1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sự Hợp Nhất Giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 05/09/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Trong khi duy trì thực hành như vậy

    Sẽ xuất hiện một trạng thái rộng mở tinh thần trong trẻo và tỉnh táo

    Như hồ nước không bị suy suyển bởi các làn sóng

    Vì người ta không hề bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện cho dù là nhỏ nhiệm nhất của tư tưởng

    Đôi lúc nó xuất hiện như vậy, đôi lúc thì không

    Thỉnh thoảng người ta sẽ cảm thấy khó nhập thiền hoặc thậm chí khó giữ tư thế ngồi

    Nhiều khi những trở ngại này xảy ra ngay cả khi chưa thiền.

    Một chiếc hồ dĩ nhiên là có nhiều sóng, nhưng sóng không gây hại cho nước, mà nó cũng không cải thiện chiếc hồ. Tương tự, khi đã vững vàng trong trạng thái tỉnh biết vô ý niệm, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tạp niệm, và không cần phải cố gắng để ngăn ngừa sự xuất hiện của chúng. Người ta không thể ngăn ngừa chúng trong bất cứ trường hợp nào, bởi vì tư tưởng không dễ dàng ngừng bặt. Theo các giáo lý của truyền thống Đại Ấn, “Trong tạp niệm, ta nhận ra cái vô niệm.” Cho dù tạp niệm không phải là cái gì đó có lợi, bản chất của tạp niệm, trong tự tính của nó là Pháp thân trần trụi, tâm trí bình thường, Đại Ấn, hoặc tâm tỉnh thức tự hiện diện, hoặc bất cứ cái gì chúng ta muốn dùng để gọi nó. Do đó, điều này được nhận định: “Càng nhiều ý nghĩ, càng tỉnh thức.”

    Sự xuất hiện và tan biến của một ý nghĩ, thỉnh thoảng xảy ra cùng một lúc, khi người ta nhận ra bản chất của nó ngay thời điểm nó vừa xuất hiện. Ý nghĩ khởi lên, tan biến, rồi lại khởi lên, lại tan biến, cứ như thế, đôi lúc sẽ diễn tiến như vậy, đôi lúc không.

    Thỉnh thoảng chúng ta định thực hành và nghĩ: “Nào mình sẽ thả lỏng thân khẩu ý trong tình trạng tự nhiên. Mình sẽ nghỉ ngơi trong trạng thái của Đại Ấn,” nhưng lại cảm thấy khó giữ tư thế ngồi và khó nhập thiền. Bất kể nỗ lực thế nào, người ta cũng không thể duy trì trạng thái tự nhiên.

    Có khi, người ta quyết tâm thực hành chuyên sâu ở một nơi hẻo lánh, thậm chí cố gắng giữ kỷ luật bằng cách đặt ra những thời khóa trong ngày để hành thiền. Sau đó người ta ngồi xuống và nghĩ: “Bây giờ mình sẽ thực hành Mahamudra!” Nhưng vẫn không có hiệu quả chút nào, người ta chỉ trở nên nhiễu loạn, không thể nhập tâm. Ngược lại, trạng thái tỉnh thức có thể tự động phát sinh trong khi người ta đang thực hiện các hoạt động đời thường. Nó không xảy ra khi chưa có kinh nghiệm thực hành, nhưng nó đôi lúc có thể xuất hiện tự nhiên mà không hề có sự chuẩn bị.

    Trí tuệ nền tảng hoặc tâm tỉnh thức ban sơ rất quỷ quyệt. Nếu chúng ta cố gắng trau dồi, nó sẽ không xuất hiện, khi không cố gắng, nó lại xuất hiện. Khi đó, ta nên trông cậy vào hướng dẫn truyền khẩu từ một vị thầy.

    Xem xét một người bệnh kinh niên phải trải qua nhiều căn bệnh và uống nhiều loại thuốc khác nhau qua một quá trình dài với một bác sĩ thiếu kinh nghiệm, chúng ta sẽ thấy mặc dù vị bác sĩ đã hoàn thành học tập nghiên cứu và có thể thuyết trình say sưa hàng giờ về các loại bệnh tật và thuốc men, nhưng người bệnh trên thực tế còn thành thạo hơn về việc sử dụng thuốc thang và chẩn đoán cho các bệnh nhân khác. Tương tự, được nhận hướng dẫn truyền khẩu từ một vị thiền sư có kinh nghiệm, một vị thầy đã thực hành rất nhiều, còn có hiệu quả hơn là nhận giáo lý từ một người chỉ học thật nhiều.
    Lần cập nhật cuối: 10/01/2016
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Tiếp tục như vậy, thân và tâm của bạn sẽ thường sống trong một niềm hạnh phúc sâu xa

    Không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đời thường như đi lại hoặc đứng ngồi

    Nguồn cảm hứng khao khát thực hành theo đó được hình thành và ngày càng lớn mạnh.

    Sau một quá trình dài hành trì, thân tâm chúng ta sẽ tràn đầy nội hỷ trong thời thiền. Cơ thể có cảm giác thư thái, dễ chịu, còn tâm trí thì phóng khoáng, tự tại và bình lặng. Có thể nhận thấy bất kể hành động đời thường nào ta thực hiện như đi lại, đứng ngồi, nói chuyện, hoặc làm lụng, việc thực hành của chúng ta vẫn không bị xáo trộn. Sự hành trì có thể được tiến hành liên tục không gián đoạn.

    Trạng thái này sẽ là tốt nếu không bị dính mắc vào nó thái quá, mang lại cảm giác hân hoan sung sướng và phấn chấn; nhưng sẽ là không tốt nếu ta chìm đắm vào nó, níu giữ nó như cái gì đặc biệt. Nó biểu hiện một trình độ tu chứng nào đó của kinh nghiệm thâm sâu, nhưng người ta không nên bám dính vào nó. Khi ấy, người ta thực sự bắt đầu có cảm giác háo hức muốn thực hành. Trước đó, việc thực hành chỉ là hy vọng cái gì đó, mong đợi đạt tới điều gì đó. Người ta thường ngồi xuống thiền với mong ước sẽ có các hiệu ứng hoặc mong cuộc sống của mình có nhiều thay đổi. Tới lúc này, cơ may thành tựu là thực sự hiển hiện. Đồng thời, cũng có nguy cơ trở nên dính mắc vào niềm hứng khởi say mê và cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát này.

    ***

    Thỉnh thoảng bạn có khả năng nhận ra các giấc mơ

    Nghĩ rằng “Kinh nghiệm và chứng ngộ của mình thật hoàn hảo!”

    Cảm thấy mê hoặc và chìm đắm, bạn dính chặt vào đó

    Khi ấy, đừng mê đắm, mà hãy nhìn vào bản chất của nó.

    Đôi khi trong các giấc mơ, chúng ta nhận ra là đang mơ và ngủ trong một trạng thái thảnh thơi, khoan khoái và êm ả.

    Sau một quá trình công phu, chúng ta đạt tới một trình độ mà không còn phải đối diện với các vấn đề đời thường, cho dù là đang đứng ngồi hoặc đi lại, việc hành trì vẫn tiếp diễn. Tâm trí của ta cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Ta không còn phải kinh nghiệm sự nghi ngờ và lo sợ, cho dù tình huống có như thế nào. Cả ngày và đêm, tâm trí duy trì trong tình trạng rộng mở. Chúng ta có thể bắt đầu cổ súy bản thân, nghĩ rằng “Thật tuyệt! Cuối cùng mình cũng làm được rồi!” và dính mắc vào trạng thái này. Nhưng trong thực tế, điểm then chốt ở đây lại là không để bị lôi cuốn, dính mắc vào những cảm nhận đó.

    Người ta nhất thời có thể nghĩ, “Kinh nghiệm và chứng ngộ của mình thật xuất sắc!” Kinh nghiệm và chứng ngộ đúng là then chốt, nhưng theo giáo lý, “Kinh nghiệm như sương mù, nó sẽ phai mờ và biến mất. Chứng ngộ thì không thay đổi như bầu trời.” Tuy nhiên đối với người sơ cơ, kinh nghiệm và chứng ngộ không tách rời nhau. Người ta không thể biết rõ cái nào là cái nào.

    Ba dạng kinh nghiệm tạm thời thường được mô tả là: hỷ lạc, tính sáng và vô niệm. Kinh nghiệm về trạng thái vô niệm là thấy mọi thứ biến mất - đất, núi, nhà cửa, thân thể và mọi thứ. Người ta cảm thấy không còn gì tồn tại. Khi đó người ta dừng lại với ý nghĩ: “Mình đang kinh nghiệm tính không,” và người ta thích nó. Kinh nghiệm về tính sáng có thể mãnh liệt đến mức thậm chí khi nhắm mắt, người ta vẫn có thể nhìn xuyên thấu mọi thứ.

    Những kinh nghiệm như vậy luôn chỉ là tạm thời và luôn kèm theo xu hướng dính mắc, với suy nghĩ, “Mình đang kinh nghiệm trạng thái này.” Chứng ngộ, tuy nhiên, lại không thay đổi. Do đó, lời dạy ở đây là “Không bị mê đắm, không dừng lại ở đó, không dính mắc, không đeo bám.” Khi có kinh nghiệm, đừng bám dính, mà hãy nhìn vào bản chất. “Nhìn” không có nghĩa là có cái gì để nhìn hoặc người nhìn, chỉ đơn giản là nghỉ ngơi trong sự hợp nhất giữa tính biết và tính không, mà chẳng có người nhìn, và đối tượng được nhìn.

    Đại Ấn có nhiều biểu hiện được biết đến như là Đại Ấn của đại lạc và tính không, Đại Ấn của tính sáng và tính không, và Đại Ấn của tính biết và tính không. Những biểu hiện này cho dù đến từ phương diện nào cũng đều nhấn mạnh đến kinh nghiệm, cho dù là đại lạc, tính biết hoặc tính sáng không ngăn ngại. Các giáo lý nói rằng kinh nghiệm Trung Quán như là tính không tuyệt đối, kinh nghiệm Đại Ấn như lạc thọ thuần túy, kinh nghiệm Đại Toàn Thiện như tính biết trống trải – sự tỉnh thức phô bày trần trụi.
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Nhờ thực hành thiền chỉ, người ta có thể đạt đến cái mà theo cách gọi truyền thống, là "thắng trí". Một trong số đó được gọi là “thần nhãn”, bằng cách kết hợp thực hành thiền chỉ samatha với kinh nghiệm về tính sáng mạnh mẽ, người ta có thể nhìn mà không bị trở ngại, cả môi trường xung quanh lẫn những gì ở xa, với hai mắt nhắm. Các thần thông khác cũng có thể đạt được. Ví dụ “thần túc”, nhờ kiểm soát nội khí, người ta có thể đi được những khoảng cách cực xa chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Có một thần thông khác là “tàng hình”.

    Thời xưa, người Tây Tạng hết sức ngưỡng mộ những thần thông đó. Nếu ai đó có thể bay hoặc để lại dấu chân trên đá, mọi người sẽ nghĩ anh ta là một bậc thầy vĩ đại và sùng bái trọng vọng. Ai không thể hiện những quyền năng này thì thường bị coi là chưa giỏi lắm. Ngày nay, có một thiền giả từ Ladakh tới Tây Tạng và được công nhận là một lama tái sinh. Ở Ladakh, ông ta đã để lại dấu tay, chân và còn ấn ngón tay thọc sâu vào đá ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên từ khi ông lấy vợ, mọi người không còn nghĩ ông là cái gì đặc biệt nữa. Thực tế ông là một vị thầy vĩ đại vẫn đang sống, và đã từng rất nổi tiếng.

    Người Tây Tạng thời kỳ đầu đã từng vô cùng say mê các thần thông bình thường, nghĩ rằng “Đó thực sự là điều đặc biệt. Chúng ta phải sở đắc những quyền năng này.” Sau đó, những vị thầy đủ tiêu chuẩn đã tới Tây Tạng, ban truyền các giáo lý sâu xa hơn, và răn dạy “Những thành thành tựu đó chỉ để lừa phỉnh chính bản thân các bạn, chúng không phải là đạo quả tối thượng, vốn là thứ đạt được không chỉ từ thiền định, mà chỉ hiển lộ khi kết hợp với thực hành thiền quán vipashyana.” Sau đó mọi người bắt đầu chú trọng tới thiền quán nhiều hơn trong thực hành của họ.

    Patrul Rinpoche nói rằng, “Có gì đáng ngạc nhiên về chuyện bay trên trời hay độn thổ dưới mặt đất? Nếu bạn thực sự phát triển bồ đề tâm, đó mới là thành tựu quý giá nhất.” Patrul Rinpoche, một vị thầy với học thuật vô cùng và đạo quả vô thượng, thỉnh thoảng đã nằm dài cả ngày, mặc dù trong giáo lý phổ thông, đó là một dấu hiệu lười biếng, thứ sẽ khiến người ta chẳng có kinh nghiệm gì trong thực hành. Patrul được cho là còn học nhiều hơn cả Jamgon Kongtrul và Jamyang Khyentse, là những vị ông đã từng học cùng khi họ còn trẻ.

    Cả Jamgon Kongtrul và Jamyang Khyentse đều xuất thân từ những gia đình giàu có, nhiều tiền và được ăn ngon, trong khi Patrul Rinpoche nhà nghèo và được ăn ít. Khi họ học cùng nhau, hai người kia chia sẻ đồ ăn với ông. Sau các bài học hàng ngày, Jamgon Kongtrul và Jamyang Khyentse đều học rất chăm chỉ để theo kịp giáo trình, nhưng Patrul chỉ quấn khăn quanh đầu và nằm xuống. Sau một thời gian, hai người kia nói: “Chuyện gì đây? Anh chỉ biết ăn đồ của chúng tôi và sau đó đi ngủ. Việc ăn và ngủ có liên hệ gì tới việc học?”

    Patrul trả lời: “Chẳng phải là đã đủ khi chỉ cần nhắc lại những gì Khenpo đã dạy?” Họ lại hỏi: “Tất nhiên, nếu anh có thể làm vậy, nhưng chẳng phải là anh cần học trước?” Patrul đáp: “Không, không. Tôi chỉ làm những gì tôi thấy thích.” Một hôm, Patrul bị kiểm tra trên lớp, và bởi vì ông ta cực kỳ thông minh, ông có thể nhắc lại từng lời, chính xác những gì Khenpo dạy. Sau này trên đường đời, cả ba người đều rất nổi tiếng và trở thành những bậc thầy kiệt xuất nhưng lại có những lối sống hoàn toàn khác biệt. Mặc dù họ rất tôn trọng nhau, nhưng họ vẫn thường chỉ trích nhau. Họ tin tưởng nhau nhưng hai người kia thường gọi Patrul Rinpoche là “Patrul lười.”

    Patrul Rinpoche là một yogi rất đơn giản, không dính mắc vào của cải vật chất. Vì là một bậc thầy cao cả, mọi người xếp hàng dài tới để gặp và cúng dường ông mọi thứ quý báu, nhưng ông thường vứt bỏ các tặng phẩm và không bao giờ giữ bất kỳ món nào.

    Sau một thời gian, các đệ tử bắt đầu phàn nàn: “Rinpoche, thật đáng tiếc! Thầy nên dùng những thứ này vào những việc có ích.” Rinpoche nghĩ: “Được thôi.” Rồi ông mời rất cả những người ăn xin đến gặp mình, cho họ ăn và ngồi chạm khắc vào các viên đá trong vùng những mật chú trong các kinh điển. Cuối cùng, khi họ đã tạc được rất nhiều đá mani, như một quả đồi nhỏ, Patrul Rinpoche gửi một bức thư mời Jamyang Khyentse tới để gia trì vào các viên đá. Khyentse không thể tới vì khoảng cách xa và tuổi tác lớn, ông hứa sẽ gia trì chúng từ xa. Ông gửi tới một gói nhỏ đựng hạt lúa mạch màu vàng nghệ và bảo sẽ gieo chúng xuống từ trên cao vào một ngày cụ thể.

    Khi tới ngày, mọi người đã sẵn sàng cho lễ gia trì. Khyentse không tới, nhưng ông vẫn làm lễ trước bàn thờ. Hương được đốt và Patrul bảo: “Ông ta không có ở đây nhưng Khyentse già sẽ làm điều gì đó đặc biệt, hãy chờ xem!” Họ cử hành lễ gia trì và khi kết thúc, một đám mây lớn xuất hiện trên đầu, chỉ bao phủ đống đá mani, rồi các hạt lúa mạch đột nhiên rơi xuống như mưa. Khi đem so với nhúm hạt Khyentse gửi trước đó, chúng chính xác là các hạt lúa mạch màu vàng nghệ. Ở miền đông Tây Tạng, câu chuyện này được lan truyền rộng và nhiều người vẫn còn giữ những hạt này như kỷ vật. Cha tôi, Tulku Urgyen, có một ít hạt.
    Lần cập nhật cuối: 13/01/2016
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Một câu chuyện khác về ba vị thầy lỗi lạc này liên quan tới đại học giả Khenpo Tashi Ozer, người cũng là một vị thầy thành tựu phi thường. Tác phẩm Cơn mưa trí tuệ cũng bao gồm một số bài ca của ông. Bất bộ phái, ông nhận giáo lý từ nhiều vị thầy từ các trường phái khác nhau và cũng nhận từ ba vị trên.

    Tashi Ozer lúc đầu là một nhà sư rất nghiêm khắc, học với Jamgon Kongtrul, mặc khăn choàng màu vàng, ôm bình bát xin ăn và quyền trượng, nghiêm trì giới luật cẩn mật. Kongtrul Rinpoche lệnh cho ông phải sống theo cách đó. Sau đó, ông lại tới học với Patrul Rinpoche và ngài hỏi ông: “Mục đích thiết thực của những kiểu cách đó là gì?”

    Thời đó, truyền thống Tây Tạng là tiếp cận với một vị thầy và nói: “Hãy ban cho con thực phẩm, y áo và các giáo lý.” Tashi Ozer đến với Patrul theo cung cách này, nhưng không được gặp ngài trong một vài ngày. Cuộc gặp gỡ bị trì hoãn vài lần, cuối cùng ông tới trước mặt Rinpoche và thỉnh cầu: “Hãy ban cho con thực phẩm, y áo và các giáo lý!” Rinpoche đáp: “Hãy quay lại sau.” Khi quay lại, ông thấy đồ ăn, quần áo và một cuốn sách. Rinpoche bảo: “Được chưa. Của con đây. Tạm biệt.” Tuy nhiên Tashi Ozer đã khẩn cầu trong một thời gian dài rồi cuối cùng cũng được đồng ý ở lại. Ông chỉ nhận được rất ít giáo lý từ Patrul Rinpoche.

    Vì Patrul rất giản dị, chẳng có chút kiểu cách nào, hai vị thầy kia chỉ trích ông và nhận định: “Ông ta hơi đơn giản quá. Giá mà ông ta có thể làm gì đó có ích thay vì cứ làm một gã ngốc điên khùng!” Dù sao, Tashi Ozer ở với Patrul và cũng trở thành một yogi giản dị, chỉ quấn những tấm vải rách và sống tùy thuận mọi thứ xảy ra phía trước.

    Sau này, Tashi Ozer tới học với Jamyang Khyentse. Khi tới lần đầu, ông không được gặp Rinpoche, nhưng được dặn ở lại trong vài ngày sau chuyến hành trình dài. Ông bị trì hoãn trong ba ngày rồi mới được gọi vào phòng của Rinpoche.

    Khi bước vào phòng, Jamyang Khyentse đang ngồi trên một chiếc ghế thấp bên cạnh chiếc ngai cao được phủ vải thêu kim tuyến và một chiếc mũ. Rinpoche cầm một chiếc gậy lớn trong tay và bảo Tashi: “Được rồi. Hãy khoác những chiếc áo choàng đầy quyền lực này lên người và leo lên ngai. Tại sao con chạy loanh quanh như một kẻ ăn mày ngu ngốc? Con muốn trở thành một đệ tử điên khùng của Patrul Điên hay sao? Giờ đây con đang chuẩn bị trở thành người đứng đầu một tu viện lớn và ban truyền giáo lý cho rất nhiều người. Nếu con không trở thành một người hướng dẫn các giáo lý hoàn hảo ngay lập tức, ta sẽ đánh con tan xác bằng cây gậy này!” Từ đó về sau, Tashi Ozer buộc phải chấm dứt cung cách của một yogi hoang dại.

    Trở lại với các chỉ dẫn về thiền, khi đã nhận ra trạng thái tự nhiên, tính không ngự trị nơi tận cùng của mọi hiện tượng, tâm tỉnh thức ban sơ hoặc trí tuệ nền tảng bên trong hành giả, thì sau đó,trong khi thực hành, người ta buộc phải hoàn toàn thoát khỏi mọi dính mắc, đeo bám và mọi tham đắm, đặc biệt là mải mê đeo bám các kinh nghiệm tâm linh tạm thời. Không phấn khởi khi một kinh nghiệm xuất hiện và cũng đừng phiền muộn khi chúng không xuất hiện. Tuyệt đối không cố ý chờ đón hay chối bỏ, chế tạo hay ngăn cản những kinh nghiệm đó theo bất cứ cách nào. Khi đã thoát khỏi mọi bám luyến, dính mắc, thì sẽ có được cái thấy đúng.

    Bám luyến vào bất cứ thứ gì thường được dạy là xấu, đặc biệt trong quá trình thực hành. Khi đang an trú trong sự tĩnh lặng của tâm tỉnh thức bất khả phân giữa tính không và tính sáng, nếu người ta dính mắc vào cái thấy, cho rằng nó tuyệt diệu và chìm đắm vào đó, thì ở trường hợp này, bám luyến trở thành một nhược điểm.

    Hệ thống phổ biến của những giáo lý này bao gồm “sáu đề mục được sử dụng làm con đường”, xoay quanh những thực hành như: tận dụng các cảm xúc khó chịu làm con đường, tận dụng các chướng ngại làm con đường, tận dụng những ảnh hưởng xấu làm con đường, và tương tự. Chúng ta không đi vào chi tiết cả sáu đề mục ở đây, nhưng bạn nên biết cách xử lý bất cứ thứ gì xảy ra trong kinh nghiệm của bạn, dù nó là tham, sân hay si. Thỉnh thoảng, tâm trí bị khổ sở vì thèm khát ngoại vật, đến mức người ta hoàn toàn bị xáo trộn, một lòng ao ước sở hữu đối tượng của dục vọng và trở nên chìm đắm trọn vẹn vào nó. Hoặc người ta có thể rớt xuống vực thẳm sân hận, căm ghét ai đó hoặc cái gì đó, hoặc có một cảm nhận về tình trạng u mê, ngu độn, tăm tối, như đang đeo một chiếc mặt nạ sắt nặng nề, không thể tỉnh táo để nhận thức được nhiều, trở nên mơ hồ, trì độn.

    Nhiều kinh nghiệm khác, cả hài lòng lẫn khó chịu, đều có thể xuất hiện, nhưng thay vì tìm kiếm cách giải quyết cụ thể cho từng trường hợp, có một phương pháp gọi là “biết một, giải thoát tất cả”, một kỹ thuật đơn giản để giải phóng chúng ta khỏi tất cả những trạng thái khác nhau đó.
    Lần cập nhật cuối: 13/01/2016
  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Bây giờ tôi sẽ nói vắn tắt một chút giáo lý về Đại Ấn mà bậc thầy vĩ đại Milarepa đã dạy Gampopa: trạng thái bản thể tự nhiên của tâm, hay chân lý tuyệt đối, không thể mô tả chính xác bằng ngôn từ, không thể biểu thị bằng các ví dụ, cũng như không thể được lấy làm đối tượng suy tưởng. Milarepa nói: “Khi giải thích về bản tính của tâm, ngay cả Phật ngôn cũng trở nên câm lặng.”

    Để diễn giải lại lời dạy của Milarepa về trạng thái bản nhiên của tâm, bản chất tâm trí được biết đến là chẳng phải tồn tại, cũng chẳng phải không tồn tại. Nó chẳng thuộc về phạm trù nào. Nó là trạng thái không thể quan niệm, không bao giờ tốt hơn, chẳng bao giờ xấu đi, không bao giờ thay đổi cũng như chẳng cần phải chỉnh sửa theo bất cứ cách nào. Đó là mô tả về trí tuệ nền tảng trong trạng thái căn bản của nó. Làm thế nào để chúng ta đưa nó vào thực hành như là con đường? Nó được thực hiện mà không có nỗ lực hành trì, cũng như không được lãng quên coi nhẹ; không hy vọng cũng không lo ngại; không chủ động tạo ra cái gì cũng như không ngăn chặn bất cứ cái gì. Đến thời điểm chín muồi, như mặt trời trên một bầu trời không mây, hoàn toàn siêu việt khỏi những gì được chấp nhận hoặc từ chối; đó là sự thấu triệt mọi hiện tượng và nằm ngoài mọi khái niệm.

    Milarepa nói thêm: “Một cách ngắn gọn, Đại Ấn có ba điểm: nhận ra trạng thái bản thể tự nhiên, xác quyết nó thế nào và lấy sự rèn luyện trong tình trạng “như thực” làm con đường.

    Xác quyết bản tính của tâm là trở nên sáng tỏ về tâm tỉnh thức căn bản của chúng ta, hay Đại Ấn nền tảng. Khi đó người ta sẽ tự nhiên biết đưa trạng thái “như nó là” vào thực hành. Trước tiên hãy nói về trí tuệ nền tảng, hoặc cái mà ngôn từ thông dụng gọi là Phật Tính, nó như thế nào trong trạng thái căn bản? Nó nằm ngoài mọi nguyên nhân và các điều kiện, chẳng có con đường, chẳng có kết quả, chẳng có kỹ thuật và chẳng có bất cứ phương tiện nào. Đó chính xác là nó trong trạng thái căn bản.

    Nếu một người không nhận ra bản thể của mình, Đại Ấn nền tảng, người đó cần được chỉ điểm bởi một vị thầy đủ trình độ. Trạng thái đó cần được nhận ra. Sau khi nhận ra bản thể của tâm trí, người ta cần rèn luyện, rèn luyện thành thạo, và cuối cùng đạt đến độ ổn định vững chắc. Như đã nói trước đó, Đại Ấn nền tảng không có nguyên nhân, không có hoàn cảnh, không có phương pháp, không có con đường và chẳng có kết quả. Bất kể thực tế này, Milarepa nói rằng mặc dù Đại Ấn không có nguyên nhân, lòng sùng kính mạnh mẽ, hoặc niềm tin không thể lay chuyển của người đệ tử vào vị thầy gốc của mình sẽ tạo ra căn nguyên chứng ngộ Đại Ấn. Mặc dù Đại Ấn nằm ngoài mọi hoàn cảnh, một bậc thầy đủ khả năng chính là hoàn cảnh thích hợp để chứng ngộ Đại Ấn, bởi vì nhờ lòng sùng kính của đệ tử kết hợp với giáo lý khẩu truyền từ thầy mà người ta có thể chứng ngộ trạng thái bản thể của tâm trí, hay Đại Ấn nền tảng. Do đó, người ta phải nương tựa vào một vị thầy. Sự chứng ngộ không tự xảy ra.

    Mặc dù Đại Ấn vượt ngoài các phương pháp tu luyện hoặc phương tiện, không tạo tác chính là phương pháp của Đại Ấn. Không tạo tác nghĩa là không cố gắng chỉnh sửa, thay đổi, hiệu chỉnh, hoặc tạo ra bất cứ thứ gì, chỉ đơn giản là để mọi thứ xảy ra như chúng là. Mặc dù Đại Ấn không có con đường, không xao lãng chính là con đường của Đại Ấn; không quên và không để bản thân bị lôi cuốn khỏi sự tỉnh biết. Xin nhắc lại, tâm trí không xao lãng chính là con đường của Đại Ấn.

    Mặc dù Đại Ấn vượt ngoài mọi kết quả, sự giải phóng các ý niệm vào bản thể tự nhiên chính là quả của Đại Ấn.

    Ý thứ ba của Milarepa là lấy sự rèn luyện “như thị” làm con đường. Chúng ta có thể nói rất nhiều về điều này, nhưng ý nghĩa của nó một cách ngắn gọn, là “không xa lìa cái nhìn của Đại Ấn.” Hướng dẫn của ông chỉ dạy làm thế nào để thực hành Đại Ấn đúng cách mà không có sai lệch hoặc lạc đường. Bạn nên đưa điều này vào trong tâm khảm và phải hiểu thật rõ về nó. Mặt khác bạn có thể nghĩ: “Tôi hiểu Đại Ấn một cách tường tận. Thực hành của tôi chẳng có khiếm khuyết. Tôi hiểu trạng thái tính không và tính biết là bất khả phân.” Có thể như vậy, nhưng nếu bạn có một chút dính mắc, rồi sau đó bị mê hoặc với nó, hoặc bám luyến vào các kinh nghiệm của mình, sẽ trở thành nguyên nhân tái sinh vào cõi luân hồi của chư thiên dục giới.
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Biểu hiện của lạc thọ và bản chất của tính không

    Sau đó sẽ ló rạng như là Đại Ấn bất khả phân giữa lạc và không

    Nếu bạn trở nên bị lôi cuốn và dính mắc, đó sẽ là nguyên nhân tái sinh thành vị trời trên cõi trời Dục giới.

    Theo nội dung đoạn trên, bị dính mắc vào lạc thọ sẽ là nguyên nhân tái sinh thành một vị trời Dục giới.

    ***

    Một số người coi tạp niệm như kẻ thù

    Và tin tưởng rằng hành thiền là duy trì tình trạng vô niệm

    Đây gọi là quan điểm của Đại Thừa hòa thượng

    Chỉ đơn giản là duy trì trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng mà không có bất cứ suy nghĩ nào

    Thì chỉ là một dạng “ngừng bặt” và sẽ là nguyên nhân tái sinh vào thân thú.

    Người ta có thể phạm sai lầm theo nhiều cách khác. Mặc dù trạng thái tự nhiên chỉ đơn giản là duy trì tình trạng hợp nhất giữa sự tỉnh biết và sự rỗng rang, nhưng chúng ta có thể nảy sinh phát kiến nào đó và tiến tới một số thay đổi nhỏ, điều chỉnh kỹ thuật thiền một chút. Ví dụ như cố gắng thoát khỏi mọi ý niệm, coi các ý niệm như kẻ thù đang phá hoại công phu thiền của chúng ta, điều này được gọi là “quan điểm của Đại Thừa hòa thượng”, một quan điểm riêng với nỗ lực duy trì trạng thái hoàn toàn vô niệm, tin rằng đó là quả vị tối thượng. Nhưng thực tế, đó chỉ là một dạng ngừng bặt tư tưởng và sẽ là nguyên nhân tái sinh vào thân thú.

    Thâu nhiếp ý thức trong thâm tâm

    Duy trì trạng thái không chấp nhận bất cứ cái gì trở thành đối tượng tư tưởng của cái kia

    Được gọi là “tịnh chỉ” và là con đường của Thanh Văn

    Do đó, đừng cố gắng ngăn chặn hoạt động của tư tưởng

    Và cũng đừng cố suy nghĩ, mà hãy quan sát bản tính

    Bằng cách quan sát, nó được quan sát để thấy không có thực thể nào cả

    Đó là lúc để quan sát tính không thực sự

    Quan sát, mà không nhìn “một cái gì”, trong tình trạng không – nhìn.

    Trong việc rèn luyện của Thanh Văn, thông qua thực hành mạnh mẽ thiền định, sẽ đạt đến trạng thái gọi là “tịnh chỉ”. Trạng thái này giải thoát khỏi luân hồi và hành giả bị mắc kẹt ở đó trong một thời kỳ rất lâu. Trong khi không phải là con đường đúng, nó còn làm chậm trễ sự giác ngộ hoàn hảo của Phật quả, và do vậy nó là một chướng ngại. Trong trạng thái này, nói một cách hình tượng là ý thức được gom tụ lại trong thâm tâm, đó là, người ta thu nhiếp lục căn, dẫn đến một tình trạng mà toàn bộ các hành đều tạm thời dừng hoạt động, trong trạng thái tịnh chỉ. Người ta nghỉ ngơi ở trạng thái này trong một thời kỳ vô cùng lâu dài.
  7. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Hành giả có thể đi lạc đường theo nhiều cách. Vì đeo bám lạc thọ , người ta có thể tái sinh vào Dục giới, bám chấp vào quan điểm của Đại Thừa hòa thượng sẽ dẫn đến tái sinh vào cõi thú. Theo con đường Thanh Văn, mắc kẹt ở đó sẽ làm chậm trễ giác ngộ vô thượng trong một thời kỳ rất lâu dài.

    Người ta không nên chủ tâm ngăn chặn hoạt động ý niệm, cũng không nên cố ý suy nghĩ. Chỉ đơn giản là quan sát bản tính. Bằng cách quan sát vào bản tính, sẽ nhận ra chúng không có thực thể. Đó là nhìn thấy tính không thực sự. “Quan sát mà không nhìn một cái gì, trong trạng thái không – nhìn.” Đây là giáo huấn của Lingje Repa, bậc thầy Drukpa Kagyu vĩ đại, ông nói: “Thầy tôi bảo ‘Thiền!’ nhưng giờ đây người thiền và đối tượng thiền đều biến mất. Chẳng còn ranh giới giữa thời thiền và giờ giải lao nữa. Tôi nên làm gì bây giờ?”

    Văn bản này chứa đựng nhiều chỉ dẫn về những khả năng đi lệch đường và còn cả kiến thức về cách cứu giải, sử dụng các phương cách đúng đắn như là phương tiện để sửa sai. Người ta nương tựa vào vị thầy để tránh bị lạc đường như vậy.

    Một giáo lý truyền thống nói rằng người thầy trước tiên nên là một người thật, thuộc loài người. Tiếp theo, người thầy có thể là một cuốn sách. Cuối cùng vị thầy nên là chính tâm trí của mình. Để biến cuốn sách thành vị thầy của mình, trước hết bạn phải được nhận khẩu truyền riêng về cách làm thế nào để thực hành theo cuốn sách đó từ một vị thầy đủ trình độ. Sau khi nghe những hướng dẫn đó, vì liên tục thân cận với một vị thầy vĩ đại là khó khả thi, bạn nên đưa những giáo lý khẩu truyền đó vào trong tâm can và thực hành ở nơi tĩnh mịch, rồi sử dụng cuốn sách để dẫn đường. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể theo chỉ dẫn trong cuốn sách đó cố gắng chỉnh sửa các sai sót. Cuối cùng, vị thầy sẽ là chính tâm trí của bạn, tâm tỉnh thức trần trụi.

    Đôi khi, mặc dù bạn quan sát, tâm trí trở nên không rõ ràng, mơ hồ

    Tạp niệm náo động và nhiễu loạn khiến bạn nản lòng

    Điều này không đáng để bạn phải quá khổ sở

    Thỉnh thoảng, bạn sẽ nảy sinh nghi vấn như là các tư duy khái niệm

    Những hiện tượng này chỉ là “những kinh nghiệm không dễ chịu” và chúng chẳng có gì là xấu

    Hãy thư giãn cơ thể cùng tinh thần và hướng cái nhìn vào trong không gian

    Quan sát trong khi để tâm trí hòa lẫn vào bầu trời xanh trong trẻo

    Tâm trí của bạn sẽ trở nên sáng tỏ và tính không tỉnh giác sẽ ló rạng.

    Đại Ấn nhận định rằng chẳng có gì để quan sát hoặc nhìn, không có người nhìn, và không có hành động nhìn. Chúng ta phải gọi nó là cái gì đó. Do đó, chúng ta nói tới việc “nhìn vào” hoặc “duy trì” bản tính, nghĩa là kéo dài trong tình trạng không có người nhìn và bất cứ cái gì được nhìn.

    Đôi lúc, người ta cảm thấy mơ hồ và thiếu tỉnh táo, như thể bị che phủ trong màn sương mờ mịt. Hoạt động tư tưởng đôi khi dấy động và không yên nghỉ, người ta cảm thấy bị xáo trộn, nản chí hoặc những gì tương tự như vậy. Có khi nghi ngờ nảy sinh dưới dạng những suy nghĩ. Đừng quá bận tâm về điều này. Chúng chỉ là những kinh nghiệm không dễ chịu, chỉ là kinh nghiệm nhất thời và chẳng phải là cái gì đó xấu. Người ta xử lý chúng bằng cách thư giãn thân thể và hướng cái nhìn rộng mở, phóng khoáng lên bầu trời xanh, để tâm trí hòa lẫn tự do vào không gian. Bằng cách này, tâm trí người ta sẽ được gạn lọc. Từ “gạn lọc” có nghĩa là xua tan đi cảm giác bị xáo trộn. Bản tính của nó thì vượt ngoài trạng thái rõ ràng và mơ hồ, nhưng trạng thái tự nhiên của nó là trong trẻo. Thực hành như vậy, tính không tỉnh giác sẽ xuất hiện.

    Ở một số thời điểm, sự trong sáng sáng, tâm tỉnh biết và tính không hiện diện trần trụi

    Khiến bạn cảm thấy tự mãn nghĩ rằng “Đây là chứng ngộ bậc cao!”

    Bạn có cảm tưởng là chẳng ai có thể lay chuyển tâm trí mình

    Lúc đó, nếu bạn để lòng kiêu hãnh chi phối

    Đó sẽ là nguyên nhân tái sinh làm chư thiên Sắc giới

    Khi bạn nhìn vào bản chất của sự trong sáng này, nó trống rỗng

    Và Đại Ấn sẽ ló rạng, sự hợp nhất của tính trong sáng và tính không.

    Sẽ là chướng ngại lớn nếu để tính tự mãn kiểm soát và sẽ trở thành nguyên nhân tái sinh vào cõi trời Sắc giới. Đại Ấn nền tảng vượt ngoài các lỗi lầm hoặc đi lạc đường, nhưng người ta có thể phạm sai lầm khi đưa vào thực hành, khi đang rèn luyện trên con đường. Các cảm xúc thô thiển tiêu cực có thể dễ dàng được nhận ra, nhưng những thứ vi tế, như lòng kiêu hãnh là rất khó phát hiện. Người ta có thể sai lầm theo cách này.
  8. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Đôi khi, thân thể, tâm trí của bạn và mọi thứ trở nên trống rỗng

    Nhận thức được mọi thứ vốn trống không, bạn sẽ bắt đầu sử dụng ngôn từ cao siêu về Pháp

    Bạn có thể nghĩ giống như bầu trời rỗng rang không thể bị ô nhiễm bởi bất cứ thứ gì

    Chẳng có nguyên nhân nào của hành vi tốt và xấu có thể mang lại phúc báo hoặc tổn hại

    Nếu bạn theo đuổi một lối sống buông thả, và không thực hành đạo đức

    Quan điểm hư vô này về tính không là nguyên nhân rơi vào các cõi thấp

    Nó được gọi là “quan điểm đồi bại về tính không”

    Cho dù bạn có nhận ra mọi thứ đều trống không theo cách đó

    Hãy vẫn an trụ bản thể và đưa bản thân vào hành động theo luật nhân quả.

    Có những lúc, thân và tâm của người ta, cùng với mọi thứ trở nên hoàn toàn trống rỗng, cảm thấy như thể không gian trống trải, trạng thái tâm trí của người thiền cùng mọi thứ khác trở nên giống như không gian trong trẻo. Kinh nghiệm điều này, người ta có thể bắt đầu sử dụng những lời lẽ cao siêu về Pháp, nghĩ rằng: “Làm sao các hành vi tốt hoặc xấu có thể tồn tại? Làm sao các kiếp quá khứ hoặc tương lai có thể xảy ra? Không có dấu vết nghiệp, không ai có thể tái sinh. Các hành vi tốt và xấu không thể dính vào bất cứ nơi đâu. Giống như bầu trời, nếu bạn ném một chiếc bánh ngon lên không trung, bầu trời sẽ không cảm thấy hạnh phúc; nếu bạn tung phân hoặc nước tiểu lên không trung, nó sẽ không cảm thấy buồn phiền. Tương tự, trong trạng thái chứng ngộ của tôi, nó hoàn toàn vượt ngoài các khái niệm, chẳng có hành vi nào tốt hoặc xấu. Tôi hoàn toàn vượt ngoài những điều này.”

    Nếu một người bắt đầu phát ngôn như vậy, sử dụng từ ngữ cao siêu, người đó tin tưởng rằng bản thân như bầu trời trống trải không thể bị ô nhiễm bởi bất cứ thứ gì. Không tin tưởng các hành động tốt hoặc xấu sẽ đem lại quả báo tốt lành hoặc tai hại, người đó có thể chuyển sang một lối sống rất thô tục và phóng túng, hành xử tùy tiện theo bất cứ cách nào người đó muốn. Quan điểm hư vô này về tính không là một quan điểm bị xuyên tạc và là nguyên nhân đọa thẳng xuống các cõi thấp.

    Thay vì coi mọi thứ là trống rỗng và người ta có thể làm bất cứ cái gì họ muốn, bạn nên duy trì trạng thái an trụ trong bản thể, và cùng lúc áp dụng việc chấp thuận các hành động tốt và từ chối những hành động xấu cho phù hợp với luật nhân quả. Liên Hoa Sinh nói rằng: “Mặc dù cái thấy của một người có thể cao xa như trời, người đó vẫn nên cư xử tế nhị mịn màng như bột lúa mạch.”Bất kể cái thấy cao siêu thế nào, người ta không được coi nhẹ luật nhân quả.

    Chúng ta thường nêu ra ba bước: lý thuyết, kinh nghiệm, và chứng ngộ, rồi nói: “Lý thuyết như một miếng vá trên vải sẽ bị sờn và rụng ra; kinh nghiệm như sương mù sẽ biến mất; còn chứng ngộ thì bất biến như không gian.”

    Cái hiểu trên bình diện lý thuyết là thứ gì đó chúng ta có được nhờ tham dự các hội nghị và nghiên cứu sách vở. Chúng ta có một vài khái niệm về các giáo lý, nhưng đó không phải là cái hiểu vững chắc. Nó có thể được cải thiện hoặc trở nên xấu đi. Nếu chúng ta ôn lại các ghi chép của mình, cái hiểu của chúng ta về những gì đã được dạy sẽ trở nên vững vàng hơn.
    Lần cập nhật cuối: 08/06/2016
  9. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Tất cả các giai đoạn này của kinh nghiệm,

    Bao gồm những trạng thái biểu hiện trong thời gian dài cũng như những kinh nghiệm ngắn ngủi nhanh chóng biến mất,

    Không bao giờ diễn ra giống nhau, giống như sự thay đổi của thời tiết.

    Những dạng khác nhau của kinh nghiệm, như hỷ lạc, sáng tỏ, vô niệm, có thể xuất hiện và duy trì trong thời gian dài hoặc ngắn. Tuy nhiên chúng chỉ là nhất thời và không bao giờ kéo dài mãi mãi, chúng biến đổi thất thường như thời tiết.

    Sau đó, các tạp niệm có thể không giảm bớt,

    Nhưng ngay cả nhiều tạp niệm cũng không gây ra bất cứ tác hại nào tới việc hành thiền của bạn.

    Như mưa rơi trên mặt hồ, chúng sẽ rõ ràng thông qua thực hành.

    Trừ khi bạn dính mắc vào chúng, các kinh nghiệm không thể có hại cho bạn. Khi bị dính mắc, các kinh nghiệm có thể trở thành một khuyết điểm lớn. Sau một thời kỳ thực hành, các ý niệm, hoạt động tư tưởng có thể không biến mất. Thỉnh thoảng các tạp niệm xuất hiện dồn dập, đôi khi chẳng có ý niệm nào khởi lên, nhưng điều này không thành vấn đề; số lượng các tạp niệm không phải là vấn đề. Điều quan trọng là nhận ra bản chất bên trong các tạp niệm. Theo cách này, bạn sẽ không bao giờ bị tổn hại bởi những lúc có nhiều tạp niệm, và cũng chẳng có lợi ích gì khi có ít tư tưởng. Các ý niệm sẽ như mưa rơi trên mặt hồ. Các giọt mưa chẳng thể gây tổn hại cho hồ nước, các tư tưởng sẽ trở nên sáng tỏ nhờ thực hành thiền.

    Sau đó, bạn sẽ không cần thực hành luân phiên giai đoạn phát sinh và thành tựu;

    Trong khi thực hành, đừng bao giờ tách rời khỏi sự “chứng thực” của tính không,

    Quán tưởng thân hình của bạn trong thân tướng của bản tôn, đấng Đại Từ Bi,

    Như cầu vồng hóa hiện trên nền trời.

    Trì tụng lục tự minh chú như thể chỉ có cổ áo của bạn có thể nghe thấy.

    Kim cương thừa bao gồm cả giai đoạn phát sinh và thành tựu. Nhìn chung, chúng ta hiểu rằng giai đoạn phát sinh nghĩa là quán tưởng một hóa thần, tụng niệm một mật chú,nghỉ ngơi trong sự bình lặng, áp dụng các phương pháp tập trung tinh thần khác nhau, và cuối cùng thực hành các giai đoạn hòa tan và phi thăng, trong quá trình đó người ta áp dụng cái thấy của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện. Trong tác phẩm này, cả hai giai đoạn phát sinh và thành tựu được cô đọng lại trong một thực hành đơn giản và duy nhất. Người ta chỉ đơn giản là quán tưởng chính mình trong thân tướng của hóa thần, nhưng vẫn không rời khỏi sự chứng thực của tính không, có nghĩa là cái thấy của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện. Một cách ngắn gọn, người ta thực hành giai đoạn phát sinh mà chẳng tách rời giai đoạn thành tựu.

    Thông qua thực hành, người ta duy trì cái thấy không phân chia giữa tính không và bi tâm. Nhờ thiền, người ta quán tưởng bản thân trong hình hài của vị hóa thần,có thể là bất cứ vị nào, và trì niệm mật chú. Trong trường hợp này, vị hóa thần là Quan Thế Âm, đấng Đại Từ Bi, và mật chú là lục tự đại minh.

    Không nên quán tưởng về cái gì đó như là có thật hoặc có cấu tạo vật chất chắc đặc, giống như thân vật lý chẳng hạn, mà hình tướng được quán tưởng nên trong suốt như cầu vồng hiện ra trên trời. Việc trì niệm không nên to tiếng, chỉ cần đủ để cổ áo của người đó hoặc những người trong phạm vi rất gần có thể nghe được.

    Không đi lạc khỏi ba điểm là “cách dễ dàng để thực hành.”

    Trong lúc thiền, khi bạn có thể thực hành

    Mà không có bất kỳ khó khăn gian khổ nào, chỉ bằng cách hồi tưởng về nó,

    Đó gọi là “sự thoải mái khi duy trì thực hành.”

    Ba điểm: cái thấy, quán tưởng và trì niệm nên được kết hợp thường xuyên với nhau. Đây là cách đơn giản để thực hành.

    Tới đây, trình độ thực hành của bạn là như thế này, mặc cho sự xao lãng đôi khi bất chợt xảy ra, bạn vẫn bình lặng, chỉ bằng cách hồi tưởng lại tình trạng thực hành, ngay lập tức quay lại trạng thái tâm trí tự nhiên, không chia tách giữa tính biết và tính không, mà chẳng hề có khó khăn nào. Đây gọi là “sự thoải mái khi duy trì thực hành.”
  10. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Theo cách này, khi nhìn thấy đất đá, cây cỏ, núi non, và những gì tương tự,

    Mặc dù mọi thứ được thấy rõ ràng,

    Chúng chỉ như sương mù và được hiểu là trống rỗng trong bản tính.

    Tâm trí của bạn và không gian hòa lẫn vào làm một không thể tách rời,

    Bạn có thể nghĩ rằng tâm trí mình vươn xa như chính không gian.

    “Mọi thứ là tâm trí! Tâm trí không có thực chất!

    Đó là tính không, chẳng có bất cứ cái gì!

    Nó chẳng hiện diện. Nó chẳng có đến một hạt nguyên tử!

    Nó chẳng phải là không hiện diện, vì mọi thứ đa dạng vẫn biểu hiện!

    Nó là cái gì đó chẳng tồn tại, cũng chẳng phải không tồn tại!”

    Trong trường hợp này, người ta có thể nghĩ, “Tâm trí không có thực thể hoặc thực chất. Nó hoàn toàn trống rỗng, chẳng có gì. Do không có thực chất, nó chẳng có lấy một hạt nguyên tử. Tuy vậy, vì mọi thứ vẫn hiện diện, nó chẳng phải là không tồn tại. Đó là bởi vì, bản chất của nó là trống rỗng, còn trạng thái tự nhiên của nó là sáng tỏ hoặc tỉnh biết. Nó là cái gì đó chẳng phải tồn tại, cũng chẳng phải không tồn tại.” Quan điểm nên thoát khỏi mọi trạng thái cố định. Chừng nào người ta còn nắm giữ suy nghĩ, “Đó là thế này!” hoặc “Đó chẳng phải là thế này!” thì chừng đó quan điểm vẫn bị sa vào thiên kiến. Vị thầy vĩ đại Mipham Rinpoche nói rằng, “Khi trở nên thuần tịnh ban sơ thoát khỏi mọi tạo tác, các thái cực của tồn tại đều bị loại trừ. Vì sự tỉnh biết hiện diện tự nhiên, nó chẳng rơi vào cực đoan của sự không tồn tại.”

    Nếu bạn bị kìm kẹp bởi những tư tưởng này,

    Bạn sẽ bị lạc vào bốn hình thái nhận thức của các cõi Vô Sắc.

    Điều này gọi là “xác tín vào những định kiến vô hạn.”

    Những cách hiểu đa dạng này vốn chỉ là những tư tưởng vi tế, những tạo tác tinh vi của tâm thức. Chúng xuất hiện nhờ thực hành sâu sắc thiền định và trở nên bị dính mắc vào các kinh nghiệm xuất hiện, cũng như dính mắc vào các ý tưởng “Như vậy là như vậy!” Người nào bám dính vào định kiến, và trở nên bị trói buộc bởi những tư tưởng và khái niệm đó, sẽ bị rơi vào bốn hình thái nhận thức của các cõi Vô Sắc. So với các cõi thấp, các cõi cao hơn hiển nhiên là dễ chịu hơn, nhưng chúng chưa giải thoát. Chúng sinh ở đó vẫn còn trong vòng luân hồi và có thể vẫn sa vào địa ngục. Vì đó chưa phải là kinh nghiệm giải thoát, người ta không nên dính mắc vào chúng.

    Chừng nào bạn còn ôm chấp vào một biên kiến, như “Tâm trí có tồn tại”, “Tâm trí không tồn tại”, “Tâm trí vừa tồn tại vừa không tồn tại” hoặc “Tâm trí chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại”, thì chừng đó bạn sẽ còn dính mắc vào một khái niệm, và rồi sẽ lại sa vào một định kiến khác.

Chia sẻ trang này