1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Stuka Pilot-Hans Ulrich Rudel-Huy chương Chữ thập hiệp sĩ với Lá sồi vàng, thanh kiếm và kim cương.

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi ChuyenGiaNemDa, 09/11/2021.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.656
    Đã được thích:
    18.566
    CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG CỦA ĐẠI BÀNG SẮT
    (Bài viết của Michael Loftus Langdon dựa theo lời kể của các sĩ quan Hoa Kì tiếp nhận sự đầu hàng của Hans Ulrich Rudel tại sân bay Kitzingen ngày 8/5/1945)
    Vào sáng sớm ngày 8 tháng Năm năm 1945, người lính Đức được vinh danh cao nhất trong thế chiến thứ 2, Đại tá Hans – Ulrich Rudel, chỉ huy Không đoàn, nhận được thông điệp từ Bộ chỉ huy tối cao Đức là chiến tranh đã kết thúc. Ông ta cũng nhận được lệnh rút các thành viên của Schlachtgeschwader 2 (SG 2) Immelmann về phía Tây để tránh rơi vào tay người Nga. Một số phi công bay về nhà để tránh phải đầu hàng nhưng với Rudel, mà quê hương ở Gorlitz đang nằm dưới sự chiếm đóng của người Nga, thì điều này không được tính đến. Ông quyết định đầu hàng người Mĩ, hi vọng họ sẽ chữa trị cho cái chân cụt đến đầu gối, vẫn đang còn sưng tấy và rỉ máu. Sau khi cảm ơn các sĩ quan vì lòng trung thành và dũng cảm, ông chào từ biệt các nhân viên mặt đất, những người sẽ rời đi trên xe tải và các phương tiện khác.

    Vào cuối buổi sáng hôm đó, trên những chiếc máy bay còn lại của phi đoàn 2 Không đoàn 2 – II./SG2 – bao gồm 3 chiếc Ju 87 và 4 chiếc FW 190, họ cất cánh từ căn cứ không quân ở Kummer am See – Tiệp Khắc. Rudel bay trên chiếc Ju 87 G-2 Chim đại pháo, được trang bị 2 khẩu pháo 37mm, đã giúp ông tiêu diệt hơn 500 chiếc xe tăng Liên Xô.

    Rudel đã điện cho Bộ tư lệnh Không quân chiến thuật số 19 (The XIX TAC) về ý định của ông và được chỉ định đến sân bay R-6 Kitzingen, do Quân đoàn tiêm kích 405 thuộc Tập đoàn Không quân số 9 trấn giữ, hiện do Đại tá J. Garrett Jackson chỉ huy. TAC đã liên lạc trước với các đơn vị phòng không ở sân bay Kitzingen để thông báo cho họ về nhóm máy bay Đức đang đến đầu hàng. Tuy nhiên, vì đang bận rộn với cuộc diễu binh mừng chiến thắng nên Quân đoàn 405 không nhận được bức điện. Vào thời điểm đó, toàn bộ 2.500 thành viên của quân đoàn đang tập hợp trước hangar trong bộ lễ phục, chờ đợi các phi đội diễu hành trên bầu trời. Ông tôi, trung tá Edgar J. Loftus, sĩ quan điều hành của quân đoàn, là người phụ trách chính cho ban nhạc, điều lệnh của buổi lễ. Ông là sĩ quan cao cấp nhất trên sân bay khi máy bay của Rudel xuất hiện. Hai trong số các chỉ huy phi đoàn và Tư lệnh quân đoàn Jackson đang ở trên không trung cùng những chiếc P-47D Thunderbolts trong đội hình bay trình diễn.

    Ngay khi những quân nhân Hoa Kì vào vị trí, Loftus nhận được tin báo là những chiếc tiêm kích Đức đang tiến tới đầu kia của sân bay. Chỉ có 2-3 phút để phản ứng, ông không có nhiều lựa chọn. 75 máy bay của quân đoàn không được trang bị vũ khí đang hiện diện cách sân bay 10-15 dặm về phía tây nam, trong đội hình tập hợp. Ông quyết định cứ tiếp tục buổi lễ, hi vọng các phi công Luftwaffe không có ý định phá rối như một cử chỉ thách thức cuối cùng. Khi một số quân nhân Hoa Kì lo lắng, xáo trộn hàng ngũ để tìm nơi ẩn núp, Loftus ra lệnh cho họ thả lỏng nhưng không được phép rời hàng. Rồi 7 chiếc máy bay Đức xuất hiện, bay thấp tới mức người Mĩ có thể nhìn thấy rõ gương mặt và phù hiệu của từng phi công.

    Các quân nhân Hoa Kì tập hợp trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng tại sân bay Kitzingen ngày 8/5/1945. Ảnh do các cựu sĩ quan Mĩ chụp

    [​IMG]

    Rudel ra lệnh cho người của ông ta hạ cánh – phá hủy những chiếc máy bay để kẻ thù không thể sử dụng chúng. Sau khi vòng qua sân bay, người Đức bắn pháo hiệu sẽ hạ cánh rồi quay trở lại, lượn thêm một vòng nữa rồi mới lao xuống tiếp đất. Loftus nhớ lại: “Chiếc máy bay đầu tiên, một chiếc Stuka Ju 87, chạm đất theo kiểu hạ cánh 3 điểm. Tôi nhìn nó giảm tốc độ trên đường băng một cách từ từ, rồi vẫn còn thừa tốc độ khi nó lao ra ngoài đường băng – có vẻ như phi công không kịp phanh -, các bánh xe cắm xuống lớp đất mềm và cánh quạt bị bẻ cong do va chạm. Cả chiếc máy bay cày trên mặt cỏ thành một đường rãnh”. Từng chiếc một, sáu chiếc máy bay Đức tiếp theo lần lượt hạ cánh. 2 chiếc FW 190 và 2 chiếc Stuka đã cày xuống đất với một cánh hoặc với bộ hạ càng vẫn thu gọn trong thân.

    Loftus và Ralph Jenkins, chỉ huy phi đoàn tiêm kích 510, chạy về phía các máy bay Đức. Jenkins nhớ lại: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có tới 2 phi công Đức rời khỏi chiếc FW 190 vốn chỉ có một chỗ ngồi. Còn với mỗi chiếc Stuka 2 chỗ ngồi thì được nhồi tới 3 người. Tổng cộng có 21 người rời khỏi 7 chiếc máy bay”

    Khi Loftus tới chiếc Stuka đầu tiên, ông nhìn thấy một người của mình đang chĩa khẩu súng ngắn vào buồng lái. Viên phi công Đức vừa mở nắp buồng lái thì bị người lính Mĩ cố gắng giằng lấy huy chương trên cổ nhưng viên phi công đã đẩy anh ta ra rồi đóng nắp buồng lái lại. Sau khi thấy Loftus đuổi người lính đi, viên phi công mới nhảy xuống cánh máy bay và yêu cầu gặp sĩ quan chỉ huy. Loftus kể: “Anh ta giới thiệu với tôi bằng tiếng Anh rằng anh ta là Đại tá Hans Ulrich Rudel. Anh ta tới từ mặt trận phía Đông, nhận lệnh của chỉ huy Đức phải tới đây và đầu hàng người Mĩ. Anh ta tuân lệnh cấp trên nhưng cũng từ chối đầu hàng chúng tôi. Một cách thách thức, anh ta giải thích rằng việc phá hủy máy bay là để nó không còn có thể sử dụng. Nếu người Mĩ muốn thì cứ bắt họ làm tù binh nhưng 6 sĩ quan và viên hạ sĩ quan phi công sẽ không đầu hàng”.

    Rồi chỉ tay về phía đội hình 2.500 quân nhân Mĩ, Rudel cám ơn sự lịch sự của Loftus, hài lòng vì cuộc đầu hàng của anh ta được đón nhận một cách trang trọng đến như vậy. Bình thường thì thói tự phụ này sẽ là đối tượng của những lời giễu cợt nhưng lần này Loftus cứ để cho viên phi công cuồng tín, thành viên trung thành của Đảng Quốc xã cái mà anh ta muốn. Sau đó, viên sĩ quan trợ lí (XO) nhận thấy cẳng chân Rudel đầy máu và Rudel di chuyển khập khiễng, rõ ràng là đang đau, anh ta đề nghị chở Rudel trên xe jeep đến trạm cứu thương để sơ cứu. Tuy nhiên, viên đại tá Đức khăng khăng đòi duyệt qua đội ngũ lính Mĩ trước khi rời đi.

    Trên đường đến trạm cứu thương, băng ngang qua những chiếc P47 vừa hạ cánh, Loftus giới thiệu Rudel với đại tá Jackson, chỉ huy của ông. Jackson sau đó giới thiệu Rudel với thiếu tá Chester Van Etten, chỉ huy phi đoàn tiêm kích 509, người vừa dẫn đầu chuyến bay diễu hành chiến thắng. Khi Chester Van Etten đưa Rudel duyệt qua đội ngũ các sĩ quan tác chiến của anh ta, viên đại tá Đức nhận xét: “Đây là đội hình dũng mãnh nhất mà tôi từng thấy”.

    Van Etten nhớ lại: “Sĩ quan tác chiến của tôi, đại úy Oscar Theis - người có thể nói tiếng Đức – trò chuyện với Rudel một cách thân mật. Anh ta hỏi Rudel rằng liệu có được hướng dẫn cách điều khiển FW 190 để sau đó bay thử trên chiếc máy bay một vòng không. Dù Rudel bay tới Kitzingen trên một chiếc Stuka nhưng anh ta đã từng bay chiến đấu trên FW 190 từ mùa xuân năm 1944, còn hôm nay thì chiếc FW 190 của anh ta do một hạ sĩ quan điều khiển. Van Etten kể tiếp: “Theis và Rudel đi tới buồng lái của chiếc máy bay rồi Rudel chỉ cho anh ta cách mở khóa bánh lái đuôi”. Sau đó viên thiếu tá hộ tống Rudel tới gặp bác sĩ quân y của quân đoàn, đại úy Bob Schlecter, người sẽ băng bó cái chân bị thương cho viên đại tá.

    Trong khi viên bác sĩ lúi húi làm việc, xạ thủ phía sau của Rudel, đại úy Ernst-August Niermann chăm chú quan sát. Anh ta đã bay cùng với Rudel trong những phi vụ cuối cùng, và sẽ không rời khỏi Rudel ngay cả sau khi đầu hàng. Khi thiếu tá Van Etten hỏi xin một bức ảnh của Rudel, đại úy Niermann đã rút ra và đưa cho Van Etten một bức ảnh mà anh ta và Rudel chụp cách đó không lâu.

    Còn tại nơi những chiếc máy bay bị phá hủy, các sĩ quan Đức còn lại và lính Mĩ đang xem xét chiếc phi cơ hạ cánh cuối cùng, do thiếu tá Karl Kennel, chỉ huy phi đoàn 2 (II./SG2) điều khiển. Là một phi công lái FW 190 với 34 chiến công, Kennel luôn bay và yểm trợ ở trên cao cho Rudel. Ông cũng là người lái 1 trong 2 chiếc FW 190 hạ cánh – phá hủy trên mặt đất theo đúng mệnh lệnh của Rudel.

    Sau khi thẩm vấn cả phi đội, 4 sĩ quan Đức được dẫn tới văn phòng của Jenkins. Ông ta nhớ lại: “Tất cả các nhân viên mặt đất, thợ máy và người phụ nữ Đức được đội an ninh Mĩ đưa đi như những tù nhân chiến tranh. Người phụ nữ nấp trong khoang vô tuyến của chiếc FW 190 là bạn gái của viên trung sĩ kì cựu của Rudel”. Rõ ràng là trước đó các sĩ quan cấp cao Đức không biết gì về người hành khách đi lậu này và Rudel không hài lòng vì cô chính là nguyên nhân viên trung sĩ Đức không phá hủy được chiếc máy bay.

    Bốn viên sĩ quan Đức kiên nhẫn chờ đợi ở văn phòng của Jenkins trong khi Rudel đang được sơ cứu trong trạm y tế. Khi viên đại tá, có Niermann bên cạnh, quay trở lại, Jenkins nhớ lại: “Cả 4 sĩ quan Đức cùng đứng dậy, rập gót chân và giơ tay chào Rudel. Họ chỉ ngồi xuống sau khi Rudel đã ngồi”. Rồi mọi người ngồi đợi chỉ huy Quân đoàn 405 Jackson cùng các sĩ quan phụ tá. Đó là trung tá Jack C. Berger chỉ huy Phi đoàn 511, trung tá Fred B. Kinne phó chỉ huy Quân đoàn, thiếu tá Dean E. Hess sĩ quan tác chiến Quân đoàn và thiếu tá Loftus sĩ quan trợ lí tác chiến.

    Jenkins chuẩn bị sẵn một thông dịch viên, nhưng hóa ra là không cần thiết, vì các vị khách Đức có thể sử dụng tiếng Anh một cách hoàn hảo. Rudel giới thiệu anh ta là người lính Đức được vinh danh cao nhất, với phần thưởng là huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với Lá sồi vàng, thanh kiếm và kim cương do đích thân Adolf Hitler trao tặng vì lòng dũng cảm phi thường. Anh ta đã phá hủy thiết giáp hạm Marat cùng nhiều tàu hải quân Liên Xô khác, trong đó có hơn 70 tàu đổ bộ. Với các mục tiêu trên mặt đất, anh ta tiêu diệt 519 xe tăng Liên Xô. Đã thực hiện tổng cộng hơn 2.500 phi vụ chiến đấu, Rudel tuyên bố sẽ bị người Nga giết nếu họ bắt được anh ta. Cuối cùng Rudel tháo huân chương đang đeo trên cổ xuống cho các sĩ quan của Quân đoàn 405 xem.

    Tiếp theo các sĩ quan Đức lần lượt giới thiệu về bản thân. Ngồi bên trái Rudel là thiếu tá Kennel, bên cạnh anh ta là trung úy Hans Schwirblatt, phi công Stuka với huân chương Chữ thập Hiệp sĩ tặng thưởng cho 900 phi vụ chiến đấu. Schwirblatt mất một chân cùng phần lớn bàn tay trái trong chiến đấu vào tháng 11 năm 1944. Bên phải Rudel là trung úy Karl Biermann, người có một vết sẹo lớn trên đầu, cũng là hậu quả của một chấn thương nặng trong chiến đấu. Ngồi ngoài cùng bên phải Rudel là đại úy Kurt Lau, một phi công Stuka khác, rất dày dạn kinh nghiệm với huân chương Chữ thập Hiệp sĩ.

    [​IMG]

    Trong cuộc nói chuyện, Jenkins và những sĩ quan Mĩ khác muốn biết tại sao không quân Đức không yểm trợ cho lực lượng bộ binh của họ ở Tây Âu. Lí do là máy bay của Quân đoàn 405 rất ít khi chạm trán với máy bay Đức trong khi tấn công và đánh chặn các đơn vị Đức rút lui trên mặt trận. Rudel trả lời rằng các thành phố và tổ hợp sản xuất vũ khí Đức đã bị phá hủy khiến cho xăng dầu, máy bay, đạn dược chỉ còn rất ít. Những gì còn lại của không quân chỉ tập trung vào việc bảo vệ chính quốc Đức khỏi các máy bay ném bom của Đồng minh.

    Đến khi nghe thấy Jenkins nói rằng ông ta không coi trọng các kĩ năng và quyết tâm giao chiến của phi công Đức, rằng họ sẽ rút chạy về phía đông khi thấy máy bay Mĩ, rằng khi bị truy đuổi bọn họ sẽ nhảy dù hoặc hạ cánh khẩn cấp ngay trước khi viên đạn đầu tiên phát nổ …thì những sĩ quan Đức tỏ ra khó chịu thực sự. Thiếu tá Kennel đứng lên thách thức các chỉ huy Mĩ về một cuộc không chiến không vũ trang nhằm chứng minh khả năng của phi công Đức. Jackson rất khôn ngoan, từ chối yêu cầu đấy.

    Rudel giải thích rằng nước Đức không có nhiều nguồn lực để đào tạo các phi công mới bởi thiếu máy bay, nhiên liệu và việc các sân bay liên tục bị ném bom và đánh phá. Anh ta cũng nhắc lại rằng mình và các sĩ quan chưa sẵn sàng cho việc đầu hàng. Vào thời điểm này Rudel được thông báo rằng anh ta sẽ bị chuyển giao cho Tập đoàn không quân số 9, sau đó là người Anh, để thẩm vấn.

    Sau 2h trò chuyện, Rudel cùng các sĩ quan được đưa ra khu sinh hoạt chung để tham dự bữa tiệc buffet do Đại tá Jackson chiêu đãi. Lúc đầu, không khí giữa những kẻ cựu thù diễn ra khá vui vẻ, Rudel nói với Van Etten rằng đáng lẽ nước Đức và nước Mĩ phải chiến đấu bên cạnh nhau, cùng chống lại nhà nước Xô viết, đấy mới là kẻ thù đích thực. Đó là thời điểm thiếu tá Harry G. Sanders gia nhập buổi tiệc. Sanders, phi công của Phi đoàn 510 bị phòng không Đức bắn hạ vào ngày 14/4/1945, vừa mới trở về từ trại tù binh Stalag 11A. Giờ anh ta phải chứng kiến lòng hiếu khách mà các sĩ quan Mĩ dành cho các phi công Đức vừa đầu hàng.

    Tất cả mọi người đều bị sốc khi thấy Sanders rút khẩu súng ngắn cỡ nòng .45 ra và tuyên bố: “Tao sẽ giết thằng Đức đầu tiên đụng tới đồ ăn”. Loftus vội vã thì thầm với Van Etten đang ngồi cách Rudel hai ghế: “Van, anh sử dụng súng thành thạo, đi lên tước súng của Harry đi”. Van Etten đứng dậy, tiến tới Sanders và chắn ngang giữa anh ta và Rudel, nói: “Này Harry, nếu muốn bắn thì anh phải giết tôi trước. Đấy sẽ là điều tệ hại cho đất nước chúng ta. Kia là một phi công nổi tiếng, được vinh danh cao. Hắn ta chỉ thực hiện bổn phận với đất nước của hắn. Đừng làm điều sẽ khiến anh phải hối tiếc suốt phần đời còn lại”. Bằng cách đó, Van Ettten tước được khẩu súng ngắn của Sanders, còn viên thiếu tá thì giận dữ nhặt một đĩa đồ ăn rồi ném nó ra ngoài cửa sổ. Sau đó Rudel mới biết khi còn là tù bình, Sanders không được cung cấp thức ăn và nước uống, đồng thời vết thương của anh ta do va chạm với một thân cây trong khi hạ cánh cũng không được chữa trị đúng mức. Bày tỏ sự cảm thông với viên thiếu tá, Rudel và những sĩ quan của mình ăn trong im lặng sau khi Sanders bỏ đi.

    Em search thông tin, tò mò muốn biết thiếu tá Sanders là thật hay là trò do mấy ông Mĩ bày ra để đánh gục sự kiêu hãnh của người Đức. Hóa ra Sanders là có thật, chuyện bị bắt là tù binh cũng thật nốt. Sau chiến tranh, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá, chết vì ung thư năm 2010.

    [​IMG]

    Trước khi phải rời đi cùng với đội an ninh không quân Mĩ, Rudel rút ra một chai rượu scotch 20 năm tuổi, rót cho các đồng đội rồi tất cả cùng nâng li, uống mừng vì đã sống sót sau chiến tranh. Điều này khiến các sĩ quan Mĩ bối rối vì không có rượu và còn vì người Đức không có ý định mời họ. Rồi Rudel được dẫn đi và những thành viên của Quân đoàn 405 không bao giờ còn gặp lại anh ta nữa.

    Vào ngày 10 tháng Năm năm 1945, Van Etten và Theis lôi chiếc FW 190 của Rudel ra thử nghiệm. Theis bay trên chiếc FW 190 A-8 tham gia một cuộc tập trận ở độ cao 15.000 feet với chiếc P-47D Look No Hands của Van Etten. Sau 3-4 lượt dogfight, Theis dễ dàng áp đảo Van Etten một cách hoàn toàn. Điều này chứng tỏ rằng FW 190, nếu được điều khiển bởi một phi công giàu kinh nghiệm, có thể dễ dàng chiến thắng một chiếc Jug (biệt danh của P-47 Thunderbolt) vốn nặng nề hơn. Qua đó cũng cho thấy việc Jackson từ chối lời thách thức của viên thiếu tá Đức Kennel về một cuộc không chiến giả định giữa FW 190 và P-47 là một quyết định khôn ngoan vì nếu không, nó có thể kết thúc với sự ngượng ngùng của những quân nhân Mĩ.

    Những chàng trai của Quân đoàn tiêm kích 405, bao gồm cả ông tôi, sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ với Hans – Ulrich Rudel. Đó luôn là một kỉ niệm thú vị trong thời gian tham dự thế chiến thứ 2 của họ.

    (Michael Loftus Langdon xin chân thành cảm ơn các Đại tá đã nghỉ hưu Ralph Jenkins, Harry Sanders, Dean Hess, Chester Van Etten, cùng Đại úy Howard “Mike” Spencer và John B. Henkels vì sự giúp đỡ của họ đối với bài viết này)
    maseo, kuyomukoMuahoaLekima thích bài này.
  2. kuyomuko

    kuyomuko Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    21/04/2011
    Bài viết:
    18.374
    Đã được thích:
    26.728
    Chi tiết Rudel lôi đâu ra 1 chai whisky rồi uống nội bộ có vẻ không logic. Có thể ai đó đã làm vậy chứ Rudel thì khó có thể vì vấn đề thói quen từ nhỏ liên quan tôn giáo.

    Bọn Mỹ và LX rõ là toàn chơi biển người với biển máy bay, biển xe tăng các cụ nhẩy :-D. Giao bọn này cho tầu khựa nó cân tất
    maseoChuyenGiaNemDa thích bài này.
  3. ChuyenGiaNemDa

    ChuyenGiaNemDa Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    05/10/2015
    Bài viết:
    9.656
    Đã được thích:
    18.566
    [​IMG]

    Được chụp vào khoảng nửa cuối năm 1942, bức ảnh trên cho thấy mức độ thiệt hại của Không đoàn Stuka Immelmann. Trong số 7 phi công át chủ bài của không đoàn giai đoạn đầu chiến dịch đánh Nga, chỉ duy nhất một người sống sót qua chiến tranh. Lần lượt, tính từ trái qua phải:

    - Đại úy Egbert Jaeckel - III./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ - 983 phi vụ, hạ 12 máy bay Liên Xô, đánh chìm tàu khu trục Minsk (LX) - Tử trận 17/7/1943. (Trong hồi kí của Rudel, đấy chính là người thanh niên vui tính trèo lên nóc xe bus trong đơn vị huấn luyện của Rudel, giỏi kể chuyện cười, trong khi không chiến với tiêm kích Liên xô vì bị mất cảm giác về độ cao nên đưa máy bay lao xuống đất).

    - Thiếu tá Alwin Boerst - III./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với Lá sồi và Thanh kiếm - 1060 phi vụ, đánh chìm tàu khu trục Kelly và Kashmir (Anh) - Tử trận ngày 30/3/1944 ngay trong phi vụ đầu tiên với chiếc Ju 87 G-1 săn tăng.

    - Đại tá Ernst Kupfer - Chỉ huy SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với Lá sồi và Thanh kiếm - 636 phi vụ, đánh chìm tàu tuần dương HMS Gloucester (Anh) và ném bom 1.000 kg trúng thiết giáp hạm Oktyabrskaya Revolutsiya (LX - nhưng ko nổ) - Chết do tai nạn máy bay ngày 6/11/1943.

    - Trung úy Hans - Ulrich Rudel - I./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với Lá sồi vàng, thanh kiếm và kim cương. Sống sót sau chiến tranh.

    - Đại úy Walter Krauß - III./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với Lá sồi - 500 phi vụ chiến đấu - Tử trận ngày 17/7/1943 trong một vụ ném bom đêm của Liên Xô vào sân bay Orel. Có được nhắc trong hồi kí của Rudel

    - Trung úy Bernhard Wutka - VIII./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ - 600 phi vụ chiến đấu, 40 xe tăng và 5 đoàn tàu Nga - Tử trận ngày 8/7/1943. Có được nhắc tới trong hồi kí của Rudel.

    - Trung úy Willi Hörner - IX./SG2 - Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ - 500 phi vụ chiến đấu - Tử trận ngày 21/7/1943.
    huytop, MuahoaLekimakuyomukotoho thích bài này.

Chia sẻ trang này