1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

T? H?u - nhà tho l?n c?a dân t?c

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi cavang, 06/05/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    T? H?u - nhà tho l?n c?a dân t?c

    Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920. Quê gốc ở làng Phù Lai nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi ở hiện nay: 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tốt nghiệp Thành Chung (cũ). Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

    Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Giác ngộ cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Những bài thơ đầu tiên được sáng tác từ những năm 1937-1938. Tháng 4-1939 bị thực dân Pháp bắt, giam giữ ở các nhà lao miền trung và Tây Nguyên. Tháng 3-1942, vượt ngục Đắc Lay, tiếp tục hoạt động cách mạng. Hoạt động bí mật đến năm 1945. Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (1951), ủy viên Ban Bí thư (từ 1958-1980), ủy viên Bộ Chính trị (từ 1976-1986), Trưởng ban Tuyên huấn - Khoa giáo. Hiệu trưởng Trường Nguyễn ái Quốc, Trưởng ban Thống Nhất (1974-1975). Hiện nay là phái viên Trung uương **********************.



    Cá Vàng nhả bong bóng
  2. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Những tác phẩm chính
    Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992); Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Đợi anh về (tập thơ dịch, 1998).
    Ông đã được: Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc); Giải thưởng văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1, 1996).
    Nhà thơ tự bạch
    Nhân dân là bể
    Văn nghệ là thuyền
    Thuyền xô sóng dậy
    Sóng đẩy thuyền lên
    Thuyền ra khơi xa
    Gió căng buồm lộng
    Buồm là lao động
    Gió là Đảng ta
    (Lời đề từ tập Việt Bắc)
    Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
    Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
    (Tiễn đưa)
    Tôi buộc hồn tôi với mọi người
    Để tình trang trải với muôn nơi
    Để hồn tôi với bao hồn khổ
    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
    (Từ ấy)
    Chúng ta phải chống khuynh hướng tách rời văn nghệ và chính trị, tách rời sáng tác và công tác, huynh hướng chia đôi con người văn nghệ thành con người công dân và con người nghệ thuật, khuynh hướng tôn sùng bản năng, khinh thường trí tuệ, khuynh hướng cho rằng kỹ thuật quyết định hết thảy, kỹ thuật là một cái gì vĩnh viễn tuyệt đối, khuynh hướng công thức hóa những nguyên tắc hóa thành những dây trói buộc nghệ thuật. Chúng ta còn phải chống khuynh hướng bảo thủ, nệ cổ cũng như khuynh hướng tách rời thực tế của đất nước và phải bài trừ thái độ miệt thị quần chúng, cho rằng quần chúng không thể hiểu nghệ thuật. Phải kịch liệt đả phá thái độ của một số người văn nghệ bàng quan đối với cuộc sống, đối với dân tộc, nhân dân, khiến cho văn nghệ biến thành trò chơi thú vị riêng cho một bọn người vị kỷ.
    (Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, 1973, tr.35)
    Cá Vàng nhả bong bóng
  3. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Tố Hữu không phải là nhà thơ riêng của ngưuơì yêu thơ mà đó là nhà thơ của tất cả thanh niên, nhà thơ cho cả tưuơng lai.
    Lịch trình tiến triển về thơ của Tố Hữu đi song song với lịch trình tiến triển về tư tưởng và trình độ giác ngộ, về sức hoạt động của Tố Hữu.
    Thơ Tố Hữu không phải là một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng.
    Người Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là thi sĩ.
    (Lời giới thiệu tập Thơ của Tố Hữu,
    Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, 1946)
    Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực.
    Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ.
    hoàng trung thông -
    Chặng đường mới của chúng ta (1961)
    Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.
    đặng thai mai
    (Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959)
    Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó.
    Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc.
    ... Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính... Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp.
    chế lan viên (Lời nói đầu cho tuyển tập 1938 - 1963
    của Tố Hữu, Văn học, 1964
    Nhà thi sĩ ấy tự muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình. Vậy thì dân tộc ấy có năng khiếu thơ thông qua nhà thi sĩ. Các dân tộc hiện đại, đã công nghiệp hóa rồi, đã bị san phẳng bởi những phương tiện tuyên truyền, không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn suối nguồn ở bản thân mình nữa. Nhưng Tố Hữu đắm mình trong dân tộc của mình, đồng thời là một thi sĩ độc đáo, một nhà sáng tạo ra các hình thể. Người ta càng cảm thấy điều đó rõ hơn khi anh nói một cách rất hay về thơ.
    pierre emmanuel
    (Lời tựa tập thơ Máu và hoa, xuất bản ở Pháp, năm 1975)
    Tập thơ Máu và hoa này xuất bản vào mùa thu năm 1975. Tôi tin rằng tạp chí Châu âu (Europe) sẽ đón chào nó như một sự kiện văn học.
    jacques gaucheron, Con đường của Tố Hữu
    (trong tập Máu và hoa (Sang et Fleurs) EFR, Paris, 1975)
    Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ.
    xuân diệu (Tố Hữu với chúng tôi, 1975)
    Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu.
    hoài thanh (Chuyện thơ, 1978)
    Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mới, càng ngày càng mới, vì nó thể hiện thế giới quan cách mạng của chủ nghĩa Mác, hệ tư tưởng vô sản, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những tư tưởng càng ngày càng trở thành cách nhìn, nếp sống phổ biến của những con người mới của thời đại.
    Anhư phong (Bình luận văn học, 1964)
    Cá Vàng nhả bong bóng
  4. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Đi Tây
    Kính tặng những bà quả phụ hồi Âu chiến
    Một mảnh khăn đen trùm mái tóc,
    Nàng bồng con, lủi thủi ra ga...
    Tơi bời mưa lá... nàng không khóc,
    E lệ tình khô phút tiễn đưa...
    Hàng cây lay động, nàng run rẩy...
    Không hiểu vì đâu sợ vẩn vơ,
    Như những nàng kia cùng cảnh ấy,
    Cũng khăn trùm tóc, cũng bơ phờ.
    Lạ lùng, nàng có biết ai đâu,
    Mà lũ người kia dáng thảm sầu,
    Ôm gối thẫn thờ bờ cỏ ướt
    Lặng nhìn như hiểu nỗi lòng nhau.
    Rồi bỗng cùng tuôn lệ dạt dào;
    U tình nàng đã những nao nao...
    Buồn không ai hẹn, thầm nên một,
    Nàng cúi nhìn con khóc nghẹn ngào.
    Đi Tây, đi lính, là đi... chết!
    Ai biết rồi đây, cuối xóm xa,
    Ly biệt hôm nay thành vĩnh biệt
    Đôi hàng sùi sụt, gọi chồng... ma!
    Nỗi tình đau đớn nào ai thấy,
    Mà chính lòng kia dẫu nhớ thương,
    Có hiểu đâu: trường chinh chiến ấy
    Do bàn tay máu lũ buôn xương!
    Và mỗi thây rơi ngoài trận địa
    Càng gây thêm vững núi vàng dơ
    Của loài đế quốc - ôi mai mỉa!
    Say máu cuười trông lũ dại khờ!
    Cá Vàng nhả bong bóng
  5. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Bầm ơi
    Ai về thăm mẹ quê ta
    Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
    Bầm ơi có rét không bầm!
    Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
    Bầm ra ruộng cấy bầm run
    Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
    Mạ non bầm cấy mấy đon
    Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
    Mưa phùn ướt áo tứ thân
    Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
    Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
    Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
    Con đi trăm núi ngàn khe
    Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
    Con đi đánh giặc mười năm
    Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
    Con ra tiền tuyến xa xôi
    Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
    Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
    Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
    Con đi xa cũng như gần
    Anh em đồng chí quây quần là con.
    Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
    Bầm quý con, bầm quý anh em.
    Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
    Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
    Con đi mỗi bước gian lao
    Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
    Bao bà cụ từ tâm như mẹ
    Yêu quý con như đẻ con ra.
    Cho con nào áo nào quà
    Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
    Con đi, con lớn lên rồi
    Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
    Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
    Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
    Mẹ già tóc bạc hoa râm
    Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...
    1948
    Cá Vàng nhả bong bóng
  6. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Ta đi tới
    Ta đi giữa ban ngày
    Trên đường cái, ung dung ta bước.
    Đường ta rộng thênh thang tám thước
    Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
    Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
    Đường cách mạng, dài theo kháng chiến...
    Đến hôm nay đường xuôi về biển
    Mới tinh khôi mầu đất đỏ tươi
    Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
    Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
    Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
    Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...
    Ai qua Phú Thọ
    Ai xuôi Trung Hà
    Ai về Hưng Hóa
    Ai xuống khu Ba
    Ai vào khu Bốn
    Đường ta đó, tự do cuồn cuộn
    Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!
    Sông Thao nao nức sóng dồi
    Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.
    ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ!
    Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
    Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.
    Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
    Tháng Tám mùa thu xanh thắm
    Mây nhởn nhơ bay
    Hôm nay ngày đẹp lắm!
    Mây của ta, trời thắm của ta
    Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
    Đã tan tác những bóng thù hắc ám
    Đã sáng lại trời thu Tháng Tám
    Trên đường ta về lại Thủ đô
    Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!
    Mẹ ơi, lau nước mắt
    Làng ta giặc chạy rồi!
    Tre làng ta lại mọc
    Chuối vườn ta xanh chồi
    Trâu ta ra bãi ra đồi
    Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa...
    Các em ơi, đã học chưa?
    Các anh dựng cho em trường mới nữa.
    Chúng nó chẳng còn mong giội lửa
    Trường của em đứng giữa đồi quang
    Tiếng các em thánh thót quanh làng.
    Ai đi Nam Bộ
    Tiền Giang, Hậu Giang
    Ai vô thành phố
    Hồ Chí Minh
    Rực rỡ tên vàng.
    Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
    Việt Bắc miền nam, mồ ma giặc Pháp
    Ai đi Nam - Ngãi, Bình - Phú, Khánh Hòa
    Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
    Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đác Lắc
    Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền trung
    Ai về với quê hương ta tha thiết
    Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
    Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí
    Nói với Nửa - Việt Nam yêu quý
    Rằng: nước ta là của chúng ta
    Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
    Chúng ta, con một cha, nhà một nóc
    Thịt với xương, tim óc dính liền.
    Dù ai nói ngả nói nghiêng
    Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
    Dù ai rào giậu ngăn sân
    Lòng ta vẫn giữ là dân *****!
    Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
    Chúng nó chẳng còn mong được nữa
    Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng.
    Những bàn chân từ than bụi, đầy bùn
    Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
    Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
    Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
    Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
    Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!
    Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp.
    Rắn như thép, vững như đồng,
    Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
    Cao như núi, dài như sông
    Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!
    Ta đi tới, không thể gì chia cắt
    Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
    Trời ta chỉ một trên đầu
    Bắc Nam liền một biển.
    Lòng ta không giới tuyến
    Lòng ta chung một *****
    Lòng ta chung một Thủ đô
    Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
    8-1955
    Cá Vàng nhả bong bóng
  7. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Bài ca mùa xuân 1961
    Tôi viết bài thơ xuân
    Nghìn chín trăm sáu mốt
    Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
    Nắng soi sương giọt long lanh...
    Rét nhiều nên ấm nắng hanh
    Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
    Giã từ năm cũ bâng khuâng
    Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!
    *
    Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy
    Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
    Như buổi đầu hò hẹn, say mê
    Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
    Mà nói vậy: "Trái tim anh đó
    Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:
    Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
    Phần cho thơ, và phần để em yêu..."
    Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"
    Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
    Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay
    Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!
    *
    Ô tiếng hót vui say con chim chiền chiện
    Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
    Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
    Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
    Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
    Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh (1)
    Tam đảo, Ba Vì vui núi xuân xanh...
    Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
    Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
    Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
    Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
    Trải qua một cuộc bể dâu (2)
    Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
    Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
    Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
    Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
    Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng...
    Ôi tiếng của cha ông thuở trước
    Xin hát mừng non nước hôm nay:
    Một vùng trời đất trong tay
    Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng
    Việt Nam, dân tộc anh hùng
    Tay không mà đã thành công nên người!
    Có gì đẹp trên đời hơn thế
    Người yêu người sống để yêu nhau
    Đảng cho ta trái tim giàu
    Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!
    *
    Đời vui đó, hôm nay mở cửa
    Như dãy hàng bách hóa của ta
    Hỡi những người yêu, hãy ghé mua hoa
    Và đến đó, sắm ít quà lễ cưới:
    Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi
    Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!
    Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
    Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết...
    Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết
    Ta nắm tay nhau xây lại đời ta
    Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
    Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá
    Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
    Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô
    Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!
    *
    ồ thích thật, bài thơ miền bắc
    Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần
    Cả không gian như xích lại gần
    Thời gian cũng quên tuần quên tháng.
    Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng!
    Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng
    Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung
    Người hợp tác nên lúa dày thêm đó.
    Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ
    Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm
    Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm
    Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
    Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi
    Những đoàn xe vận tải nối nhau đi
    Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì
    Trên đất nước reo vui bao tiếng gọi...
    *
    Nào đi tới! Bác Hồ ta nói
    Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân
    Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân
    Mời những bàn chân, tiến lên phía trước.
    Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!
    Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
    Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
    Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
    Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
    Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?
    Hỡi những người trai, những cô gái yêu
    Trên những đèo mây, những tầng núi đá
    Hai bàn tay ta hãy làm tất cả
    Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai
    Khói những nhà máy mới ban mai...
    *
    Tôi viết cho ai bài thơ 61?
    Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt
    Hà Nội rì rầm... Còi thổi ngoài ga
    Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
    Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ...
    Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó
    Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!
    Ta biết em rất khỏe, tim ơi
    Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng
    Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng?
    Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà
    Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
    Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
    Miền nam dậy, hò reo náo động!
    Ba con tôi đã ngủ lâu rồi
    Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi
    Miền bắc thiên đường của các con tôi!
    *
    Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
    Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa
    Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
    Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
    Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
    Treo trước mắt của loài người ta đó:
    Hòa bình
    ấm no
    Cho
    Con người
    Sung sướng
    Tự do!
    24-1-1961
    Cá Vàng nhả bong bóng
  8. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Em ơi... Ba Lan
    Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
    Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
    Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
    Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
    Có phải Sô-panh tình chứa chan
    Nâng đàn ca, cô gái Ba Lan (1)
    Có phải A-đam hồn vĩ đại
    Bay trên đầu thế kỷ nhân gian...(2)
    Em đi cùng anh lên thành xưa
    Vác-xa-va ấm nắng ban trưa
    Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
    Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa
    Hãy nghe em từng viên đá lát
    Những con đường, tiếng hát đau thương
    Ba Lan, Ba Lan
    Thịt da đã bao lần tan nát
    Nước mắt, tim về vọng cố hương (3)
    Hãy nghe em từng viên ngói đỏ
    Những mái nhà phố cũ hồi xuân
    Máu đã quyện, em ơi, trong đó
    Máu Ba Lan và máu Hồng quân!
    Ôi máu đọng mười lăm năm trước
    Bốn triệu hồn kêu Nước trong đêm
    Em ơi em, làm sao quên được
    ốt-sơ-ven-xim, ốt-sơ-ven-xim (4)
    Nhớ nghe em, những đôi giày nhỏ
    Tưởng còn đi chập chững chân son
    Những mái tóc vàng tơ đóng bó
    Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn!
    Anh đã đến quê em Cra-cốp (5)
    Như quê anh lộng lẫy cung đền
    Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp
    Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên...
    Anh đã đến quê em Ban-tích
    Sóng ngời xanh, ngọc bích biển khơi
    Đã xóa sạch những ngày Đăng-dích (6)
    Mầu Ba Lan trong trắng đỏ tươi
    Khắp quê em, mùa xuân đến rồi
    - Dù đêm qua chút tuyến còn rơi
    - Hỡi người chị bên đường quét tuyết
    Xuân đến rồi, nắng đỏ trên môi.
    Nắng trên cao cần trục xây nhà
    Nắng lưng tàu phấp phới đi xa
    Nắng đỏ ngực anh, người thủy thủ
    Đẹp như lò Nô-va Hu-ta (7)
    Khắp quê em, mùa xuân mang tên
    Những người con đẹp của trăm miền
    Hôm nay gọi nhau về Đại hội (8)
    Mở thêm đường, đi lên, đi lên
    Mùa xuân đó, quê em ấm áp
    Chân người đi, vào cuộc đời chung
    Ngựa đang kéo đồng lên hợp tác
    Đường ta đi tấp nập vô cùng!
    Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
    Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
    Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
    Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan...
    Tháng 4-1959
    Cá Vàng nhả bong bóng
  9. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Tiếng ru
    Con ong làm mật, yêu hoa
    Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.
    Con người muốn sống con ơi
    Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
    Một ngôi sao, chẳng sáng đêm
    Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
    Một người - đâu phải nhân gian?
    Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
    Núi cao bởi có đất bồi
    Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?
    Muôn dòng sông đổ biển sâu
    Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?
    Tre già yêu lấy măng non
    Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày
    Mai sau con lớn hơn thầy
    Các con ôm cả hai tay đất tròn.
    Cá Vàng nhả bong bóng
  10. cavang

    cavang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/04/2001
    Bài viết:
    1.015
    Đã được thích:
    0
    Bác ơi!
    Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
    Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
    Chiều nay con chạy về thăm Bác
    Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
    Con lại lần theo lối sỏi quen
    Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
    Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
    Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
    Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
    Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
    Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
    Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!
    Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
    Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
    Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
    Quanh mặt hồ in mây trắng bay...
    Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
    Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
    Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
    Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
    Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
    Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
    Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
    Cho hôm nay và cho mai sau...
    Bác sống như trời đất của ta
    Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
    Tự do cho mỗi đời nô lệ
    Sữa để em thơ, lụa tặng già.
    Bác nhớ Miền Nam, nỗi nhớ nhà
    Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
    Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
    Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.
    Bác vui như ánh buổi bình minh
    Vui mỗi mầm non, trái chín cành
    Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
    Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.
    Bác để tình thương cho chúng con
    Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
    Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
    Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
    *
    * *
    Ơi Bác Hồ ơi, những xế chiều
    Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!
    Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."
    Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.
    Bác đã lên đường, theo tổ tiên
    Mác - Lênin, thế giới Người Hiền
    ánh hào quang đỏ thêm sông núi
    Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
    Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
    Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
    Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
    Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
    6-9-1969
    Cá Vàng nhả bong bóng

Chia sẻ trang này