1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sưu Tầm Vovinam-Việt Võ Đạo

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi vobinhdinh, 10/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vobinhdinh

    vobinhdinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/12/2003
    Bài viết:
    133
    Đã được thích:
    0
    Lịch Sử Môn Phái Vovinam
    Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây) được tạo nên bởi phù sa của ba dòng sông lớn: sông Nhị (Hồng Hà), sông Đà (Hắc Giang) và sông Lô; và hai nhánh sông nhỏ: sông Con (Tích Giang) bắt nguồn từ Ba Vì chảy quanh vùng và sông Đáy (Hát Giang) chạy ven địa giới phía Đông của tỉnh đã góp phần tạo cho Sơn Tây thành một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Bên cạnh đó, Sơn Tây còn có ngọn Ba Vì hùng vĩ. Gần Ba Vì là hệ thống núi lửa Đa Chông trùng điệp và một dãy núi đá vôi lớn ở phủ Quốc Oai (Phong Châu cũ) chiếm cứ một dãy đất rộng lớn từ bờ sông Đáy đến sông Đà. Tuy thuộc vùng châu thổ tiếp giáp với đồi núi nhưng khí hậu của Sơn Tây lại gần giống với các tỉnh vùng cao, nên người dân vừa có tinh thần khoáng đạt của người miền núi, vừa có nếp sống văn minh của cư dân các tỉnh đồng bằng. Địa linh này đã sản sinh nhiều nhân kiệt như Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh), Bố Cái Đại Vương, Trưng Vương, Ngô Quyền, Từ Đạo Hạnh, Vũ Công Duệ, Phùng Khắc Khoan, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... Và tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý (ngày 24 tháng 5 năm 1912), cậu bé Nguyễn Lộc đã cất tiếng khóc chào đời.
    Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 người anh em (Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Dần, Nguyễn Hải và Nguyễn Thị Bích Hà). Thân sinh là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa. Gia tộc cụ ông từng sinh sống, làm ăn lâu đời tại làng Hữu Bằng. Một thời gian sau, vì sinh kế, cụ ông chuyển gia đình về Hà Nội và ngụ trong một ngôi nhà bình dị tại đường Harmand Rousseau (phía sau chợ Hôm). Khi người con trai đầu lòng cắp sách đến trường, cụ ông đã nhờ một vị lão võ sư khai tâm cho con mình những thế võ và vật dân tộc để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.
    Ông Nguyễn Lộc trưởng thành trong thảm cảnh quê hương Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ hơn nửa thế kỷ. Thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ đang bị chi phối bởi hai khuynh hướng: Một bên là hy sinh dấn thân vào con đường cách mạng cứu nước; còn một bên kia là buông mình theo lớp vỏ văn minh hào nhoáng của phương Tây mà những thú vui sa đọa, những phong trào thể thao của lớp thượng lưu trưởng giả được thực dân Pháp khuyến khích để ru ngủ các tầng lớp thanh niên. Là một thanh niên yêu nước, ông Nguyễn Lộc vô cùng đau lòng trước thực trạng quê hương. Tất nhiên, ông không bằng lòng và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân thống trị và tay sai. Theo ông, một trong những yếu tố đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đến thành công là cần phải xây dựng cho người thanh niên một lòng yêu nước sâu sắc, một tinh thần tự hào dân tộc, một ý thức cách mạng, ý chí quật cường và nghị lực quả cảm; tất cả những điều đó phải được chứa đựng trong một thân thể khỏe mạnh, đanh thép, sức lực dẻo dai, chịu đựng được mọi gian khổ, có khả năng tự vệ và chiến đấu. Vì thế, ông có ước vọng góp phần nung đúc và cống hiến cho tổ quốc những người con yêu có đạo đức, ý chí quyết thắng sự hèn yếu, bạc nhược về tâm hồn và thể xác hầu vươn lên đến một lối sống tốt đẹp hơn: "Sống, giúp người khác sống và sống vì người khác."
    Mang hoài bão ấy, ngoài việc tu dưỡng đạo đức trau dồi học vấn, ông còn dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu nhiều môn võ khác. Ngày đêm ông thường bầu bạn với nhiều loại sách báo khác nhau từ Triết học, Văn học, Sử học... đến cả Y học, Cơ thể học. Tất cả những ý tưởng quan trọng về võ học và những vấn đề liên quan đều được ông ký chú, phân loại cụ thể. Khu vực bờ đê sông Hồng từ bến Phà Đen đến Viện Bác cổ, nhà Hát Lớn đều có dấu chân ông chạy nhảy, đi quyền, múa roi... từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc. Ngoài ra, ông còn đến tham quan các võ đường, dự khán những trận tỉ thí võ đài hoặc mạn đàm cùng một số võ sư thời danh hầu tìm hiểu thêm các đòn thế hay, đẹp, hiệu quả của các môn võ Trung Quốc, Nhật, Xiêm, Quyền Anh...
    Qua đó, ông nhận thấy môn nào cũng có ưu điểm. Có môn thiên về cương, kỹ thuật cứng và mạnh; có môn thiên về nhu, kỹ thuật linh hoạt, khéo léo, uyển chuyển, ít dùng sức. Riêng các môn võ Việt Nam rất độc đáo, không theo cương hay nhu nhất định mà biến hóa, linh động tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Do sáng tạo từ lâu đời, võ Việt Nam cũng có một số kỹ thuật không còn phù hợp với thời đại mới nhưng ông cũng nhận thấy rằng các kỹ thuật đó vẫn phát triển được những tố chất của cơ thể như thăng bằng, chính xác, khéo léo... mà con người ở thời đại nào cũng cần. Vấn đề cốt lõi là thông qua những bài bản xưa, đào sâu tinh nghĩa, tìm ra phương pháp huấn luyện mới, đáp ứng được tính dân tộc. Từ việc nhận ra thực chất của những kỹ thuật, bài võ đi đến việc nhận rõ giá trị đặc thù của từng môn võ, đồng thời đối chiếu với đặc điểm tâm lý và thể tạng của người Việt Nam: ông nhận thấy cần phải xây dựng một môn võ mang tính dân tộc, khoa học và hiện đại để giúp thanh niên có một phương pháp rèn luyện sức khỏe, tự vệ và chiến đấu mang danh dân tộc vì trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự là hai yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự thành bại.
    Với các luận cứ đó, ông Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nồng cốt, gốc rễ, và khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để tìm ra kỹ thuật hóa giải hoặc khắc chế, sáng tạo một môn phái riêng đặt tên là VOVINAM (từ quốc tế hóa của cụm từ "Võ Việt Nam").
    Khoảng mùa thu năm 1938, khi việc nghiên cứu hoàn thành, ông mang ra huấn luyện thể nghiệm cho một số thân hữu cùng lứa tuổi. Trong thời gian này, Vovinam lại được ông tiếp tục sửa chữa, bổ sung về lý luận lẫn kỹ thuật. Ngót một năm sau, ông đem lớp môn sinh đầu tiên công khai ra mắt quần chúng tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thu hút đông đảo người xem và thành công rực rỡ.
    Để tạo thuận lợi trong việc truyền bá và phát triển "người con tinh thần" của mình, Sáng Tổ nhận lời mời của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ - Hội Trưởng Hội Thân Hữu Thể Thao - tổ chức các lớp dạy Vovinam dành cho thanh niên. Lớp võ công khai đầu tiên khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường Sư phạm (École Normale) ở phố Cửa Bắc, Hà Nội. Sau đó, nhiều lớp võ liên tục được mở ra.
    Nhớ lại những sự việc có ý nghĩa sâu sắc, các môn đệ ở thời kỳ 1938-1940 thường kể lại tấm gương "uy vũ bất năng khuất" của vị Sáng Tổ môn phái. Trong buổi biểu diễn vào mùa thu 1940, có một viên chức cao cấp của thực dân Pháp là Trung tá Maurice Ducoroy chủ tọa; vì hắn ta là biểu tượng cho thực dân thống trị ngồi trên khán đài nên Sáng Tổ không cho các môn sinh "Nghiêm Lễ" (lối chào của Vovinam) khán giả như thường lệ mà đưa môn sinh vào hậu trường nghiêm mình làm lễ trước bàn thờ tổ quốc đã được lập sẵn. Giữa cuộc biểu diễn, ông Đặng Vũ Hỷ mời ông lên khán đài để Ducoroy tặng huy chương. Biết không thể từ chối, ông đành phải lên nhận, nhưng khi rời "khán đài danh dự," ông điềm nhiên gỡ huy chương bỏ vào túi và ung dung điều khiển tiếp cuộc biểu diễn. Hành động trên không những là một cái tát vào mặt chính quyền thực dân mà còn gây xúc động sâu xa về lòng yêu nước và ý thức dân tộc trong giới thanh niên và nhất là các môn sinh Vovinam thời đó.
    Từ đó, Vovinam luôn luôn châm ngòi cho phong trào công khai chống thực dân Pháp. Phong trào đó được phát động mạnh vào năm 1942, từ vụ đụng độ chính thức giữa hai giới sinh viên Việt-Pháp tại trường Đại Học Hà Nội và công chức tại Sở Canh Nông, đều do các sinh viên và viên chức môn sinh Vovinam chủ xướng. Vì thế, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ thuật tại trường Sư Phạm, cấm chỉ Sáng Tổ hoạt động. Đây chính là giai đoạn thử thách quan trọng nhất của môn phái Vovinam. Sáng Tổ vẫn bí mật dạy một số môn đệ tâm huyết ở nhà riêng và phát động phong trào công khai chống thực dân Pháp trong quảng đại quần chúng.
    Ít lâu sau, Vovinam cộng tác với các đoàn thể yêu nước tổ chức các ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm Hai Bà Trưng, các công cuộc cứu tế xã hội, triệt hạ tượng đồng thực dân tại các vườn hoa Paul Bert, Canh Nông... Đồng thời nhiều lớp võ tự vệ được mở ra tại nhiều nơi ở Hà Nội đã thu hút hàng chục ngàn môn sinh.
    Sự hâm mộ Vovinam trong quần chúng thời đó được bộc lộ bằng những khẩu hiệu: "Người Việt học võ Việt", "Không học Vovinam không phải là người yêu nước"... Tinh thần ái quốc và tiềm lực dân tộc được khơi dậy.
    Ở thời kỳ này, việc đấu tranh giành độc lập là nhu cầu khẩn cấp của giang san. Do đó, kỹ thuật võ phát xuất từ nghiên cứu sáng tạo của Sáng Tổ rất đơn giản, hữu hiệu mà dễ tập, dễ áp dụng nhưng rất cương mãnh, dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến tốc thắng với phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và sức bền bỉ. Chương trình tuy có phân cấp sơ, trung, và cao đẳng nhưng không mấy ai học quá ba năm, một phần vì thời cuộc, vì nhu cầu ứng phó cấp thiết; một phần đôi lúc do nhà cầm quyền Pháp cấm cản, hàng ngũ cốt cán phải tập luyện bí mật. Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài ba tháng với những đòn cận chiến đơn giản.
    Tháng 4-1945, từng đợt võ sư Vovinam được tung đi khắp toàn quốc để quảng bá và giúp cho thanh niên có một lợi khí chống xâm lăng hữu hiệu.
    Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Võ Sư Sáng Tổ lãnh đạo các môn đệ cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Một số môn đồ đã trở thành những chỉ huy nổi tiếng, và một số đã hy sinh cho non sông.
    Tại làng Hữu Bằng, Sáng Tổ đã mở lớp võ cho thanh niên huyện Thạch Thất và cử môn đệ phụ trách lớp võ thuật cho Sinh Viên Sĩ Quan trường Quân Chính Trần Quốc Tuấn. Sau đó Ông lại lên đường phiêu bạt, mở rải rác các lớp Huấn Luyện cho Đại và Trung Đội Trưởng Dân Quân Du Kích ở làng Chế Lưu, Ẩm Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú...
    Vào tháng 3 năm 1948, Ông xuôi Phát Diệm, đến khu ăn toàn của giáo xứ Phát Diệm. Ông cử môn đệ phụ trách huấn luyện cho Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm của Tổng Chỉ Huy Trần Thiện.
    Tháng 8-1948, Ông hồi cư về Hà Nội, tái mở những lớp võ cho thanh niên để gây dựng lại phong trào học Vovinam, kiến thiết lại đời sống xã hội, khơi lại lòng tin yêu của thanh niên trong việc tu dưỡng tinh thần và rèn luyện thân thể.
    Năm 1951, Ông cộng tác với một số nhân sĩ thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn với những lớp võ đại chúng tại sân trường Hàng Than, Hà Nội.
    Tháng 7-1954, Sáng Tổ cùng các môn đồ tâm huyết di cư vào Nam, mở võ đường tại đường Thủ Khoa Huân (Sài Gòn). Sáng Tổ đã cử các võ sư môn đệ phụ trách các lớp võ cho Hiến Binh Quốc Gia tại Sài Gòn và Thủ Đức...
    Giữa năm 1957, Sáng Tổ nằm bệnh phải tạm nghỉ dạy một thời gian. Ông ủy quyền cho người môn đệ trưởng tràng là Vs. Lê Sáng tạm thời thay thế việc phụ trách các lớp võ. Tuy không trực tiếp giảng dạy Vovinam nhưng Sáng Tổ vẫn không ngừng tìm tòi, phân tích các kỹ thuật lẫn tài liệu của Vovinam, hầu phát huy môn phái. Sáng Tổ vẫn thường xuyên theo dõi các môn đệ tiếp tục hoạt động theo đường lối mà Ông đã đề ra.
    Cũng vào thời điểm này, căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Sáng Tổ giảng dạy, Vs. Lê Sáng đã hình thành hệ thống hóa kỹ thuật võ học, lý thuyết võ đạo và đường hướng, tôn chỉ và mục đích của môn phái. Đồng thời Vs. Lê Sáng quy tụ lớp môn đệ đã theo tập Sáng Tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành lớp võ sư cốt cán chung tay phát triển môn phái.
    Năm 1958, Vs. Lê Sáng được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cục Quyền Thuật Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 1968. Trong thời kỳ này, Vs. Lê Sáng đã nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các môn võ cổ truyền, và ông đã rút ra được tinh túy và tìm cách bổ túc, cùng chỉnh lại phần phân thế thất truyền của những bài võ xưa mà lập ra một hệ thống mới "một phát triển thành ba" cho môn phái sau này.
    Được Lonelymanus sửa chữa / chuyển vào 05:25 ngày 08/01/2004
  2. vobinhdinh

    vobinhdinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/12/2003
    Bài viết:
    133
    Đã được thích:
    0
    Trong lúc công việc phát triển môn phái vừa mới bắt đầu và còn đầy khó khăn thì vào ngày 30-4-1960 (ngày 4 tháng 4 năm Canh Tý 1960), vị Sáng Tổ Vovinam đã đột ngột tạ thế tại Sài Gòn. Trước khi tạ thế, Võ Sư Sáng Tổ đã trao quyền Chưởng Môn lại cho Vs. Lê Sáng và nhắn nhủ Vs. Lê Sáng tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của mình. Sau đó di hài Sáng Tổ được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn. Cứ mỗi năm, vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, các môn sinh đến "Nghiêm Lễ" trước mộ Sáng Tổ.
    Vs. Trần Huy Phong, một trong những võ sư môn đệ của Sáng Tổ, vẫn bất chấp khó khăn, tiếp tục khai phá sự nghiệp của môn phái. Vốn là giáo sư Toán, ông đã phát triển Vovinam tại các trường trung học ở Sài Gòn như Thăng Long, Hồ Vũ, Thánh Thomas với tư cách là bộ môn thể dục thể thao trong khuôn khổ học đường. Ông âm thầm đơn phương đào tạo những cán bộ nồng cốt cho phong trào Thanh Niên Khỏe Luyện Tập Vovinam, với đầy đủ cả ba đức tính: Trí, Đức, Thể. Nhờ đó, phong trào Vovinam trong giai đoạn này không những không bị gián đoạn mà trái lại còn đuợc phát triển rộng rãi. Số môn sinh tăng lên rất đông, kết quả ông đã đào tạo đuợc một đội ngũ huấn luyện viên trẻ và tâm huyết, một tầng lớp cán bộ nền tảng cho việc mở rộng phong trào cho những giai đoạn 1964-1975.
    Đầu năm 1964, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng từ Quảng Đức trở về Sài Gòn và đã cùng với Vs. Trần Huy Phong và các võ sư khác khởi sự vạch ra một chương trình hành động để đặt nền tảng mới cho Vovinam. Chẳng bao lâu, Hội Đồng Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo được thành lập, đồng thời chuyển danh xưng Vovinam thành Vovinam-Việt Võ Đạo.
    Hội Đồng Môn Phái có hai cơ cấu:
    Tổng Cục Huấn Luyện chuyên trách đào tạo võ sư, huấn luyện viên cốt cán do Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng làm Tổng Cục Trưởng
    Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ và cứu tế xã hội do Vs. Trần Huy Phong làm Tổng Đoàn Trưởng
    Nhân sự của Hội Đồng Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo gồm có:
    Chưởng Môn: Vs. Lê Sáng
    Phụ Tá Chưởng Môn kiêm nhiện Trưởng Ban Nghiên Kế: Vs. Trần Huy Phong
    Thư Ký Thường Trực: Vs. Phan Quỳnh
    Thủ Quỹ: Vs. Nguyễn Văn Cường
    Trưởng Ban Ngoại Vụ: Vs. Phùng Mạnh Chữ
    Trưởng Ban Tổng Phối Kiểm: Vs. Nguyễn Văn Thư
    Trưởng Ban Pháp Lý: Vs. Ngô Hữu Liễn
    Trưởng Ban Tổ Chức Khánh Tiết: Vs. Trần Bản Quế
    Trưởng Ban Tài Chánh: Vs. Nguyễn Văn Thông
    Ban Huấn Luyện: Vs. Trần Huy Phong (Trưởng Ban), Nguyễn Văn Thư, Trần Đức Hợp, Nguyễn Văn Thông, Trần Thế Phượng.
    Hội Đồng Môn Phái cũng đưa ra kế hoạch thành lập hệ thống đẳng cấp và võ phục; đồng thời cũng đã bổ xung và thiết lập một chương trình huấn luyện theo từng cấp với thời gian luyện tập.
    Đẳng cấp nhân sự của môn phái được điều chỉnh như sau:
    Thượng Đẳng (đai màu trắng): Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
    Cao Đẳng (đai màu đỏ):
    Hồng Đai Nhị Cấp: Vs. Trần Huy Phong
    Hồng Đai Nhất Cấp: Vs. Nguyễn Văn Thư
    Chuẩn Hồng Đai: Vs. Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Phùng Mạnh Chữ, Trần Bản Quế, Phan Quỳnh, Ngô Hữu Liễn, Nguyễn Văn Cường, Trần Thế Phượng
    Trung Đẳng (đai màu vàng):
    Hoàng Đai Nhị Cấp: Hlv. Trịnh Ngọc Minh, Cao Văn Cát
    Hoàng Đai Nhất Cấp: Hlv. Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ, Nguyễn Văn Lễ, Liên Quốc, Tô Cẩm Minh
    Hoàng Đai Trơn: Phụ tá Hlv. Nguyễn Văn Thái (Thái đen)
    Trung Tâm Huấn Luyện Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên được mở tại số 61 Vĩnh Viễn, kế tiếp sau đó các võ đường được mọc lên đầy dẫy khắp Sài Gòn như võ đường Trần Hưng Đạo, Hoa Lư... Các hệ thống võ học và võ đạo Vovinam cũng được nghiên cứu và xuất bản.
    Năm 1965, Vs. Phùng Mạnh Chữ (tự Mạnh Hoàng), Trưởng Ban Ngoại Vụ của môn phái, đã thành công trong việc đưa Vovinam-Việt Võ Đạo vào chương trình Học Đường Mới của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, khởi đầu là bốn trường Trung Học thí điểm tại Sài Gòn: Chu Văn An, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Trưng Vương và Gia Long, và liền sau đó là các trường công lập khác như Nguyễn Trãi, Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Mạc Đỉnh Chi... và cả luôn những học sinh của các trường tư thục tại Sài Gòn - Gia Định. Cũng trong năm này, chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn chỉnh với hệ thống bài bản rõ ràng từ Nhập Môn tới Chuẩn Hồng Đai. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp.
    Cũng nhờ tài ngoại giao khéo léo, ngay từ năm 1965, Vs. Mạnh Hoàng đã thu dụng về cho Vovinam-Việt Võ Đạo được hai cơ sở lớn, lập võ đường làm nơi sinh hoạt động đảo của Việt Võ Đạo Sinh cho tới tháng 4-1975, đó là võ đường ở vận động trường Hoa Lư (sau này được Vs. Trần Huy Phong đặt tên là Trung Tâm Sinh Hoạt và Giáo Dục Thanh Niên) số 2 Bis đường Đinh Tiên Hoàng và một võ đường nữa nằm cạnh sân vận động Lam Sơn đường Trần Bình Trọng, đằng sau trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.
    Phong trào học sinh theo tập Vovinam-Việt Võ Đạo tiến quá nhanh, quá mạnh, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm lớp võ đã được khai giảng thu nhận hàng ngàn thanh niên học sinh riêng tại Sài Gòn, chưa kể các tỉnh theo tập, nên thiếu huấn luyện viên một cách trầm trọng, nhiều võ sư, huấn luyện viên phải đứng lớp 10-11 tiếng một ngày suốt tuần, đến nỗi phải trưng dụng luôn cả các môn sinh trình độ Sơ Đẳng Lam Đai để đi dạy, tuy vậy vẫn chưa đủ thỏa mãn, nhu cầu và phải đi đến tình trạng tiêu cực là từ chối ghi danh cũng như mở thêm lớp võ mới.
    Đầu năm 1966, Vs. Mạnh Hoàng cũng thuyết phục được giới chức lãnh đạo trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, nên Vovinam đã trở thành bộ môn võ thuật chính của ngành. Mở đầu là nhiều khóa liên tiếp đào tạo Huấn Luyện Viên Võ Thuật Cảnh Sát Quốc Gia cho toàn quốc được tổ chức tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, rồi đến các lớp Vovinam-Việt Võ Đạo tại Nha Đô Thành và các ty sở Cảnh Sát Quốc Gia địa phương trên toàn quốc. Chính Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng và các Vs. Nguyễn Văn Thông, Phan Quỳnh, Trịnh Ngọc Minh, Lê Công Danh, Trần Văn Bé... đã giảng dạy và điều động các lớp võ này, đồng thời môn phái cũng đã thu được một ngân khoản đáng kể vì các nhân viên cảnh sát thụ huấn đều được ngành trả học phí. Phong trào đang phát triển mạnh và đào tạo được 3 khóa Huấn Luyện Viên thì bị đình chỉ vì có sự thay đổi cấp lãnh đạo của ngành Cảnh Sát.
    Tuy Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia đình chỉ huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo, nhưng những huấn luyện viên Việt Võ Đạo thuộc ngành Cảnh Sát Quốc Gia sau khi tốt nghiệp đã là những hạt nhân tốt trong việc phát triển môn phái bề rộng, đưa Vovinam-Việt Võ Đạo về địa phương cấp tỉnh, cấp quận tại khắp miền Nam Việt Nam với những lớp võ thuật huấn luyện trong quần chúng thanh thiếu niên nam nữ, học sinh tại địa phương.
    Giữa năm 1966, do sự vận động và ngoại giao của chính phủ Nam Hàn, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra quyết định đưa môn võ Thái Cực Đạo (Taekwondo) vào dạy trong quân đội Việt Nam. Trước quyết định này, Vovinam-Việt Võ Đạo đã nhận định rằng đây là một sự tủi nhục vì Việt Nam vốn có một truyền thống võ học lâu dài, có một nền văn minh gần năm ngàn năm, thế mà nay lại đưa môn võ khá mới của nước bạn Nam Hàn vào dạy trong quân đội mà không nói gì đến các môn võ Việt Nam.
    Ngày 20 tháng 7 năm 1966, môn phái đã tổ chức Đại Hội Vovinam-Việt Võ Đạo và cắm trại, đốt lửa trại thức qua đêm không ngủ với hàng ngàn môn sinh tham dự trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, Sài Gòn. Các võ sư đã lên diễn đàn phản kháng, đưa kiến nghị yêu cầu Quân Đội Việt Nam không nên chỉ vay mượn các môn võ của nước ngoài mà quên đi những môn võ Việt Nam, vì võ Việt Nam không thua kém bất cứ môn võ nào trên thế giới. Sự kiện này đã được giới truyền thông tiếp tay ủng hộ, cổ võ, đã gây xúc động lớn trong dân chúng cũng như trong quân đội, nhưng một mặt cũng bị Nha An Ninh Quân Đội và Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống (Hai cơ quan anh ninh, tình báo cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa) nghi ngờ, theo dõi điều tra. Chính các Vs. Mạnh Hoàng, Trần Huy Phong, Phan Quỳnh... đã bị chính Đại Tá Thăng, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, trực tiếp phỏng vấn. Nhưng nhờ tinh thần kiên trì, và khả năng thuyết phục có chính nghĩa của các võ sư, về sau Bộ Tổng Tham Mưu đã ra một quyết định thứ hai cho phép ba môn võ vào dạy trong quân đội là Việt Võ Đạo, Nhu Đạo và Thái Cực Đạo. Bắt đầu từ đó, các đơn vị trong quân đội ưa thích Vovinam-Việt Võ Đạo ngày càng lan rộng và dần dần trở thành một phong trào luyện võ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
    Đầu năm 1967, do vận động móc nối, Vs. Mạnh Hoàng đã liên hệ với Trung Tá Thủy, Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Quân Cảnh Quân Đoàn 3 để thành lập và tổ chức những lớp đào tạo huấn luyện viên võ thuật cho Lực Lượng Quân Cảnh tại Biên Hòa. Chương trình này đã đào tạo được một số võ sư, huấn luyện viên Việt Võ Đạo.
    Cuối năm 1967, Vs. Mạnh Hoàng đột ngột qua đời vì bị thương hàn nhập lý và bị bệnh tiểu đường cấp tính. Vs. Mạnh Hoàng mất đi lúc chưa tròn 30 tuổi đời nhưng đã để lại một sự nghiệp lớn trong môn phái.
    Từ năm 1968, cao trào Việt Võ Đạo Hóa đến Quân Binh Chủng được phát động tại Bộ Tổng Tham Mưu, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Quân Cảnh Quân Đoàn III, trường Không Quân và Hải Quân Nha Trang, Quân Đoàn IV, Tiếp Vận IV, Thiết Đoàn 16, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, các Tiểu Khu và Chi Khu, Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 9, Hải Quân Long Xuyên, Hải Quân Bình Thủy, Sư Đoàn 3 Bộ Binh... Cùng năm này, cao trào Việt Võ Đạo Hóa Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn được phát động với hàng chục ngàn Cán Bộ Nông Thôn tham dự tại Sài Gòn và tại các Tỉnh Đoàn và Quân Đoàn.
    Năm 1968, Tổng Cục Huấn Luyện được thành lập và đặt tại số 30 Trần Hoàng Quân (nay là số 31 Sư Vạn Hạnh), song song với việc thành lập Tổng Hội Việt Võ Đạo và Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo được đặt tại số 2 Bis Đinh Tiên Hoàng. Võ Sư Chưởng Môn đã chỉ định Vs. Trần Huy Phong đảm nhiệm chức vụ Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo.
    Tiếp theo, hàng loạt các võ sư, huấn luyện viên được tung đi các tỉnh để xây dựng và phát triển phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo như: Trịnh Ngọc Minh (Nha Trang), Trần Tấn Vũ (Phú Yên), Ngô Kim Tuyền (Bình Dương), Nguyễn Văn Chiếu (Quy Nhơn), Nguyễn Văn Nhàn và Nguyễn Văn Sen (Cần Thơ), Trần Văn Mỹ (Hậu Giang), Dương Minh Nhơn (Kiên Giang), Nguyễn Tôn Khoa (An Giang), Nguyễn Văn Vang (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Ít (Mỹ Tho)...
    Sau đó ít lâu, Cục Huấn Luyện Miền Đông được đặt tại Long Khánh do Vs. Trần Đức Hợp đảm nhiệm và Cục Huấn Luyện Miền Trung được đặt tại Khánh Hòa do Vs. Trịnh Ngọc Minh đảm trách. Năm 1969, Cục Huấn Luyện Miền Tây được thành lập tại Long Xuyên sau đổi về Cần Thơ do Vs. Nguyễn Văn Nhàn đảm trách. Năm 1970, Cục Huấn Luyện Miền Tây Bắc được đặt tại Bình Dương do Vs. Ngô Kim Tuyền phụ trách.
    Hàng năm, vào dịp Lễ Tưởng Niệm Cố Võ Sư Sáng Tổ, các võ sư đại diện phong trào khắp nơi đều tập trung về Sài Gòn dự lễ, cũng như tập huấn, thi cử, tạo thành một truyền thống đoàn kết, thân ái tốt đẹp. Võ Sư Chưởng Môn và một số võ sư cao cấp cũng thường xuyên đi thăm hỏi, chấm thi ở các nơi để hỗ trợ, động viên và kiểm tra phong trào. Bên cạnh việc giáo dục đạo đức và huấn luyện võ thuật cho môn sinh, môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo còn tham gia một vài công việc xã hội như cứu trợ đồng bào bị bão lụt, thiên tai...
    Đầu năm 1970, Vs. Trần Huy Phong thành lập làng Cộng Đồng Việt Võ Đạo tại xã Tân Tạo, quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định với diện tích trên 3 cây số vuông, đào hàng chục cây số hệ thống kinh đào thoát nước giải phèn, thành lập trên một ngàn đơn vị gia cư bán trả góp giá rẻ cho môn sinh và thân hữu, đồng thời ông cùng một số thân hữu thành lập Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Việt Võ Đạo để khai thác nông sản phẩm của khu cộng đồng này.
    Cuối năm 1970, môn phái Việt Võ Đạo đã cùng nhiều đoàn thể văn hóa, xã hội, chính trị và các tổ chức tôn giáo lớn cùng các thân hào nhân sĩ tại miền Nam thành lập Ủy Ban Vận Động Dựng Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương, mà bàn thờ và trụ sở đặt tại võ đường Hoa Lư. Hằng năm, vào dịp tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ, từ Tổng Thống, các nhà lập pháp ở Quốc Hội đến các cơ quan chánh quyền các cấp, các đoàn thể và nhân dân mọi nơi đều trở về võ đường Hoa Lư để dâng hương, lễ bái trong nhiều ngày liên tiếp. Năm 1973, cao trào Việt Võ Đạo Hóa Cán Bộ Quốc Gia, với nhiều khóa Huấn Luyện đặt tại Trung Tâm Chí Linh, Vũng Tàu.
    Mùa hè năm 1972, Vs. Phan Hoàng từ Pháp tìm gặp Vs. Trần Huy Phong tại võ đường Hoa Lư. Vs. Phan Hoàng là Huyền Ðai tứ đẳng Không Thủ Đạo, là một trong các sáng lập viên của Hội Võ Thuật Việt Nam (KungFu Vietnamien) tại Pháp, trong đó có các Vs. Nguyễn Dân Phú, Phạm Xuân Tòng, Trần Phước, Nguyễn Trung Hoa và ông Bùi Văn Thịnh. Vs. Phan Hoàng ngỏ ý muốn xin gia nhập vào Môn phái vì thích lý tưởng Việt Võ Ðạo. Sau đó, VS Phan Hoàng được hướng dẫn tập luyện 2 buổi tại võ đường Hoa Lư.
    Mùa hè năm 1974, VS Phan Hoàng dẫn một phái đoàn về Việt Nam, trong đó có VS Nguyễn Dần Phú, cùng khoảng 20 môn sinh người Pháp. VS Lê Công Danh được giao trách nhiệm phụ trách huấn luyện cho phái đoàn. Sau đó VS Phan Hoàng được công nhận làm đại diện chính thức cho Môn phái tại Pháp và Âu Châu.
    Liên Đoàn Việt Võ Đạo Pháp Quốc được thành lập với một Ban Điều Hành gồm các Vs. Phan Hoàng (Chủ Tịch), Phạm Xuân Tòng, Nguyễn Dân Phú, Hoàng Nam, Nguyễn Trung Hoa, Trần Phước Tastayre, và ông Bùi Văn Thịnh. Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Pháp Quốc cung có trách nhiệm phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo đến toàn Âu Châu. Ngoài ra hai HLV Dương và Nguyễn Thị Huệ cũng được cử sang Pháp để hỗ trợ phong trào mới thành lập
    Sau đó, môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo cũng theo chân các du học sinh như Trần Nguyên Đạo, Trần Đại Chiêu, Dương Quan Việt, Hà Chí Thành... du nhập vào một số nước Âu Châu như Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ...
    Tháng 7-1974, Võ Sư Chưởng Môn trao quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện cho Vs. Trần Huy Phong với nhiệm kỳ 2 năm, đồng thời kiêm nhiệm Giám Ðốc Văn Phòng Phát Triển Việt Võ Ðạo Quốc Tế. Vs. Nguyễn Văn Thông được tuyển định làm tân Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo cũng với nhiệm kỳ như trên.
    Được Lonelymanus sửa chữa / chuyển vào 05:26 ngày 08/01/2004
  3. vobinhdinh

    vobinhdinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/12/2003
    Bài viết:
    133
    Đã được thích:
    0
    Năm 1976, Vovinam-VVÐ đã hiện diện tại thành phố Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) với các võ đường do HLV Nguyễn Quân và Nguyễn Chính quản nhiệm.
    Ngày 15-12-1978, lớp Vovinam-VVÐ chính thức khai giảng tại hồ bơi Hòa Bình, quận 8 - TPHCM do VS Nguyễn Văn Chiếu hướng dẫn. Và từ khoảng thời điểm nầy đến giữa thập kỷ 80, một số võ sư ở tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Bình Định, Qui Nhơn, Phú Yên... cũng xin phép mở lớp huấn luyện. Vovinam-VVÐ được mời tham dự đợt Hội Thao Võ Thuật do Viện Khoa học Giáo dục và trường Cao Đẳng Thể dục Trung Ương 2 tổ chức tại TPHCM (6/1980); huấn luyện cho Lớp nghiên cứu Võ thuật phía Nam của Cục Cảnh vệ Bộ Nội Vụ (Khóa tập trung 4 tháng - 1985).
    Tại hải ngoại, môn phái đã đề cử Võ Sư Cao Đẳng Nguyễn Văn Nhàn và một số võ sư thuộc Cục Huấn Luyện Miền Tây (Việt Nam) công cán tại Đức Quốc với sứ vụ phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại Âu Châu. Hàng năm, vào mỗi dịp hè (Trại Hè Quyết Tiến) hoặc khi đông đến (Trại Đông Nhóm Lửa), Vovinam-VVÐ Âu Châu đều tổ chức các khóa đặc huấn để ôn văn luyện võ, đặc biệt nhất là những bài chú trọng về lịch sử Việt tộc. Vovinam-VVÐ Âu Châu cũng đã có công ấn hành những đặc san, kỷ yếu, tập san được sáng tác tại hải ngoại như Hè Quyết Tiến, Điểm Sáng, Lửa Thế Hệ, Tre Xanh,...
    Cũng vào năm 1980, HLV Lý Hoàng Cát Long và Đỗ Anh Tuấn đã cùng khai sơn phá thạch, đặt nền móng cho Vovinam-Việt Võ Đạo tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Hoa Kỳ).
    Năm 1981, HLVCC Nguyễn Minh Hải tới định cư tại thành phố San Jose, tiểu bang California (Hoa Kỳ), và đã mở lớp dạy võ cho một số thanh thiếu niên ở gần nhà, rồi dần dần phát triển rộng lớn hơn. Đến năm 1983, HLV Nguyễn Thị Cẩm Bình đã mở thêm chi nhánh mới, cùng với HLV Trần Bình tăng cường từ tiểu bang South Carolina (Hoa Kỳ).
    Tháng 7-1981, Vovinam-VVÐ được thành hình đầu tiên tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts (Hoa Kỳ) quy tụ hơn 50 môn sinh dướt sự dìu dắt của HLV Trần Mỹ Đức. Võ Đạo Đường tọa lạc trong trung tâm Y.M.C.A. đã thu hút không những đa số người Việt mà còn cả những người Mỹ tham gia rèn luyện thân thể.
    Vào năm 1982, VS Nguyễn Tiến Hóa vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, và nhận trách nhiệm quảng phát Vovinam-Việt Võ Đạo cùng với VS Dương Viết Hùng tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California (Hoa Kỳ). Một năm sau, VS Nguyễn Tiến Hóa đã lên đường, nhận sứ vụ khai phá tại thành phố York, tiểu bang Pennsylvania. Liên tục phát triển, Vovinam-VVÐ Pennsylvania đã đóng góp nhân tài và vật lực vào những sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại đây.
    Tháng 5-1985, Lễ Tưởng Niệm Cố Võ Sư Sáng Tổ lần thứ 25 được tổ chức tại thành phố San Jose (California) đã đánh dấu sự thành công lớn mạnh của môn phái tại Hoa Kỳ. Các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh khắp nơi tụ hội về đông đảo. Tất cả đứng trước anh linh của Sáng Tổ, nghiêng mình thi lễ thầm nhớ đến công ơn sáng tạo của Người, và nguyện sẽ hết lòng vì môn phái, vì Tổ Quốc mến yêu.
    Vào năm 1986 (năm Bính Dần), nhân mùa Giỗ Tổ lần thứ 26, VSCM đã quyết định ban hành một Chỉ Dụ trao sứ vụ Chưởng Môn cho VS Trần Huy Phong 1 nếu Võ Sư Chưởng Môn có mệnh hệ gì trong khi bị lao tù. Tuy Chỉ Dụ nói trên chưa được công bố chính thức, VS Trần Huy Phong đã hành xử Quyền Chưởng Môn Ðời Thứ III từ năm 1986.
    Năm 1986, Võ Sư Cao Đẳng Trần Văn Bé đã được môn phái đề cử đặc trách phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại Hoa Kỳ. Ông cùng HLV Lý Hoàng Cát Long tụ hình về thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, và tổ chức những khóa đặc huấn cho môn sinh các cấp để trao dồi kỹ thuật, hệ thống hóa đòn thế và học thảo võ đạo.
    Ngày 14-9-1986, Đại Hội Vovinam-VVÐ Úc Châu đã long trọng diễn ra tại Trung Tâm Cộng Đồng Springvale, tiểu bang Victoria với sự tham dự của hàng ngàn quan khách và đồng bào cùng với các võ sư: Lê Công Danh, Trần Huy Quyền, Nguyễn Văn Thông, Lê Linh Thao, Lê Quang, Diệp Khôi, Đỗ Chánh Tâm... Đại hội đã đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo tại Úc.
    Tại Việt Nam, năm 1989, Hội Việt Võ Đạo TP. HCM, Việt Nam, được thành lập với VS Nguyễn Văn Chiếu làm Chủ Tịch. Trước sự hồi phục của phong trào Vovinam-VVÐ, môn phái đã được Tổng Cục Thể Dục Thể Thao đưa vào chương trình Hội Diễn Kỹ Thuật Khu Vực 3 vào năm 1990. Sau đó, VS Nguyễn Văn Chiếu và Nguyễn Anh Dũng đã được mời lưu lại huấn luyện nhằm phát triển Vovinam-VVÐ đến các tỉnh phía Bắc như Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ...
    Ngày 12 tháng 5 năm 1989, VSCM Lê Sáng gửi một Chỉ Dụ cho toàn thể môn đồ Vovinam tại hải ngoại ủy nhiệm các VS Nguyễn Dần (bào đệ của cố Võ Sư Sáng Tổ), Nguyễn Văn Thư, Phạm Hữu Ðộ, Lê Trọng Hiệp, và Phan Quỳnh thành lập Ủy ban trù bị Ðại Hội Võ Sư Việt Võ Ðạo Hải Ngoại để bầu Ban Chấp Hành và Ban Thường Vụ Hội Ðồng Võ Sư Việt Võ Ðạo Hải Ngoại nhằm mục đích thống nhất lề lối phát triển Việt Võ Ðạo tại hải ngoại.
    Tiếp theo đó, vào năm 1990, được sự ủy nhiệm của VSCM, Đại Hội Vovinam-VVÐ Quốc Tế đã được tổ chức vào ngày 30-6 và ngày 1-7-1990 tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, với sự tham dự của các VS, HLV đại diện các châu lục, các quốc gia có phong trào Vovinam-VVÐ trên toàn thế giới. Đại Hội đã biểu quyết thành lập Tổng Liên Đoàn Vovinam-VVÐ Quốc Tế với Ban Điều Hành như sau:
    VS Nguyễn Dần, Chủ Tịch
    VS Lý Phúc Thái, Tổng Vụ Trưởng Mỹ Châu
    VS Lê Công Danh, Tổng Vụ Trưởng Úc Châu
    VS Hà Kim Khánh, Tổng Vụ Trưởng Âu Châu (Đặt biệt còn có thêm Tổng Đoàn Trưởng là VS Dương Quang Việt)
    VS Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng Vụ Trưởng Phi Châu
    Năm 1991, VS Nguyễn Anh Dũng được Môn phái chính thức cử sang huấn luyện tại Liên Bang Nga, để đặc mốc phát triển Vovinam vào các nước Đông Âu. Sau một thời gian ngắn, VS Nguyễn Anh Dũng đã tổ chức khóa tập huấn để đào tạo các hướng dẫn viên tại thành phố Minsk, Liên Bang Nga. Sau đó các tân hướng dẫn viên trở về địa phương mình để tổ chức những trung tâm huấn luyện khắp Liên Bang Nga.
    Mùa thu năm 1991, VS Lý Phúc Thái chính thức từ chức khỏi Ban Thường Vụ dẫn đến sự tan rã của Tổng Liên Ðoàn Vovinam-Việt Võ Ðạo Quốc Tế.
    Năm 1992, nhằm tạo điều kiện cho Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển, Giải Vô Địch Toàn Quốc Lần Thứ I (từ ngày 4 đến ngày 6-12-1992) được tổ chức tại Sài Gòn, quy tụ 178 vận động viên cả nước về tranh tài với 2 nội dung: Hội diễn kỹ thuật và thi đấu đối kháng.
    Ngày 3-11-1993, VS Trần Huy Phong đã thành công trong việc kiên trì tranh đấu đạt được một trong những tâm nguyện thuở thiếu thời của ông: thành lập một trường đại học dạy về võ thuật, võ đạo đầu tiên cho Việt Nam sau 7 thế kỷ ngưng trệ, song song với việc giảng dạy các môn khoa học khác. Ông đã cùng các trí thức và giáo sư đại học vận động thành lập Viện Đại Học Dân Lập Hùng Vương, bước đầu gồm 3 phân khoa: Tin Học, Y Khoa, và Giáo Dục Tâm Thể. VS Trần Huy Phong là giảng sư và cũng là Giám Đốc phân khoa Giáo Dục Tâm Thể của viện đại học này.
    Năm 1996, trước tình trạng thiếu sự lãnh đạo đồng nhất tại hải ngoại, VS Trần Huy Phong đã khuyến khích VS Trần Nguyên Đạo tổ chức một Đại Hội Võ Sư Quốc Tế lần thứ hai vào các ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1996 tại Paris, Pháp Quốc. Đại Hội đã biểu quyết thành lập Tổng Liên Đoàn Vovinam-VVÐ Thế Giới. Đồng thời, Đại Hội đã bầu VS Ngô Hữu Liễn làm Chủ Tịch Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn và VS Nguyễn Văn Cường làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái.
    Tháng 9-1996, một thanh niên Pháp tên là Patrick Levet sang Việt Nam luyện tập Vovinam tại Trung Tâm TDTT quận 8 với VS Nguyễn Văn Chiếu. Sau đó anh trở về Canari (Tây Ban Nha) và phát triển Vovinam tại đây. Ngày 10-2-1997, Patrick Level đã thành lập Liên Đoàn Vovinam-VVÐ Tây Ban Nha do anh làm Chủ Tịch và Sergio Mora Hernandez làm Tổng Thư Ký, đặt trụ sở tại Canari làm bàn đạp bung ra toàn quốc Tây Ban Nha.
    Tháng 12-1996, đội tuyển Vovinam-VVÐ Việt Nam đã tham gia Lễ Hội Văn Hóa-Thể Thao Truyền Thống Thế Giới Lần Thứ 2 tổ chức tại Thái Lan, và đã thành công mỹ mãn, mang lại tiếng tăm vang dội cho môn phái, cùng sánh vai với các môn võ hàng đầu của thế giới.
    Vào ngày 16-2-1997, Hội Đồng Võ Sư-Huấn Luyện Viên California (Hoa Kỳ) đã họp mặt và quyết định thành lập Liên Đoàn Vovinam-VVÐ California với VS Nguyễn Văn Đông làm Chủ Tịch.
    Ngày 13-12-1997, VS Trần Huy Phong đã từ trần do một chứng bệnh nan y: ung thư tủy sống. Ông mất đi, để lại một sự đóng góp to tát với môn phái và một dấu ấn đậm nét cho phong trào thanh niên và văn hóa Việt tộc cuối thế kỷ 20.
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập môn phái, vào ngày 20-7-1998, cuộc Hội Diễn Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế Lần Thứ I đã diễn ra tại Nhà Thi Đấu Phan Đình Phùng, Quận 3, TP HCM, với sự góp mặt của 4 quốc gia: Việt Nam, Pháp, Ý, và Tây Ban Nha.
    Ngày 30-5-1999, Giải Vô Địch Vovinam-VVÐ Bắc Mỹ Lần Thứ I đã diễn ra tại Hội Trường Roosevelt, thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ, với sự góp mặt của hơn 40 môn sinh từ California, Washington, và Vancouver B.C. (Canada).
    Vào ngày 25-8-1999, VS Nguyễn Thị Cẩm Bình (San Jose, California) đã chính thức được Võ Sư Chưởng Môn tân phong Hồng Đai Đệ Nhất Cấp sau kỳ thi thăng cấp tại Tổ Đường. VS Nguyễn Thị Cẩm Bình trở thành người nữ môn sinh đầu tiên được vinh dự đứng vào hàng ngũ các Võ Sư Cao Đẳng của môn phái.
    Ngày 18-8-2000, Ðại Hội Vovinam Toàn Thế Giới được tổ chức tại Nam California. VS Trần Nguyên Ðạo được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Tổng Liên Ðoàn Vovinam-VVÐ Thế Giới.
    Ngày 26-4-2001, nhân Lễ Giỗ Tổ lần thứ 40, lễ An vị di ảnh cố VS Trần Huy Phong được tổ chức long trọng tại Tổ Ðường, dưới sự chủ tọa của VSCM Lê Sáng cùng với sự hiện diện của bà quả phụ Trần Huy Phong và các VS của Võ Ðạo Quán. Hội Vovinam các quận, tỉnh, thành đều cử đại diện về tham dự. Cựu môn sinh Trịnh Dzương Minh là người có công đầu trong việc vận động tổ chức lễ An vị di ảnh cố VS Trần Huy Phong. Tháng 3 năm 2001, thư Nguyện Vọng được ký bởi nhiều VS, HLV trên thế giới đã được chuyển đến Tổ Ðường tại Sài Gòn, và cuối cùng VSCM Lê Sáng đã chấp thuận thỉnh nguyện tổ chức lễ An Vị và đề cử VS Nguyễn Văn Sen (Chánh Văn Phòng Chưởng Môn) là Trưởng Ban Tổ Chức.
    Ngày 13-5-2001, VSCM Lê Sáng lên đường viếng thăm Âu Châu, với sự tháp tùng của VS Nguyễn Văn Sen.
    Ngày 23-7-2001, trước tình trạng phân hóa trong Môn phái, VSCM ủy thác cựu môn sinh Trịnh Dương Minh 3 trong trách nhiệm liên hệ, phối hợp với các nhân sự thích hợp trong Môn phái để thành lập Ban Ðoàn Kết nhằm thống nhất hoạt động Môn phái để đáp ứng nhu cầu phát triển Môn phái ở tầm mức toàn cầu.
    Ngày 15-9-2001, VSCM ra thành lập Văn Phòng Ðại Diện Chưởng Môn Vovinam-VVÐ Hải Ngoại 4 với nhân sự như sau:
    - VS. Phạm Mẫn (California, Hoa Kỳ) phụ trách Pháp Lý và Báo Chí
    - VS Lương Vui (Florida, Hoa Kỳ) phụ trách Kế Hoạch và Phát Triển
    - VS Nguyễn Ðình Thư (Vancouver, Gia Nã Ðại) phụ trách Tài Chính và Gây Quỹ
    - Cựu môn sinh Ðỗ Hoàng Nghĩa (Washington, Hoa Kỳ) phụ trách Văn Thư và Mạng Lưới Internet
    Ngày 30-10-2001, VSCM Lê Sáng bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.
    Ngày 28-2-2002, ban Văn Thư Liên Lạc của Văn Phòng Đại Diện Chưởng Môn Hải Ngoại ra quyết định giải tán Ban Ðoàn Kết, đánh tan niềm hy vọng thống nhất vừa mới chớm nở trong môn phái.
    Ngày 7-4-2002, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới vinh danh VSCM Lê Sáng cùng với các vị tiền bối khác trong ngành võ học như Giáo Sư Phan Văn Quang (Chủ Tịch Tổng Cuộc Nhu Đạo Việt Nam), VS Lê Đình Trưởng (Thiếu Lâm Thất Sơn Nam Bắc Tông), VS Trần Cửu (Châu Long Phái), và VS Nguyễn Dần (Bào Đệ của Sáng Tổ Vovinam Nguyễn Lộc).
    Và lịch sử môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo vẫn còn đang tiếp diễn...
    Được Lonelymanus sửa chữa / chuyển vào 05:27 ngày 08/01/2004
  4. vobinhdinh

    vobinhdinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/12/2003
    Bài viết:
    133
    Đã được thích:
    0
    Viết Về Những Người Bạn Vovinam
    An Nguyễn Phương Nam
    Khi trình bày một việc mình không biết, hay biết có chừng mực thì quả là hàm hồ nhưng khi đặt mình vào tâm trạng là một người Việt, tôi thấy cần phải viết đôi hàng suy nghĩ về những người bạn, và nói về Vovinam trong những biến đổi thăng trầm của đất nước.
    Tôi biết Vovinam, Việt Võ Đạo khá lâu. Nói là biết thôi chứ chưa hề làm quen với một võ sinh hay huấn luyện viên nào. Lúc bấy giờ khoảng đầu thập niên 70, có một số chương trình giới thiệu về Vovinam trên đài Truyền Hình Cần Thơ, song song với việc môn phái phát triển về miền Tây, thỉnh thoảng thấy những bộ võ phục màu xanh da trời thấp thoáng trong giờ luyện tập.
    Đặc thù như tên gọi đó là môn võ truyền thống của VN, võ và đạo lại đi cùng. Không biết tại sao tôi lại có trong tay quyển giới thiệu về môn phái, ấn tượng đến bây giờ là hình Cố Võ Sư sáng tổ Nguyễn Lộc. Qua đó tôi thấy được một tinh thần dân tộc thuần nhất và đôn hậu, học võ để tự vệ, học võ để rèn luyện thân thể, học võ để bảo vệ quốc gia, học võ để... thành người. Võ đạo: Bảo vệ danh dự tổ quốc, dụng võ cứu nước, phục vụ dân tộc Việt Nam, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo. Vài năm gần đây tôi biết đến Vovinam nhiều hơn khi được tin VS Trần Huy Phong qua đời. Thực sự tôi chưa hề biết người VS Phong. Qua truyền thông và sau này quen những môn đệ của người kể lại, cho thấy cuộc đời của ông gắn bó với sinh hoạt thanh niên tuổi trẻ trước 1975 góp bàn tay phụng sự tuổi trẻ, trong tinh thần gây dựng nên thế hệ thanh niên Việt Nam mới và đương nhiên trong đó có môn sinh Việt Võ Đạo. Chính sự tận tụy làm việc của các võ sư tiên phong đã ươm hạt giống tốt cho các lớp môn sinh kế tục.
    Nhìn ra hải ngoại, ai có tạm cư, định cư nơi xứ người mới biết được áp lực và giá trị đồng tiền, nhu cầu ổn định đời sống. Thế nhưng những thành viên, huấn luyện viên hải ngoại đã can đảm cắn răng vượt qua được chặn đường cơm áo để gầy dựng môn phái chỉ bằng một võ khí duy nhất là tấm lòng. Võ đường là sân sau nhà, là hội trường thuê mướn thiếu phương tiện an toàn cho luyện tập. v.v. Nhưng các bạn đã vượt qua và thành lập lên cơ cấu Tổng Liên Đoàn, đây là cơ chế chưa hoàn chỉnh nhưng ít ra cơ chế này độc lập, không phải chịu khuất phục trước áp lực của nhà nước . Tổng Liên Đoàn phục vụ cho dân tộc Việt Nam, cho Vovinam . Xin được góp lời chia xẻ muôn ngàn khó ngăn của những người bạn VVN bằng lời trân trọng khi tay phải đặt ở trái tim khi chào nhau. Vovinam phát triển trong Liên Bang Nga, Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và cả các xứ châu đại dương ... như một niềm tin phấn khởi cho tương lai môn phái. Khi viết về những môn sinh Vovinam hải ngoại nói chung hay chỉ nói về các môn sinh ở Úc Châu mà tôi gặp, đó là tinh thần dung dị, khoan hòa , khiêm tốn trong đối xử. Tất cả chừng ấy đủ nói lên Vovinam là một thành phần trong Cộng Đồng . Có những người tôi chỉ biết tên, thấy mặt những bậc niên trưởng như VS Lê Công Danh, Nguyễn Văn Thông, Lê Linh Thảo, Phạm Thị Loan ... nhưng đã mến khi thấy sự đóng góp của các vị này cho môn phái trong thời gian đầu tiên ở Úc. Rồi những thế hệ kế tiếp như VS Lê Thành Nhân, Lê Quang Trung, Hồ Quang Thanh Sơn hay các huấn luyện viên trẻ sau này Phạm Minh Trân, Phạm Đăng Huân, Đỗ Vọng Quốc, Peter... là những người tâm hòa cùng thể chất, các bạn mong muốn : "Lấy con người làm cứu cánh, Đạo hạnh làm phương châm, lấy kỹ thuật và ý chí quật cường làm phương tiện" đào tạo thế hệ kế thừa ở hải ngoại. Tôi nhìn Vovinam qua những VS và môn sinh tiêu biểu này để cảm với tôn chỉ mà họ theo đuổi.
    Đã là Vovinam thì phải phục vụ cho dân tộc và ý thức Việt Nam, chống lại cường quyền, bênh vực lẽ phải.
    Ngày 3 đến 6 tháng 7 năm 2002 Tổng Liên Đoàn VVN sẽ có đại hội sinh hoạt và thi đấu VVN toàn thế giới tổ chức tại Paris, trong đó có một số võ sư, môn sinh ở VN đến tham dự dưới tư cách cá nhân. Dù muốn hay không tất cả môn sinh VVN phải đối diện cùng một số việc thực tế:
    VVN trong và ngoài nước là một thể thống nhất trước hương hồn của Võ Sư sáng tổ và các võ sư quá vãng một trong những tôn chỉ " Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo là một đại gia đình, trong đó môn đồ thương yêu và kính trọng lẫn nhau. Sự kính trọng là lòng thương yêu ấy sẽ đan kết thành kỹ luật của môn phái, một giềng mối vững chắc giúp các môn đồ đoàn kết chặt chẽ để nêu cao danh dự môn phái, phục vụ dân tộc.
    Nhu cầu đoàn kết, phát huy tối đa tinh thần đồng môn ruột thịt là điều cần thiết đi song hành cùng việc phát triển môn phái. Việc đoàn kết nội bộ phải cảm nhận chân thành từ mọi phía, lấy quan niệm dân chủ đích thực, nghe và tuân theo lẽ phải, phục tùng ý kiến đa số mà nền tảng là tổ quốc, dân tộc, môn phái trên cá nhân, phe nhóm.
    Cần phải có một Đại hội thống nhất VVN thế kỷ 21 toàn thế giới thực hiện trong thời gian sớm nhất, nghị trình gồm thi đấu, trau giồi võ thuật, tăng cường võ lực và nêu cao, cổ xúy võ đạo. Việc thực hiện cấp bách đại hội VVN toàn thế giới là để tránh trường hợp tài năng, nhân sự của các võ sư cao đẳng, trưởng thượng bị mai một, ra đi, mất mát theo thời gian tất yếu của kiếp người. Đồng thời để ngăn ngừa VVN phát triển theo tính tự tồn, tự lập, địa phương tính, đi ngoài vòng thống thuộc môn phái.
    Tâm nguyện của chúng ta là không bại nhược tinh thần, không yếu hèn thể xác, "sống, giúp người khác sống và sống vì người khác". Ta chỉ nghiêm lễ trước tổ quốc, đồng môn. Không nghiêm lễ trước bạo cường.
    Để có được những thành quả trên, Vovinam đã vượt qua được bước ổn định, xây dựng nền móng phát triển thế hệ huấn luyện viên và môn sinh mới. Các bạn sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn trong tương lai nhưng tôi tin rằng lớp thanh thiếu niên sau này sẽ cùng thế hệ đi trước cất bước lên đường. Tin tưởng rằng khi " Bàn tay thép đặt trên trái tim từ ái" Vovinam sẽ đạt được những gì của các bậc tiên phong mong muốn là thực sự phục vụ cho quyền lợi đích thực của tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
    Được Lonelymanus sửa chữa / chuyển vào 05:28 ngày 08/01/2004
  5. duckhang

    duckhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/06/2003
    Bài viết:
    468
    Đã được thích:
    0
    Tôi không hiểu bạn viết lời lẽ bài này có dụng ý gì, nhưng lời lẽ đặc mùi chính trị. theo tôi không nên đưa những bài như thế này vào đây. ở đây chúng ta nên bàn về võ thuật thì hay hơn
    Được Lonelymanus sửa chữa / chuyển vào 04:57 ngày 08/01/2004
  6. MinhTrinh

    MinhTrinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    3.428
    Đã được thích:
    0
    Nội quy môn phái VVN quy định ngay từ ngày xưa cho đến bây giờ là MÔN PHÁI KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ .
    Quy định của box Võ Thuật này chắc cũng thế không thảo luận về chính trị ; Anh VOBINHDINH chỉ vô tình copy và paste thôi ; Có lẽ các mods nên đưa xuống cho vui cửa vui nhà .

Chia sẻ trang này