1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tây balô: Chân dung đa chiều

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi Vera_Lauriana_new, 09/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Vera_Lauriana_new

    Vera_Lauriana_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/04/2002
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    0
    Tây balô: Chân dung đa chiều

    Có cái này hay hay, mời các bác cùng đọc:

    Tây balô: Chân dung đa chiều

    Một vài anh chàng, cô nàng lêu nghêu, ăn mặc nhếch nhác, vừa đi vừa ngơ ngác ngó nhìn, tay lăm lăm một tấm bản đồ, oằn trên lưng một chiếc balô khổng lồ cao quá đầu, giày dép lấm lem. Những nhân vật như thế có thể thấy ở bất kỳ nơi nào, từ giữa đường phố nhộn nhịp cho đến nông thôn hẻo lánh. Họ là ai, người ta không cần biết, nhưng họ được gọi bằng một cái tên chung là Tây balô.

    Tây balô - Mười năm và những góc nhìn mới

    Không thể biết được ai là người đầu tiên đã gọi họ là Tây balô, nhưng bây giờ bất cứ ai cũng có thể hiểu Tây balô là ai.

    Giữa phố phường Hà Nội, ngoài biển khơi Nha Trang, hay kênh rạch miệt vườn Nam Bộ thì đành, nhưng ở tít mãi trong một bản Mù Cang Chải hay trong rừng già Hoàng Liên Sơn cao vút mấy tầng mây trắng, nơi người ta có thể chưa từng thấy ôtô, chưa từng thấy tivi, nhưng đều đã quen thấy Tây balô.

    Đã từ mươi năm nay, trong hệ thống huyết quản giao thông Việt Nam có thêm một loại hồng cầu mới, nhỏ bé ít ỏi nhưng vẫn thầm chảy, nhẫn nại, len lỏi ra đến tận những nơi xa nhất, heo hút nhất. Đó là Tây balô.

    Lúc đầu, ngay cả giữa Sài Gòn, mỗi khi Tây balô xuất hiện là hàng trăm con mắt dõi theo, ông bà già thì tò mò, trẻ con thì sợ sệt, thanh niên thì ngưỡng mộ. Một cái balô đi đến đâu là cả chục xíchlô, xe ôm nhào tới, các bà bán hàng ăn nhao nhác mời chào, trẻ con ăn xin, đánh giày bu lại, nhộn nhịp cả một khúc đường.

    Nhưng đấy là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ thấy Tây balô đi qua, người ta coi như không thấy gì. Từ anh xe ôm ế khách gà gật ngủ đến bà hàng phở vỉa hè, thấy đứa bé chạy qua còn đưa mắt nhìn chứ thấy balô là chẳng thèm nhếch môi.

    Trên các vùng biên cương rừng rú cũng vậy. Trước kia thấp thoáng balô từ xa vài cây số là dân quân đã sẵn sàng theo dõi, nay thì có anh chàng mắt xanh sống cả tuần trong cái chòi canh ngô tít trong khe núi sâu cũng chả có gì là lạ, vì đó là Tây balô, thế thôi.

    Vậy ra Tây balô khi xưa khác Tây balô khi nay dữ vậy sao? Thưa rằng không. Họ chẳng có thay đổi gì hết, chỉ có là dân ta thay đổi. Bởi vì qua năm tháng xăm xoi các kiểu, dân ta mới đồng tình phát hiện ra rằng trong cái balô kếch xù kia chẳng có đôla chi mô cả. Toàn là chăn màn quần áo hôi hám, là sách vở giày dép cũ nát nói đùa là cho không ai thèm lấy.

    Thế là dần dần Tây balô bị "mất giá" trong con mắt người dân Việt hiếu khách. Mấy cô con gái cả tin trước kia luôn sẵn sàng hãnh diện ngồi sau chiếc xe Honda cà khổ ôm eo một chàng balô áo quần nhàu nát lướt qua hàng chục đôi mắt thèm muốn của chúng bạn, nay có các vàng cũng chả dại gì mà tự làm mất giá bản thân một cách vô lý như vậy.

    Chỉ còn lại một loạt các văn phòng du lịch nghèo là đành phải nghiến răng phục vụ các thượng đế balô, dẫu trong lòng luôn ấm ức chờ ngày đủ vốn để chuyển sang nghề khác.

    Nhưng bất chấp sự thay lòng của người dân Việt, các Tây balô vẫn cứ lầm lũi vào bước trên khắp các nẻo đường, như thể chẳng có gì thay đổi. Đi chán thì họ về, và người khác lại lặng lẽ đến. Càng ngày người ta càng tìm thêm được nhiều con đường mới để mà đi và làm cho bản đồ du lịch Việt Nam ngày càng chằng chịt thêm mãi.

    Nhưng thực sự thì ngoài cái balô to tướng ra, người ta vẫn thấy khó nhận dạng xem thực sự thì Tây balô là những loại người nào, có học hay vô học, giàu hay nghèo, vì sao họ cứ đi mải miết như vậy, họ mang lại lợi ích gì và liệu có phương hại gì cho đất nước không...?

    Những câu hỏi này sẽ còn rất nhiều và thực ra rất khó trả lời, bởi một lẽ đơn giản, lúc này họ đang là Tây balô, họ tạm thời từ bỏ lối sống thường nhật để hoà vào thế giới những người vô danh đi lang thang, họ đi để ngó nghiêng thế giới chứ không phải để thể hiện mình.

    Càng gần gũi trò chuyện với họ, ta càng phát hiện ra nhiều điều thú vị và ngạc nhiên về cái thế giới Tây balô muôn màu và đa dạng này. Dưới đây là một đôi đoạn trích ra từ các cuộc nói chuyện vội vã trên các nẻo đường du lịch dọc theo đất nước.

    Cóc cần sành điệu, tớ đi kiểu Tây "nghèo"

    "Tôi tên là William Campbell, người Australia, 32 tuổi. Tôi đang chuyển chỗ làm, trong khi chờ việc làm mới, tôi đi du lịch. Tôi chỉ có hai nghìn rưỡi đô Mỹ, mua vé máy bay khứ hồi hết một nghìn sáu.

    Tôi dự tính sẽ tiêu đúng 14 đô mỗi ngày, như vậy tôi sẽ có thể đi được hai tháng qua Việt Nam, Lào và Thái Lan. Ngày nào chưa đến đêm đã tiêu hết 14 đô thì có nghĩa là đêm đó tôi sẽ ngủ ngoài trời, trong cái túi ngủ cất trong balô.

    Tôi đã đi 8 ngày ở Việt Nam và tính ra chỉ tốn trung bình có 12 đô mỗi ngày. Bây giờ đang là mùa thu, trời ấm và không có mưa, rất thuận lợi. Để tiết kiệm tiền thuê phòng và tiết kiệm thời gian, tôi thường chọn các tuyến xe chạy đêm.

    Trong 8 ngày vừa qua, chỉ có một đêm tôi ngủ trong một nhà trọ ở Hà Nội, tôi cần phải tắm rửa và duỗi lưng lấy sức. Các đêm còn lại thì 2 đêm ngủ trên tàu khi đi Sa Pa và khi về, mất 20 đô tiền vé nhưng bớt được 2 đêm tiền phòng, 2 đêm ngủ trong bản người dân tộc thì một lần mất 1 đô, một lần chủ nhà không lấy tiền, 1 đêm ngủ trong Rừng Quốc gia Cát Bà, 1 đêm ngủ ở một ngôi chùa không nhớ tên, 1 đêm ngủ trên xe bus du lịch Hà Nội - Huế.

    Tôi rất thích thú, với mức độ chi tiêu như thế này, tôi có thể kéo dài chuyến đi thêm mươi ngày nữa và sẽ đi thêm cả sang Campuchia".

    Trong thế giới muôn màu của Tây balô, những anh chàng William chi li tính toán như thế này chiếm số đông, vì thế chẳng lạ gì khi nghe các bà bán phở than phiền rằng tây đầm vào quán gọi bát phở không thịt 2 ngàn, cuối bát lại quay ra xin thêm một gắp bánh và một muôi nước dùng. Tội gì họ lại không xin thêm nước dùng, nếu vì thế mà họ có thể đi thêm mươi ngày và đến thăm thêm một đất nước nữa. Trong khi các chú sinh viên nghèo của ta, cả nhà phải nhịn ăn cho chú ra tỉnh học thì khi ăn phở, chú lại cố để thừa lưng bát bỏ đi cho nó ra dáng... sành điệu.

    Vừa đi vừa học

    Còn đây là lời kể của hai cô bé sinh viên trường cao đẳng mỹ thuật công nghiệp bang lllinoise, một cô người Mỹ, một cô người Nam Phi:

    "Trước khi nghỉ hè một tháng, chúng tôi đăng ký với nhà trường là hè này sẽ đi du lịch Trung Quốc và Việt Nam. Sinh viên được giảm 50% tiền vé máy bay, nhà trường cho nửa tiền, bố mẹ cho nửa tiền, có tiền chi tiêu chúng tôi trích ra từ học bổng và tiền kiếm thêm trong năm.

    Theo quy định của nhà trường thì khi về chúng tôi chỉ cần nộp lại vé máy bay và một bản nhận xét dài 3 trang về những gì mình nhận được trên đường đi, muốn viết gì thì viết. Các bài viết này sẽ được tập hợp trong một trang web của trường. Ai cũng muốn viết thật hay, thật độc đáo, nhưng chỉ được có 3 trang mới khó chứ.

    Trước khi đi chúng tôi đã đọc rất nhiều bài viết về hai quốc gia này của những người đã đi trước, nhưng vẫn thấy còn nhiều thứ thú vị mà chỉ có mình mới nhận ra.

    Khi vào đến Huế chúng tôi đã nảy ra chủ đề cho báo cáo là: So sánh chiếc áo dài của phụ nữ Nam Kinh (Trung Quốc) với áo dài Huế. Có thể chúng tôi sẽ so sánh cả tính cách của nữ sinh Nam Kinh và nữ sinh Huế, tuy nhiên đó chỉ là nhận xét cảm tính, có thể không chính xác, thiếu căn cứ. Chúng tôi đã mua được hai cái áo Nam Kinh và đặt may hai áo dài Huế. Vào ngày khai giảng sắp tới chúng tôi sẽ mặc áo dài đến trường".

    Trông hai cô bạn líu ríu với hai cái máy quay camera kỹ thuật số đời mới, với một túi cói đầy các đồ thủ công mỹ nghệ, vải lụa mới mua được thì có thể hiểu rằng các cô không phải con nhà nghèo, nhưng quần áo các cô lại quá nghèo. Chiếc áo mayô ba lỗ hở rốn vừa bạc vừa tuột chỉ, bên dưới là một cái khăn lanh nhàu nát cuốn quanh hông để hở cả một khúc cạp quần lót ra ngoài.

    Một cô đi dép Thái Lan, bụi đường phủ một lớp màu nâu lên quá mắt cá. Cổ chân đeo hàng chục chiếc vòng, vừa gỗ, vừa bạc, vừa thổ cẩm cũng đầy bụi đường.

    Cô em tôi cũng có thằng con trai đang học mỹ thuật công nghiệp. Hết năm thứ nhất mẹ nó vẫn đèo đến trường, chưa dám cho đi xe một mình. Hè vừa rồi đi thực địa một tuần, cu cậu bị ốm to vì không ăn được tôm cá. Từ bé mẹ nó chỉ cho ăn trứng, giò chả và ruốc. Nhưng thằng bé năm nào cũng đỗ điểm cao. Ta và Tây nó khác nhau vây.

    Đi, đi và đi... Thế giới thật là rộng lớn

    "Tôi là luật sư, quy ra đô Mỹ thì trung bình mỗi năm tôi thu nhập khoảng 40 nghìn. Tôi đã lấy chồng được 10 năm và chưa muốn có con. Chồng tôi làm kiến trúc sư, đẹp trai và rất tốt. Chúng tôi sống hoà thuận và yên ổn. Bỗng một ngày đẹp trời, cả hai chúng tôi cùng nhận ra rằng sẽ rất vô lý nếu chúng tôi cứ sống như thế này đến cuối đời. Và chúng tôi quyết định chia tay.

    Anh ấy sang Algeria, tôi còn đang đi lang thang sang Châu Á. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và biết đâu có thể một ngày nào đó tôi sẽ làm việc ở đây... Cuộc sống lâu ngày ở Việt Nam ư, không, từ nay tôi sẽ chỉ biết sống lâu nhất là 5 năm ở một nơi nào đó, mà có lẽ chỉ 3 năm là dài.

    Thế giới quả là rộng lớn, tôi rất thích câu nói này của một nhân vật nổi tiếng người Hàn Quốc. Thế giới thì rộng lớn mà tôi chỉ còn 2 đến 3 chục năm nữa thôi để mà đi. Khi nào không còn đi được nữa, tôi sẽ về quê hương Tây Ban Nha tươi đẹp và nghĩ về những nơi đã đi qua, đã sống".

    Người Âu, nhất là các phụ nữ ở tuổi 40 thường rất ít khi nói về đời sống riêng tư của mình. Nhưng hôm đó, từ đỉnh Bạch Mã nhìn xuống bãi biển Lăng Cô dưới ánh trăng trong, người phụ nữ đó muốn nói ra với một ai đó. Ngồi nghe câu chuyện của chị, mới chợt nhớ lại rằng, từ xưa đến nay, đã có rất nhiều người sống không giống mình, không coi một mái nhà, một gia đình, một công việc làm cố định, một thu nhập ổn định là mục đích và toàn bộ ý nghĩa của một đời người.

    Thuê bạn

    "Ông hỏi về hai cô gái tặng hoa cho chúng tôi khi tàu chạy ấy à? Đó là hai cô bạn gái mà chúng tôi thuê đi cùng trong suốt 10 ngày từ thành phố Hồ Chí Minh, qua Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng.

    Chúng tôi ăn ở cùng nhau và mỗi ngày phải trả thêm mỗi cô 20 đô. Vui lắm, các cô này nói tiếng Anh rất tốt, biết nhiều chỗ vui chơi và sành uống rượu. Đến ga Huế chúng tôi chia tay, mệt quá và cũng gần hết tiền rồi. Tôi có ghi lại tên và số di động của hai cô ấy nhưng chúng tôi đã cam kết là không cho ai biết, nhất là người Việt Nam, vì thế xin ông thông cảm.

    Chúng tôi có gặp các cô này ở một quán cà phê ở Sài Gòn, sau 10 ngày vui vẻ, cả hai bên đều tôn trọng hợp đồng và như ông thấy đấy, chỉ có hai bó hoa này là ngoài hợp đồng, tuyệt vời. Xin lỗi ông, chúng tôi quá mệt và phải ngủ ngay một giấc, khi nào tàu sắp đến Ninh Bình, hãy đánh thức giúp. Cảm ơn. Chúc ông ngủ ngon".

    Trên đây là một cuộc trò chuyện cấp tốc với hai chàng trai làm nghề thổi thuỷ tinh người Italia, khi lên tàu ở ga Huế. Sau khi ôm hôn nhau thắm thiết và có phần lưu luyến, hai cô gái Việt loay hoay sắp xếp balô túi xách lên giá, chằng buộc cẩn thận phòng mất trộm rồi trải một tấm vải xuống sàn.

    Hai chàng tây con, một nằm trên ghế, một nằm dưới đất thò tay ra tạm biệt lần cuối. Nhét hai bó hoa vào khe cửa sổ, hai cô vội vã nhảy xuống trước khi tàu chuyển bánh. Một anh bạn nổi tiếng sành điệu, xó xỉnh nào cũng biết, vậy mà khi nghe kể chuyện này cũng phải lắc đầu công nhận mình chưa hề biết đã có tồn tại một loại dịch vụ du lịch kiểu này. Đúng là dân Tây balô sành điệu.

    Những mẩu chuyện như thế này có thể kể mãi không hết, vì có bao nhiêu Tây balô thì có bấy nhiêu câu chuyện, chẳng ai giống ai. Không loại trừ rằng đó có cả những kẻ buôn ma tuý, có cả những gã đi truyền đạo gây rối...

    Nhưng chỉ có điều chắc chắn rằng sẽ đến một ngày nào đó sẽ có "Ta balô", khi mà các cô cậu ấm nhà ta đã chán chơi tá lả, chán hát karaoke máy lạnh, chán trò chơi điện tử, chán ôm phao nhảy sóng. Nhưng đó là một câu chuyện khác, về văn hoá, bạn ạ.

    Nguồn: http://www.tintucvietnam.com/Nhip-Song-Tre/2003/12/27348.ttvn

    Sông Vẫn như thuở ấy, Vẫn con đò ngang đón đưa người sangVà từng đêm hát ru đôi bờ...
  2. Vera_Lauriana_new

    Vera_Lauriana_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/04/2002
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    0
    Lập "thư mục" Tây balô
    Có một điều mà mỗi người Châu Á phải tự hỏi mình: Vì sao những khám phá vĩ đại nhất về thiên văn, địa lý hay về nhân chủng, dân tộc học... đều do người Âu tìm ra? Người Âu ưa khám phá, ưa phiêu lưu mạo hiểm hơn người Á chăng? Hay họ có một cái nhìn khác hẳn chúng ta về thế giới? Nếu không thế tại sao trong khi người Việt cặm cụi làm lụng, lo lắng cho một mái nhà, một chỗ làm ổn định thì những hậu duệ của Marco Polo, với balô kếch xù trên vai, ngày ngày vẫn toả đi khắp thế giới...
    Đẳng cấp Tây balô
    Những anh chàng hay cô nàng balô mà khi đi còn phải thuê người hướng dẫn thì thuộc loại có tiền và không phải là dân balô thực thụ. Một lữ khách balô chính cống thì phải tự mình tìm lấy đường mà đi, tìm lấy nơi mà ăn mà ngủ. Đã dấn thân vào con đường lữ hành mà lại lẽo đẽo theo sau một "guide" thì còn ra làm sao, vả lại thuê hướng dẫn tốn lắm, 10 đến 20 đô một ngày, chả mấy nỗi mà cháy túi...
    Trên một chuyến tàu tốc hành xuyên Việt, có một anh chàng xin đổi chỗ ngồi. Mấy tiếng sau, anh ta đã lại có mặt ở toa giải khát... Hoá ra anh chàng đi làm guide cho hai cô bé người Nhật. Hai cô tế nhị yêu cầu anh đừng đi gần các cô quá, dân balô thấy các cô phải thuê hướng dẫn, họ cười cho!
    Đã đi balô mà còn phải đi thành nhóm tức là chưa phải loại cao cấp. Trong một quán cà phê du lịch, nơi nghỉ chân của Tây balô, những anh chàng đi một mình, thường được các cô cậu líu ríu đi thành tốp nhìn với một con mắt nể vì. Chẳng khác gì trong giang hồ võ lâm, những võ khách đơn độc ngồi trong tửu quán bao giờ cũng thu hút sự chú ý hơn là những bọn kiếm đầu dắt díu lẫn nhau.
    Đây không chỉ là chuyện hình thức. Những ai đã đi lữ hành một mình mới thấy tất cả những khó khăn vất vả của nó so với việc đi thành nhóm. Không có ai để bàn bạc, tâm tình, chia sẻ ở những nơi đất khách quê người. Lỡ ra mà ốm đau, mất đồ đạc tiền nong, nhỡ tàu hụt xe...
    Nhưng với những ai đã đi nhiều thì những khó khăn ấy cũng đáng phải chịu để mà được sống một mình, hoàn toàn một mình.Với cái cảm giác hoàn toàn cô độc ấy, người ta mới có thể thấy hết được những điều mới lạ, những vẻ đẹp của thiên nhiên, những cảm xúc chợt ập đến trên từng bước đường lữ hành. Chỉ khi thật sự đơn độc, ta mới có được cái cảm giác của một người đang khám phá thế giới xa lạ. Cũng như những nhà thơ thường chỉ thấy ý thơ chợt đến vào những lúc cô đơn. Những bài thơ viết ra giữa chốn đông vui với bạn bè vây quanh thường là các bài nhạt nhẽo, chóng quên và chỉ có những nhà thơ mới biết được điều này, cũng như chỉ những kẻ lữ hành thực sự mới biết cái thú của việc được đi một mình.
    Thành tích của Tây balô
    Cách ghi thành tích dễ hiểu và phổ thông nhất được đo bằng số quốc gia đã đặt chân qua. Rõ ràng một anh chàng mới đi được 4, 5 nước không thể coi là ngang hàng với các cậu đã đi qua mười mấy nước khác nhau. Nhưng trong các nước, số điểm được tính cũng khác nhau.
    Theo con mắt chung của dân balô Châu Âu thì hiện nay các nước được số điểm cao nhất là Afghanistan và Chesnia, còn ở khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam có điểm cao hơn Thái Lan nhưng thấp hơn Campuchia.
    Một lần trong một quán cao lầu ở Hội An, hơn một chục khách bỏ cả bát đũa để nghe một anh chàng balô cao hứng kể chuyện đi hơn ba nghìn cây số, qua 6 tỉnh ở Trung Quốc mà không tốn đồng xu nào. Hoá ra anh chàng chen vào xem một cảnh quay phim ở Bắc Kinh rồi được mời đóng vai quần chúng, theo đoàn đi suốt 3 tuần, vừa được đi chơi, được xe đưa đón, ăn uống mà khi về còn cầm thêm mấy trăm tệ tiền bồi dưỡng.
    Những mẩu chuyện về kinh nghiệm đi thật nhiều mà tiêu thật ít như thế này thường hấp dẫn mọi Tây balô, nó thường được lưu truyền trong các quán bar và nhiều khi được ai đó ném lên mạng cho những người đi sau học tập.
    Thói quen của Tây balô
    Thứ nhất có thể thấy rấy rõ là hầu như Tây balô nào cũng có thói quen đọc sách. Trong balô của bất cứ dân balô nào cũng có ít nhất là một cuốn hướng dẫn du lịch và một cuốn tiếu thuyết đang ăn khách hoặc một cuốn sách chuyên môn. Có lẽ đây là thói quen trong đời sống thường nhật mà họ đã nghiện. Vì thế nếu nói với họ rằng đặc điểm của Tây balô là thích đọc sách thì họ sẽ cười vỡ bụng. Dân ta thấy họ đọc sách cho là lạ, chỉ vì các chú thanh niên nhà ta ngay cả ở nhà cũng có đọc sách vở gì đâu, nói gì đến lúc đi du lịch.
    Thứ hai là thói quen ghi chép. Nhiều dân balô, tối khuya buồn ngủ díp mắt, định ngả lưng lại lồm cồm bò dậy vì chợt nhớ ra là hôm nay chưa ghi chép được dòng nào. Người thì ghi theo kiểu nhật ký, người thì như viết thư, người thì ghi chép các nhận xét chuyên môn, dù là kiểu gì thì cũng phải viết ra.
    Mỗi lần viết là một lần định dạng các suy nghĩ cảm xúc thu nhận được trong ngày, nếu bỏ qua thì các ý nghĩ ấy sẽ tuột trôi và như thế là bỏ phí mất một ngày sống. Có anh chủ một nhà trọ mới mở, thấy khách balô cứ hí húi ghi ghi chép chép, nghi họ làm gián điệp, bèn cất công theo dõi. Sau một tuần vất vả, anh ta thấy trong hơn ba chục khách, chỉ có hai Tây là không ghi chép. Mệt quá anh ta than thở: đúng là một lũ dở hơi.
    Một thói quen nữa là tất cả các dân balô đều hết sức chú trọng chăm sóc đôi chân, bởi vì họ dùng chân nhiều lắm. Buổi tối trong các quán trọ, cảnh thường thấy là cảnh các tây đầm balô ngồi ngâm chân trong nước muối ấm, rồi cặm cụi xoa bóp bàn chân, ngón chân, bôi kem để bóc chai chân, sát trùng các vết xước do cọ xát vào giày dép hay bị gai cào.
    Vĩ thanh
    Thật sự điều gì đã thôi thúc Marco Polo, nhà thám hiểm người Italia, vượt muôn nghìn dặm xa để đến Hàng Châu, Trung Hoa vào đời Nguyên thế tổ thế kỷ 13; để thế kỷ 15-16 Christophe Colomb (Italia), Vasco de Gama và Magellan (Bồ Đào Nha) đã đơn độc đương đầu với biển cả mênh mông đen tối và trở thành những nhà thám hiểm hàng hải vĩ đại; khiến bà David-Néel (Pháp) chẳng quản thân gái dặm trường, trải qua hàng nghìn cây số cô đơn trong rừng rậm, sa mạc và trở thành người Châu Âu đầu tiên đặt chân lên xứ Tây Tạng huyền bí vào năm 1920...?
    Ở Việt Nam, đã qua rồi cái thời người ta xúm xít quanh các chú Tây balô trên phố. Người Việt hiếu khách giờ thậm chí còn chẳng buồn để ý đến các chú nữa. Nhưng thay vì tìm hiểu xem thật sự Tây balô đã đem đến những gì ngoài tiền bạc thì con mắt người ta chỉ thấy họ cũng... tầm thường lắm. Nhưng có lẽ đã đến lúc người Việt phải thừa nhận rằng Tây balô đã mang đến quan niệm, hình ảnh về một cuộc sống khác, rộng lớn, cởi mở. Và đó chính là văn hoá.
    Nguồn: http://www.tintucvietnam.com/Nhip-Song-Tre/2003/12/27546.ttvn
    Sông Vẫn như thuở ấy, Vẫn con đò ngang đón đưa người sangVà từng đêm hát ru đôi bờ...
  3. backpacker

    backpacker Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/08/2003
    Bài viết:
    87
    Đã được thích:
    1
    Thừa nhận là Tây ba lô mang một phong cách mới hoàn toàn để nhìn thế giới qua mắt du lịch. Đa số họ là giới trẻ ít tiền nhưng thừa bản lĩnh để sẵn sàng đương đầu với mọi rủi ro trên mọi nẻo đường. Cá nhân tôi cũng khoái đi bụi kiểu này nếu được một mình thì càng tốt.
    Một cô bạn gái Pháp mới 19 tuổi quyết định làm một tour du lịch vòng quanh thế giới trong 9 tháng trước khi vào học trong một trường đại học. Bố mẹ cô rất khuyến khích con gái thực hiện ý tưởng của mình và giúp đỡ 15.000 euro. Hai tháng hè hái nho cũng giúp cô có thêm 2000 nữa. Thế là lên đường. Bắt đầu bằng châu Phi huyền bí, tiếp đó là một hành trình dài tới Nam Mỹ nơi cô đã bị nhiễm virus sốt rét trong rừng già Amazone. Nước MỸ giàu có không làm cô mảy may để ý: chuyến bay thẳng Lima-Tokyo đưa cô tới châu Á để kết thúc hành trình 9 tháng. Mới ở Nhật được một tuần cô phải vội vã tháo chạy vì tiền túi vơi theo cấp số nhân. Cô đã trải qua 4 tháng qua China, VN, Laos, Cambodge, THailand, Myanmar, Pakistan và Ấn độ là điểm dừng chân cuối cùng. Cô đã đi đã làm tất cả ...một mình: mấy cô gái tóc vàng hoe ôm eo mấy gã tóc hoe không kém đua xe chắc không đủ neuronne để hiểu tại sao cô làm thế
    Chỉ có cô mới đánh giá hết những gì chuyến đi ấy mang lại cho mình . Không chỉ là kinh nghiệm sống, những phút giây bàng hoàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn là sự tự tin cần thiết trước mọi thử thách, là khả năng độc lập, tự quản lý chi tiêu trong 9 tháng xa nhà. Thậm chí cô không dám gọi điện về nhà để tiết kiệm 14 đô, với số tiền đó cô có thể đi Hạ Long thoải mái trong 2 ngày. 19 tuổi một mình lang thang khắp thế giới cái ý chí đó khiến một số đấng nam nhi cũng phải thán phục
    Việt nam luôn được coi là một điểm đến ưa thích của mọi tầng lớp backpacker vì nhiều lí do
    - Rẻ. Hạ long 2 ngày 1 đêm 14 đô quá bèo
    - An toàn. So với nhiều nước khác thì VN rất an ninh, chính trị ổn định nhất là trong bối cảnh toàn thế giới bất ổn với chủ nghĩa khủng bố
    - Không quá "du lịch" như Thái Lan, nhưng cũng không quá lạc hậu như Laos
    Tuy nhiên mặt trái của Tây ba lô cũng nhiều. Thử hỏi mỗi một khách tiêu 12 đô mỗi ngày ở VN thì ngành du lịch sống vào đâu. Nếu so với Thailand, Việt nam không thiếu tiềm năng du lịch , vậy mà lượng khách chỉ bằng móng tay, lượng chi tiêu bình quân trên đầu khách lại càng thê thảm. Gạt những yếu tố như *** tour, hàng không thuận tiện ...v.v sang một bên, ta sẽ thấy dịch vụ của ta còn quá non kém. Không có sân chơi như những khu du lịch giải trí, không có sự đa dạng trong các loại hình du lịch (một lý do quan trọng để giới trẻ tìm cơ hội để đua xe). Ở mình mất tiền mà còn mua lấy sự bực mình vì dịch vụ không tương xứng, trong khi ở Thái du khách tự nguyện móc hầu bao
    Có người sẽ nói Tây ba lô ít tiền thì sẽ nhận được dịch vụ rẻ tiền. Điều đó chỉ đúng một phần nhỏ: không ít khách du lịch theo kiểu Tây balô mà không hề ít tiền, họ không ky bo như nhiều người tưởng mà họ không chi tiền cho cái dịch vụ không tương xứng mà thôi. Không lẽ khi người ta bán Vịnh Hạ Long với giá 14 đô vì thắng cảnh này chỉ xứng đáng với giá đó thôi??? 5-6 năm trước bán 26 đô có du khách nào từ chối đâu. Đơn giản vì chúng ta làm ăn chụp giựt, ai cũng cố down giá thê thảm để hút khách và kết quả cuối cùng là thằng Tây nó hưởng. Ở đây sự cạnh tranh dữ dội đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý du lịch hay nói đúng hơn là các vị đã khoanh tay đứng nhìn với một thái độ tắc trách. Kết quả là thu nhập từ du lịch kém kéo theo là chất lượng tour tồi. Những điều đó đương nhiên sẽ tạo ra phản cảm trong mắt khách du lịch. Không kể một loạt café du lịch chết như rạ trong dịp SARS vừa rồi.
    Một điều cần bàn tới nữa là không ít tây ba lô kém văn hoá góp phần mạnh vào việc băng hoại đạo đức lối sống tại một số điểm du lịch và gián tiếp phá vỡ sự hài hoà cảnh quan. Đặc biệt là một số điểm du lịch phía bắc
    Ai bảo là Tây ba lô chụi khó lọ mọ khám phá thì hoàn toàn nhầm vì 9/10 người đi theo tour đến các điểm du lịch nổi tiếng. Ít tiền nên họ sẵn sàng ghép vào một đoàn lớn. Bạn có thể lọ mọ khám phá trong một cái xe 45 chỗ dược không?
    Sống lãng tử, yêu lãng mạn và chết lãng ... nhách

Chia sẻ trang này