1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tác phẩm Nga - Xô chọn lọc

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 04/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov​
    Giận Dỗi​

    Quỷ tha ma bắt cô đi? Cô làm gì từ sáng đến giờ mà cơm nước tanh bành thế này. Tôi đi làm hùng hục cả ngày, về đến nhà được cô cho ăn uống thế này sao? á, à, cô định không cho tôi nói hả? Tôi cứ bắt đầu lên tiếng là cô lại giở cái võ nước mắt ra chứ gì? Thà chết còn hơn lấy phải cô vợ thế này.
    Vừa gầm gừ, người chồng vừa gõ thìa vào đĩa, rồi ném khăn ăn xuống bàn, tức giận bỏ sang phòng khác sau khi đập mạnh cánh cửa. Người vợ bật khóc, lấy khăn tay chấm nước mắt rồi cũng bỏ sang phòng khác. Bữa ăn kết thúc ở đó.
    Người chồng vào phòng đọc, gieo mình xuống đi văng, giúi mặt vào gối.
    "Đúng là điên thì mới lấy vợ - anh ta nghĩ - cuộc sống gia đình mới "ấm áp" làm sao! Thật không còn gì để nói nữa.Vừa mới lấy vợ được mấy tháng đã muốn treo cổ tự vẫn rồi".
    Mười lăm phút sau có tiếng bước chân khe khẽ ở ngoài của phòng đọc...
    "Biết ngay mà. Hành hạ người ta, chửi rủa người ta, bây giờ lại định đến làm lành ấy à? Quên đi nhớ? Thà chết chứ nhất định lần này mình không chịu nhún!"
    Có tiếng kẹt cửa. Ai đó bước vào phòng, nhẹ nhàng đi về phía đi văng.
    "Được rồi, cứ xin lỗi đi! Cứ khóc lóc, vật nài đi! Tôi sẽ cho cô biết thế nào là lễ độ. Tôi thà chết chứ nhất định không thèm đáp lời cô đâu"
    Người chồng giúi sâu mặt vào gối làm bộ như đang ngủ say. Nhưng xem ra đàn ông cũng yếu đuôi như đàn bà, cũng dễ mủi lòng lắm chứ. Khi thấy có một bàn tay ấm nóng đặt lên lưng. Người chồng vờ ngả sang một bên.
    "á à lại sắp giở cái trò ôm ấp, hôn hít ra đây mà. ôi, mình không thể cầm lòng trước sự dịu dàng như thế này được! Nhưng dù sao cũng phải tha lỗi cho cô ấy. Không nên làm cô ấy quá xúc động, lo lắng khi bụng mang dạ chửa thế này. Chỉ dày vò chút xíu thôi, phạt một chút xíu thôi rồi tha cho cô ấy vậy".
    Người chồng nghe thấy tiếng thở dài ngay bên tai mình và cảm nhận được một bàn tay nhỏ bé đang chạm vào vai và cổ.
    "Đây là lần cuối cùng mình tha thứ cho cô ấy. Dày vò cô ấy thế là đủ rồi. Thực ra mình cũng có lỗi trong chuyện này. Chỉ vì một chuyện vớ vẩn mà mình đã làm ầm lên rồi..."
    - Thôi được rồi, anh không giận em nữa đâu, em yêu! - Người chồng quờ tay ra phía sau ôm lấy cái thân thể ấm áp ấy.
    - ối!
    Người chồng quay đầu lại, hóa ra đó là con chó Đanka lông xù.
    Người dịch: Hà Việt Anh
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton Tchekhov
    Hỏng Việc​

    Tôi muốn khóc, khóc thật to, hoặc gào lên cho nhẹ bớt cõi lòng.
    Hôm ấy là một ngày tuyệt đẹp. Tôi ăn vận thật sang trọng, tóc trải bóng mượt, xịt nước hoa thơm lừng, tóm lại hào hoa như Đông Joăng để đến gặp nàng. Nàng sống ở nhà nghỉ tại Xacônhiki. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, có một món hồi môn là 30.000 đồng vàng, nàng có học đôi chút và yêu tôi, một nhà văn quèn, yêu kinh khủng, với một tình yêu hết sức dịu dàng.
    Khi đến Xacônhiki tôi bắt gặp nàng ngồi trên chiếc ghế quen thuộc của chúng tôi dưới hàng thông mọc thẳng tắp. Thoáng nhìn thấy tôi nàng đứng dậy, nét mặt rạng rỡ:
    - Chàng thật tệ? - nàng cất lời - vì sao chàng lại có thể đến muộn như vậy? Chàng biết là em rất buồn và mong chàng kia mà. Chàng thật là...
    Tôi hôn bàn tay thon thả của nàng rồi vội vã ngồi xuống ghế cạnh nàng. Lòng tôi rạo rực, xốn xang có cảm giác trái tim tôi đập loạn nhịp và muốn vỡ tung ra...
    Có gì là lạ đâu cơ chứ? Hôm nay tôi đến đây là để quyết định số phận của mình mà. Cuộc đời tôi từ ngày mai sẽ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc gặp gỡ chiều hôm nay. Tiết trời thật đẹp, nhưng tôi đâu có tâm trí nào mà để ý đến thời tiết cơ chứ! Thậm chí tôi còn không nghe thấy cả tiếng chim hoạ mi hót líu lo trên cao.
    Sao chàng cứ im lặng mãi thế - Âu yếm nhìn tôi, nàng khẽ hỏi.
    ừ, tại vì trời hôm nay đẹp quá! Thế... mẹ em hôm nay có được khoẻ không?
    Cám ơn chàng, bà vẫn khoẻ.
    Em biết không, Varvara Petrôpna, tôi muốn nói với em rằng... hôm nay tôi đến đây để nói với em rằng:.. suốt bao tháng qua tôi đã im lặng như một thằng ngốc... còn bây giờ đây tôi nghĩ mình không thể im lặng thêm được nữa.
    Varia e lệ nhìn xuống đất, những ngón tay của nàng run run vuốt ve bông hoa nhỏ. Chắc nàng cũng đoán được là tôi định nói gì. Tôi im lặng giây lâu rồi nói tiếp:
    - Chính tôi cũng không hiểu nổi vì sao mình lại có thể im lặng được lâu như vậy... Nhưng dù có rụt rè, có nhút nhát đến đâu đi chăng nữa thì cũng đến lúc tôi phải thú thật với em rằng... Có thể em sẽ giận tôi, sẽ trách cứ tôi nhưng... Tôi dừng lại một phút, cố gắng chọn những từ thích hợp.
    "Hãy nói đi chàng - đôi mắt nàng như giục dã - sao chàng cứ ấp a ấp úng mãi thế?"
    - Chắc hẳn em cũng đoán được rằng tại sao chiều nào tôi cũng đến đây và làm vướng mắt em... Làm sao một con người nhạy cảm như em lại không đoán được cơ chứ? Có lẽ từ lâu rồi... em đã cảm nhận được tình cảm mà tôi dành cho em, đúng không Varvara Petrôpna?
    Varia cúi đầu xuống thấp hơn nữa, những ngón tay nàng xoắn lấy nhau
    - Varvara Petrốpna!
    - Chàng gọi em à?
    - Tôi... Tôi... thật sự không biết phải diễn đạt tình cảm của mình như thế nào đây? Tôi... yêu em. Vâng, tôi yêu em nhiều lắm. Chỉ có mấy từ ấy thôi mà mãi tôi không thốt được thành lời... Tôi yêu em... biết nói thế nào cho em hiểu được những tình cảm mà tôi dành cho em bây giờ? Xin em hãy tìm tất cả những lời tỏ tình nồng nàn nhất, những lời thề son sắt nhất trong những trang tiểu thuyết tình yêu lãng mạn nhất có trên đời này, vâng, tất cả những thứ đó cộng lại sẽ là những gì đang dâng lên nghẹn ngào trái tim tôi lúc này. Varvara Petrốpna, tại sao em lại không nói gì thế?
    - Chàng bảo sao cơ ạ?
    - Chẳng lẽ em lại từ chối tình yêu của tôi?
    Varia ngẩng đầu lên và mỉm cười với tôi. "Trời ơi, nhìn đôi môi nàng kìa, nàng như muốn nói với tôi: "Em đồng ý!".
    Tôi cầm lấy đôi tay tuyệt đẹp của nàng mà hôn say đắm. Nàng đẹp quá! Trong lúc tôi âu yếm đôi bàn tay nàng, nàng ngả mái đầu xinh xắn của mình vào ngực tôi. Lần đầu tiên tôi chợt nhận ra rằng nàng có một mái tóc bồng bềnh rất dễ thương. Tôi hôn lên mái tóc thơm nồng ấy mà trong ***g ngực thấy ấm áp lạ kỳ, cứ như thể có một chiếc ấm Xamôva nóng hôi hổi đang ở trong đó vậy. Varia ngước mặt lên nhìn tôi. Không biết phải làm gì hơn tôi đặt lên môi nàng một nụ hôn nồng ấm.
    Vào đúng lúc nàng đã nằm trọn trong vòng tay tôi, lúc mà 30.000 đồng vàng sắp sửa thuộc về tôi, vâng vào cái giây phút mà tôi sắp làm chủ tương lai sáng lạn, có vợ đẹp, tiền đầy túi, sự nghiệp hứa hẹn rộng mở thì không hiểu sao tôi lại lỡ lời...
    Tôi bỗng muốn khoe mẽ, phô trương trước mặt nàng. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu được lúc ấy thực ra mình muốn cái gì nữa.
    - Varvara Pêtrốpna - sau nụ hôn đầu tiên tôi nói - Trước khi ngỏ lời cầu hôn chính thức với em tôi thấy mình có trách nhiệm cao cả là phải tâm sự thẳng thắn với em một số điều. Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này... Varvara, em có biết tôi là một người như thế nào không? Đúng, tôi là một con người trung thực, một con người cần cù. Tôi là một con người kiêu hãnh? Tôi sẽ có một sự nghiệp của mình... nhưng tôi... tôi rất nghèo. Tôi không có gì hết.
    - Em biết, - nàng nói, - nhưng có nhiều tiền không chắc đã có hạnh phúc.
    - Đúng. Nào tôi có định nói về chuyện tiền bạc đâu. Tôi đâu có hổ thẹn vì sự nghèo khó của mình Những cô pếch mà tôi kiếm được từ những tập bản thảo của mình không bao giờ tôi đổi lấy tiền trăm, bạc vạn mà người khác...
    - Em hiểu mà...
    - Tôi đã quen với sự túng bấn, đối với tôi nó không hề đáng sợ. Tôi có thể nhịn đói cả tuần... Nhưng còn em, liệu em có thể đi được hai bước mà không có xe ngựa không? Có thể không sắm những chiếc váy áo mới không? Có thể vài ngày chỉ ăn bánh mỳ và uống nước lã xuông không? Em đã quen ném tiền qua cửa sổ mà không hề thấy tiếc. Vậy liệu em có thể vì tôi mà hy sinh hết những sung sướng, tiện nghi mà bấy lâu nay em đã quen không?
    - Nhưng em có của hồi môn, em có một khoản tiền kha khá mà.
    - Mấy chục ngàn ấy thì có ý nghĩa gì? Với số tiền ấy liệu chúng ta sẽ sống được mấy năm? Rồi sau đó thì sao? Là sự thiếu thốn, túng quẫn. Rồi những giọt nước mắt, những nếp nhăn, những sợi tóc bạc sẽ nhanh chóng xuất hiện. Hãy tin tôi, tôi biết tôi đang nói gì mà. Để đấu tranh với sự đói nghèo con người cần phải có một nghị lực phi thường mà không phải ai cũng có được.
    "Ôi tôi đang nói năng luyên thuyên cái gì thế không biết!" - Tôi dừng lại giây lát, rồi tiếp tục thao thao bất tuyệt:
    "Tôi xin em hãy suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi quyết định gắn bó cả cuộc đời với tôi. Nếu em có được cái nghị lực ấy thì hãy đi theo tôi, bằng không hãy từ chối lời cầu hôn của tôi khi còn chưa muộn. Thà rằng tôi mất em còn hơn phải chứng kiến cảnh em sống cực khổ. Một trăm rúp nhuận bút mà hàng tháng tôi nhận được không đủ cho em tiêu vặt. Em hãy nghĩ kỹ trước khi đã quá muộn."
    - Nhưng em có của hồi môn mà?
    - Là bao nhiêu tiền nào? Hai mươi ngàn? Ba mươi ngàn ư? Hay là một triệu? Tôi là một con người tự trọng, làm sao tôi có thể tiêu tiền bố mẹ cho em được. Không, không đời nào? Tôi đứng bật dậy, đi vòng quanh chiếc ghế. Varvara đăm chiêu suy nghĩ. Tôi hân hoan ra mặt. Rõ ràng là nàng phải rất kính trọng tôi thì những tâm sự của tôi về lòng tự trọng mới khiến nàng đăm chiêu, tư lự đến thế.
    - Em hãy quyết định đi, một đằng là có tôi và mất tất cả, một đằng là không có tôi nhưng em sẽ có một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Liệu em có đủ nghị lực vứt bỏ tất cả?
    Tôi đã luyên thuyên như thế rất lâu. Hình như càng nói tôi càng hăng thì phải. Khi lảm nhảm những điều vớ vẩn ấy, người tôi như bị tách làm hai. Một nửa thì suy nghĩ như những điều tôi nói, nửa kia lại ngạo nghễ: "30.000 đồng vàng thì tiêu đến bao giờ mới hết đây?"
    Varia kiên nhẫn nghe tôi nói, cuối cùng nàng đứng dậy, nắm lấy tay tôi và nói:
    - Cám ơn chàng - giọng nàng run run làm tôi thấy ớn lạnh. Tôi nhìn vào đôi mắt ngấn lệ của nàng. Hai má nàng cũng đã ướt nhòa nước mắt.
    - Cám ơn chàng vì sự chân thật của chàng. Chàng đã thật cao thượng khi nói thật những điều đó với em. Đúng là em rất yếu đuối... Em sẽ không thể chịu nổi những khó khăn như thế... Chàng nói đúng. Em với anh không không thể nên vợ nên chồng được....
    Rồi nàng khóc rưng rức. Tóc tôi dựng ngược cả lên. Tôi luôn cảm thấy khó ở mỗi khi nhìn thấy đàn bà khóc. Trong khi tôi đang loay hoay không biết phải xử trí thế nào thì nàng lấy khăn tay thấm khô nước mắt và nói:
    - Chàng nói đúng. Nếu em nhận lời lấy chàng tức là em lừa dối chàng. Em là con gái cành vàng, lá ngọc, yếu đuối lắm. Em không thể làm vợ của một người như chàng. Cả đời em đã quen ăn sung, mặc sướng, ra đường một bước là có xe đưa, xe rước , bữa nào cũng ăn sơn hào, hải vị. Chưa bao giờ biết đến món súp suông... Rồi váy áo thời trang nữa chứ. Mà chàng thì lấy đâu ra tiền... Xin vĩnh biệt? Em thật không xứng với chàng. Vĩnh biệt!
    Nói xong những lời ấy nàng quay gót vào nhà. Còn tôi cứ đứng trân trân nhìn theo bóng nàng. Đầu óc tôi trống rỗng, tôi bỗng thấy mặt đất dưới chân mình chao đảo. Khi bình tâm trở lại và biết được là mình đang ở đâu và vừa tuôn ra những lời ngớ ngẩn gì thì không còn thấy bóng nàng đâu nữa. Tôi muộn hét lên thật to: "Xin em hãy quay trở lại?", nhưng đã quá muộn.
    Ba ngày sau tôi trở lại nhà nàng. Mọi người nói cho tôi biết rằng nàng không được khoẻ và dự định đến Sang Peterburg thăm bà nội cùng cha nàng.
    Giờ đây nằm trên giường, tôi tự đấm ngực mình thùm thụp. Trái tim tôi như bị ai đó cào xây xước. Bạn đọc ơi, làm thế nào để thay đổi tình thế được bây giờ? Làm thế nào để lấy lại những điều đã trót nói ra? Tôi sẽ phải thanh minh với nàng ra sao đây? Thực sự là tôi không biết mình phải làm gì bây giờ. Chỉ vì khoe mẽ vớ vẩn mà tôi đã làm hỏng việc lớn. Rõ là ngớ ngẩn!

    Dịch giả: Hà Việt Anh
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov​
    Một cuộc gặp gỡ (I)​

    Efrème Denissov mơ màng nhìn vùng đất trơ trụi chung quanh. Cái khát quằn quại, anh khổ sở vì đau đớn khắp châu thân. Con ngựa cũng có vẻ mệt lả, kiệt sức dưới cái nóng thiêu đốt và không được ăn uống từ lâu, rũ đầu buồn bã. Con đường dốc lài lài xuống khu rừng thông mênh mông. Những ngọn cây tan loãng tới tận xa tít, cùng màu xanh với bầu trời. Người ta chỉ thấy chim uể oải bay và bầu không khí run rẩy trong những ngày hè oi bức nhất. Khu rừng nổi lên như những ụ đất, càng lúc càng cao và cái thảm xanh qủy quái kinh dị này dường như vô tận.
    Efrème tới từ làng sinh quán, thuộc tổng trấn Koursk, để quyên tiền cho ngôi nhà thờ bị cháy. Trong xe (1) đặt một tranh thánh vẽ trên gỗ, Đức Mẹ Kazan, mà nắng mưa đã làm phồng hở và dộp vảy. Trước bức tranh là hộp quyên tiền bằng sắt trắng, thành vách lồi u lên hé một khe khá rộng có thể nhét cái bánh bích qui vào không khó khăn gì.
    Một tấm biển trắng đóng đinh sau xe, viết lớn bằng chữ in ngày tháng năm, ở làng Malinovstsy, "Vì thánh ý Chúa, lửa của cơn hoả hoạn đã thiêu hủy nhà thờ", rằng với sự cho phép và ban ơn của những vị có thẩm quyền, cộng đồng đã quyết định phái "những người tình nguyện" đi quyên tiền về xây lại thánh đường. Bên cạnh xe treo cái chuông buộc vào một thanh ngang, nặng khoảng mười kí lô.
    Efrème không định được mình đang ở đâu và khu rừng mênh mông không hứa hẹn có cư dân nào ở gần. Anh dừng một lát, sửa lại đai mông ngựa và cẩn trọng đi xuống con đường dốc. Chiếc xe rung rinh, chuông phát ra những âm thanh làm gián đoạn cái im vắng chết người của một ngày nóng thiêu nóng đốt.
    Trong rừng, bầu không khí ngột ngạt mùi nhựa gai thông, mùi rêu và mùi lá mục rực lên đón khách. Người ta chỉ nghe tiếng vo ve nhè nhẹ vang vang quấy rầy của muỗi và bước chân Efrème đinh tai nhức óc. Xuyên qua rừng xanh, các tia nắng lướt mình dọc thân cây và những nhánh chồi bên dưới rồi tạo nhiều vòng tròn nhỏ trên nền đất râm chồng chất gai thông. Đó đây một cây dương xỉ hay cây mận còi chỉa lên bên cạnh thân cây ; chung quanh chẳng có gì khác.
    Efrème vừa bước bên cạnh xe vừa khuyến khích ngựa. Đôi khi bánh xe vấp vào rắn rễ cây bò ngang qua đường, cái chuông kêu leng keng phàn nàn như thể ngay cả nó cũng mệt bở hơi.
    Một giọng cứng ngắt chói tai bỗng vang lên cạnh Efrème :
    - Chào ông nội ! Chúc đi đường bình an !
    Một nông dân khoảng ba mươi, cặp giò dài, đang nằm cạnh đường, đầu gối lên tổ kiến. Gã bận chiếc sơ mi vải và chiếc quần bó không phải kiểu nhà quê, hai gấu nhét vào ủng đỏ, thấp. Cạnh đầu gã là cái mũ cát-két của nhân viên nhà nước, dơ tới nỗi chỉ một cái dấu nhỏ của chiếc phù hiệu mới cho phép đoán được màu nguyên thủy. Giấc nghỉ ngơi của gã nông dân có vẻ không yên tĩnh : trong khi Efrème quan sát thì tay chân gã quơ quậy không ngừng như thể bị muỗi xé xác hoặc bị bịnh ghẻ hành hạ. Nhưng mặt mày gã thì coi còn dị hợm hơn quần áo hay cử chỉ nữa. Cả đời, Efrème chưa gặp ai như vậy bao giờ. Xanh xao, tóc thưa thớt, cằm vểnh ra, một nhúm lông điểm phía trên trán, nhìn nghiêng trông mặt gã như vầng trăng lưỡi liềm. Mũi và hai tai nhỏ dị kỳ, mắt không linh động và nhìn chằm chặp vào một điểm trong không như mắt kẻ đần hay người bị điều gì làm kinh ngạc. Và để cho sự kỳ dị được trọn vẹn, cái đầu gã bẹp dí xuống hai bên làm lộ nửa vòng tròn bên dưới của sọ. Efrème hỏi :
    - Nè con chiên, nói nghe, từ đây tới làng có xa không ?
    - Không, không xa lắm. Tới thị trấn Maloié chừng hơn năm cây số thôi. (2)
    - Tớ khát không chịu nổi.
    Gã nông dân lạ lùng nói với một nụ cười :
    - Làm sao không khát được. Trời nóng khủng khiếp ! Nóng tới năm mươi độ hay hơn... Người ta tên gì nhỉ ?
    - Efrème, anh bạn ạ.
    - Còn tớ tên là Kouzma. Đằng ấy có biết câu ngạn ngữ của mấy bà mai không : "Tôi có Kouzma trong tay, ngày mai sẽ là ngày cưới".
    Đặt chân trên bánh xe, gã leo lên, chu môi hôn bức tranh thánh, hỏi :
    - Đằng ấy đi xa hả ?
    - Xa, anh bạn ạ !... Tôi ở tổng trấn Koursk, tận Moscou, mà bây giờ thì vội vàng tới Nijni cho kịp bữa hội chợ.
    - Đằng ấy đi quyên cho nhà thờ hả ?
    - Cho nhà thờ, anh bạn ạ. Cho bà hoàng của các thượng đế Kazan... Nhà thờ chúng tôi bị cháy rồi!
    - Sao mà bị cháy ?
    Lưỡi dày cộm lên vì mệt, Efrème bắt đầu kể hôm trước ngày thánh Elie, sấm sét đã rớt xuống nhà thờ Malinovstsy như thế nào. Như một sự cố tình, hôm đó cả dân làng và các tu sĩ đều ở ngoài đồng.
    - Những người còn ở trong làng thấy khói, muốn đánh chuông báo động, nhưng phải tin là nhà tiên tri Elie phẫn nộ chúng tôi : nhà thờ khoá cửa, và như vậy là cả gác chuông làm mồi cho lửa, không cách nào tới chỗ cái chuông được... Chúng tôi từ đồng trở về thấy toàn thể nhà thờ bị thiêu hủy. Chúa ơi, thấy mà sợ không dám tới gần !
    Kouzma vừa nghe vừa đi theo người khách. Gã chưa ăn uống gì mà bước chân thì như người say: hai cánh tay đong đưa, khi thì bước bên cạnh xe, khi thì đi phía trước... Gã dò hỏi :
    - Vậy thì họ trả lương cho đằng ấy hay sao ?
    - Lương gì ? Chính vì cho linh hồn mà tôi làm. Cộng đồng gửi tôi đi...
    - Vậy thì đằng ấy làm miễn phí à ?
    - Bạn muốn ai trả công tôi ? Tôi không đi tự nguyện, cộng đồng cử tôi đi, rồi chính cộng đồng sẽ gặt hái, sẽ gieo mạ và sẽ trả thuế cho tôi... Như vậy thì đâu có miễn phí !
    - Đằng ấy sống bằng cái gì ?
    - Tôi nhân danh Chúa xin của bố thí.
    - Và con ngựa thiến này, nó thuộc về cộng đồng à ?
    - Thì chớ sao...
    - Này, này... Đằng ấy có thuốc lá chứ ?
    - Tôi không hút thuốc bạn ạ.
    - Nếu con ngựa kiệt sức thì đằng ấy làm sao ? Làm sao đằng ấy di chuyển ?
    - Sao lại kiệt sức ? Nó không kiệt sức đâu...
    Kouzma còn ba hoa đặt cả lố câu hỏi nữa : tiền và con ngựa sẽ ra sao nếu Efrème chết ? Nếu cái hộp đầy tới miệng thì người ta bỏ tiền vào đâu ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái đáy hộp sút ra? Efrème không trả lời được và chỉ vừa thở vừa nhìn người bạn đồng hành, rất đỗi ngạc nhiên.
    Kouzma nắm tay đẩy cái hộp và liến thoắng :
    - Ê, nó đầy quá nè ! Nó nặng cách gì ! Chắc chắn là nó có cả khối tiền bằng bạc trong đó, nhỉ ? Và nếu chỉ toàn những đồng bằng bạc ? Này, đằng ấy gom góp được nhiều chớ hả ?
    - Tôi không đếm, tôi không biết. Người cho tiền đồng, người cho tiền bạc. Nhưng bao nhiêu thì tôi không thấy.
    - Còn bạc giấy, có chứ hả ?
    - Người giàu và nhà buôn có cho bạc giấy.
    - Những tờ giấy bạc đó, đằng ấy cũng để trong hộp à ?
    - A không ! Bạc giấy mỏng manh dễ rách... Tôi bọc trong túi trước ngực.
    - Và đằng ấy có được bao nhiêu ?
    - Khoảng hai mươi sáu rúp. (3)
    - Hai mươi sáu rúp, Kouzma vừa nói vừa so vai, quê tớ ở Katchabrov - muốn hỏi ai thì cứ hỏi - nội mấy cái cây trồng ở nhà thờ mà người ta đã cho ba ngàn rúp rồi ! Tiền của đằng ấy không đủ để mua đinh ! Thời buổi này, hai mươi sáu rúp không hơn cái khạc ! Bạn già ơi, nội giá trà, đã là một rúp rưỡi nửa kí lô rồi, mà người ta còn không muốn bán... Đằng ấy thấy thuốc tớ hút đây không ? Với tớ thì được, vì tớ chỉ là nông dân, một người giản dị. Nhưng nếu một sĩ quan hay sinh viên...
    Kouzma thình lình chặp hai tay lại và luôn luôn tươi cười :
    - Tại bót cảnh sát, cùng lúc với tớ có một người Đức làm việc ở sở hoả xa. Cái gã ấy, ô bạn già ơi, gã hút xì gà mỗi điếu giá mười kô-pếch (3). Hả ? Mười kô-pếch ! Họ đốt dễ dàng cả trăm rúp mỗi tháng như không. Ông nội nghĩ sao về chuyện đó ?
    Gã suýt nghẹt thở vì kỷ niệm dễ chịu này, và cặp mắt bất động bắt đầu nhấp nháy. Efrème hỏi :
    - Vậy là bạn đã trải qua bót cảnh sát à ?
    - Gì mà họ chỉ mới thả tớ ra hôm qua thôi - Kouzma vừa nói vừa nhìn lên trời - Tớ ở đó một tháng tròn.
    Chiều xuống. Mặt trời đã lặn rồi mà cái nóng ngộp thở vẫn không giảm. Kiệt sức, Efrème ơ hờ nghe người bạn đường. Họ gặp một nông dân và biết là thị trấn Maloié chỉ còn cách xa chừng hơn cây số. Lại thêm một đoạn đường nữa rồi chiếc xe ra khỏi rừng ; một khoảng rừng trống hiện ra, và như được tạo nên bởi quyền năng ảo thuật, một bức tranh sống động tràn ngập ánh sáng và tiếng ồn xuất hiện trước mắt hai người bộ hành. Chiếc xe đụng một đàn bò, cừu và ngựa bị xích chân. Bên kia đàn thú vật là đồng cỏ, lúa mì và đại mạch xanh ngắt, hoa mạch ba góc nở trắng toát. Xa hơn, thị trấn Maloié và ngôi nhà thờ thấp như sát xuống đất. Sau làng là một khu rừng khác hầu như đen kịt, trải dài ra xa. Kouzma nói :
    - Moloié đây rồi. Nông dân ở đây được nuông chiều sung sướng, nhưng toàn là một bọn cướp đấy.
    Efrème bỏ mũ ra và rung chuông. Hai nông dân ở gần giếng bìa làng bước tới cạnh xe. Họ hôn tranh thánh và hỏi những câu quen thuộc như bạn đi đâu, bạn từ đâu tới...
    - Này bà con ơi, phải cho người của Chúa uống cái đã - Kouzma bắt đầu liến thoắng vừa vỗ vai hai người - nhanh lên !
    - Làm sao mà tao có họ hàng với mày được ? Từ bao giờ ?
    - Giáp trưởng của anh với của tui là bà con cô cậu. Bà ngoại anh đã kéo râu ông nội tui từ làng Krasnoié !
    Suốt thời gian chiếc xe tới làng, Kouzma không ngừng tía lia và níu kéo người qua kẻ lại. Gã lấy cái mũ của người này, nện nắm tay vào bụng người khác, kéo râu người kia. Gã gọi các bà các cô nông dân là cưng, là nhỏ, là mẹ thương yêu của gã. Đối với các ông thì tùy theo điểm đặc biệt bên ngoài của họ, hoặc là anh tóc hung, chàng ngựa hồng, anh mũi lõ, anh chột... Cách pha trò này gợi được tiếng cười vui nhộn thẳng thắn. Chẳng bao lâu gã gặp mấy người quen. Nhiều tiếng kêu nổ ran : "A, bồ đấy hả Kouzma Chkvorenn ! Chào anh bị treo cổ ! Được ra tù bao giờ vậy ?"
    - Cho người của Chúa uống cái đã, các bồ ơi, Kouzma vừa lặp đi lặp lại vừa đong đưa hai tay, nhanh lên ! Nhanh hơn nữa !
    Gã làm vẻ quan trọng và hét thật to, tự cho mình vai trò che chở hay hướng dẫn "người của Chúa".
    Người ta chỉ định Efrème qua đêm trong căn nhà gỗ của bà cụ Avdotia, dân hành hương hay bộ hành thường trú ngụ ở đấy. Efrème thong thả tháo ngựa rồi dẫn tới máng nước gần giếng và tán gẫu với mấy người nông dân cả nửa tiếng đồng hồ. Rồi anh đi nghỉ. Kouzma đã đợi anh trong căn nhà gỗ.
    - A ông bạn đây rồi ! - gã nông dân kỳ dị kêu lên vui vẻ - Tới quán uống trà không ?
    - Trà hả ? Tốt quá - Efrème vừa nói vừa gãi - tốt quá, hẳn rồi, nhưng tôi không có gì cả bạn ạ. Bạn mời tôi hay sao ?
    - Mời đằng ấy à... tiền đâu ?
    Thất vọng, Kouzma dậm chân tại chỗ, rồi ngồi xuống nghĩ ngợi. Về phân Efrème thì vừa thở dài vừa gãi gãi với cử chỉ vụng về, anh đặt bức tranh thánh và hộp quyên tiền dưới bàn thờ của căn nhà (4), rồi cởi bỏ quần áo giày vớ, ngồi xuống. Một lát, anh đứng lên, đặt hộp quyên tiền lên ghế dài, ngồi xuống lại và bắt đầu dùng bữa. Anh nhai chậm chạp như bò cái và uống nước ồn ào.
    - Mình nghèo quá ! - Kouzma thở ra. Bây giờ mà uống được miếng vodka hay miếng trà thì tuyệt...
    Hai cửa sổ nhìn ra đường chỉ để lọt vào chút ánh sáng dè xẻn. Bóng tối bao trùm cả làng, những căn nhà gỗ trở nên tối tăm, đường biên của ngôi nhà thờ đã mờ nhạt, trải rộng ra và dường như chui vào lòng đất... Một ánh đỏ yếu ớt của mặt trời lặn phản chiếu lại, lấp lánh nhẹ nhàng trên chiếc thập giá gác chuông.
    Xong bữa, Efrème ngồi bất động hồi lâu, tay đan trên gối, dán mắt vào cửa sổ. Anh đang nghĩ ngợi gì ? Trong cái im lặng của chiều, khi người ta chỉ thấy trước mặt mình một cái cửa sổ mờ đục và phía sau nó thiên nhiên từ từ dịu xuống, khi người ta nghe tiếng sủa khàn khàn của những con chó lạ và tiếng đàn ắc-co-đê-ông the thé, thì khó lòng mà không tưởng nhớ tới gia đình. Những kẻ sống lang thang, kẻ mà cái khốn cùng, điều bất đắt dĩ hay chỉ vì do gàn dỡ khiến họ phải cách xa người thân - mới hiểu thấm thía là buổi tối yên tĩnh ở một vùng quê xa lạ mới dài dằng dặc và kinh khủng cỡ nào.
    Rồi thì, Efrème, đứng trước tượng thánh, ân cần đọc kinh thật lâu. Vừa ngã lưng lên băng ghế để ngủ, anh thở hắt ra một hơi dài và ngay là anh, cũng phải thốt lên :
    - Cậu rõ là một người buồn cười... Chỉ trời mới biết cậu được tạo ra như thế nào !
    - Tại sao vậy ?
    - Tại vì... Cậu không giống người ta. Cậu thường cười ngớ ngẩn, cậu nói không lý do, cậu vừa từ bót cảnh sát ra ...
    - Đằng ấy chỉ chực có vậy thôi ! Nhiều khi có nhiều ông rất bảnh ở bót cảnh sát đấy ! Đằng ấy này, bót cảnh sát chẳng là cái quái gì cả, tớ muốn ở đó cả năm, nhưng mà nhà tù thì hoàn toàn khác hẳn. Thiệt tình là tớ đã vào tù ra khám ba lần rồi, và không tuần nào mà ở toà án nông dân, người ta không quết cho tớ một trận... Tụi nó đều chống lại tớ, mấy thằng khốn ấy... Cộng đồng muốn đày tớ đi Sibérie. Họ đã tuyên bố bản án rồi.
    - Chắc cậu cũng xứng với hình phạt đó chớ ?
    - Tớ cóc cần ! Người ta có thể sống ở Sibérie như ở mọi nơi khác.
    - Còn bố mẹ cậu, còn sống chứ ?
    - Ổng bả rầy rà tớ quá. Ư~, ổng bả còn sống, chưa ngoẻo...
    - Cậu đã làm gì cho bố mẹ mở mày mở mặt chưa ?
    - Tớ cóc cần... Đối với tớ thì bố mẹ tớ là kẻ thù ghê gớm nhất của tớ, chính ổng bả đánh mất tớ ! Ai đã khiến cho cộng đồng chống lại tớ ? Ông bả chớ ai, và cái ông chú Stéphane của tớ nữa... Không ai khác cả...
    - Làm sao cậu biết được, hả chàng ngốc ? Cộng đồng không cần tới ông chú Stéphane mới biết cậu là người thế nào... Và còn tại sao mấy người nông dân ở đây lại gọi cậu là "anh bị treo cổ" ?
    - Tại vì, khi tớ còn bé, thiếu chút nữa là mấy cha nông dân giết tớ rồi. Họ treo cổ tớ lên cây, mấy thằng chết tiệt đó. Tạ ơn Chúa, mấy người nông dân Ermolinsk đi ngang qua thấy, đã cứu tớ...
    - Một phần tử vô ích của xã hội !
    Efrème vừa nói vừa thở ra. Rồi anh quay mặt vào tường, chẳng bao lâu đã ngáy.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 17:02 ngày 13/06/2004
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Anton P. Tchekhov
    Một cuộc gặp gỡ (II)​
    Giữa đêm anh thức dậy ra thăm ngựa thì Kouzma không có đó. Một con bò cái trắng đứng trước cửa mở toang, êm ả nhìn vào lối đi và cạ sừng vào khung cửa. Mấy con chó đang ngủ say. Bầu không khí bình yên tĩnh lặng. Xa xa trong bóng tối, giữa cái im vắng ban đêm, một con gà nước gáy to lên và con chim cú nức nở từng tràng dài.
    Tới bình minh, khi Efrème tỉnh dậy lần thứ hai thì Kouzma đang ngồi ở bàn, trên chiếc băng dài, vẻ trầm ngâm. Một nụ cười ngây ngô của người say rượu đông cứng lại trên khuôn mặt xanh xao của gã. Những ý nghĩ hân hoan kích động chắc đang chao lượn trong cái đầu bẹp dí ; gã hổn hển như thể vừa leo núi.
    - A, người của Chúa ! - gã nói khi thấy Efrème thức dậy, rồi tiếp theo với nụ cười ngượng nghịu
    - Đằng ấy muốn bánh mì trắng không ?
    - Cậu đi đâu vậy ? Efrème hỏi.
    - Hi-i-i, hi-i-i.
    Kouzma làm như vậy cả chục lần và không bỏ nụ cười đông cứng trên mặt, rồi cuối cùng người lảo đảo vì cái cười co giật :
    - Tớ uống... trà... trà... và rượu vodka.
    Rồi gã bắt đầu dông dài kể trong quán rượu, gã đã uống trà và vodka với những người chạy xe hàng ghé qua như thế nào. Vừa nói, gã vừa rút trong túi ra mấy que diêm, một phần tư gói thuốc và vài cái bánh mì trắng nhỏ...
    - Đây là diêm Thụi Điểng, cầm này ! Pxi... - vừa nói gã vừa lần lượt đốt mấy que diêm và châm điếu thuốc - diêm Thụi Điểng chính cống ! Xem này !
    Efrème vừa ngáp vừa gãi, rồi thình lình như bị chích, anh nhảy dựng, vén sơ mi lên và sờ mó chiếc ngực trần. Rồi cứ dậm chân tại chỗ như gấu, anh cầm từng cái quần cái áo cũ mèm lên khám xét, nhìn dưới chiếc ghế dài, mằn mò vào ngực...
    - Tiền biến mất rồi ! - anh nói.
    Anh bất động trong nửa phút nhìn sững cái ghế với vẻ ngơ ngác rồi bắt đầu tìm kiếm.
    - Thánh Nữ Đồng Trinh, tiền biến mất rồi ! Cậu nghe không ? - anh nói với Kouzma - Tiền biến mất rồi !
    Kouzma chăm chú ngắm nghía hình vẽ trên hộp diêm, im lặng.
    - Tiền đâu ? - Efrème vừa hỏi vừa bước tới phía Kouzma.
    - Tiền gì ? - Kouzma hờ hững hỏi giữa hai kẻ răng, không rời mắt khỏi hộp diêm.
    - Thì tiền... mà tôi giữ trên ngực đấy !
    - Tại sao đằng ấy quấy rầy tớ vậy ? Nếu mất tiền thì tìm đi !
    - Tìm ở đâu ? Tiền đâu ?
    Kouzma nhìn khuôn mặt đỏ rựng của Efrème và bất giác mặt gã đỏ theo :
    - Tiền gì ? - Gã vừa la to vừa đứng lên.
    - Tiền ! hai mươi sáu rúp ấy !
    - Chắc là tao lấy hả ? Mày làm phiền tao quá, thằng khốn !
    - Chẳng có gì là khốn nạn cả. Chỉ cần nói cho tôi biết tiền đâu ?
    - Chính tao lấy hả ? Tao ? Nói nghe đi : tao lấy hả ? Tao sẽ làm cho mày thấy tiền, đồ chết tiệt, sau đó thì mày sẽ không còn nhận ra cha ****** nữa !
    - Nếu không phải mày thì tại sao mày câm mồm ? Chắc chắn là mày thôi ! Chớ tiền nào mà mày tiệc tùng suốt đêm ở quán, rồi còn mua thuốc lá bằng cách nào ? Mày chỉ là một thằng ngốc, một thằng buồn cười ! Có phải mày gây thiệt hại cho tao đâu. Không, mày gây thiệt hại cho Chúa đấy!
    - Tao... tao lấy tiền hả ? Bao giờ vậy ? - Kouzma la lên với giọng chát chúa. Gã đưa tay lên và giáng quả đấm vào ngay mặt Efrème.
    - Này, cho mày đây ! Muốn nữa không ? Tao đếch cần mày là người của Chúa hay không.
    Efrème đành lắc đầu và không nói không rằng, bắt đầu mang giày.
    - Đồ bịp bợm - Kouzma la càng lúc càng kích động - nó lấy tiền uống rồi bây giờ buộc tội người khác, cái con chó già này ! Tao, tao sẽ đi kiện ! Mày sẽ nếm mùi lao tù vì tội vu khống và không được thả ra ngay đâu !
    - Nếu mày không lấy tiền, thì thôi im đi - Efrème bình tĩnh nói.
    - Này, mày cứ soát tao đi.
    - Tại sao mày lại muốn tao lục soát mày, nếu mày không lấy gì cả ? Không phải là mày thì thôi được rồi... La lối vô ích : mày không la to bằng Chúa đâu.
    Efrème mang giày xong và ra khỏi nhà. Khi anh trở lại, Kouzma mặt vẫn còn đỏ rực, đang ngồi bên cửa sổ, châm một điếu thuốc với hai tay run run. Gã gầm gừ :
    - Qủy già à, bọn chúng rất đông la cà ở đây và đánh lừa thiên hạ. Chỉ với tao, mày vô phước, bạn già à. Mày không đánh lừa được tao đâu. Tao biết rõ mấy trò này quá rồi. Đi tìm người đại diện đi. (4)
    - Để làm gì ?
    - Để lập bản án. Để người ta xử tụi mình trước toà án nông dân !
    - Xét xử chúng ta vô ích. Tiền không phải của tao, nó là của Chúa. Để Chúa phán xét chúng ta.
    Efrème đọc kinh và mang tranh thánh cùng hộp quyên tiền, ra khỏi căn nhà gỗ.
    Một giờ sau xe anh vào rừng. Làng Maloié, ngôi nhà thờ thấp, khu rừng thưa cùng ruộng đồng đã lùi xa và biến mất trong sương mù buổi sáng. Mặt trời đã lên nhưng còn ẩn mình sau khu rừng, chỉ ửng vàng các bià mây hướng về phía đông.
    Kouzma lẽo đẽo theo xe cách một quãng. Gã có vẻ như người bị xúc phạm nặng nề và bất công. Bị cái háo hức muốn nói gặm nhấm nhưng gã làm thinh, cố chờ chính Efrème phá tan bầu im lặng.
    - Gây chuyện với đằng ấy chẳng thú vị gì cho tớ, nếu không tớ sẽ cho đằng ấy nếm đủ mùi - gã nói như nói với chính mình - tớ sẽ dạy đằng ấy vu khống người khác, đồ qủy sói...
    Nửa giờ trôi qua trong im lặng. Người của Chúa vừa đọc kinh vừa bước, làm dấu thánh vội vàng, thở ra thật sâu và bắt đầu tìm bánh mì trong xe.
    - Tụi mình sắp tới Telibéievo rồi - Kouzma bắt đầu - toà hoà giải của tụi tớ ở đó. Đằng ấy cứ việc kiện đi.
    - Cậu nói để chẳng nói gì cả. Chuyện đó ăn nhằm gì tới ông toà ? Có phải tiền của ổng đâu ? Tiền của Chúa. Cậu sẽ biện minh trước Chúa thôi.
    - Thằng chả chỉ biết lải nhải : Chúa ! Chúa ! Cứ như con quạ. Như vầy nè : nếu tớ ăn cắp, phải xét xử tớ. Nếu không thì đằng ấy phải trả lời về tội vu khống của mình.
    - Làm như thể tôi có thì giờ chạy theo mấy cái toà án !
    - Vậy thì đằng ấy không tiếc tiền à ?
    - Tại sao tôi lại tiếc ? Không phải tiền của tôi, tiền của Chúa mà...
    Efrème miễn cưỡng trả lời, không xao động, và mặt anh lạnh lùng thản nhiên như thể không tiếc tiền hay đã quên sự mất mát rồi. Vẻ lạnh lùng này làm Kouzma bối rối và kích động bởi đối với gã đó là điều khó hiểu.
    Đáp lại sự tội lỗi bằng mưu mẹo hay hung bạo là chuyện bình thường, chớ lăng nhục bằng sự thản nhiên như vậy gây nên một nỗi dày vò làm kẻ gây hấn trở thành bị tấn công. Nếu Efrème phản ứng như mọi người, tức nếu anh giận dữ, nếu anh gây gỗ với kẻ tấn công, nếu anh đâm đơn kiện và quan toà kết án tù Kouzma hay xếp vụ án lại vì "thiếu bằng cớ", thì hẳn Kouzma đã được yên lòng ; còn bây giờ, bước theo chiếc xe, gã có vẻ như người thiếu thốn một cái gì.
    - Tớ không lấy tiền của đằng ấy ! - gã nói.
    - Cậu không lấy thì thôi, đừng nói tới chuyện đó nữa.
    - Khi tới Télibéievo, tớ sẽ kêu cứu người đại diện. Ông ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề !
    - Không có gì phải làm sáng tỏ cả. Tiền không phải của ông ta. Còn cậu, anh bạn ạ, tốt hơn là cậu để tôi yên. Hãy đi đường của cậu đi ! Tôi đã chán nhìn thấy cậu rồi.
    Kouzma nhìn trộm hồi lâu, bối rối, cố tìm hiểu những ý nghĩ trong đầu bạn đồng hành và ý đồ khủng khiếp chắc phải che dấu trong lòng ; cuối cùng gã quyết định đổi giọng :
    - Đồ láu cá, ngay cả cười với thằng chả cũng không được nữa - gã chợt nổi nóng ... Ê đây này, tiền của ông đây này ! Chỉ là đùa chơi ấy mà !
    Gã rút ra khỏi túi mấy tờ bạc một rúp và chìa cho Efrème.
    Như đã chờ đợi chuyện này, không biểu lộ ngạc nhiên, cũng không vui, người này cầm tiền và im lặng nhét vào túi.
    - Tớ chỉ muốn đùa một tí - Kouzma vừa tiếp lời vừa dò xét nét mặt dửng dưng của người kia - tớ muốn làm cho đằng ấy sợ. Tớ tự nhủ ê, mình sẽ làm cho anh chàng hoảng lên, rồi sáng hôm sau thì trả lại. Có hai mươi sáu rúp tất cả, còn lại chín hay mười... Mấy thằng cha xe hàng lấy hết của tớ... Đừng giận nghe, ông nội ! Không phải tớ uống đâu, mấy thằng ôn dịch xe hàng đấy... Tớ thề trước Chúa !
    - Tại sao tôi phải giận ? Tiền của Chúa mà. Không phải cậu tấn công tôi đâu, mà là tấn công bà Hoàng của các Thượng đế đấy...
    - Tớ chỉ uống có một rúp thôi, chính cống...
    - Ăn thua gì tới tôi cơ chứ ? Cậu có thể xài hết cho việc nhậu nhẹt, tôi cũng cóc cần. Là một rúp hay một kô-pếch, đối với Chúa cũng như nhau. Cũng cùng một giá.
    - Thôi đừng giận mà, ông nội ! Thiệt tình, đừng giận. Thiệt mà !
    Efrème giữ im lặng. Kouzma nhấp nhấp mí mắt, khuôn mặt gã diễn tả vẻ trẻ thơ và thảm hại.
    - Tha lỗi cho tớ, vì tình yêu của Chúa - gã nói và nhìn vào gáy Efrème với vẻ van nài. Đừng giận, ông nội à. Chỉ là đùa chơi thôi mà !
    - A, cuối cùng thì cậu quấy rầy tôi quá - Efrème nói, bực dọc - tôi đã nói với cậu rồi, không phải tiền của tôi - Cậu hãy xin Chúa tha tội cho, còn tôi thì chẳng liên can gì vào đó cả.
    Kouzma nhìn bức tranh thánh, bầu trời, cây cối, như thể tìm kiếm Chúa, rồi mặt gã co lại trong nỗi khiếp hãi. Trước sự im vắng của khu rừng, vẻ nghiêm nghị của bức tranh, sự thản nhiên khác thường và vô nhân đạo của Efrème, gã cảm thấy lẻ loi, vô phương tự vệ, như bị giao cho một Thượng đế hung ác và giận dữ phán xét.
    Gã chạy lên đến trước mặt Efrème nhìn thẳng vào mắt anh như để tin chắc là gã không phải một mình :
    - Tha lỗi cho con, nhân danh Chúa - gã nói, run rẩy cả người - tha lỗi cho con, ông nội ơi !
    - Để tôi yên nào !
    Kouzma nhìn một lần nữa lên trời, cây cối, chiếc xe, bức tranh thánh, rồi sụp xuống chân Efrème. Trong cơn hãi hùng, gã bập bẹ cái gì không đầu đuôi, đập trán xuống đất, ôm ghì lấy chân Efrème và oà khóc như một đứa bé.
    - Ông nội thân yêu ! Bạn thân yêu ! Người của Chúa !
    Trước tiên là lúng túng, Efrème lùi lại đẩy người van nài, rồi tới phiên anh lại chiêm ngưỡng bầu trời với lòng sợ hãi. Cảm thấy nỗi lo âu và tội nghiệp đứa ăn cắp, anh thuyết giáo :
    - Khoan đã nào, anh bạn, nghe tôi này ! Nghe những điều tôi sắp nói đây này, anh ngốc ạ ! Ê, gì mà tỉ tê như đàn bà vậy ! Này, nếu cậu muốn Chúa tha tội cho, thì ngay khi về tới làng cậu, hãy đi tìm ông giáp trưởng... Cậu nghe không đấy ?
    Và anh bắt đầu giải thích cho Kouzma nghe làm thế nào để xoá bỏ tội lỗi : trước hết là phải thú tội với ông giáp trưởng, làm phép giải tội, rồi thì thu góp và gửi tới Malinovsty số tiền đánh cắp uống rượu ; và trong tương lai thì phải cư xử ngay lành chân thật, phải nhã nhặn đúng tư cách một người có đạo. Nghe mấy lời đó, Kouzma dịu dần ; chẳng bao lâu gã có vẻ như quên mất nỗi buồn ; gã chọc phá Efrème, gã liến thoắng... Không một phút ngừng nói, gã kể chuyện của những người sống sung sướng được nuông chiều, chuyện ở bót cảnh sát, chuyện người Đức, chuyện trong tù - tóm lại, gã lặp lại những gì đã kể hôm trước. Rồi gã cười dòn tan, chập tay lại, bước lùi vẻ nghiêm trọng như thể kể điều gì mới mẻ lắm. Gã diễn tả một cách thoải mái với cung cách của người mài nhẵn gót giày khắp nơi, điểm câu chuyện bằng những câu khôi hài hay châm ngôn ; coi vậy chớ nghe thì khiếp lắm, bởi vì gã lặp đi lặp lại, thường ngừng giữa chừng để nắm bắt ý nghĩ lạc lối, rồi nhíu mày, xoay vòng, vung vẩy cánh tay... Và toàn là những điều huênh hoang láo lếu !
    Đến trưa, khi xe dừng lại ở Télibéievo, Kouzma vào quán rượu. Efrème nghỉ ngơi hai tiếng đồng hồ mà người kia cũng chưa rời khỏi quán. Người ta nghe tiếng gã thề thốt, khoe khoang và đập tay lên quầy, trong khi những nông dân say sưa thì chế diễu gã. Và khi Efrème rời làng, một trận xô xát bắt đầu xảy ra trong quán : Kouzma hăm dọa ai đó với giọng chói tai và la to lên là gã sẽ đi tìm cảnh sát.
    1887
    Người dịch: Miêng
    Dịch theo bản Pháp văn
    Chú thích của người dịch :
    (1) Bản tiếng Pháp : la télègue : xe ngựa 4 bánh ở Nga.
    (2) Năm verstes ; 1 verste = 1067 mét.
    (3) 1 rouble ăn 100 kopecks, tiền Nga vào thế kỷ 17.
    (4) Trong một góc, người ta đặt tranh thánh và ngọn đèn nhỏ, gọi là "góc đỏ", nơi thiên liêng của căn nhà. Ăn cắp đồ đạc để chỗ này là nghịch đạo.
    (5) Tiếng Nga : Starosta, là người đại diện nông dân, làm trung gian giữa chủ đất và tá điền.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 19:05 ngày 18/06/2004
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov ​
    Một câu đùa​


    Bức thư đầu tiên anh viết cho em có "một trò đùa"của Shekhop
    (Nước Nga - Grigori)
    Một buổi trưa mùa đông trong sáng. Lớp băng cứng kêu lách tách. Nadenka khoác tay tôi, một lớp sương giá lấp lánh ánh bạc phủ trên những lọn tóc ở hai thái dương nàng và hàng lông tơ phía trên môi nàng. Chúng tôi đứng trên một quả đồi cao. Trái đất từ chân chúng tôi xuống mé dưới là một mặt phẳng thoải sáng loáng trong nắng như một tấm gương. Bên cạnh chúng tôi là một chiếc xe trượt nhỏ, bọc nỉ màu đỏ tươi.
    - Chúng mình trượt xuống dưới kia đi, Nadenka! - Tôi khẩn khoản - Một lần thôi! Anh cam đoan với em rằng chúng mình sẽ không sao đâu.
    Nhưng Nadenka sợ khoảng không gian từ đôi giày xinh nhỏ của nàng xuống đến chân quả đồi phủ băng này, nàng thấy giống như một vực thẳm hun hút vô tân khủng khiếp chỉ mới nhìn xuống phía dưới, chỉ mới nghe tôi bảo ngồi vào xe trượt, nàng đã lặng người và hơi thở của nàng đã đứt quãng, chứ nếu liều mạng lao xuống cái vực thẳm kia, thì nàng sẽ ra sao đây! Nàng sẽ chết mất, nàng sẽ phát điên lên mất.
    - Trượt xuống cùng với anh đi - Tôi năn nỉ - Em đừng sợ! Em phải hiểu rằng sợ như thế là hèn lắm, là nhát lắm.
    Cuối cùng, Nadenka nhân nhượng và qua vẻ mặt nàng tôi thấy rõ nàng vẫn nghĩ rằng đó là một sự nhân nhượng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đỡ nàng vào xe mà mặt nàng tái mét, người nàng run bần bật. Tôi vòng tay ôm lấy nàng rồi cùng nàng lao xuống vực. Chiếc xe trượt bay nhanh như một viên đạn. Làn không khí bị rẹp toác đập vào mắt, gào rú, rít lên trong tai, như cắn như cấu, như muốn bứt đầu ra khỏi cổ. Gió mạnh đến nghẹt thở. Cảnh vật xung quanh quyện vào nhau thành một dải dài, chạy nhanh vùn vụt. Tưởng như chỉ một chớp mắt nữa thôi, là chúng tôi sẽ chết.
    - Anh yêu em, Nadenka - Tôi thì thầm.
    Chiếc xe bắt đầu trượt chậm dần, tiếng gào của gió và tiếng rít của đế trượt không còn đáng sợ lắm, mệt, hơi thở đã không còn, tưởng như bị đứt, và cuối cùng, chúng tôi đã ở dưới chân đồi. Mặt nàng tái nhợt, nàng chỉ còn thoi thóp thở.. Tôi giúp nàng đứng lên.
    - Sẽ không bao giờ em trượt lần nữa đâu- Nàng nói, nhìn tôi bằng đoi mắt mở to đầy khiếp hãi - Không đời nào! Em suýt nữa thì chết đây này!
    Ít lâu sau nàng dần dần hồi lại và nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn hỏi. Có phải tôi nói bốn cái từ kia không, hay là nàng chỉ tưởng như thế giữa tiếng gió ào ào? Còn tôi, tôi đứng cạnh nàng, hút thuốc và chăm chú nhìn chiếc găng tay của mình.
    Nàng khoác tay tôi và chúng tôi đi dạo hồi lâu ở gần quả đồi. Hình như điều bí ẩn ấy không để nàng yên. Những lời ấy có phải là ai nói lên hay không? Có hay không? Đó là vấn đề tự ái, danh dự, cuộc sống, hạnh phúc. Đó là vấn đề rất quan trọng, quan trọng nhất trên đời này. Nadenka bồn chồn và buồn rầ nhìn đăm đăm vào mặt tôi, nàng trả lời câu được, câu chăng, nàng chờ đợi xem tôi có nói ra điều gì không? Ôi gương mặt đáng yêu của nàng trông mới sinh động làm sao, như hàm chứa muôn vàn tâm trạng! Tôi thấy nàng đang tự đấu tranh với bản thân, nàng đang cần nói một điều gì đó, hỏi một điều gì đó, nhưng nàng không tìm ra lời lẽ. Nàng lúng túng, nàng sợ hãi, nàng khó nói vì lòng nàng đang tràn ngập sướng vui
    - Này anh - Nàng ngập ngừng, không nhìn tôi
    - Gì cơ? - Tôi hỏi
    - Chúng mình trượt xe lần nữa đi.
    Chúng tôi leo bậc thang lên đồi. Tôi lại đỡ nàng. Nadenka tái nhợt, run rẩy vào ra, chúng tôi lại đẩy xuống vực thẳm khủng khiếp, gió lại gào rú và đế trượt lại rít lên, và giữa lúc xe trượt đang lao nhanh nhất, các âm thanh đang vang lên ồn ĩ nhất, tôi lại thì thầm:
    - Anh yêu em, Nadenka!
    Khi chiếc xe dần dần dừng lại, Nadenka đưa mắt nhìn một lượt quả đồi chúng tôi vừa trượt xuống. Sau đó nàng chăm chú nhìn rất lâu vào mắt tôi, lắng nghe giọng nói của tôi, một giọng nói thản nhiên và hờ hững, và toàn bộ, toàn bộ nàng, kể cả chiếc bao tay và tấm khăn trùm của nàng, toàn bộ thân hình nàng, tất cả đều thể hiện vẻ cực kỳ ngỡ ngàng. Và mặt nàng như muốn hỏi:
    - Thế là thế nào nhỉ? Ai đã nói những lời đó? Anh ấy hay là ta chỉ tưởng như nghe thấy.
    Tình trạng mập mờ đó không để nàng yên, nó làm nàng phát cáu. Cô gái tội nghiệp không trả lời những câu tôi hỏi, nàng chau mày, chực khóc.
    - Chúng mình về nhà thôi chứ? - Tôi hỏi
    - Em... Em thích trượt xe lắm - Nàng nói, mặt đỏ bừng - Chúng mình trượt lần nữa được không ?
    Nàng nói "thích" trượt, nhưng khi ngồi vào xe, cũng như hai lần trước, nàng nhợt nhạt, chỉ còn thở thoi thóp vì khiếp sợ, người run bần bật.
    Chúng tôi trượt lần thứ ba, và tôi thấy nàng nhìn vào mặt tôi, dõi theo đôi môi tôi. Nhưng tôi đã đưa khăn tay lên che miệng giả vờ ho vài tiếng và khi xe xuống đến lưng chừng đồi, tôi vẫn kịp nói:
    - Anh yêu em, Nadenka!
    Vậy là điều bí ẩn vẫn bí ẩn! Nadenka im lặng, ngẫm nghĩ gì đó. Tôi đưa nàng về nhà, nàng cố đi thật khẽ khàng, chân bước chậm lại và luôn chờ xem tôi có nói với nàng mấy lời kia không ? Và tôi thấy nàng dằn vặt đau khổ, nàng cố ghìm lại để khỏi nói:
    - Không thể có chuyện gió nói lên những lời đó! Và em không muốn đó là gió nói..
    Sáng hôm sau tôi nhận được một mảnh giấy :" Nếu hôm nay anh ra đồi trượt xe, thì hãy rủ em cùng đi.N" Và từ hôm đó, ngày nào tôi cũng cùng Nadenka ra đồi trượt, và khi xe trượt đang lao như bay xuống, lần nào tôi cũng thì thầm nói vẫn những lời ấy:
    -Anh yêu em, Nadenka!
    Chẳng bao lâu Nadenka quen dần với câu nói đó như người ta quen với rượu hoặc morphine. Nàng không thể sống nổi nếu thiếu câu đó. Quả thật lao như bay từ trên đồi xuống vẫn đáng sợ đối với nàng, nhưng bây giờ, nỗi sợ và sự nguy hiểm lại đem lại sức quyến rũ đặc biệt cho những lời về tình yêu, những lời vẫn vô cùng bí ẩn giày vò tâm hồn nàng, bị nghi ngờ vẫn chỉ có hai: tôi và gió - Ai trong hai số đó đã tỏ tình với nàng, nàng không biết, nhưng hình như nàng thấy điều ấy đã không còn quan trọng: Ta uống rượu ở bình nào chả được, miễn là ta say.
    Một buổi trưa tôi đến bãi trượt một mình, đứng lẫn vào đám đông, tôi trông thấy Nadenka tới gần quả đồi, thấy nàng đưa mắt tìm tôi... Sau đó nàng rụt rè leo lên các bậc thang... Thật đáng sợ khi trượt một mình. Ôi thật là đáng sợ. Mặt tái nhợt, nàng run run, nàng đi như đi đến chỗ chết (*), nhưng nàng vẫn đi, không ngoái lại vẻ cương quyết. Chắc hẳn cuối cùng nàng đã quyết định thử xem khi không có tôi thì nàng có nghe thấy những lời dịu ngọt tuyệt diệu kia không ? Tôi thấy nàng mặt tái mét, miệng há ra vì khiếp sợ, ngồi và xe trượt, nhắm mắt lại và vĩnh biệt mặt đất, nàng để xe bắt đầu trượt đi. "Ri-i-ít" đế trượt rú lên. Nadenka có nghe thấy những lời ấy không ? Tôi không biết. Tôi chỉ thấy nàng bước ra khỏi xe mệt nhoài, yếu ớt. Và qua vẻ mặt nàng có thể thấy rõ chính nàng cũng không biết nàng có nghe thấy gì không. Nỗi sợ khi nàng lao xuống dưới đã khiến nàng không còn nghe thấy gì nữa, không còn phân biệt được các âm thanh và hiểu được điều gì.
    Nhưng đã tới tháng ba, mùa xuân... Ánh nắng trở lên dịu dàng hơn. Quả đồi băng của chúng tôi sẫm lại không còn bóng láng lên nữa và cuối cùng thu cạn dần. Chúng tôi thôi không trượt xe. Nadenka tội nghiệp không còn nơi đây để nghe những lời ấy nữa. Vả lại cũng chẳng còn ai để mà nói những lời ấy, bởi vì không có tiếng gío, còn tôi thì chuẩn bị đi Peteburg. Đi rất lâu, có lẽ đi mãi mãi.
    Một lần, trước khi đi khoảng hai hôm, tối ấy tôi ngồi ở mảnh vườn ngăn cách với nhà Nadenka bởi một hàng rào cao có nhô lên những đầu sắt nhọn. Trời còn khá lạnh, bên dưới lớp phân súc vật hãy còn tuyết, cây cối trông vẫn như đã chết, nhưng đã thoang thoảng hương vị mùa xuân, và khi về nơi trú đêm, lũ quạ kêu quang quách ầm ĩ. Tôi tới gần hàng rào và nhìn rất lâu qua một cái khe. Tôi thấy Nadenka bước ra thềm và buồn rầu nhìn lên bầu trời như nhớ nhung điều gì. Làn gió xuân thổi thẳng vào gương mặt xanh xao ủ dột của nàng. Nó khiến nàng nhớ tới làn gió gào rú hôm xưa trên đồi, khi nàng nghe thấy bốn từ kia, và thế là mặt nàng trở lên buồn rầu vô kể, trên má nàng lăn dài giọt lệ... Và cô bé tội nghiệp đưa cả hai tay ra như cầu xin làn gió này đem lại cho nàng những lời ấy lần nữa. Và tôi, chờ đang lúc có một làn gió thổi qua, thì thầm
    - Anh yêu em, Nadenka!
    Trời ơi! Có chuyện gì đang xảy ra với Nadenka thế này? Nàng reo lên, mỉm cười rạng rỡ cả khuôn mặt và đưa hai tay đón gió, vui sướng, hạnh phúc, xiết bao xinh đẹp.
    Còn tôi, tôi quay vào nhà thu xếp hành lý.
    Chuyện ấy đã lâu rồi. Bây giờ Nadenka đã có chồng, và nàng đã có ba đứa con. Nhưng kỷ niệm xưa kia hai chúng tôi cùng trượt xe và làn gió đem bốn từ "Anh yêu em, Nadenka" thì không bị lãng quên. Đối với nàng bây giờ, đó là kỷ niệm hạnh phúc nhất, cảm động nhất và đẹp đẽ nhất trong đời.
    Còn tôi, giờ đây khi đã nhiều tuổi hơn, tôi không hiểu tại sao hồi đó tôi lại nói những từ ấy, và tôi đùa để làm gì.
    1886.
    (*) : Trong bản dịch là "nàng đi như đi đến chỗ mình." người dịch thấy khó hiểu nên tạm sửa như thế.

  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov ​
    Nhu Nhược

    Một hôm tôi gọi cô Iulia Vasilievna - gia sư của bọn trẻ đến phòng làm việc. Đã đến hạn thanh toán tiền công cho cô ấy.
    Cô ngồi xuống đi, cô Iulia Vasilievna - tôi nói - tôi sẽ thanh toán tiền công cho cô. Tôi chắc cô cũng cần tiền, nhưng là một người tự trọng nên chắc cô không tiện hỏi, đúng không? Chúng ta đã thoả thuận với nhau là 30 rúp một tháng nhỉ.
    40 rúp chứ ạ...
    Không, chỉ 30 rúp thôi. Tôi có ghi vào sổ rồi mà. Bao giờ tôi cũng chỉ trả cho gia sư 30 rúp một tháng thôi. Xem nào, cô đã làm cho chúng tôi hai tháng rồi nhỉ.
    Hai tháng 5 ngày ạ....
    Không chính xác hai tháng. Tôi có ghi đây mà. Vậy là phải trả cho cô 60 rúp... trừ đi 9 ngày chủ nhật... Các chủ nhật cô chỉ đưa thằng Koha đi dạo thôi mà, có học hành gì đâu... cộng 3 ngày lễ...
    Cô Iulia Vasilevna mặt đỏ bừng, tay mân mê gấu áo, nhưng vẫn không nói gì.
    9 chủ nhật, 3 ngày lễ vị chi là 12 rúp. Thằng Kolia bị ốm mất 4 hôm, không học, cô chỉ trông mỗi con Va ria... 3 ngày cô bị đau răng vợ tôi cho cô nghỉ buổi chiều... 12 với 7 là 19. Sáu mươi rúp trừ đi 19 rúp, vậy chỉ còn 41 rúp, đúng không cô?
    Mắt trái của cô Iuìia đỏ ngầu và ngân ngấn nước mắt, cằm cô run lên bần bật. Nhưng chỉ thấy cô ho và xì mũi, tuyệt nhiên không nói lời nào!
    Đêm giao thừa cô đánh vỡ cái tách uống trà với các đĩa cùng bộ. Tôi sẽ trừ tiền lương của cô đi 2 rúp nữa... Thực ra cái tách ấy đắt hơn kia, vì đó là đồ gia bảo mà, nhưng thôi! Cũng không nên so đo quá với cô. Một lần do cô không cẩn thận đã để thằng Kolia trèo lên cây làm rách mất chiếc áo khoác... Trừ thêm 10 rúp nữa... Rồi cũng vì cô lơ là nên con hầu đã ăn cắp mất đôi giày của con Varia. Cô phải trông nom chúng cẩn thận chứ. Tôi trả lương để cô dạy dỗ và trông chúng nó cơ mà...Vậy trừ tiếp 5 rúp... Hôm mồng 10 tháng giêng cô mượn của tôi 10 rúp...
    Tôi có mượn đâu ạ... Giọng cô Iulia nghèn nghẹn.
    Tôi đã ghi cả đây mà lị.
    Vâng, thế cũng được ạ.
    Vậy là 41 trừ đi 27 còn lại 14.
    Lúc này thì hai mắt cô giáo trẻ đã đầy nước... Trên chiếc mũi thanh, cao của cô đã lấm tấm mồ hôi. Thật tội nghiệp!
    Tôi chỉ vay vợ ông có 3 rúp - giọng cô run run - Đúng có một lần 3 rúp mà thôi.
    Thế à? Vậy mà tôi không hề biết gì cả. Thảo nào trong sổ tôi không thấy ghi. 14 rúp trừ 8 còn 11. Đây, tiền lương của cô đây, cô giáo thân mến ạ! 3 này, 3 này, 8 này, 1 rúp, 1rúp. Xin cô nhận cho?
    Và tôi đưa cho cô 11 rúp. Cô nhận lấy chúng bằng những ngón tay run rẩy rồi nhét vào túi.
    Cám ơn ông - cô nói thì thầm.
    Tôi đứng dậy và tiến lại phía cô. Một sự tức giận xâm chiếm lấy tôi. Tôi cáu phát điên lên.
    Cô cám ơn cái gì? - Tôi sẵng giọng.
    Vì ông đã trả lương cho tôi...
    Nhưng cô không thấy là tôi ăn chặn của cô, bóc lột cô hay sao? Cô còn cám ơn cái nỗi gì?
    Ở những nơi khác người ta còn chẳng trả cho tôi đồng nào kia.
    Không trả ư? Cũng dễ hiểu thôi! Thì tôi cũng vừa đùa cô đấy thôi. Tôi muốn dạy cho cô một bài học. Nhưng xin cô cứ yên tâm, tôi sẽ trả đủ 80 rúp cho cô. Chúng ở trong chiếc phong bì kia kìa, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao cô lại có thể nhẫn nhức đến thế? Sao cô không cãi lại tôi? Sao cô cứ ngồi im như thóc thế. Chẳng lẽ có thể nhu nhược đến thế sao?
    Cô giáo mỉm cười rầu rĩ và tôi đã đọc được trên mặt cô hai chữ "có thể". Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!"
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov ​
    Trăn và thỏ​

    Gần như là sự ngạo mạn bỉ ổi, ấy thế mà gã Sở Khanh già trong truyện ngắn này lại có thể làm đau trái tim người tử tế. Nhưng đó là cuộc sống, sự tàn nhẫn trong đời thường... hình như Anton Tchekhov đã cười buồn buồn nói như vậy.
    Pyotr Semyonych, một tay chơi đã đến thời kỳ mệt mỏi, đầu bị hói, mặc chiếc áo ngủ bằng nhung có núm tua màu đỏ sẫm, tay đang mân mê những sợi tóc mai mềm mại, tiếp tục nói:
    - Này mon cher (bạn thân mến), nếu bạn thích đây là một phương pháp khác - một phương pháp tinh vi nhất, khôn khéo nhất, độc địa nhất và cũng là một phương pháp nguy hiểm nhất cho các ông chồng. Chỉ có các nhà tâm lý học và các tay sành sỏi tâm lý phụ nữ mới có thể đem ra áp dụng. Trong khi sử dụng phương pháp này, the con***io sine qua non (điều kiện không thể thiếu) là phải kiên trì hết mực. Phương pháp không thích hợp với những ai không biết cách chờ đợi và kiên nhẫn. Theo đó, nếu bạn đang tìm cách chài mồi vợ của người đàn ông nào đó, thì bạn phải giữ một khoảng cách xa nàng chừng nào tốt chừng đấy. Vừa khi bạn thấy nàng quá đỗi quyến rũ thì hãy chấm dứt ngay việc thăm viếng, càng ít gặp càng hay và chính lúc ấy buộc lòng bạn phải từ bỏ thú vui được chuyện trò với nàng. Bạn gây ảnh hưởng với nàng từ đằng xa. Chẳng qua toàn bộ vấn đề là một cách thôi miên vậy thôi. Hẳn nhiên là nàng không nhìn thấy bạn nhưng nàng vẫn chịu ảnh hưởng của bạn, cũng giống như con thỏ cảm nhận được tia nhìn chăm chăm của con trăn. Bạn thôi miên nàng không phải bằng đôi mắt nhưng bằng cái lưỡi khôn khéo của bạn. Và con đường tốt nhất không gì bằng, là thông qua người chồng của nàng.
    Chẳng hạn tôi say đắm yêu N.N và tôi muốn chiếm đoạt nàng. Đâu đấy, ở câu lạc bộ hoặc ở nhà hát, tình cờ tôi gặp chồng nàng.
    - Vợ anh thế nào? - Tôi làm như vô tình hỏi anh ta - Này, chị ấy là một phụ nữ thật duyên dáng. Tôi
    vô cùng ngưỡng mộ chị, anh ạ.
    - Ở... nàng có gì mà mê hoặc cậu đến vậy hả? - người chồng hả hê đó buột miệng hỏi.
    - Chị ấy đẹp nhất, thanh tú nhất. Chị có thể làm cho đá cũng phải động lòng yêu chị. Các anh là những ông chồng u mê đến lạ. Chỉ trong thời gian hưởng tuần trăng mật các anh mới nhận ra được giá trị của các bà vợ. Anh không thấy vợ anh là một phụ nữ lý tưởng sao? Này này, hãy mở mắt ra mà nhìn, mà tận hưởng số phận đã dâng tặng cho anh một người vợ như thế. Chỉ có những người đàn bà loại ấy mới thật sự cần thiết cho thời buổi này, thế hệ này.
    - Ở nàng có gì mà anh cho là khác thường chứ? - người chồng gạn hỏi.
    - Chị kiều diêm, chị duyên dáng, tràn đầy sức sống, chân thật, ngây thơ, thẳng thắn, đồng thời cũng rất chi là khó hiểu.
    Và chuyện như thế còn đẩy xa hơn nữa. Ngay đêm đó, người chồng trước khi ngủ, chắc chắn sẽ thủ thỉ với vợ:
    - Này em, anh mới gặp Pyotr. Hắn ca tụng em hết mực. Hắn mê mẩn vì em. Theo lời hắn thì em là một người đàn bà tuyệt đẹp, vô cùng yểu điệu và lại khó hiểu nữa. Rằng em có thể yêu một cách lạ lùng. Tất nhiên hắn nói rất nhiều về em... ha ha...
    Sau đấy, vẫn không gặp nàng nhưng tôi vẫn nhắm tìm chồng nàng.
    - Tiện thể, anh bạn già này... - tôi nói với anh - hôm qua một hoạ sĩ tôi quen đã đến tìm gặp tôi. Một ông hoàng nào đấy đã ra lệnh hắn phải vẽ chân dung có vẻ đẹp đặc biệt Nga. Vẽ như vậy hắn sẽ được thưởng hai ngàn. Hắn nhờ tôi tìm giùm một người mẫu. Tôi có ý định giới thiệu vợ anh với hắn nhưng bản thân tôi không thể làm được. Tuy nhiên chị ấy chính là mẫu người hắn đang cần. Khuôn mặt chị thật đáng yêu. Một người mẫu tuyệt vời như vậy mà thoát khỏi đôi mắt của nhà nghệ sĩ thì thật là tủi hổ. Quá là tủi hổ!
    Ông chồng nào cũng đều nịnh vợ nên nhất định là sẽ lặp lại những lời ấy cho vợ mình nghe. Buổi sáng, người vợ sẽ ngồi rất lâu trước gương, săm soi nhan sắc của mình và thầm nghĩ: Do đâu anh ấy lại cho rằng khuôn mặt mình tiêu biểu người Nga nhỉ?
    Vậy mà mỗi lần soi gương là nàng lại nghĩ đến tôi. Trong thời gian ấy, tôi vẫn làm như vô tình gặp gỡ chồng nàng. Sau mỗi lần gặp mặt ấy, người chồng khi trở về nhà cứ trân trân nhìn mặt vợ.
    - Tại sao anh nhìn em như thế?
    - Cái thằng cha Pyotr lại phát hiện là con mắt này của em thì đen hơn con mắt kia. Cả đời anh, anh có thấy gì đâu.
    Người vợ lại ngồi trước gương, săm soi nhìn mình hồi lâu, suy nghĩ: Ừ, mắt trái hình như hơi đen hơn mắt phải... Không, mắt phải đen hơn mắt trái... Nhưng có lẽ với anh ấy thì như thế.
    Sau lần gặp thứ tám hoặc thứ chín, người chồng nói với vợ:
    - Anh gặp Pyotr tại nhà hát. Hắn xin lỗi đã không đến thăm em, lý do là không có thì giờ. Hắn nói hắn bận bù đầu. Hình như anh thấy khoảng bốn tháng nay hắn không đến thăm hai vợ chồng mình. Anh trách hắn chuyện này nhưng hắn rối rít xin lỗi, hẹn xong việc sẽ đến thăm.
    - Nhưng đến khi nào công việc mới xong?
    - Theo hắn nói, ít nhất phải một hoặc hai năm. Chẳng hiểu hắn làm cái quái quỷ gì. Ôi thằng cha thật lạ lùng! Hắn quấy rầy anh hoài như một tên khùng, lải nhải đủ điều: "Này, tại sao vợ anh lại không lên sân khấu nhỉ? Với một ngoại hình hấp dẫn như thế, với sự thông minh và đa cảm như thế mà ru rú làm người đàn bà nội trợ thì là một cái tội đối với chị. Chị ấy phải rũ bỏ mọi thứ. Hãy đi đến nơi nào mà tiếng nói bên trong thôi thúc. Những đòi hỏi tầm thường không thể dành cho những người đàn bà như thế bao giờ. Những phẩm chất như chị ấy thì không thể bị trói buộc trong thời gian và không gian".
    Tất nhiên người vợ chỉ có ý tưởng mơ hồ về những gì câu chuyện thổi phồng kia muốn nói đến, tuy nhiên nàng mền nhũn cả người vì nỗi ngất ngây đến nghẹt thở ấy.
    - Thật vô lý! - Nàng thốt lên, làm ra vẻ hững hờ - anh ta còn nói gì nữa không?
    - Hắn nói là nếu hắn không bận rộn thì hắn bứng em ra khỏi anh ngay. Anh trả lời với hắn là, thích bứng thì cứ bứng đi, anh không vì em mà đọ kiếm với hắn đâu. Hắn liền la lên: "Ồ, anh không hiểu chị ấy. Điều quan trọng là phải hiểu chị ấy. Chị ấy là một người khác thường, dữ dội, sẽ tìm lối thoát cho xem. Thật đáng tiếc tôi không phải là Turgenev, bằng không tôi sẽ đưa chị ấy vào tiểu thuyết ngay". Anh không sao cười được. Em à, hắn mê mệt vì em đấy. Anh mới nghĩ thầm: Ờ giá như người anh em sống với nàng hai, ba năm thì người anh em sẽ ca cẩm một giọng khác thôi. Một thằng cha quái gở!
    Người vợ khốn khổ ấy kết thúc bằng một nỗi giày vò khao khát mong được gặp mặt tôi. Tôi là người duy nhất hiểu được nàng, chỉ với tôi nàng mới thổ lộ hết tâm can. Song lẽ tôi vẫn bướng bỉnh không đến thăm nàng. Đã lâu rồi nàng không gặp tôi. Người chồng vừa ngáp vừa truyền đạt những lời nhận xét của tôi và dường như nàng nghe được chính giọng nói của tôi, nhìn thấy rõ đôi mắt long lanh của tôi.
    Thời gian tâm lý đã điểm. Một buổi tối, người chồng về nhà, mở miệng nói:
    - Anh mới gặp Pyotr Semyonych. Hắn trông đờ đẫn, ủ rũ, chán chường.
    - Sao thế? Anh ta có chuyện gì à?
    - Anh không rõ. Hắn than là chán quá. Hắn nói: "Tôi cô độc. Không bà con thân thích. Không bạn bè. Không một ai hiểu tôi. Không một ai để tâm tình. Không ai hiểu tôi cả. Tôi chỉ mong có mỗi một điều: chết quách cho xong!".
    - Đồ điên rồ! - người vợ bật thốt lên, nhưng trong thâm tâm thì nàng nghĩ: Đáng thương thật! Mình hoàn toàn hiểu anh ấy! Mình cũng cô độc. Cũng không có ai để hiểu mình trừ anh ấy ra. Còn ai ngoài mình để thấu hiểu tâm trạng của anh ấy?
    - Đúng là một thằng cha quái gở! - người chồng tiếp tục - Hắn còn nói thế này: "Quá chán chường tôi không sao ở nhà được. Suốt đêm tôi đi thơ thẩn trong công viên".
    Người vợ sốt vó cả lên. Nàng ngắc ngoải muốn chạy vụt đến công viên để thấy - dù chỉ bằng một mắt thôi - người đàn ông hiểu được nàng mà giờ đây đang mang tâm trạng thất vọng đến thế. Ai biết được chứ? Nếu mình nói chuyện với anh ấy, nếu mình nói một vài lời để an ủi anh ấy thì may ra anh ấy khoẻ khoắn hơn. Nếu mình nói rằng anh đã có một người bạn hiểu anh, đánh giá được anh thì có có lẽ anh sẽ tỉnh người lại. Nhưng mà điều này không thể... Phi lý quá. Thậm chí mình không được có ý nghĩ như thế nữa kia. Nếu mình không lưu ý, mình sẽ yêu anh ấy mất, mà như vậy quả là xuẩn ngốc và buồn cười biết bao.
    Khi chồng nàng ngủ say, nàng liền ngẩng cao đầu, nó nóng như lửa đốt ấy, ngón tay ép chặt lên môi, suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bây giờ mình liều lĩnh ra khỏi nhà. Rồi sau đó, mình sẽ bịa ra chuyện đến quầy thuốc, đến nha sĩ. Mình phải đi thôi. Nàng quyết định.
    Kế hoạch của nàng đã sắp sẵn: Mình đi theo cửa phía sau ra khỏi nhà, đáp taxi đến công viên; một khi đến đấy, mình sẽ đi bộ ngang qua anh ấy, liếc mắt nhìn anh rồi quay về nhà. Như thế nàng sẽ không làm tổn thương nàng và cho cả người chồng của nàng.
    Nàng mặc quần áo, vội vã rời khỏi nhà, lao vút đến công viên. Công viên tối đen, vắng vẻ. Những thân cây trơ trụi yên giấc. Không thấy một bóng người. Nhưng nàng chợt thấy có bóng người. Chắc chắn là người đó rồi. Toàn thân nàng run rẩy, chầm chậm nàng tiến về phía tôi... và tôi tiến về phía nàng. Trong giây lát cả hai chúng tôi đều đứng bất động, nhìn sâu vào mắt nhau. Một khoảnh khắc khác lại trôi qua lặng lẽ và... con thỏ bất lực chui vào mõm con trăn.
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov ​
    Vị Hôn Phu​

    Người đàn ông với cái mũi tim tím đi lại phía cái chuông và miễn cưỡng rung chuông. Đám đông từ nẫy đến giờ đứng im bất động bỗng nháo nhào chạy ngược chạy xuôi. Những chiếc xe chở hành lý chạy rầm rầm trên sân ga. Người ta bắt đầu chằng dây trên các toa tàu. Đầu tàu rít lên một tiếng nghe đến chói tai rồi nối vào các toa. Xa xa ở đâu đó có người làm rơi một cái chai đánh xoảng... Mọi người chào tạm biệt nhau, nghe thấy những tiếng nức nở và cả giọng nói thì thầm của những người phụ nữ...
    Trước cửa một toa hạng hai có một đôi trai gái đang từ biệt nhau. Cả hai đều khóc.
    Tạm biệt, em yêu của anh? Người đàn ông vừa nói vừa hôn vào mái tóc bạch kim của cô gái.
    Tạm biệt? Anh buồn quá! Anh sẽ không chịu nổi mất... Vậy là anh phải xa em những một tuần. Đối với trái tim kẻ đang yêu thì một tuần ấy dài bằng một thế kỷ, em biết không? Tạm biệt... Lau nước mắt đi em, đừng khóc nữa...
    Hai hàng nước mắt của cô gái dàn dua khắp mặt, có một giọt nước mắt rơi vào môi chàng trai.
    Tạm biệt Varia thân yêu! Cho anh gửi lời thăm mọi người. á quên, nhân tiện anh dặn này, nếu em gặp anh Mac-cốp thì đưa cho anh ấy 25 rúp hộ anh nhé.
    Chàng trai moi từ trong túi ra tờ 25 rúp và đưa cho Varia.
    Em cố gắng trả giúp anh nhé. Anh nợ anh ý mà. Trời ơi anh chàng muốn xa em chút nào cả...
    Đừng khóc anh Pêchia! Thứ 7 này nhất định em sẽ về với anh. Anh sẽ không quên em chứ?
    Mái tóc bạch kim của cô gái Varia ngả vào ngực Pêchia. Quên ai? Quên em ư! Chẳng lẽ anh lại có thể quên được em ư?
    Tiếng chuông thứ hai đã vang lên. Pê chia ôm chặt Varia vào lòng, khẽ chớp mắt rồi khóc nấc lên như một đứa trẻ. Varia vít lấy cổ người chồng sắp cưới và cũng thổn thức theo.
    Hành khách lục tục lên tầu. Chàng trai hôn cô gái lần cuối và ra khỏi toa tàu. Anh đứng bên ngoài cửa sổ dưới sân ga lấy chiếc khăn mùi xoa trong túi áo ngực ra để vẫy Varia dụi đôi mắt ướt đẫm nước vào má Pêchia....
    Mời tất cả mọi người lên tàu thôi - ông trưởng tàu ra lệnh - Chuông thứ 3 bây giờ đấy.
    Hồi chuông thứ 3 đã gióng lên. Pê chia vẫy khăn tạm biệt người yêu. Bỗng nhiên mặt anh đờ ra. Anh đập tay lên trán đánh độp và nhảy lên toa tàu như một kẻ mất trí.
    Varia - chàng trai hổn hển không ra hơi, - Anh vừa đưa cho em 25 rúp để trả Mac-cơp ấy mà, em yêu ơi, cho anh xin cái giấy biên nhận. Mau lên! Giấy biên nhận là em dã cầm 25 rúp ấy mà? Trời ơi, làm sao tôi có thể quên một việc hệ trọng như thế kia chứ?
    Muộn rồi anh ơi? Tàu bắt đầu lăn bánh mất rồi.
    Đoàn tàu chuyển bánh. Chàng trai nhảy bổ xuống sân ga, khóc nấc lên và giơ khăn tay lên vẫy.
    Thế nhớ gửi cho anh giấy biên nhận qua đường bưu điện nhé - anh chàng hét với theo đoàn tàu.
    Khi đoàn tàu đã khuất bóng chàng trai chỉ còn biết đấm nấc ấm ức: "Trời ơi! Ta đúng là một thằng ngốc! Đưa tiền mà lại không bắt cô ấy viết giấy biên nhận. Thật là sơ suất quá ? Giờ thì cô ấy sắp đến nơi rồi còn gì? Trời ơi là trời!"

    Hà Việt Anh dịch
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov​
    Cái chết của một viên chức ​
    Vào một buổi tối thú vị, Ivan Đơmitơrits Tsêviakôp, một viên chức quản trị hành chính không kém phần thú vị hơn, đã ngồi ở hàng ghế bành thứ hai, giương ống nhòm lên sân khấu mà xem vở ?oChuông Kornêvin?. Y vừa xem vừa cảm thấy trong lòng khoan khoái vô cùng. Bỗng dưng...Trong các truyện thường gặp chữ ?obỗng dưng? này. Các tác giả đã có lý: cuộc đời quả là đầy rẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng dưng mặt y nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại... y rời mắt khỏi chiếc ống nhòm, hơi cúi xuống và... hắt xì!!! Các bạn thấy đấy, y đã hắt hơi. Không ở đâu lại có lệ cấm người này người nọ hắt hơi cả. Người nhà quê hắt hơi, cảnh sát trưởng hắt hơi, và đôi khi cả các viên chức bậc ba(1) cũng hắt hơi. Ai mà chẳng hắt hơi . Tsêviakôp không hề cảm thấy ngượng ngùng chút nào, y lấy khăn mùi soa ra lau, và như một người lịch sự, y nhìn quanh xem thử cái hắt hơi của mình có trót làm phiền ai không? Liền đấy y cảm thấy bối rối. Y nhìn thấy một người đã có tuổi ngồi trên hàng ghế đầu ngay phía trước y đang lấy găng tay cẩn thận lau cổ và cái đầu hói của mình, mồm càu nhàu câu gì không rõ . Tsêviakôp nhận ra vị có tuổi là tướng Brigialôp đương nhiệm tại tổng cục đường sắt.
    ?oMình làm bắn nước bọt vào ngài rồi! ?" Tsêviakôp nghĩ ?" không phải thủ trưởng của mình, ở nơi khác, nhưng dù sao thì vẫn không hay ho gì. Phải tạ lỗi mới được?.
    Tsêviakôp dặng hắng, nghển cổ ra trước, thì thào vào tai vị tướng:
    - Thưa ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót hắt hơi... tôi vô ý...
    - Không hề gì, không hề gì...
    - Ngài làm ơn làm phúc tha lỗi cho. Tôi... tôi... không muốn thế đâu ạ!
    - Thôi! Anh làm ơn ngồi yên cho! Để tôi xem nốt!
    Tsêviakôp ngượng ngùng, bối rối cười ngây ngô và lại nhìn tiếp lên sân khấu. Xem thì vẫn xem nhưng không còn cảm thấy khoan khoái nữa, trong lòng đầy thắc thỏm lo âu. Đến giờ giải lao, y mon men đến chỗ Brigialôp, loanh quanh một lúc rồi đánh bạo lắp bắp nói:
    - Tôi... tôi trót hắt hơi vào ngài... Xin ngài... thứ lỗi cho...Tôi không... không cố ý... thế.
    - Ôi dào, đủ rồi... Tôi đã quên rồi mà anh còn cứ nói mãi! ?" viên trưởng nói, môi dưới dề ra, tỏ vẻ sốt ruột khó chịu.
    ?o Ngài nói ngài quên mà mắt ngài trông giận dữ thế, - Tsêviakôp nghĩ, hồ nghi liếc nhìn viên tướng ?" Ngài cũng không muốn nói nữa. Cần phải thanh minh với ngài rằng quả thật là mình không hề cố ý... rằng đó là quy luật của tự nhiên, không thì ngài lại nghĩ rằng mình muốn làm bắn nước bọt vào ngài. Bây giờ chưa nghĩ thế nhưng sau này có thể nghĩ...?
    Khi về nhà, Tsêviakôp kể lại chuyện xảy ra cho vợ nghe. Nhưng y cảm thấy vợ mình quá xem thường chuyện đó, bà ta chỉ hoảng sợ một chút thôi nhưng sau khi biết ngài là thủ trưởng ở nơi khác thì yên tâm trở lại.
    - Nhưng mà thôi, ông cứ đến gặp ngài mà xin lỗi đi, - bà ta nói ?" Không thì ngài có thể nghĩ rằng ông không biết xử sự cho phải nhẽ ở nơi công cộng!
    - Đúng là phải thế! Tôi đã xin lỗi rồi nhưng thái độ của ngài có vẻ khác thường làm sao ấy... Ngài không nói một lời nào đứng đắn cả. Ừ mà cũng chẳng có lúc nào để nói cho ra đầu ra đũa...
    Ngày hôm sau, Tsêviakôp mặc bộ lễ phục mới, húi đầu tử tế rồi đi đến chỗ Brigialôp để thanh minh. Bước vào phòng khách của tướng Brigialôp, y trông thấy nhiều người đang đợi xin gặp và cạnh họ là chính ngài Brigialôp lúc này đã bắt đầu nghe các lời thỉnh cầu. Hỏi một vài người xong, vị tướng đưa mắt nhìn Tsêviakôp
    - Dạ thưa ngài... hôm qua ở rạp ?oArcadi? ngài còn nhớ không ạ, - viên quản trị bắt đầu bẩm báo, - tôi... tôi hắt hơi... trót bắn dãi rớt vào... Xin... xin ngài...
    - Rõ thật vớ vẩn... Có trời biết là thế nào nữa! Anh muốn gì nào? - vị tướng quay sang hỏi người tiếp theo.
    ?oNgài không muốn nói chuyện với mình! ?" Tsêviakôp tái mặt nghĩ - Thế là ngài giận đấy... Không, không thể để thế được. Mình phải thanh minh với ngài....?
    Khi viên tướng đã nói chuyện xong với người thỉnh cầu cuối cùng và đi vào làm việc ở nhà trong, Tsêviakôp bèn bước theo và lắp bắp nói:
    - Thưa ngài, nếu tôi có cả gan dám làm phiền ngài thì cũng chỉ vì, thưa ngài, tôi hối hận lắm ạ!... Tôi không cố ý đâu ạ, chắc ngài đã rõ!
    Viên tướng cau mặt khoát tay:
    - Này anh kia, có phải anh định giễu tôi không thì bảo! ?" viên tướng nói và đi vào trong phòng, đóng cửa lại.
    ?o Mình giễu cợt gì mới được chứ? ?" Tsêviakôp nghĩ - Ở đây hoàn toàn không có chuyện gì đáng cười cợt cả! Ngài làm tướng mà ngài không hiểu. Nếu vậy thì mình sẽ không đến gặp ngài để xin lỗi nữa. Thôi mặc ngài! Mình sẽ viết cho ngài một bức thư, còn đến đây gặp thì thôi! Ôi dào, thôi không đến nữa!?
    Tsêviakôp đã nghĩ ra thế khi trở về nhà. Thư gửi cho viên tướng y không viết. Y nghĩ hoài, nghĩ mãi cũng không biết phải viết như thế nào. Hôm sau, y lại đến đấy thanh minh lần nữa.
    - Hôm qua tôi có đến làm phiền ngài. ?" Y lắp bắp nói, khi viên tướng đưa mắt về y với ý hỏi - Dạ, không phải là để cười cợt như ngài đã có lời phán đâu ạ. Xin ngài thứ lỗi vì khi hắt hơi đã làm bắn nước bọt ạ... chứ tôi không có ý giễu cợt gì đâu ạ. Tôi đâu dám cười cợt ạ? Nếu như tôi mà giễu cợt thì còn đâu là sự kính trọng... các bậc bề trên nữa ạ...
    - Cút ngay!! Viên tướng quát to, người run lên, mặt tái xanh vì giận dữ.
    - Sao... kia ạ? ?" Tsêviakôp khẽ hỏi lại, lặng người đi vì sợ hãi.
    - Xéo ngay!! ?" Viên tướng giậm chân quát.
    Trong bụng Tsêviakôp như có cái gì vừa bị dứt ra. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, y đi giật lùi ra cửa, bước ra ngoài phố và lê bước quay về. Đi về nhà như cái xác không hồn, y mặc nguyên bộ lễ phục, nằm xuống đi văng và tắt thở...
    Ghi chú:
    1 Ở nước Nga thời Nga hoàng, các viên chức tòng sự tại các cơ quan dân sự được sắp xếp theo các thang bậc đặt ra từ 1722. Tất cả có 14 bậc. Cao nhất là các quan chức từ bậc 4 đến 1.
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov
    Câu chuyện của phu nhân N.N​
    Khoảng 9 năm trước, một buổi chiều vào kỳ cắt rạ, tôi và piotr Xecgeits, lúc ấy làm dự thẩm ở một toà án, cùng cưỡi ngựa ra ga lấy thư về.
    Hôm ấy trời rất đẹp, nhưng trên đuờng về bỗng có tiếng sấm ầm ì, và chúng tôi nhận thấy một đám mây đen hung dữ đang lừ lừ tiên tới gần chúng tôi.
    Nổi lên trên nền mây đen xám ngắt thấp thoáng màu trăng trắng của ngôi nhà chúng tôi, những cây phong cao óng ánh bạc.Không khí thoang thoảng mùi mưa và mùi rạ mới cắt. Anh bạn của tôi đang cao hưng lắm. Anh ta cười như nắc nẻ và nói đủ chuyện vu vơ. Anh ta bảo là ví thử bây giờ trên đường đi của chúng tôi thoáng hiện lên một toà lâu đài trung cổ với những ngọn tháp răng cưa có rêu phủ, có cú đêm, thì hay quá, chúng tôi sẽ trú mưa và rồi sẽ bị sét đánh chết.
    Nhưng kìa trên đám lúa mì đen trên cánh đồng đại mạch đã tràn qua đợt sóng đầu tiên của giông tố. Gió đã nổi và cuốn bụi lên thành từng cột xoáy tít. Piotr cười vang và cựa giầy thúc ngựa.
    - Thích thật - anh reo lên- thích quá !
    Tôi cũng vui lây. Và khi nghĩ rằng chỉ lát nữa tôi sẽ bị ướt như chuột lột và rất có thể bị sét đánh chết, tôi cũng cười phá lên.
    Gió bấc xoáy rất mạnh. Hai con ngựa phi vun vút, khiến cho người ta có cảm giác khó thở, trong ***g ngực chúng tôi thấy hồi hộp, nôn nao. Khi chúng tôi cưỡi ngựa về đén sân nhà, gió đã lặng, những chùm mưa lớn đổ rào rào xuống đám cỏ và mái nhà. Quanh chuồng ngựa không có lấy một bóng người . Piotr tự tay tháo yên cương cho hai con ngựa, dắt chúng vào tàu, trong khi chờ anh xong việc, tôi đứng ở ngưỡng cửa nhìn những làn mưa chênh chếch đổ xuống, cái mùi rạ ngòn ngọt hăng hăng ở đây như thể nồng đượm hơn ở ngoài đồng; mây đen và làn mưa làm cho trời tối mờ đi.
    - Sét đánh dữ quá ! Piotr vừa nói vừa đến cạnh tôi sau một tiếng sét rất dữ dội, mở đầu cho một đợt sấm đổ hồi. Lúc bấy giờ có thể tưởng tượng như trời đã nứt làm đôi.
    Anh đứng cạnh tôi trên ngưỡng cửa chuồng ngựa, vẫn còn thở mạnh vì chuyến phi ngựa rất nhanh vừa rồi. Tôi nhận thấy anh đang nhìn tôi mê mải.
    - Natalya Vladimirovna ạ, - anh nói - tôi sẵn sàng hiến dâng ttát cả chỉ để được đứng thế này lâu hơn nữa và nhìn cô. Hôm nay cô đẹp quá.
    Mắt anh hân hoan và van vỉ, mặt anh tái xanh, trên bộ râu anh có những giọt nước mưa lóng lánh, và hình như mấy giọt mưa ấy cũng âu yếm nhìn tôi.- Tôi yêu cô- anh nói - Tôi yêu cô, và tôi sung sướng được nhìn thấy cô. Tôi biết cô không thể thành vợ tôi đuợc. Nhưng tôi không muón gì hết, tôi không cần gì hết, chỉ xin cô biết một điều rằng tôi yêu cô. Cô đừng nói, đừng lưu ý làm gì, cô chỉ cần biết là tôi rất quý cô, hãy cho phép tôi, được nhìn cô !
    Tâm trạng hân hoan của anh cũng chuyển sang tôi. Tôi nhìn gương mặt phấn khích của anh, lắng nghe giọng nói của anh hoà lẫn với tiếng mưa, mà như bị thôi miên, không sao cử động được.
    Tôi muốn nhìn mãi đoi mắt sáng long lanh ấy, nghe mãi giọng nói ấy, muốn vô cùng.
    - Cô im lặng- như thế là rất hay ! - Piotr nói - Cô cứ im lặng như thế đi.
    Tôi thấy thích quá. Tôi cười to lên vì sung sướng và chạy ra giữa cơn mưa đang đổ xuống như trút để vào nhà; Piotr cũng cười phá lên và nhảy nhót chạy theo tôi.
    Hai chúng tôi, như hai đứa trẻ, ồn ào, ướt át, thở hổn hển, nện gót ầm ầm trên thang gác và chạy ùa vào trong nhà. Cha tôi, vốn không quen thấy tôi vui cười như thế, kinh ngạc nhìn tôi rồi cũng cười phá lên.
    Những đám mây giông tố đã kéo đi hết, tiếng sấm đã lặng nhưng trên râu của Piotrvẫn còn long lanh mấy giọt mưa. Suốt buổi chiều hôm ấy, mãi đến bữa ăn tối, anh ca hát, huýt sáo, đùa nghịch ầm ĩ với con chó, đuổi theo nó chạy khắp các phòng, thành thử có lúc suýt xô phải một người nhà đang bưng ấm lò đi ra. Trong bữa tối, anh ăn rất nhiều, nói toàn những chuyên ngớ ngẩn và quả quyết hễ mùa đông mà ăn dưa chuột trươi thì trong miệng sẽ sực nức huơng bị mùa xuân.
    Khi đi ngủ, tôi thắp đèn nến lên và mở toang cửa sổ, và một cảm giác mơ hồ khó hiểu tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi nhớ ra răng tôi tự do, khoẻ mạnh, quyền quý, giàu sang - quyền quý và giàu sang - trời ơi, thích biết chừng nào ! .. Sau đó, người co ro trong giường vì hơi lạnh thoang thoảng từ vườn đưa vào phòng cùng với sương đêm, tôi cố tìm hiểu xem mình có yêu Piotr Xecgeits không... Rồi không hiểu được chút gì, tôi ngủ thiếp đi.
    Và sang hôm sau, khi trông thấy những vệt nắng rung rinh và bóng những cành bồ đề chờn vờn trên đệm, trong ký ức tôi sống dậy những cảnh hôm qua. Tôi thấy cuộc sống sao phong phú, muôn màu muôn vẻ, tràn đầy một vẻ đẹp diệu kì. Tôi vừa hát vừa khe khẽ nhanh nhẹn mặc áo quần và chạy ra vườn.....
    Rồi sau đó chuyện gì đã xảy ra ? Sau đó chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mùa đông, gia đình tôi ở trong thành phố, Piotr Xecgeits vẫn thỉnh thoảng đến chơi. Những người quen ở nông thôn chỉ thú vị khi mình ở nông thôn, vào mùa hè, nhưng ở thành phố, vào mùa đông thì họ mất hẳn đi một nửa phần thú vị. Ở thành phố, khi dọn trà cho họ uống, người ta cứ có cảm giác như chiếc áo họ đang mặc trên người là áo đi mượn của ai, và họ dùng thìa khuấy trà quá lâu. Dạo ở thành phố đôi khi Piotr cũng có nói chuyện yêu đương, nhưng lời lẽ của anh gây một ấn tượng khác hẳn.hồi ở nông thôn. Ở thành phố chúng tôi cảm thấy rõ rệt hơn bức tường ngăn cách chúng tôi : tôi thì con nhà quyền quý và giàu sang, anh ấy thì nghèo ; anh là con một ông thầy giúp lễ, đảm đương chức vụ dự thảm ở một tòa án, và chỉ có thể thôi. Hai chúng tôi - tôi thì vì tuổi trẻ quá, còn anh ấy chảng biết tại sao - đều cho rằng bức tường ấy quá cao và dày. Cho nên nhũng khi đến chơi nhà chúng tôi, anh thường mỉm cười gượng gạo, và hay lên tiếng phê phán giới thượng lưu hay quý tộc. Và nếu trong phòng có khách, ngoài anh ra còn có một người nào khác, anh thường im lặng và lầm lì. Không làm gì có được bức tường nào không thể đập thủng được, nhưng các nhân vật trong tiểu thuyết ngày nay, vốn quá rụt rè, nhu nhược, lười biếng và dễ chạnh lòng, họ quá nhanh chóng cam tâm chấp nhận cai ý nghĩ cho mình là kẻ bất đắc chí, mình bị cuộc đời riêng lường gạt; đáng lẽ đứng dậy đấu tranh thì họ chỉ bình phẩm phê phán, gọi xã hội thượng lưu là tầm thường dung tục, và quên mất ràng chính những lời phê phán của họ cũng dần dần chuyển sang tầm thường sung tục.
    Tôi được yêu, hạnh phúc đến với tôi rất gần gũi, tưởng như đang sống vai kề vai bên tôi; tôi sống trong tiếng hát giọng cười, không cố gắng hiểu mình, không biết mình chờ đợi gì và ước mong gì ở cuộc sống, trong khi đó, thời gian cứ trôi đi, trôi đi.... Đã bao nhiêu người đã qua cuộc đời tôi với mối tình của họ, những ngày quang đãng và những đêm ấm áp tiếp theo nhau lướt nhanh qua trong tiếng hót củ chim họa mi và trong mùi hương của rơm rạ, và tất cả những hình ảnh, những chuỗi ngày đã để lại bao nhiêu kỷ niệm đáng yêu, huyền diệu ấy, ở tôi cũng như ở mọi người khác, đều trôi qua rất nhanh, không để lại dấu tích gì, không được quý trọng và đều tan biến đi trong sương mù. Những chuỗi ngày êm đẹo ấy nay còn đâu.......
    Cha tôi mất, tôi già đi; tất cả những gì đã làm cho tôi yêu thích, đã mơn trớn tôi, đã cho tôi hi vọng - tiếng mưa rơi, tiếng sấm rền, những ý nghĩ về hạnh phúc, những câu chuyện về tình yêu - tất cả đềi chỉ còn là kỉ niệm. Và trước mắt tôi là một khoảng không gian xa tắp, phẳng lặng, vắng vẻ; trên đồng bằng không có lấy một sinh linh, và ở chân trời sao tối tăm, khủng khiếp quá.
    Có tiếng chuông reo ngoài cổng ... Ấy là Piotr đến chơi. Mùa đông, cứ mỗi khi tôi nhìn bóng cây và nhớ lại màu xanh rờn của nó dạo hè, tôi lại thì thầm :
    - Ôi, người bạn yêu dấu của tôi !
    Và mỗi khi tôi gặp lại những người đã ở bên tôi, hồi tôi đang sống qua mùa xuân của đời mình, tôi lại thấy buồn buồn và âm ấm trong lòng, và tôi lại thì thầm câu ấy.
    Từ lâu nhờ sự che chở của cha tôi, anh ấy đã được đổi về thành phố. Anh hơi già đi, dáng người như hơi trĩu xuống.Anh đã từ lâu không bày tỏ tình cảm, không nói chuyện lẩn thẩn nữa, anh không ưa thích gì công việc ở sở, sức khoẻ anh sút giảm vì một chứng bệnh gì đấy, anh thất vọng về một nỗi gì không rõ, anh đã khoát tay phó mặc đời và sống một cách miễn cưỡng.
    Giờ đây anh ngồi bên lò sưởi, im lặng nhìn ngọn lửa bập bùng. Không biết nói chuyện gì, tôi hỏi anh :
    - Có chuyện gì không?
    - Chẳng có gì... Anh đáp.
    Lại im lặng. Ánh lửa đỏ rực chập chờn trên gương mặt rầu rầu của anh.
    Tôi nhớ lại dĩ vãng, và vai tôi chợt run lên, đầu tôi cứ gục xuống và tôi khóc òa lên cay đắng. Tôi thấy xót xa không sao chịu nổi, xót cho mình, xót cho người ấy, và tôi thấy thèm khát vô cùng những gì đã qua mà giờ đây cuộc sống đã khước từ không chịu trả cho chúng tôi. Và bây giờ tôi không còn nghĩ đến chuyện mình quyền quý và giàu sang nữa.
    Tôi khóc nức nở, hai bàn tay ép lên thái dương và lẩm bẩm :
    - Trời ơi, trời ơi, còn gì là đời nữa...
    Anh ngồi yên, lặng thinh, không nói vói tôi : " Cô đừng khóc." Anh hiểu rằng tôi cần khóc và bây giờ đã đến lúc phải khóc như vậy. Nhìn mắt anh tôi thấy rõ anh thương tôi; tôi cũng thấy thương anh, và cũng giận con người rụt rè kia, đã không biết cách thu xếp cho đời tôi mà cũng chẳng biết cách thu xếp cho đời mình.
    Khi tôi tiễn anh về, ra đến phòng ngoài tôi có cảm giác như anh cố ý mặc áo khoác rất lâu. Anh im lặng hôn tay tôi hai ba lần và hồi lâu nhìn đăm đăm vào khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của tôi. Tôi chắc lúc ấy anh nhớ lại cơn giông, những làn mưa chênh chếch, tiếng cười của hai đứa chúng tôi, khuôn mặt tôi hồi ấy.Anh muốn nói với tôi một điều gì, mà giá nói được chắc anh sẽ mừng lắm, nhưng rồi anh chẳng nói gì, chỉ lắc đầu và xiết chặt tay tôi. Thôi, cầu Chúa phù hộ cho anh ấy !
    Tiễn anh về rồi, tôi trở vào phòng sách và lại ngồi xuống tấm thảm trải trước lò sưởi. Những súc than đỏ đã phủ tro và bắt đàu toàn lụi dần. Băng giá kêu răng rắc trên cửa sổ càng giận dữ hơn, và gió hát một giai điệu mơ hồ trong ống khói lò sưởi.
    Người hầu gái bước vào, tưởng tôi đã ngủ thiếp đi, liền cất giọng gọi.
    Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chia sẻ trang này