1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tác phẩm văn học

Chủ đề trong '1981 - Hội Gà Sài Gòn' bởi chichi_b2, 09/10/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh
    Tưởng nhớ Thuý Kiều, Kim Trọng thẫn thờ đi tìm chỗ ở của Kiều. Nhìn cảnh vật, bóng người đâu chẳng thấy, lòng mang một thất vọng nặng nề:
    "Thẳm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh"
    Và, khi Kim Trọng may mắn gặp Kiều tại vườn hoa, chàng tỏ tình thương nhớ, yêu đương thì Kiều:
    "Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:
    Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong
    Dầu khi lá thắm chỉ hồng
    Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha
    Nặng lòng xót liễu vì hoa
    Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa"
    "Lá thắm" là lá đỏ, do chữ "hồng diệp"
    Ngày xưa, triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước bị tuyển vào cung làm cung hầu vua. Họ có đi mà chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn duyên tủi phận gối lẻ chiếc bóng trong thâm cung. Chỉ có khi nào bị sa thải vì hết đẹp, vì già...
    Ðời Ðường (618- 907), triều Hy tông, có nàng cung nữ tên Hàn Thuý Tần cũng như bao cung nữ khác sống cô lạnh trong thâm cung. Buồn tủi cho số kiếp của mình, nàng thường nhặt những chiếc lá đỏ rồi đề thơ trên lá, thả xuống ngòi nước như mong nước trôi xuôi cuốn đi nỗi tâm sự u uất của mình:
    "Lưu thuỷ hà thái cấp
    Cung trung tân nhiệt nhân
    Ân cần tạ hồng diệp
    Hảo khư đảo nhân gian"
    Tạm dịch:
    "Nước chảy sao mà vội
    Cung sâu suốt buổi nhàn
    Ân cần nhờ lá thắm
    Trôi đến tận nhân gian"
    Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm luỹ. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể tướng Hàn Vinh tên Vu Hựu vốn người phong lưu tài tử, thơ hay chữ tốt, chỉ hiềm nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể tướng họ Hàn. Ðương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Vu Hựu bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ liền vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng nhặt một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung:
    "Sầu kiến oanh đề liễu nhứ phi
    Thượng đương cung nữ đoạn trường thì
    Tư quân bất cấm đông lưu thuỷ
    Diệp thượng đề thi ký giữ thuỳ"
    Phan Như Xuyên dịch:
    "Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương
    Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường
    Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước
    Gởi cho ai đó nói không tường"
    Nàng cung nữ họ Hàn thường ngồi thơ thẩn nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá chở bài thơ của người không quen biết, vừa mừng, vừa lấy làm lạ, liền đem cất vào rương son phấn.
    Non mười năm sau, vua mới lên ngôi, sa thải một số cung nữ cũ, trong đó có Hàn Thuý Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể tướng họ Hàn là chú họ của nàng, để chờ chuyến thuyền trở về quê nhà. Gặp Vu Hựu, cả hai trò chuyện hợp ý tâm đầu. Tể tướng họ Hàn thấy cả hai xứng lứa vừa đôi nên làm mối cho kết thành duyên giai ngẫu.
    Ðêm tân hôn, Hựu chợt mở rương son phấn của vợ, thấy chiếc lá của mình ngày xưa, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được, đem cho vợ xem. Cả hai lấy làm lạ, đoạn nhìn nhau âu yếm mĩm cười. Thì ra cả hai giữ hai chiếc lá của nhau, cho là duyên trời định.
    Cảm xúc cảm tình, cổ thi có bài- nhưng có sách lại cho bài sau này do Hàn Thuý Tần làm ra:
    "Nhứt liên giai cú tuỳ lưu thuỷ
    Thập tải ưu tư mãn tố hoài
    Kim nhựt khước thành loan phượng lữ
    Phương tri hồng diệp thị lương môi
    Nghĩa:
    "Một đôi thi cú theo dòng nước
    Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy
    Mừng bấy ngày nay loan sánh phượng
    Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai"
    "Chim xanh" tức là chim báo tin.
    Nguyên vua Võ Ðế đời nhà Hán đương ngự chơi ở vườn Thượng uyển, bỗng thấy có hai con chim xanh bay đến. Ðông Phương Sóc hầu bên tâu rằng: đó là sứ giả của Tây vương mẫu đến trước báo tin Tây vương mẫu sắp đến. Qủa nhiên, một lúc sau, Tây vương mẫu đến thăm nhà vua.
    "Chim xanh" được mượn chỉ sứ giả, người đưa tin.
    "Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh" có nghĩa là không có dòng sông thả lá thắm, không có lối chim xanh bay vào, ý nói không thông tin tức được với người bên trong. Xem như tất cả nỗi chờ mong gặp gỡ hay tin tức đều hoàn toàn tuyệt vọng.
    Ðoạn tả Kim Trọng có vẻ suồng sã, lả lơi với Kiều, Kiều khuyên có câu:
    "Vẻ chi một đoá yêu đào
    Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh"
    "Chim xanh" ở đây không còn có ý nghĩa chỉ sứ giả nữa, mà chỉ người mai mối. Kiều nói nhún mình: "Thân em là (một hoa đào) tầm thường trong vườn đào đáng giá gì mà không bằng lòng chấp nhận người mai mối (một khi chàng yêu) được chàng đưa đến... Vậy là Thuý Kiều "buộc" Kim Trọng phải thực hiện điều quan trọng đầu tiên hơn hết, rồi sau sẽ muốn gì thì muốn. "Ai lại tiếc gì với ai", chớ giờ thì "Chữ trinh đáng giá ngàn vàng"...
  2. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này
    Kiều đến phòng văn của Kim Trọng. Thuý Kiều chú ý đến bức tranh, Kim Trọng cho biết là chàng mới vẽ xong, và xin Kiều đề cho mấy câu thơ vào tranh cho tăng giá trị. Kiều liền nhanh nhẹn cầm bút "tay tiên gió táp mưa sa; khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu". Kim Trọng thấy ý thơ đã nhanh, văn hay chữ đẹp, chàng tán dương hết lời:
    Khen tài nhả ngọc phun châu
    Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này
    Kiếp tu xưa ví chẳng dày
    Phúc nào nhắc được giá này cho ngang
    Nàng Ban tức là nàng Ban Chiêu, con gái của Ban Bưu, em gái của Ban Cố và Ban Siêu, một danh tướng đời Ðông Hán (25- 196)
    Sinh trong gia đình Nho học, cha anh đều là bậc tài danh, Ban Chiêu rất thông minh, 13 tuổi đã giỏi thi phú. Ðến tuổi cài trâm, Ban Chiêu sáng duyên cùng Tào Thế Thức, cũng là một nhà Nho lỗi lạc. Nhưng phận đẹp duyên ưa của đôi vợ chồng trẻ tuổi tài hoa này lại quá phũ phàng. Chỉ vòng 10 năm, Ban Chiêu trở thành goá bụa, thủ tiết chờ chồng.
    Vua Hoà đế nghe danh nàng Ban học rộng tài cao nên cho dời vào cung để dạy các hoàng tử, cung phi. Ai cũng tôn trọng xứng đáng là bậc thầy.
    Lúc bấy giờ, Ban Bưu đương làm quan tại triều, được nhà vua cử soạn thảo bộ Hán thư. Nhưng làm chưa xong , Ban Bưu chết. Anh của nàng là Ban Cố được lệnh kế nghiệp cha, nhưng sự nghiệp chưa xong lại bị lao tù bạo bịnh rồi mất! Thấy cha và anh chẳng may bỏ dỡ công việc, Ban Chiêu tâu xin nhà Vua cho nàng được nối tiếp công việc dở dang của cha anh. Nhà Vua bằng lòng. Thế là nàng được vào Ðăng quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn. Trong thời gian này, Ban Chiêu còn trứ tác tập "Nữ giới" gồm có 7 thiên. Danh tiếng của nàng càng lẫy lừng.
    Cũng nàng Ban, lại có một điển tích khác.
    Nàng họ Ban, không biết tên, vốn là một cung phi của vua Thành đế (32- 08 trước DL) đời nhà Hán. Nàng làm nữ quan Tiệp Dư nên thường gọi là Ban Tiệp Dư.
    Nàng đẹp, duyên dáng có tài văn học được vua sủng ái.
    Một hôm vua Thành đế đi du ngoạn ngoài thành, gọi Ban Tiệp Dư cùng ngồi chung xe. Nàng vốn tính khiêm tốn với thân phận và chức vụ của mình, sợ bên ngoài dị nghị, trong cung nội ghét ghen nên từ chối. Không ngờ thái độ khiêm tốn này bị một thứ phi là Triệu Phi Yến gièm pha, tâu với vua khép nàng vào tội khi quân.
    Vua Thành đế nghe lời Triệu Phi Yến liền phế Ban Tiệp Dư ra cung Trường Tín chầu bà Thái hậu, không được ở trong cung hầu hạ nhà Vua. Bấy giờ, nhà vua say mê Triệu Phi Yến. Sự sủng hạnh của nhà vua đối với Ban Tiệp Dư ngày càng phai dần.
    Tủi cho thân phận lâm cảnh phủ phàng, nàng buồn bã, lấy một thứ lụa trắng gọi là Tề hoàn (lụa nước Tề) do nàng tự dệt lấy làm thành một cây quạt tròn, gọi là quạt Hợp hoan. Trên quạt đề một bài thơ để tự ví thân phận mình:
    Tân chế Tề hoàn tố
    Hạo khiết như sương tuyết
    Tái thành Hợp hoan phiến
    Ðoàn đoàn tự minh nguyệt
    Xuất nhập quân hoài tụ
    Ðông dao vi phong phát
    Thường thủng thu tiết chí
    Lương viêm đoạt viêm nhiệt
    Khí nguyên giáp tư trung
    Ân tình trung đạo tuyệt
    Phỏng dịch:
    Mới chế lụa Tề trắng
    Trong sạch như tuyết sương
    Làm thành quạt Hợp hoan
    Tròn như vành trăng sáng
    Ra vào trong tay vua
    Phe phẩy sinh gió mát
    Thường sợ tiết thu sang
    Khí mát đoạt nồng nhiệt
    Ném bỏ vào xó rương
    Ân tình nửa đường tuyệt
    ả Tạ tức là nàng Tạ Ðạo Uẩn, con của Tạ Dịch, người đất Dương Hạ đời nhà Tấn (265- 419). Nàng lúc nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học rộng lại có thêm tài biện luận. Cha mẹ mất sớm, ở với chú. Nhân một hôm về mùa đông, tuyết rơi lả tả, chú của Tạ Ðạo Uẩn là Tạ An ngồi uống rượu nóng có cả hai cháu là Ðạo Uẩn và Tạ Lãng hầu bên. Tạ An liền chỉ tuyết hỏi:
    - Tuyết rơi giống cái gì nhỉ?
    Tạ Lãng đáp:
    - Muối trắng ném giữa trời
    Tạ Ðạo Uẩn bảo:
    - Chưa bằng gió tung tơ liễu
    Tạ An khen nàng thông minh có nhiều ý hay, tư tưởng đẹp. Ông thường chỉ Tạ Ðạo Uẩn bảo con cháu: "Nếu là trai, Tạ Ðạo Uẩn sẽ vào hàng công khanh".
    Tạ Ðạo Uẩn sau kết duyên với Vương Ngưng Chi, cũng là một nhà Nho lỗi lạc đương thời. Làm vợ Vương, nàng thường thay chồng tiếp khách văn chương, luận bàn thi phú. Nàng còn là người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chắc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải phục. Em chồng của nàng là Vương Thiếu Chi, học giỏi nhưng lập luận kém, thiếu hoạt bát nên khi lập luận thường bị khách áp đảo. Tạ Ðạo Uẩn sợ em chồng bị mất giá trị nên bảo thị tì thưa với Thiếu Chi, trong khi biện luận với khách cho nàng ngồi sau màn để nhắc. Thiếu Chi vui lòng; nhờ đó mà khuất phục được khách và nổi danh.
    Nàng Ban, ả Tạ là hai người phụ nữ (kể như ba: hai nàng Ban) có tài danh về văn chương thi phú. Về sau các nhà văn học thường dùng tiếng "Nàng Ban, ả Tạ" để chỉ người phụ nữ có tài danh về văn chương.
    Ngày xưa, chế độ phong kiến, giới nữ bị kiềm chế đủ mặt. Trường học, trường thi tức phương diện văn chương, khoa cử ... để mở mang trí thức, để làm quan "dân chi phụ mẫu" đều dành riêng cho nam giới. Tức quá, phải giả trai đi đến trường học (như Chúc Anh Ðài), phải giả trai đi thi (như Mạnh Lệ Quân)... nhưng quá hiếm. Thành thử phải học ở nhà, học lóm, học mót... thế mà đã xuất hiện nhiều bực tài danh lỗi lạc trên địa hạt văn chương như ở nước ta có bà Ðoàn thị Ðiểm, bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... Như Nàng Ban, ả Tạ; và cũng như nàng Kiều mà Kim Trọng đã hết mực tán dương cái tài "nhả ngọc phun châu" của nàng. Tự học, chịu khổ công tự rèn luyện mình cộng với "thông minh vốn sẵn tư trời" thì so sánh với Kiều chỉ trên địa hạt văn chương, tài năng của Nàng Ban, ả Tạ có kiệt xuất cũng chỉ đến thế mà thôi.
  3. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Nhà huyên
    Kiều nằm mộng thấy Ðạm Tiên đến trao hoạ mười bài thơ "Ðoạn trường", lúc tỉnh dậy nhớ đến lời nói của Ðạm Tiên và nghĩ đến thân phận duyên kiếp của mình, tương lai sẽ ra sao nên sụt sùi:
    Giọng Kiều rền rĩ trướng loan
    Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?
    "Cớ sao trằn trọc canh khuya
    Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?"
    "Nhà huyên" chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?"
    "Nhà huyên" tức là "huyên đường", là nhà trồng cây huyên, do phép chuyển nghĩa dùng để chỉ người mẹ. Có những câu:
    Ngoài thì chủ khách dập dìu
    Một nhà huyên với một Kiều ở trong
    Thưa nhà huyên hết mọi tình
    Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen
    Xót thay huyên cỗi xuân già
    Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!
    Huyên là một giống cỏ, tục gọi là cây hiên (hoa gọi là hoa hiên hay Kim châm), còn có tiếng gọi văn vẻ "vong ưu thảo", cho rằng ăn nó giải được nỗi buồn phiền. Huyên được dùng để chỉ do chữ trong Kinh thi: "Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối", nghĩa là: ước gì được cây hoa hiên trồng ở chái phía bắc (chỗ mẹ ở). Theo phương hướng kiến trúc Trung Hoa là chái nhà phía Bắc gọi là "bắc đường". Những việc tế tự lễ bái thì địa vị người mẹ ở bắc đường nên "bắc đường" chỉ chỗ ở của người mẹ; và ở bắc đường có trồng cỏ huyên nên gọi là "Huyên đường". Cỏ huyên có tên "Vong ưu thảo" nói lên vai trò của người mẹ đối với con, thường gần gũi bên con, an ủi vỗ về khi con có điều đau khổ.
  4. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Mạch Tương
    Nghe mẹ khuyên, Kiều chưa biết nghĩ ra thế nào cho phải thì nước mắt lại dạt dào ra "Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương", "Mạch Tương" chỉ nước mắt.
    Theo truyền thuyết đời Thượng cổ Trung Hoa, ông Thuấn họ Hữu Ngu vốn người hiền đức. Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy cầu vồng (cái xuống) xuất hiện, màu sắc rực rỡ rồi tượng thai. Nhưng mẹ mất sớm. Cha là Cổ Tẩu có vợ khác, sinh một con tên là Tượng. Cha và mẹ ghẻ cả Tượng đều ghét ông Thuấn. Nhiều lúc Cổ Tẩu nghe lời vợ, tìm cách mưu hại ông. Có lần bảo ông lên lợp chòi nhà, lại rút thang rồi phóng lửa đốt, ông sáng ý lột nón lá đội đầu cầm tay nhảy xuống, thoát nạn...
    Ðày đoạ ông, Cổ Tẩu bảo ông đến cạnh núi lịch, cày vỡ đất để trồng lúa. Ông tuân theo lịnh cha. Nơi đây toàn đá sỏi, cỏ lác... sức ông có hạn, nhưng lòng hiếu đạo của ông cảm động lòng trời nên có voi ra cày giúp, chim từng bầy đáp xuống mổ bức cả cỏ, làm cho Cổ Tẩu không lấy cớ gì để làm tội ông. Ông không oán hận cha, mẹ ghẻ và em mà vẫn một lòng giữ đạo hiếu để. Do đó, dần dần ông cảm hoá được cả gia đình, bấy giờ cả cha, mẹ ghẻ và Tượng trở lại thương mến ông.
    Vua Nghiêu (2357- 2257 trước Dương Lịch) có chín trai hai gái, muốn tìm người hiền đức để kế vị. Nghe ông Thuấn là bực đại hiền nên cho vời đến truyền ngôi và gả hai người con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho ông, tức Vua Thuấn hay Ðế Thuấn (2256- 2208)
    Vua Thuấn là một người đức hạnh lại có tài trị nước. Cho nên từ quan lại đến dân chúng, mỗi đêm khi nghe gà gáy sáng là vội vàng thức dậy để làm điều lành (Thuấn chi đồ kê minh vi thiện). Ông dùng những người có tài đức như ông Võ, ông Tiết, ông Cao Dao, ông Ích, ông Khí... để trông coi mọi việc. Từ vua Nghiêu đến vua Thuấn, đời rất bình trị. Nhà nhà đều không cần đóng cửa, không trộm cướp, của đánh rơi ngoài đường không bị mất, trai gái đi đường có trật tự, trẻ kính già, già mến trẻ... Sử Trung Hoa gọi là thời đại Hoàng kim.
    Vua Thuấn sai ông Võ trị thuỷ (đào kinh tháo nước lụt sông Hoàng Hà) thành công nên dân rất mang ơn. Cũng như vua Nghiêu, vua Thuấn không truyền ngôi cho con, thấy ông Võ có công và có đức nên truyền ngôi (2205- 2197 trước Dương lịch)
    Vua Thuấn đi tuần thú đất Thương ngô ở miền sông Tương không may bị bịnh chết. Hai người vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm vua đến bên sông Tương, ngồi bên bờ sông khóc lóc thảm thiết rồi trầm mình dưới sông tự tử.
    "Truyện Kiều", đoạn diễn tả khi Kiều bị Hoạn Thư, vợ của Thúc Sinh âm mưu bắt Kiều về làm hoa nô, rồi bắt buộc Kiều đánh đàn hầu tiệc trước mặt Thúc Sinh, khiến Thúc Sinh đau lòng, có câu:
    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương!
    Trong tác phẩm "Bích Câu kỳ ngộ", tác giả Vô Danh, đoạn diễn tả Tú Uyên tương tư nàng Giáng Kiều, cũng có câu:
    Ỏi tai những tiếng đoạn trường
    Lửa tình dễ nguội sóng Tương khôn hàn
    Mạch Tương, sông Tương, giọt Tương đều chỉ nước mắt cũng như "giọt châu" (giọt châu lã chã khôn cầm).
  5. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai
    Nhân lúc cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều đáng bạo sang phòng văn của Kim Trọng:
    Lần theo núi giả đi vòng
    Cuối tường dường có nẻo thông mới vào
    Xắn tay mở khoá động Ðào
    Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai
    Thiên thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên thai, tỉnh Chiết Giang ở Trung Hoa.
    Sách "Thần tiên truyện" chép:
    Ðời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Gặp tiết Ðoan Ngọ cũng gọi Ðoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), theo tục lệ, người ta thường vào núi Thiên thai hái thuốc chữa bệnh. Hai chàng Lưu, Nguyễn cùng đi. Nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về.
    Vơ vẩn trong núi gần tháng trời mà không tìm được lối ra. Lương thực mang theo đã hết đành phải hái những quả đào chín mọng hai bên bờ suối hay ven chân núi để ăn đỡ đói, rồi vốc nước khe mà uống.
    Nhìn dòng nước trong núi chảy ra, hai chàng Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và lá rau tươi lững lờ trôi, nên đoán chắc cách chỗ người ở không xa nữa. Cả hai bèn lần mò theo đường nước chảy, vượt qua mấy ngọn núi liền mới đến đầu ngọn khe thì thấy cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Ðương ngẩn ngơ đứng nhìn bỗng nghe tiếng gọi, giọng rất thanh tao:
    - Lưu, Nguyễn hai chàng sao mà đến chậm thế!
    Nghe gọi đích danh mình, hai chàng cực kỳ ngạc nhiên, thì vừa lúc ấy hai cô gái rẽ hoa đi ra. Thực là đôi giai nhân tuyệt thế. Như quen biết nhau từ xưa, hai nàng ân cần mời hai chàng vào động, và xưng tên là Ngọc Kiều và Giáng Tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu mừng rỡ vì được gặp người- lại người đẹp nữa, nên bằng lòng ngay.
    Ðến động bước vào nhìn thấy chung quanh toàn trang trí cực kỳ mỹ lệ, đâu đây thoang thoảng mùi hương. Ðến bữa cơm, hai nàng dọn cơm vừng và nem dê rừng mùi vị thơm phức, mời hai chàng dùng. Tối lại, một đoàn mỹ nữ đêm mâm đào chín và rượu ngọt đến, đoạn múa hát dưng đào và rượu, chúc tụng "Chúng em xin có lời mừng tân lang và tân giai nhân nên duyên cầm sắt". Nói xong, họ lại họp nhau vừa múa vừa hát. Xiêm y lộng lẫy, điệu múa uyển chuyển, giọng hát trong trẻo dưới ánh đèn rực rỡ kết tụi ngũ sắc, hai chàng Lưu, Nguyễn say sưa cho mình hạnh phúc lạc vào cảnh tiên.
    Ðến khuya, tiệc tàn khách về. Hai nàng Ngọc Kiều và Giáng Tiên mời hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng nâng ly chúc tụng nhau đêm tân hôn mặn nồng giữa hai nàng và hai chàng bền duyên giai ngẫu.
    Say mê cảnh đẹp, đầm ấm trong tình vợ chồng, hai chàng Lưu, Nguyễn hầu như quên hẳn cảnh trần gian.
    Ở đây , ngày ngày tháng tháng, tiết trời ấm áp hơn xuân. Không Hạ, không Thu, không Ðông, đâu đâu cũng cỏ xanh hoa đẹp, **** muôn màu nhởn nhơ bay lượn, chim hót véo von, trôi trong mây thanh gió mát đượm mùi hương phảng phất phảng phất quanh mình. Nhưng thời gian hai năm trôi qua, cảnh dầu đẹp, vợ dầu xinh, khí trời đầm ấm, cỏ có xanh, hoa có đẹp, **** lượn, chim hót... cũng không sao xoá được nỗi nhớ quê nhà, nên hai chàng thỏ thẻ với vợ xin về thăm, hẹn thời gian ngắn sẽ quay trở lại. Hai nàng buồn bã ngăn hai chàng, không cho về. Nhưng lòng mơ nhớ cố hương ray rứt người lữ thứ, hai chàng cứ năn nỉ mãi. Biết không lưu chồng được, hai nàng ngậm ngùi, thở dài bảo:
    - Nhờ hồng phúc tiền thân mà hai chàng được cùng chị em chúng tôi kết duyên chồng vợ, kẻ tiên người tục hoà hợp chốn Thiên thai. Tưởng rằng duyên ưa phận đẹp, trăm ngàn năm giữ một chữ đồng. Nào ngờ hai chàng căn trần chưa dứt nên mới luyến nhớ đòi về quê cũ. Cõi trần nhỏ nhen, kiếp trần ngắn ngủi đầy hệ luỵ, hai chàng có trở về chốn trần gian thì liễu cũ hoa xưa chắc không còn được như ngày trước nữa. Chia ly ai chẳng não lòng nhưng nghiệp chướng khó mà diệt nổi.
    Thế rồi hai nàng tiễn chân hai chàng ra khỏi động, bịn rịn đưa tận xuống núi. Nhìn xa xa khói lam phủ nóc nhà ai, quanh đi quẩn lại hai chàng ra khỏi núi Thiên thai, chẳng mấy chốc xuống về quê cũ.
    Cây đa cổ thụ đầu làng còn kia nhưng cảnh vật đã khác hẳn trước. Làng xóm toàn người xa lạ, không còn ai có thể nhận ra hai chàng Lưu, Nguyễn là người đồng hương nữa. Cả hai cực kỳ làm lạ. Mới cách chỉ có hai năm, sao cảnh vật lại đổi thay một cách lạ kỳ. Lối cũ không còn. Trừ cây cổ thụ đầu làng giờ đã già cỗi, cành lá úa vàng chứng tỏ đã xa lâu lắm rồi và bao lần biến đổi. Bỗng gặp một cụ già tuổi đã gần trăm, hai chàng Lưu, Nguyễn đến hỏi thăm. Cụ già bèn kể lại cách đây độ 400 năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên Nguyễn Triệu. Nhân tiết Ðoan Ngọ cùng bạn là Lưu Thần vào núi hái thuốc rồi biệt tích.
    Bấy giời Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới biết một ngày trên tiên giới bằng một năm ở trần gian. Cả hai bơ vơ, lấy làm hối tiếc bèn rủ nhau trở lại động Thiên thai. Nhưng thảm thay, đi vòng vo, quanh quẩn... cuối cùng lại lủi thủi tở về , vì lối xưa đã lạc mất rồi. Ở quâ cũ cho đến đời Tấn Võ đế (265- 275), Lưu Thần và Nguyễn Triệu mới bỏ đi, không ai còn gặp nữa.
    Ðời nhà Ðường, Tào Ðường có làm 5 bài thơ thuộc loại thơ "du tiên" miêu tả phỏng chừng sự gặp gỡ và sự cách biệt giữa Lưu Thần, Nguyễn Triệu cùng hai nàng tiên ở núi Thiên thai!
    - Bài một: Lưu, Nguyễn du Thiên thai (Lưu, Nguyễn đi chơi núi Thiên thai)
    - Bài hai: Lưu, Nguyễn động trung ngộ tiên nhân (Lưu, Nguyễn trong động gặp nàng tiên)
    - Bài ba: Tiên tử tống Lưu, Nguyễn xuất động (Hai nàng tiên tiễn Lưu, Nguyễn ra động)
    - Bài bốn: Tiên tử động trung hữu hoài Lưu, Nguyễn (Nàng tiên trong động nhớ Lưu, Nguyễn)
    - Bài năm: Lưu, Nguyễn tái đáo Thiên thai bất phục Kiến chư tiên tử (Lưu, Nguyễn trở lại Thiên thai không gặp các nàng tiên)
    Nàng Kiều và chàng Kim gặp nhau thì cái phòng văn của chàng Kim đối với đôi ******** son trẻ- trai tài gái sắc này nào có khác gì các động Thiên thai.
  6. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    SÔNG TƯƠNG MỘT DẢI NÔNG SỜ
    Trong buổi sơ ngộ tại vườn hoa, Kim Trọng và Thuý Kiều trao tặng kỷ vật cho nhau: khăn hồng cành thoa, quạt quì... nhưng những lời tâm sự trao đổi chưa dứt, thì bỗng có tiếng động khiến cả hai phải quay trở về, lòng càng ôm ấp nỗi niềm mong nhớ:
    "Từ khi đá biết tuổi vàng
    Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ
    Sông Tương một dải nông sờ
    Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia"
    Nhà Hậu Châu đời Ngũ Quý (907- 955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có gia đình họ Lương sinh một cô gái tên Ý Nương. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ . Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ vẻ người thanh tú. Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưỡng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới, quyến luyến không muốn xa nhau.
    Cụ Lương biết được đuổi Lý Sinh đi . Ý Nương lấy làm đau khổ sinh bệnh tương tư, mới làm bài khúc "Trường tương tư" mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Lời cực kỳ ai oán não nuột:
    "Nhân đạo Tương giang thâm
    Vị để tương tư bán
    Giang thâm chung hữu để
    Tương tư vô biên ngạn
    Quân tại Tương giang đầu
    Thiếp tại Tương giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Ðầng ẩm Tương giang thuỷ
    Mộng hồn phi bát đáo
    Sở khiếm duy nhứt tử
    Nhập ngã tương tư môn
    Tri ngã tương tư khổ!"
    Tạm dịch:
    "Nguời bảo sông Tương sâu
    Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
    Sông sâu còn có đáy
    Tương tư không bến bờ
    Chàng ở đầu sông Tương
    Thiếp ở cuối sông Tương
    Tương tư không gặp mặt
    Cùng uống nước sông Tương
    Hồn mơ bay chẳng đến
    Chỉ thiếu một điều chết
    Ta vào cửa tương tư
    Mới biết tương tư đau khổ!"
    Lý Sinh tiếp được thơ, đọc xong cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ cụ Lương, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Cụ Lương trước còn dùng dằng, sau được đọc khúc "Trường tương tư" của con, lấy làm cảm động nên bằng lòng cho Sinh cùng nàng Ý Nương kết duyên
    Tác dụng của văn chương
    Tác dụng mạnh mẽ của một bài thơ
    Bài khúc "Trường tương tư" gồm 12 câu, mỗi câu 5 chữ toàn giọng lâm ly ai oán não nùng. Nhưng tác giả "Truyện Kiều" chuyển hoá chỉ bằng 2 câu lục bát điêu luyện:
    "Sông Tương một dải nông sờ
    Bên trong đầu nọ bên chờ cuối kia"
    Thực là tuyệt diệu!.
  7. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Tay tiên một gẫy đủ mười khúc ngâm
    Sau khi du Thanh minh về, Kiều nhớ đến nấm mồ vô chủ của Ðạm Tiên càng cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm cõi lòng. Nghĩ phận người lại nghĩ phận mình, hay kiếp hồng nhan rồi phải chung một mạng bạc. Ðêm đến, Kiều nằm mộng thấy Ðạm Tiên đến nói chuyện với mình. Ðoạn nầy, Truyện Kiều có câu:
    Hàn gia ở mái tây thiên
    Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
    Mấy lòng hạ cố đến nhau
    Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng
    Vâng trình Hội chủ xem tường
    Mà xem trong sổ Ðoạn trường có tên
    Âu đành quả kiếp nhân duyên
    Cũng người một hội một thuyền đâu xa!
    Này mười bài mới mới ra
    Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời
    Kiều vâng lãnh ý đề bài
    Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm
    "Mười bài mới mới ra" tức là mười đề thơ của Hội chủ hội Ðoạn trường mới ra cho các hội viên làm. Nay đưa cho Kiều làm. Theo nguyên truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, thì mười đề ấy là: 1. Tích đa tài (tiếc người đa tài); 2. Liên bạc mạng (xót người bạc mạng); 3. Bi kỳ lộ (buồn chi đường); 4. Ức cố nhân (nhớ người xưa); 5. Niệm nô Kiều (nhớ cô hầu); 6. Ai thanh xuân (thương tuổi xanh); 7. Ta kiển ngộ (than vận rủi); 8. Khổ linh bạc (khổ suy tàn); 9. Mộng cố viên (mơ quê nhà); 10. Khốc tương tư (khóc tương tư)
    Với mười đầu đề, Kiều lấy giấy bút viết thao thao bất tuyệt. Chỉ trong giây lát, đủ mười bài từ khúc theo lối hồi văn.
    1. Tiếc đa tài:
    Tờ oanh nỡ bỏ hoài
    Hợp hoan ngày tháng phổ cho ai?
    Tương tư mình gác để ngày mai.
    Ðể ngày mai!
    Tiếc cho tài!
    2. Xót bạc mạng:
    Ðêm đêm một mình lạnh
    Nhà vàng nghe nói để A Kiều
    Một mặt nghe chừng khó hân hạnh
    Khó hân hạnh!
    Xót bạc mạng!
    3. Buồn chia đường:
    Khúc đường quanh co thực khổ đi
    Ðường khổ chưa bằng lòng em khổ!
    Một bước sai thì ngàn bước lỡ!
    Ngàn bước lỡ
    Buồn chia đường!
    4. Nhớ người xưa:
    Tóc bạc nhưng tình vẫn chưa thân
    Cần gì trước phải lên tận mây xanh
    Ngồi xe đội nón mới là chân
    Mới là chân
    Nhớ cố nhân!
    5. Nhớ cô hầu:
    Soi gương hồn biến đâu?
    Ta thấy ai vẫn còn than thở!
    Son phấn thôi đừng giễu cợt nhau
    Giễu cợt nhau
    Nhớ cô hầu
    6. Xót tuổi xuân:
    Cành hoa giống mỹ nhân
    Xuân sắc núi rừng ôi đẹp đẽ
    Muốn mượn mưa xuân tưới hoa thần
    Tưới hoa thần
    Xót tuổi xuân!
    7. Than vận rủi:
    Giấc mơ tỉnh rồi đó,
    Ðâu phải gặp ai cũng kêu thương
    Chỉ vì lầu son lối chưa tỏ
    Lối chưa tỏ
    Than vận rủi!
    8. Khổ suy tàn:
    Thân này hết đường bước
    Lìa cành hoa rụng khắp đông tây
    Nhạn lạc đàn bay quanh hiên trước
    Quanh hiên trước
    Khổ suy tàn!
    9. Mơ quê nhà:
    Hồ về cậy ai đưa?
    Cảnh cũ cúc tùng không thấy nữa
    Mây trắng cỏ thơm lặng như tờ.
    Lặng như tờ
    Nhớ quê nhà!
    10. Khóc tương tư:
    Nghẹn ngào đã lắm khi
    Lòng đau không giữ nổi tiếng khóc
    Ðất cũ tình thâm luống sầu bi
    Luống sầu bi
    Khóc tương tư!
    Kiều viết xong, trao lại cho Ðạm Tiên. Xem qua, Ðạm Tiên tấm tắc khen:
    - Qủa thực mỗi chữ khác gì ôm khối hận. Nếu đem vào tập "Ðoạn trường", chắc chắn sẽ đoạt giải nhất!
    Ðoạn này trong Truyện Kiều có câu:
    Xem thơ nức nở khen thầm
    Gía đành tú khẩu cẩn tâm khác thường!
    Ví đem vào tập Ðoạn trường
    Thì treo giải nhất chi nhường cho ai?
  8. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Trần trần một phận ấp cây đã liều
    Chờ đón và đón chờ, Kim Trọng may mắn gặp Kiều bên hiên Lãm thuý giữa lúc Kiều đương tìm cành hoa đánh rơi ở vườn hoa, chàng tỏ tình mong nhớ tương tư Kiều:
    "Rằng: Từ ngẫu nhĩ gặp nhau
    Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn
    Xương mai tính đã rũ mòn
    Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay
    Tháng tròn như gởi cung mây
    Trần trần một phận ấp cây đã liều
    Tiện đây xin một hai điều
    Ðài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?"
    "Ấp cây " là ôm cây cột cầu
    "Tình sử Trung Hoa" có chuyện chàng Vĩ Sinh, người nước Lỗ, vốn một nho sinh, tính tình thuận hậu, luôn luôn giữ lấy chữ tín dầu đối với một cậu bé con.
    Vĩ Sinh nổi tiếng chữ tốt văn hay.
    Trong trường, bài của Sinh thường được thầy đem ra bình. Giọng đọc của Sinh trong trẻo được nhiều người chú ý ngợi khen. Gần trường là nhà viên ngoại họ Triệu có nàng con gái tên Thường Khanh. Gìơ bình văn, nàng thường sang trường, đứng sau vách nghe trộm
    Nghe tiếng, thấy người, thưởng thức văn chương... nàng Thường Khanh cảm thấy con tim mình bắt đầu đập một điệu lâng lâng khó tả. Vĩ Sinh dường như có linh tính, biết có người đẹp nghe trộm, nên vừa đọc văn vừa thỉnh thoảng liếc nhìn phía sau vách. Bốn mắt chạm nhau, bấy giờ giọng của Sinh càng ngân vang lên như gởi cả tâm hồn mong được người đẹp nghe lén kia thưởng thức...
    Rồi từ đó, Vĩ Sinh đi đến trường sang ngang vườn hoa của viên ngoại họ Triệu, chàng nhìn thấy thấp thoáng bóng nàng tha thướt hái hoa, chàng bạo dạn đứng lại, thỏ thẻ xin nàng một cành hoa.. Thường Khanh nhoẻn nụ cười e lệ, cầm hoa trao tặng chàng.
    Cứ thế và ngày nào cũng thế. Chàng sang ngang vườn thì đã có nàng dường như nàng sẵn đón chờ nơi ấy. Họ không hẹn gặp nhau nhưng gặp nhau như hẹn. Tuy có một đôi khi vắng nàng, chàng cảm thấy một nỗi nhớ nhung, bâng khuâng vô cùng. Một hôm gặp nhau, chàng đánh bạo nói với nàng sẽ gặp nhau trong đêm bên một đầu cầu phía tây thôn, để có thì giờ trao đổi tâm sự kết niềm giao ước. Nàng rất vui vẻ bằng lòng.
    Chàng chờ tối mau đến
    Chàng đến bên cầu chờ nàng
    Gìơ khắc chờ đợi của kẻ mong ngóng đợi chờ như ngưng đọng lại. Sao bóng người yêu lại vắng bặt. Bỗng mây kéo đen kịt một góc trời rồi tối sầm lại. Mưa rơi mỗi lúc càng nặng hột. Vì giữ chữ tín, Vĩ Sinh vẫn đứng chờ. Chàng xuống dạ cầu để tránh đỡ. Gío giật mạnh từng hồi như muốn xô đổ cả cây cối. Vĩ Sinh phải ôm lấy cột cầu mà chịu. Mưa băng gió quật, sét nổ từng lúc vang vầy, nước dưới cầu mỗi lúc một dâng cao. Dòng nước siết chảy như muốn lôi phăng đi tất cả những gì bên cầu.
    Tấm thân chàng nho sĩ yếu đuối không chịu đựng nổi trước sự tàn phá hung hãn của tạo hoá trớ trêu, cuối cùng đành chịu chết đuối dưới sông bên cột cầu chờ đợi, để mặc thân xác lôi cuốn theo dòng.
    "Trần trần một phận ấp cây đã liều" được coi như một lời thề. Kim Trọng quyết định cái số phận mình như Vĩ Sinh thề đợi Kiều, dầu lâm phải bao cảnh gian nguy thà chết thì thôi!
  9. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điển tích truyện Kiều:
    Ví chăng duyên nợ Ba sinh
    Kim Trọng nhân gặp Thuý Kiều du xuân trở về mang nặng mối tình nhớ nhung, tương tư Kiều, có câu:
    "Mành tương phân phát gió đàn
    Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi."
    Và, khi Kim Trọng tìm thuê được nhà ở gần nhà của Kiều, có hiên Lãm Thuý, chàng lấy làm mừng rỡ:
    "Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
    Ba sinh âu cũng duyên trời chi đây."
    "Ba sinh" dịch chữ "tam sinh" tức là ba kiếp chuyển sinh: quá khứ, hiện tại và vị lai. Sách " Trần Ðăng Lục" và sách " Quần Ngọc Chú" có chép:
    Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ nằm chơi bỗng ngủ quên, mộng thấy mình đi chơi non bồng. Tỉnh Lang trông thấy một nhà sư đương ngồi niệm kinh trước một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ hỏi. Nhà sư nói:
    - Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ra ba kiếp rồi. Kiếp đầu, triều vua Huyền Tông nhà Ðường, người ấy làm quan phủ sứ đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cùng đời nhà Ðường, triều vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba sinh ra Tỉnh Lang. Tỉnh Lang nghe nói đến tên mình , giật mình thức dậy nhưng lòng nửa tin, nửa ngờ.
    "Truyện Kiều" đoạn diễn tả tâm sự của Kiều nhớ cha mẹ, nhớ Kim Trọng khi ở lầu xanh tại Lâm Tri, có câu:
    "Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
    Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
    Ðoạn diễn tả Hồ Tôn Hiến bắt Kiều đánh đàn hầu rượu, nghe xong:
    " Dạy rằng: "Hương lửa ba sinh
    Dây loan xin nối cầm lành cho ai?"
    Ðến lúc Kiều tái hợp cùng Kim Trọng, có câu:
    " Ba sinh đã phỉ lời nguyền
    Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy"
    "Duyên nợ ba sinh" tức duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ðây nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do tiền định.
    "Tình sử" Trung Hoa có câu:
    "Kim sinh dỉ quý hỉ
    Trùng kết hậu sinh duyên,"
    Tạm dịch: " Kiếp này duyên đã dở
    Kiếp khác nguyện đền bồi"
    Hay là:
    " Kiếp này duyên đã muộn rồi,
    Thề xin kiếp khác đền bồi duyên sau."
    Hay: "Kiếp này duyên đã dở dang ( lỡ làng)
    Thề xin dệt mối duyên vàng kiếp sau
    "Kiếp", theo Phật giáo, chỉ đời người có kiếp này liên hệ với kiếp khác, kiếp trước với kiếp sau. Duyên nợ vợ chồng cũng có tiền định từ kiếp được nối tiếp. "Nước non để chữ tương phùng kiếp sau"
    Ðoạn nói về Kiều bị Tú bà cưỡng bách tiếp khách, Kiều tự an ủi:
    "Kiếp xưa đã vụng đường tu,
    Kiếp này chẳng kẻi đền bù mới xuôi".
  10. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0

    Điển tích truyện Kiều:
    XĂM XĂM ĐÈ NẺO LAM KIỀU LẦN SANG
    Ðoạn diễn tả Kim Trọng mong nhớ Kiều, đi tìm chỗ ở của Kiều, có câu:
    "Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
    Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi
    Một vùng cỏ mọc xanh rì
    Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
    Gío chiều như giục cơn sầu
    Vi lô hiu hắt như màu khẩy trêu
    Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều
    Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang"
    Và, khi Kiều sang tiếp xúc với Kim Trọng, có câu:
    "Sinh rằng: Gío mát trăng trong
    Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam
    Chày sương chưa nện cầu Lam
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?"
    "Lam Kiều" là một cái cầu bắc trên sông Lam thuộc huyện Lam Ðiền, tỉnh Thiểm Tây.
    Ðời nhà Ðường, triều Mục Tông (821- 825) có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chơng đi thi mấy lần đều hỏng. Buồn cho thân thế sự nghiệp, Bùi rày đây mai đó ngao du danh lam thắng cảnh. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán, định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, người đẹp lại đoan trang, thuỳ mị. Bùi sinh cảm mến, lòng tha thiết mong được kết duyên, mới mượn thơ thay lời, bạo dạn nhờ nữ tỳ của giai nhân đưa giúp:
    "Ðồng vi Hồ Việt do hoài tưởng
    Huống hồ thiên tiên cách cẩm bình
    Thảng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ
    Nguyện tuỳ loan hạc nhập thanh vân"
    Phan Như Xuyên dịch:
    "Kẻ Hồ người Việt còn thương nhớ
    Huống cách người tiên chỉ bức mành
    Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót
    Xin theo loan hạc đến mây xanh"
    Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mĩm cười.
    Nhưng thơ gởi đi mà thơ hồi âm chẳng có. Bùi Hàng lòng áy náy, băn khoăn. Khi đò sắp ghé bến chia tay, Bùi bỗng tiếp được thơ do nữ tỳ của giai nhân đưa đến:
    "Nhứt ẩm Quỳnh tương bách cảnh sinh
    Huyền sương đáo tận kiến Vân Anh
    Lam kiều tự hữu thần tiên quật
    Hà tất khi khu thượng Ngọc Kinh"
    Phan Như Xuyên dịch:
    "Uống rượu quỳnh tương trăm cảnh sinh
    Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh
    Lam Kiều vốn thực nơi tiên ở
    Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh"
    Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi. Nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều và nữ tỳ thoáng mất. Bùi bồi hồi lại nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh mà hỏi dò người đến Lam Kiều.
    Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt lả người liền ghé vào một hàng nước nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão gọi người con gái bưng nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng tựa vẻ Vân Kiều. Bùi bạo dạn hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều tên Vân Anh. Bùi mừng rỡ cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại chuyện bài thơ cho bà lão nghe. Bà cười bảo:
    - Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên cho cậu đấy
    Bùi nghe nói nỗi mừng biết lấy chi cân. Nhưng bà cho biết là hiện bà có cái cối mà còn thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền sương, nếu Bùi tìm được chày này thì bà mới bằng lòng cho hai đàng kết duyên tơ tóc. Bùi ưng chịu. Nhưng tìm mãi mà không nơi đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết nhưng vẫn không nản chí. Tưởng đã thất vọng, một hôm may mắn Bùi gặp một cụ già bán ngọc mách rằng: tại phố hàng thuốc bắc ở Quắc Châu có một nhà muốn bán một cái chày ngọc, giá đến 200 lượng vàng, nếu cần mua cụ sẽ viết thư giới thiệu. Bùi Hàng mừng rỡ, trở về quê nhà bán tất cả tài sản được 200 lượng vàng, rồi sang Quắc Châu mua được chày ngọc. Lại đem đến Lam Kiều dưng cho bà lão. Bà vô cùng khen ngợi.
    Vân Anh lại bảo:
    - Ðã có chày ngọc nhưng phải ra công giã thuốc Huyền sương một trăm ngày cho thuốc trường sinh được nhuyễn, thì mới làm lễ thành hôn.
    Bùi Hàng vâng theo. Kết quả, Bùi Hàng và Vân Anh nên vợ chồng. Sau cả hai đều thành tiên.
    "Chày sương" là chày ngọc dùng để giã thuốc trường sinh "Huyền sương". "Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ duyên tốt đẹp như gặp duyên với... Tiên.
    Trước kia, tác giả "Truyện Kiều" diễn tả Kiều sang chỗ ở của Kim Trọng:
    "Xắn tay mở khoá động Ðào
    Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai"
    Như vậy, Kiều cho chỗ ở của Kim Trọng như một cảnh tiên. Còn Kim Trọng đối với chỗ ở của Kiều như thế nào?
    "Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang"
    Như vậy, chỗ ở của Kiều cũng là cảnh tiên nữa.
    Mối tình đầu của đôi trai tài gái sắc tuyệt đẹp. Họ rất giàu tình cảm, tưởng tượng khá phong phú: tình phối hợp cảnh, cảnh phối hợp tình. Dùng lối thậm xưng, tác giả "Truyện Kiều" diễn tả cảnh và tình của đôi trai gái rất chung nhứt.
    Nhà thơ Xuân Diệu đã có câu:
    "Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
    Trong vườn thơm ngát cả hồn tôi"
    Ðương lúc tha thiết yêu đương tất cả đều đẹp, đều là ... tiên một cõi.

Chia sẻ trang này