1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tác phẩm Nga - Xô chọn lọc

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 04/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Anton P. Tchekhov​
    Người đàn bà có con chó nhỏ (I)​
    I
    Mọi người kháo nhau rằng ở ngoài bãi biển có một người mới đến nghỉ: người đàn bà có con chó nhỏ. **itri **itrits Gurov, một người đến Ianta từ hai tuần nay và đã quen cảnh sống ở đấy, cũng bắt đầu tò mò muốn biết những người mới tới. Anh ngồi trong quán cà phê Vécne bốn phía trống trải và từ đó, anh nhìn thấy trên bãi biển, một người phụ nữ còn trẻ, người tầm thước, có bộ tóc hung hung vàng, đầu đội mũ bêrê, đằng sau nàng, một con chó nhỏ lông trắng đang chạy theo.
    Và rồi những ngày sau, hôm nào anh cũng thấy nàng vài lần, khi thì ở trong công viên thành phố, khi thì ở cái vườn hoa nho nhỏ. Nàng dạo chơi một mình, đầu vẫn đội chiếc bêrê ấy, con chó trắng vẫn chạy theo sau; không ai biết nàng là ai và mọi người đều gọi nàng một cách giản tiện: người đàn bà có con chó nhỏ.
    "Nếu nàng ở đây một mình, không có chồng bên cạnh, không có người quen- Gurov nghĩ,- thì việc bắt chuyện làm quen với nàng có lẽ không phải là thừa".
    Gurov tuổi chưa đầy 40, nhưng anh đã có một đứa con gái 12 tuổi và hai đứa con trai bé đã đi học ở trường. Gia đình cưới vợ cho anh rất sớm, từ khi anh còn là sinh viên năm thứ hai, và bây giờ thì vợ anh trông già hơn anh đến hàng chục tuổi. Vợ anh là một người đàn bà dong dỏng cao, dáng người rất thẳng và đường hoàng, có đôi lông mày đen rậm. Nàng tự cho mình là một người có đầu óc suy nghĩ. Nàng đọc rất nhiều sách, không bao giờ viết dấu cứng đằng sau phụ âm và gọi tên chồng là Đimitri chứ không phải là **itri. Còn anh, anh thầm nghĩ rằng, nàng là một người hẹp hòi, thiển cận, thô kệch; anh sợ nàng và không thích ở nhà nhiều. Từ lâu, Gurov đã ngoại tình, ngoại tình luôn luôn, có lẽ vì vậy mà hầu như bao giờ anh cũng nói đến phụ nữ với một thái độ thù ghét khinh bỉ. Khi có ai bàn đến phụ nữ ở trước mặt anh thì anh gọi thế này:
    - Loại người hạ đẳng!
    Anh ta có cảm tưởng rằng, anh có đủ kinh nghiệm cay đắng để muốn gọi phụ nữ thế nào thì gọi; nhưng mặc dầu thế, không có "loại người hạ đẳng" ấy, anh không sao sống quá được hai ngày. Giữa đám đàn ông, bao giờ anh cũng cảm thấy tẻ nhạt, gượng gạo và trở nên lạnh lùng ít nói. Nhưng bên cạnh phụ nữ thì anh lại cảm thấy thoải mái và biết phải nói gì, đối xử ra sao; ngay cả những khi im lặng trước mặt họ, anh cũng cảm thấy mình nhẹ nhõm. Trong tính tình, diện mạo của Gurov cũng như trong cả cốt cách của anh, có một cái gì quyến rũ rất khó nói, một cái gì thu hút những người đàn bà, hấp dẫn họ. Anh biết điều đó, và chính bản thân anh cũng bị một sức mạnh vô hình cuốn về phía họ.
    Từ lâu, kinh nghiệm cay đắng nhiều lần đã dạy anh rằng, những cuộc gần gụi mới đầu có vẻ thú vị, làm cho đời thêm phần hoa lá, những cuộc phiêu lưu êm ái, nhẹ nhàng, đối với những người đàn ông đứng đắn, nhất là những người đàn ông Mátxcơva chậm chạp và thiếu cương quyết, cuối cùng bao giờ cũng trở thành cả một bài toán cực kỳ nan giải, có kết cục thật là nặng nề. Nhưng rồi mỗi lần gặp được một người đàn bà xinh đẹp hấp dẫn mới, cái kinh nghiệm ấy lại rơi đi đâu mất và anh lại muốn sống, lại cảm thấy cuộc đời thật giản đơn và ngộ nghĩnh.
    Có lần, vào buổi chiều, khi đang ăn trong vườn, anh thấy người đàn bà đội mũ bêrê ấy chậm rãi bước tới ngồi xuống bên chiếc bàn cạnh đó. Nhìn nét mặt, dáng đi, kiểu tóc và xống áo nàng mặc có thể đoán được rằng nàng thuộc loại người khá giả, con nhà gia giáo, đã có chồng và lần đầu tiến đến Ianta, nàng đi một mình và cảm thấy cuộc sống ở đây rất tẻ nhạt. Trong những lời đồn đại về chuyện thiếu đạo đức ở vùng nghỉ mát này, có nhiều điều không đúng sự thật, anh coi khinh những lời ấy và cho rằng phần lớn là do một số người dựng lên,- những người sẵn sàng phạm phải những điều thiếu đạo đức đó, nếu họ có khả năng làm được chuyện ấy. Nhưng đến khi người đàn bà ngồi xuống bên chiếc bàn chỉ cách anh mấy bước, anh sực nhớ đến những chuyện chinh phục dễ dàng, những buổi lên núi chơi và cái ý nghĩ đầy ma lực thu hút về một cuộc chung đụng ngắn ngủi, chóng vánh, về mối tình với người đàn bà xa lạ, không biết tên họ, bỗng xâm chiếm lòng anh.
    Anh âu yếm vẫy gọi con chó bông trắng nhỏ đến bên mình, rồi khi nói tới gần, anh giơ ngón tay ra dọa dẫm. Con chó khẽ gầm gừ. Anh lại giơ ngón tay lên dọa.
    Người đàn bà vội đưa mắt về phía anh và lại cúi xuống ngay.
    - Nó không cắn đâu,- nàng nói và khuôn mặt nàng ửng đỏ.
    - Có thể cho nó ăn xương được không?- Gurov nói và khi thấy nàng gật đầu, anh lại hồ hởi hỏi tiếp: -Chị đến Ianta đã lâu chưa?
    - Dăm ngày rồi.
    - Còn tôi thì đã gắng gượng ở đây đến tuần thứ hai.
    Cả hai cùng yên lặng một lát.
    - Thời gian trôi qua thật nhanh chóng mà ở đây thì thật là buồn tẻ!- Nàng nói, mắt không nhìn về phía anh.
    - Đó chỉ là điều người ta mặc nhiên quen nói với nhau rằng ở đây buồn tẻ. Một người tầm thường sống trong nhà mình ở Belev hay Giưđrô (1) thì chẳng thấy buồn chán, thế mà vừa đặt chân đến đây thì đã kêu lên: "Ôi, buồn tẻ quá! Toàn bụi là bụi!". Cứ như thể là anh ta đã từ Grênađa tới.
    Nàng khẽ bật cười. Và sau đó, cả hai lại lặng lẽ tiếp tục ăn, như những người không quen biết. Nhưng, ăn xong, thì họ đã đi bên nhau; một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng đùa giỡn bắt đầu,- một cuộc nói chuyện giữa những người sống thoải mái, khoan khoái tự do, những người đi đâu cũng được, nói chuyện gì cũng được. Họ dạo chơi và nói với nhau rằng ánh sáng trên biển kỳ lạ biết bao, mặt nước tim tím màu hoa xiren thật mềm mại và ấm áp; trăng rọi chiếu thành từng dải ánh vàng rực. Họ nói với nhau rằng sau một ngày nắng gắt trời trở nên oi bức ghê gớm. Gurov kể rằng anh là người Moxkva, tốt nghiệp khoa ngữ văn nhưng lại làm việc ở nhà băng, đã có lúc định hát cho một gánh hát tư nhưng sau đó lại bỏ, anh có hai ngôi nhà ở Moxkva... Nghe nàng kể, Gurov biết được rằng nàng lớn lên ở Petérburg, nhưng sau đó thì đi lấy chồng ở X. Nàng đã sống hai năm ở đấy. Nàng sẽ ở lại Ianta độ khoảng một tháng và có lẽ sắp tới, chồng nàng làm việc ở đâu, -ở Hội đồng hành chính tỉnh hay Hội đồng hương chánh,- điều ấy làm nàng tự cảm thấy buồn cười. Gurov còn biết thêm rằng nàng tên là Anna Xergeevna.
    Sau đó, trong căn phòng của mình, Gurov nghĩ đến nàng, nghĩ rằng chắc chắn ngày mai nàng sẽ gặp anh. Chắc chắn là như thế. Khi lên giường ngủ, Gurov nhớ rằng, mới cách đây không lâu nàng còn đi học như đứa con gái anh, nhớ đến những nét rụt rè ngượng ngập trong tiếng cười, trong cách nói chuyện của nàng với một người lạ,- chắc chắn đó là lần đầu tiên nàng sống một mình trong môi trường như thế, nơi mọi người đều đi theo nàng, ngắm nhìn nàng, nói chuyện với nàng để nhằm một mục đích bí hiểm mà nàng không thể không đoán ra được. Anh nhớ đến cái cổ, thanh thanh yếu ớt, đôi mắt màu xám rất đẹp của nàng.
    "Ở nàng vẫn có một cái gì tội nghiệp đáng thương", anh nghĩ vậy rồi ngủ thiếp đi.
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov​
    Người đàn bà có con chó nhỏ (II)​
    II
    Một tuần đã trôi qua kể từ khi họ quen nhau. Đó là một ngày chủ nhật. Trong các căn phòng đều oi bức, và ngoài trời thì gió cuốn bụi bay mù, hất mũ xuống đất. Suốt ngày khát nước, Gurov chốc chốc lại ghé sang quán giải khát và mời Anna Xergeevna khi thì uống nước sirô khi thì ăn kem. Chẳng còn biết đi đâu.
    Buổi chiều, khi mà gió đã ngớt đi nhiều, họ cùng nhau đi ra bờ biển xem tàu thủy đến. Trên bến, nhiều người đang dạo chơi, nhiều người tay ôm hoa chờ đón ai. Đám người nghỉ mát sang trọng ở Ianta, có hai điều đặc biệt dễ làm mọi người chú ý: đó là những bà đứng tuổi ăn vận như thiếu nữ và nhiều ngài sĩ quan cấp tướng.
    Vì biển động, tàu thủy đến muộn, khi mặt trời khuất bóng, con tàu lượn vòng rất lâu rồi mới cập bến. Anna Xergeevna giơ cặp kính nhòm nhìn lên tàu, lên những hành khách như thể kiếm tìm một người quen và khi nàng quay lại phía anh, đôi mắt nàng sáng lên. Nàng nói nhiều, những câu hỏi nàng đặt ra vội vàng, hấp tấp, nói xong lại quên ngay những điều mới hỏi, sau đó, đánh rơi mất cặp kính giữa đám đông người.
    Đám người sang trọng lúc này đã tản đi hết, không còn nom rõ mặt người, gió đã lặng hẳn, nhưng Gurov và Anna Xergeevna vẫn đứng lại như cố chờ xem còn ai trên tàu xuống bến nữa không. Anna Xergeevna không nói nữa, nàng khẽ thơm những bông hoa, mắt không nhìn Gurov.
    - Buổi tối trời dễ chịu hơn đấy,- anh nói.- Bây giờ thì chúng ta đi đâu? Hay là chúng ta lên xe đi đâu xa một lúc?
    Nàng lặng yên không trả lời.
    Lúc ấy Gurov đăm đăm nhìn nàng, rồi bất ngờ anh ôm lấy nàng và hôn lên môi, anh cảm thấy bên mình mùi hương của những bông hoa ướt át. Ngay lúc đó, Gurov sợ sệt nhìn quanh: có ai nhìn thấy không?
    - Về phòng em đi...- anh nói nhỏ.
    Và hai người rảo bước quay lại.
    Căn phòng của nàng rất bí, tỏa mùi nước hoa mà nàng đã mua ở một cửa hiệu Nhật Bản. Vừa nhìn nàng, Gurov vừa nghĩ: "Không biết trong đời mình còn thiếu những cuộc gặp gỡ nào nữa!". Quá khứ để lại trong anh những kỷ niệm về những người đàn bà vô tư, tốt bụng, vui sướng vì tình yêu, cảm ơn anh vì niềm hạnh phúc, cho dù là rất ngắn ngủi thôi mà anh đã mang lại. Anh nhớ đến những người đàn bà, như vợ anh chẳng hạn, không thành thật yêu anh, nhiều lời và lắm cách bày vẽ, hay dằn vặt với cái vẻ muốn tỏ rằng đây không phải tình yêu, không phải lòng say mê mà là một cái gì còn lớn hơn thế nữa. Anh nhớ đến một vài người đàn bà khác, rất xinh đẹp, lạnh lùng, ở họ có khi tự nhiên lộ ra vẻ hung dữ, mong ước ngang bướng muốn lấy, muốn đạt ở cuộc đời nhiều hơn khả năng cho phép của nó. Những người này không còn trẻ trung nữa, họ đỏng đảnh, không biết suy đoán, ít thông minh, cảm thấy mình đầy quyền lực, và khi Gurov trở nên lạnh lùng với họ, vẻ đẹp của những người đàn bà ấy gây cho anh một sự căm ghét, và những viền đăng ten trên áo của họ chỉ làm anh nghĩ đến những đám vẩy loang lổ.
    Nhưng ở nàng vẫn giữ nguyên được vẻ rụt rè, ngượng ngập chưa từng trải của tuổi trẻ, vẻ bối rối khi có ai thình lình gõ cửa nhà mình. Anna Xergeevna, người đàn bà có con chó nhỏ ấy, đối với sự việc vừa xẩy ra có một thái độ khác thường, rất thận trọng-tưởng như đó là sự sa ngã của nàng- có thể cảm thấy như thế, và điều này có chút gì lạ lùng và lạc lõng. Nét mặt nàng mỏi mệt, những món tóc dài của nàng buồn bã xõa xuống hai bên mặt. Nàng lặng lẽ suy nghĩ, dáng trông rầu rĩ như người đàn bà có tội trong bức tranh cổ.
    - Không tốt đâu,- nàng nói.- Như vậy anh đã là người đầu tiên không tôn trọng tôi.
    Trên bàn trong phòng có một quả dưa hấu. Gurov cắt cho mình một miếng và chậm rãi nhai. Ít ra là nửa giờ đã trôi qua trong im lặng.
    Anna Xergeevna ra chiều xúc động, ở nàng toát ra một cái gì đó trong trắng, thơ ngây của một người đàn bà chưa từng trải; trên bàn, cây nến đơn độc đang cháy dở nhẹ hắt những tia sáng mờ mờ lên gương mặt nàng, tuy thế vẫn có thể thấy rõ lòng nàng đang nặng trĩu.
    - Làm sao mà anh có thể thôi không tôn trọng em nữa?- Gurov hỏi.- Chính em cũng không biết em đang nói gì.
    - Ôi, trời hãy tha tội cho tôi!- nàng nói, và mắt nàng đẫm lệ.- Điều ấy thật khủng khiếp.
    - Em đang cố tự bào chữa cho mình đấy.
    - Bào chữa thế nào được? Tôi xấu xa, tôi là một người phụ nữ thấp hèn, tôi tự khinh mình và không mong đợi gì bào chữa cả. Không phải tôi lừa chồng mà tự lừa dối mình. Từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới lừa đâu. Chồng tôi có lẽ là một người tốt, một người trung thực, nhưng anh ấy là một người nô bộc! Tôi không biết anh ấy làm gì, làm việc thế nào, chỉ biết anh ấy là người chuyên hầu hạ kẻ khác. Khi lấy chồng, tôi 20 tuổi, một nỗi khát khao dày vò tôi, tôi muốn được một cái gì đó tốt đẹp hơn, tôi tự nhủ: có chứ, có một cuộc sống khác chứ. Tôi muốn sống! Sống và sống... Lòng hiếu kỳ thiêu đốt tôi... anh không hiểu được điều đó, nhưng, có trời chứng giám, tôi đã không thể tự làm chủ được mình nữa, có một cái gì đã đến với tôi không sao ngăn mình lại được nữa; tôi nói với chồng rằng tôi ốm và thế là tôi đến đây... Và ở đây, lúc nào tôi cũng lang thang ngơ ngác như người mất hồn... thế rồi tôi trở thành một người đàn bà tầm thường, rẻ tiền mà ai cũng có thể khinh bỉ được.
    Gurov cảm thấy tẻ nhạt khi nghe những lời đó, cái giọng thơ ngây, cái bất ngờ tự thú không đúng lúc ấy như chọc tức anh, nếu không nhìn thấy mắt nàng đẫm lệ thì đã có thể tưởng rằng nàng đang đùa hay đang đóng kịch.
    - Anh không hiểu,- Gurov nói nhỏ,- em muốn gì?
    Nàng gục đầu vào ngực anh và nép chặt vào anh.
    - Hãy tin tôi, hãy tin tôi đi, tôi van anh...-nàng nói.- Tôi yêu một cuộc sống trong sạch, trung thực, tôi ghê tởm những điều tội lỗi, chính tôi cũng không biết tôi đang làm điều gì. Những người dân thường nói: bị ma quỷ lấy mất hồn. Giờ đây cũng có thể nói về mình rằng tôi đã bị ma quỷ lấy mất hồn rồi.
    - Đủ rồi, đủ rồi...-Gurov lầm bầm nói.
    Anh nhìn vào đôi mắt sợ hãi, không động đậy của nàng, nói những lời âu yếm nhỏ nhẹ, và nàng thấy yên tâm đôi chút, niềm vui trở lại với nàng, cả hai người cùng bật cười.
    Sau đó, khi họ bước ra khỏi nhà, ngoài bãi biển không còn một ai, thành phố với những bóng cây tùng lặng yên như chết, nhưng sóng biển vẫn ào ào vỗ vào bãi cát. Một chiếc thuyền phao dập dình trên sóng, chiếc đèn hiệu nhỏ trên đó tỏa một ánh sáng lờ mờ, ngái ngủ.
    Họ tìm được một người đánh xe, cùng nhau đi đến Ôrêanđa.
    - Lúc nãy, ở dưới chỗ ra vào, anh mới biết họ của em; trên tấm bảng có đề Fon Điđerit,- Gurov nói.- Chồng em là người Đức à?
    - Không, hình như ông của anh ấy mới là người Đức, còn chính anh ấy thì là người theo dòng đạo Vizanchi.
    Ở Ôrêanđa, họ ngồi yên lặng trên ghế đá cách nhà thờ không xa, đưa mắt nhìn xuống biển. Ianta mờ mờ hiện ra sau màn sương sáng, những đám mây trắng lững lờ bao phủ quanh những đỉnh núi cao. Lùm cây lặng yên không xào xạc, chỉ có tiếng ve kêu ra rả, và tiếng sóng biển rì rào đơn điệu vọng lên từ phía dưới ấy gợi cho chúng ta một sự yên tĩnh, một giấc ngàn thu đang đợi mỗi chúng ta. Âm thanh ấy có từ khi chưa có Ianta; chưa có Ôrêanđa, giờ đây vẫn tiếp tục vọng lên và sẽ rì rào một cách khô khan lãnh đạm như thế, khi mà chúng ta không còn nữa. Trong cái đơn điệu, trong cái lãnh đạm hoàn toàn đối với cuộc sống và cái chết của mỗi chúng ta có lẽ đã ẩn giấy cội nguồn cứu cánh vĩnh viễn của chúng ta, quá trình vận động không ngừng của cuộc sống trên trái đất, sự hoàn thiện không ngừng. Ngồi bên một người đàn bà trẻ tuổi, mà sớm mai đến lại càng trở nên xinh đẹp, lòng cảm thấy yên tĩnh và mê say cái cảnh thần tiên của biển trời, mây núi... Gurov nghĩ rằng, thực ra, nếu suy nghĩ cho thật kỹ, thì sẽ thấy thế giới này vạn vật, trừ những cái mà chúng ta tự suy tưởng và làm ra, đều đẹp đẽ, khi mà chúng ta quên hết những mục đích cao siêu của cuộc sống, quên hết cái gọi là phẩm chất của con người mình.
    Có ai-chắc là một người tuần canh- đi dần tới phía họ, nhìn tận mặt họ rồi lại bỏ đi. Cả điều ấy nữa cũng trở nên bí ẩn và cũng thành đẹp đẽ. Đã có thể nhìn rõ tàu thủy đang từ Pheođoxia tới, đèn trên đó đã tắt và con tàu rạng rỡ trong nắng mai.
    -Sương đọng trên cỏ đấy,- Anna Xergeevna nói sau một hồi im lặng.
    -Ờ, có sương. Đến lúc phải về thôi.
    Và họ cùng nhau trở về thành phố.
    Những ngày sau, vào buổi trưa, họ lại gặp nhau trên bờ biển. Cùng ăn sáng, ăn trưa với nhau, cùng dạo chơi say sưa ngắm nhìn biển cả. Nàng than phiền rằng nàng khó ngủ, rằng trái tim nàng đầy xao xuyến, lo âu. Nàng cứ hỏi đi hỏi lại một số câu; Tâm trí nàng không lúc nào yên, lúc thì nàng ghen, lúc thì nàng sợ hãi rằng Gurov chưa tôn trọng nàng đúng mức. Nhiều lần, trong công viên hay trong vườn, khi xung quanh không có ai, Gurov thường kéo nàng lại gần mình và hôn say đắm. Cảnh nhàn hạ hoàn toàn, những cái hôn giữa ban ngày với vẻ e dè sợ sệt người chung quanh nhìn thấy, cái nóng, cái mùi vị của biển và quang cảnh những người no nê sang trọng chốc chốc lại đi qua trước mắt, những điều ấy như làm Gurov sống lại, anh nói với Anna Xergeevna rằng nàng đẹp, nàng hấp dẫn biết bao, anh tỏ ra nôn nóng, đắm say và không rời nàng nửa bước; còn nàng thì trầm ngâm và thường bắt anh tự thú rằng anh chưa tôn trọng nàng, chưa yêu nàng một tí nào, mà chỉ thấy nàng là một người đàn bà tầm thường, rẻ rúng. Gần như tối nào, chừng khuya khuya họ cũng đi chơi đâu ra ngoài thành phố, đi Ôrêanđa hay là lên thác nước, và lần nào cũng vậy, những buổi dạo chơi ấy đều để lại những ấn tượng đẹp đẽ, diệu kỳ.
    Họ chờ xem bao giờ thì Fon Điđerit đến. Nhưng rồi nàng nhận được thư chồng báo tin rằng mắt anh ta bị đau nặng và xin nàng về nhà càng sớm càng tốt. Anna Xergeevna ra điều vội vã.
    - Tôi đi khỏi nơi này là rất tốt,- nàng nói với Gurov.- Đó là ý muốn của số mệnh.
    Nàng lên xe ngựa đi và Gurov theo tiễn nàng. Họ đi suốt một ngày. Khi nàng đã ngồi vào trong toa tàu tốc hành và khi hồi chuông thứ hai đã réo lên, nàng bỗng nói:
    - Cho tôi nhìn anh... nhìn anh một lần nữa. Thế...- Nàng không khóc nhưng buồn rười rượi, trông như người ốm, gương mặt nàng run run.
    - Tôi sẽ nghĩ đến anh... nhớ đến anh, -nàng nói.- Trời sẽ phù hộ anh, anh ở lại nhé. Đừng nghĩ xấu về tôi. Chúng ta chia tay nhau vĩnh viễn, điều ấy là cần thiết, bởi vì chúng ta hoàn toàn không nên gặp nhau nữa. Trời sẽ phù hộ anh...
    Con tàu vội vã rời khỏi ga, lát sau ánh đèn trên đó đã khuất, chỉ một lát sau tiếng động của đoàn tàu không còn nghe thấy nữa, mọi việc xảy ra đều như cố tình mau chóng chấm dứt cái điên rồ, say đắm, ngọt ngào ấy. Một mình đứng lại trên sân ga, đưa mắt nhìn về khoảng trời mù mịt phía xa, Gurov lắng nghe tiếng dế kêu, tiếng gió reo qua dây điện thoại với cảm giác như vừa mới tỉnh ngủ. Anh nghĩ rằng, đấy, trong đời anh lại có thêm một cuộc phiêu lưu và cuộc phiêu lưu ấy cũng đã kết thúc và bây giờ chỉ còn những kỷ niệm... Lòng anh tràn ngập một nỗi buồn, bởi vì anh nghĩ, người đàn bà trẻ trung ấy, người mà anh không bao giờ gặp nữa, sống bên anh không chút hạnh phúc. Anh đối xử với nàng rất vội vã và chân thành, nhưng trong cách đối xử ấy, trong cách âu yếm nàng vẫn có cái gì cười cợt ám ảnh, vẫn phần nào có cái trịch thượng thô thiển ở một người đàn ông luôn được hưởng sung sướng, thêm nữa anh lại nhiều tuổi hơn nàng gần đến hai lần. Lúc nào nàng cũng gọi anh là người nhân hậu, người cao thượng, phi thường... chắc là nàng tưởng tượng anh là một người khác, không như thực chất của anh, và thế có nghĩa là anh đã lừa dối nàng...
    Ngoài ga, hương vị của mùa thu đã đến, gió thổi mát lạnh. "Cả mình cũng đến lúc trở về phương Bắc thôi,- Gurov vừa đi khỏi nhà ga vừa nghĩ.- Đi thôi".
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Anton P. Tchekhov​
    Người đàn bà có con chó nhỏ (III)​
    III
    Ở Moxkva đã là mùa đông, lò sưởi đã làm việc. Sáng sáng, trước khi trẻ con đi học và uống nước chè, trời hãy còn tối và người bảo mẫu phải thắp đèn lên một lúc. Trời đã lạnh lắm. Và khi những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, ngày đầu tiên ngồi trên xe trượt, người ta sẽ khoan khoái nhìn mặt đất trắng xóa, nhìn những mái nhà phủ tuyết, hơi thở sẽ nhẹ nhàng, đều đặn, và lúc ấy chắc mọi người đều nhớ lại những tháng năm thời thơ ấu. Ở những cây bồ đề, những cây bạch dương trắng xóa vì sương giá có vẻ gì như chào mời săn đón, dễ gần hơn những cây tùng, cây cọ,- bên cạnh những thứ cây ấy, người ta không còn muốn nhớ đến biển, đến núi nữa.
    Gurov là người Moxkva. Anh trở về đấy vào một hôm trời lạnh, rất đẹp, và khi anh khoác tấm bành tô lông lên mình, xỏ tay vào đôi găng ấm áp rồi đi dọc phố Petrovca, khi vào chiều thứ bảy anh lại nghe tiếng chuông nhà thờ, thì chuyến đi xa vừa qua cùng những nơi anh đã đến bỗng trở nên mất hết vẻ kỳ thú với anh.
    Dần dần anh lại lao vào cuộc sống Moxkva, anh đã bắt đầu ngấu nghiến đọc ba tờ báo mỗi ngày và nói rằng vì giữ nguyên tắc nên không đọc báo Moxkva. Nhưng khách sạn, câu lạc bộ bắt đầu thu hút anh. Anh lại muốn dự những bữa tiệc liên hoan, kỷ niệm. Anh cảm thấy hởi lòng hởi dạ khi những luật sư, nghệ sĩ nổi tiếng đến chơi nhà anh hoặc anh đã từng đánh bài với một giáo sư ở Câu lạc bộ bác sĩ. Anh đã có thể ăn hết một liễn xúp to tướng.
    Anh tưởng rằng chỉ độ một tháng sau, hình ảnh Anna Xergeevna sẽ phai mờ trong tâm trí anh, thỉnh thoảng anh sẽ chỉ còn nằm mơ thấy nụ cười đầy xúc động của nàng, như đã nằm mơ thấy bao người khác. Nhưng hơn một tháng đã qua, những ngày đông rét mướt nhất đã tới mà mọi điều trong tâm trí anh còn rõ rệt, tưởng như anh mới chia tay với Anna Xergeevna hôm qua. Những hồi ức ấy ngày càng thêm rõ nét. Những lúc tiếng trẻ con học bài vẳng sang phòng anh, những lúc nghe thấy tiếng đại phong cầm bản tình ca vang lên trong khách sạn, những lúc gió tuyết cuốn vào trong chiếc lò sưởi lớn... Những lúc ấy tự nhiên trong ký ức anh bỗng sống lại tất cả: từ những chuyện xẩy ra trên bến tàu, ngoài bờ biển, đến những buổi sáng sớm mây mù trên núi cao, những con tàu từ Pheođoxia, những cái hôn... Anh đi đi lại lại rất lâu trong phòng mình, hồi tưởng lại và tự mỉm cười. Dần dần những hồi ức ấy chuyển thành mơ ước, và trong tưởng tượng quá khứ dần hòa nhập lại với những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Anh không phải nằm mơ thấy Anna Xergeevna, mà là thấy nàng đi bên anh, theo anh khắp mọi nơi như một cái bóng. Nhắm mắt lại, anh như thấy nàng trước mặt, còn xinh đẹp hơn, trẻ hơn, dịu dàng hơn ngày trước và chính bản thân anh cũng cảm thấy mình tốt hơn so với hồi ở Ianta. Tối tối nàng như ngắm nhìn anh từ chiếc tủ đứng đựng sách, từ phía lò sưởi, từ góc phòng: anh nghe thấy hơi thở nàng, tiếng xống áo nàng sột soạt nhẹ nhàng, âu yếm. Đi ngoài phố, anh đưa mắt tìm kiếm xemcó ai giống nàng không.
    Một nhu cầu muốn giãi bầy, muốn chia sẻ những kỷ niệm ấy dày vò anh. Nhưng ở nhà thì không thể nói đến mối tình của mình được mà ở ngoài thì lại không có ai để tâm sự, không thể thổ lộ với hàng xóm cũng không thể nói ở nhà băng. Mà nói điều gì mới được chứ? Chẳng lẽ lúc ấy anh đã yêu nàng sao? Chẳng lẽ đã có một cái gì đẹp đẽ thơ mộng, bổ ích cho anh hay đơn thuần là một cái gì thú vị trong quan hệ của anh với Anna Xergeevna sao? Và thế là anh phải nói mông lung, mơ hồ về chuyện phụ nữ, chuyện tình yêu. Những lúc đó không ai đoán được có cái gì xảy ra; chỉ có vợ Gurov là cau đôi lông mày đen rậm của mình và nói:
    -Đimitri, vai một người kênh kiệu, rỗng tuếch không hợp với anh đâu.
    Có lần vào một đêm khuya, khi anh cùng bạn chơi bài, một quan chức, bước ra khỏi câu lạc bộ bác sĩ, anh không nén được nữa và thốt lên:
    -Ồ, nếu ông bạn biết được mình đã làm quen với một người phụ nữ đáng yêu như thế nào ở Ianta!
    Viên quan chức ngồi vào chiếc xe trượt và xe đã bắt đầu chạy đi, nhưng bỗng y quay lại và gọi to:
    -Đơmitri Đơmitrits!
    - Cái gì vậy?
    - Lúc nãy thế mà anh đúng đấy: thứ cá chiên ấy có mùi rồi!
    Những câu nói thường ngày ấy, không hiểu sao, lại tự nhiên làm anh bực bội, anh cảm thấy những tiếng ấy thật bẩn thỉu, hạ thấp phẩm giá con người. Những thứ đạo đức, những con người kỳ quặc, man rợ biết bao! Những cuộc đánh bài điên loạn, ăn uống lỗ mãng, say rượu, những cuộc nói chuyện quanh đi quẩn lại một đè tài! Những việc làm vô tích sự, những cuộc nói chuyện lặp đi lặp lại ấy cướp đi một phần thời giờ tốt nhất, phần sinh lực quý nhất và kết cục là để lại một cuộc sống tầm thường tẻ ngắt, một cái gì ngu độn, vậy mà không làm sao đi khỏi, chạy thoát được, hệt như đang sống trong một nhà thương điên hay giữa một trại tù nào.
    Suốt đêm hôm ấy, Gurov không ngủ được, lòng tràn đầy bực tức, và ngày hôm sau anh bị nhức đầu. Những đêm tiếp theo anh vẫn khó ngủ, khi thì ngồi trên giường nghĩ ngợi, khi thì đi đi lại lại trong phòng. Anh chán bọn trẻ con, chán nhà băng và chẳng buồn đi đâu hết, chẳng buồn nói gì hết.
    Vào những ngày nghỉ lễ tháng 12, anh sửa soạn đi và nói với vợ rằng anh cần tới Petéburg để chạy việc cho một anh bạn trẻ. Nhưng rồi anh lại đi X. Để làm gì? Anh cũng không tự mình biết rõ được. Anh muốn gặp Anna Xergeevna, nói chuyện với nàng và hẹn hò gặp nhau, nếu có thể được.
    Gurov đến X, vào một buổi sáng và thuê căn phòng sang trọng nhất trong khách sạn. Trong căn phòng ấy, toàn bộ sàn nhà trải một lớp dạ lính màu xám, trên bàn đặt một bình mực cũng màu xám vì bụi kèm tượng người kỵ sĩ cưỡi ngựa tay cầm mũ giơ lên, nhưng đầu đã gãy cụt. Người hầu phòng cho anh biết mấy tin tức cần thiết: Fon Điđerit ở phố Cựu Gôntrarơnaia, tại nhà riêng của ông ta, cách khách sạn không xa lắm. Fon Điđerit sống sung túc, ung dung, có xe ngựa riêng và cả thành phố đều biết ông. Người hầu phòng gọi nhầm họ ông ta là Đơrưđưrit. Gurov chậm rãi đi về phía phố Cựu Gôntrarơnaia và kiếm tìm ngôi nhà ấy. Một bức rào sắt nhọn màu xám chạy dài phía trước ngôi nhà.
    "Nhìn thấy bức rào ấy chắc ai cũng phải bỏ chạy", -Gurov nghĩ vậy và đưa mắt nhìn lên cửa sổ, nhìn lên bờ rào.
    Anh suy tính: hôm nay là ngày nghỉ và thế có nghĩa là chắc chắn chồng nàng sẽ có nhà. Đằng nào vào ngôi nhà ấy bây giờ cũng bất tiện và làm phiền người khác. Còn nếu viết giấy để lại thì mảnh giấy ấy có thể rơi vào tay người chồng và lúc đó mọi việc sẽ hỏng hết. Tốt nhất là chờ dịp may. Gurov đi qua đi lại trên đường phố ấy, bên cạnh bờ rào và chờ dịp may đó. Anh nhìn thấy một người ăn mày bước vào cổng nhà và một đàn chó liền chạy bổ tới. Một giờ sau anh nghe thấy tiếng đàn dương cầm yếu ớt không rõ rệt vọng ra. Chắc là Anna Xergeevna đang đánh đàn. Cánh cổng đồ sộ bỗng thình lình mở rộng ra và Gurov thấy một bà lão bước ra, theo sau là con chó bông trắng quen thuộc dạo nào. Gurov muốn gọi con chó lại gần nhưng tim anh bỗng đập liên hồi, và vì quá xúc động anh không còn nhớ tên con chó ấy nữa.
    Gurov vẫn đi, mỗi lúc thêm căm tức bức rào sắt xám xịt, anh đã bắt đầu bực bội nghĩ rằng Anna Xergeevna đã quên anh, và có lẽ đã say sưa với một người nào khác, điều đó là hoàn toàn tự nhiên đối với một người đàn bà trẻ từ sáng sớm đến tối mịt phải nhìn thấy cái bức rào đáng nguyền rủa này. Anh trở về khách sạn và ngồi rất lâu trên đivăng, không biết phải làm gì, sau đó, anh đi ăn cơm rồi nằm ngủ rất lâu.
    "Toàn là chuyện ngu xuẩn và rắc rối.- Gurov nghĩ thế, khi đã tỉnh dậy và đưa mắt nhìn phía cửa sổ tối sẫm: trời đã tối rồi.- Chẳng hiểu sao lại ngủ đẫy giấc mất thế. Biết làm gì đêm nay đây".
    Anh ngồi lặng trên chiếc giường trải một tấm chăn xám rẻ tiền hệt như trong các bệnh viện và tự trách móc, giận dỗi mình:
    "Đấy, người đàn bà có con chó nhỏ của anh đấy... cuộc phiêu lưu của anh đấy... Bây giờ thì cứ ngồi thế nhé!".
    Sáng hôm nay, khi còn ở ngoài ga, một tấm quảng cáo với dòng chữ to tướng đã đập vào mắt anh: công diễn lần đầu vở "Gêisa". Anh sực nhớ lại điều ấy và đi đến rạp hát.
    "Rất có thể nàng sẽ xem những cuộc công diễn lần đầu"- anh nghĩ.
    Rạp hát chật ních người. Như ở mọi rạp hát tỉnh lẻ khác, rạp này cũng có một làn khói mờ như sương phía trên chùm đèn, dải bao lơn ồn ào trên tầng hai. Trước khi mở màn, ở hàng trên cùng, những người sang trọng ở địa phương chắp tay ra đằng sau, trên lô dành riêng cho quan tỉnh trưởng, ở hàng trước, con gái ông ta đang ngồi, vai quàng một chiếc khăn lông rất to, còn chính tỉnh trưởng thì khiêm nhường ngồi phía đằng sau, chỉ nhìn thấy được hai tay ông mà thôi. Tấm màn che động đậy, các nhạc công thi nhau lên dây đàn. Khi khán giả còn đang lục tục vào tìm chỗ ngồi, Gurov chăm chú đưa mắt tìm bốn phía.
    Đến lượt Anna Xergeevna bước vào. Nàng ngồi xuống hàng ghế thứ ba và khi Gurov nhìn nàng, trái tim anh bỗng thắt lại, anh chợt hiểu rằng, giờ đây, trên thế giới này, đối với anh không còn ai gần gũi hơn, thân quý hơn, quan thiết hơn người phụ này. Mất lẫn vào giữa đám người tỉnh lẻ này, tay cầm cặp kính thô thiển, người đàn bà nhỏ nhắn không có gì nổi bật ấy giờ đây đã choán hết cả cuộc đời anh, đã là niềm vui, nỗi khổ của anh, là hạnh phúc duy nhất mà anh hằng mong ước bấy lâu. Trong cái âm thanh ngán ngẩm của một dàn nhạc tồi, của những cây đàn violông xấu xí rẻ tiền, anh để cho tâm trí anh nghĩ đến nàng, nghĩ rằng nàng thật xinh đẹp biết bao. Anh nghĩ ngợi và mơ ước...
    Cùng với Anna Xergeevna và sau đó, ngồi xuống bên cạnh nàng, là một người còn trẻ, râu quai nón thanh, dáng người rất cao và hơi gù gù. Mỗi bước đi, anh ta lại gật đầu xuống, có cảm tưởng rằng anh ta luôn luôn cúi chào. Chắc đó là chồng nàng, người mà trong những phút cay đắng ở Ianta, Anna Xergeevna đã gọi là một người nô bộc. Thực ra, trong cái dáng người dài ngoẵng, bộ râu quai nón và cái trrán hơi bị hói có vẻ ngoan ngoãn, nhún nhường. Anh ta cười ngọt ngào, bên dưới cổ áo, chiếc huy hiệu chứng nhận bằng cấp nào đó lấp lánh trông hệt như mảnh số đeo của người hầu phòng.
    Hết màn thứ nhất, người chồng trở ra hành lang hút thuốc lá, nàng ngồi lại trên chiếc ghế bành. Gurov cũng ngồi ở dưới nhà. Anh bước gần đến bên nàng và nói giọng run run, miệng cười gắng gượng:
    - Chào chị.
    Nàng đưa mắt nhìn anh và gương mặt nhợt nhạt tái hẳn đi. Nàng lại hoảng sợ nhìn lại anh lần nữa, như không tin vào chính mắt mình, bàn tay nàng nắm chặt lấy chiếc quạt và cặp kính nhòm: chắc nàng đang phải tự gắng sức lắm để khỏi phải ngã ngất đi. Cả hai đều im lặng. Nàng vẫn ngồi, còn anh thì vẫn đứng, vẻ lúng tíng, bối rối của nàng vừa rồi làm anh sợ hãi, anh không dám ngồi xuống bên cạnh. Đàn sáo lại nổi lên. Gurov bỗng cảm thấy ghê rợn khi nghĩ rằng có lẽ mọi người ở khắp các lô xung quanh đang chăm chú nhìn anh. Nhưng rồi nàng bỗng đứng dậy và đi ra phía cửa, anh cũng đi theo nàng. Cả hai người cứ đi một cách kỳ dị như thế. Họ đi theo hành lang lên cầu thang gác, lúc lên lúc xuống, loáng thoáng qua trước mặt họ là những người ăn vận quần áo quan tòa, giáo học, quan lại, ai cũng đeo huy hiệu, loáng thoáng bóng các bà, áo bành tô treo trên giá. Gió lùa qua lại, mang theo mùi thuốc lá đang cháy dở. Trái tim anh đập rộn ràng, anh nghĩ: "Trời, có những người này, dàn nhạc này để làm gì!..."
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Anton P. Tchekhov​
    Người đàn bà có con chó nhỏ (IV)​
    Trong giây lát ấy, Gurov bỗng nhớ lại cái buổi chiều tối trên sân ga, sau khi tiễn Anna Xergeevna đi rồi, anh tự nhủ, sự việc thế là kết thúc và họ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng thực ra cái điểm kết thúc ấy còn xa vời biết bao!
    Đến một cầu thang nhỏ hẹp, tôi tối, nơi có treo biển đề: Lối vào ămphitêát, Anna Xergeevna dừng lại:
    -Anh làm tôi sợ quá!- nàng vừa nói vừa thở rất nặng nhọc, nét mặt nàng còn nguyên vẻ nhợt nhạt,sửng sốt.- Ôi, anh làm tôi sợ quá! Tôi thật dở sống dở chết. Anh đến đây làm gì? Làm gì?
    -Anna, cô hãy hiểu cho tôi, hãy hiểu tôi...-Gurov nói vội vàng, giọng nhỏ nhẹ.- Tôi van cô, xin cô hãy hiểu tôi.
    Nàng sợ hãi nhìn anh, ánh mắt nàng như cầu khẩn, nhưng chan chứa yêu thương. Nàng đăm đăm nhìn anh như để cố khắc sâu vào tâm khảm những đường nét trên gương mặt anh.
    - Ôi, tôi thật đau khổ! -Nàng không nghe anh, nói tiếp.- Lúc nào tôi cũng nghĩ đến anh, sống bằng những hồi tưởng về anh. Tôi muốn quên đi, quên hết đi, nhưng làm sao, làm sao anh lại đến đây?
    Phía trên cao có hai cậu học trò đang hút thuốc và đưa mắt nhìn xuống dưới. Nhưng mặc họ, Gurov vẫn kéo nàng lại gần mình, rồi hôn lên má, lên mặt, lên tay nàng.
    -Anh làm gì vậy, làm gì vậy!- Nàng vừa sợ hãi nói, vừa đẩy anh ra.- Chúng ta đều mất trí cả rồi. Anh hãy đi khỏi nơi này ngay hôm nay, đi ngay bây giờ thôi... Trước các vị thần linh, tôi van anh, tôi xin anh đừng... Người ta đang đi lại phía này đấy!
    Có người nào đang đi lên thang gác.
    -Anh phải đi khỏi nơi này... -Anna Xergeevna nói tiếp, giọng thì thầm.- Anh nghe không? Anh **itri **itrits? Tôi sẽ đến Moxkva với anh. Chưa bao giờ tôi được sống hạnh phúc, cả bây giờ cũng đang bất hạnh và sẽ không bao giờ, không bao giờ được sống hạnh phúc, không bao giờ! Vậy thì hãy bắt tôi phải khổ sở thêm nữa! Thề với anh rằng, tôi sẽ đến Moxkva. Bây giờ thì chia tay thôi! Anh thân yêu, anh quý mến, anh rất tốt của em, giờ thì chúng ta tạm xa nhau anh ạ!
    Nàng nắm chặt tay anh rồi vội vã bước xuống cầu thang, đầu ngoái lại nhìn anh hoài, nhìn đôi mắt nàng cũng biết được rằng, trong cuộc đời nàng đúng là một người không hạnh phúc... Gurov đứng lại một lúc, lắng tai nghe ngóng, cho đến khi chung quanh đã yên lặng, anh mới đi tìm giá áo của mình và rời khỏi nhà hát.
    Từ dạo ấy, Anna Xergeevna bắt đầu đến Moxkva với anh. Cứ độ khoảng hai ba tháng nàng lại rời khỏi X. Nàng nói với chồng nàng rằng nàng cần đi Moxkva để gặp một giáo sư chuyên chữa bệnh phụ nữ nào đó của nàng- chồng nàng thì nửa tin nửa ngờ. Đến Moxkva, Anna Xergeevna nghỉ tại khách sạn "Chợ Xlavơ" và cho ngay một người đội mũ đỏ đến báo với Gurov. Gurov đến ở với nàng, ở Moxkva không hề có ai biết việc đó.
    Có một lần vào một buổi sáng mùa đông, Gurov đi đến gặp nàng bằng cách như thế (người đến báo tin từ tối hôm trước lại không gặp được anh ở nhà), đi bên anh là đứa con gái lớn mà Gurov muốn đưa đến trường vì đi cùng đường. Tuyết rơi từng bông rất to và ướt át.
    - Bây giờ là 3 độ trên 0, thế mà tuyết vẫn rơi,- Gurov nói với con gái.- Nhưng cái ấm áp đó chỉ có ở trên mặt đất thôi, còn ở tầng cao khí quyển thì nhiệt độ lại hoàn toàn khác.
    - Ba ơi, tại sao mùa đông lại không có sấm hở ba?
    Anh lại giải thích điều đó. Anh vừa nói vừa nghĩ rằng, đó, anh đang đi đến chỗ hẹn hò, mà không có một ai biết điều ấy, và chắc sẽ chẳng bao giờ có ai biết đến. Trong anh đồng thời có hai cuộc sống: một cuộc sống lộ ra bên ngoài mà ai cũng thấy, cũng biết, một cuộc sống đầy những sự thật ước lệ, giống hệt như cuộc sống của bạn bè và những người quen anh; còn một cuộc sống nữa thì lại càng lặng lẽ, kín đáo trôi qua. Và, vì một sự sắp xếpkỳ quặc nào đó những sự kiện có thể là tình cờ, mà tất cả những gì hệ trọng, cần thiết, thích thú với anh, những gì mà anh chân thành yêu, không lừa dối mình; những gì tạo nên cốt lõi của cuộc đời anh, thì lại bí mật trôi qua dưới mắt người đời; và tất cả những gì dối trá lừa đảo, là cái vỏ bề ngoài mà anh nấp vào để che đậy sự thật chẳng hạn như việc làm trong nhà băng, những cuộc tranh cãi ở câu lạc bộ, cái câu nửa miệng: "Loại người hạ đẳng", những buổi cùng vợ đi dự tiệc... Tất thảy đều phơi bày ra ngoài hết. Anh tự ngẫm mình và suy ra người khác. Anh không tin những gì anh thấy, và bao giờ cũng cho rằng ở mỗi người, đằng sau tấm màn bí mật, như đằng sau màn đêm tối, có một cuộc đời thực, cuộc đời thú vị nhất, đang ẩn náu. Mỗi cuộc đời riêng đều tồn tại trong bí mật và có lẽ một phần vì thế mà những người có văn hóa đều thiết tha mong muốn làm sao cho bí mật riêng tư của mỗi người đều được tôn trọng.
    Đưa con gái đến trường xong, Gurov rẽ vào khách sạn "Chợ Xlavơ". Anh cởi bỏ áo bành tô ở tầng dưới, bước lên cầu thang và khẽ gõ vào cửa phòng. Anna Xergeevna vận chiếc váy áo màu xám mà anh rất thích. Trông nàng mệt mỏi vì đi đường và vì phải chờ đợi. Suốt từ tối hôm qua đến nay nàng đã phải chờ. Gương mặt nàng nhợt nhạt. Nàng nhìn anh, không mỉm cười, và khi anh vừa bước vào trong buồng, nàng gục đầu lên ngực anh. Họ hôn nhau rất lâu tưởng chừng như đã hai năm không gặp được nhau.
    - Thế nào, em sống ở đây ra sao?- Gurov hỏi.- Có gì mới không?
    - Anh đợi một tí, em kể ngay bây giờ cho anh nghe... Em không thể...
    Nàng không nói nữa và khóc nức lên. Nàng quay sang bên và đưa khăn lau nước mắt.
    "Thôi, cứ để nàng khóc, còn mình thì ngồi một lúc vậy",- Gurov nghĩ và ngả mình vào chiếc ghế bành.
    Sau đó anh giật chuông gọi người đưa nước chè đến và sau khi anh uống trà, nàng đứng quay mặt về phía cửa sổ... Nàng khóc vì xúc động, vì ý nghĩ buồn tủi rằng cuộc đời của cả hai người sao mà bất hạnh đến thế, họ chỉ có thể gặp nhau giấu giếm, lẩn tránh mọi người như những tên trộm! Chẳng lẽ cuộc đời của họ chưa tan nát rồi sao?
    -Thôi, đừng khóc nữa em!- Anh nói.
    Anh cảm thấy rất rõ rằng đối với anh còn rất lâu, không biết đến bao giờ mối tình này mới chấm dứt. Càng ngày Anna Xergeevna càng gắn bó với anh hơn, và thật là vô nghĩa nếu nói với nàng rằng tất cả những điều xảy ra một lúc nào đó đều phải kết thúc, mà nếu có nói như vậy, chắc nàng cũng không tin.
    Anh bước đến bên nàng và ôm lấy đôi vai nàng, để âu yếm, trêu đùa với nàng. Cùng lúc ấy, anh nhìn thấy bóng mình trong gương.
    Mái tóc anh đã bắt đầu điểm bạc. Anh cảm thấy lạ lùng rằng những năm gần đây anh già đi, tàn tạ đi chóng quá. Đôi vai mà anh đang đặt tay lên khẽ rung rung và nóng hổi. Lòng anh tràn ngập một niềm thương cảm cuộc đời này, một cuộc đời còn ấm áp và xinh đẹp, nhưng có lẽ đã đến lúc gần trở nên héo mòn, héo hắt như cuộc đời anh. Vì lẽ gì mà nàng yêu anh như vậy? Đối với những người phụ nữ, bao giờ anh cũng để lại ấn tượng một con người khác, không giống con người anh trong thực tại, và không phải họ yêu chính anh mà là yêu con người tưởng tượng của họ, yêu con người suốt đời họ đi tìm kiếm. Sau này, khi nhận thấy lầm lỗi của mình rồi, họ vẫn còn yêu. Và không một ai trong bọn họ cảm thấy mình hạnh phúc bên anh. Thời gian trôi đi, anh làm quen với phụ nữ, gần gụi họ, rồi lại rời xa, nhưng chưa bao giờ yêu, có tất cả mọi điều, duy chỉ có tình yêu là chưa đến.
    Chỉ đến bây giờ, khi trên đầu anh tóc đã bắt đầu điểm bạc, anh mới yêu, yêu thực sự chân thành- lần đầu tiên trong cả đời mình.
    Nàng và anh yêu nhau tha thiết như những người rất gần gũi, gắn bó với nhau như vợ chồng, như những người bạn âu yếm. Họ có cảm tưởng rằng chính số mệnh đã tạo họ ra cho nhau, và không thể hiểu rằng làm sao mà anh lại có vợ và nàng có chồng. Họ như hai con chim trời cùng đàn, một con trống, một con mái, cùng bị bắt và nhốt vào hai cái ***g khác nhau. Họ tha thứ cho nhau tất cả những gì trong quá khứ mà họ cảm thấy ngượng ngùng, tha thứ tất cả những gì trong hiện tại và cảm thấy rằng mối tình này đã làm thay đổi hẳn cả hai người.
    Ngày trước, trong những phút buồn rầu, Gurov tự an ủi mình bằng đủ mọi điều suy xét, bất cứ điều nào đến với đầu óc anh. Bây giờ anh không còn tâm trí đâu để mà suy xét nữa, lòng anh chỉ còn tràn ngập một niềm thương cảm lớn, anh muốn trở nên chân thành, dịu dàng.
    - Đừng khóc nữa, em thân yêu của anh,- Gurov nói- Em đã khóc rồi, rồi lại... Thôi chúng ta nói chuyện với nhau một lát, thử nghĩ xem có cách gì không.
    Sau đó họ bàn với nhau rất lâu, nói với nhau rằng, làm sao thoát khỏi cảnh phải lẩn tránh lừa dối mọi người, phải sống ở những thành phố khác nhau, rất lâu mới được gặp nhau. Làm sao mà thóat khỏi những ràng buộc tai ác này?
    -Làm sao? Làm sao?- Gurov đưa tay nắm tóc mình và hỏi- Làm sao bây giờ?
    Có cảm giác chỉ ít lúc nữa thôi là lối thoát sẽ được tìm ra, và lúc ấy, một cuộc đời hoàn toàn mới, thật đẹp đẽ sẽ đến, nhưng cả hai người đều thấy rõ rằng còn xa lắm, xa lắm mới đến ngày kết cục, và những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất chỉ vừa mới bắt đầu.
    Dịch giả: Phan Hồng Giang
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anton P. Tchekhov ​
    Cây vĩ cầm cho Rothschild ​
    Đó là một thị trấn nhỏ, còn tồi tệ hơn một cái làng, trong đó dân cư hầu như toàn ông già bà lão, chết hiếm tới mức khó chịu. Bệnh viện và nhà tù cần rất ít quan tài. Nói tóm lại, công việc ở đây rất chán. Giá Iakov Ivanovich làm nghề đóng quan tài ở trên tỉnh thì có lẽ lão đã có một ngôi nhà riêng hẳn hoi, và ở đó người ta gọi lão là ông Iakov Matveevich, chứ không như cái giống dân mách qué ở đây, gọi trống không cái tên Iakov, đã thế còn đặt cho lão cái biệt danh ?olão Đồng?, hoạ có trời mới hiểu là gì. Iakov sống nghèo khổ như một gã mugic tầm thường, ngôi nhà gỗ cũ kỹ chật chội, trong đó cả lão, Marpha, cái bếp lò, cái giường đôi, đống quan tài và các thứ đồ đạc khác đều nhét vào một cái phòng duy nhất.
    Iakov đóng những chiếc quan tài đẹp và chắc chắn. Đối với đám mugic và cánh đàn ông thị trấn, lão đóng quan tài theo kích cỡ của bản thân và chưa một lần nhầm lẫn, bởi vì có bói cũng không ra một người cao to, chắc khỏe như lão, kể cả trong nhà tù, mặc dù lão đã bẩy mươi tuổi. Đối với đám người có máu mặt và phụ nữ, những cỗ quan tài được đóng theo kích thước của họ mà lão đo rất kỹ bằng cái thước sắt. Còn quan tài đặt cho con trẻ lão nhận một cách miễn cưỡng, đóng chẳng theo một kích cỡ nào, và lúc nhận tiền công bao giờ cũng nói:
    - Thật tình, tôi chả thích làm nhưng việc vặt vãnh thế này.
    Ngoài nghề đóng quan tài, lão còn chơi đàn thuê để kiếm thêm chút đỉnh. Ở thị trấn, trên các đám cưới, người ta hay gọi đội nhạc Do thái tới chơi. Đội nhạc do lão thợ thiếc Moise Ilich Sakhkes làm ông bầu và thường thu về cho mình già nửa số thu nhập. Vì Iakov kéo vĩ cầm rất hay, nhất là những bài hát Nga, nên Sakhkes thỉnh thoảng vẫn mời lão chơi trong đội nhạc của mình và trả cho lão năm mươi copek một ngày, không tính những món thưởng của khách. Cứ thoạt ngồi vào ban nhạc là bao giờ người Iakov cũng đẫm mồ hôi và mặt thì đỏ gay đỏ gắt; không khí nóng nực nồng nặc mùi tỏi đến ngạt thở, tiếng violon rít lên, tiếng contrebasse khàn khàn bên tai trái, còn bên tai phải là tiếng sáo nức nở của gã Do Thái tóc hung, gầy nhom, mặt chằng chịt những đường gân xanh đỏ, mang cái tên của Rothschild, một người giàu nổi tiếng. Và gã Do Thái đáng nguyền rủa này, kể cả những lúc vui vẻ nhất, vẫn cố tình thổi sáo thật não nùng. Không có một nguyên cớ rõ ràng nào, nhưng trong người Iakov cứ dần dần tích tụ sự ganh ghét và lòng khinh bỉ đối với dân Do Thái, đặc bịêt với Rothschild; lão nhiếc móc, chửi mắng gã bằng đủ lời xấu xa, có lần còn định tẩn cả gã nữa. Rothschild giận giữ, làu bàu, nhìn lão, rít qua kẽ răng:
    - Nếu không trọng cái tài của ông thì tôi đã ném ông qua cửa sổ từ lâu rồi.
    Sau đó gã bật khóc. Chính vì thế người ta mời lão Đồng rất hãn hữu, chỉ trong trường hợp vắng mặt một nhạc công Do Thái nào đó.
    Iakov không bao giờ có được tâm trạng sảng khoái bởi lão luôn phải chịu những thất thu ghê gớm. Ví dụ, chủ nhật và những ngày lễ làm việc là có tội, còn thứ hai - húy nhật, chính vì thế trong một năm, muốn hay không, phải có tới gần hai trăm ngày ăn không ngồi rồi. Thiệt hại mới lớn làm sao! Này nhé, có những đám cưới lại không cần nhạc, hay Sekhkes không mời Iakov, thế là thiệt rồi. Cảnh sát trưởng hai năm liền ốm đau, tàn tạ và Iakov mong chờ lão chết từng ngày, ấy vậy mà lão lại lên tỉnh chữa bệnh rồi ngoẻo luôn ở đó. Này nhé, thiệt hại có khi lên tới cả mươi rúp, nếu như buộc phải đóng một cái quan tài đắt tiền có hoa văn phủ nhũ. Những tính toán thua lỗ thường dày vò Iakov vào ban đêm; lão đặt chiếc vĩ cầm lên chăn, và khi đủ mọi ý nghĩ vớ vẩn len vào đầu, lão lại bật giây đàn, cây vĩ cầm phát ra những âm thanh trong bóng tối khiến lão nhẹ lòng hơn.
    Ngày mùng sáu tháng năm năm ngoái Marpha bỗng nhiên lăn ra ốm. Bà thở nặng nhọc, uống nhiều nước và đi đứng loạng choạng, thế mà buổi sáng vẫn tự mình nhóm lò, thậm chí còn đi kín nước. Tới chiều bà nằm một chỗ. Iakov chơi đàn suốt ngày, tối mịt mới xem đến quyển sổ ghi chép những thất thu hàng ngày, và vì buồn chán lão làm bản tổng kết cả năm. Tổng cộng mất tất cả hơn nghìn rúp. Điều đó làm lão sốc tới mức vứt toẹt quyển sổ xuống sàn và di di chân lên. Sau đó lão lại vớ lấy cái bàn gảy và tính toán rất lâu, thở dài căng thẳng. Mặt mũi lão đỏ gay và đẫm mồ hôi. Lão nghĩ hơn nghìn rúp thất thu đó nếu đem gửi nhà băng thì mỗi năm lãi suất cũng chẳng được là bao - có 40 rúp. Có nghĩa 40 rúp này cũng là một mất mát nữa. Nói tóm lại, dù có xoay xở như thế nào, thì ở đâu cũng độc thấy mất mát, không hơn.
    - Iakov! - Marpha bất ngờ gọi lão. - Tôi chết đến nơi rồi.
    Lão nhìn bà vợ. Mặt bà đỏ rực vì nóng, sáng rỡ và sung sướng khác thường. Lão Đồng quen nhìn thấy mặt bà nhợt nhạt, len lét thảm hại, giờ đây lão thấy lúng túng. Hình như bà lão đốc chứng chết thật và tỏ ra sung sướng vì cuối cùng đã vĩnh viễn rời khỏi cái nhà này, thoát khỏi đống quan tài và khỏi Iakov... Bà nhìn lên trần, đôi môi động đậy, nét mặt của bà thật hạnh phúc, như thể bà đã nhìn thấy cái chết, người giải thoát cho bà, và đang thầm thì với nó.
    Trời hửng sáng, từ cửa sổ nhìn thấy rõ bình minh đang cháy rực. Nhìn bà vợ già, Iakov không hiểu sao nhớ ra rằng cả cuộc đời chưa một lần lão vuốt ve bà, chưa từng thương xót bà, chưa bao giờ nghĩ tới việc mua cho bà lấy một tấm khăn choàng nhỏ, mà chỉ la mắng bà, chửi bới vì thua lỗ, nhào tới bà với những nắm đấm. Thật ra thì chưa bao giờ lão đánh vợ cả, nhưng mỗi lần dọa nạt như thế cũng đã đủ làm cho bà sợ rúm cả người. Ngoài ra, lão còn không cho bà uống trà, sợ tốn kém, và bà chỉ uống nước trắng. Chính vì vậy nên lão hiểu được vì sao nét mặt bà giờ đây thật kỳ lạ, sung sướng và lão cảm thấy khiếp hãi.
    Chờ cho sáng hẳn, lão mượn ngựa của hàng xóm và chở Marpha tới bệnh viện. Ở đó không nhiều bệnh nhân lắm, vì thế lão không phải đợi lâu, chỉ mất có ba tiếng. Và thật quá may cho lão, lần này tiếp bệnh nhân không phải là quan đốc, vì bản thân ngài cũng bị ốm, mà là viên y tá Maksim Nikolaich, người mà cả thị trấn kháo nhau rằng mặc dù là tay bợm rượu và thích gây gổ, song còn biết việc hơn đốc tờ.
    - Xin chào ngài, - Iakov vừa dìu vợ vào phòng khám, vừa chào hỏi. - Xin được thứ lỗi, chúng tôi tới quấy quả ngài, Maksim Nikolaich, vì việc vặt này. Chả là bà xã chúng tôi vừa mới bị ốm. Nói thế nào nhỉ, bạn đời, như người ta thường gọi, dạ, xin lỗi ngài về cách nói năng...
    Cau đôi lông mày bạc và vuốt cái ống nghe, viên y tá bắt đầu khám cho bà già. Marpha ngồi trên ghế đẩu người gập xuống, gầy gò, mũi nhọn với cái miệng há ra, nhìn nghiêng trông bà giống như con chim đang khát nước.
    - Rồi... Xong rồi - viên y tá chậm chạp nói và thở dài. - Bội nhiễm, mà cũng có thể sốt nóng. Hiện đang có dịch thương hàn ở thành phố. Biết làm sao được? Bà già sống thế cũng là đủ rồi, lạy trời... Bà ấy bao nhiêu tuổi vậy?
    - Thiếu một tuổi tròn bẩy mươi, thưa ngài Masim Nikolaich.
    - Biết làm sao? Bà già sống đủ rồi. Đã đến lúc được về với Chúa.
    - Dạ, ngài dạy thật chí lý, Masim Nikolaich, - Iakov nói, mỉm cười nhũn nhặn, - xin được đa tạ lòng tốt của ngài, nhưng chúng tôi cũng xin phép được trình bầy, mọi loài sâu bọ đều muốn sống cả ạ.
    - Chứ lại à! - Viên y tá nói với cái giọng như thể sự sống chết của bà già phụ thuộc cả vào lão. - Thôi, thế này nhé, ông bạn, đắp khăn nhúng nước lạnh lên đầu bà ấy và cho bà ấy uống chỗ thuốc bột này, ngày hai lần. Còn bây giờ xin tạm biệt.
    Căn cứ vào nét mặt của viên y tá, Iakov hiểu rằng việc của vợ lão hỏng rồi và chẳng có thuốc bột nào có thể cứu nổi. Lão hiểu rất rõ rằng Marpha sẽ chết rất nhanh, chỉ nay mai thôi. Lão khẽ nắm khuỷu tay viên y tá, nháy mắt và nói thầm:
    - Masim Nikolaich, hay đặt giác hút cho bà ấy?
    - Không có thời giờ, không có thời giờ. Làm ơn đưa bà ấy ra ngoài. Đi ngay cho. Tạm biệt.
    - Xin ngài làm ơn, làm phúc, - Iakov van nài, - Tự ngài cũng biết đấy, nếu như bà ấy bị đau bụng hay đau cái gì bên trong cơ, lúc đó mới dùng đến thuốc bột, thuốc nước, đằng này bà ấy lại bị cảm! Trong trường hợp bị cảm thì việc đầu tiên là phải rút bớt máu, Maksim Nikolaich.
    Viên y tá đã gọi bệnh nhân tiếp theo. Một mụ đàn bà dẫn một đứa trẻ bước vào phòng.
    - Ra ngoài đi, đi đi... - Lão cau có nói với Iakov. - Đừng làm vướng tôi.
    - Thôi thì ít nhất ông cũng đặt cho bà ấy một con đỉa vậy! Được thế chúng tôi sẽ suốt đời cầu nguyện cho ông!
    Viên y tá nổi đóa, gắt lên:
    - Cứ lải nhải mãi! Đồ ngu...
    Iakov cũng tức điên, mặt đỏ tía, nhưng lão không nói một lời, chỉ đỡ Marpha dậy và dìu bà ra khỏi phòng khám. Mãi tới lúc ngồi vào trong xe ngựa lão mới nhìn cái bệnh viện một cách nghiệt ngã và nhạo báng, nói:
    - Người ta tống bọn bay vào cả đây, lũ nghệ sĩ! Đám nhà giàu chúng bay đặt giác hút, còn người nghèo thì tới một con đỉa cũng không cho. Quân bạo chúa!
    Khi về tới nhà, Marpha đứng một lúc, tay vịn vào bếp lò. Bà sợ rằng nếu như đi nằm thì thể nào Iakov cũng sẽ lại than vãn về tiền nong, thua lỗ và chửi mắng bà cứ nằm đấy, chả chịu làm việc. Còn Iakov nhìn bà ngán ngẩm và nhớ ra rằng ngày mai là ngày lễ Thánh Ioan, ngày kia là ngày lễ Thánh Nikolai Ban Phép Lạ, sau đó là chủ nhật, còn sau nữa, thứ hai - húy nhật. Cả bốn ngày không được làm việc, mà Marpha có thể sẽ chết vào một trong những ngày này; nghĩa là quan tài phải đóng ngay ngày hôm nay. Lão cầm lấy cái thước sắt, tiến tới bên vợ để lấy số đo của bà. Sau đó bà đi nằm, còn lão làm dấu thánh rồi bắt tay vào việc.
    Khi đóng xong cỗ quan, lão Đồng đeo kính và ghi vào quyển sổ của mình: ?oQuan tài cho Marpha Ivanovna - giá 2 rúp 40 copek?.
    Và lão thở hắt ra. Trong thời gian đó bà già vẫn nằm, mắt nhắm nghiền. Nhưng tới chiều, lúc chạng vạng, bỗng nhiên bà gọi chồng.
    - Mình còn nhớ chứ, Iakov? - Bà vừa hỏi, vừa nhìn lão vui vẻ. - Mình còn nhớ cách đây năm mươi năm Chúa đã cho chúng ta một đứa trẻ tóc vàng? Mình với tôi khi đó thường hay ra ngồi ở bờ sông, cùng hát... dưới một cây liễu, - và bà cười cay đắng, nói thêm: - Con gái bé bỏng chết mất rồi.
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Iakov căng óc, nhưng không thể nào nhớ nổi, cả đứa bé, lẫn cây liễu.
    - Bà nằm mơ đấy thôi, - lão nói.
    Ông mục sư tới ban phép Mình Thánh và xức dầu cho bà. Sau đấy Marpha bắt đầu lảm nhảm những câu khó hiểu và tới gần sáng thì chết.
    Các bà già hàng xóm tới tắm rửa, khâm liệm và đặt bà vào áo quan. Để khỏi phải chi phí cho người trợ tế, Iakov tự đọc lấy thánh thi, còn về phần mộ thì lão không phải trả một đồng nào, vì người gác nghĩa địa là cha đỡ đầu của lão. Bốn mugíc khiêng quan tài tới nghĩa địa cũng không lấy tiền, vì quý trọng Marpha. Đi sau quan tài là những bà già, những người hành khất, hai người tàn tật. Những người gặp trên đường đều làm dấu thánh một cách sùng kính. Iakov lấy làm hài lòng vì đã thu xếp công việc ổn thỏa, hết lòng, lại không tốn kém, không làm mất lòng ai. Khi từ biệt Marpha lần cuối, lão sờ chiếc quan tài, bụng nghĩ: ?oCỗ quan tốt thật!?.
    Nhưng trên đường từ nghĩa địa về nhà bỗng nhiên một nỗi buồn ghê gớm choán lấy lão. Iakov thấy mình không được khoẻ: hơi thở nóng và nặng, hai chân bủn rủn, khát nước. Đã thế đủ mọi ý nghĩ cứ len vào đầu. Lại nghĩ tới việc cả đời chưa một lần thương xót Marpha, chưa một lần âu yếm bà. Năm mươi hai năm sống chung dưới một mái nhà, vậy mà chưa một lần lão nghĩ tới vợ, không để ý, như thể bà là con mèo hay con chó. Thế mà chính bà hàng ngày nhóm lò, nấu nướng, kín nước, bổ củi, nằm cùng một giường với lão, khi lão từ những đám cưới trở về say khướt, bao giờ bà cũng sùng kính đỡ lấy cây vĩ cầm, treo lên tường, giúp lão đi ngủ. Bà làm tất cả những việc đó một cách thầm lặng, dáng vẻ rụt rè, lo lắng. Trên đường lão gặp Rothschild đang đi tới. Thằng Do Thái vừa cười, vừa cúi chào.
    - Thế mà cháu cứ đi tìm bác mãi! - gã nói. - Ông Moisei Ilich gửi lời chào bác và mời bác tới ngay chỗ ông ấy.
    Iakov chẳng còn bụng dạ nghĩ tới việc đó. Lão chỉ muốn khóc.
    - Để tao yên! - Lão nói và đi tiếp.
    - Thế là thế nào? - Rothschild lo lắng, chạy lên phía trước. - Ông Moissei Ilich giận chết! Ông ấy bảo phải đến ngay!
    Iakov khó chịu bởi thằng Do Thái thở hổn hển, mắt hấp háy, mà sao mặt nó lại nhiều tàn nhang màu hung đỏ thế. Nhìn chiếc áo khoác màu xanh lá cây với những mụn vá sẫm màu và cả cái thân hình mảnh khảnh, yếu ớt của nó mà phát tởm.
    - Sao mày cứ thọc vào chuyện của tao thế hả, đồ tỏi lép? - Iakov hét lên. - Đừng có bám lấy tao!
    Thằng Do Thái cũng nổi xung, quát lại:
    - Xin ông bé cái miệng đi cho, kẻo tôi cho ông bay qua bờ giậu bây giờ!
    - Xéo ngay cho khuất mắt tao! - Iakov gào lên và nắm tay xấn tới. - Không sao sống nổi với loài sâu bọ này!
    Rotsild chết lặng vì sợ hãi, ngồi thụp xuống, hai tay quơ quơ trên đầu như thể đỡ đòn, sau đó nó bật dậy, ba chân bốn cẳng chạy mất hút. Trên bờ sông nó nhảy tưng tưng, hai tay vung vẩy, và thấy rõ cái lưng dài, còm nhom của nó cứ giật lên. Đám trẻ con mừng rỡ gặp dịp, chạy theo nó, la hét: ?oThằng Do Thái! Thằng Do Thái!?. Đàn chó cũng đuổi theo nó, sủa váng lên. Có ai đó cười hô hố, sau đó huýt sáo, đàn chó nhâu nhâu sủa dữ hơn... Sau đó chắc có một con cắn Rothschild, bởi vọng lại tiếng thét đau đớn, tuyệt vọng của nó
    Iakov dạo trên bãi chăn gia súc, sau đấy, không mục đích, lão đi ra phía ngoài thị trấn. Đám trẻ con la lên ?oLão Đồng kìa! Lão Đồng kìa!?. A mà con sông đây rồi. Ở đó những con giẽ giun và những con vịt trời kêu chí chóe. Trời nắng gắt, mặt nước phản chiếu ánh sáng làm chói cả mắt. Iakov men theo con đường hẹp dọc bờ sông và nhìn thấy từ bến tắm một bà béo tốt, má đỏ hây, đi lên, lão thoáng nghĩ: ?oRõ thật, một con rái cá!? . Cách bến tắm không xa bọn trẻ con đang câu tôm bằng mồi thịt. Nhìn thấy lão chúng gào lên một cách độc địa: ?o Lão Đồng! Lão Đồng!?. A mà cây liễu to lớn, già nua với cái hốc tướng đây rồi, và trên cây sao mà lắm tổ quạ... Bỗng nhiên trong trí nhớ của lão hiện lên hình ảnh một đứa trẻ tóc vàng, như sống thật, và cả cây liễu mà Marpha đã nói tới. Đúng rồi, nó đây rồi, chính là cây liễu đó - nó vẫn còn xanh, nhưng im lặng và buồn bã... Nó đã già quá rồi, cây liễu khốn khổ!
    Lão ngồi dưới gốc cây và bắt đầu nhớ lại. Ở bờ bên kia, nơi hiện đang là cánh đồng cỏ ngập nước, trước đây là một cánh rừng bạch dương bạt ngàn, còn trên quả đồi trọc nổi rõ phía chân trời, ngày xưa là một rừng thông già xanh ngăn ngắt. Trên sông xà lan xuôi ngược. Còn bây giờ tất cả bình địa, bằng phẳng, và bên bờ bên kia còn mỗi cây bạch dương non trẻ, cân đối, giống như một cô nương, đứng trơ trọi một mình. Trên sông chỉ thấy ngỗng và vịt, không giống với cảnh xà lan đi lại. Có cảm tưởng khác với ngày xưa, đến ngỗng cũng trở nên ít hơn. Iakov nhắm mắt và trong óc tưởng tượng của lão từng đàn ngỗng lớn nối tiếp nhau bơi qua bơi lại.
    Lão không sao hiểu nổi, tại sao lại như thế, tại sao có đến bốn, năm mươi năm lão không ra sông lấy một lần, mà giá có ra tới đây thì chắc gì lão đã để ý tới nó? Vậy mà đây là một con sông thật lớn, hoàn toàn không phải loại vớ vẩn; trên sông có thể lập những khu đánh bắt cá để bán cho đám thương gia, cho những công chức và các hàng ăn ở trên bến và sau đó tiền thu được đem gửi vào nhà băng; có thể dong duổi trên thuyền từ trang ấp này tới trang ấp khác và chơi đàn, mọi người đua nhau mời lão đi biểu diễn và sẽ trả tiền; cũng có thể thử vài chuyến xà lan - làm việc này còn tốt hơn chán vạn nghề đóng quan tài; và cuối cùng, có thể nuôi ngỗng, mổ thịt, tới mùa đông chuyển lên Moskva. Trời đất, mỗi con ngỗng quèn một năm cũng cho tới cả chục rúp. Thế mà lão đã bỏ qua, chẳng làm một việc gì như thế cả. Những tổn thất mới lớn làm sao! Ôi chao là thiệt hại! Mà nếu như làm tất cả cùng một lúc, cả đánh cá, kéo vĩ cầm, chở xà lan và giết ngỗng, thì sẽ kiếm được bội tiền! Nhưng tất cả những việc đó ngay cả trong mơ lão cũng không nghĩ ra, cuộc đời trôi qua chẳng ích lợi, chẳng vui thú gì, trôi qua vô tích sự, chẳng ra đâu vào đâu; phía trước không còn tương lai, mà ngoái lại đằng sau thì chẳng có gì hết, ngoài những mất mát, những mất mát lớn đến nỗi chỉ nghĩ tới thôi đã thấy ớn lạnh cả người. Mà tại sao con người ta lại không có thể sống như thế nào đó, để khỏi phải chịu những thiệt hại, mất mát nhỉ? Thử hỏi, vì sao người ta lại chặt cả cánh rừng bạch dương và đồi thông đi như thế? Vì sao những bãi thả gia súc quý như vậy lại bị bỏ hoang? Tại sao người ta luôn làm những việc chẳng cần thiết? Vì sao Iakov cả đời lúc nào cũng luôn miệng chửi bới, gầm gừ, xấn xổ đấm đá, bắt nạt vợ mình? Thử hỏi, cần gì phải doạ nạt, lăng mạ một thằng Do Thái? Vì sao mọi người lại cứ cản trở nhau, không cho nhau sống? Chính điều này gây biết bao tổn thất! Những tổn thất khủng khiếp! Nếu không có sự ganh ghét, đố kỵ và độc ác, mọi người có thể mang lại cho nhau những lợi ích lớn đến nhường nào.
    Cả buổi tối và suốt đêm lão toàn mơ thấy đứa trẻ sơ sinh, cây liễu, cá, những con ngỗng bị đập chết, Marpha nhìn nghiêng giống như con chim khát nước, khuôn mặt nhợt nhạt, thảm hại của Rothschild, và những bộ mặt các kiểu từ mọi phía kéo đến nói về sự thiệt hại. Lão trở mình hết bên nọ sang bên kia và năm lần tỉnh dậy để kéo đàn.
    Đến sáng lão gắng hết sức đứng dậy để tới bệnh viện. Cũng vẫn Masim Nikoliaich yêu cầu đắp khăn lạnh lên đầu, uống thuốc bột, và qua nét mặt cùng giọng nói của viên y tá, Iakov hiểu rằng việc của lão đã hỏng và không một thứ thuốc bột nào có thể cứu giúp được. Trên đường về nhà lão nghĩ cái chết chỉ mang lại ích lợi mà thôi: khỏi phải ăn, chẳng cần uống, lại không phải đóng thuế, không làm mếch lòng ai, và bởi vì con người nằm dưới đất không phải một, hai năm, mà hàng trăm, hàng nghìn năm, do đó, nếu tính hết, thì cả một nguồn lợi lớn. Cuộc sống đem lại cho con người sự thiệt thòi, còn cái chết lại cho nó những lợi lộc. Ý nghĩ này, tất nhiên, có lý, song dù sao nó cũng xúc phạm và thật cay đắng: vì sao lại tồn tại trên đời một trật tự lạ lùng vậy, cuộc sống mà con người chỉ được hưởng một lần duy nhất, lại trôi qua chẳng chút ích lợi gì?
    Chết lão không tiếc, nhưng khi về tới nhà, nhìn thấy cây vĩ cầm, tim lão thắt lại và lão bắt đầu thấy tiếc. Cây đàn này không mang xuống mồ được, giờ đây nó sẽ đơn côi và sẽ không tránh khỏi số phận của những cây bạch dương, của rừng thông già. Mọi thứ trên thế giới này đã mất đi và sẽ còn mất nữa! Iakov bước ra, ngồi trên bậc cửa nhà, ôm riết cây đàn vào ngực. Trong khi vẫn nghĩ tới cuộc sống mất mát, chẳng chút lợi lộc, lão bắt đầu kéo đàn, bản thân cũng không hiểu tại sao, nhưng tiếng đàn của lão vang lên rầu rĩ và cảm động. Những giọt nước mắt lăn trên má lão. Và lão càng nghĩ thì tiếng hát của cây đàn càng buồn thảm.
    Thanh chốt cửa kẹt lên vài tiếng và Rothschild xuất hiện trong cổng. Nó mạnh bạo đi được nửa sân, nhưng khi nhìn thấy Iakov, đột nhiên nó khựng lại, cả người co quắp, và chắc vì sợ hãi, nó không nói, mà chỉ làm những động tác như thể muốn ra hiệu bằng mấy ngón tay báo giờ cho lão.
    - Lại đây, đừng sợ, - Iakov dịu dàng nói và dỗ nó lại gần. - Lại đây nào.
    Rothschild nhìn lão ngờ vực, tiến thêm mấy bước và dừng lại cách lão một sazen[1].
    - Xin bác đừng đánh cháu! - Nó nói, hơi chùng người xuống. - Ông Moisêi Ilich lại phái cháu tới mời bác. Ông bảo đừng có sợ, cứ đến nhà ông Iakov và bảo không có bác là không xong. Thứ năm này có một đám cưới... Vâng, phải! Ngài Sapovalov gả con gái cho một người tử tế. Mà đám cưới to lắm nhé, u-u![2] - Gã Do Thái nói thêm, hấp háy một bên mắt.
    - Bác không thể... - Iakov phều phào, thở nặng nhọc - Bác không được khỏe, anh bạn ạ.
    Rồi lão tiếp tục kéo đàn, những giọt nước mắt rỏ xuống cây vĩ cầm. Rothschild nghe chăm chú, đứng nghiêng người về phía lão, hai tay khoanh trước ngực. Nỗi sợ hãi, nghi ngại trên nét mặt nó dần dần biến thành nỗi sầu muộn, đau khổ. Nó trợn ngược mắt, dường như đang chịu đựng một khoái cảm đớn đau, thì thào: ?oVakhkhkh!..?. Và những giọt nước mắt từ từ chảy dài trên má nó, nhỏ xuống chiếc áo khoác màu lá cây.
    Sau đó Iakov nằm cả ngày, buồn bã. Đến tối, lúc ông mục sư tới làm lễ rửa tội, hỏi lão có nhớ một tội lỗi nào nào thật đặc biệt mà lão đã mắc phải lúc sinh thời. Iakov cố căng cái trí não đã trở nên yếu ớt, chợt nhớ lại khuôn mặt bất hạnh của Marpha, tiếng thét tuyệt vọng của thằng Do Thái bị chó cắn, lão thều thào:
    - Cây vĩ cầm cho thằng Rothschild.
    - Được rồi, - Ông mục sư đáp.
    Hiện cả thành phố đều thắc mắc không biết thằng Rothschild kiếm đâu ra cây vĩ cầm tốt thế? Nó mua hay đánh cắp được, cũng có thể nó kiếm được từ hiệu cầm đồ? Nó đã bỏ ống sáo từ lâu, và hiện giờ chỉ kéo vĩ cầm. Dưới cần đàn tuôn chảy những âm thanh não nùng giống như những âm thanh của cây sáo trước đây, nhưng khi nó thử chơi lại những gì mà Iakov đã chơi lúc ngồi ở bậc cửa, thì tiếng đàn của nó u sầu, thê lương tới mức khiến tất cả những người nghe đều phải khóc. Cả bản thân nó, cuối cùng thể nào nó cũng trợn ngược mắt và thều thào: ?oVakhkhkh!?. Bài hát mới đó được người ta ưa thích đến nỗi những thương gia và các viên chức giành giật nhau mời Rothschild về nhà và bắt nó chơi đi chơi lại cả chục lần liền.
    Đào Tuấn Ảnh dịch từ nguyên bản tiếng Nga

    [1] Sazen bằng 2,134m
    [2] Trong nguyên bản, Rothschild nói năng không rõ ràng, mạch lạc, tiếng Nga ngọng. Miêu tả sự khiếm khuyết của Rothschild, tác giả muốn nhấn mạnh tới sự thay đổi trong tâm lý của Iakov. Khi Iakov còn sống, những khuyết tật của Rothschild làm ông khó chịu, nhưng trước lúc ông chết, những khuyết tật đó làm cho ông thương xót, ân hận vì đã xử tệ với nó, song cái chính là ông đã nhìn thấy tài năng và sự nhạy cảm âm nhạc của nó, tâm hồn nó...


  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Giamilia​
    Truyện núi đồi và thảo nguyên​
    Chương 1​

    Thế là giờ đây tôi lại đứng trước bức tranh nhỏ ấy, bức tranh ***g trong tấm khung giản dị. Sáng mai tôi có việc phải về bản, và tôi chăm chú ngắm nhìn bức tranh hồi lâu, dường như nó có thể nói với tôi một lời chúc mừng tốt lành tiễn chân tôi lên đường.
    Bức tranh này chưa bao giờ tôi gửi đi triễn lãm. Hơn nữa, mỗi khi có bà con ở bản lên chơi, tôi tìm cách giấu biệt nó đi.
    Chẳng phải bức vẽ có điều gì đáng cho tôi xấu hổ, mà chỉ vì nó hoàn toàn không phải là một mẫu mực nghệ thuật. Nó giảm dị như mảnh đất vẽ trên đó.
    ở lớp sâu trong cùng vủa bức tranh là một mảng trời thu nhạt nhòa. Gió lùa những đám mây đen nhỏ bé đốm trắng ruổi nhan trên dãy núi xa xa. Ở cận cảnh của bức tranh là thảo nguyên ngải cữu mầu nâu đỏ. Một dải những đường đen đen chưa kịp khô sau mấy trận mưa vừa qua. Mấy bụi cây khô gãy rụi chen chúc bên vệ đường. Dọc thheo vệt bánh xe nham nhỏ có vết chân hai người đi bộ in dấu liền liền. Càng ra xa, vết chân càng mờ dần trên đường, còn hai người dường như chỉ bước thêm một bước nữa là ra khỏi tấm khung của bức tranh. Một trong hai người.... Nhưng thôi, tôi nói trước như vậy hơi sớm quá.
    Hồi ấy tôi còn trẻ dại lắm. Chiến tranh đã sang năm thứ ba. Cha anh chúng tôi chiến đấu ở những mặt trận xa xôi, đâu ở gần Cuốcxcơ và Ôriôn. Chúng tôi bấy giờ mới chỉ là những thiếu niên ở lứa tuổi mười lăm, vậy mà chúng tôi đã làm lụng trong nông trang. Công việc nhà nông nhọc nhằn hàng ngày đè nặng lên đôi vai còn non yếu của chúng tôi. Vất va? nhất là vào những ngày gặt hái. Hàng tuần liền chúng tôi không có mặt ở nhà, ngày đêm biệt tăm ngoài đồng ruộng, trên sân đập hay trên đường tải thóc ra ga.
    Vào một ngày mùa như thế, trời nóng như thiêu như đốt, lưỡi liềm như nóng đỏ lên vì gặt hài nhiều, tôi đánh chiếc Briske không tải tử ga về, và tôi có ý định ghé qua nhà.
    Ngay cạnh chỗ sông cạn, trên một trái đồi nhỏ cuối xóm, có hai cái sân bao quanh bằng tường Toóc-xi vững chãi. Quanh nhà dương liễu mọc cao tươi tốt. Đấy là nhà chúng tôi. Từ thuở nào đến giờ, hai gia đình chúng tôi vẫn ở cạnh nhau. Chính tôi là con "Nhà lớn". Tôi có hai anh, ca? hai lớn tuổi hơn tôi, ca? hai cùng chưa vợ và cùng đi chiến đấu, đã lâu chưa có tin tức gì gửi về.
    Bố tôi đã già, làm thợ mộc. Sáng tinh mơ cụ đọc kinh Coran cầu nguyện, cầu kinh xong cụ đến xưởng mộc làm việc, xưởng ở ngay trong sân chung của bản. Buổi tối khuya bố mới về nhà.
    ở nhà chỉ còn mẹ tôi và đứa em gái nhỏ tuổi.
    Sân bên, hay "Nhà bé" như dân bảng thường gọi, là chỗ họ hàng gần của chúng tôi. Đâu như cụ kị chúng tôi là anh em với nhau, nhưng tôi gọi họ là bà con gần vì chúng tôi sống chung thành một gia đình. Hai nhà chúng tôi gắn bó với nhau như vậy ngay từ thời còn là dân du mục, khi ông nội chúng tôi cùng dựng trại một chỗ, gia súc cùng chăn chung. không chỉ riêng hai nhà chúng tôi, mà ca? xóm Aran chạy dọc suốt bản tên dải đất giữa hai con sông, đều là người cùng bộ tộc với nhau cả, cùng một dòng họ.
    Sau khi tập thể hóa được ít lâu, ông chủ "Nhà bé" qua đời, để lại bà vợ góa với hai con trai nhỏ tuổi. Theo tục lệ cũ của ađat mà hồi ấy dân bản vẫn tuân theo thì không được để người đàn bá góa với hai con trai nhỏ đi nơi khác, bởi thế họ đương thu xếp cho bố tôi lấy bà làm lẽ. Bổn phận đối với tổ tiên buộc bố tôi phải làm như vậy:
    vì bố tôi là chỗ họ hàng gần nhất với người quá cố.
    Thế là chúng tôi có thêm một gia đình thứ hai. "Nhà bé" được coi là một hộ độc lập:
    có cơ ngơi riêng, gia súc riêng, nhưng thật ra chúng tôi vẫn sống chung với nhau.
    Nhà bé cũng đưa tiễn hai con vào quân đội. Xađức, anh con cả, cưới vợ được ít lâu thì đi. Hai người vẫn gửi thư về, thực ra thì họa hoằn lắm mới được một lá.
    ở "Nhà bé" chỉ còn bà mẹ mà tôi gọi là "kichi-apa", tức là mẹ bé, và chị con dâu bà, tức là vợ anh Xađức. Hai mẹ con làm lụng từ sáng đến tối ở nông trang. Bà mẹ bé tôi là người nhân hậu, dễ tính, hiền lành, nhưng làm lụng thì không thua gì bọn trẻ, dù là đào mương hay tưới nước:
    tóm lại, bà cầm vững chiếc cuốc trong tay. Dường như để thưởng công, số phận đã ban cho bà một người con dâu có nết hay làm. Giamilia thật xứng với mẹ:
    lúc nào cũng luôn chân luôn tay, không biết mệt là gì, đảm đang khéo léo. Chỉ phải cái tính nết hơi khác người.
    Tôi yêu quí chị Giamilia hết chỗ nói. Chị cũng yêu quý tôi. Chúng tôi thân nhau lắm, nhưng không dám gọi nhau bằng tên. Nếu không phải là chị em một nhà thì chắc chắn tôi đã gọi chị chỉ đơn giảm là Giamilia. Nhưng tôi gọi chị là "giênê", tức là chị dâu cả, còn chị gọi tôi là "kichinê bala", nghĩa là chú em bé bỏng, mặc dù tôi chẳng bé bỏng gì cho cam, và chị cũng chẳng hơn tuổi tôi bao lăm. Nhưng tục lệ Ở bản là như vậy:
    chị dâu gọi em trai chồng là "kichinê bala" hay "kaini của tôi".
    Công việc của ca? hai nhà do mẹ tôi quán xuyến, cô em gái tôi đỡ thêm một tay. Em gái tôi là một cô bé kỳ cục, tóc tết bím bện lẫn mấy sợi chỉ. Tôi không bao giờ quên được em tôi đã lăn lưng ra làm như thế nào trong những ngày gay go ấy.
    Chính em tôi đã đưa cừu và bê của hai nhà đi chăn ở bãi cỏ ngoài vườn rau, chính em tôi đã đi nhặt kigiắc và củi khô để nhà có cái đun. Chính cô em mũi hếch của tôi đã làm cho mẹ tôi đẹp lòng, đỡ cô đơn và quên đi những ý nghĩ buồn phiền vì không có tin tức gì về hai con trai.
    Gia đình chúng tôi đông đúc là thế mà trong nhà vẫn được hòa thuận, no đủ, ấy là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi là người định đoạt mọi công việc của ca? hai nhà, là người giữ gìn tổ ấm gia đình. Mẹ tôi về làm con dâu ông bà tôi từ hồi còn non trẻ, bấy giờ cha ông chúng tôi còn sống cuộc đời du mục, rồi sau đó mẹ tôi luôn luôn thành kính tưởng nhớ đến ông bà tôi và cai quản hai gia đình rất mực công bằng. Trong bản ai cũng coi mẹ tôi là người nội trợ đáng trọng nhất, chu đáo nhất và khôn khéo nhất. Mọi việc trong nhà đều do mẹ Ooi cắt đặt. Còn bố tôi thì thực tình mà nói, dân bản không coi ông là chủ gia đình.
    Nhiều lần tôi nghe thấy người ta nói với nhau, nhân việc này việc nọ:
    "Này, này, chẳng cần đến hỏi ustăca làm gì (ở quê chúng tôi, người ta gọi những người khéo tay nghề là ustăca để tỏ ý kính trọng), ông ta chỉ biết có cái rìu của mình thôi.
    Mọi việc trong nhà đều do bà mẹ ca? định đoạt, đến nói với bà ấy thì mới ăn thua...." Càn nói rõ rằng tuy còn ít tuổi, tôi vẫn thường can dự vào công việc gia đình. Sở dĩ tôi có thể xen vào như vậy là vì hai anh tôi đi chiến đấu. Nhiều khi là bông đùa, nhưng đôi lúc cũng là nói đứng đắn, ngờii ta gọi tôi là chàng gighit của hai gia đình, người bảo vệ và nuôi sống hai nhà. Tôi lấy thế làm hãnh diện, và không lúc nào lãng quên trách nhiệm của mình.
    Thêm nữa, mẹ tôi cũng khuyến khích tôi có tính độc lập. Mẹ tôi muốn tôi biết thu xếp việc nhà và lanh lẹn tháo vát, chứ đừng như bố tôi, suốt ngày chỉ lùi cũi cưa đục bào gọt.
    Thế là tôi đã cho chiếc briska dừng lại cạnh nhà, dớii bóng rợp của cây liễu, nới lỏng dây chằng ngựa, rồi đi về phía cổng, và tôi thấy bác đội trưởng Ôrôzơmát đang ở trong sân nhà tôi. Vẫn như mọi khi, bác cưỡi trên lưng ngựa, chiếc nạng buộc bên yên, Mẹ tôi đứng cạnh bác. Hai người đang bàn cãi chuyện gì đó. Lúc đến gần, tôi nghe thấy mẹ tôi nói:
    - Không được! Phải biết kính sợ Thượng đế mới được chứ:
    đời thuở nào đàn bà lại đánh xe briska tải thóc bao giờ ấy?
    Không, hãy để cho con dâu tôi được yên, xin để mặc cho nó làm ăn như từ trước đến giờ. Cứ thế này tôi cũng đủ tối mắt tối mũi lại rồi, thì bác hãy thử lo liệu công việc của hai nhà này đi xem có kham nổi không nào! May là con bé nhà tôi đã lớn.... Ca? tuần nay tôi chưa có lúc nào đứng thẳng lên được, ê ẩm ca? lưng, cứ như thể vừa hùng hục cán ra. ấy, lại còn vạt ngô đang héo hắt chờ nước nữa chứ,
    - Mẹ tôi có vẻ nóng nảy, chốc chốc lại nhét đầu chiếc khăn vấn tóc vào cổ áo. Mẹ tôi thường làm như vậy mỗi khi có điều gì tức giận.
    - Ô hay, cái bà này mới lạ chứ!
    - Ôrôzơmát đảo nghiêng người đi trên yên, thốt lên bằng giọng thất vọng,
    - Nếu như chân tôi còn lành lặn chứ không què cụt như thế này thì tội gì tôi phải đến đây cầu cạnh bà kia chứ? Giá như trước kia thì tôi cứ quẳng những bao thóc lên xe, rốiđanh ngựa đi là rảnh chuyện.... Đáy không phải là công việc của đàn bà, tôi biết quá đi chứ, nhưng bói đâu ra đàn ông?.... Vì thế chúng tôi tính nước cậy nhờ chị em vợ các chiến sĩ. Bà thì bà không cho con dâu bà đi, còn chúng tôi lại bị cấp trên mắng nhiếc thậm tệ.... Bộ đội cần bánh mì, vậy mà chúng ta không thực hiện được kế hoạch. Liệu có đang tâm được không, còn mặt mũi nào nữa?
    Tôi đến gần, tay kéo lê chiếc roi trên mặt đất. Thấy tôi, ông đội trưởng tỏ ra mừng rỡ khác thường, chắc ông chợt nảy ra một ý định gì.
    - Thôi được, nếu bà lo giữ gìn con dâu như thế thì đây, có kaini của cô ấy đây,
    - bác vui mừng trỏ vào tôi,
    - cậu ấy sẽ không cho đứa nào bén mảng đến gần chị mình. Bà chẳng cần nghi ngại gì nữa! Xêit của chúng ta giỏi đáo để! Chính các chú nhỏ này nuôi sống chúng ta, chỉ có chúng nó mới gỡ được thế bí cho chúng ta.
    Mẹ tôi không để cho ông đội trưởng nói hết lời.
    - Rõ khiếp chưa, nom có ra cái bộ dạng gì không, thằng mất nết kia!
    - mẹ mắng tôi,
    - Tóc tai tùm lum thế kia kìa.... Mà cái ông lão nhà này cũng đến tệ, chẳng dành lấy một lúc cắt tóc cho con nữa....
    - Ờ phải đấy, hôm nay để thằng bé nghỉ chơi ở nhà bố mẹ,
    - Ôrôzơmát khéo léo nói lựa theo ý mẹ tôi.
    - Xêit này, hôm nay cháu ở nhà, chăm cho ngựa ăn thêm một chút, rồi ngày mai bác sẽ giao xe briska cho Giamilia:
    hai chị em sẽ chung sức cùng làm. Phải cẩn thận đấy, cháu ạ, cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về chị Giamilia. Xin bà đừng lo ngại, baibitsê ạ. Xêit sẽ không để cho ai chòng ghẹo chị nó đâu. Nếu cần nữa tôi sẽ cho ca? Đaniyar cùng đi. Bà biết anh ta rồi đấy:
    anh chàng hiền như cục đất.... mới ở mặt trận về. Ca? ba người sẽ cùng đánh xe tải thóc ra ga. Thế thì còn đứa nào dám động đến con dâu bà nữa? Bác nói đúng không, Xêit? Cháu nghĩ thế nào? Bác định giao cho Giamilia đánh xe chở thóc, nhưng mẹ cháu vẫn chưa thuận, cháu hãy nói cho mẹ cháu nghe ra đi.
    Được bác đội trưởng phỉnh nịnh, lại được bác hỏi ý kiến coi mình như người lớn, tôi thích trí lắm. Thêm nữa, tôi hình dung ra ngay cái lúc tôi cùng với chị Giamilia đánh xe ngựa ra ga, thật thú vị biết bao. Tôi làm ra vẻ mặt nghiêm chỉnh, nói với mẹ tôi:
    - Chẳng việc gì phải lo cho chị ấy, dễ thường chị ấy có cơ bị chó sói ăn thịt chắc?
    Và như một tay đánh xe lọc lõi, tôi tia nước bọt qua kẽ răng mộtcách thành thạo, kéo lê cái roi đằng sau, vừa bước đi vừa đung đưa hay vai ra dáng đĩnh đạc.
    - Hừ, cái thằng này!
    - mẹ tôi ngạc nhiên và dường như có phần vui sướng, nhưng rồi ngay tức thì, mẹ tôi quát lên bằng giọng cáu kỉnh:
    - Rồi tao sẽ cho mày thấy thế nào là chó sói! Mày biết cái gì mà dám nói, rõ trứng khôn hơn vịt!.
    - Chứ nó không biết thì ai biết nào, trong gia đình bà nó là chàng gighit của ca? hai nhà, đáng cho bà tự hào quá đi chứ! - Ôrôzơmát vừa bênh tôi vừa nhìn mẹ tôi một cách e dè, chỉ lo mẹ tôi lại vẫn một mực giữ ý cũ.
    Nhưng mẹ tôi không nói lại câu nào, chỉ cúi đầu xuống thở dài, thốt lên:
    - Gighit gì nó, mới tí tuổi đầu mà đã ngày đêm làm lụng quần quật, chẳng lúc nào thấy mặt ở nhà.... Những chàng gighit thân yêu của chúng ta bây giờ ở đâu, có trời biết! Nhà cửa quạnh quẽ, cứ như khu lều trại bỏ hoang..... Tôi đã đi được một quãng xa và không nghe rõ mẹ tôi nói gì nữa. Vừa đi tôi vừa vung roi quất vào góc nhà, bụi bay mù ca?
    lên, thậm chí em gái tôi mỉm cười với tôi, tôi cũng không đáp lại (em gái tôi lúc ấy đang nắm kigiắc trong sân, hai tay vỗ bồm bộp). Dáng bộ quan trong, tôi đến dưới mái hiên. Tôi ngồi xổm xuống, thong tha? rửa tay, dội bằng nước trong vò.
    Rồi tôi vào buồn, uống một cốc sữa chua, rót cốc nữa đem ra để trên bậu cửa sổ và bắt đầu bẻ vụn bánh mì tha? vào cốc.
    Mẹ tôi và bác Ôrôzơmát vẫn ở ngoài sân. Có điều, hai người không bàn cãi nữa, mà bình tĩnh nói chuyện khe kkẽ với nhau. Chắc là hai người nói về các anh tôi. Mẹ tôi chốc chốc lại đưa ống tay áo lên lau đôi mắt sưng húp, trầm ngâm gật đầu đáp lại khi nghe Ôrôzơmát nói (chắc bác ta an ủi mẹ tôi), và mắt mờ lệ, mẹ tôi, nhìn đi tận đâu đâu phía trên rặng cây, như hy vọng nhìn thấy mấy người con trai của mình ở đằng ấy.
    Đắm lòng trong nỗi buồn phiền, hình như mẹ tôi đã thuận theo lời thỉnh cầu cảu bác Ôrôzơmát. Còn bác ta hài lòng vì đã được như ý, vung roi quất ngựa phóng nhanh ra khỏi sân.
    Đương nhiên, lúc ấy cả mẹ tôi lẫn tôi đều không thể ngờ mọi chuyện về sau sẽ ra sao.

Chia sẻ trang này