1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Suy nghĩ về một câu ca dao...

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi taiquai, 19/04/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Suy nghĩ về một câu ca dao...

    Kể từ khi đọc được mấy bài bút chiến cách đây chừng 10 năm trên một tờ báo Hà Nội về tính hợp lý của câu ca dao:
    "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
    Tôi đã nuôi một băn khoăn: phải chăng câu ca dao này có điều không ổn? Còn ý kiến của các bạn?


    Tôi ủng hộ Giáo sư ngôn ngữ Bùi Hiền, cho rằng: câu ca dao trên có nhiều điểm phi lý...
    Do khả năng hạn chế, tư liệu chưa tập hợp đủ nên tôi vẫn chưa viết được ý kiến của mình... Thời gian khiến tôi không còn nhớ những lý lẽ mà GS Hiền đưa ra để bác bỏ lập luận của một cụ về hưu bảo vệ câu ca dao trên.
    Một lần, trong cuốn "Hà Nội thanh lịch" của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, thấy ông giải thích việc người ta dùng chữ "Tràng An" để chỉ Hà Nội, đại ý là: kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê nằm trên địa phận xã Trường Yên. Khi vua Lý Thái Tổ rời đô về Long Đỗ - Thăng Long, nhiều người, chủ yếu là quý tộc, từ Hoa Lư đi theo và trở thành một bộ phận dân cư quan trọng của Thăng Long... Chữ Trường Yên cũng được đọc là Tràng An.

    Thứ nữa, Tràng An là kinh đô thời cực thịnh của nhà Đường - Trung Quốc, nước ta có đến 1000 năm Bắc thuộc, trong văn học xưa các văn nhân hay lấy những điển tích, điển cố của Trung Quốc. Tự ví thủ đô của mình với Tràng An cũng là một cách tự hào...

    Tôi có đọc trong một cuốn sách cũ của Hà Minh Đức và Bùi Văn Nguyên câu ca dao:
    "Chẳng thanh cũng thể hoa mai (nhài)
    Chẳng lịch cũng thể con người Thượng kinh"

    Thiết nghĩ, câu này có lẽ chuẩn hơn. "Chẳng thanh cũng thể...", "chẳng lịch cũng thể...", câu ca dao tách từ ghép"thanh lịch"làm 2: "thanh" và "lịch" để tạo thành một hiệu quả tu từ, như muốn nói: Đấy, hoa mai (tạm chỉ dùng dị bản này) có "thanh" không? - Ai đó bảo "không thanh", chẳng gì đấy cũng là hoa mai! Hoa mai không chỉ là loài hoa báo xuân đặc trưng Phương Nam, hoa mai trong văn chương còn tượng trưng cho cốt cách, phẩm chất người "quân tử".

    Cũng hiểu như thế, người Thượng kinh - người Hà Thành có "lịch" không? - Ai đó bảo "không lịch", chẳng gì đấy cũng là người của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến! Chữ "lịch" ở đây có thể được hiểu là: lịch duyệt, lịch sự (chữ "lịch sự" được nhà văn Vũ Ngọc Phan dùng trong một dị bản: "dẫu không lịch sự cũng người Tràng An), lịch thiệp, lịch lãm...

    Chúng ta hãy xem lại câu: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" - đây không còn là một thủ pháp tu từ, đúng như nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết: đây là cách nói lấy được!
    Vì không còn là thủ pháp tu từ nên "dẫu không thanh lịch" đặt trên miệng của một người "không lịch" là kiểu cãi cùn: "Ừ đấy, tôi thế đấy! Tôi có thể lưu manh, trộm cắp, đĩ điếm, bất lương... nhưng tôi vấn cứ là... người Hà Nội. Làm gì được tôi?"

    Đó chính là sự phi lý thứ nhất trong câu "Dẫu không thanh lịch...".
    (còn tiếp)

    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 19:39 ngày 20/04/2007
  2. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    uh, cái này cũng bàn lâu rùi. Hồi trước mình cũng chinh chiến mấy bài về vấn đề này bên public Hà Nội, nhưng lâu rùi không nhớ nó nằm ở xó xỉnh nào.
    Mong bài viết tiếp của bạn!
  3. Tran_Thang

    Tran_Thang Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/01/2005
    Bài viết:
    4.581
    Đã được thích:
    193
    Câu này chỉ để những nguời đồng hương tha phương, bên chén trà chén rượu, hội họp bên nhau, cảm thông với nhau đấy thôi. Không những chỉ có câu ca dao trên mà còn có khá nhiều bài thơ ca nói về nỗi nhớ Hà Nội của những người HN. Âu đó cũng là lẽ thường tình.
    Tôi còn nhớ khi còn học PT có hôm cô giáo giới thiệu 1 anh bạn người Huế mới vào học. Trông cái vẻ hom hem của anh ta có đứa bảo có lẽ hắn là "người Huế nông dân". Lời nói ấy đến tai cô giáo, cô liền ...gầm lên nói "Huế có khoảng 1 triệu dân thì 90% là...quí tộc". Bạn thấy có đúng không ? Nhưng anh bạn kia chẳng phải dòng dõi quí tộc chi cả, mà anh ta vẫn rất Huế. Vậy sao ta lại không kết luận "Dẫu không hoàng tộc cũng là người Thừa Thiên" nhỉ.
    Tương tự bạn cũng có thể nói "Dẫu không sành điệu cũng dân Sài Gòn" (À, tôi không phải người sành điệu).
    Xét theo triết học thì câu trên cũng hoàn toàn hợp với qui luật biện chứng. Văn Hóa là cái gì ? Mà cái gọi là kinh đô của nước Đại Cồ Việt lại không có được 1 thứ văn hóa tương ứng với nó chứ ? Văn hóa thanh lịch chính là cái kết quả tất yếu của 1 nước Việt thống nhất độc lập.
    Được Tran_Thang sửa chữa / chuyển vào 20:16 ngày 20/04/2007
  4. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    (Xin nhắc lại: do khả năng hạn chế, lại chưa đủ thông tin nên tôi hơi gặp khó khăn để diễn đạt... Mong các cao nhân, các bạn chuyên ngành cùng thảo luận và giúp đỡ tôi!)
    Trước khi nói đến "nghi vấn" tiếp theo, tôi xin bổ sung đôi chút về phép tu từ sử dụng trong câu ca dao trên:
    - Cách nói: "chẳng....... cũng thể/ chẳng........ cũng thể" được sử dụng nhiều trong ca dao Việt Nam, ví dụ:
    "Chẳng thanh cũng thể hoa mai
    Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh
    Chẳng chua cũng thể là chanh
    Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây"
    "Chẳng vui cũng thể hội Thầy
    Chẳng đẹp cũng thể Hồ Tây xứ Đoài"
    "Chẳng ngon cũng thể cam sành
    Chẳng hay cũng thể sanh thành mẹ cha"
    "Chẳng thơm cũng thể là hoa
    Chẳng lịch cũng thể con nhà trâm anh"
    "Chẳng gì cũng thể là vàng
    Chẳng gì cũng thể là nàng vợ anh"
    Dùng 2 vế câu có tính chất tương đương như trên có thể gồm biện pháp "ngắt từ ghép" hoặc sử dụng các từ tương đương, như:
    "Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
    Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày"
    "Trai tài, gái sắc / Trai thanh, gái lịch/ Nam thanh nữ tú"
    ......
    Thực ra, câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" không phải là trường hợp duy nhất mà 2 vế có sự tương đương về ý nhưng không tương đương về từ ngữ, ví dụ: "Chẳng ngon cũng bánh lá dong / Tuy rằng xấu xí cũng dòng con quan", hoặc: "Không ngon cũng bánh lá dong / Dù em có dại cũng dòng con quan"...
    Tuy nhiên tôi cho rằng những câu kiểu đó dù được coi là "ca dao" nhưng là cách diễn đạt tam sao thất bản kiểu "văn nói", không có gì đáng gọi là "tu từ", nó đầy tính "chầy cối" hoặc như là "nói dỗi".
    Có thể câu "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" ra đời sau này và nay được dùng nhiều do Nhạc tính của nó - những chữ "dẫu", "thanh lịch", "Tràng An" nghe nhẹ nhàng, dễ nghe nên dễ nhớ?
    (còn tiếp)
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 19:37 ngày 20/04/2007
  5. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Trước khi tiếp tục phân tích, tôi mong các bạn hãy bớt chút thời gian để đọc một bài viết về hoa mai:
    Hoa Mai trong thơ Việt Nam cổ điển
    Trần Ngọc Tính

    Hoa mai trong thơ cổ nước ta và nhiều quốc gia khác ở Á Đông, chính là hoa mai màu trắng. Như giống mai mù u, tên khoa học là Ochrocarpus siamensis thuộc họ Guttiferae (họ măng cụt), hiện còn một cây trong chùa Gò ở Phú Lâm (Sài Gòn). Cây mai này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Minh Hương Trịnh Hoài Đức (1725-1825) và các cây bút cùng thời viết nên tập "Mộng mai đình". Cây mai này cũng là biểu tượng của Thi xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi "vang bóng một thời" ở Nam Bộ vào thế kỷ trước : Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mãn Đạt, Nguyễn Thông,...
    Có lẽ, nụ mai nở sớm nhất trong thơ ca Việt Nam lại là đóa hoa nở... muộn. Ấy là cành mai cuối mùa của một đại sư thuộc phái Vô Ngôn Thông : đại sư Mãn Giác (1052-1096). Nguyên văn được chép trong "Thiền Uyển Tập Ánh" như sau :
    Xuân khứ bách hoa lạc
    Xuân đáo bách hoa khai
    Sự trục nhãn tiền quá
    Lão tòng đầu thượng lai
    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Tạm dịch :
    Xuân đi, trăm hoa rụng
    Xuân về, trăm hoa tươi
    Trước mắt, việc đời ruổi
    Trên đầu, già đến rồi
    Chớ bảo xuân tàn hoa rụng cả
    Đêm qua sân trước nở nhành mai.
    Một thiền sư khác sống sau đó hơn 2 thế kỷ có pháp hiệu Huyền Quang (1254-1334), là vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị "ngự sử đài" - chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa :
    Ngự sử mai hai hàng chầu chắp
    Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh
    Ngự sử mai, trượng phu tùng và quân tử trúc hợp thành "tam ích hữu" (3 người bạn có ích). Khái niệm này xuất phát từ thiền "Quý thị" trong sách "Luận ngữ". Ích giả tam hữu : hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn (Bạn có ích gồm 3 hạng : ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều). Sách "Nguyệt lệng quảng nghĩa" gọi hình tượng ước lệ bộ ba tùng - trúc - mai là Đông thiên tam hữu, Tuế hàn tam hữu hoặc Đông xuân tam hữu. Đây là đề tài có vị trí đặc biệt trong thơ ca cổ điền của Á Đông nói chung, của nước ta nói riêng.
    Thi hào Nguyễn Trãi (ngôi sao sáng chiếu rọi từ bầu trời văn học thế kỷ XV) thường xuyên khai thác đề tài Đông thiên tam hữu. Riêng mai chiếm tần số xuất hiện khá cao trong các sáng tác của Úc Trai. Đọc 21 bài "Ngông chí", đã thấy 8 bài đề cập đến mai với những câu "tuyện diệu hảo" như :
    Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
    Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
    (Ngôn chí 2)
    Quét trúc, bước qua lòng suối
    Thưởng mai, về đạp bóng trăng
    (Ngôn chí 15)
    Đối với mai, Nguyễn Trãi hết sức ưu ái. Tại sao ? Qua bài thơ chữ hán "Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên", nhà thơ đã giải thích : Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà ? Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết (Yêu mai, yêu tuyết vì đâu ? Vì tuyết trắng, mai thơm và trong sạch). Trong phần thơ "Hoa mộc môn", ngoài các bài "Mai" và "Lão mai", bài thất ngôn pha lục ngôn viết về mai làm theo thể ô thước kiều phối hợp liên hoàn của Nguyễn Trãi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ quốc âm thời ấy :
    1. Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
    Ưa mi vì tiết sạch hơn người
    Gác đông ắt đã từng làm khách
    Há những Bô tiên kết bạn chơi ?
    2. Tiên Bô kết đã bấy thu chầy
    Ngâm ngợi nhường bằng mếch trọng thay
    Lại có một cành ngoài ấy lẻ
    Bóng thưa ánh nước động người vay !

    3. Bóng thưa ánh nước động người vay
    Lịm đưa hương, một nguyệt hay
    Huống lại bảng xuân sơ chiếm được
    So tam hữu chẳng bằng mày !
    So với tùng và trúc, mai giống ở khí tiết. Nhưng mai còn có ưu điểm mà hai bạn không sao có được : sắc hương.
    Sắc, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dù ngồi gần hay đứng xa, kể cả qua "bóng thưa ánh nước" chập chờn : Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên (Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng - thơ Trần Quang Khải). Song, hương thì "khách tục" làm sao nhận ra. Chỉ tri âm tri kỷ mới đủ khả năng tương thức. Đó là vầng trăng. Lịm đưa hương, một nguyệt hay : câu thơ lục ngôn thầm kín đáo quá, kín đáo như hương mai vậy.
    So với nhiều hoa khác, mai lại là loài "anh hoa phát tiết" sớm nhất, ngay từ tiết lập xuân còn nhiều giá lạnh. Do đó cổ nhân đã phong tặng mai danh hiệu Bách hoa khôi - ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.
    Nhắc đến Bách hoa khôi, tôi chợt nhớ giai thoại liên quan đến một bài tuyệt bút về mai gắn liền với tên tuổi của nhà ái quốc lừng danh : Phan Bội Châu. Năm đó (1883), Phan mới 16 tuổi. Sau khi thi hương, bài được chấm ưu hạng, chàng trai quên Nam Đàn ấy phải dự kỳ sát hạch cùng 6 sĩ tử khác để xếp vị thứ cao thấp tại phủ Anh Sơn. Đích thân quan phủ là Hoàng Giáp Phạm Như Xương trực tiếp ngồi ghế chánh chủ khảo. Các thí sinh nhận đề và cắm cuối làm bài hồi lâu thì Phan mới đến. Quan phủ hơi bực mình nhưng vẫn cho Phan vào và buộc chàng làm bài với một đề thi riêng. Đang tiết cuối xuân, trông thấy cây mai bên hiên chỉ còn lưa thưa dăm đóa, quan Hoàng Giáp bèn ra đề : "Hoa khai bất cập xuân" (Hoa nở không kịp mùa xuân). Đề thi ngụ ý phê bình cái tội trễ tràng của chàng trai nổi tiếng thông minh. Phan Bội Châu phóng bút ngay :
    Đông hoàn tằng bước nhãn
    Dĩ hứa bách hoa khôi
    Chỉ vị khiêm khiêm ý
    Phiên giao tiệm tiệm khai...
    Tạm dịch :
    Nhờ chúa Xuân ưu ái
    Xếp đúng đầu trăm hoa
    Chỉ vì lòng khiêm tốn
    Nên hẵng nở tà tà...
    Liếc mắt qua, Hoàng Giáp Phạm Như Xương sững sờ, không cho Phan Bội Châu làm bài nữa. Ông bảo : "Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi".
    Nói đến mai, Nguyễn Trãi và các nhà thơ khác thuở trước thường nhắc đến "tiên Bô", "lão Bô". Nhân vật này là ai ? Ấy là Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), một hiền sĩ ở Cô Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc) vào đời Tống. Họ Lâm không vợ con, chỉ thích trồng hoa mai và nuôi chim hạc, nên người đời nói về ông : "Cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con". Lâm Bô có để lại bài thơ "Mai hoa" được nhiều thế hệ truyền tụng. Đây là 4 câu đầu :
    Chúng phương hoa lạc động huyên nghiêm
    Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
    Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiên
    Ám hương phù đông nguyệt hoàng hôn...
    Nghĩa : Các hoa rụng hết, chỉ còn hoa mai tươi đẹp dưới bóng nắng ; chiếm cả vẻ đẹp của mảnh vườn con ; bóng cành thưa nằm ngang giữa làn nước trong nơi cạn ; hương thoảng đưa nhè nhẹ dưới ánh trăng buổi hoàng hôn...
    Cặp thực của bài thơ trên lại được cô đúc thành một câu :
    Ánh hương phù động, ảnh hoành tà.
    Giản chi dịch :
    Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang.
    Nhiều thi nhân khen rằng chỉ 7 chữ mà lột tả đầy đủ vẻ đẹp của hoa mai, không thể thêm bớt được một chữ nào. Kiệm lời, chắt ý đến thế thì vượt qua cả thơ tứ tuyệt Trung Hoa lẫn thơ Haiku Nhật Bản. Gọi đây là thể gì nhỉ, "nhất tuyệt" ư ?
    Mai thường sánh vai với trăng :
    Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm
    Nguyệt ***g hoa, hoa thắm từng bông
    Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
    Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu.
    (Chinh phụ ngâm khúc)
    Mai cũng kề bóng chim (mai điểu), chủ yếu là chim én hoặc chim hạc. Ví dụ đôi câu "thần bút" của nhà thơ đa tài Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), đến nay vẫn khiến chúng ta giật mình kinh ngạc :
    Dã mai cốt cách nguyên phi tục
    Hải hạc phong tư tự bất quần
    Tạm dịch :
    Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục
    Phong tư hạc biển vốn không bầy
    Ngoài bộ "tam hữu" như đã nói, mai còn được kết hợp với lan, cúc, trúc tạo nên bộ "tứ quý" tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và không chỉ với thực vật, động vật, mai lại được các thi nhân cho "se duyên" với ngọc, với tuyết để ví von tài tử giai nhân. Như bài "Lão mai" trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" có câu :
    Xuân thêm cốt cách, hương càng bội
    Tuyết giúp tinh thần, ngọc hãy còn.
    Hoặc như trong "Hương miệt hành", truyện thơ được sáng tác từ đầu Lê (có sách cho là đời Trần), có câu:
    Tuyết mai cốt cách, ngọc tinh thần
    Câu thơ ấy buộc nhiều người liên tưởng ngay đến câu Kiều quen thuộc :
    Mai cốt cách, tuyết tinh thần
    Cũng cân nói thêm, trong pho Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm được xem là "tập đại thành" của nền văn chương cổ điển Việt Nam, mai đã xuất hiện cả thảy 15 lần, má quá nửa là đóng vai trò mỹ từ : sân mai, song mai, trướng mai, tiên mai, giấc mai, hồn mai...
    Thật ra, hoa mai trong thơ cổ nước ta và nhiều quốc gia khác ở Á Đông, chính là hoa mai màu trắng. Như giống mai mù u, tên khoa học là Ochrocarpus siamensis thuộc họ Guttiferae (họ măng cụt), hiện còn một cây trong chùa Gò ở Phú Lâm (Sài Gòn). Cây mai này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Mih Hương Trịnh Hoài Đức (1725-1825) và các cây bút cùng thời viết nên tập "Mộng mai đình". Cây mai này cũng là biểu tượng của Thi xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi "vang bóng một thời" ở Nam Bộ vào thế kỷ trước : Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, ...
    Một mùa xuân lại đến. Mai vàng lại rực rỡ mãn khai. Đón tết bên cành "bách hoa khôi" cốt cách, thong thả thưởng thức những áng thơ của người xưa, âu là một thú đầy tao nhã. Tùy cơ duyên, mỗi người có thể chọn vài ba bài hay dăm bảy dòng tâm đắc cho bản thân mình.
    Riêng tôi, đã nhiều đêm trừ tịch lặng ngắm mai vàng, lòng cứ hiển hiện đôi câu Cao Bá Quát:
    Thập tải luân giao cầu cô kiếm
    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
    Ôi Chu thần : Mười năm xuôi ngược giao du quyết tìm thanh kiếm cổ, suốt một đời chỉ biết cúi đầu vái trước hoa mai.
    Bây giờ giữa Sai Gòn, bên nhành mai hương quý báu phảng phất thơm, nhành mai mà một bạn ở Huế vừa gửi vào làm quà Tết, tôi đang hồi hộp ngóng đợi phút giao thừa. Đúng phút linh diệu ấy, tôi sẽ xông một lò trầm nhỏ, rồi lặng lẽ cúi đầu vái hai vái.
    Một vái tạ hoa mai, dĩ nhiên.
    Một vái xin dành cho những câu thơ tuyệt bút mà cha ông ta từng lao tâm khổ tứ ngợi ca loài hoa cao khiết
    _________
    (Trích Báo Giác Ngộ)
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 10:05 ngày 25/04/2007
  6. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Có thể do kiến thức hạn hẹp nên tôi không nhớ trong văn chương xưa, những hình tượng, điển tích... có chỗ nào đề cao "hoa nhài", không chỉ THƠM mà như một biểu tượng cho sự thanh lịch, cốt cách con người?
    Bạn nào biết xin chỉ giùm tôi, tôi xin chân thành cảm ơn và tặng bạn đó... ngàn vàng (1000 gold)!

    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 17:02 ngày 25/04/2007
  7. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Nếu như câu "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" dễ nghe hơn,"mềm" hơn và hiện đại hơn thì câu "Chẳng lịch cũng thể con người Thượng kinh" nghe cổ hơn, không "xuôi tai" bằng, nhất là ở 2 chữ: "lịch" và "thượng kinh". Phải chăng vì vậy mà ngày nay người ta ít dùng câu ca dao này (Chẳng thanh cũng thể hoa mai/Chẳng lịch cũng thể con người thượng kinh)?
    Khi người ta dùng chữ "không thanh lịch" trong câu dưới thì ở câu trên họ không thể sử dụng chữ "thanh", họ phải lái sang dùng chữ "thơm". Khi đã dùng chữ "thơm", hoa lại phải là "nhài" chứ không thể là "mai".
    Cá nhân tôi cũng thích hương nhài, nhưng giả sử người ta đã dùng lối ví von văn vẻ ở câu 2, ví thủ đô Việt với Tràng An Tàu thì không có lý gì ở câu 1 họ lại dùng một hình ảnh "hiện thực" nhưng có phần dân dã là "nhài", trong khi chính mai mới là hình ảnh thể hiện cho cốt cách con người. Trong bài viết "Hoa Mai trong thơ Việt Nam cổ điển", tác giả Trần Ngọc Tính viết:
    "Một thiền sư khác sống sau đó hơn 2 thế kỷ có pháp hiệu Huyền Quang (1254-1334), là vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị "ngự sử đài" - chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa :
    Ngự sử mai hai hàng chầu chắp
    Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh
    Ngự sử mai, trượng phu tùng và quân tử trúc hợp thành "tam ích hữu" (3 người bạn có ích). Khái niệm này xuất phát từ thiên "Quý thị" trong sách "Luận ngữ". Ích giả tam hữu : hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn (Bạn có ích gồm 3 hạng : ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều). Sách "Nguyệt lệng quảng nghĩa" gọi hình tượng ước lệ bộ ba tùng - trúc - mai là Đông thiên tam hữu, Tuế hàn tam hữu hoặc Đông xuân tam hữu. Đây là đề tài có vị trí đặc biệt trong thơ ca cổ điền của Á Đông nói chung, của nước ta nói riêng.
    (.....)
    So với tùng và trúc, mai giống ở khí tiết. Nhưng mai còn có ưu điểm mà hai bạn không sao có được : sắc hương.
    (.....)
    So với nhiều hoa khác, mai lại là loài "anh hoa phát tiết" sớm nhất, ngay từ tiết lập xuân còn nhiều giá lạnh. Do đó cổ nhân đã phong tặng mai danh hiệu Bách hoa khôi - ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.
    (.....)
    Ngoài bộ "tam hữu" như đã nói, mai còn được kết hợp với lan, cúc, trúc tạo nên bộ "tứ quý" tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và không chỉ với thực vật, động vật, mai lại được các thi nhân cho "se duyên" với ngọc, với tuyết để ví von tài tử giai nhân.
    (.....)
    Riêng tôi, đã nhiều đêm trừ tịch lặng ngắm mai vàng, lòng cứ hiển hiện đôi câu Cao Bá Quát:
    Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
    Ôi Chu thần: Mười năm xuôi ngược giao du quyết tìm thanh kiếm cổ, suốt một đời chỉ biết cúi đầu vái trước hoa mai."

    (còn tiếp)
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 17:05 ngày 25/04/2007
  8. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Một số ý kiến tham khảo:
    - Trích Tổng thuật các tham luận Hội thảo Người HN thanh lịch, văn minh:

    Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, câu ?ocửa miệng?:? Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An - là cả một vấn đề. GS Phạm Ngọc Dương nhấn mạnh, người Tràng An là ở Trung Quốc, cố đô Hoa Lư còn được gọi là Tràng An trước Hà Nội! Ý kiến của GS Vũ Hy Chương: ?oKhông nên dùng câu đó nữa!?.
    - Trong bài báo "Cuộc chia tay còn dang dở", nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết :
    ... Chúng ta lại mới có một cuộc hội thảo mang tên ?oNgười Hà Nội thanh lịch văn minh? mà chữ thanh lịch quan trọng hơn thì lấy ra từ câu ca dao ?oChẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An?.
    Chỉ qua mười bốn chữ được dùng ở đây, đã có thể đọc ra khá nhiều điều ?otế nhị?:
    1/ Trước tiên lối gọi mình là Tràng An đã ghi nhận một mặc cảm không hay của Hà Nội và tôi rất đồng tình với một ý kiến được nêu trong hội thảo là không nên dùng câu đó nữa. Đây là điều nhiều người như chúng tôi muốn nói mà chưa có dịp nói.
    2/ Nói Chẳng thơm cũng thể hoa nhài là một lối cãi lấy được. Bông hoa cần thơm mà chẳng thơm thì còn có nghĩa lý gì nữa? Chẳng qua đây chỉ là một cách người ta vẫn gọi là tự tin không có cơ sở, hoặc bám lấy cái danh hão. Cũng tương tự như vậy khi đã đánh mất sự thanh lịch cần thiết mà còn lấy cái mác người thủ đô ra dọa thiên hạ thì thật vô lối. Tôi ngờ rằng chính đây là khẩu khí của nhóm dân mới nhập cư về Thủ đô ít ngày dọa đồng hương ở nhà quê, chứ người Hà Nội chân chính không có lối khoe trắng trợn như thế.
    3/ Nói tới niềm tự hào làm người mà chỉ nói tới sự thanh lịch là còn quá đơn giản nếu không muốn nói là sai lệch phiến diện. Một bát canh mà chỉ có mùi thơm và cái vẻ màu mỡ có thể làm cho người ta vui mắt, chứ thật ra chẳng quý báu gì.
    Bởi nó thiếu cái chất bổ dưỡng cần thiết. Cũng tương tự như vậy, khi nhấn mạnh cái sự thanh cao lịch thiệp như một phong cách, người xưa đã có phần lấy phụ bỏ chính, quá xem trọng bề ngoài mà quên thực chất (trong giới nghiên cứu văn học người ta gọi một nhà văn như thế là không có tư tưởng mà chỉ có phong cách; còn dân gian thì nói toẹt ra rằng ?oTinh chẳng có lại có tướng?).
    - Trong bài "Hà Nội thanh lịch đêm", tác giả Hồ Bất Khuất viết:
    Có một điều lạ là cái câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"- về thơ, chẳng hay lắm vì không có hình ảnh gì đặc biệt, là câu lục bát mà lại gieo vần không chuẩn; về sử thì không đúng vì chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội của chúng ta có tên là Tràng An. Ấy vậy mà nó lại có sức xao động. Có lẽ tất cả nằm ở chữ "thanh lịch".
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 17:42 ngày 25/04/2007
  9. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Tình cờ, tôi tìm được 2 chủ đề tương tự về câu ca dao trên, ở TTVNOL5năm:
    http://5nam.ttvnol.com/tiengviet/464757.ttvn
    http://5nam.ttvnol.com/hanoi/443826.ttvn

    Tôi phải qua topic đó tìm hiểu thêm xem sao.
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 18:19 ngày 25/04/2007
  10. taiquai

    taiquai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/11/2006
    Bài viết:
    509
    Đã được thích:
    0
    Bạn home_nguoikechuyen à, tôi xin phép "khai quật" lại bài của bạn bên topic: Về câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài..."
    .....
    Mình thấy bạn đã trích dẫn 2 ý kiến. Một là ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương:
    Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến câu ca dao:
    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
    Tôi đồ rằng câu này của người Trường Yên, Ninh Bình. Sau khi kinh đô chuyển về Thăng Long thì người Trường Yên tuy mất thế vẫn còn cậy mình là người đô cũ. Khẩu khí và cách nói có vẻ tự kiêu, không phải là cách nói của người Hà Nội. Người Hà Nội trọng danh dự chứ không trọng hư danh, tôn vinh người đạo cao đức trọng chứ không tôn vinh mũ áo. Có thế Hà Nội mới trường tồn cùng lịch sử...
    Theo ý kiến của nhà thơ VQP, Tràng An đây là chỉ Trường Yên(hay Tràng An) là xã, nơi có kinh đô Hoa Lư.
    Quả thật nền văn hoá Hoa Lư có thể coi là tiền văn hoá Thăng Long sau này.
    Nhưng mình xin được bác bỏ ý kiến của nhà thơ VQP.
    Và đồng ý với ý kiến thứ 2 bạn đưa ra là của GS Nguyễn Lân Dũng
    Tại đây http://www.vtv.vn/VTV2/2004/10/29874.vtv , mục hỏi đáp KCT của VTV :
    * Trong câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" nhiều người cho rằng, người Tràng An là người Hà Nội. Nhưng trong lịch sử nước ta, có bao giờ thấy Hà Nội có tên Tràng An đâu? (Phạm Thị Xoan - Đông Anh, Hà Nội).
    - Đúng Hà Nội chưa bao giờ có tên là Tràng An. Tràng An là kinh đô từ đời nhà Hán ở Trung Quốc. Trong câu này người ta hiểu Tràng An là kinh đô. Tuy nhiên câu này cũng chẳng hay gì. Người kinh đô mà không thanh lịch thì có gì đáng tự hào(?).
    Tràng An hay Trường An là tên kinh đô của hai triều đại thịnh trị Tiền Hán (206 trước Tây lịch đến 8 sau Tây lịch) và Ðường (618 đến 907) ở Trung quốc.
    Cái tên Tràng An để chỉ kinh đô Việt Nam này là xuất phát từ thời nhà Lý.Do các cụ Nho nhà ta sính Trung Hoa, cái gì cũng Trung Hoa( từ địa danh, câu nói cửa miệng thành ngữ, điển tích cũng anh Trung Hoa-> Sau này mọi người bị nhiễm, hicccc bao nhiêu người Việt dùng điển, thành ngữ mà chả hiểu điển, đơn giản vài là điển Trung Hoa).Các cụ nhà ta thường dùng tên Trang An hay Trường An này để chỉ kinh đô , tức Thăng Long ngày trước và Hà Nội bây giờ.
    Mà xem lại lịch sử một chút, thì cái mấy cái tên của Thăng Long có rất nhiều tên gắn với Trung Hoa như:
    Long Đỗ: cái này là do anh Cao Biền nhà Đường, cỡi rồng, rồng đậu xuống thành Đại La.
    Tống BìnhTống Bình là tên đất trị sở của thế lực đô hộ phương Bắc thời Tùy , Đường.
    Đông Quan( thời nhà Minh)hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa.
    Xin nói thêm chút ít, cái tên Hà Nội :Là do anh Minh Mạng hợp Thăng Long với Từ Liêm, Thường Tín Năm 1831 mà thành.
    Ngoài cái tên Tràng An, thì Hà Nội còn có những cái tên không chính thức như Phượng Thành ( cái này là do anh Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Bắc Ninh, viết bài phú Nôm nổi tiếng "Phượng Thành xuân sắc phú"),Hà Thành, Thượng Kinh...
    Được taiquai sửa chữa / chuyển vào 18:13 ngày 25/04/2007

Chia sẻ trang này