1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tập thơ "100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ 20"

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi hoangvan09, 06/03/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Nguyệt cầm
    XUÂN DIỆU
    Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
    Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
    Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
    Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
    Mây vắng trời trong đêm thủy tinh
    Lung linh bóng sáng bỗng run mình
    Vì nghe nương tử trong câu hát
    Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
    Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
    Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi...
    Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
    Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...
    Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
    Chiếc đảo hồn tôi rộn bốn bề...
    Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
    Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Tây tiến
    QUANG DŨNG
    Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi
    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
    Anh bạn dãi dầu không bước nữa
    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
    Chiều chiều oai linh thác gầm thét
    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
    Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
    Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
    Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành
    Tây tiến người đi không hẹn ước
    Đường lên thăm thẳm một chia phôi
    Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
    Phù Lưu Chanh -- 1948
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Lên Côn Sơn
    KHƯƠNG HỮU DỤNG
    Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
    Trên đầu xanh ngắt một bầu không
    Bàn cờ thế sự quân không động
    Mà thấy quanh mình nỗi bão dông.

    [​IMG]
    Côn Sơn có suối, nước chảy rì rầm làm đàn cầm
    Côn Sơn có đá, mưa xối rêu xanh đậm, ta lấy làm chiếu thảm
    Trong núi có thông, muôn dặm rờn biếc một vùng, ta tha hồ nghỉ ngơi
    Trong rừng có trúc, ngàn mẫu in biếc lục, ta tha hồ ngâm nga bên gốc...

    Được nhl81 sửa chữa / chuyển vào 09:02 ngày 23/03/2007
  4. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Đò lèn
    NGUYỄN DUY
    Thuở nhỏ tôi ra Cống Na câu cá
    níu váy bà đi chợ Bình Lâm
    bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
    và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
    Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị
    chân đất đi đêm xem lễ Đền Sòng.
    mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
    điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
    Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
    bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
    bà đi gánh chè xanh Ba Trại
    Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
    Tôi trong suốt giữa đôi bờ hư thực
    giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
    cái năm đói củ giong riềng luộc sượng.
    cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
    Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất
    đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
    Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
    bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn?
    Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
    dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
    Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
    Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
    9-1982
    Lời bình của Trịnh Thanh Sơn
    Câu thơ giản dị nhất, đau xót nhất: "khi tôi biết thương bà thì đã muộn" mang tất cả linh hồn của bài thơ. Và tôi coi Đò Lèn là bài thơ hay nhất, mang trọn vẹn phong cách thơ Nguyễn Duy.
    Bài thơ như một câu chuyện kể, có cốt truyện, có nhân vật, có không gian và thời gian... và được vào đề rất hồn nhiên.
    Thoạt đầu, nhà thơ kể về sự gắn bó của mình với quê ngoại. Người xưa nói: "Cháu ngoại vác mai qua mồ?" Nhưng với bé Duy, quê ngoại gắn bó với toàn bộ thời thơ ấu của anh.
    Chỉ bằng việc anh kể ra một loạt địa danh của vùng Đò Lèn, Hà Trung (Thanh Hoá); người đọc đã hiểu và tin nhà thơ gắn bó máu thịt với quê ngoại và bà ngoại như thế nào. Mười hai địa danh được liệt kê một cách đầy nghệ thuật bởi mỗi địa danh đều được thổi vào tâm trạng, tâm hồn, nông nỗi của bà ngoại anh, đến nỗi nếu không có những địa danh ấy, ta không hình dung ra gương mặt tinh thần của bà ngoại anh được. Đây nhé: "Thuở nhỏ tôi ra Cống Na câu cá, níu váy bà đi chợ Bình Lâm..." Rồi nào là: "Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần..."
    Nguyễn Duy kể tên những cống, những chợ, những đền, những chùa... một cách hết sức tự nhiên mà xiết bao hoài niệm.
    Trong mạch hồi ức miên man của mình, anh còn kể tiếp:
    Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị
    chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
    mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
    điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
    Đến khổ thơ thứ ba, tâm thế của nhà thơ chuyển đột ngột như một thắt nút đầy kịch tính. Những trò chơi hồn nhiên, vô tư đến vô tâm của thời thơ ấu sáng trong đã đập mặt vào thực tế đầy khắc nghiệt. Nhà thơ sực tỉnh và bỗng lớn vượt lên như một sự giã từ tuổi thơ để bước sang tuổi thành niên.
    Những lời thơ ở khổ thơ này, vì thế đã mang màu suy ngẫm:
    Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
    bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
    bà đi gánh chè xanh Ba Trại.
    Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.
    Nếu ai từng biết hoặc đã từng qua những địa danh mà Nguyễn Duy vừa kể, sẽ hiểu được nỗi gian truân trong cuộc mưu sinh gian khó của bà anh. Hình ảnh người bà thân cò lặn lội hiện lên trước mắt người đọc như những thước phim quay chậm, chỉ đọc thôi đã muốn trào nước mắt.
    Rồi qua quãng mô tả đầy sức gợi của tâm cảm ấy, khúc trữ tình độc thoại trong sâu thẳm tiềm thức nhà thơ bỗng cất lên, cao vút rồi trầm lắng, bình tĩnh mà xót xa! Có thể đây là một thú nhận, một ăn năn vì mình có lỗi với bà, vì mình quá trong sáng và thơ ngây, vì mình quá vô tâm nữa:
    Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
    giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
    cái năm đói củ giong riềng luộc sượng
    cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.
    Sau tất cả hồn nhiên, vô tư và thức ngộ ấy, nhà thơ đã biến thành chàng trai, một chàng trai khác. Hiện thực khắc nghiệt của đời sống, cuộc chiến tranh chống Mỹ ập tới, làm đảo lộn tất cả, một đảo lộn vừa đau đớn vừa xót xa. Nhà thơ kể bằng một giọng rất thản nhiên, rất tĩnh, rất văn xuôi mà đầy giông bão, như nghiến răng mà kể, rằng:
    Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất
    đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
    Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
    bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.
    Những động từ bay mất! bay, bay tuốt, đi đâu hết... nghe tưng tửng, thản nhiên mà trào nước mắt, vì sau tất cả là bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!
    Hình ảnh cuối cùng in vào tâm khảm nhà thơ là hình ảnh người bà ngoại đang bán trứng ở ga Lèn. Anh mang hình ảnh đó vào chiến trường, làm "lương khô" cho mỗi trận đánh và suốt cả đời mình.
    Nỗi xa xót cuối cùng của người cháu thi sĩ ấy là ngày trở lại, ngày chiến thắng trở về, anh không còn được gặp lại người bà thân yêu, mà chỉ gặp một nấm cỏ trên mộ bà:
    Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
    dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
    khi tôi biết thương bà thì đã muộn
    bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
  5. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    Chiều
    HỒ DZẾNH
    Trên đường về nhớ đầy
    Chiều chậm đưa chân ngày
    Tiếng buồn vang trong mây.
    Chim rừng quên cất cánh
    Gió say tình ngây ngây
    Có phải sầu vạn cổ
    Chất trong hồn chiều nay?
    Tôi là người lữ khách
    Màu chiều khó làm khuây
    Ngỡ lòng mình là rừng
    Ngỡ hồn mình là mây
    Nhớ nhà châm điếu thuốc
    Khói huyền bay lên cây...
    Được nhl81 sửa chữa / chuyển vào 09:11 ngày 23/03/2007
  6. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Thăm mả cũ bên đường
    TẢN ĐÀ
    Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà,
    Đường xa, người vắng, bóng chiều tà.
    Một dãy lau cao làn gió chạy,
    Mấy cây thưa lá sắc vàng pha.
    Ngoài xa trơ một đống đất đỏ,
    Hang hốc đùn lên đám cỏ gà.
    Người nằm dưới mả, ai ai đó?
    Biết có quê đây hay vùng xa?
    Hay là thuở trước kẻ cung đao
    Hám đạn liều tên quyết mũi dao,
    Cửa nhà xa cách, vợ con khuất,
    Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao?
    Hay là thuở trước kẻ văn chương
    Chen hội công danh nhỡ lạc đường,
    Tài cao phận thấp, chí khí uất,
    Giang hồ mê chơi quên quê hương?
    Hay là thuở trước khách hồng nhan
    Sắc sảo khôn ngoan đất trời ghen,
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn?
    Hay là thuở trước khách phong lưu
    Vợ con đàn hạc đề huề theo,
    Quan san xa lạ đường lối khó
    Ma thiêng nước độc phong sương nhiều?
    Hay là thuở trước bậc tài danh
    Đôi đôi lứa lứa cũng linh tinh
    Giận duyên tủi phận, hờn ân ái
    Đất khách nhờ chôn một khối tình?
    Suối vàng sâu thẳm biết là ai?
    Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
    Trải bao ngày tháng trơ trơ đó,
    Mưa dầu nẵng dãi, trăng mờ soi!
    Ấy thực quê hương con người ta
    Dặn bảo trên đường những khách qua:
    Có tiếng khóc eo thời có thế,
    Trăm năm ai lại biết ai mà?
  7. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Cha tôi
    LÊ ĐẠT
    Đất quê cha tôi đất quê Đề Thám
    Rừng rậm sông sâu
    Con gái cũng theo đòi nghề võ
    Ngày nhỏ cha tôi dẫn đầu lũ trẻ đi chăn trâu
    Phất ngọn cờ lau
    Vào rừng Na Lương đánh trận
    Mơ làm Đề Thám
    Lớn lên, cha tôi đi dạy học
    Gối đầu trên cuốn Chiêu hồn nước
    Khóc Phan Chu Trinh
    Như khóc người nhà mình
    Ôm mộng bôn ba hải ngoại
    Lênh đênh khói một con tàu
    Sớm tối ngâm nga mấy vần cảm khái
    Đánh nhau với Tây
    Bỏ việc lang thang vào Nam ra Bắc
    Cắt tóc đi tu nhưng quá nặng nghiệp đời
    Gần hai mươi năm trời
    Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng
    Dạy tôi làm thơ, ước mơ, hi vọng
    Những câu Kiều say sưa đưa cuộc đời bay bổng
    Tiếng võng trưa hè mênh mông
    Phong trần mài một lưỡi gươm
    Những phường giá áo túi cơm sá gì.
    Nhưng công việc làm ăn mỗi ngày mỗi khó
    Cuộc đời chợ đen chợ đỏ
    Thù hằn con người
    "Muốn sống thanh cao đi lên trời mà ở
    Mày đã quyết kiêu căng
    Níu lấy cái lương tâm gàn dở
    Dám không tồi như chúng tao
    Suốt đời mày sẽ khổ".
    Quan lại trù cha tôi cứng đầu cứng cổ
    Người "An Nam" dám đánh "ông Tây"
    Mẹ ỉ eo dằn vặt suốt ngày
    Chửi mèo, mắng chó
    "Cũng là chồng là con
    Chồng người ta khôn ngoan
    Được lòng ông tuần ông phủ
    Mang tiền về nuôi vợ".
    Bát đĩa xô nhau vỡ
    Cha tôi nằm thở dài
    Cha nhịn đi cho đỡ
    Anh em tôi, bỏ cơm
    Hai đứa dắt nhau ra đường tha thẩn
    Trời mùa đông trăng sáng
    Sao nở như hoa
    Không biết Ngưu Lang trên kia
    Có bao giờ cãi Chức Nữ.
    Rồi cha tôi lui tới nhà quan tuần, quan phủ
    Lúc về, gặp tôi đỏ mặt quay đi
    Một hôm, tôi thấy chữ R.O treo ngoài cửa
    Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa
    Người còn bận đếm tiền ghi sổ
    Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ
    Một mình uống rượu say
    Ngâm mấy câu Kiều, ôm mặt khóc
    Tỉnh dậy lại loay hoay ghi sổ đếm tiền
    Hai vai nhô lên
    Đầu lún xuống
    Như không mang nổi cuộc đời
    Bóng in tường vôi im lặng
    Ngọn đèn leo leo ánh sáng
    Bóng với người như nhau
    Mùi ẩm mốc, tiếng mọt kêu cọt kẹt
    Ở chân bàn hay ở cha tôi?
    Cuộc sống hàng ngày nhỏ nhen tàn bạo.
    Rác rưởi gia đình miếng cơm manh áo
    Tàn phá con người.
    Những mơ ước thời xưa như con chim gẫy cánh
    Rũ đầu chết ngạt trong bùn
    Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng.
    Cha đã dạy con một bài học lớn
    Đau thương kiên quyết làm người.
    Không nên lùi bước cuộc đời phải thắng.
    7 - 1956
  8. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Mẹ và quả
    NGUYỄN KHOA ĐIỀM
    Những mùa quả mẹ tôi hái được
    Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
    Những mùa quả lặn rồi lại mọc
    Như mặt trời, khi như mặt trăng
    Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
    Còn những bí và bầu thì lớn xuống
    Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
    Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
    Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
    Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
    Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
    Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
    Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú
    Quả tượng trưng cho sự sống mà mẹ chính là người gieo trồng chăm bẵm và mong mỏi được hái: Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng. Chữ mọc thì hiển nhiên khi nói về cây trồng thực vật. Nhưng chữ lặn là một sáng tạo mới mẻ của nhà thơ. Ngoài sự chuyển dịch của thời gian, không gian còn có cả sự chuyển dịch không ngừng của sự sống, sức sống trỗi dậy tiềm ẩn chứa những trữ lượng sống nhân văn đầy ắp. Sự vận động này còn mang ý nghĩa triết học biện chứng.
    Giọng thơ của ông điềm đạm, khiêm nhường trong Mẹ và quả là một ứng xử giao hoà giữa con người với thiên nhiên. Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên rồi và, chúng tôi một thứ quả trên đời. Ở đây nhà thơ không nói lũ chúng con, và chúng con có lẽ ông muốn nới rộng biên độ tình cảm với sức khái quát lớn hơn ở một lứa tuổi đã đủ bản lĩnh và tự tin trước sự biến động của cuộc sống.
    Thường, chúng ta nhìn sự thay đổi của vạn vật bằng sự lớn lên, vươn lên cả về hình khối và thể chất. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là người đầu tiên phát hiện sự lớn xuống hướng tâm về mặt đất không phải bằng độ oằn cong của cành mà bằng chính kích thước của quả của sự lớn nhiều chiều trĩu nặng mang bao ý nghĩa hàm ơn sinh thành: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên ?" còn những bí, những bầu thì lớn xuống. Ông gọi tên bí, tên bầu như tên người thân thiết đầy biểu cảm và giao cảm.
    Phải có con mắt tinh tế và tấm lòng nhân ái mới nhận ra những bí những bầu ấy: Chúng mang dáng giọt mô hôi mặn - rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi. Những giọi mồ hôi ngưng tụ giữa không gian mang một vẻ đẹp thuần khiết kết tinh mà ám ảnh; vừa day dứt, vừa tôn vinh hình ảnh người lao động thật bình thản và tự tin làm chủ cuộc sống. Chữ rỏ đông kết mà lan tỏa ấm nóng sự cộng hưởng của tình người. Tôi nghĩ khó có thể thay được chữ nào hay hơn thế vừa tôn kính thiêng liêng, vừa ấm áp nhân hậu.
    Bài thơ có một giá trị lay thức thẩm mỹ khi ông thảng thốt: Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi ?" mình vẫn còn một thứ quả non xanh. Một sự thú nhận nhiều trực cảm; sự lan tỏa của bài thơ vì thế ngân vọng sâu xa hướng con người tới cội nguồn và vẻ đẹp vĩnh cửu của cõi Thiện.
  9. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Núi Mường Hung dòng sông Mã
    CẦM GIANG
    Anh là núi Mường Hung
    Em là dòng sông Mã
    Sông nhiều rêu, nhiều cá
    Núi nhiều thú, nhiều măng
    Chiều bóng anh che sông
    Sớm mắt em long lanh
    Sáo cành cây ạnh thổi vang lanh lảnh
    Gió lùa qua miệng anh lại mỉm cười
    Rộn ràng em thuyền độc mộc ngược xuôi
    Như trăm nỗi băn khoăn khi đến tuổi
    Nếu trời làm em sóng nổi
    Anh ngả mình ngăn lại lúc phong ba
    Em là búp bông trắng
    Anh là ngọn lúa vàng
    Thi nhau lớn đẹp nương
    Toả mùi thơm cùng nghe chim hót
    Em cứ về nhà trước
    Đợi anh ở bên sông
    Anh làm no lòng mương
    Em làm vui ấm bản
    Nếu con gấu giẫm gãy cành bông trắng
    Lá lúa anh sẽ cứa đứt chân
    Nếu lúa này chuột, khỉ dám đến ăn
    Sợi bông em sẽ bay mù mắt nó
    Anh là rừng thẳm
    Em là suối sâu
    Cây rừng anh làm cầu
    Bắc ngang lên dòng suối
    Hoa sim nở đỏ chói
    Soi bóng xuống lòng em
    Nếu hùm về, suối em thành thác
    Nếu sói về, rừng anh sẽ thành chông
    Quyết chẳng chịu đau lòng
    Đời chúng ta rừng núi
    Suối em phá tan bóng tối
    Rừng anh chặn lại bão dông
    Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung
    Em ngoan chảy thành dòng sông Mã.
    2-1953
  10. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Mắt buồn
    BÙI GIÁNG
    Bỏ trăng gió lại cho đời
    Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
    Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
    Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
    Bây giờ riêng đối diện tôi
    Còn hai con mắt khóc người một con
    [​IMG]
    Hai Sắc Hoa Ti-Gôn
    T.T.KH
    30-10-1937
    Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
    Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
    Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
    Tôi chờ người đến với yêu đương
    Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
    Dải đường xa vút bóng chiều phong
    Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
    Tay vít dây hoa trắng cạnh lòng.
    Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
    Thở dài những lúc thấy tôi vui
    Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ,
    Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
    Thuở đó, nào tôi đã biết gì
    Cánh hoa tan tác của sinh ly
    Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng
    Là chút lòng trong chẳng biến suy"
    Đâu biết lần đi một lỡ làng,
    Dưới trời đau khổ, chết yêu đương.
    Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm,
    Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
    Từ đấy thu rồi, thu, lại thu,
    Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
    Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
    Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
    Mà từng thu chết, từng thu chết
    Vẫn dấu trong tim bóng "một người"
    Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
    Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
    Sắc hồng tựa trái tim tan vỡ
    Và đỏ như màu máu thắm pha!
    Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
    Một mùa thu trước rất xa xôi...
    Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
    Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
    Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
    Chiều thu, hoa đỏ rụng. Chiều thu
    Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
    Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
    Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
    Trời ơi! Người ấy có buồn không?
    Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ?
    Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Chia sẻ trang này