1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tam Quốc Diễn Nghĩa - La Quán Trung

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi gio_mua_dong, 28/02/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Nói chưa dứt lời, có tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa cực đẹp, từ trong trận tế ra.
    Tướng ấy vốn là con Mã Ðằng, tên là Mã Siêu, tự là Mạnh Khởi, mới có mười bảy tuổi, khỏe mạnh không ai bằng.
    Vương Phương thấy Siêu còn bé khinh thường, nhảy ngựa lại đánh. Chưa được mười hiệp, Mã Siêu đâm Phương chết ngã xuống đất, rồi quay ngựa trở về.
    Lý Mông thấy Phương chết, tế ngựa theo sau Mã Siêu để đánh trả thù. Siêu cứ lững thững đi trở về làm ra vẻ không biết. Mã Ðằng ở cửa trận gọi to:
    - Ðằng sau có người đuổi theo.
    Ðằng nói chưa dứt lời, đã thấy Mã Siêu bắt sống Lý Mông ngay ở trên mình ngựa. Té ra Siêu vẫn biết có Mông đuổi, lờ như không trông thấy, đợi cho Mông đến, phóng đao ra đâm. Siêu mới tránh sang một bên. Mông đâm hụt, hai con ngựa giáp nhau. Siêu bấy giờ mời quờ tay vượn ra bắt sống được Mông.
    Quân Lý Mông không có chủ, chạy trốn tán lạc cả.
    Mã Ðằng, Hàn Toại thừa thế đuổi đánh, thắng to, xông thẳng đến cửa thành hạ trại rồi đem Lý Mông ra chém bêu đầu.
    Lý Thôi, Quách Dĩ thấy Mông, Phương cùng bị giết cả, mới tin là Giả Hủ có tài biết trước, bấy giờ mới nhất định dùng kế của Hủ, chỉ giữ vững các cửa thành, mặc bên kia khiêu chiến thế nào cũng không ra. Quả nhiên chưa được hai tháng, quân Mã Ðằng, Hàn Toại cạn lương, hai tướng phải bàn nhau rút quân về.
    Giữa lúc ấy thì ở trong thành, đầy tớ Mã Vũ ra thú với lũ Lý, Quách, kháo rằng chủ nó cùng với Lưu Phạm, Chủng Thiệu liên kết với Mã Ðằng, Hàn Toại để làm nội ứng. Lý, Quách giận lắm bắt hết cả già trẻ, bé lớn ba nhà đem ra chợ chém, rồi mang ba đầu lâu ra bêu trước cửa thành.
    Mã Ðằng, Hàn Toại thấy quân lương đã hết, nội ứng lại bị tiết lộ, phải nhổ trại đem quân về.
    Lý, Quách sai Trương Tế đem quân đuổi Mã Ðằng, sai Phàn Trù đem quân đuổi Hàn Toại.
    Quân Tây Lương thua to, may được Mã Siêu đi hậu quân đánh lùi được quân Trương Tế.
    Phàn Trù đuổi Hàn Toại dần dần kịp, gần đến Trần Thương, Hàn Toại quan ngựa lại bảo Trù rằng:
    - Tôi với ông người cùng làng với nhau, nay sao vô tình quá thế!
    Trù thấy nói, dừng ngựa lại nhìn rồi nói rằng:
    - Có lệnh trên sai, ta phải tuân theo!
    Toại lại nói:
    - Tôi lại đây cũng vì việc nước, sao lại quá bức bách nhau như thế?
    Trù nghe xong, quay ngựa lại, thu quân trở về, để cho Toại đi. Không ngờ có cháu Lý Thôi là Lý Biệt đi theo sau, thấy Phàn Trù tra Hàn Toại, về mách với chú. Thôi giận lắm, muốn đem binh ra đón đánh Phàn Trù.
    Giả Hủ lại can rằng:
    - Nay nhân tâm chưa được yên, mà cứ dấy binh mãi mãi không nên, sao bằng mở một tiệc rượu, mời Trương, Phàn đến để mừng công, rồi đang cuộc rượu bắt Trù đem chém chẳng phải khó nhọc gì.
    Lý Thôi ưng theo kế ấy, bèn mở tiệc mời hai người đến. Trương, Phàn hớn hở đến ăn yến.
    Ðang giữa tiệc Lý Thôi sầm mặt lại rồi nói rằng:
    - Phàn Trù sao dám tư thông với Hàn Toại, định làm phản hay sao?
    Trù giật nẩy mình, chưa kịp trả lời thì mấy tay đao phủ đã vào kéo Trù ra, chém ngay trước tiệc.
    Trương Tế trong thấy khiếp đảm, cúi rạp xuống tận đất.
    Lý Thôi nâng Tế dậy mà nói rằng:
    - Trù mưu phản, nên ta phải giết. Ngươi là tâm phúc với ta, việc gì mà sợ.
    Nói rồi Thôi đem quân của Trù, giao cho Tế quản lĩnh. Tế dẫn quân về Hoằng Nông.
    Từ khi Quách Dĩ đánh được quân Tây Lương, chư hầu không ai dám chống lại, Giả Hủ lại khuyên rằng:
    - Phải cốt giữ cho dân được yên; phải tin dùng những người hiền tài.
    Từ bấy giờ trở đi, triều đình mới hơi thấy có vẻ dễ chịu.
    Nhưng không ngờ lại có đám giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu nổi dậy, tụ quân vài mươi vạn khởi loạn, cướp bóc của dân. Thái Bộc là Chu Tuấn xin tiến cử một người để đi dẹp giặc.
    Thôi, Dĩ hỏi ai, Tuấn nói:
    - Muốn phá giặc Sơn Ðông, phi Tào Tháo không xong.
    Lý Thôi nói:
    - Bây giờ Tào Tháo ở đâu?
    Chu Tuấn thưa:
    - Hiện Tháo đang làm Thái Thú Ðông Quận, trong tay có nhiều quân sĩ, giá sai người này đi đánh giặc, thì không mấy bữa giặc sẽ tan.
    Lý Thôi mừng lắm, ngay đêm hôm ấy thảo tờ chiếu cho người mang ra Ðông Quận, sai Tào Tháo cùng với tướng Tế Bắc là Pháo Tín đi đánh giặc.
    Tháo vâng chiếu họp với Pháo Tín, cùng tiến quân đánh giặc ở Thọ Dương.
    Pháo Tín vào đất giặc, bị giặc giết chết. Còn Tào Tháo đuổi giặc đến tận Tế Bắc, giặc hàng vài vạn người. Tháo lại dùng ngay giặc làm tiền khu, quân đi đến đâu, giặc hàng đến đấy.
    Mới được hơn một trăm ngày chiêu an được hơn bốn mươi vạn quân hàng. Vừa đàn ông, đàn bà kéo lại theo Tháo hơn một triệu người. Tháo tuyển lấy những quân tinh nhuệ, đặt riêng một cánh quân gọi là quân Thạch Châu, còn bao nhiêu đuổi về cho làm ruộng.
    Từ đó uy danh Tào Tháo mỗi ngày một lừng lẫy, tiếng đồn về đến tận kinh, triều đình phong cho Tháo làm Chấn Ðông tướng quân.
    Tào Tháo ở Duyện Châu chiêu mộ thu dùng những người hiền sĩ.
    - Làng Dĩnh Âm châu Dĩnh Xuyên, có một nhà hai chú cháu cùng đi theo Tào Tháo. Người chu, họ Tuân tên Túc, tự là Văn Nhược, nguyên là con Tuân Côn. Úc trước đã thờ Viên Thiệu, bây giờ bỏ Thiệu về với Tháo.
    Tháo cùng Úc nói chuyện xong rồi mừng lắm nói rằng: Người này là Tử Phòng của ta đây!, rồi cho làm hành quân tư mã.
    Người cháu tên là Tuân Du, tên chữ là Công Ðạt, vốn có tiếng là một danh sĩ, trước đã làm hoàng môn thị lang, sau bỏ quan về làng, nay theo chú sang với Tào Tháo, Tháo cho làm hành quân giáo thụ.
    Tuân Du lại nói với Tháo rằng:
    - Tôi nghe ở Duyện Châu có một người hiền sĩ, vốn ở Ðông An, họ Trình tên Dục, tự là Trọng Ðức, nhưng không biết bây giờ ở đâu? Người ấy chúa công nên dùng.
    Tháo nói:
    - Ta đã biết tiếng Trình Dục từ lâu.
    Nói rồi sai ngay người về tận Ðông An để hỏi cho được, thấy họ bảo rằng: Trình Dục đang ở trong núi đọc sách. Tháo cho mời ra, Trình Dục đến bái kiến, Tháo mừng lắm.
    Dục lại bảo với Tuân Úc rằng:
    - Tôi là người quê kệch, học hành chưa được mấy, không xứng đáng với sự tiến cử của ông. Nay tôi biết có một người cùng làng với ông, tên là Quách Gia, tự là Phụng Hiếu, người ấy thực là hiền sĩ thời nay. Sao ông không triệu ra?
    Úc sực nhớ đến nói rằng:
    - Suýt nữa tôi quên mất người ấy!
    Úc nói chuyện ngay với Tào Tháo. Tháo cho đi mời Quách Gia. Gia đến Duyện Châu bàn việc thiên hạ với Tào Tháo, rồi lại tiến Tháo một người nữa, dòng dõi vua Quan Vũ, người ở Thanh Ðức, họ Lưu tên Hoa, tự là Tử Dương.
    Tháo cho mời Hoa đến. Hoa lại tiến hai người nữa, một người ở Sương Ấp, họ Mãn tên Sủng, tự là Bá Ninh; người nữa ở Vũ Thành họ Lã tên Kiều, tự là Tử Khác.
    Tháo cũng đã biết tiếng hai người ấy, cho nên đặt ngay làm trung quân tùng sự.
    Hai người lại tiến Tháo một người nữa, họ Mao tên Giới ở Bình Kỳ, tự là Hiếu Tiên.
    Tháo cũng cho làm tùng sự.
    Ðược ít bữa lại có một tướng nữa, đem vài trăm quân mã lại xin theo Tháo, người ở Cự Binh, tên là Vu Cấm, tự là Văn Tắc.
    Tháo thấy người ấy bắn cung cưỡi ngựa giỏi, võ nghệ hơn người, liền cho làm Tiền Quân Tư Mã.
    Một hôm Hạ Hầu Ðôn lại dắt một người cực to lớn lại ra mắt Tào Tháo.
    Tháo hỏi ai, Ðôn thưa rằng:
    - Người ấy ở Trần Lưu, họ Ðiển tên Vi, sức khỏe không ai địch nổi. Trước Vi đã theo Trương Mạc, liền giết vài mươi người rồi trốn vào núi ở. Tôi đi săn gặp Ðiển Vi đang đuổi hổ nhảy qua suối, nay tôi đem về dâng chúa công.
    Tháo nói:
    - Ta xem người này, tướng mạo khôi ngô, tất là người có sức khỏe.
    Ðôn lại nói:
    - Ðiển Vi từng báo thù cho bạn, giết người xách đầu ra ngoài chợ, hàng mấy trăm người không dám đến gần. Y sử dụng được hai ngọn kích sắt, nặng tám mươi cân, cắp ngồi trên ngựa, vung múa nhẹ như bay.
    Tào Tháo lập tức sai Vi ra thử kích.
    Vi cắp đôi kích lên ngựa nhẹ nhàng đi lại như bay. Bỗng bấy giờ có một cơn gió to, lá cờ lớn trồng dưới trướng lung lay sắp đổ. Quân sĩ lại xúm xít ôm giữ không nổi.
    Ðiển Vi thấy vậy, từ trên ngựa nhảy xuống, quát to một tiếng, đuổi quân sĩ lui ra, rồi một tay nắm chắc lấy, cột cờ đứng im phăng phắc giữa luồng gió.
    Tháo thấy thế mừng nói rằng:
    - Người nầy thực là Ác Lai ngày xưa đây!
    Liền cho làm trướng tiền đô úy, cởi ngay áo gấm đang mặc cho Ðiển Vi, lại cho thêm một con ngựa thực tốt và một bộ yên chạm.
    Từ bấy giờ bộ hạ Tào Tháo, văn có người tài, vũ có tướng giỏi, uy danh Tháo lẫy cả Sơn Ðông, Tháo bèn sai Thái Thú Thái Sơn là Ung Thiệu, về quận Lương Gia đón cha là Tào Tung.
    Tung trước ở Trần Lưu, từ khi loạn lánh sang ở Lương Gia. Bấy giờ tiếp được thư bèn cùng em là Tào Ðức và người nhà hơn bốn mươi người, lại đem hơn một trăm đầy tớ, ngồi mấy trăm xe, kéo nhau về Duyện Châu.
    Lúc đi qua Từ Châu, quan thái thú ở đấy là Ðào Khiêm, tên chữ là Cung Tổ, người ôn hậu hòa nhã, vốn xưa nay vẫn muốn làm quen với Tào Tháo, nay thấy cha Tào Tháo đi qua địa hạt mình bèn thân hành ra đón chào lạy cung kính, mở tiệc khoản đãi mấy ngày liền. Lúc Tung đi, Khiêm thân đưa ra khỏi thành, rồi lại sai Ðô Úy là Trương Khải đem năm trăm bộ binh đi hộ tống.
    Khi Tung và người nhà đi đến địa giới đất Hoa và Phí, bây giờ vào cuối hạ sang thu, bỗng gặp cơn mưa to, phải vào nghỉ nhờ một ngôi chùa. Sư tăng trong chùa ra tiếp. Tung thu xếp cho người nhà nơi ăn chỗ nghỉ rồi sai Trương Khải đem quân mã đóng hai bên hành lang chùa.
    Bị mưa ướt cả quần áo và hành trang, quân sĩ đều kêu ca oán thán. Trương Khải mới gọi những đầu mục thủ hạ đến một chỗ vắng bảo rằng:
    - Chúng ta vốn là dư đảng Khăn Vàng, bất đắc dĩ phải đầu hàng Ðào Khiêm. Từ ấy đến giờ chưa thấy được lợi lộc gì. Nay của cải nhà họ Tào chất đầy bao nhiêu xe cộ, các anh em muốn phú quý, cũng chẳng khó gì. Canh ba đêm hôm nay, chúng ta bổ cửa chùa vào và giết hết cả nhà Tào Tung, lấy sạch của cải, rồi ta lại cùng nhau về rừng làm nghề lạc thảo, kế ấy anh em nghĩ thế nào?
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  2. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Quân sĩ đều cùng thuận cả.
    Ðêm hôm ấy mưa gió chưa dứt. Tung đương ngồi bỗng nghe bên ngoài bốn mặt có tiếng hò reo rầm rĩ, Tào Ðức cầm gươm ra xem việc gì, bị đâm chết ngay.
    Tung vội vàng dắt một người thiếp chạy vào buồng phương trượng, định nhảy qua tường đi trốn, chẳng may phải người thiếp to béo không ra lọt. Tung vội vàng cùng người thiếp ẩn vào trong chuồng tiêu, rồi cả hai đều bị loạn quân giết mất.
    Ung Thiệu là người Tào Tháo sai đi đón Tào Tung, chạy thoát, sang ở với Viên Thiệu.
    Khải giết hết cả nhà Tào Tung, lấy sạch của cải, đốt chùa, đem năm trăm quân trốn về Hoài Nam.
    Ðời sau có thơ rằng:
    A Man vốn có tiếng gian hùng;
    Hại cả nhà Sa thật nhẫn lòng.
    Bỗng chốc gặp ngay người khác hại,
    Lòng trời báo ứng khiếp hay không?
    Bấy giờ bộ hạ Ung Thiệu có một người trốn được về báo với Tào Tháo.
    háo nghe tin khóc lăn xuống đất, mọi người vực dậy, Tháo nghiến răng lại nói rằng:
    - Ðào Khiêm hỡi! Dám thả cho quân giết cha ta. Thù này ngươi với ta không đội trời chung được! Nay ta khởi hết đại quân, sang giết sạch cả Từ Châu mới hả được giận này!
    Liền sai Tuân Úc, Trình Dục lĩnh ba vạn quân ở lại giữ Nhân Thành, Phạm Huyện, Ðông An, còn bao nhiêu quân kéo cả đến Từ Châu, sai Hạ Hầu Ðôn, Vu Cấm, Ðiển Vi làm tiên phong. Tháo hạ lệnh rằng:
    - Hễ đánh được thành trì nào, bao nhiêu dân trong thành đều phải đem giết nhẵn để báo thù cho cha ta.
    Bấy giờ có thái thú ở Cựu Giang tên là Biên Nhượng, vốn là bạn thân với Ðào Khiêm, nghe thấy Từ Châu có nạn, đem năm ngàn quân lại cứu.
    Tháo nghe thấy giận lắm, sai Hạ Hầu Ðôn đón đường giết chết Biên Nhượng.
    Trần Cung khi ấy làm tùng sự ở Ðông Quận, chơi rất thân với Ðào Khiêm, nghe thấy tin Tào Tháo khởi binh báo thù cho cha, định giết cả dân Từ Châu, sáng tinh sương hôm ấy đến xin vào ra mắt Tào Tháo.
    Tháo biết rằng Cung vào để nói cho Ðào Khiêm, đã toan không tiếp sau lại nghĩ đến ân cũ khi xưa, nên phải mời vào. Cung vào nói rằng:
    - Nay tôi nghe thấy ông đem đại binh đến Từ Châu, báo thù cho tôn phụ, ông định đi đến đâu giết sạch muôn dân, cho nên tôi đến đây xin trình bày một lời: Ðào Khiêm vốn là hiền nhân quân tử, chứ không phải là đồ ham lợi quên nghĩa. Tôn phụ chẳng may bị hại là tội của Trương Khải, chứ không phải tội của Khiêm. Vả lại, dân chúng các châu huyện không có thù gì với tướng quân, xin tướng quân nghĩ lại cho kỹ rồi sẽ làm.
    Tháo nổi giận nói rằng:
    - Trước kia ông đã bỏ ta mà đi, nay còn mặt nào lại trông thấy nhau? Ðào Khiêm hắn giết cả nhà ta, ta thề moi ruột móc gan hắn ra, mới hả được giận. Ông làm thuyết khách cho Ðào Khiêm, nhưng ta chẳng nghe, thì làm thế nào?
    Trần Cung từ biệt Tào Tháo trở ra, than rằng:
    - Chuyến này ta cũng không mặt nào trông thấy Ðào Khiêm nữa!
    Nói rồi giục ngựa sang với thái thú Trần Lưu là Trương Mạc.
    Tào Tháo đi đến đâu cũng cho quân tàn hại dân chúng đến đấy, đào mồ cuốc mả người ta, ai ai cũng sợ.
    Ðào Khiêm ở Từ Châu nghe thấy Tháo giết dân hại lắm, bèn ngửa mặt lên trời mà khóc rằng:
    - Ta để cho dân Từ Châu mắc phải nạn này, phải mang tội với trời đất!
    Rồi lập tức họp các quan lại để bàn. Tào Báo nói:
    - Quân Tào đã đến nơi, lẽ đâu ta lại ngồi khoanh tay mà chịu chết. Tôi xin giúp sứ quân phá giặc.
    Ðào Khiêm bất đắc dĩ phải đem quân ra đón, xa trông thấy quân Tháo trắng xóa, tựa hồ như sương sa tuyết tỏa, ở trung quân dựng hai lá cờ trắng, trên đề bốn chữ to: Báo thù rửa hận.
    Quân mã dàn thành thế trận, Tào Tháo cưỡi ngựa ra, mình mặc đồ tang, trỏ roi thét mắng.
    Ðào Khiêm cũng cưỡi ngựa ra dưới cửa cờ, nghiêng mình, vái mà nói rằng:
    - Ta vốn muốn kết hiếu với minh công, nên mới sai Trương Khải đi hộ tống. Không ngờ tướng giặc Trương Khải, ngựa quen đường cũ; đến nỗi xảy ra việc như thế. Quả tình tội oan, xin minh công xét kỹ cho.
    Tháo quát mắng rằng:
    - Thằng già kia! Ngươi đã giết cha tao, còn dám nỏ mồm? Ai ra bắt sống thằng giặc già kia vào đây!
    Hạ Hầu Ðôn nhảy ra.
    Ðào Khiêm vội vàng chạy về trận.
    Ðôn xong lại.
    Tào Tháo thúc ngựa ra đánh.
    Hai ngựa đang giao nhau, bỗng đâu nổi trận gió to, sỏi cát bay mù mịt; Hai bên đều thu quân về.
    Ðào Khiêm vào thành bàn với quân sĩ:
    - Quân Tháo thế to, khó địch lắm. Ta nên tự trói mình, thân đến dinh quân Tào, tùy nó hành tội, để cứu lấy dân trong quận Từ Châu!
    Khiêm nói chưa dứt lời, có một người tiến lên thưa rằng:
    - Sứ quân trấn thủ Từ Châu đã lâu, dân chúng ai cũng cảm phục. Nay quân Tào tuy nhiều, nhưng vị tất đã phá được thành ngay. Sứ quân hãy cứ cùng với trăm họ giữ thành cho vững. Tôi tuy rằng bất tài, nhưng dám hiến một kế nhỏ, làm cho Tào Tháo chết không có chỗ chôn.
    Ai nấy giật mình hỏi kế làm sao?
    Thế thực là:
    Bởi muốn cầu thân nên kết oán
    Ai hay đất tuyệt có đường sinh! ​
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  3. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Hồi XI
    Lưu Hoàng Thúc Cứu Khổng Dung ở Bắc Hải
    Lã Ôn Hầu Phá Tào Tháo Tại Bộc Dương.​
    Người hiến kế cho Ðào Khiêm vốn là người ở Ðông Hải, tên là My Chúc, tự là Tử Trọng.
    Chúc nguyên là con nhà hào phú, một bữa ra thành Lạc Dương mua bán, đi xe về đến nửa đường gặp một người con gái xinh đẹp xin cho đi xe nhờ. Chúc xuống đi bộ, nhường xe cho người con gái ấy ngồi.
    Người ấy cứ nhất định mời My Chúc lên ngồi. Chúc lên xe, ngồi thực nghiêm trang, mắt không trông ngang.
    Ði được vài dậm, người con gái xin xuống xe, từ giã My Chúc nói rằng:
    - Ta là Hỏa Ðức tính quân ở phương Nam, phụng mệnh Thượng Ðế xuống để đốt cháy nhà ngươi. Nay thấy ngươi đãi ta có lễ phép, nên ta bảo cho ngươi biết trước. Ngươi nên về nhà mau, dọn dẹp hết đồ đạc đi. Ðêm nay ta sẽ đến.
    Nói rồi biến mất.
    Chúc thất kinh, vội vàng chạy về, trong nhà có gì dọn đi hết. Tối hôm ấy quả nhiên trong bếp phát hỏa, nhà cửa cháy hết.
    Chúc cũng vì thế mà đem gia tài phân tán, cứu giúp người nghèo khó. Về sau Ðào Khiêm đón về cử làm biệt giá tùng sự.
    Bấy giờ My Chúc hiến kế rằng:
    - Tôi xin sang quận Bắc Hải cầu Khổng Dung đến cứu. Lại xin sai một người nữa sang Thanh Châu cầu cứu Ðiền Khải. Hai nơi ấy cho quân mã đến thì Tào Tháo tất phải lui.
    Khiêm nghe lời, viết hai bức thư, rồi hỏi:
    - Dưới trướng có ai dám sang Thanh Châu không?
    Một người xin đi, là Trần Ðằng, tự là Nguyên Long, người Quảng Lăng.
    Nguyên Long đi rồi, My Chúc cũng đi sang Bắc Hải, Ðào Khiêm tự mang quân giữ thành.
    Khổng Dung, tự là Văn Cử, người làng Khúc Phụ, nước Lỗ, là cháu đời thứ 20 đức Khổng Tử; con quan đỗ úy thái sơn là Khổng Trụ. Dung vốn thông minh từ thuở nhỏ. Năm lên mười tuổi, Dung có vào yết kiến quan doãn ở Hà Nam tên là Lý Ung. Lúc đến cửa, quan canh hỏi đi đâu, Dung nói:
    - Ta là thông gia với Lý tướng.
    Khi vào đến nơi, Lý Ung mới hỏi:
    - Tổ ngươi có họ hàng gì với tổ nhà ta?
    Dung nói:
    - Ngày xưa Khổng Tử từng hỏi Lão Tử về việc lễ, nhà Dung với nhà ông chẳng phải đời đời thông gia với nhau là gì?
    Ung lấy làm kỳ.
    Ðược một hồi, có thái trung đại phu là Trần Vĩ đến chơi. Ung trỏ vào Khổng Dung mà nói rằng:
    - Ðứa bé này là kỳ đồng!
    Trần Vĩ bĩu môi nói rằng:
    - Những đứa thuở nhỏ thông minh như thế, ngày sau lớn vị tất đã ra gì!
    Dung liền ứng đối ngay rằng:
    - Thưa ông, hẳn thuở nhỏ ông thông minh lắm!
    Cả bọn đi với Trần Vĩ cùng cười ồ lên, mà nói rằng:
    - Người này lớn lên tất là người giỏi trong đời.
    Từ đấy Dung nổi tiếng, sau làm Trung Lang tướng, dần dần được làm Thái Thú Bắc Hải.
    Khổng Dung tính ưa thết khách, thường nói rằng:
    - Trên chỗ ngồi lúc nào cũng đông khách, trong hồ lúc nào cũng có rượu, thế là sướng nhất trần gian.
    Dung ở Bắc Hải được sáu năm, dân chúng rất là yêu mến.
    Hôm ấy Dung ngồi chơi với khách, có người vào báo rằng có My Chúc ở Từ Châu muốn vào hầu.
    Dung cho mời vào, hỏi có việc gì, Chúc đưa thư của Ðào Khiêm ra, rồi nói rằng:
    - Tào Tháo vây gấp lắm, xin minh công sang cứu cho.
    Dung nói:
    - Ta với Ðào Cung Tổ là chỗ chí thân, vả Tử Trọng lại thân hành đến tận đây, lẽ đâu ta lại không cứu; nhưng ta với Tào Mạnh Ðức không có thù oán gì. Vậy trước hết ta tưởng hãy nên sai người đưa thư giải hòa đã, nếu Tháo không nghe, bấy giờ ta sẽ khởi binh.
    Chúc nói:
    - Tào Tháo cậy có nhiều quân, quyết không chịu hòa.
    Dung liền sai một mặt thì điểm binh sẵn, một mặt cho người đưa thư cho Tào Tháo.
    Lúc đang bàn bạc, chợt có người vào báo rằng:
    - Có dư đảng của đám Khăn Vàng ngày xưa, tên là Quản Hợi, đem mấy vạn quân đến định phá thành.
    Dung thất kinh, vội vàng điểm quân ra thành để nghênh chiến.
    Quản Hợi tế ngựa ra nói rằng:
    - Bắc Hải nhiều lương, cho ta vay một vạn hộc, ta sẽ lui quân ngay. Hễ không ta đánh phá thành trì, già trẻ sẽ không một người nào sống sót.
    Dung mắng mà nói rằng:
    - Ta là bầy tôi nhà đại Hán, giữ đất của nhà đại Hán, có đâu lại đem lương cho giặc.
    Quản Hợi giận lắm, múa đao tế ngựa chạy thẳng vào đánh Khổng Dung. Tướng Dung là Tôn Bảo, vác giáo nhảy ra địch, được vài hiệp bị Hợi chém chết, quân Dung rối loạn, chạy cả vào thành, Hợi chia quân ra bốn mặt vây thành.
    Dung trong lòng bực tức, My Chúc cũng buồn chán lắm.
    Hôm sau, Khổng Dung lên thành trông thấy thế giặc lạn mạnh, càng thêm lo phiền. Chợt thấy một người cưỡi ngựa vác giáo xông vào đám giặc, tả xung, hữu đột như vào chỗ không người, rồi chạy thẳng đến dưới thành, gọi to mở cửa.
    Dung không biết là ai, chưa dám mở cửa. Quân giặc xấn đế bờ hào, định vào giết người ấy, nhưng người ấy quay mình lại đâm một lúc chết luôn vài chục đứa ngã ngựa. Chúng phải lui chạy cả.
    Dung bấy giờ mới sai mở cửa mời vào. Người ấy xuống ngựa, bỏ giáo, lên thẳng trên mặt thành, chào Khổng Dung, Dung hỏi tên họ, người ấy thưa rằng:
    - Tôi là người ở Hoàng Huyện, đất Ðông Lai, họ là Thái Sử tên là Từ, tự là Tử Nghĩa. Mẹ tôi được đội ơn ngày nhiều lắm. Hôm nọ tôi ở Liêu Ðông về nhà thăm mẹ.
    Nghe tin giặc vây thành, mẹ tôi mới bảo rằng: Ta đã nhiều lần đội ơn ngài, nay con phải đi cứu. Bởi vậy một mình tôi cưỡi ngựa đến đây.
    Khổng Dung mừng lắm.
    Nguyên khi trước, Dung tuy không biết mặt Thái Sử Từ, nhưng vẫn biết tiếng là anh hùng. Nhân thấy Từ đi vắng xa, có mẹ già ở nhà, nhà cách thành hai mươi dặm, Dung thường sai người đem biếu gấm lụa. Bà mẹ cảm cái đức ấy nên sai con lại cứu.
    Dung kính trọng Thái Sử Từ hết lòng, tặng một bộ áo giáp, ngựa và yên. Từ nói:
    - Tôi xin mượn ngài một ngàn tinh binh nữa để ra ngoài thành phá giặc.
    Dung nói rằng:
    - Ông tuy khỏe thực, nhưng thế giặc to lắm, không nên coi thường.
    Từ nói:
    - Mẹ tôi cảm hậu đức của ngài, nên sai tôi đến, nếu không phá được giặc, tôi cũng không còn mặt nào dám về trông thấy mẹ. Vậy xin cứ để tôi ra, quyết một trận tử chiến.
    Dung nói:
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  4. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    - Ta nghe có Lưu Huyền Ðức là anh hùng đời bấy giờ. Giá mời được Huyền Ðức lại cứu, thì mới giải được vây. Chỉ hiềm chưa biết nhờ ai đi cho được.
    Từ nói:
    - Xin ngài viết thư, tôi xin mang đi!
    Dung mừng, viết thư giao cho Từ.
    Từ mặc áo giáp lên ngựa, lưng đeo cung tên, tay cầm giáo, ăn no, sắm sửa đủ, mở cửa thành, phi ngựa ra đi.
    Lúc gần đến bờ hào, quân giặc xúm vào đánh. Từ đâm luôn chết mấy đứa, vượt qua vòng vây chạy ra.
    Quản Hợi thấy có người ở trong thành ra, tất là đi cầu cứu, liền đem vài trăm quân kỵ đuổi theo, tam mặt vây lại.
    Từ dừng ngọn giáo, giương cung đặt tên, bắn cả tám mặt, không phát nào là không có người ngã ngựa, giặc sợ không dám đuổi nữa.
    Từ thoát được, ngay suốt ngày đêm đến Bình Nguyên, vào ra mắt Lưu Bị.
    Thư lễ xong, Từ nói hết sự tình Khổng Dung bị vây, rồi đưa thư ra. Lưu Bị xem thư xong, hỏi:
    - Ông là ai?
    Từ nói:
    - Tôi là Thái Sử Từ, người nhà quê ở Ðông Hải. Tôi với Khổng Dung không phải anh em họ hàng, cũng không phải láng giềng làng mạc; chỉ vì nghĩa khí đối với nhau nên có ý chia xẻ ưu hoạn với nhau.
    Nay Quản Hợi bạo loạn, Bắc Hải bị vây, không biết cậy vào đâu, nguy ở sớm tối. Khổng Dung nghe ngài là người nhân nghĩa, hay cứu người khốn, giúp kẻ nguy, nên sai tôi xông pha giữa vòng giáo mác, phá vòng vây đến đây cầu cứu ngài.
    Lưu Bị tỏ vẻ tôn kính nói rằng:
    - Khổng Bắc Hải cũng biết rằng trong đời có Lưu Bị à?
    Lập tức cùng Quan Vũ, Trương Phi điểm ba ngàn tinh binh kéo sang Bắc Hải.
    Quản Hợi thấy quân đến cứu, dẫn quân ra đối địch. Lại thấy quân Lưu Bị ít nên khinh thường không sợ.
    Lưu Bị cùng với Quan, Trương và Thái Sử Từ cưỡi ngựa đứng ra trước trận. Quân Hợi hăm hở ra đánh.
    Từ đang định xông ra. Quan Vũ đã nhảy ra trước.
    Hợi địch nổi sao được Quan Vũ; mới được vài mươi hiệp, một nhát thanh long đao đã chém chết ngay Quản Hợi ở dưới chân ngựa.
    Từ, Trương hai ngựa cùng ra, hai giáo đều múa, xông vào đám quân giặc, Lưu Bị thúc quân đánh riết.
    Khổng Dung ở trên thành trông thấy Từ, Quan, Trương ba người vào trong đám giặc, không ai đương nổi, xông xáo tựa hồ như hổ giữa đàn dê, liền kéo binh ra thành, hai đầu đánh dồn lại, quân giặc thua chạy, đầu hàng vô số, còn bao nhiêu tan vỡ cả.
    Khổng Dung đón Lưu Bị vào thành, chào lễ xong rồi, mở một tiệc yến thực to ăn mừng, lại dẫn My Chúc ra chào Huyền Ðức.
    My Chúc nhân thể nói việc Trương Khải giết Tào Tung, nay Tào Tháo thả binh đến cướp phá Từ Châu, bởi vậy Ðào Khiêm sai y đến cầu cứu Khổng Dung.
    Lưu Bị nói:
    - Ðào Cung Tổ là người quân tử, không ngờ mắc phải oan nầy!
    Dung nói:
    - Ông là tôn thân nhà Hán, nay Tào Tháo tàn hại trăm họ, cậy khỏe, khinh yếu. Sao ông không cùng với tôi đi cứu Ðào Cung Tổ một thể?
    Lưu Bị nói:
    - Tôi đâu dám từ việc ấy, nhưng tướng ít, binh yếu, lo rằng không làm nổi việc.
    Dung lại nói:
    - Tôi nay đi cứu Cung Tổ tuy là tình bạn, nhưng cũng vì nghĩa lớn, ông há không có bụng trượng nghĩa hay sao?
    Lưu Bị đáp:
    - Có phải thế xin Văn Cử hãy đi trước, khoan cho tôi còn sang Công Tôn Toản mượn thêm năm ba ngàn quân mã, rồi sẽ đến sau.
    Dung lại dặn:
    - Xin ông chớ sai hẹn.
    Huyền Ðức nói:
    - Ông cho tôi là người thế nào! Thánh nhân đã dạy rằng: Xưa nay ai cũng chết, nhưng không có tín thì không ra người. Nay dù mượn được quân hay không, thế nào tôi cũng phải đến cứu Từ Châu.
    Dung bằng lòng, sai My Chúc về báo trước cho Ðào Khiêm, rồi thu xếp khởi hành.
    Thái Sử Từ lạy tạ Khổng Dung, nói rằng:
    - Tôi vâng lời mẹ, sang đây giúp ngài. Nay công việc xong xuôi cả rồi, thứ sử Dương Châu là Lưu Do, là người cùng quận với tôi, có thư lại gọi, không đi không được. Xin để khi khác lại có dịp gặp nhau.
    Dung đem vàng lụa tạ ơn. Từ không chịu lấy gì cả, ra về.
    Mẹ Từ thấy Từ về, mừng nói rằng:
    - Mẹ mừng cho con báo được ơn Bắc Hải.
    Nói xong lại sai Từ sang Dương Châu.
    Nay không nói chuyện Khổng Dung khởi binh sang cứu Từ Châu vội. Hãy nói chuyện Lưu Bị đến gặp Công Tôn Toản và nói chuyện cả sự tình mình muốn sang cứu Từ Châu.
    Toản hỏi rằng:
    - Tào Tháo không có thù gì với ông, tội gì ông lại đi giúp bên nọ đánh bên kia?
    Lưu Bị nói:
    - Tôi đã hứa với người ta rồi, thế nào cũng phải đi.
    Toản cho mượn hai ngàn quân mã. Lưu Bị xin cho Triệu Tử Long đi theo. Toản bằng lòng.
    Lưu, Quan, Trương dẫn ba ngàn quân bản bộ của mình đi trước, Triệu Vân dẫn hai ngàn quân kéo đi sau, cùng đến Từ Châu.
    Trong khi ấy thì My Chúc về báo với Ðào Khiêm rằng:
    - Khổng Dung đến giúp, lại mời thêm được cả Lưu Bị.
    Trần Nguyên Long cũng về báo rằng:
    - Ðiền Khải vui lòng đem quân sang cứu.
    Bấy giờ Ðào Khiêm mới hơi vững dạ.
    Hai cánh quân Khổng Dung, Ðiền Khải mới đến, sợ quân Tào mạnh thế nên ở đằng xa, dựa vào sườn núi đóng trại chưa dám khinh tiến.
    Tào Tháo thấy hai đám quân cứu viện đã đến, cũng chia quân ra giữ, chưa dám kéo cả vào phá thành.
    Lưu Bị đến sau, vào ra mắt Khổng Dung, Dung nói:
    - Quân Tháo thế lớn lắm, mà Tháo lại khéo dùng mưu mẹo, ta không nên tiến vội, đợi xem tình hình thế nào đã.
    Lưu Bị nói:
    - Tôi chỉ lo trong thành không có lương, khó giữ được lâu. Nay hãy xin sai Quan Vân Trường và Triệu Tử Long lĩnh bốn ngàn quân ở đây với ông. Tôi thì cùng với Trương Phi kéo qua trại Tào Tháo, đi tắt đến Từ Châu, để vào bàn với Ðào sứ quân.
    Dung mừng lắm, hẹn nhau với Ðiền Khải hai người lập thế ỷ giác, còn Vân Trường với Tử Long thì lĩnh binh để tiếp ứng hai bên.
    Lưu Bị, Trương Phi hai người dẫn một ngàn quân mã, kéo qua bên cạnh trại Tào Tháo. Quân đang đi thấy trong trại nổi một tiếng trống, quân mã, bộ kéo ra như nước vỡ, Vu Cấm đứng đầu, dừng cương ngựa lại gọi to lên rằng:
    - Bọn cuồng đồ xứ nào kéo đi đâu đấy?
    Trương Phi chẳng nói chẳng rằng, xông thẳng vào đánh Vu Cấm. Hai bên đánh nhau được vài hiệp, Lưu Bị múa đôi kiếm, kéo quân tràn lên, Vu Cấm thua chạy, Trương Phi đi đầu chém giết, rồi vào thẳng đến dưới thành Từ Châu.
    Trên thành trông xuống thấy lá cờ đỏ, viết năm chữ trắng thực to: Bình Nguyên Lưu Huyền Ðức. Ðào Khiêm kíp sai người mở cửa. Huyền Ðức vào thành, Khiêm tiếp đón, mời về phủ nha, thi lễ xong, mở tiệc yến khoản đãi.
    Ðào Khiêm thấy Lưu Bị diện mạo hiên ngang, nói năng khoán đạt, trong bụng lấy làm mừng rỡ, sai ngay My Chúc đem cả bài, ấn Từ Châu ra, xin nhường chức cho Lưu Bị. Lưu Bị ngạc nhiên hỏi:
    - Thế này là ý ngài ra làm sao?
    Khiêm nói:
    - Nay thiên hạ rối loạn, rường cột nhà vua không cất lên được. Ngài là Tôn thân nhà Hán, nên ra sức giúp nước. Tôi nay già rồi, không làm gì được nữa, ngài chớ có chối. Tôi xin tự viết một bài biểu dân lên triều đình.
    Lưu Bị đứng ra ngoài chiếu lạy hai lạy nói rằng:
    - Bị tuy là dòng dõi nhà Hán, nhưng công nhỏ, đức mỏng, làm một chức tướng ở Bình Nguyên còn sợ không nổi, nay vì đại nghĩa đến giúp ông, sao ông lại dạy thế? Hay là ông ngờ tôi có bụng tham lam gì chăng? Nếu tôi có bụng thế trời sẽ không thương tôi.
    Khiêm nói rằng:
    - Xin ngài chớ nghĩ thế, ấy là thực tình của tôi.
    Khiêm ba lần nhường, Lưu Bị nhất định không chịu.
    My Chúc thấy hai người, kẻ nhường người chối, dùng dằng mãi, bèn tiến lên thưa rằng:
    - Nay quân giặc ở dưới thành, xin hai ngài hãy bàn kế phá giặc đã. Khi nào đánh tan được giặc rồi, bấy giờ xin các ngài hãy nhường thành cho nhau.
    Lưu Bị nói:
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  5. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Hồi XII
    Cung Tổ Ba Lần Nhượng Từ Châu
    Mạnh Ðức Một Phen Ðánh Lữ Bố.​
    Tào Tháo đang chạy luống cuống, may đâu phía Nam có một toán quân kéo đến. Nguyên là Hạ Hầu Ðôn dẫn quân lại cứu, chẹn ngang đường đánh nhau với Lữ Bố.
    Ðánh nhau đến xâm xẩm tối, một cơn mưa to như trút nước xuống, hai bên đều dẫn quân về.
    Tháo về đến trại, trọng thưởng Ðiển Vi, giao cho làm chức Lĩnh Quân Ðô Úy.
    Lữ Bố về trại, cùng Trần Cung bàn bạc, Cung nói:
    - Trong thành Bộc Dương, có một nhà giàu, họ Ðiền, đầy tớ hàng trăm, ngàn người, có tiếng ở trong quận này. Ta nên khiến nhà ấy mật sai người đưa thư cho Tào Tháo rằng: "Lã Ôn Hầu tàn bạo bất nhân, lòng người rất oán ghét; nay muốn đem quân sang Lê Dương; chỉ còn có Cao Thuận ở trong thành, nên lập tức tiến ngay, ta xin làm nội ứng..." Nếu Tháo đến, dụ cho vào trong thành, rồi bốn mặt phóng hỏa, ngoài đặt quân phục. Tháo tuy có tài ngang trời dọc đất cũng không thoát được.
    Lữ Bố nghe theo, mật dụ họ Ðiền đưa thư cho Tào Tháo.
    Tháo nhân lúc mới thua, còn đương lo lắng, chợt có người vào báo họ Ðiền ở Bộc Dương sai người đưa mật thư đến.
    Thư rằng:
    "Lữ Bố đi sang Lê Dương, trong thành bỏ không. Xin ngài đến ngay, tôi nguyện làm nội ứng. Trên thành cắm lá cờ trắng, viết to một chữ "nghĩa" làm mật hiệu."
    Tào Tháo cả mừng nói rằng:
    - Trời cho ta Bộc Dương rồi!
    Bèn trọng thưởng cho người đưa thư, rồi lập tức thu xếp khởi binh.
    Lưu Hoa nói rằng:
    - Lữ Bố tuy vô mưu, nhưng có Trần Cung nhiều mẹo lắm. Tôi chỉ sợ trong việc này có phần lừa dối; ta phải phòng trước. Minh Công muốn đi thì nên chia quân ra làm ba đội. Hai đội phục ở ngoài thành để tiếp ứng, một đội vào thành, như thế mới được.
    Tháo nghe lời chia quân ra làm ba đội, đến thành Bộc Dương. Tháo đi trước nghe ngóng, trông thấy trên mặt thành cờ cắm đặc cả, trên góc cửa tây có một lá cờ trắng có chữ Nghĩa, trong bụng đã mừng thầm.
    Giờ ngọ hôm ấy, hai tướng trong thành kéo quân ra đánh, tiền quân là Hầu Thành, hậu quân là Cao Thuận.
    Tào Tháo sai Ðiển Vi cưỡi ngựa ra, xông thẳng vào đánh Hầu Thành. Thành địch không nổi, quay ngựa chạy vào. Vi đuổi xấn đến tận bên cầu hào. Cao Thuận chống không được cũng lui binh vào trong thành.
    Trong khi ấy có người trong thành, thừa cơ chạy ra ngoài, đến ra mắt Tào Tháo nói là người họ Ðiền, đưa trình mật thư, trong thư hẹn rằng:
    "Ðêm nay, hồi canh một, trên thành khua chiêng làm hiệu thì tướng quân tiến binh vào. Tôi làm nội ứng, dâng thành."
    Lý Ðiển can rằng:
    - Chúa công nên đứng ở ngoài thành, để chúng tôi vào.
    Tháo nói to rằng:
    - Ta không đi thì ai chịu xông lên trước?
    Nói rồi tự lĩnh binh xông thẳng vào. Bấy giờ mới đầu canh một, trăng chưa lên, chỉ nghe thấy trên cửa tây có tiếng tù và, rồi lại có tiếng reo. Trên cửa lửa đốt sáng rực; cửa thành mở to; cầu treo bỏ xuống.
    Tào Tháo tế ngựa lên trước, đi thẳng đến tận nha thự, trên đường chẳng thấy một người nào cả. Tháo biết là mắc mưu, vội vàng quay ngựa trở lại hô quân lui ra.
    Lúc ấy trong châu nha có một tiếng pháo nổ, bốn cửa thành lửa cháy rực trời; trống đánh vanh lừng, người reo rầm rĩ, như sóng cồn bể réo. Mé Ðông, Trương Liêu trổ ra, mé Tây Tang Bá chạy lại, hai bên đánh dồn vào. Tháo chạy ra cửa Bắc, lại bị Hách Manh, Tào Tinh đánh cho một trận. Tháo chạy ra cửa Nam, lại bị Cao Thuận, Hầu Thành chẹn đánh, may có Ðiển Vi trợn mắt nghiến răng, xông vào đánh cứu. Cao Thuận, Hầu Thành phải chạy ra ngoài thành. Ðiển Vi đuổi ra đến cầu treo, ngoảnh lại không thấy Tào Tháo.
    Vi lại đánh vào trong thành, đến cửa gặp Lý Ðiển, Vi hỏi:
    - Chúa công đâu?
    Ðiển nói:
    - Ta cũng tìm không thấy.
    Vi bảo Ðiển:
    - Ngươi ra ngoài thúc quân ứng cứu, ta vào tìm chúa công.
    Lý Ðiển đi ra, Ðiển Vi vào thành, tìm mãi không thấy, lại đánh trở ra, ra khỏi bờ hào gặp Nhạc Tiến. Tiến hỏi:
    - Chúa công đâu?
    Vi nói:
    - Tôi vào ra hai lần rồi, tìm chúa công mãi không thấy.
    Tiến nói:
    - Hai chúng ta phải cùng đánh vào để cứu chúa công.
    Hai người cùng trở vào, đến bên thành, thì hỏa pháo trên thành rơi xuống ngựa, Nhạc Tiến không sao vào được. Ðiển Vi xông pha khói lửa, lại vào thành đi tìm Tào Tháo.
    Tào Tháo nhìn thấy Ðiển Vi đánh đến tìm mình nhưng Tháo bị bốn mặt quân mã chẹn chung quanh nên không tìm được đường cửa Nam, đành phải chạy về cửa Bắc, thế nào gặp ngay Lữ Bố, nhưng trong bóng lửa nhấp nhoáng, Bố không biết là ai.
    Lữ Bố cầm kích tế ngựa lại. Tháo lấy tay che mặt ra roi tế ngựa đi thẳng. Lữ Bố ở đằng sau xấn ngựa lên, cầm ngọn kích gõ vào mũ Tào Tháo hỏi rằng:
    - Tào Tháo ở đâu?
    Tháo trỏ tay nói rằng:
    - Người cưỡi ngựa vàng ở đằng trước kia.
    Bố tế ngựa đuổi theo người đằng trước. Tào Tháo quay ngựa lại chạy ra cửa Ðông, may gặp ngay Ðiển Vi.
    Vi hộ vệ Tháo, mở một đường máu ra được đến cửa thành.
    Chung quanh thành lửa cháy ngùn ngụt, cỏ rác chồng chất khắp cả, chỗ nào cũng có lửa.
    Ðiển Vi cầm kích gạt lửa ra hai bên, tế ngựa xông vào khói lửa ra trước. Tháo cũng theo sau ra được. Vừa đến cửa thành, có một cái xà cháy trên nhà rơi vào chân ngựa của Tào Tháo, ngựa ngã gục xuống. Tháo lấy tay đẩy cái xà ra, lửa bén vào cả cánh tay và đầu tóc. Ðiển Vi quay ngựa lại cứu. Vừa may Hạ Hầu Uyên cũng ở đâu đến.
    Hai người cứu được Tháo dậy, xông qua lửa chạy ra. Tháo cưỡi ngựa của Uyên, Vi đánh mở đường để chạy.
    Ðánh nhau mãi đến sáng, Tháo mới về được trại.
    Các tướng vào lạy hỏi thăm, Tháo ngoảnh mặt lên cười nói rằng:
    - Ta lầm mắc phải kế thất phu, thề rằng thù này thế nào cũng báo được.
    Quách Gia nói:
    - Có kế gì nên làm ngay!
    Tháo nói:
    - Nay nên nhân kế của hắn mà làm kế của mình: ta nói phao lên rằng ta bị lửa cháy chết bỏng, Bố tất dẫn quân lại đánh. Ta phục binh ở trong núi Mã Lăng, đợi hắn đến nửa chừng, đổ ra mà đánh thì quyết bắt được Lữ Bố.
    Quách Gia nói:
    - Thực là một kế hay!
    Liền sai quân sĩ phát tang, để trở phao tin đi rằng Tào Tháo đã chết.
    Có người đến Bộc Dương báo với Lữ Bố rằng:
    - Tháo bị lửa cháy bỏng cả chân tay, về đến trại thì chết.
    Lữ Bố lập tức điểm quân mã, kéo đến núi La Lăng. Quân đi gần đến trại Tào, một tiếng trống nổi lên, phục binh bốn mặt ồ ra. Lữ Bố cố đánh, một sống một chết, mới thoát được, tổn hại mất người quân mã, chạy về Bộc Dương giữ vững không dám ra nữa.
    Năm nay có một thứ sâu, gọi là sâu hoàng ăn hại lúa má. - vùng Quan Ðông (Trường An) mỗi hộc thóc giá năm mươi quan. Dân chúng đói quá phải ăn thịt lẫn nhau.
    Tào Tháo nhân hết lương, dẫn quân về đóng ở Nhân Thành. Lữ Bố cùng đem quân về đóng ở Sơn Dương. Vì vậy hai bên cùng tạm bãi binh.
    Bấy giờ Ðào Khiêm ở Từ Châu đã sáu mươi ba tuổi, chợt bị bệnh, bệnh mỗi ngày một nặng, bèn mời My Chúc, Trần Ðăng đến bàn việc. Chúc nói:
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  6. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    - Quân Tào Tháo bỏ Từ Châu đi, cũng chỉ vì Lữ Bố cướp Duyện Châu mà thôi. Năm nay hắn bãi binh cũng là vì mất mùa. Chắc rằng sang xuân thế nào hắn cũng đến. Phủ quân đã hai lần nhường chức cho Lưu Huyền Ðức, bấy giờ phủ quân còn khỏe cho nên Huyền Ðức nhất định không chịu nhận. Nay bệnh phủ quân đã nặng, nên lại cho mời Huyền Ðức sang mà nhường chức một lần nữa, lần này Huyền Ðức chắc không từ chối.
    Khiêm mừng lắm, sai người đi mời Lưu Bị lại bàn việc quân.
    Lưu Bị đem Quan Vũ, Trương Phi và vài mươi tên kỵ mã đến Từ Châu. Ðào Khiêm cho mời vào chỗ nằm, Lưu Bị hỏi thăm xong. Khiêm nói:
    - Tôi mời ông đến đây không phải có việc gì đâu, chỉ có một việc: tôi bây giờ bệnh đã nguy rồi, không biết sớm tối chết lúc nào. Vậy xin minh công thương lấy thành trì nhà Hán, nhận lấy bài ấn Từ Châu này, thì tôi chết mới nhắm được mắt.
    Lưu Bị hỏi:
    - Ông có hai con, sao không truyền cho, lại gọi tôi?
    Khiêm nói:
    - Tôi có hai thằng con, thằng lớn tên Thương, thằng bé tên Ung, hai đứa cùng hèn kém lắm, không sao kham nổi được việc nước. Tôi một mai nhắm mắt lại, cũng trăm nhờ minh công dạy bảo chúng nó, không nên cho chúng nó coi đến việc châu.
    Lưu Bị nói:
    - Một mình tôi đảm đương sao nổi việc to lớn ấy!
    Khiêm thưa:
    - Tôi xin cử một người để giúp ông, người ở Bắc Hải, họ Tôn, tên Càn, tự là Công Hựu. Ông nên dùng người ấy làm tùng sự.
    Khiêm lại gọi My Chúc bảo rằng:
    - Lưu Công là hào kiệt đời nay, ngươi nên thờ cho khéo nhé!
    Huyền Ðức vẫn còn từ chối...
    Lúc ấy Ðào Khiêm lấy tay trỏ vào bụng rồi tắt thở.
    Các quan làm lễ điếu viếng xong rồi, liền đem bài ấn giao cho Lưu Bị, Lưu Bị nhất định không nhận.
    Hôm sau cả dân châu kéo vào đầy phủ, van khóc nói rằng:
    - Lưu sứ quân bằng không chịu nhận việc quận này thì dân chúng tôi không sao sống yên được.
    Quan, Trương hai người cùng khuyên hai ba lần, Lưu Bị mới chịu quyền lĩnh công việc Từ Châu; dùng Tôn Càn, My Chúc làm phụ tá; Trần Ðang làm mạc quan; đem hết quân mã ở Tiểu Bái vào thành, treo bảng khuyên dân yên nghiệp, rồi sắm sửa việc tang, Lưu Bị và quan quân lớn nhỏ, đều để trở. Tế lễ linh đình xong, an táng Ðào Khiêm trên bãi cao ở bên Hoàng Hà, rồi đem tờ di biểu của Ðào Khiêm dâng lên triều đình.
    Tào Tháo ở Nhân Thành, được tin Ðào Khiêm đã chết và Lưu Bị lĩnh chức mục Từ Châu, giận lắm nói rằng:
    - Thù ta chưa báo xong! Lưu Bị nửa mũi tên không tốn, ngồi yên mà được Từ Châu. Phen này ta quyết trước giết Lưu Bị, sau vằm thây Ðào Khiêm để rữa oán cho thân phụ ta!
    Lập tức truyền lệnh cất quân sang đánh Từ Châu. Tuân Úc lên can rằng:
    - Xưa nay Cao Tổ giữ ở Quan Trung, vua Quang Vũ giữ ở Hà Nội, đều là được sâu rễ bền gốc; tiến lên thì đánh được giặc, lui về thì giữ được thành, cho nên tuy có lúc nguy khốn, nhưng về sau cũng vẫn làm nổi được nghiệp lớn. Minh Công lúc đầu vốn khởi sự ở Duyện Châu, mà đất Hà, đất Tế lại là đất hiểm trong thiên hạ và cũng là Quan Trung, Hà Nội ngày xưa, nay nhược bằng Minh Công sang lấy Từ Châu, để binh ở đây thì Lữ Bố lại thừa cơ đến cướp, thế là bỏ mất Duyện Châu. Nếu Từ Châu lại không lấy được, Minh Công sẽ đi đâu? Nay Ðào Khiêm tuy chết, nhưng đã có Lưu Bị giữ. Dân Từ Châu đã quy phục Lưu Bị lắm, tất nhiên cố sức giúp Lưu Bị. Minh Công bỏ Duyện Châu để sang lấy Từ Châu, thì khác nào bỏ cái lớn đi tìm cái nhỏ, bỏ chỗ gốc đi tìm chỗ ngọn, đem sự yên mà đổi lấy sự nguy. Xin Minh Công phải nghĩ cho chín đã!
    Tháo nói:
    - Năm nay mất mùa, thiếu lương ăn, quân sĩ cứ đóng ở đây cũng không xong.
    Tuân Úc nói:
    - Không bằng ta kéo sang mặt đông, lấy đất Trần cho quân sang ăn ở đó. Vả lại dư đảng Khăn Vàng là Hà Nghi, Hoàng Thiệu ở Nhữ Nam và Dĩnh Xuyên, cướp bóc châu quận, vàng lụa, lương thực có nhiều. Những giặc cỏ ấy phá dễ như chơi. Phá chúng nó, lấy lương thực để nuôi quân sĩ, như thế triều đình cũng mừng, dân gian cũng hả. Chính là một việc làm thuận lòng trời đó!
    Tháo mừng lắm, liền cho Hạ Hầu Ðôn, Tào Nhân ở lại giữ Nhân Thành, mình thì đem quân sang lấy đất Trần, Nhữ Nam, và Dĩnh Xuyên.
    Ðám dư đảng Khăn Vàng là Hà Nghi và Hoàng Thiệu thấy quân Tào kéo đến, đem binh ra đánh. Hai bên giáp trận nhau ở núi Dương Sơn.
    Quân giặc tuy nhiều nhưng toàn là những đồ lăng nhăng, hỗn độn không thành đội ngũ.
    Tháo sai lấy cung mạnh, nỏ cứng bắn sang. Ðiển Vi cưỡi ngựa ra. Hà Nghi sai phó nguyên soái ra đánh, đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Vi đâm chết lăn xuống ngựa. Tào Tháo thừa thế dẫn quân xấn qua núi Dương Sơn đóng trại.
    Hôm sau Hoàng Thiệu tự dẫn quân lại. Bày trận xong sai một tướng đi bộ ra, đầu đội khăn vàng, mình mặc áo xanh, tay cầm côn sắt, thét to lên rằng:
    - Ta là Tiệt Thiên Dạ Sao Hà Man, ai dám ra đây đấu với ta nào?
    Tào Hồng quát to một tiếng, phi mình từ trên ngựa nhảy xuống đất, vác đao đi bộ ra.
    Hai người ở trước trận đánh nhau ba bốn mươi hiệp, chưa phân thắng bại. Hồng giả cách thua chạy, Hà Man xấn vào. Hồng dùng kế đà đao, quay mình lại chém trúng Hà Man; Hồng lại bồi thêm một nhát nữa, Hà Man chết.
    Lý Ðiển thấy thế phi ngựa thẳng vào trận giặc. Tướng giặc Hoàng Thiệu chưa kịp đề phòng, bị Ðiển bắt sống.
    Quân Tào đánh giết quân giặc, cướp được vô số tiền bạc, lương thực.
    Còn Hà Nghi thế cô, dẫn vài trăm quân kỵ chạy về thung lũng Cát Pha.
    Lúc đang đi đường, chợt gặp một toán quân ở trong núi kéo ra, một tráng sĩ đứng đầu, mình cao tám thước, lưng to mười chét tay, cầm thanh đao lớn ra chẹn đường. Nghi vác đao đánh, chỉ mới được một hiệp, đã bị tráng sĩ ấy bắt sống. Quân sĩ luống cuống đều xuống ngựa chịu trói. Tráng sĩ xua cả vào thung lũng Cát Pha.
    Ðiển Vi truy kích Hà Nghi tới Cát Pha, thì có một tráng sĩ dẫn quân ra chặn lại. Vi hỏi:
    - Ngươi cũng là giặc Khăn Vàng à?
    Tráng sĩ đáp:
    - Lũ Khăn Vàng có vài trăm kỵ mã, ta đã bắt nhốt cả trong thung lũng này.
    Vi hỏi:
    - Sao không đem ra nộp?
    Tráng sĩ nói:
    - Hễ ngươi địch được vớ thanh đao trong tay này thì ta đem chúng nó ra nộp.
    Vi giận lắm, vác đôi kích lại đánh. Hai người đánh nhau từ giờ thìn đến giờ ngọ, không ai thua ai được, hai bên cùng tạm nghỉ. Ðược một lát, tráng sĩ lại ra thách đánh. Ðiển Vi cũng ra, đánh nhau đến mãi chiều tối. Hai người cùng mỏi, hai người lại phải tạm nghỉ lần nữa. Quân thủ hạ Ðiển Vi chạy về báo với Tào Tháo.
    Tháo thất kinh, vội vàng dẫn các tướng lới xem.
    Hôm sau tráng sĩ lại ra thách đánh nhau.
    Tháo trông thấy người ấy oai phong lẫm liệt, trong bụng mừng thầm, dặn Ðiển Vi rằng:
    - Nay ngươi hãy giả cách thua đi!
    Vi vâng lời ra đánh, được ba mươi hiệp, Vi giả cách thua chạy về trận, tráng sĩ xấn đến, trong cửa trận cung nỏ bắn ra tua tủa. Tráng sĩ phải quay trở về.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  7. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Tháo kịp dẫn quân lùi lại năm dặm, mật sai người đào sẵn một hầm hố, phục sẵn câu thủ.
    Hôm sau lại sai Ðiển Vi dẫn hơn trăm quân kỵ ra.
    Tráng sĩ cười mà nói rằng:
    - Tướng đã thua, sao lại còn dám đến đánh?
    Nói rồi liền phóng ngựa ra đánh.
    Ðiển Vi đánh được vài hiệp lại quay ngựa chạy. Tráng sĩ cố sức đuổi theo, không ngờ cả người lẫn ngựa cùng sa xuống hố cả, bị quân phục ra trói lại đem về nộp Tào Tháo.
    Tháo vội vàng xuống trướng, mắng đuổi quân sĩ, tự cởi trói cho tráng sĩ, sai người lấy áo mặc cho, mời ngồi tử tế, rồi hỏi tên họ làng mạc ở đâu, tráng sĩ nói:
    - Tôi là người ở Tiêu Huyện, nước Tiêu, họ Hứa tên Chử, tự là Trọng Khang. Nguyên trước gặp buổi loạn lạc, tụ cả tôn tộc vài trăm người, đắp một cái lũy ở trong thung lũng này để chống cự. Một bữa có giặc đến, tôi sai người nhà lấy đá vụn để sẵn, rồi tôi cầm đá ném ra, chẳng sai hòn nào. Giặc thấy vậy phải chịu lui. Lại một hôm nữa giặc đến, trong thung lũng tôi không có lương, phải hòa với giặc xin đem trâu cày đổi cho chúng, để lấy gạo. Lúc gạo giặc đã đưa đến rồi, giặc dắt trâu ra ngoài cửa thung lũng thì trâu đều chạy ngược trở lại, tôi lấy tay nắm lấy hai đuôi trâu kéo lại đi giật lùi được hơn một trăm bước. Giặc thấy thế đều thất kinh, không dám lấy trâu nữa. Bởi thế tôi mới giữ được ở đây yên ổn, không việc gì.
    Tháo nói:
    - Ta biết ngươi đã lâu. Nay ngươi có chịu hàng không?
    Chử nói:
    - Bụng tôi muốn thế đã lâu rồi.
    Chử về dẫn cả họ hàng vài trăm người ra hàng Tào Tháo. Tháo cho làm Ịô Úy, thưởng rất hậu rồi đem Hà Nghi, Hoàng Thiệu ra chém.
    Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên, từ ấy đều bình định cả.
    Tháo rút quân về.
    Tào Nhân, Hạ Hầu Ðôn ra tiếp kiến, nói rằng:
    - Mấy hôm nay quân đi dò thám về báo rằng ở Duyện Châu, quân sĩ Tiết Lan, Lý Phong ra ngoài đi ăn cướp, thành bỏ trống không, chúa công đem quân vừa thắng trận về mà đánh, chỉ một trận là hạ được thành.
    Tháo liền đem quân đi đường tắt đến Duyện Châu.
    Tiết Lan, Lý Phong không ngờ có quân đến, chưa kịp phòng bị, nhưng cũng phải đem quân ra ngoài thành để đánh.
    Hứa Chử nói:
    - Tôi xin bắt hai đứa này để làm lễ ra mắt.
    Tháo mừng sai Chử ra trận. Lý Phong vác họa kích lại đánh. Hai ngựa giao nhau mới được hai hiệp, Chử chém Phong chết lăn xuống dưới ngựa.
    Tiết Lan vội vàng chạy về. Lý Ðiển chẹn ngang bên cầu. Lan không dám vào thành, dẫn quân kéo về Cự Giã, đang đi gặp ngay Lã Kiền tế ngựa lại đuổi bắn một phát tên, Lan chết ngã quay xuống đất. Quân Tiết Lan, Lý Phong vỡ tan cả. Tháo lấy được Duyện Châu.
    Trình Dục xin tiến binh lấy lại nốt Bộc Dương.
    Tháo sai Hứa Chử, Ðiển Vi làm tiên phong; Hạ Hầu Ðôn, Hạ Hầu Uyên làm tả quân; Lý Ðiển, Nhạc Tiến làm hữu quân; Tào Tháo tự lĩnh trung quân; Vu Cấm, Lã Kiền làm hậu quân.
    Quân Tào đến Bộc Dương, Lữ Bố muốn ra đánh, Trần Cung can rằng:
    - Không nên đánh vội. Ðợi các tướng đến đây đầy đủ đã, rồi hãy hay.
    Bố nói:
    - Ta có sợ ai!
    Không nghe lời Trần Cung, Bố cứ đem quân ra trận, cầm ngang ngọn kích thét mắng.
    Hứa Chử ra địch, hai bên đánh nhau hai mươi hiệp chưa bên nào được thua. Tháo nói:
    - Một người không thắng nổi Lữ Bố được.
    Nói rồi sai Ðiển Vi ra giúp Hứa Chử đánh Lữ Bố.
    Hai tướng giáp lại đánh, bên tả thì Ðôn, Uyên, bên hữu thì Ðiển, Tiến, cùng kéo ra, sáu tướng quây quần lại đánh một mình Lữ Bố. Bố chống đỡ không xuể, phải quay ngựa chạy về thành.
    Họ Ðiền ở trên thành thấy Bố thua chạy về, kíp sai người ra kéo cầu lên.
    Bố gọi to:
    - Mở cửa!
    Ðiền nói:
    - Ta đã hàng Tào tướng quân rồi!
    Bố chửi to một hồi rồi đem quân sang Ðịnh Ðào. Trần Cung vội vàng bảo vệ vợ con Lữ Bố mở cửa đông chạy ra ngoài thành.
    Tháo lấy được Bộc Dương, tha cho họ Ðiền các lỗi khi trước.
    Lưu Hoa bàn với Tào Tháo rằng:
    - Lữ Bố là một con hổ dữ. Nay hắn đang cùng khốn không nên khoan dung cho hắn một chút nào.
    Tháo bèn sai Hoa giữ Bộc Dương, tự mình dẫn quân đến Ðịnh Ðào. Bấy giờ Lữ Bố cùng Trương Mạc, Trương Siêu ở trong thành, còn Cao Thuận, Trương Liêu, Tang Bá, Hầu Thành, đi tuần để kiếm lương chưa về.
    Quân Tào Táo đến Ðịnh Ðào, đợi mấy ngày Lữ Bố không chịu ra đánh, bèn rút quân lui bốn mươi dặm hạ trại. Nhân bấy giờ lúa mạch ở Tế Quận đã chín. Tháo sai quân ra gặt về để ăn.
    Quân đi thám về báo với Lữ Bố. Bố đem quân lại, đi đến gần trại Tào Tháo, trông về phía tả thấy rừng rậm um tùm, sợ có quân phục lại phải trở về.
    Tháo biết quân Bố quay trở về, bảo với chư tướng rằng:
    - Lữ Bố nghi trong rừng có quân phục. Ta nên cắm rõ nhiều tinh kỳ để đánh lừa hắn. Mé tây trại có một dải đường đê không có nước, ta nên đem tinh binh ra phục ở đó. Ngày mai Lữ Bố tất đến đốt rừng, quân phục trở ra đánh tập hậu chắc bắt được Lữ Bố.
    Tháo nói xong làm ngay. Trong trại Tháo chỉ để độ năm mươi người đánh trống và bắt bọn trai gái bắt được ở dân thôn hò reo, còn bao nhiêu tinh binh phục cả ở sau đê.
    Quả nhiên Lữ Bố nghi trong rừng có quân phục, hấp tấp về kể chuyện với Trần Cung. Cung nói:
    - Tào Tháo có nhiều quỉ kế, không nên khinh chiến đâu.
    Bố nói:
    - Ta dùng mẹo hỏa công, chắc phá được quân phục.
    Liền sai Trần Cung, Cao Thuận, giữ thành rồi hôm sau kéo đại quân vào rừng đánh giặc. Ði xa xa đã trông thấy trong rừng có cờ, kéo quân đi xấn lên, bốn mặt sai phóng hỏa. Rừng cháy ngùn ngụt nhưng chẳng thấy người nào; muốn kéo quân về trại Tào Tháo, thì nghe thấy tiếng trống đánh rầm rỉ cả lên. Trong bụng Lữ Bố còn đương nghi nghi hoặc hoặc, thì chợt ở sau trại có toán quân kéo ra. Bố tế ngựa xấn lại. Bỗng nghe thấy một tiếng pháo nổ, rồi quân phục ở sau đê trổ ra.
    Hạ Hầu Ðôn, Hạ Hầu Uyên, Hứa Chử, Ðiển Vi, Lý Ðiển, Nhạc Tiến, tế ngựa kéo ồ cả ra.
    Lữ Bố liệu không địch nổi, vội vàng chạy trốn. Tướng Bố là Thành Liêm bị Nhạc Tiến bắn một mũi tên chết. Quân Bố ba phần chết mất hai.
    Quân thua có đứa chạy được về báo với Trần Cung. Cung nói:
    - Thành trống không, khó giữ, chi bằng hãy bỏ chạy.
    Liền cùng với Cao Thuận đưa vợ con Lữ Bố bỏ Ðịnh Ðào mà đi.
    Quân Tào Tháo thừa thắng đánh bừa vào thành, đánh đến đâu được đến đó, dễ như chẻ tre.
    Trương Siêu tự vẫn chết, Trương Mạc chạy sang với Viên Thuật.
    Một sứ Sơn Ðông về tay Tào Tháo cả.
    Tháo phủ dụ dân chúng sửa sang thành quách lại.
    Lữ Bố đang khi chạy trốn, gặp ngay các tướng đi kiếm lương đã về. Trần Cung cũng vừa tìm đến nơi.
    Bố nói:
    - Quân ta dù ít, còn đủ phá được Tào Tháo.
    Liền lại kéo quân trở lại.
    Thế thực là:
    Ðược thua, thua được là thường
    Quay binh đánh lại ai lường được đâu!​
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  8. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Hồi XIII
    Lý Thôi, Quách Dĩ Một Trận Giao Tranh
    Dương Phụng, Ðổng Thừa Hai Lần Cứu Giá.
    Tào Tháo đánh phá được Lữ Bố ở Ðịnh Ðào. Bố thu nhặt tàn quân mã ở bờ bể, cùng các tướng định quay trở lại đánh nhau với Tào Tháo.
    Trần Cung can rằng:
    - Nay Tào Tháo binh thế lớn, mình chưa tranh dành được với hắn. Hãy nên tìm xứ nào yên thân, về sau sẽ tính cũng không muộn.
    Bố hỏi:
    - Ta lại muốn sang với Viên Thiệu, nên không?
    Cung nói:
    - Hãy nên sai người sang Ký Châu, dò xem tình ý ra sao, rồi hãy đi.
    Bố nghe lời.
    Bấy giờ Viên Thiệu ở Ký Châu nghe thấy Tào Tháo đánh nhau với Lữ Bố. Mưu sĩ của Thiệu là Thẩm Phối nói rằng:
    - Lữ Bố là một giống hổ sói. Nếu hắn lấy được Duyện Châu, tất sang chiếm cả Ký Châu. Bất nhược ta giúp Tào Tháo đánh Lữ Bố, về sau khỏi lo.
    Thiệu sai Nhan Lương đem năm vạn quân sang giúp Tào Tháo.
    Quân do thám nghe được tin, về báo với Lữ Bố. Bố sợ lắm, bàn với Trần Cung. Cung nói:
    - Tôi nghe ông Lưu Bị mới lĩnh đất Từ Châu, ta nên sang nhờ ông ấy.
    Bố nghe lời Cung, sang Từ Châu.
    Có người báo với Lưu Bị, Bị nói:
    - Lữ Bố là người anh dũng đời nay, ta nên ra đón.
    My Chúc nói:
    - Lữ Bố là giống hổ lang, không nên chứa. Chứa hắn, tất có khi hắn hại người.
    Huyền Ðức nói:
    - Trước kia nếu không có Lữ Bố đánh ở Duyện Châu, thì Từ Châu sao thoát được nạn. Nay hắn thế cùng mà về với ta, thì còn có bụng gì khác nữa.
    Trương Phi nói:
    - Ðại huynh bụng rất tốt. Nhưng phải đề phòng mới được.
    Lưu Bị lĩnh quân ra khỏi thành ba mươi dặm để đón Lữ Bố. Hai người cùng sóng đều ngựa đi vào thành, vào đến tận châu nha. Chào mừng xong, mọi người an tọa. Bố nói:
    - Từ khi Vương tư đồ giết Ðổng Trác, về sau gặp cuộc biến loạn của bọn Thôi, Dĩ, tôi phải long đong ở xứ Quan Ðông. Chư hầu nhiều người không dung, gần đây lại gặp Tào Tháo bất nhân, xâm chiếm Từ Châu. May nhờ có sứ quân cố sức cứu Ðào Cung Tổ, tôi bấy giờ cũng đánh úp được Duyện Châu, mới chia được thế của Tào Tháo; không ngờ tôi lại mắc phải mưu gian, hao quân tổn tướng. Nay xin về với sứ quân, cùng toan việc lớn. Chưa biết ý sứ quân nghĩ làm sao?
    Huyền Ðức nói:
    - Ðào sứ quân mới mất, không có ai quản lĩnh Từ Châu, nên sai tôi tạm quyền cai quản. Nay may có tướng quân đến đây, tôi xin nhường lại.
    Nói rồi liền đem bài ấn giao cho Lữ Bố. Bố chực giơ tay đỡ lấy, lại thấy sau lưng Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, hai người đều có vẻ mặt tức giận cả. Bố giả cách cười nói rằng:
    - Tôi là một đứa dũng phu, làm thế nào được châu mục.
    Lưu Bị lại xin nhường.
    Trần Cung nói:
    - Khách mạnh, không lấn được chủ. Xin sứ quân đừng nghi.
    Lưu Bị mới thôi, sai mở tiệc yến khoản đãi, rồi sai dọn dẹp một nơi tươm tất để Lữ Bố nghỉ ngơi.
    Hôm sau Lữ Bố làm tiệc mời lại Huyền Ðức. Lưu, Quan, Trương cùng đi.
    Uống rượu độ nửa chừng, Lữ Bố mời Huyền Ðức vào nhà trong. Quan, Trương cùng theo vào. Lữ Bố sai vợ con ra lạy. Huyền Ðức hai ba lần khiêm tốn không dám nhận.
    Lữ Bố nói:
    - Hiền đệ tất phải khiêm nhường.
    Trương Phi nghe thấy câu ấy, trợn mắt thét mắng:
    - Anh ta là cành vàng lá ngọc. Ngươi là đứa nào dám gọi anh ta là hiền đệ? Lại đây, ta đánh với ngươi ba trăm hiệp.
    Lưu Bị vội vàng mắng át đi. Quan Công khuyên Trương Phi đi ra, rồi lấy lời ôn tồn nói với Lữ Bố rằng:
    - Em tôi uống rượu say nói càn, xin anh đừng chấp.
    Bố lặng yên không nói.
    Một hồi, tiệc tan. Lữ Bố tiễn Lưu Bị ra tận cửa, Trương Phi cưỡi ngựa đi ngang ngoài cửa thét to:
    - Lữ Bố, ta đánh với ngươi ba trăm hiệp.
    Lưu Bị vội vàng sai Quan Công ra bảo Trương Phi phải thôi đi.
    Ðến hôm sau, Lữ Bố đến từ giã Lưu Bị nói rằng:
    - Sứ quân không nỡ bỏ tôi, nhưng chỉ sợ lệnh đệ không dung. Vậy tôi xin đi nơi khác.
    Lưu Bị nói:
    - Nếu tướng quân đi thì tội tôi chẳng hóa ra to lắm ru. Em tôi hắn hỗn với tướng quân, hôm khác tôi xin bắt hắn đến xin lỗi. Gần đây có ấp Tiểu Bái, khi trước tôi cũng đóng đồn ở đó. Xin tướng quân chớ nề hẹp hòi tạm đến nghỉ ngựa. Lương thực và quân nhu, tôi xin cung ứng cả.
    Lữ Bố tạ ơn Lưu Bị, rồi dẫn quân ra đóng ở Tiễu Bái.
    Lưu Bị từ bữa ấy chê trách Trương Phi mãi.
    Tào Tháo từ khi bình được Sơn Ðông, dân biểu tâu về triều đình. Triều đình thăng chức cho Tháo làm Kiến Ðức tướng quân, phong làm Phi đình hầu.
    Lúc bấy giờ Lý Thôi tự làm Đại Tư Mã. Quách Dĩ tự làm Đại Tướng Quân, hoành hành không còn vị nể ai cả. Triều đình không ai dám mở miệng.
    Thái Úy là Dương Bưu, Đại Tự Nông là Chu Tuấn mật tâu với vua Hiến Ðế rằng:
    - Nay Tào Tháo cầm hơn 20 vạn quân, mưu thần, dũng tướng trong tay có vài mươi người. Nếu được người ấy để phù trì xã tắc, tiêu trừ đứa gian phi, thì thiên hạ may lắm!
    Hiến Ðế khóc nói rằng:
    - Trẫm bị hai đứa giặc ấy khinh nhờn đã lâu. Nếu giết được thì hay lắm.
    Bưu tâu rằng:
    - Thần có một mẹo, trước làm cho hai đứa tự tàn hại lẫn nhau, rồi sau mới mời Tào Tháo đem binh vào giết, quét sạch lũ giặc để yên triều đình.
    Hiến Ðế hỏi:
    - Kế ấy là kế gì?
    Bưu tâu:
    - Thần nghe vợ Quách Dĩ rất hay ghen, nay sai người đến xúi vợ hắn, dùng kế phản gián, hai đứa giặc tất giết lẫn nhau.
    Vua liền viết tờ mật chiếu, đưa cho Dương Bưu, sai Bưu thi hành kế ấy.
    Bưu lập tức sai vợ, lấy cớ có việc đến phủ Quách Dĩ, nhân dịp bảo vợ Dĩ rằng:
    - Tôi nghe Quách tướng quân thường cùng với phu nhân Lý Tư Mã có tư tình với nhau, tình thân mật lắm. Nếu quan Tư Mã biết chuyện tất bị tai vạ. Phu nhân nên giữ gìn đừng cho đi lại nữa là hơn.
    Vợ Dĩ đem lòng ngờ ngay chồng, nói:
    - Thảo nào! Mấy đêm nay nhà tôi không về. Chẳng hóa ra đi làm việc vô sỉ ấy. Giá phu nhân không nói thì tôi không biết, để từ nay tôi xin giữ gìn.
    Vợ Bưu từ giã về. Vợ Dĩ ra tiễn, hai ba lần tạ ơn rồi mới trở vào.
    Ðược vài ngày, Quách Dĩ lại sắp sang nhà Lý Thôi ăn yến. Vợ ngại, không cho đi nói rằng:
    - Lý Thôi là người bất trắc lắm. Và thời nay hai người anh hùng không chắc đứng lâu được với nhau. Phu quân sang bên ấy, ví dụ trong khi ăn uống, Lý Thôi đánh thuốc độc, thiếp làm thế nào?
    Quách Dĩ nhất định không nghe. Vợ hai ba lần ngăn can. Buổi chiều Lý Thôi sai người đem biếu một mâm rượu. Vợ Dĩ bỏ thuốc độc vào đồ ăn rồi mới bưng vào cho chồng. Dĩ định ăn ngay, vợ nói:
    - Ðồ ăn ở ngoài đưa lại, không nên ăn ngay.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  9. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Nói rồi đem đổ mội ít cho chó ăn thử. Chó ăn chết liền.
    Từ đấy Quách Dĩ có bụng ngờ Lý Thôi.
    Một hôm tan chầu, Lý Thôi lại mời Quách Dĩ về nhà uống rượu. Dĩ cũng đến. Ðến đêm tan tiệc, Dĩ say mới trở về. Ngẫu nhiên đêm hôm ấy đau bụng. Vợ thấy vậy mới nói:
    - Thôi lại ăn phải thuốc độc rồi!
    Nói rồi sai lấy nước phân cho uống. Dĩ uống xong thổ ra hết đồ ăn, thì khỏi đau bụng.
    Dĩ giận lắm, nói rằng:
    - Ta với Lý Thôi cùng toan việc lớn với nhau, nay bỗng dưng muốn hại ta. Ta không liệu trước tất mắc tay hắn.
    Liền sửa sang giáp binh bản bộ mình để đi đánh Lý Thôi. Có người báo với Thôi. Thôi nổi giận nói rằng:
    - Quách Dĩ sao dám thế.
    Thôi cũng đem giáp binh bản bộ lại đánh
    Hai người họp binh vài vạn ở dưới thành Trường An đánh nhau chán rồi, thừa thế cướp bóc của dân.
    Cháu Lý Thôi là Lý Tiêm, dẫn quân đến vây cung điện, rồi lấy hai cỗ xe, một cỗ chở thiên tử, mộc cỗ chở Phục hoàng hậu, rồi sai Giả Hủ, Tả Linh đi giám áp xa giá; còn bao nhiêu phu nhân nội thị đều phải đi bộ cả. Trong khi mọi người kéo ra cửa Hậu Tể, gặp ngay binh Quách Dĩ đến, bắn nhau tua tủa. Cung nhân bị chết vô số. Lý Thôi từ đằng sau đánh lại, Quách Dĩ phải rút lui, xa giá mạo hiểm ra ngoài thành, không ai phân giải điều gì, bị đưa ngay đến dinh Lý Thôi. Quách Dĩ lui binh vào cung bắt hết cung tần thái nữ đem về trại, rồi phóng hỏa đốt cung điện.
    Hôm sau, Quách Dĩ biết Lý Thôi cướp mất thiên tử bèn đem binh đến trước cửa trại đánh nhau.
    Vua và hoàng hậu đều sợ hãi lắm.
    Ðời sau có bài thơ than rằng:
    Từ khi Quang Vũ trung hưng
    Truyền đời trên dưới, mới chừng mười hai.
    Hoàn, Lin, vô đạo nối ngôi,
    Hoạn quan chuyên chính, ra đời đã suy,
    Tam công Hà Tiến ra gì?
    Muốn trừ chuột xã gọi chi gian thần?
    Ðuổi sài rước hổ vào trong,
    Tây Châu giặc Ðổng nổi lòng dâm hung
    Tư Ðồ mưu cậy má hồng
    , Khiến cho Ðổng, Lữ lẫn cùng giết nhau.
    Giặc tan dân đã bớt sầu,
    Biết đâu Lý, Quách ra mầu hung hăng!
    Kinh thành cỏ rậm gai chằng
    Sáu cung đói khát khổ đàng can qua.
    Vận trời đến buổi sút sa
    Anh hùng chia xẻ sơn hà lìa tan
    Vua sau coi đấy nên răn,
    Lọ vàng chớ để cho tan mẻ hoài.
    Sinh linh gan nát óc lầy,
    Máu oan lai láng tràn đầy non sông
    Ta xem sử xót thương lòng,
    Thử ly thơ trước hãi hùng xưa nay
    Bào tang giữ lấy lời này,
    Giươm thần cầm vững vẹn bày kỷ cương.​
    Khi quân Quách Dĩ đến, Lý Thôi ra trại đánh nhau. Quách Dĩ thua rút về. Lý Thôi mới đem xa giá vua và hoàng hậu rời sang My , sai cháu là Lý Tiêm coi giữ, cấm nội sứ, không cho ai vào. Vua tôi ăn uống bữa có bữa không. Thị thần người nào người ấy đói vỡ cả mặt.
    Một bữa vua cho người ra hỏi Lý Thôi lấy năm hộc gạo và năm bộ xương trâu để cho kẻ hầu người hạ ăn.
    Thôi nổi giận mắng rằng:
    - Sớm chiều đã dâng cơm rồi, còn đói gì nữa?
    Rồi lấy những thịt thiu cơm vữa đem cho.
    Hôi quá không ai ăn được vua mới mắng rằng:
    - Nghịch tặc dám khinh ta như thế à!
    Quan Thị Trung là Dương Dỳ kíp tâu rằng:
    - Quân hắn đã tàn bạo đến thế này, xin bệ hạ hãy nên nhịn, không nên trêu tức hắn.
    Vua cúi đầu không nói gì nữa, tay áo cồn gạt hai hàng nước mắt chứa chan. Chợt thấy tả hữu vào báo rằng:
    - Có một đám quân mã, gươm giáo sáng choang, chiêng trống om sòm, lại đây cứu bệ hạ.
    Vua sai ra xem ai, thì là Quách Dĩ, lại càng lo thêm.
    - Ngoài thung lũng tiếng người reo rầm rĩ tức là Lý Thôi dẫn quân đến đánh Quách Dĩ.
    Thôi cầm roi trỏ vào Dĩ mắng rằng:
    - Ta đối đãi với ngươi không bạc bẽo gì, sao ngươi lại rắp tâm hại ta, hở Dĩ?
    Dĩ trả lời:
    - Mày là đứa phản tặc, chẳng giết để làm chi?
    Thôi nói:
    - Ta bảo vệ vua ở đây, sao lại là phản tặc?
    Dĩ nói:
    - Thế là bức hiếp vua, sao gọi là bảo vệ vua?
    Thôi nói:
    - Nói làm chi nhiều, ta với ngươi không dùng quân sĩ, chỉ hai người đánh nhau, người nào thắng thì được đem vua đi.
    Hai người liền đánh nhau ngay ở trước trận.
    Ðánh nhau được mười hiệp, chưa rõ ai được thua, thì thấy Dương Bưu tế ngựa lại gọi to lên rằng:
    - Xin hai tướng quân hãy ngừng tay. Tôi đã mời các quan đến đây để giảng hòa.
    Hai bên ai về trại nấy.
    Dương Bưu và Chu Tuấn hội họp các quan triều thần hơn 60 người, kéo nhau đến trại Quách Dĩ dàn hòa trước. Dĩ bắt các quan giam cả lại. Các quan kêu rằng:
    - Chúng tôi đến đây để bàn điều hay, sao lại đối xử như thế?
    Quách Dĩ nói:
    - Lý Thôi bức hiếp thiên tử, thì ta cũng bức hiếp công khanh, chứ kém gì?
    Dương Bưu nói:
    - Một người hiếp thiên tử, một người hiếp công khanh là ra làm sao?
    Dĩ nổi giận lên, cầm kiếm toan giết Dương Bưu, có quan trung lang tướng là Dương Mật cố can mãi, Dĩ mới tha cho Bưu và Chu Tuấn, còn các quan thì giam cả lại trong trại. Ra ngoài Bưu bảo với Tuấn rằng:
    - Anh em mình làm tôi xã tắc, nay không cứu được chúa, sống ở trên đời cũng là thừa.
    Nói xong hai người ôm lấy nhau khóc, ngất ngã lăn xuống đất.
    Tuấn về nhà lo nghĩ thành bệnh chết.
    Từ bấy giờ Thôi, Dĩ cứ mỗi ngày một lần đánh nhau ròng rã hơn 50 ngày trời, quân chết không biết bao nhiêu mà kể.
    Lý Thôi tính hay ưa tà đạo và thuật yêu quái, thường thường cho bà cốt lên đồng ở trong quân. Giả Hủ can mãi không nghe.
    Quan Thị Trung là Dương Kỳ thấy vậy liền mật tâu với vua rằng:
    - Thần xem Giả Hủ, tuy làm tâm phúc Lý Thôi nhưng thực bụng vẫn chưa từng quên vua. Bệ hạ nên bàn với hắn.
    Ðang nói thì Giả Hủ ở đâu đến. Vua đuổi tả hữu đứng ra xa, rồi khóc bảo Hủ rằng:
    - Ngươi có thương nhà Hán mà cứu lấy trẫm không?
    Hủ phục xuống đất, lạy thưa rằng:
    - Xin bệ hạ chớ nói ra. Bụng thần vốn vẫn muốn thế, thần xin sẽ liệu việc ấy.
    Vua gạt nước mắt tạ Hủ.
    Ðược một chốc, Lý Thôi lại đeo kiếm đi thẳng vào. Mặt vua xám ngắt. Thôi nói với vua rằng:
    - Quách Dĩ là đứa bất nhân, hắn dám giam giữ các công khanh, lại muốn bức hiếp cả bệ hạ, không có tôi, xa giá bị xiêu dạt rồi.
    Vua chắp tay tạ, Thôi mới ra.
    Rồi lại có Hoàng Phủ Lịch vào ra mắt, vua biết Lịch là người nói khéo, lại là người làng Lý Thôi, bèn sai Lịch ra giải hòa hai bên. Lịch vâng chiếu, đến trại Quách Dĩ nói. Dĩ bảo:
    - Hễ Lý Thôi có đưa thiên tử ra thì ta tha các công khanh.
    Lịch lại đến Lý Thôi bảo rằng:
    - Nay thiên tử biết tôi là người Tây Lương, cùng làng với ông, nên sai tôi đến giải hòa cho hai ông. Dĩ phụng chiếu rồi, còn ông thế nào?
    Thôi nói:
    - Ta có công đánh được Lữ Bố, làm phụng chính đã bốn năm nay, công trạng rất nhiều. Thiên hạ ai cũng biết. Quách Dĩ bất quá là một đứa ăn trộm ngựa mà thôi, thế mà hắn dám ăn hiếp công khanh, và chống lại ta. Ta thề phên này phải giết hắn. Ông thử trông xem quân sĩ và kế hoạch của ta, có đánh nổi được tên Quách Dĩ không?
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  10. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Lịch nói:
    - Không nên, ông ơi! Ngày xưa Hậu Nghệ ở xứ Hữu Cùng cậy mình bắn giỏi, không biết lo nghĩ, đến nỗi tuyệt diệt. Vừa mới rồi, Ðổng thái sư cường thịnh bao nhiêu, rồi sau thế nào, mắt ông đã trông thấy rành rành, Lữ Bố đội ơn Ðổng thái sư mà lại giết Ðổng thái sư, chỉ trong giây phút, đầu thái sư treo cửa chợ, xem thế thì cường thịnh có vững chắc gì. Tướng quân mình làm thượng tướng cầm phủ việt, cắp cờ tiết, họ hàng con cháu đều ở ngôi cao; ơn nước không phải không hậu. Quách Dĩ hiếp công khanh, ông hiếp vua, thế thì bên nào nhẹ, bên nào nặng.
    Lý Thôi giận lắm, rút kiếm ra mắng rằng:
    - Thiên tử sai ngươi nổi dậy để làm nhục ta hay sao? Trước hết ta hãy chém đầu ngươi!
    Kỵ Đô Úy là Dương Phụng can rằng:
    - Nay chưa trừ được Quách Dĩ, lại đem giết sứ nhà vua, tôi e Quách Dĩ vịn cớ để khởi binh, chư hầu ai cũng sẽ giúp hắn.
    Giả Hủ cũng cố can, Thôi mới nguôi cơn giận. Hủ đẩy Hoàng Phủ Lịch ra. Lịch kêu to lên rằng:
    - Lý Thôi không phụng chiếu, muốn giết vua để lên ngôi báu.
    Thị trung là Hồ Mặc vội vàng ngăn nói rằng:
    - Ðừng nói câu ấy, sợ sẽ không lợi cho bản thân.
    Lịch mắng rằng:
    - Hồ Mặc! Ngươi cũng là tôi triều đình, sao lại về bè với giặc. Vua nhục thì tôi phải chết. Dù ta bị Lý Thôi giết, là ta trọn đạo làm tôi chứ sao?
    Lịch vừa nói vừa mắng mãi không thôi. Vua thấy vậy vội vàng sai Lịch trở về Tây Lương.
    Quân Lý Thôi quá nửa là người ở Tây Lương, lại được người ở nước Khương giúp đỡ.
    Hoàng Phủ Lịch đến Tây Lương, nói toáng lên rằng:
    - Lý Thôi mưu làm phản, hễ ai theo hắn là giặc và tai họa về sau sẽ không lường được.
    Nhiều người Tây Lương tin lời của Lịch, lòng quân sĩ của Lý Thôi cũng dần dần nao núng. Thôi nghe tin ấy giận lắm, kíp sai hổ bôn là Vương Sương đuổi theo. Sương biết Lịch là người trung nghĩa, không đi đuổi về báo rằng:
    - Không biết Lịch đi đằng nào.
    Một mặt thì Giả Hủ dỗ người nước Khương rằng:
    - Thiên tử cũng biết các ngươi là trung nghĩa, đánh mãi thì khổ nhọc. Bởi vậy bệ hạ có mật chiếu cho các ngươi về quận, ngày sau sẽ có thưởng to.
    Người nước Khương đang oán sẵn Lý Thôi không cho hưởng tước, liền nghe lời Giả Hủ, kéo cả về.
    Hủ lại mật tâu với vua rằng:
    - Lý Thôi tham mà vô mưu, thấy binh lính bỏ về, bụng đã lo sợ, bệ hạ nên lấy trọng tước mà giữ hắn.
    Vua liền hạ chiếu phong Lý Thôi làm đại tư mã, Thôi mừng nói rằng:
    - Phúc này thật là thần thánh ban cho ta. Lạy thánh vạn lạy, có cúng có bái cũng có hơn!
    Thôi thưởng to cho các đồng cốt, còn quân tướng thì không nói gì đến. Kỵ Đô Úy là Dương Phụng giận lắm bàn với Tống Quả rằng:
    - Chúng ta ra sống vào chết, xông pha mũi tên hòn đạn, mà té ra công trạng không bằng mấy mụ đồng bóng.
    Tống Quả nói:
    - Thế thì sao không giết hắn đi mà cứu thiên tử.
    Phụng nói:
    - Ngươi ở trong quân đốt lửa làm hiệu, rồi ta ở ngoài kéo binh vào tiếp ứng.
    Hai người hẹn nhau canh hai đêm hôm ấy khởi sự. Không ngờ việc không kín, tiết lộ ra có người nghe thấy, báo với Lý Thôi. Thôi giận sai người bắt Tống Quả giết đi. Dương Phụng dẫn binh ở ngoài chờ mãi không thấy hiệu lửa. Lý Thôi tự đem quân ra, vừa gặp Dương Phụng đến. Hai bên đánh nhau đến canh tư, Phụng không đánh nổi, chạy về Tây An.
    Từ đấy, quân thế Lý Thôi mỗi ngày một suy, lại thường thường bị Quách Dĩ đến đánh, quân sĩ bị giết chết rất nhiều, chợt lại có người báo rằng:
    - Trương Tế thống lĩnh một cánh đại quân từ Thiểm Tây đến, muốn giảng hòa cho hai bên, nói rao lên rằng: bên nào không nghe thì đánh.
    Thôi nhân thể lấy lòng Trương Tế, sai người đến Quách Dĩ cầu hòa. Dĩ cũng phải vâng theo.
    Trương Tế dâng biểu mời thiên tử ra chơi ở Hoằng Nông. Vua mừng nói rằng:
    - Ta đã lâu nay nhớ Ðông Ðô lắm. Nay nhân thể được về, lấy làm may lắm.
    Liền hạ chiếu phong Trương Tế làm Phiêu Kỵ tướng quân. Tế dâng lương thực, rượu thịt để cung cấp cho các quan. Quách Dĩ cũng tha cho các công khanh ra trại. Lý Thôi cũng thu xếp xa giá để về Ðông Ðô, sai vài trăm quân ngự lâm, cầm kích đi hộ tống. Khi loan giá qua Tân Phong đến Bá Lăng, trời về tiết thu, bỗng nổi cơn gió lạnh, nghe thấy có tiếng reo, rồi thấy vài trăm quân đến đầu cầu chẹn đường không cho xa giá đi, quát to hỏi rằng:
    - Người nào qua đây?
    Thị Trung là Dương Kỳ tế ngựa lên cầu nói rằng:
    - Xe vua qua đây, đứa nào dám ngăn trở?
    Có hai tướng ra nói:
    - Chúng tôi vâng lệnh Quách tướng quân sai giữ cầu này, phòng kẻ gian phi. Có phải xa giá vua đi, xin được trong thấy vua, chúng tôi mới tin.
    Dương Kỳ mở rèm châu ra, vua mới dụ bảo rằng:
    - Trẫm ở đây, sao các ngươi không lui quân?
    Các tướng trông thấy, đều reo: vạn tuế! rồi đứng ra hai bên, để xa giá đi qua. Xe đi rồi, hai tướng về báo với Quách Dĩ.
    Dĩ nói:
    - Ta ý muốn đánh lừu Trương Tế, bắt xa giá quay về My , sao các ngươi lại tự tiện tha ngay?
    Dĩ liền chém hai tướng rồi khởi binh đi đuổi xe vua.
    Xe đi đến huyện Hoa Âm, bỗng nghe đằng sau có tiếng reo vang dậy, gọi to rằng:
    - Xa giá đừng đi vội!
    Vua khóc bảo với đại thần rằng:
    - Vừa thoát hang sói, lại gặp miệng hùm. Bây giờ tính làm sao?
    Các quan sợ mất vía. Quân giặc gần đến nơi, chợt nghe đằng sau có tiếng trống đánh, rồi có một tướng đi lên trước, sau có một lá cờ lớn đề bốn chữ Ðại Hán Dương Phụng, kéo hơn một ngàn quân ra.
    Nguyên Dương Phụng từ khi bị Lý Thôi đánh, dẫn quân đến đóng ở núi Chung Nam, nghe tin vua đi qua đấy nên đến để đi theo hộ giá. Giữa khi ấy quân Dĩ đến nơi. Hai bên dàn thành thế trận. Tướng Quách Dĩ là Thôi Dũng phóng ngựa ra, mắng Phụng là phản tặc. Phụng giận lắm, ngoảnh đầu lại gọi:
    - Công Minh ở đâu?
    Một tướng, tay cầm búa lớn, quất ngựa hoa lưu chạy ra, xông thẳng vào đánh Thôi Dũng. Hai ngựa giao nhau, chỉ một hiệp, đầu Dũng đứt rơi dưới chân ngựa.
    Phụng thừa thế đánh tràn vào, Quách Dĩ thua to, lui hai mươi dặm.
    Phụng thu quân bái kiến thiên tử. Vua dụ bảo rằng:
    - Ngươi cứu được trẫm, công thực to!
    Phụng cúi đầu lạy tạ. Vua phán hỏi:
    - Tướng vừa chém được giặc là ai?
    Phụng dắt tướng ấy lại lạy tạ ở dưới xa giá, rồi thưa rằng:
    - Người này vốn ở Dương Quận, xứ Hà Ðông, họ Từ tên Hoảng, tên chữ là Công Minh.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .

Chia sẻ trang này