực sâu không đáy, cùng với đó là rất nhiều con người rơi cùng, hiện ra ngay trước mặt. Đó là những đồng đội đã mất, đó là hàng triệu binh lính Đức đã bỏ mạng trên biển, trên không trung, trên những cánh đồng chiến trận. Là hàng triệu dân thường Đức vô tội bị thảm sát trong ngôi nhà của họ. Giờ thì đám rợ phương Đông kia sẽ tràn ngập đất nước tôi …

    Fidolin đột nhiên thốt ra:

    - Treo cái điện thoại khốn khiếp kia lên, Niermann. Chiến tranh đã chấm dứt rồi.

    - “Chính chúng ta mới là người quyết định khi nào chiến tranh chấm dứt”. Niermann trả lời.

    Ai đó phá lên cười giễu cợt, điệu cười vang to một cách phi lí giữa sự im lặng chết chóc. Tôi phải làm một điều gì đó … nói một cái gì .. hoặc hỏi một ai đó …

    - Niermann, gọi điện cho phi đoàn ở Reichenberg, thông báo trong một giờ nữa sẽ có một chiếc Storch hạ cánh, mang theo một mệnh lệnh quan trọng.

    Nhận ra sự bối rối và mất phương hướng của tôi, Fidolin cố gắng thuyết phục bằng một giọng kích động:

    - Chiến sự trên mặt trận phía Tây đã kết thúc … Người Anh và người Mĩ yêu cầu đầu hàng vô điều kiện trước ngày 8 tháng Năm, tức là hôm nay. Tiệp Khắc nằm trong vùng chiếm đóng của Liên Xô nên chúng ta được lệnh phải đầu hàng họ trước 11h đêm. Vẫn còn thời gian. Phải rút lui càng sớm càng tốt về phía Tây để không rơi vào tay bọn Nga. Phải bay về nhà hoặc tới bất cứ nơi đâu …

    Tôi ngắt lời anh ta:

    - Tập hợp Không đoàn!

    Tôi không thể ngồi yên và nghe anh ta nói. Tôi phải đối diện với thực tế đau lòng này nhưng biết nói gì với các thuộc cấp đây?

    Fidolin phá vỡ dòng suy nghĩ của tôi:

    - Họ chưa bao giờ nhìn thấy anh ngã lòng. Giờ không phải là lúc thích hợp.

    - Thi hành mệnh lệnh! Ngay lập tức!

    Tôi đi ra ngoài, di chuyển một cách khó khăn với cái chân giả. Ngoài sân bay, bầu trời mùa xuân tỏa ánh nắng rực rỡ, rọi lên làn sương mù mỏng phía xa một màu bạc lấp lánh. Tôi dừng lại trước hàng ngũ nhân viên Không đoàn.

    - Các anh em …

    Lời của tôi nghẹn lại. Trước mặt tôi là Phi đoàn 2. Phi đoàn 1 hiện giờ đang ở Áo, phi đoàn 3 đang ở Praha. Liệu tôi có còn gặp lại họ một lần nữa? Tôi ao ước được một lần hòa mình với bọn họ, tất cả, cả những người còn sống và những người đã chết.

    Hàng ngũ binh sĩ trước mặt tôi bất động, những cặp mắt nghiêm trang nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi phải nói điều gì đó:

    - Chúng ta đã mất rất nhiều đồng đội … chúng ta đã đổ bao nhiêu máu trên quê hương và ngoài mặt trận … nhưng số phận đã quay lưng … từ chối chiến thắng cho chúng ta …. lòng dũng cảm của các bạn … của nhân dân chúng ta …là không thể so sánh … cuộc chiến đã thất bại … Tôi xin được cảm ơn lòng trung thành của các bạn … đối với đơn vị … vì đã phụng sự Tổ quốc …

    Tôi lần lượt bắt tay từng người một. Không ai nói một lời nào, chỉ có những cái siết tay nói rằng họ hiểu và chia sẻ cùng với tôi. Khi tôi bước qua người cuối cùng, Fidolin nghiêm giọng ra lệnh:

    - Nghiêm – chào!

    “Nghiêm – chào!” cho rất nhiều, rất nhiều đồng đội đã hi sinh tuổi trẻ của họ. “Nghiêm – chào!” cho chủ nghĩa anh hùng của các công dân Đức. “Nghiêm – chào!” cho những di sản tốt đẹp mà những sinh mạng Đức hi sinh và để lại cho hậu thế. “Nghiêm – chào!” cho những nỗ lực bảo vệ của các quốc gia phương Tây dành cho chủ nghĩa Bolshevism và sẽ đưa đến sự lệ thuộc của họ vào nó.

    Giờ chúng tôi phải làm gì đây? Chiến tranh đã kết thúc với Không đoàn Immelmann. Nhưng một ngày nào đó trong tương lai, chúng tôi vẫn có thể trở thành tấm gương sáng cho những thanh niên Đức trẻ tuổi nếu bây giờ cả Không đoàn thực hiện một nhiệm vụ tự sát cuối cùng vào một sở chỉ huy hoặc một mục tiêu quan trọng khác của kẻ thù. Có thể lắm chứ! Tôi hoàn toàn chắc chắn cả đơn vị sẽ theo tôi, như những người đàn ông. Nhưng ở Bộ tư lệnh Quân đoàn, câu trả lời là Không. Đã có quá đủ người chết. Và chúng tôi vẫn còn các nhiệm vụ khác phải hoàn thành.

    Tôi quyết định chỉ huy đơn vị rút lui theo đường bộ. Đó là cả một đội hình dài bao gồm tất cả nhân viên Không đoàn cùng các đơn vị phòng không và các đơn vị bộ binh phối thuộc. Mọi người sẵn sàng vào lúc 6h tối và cuộc rút lui bắt đầu. Toàn bộ máy bay của phi đoàn 2 sẽ bay về phía Tây. Biết về tình hình vết thương của tôi, trên Quân đoàn ra lệnh cho tôi chỉ huy cuộc rút lui theo đường không còn cuộc rút lui trên mặt đất sẽ do Fidolin chỉ huy. Tôi cùng với Niermann bay đến sân bay Reichenberg, nằm ở bên kia dãy núi, nơi vẫn còn một đơn vị trú đóng đang mất liên lạc, để báo cho họ các tin tức và kế hoạch rút lui. Trên không trung, nóc buồng lái bung ra khiến gia tốc leo cao của chiếc Storch càng thêm tệ hại. Tôi tiếp cận sân bay một cách thận trọng, quan sát vẻ hoang vu của nó đầy nghi ngờ rồi đưa máy bay tiến về phía hangar. Đúng lúc đấy một tiếng nổ dữ dội bùng lên, thổi mái hangar bay lên không trung, ngay cạnh đấy một chiếc xe tải bốc cháy dữ dội, bắn ra xung quanh những dải pháo hiệu sặc sỡ nhiều màu sắc. Tôi nằm sấp trên mặt đất, trái tim rỉ máu, ngắm nhìn cảnh tượng mang tính tượng trưng cho sự đổ vỡ đang diễn ra trước mắt, lòng đầy đau đớn. Ở đây không còn ai chờ đợi tin tức của chúng tôi nữa. Các nhân viên đã di tản xong từ cách đây tầm 15 phút.

    Hai đứa tôi mệt mỏi quay trở lại sân bay Kummer trên chiếc Storch dặt dẹo. Mọi người đã thu dọn xong đồ đạc, đội hình di chuyển trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với các khẩu pháo phòng không bố trí đều trên toàn tuyến. Điểm đến sẽ là phía Nam nước Đức, thuộc khu vực chiếm đóng của quân đội Mĩ.

    Tôi đang đứng đó nhìn hàng người di chuyển thì trên trời vọng xuống tiếng ì ầm của động cơ máy bay. Tất cả tầm 50 – 60 chiếc B-25 Mitchell. Gần như không có thời gian cảnh báo khi những quả bom đầu tiên rơi xuống. Tôi nằm dài trên mặt đường bên cạnh chiếc nạng, bụng bảo dạ nếu bọn “ăn mày” kia ngắm tốt thì thương vong hẳn sẽ rất kinh khủng vì mật độ người ở đây quá đông. Nhưng rốt cuộc thảm bom rơi cách con đường đến hơn 1000 thước, vào đúng thị trấn nhỏ của những người dân Niemes tội nghiệp. Lần oanh tạc thứ 2 của bọn Nga cũng mang lại kết quả tương tự. Sau đó, đoàn quân tiếp tục tiến về phía trước, mang theo những người mà tôi cùng gắn bó trong 7 năm trời. Họ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi đưa tay chào họ lần cuối.

    Fidolin và Đại úy Katschner bắt tay tôi lần cuối rồi lái xe đuổi theo, gia nhập đội hình hành quân. Ở phía tây bắc Praha, gần Kladno, tất cả bọn họ lao thẳng vào một đơn vị Liên Xô rất mạnh có xe tăng yểm trợ. Tuân theo thỏa thuận đình chiến, những người lính Đức đầu hàng, bỏ vũ khí xuống và được người Nga cho phép di chuyển theo một tuyến đường vạch sẵn, dành riêng cho họ. Đi chưa được bao xa, những người Tiệp Khắc có vũ trang đã đuổi kịp và tàn sát các hàng binh Đức tay không tấc sắt. Chỉ có một số ít người kịp chống cự và chạy tới được mặt trận phía Tây, trong đó có viên sĩ quan tình báo trẻ, Trung úy Haufe. Những người còn lại, bao gồm cả người bạn rất thân Fidolin, đều trở thành nạn nhân của bọn khủng bố Tiệp Khắc. Thật là bi thảm khi vượt qua cả cuộc chiến để rồi bị giết một cách cay đắng vào lúc chiến tranh đã kết thúc. Fidolin bạn tôi, cũng như những đồng đội khác hi sinh trong chiến tranh, đã trở thành những vị thánh tử vì đạo cho nền tự do của nước Đức.

    Sau khi từ giã Fidolin và Katschner – mà tôi có một linh cảm đen tối rằng sẽ không bao giờ gặp lại, tôi quay trở lại sân bay Kummer để chào tạm biệt những phi công muốn di tản tự do. Họ đã bắt đầu cất cánh. Nhiều người trong số họ có cơ hội trốn thoát nếu hạ cánh thành công đâu đó gần nhà. Tôi khác họ, cái chân của tôi cần được chữa trị triệt để, vì thế đầu hàng người Mĩ là lựa chọn duy nhất. Hơn nữa gương mặt tôi quá quen thuộc với nhiều người nên không có khả năng trốn thoát một cách yên ổn. Chỉ còn cách hi vọng vào tinh thần hiệp sĩ của những người lính Đồng minh trong việc đối xử với kẻ bại trận. Chiến tranh đã kết thúc, người ta sẽ không giam giữ tôi lâu. Chả sớm thì muộn họ sẽ phải thả tôi về nhà.

    Giờ thì chỉ còn lại tôi với 6 phi công nữa, trong đó có Thiếu tá chỉ huy phi đoàn 2 và Trung úy Schwirblatt, người cũng mất một chân và là một thợ săn tăng lão luyện, kẻ luôn tự hào về kĩ năng điều khiển Stuka không thua kém bất kì một phi công 2 chân nào. Tất cả đều khăng khăng muốn bay cùng tôi về phía Tây. Trên 3 chiếc Ju 87 và 4 chiếc FW 190, chúng tôi nghiêng cánh từ giã với “thế giới” của mình, rồi hướng về sân bay Kitzingen, nơi chắc chắn người Mĩ đang trú đóng ở đó. Qua vùng trời Saaz, chúng tôi có một cuộc giao tranh chớp nhoáng với không quân Nga. Chúng đột ngột lao ra từ trong làn sương mù dày đặc, hi vọng hạ gục những phi cơ Đức một cách bất ngờ nhưng trong cuộc chạm trán cuối cùng này bọn họ vẫn không làm tốt hơn những gì đã làm trong 5 năm qua.

    Sau 2h bay trên không trung, chúng tôi tiếp cận sân bay Kitzingen, thần kinh căng như dây đàn trước hiểm họa từ những khẩu pháo phòng không của người Mĩ. Đường băng lớn đã hiện ra trước mặt. Chúng tôi bay thật thấp trên đường băng một lần để người Mĩ thấy được thành ý, qua đó ngăn chặn nguy cơ họ tấn công. Ở phía xa, rất đông quân nhân đang tập hợp trước lá cờ sao vạch – có lẽ đấy là nghi lễ ăn mừng chiến thắng của họ. Thật buồn khi sự xuất hiện của những chiếc máy bay Đức mang biểu tượng chữ vạn của chúng tôi đã làm gián đoạn buổi lễ đấy. Tôi ra lệnh cho các đồng đội hạ cánh.

    Qua radio, tôi yêu cầu các phi công phá hủy máy bay trong quá trình hạ cánh, mục đích nhằm ngăn chặn người Mĩ tái sử dụng chúng. Để làm được điều đó phi công sẽ phải mở khóa càng bánh lăn, tiếp đất ở tốc độ cao, sau đó vừa phanh vừa đạp thật mạnh vào bánh lái ở cùng một bên. Nếu họ thành công – mà chắc chắn phải thế - thì toàn bộ càng, động cơ, cánh quạt máy bay sẽ bị phá hủy. Trong số 7 máy bay hạ cánh, chỉ có một chiếc của viên trung sĩ phi đoàn 2 là còn nguyên vẹn. Nguyên nhân rất đơn giản, có một cô gái đang nằm phía sau đuôi máy bay và anh ta sợ một cuộc hạ cánh kiểu trên sẽ khiến cô ta bị thương. Về sau hắn khăng khăng khẳng định trước đó không hề quen biết cô gái, mọi việc chỉ là hoàn toàn tình cờ, rằng hắn ta không thể đành lòng mà bỏ cô lại phía sau với người Nga. Chúng tôi – những đồng đội của hắn – còn biết nói gì nữa đây?

    Máy bay tôi tiếp đất đầu tiên, sau cùng cũng dừng lại, gục đầu, chổng đuôi lên ở cuối đường bằng. Tôi mở nắp buồng lái, thấy một tên lính Mĩ đang đứng ngay trước mặt, chĩa khẩu súng ngắn vào người, bàn tay hắn chìa ra hướng về phía Lá Sồi Vàng của tôi. Tôi đẩy hắn ra, kéo ngay nắp buồng lái lại. Mọi chuyện có thể diễn ra tồi tệ hơn nếu một chiếc xe Jeep không phóng tới và những viên sĩ quan Mĩ không xuất hiện, họ trèo lên túm áo tên lính lôi xuống rồi xua hắn đi chỗ khác. Thấy băng quần phải của tôi đẫm máu, hậu quả cuộc không chiến trên bầu trời Saaz, họ đưa tôi đến trạm cứu thương để băng bó. Niermann theo tôi không rời nửa bước. Sau đó tôi được dẫn tới một hành lang được chia thành từng ô ở trên tầng 2, nơi có vẻ là phòng ngủ kiêm phòng làm việc của các sĩ quan Mĩ. Ở đó, những đồng đội của tôi đang đứng đợi.

    Ngay khi tôi bước vào phòng, các thuộc cấp của tôi rập chân rồi vung cao tay chào theo điều lệnh. Đứng tít từ đằng xa là một nhóm nhỏ sĩ quan không quân Hoa Kì, có vẻ không hài lòng, xì xào bàn tán. Bọn họ thuộc biên chế một Không đoàn tiêm kích hỗn hợp, được trang bị cả máy bay Mustang và Thunderbolt. Một thông dịch viên tiến đến và hỏi tôi có nói được tiếng Anh không. Chỉ huy của anh ta yêu cầu nói với tôi rằng bọn họ phản đối cách chào đấy.

    - Ngay cả khi có thể nói tiếng Anh – tôi trả lời – tôi vẫn thích nói tiếng Đức hơn. Đây là nước Đức, lính của tôi chào theo kiểu Đức bởi vì điều lệnh của quân đội Đức yêu cầu như thế. Chúng tôi không quan tâm đến việc các anh có thích hay không. Hãy nói với chỉ huy của anh rằng chúng tôi thuộc Không đoàn Immelmann. Chiến tranh đã kết thúc nhưng chúng tôi không tự coi mình là tù nhân vì không bị ai đánh bại trên không trung. Những người lính Đức không thua kém bất kì ai về phẩm chất hay năng lực chiến đấu, chỉ thất bại bởi sự áp đảo về người và phương tiện. Vì không muốn trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô nên chúng tôi ở đây. Giờ tôi không muốn tranh cãi nữa, chỉ muốn được tắm rửa sạch sẽ rồi ăn một cái gì đó.

    Câu trả lời của tôi khiến những sĩ quan kia còn nhăn nhó nhiều hơn. Mặc kệ bọn họ, chúng tôi quay ra chuẩn bị cho căn phòng ngủ, thoải mái bày biện, tự nhiên trò chuyện như đang ở nhà mình. Tại sao lại không nhỉ, chúng tôi đang ở trên đất Đức cơ mà. Trong khi chúng tôi ăn, người thông dịch viên lại đến và hỏi tôi có đồng ý nói chuyện với chỉ huy và các sĩ quan sau khi ăn xong không. Tất nhiên là tôi đồng ý, thích thú với ý tưởng được trò chuyện với các đồng nghiệp phi công, đặc biệt là khi mà tất cả cùng ngầm thỏa thuận là sẽ không đả động gì đến “nguyên nhân và các lí do khiến một bên chiến thắng còn bên kia lại thất trận”. Trong khi đó ngoài trời vọng vào tiếng ồn ào, huyên náo cùng tiếng súng ăn mừng chiến tranh kết thúc của những người lính da màu say rượu. Đạn bay rào rào từ tứ phía. Chúng tôi đi ngủ khi đêm đã khuya.

    Tại sân bay Kitzingen ngày 8/5/1945, Đại tá Rudel bước ra khỏi chiếc Ju 87 G-2 bị phá hủy, bao quanh là các sĩ quan quân đội Hoa Kì

    [​IMG]

    Tại sân bay Kitzingen ngày 8/5/1945, chiếc FW 190 của Thiếu ta Karl Kennel - chỉ huy phi đoàn 2 - (II/SG2) bị phá hủy theo mệnh lệnh trong cuộc hạ cánh.

    [​IMG]

    Đại úy Kurt Lau (người đứng giữa) - chỉ huy phi đoàn 1 (I/SG2) đứng bên cạnh viên trung sĩ (chở theo bạn gái). Phía xa là chiếc Ju 87 vẫn còn nguyên vẹn.

    [​IMG]

    Viên trung sĩ cùng cô bạn gái. Chiếc máy bay Ju 87 vẫn còn nguyên vẹn

    [​IMG]
    --- Gộp bài viết: 25/01/2022, Bài cũ từ: 25/01/2022 ---
    Người Mĩ đón tiếp Rudel cùng các sĩ quan thuộc cấp khá trọng thể.

    [​IMG]
  8. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    Hans Ulrich Rudel - tù binh chiến tranh - trong bộ quân phục Đại tá Luftwaffe nói chuyện với các sĩ quan quân báo thuộc Tập đoàn Không quân số 9 Hoa Kì tại một biệt thự ở Erlangen. Bên cạnh anh ta là Đại úy Ernst-August Niermann - xạ thủ súng máy phía sau trên Ju 87 G-2.

    Lần cập nhật cuối: 26/01/2022
    kuyomuko thích bài này.
  9. kuyomuko

    kuyomuko Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    21/04/2011
    Bài viết:
    18.399
    Đã được thích:
    26.769
    Bọn Mỹ và Đức cẩn thận phết ấy. Mấy biến cố như này và trước đó nó đều ghi lại đầy đủ hình ảnh cả. Nó Mỹ nó làm tâm lý chiến cũng hay. Nó tôn trọng sự kiêu hãnh của bên kia và khéo léo dàn xếp buổi thẩm vấn lấy thông tin sau khi bắt giữ bằng 1 cuộc nói chuyện, vẫn đạt được mục đích và vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Nếu thay vị trí tay chỉ huy không đoàn kia bằng Rudel, chưa chắc ông ấy làm được vậy.

    Cám ơn chú đá nhiều nhiều. Hồi ký này khởi đầu nhìn chán chán mà càng đọc càng vui.
    ChuyenGiaNemDa thích bài này.
  10. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.738
    Đã được thích:
    18.765
    Bọn Mĩ làm cái gì cũng bài bản, cẩn thận. Căn bản là văn hóa nó cao và tầm nhìn thì xa. Cứ nhìn nước Đức và nước Nhật thì thấy, dù bị Mĩ đánh bại nhưng vẫn ko thù hằn, vẫn bỏ tiền túi ra mời quân Mĩ ở lại.

    Chỉ một tuần sau khi Rudel đầu hàng, sếp của Rudel, Thống chế Đế chế Hermann Goering rơi vào tay người Mĩ và đồng ý trả lời phỏng vấn báo chí Hoa Kì. 16/5/1945

    [​IMG]

Chia sẻ trang này