Tản Mạn Hà Tây Hương vị chùa Hương Từ trước đến giờ, chùa Hương vốn rất nổi tiếng với một số món ăn như: quả mơ, rau sắng và củ mài. Mơ cùng họ với mai, sau tiết Đông chí là đơm hoa, kết trái. Khi hoa mơ nở, tạo cho núi rừng Hương Sơn cảnh đẹp lạ thường: trên sườn núi, dưới thung sâu, hoa mơ nở trắng từng chùm như những đám mây và tỏa ra một mùi hương thơm nhè nhẹ quyến rũ lòng người. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch là mùa mơ chín, những trái mơ cùi dày, hạt nhỏ, có vị chua mà không chát; tùy theo hình dáng, màu sắc và hương vị của quả mơ mà người ta có thể phân biệt các loại mơ khác nhau: mơ nứa có quả to tròn, nhiều nước, màu hơi trắng; mơ đào (hình giống quả đào) có quả to, đầu nhọn; mơ mép giải (chấm son) quả không to lắm, có chấm đỏ; mơ bồ hóng quả có chấm đen. Vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch, nếu du khách đến với chùa Hương, du khách sẽ có dịp được thưởng thức những trái mơ khi đang hành hương leo núi viếng cảnh chùa... Ngoài ra, mơ còn là vị thuốc hay; theo sách ?oNam dược thần hiệu? của Tuệ Tĩnh có viết: ?oQuả mơ muối, vị chua, tính hàn, không độc, trừ nhiệt, chỉ huyết, sanh tân dịch (nước bọt), lợi cuống họng, trị trúng phong, tiêu đờm, chữa lỵ? và ?oquả ô mai (làm từ mơ) tính ấm, bình, bổ phổi, an tim, trừ tả lỵ, trị sốt rét, tiêu khát và đờm dãi?. Mơ còn được chế biến thành rượu mơ (có người làm rượu mơ rất cầu kỳ, có người làm khá đơn giản). Theo cách làm đơn giản, người ta chọn khoảng 100 quả mơ không xanh lắm, rửa thật sạch, để cho ráo nước, đem ngâm vào thạp (hay thẩu), phủ lên trên 1kg đường cát trắng; chừng 1 tháng sau, vớt quả ra ăn, phần nước trong thạp (hay thẩu) là rượu (rượu mơ nếu dùng đúng lúc, điều độ sẽ có tác dụng rất tốt). Đến với chùa Hương, du khách còn được thưởng thức món rau sắng. Rau sắng tuy mọc trên vùng núi đá vôi nhưng có độ đạm cao hơn so với các loại cây khác và tuy rau sắng cũng được gọi là "rau" nhưng thực chất đây là giống thực vật thuộc loại mộc, thân cây to và cao. Lá rau sắng còn non trông óng ả, mỡ màng; hoa sắng lấm tấm như hoa ngâu, nấu canh ăn ngọt hơn cả lá non; vì thế, người ta thường nấu chung cả lá và hoa sắng để món canh tăng thêm phần giá trị; đặc biệt, canh rau sắng không nấu với thịt hoặc cá, mà phải ?onấu suông? mới có được hương vị thuần khiết. Người ta hái lá rau sắng mỗi tháng một lần, hái đến tháng sáu âm lịch thì thôi. Chùa Hương còn một món ăn hấp dẫn nữa, đó là chè củ mài. Củ mài mọc ở chỗ có lẫn đất và đá núi nên khi người ta đào để lấy củ mài thật công phu. Để có chè củ mài, đầu tiên, người ta xát củ mài thành bột có màu trong như thủy tinh, có vị thơm, mát và bổ; trong ?oLĩnh Nam bản thảo?, Hải Thượng Lãn Ông có viết về củ mài (hoài sơn): ?oVị ngọt, tính bình, không độc, bổ tim, dưỡng thận, bồi tỳ vị, nhuận gan, thêm khí, khỏe hình hài...?. Mùa xuân là mùa trẩy hội chùa Hương, mời du khách về Hà Tây viếng cảnh chùa Hương và thưởng thức ba món ăn hấp dẫn này; đồng thời có thể mua về làm quà cho gia đình, bè bạn.
Làng việt cổ Đường Lâm Từ thuở hồng hoang vẫn vậy, dòng sông Cái (sông Hồng) đỏ nặng phù sa cuồn cuộn đổ về xuôi làm nên đồng bằng Bắc bộ. Quá trình hình thành các làng Việt là quá trình chinh phục và khai mở đồng bằng của các cộng đồng cư dân hai bờ sông. Phải chăng, bản anh hùng ca ấy được cô đúc trong hình tượng Đức Thánh Tản, Đức Thánh trị thủy mà sự kỳ vĩ rợp bóng trong tâm linh đối với mỗi người dân của mọi thời đại sinh sống trên mảnh đất này. Cả một vùng mênh mông của đỉnh tam giác châu thổ đồng bằng Bắc bộ hôm nay là địa bàn cư trú và sinh sống của các làng Việt cổ sau thời đại các Vua Hùng. Gần 1000 năm Bắc thuộc, dòng sông Cái vô tình đã làm nên một ranh giới tự nhiên, một cái trục phân chia. Nếu vùng đất tả ngạn sông Hồng nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và xa hơn nữa là các địa phương thuộc vùng Kinh Bắc với những làng nghề như làm giấy, làm pháo, làm vàng mã, thì hữu ngạn sông Hồng là vùng đất xứ Đoài với làng Đường Lâm hôm nay còn mang đậm dấu ấn đặc trưng của các cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước.Tục truyền, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có câu sấm: Mặc dù đánh Bắc dẹp Đông Ba phủ bốn huyện của ông thì chừa. Chẳng biết có phải vùng đất xứ Đoài một bên có dòng sông Hồng cuộn chảy, lưng tựa vào dãy núi Tản Viên Sơn, chỉ còn lại con đường thiên lý độc đạo, nay là quốc lộ 32 hướng tới kinh thành Thăng Long đã làm nên một thế đất hiểm trở, khiến cho xứ Đoài vợi bớt được nạn binh đao. Để cho đến hôm nay, những năm đầu của thế kỷ XXI, chúng ta vẫn còn hầu như nguyên vẹn một làng Việt cổ. Nếu như phố cổ Hội An là bảo tàng sống về nếp sống đô thị, thì đây, làng Việt cổ Đường Lâm trong quá trình duy tu, gìn giữ, có một mô hình, một bảo tàng sống về làng Việt cổ với đặc trưng canh tác lúa nước truyền thống. Xã Đường Lâm có 9 làng, trong đó 5 làng ranh giới liền kề như: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm, du khách đến đây khó có thể phân biệt được một cách rạch ròi. 5 làng làm nên một cụm dân cư đông đúc, song phong tục, tập quán, tín ngưỡng thì ngàn đời nay không hề thay đổi. Đó là bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ bền vững trong mỗi làng quê. Đường Lâm là đất địa linh, ba mươi sáu quả đồi gò và mười tám giộc sâu cùng với khúc sông Tích chảy qua làng uốn lượn tạo nên thế hùng hiểm. Hình sông, thế núi hun đúc khí thiêng, sản sinh ra những nhân tài hào kiệt. Đường Lâm, một ấp hai vua: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền là hai vị Anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong sự nghiệp chống xâm lược phương Bắc. Đặc biệt là Ngô Vương Quyền sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành độc lập tự chủ cho đất nước vào năm 938. Thật xứng đáng với lời tôn vinh của nhà yêu nước Phan Bội Châu: Đức vua là vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc. Truyền thống ấy còn để lại dấu ấn cho mảnh đất Đường Lâm với những địa danh đầy tinh thần thượng võ: Đồi Gậy, Mũi Giáo, Cội Đa Gươm, Bè Xe, Bến Thuyền, Đồi Hổ Gầm, Xà Mâu, Trung Xa... Những cái tên thiêng liêng, kiêu hãnh, tự hào. Nói đến làng quê Việt Nam là nói đến mái đình, cây đa, bến nước, cổng làng. Cổng làng Mông Phụ còn đó, một chiếc cổng duy nhất còn sót lại trong hệ thống cổng làng đã từng tồn tại ở Đường Lâm. Biết bao đời nay người nông dân một nắng hai sương sớm, tối đi về. Biết bao thế hệ lớn lên rồi ra đi, đem lại những điều vẻ vang cho đất nước. Dấu chân của cụ Thám Hoa Giang Văn Minh trên đường biên viễn đi sứ Trung Quốc. Cụ Phan Kế Toại dặm dài trên những nẻo đường chiến khu Việt Bắc đã gắn liền với những mốc son lịch sử và hôm nay, những người con Đường Lâm lại cũng bắt đầu cho các thế hệ của mình từ chiếc cổng làng này... Theo số liệu thống kê, Hà Tây hiện có hơn 1.500 ngôi làng chỉ còn lại 84 cổng làng, trong đó nhiều cái không còn nguyên vẹn. Cổng làng Mông Phụ không có gác trên mái với những vòm cổng cuốn tò vò, chỉ là một ngôi nhà hai mái dốc đứng án ngữ trên trục chính của con đường dẫn vào làng. Phải chăng, bên cạnh ý nghĩa hiện thực của cổng làng như nó đã từng tồn tại để phòng vệ, thì cổng làng cũng là một trong những cánh cửa mở của mỗi cộng đồng dân cư? Làng Mông Phụ cùng với các làng khác trong vùng làm nên một khái niệm Làng Việt cổ đá ong Đường Lâm. Nơi đây còn một hệ thống đình, chùa, lăng, miếu, đền, điếm, các giếng nước và hệ thống nhà cổ. Một trong những kiến trúc điển hình phải nhắc đến là đình Mông Phụ. Đình Mông Phụ theo những sắc phong còn lại được xây dựng từ năm 1864, đời vua Lê Vĩnh Tộ. Đình Mông Phụ là một bông hoa về giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc như nhiều ngôi đình hiện còn tồn tại ở xứ Đoài. Về Đường Lâm, lang thang trên những con đường làng rồi bất ngờ lạc vào một con ngõ sâu hun hút. Một mình nghe tiếng bước chân mình rộn vang trong từng ngõ nhỏ, những con ngõ với những tường đá ong sừng sững âm thầm đổ bóng mà thấy thời gian như ngưng trệ, mọi sự đổi thay của một thời tao loạn hình như không có ý nghĩa gì, chỉ còn lại rêu phong trên những mảng tường đá ong dãi dầu cùng năm tháng. Đây là một lối kiến trúc phòng chống trộm cướp và giặc giã, cho đến tận bây giờ hiệu quả này vẫn còn tác dụng giữ gìn an ninh cho làng, xóm. Đường Lâm hiện nay còn trên 956 ngôi nhà truyền thống. Làng Mông Phụ có 350 nhà, làng Đông Sàng có 441 nhà, làng Cam Thịnh có 165 nhà; trong số đó có 54 ngôi nhà có giá trị tiêu biểu cần bảo tồn toàn bộ như nhà anh Nguyễn Văn Hùng có cách đây gần 400 năm (1649), nhà ông Phan Văn Ve, nhà ông Giang Văn Thuận, nhà ông Hà Văn Lâm, nhà ông Phan Văn Thu dựng năm 1850, nhà ông Nguyễn Văn Lê, nhà ông Đỗ Doãn Dương, nhà ông Hà Nguyên Huyến... ở làng Mông Phụ. Làng Cam Thịnh có nhà ông Cao Văn Toàn dựng năm 1703, nhà ông Trương Văn Quyến, Trương Văn Thiệp và Phan Văn Giáp dựng năm 1870. Bên cạnh nhà ở còn Văn Miếu Sơn Tây xây dựng trên đất làng Mông Phụ vào năm Minh Mệnh thứ 12 - 1831 và hệ thống nhà thờ họ. Họ Hoàng, họ Cát ở Đoài Giáp xây dựng năm 1870. Họ Phan xây dựng năm Cảnh Thịnh thứ 9 năm 1900, họ Giang trong triều Tự Đức và họ Hà năm 1900. Ngôi nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở làng Mông Phụ đang sinh sống, một ngôi nhà mà chứng cứ để lại cho ta biết một cách chính xác niên đại xây dựng hiện còn lại lâu nhất vùng. Gần 400 năm đối với lịch sử là một khoảng cách không dài, nhưng gần 400 năm với một kiến trúc gỗ bên cạnh những biến thiên nhiệt độ, độ ẩm của một nước nhiệt đới thì quả là một điều kỳ diệu. Đường Lâm còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Có lẽ không nơi nào trên đất nước này mà ở một làng đã có 8 di tích được xếp hạng, trong đó có tới 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nếu như đình Mông Phụ, một ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống với những dấu vết kiến trúc, điêu khắc của đời Hậu Lê thế kỷ 18, hoặc sớm hơn nữa thì chùa Mía, tên chữ là Sùng Nghiêm tự được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp vào loại di tích đặc biệt quan trọng. Với một hệ thống tượng Phật gồm 287 pho lớn nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 107 pho tượng gỗ, 174 pho tượng đất. Về kỹ thuật đắp tượng đất cho đến tận bây giờ vẫn là bài toán chưa có lời giải, để lại nhiều điều kinh ngạc cho các nhà nghiên cứu. Chỉ có đất sét nhào nhuyễn và cốt tượng được tạo từ thân và rễ cây si, tượng đất chùa Mía đã là một kiệt tác vô giá tồn tại như một sự thách thức với thời gian. Không ai truy nguyên hai chữ Đường Lâm bắt nguồn từ đâu, song hai chữ Đường Lâm xuất hiện trong văn tự cổ được dùng trong Việt điện u linh thế kỷ thứ VIII. Có thể phỏng đoán rằng: Hai từ Đường Lâm có nguồn gốc từ chữ Mía. Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch, từ Mía được bắt đầu từ chữ mỵ ê. Mỵ ê hay Mỵ Nương trong thời đại các Vua Hùng dùng để chỉ người con gái. Tục truyền rằng có một người con gái Vua Hùng dạy dân trồng cỏ ngọt. Thứ cỏ này là thủy tổ của cây mía ngày nay. Mỵ ê hay mỵ nương biến đổi theo thời gian mà chuyển sang từ Mía. Kẻ Mía là tên tục danh như Kẻ Noi hay Kẻ Lủ. Từ Mía mà thành Cam Giá, Cam Giá theo Hán tự có nghĩa là mía ngọt. Cam Giá, Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ cũng là dùng để chỉ vùng đất này. Cái tên của một vùng đất cổ còn gắn liền với nghề nấu kẹo hộn đường ở làng Đông Sàng. Nghề này lúc thịnh phát đã từng cung cấp đường, mật cho phố Hàng Đường (Hà Nội). Vài năm trở lại đây, Nhà nước mở cửa, các doanh nghiệp kẹo liên doanh với nước ngoài cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm phong phú có nguồn gốc từ mật mía. Nghề nấu kẹo của làng Đông Sàng theo đó mà dần mai một. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng quên đi món quà của những chợ quê. Đó là những chiếc kẹo bột, kẹo vừng mộc mạc, nhưng đậm ngọt của đất Đường Lâm! Ở làng Đông Sàng, nhà nào cũng biết nấu kẹo, nhưng nấu kẹo để có một thương hiệu, để có một thị trường thì không nhiều. Có thể kể đến hai nhà Hiền Bao và Hiền Chinh, cả hai thương hiệu đều ghép cả tên vợ và chồng. Âu cũng là sự đơn giản song cũng rất hiệu quả mà các làng nghề từ xưa vẫn thường làm. Khách đến Đường Lâm vài năm trước đây vào bất cứ nhà nào cũng có thể được gia chủ đãi những bữa cơm thân mật. Trong bữa ăn không bao giờ thiếu món tương, mùa hè rau muống chấm tương, mùa đông cá kho tương. Tương Đường Lâm về chất lượng không thua kém bất cứ nơi nào. Có thể sánh ngang hàng với các địa phương có nghề làm tương nổi tiếng như: Tương Bần (Hưng Yên), tương Cự Đà (Thanh Oai). Sau mở cửa, tương Đường Lâm trở thành thương hiệu có tiếng trên thương trường. Tương trở thành hàng hóa góp phần cải thiện đời sống trong mỗi gia đình. Người đi xa trước khi bước chân ra khỏi cổng làng còn ngoái đầu nhìn lại. Lịch sử của làng là một dòng chảy liên tục mấy trăm năm. Dẫu cho trai thời loạn khi đất nước lâm nạn binh đao có người ra đi không bao giờ trở lại. Rồi ai đó ra khỏi làng dài rộng những bước hải hồ trên con đường mưu sinh, hay cô gái làng một chiều nao sang sông đi làm dâu xứ người. Chắc hẳn trong sâu thẳm lòng mình vẫn còn lại một góc quê. Không phân biệt sang hèn, người vinh thăng trên con đường hoạn lộ, kẻ thành công trong thương trường. Không thể không kể đến những mảnh đời gập ghềnh nhòa bóng lầm lụi kiếm ăn. Tất cả vẫn bồi hồi chung một nỗi nhớ làng, nhớ quê! Cổng làng ngàn đời nay vẫn thế. Mỗi sáng sớm tinh mơ lại ồn ào thức dậy. Trâu, bò của thợ cày, thợ cấy gồng gánh ra đồng, trẻ con náo nức đến trường. Biết bao nhiêu công việc thường ngày của một làng quê cứ lặp đi, lặp lại mỗi ngày hai buổi đi, về. Đơn giản, bình dị mà sao da diết nhớ nhung. Tình cảm ấy đã nâng bước chân bao lớp người đi trước làm nên một cốt cách, một truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất này. Giá trị ấy thấm sâu trong từng ngôi nhà, từng làng xóm và bền chặt trong một cộng đồng cư dân. Mặc cho những biến thiên của thời gian, cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn đây, nguyên vẹn một làng Việt cổ đá ong Đường Lâm - Di tích kiến trúc nghệ thuật. 19/5/2006-Báo Hà Tây Hà Nguyên Huyến