1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tây Dương Gia tô bí lục

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi preludeNo1, 04/09/2008.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. preludeNo1

    preludeNo1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/03/2004
    Bài viết:
    1.668
    Đã được thích:
    1
    Thế là giám mục khâm mạng tên thánh là Phanxicô vâng mệnh sang truyền đạo. Đến nay dân quận ấy đều theo đạo Tây Dương, đổi tên gọi là quận Macao [5] , xây nhà thờ lớn, trên có tháp cao dựng giá chữ thập rất lớn. Đốc chính giám mục các địa phận xung quanh mỗi khi có thư từ thì thuê thuyền của người Tàu chuyển đến. Nghe ba phát súng hiệu, giám mục quản trấn cho chèo thuyền ra, bắn súng đáp hiện mà nhận thư, rồi theo lời dặn trong thư mà trả tiền thuê cho chủ thuyền. Đốc chính Macao theo các việc nói trong thư viết báo cáo gửi về cho Giáo hoàng. Cho nên ngày nay ở các nước Đại Thanh, Chiêm Thành và nước ta hằng năm xảy ra những việc gì, người Tây Dương đều biết rõ cả. Lại ở miền ven biển Triều Châu, Khâm Châu, Hải Châu thuộc nước Thanh; Gia Định, Nam Chân, Đại An, Bồng Hải ở nước ta, đều có gián điệp do các viên đốc chính sai đến ẩn náu. Hễ nghe tín hiệu ba tiếng súng nổ từ thuyền của người Tàu đậu ngoài khơi, bọn chúng biết là có thư mật từ Tây Dương gửi sang, liền chèo thuyền ra khơi đón nhận, rồi trả tiền công cho chủ thuyền. Đảo ấy trở thành một trạm chuyển tiếp các thư từ liên lạc của bọn giặc Tây Dương.
    Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô [6] lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân [7] . Trước đó giám mục khâm mạng ở Ma Cao, qua dò la thăm hỏi người Tàu đã biết rõ phong tục và hiện tình nước Nam ta, bèn gửi thư về mật tâu với Giáo hoàng rằng: Nước Nam giáp với nước Thanh, có hai nơi thuận tiện cho việc truyền đạo: một là Gia Định, dân chúng hung hãn, cứng đầu; hai là Nam Chân, phong tục quê mùa cổ lậu. Vả lại ở nước ấy không có lệnh cấm dị ngôn dị phục [8] , mà hiện nay thì hai họ Lê, Mạc đang tranh giành với nhau, trong nước nhiều việc, không ai rỗi mà soát xét những việc nhỏ nhặt. Xin sai giám mục Ingatiô [9] làm khâm mạng, theo thuyền biển mà sang, bảo viên ấy rằng: Nam Chân là nơi phong tục cổ xưa thô lậu, nên đến đó trước?.
    Ingatiô sang đến nước ta bèn lẻ vào cư ngụ ở các làng Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường, đến đâu đều cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu nghe giảng đạo. Từ đó đạo Gia Tô mới bắt đầu lan đến nước ta. Về sau môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục, xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng [10] . Từ đó nước ta bắt đầu có giặc Tây Dương lẻn vào cai quản [11] .
    Trải qua các đời đến năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Hưng năm đầu đời của vua Hiển Tông (1740-1786), giặc giã nổi lên khắp nơi. Giám mục khâm mạng báo hết mọi sự về Tây Dương. Giáo hoàng liền sai thêm hai giám mục đốc chính tên thánh là Phêrô và Đôminicô cùng sang nước ta. Hai người đều dựa vào đám giáo đồ của Ingatiô mà hành đạo. Việc truyền đạo của họ về sau lan dần đến Thăng Long, phía bắc đến tận hai châu Tuyên [Quang], Lạng [Sơn], giáp cửa ải, phía đông tới miền An Quảng [12] , phía tây thì vào đến Nghệ An. Những nơi ấy đều có dân theo đạo cả. Thế là hai giám mục đốc chính nói trên bèn lập riêng hai dòng đạo, một gọi là dòng thánh Phêrô, một gọi là dòng thánh Đôminicô. Mỗi dòng đều soạn riêng sách kinh, khác nhau chút ít về âm đọc, cốt để phân biệt giáo đồ của hai dòng [13] . Và cũng từ đó dân đạo chia làm ba dòng [14] , mỗi dòng đều có chức giám mục đốc chính kết tiếp nhau cai quản.
    Năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 (1770), thượng thư Nguyễn Công Hãng dâng khải lên chúa Trịnh Sâm xin cấm đạo Gia Tô.
    Hồi bấy giờ giám mục Tây Dương đã đến lén lút cai quản dân đạo vùng Thăng Long, người theo khá đông. Quan quân bắt được hai giám mục ở Hải Dương là Đỗ Trọng Gia [15] và Nguyễn Thế Liêm [16] đem xử trảm ở bãi Tây Luông. Còn những kẻ khác, mỗi khi bắt được, quan quân đều ngầm cho dân đạo đem tiền đến chuộc, triều đình không hay biết. Bấy giờ Gia và Liêm bị giam ở nhà ngục Thăng Long. Trọng Gia bảo người của mình đút lót nhiều tiền bạc cho cai ngục, rồi xin cai ngục cho phép người bạn vào thăm. Thế Liêm thì nói bị ốm, xin cho mời thầy lang vào chữa bệnh. Đến khi cho vào thăm thì hóa ra hai tên cố đạo người Tây trá hình. Cai ngục đã nhận hối lộ nên không hỏi đến. Bọn chúng cùng ngồi nói chuyện, dùng tiếng Tây mà xưng tội, chịu lễ. Gia và Liêm lại dùng tiếng Tây bảo dân đạo rằng: ?oBao giờ quân không tướng, hổ không đầu thì mới đáng lo?.
    Đến khi Gia và Liêm bị chém, dân tả đạo chuộc lấy áo mũ gông cùm và vét máu đem về thờ, hệt như phép của người Tây Dương [17] .
    Giám mục đốc chính viết thư mật gởi về Tây Dương. Tháng 10 năm sau, tiếp thư từ Tây Dương phúc đáp đã cho tạc tượng phong thánh cho hai giám mục ấy, vậy sức cho dân bổn đạo biết để ai nấy một lòng không khiếp sợ. Giáo hoàng được tâu báo tình trạng khi Gia và Liêm bị hành hình có nói câu ?oquân không tướng, hổ không đầu?. Nguyễn Công Hãng thì nói: ?oBọn chúng ắt có âm mưu gì?? [18] , bèn gửi thư mật cho các giám mục khâm mạng ở các nước căn dặn từ nay về sau các giáo sĩ mới ra nước ngoài thì trong ba tháng đầu phải tỏ ra không quen ăn các món ăn địa phương để khiến cho người ta khỏi nghi ngờ. Lại chỉ thị cho các giám mục biết từ nay về sau khi bị cực hình phải thong dong chịu nạn để cho người bản xứ khỏi thêm tức giận dẫn đến tai họa tru di hàng loạt. Cho nên đến nay, bọn họ vẫn làm theo phép ấy.
    Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ 1 (1787), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ dấy binh ở ấp Tây Sơn [19] . Nước Thanh đưa quân sang cứu viện cho Chiêu Thống nhưng bị thua to ở Thăng Long, quân lính chết ngập sông. Đến tháng 5, thiên hạ bị một trận đói lớn, dịch bệnh lan tràn. Các giám mục đốc chính của giặc Tây ngầm khuyên các nhà giàu xuất thóc tiền chẩn cấp để thu phục dân chúng, lừa phỉnh họ rằng: ?oAi hay cứu giúp người, dẫu trước kia phạm đại tội đến ngày tận thế [20] cũng được lên thiên đường cùng với dân đạo?. Những kẻ nghèo đói vui được yên ổn xin theo đạo rất nhiều. Đến khi bình yên cũng có người xin ở lại nhập làng đạo, cũng có người xin về quê. Các cha cố đều ghi quán chỉ của những người trở về, rồi bí mật đặt người giảng đạo theo tên ghi trong sổ tìm đến tận nhà khuyên dỗ người ta kiên lòng theo đạo. Vì thế giáo đồ tả đạo nước ta từ đó càng thêm đông [21] .
    Năm Nhâm Tí (niên hiệu Quang Trung) thứ 5 (1792) đạo dòng Tên (Jésuites) bị giải tán, sáp nhập vào dòng Đôminicô. Từ đó tà đạo ở nước ta chỉ còn hai dòng Phêrô và Đôminicô mà thôi. Khi đạo Gia tô mới truyền vào nước ta, giám mục Ingatiô tuy có công lao hàng đầu, nhưng thường khuyên răn giáo đồ bổn đạo không được vì thế sinh ra kiêu căng, mà phải lấy sự khiêm tốn làm đầu, ai làm trái sẽ bị trách phạt. Các tu sĩ dòng Tên đã xếp hạng đại môn đồ phải được giám mục đốc chính thuộc hai dòng Phêrô hoặc Đôminicô truyền chức thì mới được phong làm thầy cả, chứ không phải do đốc chính của dòng mình cấp bằng [22] . Thư cuối năm gửi về vấn an Giáo hoàng, có đoạn nói: ?oDân nước Đại Nam nhu nhược, lờ khờ, hay hám lợi, dễ mê hoặc bằng những chuyện hoang đường, chưa đầy hai trăm năm mà đạo ta lan truyền rộng khắp cả nước, so với các nước khác thì chưa có nơi nào dễ dàng như vậy!?.
    Tiếp đó thư ấy lại nói: ?oCác giám mục dòng Tên ngày nay đâm ra ngang ngạnh, khinh thường hai dòng của chúng tôi. Kẻ theo đạo mà cố chấp ngang ngạnh thì sợ rằng về sau vì cố chấp ngang ngạnh mà phản đạo cũng không phải là khó lắm?.
    Giáo hoàng cho lời thưa trong thư là phải, bèn cho mở tiệc lớn để chúc mừng [23] . Mật thư của Giáo hoàng phúc đáp cho đốc chính hai dòng Phêrô và Đôminicô có đoạn nói: ?oTừ nay không phong chức thầy cả cho người dòng Tên nữa, thì sau chừng hai chục năm, dòng ấy ắt phải hỗn loạn, sáp nhập giáo đồ cho dòng Đôminicô cai quản cũng được? [24] . Hai giám mục đốc chính dòng Phêrô và Đôminicô theo lời mật thư từ đó bèn không phong cho môn đồ dòng Tên làm thầy cả nữa, do đó đến năm ấy (1792) dòng Tên tiêu vong, chỉ còn hai giám mục một người tên là Phạm Văn Ất, một người tên là Nguyễn Đình Bính mà thôi.
    Năm Quý Sửu niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) triều Tây Sơn, vào tháng mười, hai giám mục dòng Tên ở địa phận Nam Chân là Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Tây Dương khiếu nại về việc mất dòng.
    Hồi bấy giờ dòng Tên đã suy, giáo đồ bản đạo nhất định không chịu giám mục đốc chính hai dòng kia [25] . Khi có cha cố người dòng khác đến cai quản làm lễ, giáo dân dòng Tên đều tỏ thái độ tức giận không chịu nhìn. Rồi đó góp quỹ công được một số tiền khá lớn, khẩn thiết thỉnh cầu hai giám mục Phạm, Nguyễn sang Tây Dương kêu kiện việc ấy. Lại nói: ?oKhông được khôi phục dòng thì chúng tôi thà bỏ đạo!?. Hai ông Phạm, Nguyễn sợ dân bỏ đạo mới nhận lời ra đi. Hai ông sang Ma Cao, được giám mục đốc chính ở Ma Cao thu xếp cho đi thuyền biển, mất sáu tháng thì đến Tây Dương đưa đơn khiếu nại về việc mất dòng. Giáo hoàng sai thư ký lấy văn kiện thư từ các năm trước ra xem lại rồi phán rằng: ?oViệc này, trước đây đốc chính hai dòng Phêrô và Đôminicô đã tâu: Đại Nam là một nước nhỏ, không nên lập nhiều dòng. Vả lại dân vùng Nam Chân ngang ngạnh, dễ làm hại đến sự đạo, cho nên mới phải làm như thế?. Bấy giờ hai ông Phạm, Nguyễn mới hay việc ấy đã có phán quyết rồi? [26] .
    Nhân có hai giám mục người nước ta sang chầu, Giáo hoàng rất mừng, thăm hỏi nhiều lần về hình thế núi sông, luật pháp dân tình của nước Nam ra sao, v.v. hai ông đều trả lời rành rọt, có thư ký người Tây Dương ghi chép hết vào sổ sách. Rồi đó Giáo hoàng sai mở điện thờ đưa hai ông vào xem. Thì ra trong điện ấy từ tượng ảnh của các giám mục nước ta từ các đời trước [27] cùng là các sách sử ký của nước ta, các sách kinh, truyện, tính lý của Trung Quốc đều không thiếu thứ gì. Chợt Giáo hoàng rút ra một tấm địa đồ, gọi hai ông Phạm, Nguyễn đến gần mà chỉ cho xem. Trước mắt hai ông bấy giờ là một tấm bản đồ nước ta vẽ rất rõ ràng. Giáo hoàng cười bảo rằng: ?oBản đồ nước các ngươi đấy!? Nói đoạn bèn chỉ một đường từ cửa biển Đại Ác [28] trên bờ biển Nam Hải [29] đến sông Vị
  2. preludeNo1

    preludeNo1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/03/2004
    Bài viết:
    1.668
    Đã được thích:
    1
    Hoàng lên Nam Xương [30] , Chương Dương [31] , đến kinh thành Thăng Long, tiếp lên Kinh Bắc, Thái Nguyên, Tuyên Quang làm giới hạn. Về phía đông sông (Nhị): một nửa số huyện thượng lưu trấn Sơn Nam Hạ, toàn huyện Nam Chân, nửa huyện Đại An, trở về Hải Dương, An Quảng, Kinh Bắc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, các huyện Tụ Long, Bảo Lạc giáp cửa ải là các địa phận thuộc dòng Đôminicô cai quản. Về phía nam sông (Nhị): từ huyện Mỹ Lộc thuộc trấn Sơn Nam Hạ đến phủ Khoái Châu trấn Sơn Nam Trung, thông sang Thăng Long, Sơn Tây, [vào] Thanh Hoa nội ngoại [32] . Nghệ An, Bố Chính, Thuận Hóa, Phú Xuân, Quảng Nam, Bình Hòa [33] , Phiên An [34] , Gia Định, Hà Tiên là các địa phận thuộc dòng Phêrô cai quản [35] . Các ngươi đã có lòng thành thật sang đây thì hãy nên cẩn thận chớ tiết lộ cho ai biết: sớm muộn khoảng hai mươi năm nữa [36] ta sẽ có cuộc hội lớn để mừng công khen thưởng [37] . Khi ấy ta sẽ đích thân phong thánh sống cho các ngươi, vinh phong đốc chính và gia thăng phẩm phục 3 cấp cho các ngươi?.
    Giáo hoàng nói xong đưa tay vỗ vai hai người hồi lâu. Rồi đó sai thợ [38] tạc thêm tượng nữa [39] cho hai giám mục đặt đối diện với nhau trước cửa cung điện, mỗi tượng có đề dòng chữ nạm vàng: ?oNăm thứ 8 của Giáo hoàng?, ngày 13 tháng 4, giám mục nước Đại Nam (họ tên là?) sang chầu, được sinh phong hiệu Trung thánh?.
    Hai người cả mừng lạy tạ. Sau đó hai ông còn được đi khắp một lượt thăm các nơi trong cung điện cùng là khu tượng mộ của các đốc chính giám mục các nước có biển hoặc bia ghi tên từng người. Hai ông cũng được vào thăm vườn Ghêtsêmani, núi Calavôriô, xem con tàu khổng lồ của Nôê [40] để bày tỏ lòng tin. Hai giám mục ngỏ ý muốn đọc các sách Tây Dương để mở rộng hiểu biết, được Giáo hoàng cho phép. Cuối cùng, Giáo hoàng còn lấy ra quyển sách ghi chép các phép kín bảo hai người ngồi ngay trước ghế của ngài mà đọc. Vậy là hai ông được ngồi trong điện Giáo hoàng cung đọc chung sách Bí lục và sách Sử ký của nước Tây Dương.
    Hai ông Phạm, Nguyễn ở lại kinh đô Tây Dương trong năm tháng rồi vâng mệnh mà về, đành phải nói dối dân bổn đạo rằng: ?oĐức Giáo hoàng có lòng muốn cho lập dòng ta, nhưng ban đêm thấy điềm lạ, cho nên ngài không dám làm trái ý Chúa?. Nghe vậy dân bản đạo sợ phép Chúa cũng phải tin là sự thực và đành chịu tuân theo. Thế là từ đó dòng Tên phải hợp vào dòng Đôminicô vậy. Và cũng từ đó giám mục dòng Tên khi đứng ra làm lễ chỉ có hai ông Phạm, Nguyễn đội mũ triều thiên và mặc áo choàng đỏ có đính hạt cườm mà thôi.
    Năm Bính Thìn (niên hiệu Cảnh Thịnh) thứ 4 (1796), hai giám mục Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính bỏ đạo Tây Dương về với chính đạo của nước Nam ta.
    Hai ông Phạm, Nguyễn từ khi ở Tây Dương về biết rõ thực trạng của vua tôi Tây Dương, nói riêng với nhau rằng: ?oXem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người. Hai chúng ta vì bọn họ mà xua đuổi dân ta theo bọn họ chỉ là làm công việc vô ích mà thôi?. Lại nói: ?oĐược phong thần nhưng không phải là thần của nước Nam mà lại là thần của nước Tây Dương, thế thì có lợi gì cho bọn ta đâu!?. Đến bấy giờ hai ông đều muốn từ bỏ chức giám mục mà ra khỏi đạo.
    Hai ông là người có trí nhớ thật phi thường, bèn cùng nhau ngồi đọc tầm mà ghi lại cuốn Gia Tô bí pháp (Ghi chép các phép kín của đạo Gia Tô), bí mật cất giấu [41] , than thở với nhau rằng: ?oHai chúng ta chẳng có quan chức gì để mà dâng đạt ý kiến lên nhà vua. Chẳng biết đến bao giờ vua ta mới ra lệnh nghiêm cấm để cho con cháu ta khỏi phải làm tôi mọi cho quân chó má ấy. Được như thế thì chúng ta cũng trộm lấy làm may mắn lắm!?.
    Từ đó hai ông trễ nải việc hành lễ, thường chỉ cùng ngồi uống rượu hoặc đi thăm thú đó đây. Giám mục đốc chính của hai dòng kia dò biết tâm ý của hai ông, lấy làm lo sợ, bèn khuyên dỗ để hai ông chuyên chú trông coi dân bổn đạo cũ ở địa hạt Nam Chân. Hai ông cáo bệnh từ chối không nhận. Ông Phạm bảo ông Nguyễn rằng: ?oTôi nay tuổi già rồi, còn bác thì nên bỏ ra mà kiếm kẻ sinh con nối dõi?. Ông Nguyễn nói: ?oBác nói thật hợp với ý tôi?. Rồi đó Nguyễn Đình Bính đi lại với một góa phụ, đến khi người ấy có mang thì công khai bỏ ra khỏi đạo. Giám mục đốc chính nghe tin cả giận, nhưng lại sợ Nguyễn Đình Bính tố cáo với các quan của triều đình tiết lộ hết điều kín, bèn dụ dỗ Phạm Văn Ất rằng: ?oNay Thầy đã già yếu rồi, không dám làm phiền Thầy phải trông nom việc đạo nữa, xin mời Thầy về hưu dưỡng ở nhà xứ Ninh Cường?. Lại dụ dỗ Nguyễn Đình Bính rằng: ?oNhà Thầy công to tội nhỏ, chúa mật truyền phục chức cho Thầy. Nay Thầy hãy làm giấy cho thị mỗ bế con ra khỏi cửa thì coi như được giải hết mọi tội. Chỉ cần từ nay về sau mỗi khi làm lễ xong, Thầy quỳ xuống bên ghế mà đọc kinh hối tội một lần thì Thầy sẽ không phải thấy địa ngục? [42] . Giám mục đốc chính cũng nói khắp lược cho giáo dân biết như thế, người ta cũng phải chịu tin. Nhưng Đình Bính vẫn chẳng ngó ngàng gì đến chức đạo, đốc chính cũng không dám vượt chức về làm lễ thay, trước sau chỉ đành rỉ tai bảo nhau rằng: ?oPhải đợi cho hai lão ấy chết đi thì đạo ta mới khỏi phải lo lắng?.
    Khi đứa con trai của Nguyễn Đình Bình đã hơi khôn lớn, giám mục đốc chính lại dụ dỗ Bính cho con làm môn đồ, nhưng Đình Bính nhất quyết không nghe, đáp rằng: ?oCha nó đã theo làm môn đồ mãi rồi?. Đốc chính không dám nói gì nữa. Đình Bính khuyên vợ nuôi con ăn học, không được đả động gì đến việc đạo ngày trước nữa.
    Năm Tân Dậu [niên hiệu Cảnh Thịnh] thứ 9 (1801) là năm vua bản triều (Gia Long) mở vận [43] , trong nước lắm việc rối ren, giám mục đốc chính gửi thư mật về Tây Dương báo cáo đầy đủ tình hình. Giáo hoàng bèn phái sang nước ta thêm 4 giám mục đốc chính nữa: một ở Gia Định, một ở Sơn Tây, một ở Thanh Hóa, một ở Nghệ An [44] . Kể cả đốc chính đã đến từ trước thì bấy giờ ở nước ta có tất cả 6 giám mục đốc chính Tây Dương [45] .
    Năm Mậu Thìn niên hiệu Gia Long thứ 7 (1808), ?ogiặc cướp? nổi lên khắp nơi, dân đạo nghèo khổ nhiều người bị cưỡng bức hùa theo. Sau khi dẹp yên, khôi phục nghề nghiệp làm ăn sinh sống, các giám mục đốc chính mật dặn các giám mục sở tại bảo họ đến xưng tội thì được tha thứ hết. Làm như thế cốt để cho bọn họ vững lòng theo đạo, nếu không, một người bỏ đạo sẽ kéo theo cả vợ con cùng bỏ đạo thì tại hại lớn lắm!
    Năm Kỷ Tị niên hiệu Gia Long thứ 8 (1809), giám mục Nguyễn Văn Hoằng và Trần Đức Đạt bỏ chức ngụy đạo trở về với chính đạo. Cả hai người đều quê ở Hải Dương, rất thông minh sáng dạ. Thuở nhỏ đi học, mới 13, 14 tuổi đã thông hiểu hết các sách kinh truyện, do đó tỏ ra là người có bản lĩnh rất ngay thẳng. Các cha cố nói chuyện với nhau thường khen tài và tỏ ý kiêng nể hai ông. Rồi họ dụ dỗ cha mẹ cho hai ông làm môn đồ.
    Văn Hoằng 17 tuổi đã đọc hiểu hết các sách Tây, được thăng làm thầy cả, coi việc đạo ở Sơn Tây, đặt tên hiệu là Bá Am. Trần Đức Đạt đến năm 20 tuổi cũng được thăng chức thầy cả, coi việc đạo ở Sơn Nam, đặt hiệu là Trình Hiên.
    Sau khi đã nhận chịu lễ chú quyết thụ phong thầy cả, Văn Hoằng than thở với Đức Đạt rằng: ?oChúng mình nguyền rủa người thân của người, người khác lại nguyền rủa người thân của mình [46] , cứ xoay quanh làm hại nhau như vậy?. Đức Đạt đáp: ?oNgười thân bị chôn sâu thì con cháu cũng chẳng được vinh hiển gì. Tự cắt đứt tình ruột thịt với người thân thì làm giám mục thầy cả để vì ai??
    Từ đó hai ông thường nêu lên bàn hỏi với giám mục đốc chính. Lần nào đốc chính cũng tìm cách phỉnh gạt cho qua chuyện đi. Hai ông hơi lấy làm ngờ, bảo nhau rằng: ?oHẳn là có ý đồ gì đây, không phải chuyện vô tình đâu?. Rồi đó hai người ai về xứ đạo của người nấy. Văn Hoằng lại từng nói với Đức Đạt rằng: ?oKinh thư nói: Vô kê chi ngôn vật thính (lời nói không có căn cứ chớ nghe)? [47] . Đức Đạt cũng than thở đáp: ?oMạnh Tử có câu: Bất hiếu hữu tam (có ba điều phải coi là bất hiếu)? [48] .
    Một hôm Văn Hoằng đến dự buổi thánh lễ do giám mục đốc chính chủ lễ, đốc chính giảng rằng: ?oCứ xem ngày nay trời đất không yên thì ngày tận thế sẽ xảy ra nội trong ba mươi năm tới?. Tối hôm ấy có người xin làm phép cưới, đốc chính lại nói: ?oMột lòng kính tin thì tự khắc sẽ được bách niên giai lão?. Văn Hoằng thầm nghĩ: ?oBuổi sáng nói ba mươi năm nữa đến ngày tận thế, vậy mà buổi tối lại nói bách niên giai lão, đúng là trở giọng như lật bàn tay?. Rồi từ đó mất hết lòng tin, phải vờ phát bệnh cuồng trong hơn một năm. Giám mục đốc chính thấy vậy bèn giữ Hoằng ở lại trong tòa giám mục địa phận.
    Một hôm nhân lúc đốc chính đi vắng, Văn Hoằng lén lấy chiếc tráp riêng của đốc chính rồi trốn đi. Khi mở ra xem, thì thấy trong tráp có một bộ Sử ký của nước Tây Dương. Nhờ đó Văn Hoằng mới biết nguyên do việc đạo ở nước Tây Dương cùng là những phép cấm đạo, diệt đạo mà các nước khác đã từng thi hành. Văn Hoằng bèn quyết ý bỏ đạo, than rằng: ?oVua tôi Tây Dương chúng bay chỉ lừa dối dân ta để cướp nước mà thôi?. Rồi đó Văn Hoằng lấy vợ, cư trú tại Thăng Long, bắt tay dịch tài liệu ra chữ Hán biên soạn thành sách [49] .
    Văn Hoằng bàn với Đức Đạt rằng: ?oTôi nghe nói hai giám mục lão thành là Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính lúc trước từng sang nước Tây Dương, vậy mà bỗng nhiên đâm ra lười biếng sự đạo. Chúng ta nên tới thăm hỏi cho biết rõ nguyên do?. Rồi đó hai ông cùng nhau tìm đến hai làng Ninh Cường, Quần Anh.
    Bấy giờ Phạm Văn Ất đã chết. Nguyễn Đình Bính cả mừng nói: ?oThế là sách của ta có chỗ gửi gắm rồi!? Bèn kể lại nguyên do mọi chuyện và lấy thủ cảo cuốn Gia Tô bí pháp đưa cho Văn Hoằng và Đức Đạt xem. Hai người xem xong cả kinh kêu thốt lên: ?oChính là giặc! Chính là giặc rồi! Đúng như người ta nói: không mưu đồ lợi lớn thì việc gì phải đánh đường sang đây! Bọn ta chìm vào đảng giặc đã lâu quá rồi!?
  3. preludeNo1

    preludeNo1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/03/2004
    Bài viết:
    1.668
    Đã được thích:
    1
    Văn Hoằng cũng lấy tập sạch do mình soạn đưa cho Đình Bính xem. Đình Bính cả mừng góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt, khiến cho người ta chỉ đọc qua một lần là biết ngay thủ đoạn lừa bịp của bọn chúng. Đó chính là tập sách này đây.
    Văn Hoằng và Đức Đạt ra về dặn nhau chớ để cho dân tả đạo kiếm cớ lui tới thăm viếng. Một hôm có tên môn đồ thuộc bổn đạo cũ nói là có việc đi tuần hành ghé vào thăm hỏi. Chỉ mấy tháng sau, Đức Đạt bị ốm chết.
    Văn Hoằng nghe tin Đức Đạt mất, vội từ Thăng Long về điếu tang. Xem xét trong nhà thì thấy trong bình vôi đầy những bột thạch tín [50] . Đức Đạt chỉ có hai con gái mà thôi [51] . Văn Hoằng thấy vậy càng thận trọng giữ mình, cho nên tả đạo không thể làm hại được. Về sau Hoằng sinh hai trai hai gái.
    Lại nói bên Trung Hoa vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573-1620) đời Minh, giặc Tây Dương sai giám mục Matêô Rixi mang tên thánh là Sêmông [52] làm khâm mạng sang Yên Kinh [53] để cai quản việc truyền đạo. Trước đó, đất Ma Cao tuy không thuộc quyền cai trị của người Trung Hoa, nhưng ngôn ngữ, văn tự, y phục vẫn theo như ở nội địa. Đến hồi nhà Minh loạn lạc nổi lên, giám mục khâm mạng ở Ma Cao, qua thư từ và hỏi chuyện các khách buôn người nội địa, biết rõ thực trạng ở Trung Hoa, bèn cho sao dịch một số sách kinh điển của người Trung Hoa lén chuyển về Tây Dương và tâu rằng: ?oTriều nhà Minh đang có biến, chểnh mảng lệnh cấm người ngoại quốc. Vả lại nước ấy rất lớn, nếu không phải là người thông tuệ uyên bác thì không thể đảm đương được chức vụ?. Giáo hoàng bèn triều quần thần hội bàn nói rằng: ?oĐạo Phật vào Trung Quốc nhờ ở nhà vua [54] . Đạo ta muốn vào nước ấy cũng phải có nhà vua giúp sức, được như thế thì chẳng việc gì không xong. Hơn nữa, nếu giám mục khâm mạng không phải là một người có danh tiếng lớn của nước ta thì không thể mê hoặc được dân nước họ?. Rồi đó Giáo hoàng chọn Matêô Rixi, trao phẩm phục và nhiều tiền bạc châu báu cho Rixi lên đường. Matêô Rixi trước hết đến Ma Cao để học chữ và tập cách ăn mặc; sau ba năm đã thông thạo hết mới rời Ma Cao để lên Yên Kinh. Tới nơi Rixi xin nhập tịch làm dân địa phương. Lại học thêm ba năm nữa rồi xin đi thi hội, đậu tiến sĩ. Năm ấy Rixi mới 23 tuổi, được ghi tên bảng vàng và vâng mệnh vinh quy về nơi cư ngụ ở ngoài kinh thành. Sau khi đậu đạt có danh tiếng rồi, Rixi bèn đem nhiều vàng bạc kim báu hiến cho nhà vua Minh và các đại thần thân cận của vua, một mặt kiếm cớ nói rằng: vì mình là người ?oman di ở Châu Nhai?, dân chúng coi là hèn kém nên không muốn ra làm quan. Vua Minh đã nhận vàng bạc châu báu của Rixi nên cũng cho được như ý nguyện. Bởi thế những khi có tế lễ sóc vọng [55] ở trong triều, Rixi chỉ là kẻ tiểu thần nên không vào dự. Từ đó Rixi đi giảng đạo ở các nơi trong nước Minh, nhưng vẫn có nhà riêng ở ngoài thành Yên Kinh. Rixi bèn so sánh lịch biểu, tính ra năm Jêsu ra đời là ngang với năm Canh Thân niên hiệu Nguyên Thọ thứ 2 (1 trước Công nguyên) đời vua Hán Ai Đế. Rixi nói: ?oChúa Trời có ba ngôi, Khổng Tử cũng từng nói như vậy. Đó tức là: Thái cực sinh lưỡng nghi [56] ?. Đầu năm ngày tết người ta đến chúc mừng, Rixi nói: ?oCó năm mới tức là năm cũ, đó là điều đáng buồn chứ có gì mà mừng?? Có người hỏi tại sao không thờ cúng tổ tiên, Rixi đáp: ?oQuê tôi ở xa, nay nếu lập thờ cúng tế lại càng thêm buồn nhớ?. Có người hỏi tại sao không lấy vợ, Rixi đáp: ?oCon gái Trung Hoa có ai thèm lấy dân man di mọi rợ đâu?. Đại khái đều trả lời trốn tránh như thế cả. Có người nghi ngờ, tâu với vua Minh rằng: ?oCách sinh sống như thế thật không hợp với tình người, hẳn có mưu kế gì gian dối, xin xuống lệnh bắt buộc phải về nước?. Tuy vậy hằng năm người Tây Dương đều chuyển thêm vàng bạc cho Rixi để biếu xén, cho nên y vẫn được dung thân. Nước Trung Hoa có ?ogiặc? Tây Dương đến cai quản việc đạo kể từ đó.
    Lại nói bấy giờ quan thượng thư nước ta là Nguyễn Công Hãng sang sứ nước Tàu, khi đến Yên Kinh qua cổng phủ đệ của Rixi không xuống xe, Rixi bèn sai tên giữ cổng gây sự làm nhục. Còn Hãng dò xét biết rõ nguyên do, khi về nước liền dâng khải lên chúa Trịnh [57] xin ra lệnh cấm đạo, nhưng còn chưa biết cấm diệt bằng cách nào.
    Nói tiếp về chuyện giặc Tây Dương đem thuốc phiện [58] sang Trung Hoa ngấm ngầm đầu độc bọn quan lại sĩ phu khiến cho dân nước ấy mãi mãi bị hao mòn. Bấy giờ Giáo hoàng Tây Dương gửi mật thư cho Sêmông Rixi căn dặn: ?oSự nghiệp mới khai sáng, ngươi nên cẩn thận tận tâm mở mang sự nghiệp ban đầu, bao giờ đè bẹp Khổng Khưu, đập tan Mạnh Kha thì công lai của ngươi đáng kể đến hàng đầu?. Sêmông Rixi cũng gửi mật thư phúc đáp, trong đó có đoạn viết: ?oTrung Hoa đất rộng chứ không phải nhỏ bé như nước Đại Nam. So về trí tuệ thì người Trung Hoa như kẻ một mắt, còn dân nước Nam thì như người hai mắt bị lòa. Cho nên, lừa phỉnh mê hoặc bọn họ một bên khó, một bên dễ, khác nhau xa. Hơn nữa ở Trung Hoa, những kẻ giàu sang quyền quý phần nhiều đều cứng lòng thật khó khuyên dỗ. Xem ra tập tục nước này chuộng thói xa hoa, mê đắm thanh sắc, chỉ chạy theo điều lợi. Vậy cứ nhân theo những điều ham muốn của bọn họ mà có cách trừ diệt dần dần, khiến cho người tài trí phải chết, mà kẻ ngu dốt được sống còn. Như thế thì đạo ta mới là thỏa chí?. Rồi đó Giáo hoàng bảo triều thần chế ra cao thuốc để đầu độc, ai ăn thuốc ấy ắt sinh ra vạn con [vi] trùng . Lại gửi cả giống cây và cách nấu cao ấy sang Trung Hoa cho Sêmông Rixi, bảo Rixi dạy cho người buôn Trung Hoa tự nấu lấy. Người bán thuốc phiện kiếm được nhiều lời, chẳng kể gì đến mạng người nữa. Những người mua thuốc ấy mà ăn chỉ thấy cái lợi nhất thời tăng thêm sinh khí mà không biết đó là thuốc giết người. Rồi cứ thế truyền dạy cho nhau, cứ thế giết hại lẫn nhau. Nguyên do nạn thuốc phiện [59] bắt đầu như thế.
    Khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1780), người Tàu đem thứ thuốc ấy sang nước Nam ta, từ đó hạng giàu sang có nhiều người bị giết hại mà không biết.
    Xét theo sách Ma Cao quận ký thì khi Sêmông Rixi ở Yên Kinh từng đút lót nhiều tiền cho bọn thợ vẽ ở nội cung, lấy được một tấm địa đồ của nước Thanh [60] , có ghi rõ lộ trình, dân số, binh lính, v.v. gửi về cho Giáo hoàng. Thư của Sêmôn có đoạn nói: ?oBờ cõi nước Thanh bao la rộng lớn, dân số đông đúc, với bằng ấy phép thuật của đạo ta thì ngoài nghìn năm cũng chưa gồm trọn được [61] . Nay thấy thói tục nước ấy ưa chuộng đào hát gái đẹp, ăn chơi xa hoa, dân buôn bán thì tham hàng hám lợi, xin xem có cách gì cho người nước ấy giết hại lẫn nhau khiến người tài trí phải chết mà kẻ ngu si sống còn, thì họa chăng bảy trăm năm đạo ta có thể đắc chí được?. Lại nói Giáo hoàng biết bọn giàu sang nhàn rỗi ở ta đã mắc nạn nghiện a phiến bèn nói rằng: ?oĐất Việt Đông từ khi đạo truyền vào đã ba trăm năm, nay dân lại mắc hãm bởi nạn nghiện thuốc phiện thì [việc của ta] chắc sẽ mau chóng hơn?.
    Lại xét về chất cao thuốc phiện đầu tiên do người Tây Dương chế ra. Nguyên ở miền núi nước ấy có một thứ cây tiếng Trung Hoa là cây anh túc [62] . Người nước ấy lấy nhựa cây anh túc luyện thành cao để đầu độc người nước ngoài, thu được lợi lớn, nhưng trong nước thì nghiêm cấm không được dùng. Có người lấy vụng mà ăn bèn bị xử bắn. Người Trung châu xếp thứ cây này vào dược phẩm tức là dùng cái vỏ thịt của nó. Sách Bản thảo dược tính nói rằng: ?oVỏ cây anh túc ngâm rửa cho hết xơ gân tẩm với mật sao cho vàng dùng để chữa các bệnh ỉa chảy, kiết lỵ kinh niên, viêm ruột cùng là các bệnh hen suyễn. Lại làm cho khí thận được bền, trị bệnh xương. Tuy có công dụng chữa bệnh mau chóng, nhưng khi người bênh đang cơn ho dữ dội hoặc ỉa chảy như xối mà cứ cho uống thì thuốc ấy lại giết người như gươm giáo?.
    Thuốc phiện còn có tên là A phù dung [63] . Vào dịp hoa anh túc nở rộ lấy que tre nhọn chích chừng vài mươi lỗ để cho nhựa chảy ra, ngày hôm sau lấy thanh dao tre cạo thứ nhựa ấy vào đồ dùng làm bằng bạc, đôi khi vét nhựa được khá rồi thì lấy giấy dán kín miệng bình lại, đem phơi nắng hai mươi bảy ngày quánh đặc thành phiến. Dược tính của chất ấy thuộc thứ ôn, chua, dính, gấp (ôn, toan, sáp nhi cấp) dùng chữa bệnh cũng có tác dụng như vỏ cây anh túc đã nói ở trên, nhưng làm vị thuốc không thể dùng nhiều; lấy cao sống hòa với rượu đem cho uống thì giết người chỉ trong khoảnh khắc.
    Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Khánh 20 (1815) đời vua Nhân Tông nhà Thanh, nhiều người Tây Dương lui tới buôn bán ở các vùng cửa biển. Khi có sứ thần của một người nào tới, vua truyền chỉ cho quan sở tại mở yến tiệc khoản đãi. Sứ thần có bọn không chịu lạy ơn, có bọn được phép về kinh yết kiến nhưng không tuân theo nghi thức nhập triều, ra về cũng không chịu lạy. Nhưng vua Nhân Tông nhà Thanh là người nhân từ vẫn sai người đưa bọn họ về nước. Từ đó bọn man rợ Tây Dương càng tỏ ra ngang tàng xấc ngạo, chẳng coi ai ra gì. Đến khoảng những năm đầu niên hiệu Đạo Quang (1821-1851), người Tây Dương đến buôn bán phần nhiều chỉ nhằm vào món lợi nha phiến. Ở các phố phường thành thị miền duyên hải, quan lại và hạng nhà giàu nghiện thuốc phiện đến nỗi phải khuynh gia bại sản, tự tử trầm mình nhiều không kể xiết. Năm thứ 20 (1840), vua Đạo Quang hạ lệnh cấm, kẻ nào hút trộm thì xử chém, tịch thu gia sản. Vua truyền cho Lưỡng Quảng phải khám xét các tàu thuyền của người Tây Dương, không cho vận chuyển buôn bán thuốc phiện. Tổng đốc Lâm Tắc Từ đích thân đem quan quân đi tuần tiễu, hễ khám thấy thuyền nào chở thuốc phiện đều tịch thu tiêu hủy hết. Bọn man rợ Tây Dương vì thế hết sức căm ghét tổng đốc họ Lâm, bèn tập hợp hải thuyền kéo đến xâm phạm cướp phá tỉnh Quảng Đông. Bọn chúng rêu rao rằng: người Trung Quốc vô cớ cướp đoạt của cải hàng hóa của thương nhân Tây Dương, phải bồi hoàn theo đúng giá. Tổng đốc Lâm Tắc Tư nhất quyết không nhượng bộ, cho nên xảy ra xung đột đổ máu. Sau đó vua Đạo Quang sai Kỳ Thiện đến thay chức tổng đốc, Lâm Tắc Từ bị khép tội ?ogây chuyện hiềm khích ở nơi biên cảnh?.
    Kỳ Thiện là một kẻ tham lam bỉ ổi, bí mật nhận hối lộ của bọn Tây Dương hứa hẹn sẽ cắt đất cho chúng. Đến khi tâu việc lên, vua không phê chuẩn. Kỳ Thiện do vậy cũng bị khép tội. Giặc Tây Dương lại lấy cớ người Trung Quốc không giữ lời hứa bèn rầm rộ kéo quân đến xâm lược. Cuộc chiến lan tràn khắp bảy tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Trực Lệ, Giang Tô, Thịnh Kính [64] , các nơi khác như Định Hải, Trấn Hải, Ninh Ba, Tạc Phố, Sơn Đan, Hổ Môn, v.v. tiếp nhau bị khuấy động, cũng có một vài nơi thất thủ. Binh đao liên tiếp gây họa kéo dài 3 năm. Triều thần tâu xin: ở các nơi như Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba, Thượng Hải vẫn để cho người Tây Dương được đến buôn bán
  4. preludeNo1

    preludeNo1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/03/2004
    Bài viết:
    1.668
    Đã được thích:
    1
    như cũ, đất Hương Cảng thì cấp hẳn cho bọn chúng [65] làm nơi cư trú vĩnh viễn. Nhưng quân Tây Dương vẫn giữ yêu sách đòi bồi thường những hàng hóa bị mất và trang trải tất cả chi phí chiến tranh mới chịu cho giảng hòa. Đình thần muốn được vô sự tâu xin nhà vua chịu khuất tuân theo những điều kiện ấy. Đó là tai hại của việc thông thương buôn bán thuốc phiện với người Tây Dương.
    Năm Nhâm Thân niên hiệu [Gia Long] thứ 11 (1812) giặc Tây gửi thư mật báo cho các giám mục đốc chính yêu cầu các giám mục cai quản các địa phận có núi phải vẽ bản đồ hình thế núi non và dùng đất đắp thành mô hình [66] gửi về Tây Dương. Nguyễn Văn Hoằng bèn in sách này để lưu hành công chúng, bị bọn tay chân của giặc Tây thu đoạt hết.
    Lúc trước Văn Hoằng có nghe Nguyễn Đình Bình nói bọn giặc Tây Dương có thủ đoạn phá yểm sơn linh: đào hố đặt dược rồi châm lửa cho thuốc nổ để cắt đứt các mạch đất thiêng. Đến bấy giờ Văn Hoằng còn đang buồn rầu thương tiếc bạn mình là Đức Đạt bị giặc Tây ám hại, chợt nghe tin bọn chúng gửi thư mật nói trên, Văn Hoằng cả kinh, bèn đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc. Sách in xong, các nhà hàng bày bán ở các phố chợ trong thành Thăng Long, giáo đồ của đạo Tây Dương trông thấy liền mua hết, rồi lập bức báo tin cho đốc chính. Giám mục đốc chính cả kinh, liền xuất ba mươi nén bạc để mua hết số sách đã in ra và mua luôn cả bản khắc gỗ đem về tòa ************* tiêu hủy. Sau đó Văn Hoằng hỏi thăm mới biết xảy ra việc ấy càng căm giận vô cùng, bèn giấu kín trong nhà một bản sao để dành cho hậu thế. Đến nay sách ấy mới được phát hiện ra.
    Xét các thủ thuật yêu ma quỷ quái của tả đạo Gia Tô thì mênh mông rắc rối và phức tạp lắm. Nay tham khảo đính chính [các nguồn tài liệu], nêu lên đại lược những điều thiết yếu, trước sau như vậy để tiện xem đọc. Mong các bậc cao minh trong nước lại sửa chữa cho, thật là may mắn lắm.
    Tài liệu tham khảo để dịch và chú thích Tây Dương Gia Tô bí lục
    ? Bốn quyển sách Phúc âm của Đức chúa Jêsu Kiristô. Lm. Chính An (Fr. Marcus Gispert) dịch và chú thích, Phú Nhai đường, 1926
    ? Thánh Kinh sử lược, Hội Tin lành Đông Dương, II, 1937
    ? Sách bổn Rôma, Hồng Kông, 1916
    ? Sử ký Hội Thánh (P. P. Maria Huân), Bùi Chu, 1912
    ? Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai đường, 1916
    ? Sách giống má thiêng liêng, Lm. Tràng Thiều (Fr. Juan Serra) dọn lại, Phú Nhai đường, 1916
    ? Thánh giáo kinh nguyền, chữ Nôm, in 1929
    ? Tứ chung yếu lý, chữ Nôm, Phát Diệm tổng đường, 1868
    ? Sách truyện các thánh toát yếu, chữ Nôm, Ninh Phú đường, 1909
    ? Sách giảng sự thương khó Đức chúa Jêsu, chữ Nôm, Phát Diệm tổng đường, 1869
    ? Philipphê Bỉnh: Sách sổ sang chép các việc. Bản chụp ảnh thủ cảo của tác giả viết bằng chữ quốc ngữ cổ, đầu thế kỷ XIX, Thanh Lãng sưu tầm tại Rôma. Viện Đại học xuất bản, 1968.
    ? Hồng Lam: Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Xuất bản dưới quyền duyệt chính của Lm. L. Cadière và cụ Nguyễn Văn Tố, Huế, Đại Việt thiện bản, 1944
    ? Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. T. I. S., Hiện Tại, 1959
    Mục lục
    ? Vài lời nói đầu
    ? Lời giới thiệu
    ? Lời tựa
    ? Chỉ dẫn tóm tắt về những lời lẽ lừa bịp của bọn giặc Tây
    ? Nguyên dẫn
    Quyển I:
    ? Nước Jiuđê, Jêsu ra đời
    ? Được môn đồ, Jêsu thêm kiêu ngạo
    Quyển II:
    ? Lén khỏi nước, Jêsu bày đặt lắm phép
    ? Bị hỏi vặn, Jêsu nguy khốn nhiều phen
    Quyển III:
    ? Về Jiuđê, Jêsu bị án tử hình
    ? Bừng sáng núi, xác Jêsu sống lại
    Quyển IV:
    ? Lên núi cao, thể phách Jêsu truyền bí pháp
    ? Hóa chim câu, thể phách Jêsu bịp lòe người
    Quyển V:
    ? Nhờ viện quân LâmBô, Jêsu hóa phép sinh yêu
    ? Trúng mưu kế nữ thần, quân Jêsu đành thua trận
    Quyển VI:
    ? Sang Tây Dương, phép thuật giải quyết đắc dụng
    ? Trình Bí lục, môn đồ Jêsu được phong
    Quyển VII:
    ? Các vua đạo mượn Jêsu đối chứng
    ? Bọn đạo quan bịa chuyện láo lừa dân
    Quyển VIII:
    ? Quân Tây Dương thôn tính các lân quốc
    ? Các nước gần cùng nhau trừ Dương tặc
    Quyển IX:
    ? Thời Hậu Lê giặc Tây ẩn náu ở nước ta
    ? Đời nhà Thanh, Dương tặc công nhiên đến Trung Quốc
    Tài liệu tham khảo để dịch và chú thích Tây Dương Gia Tô bí lục
    - Hết -
    ________________________________________
    [1]Tức là truyền đạo.
    [2]Tiền Lê nói đây tức là đời Lê sơ (1428-1828).
    [3]Nguyên thư phiên: GiaCôBa.
    [4]Đông thổ: miền giải đất phương đông, các người phương Tây ngày trước gọi chung miền đông châu Á.
    [5]Ngày nay tả đạo thường ngoa truyền rằng: Phanxicô đem vàng bạc châu báu vào Trung Hoa mua dải đất ấy, xin lấy tấm da trâu cắt nhỏ ra do bốn phía mà lập khoán ước. Vua nhà Minh y cho. Phanxicô bèn cắt nhỏ tấm da trâu nối lại đo đất mà mua. Đó là lời nói vô lý chỉ cốt để khoe tài trí của bọn chúng mà thôi.
    Ma Cao tức là bán đảo Áo Môn của Trung Quốc. Ở đây có hành cung của bà vua Vũ Tắc Thiên, dân địa phương quen gọi là Ma Các (lầu của mẹ). Vua Minh Thế Tông (1522-1567) cho người Bồ Đào Nha thuê Ma Các làm nơi buôn bán, người Bồ nhân theo đó mà dịch âm là Ma Cao. Đối với việc truyền giáo ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Ma Cao là một vị trí bàn đạp quan trọng. Giáo sĩ phương Tây đến miền Bắc nước ta thường xuất phát từ Ma Cao.
    [6]Nguyên thư phiên: YNêKhu.
    [7]Huyện Nam Chân đời Lê thuộc trấn Sơn Nam, đời Nguyễn thuộc tỉnh Nam Định. Nay là huyện Hải Hậu (Hà Nam Ninh).
    [8]Nói khác tiếng, mặc khác kiểu.
    [9]Người Tây lấy tên thánh làm tên gọi, cho nên trước sau người dòng nào thì cứ gọi theo tên dòng ấy. Dưới đây cũng theo cách ấy.
    [10]Lấy tên Jêsu làm tên dòng, tức là dòng Tên (Jésuites).
    [11]NêKhu (Ingatio) đến nước ta vào ngày 24 tháng Ba (Quý Tị, 18/4/1533. ND)
    [12]An Quảng, tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
    [13]Về sau, các giám mục đốc chính thuộc dòng Phêrô đều xưng là Phêrô, thuộc dòng Đôminicô thì xưng là Đôminicô. Nay vẫn còn như thế.
  5. preludeNo1

    preludeNo1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/03/2004
    Bài viết:
    1.668
    Đã được thích:
    1
    [14]Ba dòng: là dòng Tên (Jésuite) do Ingatio truyền lập và hai dòng Phêrô và Đôminicô vừa nói trên.
    [15]Tức Jacintô Castaneda người Tây Ban Nha trước giảng đạo ở Trung Quốc, sau sang Việt Nam, bị bắt ngày 12/6/1773.
    [16]Tức Vincente Paz, quê ở xã Trà Lũ, xứ Phú Nhai, theo đạo năm 12 tuổi, bị bắt ngày 2/10/1773.
    [17]Lý do Nguyễn Công Hãng tâu xin cấm đạo, xem đoạn sau sẽ rõ. Nhà ngục là chỗ cấm rất nghiêm mà bọn chúng còn ngang nhiên làm như thế huống chi là những nơi xa xôi hẻo lánh thì có việc gì chúng không dám làm? Xin bậc quân tử chớ có lơi lỏng coi thường.
    [18]Trong tờ khải tâu lên chúa Trịnh, Nguyễn Công Hãng có nói câu ấy.
    [19]Câu này chỉ nói lướt qua sự việc. Nếu nói chính xác thì khởi nghĩa Tây Sơn đã nổi dậy trước đó 10 năm (1878). Năm Đinh Mùi (1787) nói trên là năm Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc lần thứ nhất xóa bỏ chính quyền họ Trịnh.
    [20]Nguyên thư: cập bán thế? chữ tận và chữ bán viết thảo có thể đọc nhầm, nên chép sai.
    [21]Đến năm Mậu Thân (1788), nhà Lê mất. Sau đó Tây Sơn lên trị nước. Từ tháng 11 năm Mâu Thân [đến hết năm ấy] là thuộc về niên hiệu Quang Trung thứ 1 triều Tây Sơn.
    [22]Nguyên thư chép: bất do bản lưu đốc chính ác (đọc = 6 chi). Chữ ác (ố) vào vị trí đó khiến cho câu văn trở thành không hiểu được (= không phải do đốc chính dòng mình ghét bỏ). Đúng ra đó phải là chữ cấp (= cho, phát), có phần chắc là do đồng âm chép nhầm chữ cấp = mau, gấp; chữ cấp này viết thảo lại giống chữ ác nên mới sai ra như vậy.
    [23]Chúc mừng sự truyền đạo mở rộng thêm ở một nước nữa (tức nước ta).
    [24]Người Tây Dương phàm việc gì cũng kiên trì lâu, đại khái như thế cả. Muốn diệt chúng phải kiên trì lâu mới thành công được.
    [25]Có người ôm tượng chúa Jêsu mà kêu to: ?oDòng đạo ta là dòng Thiên Chúa!?, hoặc không chịu đọc kinh theo cách đọc của dòng Đôminicô (dòng Tên và dòng Phêrô khi đọc kinh cả nam nữ cùng đọc, dòng Đôminicô thì nam đọc một câu nữ đọc một câu).
    [26]Việc dòng Tên bị giải tán xảy ra năm 1773 dưới thời Giáo hoàng Clément XIV. Theo một tài liệu khác. Philipphê Bỉnh cho biết rõ: năm 1775, khi ông đi tu ?olúc bấy giờ đã mất dòng ở thành Rôma được 2 năm vì đức thánh Phapha Clément thứ XIV phá dòng Đ.C.J. ngày 22/7/1773 (xem Sách sổ sang chép các việc, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản, 1988). Phapha tức là Giáo hoàng, đọc theo phiênâm tiếng Bồ: paper: dòng Đ.C.J. = dòng Đức chúa Jêsu, tức dòng Tên). Tuy nhiên, sau khi có phán quyết ấy, một số giáo sĩ dòng Tên ở lại Việt Nam, có tài liệu nói đến năm 1788 mới ra đi hết.
    [27]Các giám mục thì có tượng, môn đồ chưa được phong giám mục thì có ảnh vẽ.
    [28]Tức cửa biển Đại An (Hà Nam Ninh). Đại Ác là tên đời Lý của huyện Đại An.
    [29]Nguyên văn: Nam Ninh, cũng tức là Nam Hải (dùng chữ của Trang Tử, đã dẫn).
    [30]Nam Xương: tức là huyện Lý Nhân đời Nguyễn (nay thuộc Hà Nam Ninh).
    [31]Chương Dương: tên xã thuộc huyện Thường Tín (Hà Sơn Bình).
    [32]Tức là Thanh Hoa nội trấn (Thanh Hóa) và Thanh Hoa ngoại trấn (Ninh Bình) nay thuộc Hà Nam Ninh.
    [33]Tức Bình Định, Khánh Hòa.
    [34]Tức trấn Phiên An, sau nhập chung với trấn Gia Định thành tỉnh Gia Định.
    [35]Phía đông thuộc dòng Đôminicô, phía tây thuộc dòng Phêrô.
    Tên các địa phương ở đoạn cuối câu này, chúng tôi có xếp lại cho hợp thứ tự từ Bắc vào.
    [36]Nguyên thư chép: nhị bách niên hậu (hai trăm năm sau) chắc là nhầm, bởi vì có câu nói tiếp theo: ?o? khi ấy ta sẽ đích thân phong thánh sống cho các ngươi (ngã ký dương diện phong nhữ đẳng vi sinh thần)?. Như vậy thì chỉ là ?onhị thập niên hậu? chứ không thể là ?onhị bách niên hậu? được.
    [37]Mỗi khi nuốt được một nước, Tây Dương lại mở yến hội lớn và phong tặng cho kẻ có công. Cho nên nói lóng như vậy.
    [38]Nguyên văn; ?o? sử mộc tương trùng điêu nhị nhân tượng??. Nguyên thư chép chữ tượng (= thợ mộc) sai ra chữ tượng (= pho tượng); vì đồng âm mà chép nhầm.
    [39]Nguyên văn: ?otrùng điêu nhị nhân tượng??. Có lẽ vì ở đoạn trên đã nói các giám mục nước ta trước đó cũng đã có tượng để trong phòng kín cho nên ở đây nói khắc thêm tượng khác để đặt trước cửa cung điện (miến lập vu ký khuyết môn) thì viết là ?otrùng điêu?.
    [40]Con tàu khổng lồ do Nôê đóng để tránh nạn đại thủy, sự tích đã nói ở Q. I.
    [41]Tức là quyển IV hiện nay.
    [42]Xem đó thì biết xưng tội, giải tội đều tùy theo ý chỉ bảo của bọn cha cố, nào có liên quan gì đến chúa Trời đâu?
    [43]Nguyên văn: ?oTân Dậu cửu niên hoàng triều khải vận?. Theo lối văn biên niên chỉ ghi niên hiệu một lần đầu sau lược (Ở trên đã ghi rõ niên hiệu Cảnh Thịnh). Năm này (1801) Cảnh Thịnh đã mất kinh đô Phú Xuân, nhưng đến giữa năm sau Gia Long mới lấy được Bắc Thành, lên ngôi ngày 31/5/1802.
    [44]Không rõ tên làng các xã các xứ đạo do những giám mục ấy cai quản. Từ đó ở bốn trấn đều có đốc chính Tây Dương lén lút cai quản.
    [45]Về sau không biết rõ bao nhiêu.
    [46]Nguyên văn: ?oNgã chú nhân thân (= người thân), nhân chú ngã thân?. Chữ chú vừa có nghĩa là cầu khấn đấng siêu nhiên, vừa có nghĩa là nguyền rủa. Ở đây tác giả dùng theo nghĩa thứ hai. Bạn đọc nhớ lại những nghi thức về lễ thụ phong, những lời niệm nhẩm khi làm phép xin dấu thánh cho người ốm khỏi chết, v.v, đã mô tả ở Q. IV.
    [47]Thư kinh, Đại Vũ mô.
    [48]Mạnh Tử, Ly Lâu. Nguyên cả câu của Mạnh Tử là: ?oBất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại? (nghĩa là: Bất hiếu ba điều mà không có con nối dõi là tội lớn nhất). Ba điều bất hiếu mà Mạnh Tử không nêu ra đủ cả, theo Kinh Lễ là: 1. Vâng dạ cha mẹ trước mắt nhưng sau lưng làm trái ý; 2. Nhà nghèo có cha mẹ già không chịu ra làm quan để cho cha mẹ hưởng lộc; 3. Không lấy vợ, không sinh con để truyền đời thờ cúng tổ tiên. Câu nói trên đây nhắm vào điều thứ 3.
    [49]Tức là từ quyển V trở xuống.
    [50]Thạch tín (= tín thạch): một loại khoáng chất phi kim loại, ký hiệu As (Arsenic) màu trắng. Lúc đầu người ta tưởng rằng chỉ ở huyện Tín (Trung Quốc) mới có chất ấy nên gọi là tín thạch. Tính chất độc hại của nó (dẫn đến chết người) có lẽ là tính chất không hòa tan trong nước và dễ kết hợp với hóa chất khác thành chất kết tủa. Nguyên thư chép: ?oThạch tin binh gia thạch tín mạt? (trong bình thạch tin đều là bột thạch tín) hẳn là chép sai. Xem nguyên chú ở cách vài câu sau nói: ?o? vợ Đức Đạt không ăn trầu?? thì biết rằng đó phải là bình vôi. Đúng ra là: ?oThạch khôi bình giai thạch tín mạt?, chắc là do ảnh hưởng chữ sau (tín) mà chép lầm chữ trước (khôi).
    [51]Vợ con Đức Đạt không ăn trầu, cho nên chỉ một mình Đức Đạt bị hại.
    [52]Nattéo Rici (1552-1610), giám mục người Ý, đếu Trung Quốc năm Vạn Lịch thứ 8 (1580). Tiên phiên âm chữ Hán là LịMãĐậu.
    [53]Yên Kinh tức Bắc Kinh.
    [54]Chỉ Hán Minh đế.
    [55]Mồng một và rằm.
    [56]Kinh Dịch: ?oThái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng??. Tình trạng nguyên sơ của vũ trụ sinh ra lưỡng nghi tức là dương và âm (dương nghi, âm nghi), mỗi ?onghi? lại tiếp tục sinh đôi ra nữa, v.v.
    [57]Nguyễn Công Hãng giữa chức Thượng thư thời chúa Trịnh Sâm.
    [58]Nguyên văn: Độc dược (thuốc độc), đây chỉ thuốc phiện, ở dưới đã nói rõ.
    [59]Nguyên văn: A nha phiến.
    [60]Mattéo Rici vào Trung Quốc đời Minh, nhưng còn sống đến đầu đời Thanh.
    [61]Nguyên văn: hỗn tinh, ý nghĩa như thôn tính.
    [62]Anh túc (cây thuốc phiện), tên khoa học: Papaver somniferum.
    [63]Ngày trước thường gọi thuốc phiện là Ả phù dung, tức là a phù dung mà đọc theo âm Quảng Đông.
    [64]Tức Liêu Ninh.
    [65]Chỉ người Anh.
    [66]Nguyên văn: ?o?dĩ thổ bồi dạng? (lấy đất đắp thành hình dạng), tức như ngày nay ta làm sa bàn.
  6. mltr_sg

    mltr_sg Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    404
    Đã được thích:
    0
    Khoá topic với lý do: 'ã post xong
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này