1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tập thơ "100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ 20"

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi hoangvan09, 06/03/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Viếng bạn
    HOÀNG LỘC
    Hôm qua còn theo anh
    Đi ra đường quốc lộ
    Hôm nay đã chặt cành
    Đắp cho người dưới mộ
    Đứa nào bắn anh đó
    Súng nào nhằm trúng anh
    Khôn thiêng xin chỉ mặt
    Gọi tên nó ra anh!
    Tên nó là đế quốc
    Tên nó là thực dân
    Nó là thằng thổ phỉ
    Hay là đứa Việt gian?
    Khóc anh không nước mắt
    Mà lòng đau như thắt
    Gọi anh chửa thành lời
    Mà hàm răng dính chặt.
    Ở đây không gỗ ván
    Vùi anh trong tấm chăn.
    Của đồng bào Cửa Ngăn
    Tặng tôi ngày phân tán.
    Mai mốt bên cửa rừng
    Anh có nghe súng nổ
    Là chúng tôi đang cố
    Tiêu diệt kẻ thù chung.
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Tiếng thu
    LƯU TRỌNG LƯ
    Em không nghe mùa thu,
    Dưới trăng mờ thổn thức ?
    Em không nghe rạo rực,
    Hình ảnh kẻ chinh phu,
    Trong lòng người cô phụ ?
    Em không nghe rừng thu,
    Lá thu kêu xào xạc,
    Con nai vàng ngơ ngác,
    Đạp trên lá vàng khô ?
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Nhớ rừng
    THẾ LỮ
    Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
    Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
    Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
    Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
    Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
    Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
    Với khi thét khúc trường ca dữ dội
    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
    Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.
    Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
    Ta biết ta chúa tể muôn của loài
    Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.
    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
    Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
    Ta lặng ngắm giang-san ta đổi mới?
    Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
    Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
    Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
    -- Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?
    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
    Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
    Hoa chăm, cỏ sén, lối phẳng, cây trồng;
    Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
    Len dưới nách những mô gò thấp kém;
    Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
    Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
    Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
    Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
    Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
    Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
    -- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
  4. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Một vị tướng về hưu
    NGUYỄN ĐỨC MẬU
    Thôi, đã dứt đường binh nghiệp
    Tuổi hưu rồi, bác ở quê
    Chạnh nhớ bạn bè thuở trước
    Cùng đi có đứa không về
    Người vợ tuổi già như bác
    Miếng trầu nhai dập chiều mưa
    Hồi còn trẻ xa nhau mãi
    Giờ thương biết mấy cho vừa
    Huân chương xếp vào góc tủ
    Nay hàm tướng tá mà chi
    Tuổi già công danh xem nhẹ
    Cuộc đời như nước trôi đi
    Thuở trước bạn cùng súng đạn
    Nay khuây hàng xóm bạn già
    Bao dốc, bao rừng đã vượt
    Lối mòn quanh quẩn vào ra
    Ngày đi khuất bóng mẹ cha
    Ngày về sửa sang mộ cũ
    Âm thầm một tấc đất sâu
    Hương khói tờ mờ màu cỏ
    Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó
    Đàn con mỗi đứa một nơi
    Nếu không có trẻ hàng xóm
    Tuổi già hẳn nhiều đơn côi
    Những đêm gió thổi buốt trời
    Vết thương cũ còn đau nhức
    Ôi sư đoàn xưa giờ đâu
    Người cũ, ai còn, ai mất?
    Về hưu giờ thôi quyền chức
    Ai người nhớ bác, lại chơi
    Ai kẻ xa lòng, tránh mặt
    Niềm riêng một mảnh trăng trời.

    Được nhl81 sửa chữa / chuyển vào 12:12 ngày 26/03/2007
  5. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Những mùa trăng mong chờ
    LÊ THỊ MÂY
    Thư anh tin ngày về
    Cho vầng trăng hẹn mọc
    Trong ngần cao hoa thơm
    Mây chớm màu tha thiết
    Trăng non nghiêng qua rồi
    Bom rung vầng trăng khuyết
    Xô thuyền trong xa xôi
    Giữa gập nghềnh núi biếc
    Anh khoác balô về
    Ðất trời dồn chật lại
    Em tái nhợt niềm vui
    Như trăng mọc ban ngày
    Gặp nhau tròn mùa trăng
    Em trẻ như bầu trời
    Vòng tay anh đằm thắm
    Giầu lời ru trên môi
    Mai lại tiễn xa nhau
    Vầng trăng cong chẽn lúa
    Ðêm đêm chín ngàn sao
    Rỏ vào tim giọt lửa
    Mong chờ em mong chờ
    Vầng trăng xinh ... gương mặt
    Sáng sáng đầy theo anh
    Suốt chặng đường đánh giặc.
  6. rosea7

    rosea7 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/09/2005
    Bài viết:
    1.623
    Đã được thích:
    0
    em thấy trong top 10 mà không có bài Những cuộc chia ly màu đỏ thì em không đồng ý với bác roài.
    bài Nguyên tiêu bác cho lên vị trí thứ nhất có phải vì thiên vị người sáng tác ra bài ấy không?
    nếu người khác sáng tác thì em chắc còn lâu nó mới lọt vào top 10, vì còn đầy bài xứng đáng hơn.
    đó là quan điểm của em
  7. rosea7

    rosea7 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/09/2005
    Bài viết:
    1.623
    Đã được thích:
    0
    Bài thơ mà e cho là xứng đáng ở vị trí số 1 đây ạ:
    Cuộc chia ly màu đỏ
    - Nguyễn Mỹ -
    Được sáng tác vào năm 1964, sau hơn 40 năm, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ vẫn được nhiều người yêu thích. Bài thơ có mặt trong hầu hết các tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại.
    Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
    Tươi như cánh nhạn lai hồng
    Trưa một ngày sắp ngả sang đông
    Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
    Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
    Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
    Chồng của cô sắp sửa đi xa
    Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
    Chiếc áo đỏ rực như than lửa
    Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
    Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
    Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
    Không che được nước mắt cô đã chảy
    Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
    Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
    Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
    Một rạng đông với màu hồng ngọc
    Cây si xanh gọi họ đến ngồi
    Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai...
    Ngày mai sẽ là ngày sum họp
    Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
    Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
    Và người chồng ấy đã ra đi...
    Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
    Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
    Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
    "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau..."
    Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
    Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
    Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
    Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
    Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
    Một làng xa giữa đêm gió rét...
    Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
    Như không hề có cuộc chia ly...
    * Lời bình của Tú Anh
    Người đọc cho tôi nghe lần đầu bài thơ này là nhà thơ Tô Hà. Anh đọc thuộc lòng, riết róng và nức nở. Tô Hà đọc thơ bao giờ cũng riết róng, nhưng không phải khi nào cũng nức nở như khi đọc thơ Nguyễn Mỹ. Dường như trong mỗi câu thơ đều thấm đẫm nước mắt nhớ thương người bạn đã vĩnh viễn ra đi. Và khi đọc đến câu thơ cuối cùng, Tô Hà đã khóc thật, khóc nức nở, đến nỗi những câu thơ bỗng nhòe đi, thảng thốt lạ lùng:
    Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
    Như không hề có cuộc chia ly!
    Nhà thơ Bằng Việt từ trong phòng làm việc của Tạp chí Tác phẩm mới bước ra, ngạc nhiên hỏi:
    - Sao Tô Hà... khóc?
    - Vì đọc thơ Nguyễn Mỹ! - Tôi trả lời. Nghĩ ngợi một lát, Bằng Việt bảo:
    - Mình sẽ giúp Tô Hà in tập thơ cho Nguyễn Mỹ! Phải in cho bằng được!
    Suốt mấy chục năm qua, mỗi lần chạm vào Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, tôi không sao quên được kỷ niệm xưa.
    Vậy mà, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua trọn ba mươi năm rồi, tôi vẫn chưa viết được dòng nào về Nguyễn Mỹ và bài thơ định mệnh ấy của anh!
    Cũng như tôi, bao thế hệ nhà thơ trước và sau chiến tranh, đều yêu thích Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Vì sao vậy? Cùng với bài thơ Con đường ấy, Cuộc chia ly màu đỏ xuất hiện thường xuyên trong hầu hết các tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại, chứng tỏ sức sống và vẻ đẹp trường tồn của nó. Vì sao?
    Bài thơ được viết vào năm 1964, năm đầu tiên giặc Mỹ đem máy bay đánh phá miền Bắc. Chiến trường miền Nam đang đánh và thắng lớn, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường vào mặt trận. Những cuộc chia tay, tiễn đưa người lính ra chiến trường diễn ra từng ngày, từng giờ, làm xao xuyến trái tim thi sĩ. Nguyễn Mỹ đã chọn đúng thời điểm này để viết bài thơ, Cuộc chia ly màu đỏ như là một tất yếu khách quan. Ngay từ cái "tít" bài thơ đã khác người, đã làm cho bạn đọc phải sửng sốt. Sao lại "chia ly"? Hai từ này là hai từ tuyệt đối "cấm kỵ" trong thời buổi đó. Chỉ có thể nói tạm biệt, chia tay, chúc chân cứng đá mềm và hẹn ngày gặp lại... chứ sao lại nói "chia ly"?
    Vậy mà Nguyễn Mỹ vẫn gan góc viết là "Chia ly". May sao, đó là cuộc "chia ly màu đỏ". Một cuộc chia ly có màu, màu đỏ, vừa là cái giá đỡ, cái khiên che, vừa là một ẩn dụ đầy linh nghiệm.
    Nhân vật trữ tình - nhà thơ - ở đây là nhân vật thứ ba, là người quan sát. Nhà thơ cảm thấy, trong cuộc chia ly này, mình phải là kẻ khách quan, là người quan chiêm mới thỏa đáng, và ngầm tuyên bố rằng: Hỡi các bạn, tôi là kẻ đứng ngoài đấy nhé! Bất chợt trưa nay, Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu bỗng nắng vàng lên rực rỡ, tôi vô tình lạc bước vào công viên và chợt bắt gặp một cô áo đỏ tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa. Chỉ vừa thoạt nhìn thôi, nhà thơ đã xúc động rồi, và ngay lập tức, nhà thơ định danh cho cuộc chia ly ấy: Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ tươi như cánh nhạn lai hồng! Rồi, như một ống kính máy quay, cái nhìn của nhà thơ bỗng "Zoom" vào cận cảnh:
    Chiếc áo đỏ rực như than lửa
    Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
    Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
    Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
    rồi vào đặc tả:
    Không che được nước mắt cô đã chảy
    Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
    Và, vì là nhà thơ nên ông có ngay một lời bình về những giọt nước mắt kia, những giọt nước mắt như những hạt ngọc đang "chảy trên bình minh hé giữa làn môi/ Và rạng đông đang hừng trên nét mặt/ Một rạng đông với màu hồng ngọc".
    Ống kính máy quay của nhà thơ vẫn hướng theo họ với một cú "lia" toàn cảnh và thấy:
    Cây si xanh gọi họ đến ngồi
    Trong bóng rợp của mình...
    Họ ngồi dưới bóng rợp của cây si để nói với nhau chuyện gì thì nhà thơ không biết. Vì vậy, bằng vào cảm xúc của mình, ông tưởng tượng câu chuyện hai người đang nói với nhau và đinh ninh rằng nhất định là họ đang nói tới ngày mai :
    Ngày mai sẽ là ngày sum họp
    Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp
    Ống kính lơ đãng chiếu lên vòm cây và thấy "Nắng vẫn còn ngời trên những mắt lá si" nhưng "người chồng ấy đã ra đi..." Khi ống kính quay trở lại, người thiếu phụ chỉ còn lại một mình trong vườn hoa và nhà thơ nghe phảng phất đâu đây trong tiếng gió:
    Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
    Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
    Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
    "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau!"
    Tới đây, cuốn phim của nhà thơ đã hết. Nhưng là người "quay phim", nhà thơ phải viết tiếp lời bình cho cuốn phim hoàn chỉnh. Và nhà thơ đã bình những hình ảnh kia thấm thía đến tuyệt vời:
    Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
    Cái màu đỏ như (cái) màu đỏ ấy
    Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
    Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
    Sẽ là ánh lửa hồng bên bếp
    Một làng xa giữa đêm gió rét...
    Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
    Như không hề có cuộc chia ly!...
    Như vậy, bài thơ là một cuốn phim tài liệu (hay phóng sự?) và những lời bình. Cái vẻ tưng tửng khách quan này làm lòng người rướm máu, nhưng cũng làm chợt thức một ý chí kiên cường! Cả bài thơ là một bức tranh theo trường phái ấn tượng, đầy màu sắc, tràn ngập màu sắc, với một gam màu nóng, rực rỡ đến chói gắt. Bạn yêu thơ, bạn hãy tính xem, có bao nhiêu màu sắc trong bài thơ này? Ở phương diện ấy, Nguyễn Mỹ chính là một họa sĩ, họa sĩ của ngôn từ! Tôi mong muốn biết bao, các họa sĩ của chúng ta, hãy vẽ một bức tranh với chủ đề Cuộc chia ly màu đỏ.
    Vậy, cái tài tình của bài thơ chính là trong thơ có họa, trong thơ có phim, trong thơ có truyện, và trong thơ là... thơ!
    Và Nguyễn Mỹ - với tư cách chiến sĩ - đã lấy máu của chính mình để bảo hiểm cho những dòng thơ ấy.
    Hà Nội, 3-2005
    ________________________________________
  8. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Bạn thân mến!!
    1. Thứ tự sắp xếp này như đã nói ko mang tính chất hay dở mà nó được sắp xếp theo tên tác giả dựa vào bảng chữ cái mờ.
    2. Bài Nguyên Tiêu đứng đầu tiên ko hẳn do bài thơ hay nhất (cũng là quan điểm của tôi) mà chỉ đơn giản là sự kính trọng dành cho người làm ra bài thơ thôi.
    3. Nếu là tôi ngẫu hứng post theo sở thích của tôi thì sợ rằng sẽ có rất nhiều bài sẽ ko có đâu nhé!!
    4. Các bạn nên mở lòng đón nhận sự bình chọn này và nên cảm nhận nó theo nhiều chiều.
    6. Hãy cổ vũ cho mọi người đã và sẽ gửi những bài thơ đó để mọi người cùng biết và bình luận.
    Được nhl81 sửa chữa / chuyển vào 12:41 ngày 26/03/2007
  9. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Dặn con
    TRẦN NHUẬN MINH
    Chẳng ai muốn làm hành khất
    Tội trời đày ở nhân gian
    Con không được cười giễu họ
    Dù họ hôi hám úa tàn
    Nhà mình sát đường, họ đến
    Có cho thì có là bao
    Con không bao giờ được hỏi
    Quê hương họ ở nơi nào
    Con chó nhà mình rất hư
    Cứ thấy ăn mày là cắn
    Con phải răn dạy nó đi
    Nếu không thì con đem bán
    Mình tạm gọi là no ấm
    Ai biết cơ trời vần xoay
    Lòng tốt gửi vào thiên hạ
    Biết đâu nuôi bố sau này...
    Cửa Lục Thủy 13?"11?"1991
  10. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Hội Lim
    VŨ ĐÌNH MINH
    Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
    Nên hội này nghe hát chẳng vô tư
    Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
    Hát đắm say cho đứt ruột gan người
    Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
    Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
    Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
    Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi.

Chia sẻ trang này