1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tây Du Ký (Sinh) Sự

Chủ đề trong 'Hồi ức về các chuyến đi' bởi thatlakhohieu, 08/11/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    hôm nay thứ 7, mai CN tạm nghỉ xả hơi để lấy cảm hứng sáng tác nhé các bạn.
    Nice weekend to everyone
    Trả lời riêng cho bạn Ginko: rất vui khi biết bạn cũng ở Marburg, tôi chỉ biết có một bạn nữ sinh viên tên Thu Trang(chưa gặp mặt, còn tại sao chưa gặp mặt bạn mời bạn xem hồi sau.) . Ah còn cái vụ Asia Shop thì tôi có quen một anh tên Thành(hổng lẽ là bạn, hihihi)
    Nói tóm lại xem hồi sau sẽ rõ.
  2. lifemax

    lifemax Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/11/2005
    Bài viết:
    29
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bác
    Em đọc mấy dòng của bác thấy máu lên rồi đó hic hic
    Bao giờ mới đủ money đi EU
  3. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Phần 3: Vượt Chướng Ngại Vật
    Một buổi chiều nọ có tiếng điện thoại reo vang, đầu dây bên kia là một người quen cũ của sếp. Họ trao đổi hồi lâu bằng tiếng Đức, sau đó sếp gác máy, vẻ mặt vừa vui vẻ vừa đăm chiêu. Ông kể người vừa gọi điện cho ông là giám đốc kỹ thuật của tập đoàn viễn thông 3U, ông ta tên là Smith, ông muốn sếp tôi hỗ trợ người giúp họ xây dựng hệ thống Billing cho công ty 3U. Sếp tôi là người rất có uy tín trong lĩnh vực viễn thông, và đã có bằng tiến sỹ toán học tại Đức nên rất được nể trọng. Ông đăm chiêu vì ông muốn tôi đi đến đó để giúp họ vừa có điều kiện học hỏi, nhưng ngại tôi chưa quen với môi trường làm việc đa quốc gia. Tôi trấn an ông bằng kinh nghiệm làm việc cho công ty của Úc rồi. Sếp gật đầu đồng ý, và nói tôi chuẩn bị mọi thứ để chuyển đến vùng Marburg sống nếu apply thành công.
    Tối hôm đó, tôi lên mạng tìm thông tin về thành phố Marburg để dễ dàng thích nghi. Tổng hợp từ nhiều nguồn, tôi được một số vốn kha khá, xin chép lại như sau:
    Marburg là thành phố nhỏ nhắn và cổ kính tọa lạc tại miền trung nước Đức hơi chếch về phía Nam. Nơi đây còn sót lại nhiều lâu đài, di tích bằng chứng của ?oĐêm trường trung cổ? thuộc thế kỷ 13. Tiêu biểu như sau:
    -năm 1228 St. Elisabeth người Hungary, bá tước vùng Thuringia đã đến đây làm việc và công hiến rất nhiều cho vùng đất này. Sau khi ông chết, để tưởng nhớ, người ta xây dựng nhà thờ Marburg, và ngày nay nó đã trở thành địa điểm hành hương, du lịch khá nổi tiếng ở châu âu.
    -Hai mục sư là Martin Luther và Ulrich Zwingli đã gặp nhau tại lâu đài Marburg(được xây dựng vào thế kỷ 13) để thảo luận những nguyên tắt của giáo hội tin lành. Hai ông là những người đi tiên phong trong việc thành lập giáo hội này.
    -năm 1527 đại học Marburg được thành lập, đây là đại học thuộc giáo hội tin lành đầu tiên trên thế giới. Sự hiện diện của nó đã mang lại danh tiếng cho vùng đất này. Emil von Behring người đoạt giải nobel đầu tiên về y khoa năm 1901 đã từng học tập và làm việc ở đây. Ngày nay đại học Marburg rất mạnh về lĩnh vực sinh học và dược học, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nhiều công ty thuộc lĩnh vực này.
    [​IMG]
    Marburg cổ kính, trầm mặc trong ráng chiều hoàng hôn.
    Do sự điều chỉnh về mặt hành chính, năm 1866 Marbrug trở thành bộ phận của bang Prussian. Chính quyền bang Prusian đã đẩy mạnh sự phát triển thành phố cũng như đại học Marburg, thành lập nhiều viện giáo dục mới, cổ vũ sự phát triển đối xứng. Tôi lấy một câu nói ví von để đúc kết cho những tư liệu của mình: ?oMarburg không có đại học mà Marburg là một đại học? vì số lượng sinh viên là 18.000 cùng với 7.000 nhân viên làm việc cho đại học Marburg trong tổng số 77.000 cư dân trên toàn bộ vùng này. Một thông tin không kém phần quan trọng là bộ phận việt kiều và du học sinh ở đây tôi vẫn chưa tìm được, đành phải hỏi sếp tôi vậy. Ông cho biết: người Việt ở đó không nhiều, độ vài chục gia đình và số lượng du học sinh ông cũng không rõ lắm, sau này tôi được biết có khoản vài sinh viên VN học tại đây. Phần nào hiểu được nơi đến của mình, tôi đi ngủ nhưng trong lòng gợn lên một chút lo âu vì bắt đầu cho một cuộc hành trình đến vùng đất mới mà không còn sếp tôi bên cạnh cũng như số lượng người Việt không nhiều.
    Sáng hôm sau, dậy thật sớm để chuẩn bị, khoản 8h giờ sáng tôi đã xúng xính trong bộ đồ vest mượn tạm của sếp cho buổi ra mắt đầu tiên. Sau khi khởi hành ở một vài khúc cua quanh co, ô tô của chúng tôi hòa vào đại lộ tiến về Marburg. Đại lộ ở đây rộng thênh thang với 3 làn xe ở mỗi bên phần đường, mỗi làn xe được phép chạy với tốc độ khác nhau, làn phía trong có tốc độ cao hơn làn phía ngoài. Người Đức rất coi trọng sự đúng giờ, nên thỉnh thoảng ông lại cho xe chạy vào làn phía trong, lúc thì dặn dò tôi đôi điều, lúc thì loay hoay tìm số điện thoại của Mr.Smith để nếu có kẹt xe thì thông báo cho họ biết. Thỉnh thoảng ông lại nhìn hai bên đường cảnh giác với những camera ghi nhận tốc độ xe vì ông vốn được mệnh danh là người có đóng góp cho ngành giao thông tích cực nhất mà. Hai bên đại lộ hầu như không có nhà cửa chỉ có những thảm hoa dầu vàng rực, giống màu dã quỳ, hay cúc vàng đang độ vào xuân. Màu hoa giăng giăng khắp nơi, lúc lại nhô cao trên những ngọn đồi, lúc lại lọt thỏm trong những thung lũng, vàng đến nao lòng. Trời vẫn còn sớm lắm, sương giăng mờ mờ, gió lướt nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm du khách phải mang áo khoát vào. Thỉnh thoảng ôtô lại lướt qua những cánh đồng với nhiều cối xây gió đều tăm tắp, cái thì quay chậm cái thì quay nhanh. Tôi nghĩ chúng không chỉ được dùng để tạo ra điện mà còn làm vui mắt du khách như tôi nữa.
    Sau hơn 2 giờ đi ôtô, chúng tôi đến được Marburg. Mặc dù đã chuẩn bị trước nhưng tôi không khỏi một chút thất vọng về quy mô của thành phố. Khác hẳn với Bonn vừa hiện đại vừa trữ tình, Marburg hiện ra với nét cổ kính vương trên nhà thờ, lâu đài của nhiều thế kỷ trước. Tôi bắt gặp đây đó hình ảnh trong những câu chuyện cổ tích hay đọc ngày xưa, hay trong những bộ phim kinh điển như ?oNgười nông dân nổi dậy?. Phố sá không tấp nập lắm, chủ yếu tập trung gần khu vực nhà ga. Trên những con phố khác, nhà cửa thưa thớt hơn. Trước mỗi ngôi nhà, người ta làm hàng rào chỉ đủ cho các chú chó cảnh không thể nhảy vào. Châu âu vào hè, ai cũng cố gắng trồng một vài loại hoa với đủ màu sắc trong vườn nhà mình, bàn ghế được bày ra cho những party bất tận, hay những lễ hội thâu đêm như muốn xua tan mùa đông xám xịt hay mùa thu buồn bã trụi lá. Ô tô chúng tôi loang quanh trên những con đường lên xuống gập ghềnh như Đà lạt đáng yêu của ta vậy, bởi lẽ bao quanh thành phố là núi đồi điệp trùng nhưng không cao lắm.
    Xe dừng trước văn phòng của công ty 3U ở địa chỉ Neue Kasseler Strasse 62 f 35039 Marburg. Tiếp chúng tôi là trưởng nhóm lập trình của họ, anh này là một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ertan. Mặc dù, anh ta đã cạo hết râu, nhưng không giấu được nguồn gốc Trung Đông của mình với đôi mắt rất đẹp. Anh cho biết chỉ vừa mới nhận việc vài tuần. Trước có một tay người Pháp làm ở đây, hắn ta nắm giữ hết mọi công nghệ, nhưng nay đã nghỉ và anh không thể nào quán xuyến hết mọi việc. Anh cần tôi phân tích, đọc hiểu hệ thống cũ đã có và xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới dựa trên những gì đã biết. Độ 15 phút sau, anh dẫn tôi và sếp đến gặp ngài Smith. Chúng tôi đi thẳng vào vấn đề, sau khi làm một bài test để kiểm tra trình độ, họ quyết định nhận tôi. Tôi đã trở thành một nhân viên không chính thức của công ty 3U theo hợp đồng mượn người trong vòng 3 tháng.
    Sau khi tiễn sếp trở về Bonn, Mr.Ertan dẫn tôi đi gặp mọi người trong phòng lập trình, họ sẽ là đồng nghiệp của tôi trong tương lai. Đúng như tôi đã nói đây là môi trường làm việc đa quốc gia chi nhánh ở Marburg của 3U. Đầu tiên là một anh bạn người Indonesia, 2 anh người Nga, 2 cô người Balan và 6 anh bạn người Đức cộng với Mr.Ertan và tôi nữa. Họ còn rất trẻ, mỗi người mỗi tính, nhưng tất cả đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Mr.Ertan in ra một xấp tài liệu dày cộm bằng tiếng Anh(cái này phải cảm ơn tay người Pháp nọ vì hắn không biết tiếng Đức). Anh ta nói tôi đọc và hiểu trong vòng 2 tuần, coi như là một cách thử việc. Giao cho tôi một cái máy tính, 1 account và trao quyền cài đặt bất cứ cái gì tôi muốn. Tôi hoàn thành việc cài đặt khoản 5h chiều, rồi xin phép Mr.Eran để về sắp xếp chổ ở. Tôi nhờ anh bạn người Indonesia tên là Bambang giúp tôi tìm khách sạn để trú chân. Có lẽ vì anh là dân tóc đen mũi tẹc như tôi nên chúng tôi dễ dàng thân nhau, anh kéo tôi về nơi hiện anh đang ở. Khách sạn nơi tôi ở thuộc loại nhỏ với cái tên rất Ý là Cala Luna ở địa chỉ
    Alte Kasseler Strasse 66
    DEU-35039 Marburg a.d. Lahn
    Ông chủ khách sạn là một người Italia với khuôn mặt chữ điền, dáng người nhỏ nhắn, tình tình vui vẻ luôn miệng chào hỏi mọi người. Biết tôi là người ViệtNam ông hồ hở lôi ra một cuộn băng cassette của nghệ sỹ chèo ưu tú Thanh Hoài, cho tôi biết Nghệ sỹ Thanh Hoài đã ở đây và tặng ông cái này. Ông hỏi tôi có biết người này không? Tôi không phải là người mê chèo, nhưng NSƯT Thanh Hoài thì tôi biết, thế là giải thích cho ông đôi điều về cô Thanh Hoài đại thể như sau:
    NSƯT Thanh Hoài hiện vẫn đang công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Bà là một trong những nghệ sĩ tài năng khi có thể hát được hầu hết các làn điệu dân gian như: ngâm, vịnh, hát xẩm, ca trù, chèo truyền thống. Bà đã từng đoạt 3 Huy chương Vàng tại các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1981, 1990, 1992 (2 HC Vàng).
    Sau một ngày mệt nhoài, tôi lăn ra ngủ, trong giấc mơ tôi thấy khuôn mặt của Mr.Ertan hiện lên vừa nghiêm nghị vừa khó tính. Tôi thấy mình loay hoay với đống tài liệu mà không tài nào hiểu nổi, tôi còn thấy mình chơ vơ giữa một nơi xa lạ mà không ai cùng chung ngôn ngữ. Thậm chí tôi còn thấy mình bị trả về cho sếp vì không đáp ứng yêu cầu của họ. Liệu giấc mơ đó có trở thành hiện thực không? những khó khăn nào đang chờ tôi trước mắt. Các bạn xem hồi sau sẽ rõ.
    [​IMG]
    Marburg tình yêu của tôi

    (còn tiếp)
    Summer, 2005
    NVL
  4. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Phần 3: Vượt chướng ngại vật (tt)
    Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm và làm điểm tâm tại khách sạn. Một bữa ăn theo đúng phong cách phương tây, cũng bánh mì, bơ sữa, mứt, trứng và nước trái cây. Anh bạn Indo của tôi ăn thật khỏe, anh ăn những hai suất. Tôi vẫn giữ thói quen của người Việt Nam, chỉ điểm tâm nhẹ qua loa, hơn nữa tôi vẫn thích cái gì đó nong nóng như ở quê nhà vậy. Đêm qua trời trở lạnh bất chợt, ngồi trong khách sạn mà vẫn cảm thấy tê hết cả tay. Bên ngoài không gian như cô đặc lại dưới cái lạnh buốt người, thỉnh thoảng vẫn thấy các cô gái Đức trong trang phục thể thao chạy trên những con đường vắng vẻ của buổi sớm mai. Tôi tự nhủ thầm, sao họ khỏe thế, mình là nam nhi thế mà ? Từ khách sạn tôi ở đến văn phòng công ty 3U chỉ khoản 15 phút đi bộ. Tôi và Bambang cố tình đến đúng giờ, nên 7h30 đã xuất phát. Vừa bước ra khỏi khách sạn, một cảm giác lạnh tê tái ập đến. Tôi cảm thấy choáng và khó thở, mỗi lần thở là một làn hơi thoát ra y hệt như trong phim ?oTình ca mùa đông?. Vội cho tay vào áo khoát, bước đi thật nhanh để làm nóng cơ thể, một ý nghĩ vui thoáng qua trong đầu ?phải chăng bọn tây mũi to để dễ dàng thở và lấy nhiều oxy hơn người châu á trong không khí đặc quánh?. Đi qua ba đèn đỏ với ba lầm bấm vào thiết bị xin đường dành cho người mù, tôi đã đến văn phòng công ty.
    Thông thường buổi làm việc của họ bắt đầu từ 8h, nhưng tác phong của công ty không ràng buột lắm về thời gian. Mr.Ertan cũng đến thật sớm, vừa gặp nhau anh ta đã nói ?omo gân?(phát âm theo tiếng Việt). Tôi ngạc nhiên hỏi anh bạn BamBang, vì anh này biết tiếng Đức. Anh nói vui: ?oMo gân là tên tao đó, mọi người ai cũng phải gọi đấy nhé?, sau này tôi mới rõ ?omo gân là chào buổi sáng?. Chúng tôi bắt đầu làm việc, một không khí ngiêm túc bao trùm, không truyện trò, chỉ những tiếng gõ bàn phím lóc cóc vang lên đều đều. Văn phòng của tôi nằm trên tầng cao nhất và gần đường ray xe lửa, nên thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng giật huỳnh huỵch của bánh xe lửa và tiếng còi vang lên từng hồi, báo hiệu tàu sắp vào ga. Tôi cố sức đọc xấp tài liệu, nhưng thực tình rất khó hiểu văn phong của tay người Pháp nọ. Muốn thực hành trên thiết bị, thì không được cấp quyền, không được chát chít gì cả, ôi sao nhớ bạn bè thế. Nhìn mọi người làm việc thật chăm chú, tôi cũng không dám cục cựa hay hỏi han ai, cảm giác gò bó, ngột ngạt bao trùm. 4 tiếng đồng hồ cũng trôi qua, giờ ăn trưa đã đến, loáng một cái mọi người đã biến mất tiêu kể cả bạn thân Bambang của tôi nữa, họ cùng nhau lên ôtô để vào trung tâm. Không biết chổ ăn, tôi đành ra cây xăng gần công ty, mua vội cây xúc xích với một ít mù tạc. Xúc xích Đức ngon đáo để cộng với mù tạc hơi cay, Đây là lần đầu tiên tôi ăn ngon đến thế hay bởi vì bụng đói. Giờ mới thấy anh bạn tôi đúng., phải ăn sáng cho nhiều thì mới có sức làm việc. Buổi chiều trôi qua vẫn vậy, chỉ có khác là Mr.Ertan in cho tôi một bản thiết kế cơ sở dữ liệu nữa, anh ta bảo ?ohãy phân tích cái này?, đồng thời không quên dặn một câu ?ocậu làm nhanh lên nhé, tôi thấy sáng giờ cậu vẫn chưa làm gì?. Một cảm giác bực dọc thoáng xuất hiện, tôi muốn hét to lên ?otôi đâu phải là cái máy, cái gì cũng từ từ thôi?.
    Một ngày làm việc trôi qua thật dài và nặng nề. Tôi về tới khách sạn lúc 7h giờ đêm, mặt trời vẫn chưa lặn nhưng ánh trăng cũng đã chếnh đầu non. Bambang rủ tôi đi vào phố kiếm cái gì bỏ vào bụng. Anh ta vác balo, mang giầy thể thao, tay cầm chai bia vừa đi vừa tu ừng ực, dáng anh xiêu vẹo trong nhập nhoạng hoàng hôn. Chúng tôi băng qua đường hầm tối hun hút để vào phố, hai bên đường hầm vài chiếc bóng đèn neon leo lét đủ soi rõ những bức tranh quái dị của những họa sỹ đường phố. Anh vừa đi vừa kể về cuộc đời anh: ?oanh sang đây từ năm 91, đi làm công nhân một thời gian, sau đó vào học tại đại học Berlin, nhưng vẫn còn dang dở. Vì quá ham mê cờ bạc, anh đã để nợ nhà băng một số tiền khá lớn. Anh lặn lội từ Berlin đến Marburg nhỏ bé này với mong muốn kiếm được một số tiền hầu trang trải nợ nần?. Độ chừng 30 phút chúng tôi đã vào phố, mua mấy cái bánh ở tiệm bánh Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi vừa ăn vừa tiếp tục trò truyện rôm rả như thể những mệt nhọc không hề tồn tại. Anh kể một việc mà tôi hết sức bất ngờ là ?ohồi sáng sở dĩ mấy anh bạn Đức không rủ tôi đi cùng vì họ nói tôi là người Việt Nam, người Việt Nam thì không đáng tin cậy.? Cảm giác tủi nhục dâng trào, tôi hét vào mặt Bambang thật to ?oNgười ViệtNam thì đã sao, why?? và chỉ nhận được câu trả lời ?otôi không biết?. Câu chuyện đột ngột ngắt quãng, chúng tôi lầm lũi bước đi qua những con phố heo hút bóng người, hay những nhà chờ xe buýt rỗng không. Bangbang bước đi thật nhanh, tôi không tài nào theo kịp, chân tôi bắt đầu nhức mỏi vì đôi giầy tây được thiết kế không phải dùng để đi bộ. Khoản 10h đêm chúng tôi quay trở lại khách sạn. Tôi không buồn trả lời câu chào và lời chúc ngủ ngon của ông chủ khách sạn. Giấc ngủ mộng mị và lạnh thấu xương làm tôi mệt mỏi vô cùng.
    Những ngày kế tiếp trôi qua, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác chán nản hụt hẫng. Vẫn không khí làm việc như vậy, vẫn những buổi trưa một mình tôi với cây xúc xích. Tôi cảnh giác với thái độ kỳ thị của đồng nghiệp, tôi bất hợp tác với mọi người. Đầu óc không thể nào tập trung được, thời gian đọc tài liệu ngày một cạn dần, trong ánh mắt dò xét của Ertan mỗi lần gặp tôi. Vẫn những buổi chiều đi dạo phố cùng với Bambang, với những câu chuyện phím vô vị. Độ hơn hai tuần một sự kiện xảy ra, BamBang bị đuổi việc vì không hoàn thành nhiệm vụ. Hôm tiễn anh ta về lại Berlin, anh nắm chặc tay tôi và luôn miệng nói ?thật khó tìm việc ở Đức, bạn tôi ạ?. Anh chúc tôi ở lại công tác tốt, tôi thấy trong khóe mắt anh rưng rưng vì món nợ nhà băng vẫn chờ anh ở Berlin. Tôi không giúp gì được cho anh, thật có lỗi, đành biết ôm nhau chào tạm biệt. Tôi vẫn còn giữ liên lạc với anh đến giờ, nhưng cuộc đời anh vẫn khốn khó như thửa gặp nhau vậy. Tuy vậy tôi vẫn thầm cảm ơn anh vì đã chỉ cho tôi rất nhiều điều, từ cách sử dụng lò sưởi, đường đến siêu thị,? đến tính cách lạc quan yêu đời, niềm đam mê khám phá. Anh có thể bỏ ra hàng giờ để đi bộ đến mọi ngóc ngách của thành phố, tìm kiếm mọi thông tin. Còn tôi chỉ muốn làm rồi lại lăn ra ngủ, để thời gian vô vị trôi qua.
    Những ngày không còn Bambang thật buồn bã và trống trải, tôi luôn nhận được những lời dè bỉu của Ertan. Vẫn những buổi sáng lạnh cóng người hay sau mỗi buổi làm việc, tôi vẫn đi dạo nhưng không còn ai bên cạnh. Một mình tôi đi đi về về khách sạn như một cỗ máy. Thỉnh thoảng tôi vẫn về Bonn để tìm cảm giác khuây khỏa đầu óc, Marburg vẫn mang lại cảm giác nặng nề cho tôi. Tôi không nhớ bao nhiêu lần đã rong chơi đến tận nhà ga, nhìn những chuyến tàu đi về phương bắc. Những chuyến tàu chở người đến, người đi hay những chuyến hàng, dừng rồi lại đi. Trên sân ga, thỉnh thoảng các cô gái tiễn người yêu, họ hôn nhau thắm thiết, bịn rịn không chút e dè. Tôi thầm nghĩ chắc là đời mình cũng sẽ như những chuyến tàu kia thôi, dừng chân nghỉ tạm Marburg chốc lát rồi lại đi, nhưng sẽ không có ai hôn tôi tạm biệt đâu nhé. Một tháng trôi qua lặng lẽ, tôi quyết định không thể để tình trạng này kéo dài nữa, vậy tôi phải làm gì đây để thoát khỏi tình cảnh này và biến nơi này thành tình yêu của tôi, mời các bạn xem hồi sau sẽ rõ.
    (còn tiếp)
    Summer 2005
    NVL
    [​IMG]
    Marburg buồn rêu phong trơ trọi
  5. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0

    Phần 3: vượt chướng ngại vật(tt)
    Marburg có một bệnh viện dành cho người mù, nên thỉnh thoảng tôi lại thấy họ xuất hiện khắp nơi, họ đến đây để điều trị. Trong một lần dạo chơi ra sân ga, tôi thấy một thanh niên còn khá trẻ, mắt đeo kiến đen, tay huơ huơ cây gập để tìm đường. Anh bước đi rất nhanh, đến những bậc tam cấp, vì quá vội nên anh loạng choạng và ngã nhào. Lồm cồm bò dậy, anh quơ tay tìm cây gậy của mình, rồi đứng lên tiếp tục bước như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng lần này anh đi chậm rãi hơn. Hình ảnh đó in đậm trong tâm trí tôi. Nó gợi lên trong tôi suy nghĩ về những kẻ lần mò đường đi, thể nào cũng vấp ngã, nhưng không sao, cứ tiếp tục bước đi với sự thận trọng hơn. Tôi quyết định sẽ đương đầu với thử thách, quyết chứng minh người Việt Nam không phải là tay vừa đâu nhé. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu.
    Tôi về Bonn và xin phép sếp cho tôi dọn ra ở riêng, nơi nào cũng được miễn có nhiều người chứ không phải là khách sạn một mình một cõi kia. Như hiểu được tâm tư, sếp tìm cho tôi một chổ trong ký túc xá sinh viên để có thể gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Nơi tôi ở tọa lạc trên đường FuchspaY với rất nhiều tòa nhà dành cho sinh viên. Cô bạn đã ở phòng của tôi vì muốn ra ngoài để yên tĩnh làm luận án tiến sỹ sinh học nên đã cho tôi thuê lại. Cô tên là Daniela, người Đức chính gốc với vóc dáng cao to, nụ cười hiền hậu, cử chỉ thân thiện và rất cởi mở. Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về cuộc sống, về văn hóa của mỗi nước. Cô rất rành Việt Nam bởi lẽ cô đã làm môt chuyến du lịch kiểu tây ba lô sang Việt Nam rồi. Cô nói rất mến người Việt Nam, đặc biệt là người dân thành phố Sài Gòn, tuy có đôi điều chưa vừa ý lắm. Daniela đã giúp tôi rất nhiều điều, cô giải thích bản hợp đồng thuê phòng, cách sử dụng máy giặt, hòm thư, rồi cách mở cửa tự động,?Có vẻ như chúng tôi hợp tính tình nên dễ dàng thân nhau. Sau này cô đã trở thành một người bạn rất thân của tôi, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc.
    Ký túc xá có rất nhiều tầng, mỗi tầng lại chia làm nhiều khu khác nhau. Mỗi khu độ chừng 12 phòng(tôi cũng không nhớ chính xác lắm). Mọi người trong một khu rất thân nhau, họ coi nhau như anh em vậy. Hôm đầu tiên về khu mình ở, đón tôi là các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Đức, Đài Loan, Palestine, Nga? Chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rất chân tình. Mọi người tự giới thiệu về mình, tuy nhiên có vài người nói tiếng Anh không tốt lắm, nên nói rất ngắn gọn. Họ có quy định chung cho mọi người, được đánh máy hẳn hoi và dán lên tường cẩn thận với những hình vẽ chú thích hài hước dí dỏm, như thứ 2 Felix sẽ dọn nhà bếp, thứ 3 Cristina sẽ rửa chén bát?Nhà bếp dùng chung cho cả khu với 4 bếp điện, chén bát, xoang nồi tủ lạnh, lò nướng bánh mì đều là của chung. Sinh viên ở đây rất ý thức nên ít khi bị thất thoát đồ đạc. Nhà bếp cũng là nơi mọi người gặp gỡ truyện trò với nhau, cùng thưởng thức những món ăn do các bạn thể hiện văn hóa của mình, hay thỉnh thoảng lại đem tivi ra chiếu những trận bóng đá mà có đội Đức tham gia. Tôi vốn cũng là dân mê bóng đá, nên dễ dàng tranh cãi với các bạn Đức, quê hương ba lần vô địch thế giới môn này.
    Phòng tôi ở đủ rộng cho ít nhất 3 người, vì thế rất thoải mái, vả lại tôi đâu có nhiều đồ đạc để chất trong phòng. Một cửa sổ hướng ra cánh rừng, tôi vẫn lau dọn thường xuyên, một cái bàn, một cái ghế, tủ để đồ, và một cái bồn rửa mặt. Buổi sáng, mặt trời lên chiếu thẳng vào mặt chàng trai mê ngủ, tôi không thể không thức dậy và làm vài động tác thể dục. Hay những buổi chiều mưa, ngồi trong phòng nhìn ra ngoài song cửa, nghe nhạc Khánh Ly, ngắm những hạt mưa rơi xiên xiên qua những tán lá, ôi sao nhớ Sài Gòn thế, không biết giờ này thằng A đang làm gì, thằng B có đi nhậu không? hay cô C có nhớ mình không nhỉ. Ra khỏi khách sạn thì tinh thần thoải mái hơn nhưng bù lại, tôi phải lo mọi thứ từ giặt dũ, mua sắm thức ăn đến dọn dẹp nhà cửa, lao động là vinh quang mà.
    Mua sắm thì có khối chuyện để nói. Này nhé hàng tuần vào ngày thứ 7 được nghỉ tôi đi siêu thị mua một ít trứng, bơ sữa, bánh mỳ, bánh ngọt, nước trái cây, xúc xích, thịt hộp và một ít cà chua cho cả tuần, tất cả cho vào tủ lạnh trong không gian dành riêng cho mình. Siêu thị cách nơi ở gần 5 cây số, vì không biết cách thức đi xe buýt nên tôi đành lội bộ. Cả đi và về hết 2 tiếng đồng hồ, cõng trên lưng một khối lượng gần 7kg, tôi cảm thấy đường đi sao dài thế. Có điều dọc đường tôi đi là một con sông nhỏ, nước chảy lững lờ, từng tốp từng tốp thanh niên tham gia tập luyện thể thao trên các bãi cỏ xanh mơn mởn, trông họ rất vui vẻ làm tôi cũng vơi đi phần nào mệt nhọc. Một hôm tôi vào cửa hàng bách hóa để mua xà phòng giặt đồ, vì thói quen ở Việt Nam, tôi hỏi mua một bị xà phòng nho nhỏ. Nhưng ở bên này họ chỉ bán những gói to đùng đủ dùng cho cả năm đối với một người. Và vì bà bán hàng không biết tiếng Anh nên đôi bên phải dùng cả tay lẫn chân để biểu đạt điều mình muốn nói. Hồi lâu bà bán hàng trở nên bực dọc, mặt bà đỏ gay, bà quát một tràng tiếng Đức, may lúc đó có một cô bạn người Ấn Độ ở chung ký túc xá với tôi giải vây nên tôi mới thoát được. Câu chuyện vui nữa là cái máy giặt đồ, để giặt được, bạn phải bỏ vào 1,5 Euro, nhưng nó chỉ chấp nhận thấp nhất là đồng 10 cent mà thôi. Một lần tôi còn một ít tiền lẻ đến 3 Euro trong đó có đồng 5 cent. Vì không biết nên tôi bỏ vào 2 Euro có lẫn đồng 5 cent, thế là máy không hoạt động. Đành hậm hực mượn đỡ anh bạn Felix 50 Cent, cộng với 1 Euro còn lại để thử vận may lần thứ hai.
    Những ngày ở Marburg lúc này mới đẹp làm sao, tôi đã có thêm nhiều bạn, yêu đời và lạc quan hơn. Chiều chiều tôi lại vào bếp để truyện trò với các bạn cùng khu, cũng là một cách để thực hành tiếng Anh. Nấu và thưởng thức các món ăn đậm chất truyền thống của mỗi quốc gia. Có những điều không hiểu về phong cách làm việc của người Đức tôi đem ra hỏi các bạn, và nhận được câu trả lời khá tận tình. Sáng thức dậy tôi nướng 4 cái bánh mì, quết một ít bơ và cho vào vài lát thịt hộp. Tôi ăn 2 cái và cho vào ba lô 2 cái để đem đến cơ quan ăn trưa. Từ ký túc xá đến cơ quan, phải đi xuyên qua một cánh rừng vào mỗi sớm mai. Chim chóc đua nhau hót vang trời, thỉnh thoảng vài chú thỏ chạy lướt qua nhanh nhảu, chui vội vào hang sâu. Gần cánh rừng này là một nhà trẻ, các cô bé cậu bé tranh nhau chơi trò đu quay hay leo lên các lốp xe chất cao ngất đầu, chọc nhau cười nắc nẻ, tuổi thơ thật vô tư và hồn nhiên.
    Sau mỗi chiều xong việc, tôi lại vác balô trong đó có một chai nước suối, chân mang giầy thể thao mượn đỡ của sếp đi vào trong núi. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà vườn lúp xúp, thấp lè tè. Người ta không làm để ở mà chỉ để nghỉ ngơi và chăm sóc khu vườn. Đường làng thẳng băng, làm bằng bêtông. Thỉnh thoảng vài chàng trai chạy xe đạp đua lướt qua, phá tang sự yên tĩnh. Nếu đi thẳng sẽ dẫn đến khu đất trống dành cho mọi người chơi thể thao. Ở đây họ rất thích chơi bóng bầu dục, họ tranh nhau quyết liệt và nghiêm túc. Tiếp tục đi thì gặp một thác nước với vài nhóm bạn trẻ làm party ngoài trời. Họ ngồi trên thảm cỏ, nướng thịt, và hát nghêu ngao với cây đàn ghita hòa quyện với tiếng nước chảy róc rách, cuộc đời ơi sao đáng yêu thế. Mãi đến hơn 10h đêm tôi mới về đến nơi ở của mình. Kết thúc một ngày vừa mệt nhọc, vừa thú vị vì khám phá được rất nhiều điều.
    Daniela hay gọi điện và rủ tôi đến nhà cô ở để nấu món maultaschen, chúng tôi chuẩn bị nến và bia để cùng thưởng thức. Ăn xong chúng tôi leo lên ban công trên mái nhà ngắm trăng, cô gái Đức này cũng lãng mạn ra phết. Có lẽ vì thế mà chúng tôi hợp với nhau, dễ dàng trò chuyện về mọi thứ trên đời. Cô tiễn tôi về lúc 11 giờ đêm với lời hứa sẽ thăm tôi tại ký túc xá với món phở do tôi nấu mà từ lâu cô đã ngưỡng mộ.
    Để chuẩn bị cho món phở này, tôi phải đi cửa hàng Asia Food mua nguyên liệu đặc trưng. Tại đây sau vài câu trao đổi bằng tiếng Anh, tôi biết anh chủ cửa hàng cũng là người Việt. Đúng là oái ăm, cùng là người Việt với nhau mà phải dùng thứ tiếng khác để biết mình cùng quê hương tổ quốc. Sau khi mua hàng xong, chúng tôi kéo nhau đi uống bia. Anh cho biết anh tên là T người gốc Hà Nội , trước anh sang Tiệp Khắc học về IT. Sau năm 90 anh chạy sang Đức và làm IT một thời gian, nhưng nghề này không có ăn nên anh chuyển sang buôn bán thực phẩm châu Á. Bạn anh là người đã viết chương trình Unikey mà các bạn vẫn hay dùng để gõ tiếng Việt. Anh rất vui vì đã gặp tôi cùng là người Việt Nam. Anh kể rất nhiều điều về cuộc sống và những dự định cho tương lai. Anh mời tôi ăn bánh của người Thổ nhĩ kỳ và kem nữa. Mãi tận khuya, chúng tôi mới nói lời chia tay và hẹn nhau gặp lại ở VN. Anh cũng không quên dặn tôi cách thức nấu phở sao cho ngon, chính vì thế mà Daniela cứ luôn miệng khen hoài làm tôi không khỏi lên mây.
    Ổn định được tinh thần, tôi lao vào công việc một cách hăng say hơn. Nhưng công việc vẫn là công việc nó không là những cuộc rong chơi ngẫu hứng được, đòi hỏi bạn phải có cách tiếp cận vấn đề khác đi, nghiêm túc hơn, táo bạo hơn. Mời các bạn tiếp tục đón đọc cuộc hành trình chinh phục công việc của tôi, bảo đảm gay cấn hơn những chuyện vừa kể trên đây.
    Summer 2005
    NVL
    [​IMG]
    Marburg giờ đây đã có bạn bè rồi
  6. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Phần 3: Vượt chướng ngại vật(kỳ cuối)
    Tôi nghiệm ra một điều từ bản thân là khi tinh thần mình thoải mái, sức khỏe dồi dào thì dễ dàng vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống. Qua truyện trò với mọi người tôi đã hiểu được phần nào tính cách của người phương tây. Họ rất thực dụng trong công việc, không tình cảm gia đình như người châu Á nhà mình. Chuyện của Bambang chẳng hạn, khi anh ta làm không được việc thì họ sẵn sàng đuổi mà không cho bất kỳ một cơ hội nào dù trước đó nói chuyện với nhau rất thân mật. Nhưng bù lại họ cũng có những đức tính tốt như rất coi trọng người tài, cổ vũ cho việc tranh luận, khuyến khích cho tính sáng tạo và mong muốn mọi cá nhân giữ được cá tính, bản sắc riêng của mình. Tôi quyết định áp dụng điều này triệt để với Mr.Ertan bằng cách không để cuốn vào ?olối chơi? của anh ta. Nếu tôi bỏ ra hai tháng cũng chưa chắc đọc hiểu được hết những gì mà tay người Pháp nọ viết trong mấy năm trời. Mà không đọc hiểu được thì coi như công xuống Marburg là công cốc, và rồi danh dự của dân lập trình Việt Nam nói chung, bản thân tôi nói riêng coi như đổ sông đổ biển. Do đó tôi chỉ khái quát lại những gì mà tay người Pháp nọ viết như:
    -Hệ thống này có mục đích gì?
    -Họ đã làm được tới đâu rồi?
    -Họ đã dùng công nghệ gì để viết và có ưu khuyết điểm gì?
    -Nếu họ yêu cầu tôi viết mới thì các yêu cầu đó là gì?
    -?
    Tuyệt đối không đi sâu vào chi tiết, như đoạn mã này, giản đồ kia, database nọ,? Sau đó tôi bỏ ra chừng một tuần để thiết kế hệ thống mà mình định làm. Do không sa đà vào chi tiết hệ thống cũ, nên bản thiết kế mới của tôi là hoàn toàn độc lập, mang lại tính chủ động và cả niềm hưng phấn nữa. Sau đó bỏ thêm mấy ngày liền để tranh luận với Mr.Ertan về bản thiết kế của mình. Tôi đem những ưu khuyết điểm của cả hai bản thiết kế ra so sánh, biện luận cho những điều mình sẽ làm. Một điều đáng quý ở Mr.Ertan là anh ta rất giỏi tranh luận nhưng không bảo thủ. Tất nhiên không phải mọi điều tôi đem ra nói đều được anh ta đồng ý, nhưng hầu hết đều được thông qua và câu hỏi thường xuyên mà tôi nhận được là ?otại sao?? và ?otại sao không??. Sau khi có một bản thiết kế hoàn chỉnh, tôi bắt đầu ra yêu sách cho việc mình làm như: phải cấp quyền cho tôi trên thiết bị này, tôi cần bàn phím tiếng Việt, hay tôi muốn được giờ giấc thoải mái hơn,? Người châu âu là vậy, một khi vì công việc thì họ sẽ cố gắng đáp ứng đến mức tốt nhất. Thế là tôi yên tâm bước vào thực thi hệ thống với tinh thần rất thoải mái.
    Trong quan hệ với đồng nghiệp cũng vậy, tôi dùng chiến lượt ?ochuyển đối đầu sang đối thoại?. Đừng mong người khác cởi mở với mình trong khi mình chưa sẵn sàng làm việc đó. Quan sát thấy anh bạn người Nga ngồi bên cạnh là người rất dễ mến và thân thiện tuy anh và tôi chưa truyện trò. Tôi chủ động lúc thì hỏi anh cái này, nhờ anh giúp cái kia. Lâu dần thành thói quen, anh và tôi lại thân nhau. Anh tên là Johann nhỏ hơn tôi 4 tuổi nhưng đã có vợ. Anh cho biết vì lúc đi học mãi ham vui nên lỡ?thôi thì đám cưới vậy. Thỉnh thoảng tôi lại nhờ anh chở đi tới địa điểm này, quán bia nọ và không quên mời anh một ly. Qua anh tôi biết được tính tình của từng người và những chuyện ?othâm cung bí sử? của công ty 3U. Nhờ thân nhau, mà hình ảnh của tôi cũng dễ chịu hơn trong mắt các đồng nghiệp khác. Lần lượt truyện trò với Nicolas, các cô gái Balan dễ mến, rồi các anh bạn Đức, mỗi người mỗi tính nhưng họ cũng rất sẵn lòng đáp lại. Tôi không quen khen các cô gái dễ thương, mặc dù thỉnh thoảng họ cũng hút thuốc. Đặc biệt tôi chú ý tới một anh bạn người Đức (đã quên mất tên). Anh này nói chuyện bị cà lăm nhưng rất tốt bụng và cực kỳ giỏi. Vóc người anh nhỏ nhắn, cái trán hơi nhô, đôi mắt ánh lên vẻ thông minh ẩn sau lớp kính dầy cộm. Có thể nói anh là chuyên gia của công ty này. Tôi học hỏi kiến thức ở anh rất nhiều.
    Tôi lao vào thực thi hệ thống như điên vì lúc này đã chủ động được công việc rồi. Có những buổi làm việc mà về tới nhà là 10h đêm. Tôi cũng thường xuyên nhận được câu nói ?ogood good? từ miệng của Ertan. Có hôm Mr.Ertan còn mời tôi ăn một ít bánh mà anh mang theo cho có sức để mà làm tiếp. Những lúc như thế này mới cảm thấy anh ta sao dễ gần đến thế nhưng tôi luôn luôn cảnh giác các bạn ạ. Độ hơn một tháng nữa thì tôi hoàn thành hệ thống, ngày nghiệm thu cũng đã đến. Hồi hợp chờ đợi thành quả của mình, tuy có trục trặc một chút liên quan đến phần cứng, nhưng kết quả thật mỹ mãn. Tôi xin dẫn chứng cho các bạn biết, nếu dùng hệ thống cũ thực thi trên dữ liệu của ba tháng thì mất 2 ngày. Nếu dùng hệ thống của tôi thì mất chừng 15 phút, một con số ấn tượng đấy chứ các bạn. Đó là chưa kể đến các tiện ích như: định thời, cho phép cấu hình mở, dùng qua internet,? Tôi nhận được nhiều lời khen từ Ertan và hội đồng giám định bên phòng kinh doanh cử qua.
    Hợp đồng giữa sếp với 3U cũng sắp kết thúc, mặc dù Mr.Ertan rất muốn giữ tôi lại làm với anh ta cho một dự án mới, nhưng việc đó ngoài thẩm quyền của anh. Vả lại sếp cũng đang cần tôi cho một dự án của riêng mình. Vì thế Ertan đành phải thuê người mới vào làm cho 3U với chi phí thấp hơn. Anh ta quả là người kỹ tính, tôi không nhớ bao nhiêu người bị anh ta cho thử việc rồi lại thôi. Người cuối cùng trụ lại là Martin. Một chàng trai mảnh khảnh ra dáng nghệ sỹ và cao hơn tôi một cái đầu. Tôi phải training cho anh ta những gì tôi làm một tuần trước khi nghỉ kèm với lời khuyến mãi: ?obạn hãy đến Việt Nam du lịch nhé, ở đó đẹp lắm, giá không cao mà con người rất thân thiện nữa?. Ngành du lịch nên cảm ơn tôi ở điểm này vì đã quảng cáo không công.
    Ngày rời Marburg cũng gần kề, Mr.Ertan lúc này tỏ ra tìm cảm lắm. Anh ta nói lời cảm ơn tôi vì đã hỗ trợ trong thời gian qua và hy vọng sẽ còn hợp tác lần nữa. Anh còn mời ăn kem nữa, tình cảm quá đi chứ các bạn. Tôi cũng không quên nói lời cảm ơn ngược lại vì đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

    Những ngày còn lại ở Marburg thật đáng nhớ biết bao, tôi rủ Johann đi quán bar. Trong quán bar có cô gái phục vụ rất dễ thương. Anh nhìn cô gái chằm chằm làm cô rất ngượng ngùng, mặc dù Johann đã có vợ rồi. Tôi ngoắc cô gái lại và nói ?oAnh này khen em dễ thương nè?. Cô gái bật cười, nói lời cảm ơn còn Johann ngượng chín cả người, mặt đỏ gay và chỉ cho cô gái thấy chiếc nhẫn cưới của mình. Anh bảo ?nếu anh mà chọc các cô gái thì vợ anh sẽ cho anh một trận nên thân, do đó đừng chọc anh như vậy nữa nhé?. Nhưng đồng thời cũng nói thầm với tôi ?onhưng mà công nhận dễ thương thật?. Tôi hỏi anh có muốn cưới cô đó làm vợ nữa không? anh trả lời ?osợ vợ lắm?. Sau đó tôi hỏi anh thông tin về những địa điểm du lịch ở Marburg, anh giới thiệu đến lâu đài Spiegelpalast (hay Spiegelslust các bạn nhỉ, tôi không nhớ lắm.)
    Sáng hôm sau tôi vác balô, mang giầy thể thao đón xe buýt đi đến lâu đài nọ. Chạy lòng vòng qua một một vài con dốc thì đến trước một bệnh viện, xe buýt dừng. Hỏi thông tin thì được biết để đến đó phải đi bộ gần 2Km. Dọc hai bên đường những cánh rừng xanh um, dài hun hút không một bóng người. Thỉnh thoảng có vài cụ ông cụ bà đi tập thể dục về. Đường trải nhựa thẳng băng. Buổi sáng nên hơi lạnh vẫn còn ẩn mình sau những tán lá. Vài chú chim sẽ vụt bay khi khách lạ viếng thăm trên những con đường. Xa xa hiện ra là một tòa lâu đài cũ kỹ và thấp lè tè. Thực sự lâu đài này không ấn tượng lắm nhưng truyền thuyết về nó thì cũng khá hay(bạn nào biết xin kể dùm). Nằm trên một ngọn đồi, nên du khách viếng thăm nó có thể nhìn bao quát cả thành phố Marburg. Bên trong lâu đài vẫn còn bộ bàn ghế, đồ dùng xa xưa để lại. Tất cả chỉ có vậy.
    Đêm hôm trước khi rời Marburg, các bạn ở chung đã tổ chức party nhẹ tiễn tôi về. Tôi mua một chai rượu chát mời mọi người cùng uống. Vì họ còn là sinh viên, chỉ quen uống bia chứ không uống rượu nên tất cả đều đỏ gay. Mọi người phát biểu cảm tưởng của mình và chúc tôi ra về vui vẻ, hẹn ngày gặp lại. Sao thấy văn hóa của mỗi nước gần nhau ở điểm này đến thế. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, đi lòng vòng quanh thành phố như để níu kéo thêm thời gian còn lại. Tôi đi qua mọi con đường dốc đứng của Marburg, mọi ngóc ngách rêu phong, các ngôi nhà cổ kính khu chờ ngoài trời trước quản trường. Lặng im ngồi nhìn sân ga Marburg lần cuối, lúc này mới thấy thấm thía 2 câu thơ đại ý như sau:
    Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
    Khi ra đi đất bỗng hóa tâm hồn.
    Vậy là đã kết thúc phần vượt chướng ngại vật rồi các bạn, thành công của tôi quá nhỏ nhoi nhưng để đạt được nó tôi đã phải đấu tranh rất nhiều đấy. Bây giờ chúng ta chuyển sang phần về Đích thôi, vì biết sắp về Việt Nam nên tôi đã cố gằng đi rất nhiều nơi, các bạn tiếp tục đón đọc để cùng nhau các vùng và lãnh thổ mà tôi sắp đi qua.
    (còn tiếp)
    Summer 2005
    NVL

    [​IMG]
    Marburg nhìn lại lần cuối
  7. thichdulich

    thichdulich Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/07/2004
    Bài viết:
    817
    Đã được thích:
    0
    Hay ! Tiếp tục đi anh bạn !
  8. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Phần 4: Về Đích
    Những ngày ngắn ngủi còn lại trên đất Đức, tôi cho phép mình nghỉ ngơi một tí bằng những chuyến đi đến các vùng và lãnh thổ khác nhau như: Magdeburg, leipzig, Berlin, Linz, Köln, Koblenz, Aachen, Brussel, ,Eindhoven, Amsterdam, và dự định mô tả lại trong phần "Về Đích? ngắn ngủi nhưng e rằng sẽ không thể nào làm thỏa mãn đam mê khám phá du lịch của các bạn. Hơn nữa tôi biết mình là người viết nghiệp dư, càng về sau tôi thấy mình càng đuối dần trong cách truyền tải thông tin đến với các bạn. Sau nhiều lần suy nghĩ tôi quyết định tách hẳn phần này ra thành bài viết riêng với cái tên ?oKhám phá Châu Âu 24*7?(hơi ngược với ?oThể thao 24/7 ? với chủ ý muốn nói khám phá châu âu trong 1 tuần lễ). Đây cũng là một cách nghỉ ngơi nạp lại năng lượng và sẽ ra mắt trong một ngày gần đây, mong các bạn thông cảm, tiếp tục ủng hộ và đón đọc.
    Trước khi về nước tôi cũng không quên mua một ít quà lưu niệm cho người thân và bạn bè, nhưng Cathay Pacific chỉ cho phép mỗi người 30 Kg, mà tôi thì đem quá nhiều sách nên không thể nào mua được nhiều. Bạn nào có bạn gái có thể mua tặng nước hoa, có rất nhiều loại, kiểu dáng đẹp và giá cả cũng rất phải chăng. Hoặc các bạn cũng có thể mua trái cây cho người thân, ở đây có rất nhiều loại trái cây hơi lạ với VN như Cherry chẳng hạn. Bên cạnh trái cây, thì có thể mua xúc xích của Đức, tôi bảo đảm rất ngon và lạ miệng đấy bạn ạ. Rượu, chocolate cũng là những món quá quý giá cho mọi người nhưng nhớ là mỗi người không quá 2 lít rượu đâu đấy. Còn mua sắm cho bản thân thì các bạn có thể mua giầy, hiệu Kanguru chẳng hạn, cực kỳ bền, đi rất êm nhưng tiền nào của nấy thôi. Quần áo không phải là lựa chọn tốt vì vóc dáng người châu á chúng ta hơi khiêm tốn so với Châu Âu.
    Sau nhiều tháng làm việc và tham quan trên xứ sở đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho nhân loại, tôi trở về quê hương khi tiết trời đã vào thu. Cây cối bắt đầu thay màu áo mới, những tán lá xanh um nay đã trở nên rực rỡ hơn. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc lá rơi nghiên cứ như mùa thu đã đến gần lắm, phả từng hơi lạnh vào tận ngõ mọi nhà. Ông mặt trời cũng ít ghé thăm hơn mọi lần, bầu trời bắt đầu xỉn lại. Âm nhạc vẫn dìu dặt trên mọi con phố nhưng dường như đâu đó bắt đầu vang lên những tình khúc mùa thu. Xách vội mớ hành lý, đón chuyến tàu về Frankfukt nơi mà cách đây nhiều tháng tôi như như anh nhà quê lên tỉnh thấy cái gì cũng lạ. Cảm giác lần này hoàn toàn khác, một chút mong ngóng, một chút hân hoan, pha lẫn một chút nuối tiếc. Nuối tiếc vì tôi bắt đầu rời xa mảnh đất này, mảnh đất đã hình hài trong tôi một tình yêu nhẹ nhàng sâu lắng. Hân hoang vì tôi sắp gặp lại người thân bạn bè sau bao ngày xa cách. Ngồi trên truyến bay transit qua HongKong của Cathay Pacific, dưới chân tôi giờ đây là những kỷ niệm vẫn còn tươi nguyên. Từng ngôi nhà, từng con lộ chìm hẳn trong màu xanh nhạt nhòa. Mây đầu thu giăng giăng, nửa mờ nửa hiện như thôi thúc tôi phải làm cái gì đó cho mảnh đất này. Đó chính là lý do của bài viết tôi dành tặng cho các bạn, nó giúp tôi khuây khỏa nỗi nhớ, thêm một chút hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, giúp các bạn đam mê khám phá du lịch một cơ hội được biết thêm về một miền đất mới, nhưng tôi vẫn không quên 2 câu trong bài hát ?oChiều Trên Bến Cảng? do Ngọc Tân hát để răn mình:
    Qua mỗi chuyến đi xa
    Ta thấy yêu quê mình
    Khi những dòng này đến tay bạn đọc cũng là lúc tôi bắt đầu dấn thân vào một chuyến đi mới đến một vùng đất mới. Có thể không mới đối với một số bạn nhưng biết đâu dưới cách nhìn của tôi lại xuất hiện nhiều tình tiết hấp dẫn cũng nên. Cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết này trong thời gian qua, đặc biệt trân trọng các lời bình, các góp ý để tôi có được hưng phấn viết trọn vẹn những điều mình ấp ủ lâu nay. Mong muốn ngày càng có nhiều bài viết hay hơn nữa.
    Summer 2005
    NVL

    [​IMG]
    Mùa thu đang về
  9. marburg

    marburg Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/11/2005
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Thatlakhohieu thân mến, ko biết tôi có thể gọi bạn là ?zThật là khó hiểu?o hay ko? J
    Vậy là cuối cùng bạn cũng hoàn thành tốt công việc ở Đức, chúc mừng bạn.
     
    Bạn vẫn chưa trả lời tại sao bạn lại ko gặp cô sinh viên kia :)) Khi đọc đến phần bạn viết về Marburg tôi đã biết bạn là ai, người chưa bao giờ gặp mặt và cũng ko biết tên nữa :)) Thực ra tôi cũng phân vân ko biết có nên trả lời bạn ko, vì đã ko gặp rồi thì thôi. Nhưng sau đó tôi biết thêm rằng nơi bạn sắp đến cũng lại là nơi tôi đã đi qua, nên thôi, coi như là có duyên biết nhau ?" nhưng ko có duyên gặp mặt vậy J)
     
    Tôi có nghe nói đến bạn, đã biết là Daniela dẫn bạn đến bấm chuông phòng tôi nhưng ko có ở nhà. Thế mà sau đó ko thấy bạn ghé lại, trong khi 2 building ở sát nhau ^^. Tôi cũng có ghé qua building bạn ở để dò tên nhưng ko thấy, cả tên của Daniella cũng ko thấy, chắc đã tháo đi rồi. Sau đó lại không gặp cô ấy vì không có chung bus nữa, nên chẳng hỏi được gì. Thế là ko có duyên gặp mặt rồi J Tiếc nhỉ. Thời gian đấy cũng có 2 anh người Việt nữa sang học tiếng Đức tại Marburg theo học bổng của DAAD, bây giờ họ đã chuyển đi học chính thức ở nơi khác rồi.
    Chính ra cuộc sống có nhiều sự trùng hợp bất ngờ. Tuần vừa rồi tôi gặp lại Daniela trên đường ra Mensa, cô khoe là có thưởng thức trà Việt Nam của bạn tặng, và rằng nghe nói bạn sắp đến K. Tôi ko kể cho cô ấy nghe về chuyện tôi cũng vô tình đọc được bài bạn viết trên forum. Hic, nhưng mà cái anh T. bạn nhắc đến thì cũng có theo dõi câu chuyện đấy.
     
    Vùng đất mới bạn sắp đến cũng là nơi tôi đã gắn bó 2 năm, và tôi thực sự yêu mến nó ?" khi rời xa càng cảm thấy thế. Tôi chúc bạn thành công trên con đường mới này và lại có một bài giới thiệu hay về nơi ấy. Chắc bạn cũng biết một forum của hội SVVN tại đấy chứ? Chúc bạn mau chóng hòa nhập nơi ấy.
    Thân
  10. thatlakhohieu

    thatlakhohieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0

    Cảm ơn bạn Maburg, bây giờ tôi đã biết bạn là ai rồi. Đúng là hồi đó, Daniela có rủ tôi sang phòng của bạn để bấm chuông nhưng không gặp. Sau đó tôi cũng đến 2 lần nữa và bấm chuông nhưng cũng không gặp nên tôi tưởng bạn đã nghỉ hè và đi nơi khác. Hiện tại tôi đang ở K., hy vọng có một ngày sẽ đến Maburg một lần nữa. Ở K. tôi ko gặp khó nhăn nhiều vì văn hóa cũng gần tương đồng, vả lại sếp cũng hiền lành lắm. Tôi cũng đang manh nha 1 bài viết về K. đấy. Ah tôi cũng sẽ vào trang web của sinh viên K và tham gia cho vui.
    Đúng là quả đất tròn, đi đâu cũng là bạn bè cả. Nếu gặp Daniela và anh T cho tôi gởi thăm nhé. Chúc bạn học tập tốt, sức khoẻ dồi dào.
    Tôi đang hoàn thành nốt phần "Khám Phá Châu Âu 24*7" mong các bạn tiếp tục đón đọc.

Chia sẻ trang này