1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tập thơ "100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ 20"

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi hoangvan09, 06/03/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Khóc người vợ hiền
    TÚ MỠ
    Bà Tú ơi! bà Tú ơi!
    Té ra bà đã qua đời, thực ư?
    Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
    Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
    Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
    Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai.
    Ðâu bóng dáng con người thùy mị,
    Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
    Vẫn còn khỏe mạnh, vui tươi
    Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh
    Nhìn sau lưng, vô tình cứ ngỡ
    Một cô nào thiếu nữ thanh tân
    Vậy mà cái chết bất thần
    Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!
    Kể từ thuở đôi ta kết tóc,
    Thắm thoắt gần năm chục năm qua
    Thủy chung chồng thuận vợ hòa
    Gia đình hạnh phúc, thật là ấm êm
    Tôi được bà vợ hiền thuần thục
    Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
    Ðôi ta cùng một cảnh nghèo
    Ðạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
    Nhớ khi giường bệnh đã nằm
    Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
    "Tôi mà chết thì ông sẽ khổ
    Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
    Xưa nay con cái nuôi cha
    Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông"
    Bà ơi! hãy dầu lòng yên dạ
    Giấc nghìn thu cho thỏa vong hồn
    Bà đi, đã có dâu con
    Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.
    Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
    Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh
    Khổ khi thức giấc tàn canh
    Bên giường trống trải một mình nằm trơ
    Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
    Pha ấm trà chén nước mời nhau
    Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
    Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi...
    Khổ những lúc ra sân, mê tỉnh
    Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang
    Mà bà khuất núi cho đang
    Qủa cau tươi, lá trầu vàng ai xơi?
    Khổ trông thấy cái cơi còn đó
    Ðã khô trầu, khô vỏ, khô cau
    Ba thước đất đã vùi sâu
    Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
    Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng
    Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
    Không ngờ con tạo cơ cầu
    Bà đi, để tủi để sầu cho tôi
    Ôi! duyên nợ thế thôi là hết
    Năm mươi năm thắm thiết yêu nhau!
    Bà về trước, tôi về sau
    Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
    Bà đi rồi nhưng tôi phải ở
    Công việc đời còn dở tí thôi
    Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi
    Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Cuộc chia ly màu đỏ
    NGUYỄN MỸ
    Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
    Tươi như cánh nhạn lai hồng
    Trưa một ngày sắp ngả sang đông
    Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
    Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
    Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
    Chồng của cô sắp sửa đi xa
    Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
    Chiếc áo đỏ rực như than lửa
    Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
    Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
    Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
    Không che được nước mắt cô đã chảy
    Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
    Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
    Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
    Một rạng đông với màu hồng ngọc
    Cây si xanh gọi họ đến ngồi
    Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai...
    Ngày mai sẽ là ngày sum họp
    Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
    Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
    Và người chồng ấy đã ra đi...
    Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
    Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
    Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
    "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau..."
    Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
    Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
    Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
    Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
    Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
    Một làng xa giữa đêm gió rét...
    Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
    Như không hề có cuộc chia ly...
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Quê Hương
    GIANG NAM
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
    "Ai bảo chăn trâu là khổ?"
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.
    Những ngày trốn học
    Ðuổi **** cầu ao
    Mẹ bắt được..
    Chưa đánh roi nào đã khóc!
    Có cô bé nhà bên
    Nhìn tôi cười khúc khích..
    Cách mạng bùng lên,
    Rồi kháng chiến trường kỳ
    Quê tôi đầy bóng giặc
    Từ biệt mẹ, tôi đi
    Cô bé nhà bên - (có ai ngờ)
    Cũng vào du kích
    Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
    Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
    Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
    Ðơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
    Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
    Hòa bình tôi trở về đây
    Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
    lại gặp em
    Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
    Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
    Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
    Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
    Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...
    Hôm nay nhận được tin em
    Không tin được dù đó là sự thật!
    Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
    Chỉ vì em là du kích, em ơi!
    Ðau xé lòng anh, chết nửa con người!
    Xưa yêu quê hương vì có chim có ****
    Có những ngày trốn học bị đòn, roi...
    Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
    Có một phần xương thịt của em tôi.
    __________________
  4. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Thị Màu
    ANH NGỌC
    Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
    Làm điên đảo những phông màn khép mở
    Người táo bạo
    Người không hề biết sợ
    Người chưa từng lùi bước trước tình yêu
    Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
    Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
    Người trung thực đến không cần giấu giếm
    Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa
    Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
    Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
    Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
    Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi
    Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
    Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
    Người chịu hết mọi thói đời độc địa
    Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung
    Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
    Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
    Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
    Người đi qua sân khấu tới đời thường
    Người sống trong hơi thở của nhân dân
    Mấy trăm năm ai để thương để giận
    Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
    Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời
    Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người
    Được sống đúng với lòng mình thực chất
    Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
    Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu
    Những cánh màn đã khép lại đằng sau
    Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
    Bao Thị Màu đã trở về đời thực
    Vị táo còn chua mãi ở đầu môi .
  5. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Nhớ
    HỒNG NGUYÊN
    Lũ chúng tôi
    Bọn người tứ xứ
    Gặp nhau hồi chưa biết chữ
    Quen nhau từ buổi "một hai"
    Súng bắn chưa quen
    Quân sư mươi bài
    Lòng vẫn cười vui kháng chiến.
    Lột sắt đường tàu
    Rèn thêm dao kiếm
    Áo vải chân không
    Đi lùng giặc đánh
    Ba năm rồi gửi lại quê hương
    Mái lều gianh
    Tiếng mõ đêm trường
    Luống cày đất đỏ
    Ít nhiều người vợ trẻ
    Mòn chân bên cối gạo canh khuya
    Chúng tôi đi
    Nắng mưa sờn mép ba lô
    Tháng năm bạn cùng thôn xóm
    Nghỉ lại lưng đèo
    Nằm trên dốc nắng
    Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
    Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
    - Đằng nớ vợ chưa?
    - Đằng nớ?
    - Tớ còn chờ độc lập!
    Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
    Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...
    Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
    Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
    Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
    Tôi nhớ bờ tre gió lộng
    Làng xuôi xóm ngược, mái rạ như nhau
    Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
    Có tiếng gà gáy xóm
    Có "khai hội, yêu cầu, chất vấn"
    Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa
    Trăng lên tập hợp hát om nhà...
    Tôi nhớ
    Giường kê cánh cửa
    Bếp lửa khoai vùi
    Đồng chí nứ vui vui
    Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
    Đồng chí mô nhớ nữa
    Kể chuyện Bình Trị Thiên
    Cho bầy tôi nghe ví
    Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
    - Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
    Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri!
    Đêm đó chúng tôi đi
    Nòng súng nghiêng nghiêng
    Đường mòn thấp thoáng...
    Trong Điếm nhỏ mươi người trai tráng
    Sờ chuôi lựu đạn
    Ngồi thổi nùn rơm
    Thức vừa rạng sáng
    Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi...
    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ri
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    "Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc"!
    1948
    Lời bình của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn
    Ngay từ khi mới xuất hiện, Nhớ của Hồng Nguyên đã trở thành một hiện tượng, một sự kiện, được lan truyền rộng rãi và bám vào trí nhớ của nhiều người, nhiều lớp người dọc theo năm tháng.
    Vì sao bài thơ lại có sức ám ảnh và vang động như vậy trong lòng người đọc? Lý giải điều đó tưởng không dễ dàng, song không phải là không làm được, nhất là sau hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày bài thơ ra đời. (1948?)
    Bài thơ có tất cả 62 dòng thơ, dòng dài nhất có 10 chữ (Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa), dòng ít nhất có hai chữ (- Đằng nớ? ) và được chia làm ba khổ thơ mạch lạc, khúc triết, có mở có khép và có phát triển ở khoảng giữa thân bài. Cả bài thơ giống như "kịch bản phân cảnh" của một bộ phim tài liệu, nói về một cuộc hành quân chiến đấu của những người lính Vệ quốc đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
    Vậy trong đoàn quân ấy có bao nhiêu người, họ là những ai? Vào đầu bài thơ, nhà thơ không ngần ngại, giới thiệu luôn:
    Lũ chúng tôi
    Bọn người tứ xứ
    Gặp nhau hồi chưa biết chữ
    Quen nhau từ buổi "một, hai"
    Súng bắn chưa quen
    Quân sư mươi bài
    Rồi nhà thơ hồn nhiên hạ ngay một lời bình về tinh thần đoàn quân ấy:
    Lòng vẫn cười vui kháng chiến
    Thế đấy, chúng tôi tự giới thiệu về chúng tôi như thế đấy! Số lượng của chúng tôi không được công bố cụ thể (có lẽ vì bí mật quân sự), nhưng chúng tôi khá đông đảo (lũ, bọn) và trình độ văn hóa còn thấp (chưa biết chữ), trình độ quân sự cũng chưa cao (súng bắn chưa quen), song chúng tôi có nhiệt tình cách mạng, có ý chí chiến đấu và rất lạc quan (lòng vẫn cười vui kháng chiến).
    Bằng giọng tự trào đầy hóm hỉnh, nhà thơ đã tự giới thiệu về đồng đội của mình vừa chuẩn xác, vừa chân thành và đáng yêu biết bao. Những con người ấy vừa từ luống cày bước ra, từ sau lũy tre làng bước tới cũng hệt như những người chiến sĩ trong thơ Chính Hữu, từ nước mặn đồng chua, từ đất đồi cày lên sỏi đá, tụ tập về đây theo một tiếng gọi thiêng liêng và trở thành đồng đội. Ngoài tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, họ hầu như chả có trang bị, vũ khí gì đáng kể:
    Lột sắt đường tàu
    Rèn thêm dao kiếm
    Áo vải chân không
    Đi lùng giặc đánh...
    Tôi không có cứ liệu trong tay để chứng minh bài thơ được viết vào năm 1948, nhưng tôi có câu thơ của Hồng Nguyên nói rõ điều đó:
    Ba năm rồi gửi lại quê hương
    Nếu tính từ mùa Thu Tháng Tám 1945, ba năm rồi gửi lại quê hương , ắt phải là năm 1948, mà cũng mùa thu nữa kia. Sao vậy? Bởi vì đến những ngày kỷ niệm cách mạng, các nhà thơ mới hay làm thơ! Thơ để in báo, thơ để tuyên truyền, cần phải trúng dịp, chứ sao!
    Trong cuộc hành quân liên miên của đoàn quân ấy, thỉnh thoảng trong tâm trí mỗi người, hình ảnh quê là cũng hiện lên trong nỗi nhớ:
    Mái lều gianh
    Tiếng mõ đêm trường
    Luống cày đất đỏ
    Ít nhiều người vợ trẻ
    Mòn chân bên cối gạo canh khuya
    Nói theo ngôn ngữ điện ảnh, đây là một cảnh phim "phục hiện" có sức khái quát và ám ảnh rất cao. Cú máy đặc tả gót chân người vợ trẻ:
    Mòn chân bên cối gạo canh khuya
    Cái tình thương nhớ thiết tha đau đáu chỉ diễn tả bằng hình, một khuôn hình đặc tả, tài vậy thay! Và đây là phim câm, phim không lời!
    Cuộc hành quân vẫn tiếp tục, với những gian khổ, nhọc nhằn, nhưng cũng đầy lạc quan phấn khởi, có khi còn thơ mộng nữa, nếu như được nhìn thấy "mấy o thôn nữ cuối nương dâu", nếu như, vào lúc nghỉ ở lưng đèo, những người lính trẻ nói chuyện bù khú về vợ con và cười sảng khoái, cười đến vang ruộng bắp:
    Chúng tôi đi
    Nắng mưa sờn mép ba lô
    Tháng năm bạn cùng thôn xóm
    Nghỉ lại lưng đèo
    Nằm trên dốc nắng
    Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
    Quờ chán tìm hơi ấm đêm mưa
    - Đằng nớ vợ chưa?
    - Đằng nớ?
    - Tớ còn chờ độc lập
    Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
    Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...
    Sang đoạn thơ thứ hai, bài thơ mở ra với những câu thơ dài rộng, thể hiện sự tiếp xúc và lớn vượt của đoàn quân với nhân dân và đất nước. Tầm mắt mở rộng hơn, tâm hồn mở rộng hơn và nhờ thế lòng lạc quan, yêu đời cũng càng thêm phơi phới. Bao nhiêu gặp gỡ, tiếp xúc, bao nhiêu cảnh sắc, nếp sinh hoạt ở từng miền quê lũ lượt ùa vào thơ như những cánh phim toàn rộng. Lời thơ thanh thoát, thảnh thơi, hơi thở điệp trùng, cuồn cuộn:
    Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
    Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
    ... Tôi nhớ bờ tre gió lộng
    Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
    Tình quân dân cá nước giản dị mà vô cùng thắm thiết, gần gũi:
    ... Có tiếng gà gáy sớm
    Có "khai hội, yêu cầu, chất vấn"
    Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa...
    Trăng lên tập họp hát om nhà.
    Bao nhiêu kỷ niệm về những làng quê, về những con người và những tấm lòng thơm thảo của những miền đất lạ đã in đậm trong tâm hồn người chiến sĩ. Những kỷ niệm ấy sẽ vĩnh viễn không phai mờ theo năm tháng, bởi vì nó cụ thể, nó hiển hiện trước mắt ta như sờ thấy được:
    Tôi nhớ
    Giường kê cánh cửa
    Bếp lửa khoai vùi
    Đồng chí nứ vui vui
    Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ...
    Tuy nhiên, đường hành quân còn dài, sau những phút giây nghỉ ngơi, đoàn quân lại lên đường, lặng lẽ vào một đêm trăng lu, "nòng súng nghiêng nghiêng, đường mòn thấp thoáng". Các anh ra đi vì nhiệm vụ nặng nề mà đất nước giao cho, nhưng tấm lòng còn ở lại:
    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    "Độc lập, nhớ rẽ viền chơi ví chắc!"
    Câu thơ ấy chợt gợi nhớ đến câu thơ rất hay, rất đồng vọng của Hoàng Trung Thông:
    Các anh đi đến khi nào trở lại
    Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong...
    (Bộ đội về làng)
    Và một cộng hưởng của thơ Hữu Loan:
    Một làng xa nho nhỏ
    Đẹp như nơi hẹn hò
    Có đôi lòng gắn bó
    Những lời chưa nói ra...
    (Những làng đi qua)
    Cái mô típ: Những người lính hành quân - Những xóm làng đi qua - Những kỷ niêm thôn làng - Hẹn ngày trở lại , ta gặp rất nhiều trong thơ kháng chiến chống Pháp thời kỳ đầu.
    Tuy nhiên, cùng mô típ ấy, ở mỗi nhà thơ thể hiện mỗi khác và có những thành công khác nhau. Với Nhớ của Hồng Nguyên, bằng việc mạnh dạn đưa ồ ạt tiếng địa phương và khẩu ngữ vào thơ, bằng việc chuyển hẳn thơ từ giọng ngâm sang giọng nói , ông đã góp phần làm cho thơ Việt chuyển hẳn sang một nội hàm và thi pháp mới.
    Chính vì vậy, bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên mãi mãi là viên ngọc sáng trong nền thi ca Việt Nam hiện đại. Điều thú vị nhất là, chỉ cần đem phân cảnh rồi quay phim, chúng ta sẽ có một bộ phim tên là Nhớ . Tôi tin là rất hay!
    Văn nghệ
  6. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Trời và Đất
    PHAN THỊ THANH NHÀN
    Chiều nay chắc giận em ghê lắm
    Anh bực mình triết lý lung tung
    Hai đứa ta như trời với đất
    Tính tình sao xung khắc vô cùng
    Vâng, trời đất chẳng hề thân thiết
    Và tính tình có giống nhau đâu
    Trời vui buồn ồn ào lộ liễu
    Đất trầm tư suy nghĩ trước sau
    Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế
    Em cũng chẳng là trời đất gì đâu
    Nhưng anh có biết không? trời đất
    Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau
    Nhưng trời đất dẫu cao xa ***g lộng
    Tính vẫn thường bồng bột đổi thay
    Khi giận dữ bão nghiêng đất lở
    Bão tan rồi trời xanh ngây thơ
    Đất khiêm nhường màu xanh lay động
    Và thẳm sâu lặng lẽ sinh sôi
    Trên mặt đất chính là cuộc sống
    Có cần chi biện bạch nhiều lời.
    __________________
  7. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Người đàn bà ngồi đan
    Ý NHI
    Giữa chiều lạnh
    một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
    vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
    vội vã như thể đó là lần sau chót
    Không thở dài
    không mỉm cười
    chị đang giữ kín đau thương
    hay là hạnh phúc
    lòng chị tràn đầy niềm vui
    hay là ngờ vực
    Không một lần chị ngẩng nhìn lên
    chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
    hay sau buổi chia ly
    Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo
    trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng
    Giữa chiều lạnh
    một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
    dưới chân chị
    cuộn len như quả cầu xanh
    đang lăn những vòng chậm rãi
    1984
  8. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Nhớ máu
    TRẦN MAI NINH
    Ơ cái gió Tuy Hoà?
    Cái gió chuyên cần
    Và phóng túng.
    Gió đi ngang, đi dọc,
    Gió trẻ lại - lưng chừng
    Gió nghỉ,
    Gió cười,
    Gió reo lên ***g lộng.
    Tôi đã thấy lòng tôi dậy
    Rồi đây
    Còn mấy bước tới Nha Trang
    - A, gần lắm!
    Ta gần máu,
    Ta gần người,
    Ta gần quyết liệt.
    Ơi hỡi Nha Trang!
    Cái đô thành vĩ đại
    Biết bao người niệm đọc tên mi.
    Và Khánh Hoà vĩ đại!
    Mắt ta căng lên
    Cả mặt
    Cả người,
    Cả hồn ta sát tới
    Nhìn mi!
    Ta có nhớ
    Những con người
    Đã bước vào bất tử!
    Ơ, những người!
    Đen như mực, đặc thành keo
    Tròn một củ
    Hay những người gầy sắt lại
    Mặt rẹt một đường gươm
    Lạnh gáy,,,
    Lòng bàn tay
    Khắc ấn chuỗi dao găm.
    Chân bọc sắt,
    Mắt khoét thủng đêm dày
    Túi chứa cả Nha Trang? họ bước
    Vương Gia Ngại? Cung Giũ Nguyên
    Chút chít Hoàng Bá San? còn nữa!
    Cả một đàn chó ghẻ
    Sủa lau nhau
    Và lần lượt theo nhau
    Chết không ngáp!
    Dao găm để gáy,
    Súng màng tang
    Ồng ộc xối đầy đường máu chó.
    Chúng nó rú.
    Cả trại giặc kinh hoàng
  9. fonzi

    fonzi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/04/2006
    Bài viết:
    183
    Đã được thích:
    0
    Bài này không xứng đáng chút nào! Low blow! Có ai biết tiểu sử của cha Ninh này không? Post lên hộ tớ phát. Cảm ơn!
    Fonzi
  10. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Mây và bông
    NGÔ VĂN PHÚ
    Trên trời mây trắng như bông,
    Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây
    Những cô má đỏ hây hây
    Đội bông như thể đội mây về làng.

Chia sẻ trang này