1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sưu tầm một số bài phê bình thơ hay

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi home_nguoikechuyen, 02/06/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Sưu tầm một số bài phê bình thơ hay

    BA BÀI THƠ của Văn Cao viết về Huế

    Văn Cao sống với Huế không nhiều. Nhưng chỉ vài ba lần đến Huế trong cả cuộc đời, Văn Cao đã để lại ba bài thơ thấm thía viết về Huế, trong đó có hai bài trực tiếp Huế, và một bài (Ðêm phá Tam Giang) "cạnh Huế". Văn Cao mất đã bốn năm rồi, ông không được biết trận lũ lụt kinh hoàng vừa xảy ra tại Huế và suốt dải miền Trung. Ông không biết nơi ông yêu thương giờ đây phải gánh chịu thảm hoạ, đang vật vã từng ngày để khôi phục, hồi sinh, vươn dậy. Văn Cao là nhà thơ có trực giác mạnh, cái đầu tiên ông "bắt" được ở Huế là nét buồn. Huế như một gương mặt đẹp nhưng buồn. Nỗi buồn ấy có tự bao giờ, và sẽ còn đến bao giờ, không ai biết.

    "Sao đàn u hoài gì mùa thu?
    Sao đàn u hoài gì mùa thu?"

    Câu thơ là câu hỏi lặp lại hai lần nhưng không có câu trả lời. Phải vì mùa Thu thuộc hành kim, mà kim sinh thuỷ. Huế và miền Trung lại nằm ở phía Tây trực tiếp của những vùng áp thấp, những cơn bão hình thành từ biển Ðông, nên mùa Thu đầy cảm giác, đầy rung động với thơ ca lại là mùa tai hoạ với Huế, với miền Trung. Trực giác được điều oái ăm đó"Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" chợt nghèn nghẹn một nỗi gì:

    Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
    Từng canh trời điểm một sao rơi
    Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
    ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi.

    Trong vẻ bình lặng ấy như ẩn giấu một nỗi lo sợ, như linh cảm một bão tố, tựa vẻ bình lặng của một cái ráng đỏ báo hiệu một cơn bão, một trận lụt.

    Kể từ bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", phải 45 năm sau Văn Cao mới có dịp về lại Huế để cây đàn thơ trong ông ngân lên giai điệu "Huế xưa":

    Về Huế xưa
    Ðường phố mưa dài
    Về phố xưa
    Nhìn phố mưa buồn

    Âm nhạc đã song hành với từng câu thơ, mới nghe như có sự khơi gợi nào từ những bài hát về Huế đã nổi tiếng mà Văn Cao lọc được, nhưng nghe kỹ, đó vẫn là âm nhạc Văn Cao tiếp nối một dòng chảy từ những "Suối mơ" và "Làng tôi" nhưng nhịp đã rải hơn, từng giọt đàn từng âm thanh rơi chầm chậm như nhịp mưa buồn xứ Huế. Ðó là thế mạnh của một nhạc sĩ khi làm thơ, hay ngược lại, là thế mạnh của nhà thơ khi chạm tới âm nhạc. Văn Cao đã nghe được từng câu thơ mình sắp viết, và gương mặt Huế chợt hiện đầy một ám ảnh đau xót:

    Từng mặt gương đau
    Từng mảnh gương tan

    Từng giọt từng giọt như nước mắt lăn dài trên lòng phố, như nỗi đau nào tích tụ đã trăm năm, nghìn năm. Sao lại thế, khi Văn Cao chưa phải đã sống nhiều với Huế?. Câu trả lời: nhưng ông cảm nhận ngay được Huế, ông đã đi được vào lòng ruột Huế, sâu thẳm và khuất khúc:

    Giọt người chia ly
    Giọt người yêu thương
    Giọt nào không vương
    Giọt người bơ vơ
    Giọt người theo mưa về phố.

    Khi thơ song hành cùng âm nhạc, sức gợi của nó tăng lên rất nhiều. Cái "tiếng mưa đang đổ" trong bài thơ chợt nghe như trong bài hát, và bài thơ bỗng chơi vơi. Chơi vơi, đó là thần thái của bài Huế xưa, và biết đâu, cũng là thần thái của Huế.

    Như muốn thoát khỏi một ám ảnh nặng nề, Văn Cao về phá Tam Giang và ở đó ông viết bài thơ Ðêm phá Tam giang, một trong những bài thơ hồn hậu nhất của ông.

    Tôi ngủ trên mảnh lưới
    Bên các anh thuỷ thủ
    Gío gió gió biển vào
    Mơ giấc mơ lạ.

    THANH THẢO.
  2. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    ĐỌC LẠI bài thơ
    "MỘT ĐÊM ĐÀN LẠNH TRÊN SÔNG HUẾ" CỦA VĂN CAO
    Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
    Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
    Này em hát khúc tương tư nhé
    Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời
    Sao đàn u hoài gì mùa thu?
    Sao đàn u hoài gì mùa thu?
    Tri âm nghe thử dây đồng vọng
    Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru
    Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
    Em nghe anh dạo khúc thu xa
    Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ
    Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà
    Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
    Từng canh trời điểm một sao rơi
    Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
    ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
    Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
    Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
    Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác
    Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương
    Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
    Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
    Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
    Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
    Có một Huế thơ trong tâm thức người Việt bao đời. Huế là người đẹp muôn thuở của thi ca. Huế là cái nôi sinh thành, mái nhà trú ngụ nuôi lớn nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam suốt mấy trăm năm nay. Người ở Huế làm thơ, người xa Huế làm thơ, người đến Huế dù chỉ một lần thôi cũng nặng lòng thơ với HUẾ. Ở HUẾ VUA LÀM THƠ, QUAN LÀM THƠ, ông hoàng bà chúa làm thơ, cho đến những người dân đạp xích lô xe thồ hôm nay cũng có rất nhiều bài thơ, câu thơ đắc địa về xứ sở của mình. Chỉ riêng hình ảnh cô ca sĩ ca Huế trên sông Hương cũng đã có không biết bao nhiêu bài thơ hay. Tố Hữu có bài thơ "Tiếng hát sông Hương"; Xuân Diệu có "Nguyệt Cầm", "Lời kỹ nữ"; Thế Lữ có "Nghe đàn nguyệt".... Bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của nhạc sĩ- nhà thơ tài danh Văn Cao là một trong những bài thơ đặc sắc viết về Huế và ca Huế trên sông Hương.
    Bài thơ đưa ta lạc vào thế giới của vẻ đẹp thanh tao nơi bồng lai tiên cảnh. Trên con đò như tình yêu bồng bềnh trôi trên dòng sông thời gian vĩnh hằng, có đôi trai gái say sưa đàn hát bên nhau. Chàng trai dạo đàn, cô gái hát, tiếng đàn hát như tiếng tơ đồng, hơn cả niềm tri âm tri kỷ của Bá Nha Tử Kỳ:
    Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
    Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
    Này em hát khúc tương tư nhé
    Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời

    Ðây là lúc cảm xúc đang ngập hồn chàng nhạc sĩ. Anh nghe hồn mình cũng đang "nẩy nẩy... nhịp đôi". Một tình cảm mới đang nẩy chồi, bén lửa, đang âm ỉ "Này em khát khúc tương tư nhé!". Ðề nghị hát nhưng lại sợ tiếng hát làm xao động, làm bay mất, tan biến mất cái cảm giác tình yêu ngọt ngào dâng lên đang ngòn ngọt đầu môi, nên chàng phải vội vàng đề nghị "ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời..." Ðoạn thơ đã nói rất tinh tế, rất hay tâm trạng của chàng nhạc sĩ si tình xứ Bắc trước người ca nữ xinh đẹp và phong cảnh nên thơ xứ Huế.
    Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Tuổi trẻ của ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, tự học âm nhạc, sáng tác nhạc và viết văn, làm thơ từ rất sớm. Năm 1940, lúc chưa tới tuổi hai mươi ông có chuyến đi vào Huế. Chuyến đi đã để lại dấu vết sâu đậm trong các sáng tác quan trọng của đời ông. Bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" ông sáng tác vào dịp này. Ngoài bài thơ, ông viết bản nhạc "Sông Hương". Cả những bài hát nổi tiếng, đỉnh cao trong dòng nhạc lãng mạn Việt Nam như Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi.... viết trong những năm từ 1941 đến 1943 của ông có nguồn gốc cảm hứng từ thành quách, sông nước con người Huế trong đợt đi quan trọng ấy. Sinh thời, vào năm 1986, trong một lá thư gởi cho tạp chí Sông Hương ở Huế, ông tâm sự: "Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Ðối với nơi đó người ta phải suy nghĩ nhiều không về lịch sử mà về một nền văn hoá. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế đã giúp tôi làm được âm nhạc và thơ"."Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của Văn Cao là bài thơ hay trong các sáng tác thơ của ông.
    Thơ Văn Cao thường rất lạ về chữ, về tứ. Ngay cả cách chọn vị trí chủ thể thẩm mỹ trong bài thơ của ông cũng khác các nhà thơ đương thời. Tất cả các bài thơ viết con đò trên sông Hương về ca Huế, đàn Huế, tác giả đều ở vị trí người quan sát, nhìn và cảm về Huế như Người kỹ nữ, Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu... Với Ðêm đàn lạnh trên sông Huế, vị trí chủ thể thẩm mỹ là nhà thơ chính là người trong cuộc, người tham gia làm nên tiếng đàn Huế, cái đẹp Huế:
    Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha.
    Em nghe anh dạo khúc thu xa...

    cùng với:
    Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
    Từng canh trời điểm một sao rơi
    Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
    ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi...

    Cuộc đàn hát quên thời gian cho đến lúc Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương.. Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác... (Tiêu Kim Thuỷ là tên gọi khác của sông Hương). Tức là đàn hát cho đến khi trời sắp sáng, cho đến lúc Em cạn lời thôi anh dứt nhạc. Là người trong cuộc mới thốt lên một nhịp thơ lạ với câu thơ gợi hỏi hai lần;
    Sao đàn u hoài gì mùa thu?
    Sao đàn u hoài gì mùa thu?

    ở đây chính tác giả đã nhận ra tiếng đàn của mình đã khác đi, mềm đi nhưng không lý giải được điều sâu kín gì đã biến tiếng đàn thành nỗi u hoài mùa thu day dứt!.
    Khi lòng đã mềm đi, tiếng đàn đã mềm đi, khi hai tâm hồn đã tri âm, đồng vọng thì đêm vàng cũng trở nên lạc lõng. Ðể đến lúc chia tay, mới biết đau nhói nỗi biệt ly
    Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
    Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
    Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
    Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh

    Ðây là cao trào của bài thơ. Thì ra bài thơ không chủ ý tả tiếng đàn, đêm đàn mà sâu xa hơn nói về một tình yêu ngấm sương với đủ các cung bậc của nó, mà cuối cùng là nỗi nhớ mang theo suốt đời Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.
    Tại sao lại là một đêm đàn lạnh mà không phải là một đêm đàn trên sông Huế?. Chữ "lạnh" nói lên điều gì?. Chữ lạnh là tâm trạng của nhà thơ sau đêm đàn. Một đêm đàn đầy xúc động và giao cảm, đầy tri âm và đồng vọng. Ðêm đàn đã thấm vào nhau. Nhưng rồi phải chia ly, mỗi người đều mang lạnh trong lòng. "Lạnh" đây là sự trống trải của nhớ nhung cao độ, là cái lạnh của tình yêu nồng cháy. Ðó cũng chính là cái tứ mạnh và bền vững của bài thơ. Văn Cao là người Hải phòng mới vào Huế lần đầu, nhưng thơ ông đã nồng nàn từ ngữ, âm điệu Huế, hồn Huế.
    Ðã gần 60 năm kể từ khi được viết ra, bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" vẫn mang hơi ấm của cuộc sống hôm nay. Con đò Huế, cô gái Huế, ngón đàn ca Huế vẫn còn đó, đêm đêm lại cất lên bồng bềnh luyến láy làm say lòng du khách. Những đêm thấm đẫm văn hoá Huế ấy người yêu thơ lại nhớ đến nhà thơ tài, nhạc sĩ tài danh Văn Cao, trong hồn lại vang lên những câu thơ tha thiết:
    Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
    Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
    Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
    Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh....

    (Bài viết của Ngô Minh- báo Thừa Thiên Huế 4/8/2000)
  3. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Không đề của Văn Cao

    Con thuyền đi qua
    để lại sóng
    đoàn tàu đi qua
    để lại tiếng
    đoàn người đi qua
    để lại bóng
    tôi không đi qua tôi
    để lại gì?
    (TUYỂN TẬP THƠ VIỆT NAM 1975- 2000)
    Thơ cũng như gương mặt người con gái. Có vẻ đẹp trời cho, có vẻ đẹp cha mẹ cho. Có cái đẹp sắc sảo, có cái đẹp thuỳ mị. Một cái nốt ruồi xinh xinh đặt ở đâu đấy trên mặt tạo nên một sự hài hoà, nhưng nếu đặt không đúng chỗ sẽ tạo nên sự phản cảm....
    Thơ hay cũng có nhiều cách: hay vì lời đẹp, hay vì tình nồng, hay vì ý sâu, hay vì ý tưởng mới. Có bài thơ tác giả viết, chữ trào ra đầu bút, bụng dạ như sắp phát cuồng. Có bài thơ đến nhanh như một bài thuộc lòng chép sẵn. Có bài thơ như tự nhiên nhặt được. Có bài thơ là sự chiêm nghiệm một đời, sự đau đớn trăn trở một đời, sự ám ảnh một đời. "Không đề" của nhạc sĩ Văn Cao thuộc loại đó chăng?
    Nghe ra thì thật dễ và tưởng như không có gì:
    Con thuyền đi qua
    để lại sóng
    đoàn tàu đi qua
    để lại tiếng
    đoàn người đi qua
    để lại bóng

    Có khả năng quan sát đời sống là có thể có được những ý thơ này- ba câu thơ cùng một cách diễn đạt, một mô típ. Ðấy là sự quan sát bằng mắt, bằng tai nhưng đến câu cuối "Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?". Chữ "tôi" ở đầu dòng xác định tác giả là chủ thể, chữ "tôi" cuối dòng là bản thể. Chữ "tôi" cuối câu là "nhãn tư", "thần tư" của cả câu và cả bài. Không có chữ "tôi" ấy, bài thơ không có lý do tồn tại.
    Theo cách lý giải đơn giản ở trên "Con thuyền đi qua để lại sóng/ đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ đoàn người đi qua để lại bóng..." người đọc sẽ hơi khựng lại một chút khi đọc câu cuối "tôi không đi qua tôi/ để lại gì?" rồi tâm tưởng oà vỡ trong niềm thú vị, cảm thông, gật gù tán thưởng: Văn Cao muốn nói đến đời sống tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ mà từ cá nhân mình ngẫm ra, ông đã thấy. Người nghệ sĩ không thể chỉ "đi qua" cuộc đời như con thuyền (cũng đủ để lại sóng!) như con tàu (cũng đủ để lại tiếng) như đoàn người (cũng đủ để lại bóng) mà phải đi qua mình nghĩa là lắng nghe, cảm nhận, sàng lọc, đánh giá, rung cảm, kiểm nghiệm, vật vã với chính lòng mình, tâm can mình mới mong để lại cho đời một chút tinh chất của tài hoa sáng tạo.
    Ðây không phải loại thơ dùng trí thông minh, ngồi một lúc nghĩ ra mà là đã trăn trở, day dứt, ngẫm nghĩ một đời đến một lúc nào đó, câu thơ vọt ra, có lúc người đẻ ra nó, cũng còn thấy bất ngờ, huống chi người đọc!
    Phàm bài thơ hay, câu thơ hay, đọc xong, mình lại thấy không có gì ghê gớm cả, sao mình lại không nghĩ, không cảm, không viết được như thế nhỉ? Bài thơ hay là bài thơ ai cũng thấy là... của mình.
    (Lời bình của Nguyễn Bùi Vợi, báo Phụ nữ Việt Nam)
  4. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao

    Mỗi bài thơ của thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ Văn Cao như được dựng lên từ một lát cắt rất mảnh của thời gian, hoặc từ sự cô đặc dồn nén khoảng thời gian dài trong một chuyển động bất chợt. Thơ ông cũng là sự khao khát của trái tim nghệ sĩ và nhà cách mạng.
    Tôi
    Một trái cây muộn
    còn sót lại cành
    (Sự sống thật)

    Văn Cao tự nhận mình như vậy. Trái cây muộn ấy luôn chịu sự câu thúc của thời gian, cái thời gian kéo dài trong một ngày ở một thế ngồi bất động, "một cái bóng", nhưng lại vô cùng ngắn giữa những chớp mắt của tâm tưởng, những hình ảnh, những ý nghĩ vụt lóe. Sáng tạo là chấp nhận sự mất đi của những thời gian đằng đẵng để đổi lấy cái chớp mắt của những thời gian cô đặc. Thời gian ấy có thể là tiếng kêu của "một khúc thép đỏ- trong chậu nước", có thể là cái "lặng lẽ lấp lánh" của một con mắt "sau bóng đen", có thể là một cái bóng chung cho cả hai người: Chúng tôi hai người-Một bóng... Thời gian ấy có thể nghe được từ "những tiếng rạn vỡ", có thể thấy được từ dòng máu của một nhà văn thân thiết đang đối mặt từng phút giây với cái chết: Và dòng máu nơi anh-Những giọt mực cạn dần. Văn Cao có thể thấy, sau khoảng thời gian cô đặc như sau một tách trà ấy là Một khoảng trống thẳm sâu. Thơ có được từ những chênh vênh, những mấp mé miệng vực ấy của một thoáng chốc thời gian . Đó là khoảng thời gian "đang xảy ra một cái gì" như người Pháp gọi là durée:
    Tôi níu lấy mảnh lưới
    Lưới là cái cuối cùng
    Đang hắt tôi xuống biển

    (Đêm phá Tam Giang)
    Đó cũng là thời gian để đột ngột hình thành một cái gì:
    Từ trời xanh
    rơi
    vài giọt tháp Chàm

    (Quy Nhơn 3)
    Đọc thơ Văn Cao đã lâu, tôi cứ nghĩ mãi, vì sao thơ ông cô đặc được đến vậy? Thì ra, mỗi bài thơ của ông được dựng lên từ một lát cắt rất mảnh của thời gian, hoặc từ một sự cô đặc dồn nén cả một khoảng thời gian dài trong một chuyển động bất chợt:
    Bất ngờ
    một con chim bay qua cửa sổ
    tự nhiên
    ánh sáng đi

    (Mùa Xuân, em)
    Với bài thơ Trôi, Văn Cao dựng xương sống của nó chỉ bằng ba động từ "thả", "ôm" và "trôi". Chỉ ba động từ mà đặt được một vấn đề triết học, một cách nhìn cách nghĩ không cố chấp về cuộc sống: Tôi ôm em trong tay-Em trôi.
    Người tự do là người nhận thức được quy luật tất yếu. Nhà thơ tự do cũng vậy, anh chọn xả kỷ chứ không phải ích kỷ, anh dám cô độc trên con đường mình đã chọn nhưng bao giờ cũng khát khao sự đồng cảm, sự chia sẻ tình thân hữu. Tài năng của Văn Cao thăng hoa được tới đỉnh cao là nhờ cái tình sâu đậm của ông với con người, với nhân dân mình, với quê hương mình. Cõi thiên thai trong bản nhạc bất hủ của ông chính là cõi trần gian mà ông muốn thấy, mà ông khao khát chiến đấu để có được.
    Trong mỗi nhà Cách mạng cũng như mỗi nghệ sĩ chân chính đều có phần không tưởng, phần lý tưởng mà nhờ nó họ có được sự hy sinh tự nguyện và những tác phẩm để đời. Họ không cần và cũng không thể thấy những cõi thiên thai trên mặt đất này, nhưng họ khao khát, họ sống và chết vì sự khao khát. Văn Cao là một nhà cách mạng rất nghệ sĩ, và là nhà nghệ sĩ sống rất cách mạng. Hai con người này, nói như Văn Cao là: "Chúng tôi hai người-Một bóng", cái "bóng" ấy thấm đẫm xuống từng trang tác phẩm của Văn Cao.
    Có những nhà nghệ sĩ lớn không cách mạng, nhưng tự hào biết bao ở cái thế kỷ 20 khốc liệt này chúng ta được thấy hàng loạt những nghệ sĩ lớn, những nghệ sĩ vĩ đại đồng thời là nhà cách mạng. Cách mạng trong tư tưởng, và cách mạng trong hành động. Chính cách mạng đã đặt đôi chân nghệ sĩ của họ cắm chặt trên mảnh đất cần lao, đứng cùng những người bị áp bức, những người đang chiến đấu để làm người, và chính cách mạng đã làm thăng hoa những tưởng tượng những khát khao của họ về một thế giới mới, về những gì chưa thể nhìn thấy được trong hiện tại nhưng có thể sẽ là giai điệu chủ trong tương lai. Nhưng cũng như những nghệ sĩ cách mạng khác, Văn Cao không bao giờ chấp nhận sự đánh tráo khái niệm, đánh tráo hình ảnh. Sự trung thực đến cùng với lý tưởng sẽ tôn vinh ông mãi mãi.
    Bây giờ không còn những tiếng nổ to
    Nhưng còn những tiếng rạn vỡ

    ..............
    Anh có nghe thấy không
    Chỗ nào cũng có tiếng
    Chưa nói lên

    (Anh có nghe thấy không)
    Văn Cao đã nghe từ ngót 50 năm trước những điều đang xảy ra hôm nay. Ông không phải là nhà tiên tri vu vơ, ông là nhà cách mạng và là nhà nghệ sĩ, ông nghe được bằng tất cả trái tim mình, bằng sự linh cảm không đánh lừa của mình, bằng tất cả tấm lòng của mình với nhân dân với đất nước mà ông trọn đời yêu thương. Với những người như thế, thời gian trong tâm tưởng họ là thời gian cô đặc, họ có thể nhìn thấy, cảm thấy những điều xảy ra trăm năm sau không phải nhờ một năng lực thần bí nào, mà nhờ cậy chính vào sự trong trẻo tuyệt vời của tâm hồn, của lương tâm họ. Đó là những người đã ngộ, và với họ "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Cái "thời gian cô đặc" trong thơ Văn Cao mà chúng ta cảm nhận được khi đọc thơ ông, chính bắt nguồn từ khả năng cô đặc thời gian trong tâm tưởng ông, là sự dịch chuyển đến vô cùng từ một không gian hẹp, từ một thế ngồi bất động.
    Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm Văn Cao ngồi im lặng: ông có thể ngồi suốt ngày với một tư thế như vậy, với một tâm thế như vậy. Những lúc ấy, tâm tưởng ông liên tục du hành trong thời gian, trong những không gian tưởng tượng.
    Trước Văn Cao, Hồ Chí Minh cũng đã cảm nhận sâu sắc tâm thế này: Thân thể tại ngục trung-Tinh thần tại ngục ngoại. Chính khả năng cô đặc thời gian, khả năng "tích trữ lương thực" cho tinh thần, cho tâm hồn đã đưa tới những bài thơ cô đặc mà Văn Cao từng ủ bao nhiêu năm trong những cuốn sổ tay nhỏ nhít của ông. Ủ như người ta ủ những hạt mầm. Bản thân những hạt mầm cũng là sự cô đặc thời gian, sự kiên nhẫn với thời gian.
    Đọc thơ Văn Cao giờ đây, tôi như thưởng thức được từng chấm sáng lấp lánh của thời gian qua từng con chữ. Nhiều khi, thơ cũng phải biết tự dè sẻn như thế, tự làm nhỏ mình lại như thế, biết kiên nhẫn như thế. Như những hạt mầm. Những hạt mầm của thời gian.
    THANH THẢO
    (Thể thao và Văn hóa)
  5. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    "Bềnh bồng cho tới mai sau"- Bài thơ tình rất lạ của Hoàng Phủ Ngọc Tường
    Có con thuyền trong sương trắng
    Bềnh bồng như một cánh chim
    Có em chèo thuyền áo trắng
    Xôn xao như trốn như tìm
    Có vầng mặt trời rựng sáng
    Bồi hồi như một trái tim
    Em chèo thuyền về phía hừng đông
    Hứng chút phấn mặt trời trên má
    Bụi mặt trời vương đầy gót chân
    In những dấu hoa hài trên sóng
    Anh mãi nghe từ đáy
    màu sương mỏng
    Bài hát tình yêu dậy một phương hồng
    Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
    Mà sao mặt trời mối ngày vẫn trẻ
    Mà sao anh đã từ vạn kỷ
    Bên sông này anh đứng hát
    mặt trời lên
    Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
    Mặt trăng là mảnh gương
    riêng soi trái đất
    Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
    Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
    Mê man nhớ những tình cầu
    Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
    Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
    Anh với em, ừ thì cũng lạ
    Bềnh bồng cho tới mai sau.
    Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tính nhân văn sâu sắc, những chiều kích khác nhau của trí tuệ uyên bác và chất Huế huyễn hoặc, quyến rũ. Ðó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình. Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc. Có độc giả ở Hà Nội đã công phu cắt từng câu trong bút ký nổi tiếng "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của anh xếp lại thành một bài thơ rất lý thú. Ngoài bút ký, anh có nhiều bài thơ hay được rất nhiều độc giả thuộc như "Ðịa chỉ buồn", "Dù năm dù tháng", "Dòng sông đời mẹ", "Ðêm qua", "Bềnh bồng cho tới mai sau"... "Bềnh bồng cho tới mai sau" là bài thơ tình hay và rất lạ trong mạch "thơ buồn như viết ra từ máu" (chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo) của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vài chục năm nay!.
    Mùa hạ năm ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường về thăm Lệ Thuỷ quê vợ. Ðêm anh ngủ lại với mảnh đất đã cho mình tình yêu cuộc đời. Rạng sáng, tiếng hát từ những con đò trên dòng sông Kiên Giang làm anh choàng giấc. Anh chạy ra Mũi Viết nơi ngã ba sông, và bàng hoàng trước cảnh tượng thơ mộng đẹp như tranh thuỷ mặc của Tàu:
    Có con thuyền trong sương trắng...
    Có em chèo thuyền áo trắng....
    Có vầng mặt trời rựng sáng...

    Ðó là những hình ảnh thực, rất thực diễn ra trong mỗi buổi sáng mùa hạ ở trên sông Kiến Giang mà bất cứ ai cũng có thể kể lại được. Bắt gặp những cảnh tượng bình minh như trong cổ tích đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị hớp hồn vía. Những hình ảnh đẹp đó đi vào tâm hồn thơ của anh trở nên vô cùng xao động và ấn tượng hơn nhờ những cặp liên tưởng bất ngờ và thú vị:
    Có con thuyền trong sương trắng
    Bềnh bồng như một cánh chim
    Có em chèo thuyền áo trắng
    Xôn xao như trốn tìm
    Có vầng mặt trời rựng sáng
    Bồi hồi như một trái tim.

    "Mặt trời" bồi hồi như "một trái tim" là một hình tượng lạ, một sự so sánh bất ngờ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao!.
    Nhờ thủ thuật so sánh, liên tưởng điêu luyện những cảnh thực và thơ đã thành ảo, thành mộng, cái tả đã biến thành cái cảm, cái say dẫn người đọc đến một trạng thái tình cảm mới: tình yêu!. Cô gái chèo thuyền trên sông phút chốc biến thành nàng tiên nữ giữa chốn bồng lai tiên cảnh với những nét đẹp vàng son lấp lánh và cực kỳ sang trọng "phấn mặt trời trên má", "bụi mặt trời vương gót chân", "dấu chân thành hoa hài trên sóng"...
    Em chèo thuyền về phía hừng đông
    Hứng chút phấn mặt trời trên má
    Bụi mặt trời vương đầy gót chân
    In những dấu hoa hài trên sóng

    Trước hình tượng Nàng Thơ lộng lẫy sinh ra từ trái tim mặt trời ấy, nhà thơ của chúng ta không thể không thổ lộ rằng mình đã yêu, rằng từ đáy LÒNG MÌNH "BÀI HÁT TÌNH YÊU DẬY MỘT PHƯƠNG HỒNG"! ẤY LÀ LOGIC TÌNH CẢM, LOGIC CỦA THƠ!
    Hết khổ thơ thứ 2, coi như "tiếng sét tình yêu" đã thể hiện quyền lực của mình: Tình yêu đã được bày tỏ một cách nồng nàn. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường không dừng lại ở đó. Những hình ảnh thơ được tả rất cận cảnh từ gần đến xa rồi từ xa nói gần. Từ những hình tượng bắt gặp ngẫu hứng, bằng cấp độ liên tưởng cao hơn, anh đã phát hiện ra tính âm dương của vũ trụ và đã đẩy bài đến một tứ lớn hơn, đột ngột hơn: Tình yêu của con người rất vĩnh cửu bởi tình yêu mang bản chất của vũ trụ
    Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
    Mà sao mặt trời mỗi ngày vẫn trẻ
    Mà sao anh như từ vạn kỷ
    Bên dòng sông này đứng hát mặt trời lên..

    Quan hệ "có đôi" ấy được biểu cảm trong từng chi tiết:
    Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
    Mặt trăng là mảnh gương riêng soi trái đất
    Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
    Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
    Mê man nhớ những tinh cầu...

    Thì ra mặt trời, mặt trăng, trái đất và những tinh cầu trong cõi vô biên vũ trụ từ vạn kỷ nay vẫn hướng vào nhau, vì nhau, ôm ấp nhau, nhớ nhau... như con người, như anh và em, như âm và dương. Vâng, vũ trụ là một tình trường vĩnh cửu. Tình yêu của "anh và em" cũng bền vững như tình yêu giữa các hành tinh. Bài thơ kết lại bằng khổ thơ rất hay, với những câu thơ sống động rất đời mà nặng triết lý nhân sinh, những câu thơ có thể tách ra để biến thành ngạn ngữ tình yêu:
    Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
    Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
    Anh với em, ừ thì cũng lạ
    Bềnh bồng cho tới mai sau

    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường "... thấm đẫm triết học về cái chết... thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột... Ðấy là thơ của cõi âm"... Ðó là một nhận xét đúng và tinh tế. Nhưng trong nguồn thơ như từ đất vọng lên của Tường lại có một bài thơ khác lạ, bài thơ như từ trời vang xuống, đầy chứa chan, khoái cảm và trí tuệ. Ðó chính là bài thơ Bềnh bồng cho tới mai sau, bài thơ về trái tim tình yêu, trái tim mặt trời vĩnh cửu, một bài thơ tình hay và mới.
    (Ngô Minh- đăng trên báo Thừa Thiên Huế 5/7/2000)
  6. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    NGÔI NHÀ TÂM hồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường
    ( Nhân đọc tập thơ " Người hái phù dung" của Hoàng Phủ Ngọc Tường")
    Tập thơ"Người hái phù dung", chủ yếu là nỗi buồn, nỗi buồn viết hoa được nâng lên thành triết lý, có sức ám ảnh lớn về những điều muôn thưở, liên quan đến sự" hiện sinh"của tác giả, rộng ra, đến khắp cả kiếp người: Tình yêu, sự sống, cái chết...Tất cả đều được nhà thơ tư duy bằng kinh nghiệm buồn của chính mình thông qua sự đối chiếu với các phạm trù như: thời gian, tình yêu, cuộc sống...
    Mở đầu tập" Người hái phù dung", tác giả đã khái quát một cách triết học về sự mỏng manh, ngắn ngủi của thời gian đời người qua sự đổi màu của loài hoa phù dung cánh trắng:
    Anh hái cành phù dung trắng
    Cho em niềm vui cầm tay
    Màu hoa như màu ánh nắng
    Buổi chiều chợt tím không hay

    Từ tứ thơ độc đáo này, bằng việc quan sát, so sánh với các sự vật, hiện tượng chung quanh và sức liên tưởng độc đáo, tác giả đã triển khai và chứng minh thành mệnh đề triết học đầy sức ám ảnh về sự"xuẩn ngốc" của thời gian sống một đời người. Từ đó, rút ra ý nghĩa và khát vọng vĩnh cửu về sự hiện diện của những người con biết sống:
    Dù năm dù tháng em ơi
    Tim anh chỉ đập một đời
    Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
    Trong từng hạt máu đỏ tươi

    (Dù năm dù tháng)
    Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn có ám ảnh phù du. Nó ăn sâu trong tiềm thức và kinh nghiệm sống của anh. Ðời người cũng như con phù du kia, sinh ra để yêu, để khát vọng, bừng sáng rồi chết? Khác chăng là con người hay buồn và mơ mộng, bởi lẽ,"Nỗi khát vọng vô cùng" đã"ném vào tận đáy" vẫn còn dang dở nhưng lòng tin thì cứ mãi sáng trong "Dù năm dù tháng", "Nói với bóng mình in trên vách", "Nơi tôi gửi bóng", "Ðêm qua"...là những khám phá nghệ thuật bất ngờ về sự sống, cái chết được tư duy bằng quy luật của thời gian và"ngôi nhà tâm hồn" của chính tác giả. Vì vậy, vừa triết lý vừa nhân bản.
    Chính trên hệ quy chiếu này mà trong tình yêu, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có cách trầm tư ảo diệu. Anh quan niệm, với tình yêu không thể giản đơn bởi đó là hành vi và tiếng nói vi tế, kỳ lạ nhất của trái tim. Cho nên người nào đau khổ trong tình yêu mới có thể rút ra những triết lý cho riêng mình. Với tác giả, Tình yêu là một kinh nghiệm buồn:
    Thôi em cảm tạ chờ mong
    Ngày anh đi hái phù dung chưa về
    Ðêm qua hương đã tàn mê
    Mày ai còn dấu trăng thề như in

    (Ðêm qua)
    CÂU THƠ ĐẸP NHƯ LỜI KINH SÁM HỐI. Ở MỘT NƠI XA NÀO ĐÓ, CÓ MỘT NGƯỜI CON GÁI CHỜ ĐỢI THỦY CHUNG, còn anh thì mãi mê với một loài hoa bất chợt đổi thay. Nhưng em có biết đâu, nơi này, trong những giấc mơ hồng, bóng em vẫn"chờn chợ" bên anh: này môi, này mắt, này trăng.
    Chính bằng kinh nghiệm ấy mà thơ tình Hoàng Phủ Ngọc Tường tuy buồn nhưng vời vợi, mang vẻ đẹp lung linh, tình sử. Nỗi đau, hạnh phúc trên kỷ niệm giận hờn của anh cũng lạ và xúc động biết bao.
    Trên kỷ niệm giận hờn
    Có ngôi sao chiều tím
    Là môi em cúi xuống
    Trên mình anh vết thương

    (Bài ca sao)
    "Dạ khúc"là một tình sử buồn diễn tả bằng ngôn ngữ bi kịch. Khi nụ hôn nồng nàn vừa trao cũng là khi nỗi đau đọan trường."Ngọt ngào như trái nho tươi"bắt đầu từ đấy. Và còn đây những điệp khúc ngân vang, kéo dài như những lời tự vấn trong đêm.
    Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
    Nửa vành mi cong hờn dỗi
    Em xõa muộn sầu trên gối
    Rối bời như mớ tơ xanh

    Ðể có một buổi chiều, trong căn phòng đầy bóng tối- "Anh lặng thầm như là cái bóng- Hoa tàn một mình mà em không hay"
    Nếu trước đây Tản Ðà tự nói về mình một cách trần trụi của một con người thích tận hưởng và xê dịch thì ngày nay Hòang Phủ Ngọc Tường lại nói về mình một cách tâm linh, quặn thắt qua nét vẽ bằng thơ.
    Vẽ tôi một nửa mặt người
    Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
    Vẽ tôi một tiếng mơ hồ
    Bàn tay em vỗ bên bờ hư không
    Vẽ tôi một đóa bông hồng
    Tàn phai từ bữa em cầm trên tay
    Vẽ tôi một nét môi cười
    Một dòng nước mắt, một đời phù du.

    ( Vẽ tôi)
    Ngay cả nơi ở của mình, anh cũng có cách liên tưởng bất ngờ độc đáo:" Nhà tôi ở phố Ðạm Tiên". Nơi đó, có mùi hương của cỏ hoa kết thành nỗi sầu huyền thoại. và có một chàng lãng tử lang thang mơ mộng, rồi nằm ngủ dưới trăng mơ thấy một nàng tiên nữ từ chốn vĩnh hằng nhìn mình nhưng không bao giờ hạnh ngộ. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực cô đơn, chỉ còn lại thi nhân ,mang nỗi buồn thượng cổ qua hình ảnh hao gầy của ngọn nến hồng đang tan từng giọt giấc mơ.
    Tôi còn ngọn nến hao gầy
    Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
    Tôi xin em chút lòng thành
    Cài lên một phiến u tình làm hoa.

    ( Ðịa chỉ buồn)
    Với thơ, anh quan niệm: Mỗi người chỉ thực sự là chính mình trong căn nhà của mình. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn- nhà- ở-đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn.
    Hoàng Phủ Ngọc Tường hay lo âu về cái chết ( thực chất cũng là nỗi buồn) trong tương quan với sự sống. Ðó cũng chính là kiểu tư duy triết học. Bằng vốn triết học, văn học, sử học của mình, anh đã triết luận về những vấn đề trên một cách sâu sắc.
    Khi chia tay người yêu, mang nỗi buồn thân phận nên hoa của hồn thi sĩ cũng tàn trong phút chốc, không còn ai để khóc và "Anh chết một mình trong đêm qua".
    " Nói với bóng mình trên vách" cũng là cách nghĩ suy về cái chết - sự kết thúc một vòng "luân hồi ", nhưng vẫn mang theo hơi ấm của sự sống, của khát vọng đời người.
    Món quà tặng sau cùng đời dành cho anh
    Là nắm đất ủ hơi bàn tay bè bạn
    Sẽ gởi theo anh.

    Trước cái vô thường của tạo hóa, sự sống vẫn cao hơn cái chết
    Ôi! Cuộc sống đáng quý biết bao nhiêu!
    Nhưng rồi, đời người ai cũng về với cỏ, điều đáng sợ nhất là khi từ giã cõi đời "Không còn lại gì trong những người khác". Ðó là thơ có ích, thơ cuộc đời.
    Nỗi buồn trong thơ Hòang Phủ Ngọc Tường mang màu sắc Ðông Phương, gần gũi với con người hiện đại, được thể hiện bằng ngôn ngữ trữ tình, trang nhã. Vì vậy, sức bật của câu chữ, nét vang ngân, huyền ảo của âm nhạc, hội họa cứ hiện lên một cách quyến rũ.
    Thiên nhiên trong thơ anh luôn xuất hiện như một niềm ân huệ.. Nỗi buồn không tìm đến thiên nhiên, để bằng ngôn ngữ của thiên nhiên mà thanh lọc và tiếp tục mơ mộng thì nỗi buồn sẽ không đủ sức đi tiếp cuộc hành trình đau khổ của nó. Hoàng Phủ Ngọc Tường ý thức sâu sắc về điều này. Anh biết ơn từ cánh phù dung đến sương mù, cỏ lau; từ cánh hồng, bông violet nhỏ đến hoa sầu đông là những niềm vui mong manh, bé nhỏ dễ bị bỏ rơi.Ðồng thời anh cũng biết ơn những cái vĩnh hằng cao rộng như bầu trời, vầng trăng, ngọn lửa, vì sao... là những vẻ đẹp hướng thượng bền vững, rạo rực có khả năng thanh lọc và làm cao sang nỗi buồn.
    Thưa rằng người đã quên tôi
    Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may

    Khát vọng tự do của anh cũng khác. Ðó là khi đã đi kết cuộc kiếm tìm và thực hiện lời nguyền dâng hiến.
    Tôi trở về tìm trong hương cỏ
    Dịu dàng một chút bình yên
    Tự do nhiều khi là im lặng
    Ðể đừng nghe ai gọi tên

    ( Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi)
    Hòang Phủ Ngọc Tường luôn quan niệm cái hiện sinh của con người là chính ở vốn ký ức trong tâm hồn mình qua từng niềm vui, nỗi buồn gắn với những hoàn cảnh và quan hệ cụ thể; trong đó có sự tự do lực chọn của chính mình. Cho nên triết lý về nỗi buồn trong thơ anh mang nỗi đau và khát vọng đời thường, đánh thức ở người đọc những đồng cảm, suy tư thâm trầm sâu sắc. Với Hòang Phủ Ngọc Tường, tự do của thơ, cũng chính là của bản thân anh là nỗi buồn. Thơ anh, vì vậy đầy tính triết lý, hấp dẫn người đọc ở bề sâu, ở sự trang trọng, quý phái. Thể thơ lục bát, năm chữ, sáu chữ, tám chữ... mà anh ưu tiên thể hiện là một sự chọn lựa. Nó phù hợp với nội tâm và ý tưởng mà anh cần diễn đạt. Chất trữ tình truyền thống, chất hoài niệm, chất thâm trầm, cũng như chất hoành tráng trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là đặc điểm của các thể thơ trên. Riêng lục bát, anh đã đem lại sự hấp dẫn mới ở chất quý phái mà hiện đại của nó. Trong thơ anh đã phát huy tính nhạc một cách triệt để qua việc sử dụng thể loại, để từ đó , anh thể hiện tài gieo vần và tạo tiết tấu, phù hợp với chát thơ buồn của anh.
    Với tập Người hái phù dung, Hoàng Phủ Ngọc Tường tự tạo cho mình một danh hiệu mới: Nhà thơ của Nỗi buồn.

Chia sẻ trang này