1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sức sống thành phố bên sông Đào

Chủ đề trong 'Nam Định' bởi duckhang, 28/06/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. duckhang

    duckhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/06/2003
    Bài viết:
    468
    Đã được thích:
    0
    Sức sống thành phố bên sông Đào

    Sức sống thành phố bên sông Đào


    Thành phố ấy được gọi với nhiều cái tên trìu mến: Thành Nam, thành phố dệt, thành phố bên sông Ðào... Mỗi cái tên đều gợi nhớ về quá khứ đẹp và hào hùng của một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống văn hóa, vùng đất của những con người cần cù, hiếu học, luôn biết vượt lên khó khăn để khẳng định mình.


    Từ nhiều thế kỷ nay, người dân thành phố Nam Ðịnh vốn quen nghề khung cửi, từng sản xuất ra mặt hàng nổi tiếng đi vào ca dao "vải tơ Nam Ðịnh". Tấm vải mềm được rút từ ruột tằm gắn bó với người dân đất này như máu thịt, chứng kiến bao đổi thay của những số phận con người. Một nhà máy vào loại dệt lớn nhất khu vực có hàng vạn công nhân làm việc đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, làm đổi thay cả bộ mặt thành phố.


    Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sau đó là cơn lốc của những mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm cho Nhà máy Dệt Nam Ðịnh trở nên điêu đứng, hoang tàn. Hàng vạn công nhân, lực lượng lao động chính của hầu hết các gia đình trong thành phố mất việc làm. Khó khăn chồng chất. Trí thức và người lao động giỏi của Thành Nam bằng các lối đi riêng của mình tỏa đi các vùng đất tìm kế sinh nhai. Nhà trong thành phố rao bán chẳng ai mua. Bên dòng sông Ðào nước đỏ, gương mặt con người và thành phố nặng trĩu lo âu. Chính trong những thời điểm cam go ấy, người Thành Nam đã tìm được cách vượt lên.


    Trở về Thành Nam đúng lúc thành phố đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 50 Ngày giải phóng (1-7-1954 - 1-7-2004), chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa của sức vươn lên từ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của mỗi con người và tập thể ở nơi này.


    Người đương thời


    Vị lão thành cách mạng Trần Ðại Tần, nguyên Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Nam Ðịnh, tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Mỹ Xá, Nam Ðịnh. Hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, năm nay ông đã xấp xỉ tuổi 90 nhưng phong độ còn nhanh nhẹn, đặc biệt suy nghĩ rất minh mẫn.


    Ông say sưa kể về kỷ niệm những tháng năm hoạt động ở nhà máy sợi, nhà máy chiếu, nhà máy rượu; về những ngày bị tù đày mà vẫn giữ trọn khí tiết người cộng sản.Nhấp ngụm nước, vị lão thành cách mạng lộ vẻ sốt ruột khi nói về những ý tưởng xây dựng thành phố Nam Ðịnh trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa vùng châu thổ sông Hồng. Chúng tôi hiểu tấm lòng ông và suy nghĩ về triển vọng mới của Thành Nam khi nghe ông giãi bày:


    - Mừng lắm, thành phố mình đã có khí thế rồi, kỷ cương, phép nước đang được lập lại và đi vào nền nếp, đời sống người dân đã được cải thiện hơn. Chúng tôi già sẽ chết, nhưng phải lo cho con cháu mình đủ sức gánh vác trọng trách xây dựng đất nước giàu mạnh hơn chứ. Lãnh đạo cấp ủy và chính quyền thành phố bây giờ trẻ lắm. Chúng tôi tin tưởng vào năng lực và cái tâm của họ...


    Tâm sự của vị lão thành cách mạng bất giác hướng chúng tôi nhìn về phía các lớp trẻ hôm nay của thành phố. Nói đến người Thành Nam là nói đến đức tính hiếu học. Thầy giáo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nguyễn Viết Hùng trong tình cảm của mình đã không khỏi bức xúc khi chưa lo được nhiều cho các em học sinh nghèo vượt khó. Có một sự thật, rất nhiều học sinh giỏi của trường lại là các em gia đình nghèo. Nhiều em nhà trường phải trợ cấp mới có điều kiện theo học. Chúng tôi đã chứng kiến một học sinh lớp 12 chuyên hóa của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, buổi sáng dậy sớm hơn tất cả mọi người không phải để học bài, mà đi quét dọn thuê kiếm thêm chút thu nhập lo ăn học và trợ giúp gia đình. Dáng em mảnh khảnh nhưng đôi mắt sáng đầy nghị lực. Em quyết tâm học thật giỏi. Em nói, có nơi em đến làm thuê người chủ còn quát mắng, trả bớt tiền, nhưng vẫn cắn răng chịu. Kết quả, em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, và còn đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia. Ðó chính là em Phạm Trung Thịnh lớp 12 chuyên hóa của trường.


    Ở trường Lê Hồng Phong những tấm gương như Phạm Trung Thịnh rất nhiều. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, các em lại càng hiểu giá trị của tri thức đối với sự nghiệp sáng tạo, cải thiện đời sống cho mình, cải tạo đời sống xã hội, và hơn nữa, để xứng đáng với truyền thống văn hóa của quê hương. Năm 2003, nhà trường có nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc tế, trở thành niềm tự hào không chỉ cho riêng các em, mà còn cho trường, cho thành phố và cho cả quốc gia. Em Ðào Văn Khánh lớp 12 chuyên lý đoạt giải nhất quốc gia, đoạt huy chương bạc kỳ thi Olympic vật lý châu Á. Ðây là tấm huy chương cao nhất của đoàn học sinh Việt Nam. Sắp tới em còn vinh dự cùng đội tuyển quốc gia thi học sinh giỏi vật lý quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc. Một học sinh giỏi khác là Nguyễn Ðăng Hợp, năm 2003 thi vượt lớp với các anh chị lớp 12 đã đoạt giải ba quốc gia, huy chương bạc toán quốc tế; em Trần Thị Thu Hương lớp 12 chuyên toán là học sinh nữ đầu tiên trong lịch sử nhà trường đoạt giải nhất môn toán quốc gia.


    Nhiều học sinh người Nam Ðịnh thành đạt đã quay về quê hương góp phần đầu tư, tạo dựng nên một cuộc sống mới ở nơi đây. Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Nam Cường người Xuân Trường là một điển hình. Anh từng thành đạt trong lĩnh vực xây dựng các khu đô thị mới, khu du lịch ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Năm 2003, Trần Văn Cường lại về đầu tư xây dựng khu đô thị đầu tiên ở thành phố Nam Ðịnh Hòa Vượng có diện tích 60 ha với số vốn gần 500 tỷ đồng. Ðây là khu đô thị gồm hệ thống nhà biệt thự, nhà chung cư cao cấp và các trung tâm văn hóa, du lịch và thương mại, đủ cho khoảng gần 10.000 người dân sinh sống. Ngày khởi công khu đô thị Hòa Vượng thật sự là một ngày hội. Chàng trai Xuân Trường năm ấy bằng tài năng, nghị lực và cái tâm của mình, nay thực hiện được ước mơ góp phần xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.


    Thành phố Nam Ðịnh hôm nay đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Thành Nam. Ðó là Giám đốc Vương Thị Nhị ở doanh nghiệp Nam Sơn, là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Phạm Duy Hạnh ở Công ty cổ phần Dệt may Nam Ðịnh, v.v.


    Con số không khô khan


    Ai về Thành Nam mấy năm trước, nay trở lại đều công nhận có nhiều đổi mới. Ðã giảm đi rất nhiều những cảnh nhếch nhác trên đường phố, bến xe, bến tàu. Ở những khu phố chính, đường sá, vỉa hè, ngõ hẻm sạch sẽ, phong quang hơn. Những gương mặt lam lũ, tất tưởi kiếm sống bằng mọi giá để lại những hậu quả xấu về mỹ quan đã giảm đáng kể. Trật tự, văn minh đô thị đi vào nền nếp. Ðến nay, thành phố đã có 30.215 gia đình văn hóa, 168 khu dân cư tiến tiến và 149 cơ sở là đơn vị có nếp sống văn hóa.


    Những năm qua, cùng cả nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Ðịnh nói chung, Thành Nam nói riêng đã đi vào thế ổn định và phát triển. GDP tăng nhanh, đạt mức 7,7% năm. Cơ cấu kinh tế có bước đột phá, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ đạt 63%, khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, các vùng kinh tế mũi nhọn. Cùng với sự ra đời của Khu công nghiệp Hòa Xá thêm Khu công nghiệp công nghệ cao Mỹ Trung, cụm công nghiệp An Xá sẽ là "cú hích" quan trọng tạo đà cho công nghiệp của thành phố phát triển nhanh vào những năm tới.


    Thành Nam bây giờ, ngoài những địa danh lịch sử và danh thắng như Ðền Trần, hồ Truyền Thống, Nhà hát 3-2, Bến Ðò Quan, đã có thêm địa danh văn hóa Tượng đài Trần Hưng Ðạo trên Quảng Trường 3-2. Sân vận động Thiên Trường với sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi và Nhà thi đấu đa năng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, từng là nơi tổ chức thành công ba môn thi đấu tại SEA Games 22.


    Tượng đài Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, một tác phẩm điêu khắc hoành tráng và độc đáo sừng sững tạc một thế đứng khỏe và đẹp như nét vẽ lên nền trời Thành Nam rực nắng. Ngay đấy, Bến Ðò Quan xưa, một cây cầu lớn vắt ngang sông Ðào hối hả xe và dòng người qua lại. Nhìn những gương mặt rạng rỡ của thanh niên, thiếu niên hôm nay, khách đến Thành Nam đã cảm nhận được ở đây một sức sống mới đang vươn dậy, báo hiệu những đột phá trên mọi lĩnh vực của đời sống thành phố. Trong đó có một tín hiệu vui: Những người con Thành Nam tài hoa hôm nay đem tài, đức cống hiến hết mình cho Tổ quốc vẫn luôn hướng về xây dựng quê hương.



    LƯƠNG XUÂN ÐỨC
  2. duckhang

    duckhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/06/2003
    Bài viết:
    468
    Đã được thích:
    0
    Thành Nam, truyền thống và đổi mới
    --------------------------------------------------------------------------------
    Thành phố Nam Ðịnh (Nam Ðịnh) có hàng nghìn năm tích tụ những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần to lớn. Có được một đô thị sầm uất như hôm nay là kết quả của bao thế hệ đã "đổ mồ hôi, sôi giọt máu" chống chọi thiên nhiên, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương.
    Mảnh đất và con người Nam Ðịnh qua các thế hệ mãi mãi tự hào là quê hương của Vương triều Trần với 175 năm, qua 14 đời vua là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
    Những năm cuối thế kỷ 19, lòng yêu nước của nhân dân thành phố lại sáng ngời khi cùng dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới. Hai lần thực dân Pháp tiến công Nam Ðịnh vào năm 1873 và 1874 chúng đều bị quân dân Nam Ðịnh đánh bại. Nhưng do bối cảnh lịch sử lúc đó, đến năm 1884 thực dân Pháp đã chiếm xong Việt Nam. Ở Nam Ðịnh chúng phá thành, xây dựng cơ sở phục vụ việc cai trị và thực hiện chính sách khai thác thuộc địa. Với chính sách cai trị và bóc lột rất nặng nề của thực dân Pháp, giai cấp công nhân Nam Ðịnh xuất thân từ những người nông dân bị bần cùng, gắn bó chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân, biểu tình, bãi công buộc thực dân Pháp phải thay đổi chính sách đàn áp. Và Nam Ðịnh đã trở thành một trong những cái nôi của phong trào cách mạng sớm nhất nước ta, là nơi có cơ sở cách mạng, cơ sở đảng đầu tiên trong tỉnh, cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 8-1945.
    Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ðảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt địch, phá bỏ bộ máy tay sai, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa. Ngày 1-7-1954, Nam Ðịnh là thành phố đầu tiên của miền bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Geneva được ký kết, đánh dấu một mốc lịch sử vô cùng quan trọng của đảng bộ, quân và dân thành phố trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nam Ðịnh là một trong những điểm bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Với tinh thần vừa chiến đấu, vừa sản xuất, mỗi người dân thành phố làm việc bằng hai, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền nam. Gần hai vạn con em Thành Nam đã lên đường chiến đấu trên các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế. Lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố đã bắn rơi 54 máy bay; nhân dân thành phố đã chi viện hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục triệu mét vải ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến. Tình cảm của những người dân Thành Nam đối với hai thành phố kết nghĩa là Mỹ Tho và Biên Hòa không bao giờ nhạt phai. Với những thành tích trong sản xuất và chiến đấu, năm 1978 thành phố được Ðảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; hơn 24.000 người được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
    Nước nhà thống nhất, thành phố trở lại nhịp sống sôi động của một trung tâm công nghiệp. Gần 20 năm qua, Nam Định đã giành nhiều thành tựu lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
    Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế đã có những bước phát triển tích cực, mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 20,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt bình quân hơn 1.200 tỷ đồng/năm, chiếm 63,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trên địa bàn có gần 100 nhà máy, công ty; 180 công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã; 165 doanh nghiệp dân doanh, năm hợp tác xã tiểu công nghiệp và gần 2.000 cơ sở sản xuất, duy trì số lao động thường xuyên hơn 10 nghìn người. Ðã có 27 doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Hòa Xá và 16 doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu do thành phố quản lý đạt bình quân 5,55 triệu USD/ năm, năm 2003 đạt tám triệu USD, tăng 55,1%. Thành phố tích cực hoàn thành các thủ tục khởi công xây dựng cụm công nghiệp An Xá với quy mô 52 ha để kịp thời giải quyết nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
    Sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước và chiếm hơn 50% ngân sách toàn tỉnh. Các hoạt động dịch vụ phục vụ cho sản xuất, du lịch, giao thông, bưu chính-viễn thông, tài chính, ngân hàng, kho bạc phát triển khá đồng bộ; hệ thống phát thanh, truyền thanh từng bước được hiện đại; bình quân 100 dân có hơn 13 máy điện thoại.
    Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc làm - đời sống, khoa học - công nghệ - môi trường được quan tâm và tiếp tục phát triển. Trên địa bàn có 12 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, 76 trường từ mầm non đến trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, có 14 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Truyền thống học sinh giỏi được giữ vững, với tổng số giải học sinh giỏi hằng năm chiếm hơn 40% của toàn tỉnh. 100% số trạm y tế xã, phường có bác sĩ, ba trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách xã hội và đền ơn đáp nghĩa luôn được chú trọng và thực hiện đúng; tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Hằng năm tạo việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lao động và tạo điều kiện đưa một số người đi học tập, lao động ở nước ngoài. Ðời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng hai lần so với năm 2000; số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 5,5% (năm 2000 còn 7%). Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tiếp tục phát huy truyền thống thành phố anh hùng, nhiều tập thể đơn vị, cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng, tặng thưởng Huân chương Ðộc lập, Huân chương Lao động và nhiều bằng khen. Năm 1998 Chính phủ quyết định công nhận thành phố Nam Ðịnh là đô thị loại II.
    Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 1996-2010 và quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, đều xác định Nam Ðịnh là đô thị trung tâm vùng. Mục tiêu phấn đấu là xây dựng thành phố Nam Ðịnh trở thành một đô thị hiện đại văn minh, phát triển bền vững tương xứng với vị trí là một trong các trung tâm phát triển của đồng bằng sông Hồng.
    Trong phát triển kinh tế, thành phố vẫn xác định cơ cấu: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp thực phẩm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất bảo đảm có tốc độ tăng trưởng, ổn định, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu năm 2005 là 2.280 tỷ đồng và đạt 4.956 tỷ đồng vào năm 2010. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện phát triển đô thị. Tập trung phát huy hiệu quả Trung tâm thương mại chợ Rồng, chợ Mỹ Tho và mở rộng một số khu thương mại ở các khu đô thị mới. Quan tâm nuôi dưỡng các nguồn thu, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân (GDP) giai đoạn 2001-2005 là 108% và tăng lên 110% giai đoạn 2005- 2010.

    PHẠM HỒNG HÀ
    Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
    Bí thư Thành ủy Nam Ðịnh

  3. RAGNAROK

    RAGNAROK Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/07/2002
    Bài viết:
    3.891
    Đã được thích:
    1
    Đã vote cho bác 5*, lâu lắm mới thấy người ca ngợi Nam Định nhiệt tình như vậy. Rất hay tuy hơi có cái gì đó ... giả tạo
  4. duckhang

    duckhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/06/2003
    Bài viết:
    468
    Đã được thích:
    0
    Nam Ðịnh với những chuyển động mới
    Trong chuyến đi hai ngày đến Nam Định (30-6 và 1-7), ************* Trần Ðức Lương muốn tìm hiểu những chuyển động kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở một vùng địa danh văn hiến, nhưng đất chật, người đông và còn nhiều khó khăn này.
    Ðến thăm xã Xuân Kiên thuộc huyện Xuân Trường, một xã có mật độ dân số cao tới 2.600 người/km2, bình quân đất canh tác rất thấp 252m2/khẩu, chúng tôi ai cũng muốn biết Xuân Kiên vượt khó vươn lên thế nào? Ngoài sản xuất nông nghiệp có truyền thống thâm canh cao, Xuân Kiên còn mở ra được nhiều ngành nghề đa dạng như cơ khí, đồ mộc, chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ thương mại. Năm 2003, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của xã là: Nông nghiệp 40%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 40%; dịch vụ 20%. Tổng giá trị thu nhập hơn 29 tỷ đồng; giá trị thu nhập trên ha canh tác đạt 45 triệu đồng. Những con số mới nhất đó cho thấy, dù ruộng ít, người đông, một thách thức lớn nhưng đảng bộ và nhân dân nơi đây có những nỗ lực đặc biệt để vượt lên.
    Theo báo cáo của xã với ************* trong hội trường UBND xã có đông người dự, với tinh thần của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế. Quy hoạch vùng sản xuất giống lúa lai F1 với 15 ha, giá trị thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất cây vụ đông 30 ha, giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm; vùng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giá trị thu nhập 65 triệu đồng/ha/năm... Ngoài ra, Xuân Kiên còn quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, có hiệu quả kinh tế cao. Việc tạo điều kiện để phát triển ngành nghề trong nông thôn, Xuân Kiên thu hút lao động tại chỗ vào hai công ty TNHH và 75 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ðiều đáng chú ý ở đây là với 3.700 lao động trong xã, mọi người đều có công ăn, việc làm tại chỗ, rất ít người phải đi làm ở nơi khác, thực hiện tốt chủ trương "ly nông bất ly hương".
    ************* tỏ ý vui mừng và biểu dương những việc làm này ở Xuân Kiên, nhất là việc giải quyết tốt công ăn, việc làm cho lao động địa phương trên cơ sở năng động, sáng tạo, mở ra những ngành nghề mới. ************* đã đi thăm những xí nghiệp cơ khí Nhật Tân, Tân Việt ở xã, với hàng loạt sản phẩm như máy đập lúa liên hợp, máy trộn bê-tông loại nhỏ... trông óng ả, rất hữu dụng và vừa "túi tiền", để phục vụ các vùng nông thôn, được bà con nông dân ưa chuộng. Ði trên những con đường làng, ngõ xóm ở Xuân Kiên, được trải nhựa hoặc bê-tông hóa, với những điều tai nghe, mắt thấy, càng cảm nhận rõ quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo định hướng của Ðảng đang biến thành hiện thực với bao sự nỗ lực, cố gắng của cơ sở và từng người dân.
    Tại huyện Xuân Trường, nằm ven sông Ninh Cơ thuộc địa phận thị trấn, chúng tôi được chứng kiến gần chục con tàu, có nhiều chiếc tải trọng đến 2.500 tấn, đang được đóng mới, sừng sững trên triền đà ven sông. Ðây là nhà máy đóng tàu thuộc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, là thành viên của VINASHIN, đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và là đơn vị đang dẫn đầu về đóng mới phương tiện vận tải thủy trong khu vực đồng bằng sông Hồng, ước tính doanh thu của công ty trong sáu tháng đầu năm nay khoảng 50 tỷ đồng.
    Từ năm 2001 đến nay, cùng với Luật Doanh nghiệp và cơ chế, chính sách khuyến khích của Ðảng và Nhà nước, tỉnh Nam Ðịnh phát triển khá nhanh các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp của 372 doanh nghiệp thuộc khu vực dân doanh này luôn chiếm tỷ trọng hơn 51% giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh trong ba năm qua. Số doanh nghiệp này tập trung tới 48,1% ở TP Nam Ðịnh và huyện Ý Yên có hơn 100 doanh nghiệp, trong đó ngành cơ khí chiếm 38%, dệt may - da giày chiếm 11%, thủ công mỹ nghệ là 9,1%... Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mô hình hộ và cá thể trong toàn tỉnh Nam Ðịnh là 38 nghìn cơ sở. Tập trung chủ yếu ở các địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống như TP Nam Ðịnh, các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường với số lao động hơn 90 nghìn người, chiếm 10% tổng số lao động trong độ tuổi của tỉnh. Có nhiều làng nghề nổi tiếng của Nam Ðịnh đã phát huy và phát triển mạnh nghề truyền thống là làng nghề cơ khí đúc Tống Xá xã Yên Xã, thị trấn Lâm; sơn mài Cát Ðằng xã Yên Tiến, mộc mỹ nghệ La Xuyên xã Yên Ninh, huyện Ý Yên; làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, nghề sửa chữa đóng mới tàu thuyền xã Xuân Hùng, huyện Xuân Trường; làng nghề dệt ở xã Nam Hồng, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, làng nghề dệt ở xã Trực Chính, thị trấn Cổ Lễ, xã Phương Ðịnh, huyện Trực Ninh... Tất cả những HTX, doanh nghiệp, làng nghề nêu trên đang đóng góp một phần quan trọng cho nội lực của Nam Ðịnh, tạo thế phát triển cho một vùng quê đất chật, người đông đi lên trên con đường công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tỉnh Nam Ðịnh có các cơ chế, chính sách và các chương trình lớn để khuyến khích phát triển công nghiệp dân doanh và các làng nghề. Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, các khu công nghiệp địa phương đang được xúc tiến theo quy hoạch, để bảo đảm sự phát triển ổn định, có tổ chức và bảo vệ môi trường ở từng địa phương.
    Trong buổi làm việc của ************* Trần Ðức Lương với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của tỉnh Nam Ðịnh, những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội được nhìn nhận một cách toàn cảnh và rõ nét hơn. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng, việc thành lập khu vực hành lang kinh tế đường 10, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng nam đồng bằng sông Hồng và xác định tỉnh Nam Ðịnh là trung tâm cấp vùng, được lãnh đạo tỉnh báo cáo với *************. Trong đó có các trung tâm công nghiệp, văn hóa - thể thao - du lịch, trung tâm giáo dục, đào tạo đại học... Vui mừng trước những chuyển biến khá rõ nét gần đây, nhất là về kết cấu hạ tầng và việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, ************* Trần Ðức Lương đánh giá Nam Ðịnh đã có được những chuyển biến quan trọng và bước đầu khởi sắc. Trong nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu. Toàn tỉnh cần tạo ra bước chuyển mạnh về chất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, dù rằng đó là một quá trình khó khăn và mới mẻ, rất cần sự năng động, dám nghĩ, dám làm. Cùng bàn bạc và chia sẻ lo toan với những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ************* Trần Ðức Lương chỉ rõ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ phải thu hút được nhiều lao động, tăng tương ứng chuyển dịch cơ cấu lao động, nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, ổn định chính trị, xã hội. Chủ tịch bày tỏ tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, với sự phấn đấu, nỗ lực cao hơn nữa, Nam Ðịnh sẽ là một tỉnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc lịch sử và văn hóa của vùng đất này.

    TUẤN PHONG

Chia sẻ trang này