1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tây bắc group: Nhật ký những chuyến đi - Mục lục trang 1: Thư viện bản đồ trang 44

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi tabalo, 11/09/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Một điểm đặc biệt khác của chùa Tây Tạng là ?~ chuyển pháp luân ?~. Những chuyển pháp luân này là những ống trụ có tay quay, đặt khắp nơi, trên các sân, trong chùa, thậm chí là ở trên mái của tu viện, mạ vàng lóe mà ngay từ xa hàng cây số đã nhìn thấy. Chuyển pháp luân, theo ẩn dụ nhà Phật nghĩa là đưa vào vận hành các sức mạnh của quy luật vũ trụ và đạo lý. Mỗi khi quay bánh xe này, người ta đã, không chỉ về hình thức, mà trong tâm đã lặp lại một thức của Phật tổ hàng ngàn năm trước, là quay bánh xe vận hành vũ trụ, và như vậy, nhiều lúc chuyển pháp luân không còn là một cái gì thần bí của tín ngưỡng nữa, mà đã được đưa vào đời sống hằng ngày, chẳng hạn như họ đem pháp luân xa về suối nước tưới cho đồng ruộng nhà mình là một hình thức cầu nguyện, tương tự như cầu cho mưa thuận gió hòa ở ta.
    Nguyên gốc trên các chuyển pháp luân có các lời cầu nguyện, và không chỉ thế, lời cầu nguyện này còn được viết ra giấy đặt ở bên trong. Chuyển pháp luân rất dễ quay, chỉ cần đụng nhẹ vào là nó chuyển động và dường như cùng với sự vận hành của nó, những lời cầu nguyện đã được đưa lên trời. Tuy nhiên, giờ đây, những chuyển pháp luân ở tu viện không còn có những lời cầu nguyện bên trong nữa. Có lẽ trong năm tới, những đạt lai lạt ma sẽ thay thế phương thức thông tin cổ điển đó bằng email hoặc di động cho nhanh và tiện. Và để đáp ứng nhu cầu lớn lao của công chúng ( Mass media ), một chuyển pháp luân khổng lồ cũng được dựng nên ở trong khu phố cổ Shangri-La, trong một ngôi chùa nằm trên đồi, to như ngọn đèn biển !
    Đã hết giờ cầu nguyện, các nhà sư mặc áo đỏ thẫm chậm rãi lui về nơi ở của mình. Những bóng đỏ lặng lẽ đi bên những ngõ tường đất dài dằng dặc. Khi xưa, đã có lúc ở tu viện Song Zhanglin đã có tới 1200 nhà sư tu hành còn giờ đây, chỉ khoảng vài trăm, trong đó, có không ít là những nhà sư tu tại gia và chỉ lên tu viện vào những dịp nào đó.
    Chia tay với tu viện, cuộc hành trình của chúng tôi lại tiếp tục. Từ đây hành trình sẽ toàn là đèo dốc kinh hoàng mà hầu hết là trên 3000 mét. Từ độ cao 3300 của Shangrila, chúng tôi sẽ vượt một con đèo dài chừng 80 km mà độ cao lớn nhất là 3600 m, sau đó, tụt xuống một thị trấn của người Tạng tên là Benzilan để ăn trưa. Benzilan ở độ cao chỉ có 1968 mét, nằm sát bên dòng sông Dương tử, ở khúc này có tên là Kim sa ( Jinsha ) nghĩa là cát vàng. Benzilan là điểm nghỉ duy nhất có quán xá, khách sạn giữa Đức khâm ( Deqin ) và Shangrila, do vậy ở đây rất đông đúc. Benzilan nằm tụt xuống dưới một khe núi của những dãy núi sắc nhọn và cằn cỗi.
    Chuyển pháp luân quay tay.
    [​IMG]
    Còn đây là chuyển pháp luân chạy điện
    [​IMG]
  2. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Ở Việt nam, trong các hành trình bằng xe máy của mình, nhóm Tây bắc đã nhiều lần vượt trên những con đèo cao và phóng khoáng, những con đèo có độ cao tới gần hai nghìn mét như Ô quy hồ, và có những khe núi sâu tới cả nghìn mét như khe núi sông Nho quế ở Đồng văn. Thế nhưng, đây là lần đầu chúng tôi có dịp qua những con đèo cao thế. Chênh lệch đỉnh đèo và Benzilan tới 1700 mét. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Kim sa nhỏ như một sợi chỉ, thoắt ẩn thoắt hiện.
    Cách Benzilan khoảng 20 km về phía bắc, nằm ngay trên đường là O me ga corner. Dòng sông Kim Sa chảy đến đây thì uốn vòng quanh một quả núi tròn xoe tạo thành chữ ". Nhìn từ khoảng cách 500 m, chữ " tròn trĩnh, cân đối như thể nhân tạo chứ không phải là thiên tạo. Trên nền nâu thẫm của đồi núi, dòng sông xanh ngắt như một nét phết của bức thủy mặc thiên nhiên.
    Đi tới hàng chục cây số dọc hành trình này, mới có thể nhìn thấy một xóm làng nho nhỏ của người Tạng. Còn lại, chỉ toàn núi thẳm và núi thẳm. Không một bóng dáng của cây cối. Núi cằn cỗi, dốc đứng, cao từ 3000-4000 mét. Núi tiếp núi. Núi trùng trùng điệp điệp. Nhìn núi dường như không mang trên mình một chút sự sống. Chiếc xe cứ đi, cứ đi và khi bạn choàng tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn, hình ảnh trong mắt bạn vẫn là núi giống hệt như núi mà bạn đã nhìn thấy cách đó một giờ. Bạn chợt tự hỏi mình liệu thời gian có trôi đi trên miền núi cao liền trời này ?
    Những xóm làng nho nhỏ quây quần với nhau trong một khe khuất gió nào đó. Nhà được xây hai tầng, tầng dưới có một sân nhỏ cũng có mái vòng xung quanh và mở ra ở giữa. Trong sân nhỏ này, người ta dùng làm chỗ nhốt gia súc còn mái của nó lại thành cái sân nhỏ trên tầng hai, nơi người ta kê bàn ghế hóng gió trời và là nơi sinh họat chung của gia đình. Nhà đắp bằng đất nện, tường dày tới gần mét và chắc nình nịch. Mái nhà thường là mái bằng và cũng làm bằng đất nện. Một đôi chỗ có mái bằng ván gỗ thì phải dùng đá chặn ở trên để gió khỏi thổi bay mất. Những ô cửa sổ nho nhỏ màu sắc rất sặc sỡ nổi bật trên nền tường màu trắng. Hầu như trên các mái nhà, đều thấy một cột nhỏ, treo những dây cờ xanh đỏ. Dây cờ này chính là một cách cầu nguyện của người Tạng và không chỉ nhìn thấy ở nhà mà ở các chùa chiền hoặc bảo tháp, gặp rất nhiều trên đường đi.
    Gia súc nuôi có nhiều loại như la, ngựa và đặc biệt nhất là trâu lùn. Những chú trâu đen nhánh lông mượt mà dài phủ đến tận đầu gối và nhìn thoáng qua thì giống con bò tót hơn. Những chú trâu trông rất đáng yêu này là một hình ảnh đặc trưng của Tây Tạng. Trâu cung cấp sữa, da để may quần áo chống lại cái lạnh băng giá của miền đất cao nhất thế giới. Sữa trâu là đồ thực phẩm khá đặc biệt. Người Tây tạng có một loại đồ uống của riêng mình là trà Tây Tạng. Trà này, pha với bơ từ sữa trâu, muối. Vị nguyên thủy của nó chát chát, gây gây và không phải là dễ uống. Thế nhưng, món uống dân gian của người Tạng này lại là thứ thực phẩm không thể thiếu. Không chỉ cung cấp năng lượng và dinh dưỡng ở nơi lạnh giá này, nó còn đem lại sự sảng khoái, hưng phấn để những con người trở nên mạnh mẽ và phóng khoáng như thiên nhiên nơi đây. Mặc dù trà không được trồng được ở Tây Tạng, nhưng với vị thế là điểm dừng chân trên con đường tơ lụa nổi tiếng, hay ở đây còn được biết đến như đường mã trà ( tea ?" horse ), nghĩa là tuyến vận tải bằng ngựa chở trà sang Trung Á, người Tây Tạng đã kết hợp giữa trà của miền xuôi với sữa trâu của mình thành một đồ uống đặc trưng của mình.
    Xa xưa, một trong những sản phẩm kỳ lạ không thể bỏ phí của trâu lùn là phân trâu. Phân trâu ở đây, nhờ khí hậu khô nên không có mùi , cứng như gỗ và cũng ít vi khuẩn. Đất đai khô cằn nên rất hiếm cây cối, nếu có thì cũng chỉ là những bụi nhỏ nên rất nhiều vùng không có gỗ. Do vậy phân trâu, phân ngựa và gia súc khác là nhiên liệu rất tốt để sưởi ấm. Ngày nay, các nguồn năng lượng khác như gas, điện đã được cung cấp cho người dân. Trong nhà, những bếp lò đốt bằng phân trâu đã được thay thế bằng tấm chăn điện nhỏ nhẹ mà bạn có thể thấy ở khắp các khách sạn.
  3. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Đường càng ngày càng cao. Đột nhiên, một đụn băng bên đường. Phải nói là cảm xúc của chúng tôi thật là mãnh liệt. Mới hôm trước, chúng tôi đã mất cả ngày trời lắc lư trên lưng ngựa chỉ để tìm thấy băng và tuyết trên ngọn Ngọc Long tuyết sơn và để rồi thất vọng thì bây giờ, băng lại có ngay trên đường ô tô. Nước rỉ ra từ một mạch nước nhỏ xíu rồi cứ tràn lên, đông lại, tràn lên rồi lại đông lại, dần dần thành một đụn băng lớn tướng. Lủng sư phụ, tay lái xe tốt bụng cứ tủm tỉm cười, ý chừng định nói gì nhưng rồi lại không biết diễn đạt thế nào nên lại thôi. Y mặc cho chúng tôi tha hồ nghịch với cái đụn băng bên đường, đứng nhìn trời, nhìn mây.
    Con đường vẫn lên tiếp tục. Độ cao đã lên quá 3500 mét, rồi 3700, 3900 nhưng con đường vẫn không có vẻ là sẽ đi xuống. Vượt qua một khúc quanh thì chao ôi, tuyết trắng phau phau. Đối với những người ở miền nhiệt đới chúng ta thì tuyết thật là quá quý. Đã không biết bao nhiều lần chúng tôi đã đuổi nhau với tuyết ở Sapa, ở Mẫu sơn, mong muốn được chơi đùa với những bông tuyết nhưng rồi lần nào tuyết cũng chỉ lờn vờn xuất hiện trên nhưng hoa tuyết hiếm hoi ở bản tin dự báo thời tiết. Thế mà đến đây, cả một đồi tuyết trắng phau, mơn man chạy tới tận chân trời. Xa xa là những núi tuyết. Và để làm cho bức tranh tuyết thêm phần lãng mạn, đôi chỗ, những dòng sông băng đột ngột chảy ra. Lạnh lẽo và trong suốt, dòng nước bị đông cứng thành dòng băng, vẫn còn nguyên những gợn sóng nước như vừa mới bị đông lại. Dù trời nắng và nhiệt độ cao tới 12 độ C, dòng sông cũng không bị tan chảy vì khoảnh khắc ngắn ngủi của mùa hè kia không thắng nổi cái băng giá của mùa đông, mỗi khi màn đêm buông xuống.
    Một dòng sông băng như vậy tràn qua một con đường nhỏ, chạy song song với con đường chính. Khi mùa hè, đây là một bờ tràn nhỏ, nhưng nay nước đã đông cứng lại thành một sân trượt băng mini. Sân trượt này đã cắt ngang con đường và không cho ô tô hoặc phương tiện gì có thể vượt qua để vào được các làng mạc sâu trong núi. Tuy vậy, nó lại đem lại cho chúng tôi niềm vui thú vô cùng, nếu so sánh với sự thích thú mà chúng tôi có được khi nhìn thấy những giọt băng mảnh mai trên con đường chinh phục Fansipan năm trước thì niềm vui từ đây thật là khổng lồ. Lủng sư phụ, giờ đây như thở phào vì những gì mình không thể nói ở đoạn trước, nay đã được diễn tả.
    [​IMG]
    Đường đèo lại lên nữa. Độ cao tăng dần lên quá 4000 mét rồi dừng lại ở 4300m. Đây gọi là đèo Baima, đỉnh đèo cao nhất trong các con đèo của Vân Nam. Từ đỉnh đèo này đi chừng chục cây số là tới khu bảo tồn thiên nhiên Baima, với núi tuyết Baima cao tới 5396 mét. Sống núi này chạy chếch theo hướng Bắc Nam, là nơi phân nước cho hai dòng sông , tả ngạn là Dương tử và hữu ngạn là sông Mê Kông, mà ở đây gọi là Lan thương ( Lancang river). Baima cũng nổi tiếng với quần thể động thực vật phong phú được ghi trong sách đỏ như khỉ vàng Vân Nam, gấu nâu và cáo đỏ chỉ sống từ độ cao 3200 đến 4000 mét... Baima cũng là nơi treking khá thú vị của dân outdoor, với địa hình, cảnh quan phong phú. Từ vị trí đỉnh đèo có thể nhìn thấy ba khối núi với ba sắc độ hoàn toàn khác biệt. Các đỉnh núi tuyết phía tây trắng tóat, núi đá đằng bắc do mặt trời chiếu hướng Tây Nam thẳng vào nên không có tuyết bám, xám tro trong khi đó, dãy núi phía nam ăn vào mạn núi đất ở dưới lại có màu đỏ nâu. Không khí trên đỉnh loãng nhưng do chúng tôi thay đổi độ cao từ từ nên cơ thể đã kịp thích nghi, khác hẳn với những người bay từ Côn Minh lên Lasha ( 3650m) ở Tây Tạng, sự thay đổi đột ngột của độ cao đã làm cho nhiều người mất cân bằng tới vài ngày.
    [​IMG]
  4. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Hết núi tuyết Baima là đến núi tuyết Meily. Vân Nam có nhiều hệ thống núi tuyết. Ngọc Long ở Lệ Giang, tiếp theo là Ha ba gần Zhongdian, lên nữa là Baima và cuối cùng, trước khi sang Tây tạng là Meily. Nếu có dịp bay từ Côn minh lên Shangrila và hơn nữa là Lasha thuộc Tây Tạng, bạn sẽ sững sờ dưới cánh bay của mình. Tầm bay thấp của tuyến bay ngắn khiến bạn gần như chạm cánh vào những ngọn núi tuyết và núi đá của miền đất cực kỳ đa dạng này.
    Tới đây cũng đã gần đến Đức khâm và con đường được đón chào với một hệ thống bảo tháp sơn trắng, ngoảnh mặt về phía núi thiêng Meily. Những tháp này là một trong những đặc trưng của hệ thống chùa chiền Tây Tạng. Tháp có đế hình vuông, tiếp lên là khối tròn, hoặc hình búp, trên nữa là 13 đĩa xếp lên nhau nhỏ dần và cuối cùng là một đĩa lớn hơn cả, trên đó đỡ những biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và lửa. Một số bảo tháp là nơi thờ tự và giữ xá lợi của các vị sư trụ trì qua nhiều đời và hầu như chỗ nào có người dân là chỗ đó có bảo tháp này. Vì dân Tạng đều theo Tạng giáo và Phật giáo nên có thể nói là khắp nơi trên đất Tạng, chúng ta có thể nhìn thấy những bảo tháp Tạng và đây cũng là một hình ảnh đặc trưng của người Tạng. Đôi chỗ bạn sẽ thấy những dây cờ chăng ngang chăng dọc khắp bảo tháp, chùa chiền, nhiều đến mức có khi bạn sẽ tưởng đây là một đống cờ. Dây cờ này chính là con đường dẫn những nguyện ước của người khẩn cầu lên trời, đến với Đức Phật thiêng liêng.
    [​IMG]
    Trời đã bắt vào tiết muộn. Vượt qua thị trấn Đức Khâm, thị trấn nhỏ nằm trên sườn một khe núi, chúng tôi tới khu đền Felin, một ngôi đền nhỏ của ngừời Tạng.
    Qua Felin chừng hơn một cây số, một quần thể các khách sạn mi ni hiện ra. Bên hữu ngạn, cảnh tráng lệ của núi tuyết Meily trong nét chiều tà. Mặt trời đang từ từ lặn xuống đằng sau dãy núi tuyết Meily.
    Nhóm các khách sạn mini này mới mọc lên như nấm, tiếp sau khi làn sóng du lịch tới Shangrila. Dăm năm trước đây, sở du lịch Đức khâm đã phải bố trí cho du khách ở trong các nhà dân vì không có đủ khách sạn. Cụm khách sạn này nằm đối diện với núi Meily, là nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp. Nghỉ đêm ở Đức khâm thì vui nhưng vì thị trấn này nằm dưới khe núi nên không có cảnh đẹp, trong khi đó ở đây, tòan cảnh dãy núi tuyết Meily hiện ra trước mắt bạn, dưới chân là dòng Lan thương mảnh như một sợi chỉ.
    Đêm trên rìa nóc nhà của thế giới. Không gian trong suốt tựa như pha lê. Độ cao cùng khí hậu khô làm cho bầu trời trở nên thăm thẳm. Mọi vì sao sáng rực rỡ hơn, to hơn, thật rõ do không bị mây, hơi nước làm nhòe đi. Vũ trụ như gần lại và nhưng cũng vì vậy, tự ta cảm thấy hoang mang và bé nhỏ hơn trước tự nhiên huyền diệu. Chỉ có dãy núi Mê Ly chắn ngang đường chân trời kia là sánh vai được với những vì sao xa xôi. Những người khách du lịch, không phân biệt quốc tịch, nam nữ, như xích lại gần nhau hơn. Và giấc mơ kéo dài giấc mơ, đưa ta vào một thế giới huyền diệu của những vì sao sáng, của dải ngân hà không mờ mờ màu sữa mà rực rỡ những chấm sáng li ti, của những nhịp đập giữa con người với thiên nhiên đang trở nên đồng điệu hơn bao giờ hết.
    Được tabalo sửa chữa / chuyển vào 10:14 ngày 22/05/2006
  5. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Thứ 6,3/2: Trở lại Shangrila ?" Xe ô tô đêm về Kunming
    Tang tảng sáng. Trời còn đang mờ tối nhưng hầu như toàn bộ khách du lịch của Đức Khâm đã có mặt ở đây. Cảnh bình minh trên Meily là cảnh đẹp hiếm có, đặc biệt là không phải lúc nào, Meily cũng sẵn sàng để cho du khách chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt đẹp của mình. Thông thường chỉ có vài chục ngày trong năm là trời trong để có thể ngắm cảnh này. Và rất nhiều đoàn khách du lịch, đã mất công đi hàng trăm cây số lên đến đây để rồi thất vọng chỉ vì không có duyên. Mặt núi nhìn về phía đông, bây giờ vẫn còn đang chìm trong bóng tối. Các tay máy ảnh, máy quay đã dựng sẵn để chờ đón giây phút mà từng ánh nắng mặt trời soi tỏ chóp tuyết. Thế rồi, lặng lẽ như bao ngày, đỉnh núi đang mờ mờ xanh bắt đầu ửng dần lên. Bình minh tươi màu cam chín, phản xạ trên nền trắng tóat của tuyết, lan dần từ đỉnh xuống đến chân, từ từ. Ở dưới, hàng trăm người đang hạnh phúc vì những hình ảnh mà họ được ngắm không dễ gì mà có được trong cuộc đời. Còn Meily thì vẫn đang rực dần lên dưới nắng mai.
    Đỉnh cao nhất của dãy núi Meily là đỉnh Kagebo, với độ cao 6740 mét, cũng là đỉnh cao nhất của tỉnh Vân Nam. Đây cũng là ranh giới tự nhiên giữa Vân Nam và Tây Tạng. Từ đỉnh núi về phía đông là Vân Nam, sang phía tây là Tây tạng. Xung quanh Kagebo là 13 đỉnh núi thấp hơn và ở chân nó có những thắng cảnh rất đẹp như hồ băng hay những thác nước đổ xuống từ độ cao nghìn mét. Meily cũng là núi tuyết duy nhất ở Vân Nam đóng băng quanh năm. Như vậy, có thể nói là băng tuyết trên đỉnh của nó đã có tuổi có thể tới hàng chục ngàn năm. Một điều ngạc nhiên khác là mặc dù ngọn Everest cao nhất thế giới đã được chinh phục từ thế kỷ trước, nhưng Kagebo chưa từng có một ai đặt chân lên đỉnh, mặc dù đã có nhiều đoàn thám hiểm của nhiều quốc gia thử chinh phục đỉnh núi này, nhưng đều thất bại và thậm chí cả nhiều hy sinh. Thời tiết khắc nghiệt cùng với những vách núi dựng đứng đã bảo vệ Kagebo thành một trong những điểm hiếm hoi trên thế giới này trước bàn chân của con người?
    ?Đây là điểm xa nhất trong hành trình của chúng tôi trong chuyến đi này. Deqin cũng là thành phố cuối cùng của tỉnh Vân Nam ở cực bắc. Từ đây đi lên chừng bảy chục cây, con đường sẽ gặp một thị trấn cuối tên là Phật sơn, nơi đó, sông Lan thương ( Mêkông ) sẽ đồng hành cùng con đường để tiến vào đất Tây Tạng. Chúng tôi cũng đã vượt hơn 1700 cây số từ Hà nội, theo trục đường xuyên Vân nam từ phía nam ( Hà khẩu ) lên phía bắc ( Deqin ), để được hít thở không khí của người Tạng, chạm vào rìa ngoài của nó và để ước mơ cho một chuyến đi sau. Giờ đây là lúc phải quay về.
    Hành trình trở lại Shangrila là một cuốn phim quay ngược. Thời gian lững lờ trôi. Bên tai hình như văng vẳng những giai điệu réo rắt và cao vút của những bài hát Tạng. Bên ô cửa kính, một thế giới như trong mơ, một thế giới của Shangrila ?" thế giới thần tiên đích thực, không phải hiện hữu như những địa danh Zhongdian mà là một thế giới kỳ diệu của những giấc mơ cũng đang rời xa dần, khuất theo từng khúc quanh của những con đèo, hạ dần từng mét độ cao đang xuống. Không khí cũng ngày một nặng hơn, nhiệt độ cũng tăng dần lên và cuộc sống của một năm sắp tới đang dần dần trở về trong ta, để lại đằng sau một ?~ đường chân trời đã mất?T?
    ?Câu chuyện của nhóm Tây bắc trong hành trình đến với xứ sở kỳ diệu đến đây là kết thúc. Những gì còn lại trên hành trình trở về quê nhà thực là bé nhỏ để có thể kể lại. Thế nhưng những gì đọng lại trong chúng tôi lại thật là lớn lao. Vân Nam còn quá nhiều điều mà chúng tôi chưa kịp khám phá, nhưng có lẽ đó lại là câu chuyện của ngày mai mất rồi!
    Lời cuối của câu chuyện, chúng tôi xin dành để cảm ơn những người bạn trên box du lịch, những người tiên phong mà nhờ sự hướng dẫn của họ, chúng tôi được biết đến một miền đất thần tiên ngay bên cạnh mình.
    NVT
    3/2006
    Được tabalo sửa chữa / chuyển vào 10:21 ngày 22/05/2006
  6. ttnemo

    ttnemo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/09/2003
    Bài viết:
    69
    Đã được thích:
    0
    Quá hay!
  7. tabalo

    tabalo Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/06/2003
    Bài viết:
    1.052
    Đã được thích:
    4
    Thông tin tham khảo :
    -         Lonely Planet
    -         Đặt vé máy bay :  www.elong.com
    -         Lệ giang : nhiều tây balo recomend
    o       Red Lantern InnNo.32 Huangshan Lower Square MarketOld Town Lijiang, YunnanEmail: rlinn@163.comMob: 13038613504 , 60 tệ / phòng đơn.
    -         Bản đồ:
    o       Internet:
    http://www.maps-of-china.net/province/yunnanm.htm
    o       Côn Minh: có tuyến xe bus , mua 4 tệ ở cửa hàng tạp hóa trong khách sạn Camellia
    o       Lệ Giang: 5 tệ, mua ở bến xe khách. Ngừời bán nói tiếng Anh.
    -         Đi lại trong các thành phố: taxi giá khoảng 8 tệ cho 2 cây đầu. Bus cũng là một lựa chọn tuy không tiện lắm nếu bạn không biết tiếng TQ và khá mất thời gian.
    -         Các số điện thoại hữu ích:
    Upon arrival in Kunming, the following numbers may be of any help for your visit there:Weather forecast of the scenic spots: 16800122Weather forecast of the major districts in Yunnan: 16800123Weather forecast of major cities in China: 16800124Zip code inquiry: 3139491Consumption complain: 12315Special telephone line for tourist complain: 96927Kunming Tourism Bureau quality supervise institute: 3164961/ 3164995
    Đến đây là hết phần nhật ký về Vân Nam, xin nhường đất lại cho bác Johny bắt đầu phần Tây Tạng.
    -------------------------------------------------------------
    TÂYBẮCGroup, nhóm du lịch bằng xe máyĐược tabalo sửa chữa / chuyển vào 14:34 ngày 01/06/2006
    Được tabalo sửa chữa / chuyển vào 14:37 ngày 01/06/2006
  8. tieukhe

    tieukhe Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/07/2005
    Bài viết:
    149
    Đã được thích:
    0
    Câu cuối cùng của bac hay nhất!
  9. tieukhe

    tieukhe Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/07/2005
    Bài viết:
    149
    Đã được thích:
    0
    Chán!
  10. tieukhe

    tieukhe Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/07/2005
    Bài viết:
    149
    Đã được thích:
    0
    Xin chào các cụ thich phiêu lưu. Nhìn mấy cái ảnh các cụ nấu nướng bằng củi rừng mới thấy chuyện du lịch kiểu này chỉ có ở Việt Nam hoặc mấy nước loạn lạc. Cháy rừng thì sao? Các cụ toàn nói hay ho mà có chuyênu sơ đẳng nhất lại không để ý.

Chia sẻ trang này