1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tâm hồn Nga - Nikolai Aleksandrovich Berdiaev

Chủ đề trong 'Nga (Russian Club)' bởi Lissette, 21/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    "Bất kỳ dân tộc vĩ đại nào cũng phải tin tưởng, nếu như nó muốn trường tồn, rằng trong nó và chỉ trong nó mà thôi chứa đựng sự cứu rỗi thế giới, rằng nó sống chỉ để đứng đầu các dân tộc, tập hợp tất cả họ làm một khối về với mình và dẫn dắt họ trong dàn đồng ca thống nhất đến mục đích cuối cùng được tiền định cho tất cả họ". Dostoievski đã trình bày trong "Nhật ký nhà văn" khát vọng của mình về ý thức cứu thế dân tộc như vậy. Trong ý thức cứu thế đó thoạt đầu không có tính độc tôn dân tộc, không có chủ nghĩa phân lập dân tộc. Ý thức cứu thế dân tộc là ý thức phổ quát, toàn nhân loại. Dân tộc cứu thế được đòi hỏi phục vụ sự nghiệp cứu vớt tất cả các dân tộc, cứu vớt toàn thể thế giới. Và nhiệm vụ cứu vớt nhân loại đó Dostoievski đặt trước dân tộc Nga, dân tộc mang danh Chúa. Chủ nghĩa cứu thế không phải là chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa cứu thế có kỳ vọng vô cùng lớn hơn, so với chủ nghĩa dân tộc. Nhưng trong nó không có sự tự khẳng định độc tôn dân tộc. Những người theo chủ nghĩa Slavơ ở mức độ đáng kể là những nhà dân tộc chủ nghĩa xét về mặt ý thức. Họ tin rằng dân tộc Nga là một kiểu văn hóa Ki tô giáo cao cấp nhất. Nhưng họ không có kỳ vọng vào việc dân tộc Nga cần phải cứu vớt tất cả các dân tộc và toàn thế giới, phát hiện chân lý của toàn nhân loại. Trong thiên tài toàn diện Puskin, Dostoievski phát hiện ra tính toàn nhân loại của tinh thần dân tộc Nga. Ông kinh ngạc thấy trong Puskin "khả năng cộng hưởng với toàn thế giới và sự hóa thân đầy đủ nhất, gần như toàn bích thành thiên tài, của các dân tộc xa lạ". "Khả năng đó là khả năng trọn vẹn Nga, khả năng của cả dân tộc, và Puskin chỉ chia xẻ nó với toàn thể dân tộc mình". Đối lập với các nhà Slavơ chủ nghĩa, Dostoievski cho rằng "khao khát của chúng ta hướng tới châu Âu cùng tất cả những say mê và cực đoan của nó, không chỉ hợp pháp và có lý trí trên cơ sở của nó, mà còn mang tính dân tộc, hoàn toàn trùng hợp với khao khát của chính tinh thần dân tộc, và cuối cùng, hiển nhiên là có mục đích cao cả nhất". "Tâm hồn Nga, thiên tài của dân tộc Nga, có lẽ, là người có khả năng nhất trong tất cả các dân tộc hàm chứa trong mình tư tưởng hợp nhất toàn nhân loại, tư tưởng tình yêu huynh đệ". Dostoievski với sự nhạy cảm thiên tài đã phát hiện ra, rằng tính phiêu lãng nổi loạn và bất yên Nga, sự phiêu du tinh thần của chúng ta, là hiện tượng dân tộc sâu sắc, hiện tượng của tinh thần dân tộc Nga. "Trong Aleko Puskin đã tìm kiếm và nhận ra một cách tài tình kẻ phiêu bạt bất hạnh ngay trên đất nước quê hương, kẻ phiêu bạt lịch sử Nga". Toàn bộ sáng tác của Dostoievski dành cho số phận tiếp theo của kẻ phiêu bạt này. Ông quan tâm đến y hơn hết. Những người bám chặt lấy đất mẹ, bắt rễ vào lòng đất, những người có đời sống vững chắc không làm Dostoievski quan tâm. "Kẻ phiêu lãng Nga cần chính là cái hạnh phúc toàn nhân loại, lúc đó nó mới an lòng: anh ta không cam chịu với cái ít hơn". Như vậy trong kẻ phiêu lãng Nga, trong chủ nghĩa vong bản Nga đã phát lộ tinh thần toàn nhân loại của dân tộc Nga. Cả ở đây các suy nghĩ của Dostoievski cũng trái nghịch, và sự trái nghịch đó được sinh ra từ chất năng động của tư duy không muốn biết đến bất kỳ điều gì tĩnh tại và cố định. Người phiêu lãng Nga bứt ra khỏi mảnh đất dân tộc. ở đây chứa đựng tội lỗi của anh ta và sự vô sinh của đời sống sáng tạo của anh ta. Nhưng kẻ phiêu bạt Nga, mà Dostoievski coi là sản phẩm của tầng lớp quý tộc Nga, và khinh thị gọi là "gentilhomme russe et citoyen du monde",- là hiện tượng sâu sắc Nga và chỉ gặp ở Nga, là một trong những hiện tượng của tinh thần dân tộc chúng ta. Tư duy Slavơ chủ nghĩa bằng phẳng hơn không thể có những suy nghĩ trái nghịch như thế về "kẻ phiêu lãng Nga". Dostoievski yêu kẻ phiêu lãng Nga và quan tâm ghê gớm đến số phận của y. Ông coi "giới trí thức" Nga, bị tách rời khỏi "nhân dân", là hiện tượng dân tộc. Hiểu được thái độ đó là rất quan trọng đối với thế giới quan của Dostoievski. Vì thế chủ nghĩa dân túy tôn giáo của Dostoievski là sự kết hợp rất phức tạp giữa các suy nghĩ trái nghịch nhau. Ông kêu gọi sùng bái trước "chân lý của nhân dân", tìm kiếm "chân lý của nhân dân và chân lý trong nhân dân". Dưới khái niệm "nhân dân" ông hiểu lúc thì là một cơ cấu thần bí, là linh hồn của dân tộc, như một chỉnh thể vĩ đại và bí ẩn, lúc thì thiên về nhân dân "lao động", những người mu-gích. Ở đây thể hiện sự không rõ ràng thông thường và sự lúng túng trong ý thức dân tộc của chúng ta. Nhưng quả thật cũng có thể hiểu nhiệm vụ của kẻ lãng du Nga theo cách khác. Anh ta có thể phát hiện và ý thức được trong chiều sâu của bản thân mình bản tính dân tộc, và trở thành dân tộc vì đã phát hiện ra chiều sâu đó. Bởi vì chiều sâu của mỗi con người Nga là chiều sâu của dân tộc. "Tính nhân dân" không phải ở ngoài tôi, không phải trong người nông dân, mà ở trong tôi, trong tầng sâu thẳm của tồn tại bản thân tôi, trong đó tôi đã không còn là "đơn tử" biệt lập. Đó sẽ là thái độ duy nhất đúng đối với "nhân dân" và "tính nhân dân", thái độ nội tại. Tôi không phải là "nhân dân", tách khỏi "nhân dân?, bởi vì tôi sống trên bề mặt, chứ không phải trong lòng sâu. Và để trở thành "nhân dân" tôi không cần là bất kỳ người nông dân nào, bất kỳ người dân thường nào, tôi chỉ cần hướng về sâu thẳm của lòng mình. Điều đó cũng chính xác cả đối với ý thức giáo hội. "Chân lý nhân dân", được phát hiện trong sâu thẳm, là cái gì? Dostoievski không vay mượn nó ở những người nông dân, ở những người dân đen mà nó vốn xa lạ với họ về mặt kinh nghiệm, nó phát lộ trong sâu thẳm tinh thần ông. Dostoievski chính là "nhân dân", nhân dân hơn tất cả tầng lớp nông dân Nga. "Nhiệm vụ của con người Nga hiển nhiên là nhiệm vụ mang tính toàn châu Âu và toàn thế giới. Trở thành một người Nga chân chính, trở thành con người hoàn toàn Nga, có lẽ cũng có nghĩa là chỉ có thể trở thành người anh em của tất cả mọi người, thành con người nhân loại. Ôi, tất cả những chủ nghĩa Slavơ và chủ nghĩa phương Tây kia của chúng ta chỉ là sự ngộ nhận vĩ đại của chúng ta, mặc dù về mặt lịch sử nó cũng cần thiết. Đối với một người Nga chân chính, châu Âu và vận mệnh của toàn thể chủng tộc Arien vĩ đại cũng quý giá như bản thân nước Nga, như vận mệnh của mảnh đất quê hương, bởi vì vận mệnh của chúng ta cũng là vận mệnh toàn thế giới". Trong cách hiểu nhiệm vụ và tư tưởng của nước Nga này Dostoievski rõ ràng gần gũi với Vl. Soloviev hơn là với các nhà Slavơ chủ nghĩa, hay các nhà dân tộc chủ nghĩa Nga mới nhất. Song trong ý thức cứu thế của Dostoievski có thể phát hiện thấy những mâu thuẫn và hiểm họa của bất kỳ ý thức cứu thế nào.
    *
    * *
    Tư tưởng cứu thế được đưa vào thế giới qua dân tộc Do Thái cổ, dân tộc được Chúa đặc tuyển, mà trong dân tộc đó Đấng Cứu Thế nhất định phải xuất hiện. Và không có chủ nghĩa cứu thế nào khác từng tồn tại, ngoài chủ nghĩa cứu thế Do Thái. Chủ nghĩa cứu thế Do Thái được minh chứng bằng sự xuất hiện của Đức Ki tô. Nhưng sau sự xuất hiện của Đức Ki tô trong phạm vi thế giới Ki tô giáo đã không thể có ý thức dân tộc cứu tinh. Dân tộc được Chúa tuyển chọn là toàn bộ nhân loại Ki tô giáo. Các dân tộc đều có sứ mệnh của mình, thiên chức của mình, nhưng ý thức sứ mệnh không phải là ý thức cứu thế. Chủ nghĩa cứu thế Do Thái được tạo dựng trên sự cực kỳ xích gần và đồng nhất tính tôn giáo và tính dân tộc. Ý thức cứu thế không phải là ý thức dân tộc chủ nghĩa, - mà luôn chỉ là ý thức phân lập chủ nghĩa,- nó là một ý thức phổ quát. Dân tộc Do Thái không phải là một trong số các dân tộc nằm giữa các dân tộc khác, đó là dân tộc duy nhất của Chúa, nó được đòi hỏi cho sự nghiệp cứu vớt toàn thế giới, cho sự chuẩn bị Vương quốc của Chúa trên mặt đất. Và ý thức cứu thế bên trong thế giới Ki tô giáo luôn là sự tái Do Thái hóa Ki tô giáo, quay trở về đồng nhất tính tôn giáo toàn vũ trụ với tính dân tộc của Do Thái cổ. Trong tham vọng của dân tộc Nga thời nước Nga cổ, rằng nước Nga là La Mã thứ Ba, cũng có những yếu tố không thể nghi ngờ của Do Thái giáo trên nền tảng Ki tô giáo. Ở trong hình thức rõ rệt hơn có thể phát hiện yếu tố Do Thái giáo này trong chủ nghĩa cứu thế Ba Lan. Từ tư tưởng của La Mã thứ Ba, ý thức cứu thế Nga xuất hiện và xuyên suốt toàn bộ thế kỷ XIX, đạt tới thời hoàng kim của nó trong các nhà tư tưởng và nhà văn Nga vĩ đại. Tư tưởng cứu thế Nga đến được thế kỷ XX và tại đây đã bộc lộ số phận bi kịch của tư tưởng đó. Nước Nga Đế chế rất ít giống với La Mã thứ Ba,- trong nó, theo lời của Dostoievski, "Giáo hội nằm trong tình trạng bại liệt", nằm trong sự phụ thuộc hèn hạ vào Hoàng đế. Các nhà cứu thế chủ nghĩa Nga bèn hướng tới Thành quốc Tương lai, họ không có Thành quốc của mình. Họ hy vọng ở nước Nga sẽ xuất hiện vương quốc mới, Vương quốc ngàn năm của Đức Ki tô. Và thế rồi Đế chế Nga sụp đổ, cuộc cách mạng diễn ra, sợi xích vĩ đại trói buộc Giáo hội Nga với nhà nước Nga bị đứt tung. Và dân tộc Nga làm một cuộc thử nghiệm tạo lập vương quốc mới trong thế giới này. Nhưng thay vì La Mã thứ Ba nó xây dựng Quốc tế thứ Ba. Và ý thức của những người tiến hành Quốc tế thứ Ba cũng trở nên giống với ý thức cứu thế theo kiểu của mình. Họ ý thức mình là người mang ánh sáng từ phương Đông tới, thứ ánh sáng phải chiếu rọi cho các dân tộc phương Tây đang nằm trong bóng tối "tư sản". Số phận của ý thức cứu thế Nga là như vậy. Nó không chỉ có trong Philophei, mà cả trong Bakunin. Nhưng qua đó toát lên rằng ngay từ những cơ sở khởi thủy của ý thức cứu thế đã có những sai trái tôn giáo, có thái độ sai trái giữa cái tôn giáo và cái dân tộc. Lỗi lầm của chủ nghĩa sùng bái dân tộc nằm ở cốt lõi ý thức cứu thế và lỗi lầm đó kéo theo sự trừng phạt không tránh khỏi.
    (còn tiếp)
  2. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    Những mâu thuẫn, cám dỗ và lầm lạc của tư tưởng cứu thế Nga được đưa vào hình ảnh Satov. Nhưng liệu bản thân Dostoievski có hoàn toàn tự do khỏi Satov không? Tất nhiên ông không phải là Satov, nhưng ông yêu Satov và từ Satov có cái gì đó nằm ngay trong chính ông. Tất cả các nhân vật của Dostoievski đều là một phần tâm hồn của bản thân ông, những thời điểm trên con đường của ông. Satov nói với Stavrogin: ?oAnh có biết, ai bây giờ là dân tộc duy nhất trên toàn trái đất "mang danh Chúa", dân tộc tương lai phục sinh và cứu vớt thế giới với danh nghĩa vị Chúa mới và ai là người duy nhất được trao chìa khóa của sự sống và tiếng nói mới không?" "Bất kỳ dân tộc nào cho đến nay vẫn còn là dân tộc, khi nó có vị Chúa đặc biệt của mình, còn tất cả các vị chúa còn lại trên thế giới phải xoá bỏ không chút dung hòa nào". Đó là sự quay trở lại chủ nghĩa phân lập đa thần giáo. Nhưng tiếp theo, Satov hoàn toàn biến thành tín đồ Do Thái giáo với những tham vọng toàn thế giới. "Nếu một dân tộc vĩ đại không có đức tin rằng chỉ trong một mình nó có chân lý, nếu không tin tưởng rằng một mình nó có khả năng và được đòi hỏi phục sinh và cứu vớt nhân loại bằng chân lý của mình, thì ngay lập tức nó sẽ biến thành một thứ tư liệu dân tộc học, chứ không phải một dân tộc vĩ đại... Nhưng Chân lý chỉ có một, và vì thế, chỉ có một dân tộc duy nhất trong các dân tộc có thể có vị Chúa Chân chính, mặc dù các dân tộc còn lại cũng có các vị chúa đặc biệt và vĩ đại của mình. Dân tộc duy nhất "mang danh Chúa" - đó là dân tộc Nga". Khi đó Stavrogin đặt cho Satov một câu hỏi vô cùng hóc hiểm: "Bản thân anh có tin vào Chúa hay không?". Satov ấp úng trốn tránh: "Tôi tin vào nước Nga, tôi tin vào đạo Chính thống của nó... tôi tin vào thân thể của Đức Ki tô... tôi tin rằng lần giáng thế mới sẽ được thực hiện ở Nga..." "Thế còn tin vào Chúa? - vào chính Chúa?" Stavrogin vặn hỏi. "Tôi... tôi sẽ tin vào Chúa". Trong đoạn đối thoại tuyệt vời này Dostoievski đã tự tố cáo sự hư trá của chủ nghĩa dân túy tôn giáo, chủ nghĩa sùng bái dân tộc tôn giáo, vạch trần mối hiểm họa của ý thức dân tộc cứu thế. Nhiều người Nga tin vào dân tộc trước khi tin vào Chúa, tin vào dân tộc hơn là tin Chúa, và thông qua dân tộc muốn đến với Chúa. Sự cám dỗ của chủ nghĩa sùng bái dân tộc là sự cám dỗ Nga. Và trong ý thức Nga tính tôn giáo và tính dân tộc thật hòa quyện vào nhau, đến mức khó mà tách bạch được chúng. Trong Chính giáo Nga sự hòa trộn đó đôi khi đi đến đồng nhất tôn giáo và dân tộc. Dân tộc Nga tin vào Đức Ki tô Nga. Ki tô - đó là vị Chúa của dân tộc, Chúa của tầng lớp nông dân Nga, có những nét Nga trong dáng dấp của mình. Nhưng đó cũng là khuynh hướng đa thần giáo trong Chính giáo Nga. Sự biệt lập và độc tôn tôn giáo dân tộc, sự xa cách với đạo Ki tô phương Tây và thái độ phủ nhận quyết liệt đối với nó, đặc biệt đối với thế giới Công giáo, tất cả những điều đó mâu thuẫn hiển nhiên với tinh thần toàn thế giới của đạo Ki tô. Mỗi dân tộc, cũng như mỗi cá thể, đều khúc xạ và phản ánh đạo Ki tô theo cách của mình. Và đạo Ki tô của dân tộc Nga phải là đạo Ki tô của riêng mình, có những nét cá nhân và độc đáo. Điều đó không hề mâu thuẫn với tính chất toàn thế giới của đạo Ki tô, bởi vì sự thống nhất nhân loại của Ki tô giáo là sự thống nhất cụ thể, chứ không phải trừu tượng. Nhưng trong đạo Ki tô Nga có mối hiểm họa của việc ngự trị tố chất dân tộc lên trên tính phổ quát Logos, của yếu tố nữ tính trên yếu tố nam tính, của tâm hồn trên tinh thần. Mối hiểm họa đó được cảm nhận ngay trong bản thân Dostoievski. Ông thường truyền bá cho vị Chúa của nước Nga, chứ không phải vị Chúa của toàn thế giới. Tính không khoan dung của Dostoievski là nét Do Thái giáo trong tính tôn giáo của ông. Hình ảnh Satov tuyệt vời ở chỗ trong y kết hợp tố chất cách mạng và tố chất "Trăm đen", bộc lộ sự gần gũi của hai tố chất ấy. Nhà cách mạng tối đa chủ nghĩa Nga và "tên Trăm đen?[1] Nga thường khó phân biệt, giữa họ có những nét giống nhau đến kinh ngạc. Và cả hai đều bị quyến rũ như nhau tới chủ nghĩa sùng bái dân tộc. Tố chất dân tộc dày vò lý trí họ, làm tổn thương và suy yếu tính cá nhân của họ. Cả người này và người kia - đều là những kẻ bị ám ảnh. Dostoievski phát hiện ra điều ấy, bởi vì ông cảm thấy trong bản thân mình cả yếu tố cách mạng, lẫn yếu tố "Trăm đen". Dostoievski phát lộ trong dân tộc Nga cái tố chất ghê gớm, mãnh liệt và khóai lạc mà các nhà văn dân tộc chủ nghĩa của chúng ta không nhận thấy. Không phải ngẫu nhiên trong lòng dân tộc Nga sinh ra giáo phái roi vọt, một hiện tượng rất dân tộc, điển hình Nga. Trong đó pha trộn Chính giáo Nga với đa thần giáo Nga cổ xưa, với chất Dionisos dân tộc. Chất tôn giáo Nga, khi nó tiếp nhận các hình thức khóai cảm, gần như luôn luôn bộc lộ thiên hướng tôn giáo roi vọt. Tố chất dân tộc tỏ ra mạnh hơn ánh sáng của Logos phổ quát.
    Trong dân tộc Nga mối quan hệ cần có giữa yếu tố nam tính và nữ tính, giữa tinh thần và tâm hồn bị phá vỡ. Và đó là cội nguồn của mọi căn bệnh trong ý thức tôn giáo và dân tộc của chúng ta. Cái tố chất khủng khiếp của dân tộc Nga đã được miêu tả với sức mạnh thẩm thấu trực giác tuyệt vời trong cuốn tiểu thuyết của Andrei Belyi "Chim bồ câu bạc". Nước Nga không phải là phương Tây, nhưng cũng không phải là phương Đông. Nó là một Đông-Tây vĩ đại, sự gặp gỡ và tương tác của các yếu tố phương Đông và phương Tây. Ở đây ẩn chứa sự phức tạp và bí ẩn của nước Nga.
    Dostoievski có tài tiên tri. Biệt tài đó đã được lịch sử minh chứng. Chúng ta cảm nhận sâu sắc điều đó, khi bốn mươi năm trôi qua sau ngày Dostoievski mất. Nhưng được chứng minh lại chủ yếu là những tiên báo tiêu cực, chứ không phải tích cực của Dostoievski về nước Nga và về dân tộc Nga. "Lũ người quỷ ám" là cuốn sách tiên tri. Điều đó bây giờ hiển hiện đối với tất cả chúng ta. Nhưng nhiều tiên báo tích cực của Dostoievski, chúng ngập tràn trong "Nhật ký nhà văn", đã không được minh chứng. Thật đau lòng bây giờ đọc lại những trang viết về Konstantinopol của Nga, về vị Sa hoàng của thời quá vãng, về dân tộc Nga như một dân tộc Ki tô giáo độc tôn và duy nhất trên thế giới. ở một điểm Dostoievski đã sai lầm nghiêm trọng và tỏ ra là nhà tiên tri tồi. Ông nghĩ rằng giới trí thức đã bị lây nhiễm chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa xã hội. Nhưng ông tin dân tộc Nga sẽ không tiếp nhận sự cám dỗ đó, vẫn tin tưởng vào Chân lý của Đức Ki tô. Đó là sai lệch của ý thức dân túy chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân túy tôn giáo của Dostoievski đã làm giảm tài tiên tri của ông. Cách mạng Nga đã bác bỏ chủ nghĩa dân túy tôn giáo Nga, vạch trần những ảo tưởng và lừa dối của ý thức dân túy. "Nhân dân" đã phản bội đạo Ki tô, còn "giới trí thức" lại bắt đầu quay về với nó. Điều quan trọng nhất là cần giải phóng triệt để khỏi bất kỳ quan điểm giai cấp nào trong đời sống tôn giáo của nhân dân. Những người theo chủ nghĩa Slavơ và Dostoievski đã không được giải phóng hoàn toàn khỏi nó. Cần phải hướng về cá nhân và tìm kiếm sự cứu vớt trong việc tăng cường tính tinh thần của nó. Và điều đó phù hợp hơn với những khuynh hướng chính trong tinh thần của bản thân Dostoievski. Chủ nghĩa Slavơ đang kết thúc và chủ nghĩa phương Tây cũng đang kết thúc, chủ nghĩa dân túy Nga đã không thể tồn tại trong bất kỳ hình thức nào. Chúng ta bước vào một kích thước mới của tồn tại. Và chúng ta nhất thiết phải tạo dựng một ý thức tôn giáo và dân tộc mới, mang tính tinh thần, nam tính hơn. Dostoievski đã làm rất nhiều và không ngừng nghỉ cho việc tạo lập ý thức mới đó. Nhưng chính qua ông chúng ta nghiên cứu những cám dỗ và lỗi lầm của chúng ta. Trên con đường đi tới cuộc sống mới, tới sự phục sinh tinh thần cho dân tộc Nga cần trải qua sự nhẫn nhịn và ăn năn thông thường, trải qua kỷ luật tự giác khắc nghiệt của tinh thần. Chỉ khi đó sức mạnh tinh thần mới quay lại với dân tộc Nga. Sự khước từ tham vọng cứu thế phải củng cố thêm sứ mệnh dân tộc của nước Nga. Việc khắc phục chủ nghĩa dân túy phải củng cố thêm cá nhân và trả lại cho nó những phẩm chất của sứ mệnh văn hóa-tinh thần.
    (còn tiếp)
  3. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    Chú thích:
    [1] ?oTrăm đen?- tên chung của các tổ chức khủng bố ********* cực đoan ở Nga trước Cách mạng.
    source: http://evan.vnexpress.net

Chia sẻ trang này