1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tác phẩm Cái trống thiếc...

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Tao_lao, 10/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Tác phẩm Cái trống thiếc...

    Dương Tường (dịch giả)
    Cái Trống Thiếc trong nền văn học hiện đại Ðức

    "Ngày nay, chúng ta thường hay nghe nói rằng tầm quan trọng của văn học đã giảm sút, rằng nó chỉ còn là trò mua vui hoặc một thú tiêu khiển của một tầng lớp elite (tinh hoa) hạn hẹp. Nhưng, tựa như một triết gia thời cổ Hy Lạp, khi muốn bác bỏ lý thuyết của trường phái Eleai cho rằng chuyển động là bất khả thì chỉ cần đi đi lại lại trước nơi hội họp của các triết gia trường phái Elea, riêng sự hiện diện của Günter Grass cũng đủ khiến chúng ta hiểu ra rằng không dễ gì đẩy văn học ra ngoài rìa," Tiến sĩ Horace Engdahl, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Thuỵ Ðiển, thư ký Uỷ ban Nobel, mở đầu diễn văn khai mạc lễ trao giải Nobel văn học 1999 như vậy.

    Việc tặng giải Nobel văn học cho Günter Grass tuy hơi muộn - chí ít là theo tôi - nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt bởi nó rơi vào năm bắc cầu giữa hai thế kỷ 20 và 21, đúng bốn thập kỷ sau khi Cái Trống Thiếc ra đời, làm chao đảo văn đàn châu Âu và thế giới.

    Ðến nay, 43 năm đã trôi qua kể từ khi tiếng trống ngỗ ngược của Oskar Matzerath đánh thức nền văn học Ðức khỏi cơn mụ mị hậu chiến. Nhiều nhà phê bình đã có lý khi đánh giá sự xuất hiện của Cái Trống Thiếc như một lần khai sinh thứ hai cho nền tiểu thuyết Ðức của thế kỷ 20. Thật vậy, kể từ Gia đình Buddenbrook (1901) của Thomas Mann, chưa có cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả nào gây chấn động đến thế. Và chấn động này - bao gồm cả cơn sốc làm dấy lên những la ó phẫn nộ của các vị đạo đức nghiêm cẩn - càng mang nặng ý nghĩa khai mở trong cơn khủng hoảng tinh thần và hoàn cảnh rệu rã, suy sụp nhiều bề ở một nước Ðức thất trận chưa thực sự hoà giải với các nước láng giềng. Vào những năm 1950, văn học hậu chiến Ðức, bại liệt vì chủ nghĩa quốc xã, đã bế tắc do mặc cảm tội lỗi lại càng bị ức chế bởi lời cảnh báo của nhà triết học hàng đầu Theodor Adorno, người luôn tự vấn mình: phải tư duy thế nào sau Auschwitz? "Viết một bài thơ sau Auschwitz là hành động man rợ và vì vậy, ngày nay, làm thơ đã trở nên bất khả," Adorno tuyên bố. Có nghĩa là không thể viết, nói chung. Nhưng thế hệ của Heinrich Böll, của Günter Grass vẫn viết. Và khi viết, họ nhớ "đinh ninh trong đầu, như Adorno trong cuốn Minima Moralia: Suy nghĩ từ cuộc sống bị huỷ hoại (1951) của ông, rằng Auschwitz đã gây ra một kẽ nứt, một quãng trống không gì bù lấp nổi trong lịch sử của văn minhii." Chỉ có như vậy, Günter Grass và thế hệ của ông mới vượt nổi ức chế. Và riêng phần mình, ông đã tìm ra một bí quyết: cách duy nhất để có thể viết sau Auschwitz, dù là viết thơ hay văn xuôi, là trở thành ký ức và không để cho quá khứ chấm dứt.

    Chính trên tinh thần đó, lời tuyên dương của Hội đồng Nobel đã khẳng định: "Những ngụ ngôn đen giỡn cợt của ông (Günter Grass) thể hiện gương mặt bị lãng quên của lịch sử."
    Ngụ ngôn? Phải, vì hầu hết các tiểu thuyết của Günter Grass đều là những ngụ ngôn hiện đại. Và đen, hiểu theo nghĩa u-mua đen (humour noir) cười ra nước mắt. Vâng, như tôi thấy, Günter Grass là một nhà ngụ ngôn quái kiệt của thế kỷ 20. Trước khi bàn tiếp, xin lược qua vài nét "lý lịch trích ngang" của ông. Grass sinh năm 1927 ở Danzig, nay là Gdansk thuộc Ba Lan. Trước khi chuyển sang viết văn, ông học hội hoạ - điêu khắc ở trường đại học mỹ thuật. Là thành viên của Nhóm 47 (Gruppe 47) do Hans Werner Richter và A. Andersch sáng lập ở München năm 1947 và giải tán năm 1977, với khuynh hướng dân chủ, đấu tranh khắc phục những hậu quả do chiến tranh phát-xít để lại, ông phát ngôn cho một thế hệ bị bầm giập ê chề đến mất phẩm giá bởi chủ nghĩa quốc xã.

    Günter Grass biết rất rõ những chấn thương tinh thần cùng những di hại bệnh lý-xã hội, không tiệt nọc với sự cáo chung của chủ nghĩa quốc xã. Ta có thể thấy những hội chứng đó (mà ông bắt mạch được ở những người cùng thời) hiện lên qua từng chương đoạn của Cái Trống Thiếc, qua những cuộc phiêu lưu của gã lùn dị dạng Oskar Matzerath, kẻ ngay từ buổi sinh nhật lần thứ ba đã dứt khoát khước từ thế giới người lớn bằng cách quyết định thôi không lớn nữa. Như một nhân chứng ngỗ ngược của những sự kiện diễn ra ở Danzig từ 1924 đến 1950, nhìn thế sự từ tầm cao chín mươi tư xăng-ti-mét, nghĩa là từ gần sát mặt đất, lia con-mắt-dao-mổ dọc theo triền lịch sử như một tấm gương làm méo hình, Oskar, dưới bề ngoài của một đứa bé mãi mãi lên ba, nhưng với sự già dặn trí tuệ của người trưởng thành, làm nẩy ra từ cái trống đồ chơi con nít một thế giới nhố nhăng, kệch cỡm và bí hiểm, một nhân loại bất túc với thân phận ê chề vùi lấp dưới những đổ nát của lịch sử.

    Trong tác phẩm, có nhiều phát triển lưỡng phân. Ngay ở Günter Grass, cũng có một vùng Ðức và một vùng Ba Lan, một ngày hôm qua và một ngày hôm nay. Người kể chuyện, cũng là nhân vật chính Oskar, đan xen hai tầng nhân cách, lúc thì "tôi" (nhân xưng ngôi thứ nhất), khi lại "nó", "gã", "hắn" (nhân xưng ngôi thứ ba). Oskar - nhân vật phản-nhân-vật, nếu có thể nói vậy.Oskar với giọng hát diệt-thuỷ-tinh đôi khi được dùng làm phương tiện cám dỗ thiên hạ vào vòng tội lỗi, với tiếng trống quậy phá nhiều phen làm xáo đảo những cuộc mít-tinh, biểu tình quốc xã, Oskar như một Sindbad hiện đại với nghìn lẻ một cuộc phiêu lưu kỳ dị (Oskar ngày đầu tiên và duy nhất đến trường, Oskar dưới khán đài, Oskar Kẻ Cám Dỗ, Oskar thủ lĩnh băng cướp, Oskar nhạc công jazz, Oskar thợ khắc chữ bia mộ, Oskar đánh cắp một chuyến xe điện, Oskar thờ cúng một ngón tay đàn bà...), Oskar, nhân vật phản-nhân-vật đó, là một á hung thần. Ngay từ đầu, Oskar đã chọn phe Xa-tăng, níu giữ Xa-tăng lại trong mình như một bản ngã thứ hai: với tất cả các nghi thức trọng thể của nhà thờ, cha Wienke luôn mồm niệm chú (Vade retro Satanas) vẫn không đuổi được Xa-tăng khỏi đứa bé được mang đến ban thờ Chúa chịu lễ rửa tội. Gia đình, tình yêu, cái chết, tôn giáo...tất thảy đều là đối tượng báng bổ, vòi nọc châm chích giễu cợt của gã quỷ lùn không từ cái gì, không tha ai, kể cả người mẹ "tội nghiệp" mà gã chỉ yêu vì bà thường xuyên mua trống cho gã, hai người cha "giả định" - Alfred Matzerath và Jan Bronski - mà gã đều phản bội đưa đến cái chết. Phản bội, lật lọng là ứng xử thường thấy ở Oskar khi đến bước đường cùng cần phải tháo thân: với Roswitha trong cuộc đổ bộ của quân Ðồng Minh, với các "chiến hữu" trong Băng Quét Bụi khi bị bắt và khi ra tòa. Chỉ có một vài gương mặt hiếm hoi được gã nhắc đến với ít nhiều tình cảm trìu mến: ông ngoại gã, kẻ tội đồ phóng hoả bị truy nã Joseph Koljaiczek (đã chết dưới gầm bè hay hiện là nhà triệu phú Joe Colchie ở tiểu bang Buffalo, Mỹ?); người Do Thái Sigismund Markus, chủ hiệu đồ chơi, nguồn cung cấp trống cho gã; anh chàng Herbert Truczinski với cái lưng đầy sẹo; và nhất là người đàn bà trên cánh đồng khoai tây Kashubes, bà ngoại Anna Koljaiczek của gã. Oskar, trong những khoảnh khắc suy sụp, thường tìm an ủi nguôi ngoai ở ba nơi: dưới gầm bàn, trong tủ áo và đặc biệt là túp lều bốn tầng váy khăn khẳn mùi bơ của bà ngoại Anna, chốn nương náu thân thương mà suốt đời, gã không ngơi khao khát.
  2. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Bên cạnh Oskar, tác phẩm còn có một nhân vật trung tâm thứ hai, có lẽ nên đặt từ tố nhân trong ngoặc kép vì đây không phải là một con người cụ thể, mà là một thành phố: Danzig. Một bên là Oskar, một bản thể bày đặt, bên kia là Danzig, một thành phố đã mất, một thành phố bao lần bị giành đi giật lại giữa các nước láng giềng hùng cường trong suốt lịch sử của nó. Danzig, đến cái tên cũng không còn! Nếu Dostoievski vẽ cả bản đồ Saint Petersbourg cổ, thì về phần mình, Grass dành nhiều trang mô tả thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, gợi lại hình ảnh những đường phố, công viên, trường học, triền sông, bãi biển, nghĩa trang, những công trình kiến trúc cổ, đền đài, dinh thự, những Langfuhr, Labesweg, Tháp Công Lý, Nhà Thờ Thánh Tâm, kể cả những chuyến tàu điện đi ra ngoại ô và từ ngoại ô vào thành phố. Ðể rồi, cuối cùng, hỏa táng nó như thể dựng một đài tưởng niệm tựong trưng: "...Phố Câu Liêm, Phố Dài, Phố Rộng, Phố Thợ Dệt Lớn, Phố Thợ Dệt Nhỏ đều bốc lửa. Phố Tobias, Phố Chó Ngao, Hào Phố Cổ, Hào Ngoại Ô, Lũy và Cầu Dài cháy tất. Cửa Sếu làm bằng gỗ cháy mới ngon làm sao. Ở phố Quần Cộc, lửa đã đặt may cho mình một loạt quần óng ánh. Nhà Thờ Nữ Thánh Mary cháy cả trong lẫn ngoài, nhìn qua những cửa sổ như ánh sáng ngày hội. (...) Ở Cối Xay Lớn, người ta xay bột đỏ rực. Phố Hàng Thịt sực mùi thịt quay cháy. Nhà Hát thành phố công diễn vở kịch một hồi nhưng hai nghĩa nhan đề "Giấc mơ của kẻ phóng hỏa". (...) Tu viện dòng Thánh Francisco hoan hỉ bùng lên nhân danh Thánh Francisco, người vốn yêu lửa và hát ngợi ca lửa. Phố Ðức Bà cháy vì cả Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con cùng một lúc. Khỏi phải nói Chợ Gỗ, Chợ Than và Chợ Cỏ Khô đã tan thành khói. Phố Bánh Mì, lò và bánh chia lửa với nhau Phố Bình Sữa, sữa ràn ra ngoài. Chỉ riêng tòa nhà của hãng Bảo Hiểm Cháy, thuần tuý vì lý do tượng trưng, là không chịu bốc cháy..." Những dòng không mảy may bi luỵ, nhưng qua đó ta vẫn thấy rõ Danzig là nỗi đau của Günter Grass. Như vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội dần dà chỉ còn lưu lại trong tranh Bùi Xuân Phái, Danzig giờ chỉ còn sống trong tác phẩm của Grass. Ước nguyện "trở thành ký ức và không để cho quá khứ chấm dứt" đã thôi thúc ông viết cả một saga ba bộ về Danzig mà Cái Trống Thiếc là phần đầu - hai phần sau là Mèo và Chuột (1961) và Những Năm Chó (1963). Và có lẽ nỗi đau mất quê hương ấy cũng là nguyên do khiến Grass luôn bị ám ảnh bởi mô-típ trốn chạy và truy đuổi: mở đầu và kết thúc Cái Trống Thiếc đều là một cuộc đào tẩu và lùng bắt. Net chủ đề ấy còn trở lại cả trong cuốn sách mới nhất của ông nhan đề Im Krebssgang (Ði Như Cua).
    Cái Trống Thiếc, vào thời điểm nó ra đời, còn là một cú sốc thi pháp. Tác giả chở "những ngụ ngôn đen" của mình trên một bút pháp vừa hoạt bát phóng túng vừa đằp ắp liên tưởng, cuồn cuộn những sóng chữ nghịch nhĩ, chói màu, xứng đáng với Rabelais. Một cách táo bạo đầy hiệu quả, nhà giả kim Grass đã hoà trộn các cấp độ ngôn ngữ - từ phong cách Kinh Thánh đến cách ăn nói bình dân đầy biệt ngữ tục tĩu -, các yếu tố ba-rốc, huyền hoặc, xuất biểu, siêu thực, xoay quanh những hình ảnh "cao áp" (nếu có thể nói vậy) với dung lượng kịch tính và tượng trưng cực đại (đám lươn lúc nhúc trong đầu một con ngựa chết, những tầng váy của bà ngoại Anna...). Và đằng sau cái giỡn cợt, bao giờ cũng là một chân lý cay đắng. Về phương diện này chương Hầm Hành là một mẫu mực đầy liên tưởng xã hội-triết học. Khách đến cái tiệm đặc biệt này là những người có những tâm sự đau buồn nhưng lại mất khả năng khóc, nên phải nhờ cậy hơi cay của hành để trút vợi nỗi lòng qua nước mắt. "Không, không phải hễ tim đầy tràn thì tất yếu mắt phải lã chã giọt châu, một số người không bao giờ nhỏ được một giọt nước mắt, nhất là ở thế kỷ của chúng ta, cái thế kỷ mà bất luận mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất." Ðó hình như cũng là một trong những suy tư chủ đạo được ông phát triển trong cuốn Thế Kỷ của Tôi xuất bản cách đây vài năm.
    Mùa thu này, Guenter Grass kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình. Bài diễn từ nhận giải thưởng văn học Nobel 1999 của ông có đầu đề là: Còn Tiếp. Cuốn sách mới của ông đang một lần nữa làm xôn xao dư luận, chứng tỏ ông vẫn đang rất sung sức. Xin chúc nhà văn dồi dào sức khỏe và nhiệt hứng sáng tại để giữ trọn lời hứa "Còn Tiếp" của mình.
    © Talawas 2002
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Trường phái triết học cổ Hy Lạp do Parmenides sáng lập, nghiên cứu về thế giới hiện tượng, có thể coi là tiền thân của hiện tường học.
    [2] Diễn từ nhận giải Nobel của Guenter Grass.
    [3] Do tôi gạch dưới (D.T.)
    Nguyễn Thanh Sơn
    Chỗ của họ luôn ở cạnh những người đứng dưới (*)
    Các bạn thân mến,
    Cho phép tôi cám ơn dịch giả Dương Tường và Viện Goethe Hà Nội đã mời tôi tham dự cuộc hội thảo lý thú này. Thật yên tâm khi phát biểu trước một đám đông mà chắc chắn rằng, tiếng trống nhạo báng của Oskar hay tiếng thét diệt-thuỷ-tinh của chú không thể bất ngờ vang lên làm rối loạn cái không khí khá trang nghiêm của chúng ta hôm nay. Thú thực, tôi vẫn thầm ao ước mình có được tiếng thét đó, để hướng nó vào những cốc nước của quí vị đang đặt trên bàn, tạo ra một sự rối loạn nho nhỏ cho cuộc hội thảo này để xoá đi cái không khí trang trọng, theo tôi, là không cần thiết đó.
    So với phần lớn những độc giả của Günter Grass ngồi ở đây, cuộc làm quen của tôi với ông diễn ra khá muộn mằn. Dù nghe tên ông đã lâu, tôi chưa thực sự đọc bất cứ cuốn sách nào của Günter Grass cho đến tận năm 1998, khi tôi sang Mỹ làm việc tại thành phố Oklahoma City. Tôi sang Oklahoma đúng vào lúc thành phố đang lên một cơn sốt nhỏ vì Toà án địa phương tuyên bố một số cảnh quay trong phim Cái trống thiếc của Grass vi phạm "thuần phong mỹ tục" và cấm phát hành băng video của phim trong toàn tiểu bang. Tất nhiên, Liên đoàn những nhà phân phối phim và Hiệp hội Bảo vệ quyền công dân đâm đơn kiện, còn thành phố tôi ở phân chia làm hai "chiến tuyến": những người ủng hộ quyết định của toà án và những người tấp nập tới các cửa hàng băng video thuê bộ phim để như họ nói "tỏ tình đoàn kết một cách thầm lặng". Trong số những người đi thuê băng có tôi, tất nhiên vì tò mò hơn là để tỏ thái độ "bất phục tùng một cách hoà bình". Ðó là lần đầu tiên tôi xem phim, và sau đó, đọc tiểu thuyết Cái trống thiếc.
    Những cuộc tranh luận trên báo chí, vô tuyến truyền hình và ngay trong trường Ðại học nơi tôi làm việc khiến cho tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên, tôi ý thức được, và chứng kiến rõ ràng, là thói philistine đạo đức giả không có biên giới. Các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ, ngay cả trước sự kiện xảy ra tại Oklahoma, đã gọi Grass là a controversial writer-một nhà văn gây tranh cãi, dù tôi không tin rằng, Günter Grass muốn dùng các tác phẩm của mình để tranh cãi với bất cứ ai. Ông biết điều ông viết!
    Tuy vậy, Günter Grass vẫn còn gặp may. Tiểu thuyết của ông, cho dù có gây tranh cãi, vẫn được dịch và bán trên toàn thế giới. Phim Cái trống thiếc, dẫu có bị cấm tại Oklahoma, trước đó, năm 1979 vẫn đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Còn người đồng đạo kém may mắn của ông, một controvesial writer khác, cũng chỉ vì một cuốn tiểu thuyết, mà bị kết án tử hình vắng mặt và bị truy sát trên toàn thế giới, phải sống cuộc sống chui lủi hơn mười năm nay ở Anh.Vâng, tôi muốn nhắc đến Salman Rushdie, tác giả Những vần thơ Quỉ (SatanicVerses). Số phận của ông, cũng giống như số phận những tác phẩm của Günter Grass, Bulgacov và ngược lên trên nữa, số phận của những người khổng lồ như Jonathan Swift, Rabelais hay Cervantes khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: vì sao những thế lực cường quyền lại căm ghét họ đến như vậy?
    Ðể hiểu được nguyên nhân của mối hận thù đó, hãy thử lấy một ví dụ nhỏ! Ðể cắt ngang lời phát biểu dài dòng của tôi hôm nay, chỉ cần một trong số những người ngồi đây khẽ cười khẩy. Cái cười đó, nhẹ nhàng nhất, sẽ khiến tôi lập tức rùng mình và bỗng nhiên, hoài nghi những lời tôi vừa nói trước đó. Tôi sẽ ấp úng, sẽ vặn vẹo người, những lời nói cao nhã bỗng biến đâu sạch và đến cuối buổi ra về, vẫn còn ấm ức mỗi khi nhớ lại cái cười nhạo ngạo mạn đó. Thế mà những tác phẩm của các nhà văn tôi vừa kể ở trên lại là một nụ cười nhạo khổng lồ, tiếng cười khiến cho cả xã hội bỗng chốc nghi ngờ toàn bộ những rường cột đạo đức, xã hội và chính trị của mình, là tiếng thét diệt-thuỷ-tinh của Oskar khiến xã hội rùng mình và toàn bộ nền tảng của nó rung lên, kêu răng rắc khiếp sợ. Thử hỏi tại sao lại không căm ghét họ cho được?
    Günter Grass hẳn ý thức được điều ấy! Ông giải thích, sức mạnh của văn học, nằm trong khả năng chứng tỏ "sự thực luôn ở số nhiều", và đó cũng chính là lý do khiến những người muốn "chỉ có một sự thực" căm ghét nó. Tính chất của nhà văn, ông nói, khiến cho họ không để cho quá khứ ngủ yên, họ mở lại những vết thương đã liền miệng, tìm ra những bí mật tưởng đã bị chôn vùi, hạ bệ các thần tượng...Tệ hại hơn, họ không chịu sống hoà với những kẻ chiến thắng của lịch sử. Họ luôn quẩn quanh bên cạnh những kẻ thua cuộc trong tiến trình lịch sử, những kẻ có biết bao điều phải nói mà lại luôn bị bịt mồm bịt miệng. Giống như lời của anh hề lùn Bebra trong Cái trống thiếc nói với Oskar, những nhà văn chân chính ít khi đứng trên khán đài, chỗ của họ luôn luôn ở bên cạnh những người đứng dưới.
    Giá trị của Cái trống thiếc là ở chỗ đó. Tiếng trống ngạo nghễ của Oskar khiến xã hội nhốn nháo, khiến con người phải xem lại chính mình, khiến cho các giá trị đổi chỗ cho nhau. Tiếng trống nhỏ xíu của Oskar reo rắc những mầm nghi ngờ, những thứ sẽ nẩy chồi nên những tạo vật kỳ lạ của cái Mới. Và theo nghĩa đó, giới thiệu Cái trống thiếc đến với độc giả Việt Nam, dịch giả Dương Tường đã gieo mầm cho hi vọng của những thay đổi trong văn học Việt Nam ngày mai.
    Cám ơn các bạn
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain
  3. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    Trước hết nói về bản dịch
    Tôi nghĩ có hơn một người dịch tác phẩm này, có những chỗ không nhất quán ví dụ: hiệp sĩ Teuton và Hiệp sĩ Tơtông,...
    khổng biết bản của tôi thế nào chứ chữ gã hầu như được in thành giã (?), và còn nhiều lỗi chính tả ( hay từ lạ nhỉ ) khác mà đọc xong chả hiểu gì.
    Thực sự nó có hay như người ta nói không?

    Trán người già lận giấu đem đen
    Đôi mắt trẻ sóng xô từng vầng sáng
  4. mitthoi

    mitthoi Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    474
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ phải xem phim rồi đọc quyển đấy mới thấy hay, tôi đã may mắn được xem bộ phim này do viên gớt giới thiệu, có lẽ ngôn ngữ điện ảnh làm ta thấy thấm những tư tưởng vĩ đại như bài phân tích ở trên dễ hơn ngôn ngữ văn học chăng
    mit
  5. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Văn Chinh
    Sự nhúc nhích của văn chương qua "Cái trống thiếc"
    Có hai cuốn sách tôi đọc khi đã trưởng thành nhưng khiến tôi sút hai cân là Tội ác và trừng phạt (1982) và Cái trống thiếc vào cuối tháng trước. Thật lý thú là sau khi người ta đã chán nản nhiều sự, chán đến cả văn của mình mà rồi còn bị hấp dẫn đến mức đọc mấy đêm liền tù tì một cuốn sách gây sốc bởi có cảm giác bản thân bị bới móc và sỉ nhục. Do đó, dù rằng trước một cử tọa chọn lọc này, tôi vẫn liều nói mấy lời với sự tin vào tinh thần dân chủ của các vị chuyên nghiệp khả kính.
    Xin trước hết nói rõ hơn khái niệm nhúc nhích. Văn chương từ Homer tới giờ nói chung không tiến được mấy độ đường, nó khác hẳn với văn minh. Thậm chí tuyến tính không có mấy vai trò ở chỗ này. Và giữa những đỉnh khác nhau, ví dụ như Anh hùng ca Odyssee với sử thi M'Nông Tây Nguyên mới phát hiện chẳng hạn, là thung lũng của những nhà văn thời vụ với rất nhiều tài năng và ảo tưởng làm nền (trên cái nền ấy ta có thể thấy nhô lên những Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, John Steinbeck, Sidney Sheldon vân vân). Nếu ta xếp các đỉnh đó theo lịch trình văn chương, ta sẽ vừa có cảm giác không hề có sự chuyển dịch cũng như thật khó thấy ngọn Everest cao lên vài phân như người ta bảo; nhưng ta cũng lại vừa thấy rất khác nhau về cách thức biểu đạt. Tôi tạm gọi tính chất nhùng nhằng ấy là sự nhúc nhích trong khi chờ một hình dung từ đúng hơn.
    Cái thằng bé Oskar sinh ra trong một thời kỳ buộc nó phải khôn ranh sớm, nó sớm ý thức rằng cần phải ngụy trang để tồn tại bằng cách là sẽ không lớn nữa. Không chỉ trong chiến tranh, khi hòa bình được vãn hồi, nó định chui khỏi vỏ bọc 94 cm bằng rất nhiều đau đớn để lớn thêm 21 phân nữa, nhưng nó cay đắng nhận ra rằng, tốt hơn là cứ tiếp tục ngụy trang trước cả khi ông thầy lùn Bebra chỉ trích gay gắt sự ảo tưởng của nó. Nhờ ngụy trang, nó mới ăn mày và bòn mót được kha khá lòng thương cảm cùng với tí chút yêu thương của rất ít người. Và nó dùng luôn cái lùn, cái dị biệt để kiếm ăn trên sự nông nổi, sự thích thú với việc lấy cái xấu của đồng loại để cười, để che đậy cái xấu của chính mình giữa những con người được coi là lành mạnh. Nguồn gốc ra đời từ cái váy bốn tầng của bà ngoại Koljaizek - mẹ Oskar được xác định chắc chắn, còn ông ngoại - kẻ phóng hỏa thì từ thật đến càng ngày càng mơ hồ. Mô típ trở lại với chính nó bằng hai ông bố giả định và thằng con - nhà phân phối đá lửa chợ đen của nó. Cái thật, cái đẹp thế hệ váy bốn tầng thì còn lòe nhòe tới cuối sách cùng với niềm tin ông ngoại tỷ phú vẫn sống đâu đó ở bên Mỹ; còn ở thế hệ váy mini thì chết yểu; thế hệ ******** bờ bụi thì sống khỏe, thế hệ nhà nghỉ giờ thì chán sống mà chết non. Hình như văn học trước G.Grass có cất công đi tìm nguồn gốc con người, sự tìm chưa thấy thì đến lượt mình, G.Grass ấn định tồn nghi bằng giả định để bận tâm viễn vọng vào điều nguy hiểm chết người là cái tha hóa - quả là một trí tuệ khôn ngoan. Bằng vào chỗ này thì tác giả có vẻ rất Ðức? Nhưng ở chỗ cay đắng đến phẫn nộ xuyên suốt cả ngàn trang sách như một thứ nhạc cảm toàn tuyến thì xem ra quê hương ông là Ba Lan? Tôi bỗng nhớ lại sự nhập nhòa của văn học ngoại biên thời văn học Liên xô còn khá sung sức với Anatoli Kim - một nhà văn Nga gốc Triều và càng tin vào cái điều tồn nghi từ khi tôi đọc anh ta: Phải chăng, nên chú mục phát hiện con người ở vùng biên cõi - nơi còn nhiều hoang hóa thì dễ hơn? Thì ra, G.Grass mới là tiên khởi.
    Trên tiến trình văn minh có một mâu thuẫn thường trực giữa hai phạm trù đạo đức truyền thống và hành lang pháp lý (gọi tắt là đạo - lý) dành cho tự do của con người, sự cãi vã không ngã ngũ của đạo - lý là mảnh đất Jerusalem dành cho chức nghiệp nhà văn và ở chỗ này, G.Grass có tư cách một nhà văn trưởng môn phái. Oskar muốn không bị chết nên tố giác Jan Bronski - bố giả định mà nó rất yêu với kẻ chiếm đóng, khiến ông ta bị bắn; đạo đức truyền thống khiến ta sững sờ nhưng nhà văn thì lạnh lùng và ngô nghê dẫn ta đi tiếp, khiến ta quên đi. Nhưng đến khi Oskar vốn ngấm ngầm hận ông bố pháp lý Alfred Matzerath ăn cướp mối tình đầu, chiếm cả thằng con bất trị của nó, để rồi nó đã dùng bẫy bật kim gài huy hiệu đảng mà nó chắc chắn rằng Matzerath sẽ nuốt và sẽ chết; đến khi đó, ta bỗng không thể yên tâm về cái ta đã đoán quyết về cái chết của ông bố giả định. Nếu không có chiến tranh, thì không có sự "bất hiếu" kiểu ấy. Mà chiến tranh thì không phải do Oskar Trống gây ra, nó cũng không thừa người tình để có thể dùng làm vật phẩm báo hiếu bố pháp lý. Còn cái án ở phòng tuyến Ðại Tây Dương, do nó không đi lấy cà phê khiến người yêu Raguna bị chết thì chứng cứ ngoại phạm của nó là sự khôn ngoan - gia sản hàng hóa duy nhất mà nó có được trong quá trình giao thiệp với con người. Có màu sắc tiên tri ở ẩn dụ ghê gớm này: Chỉ dựa vào tình yêu, vào đạo đức truyền thống, con người sẽ dễ bị lừa mị mà tự nguyện dấn thân cho các cuộc thử nghiệm văn minh; nhưng ngược lại, nếu dung hòa cảm tính với lý trí thì không những rất khó mà còn luôn luôn mấp mé bi kịch của cơn sốt trưởng thành nhân loại (từ lời tiên tri của G. Grass, tôi xin nối điêu rằng, bi kịch trưởng thành còn gây tai họa cho loài người ít nhất là nửa đầu thế kỷ này nữa, nhất là ở các nước phương Ðông). Một ẩn dụ ghê gớm nữa: Về mặt hình thức, Fajingold là kẻ chiến thắng, đúng hơn là lão từ kẻ chiến bại thành chiến thắng; lão thành kẻ chiếm đóng Danzig sau khi trải qua trại tập trung, qua cái chết của vợ con lão, khiến lão gần như tâm thần, như AQ. Lão luôn luôn cảm thấy huy hoàng của chiến thắng trong cuộc sống gia đình vô hình của lão. Cho đến khi bị nàng Maria bột sủi thức tỉnh, thì lão thấy ra con cá kiếm chiến thắng đã chỉ còn là bộ xương vô nghĩa lý mà thôi. Cho đến trước G.Grass chưa ai huỵch toẹt ra những sự thật phũ phàng là giáo lý cha con tựa dòng thiếc nóng chảy theo một chiều khuôn áp đặt, là nhân dân nông nổi dưới bóng quạ chiến tranh xâm lược, là bi kịch của mâu thuẫn đạo - lý...
    Sự vỡ òa ra cả loạt sự thật đưa ta từ chỗ phẫn nộ mà cay đắng lủi thủi trở về như những kẻ đê nhục tổ tông, với nỗi khắc khoải nên khôn hay nên dại đây? Nên khóc hay nên cười đây? Mặt khác, sự òa vỡ cũng dẫn ta trở về với cấu trúc vững chãi hay như người ta thường nói là thi pháp của tiểu thuyết, không thể choãi ra. Hình tượng nghệ thuật Oskar siêu phàm dưới cái vỏ hồn nhiên lùn tịt, cùng với cách hỏi trống, kể chuyện bằng trống và đặc biệt là giọng hủy diệt thủy tinh không những tồn tại với tư cách ẩn dụ bện thừng toàn tuyến, nó còn khiến ta bất yên, gợi ra nhiều chiều nhưng chung cuộc thì thấy con người nhếch nhác đấy nhưng cũng thật đáng thương đấy, dù đó là bạn đọc bảo hoàng hơn vua hay những người dân chủ chúng ta.
    Tôi không rõ hình dung "cái áo khoác của Gogol" có giông giống cấu trúc mở của tiểu thuyết đồ sộ Cái trống thiếc nhưng tôi thấy tiểu thuyết của G.Grass có một bão từ ghê gớm; một tý nhân xưng "thiếu nhất quán" của nó đủ làm nên cái duyên lạ lùng của Linh sơn và không thể nói rằng cô em họ lai số đỏ này từ Sao Hỏa sinh ra; một tý cuốn sách tạp giao Goethe và Raputin giấu trên tầng áp mái hình như cũng sinh sôi nhiều chi phái? Ðành rằng nó là thuộc tính của văn học, nhưng tôi muốn coi nó như một chứng chỉ văn bằng về sự nhúc nhích của văn chương sau khi Günter Grass cho in Cái trống thiếc vào giữa thế kỷ XX và sau khi nó "được giải Nobel vào giao thừa hai thế kỷ"- nói như dịch giả Dương Tường mà tôi đặc biệt cảm ơn bản tiếng Việt rất xuất sắc của ông cùng với sự cảm ơn quý vị.
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain
  6. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Trong tay tôi thì chẳng có bản tiếng Việt nào cho nên cũng chẳng thể trả lời câu hỏi của bạn Egoist được. Những vấn đề mà bạn đưa qua quả thật cũng đáng xem xét, nhưng từ cái công việc lỗi chính tả mà đi thẳng đến chuyện hay dở của tác phẩm phải chăng là quá vội vàng.
    Với tinh thần cởi mở mà một đôc giả tốt thường có thì những sai xót trong in ấn hay lỗi nhỏ trong bản thảo lẽ ra nên được xem xét và tha thứ. Một chuyện rất thường xảy ra trong tranh luận học thuật là cứ cấm đầu vào tiểu tiết, tranh luận đầy ác ý, chuyện bé xé ra chuyện to...trong khi cái chuyện to thật thì chẳng đá động gì tới.
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain
  7. cattora

    cattora Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/02/2002
    Bài viết:
    167
    Đã được thích:
    0
    Trong khi chú Egoist đang nghiên cứu xem xét, cân nhắc trước khi đặt ngón gõ bài trả lời bạn, tớ mạo muội có mấy í sau :
    Nếu là văn xuôi thì chính tả cứ phát triển hoang dại lại hoá hay. Nhưng là thơ thì vấn đề không đơn giản như bạn nghĩ đâu ạ vì 1 quyển tiểu thuyết dày 10000 trang có thể chỉ được ĐỌNG lại mấy câu thơ mà thôi (khỏi chứng minh). Vì thế chuyện chính tả cực kỳ quan trọng đối với việc cảm nhận 1 tác phẩm thơ mà sự cảm nhận này, tất nhiên, còn cần cả các con gà thiến nữa. Có người trên VNN3 nói rằng Nguyễn Bính phải thức trắng mấy đêm để nghĩ từ "ngồi" cho 1 bài thơ của mình. Hồng Thanh Quang, trong 1 buổi sinh hoạt thơ trên VTV cho các mầm non, có hỏi "Bạn hãy điền 1 từ vào chỗ XXX trong đoạn thơ sau : Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay. Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài trời mưa XXX bay". Không ai trả lời được từ "bụi". Nữa, HTQ lại hỏi "dải đê" và "thôi đê" cái nào dài hơn? Chịu. Tắc. Tam sao thất bản là vậy mà.
    Được cattora sửa chữa / chuyển vào 09:55 ngày 11/12/2002
  8. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    " Nếu là văn xuôi thì chính tả cứ phát triển hoang dại lại hoá hay" , đọc câu này mà tôi lạnh cả mình. Chuyện đó chắc là ngoài tầm hiểu biết của tôi rồi. Còn chuyện tiểu thuyết liên hệ với chuyện thơ ca lại là một chuyện khác ngoài tầm hiểu biết của tôi nữa. Đọc một quyển tiểu thuyết 10,000 trang mà chỉ ĐỌNG được một vài câu thơ (khỏi chứng minh)? Luận điểm mang nhiều tính bác học và khoa học nhận thức như vậy thì tôi đành chịu. Mà bạn cũng hổng cần mất thời gian chứng minh làm gì, vì chứng minh thì tôi cũng chẳng hiểu nổi.
    Theo tôi hiểu thì chuyện chính tả là cực kì quan trọng cả trong thơ lẫn văn xuôi. Hoạ chăng điểm khác nhau là văn xuôi tương đối dàn trải, còn thơ thì chú trọng tính cô động. Cho nên sai chính tả một hai chữ trong văn xuôi thì người đọc có thể đoán ra được nội dung hay có thể cả câu đúng, còn với thơ thì đành chịu...
    Một quyển sách nghiêm túc lẽ ra không nên mắc những sai lầm về chính tả, nhất là đối với dịch giả cỡ như ông Dương Tường. Nhưng như trên tôi đã nói đến thái độ của một "độc giả tốt", một người biết người biết của, đối với chuyện lặt vặt về chính tả thì có thể bỏ qua chăng (tôi không mong nhận được lời giảng giải "bác học " của ai đó về tầm quan trọng của chính tả). Một sự rộng lượng mà một độc giả tốt cần nên có (hay sự rộng lượng của một người bình thường)? Nên chăng chúng ta nghĩ như vậy?
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain
    Được tao_lao sửa chữa / chuyển vào 13:18 ngày 11/12/2002
  9. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    to Tao lao
    Câu hỏi em đặt ra chỉ là câu hỏi dành cho nguyên tác mà em không có khả năng đọc. Em thì dốt ngoại ngữ, cho nên chỉ có thể đọc qua bản dịch thôi, đọc bản dịch thấy sao em nói vậy. Chắc cái nhà bác Tao lao đã đọc qua nguyên bản rồi nhỉ !
    em nghĩ câu này là một tiên đề !

    Trán người già lận giấu đem đen
    Đôi mắt trẻ sóng xô từng vầng sáng
  10. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Bản tiếng anh của tác phẩm Cái trống thiết có thể tìm đọc tại địa chỉ:
    http://www.bookrags.com/notes/ttd/
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain

Chia sẻ trang này