1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

TÂM THẦN PHÂN LIỆT

Chủ đề trong 'Sức khoẻ - Y tế' bởi nhathuoconline, 21/03/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nhathuoconline

    nhathuoconline Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/05/2006
    Bài viết:
    1.852
    Đã được thích:
    0
    TÂM THẦN PHÂN LIỆT

    Hiện đã có chủ đề nói về các bệnh tâm thần nói chung, tuy nhiên tôi muốn lập ra chủ đề riêng là bệnh tâm thần phân liệt để mọi người nếu có bạn bè, người thân bị bệnh này bàn luận và giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm.
  2. nhathuoconline

    nhathuoconline Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/05/2006
    Bài viết:
    1.852
    Đã được thích:
    0
    Tổng quan:
    Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, diễn tiến từ từ, nguyên nhân không rõ ràng làm biến đổi nhân cách người bệnh theo hướng phân liệt, tức là làm cho bệnh nhân bị tách dần khỏi cuộc sống xã hội, khu trú dần vào thế giới tự kỷ, tình cảm khô lạnh dần, sút giảm khả năng trí tuệ và có những hành vi lập dị, khó hiểu.
    Bệnh tương đối phổ biến, cứ khoảng 1000 dân thì có 3-10 người bị mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở tuổi trẻ và không phân biệt nam hay nữ. Trong 100 trường hợp nhập viện tâm thần lần đầu thì có đến 25 trường hợp được chẩn đoán là tâm thần phân liệt. Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh lý nội sinh, có nghĩa là nó hình thành bên trong cơ thể và hình thành như thế nào cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh có thể biểu hiện hoặc tiềm ẩn hoặc người bệnh vẫn cố gắng đấu tranh vượt qua triệu chứng từng ngày (trong các thể nhẹ) cho nên con số mắc bệnh thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
    Biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt:
    Biểu hiện bệnh rất đa dạng, không ai giống ai, tuy nhiên có những nét chung như sau:
    Tính tự kỷ: người bệnh hoàn toàn bị cuốn hút vào thế giới riêng của mình. Bất ngờ, họ bỏ ngang tất cả các công việc thường nhật, công việc gia đình mà không do bất kỳ một tác động bên ngoài nào. Kèm theo đó là những biểu hiện hành vi, lời nói mà chỉ có họ mới có thể hiểu được mà thôi. Như là một hậu quả, người bệnh trở nên không còn hòa hợp với gia đình và xã hội. Họ thay đổi tình cảm với người thân và có những cảm xúc hoàn toàn trái ngược với ngữ cảnh như có thể vui mừng ngay cả khi có những chuyện tang thương nhất. Cảm giác của người xung quanh gói gọn trong một câu là "đó không phải là người trước đây tôi từng gặp nữa", một sự thay đổi hoàn toàn về tư duy đã xảy ra đối với người bệnh.
    Sa sút tâm thần biểu hiện từ từ và dẫn đến nghiêm trọng. Các kết quả học tập, năng suất lao động, quan hệ xã hội, khả năng chăm sóc vệ sinh cá nhân hàng ngày cũng bị đánh mất. Những rối loạn về hình thức & nội dung tư duy, ảo giác, hoang tưởng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng nêu trên.
    Hội chứng tăng trương lực cơ với những cơn co cứng, những hành động khó hiểu & hành vi thay đổi cũng thấy xuất hiện trong bệnh tâm thần phân liệt
    Tâm thần phân liệt biểu hiện rõ ràng có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như thể thanh xuân, thể hoang tưởng, thể căng trương lực, thể cấp, ... với các triệu chứng đặc hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, điều cần trình bày là không thể xác định có tâm thần phân liệt tiềm tàng hay không khi mà xuất hiện các tác phong kỳ dị, thiếu hòa hợp, cảm xúc bất thường vì lắm lúc cũng thấy ở người hoàn toàn bình thường. Do vậy, việc chẩn đoán xác định phải thận cẩn thận & tinh tế vì nếu không sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý con người.
    Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt:
    Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ căn kẽ nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt. Họ cho rằng bệnh phát sinh là do những nguyên nhân bên ngoài tác động lên các yếu tố tiềm ẩn bên trong sẵn có làm bệnh tiến triển. Những yếu tố dưới đây có ảnh hưởng đến bệnh sinh gây ra tâm thần phân liệt:
    Yếu tố di truyền: các thông kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh của một người theo huyết thống:
    Đặc điểm quan hệ, Khả năng bị mắc bệnh cho các thành viên còn lại

    Trong gia đình có người thân bị mắc bệnh

    5%

    Nếu cha hoặc mẹ đẻ bị bệnh

    7-16%

    Cả hai cha & mẹ bị bệnh

    40-65%

    Anh chị em song sinh bị bệnh

    9-14% (nếu song sinh khác trứng), 60-85% (nếu song sinh cùng trứng) (theo nhiều nghiên cứu khác nhau). Nếu sinh đôi cùng trứng và cùng được nuôi dưỡng ở các môi trường khác nhau thì tỷ lệ mắc bệnh là 78%, nếu ở cùng một môi trường sống thì 92%

    Yếu tố môi trường sinh sống & hoàn cảnh giáo dục: một vài nghiên cứu cho thấy trẻ có cha mẹ bị tâm thần phân liệt nếu được nuôi dưỡng bởi người bình thường có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn trẻ bình thường được nuôi dưỡng bởi người bị tâm thần phân liệt
    Các nguyên nhân bệnh lý có nguồn gốc bên ngoài như nhiễm trùng (giang mai não, lao, virút, ...), nhiễm độc hoặc do sang chấn tâm lý có thể gây ra tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, các yếu tố này chưa đủ thuyết phục để chứng minh rằng có gây ra bệnh tâm thần phân liệt hay không hay chỉ ngẫu nhiên xảy ra kèm theo trên cùng một cá thể bị tâm thần phân liệt
    Vấn đề rối loạn chuyển hóa cơ thể hoặc mất cân bằng các hóa chất trong não bộ đang được chứng minh là có gây ra các triệu chứng của tâm thần phân liệt
    Chẩn đoán xác định:
    Hiện nay, vẫn chưa có những tiêu chuẩn rõ ràng hướng dẫn chẩn đoán xác định bệnh tâm thần phân liệt. Các trường hợp biểu hiện triệu chứng rõ ràng thì dễ dàng chẩn đoán, tuy nhiên những trường hợp kín đáo hơn thì còn gặp nhiều khó khăn.
    Vấn đề chẩn đoán khó có thể xác định ngay ở một vài lần thăm khám, BS cần thiết phải theo dõi và kiểm tra nhiều lần mới có thể có những kết luận chính xác hơn. Việc chẩn đoán và phát hiện các triệu chứng bệnh còn có ý nghĩa trong phương án điều trị và dự báo tiến triển bệnh cho bệnh nhân. Tiến triển bệnh sẽ khả quan nếu các triệu chứng tâm thần nhẹ và không mất hoàn toàn quan hệ xã hội, gia đình & không có yếu tố di truyền cộng với việc môi trường sống & làm việc đã được cải thiện. Ngược lại, những trường hợp phát hiện muộn, điều trị bệnh trễ, các triệu chứng trầm trọng, liên quan đến di truyền và tác động xấu từ môi trường làm cho bệnh khó cải thiện hơn.
    Vấn đề điều trị và phòng bệnh:
    Điều trị triệu chứng bằng thuốc men. Điều trị tâm lý bằng liệu pháp tâm lý. Điều trị phục hồi nhân cách, khả năng lao động, ... bằng vật lý trị liệu & dạy nghề.
    Liệu pháp sốc điện hoặc gây sốc bằng insulin đem lại hiệu quả tốt cho một số trường hợp bệnh.
    Nếu điều trị đúng cách, khoảng 70-80% số tâm thần phân liệt cấp có thể được hồi phục.
    Các vấn đề cần quan tâm lưu ý khi điều trị bệnh tâm thần phân liệt nói riêng và các bệnh liên quan tâm thần khác là cải thiện môi trường sống & làm việc. Các BS cố gắng hạn chế đến mức tối đa thời gian lưu viện của bệnh nhân hoặc giữ bí mật thông tin bệnh tật của bệnh nhân để tránh làm xáo trộn thêm cuộc sống thường nhật của họ. Không xa lánh người bệnh, thông cảm với người bệnh và yêu thương người bệnh là những hành động đáng khích lệ của những người xung quanh giúp nâng đỡ thêm trong việc hồi phục bệnh.
    Việc điều trị tương đối lâu dài, phải mất đến vài năm. Do vậy, tính kiên nhẫn & những thu xếp thay đổi trong gia đình cần được quan tâm chú ý. Ngoài ra, cần lưu ý đến việc làm hạn chế đến mức tối đa các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra cho người bệnh.
    Vấn đề phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng vì tỷ lệ mắc bệnh không phải là hiếm, bệnh thường xảy ra trong độ tuổi lao động gây tổn hại lớn đến gia đình và xã hội, cộng với nhiều hạn chế trong điều trị làm cho có quá nhiều trường hợp trở thành vô phương cứu chữa. Giáo dục cộng đồng về ý thức bệnh tật, miễn dịch thân thể & miễn dịch tinh thần, nhận thức rõ vai trò tối quan trọng của phòng bệnh hơn là chữa bệnh là thiên trách của người hành nghề Y. Người đã được xuất viện sau đợt điều trị tâm thần phân liệt cần có những điều chỉnh thích hợp chế độ làm việc, gia tăng nghỉ ngơi để phòng tránh tái phát.
  3. nhathuoconline

    nhathuoconline Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/05/2006
    Bài viết:
    1.852
    Đã được thích:
    0
    Chuyện về những sinh viên điên

    Đang học năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đăng phải bỏ dở vì phát bệnh điên - hoang tưởng. Ba lần vào bệnh viện chữa trị nhưng ?onhững tiếng gọi, tiếng kích động? vẫn râm ran trong đầu anh...
    Người ta dễ có cảm tình khi tiếp xúc với người thanh niên 25 tuổi tên Đăng, ở Thanh Oai, Hà Tây. Không ai nghĩ anh bị tâm thần phân liệt trong lúc anh tỉnh táo. Nói chuyện một cách cởi mở, ánh mắt to, đẹp và thông mình là điểm cuốn hút mạnh mẽ người đối diện. Nhưng sự thật Đăng lại đang mang trong mình bệnh điên từ hơn 3 năm nay. Anh nói rằng, ngày vào đại học, cả nhà đều mừng vui, dòng họ anh cũng tự hào bởi lâu rồi chưa có ai đỗ đạt. Tưởng chừng tương lai sẽ rộng mở khi anh vào học trường Kinh tế quốc dân.
    Vào bệnh viện Tâm thần Trung ương lần thứ 3 này, Đăng đã dần tìm lại được bản thân mình. Hai lần trước anh không nhớ rõ, nhưng giờ Đăng "biết" được bố mẹ đưa vào đây là để chữa trị bệnh tâm thần. Tỉnh táo, anh kể một cách rành mạch về "quá trình" thành một người điên hồi đang học năm thứ 3 đại học: "Thằng bạn chỉ vào mặt em "mày điên rồi", nhưng em cãi lại em không bị sao".
    Đăng kể: "Một buổi chiều, em học ôn thi xong, không hiểu sao, em lại ra bắt taxi rồi kêu người ta chở đi lòng vòng quanh các phố. Đến gần tối, em kêu tài xế đưa về trường nhưng không có tiền trả. Người lái xe tưởng em là nghiện, định đánh bài chuồn, liền túm cổ em đấm một phát vào mặt. Lúc ấy, tự dưng trong đầu có ai nói với em "hãy đánh kẻ đó". Ẩu đả xảy ra, em bị công an phường Đồng Tâm nhốt một ngày rồi thả".
    Sáng ngày hôm sau, trong đầu Đăng, một giọng nói văng vẳng bảo với anh rằng có người đang theo dõi. Và trong tâm trí lờ mờ, Đăng phát hiện ra mọi cử động đều bị "người này" giám sát. Anh phải lẩn trốn nhưng không thoát khỏi sự kèm cặp như hình với bóng của "kẻ đó". Một buổi sớm, anh vòng sau sân ký túc xá của trường mình thì gặp một người đang đan rổ rá nhìn anh bằng ánh mắt soi mói. Anh được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị.
    Theo bác sĩ Phạm Thị Thúy, trưởng khoa I (cấp tính nam) bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong số 70 bệnh nhân đang chữa trị tại khoa đa phần họ còn rất trẻ, độ tuổi chủ yếu là 20-35 tuổi. Những bệnh nhân vào đây, ngoài công nhân, nông dân còn có học sinh, sinh viên. Với trường hợp của Đăng, bà Thúy cho biết: "Lần đầu cậu ấy vào viện chữa trị, chúng tôi đến khổ. Lúc nào Đăng cũng nói xung quanh toàn người không tốt, nói xấu, làm hại mình. Có giai đoạn, Đăng khóc cười vô cớ, luôn chùm chăn trốn bóng đen theo dõi mình".
    Ngay bản thân Đăng khi tỉnh táo, anh nhớ lại: "Em luôn nghĩ có người muốn hại mình. Em nghi ngờ cả bố mẹ. Đồ ăn uống là thứ em sợ nhất vì trong đầu em, người nào đó nói với em rằng chúng bị người khác bỏ thuốc độc". Những ngày tháng mang bệnh, Đăng không nhớ mình bị điên đến nỗi đánh cả bố mẹ, đập phá nhà cửa, gây sự với hàng xóm xung quanh.
    Đăng vào viện lần 3 sau khi bỏ học, vào tận miền Nam làm công nhân cho một công ty liên doanh. Anh tâm sự thành thật rằng, lần vào đây chữa trị anh mới biết, còn 2 lần trước anh chỉ nghe nói lại. Điều băn khoăn nhất hiện nay đối với Đăng là chuyện cưới vợ của mình. Anh bảo, cô bạn gái cùng ở Đình Bảng nhưng khác xã. Chỉ sợ gia đình cô ấy biết chuyện anh bị tâm thần mà không cho cưới xin gì và nếu phải suy nghĩ nhiều về vấn đề này, nguy cơ tái phát bệnh sẽ rất lớn. Việc trước mắt, anh và gia đình mình cần làm là giấu cô ấy được đến đâu hay đến đó.
    Nhàn, một bệnh nhân khác được chuyển từ bệnh viện Hải Dương vào. Anh vốn là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Thành bị chứng bệnh rối loạn tư duy. Bệnh nhân này luôn cho rằng có một cái gì đó chi phối mình và bắt bản thân anh phải làm theo. Đang học đại học, anh phải nghỉ một thời gian để điều trị nhưng cuối cùng đành phải bỏ hẳn việc học hành giữa chừng vì bệnh tái phát liên tục.
    Dạo còn điều trị ở dưới Hải Dương, Nhàn tự nghĩ mình bị nhiễm HIV, và đi khám khắp nơi. Anh đã chửi lại cả bác sĩ khi họ nói anh không bị bệnh, nói dối mình. Vào viện điều trị một thời gian, bệnh tình của anh thuyên giảm. Nhưng đúng giai đoạn này, trong tâm trí anh dậy lên nỗi mặc cảm thua kém bạn bè, một người bệnh tật, nên đã nhảy từ tầng 2 của bệnh viên xuống tự tử song không chết.
    Các bác sĩ trong bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh hoang tưởng rất khó xác định từ đâu. Có thể bệnh xuất phát do nội sinh (không rõ nguyên nhân), hoặc từ những yếu tố khách quan như: học hành căng thẳng, tâm lý không ổn định. Đối với những trường hợp như Đăng và Nhàn, do bị tâm thần phân liệt nên ngoài việc dùng thuốc thang hàng ngày, bác sĩ Thúy nói, cần tránh những căng thẳng tâm lý cho người bệnh. Đây là yếu tố khiến bệnh dễ tái phát.

    http://www.nhathuoconline.com
    Được nhathuoconline sửa chữa / chuyển vào 15:27 ngày 21/03/2007
  4. hnmisssg

    hnmisssg Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/08/2005
    Bài viết:
    269
    Đã được thích:
    0
    Nghe đã thấy sợ

Chia sẻ trang này