1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tết quê

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi CuuVan, 14/01/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CuuVan

    CuuVan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/01/2005
    Bài viết:
    244
    Đã được thích:
    0
    Tết quê

    Trước hết mở cái topic này để rủ rê hẹn hò các bác, tết gặp nhau cái nhỉ? Tất nhiên là ở quê - Quảng Bình rồi.

    Cũng khó để gặp gỡ - offline vì mỗi người mỗi ngã, trước tết bận rộn cho việc sum họp gia đình, sau tết thì chộn rộn để chuẩn bị tiếp tục đi xa. Nhưng biết đâu vô tình lại gặp nhau đâu đó trên đường chúc tết ...

    Thường thì tết nào về quê tui cũng có lòng vòng quanh Đồng Hới, bác nào rỗi thì cùng uống trà nhé. Thân mời!
  2. xinhgainhatdonghoi_alone

    xinhgainhatdonghoi_alone Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/05/2004
    Bài viết:
    76
    Đã được thích:
    0
    nghe bác cuuvan nhắc đến tết làm cho lòng tui cứ rao rực hẳn lên ,còn 6 ngày nửa là đc về quê rồi ôi vui quá
  3. CuuVan

    CuuVan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/01/2005
    Bài viết:
    244
    Đã được thích:
    0
    Em về cùng ngày với anh rồi, đã cùng đường, nếu cùng phương tiện thì hay nhỉ? Em về tàu hả?
  4. mot_ngay_nhu_moi_ngay

    mot_ngay_nhu_moi_ngay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/08/2005
    Bài viết:
    60
    Đã được thích:
    0
    Tết Quê, hai tiếng nghe mà nao cả lòng, làm tôi rất nhớ những lần về quê ăn tết với Ông Mệ. Chỉ có hai Ông Mệ ở với nhau nên Mệ phải lụi cụi một mình chuẩn bị đồ cúng. Có con cháu về thì Mệ mới đỡ vất vả hơn, nhưng vẫn phải theo sau nhắc nhở cháu nên làm thế nào. Một lần Mệ nói, Mệ nói từ từ, chậm rãi, ngay cả khi Mệ la cháu, nhưng mỗi lần cháu trả lời thì lại phải hét to Mệ mới nghe được.
    Mệ đã già, nhưng ngày tết Mệ cũng cố gắng gửi mua hoặc bảo Ông đi chợ mua cho bằng được đủ những món để cúng ngày tết. Nào là cá kho, thịt luộc, dưa hành, cốm, bánh canh, bánh đùm, và tất nhiên ko thể thiếu bánh chưng, bánh tét...Từ 30 Tết đến mồng Ba, ngày nào Mệ cũng hai bữa chuần bị cơm cúng ông bà, cúng xong thì cả nhà mới được ăn. Ăn cơm Tết ở nhà Mệ bao giờ cũng ngon hơn ở nhà, cả Ba, cháu và mọi người đều ăn nhiều hơn khi ở nhà Mệ. Không biết có phải vì bữa ăn không khi nào thiếu món rau sống thái vụn hay vì những món ăn độc quyền mà tôi chỉ được ăn khi về với Mệ mà thôi. Bao giờ Mệ cũng nướng cá lên trước khi kho, vì thế chẳng còn nghe mùi tanh nữa. Qua mấy ngày tết, miếng cá dù có hơi đậm vì để lâu ngày nhưng vẫn cảm giác rất béo và ngon như kho nước dừa. Thịt heo được luộc sẵn, có khi Mệ dọn thịt heo luộc hoặc đem kho với hành muối. Món hành muối thì luôn được muối chung với cải xanh sẵn có trong vườn và lạc rang... Đã bao lần cháu cố ghi nhớ công thức làm món ăn của Mệ mà đều thất bại, cháu chẳng thể ngon bằng Mệ nấu
    Sáng mồng Một, Ông dẫn cháu đi một vòng chúc tết bà con, đi bộ thôi. Rồi cháu lại về nhà giúp Mệ nấu đồ cúng. Cũng đã lâu chẳng còn những mồng Một như thế, cháu chỉ ào về, kịp nấu với Mệ bữa cơm, ăn cùng Ông Mệ rồi lại đi. Cháu nhớ Mệ quá, Mệ ơi! Tết này tại sao lại không thể có một mồng Một với Ông Mệ nhỉ, nhà cháu lại neo người rồi, không biết cháu có thực hiện được hay không...
  5. arch

    arch Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/05/2002
    Bài viết:
    767
    Đã được thích:
    0
    Ông theo tiếng địa phương phải viết là "Ôông" mới đúng
  6. bacogia

    bacogia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/08/2005
    Bài viết:
    199
    Đã được thích:
    0
    Tết quê, gió vẫn rét nhưng vẫn nắng đến rám hồng cả hai má.
    Ti toe tập toẹ gói bánh chưng. Có vẻ như bánh đã vuông và chặt hơn mấy cái gói hồi năm kia.
    Nhỏng nhảnh bắt thằng em họ dậy sớm, đi từ nhà nó sang nhà ông bà để rang cơm cho bà chị. Hi hi... Ấn tượng mãi bát cơm rang nóng hôi hổi ngồi ăn ngay trong bếp buổi sáng rét căm 5 năm trước.
    Mấy nhóc ngày xưa thấy chị về cứ cúi gằm mặt vì rầy thì giừ lại tươi cười ra mừng chị. Còn mấy đứa ngày xưa cứ quấn lấy chị và khóc khi chị đi thì giừ lại lẩn như chạch mỗi chị lại gần. Mà ngày xưa mới cách nay 2 năm chứ mấy.
    Sáng nay dậy sớm ra bãi chụp được mấy tấm ảnh rất hay. Trời mù sương, leo lên đê đi dạo được 1 lúc thì lạnh cóng. Nhưng cứ vui vui trong lòng.
    Năm mới mong rằng mọi kế hoạch đều được thực hiện tốt.
  7. daewoominh

    daewoominh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/02/2003
    Bài viết:
    63
    Đã được thích:
    0
    Vừa chộp được một bài của chú Vinh bên báo Lao Động,số ra ngày 6/2.Post lên để anh em mình cùng chia sẽ với chú ấy.
    Tết nhạt ở thị trấn
    Nguyễn Quang Vinh
    Tết này, cu Tý 5 tuổi. So với tuổi chúng tôi ngày xưa, cu Tý có rất nhiều thứ: Đồ chơi siêu nhân, quần áo đẹp, tiền lì xì... nhưng lại trắng tay rất nhiều so với tuổi chúng tôi ngày xưa: Những trò chơi dân gian, không khí đón Tết ngập đường làng, nỗi háo hức chờ đợi nồi bánh chưng đêm 30 và cả những lời ca tiếng hát vang vọng náo nức khắp làng trên xóm dưới...

    Chơi bài chòi.
    Tết ngày xưa...
    Thời ấy, vào những năm đất nước còn chiến tranh với bao gian khó, thiếu thốn trăm bề, nhưng Tết đúng là Tết. Từ trước đấy, rất lâu, có thể hàng tháng, trẻ con, người lớn đếm từng ngày chờ Tết trong sự háo hức cồn cào, cả sự lo toan tất bật cuống quýt, cả sự mong mỏi: Mong mỏi được ăn ngon, mong mỏi được thấy lại vô vàn trò chơi, mong mỏi được gặp lại người thân, mong mỏi có một manh áo mới, mong mỏi nghe tiếng pháo... Những chú lợn trong chuồng được vỗ béo. Những lò rượu được chưng cất ngày đêm. Những lon đỗ xanh, nếp, mật ong được tích cóp dần.
    Các cô gái trong thôn ríu rít bên nhau tập các tiết mục. Các cháu thiếu nhi dọn dẹp đường làng. Thanh niên chuẩn bị lên kế hoạch tổ chức các trò chơi. Cả làng, cả xã lo cái tết chung, cái tết ngoài nhà mình, cái tết cho cộng đồng.
    Để rồi khi Tết đến, xóm nào cũng mổ lợn, chia thịt, cười nói hoan hỉ. Xóm nào cũng dựng cái đu, dựng trò chơi cờ người, lều tam cúc, sới chọi gà, sân khấu múa hát, chuẩn bị thuyền đua, giăng hoa kết chữ dựng cổng làng, cổng thôn...
    Tết đến, người ta đến nhà nhau chúc tụng năm mới hồ hởi, nhiệt thành, tưng bừng. Trong nhà ai cũng rôm rả tiếng cười nói, chúc tụng; ngoài đường lũ lượt người già, con trẻ đi lại nườm nượp, như hội.
    Những tụ điểm trò chơi cờ người, bài chòi, đua thuyền, chọi gà, vật... người xem xúm đen xúm đỏ. Người ta gặp gỡ, chúc Tết, khoe nhau về cái học của con cháu, về sự tiến bộ của người thân, về sức khoẻ của các bậc cao niên, về mùa màng, không mấy ai khoe giàu, khoe của.
    Thời ấy, Tết ở bên ngoài, Tết cho cả cộng đồng, Tết chật căng trong từng căn nhà nhỏ. Thời ấy, Tết là chơi, là thăm thú, là miên man niềm vui từ sáng đến tận khuya, đắm say, hoan hỉ, bừng bừng sắc xuân. Ba ngày Tết là ba ngày Tết, không giống bất cứ ngày nào trong năm.
    Ngày ấy, mỗi Tết là một dấu ấn sâu nặng chan chứa trong tâm thức, không quên được, nó đóng đinh trong lòng người, như cái neo tình, khiến người ta đi đâu làm gì cứ ba ngày tết đến là phải ngóng mặt nhìn về quê hương, líu ríu dắt nhau về với quê hương, tựa như cái ánh lửa cháy nồng từ nồi bánh chưng kéo hút con cháu về với ông bà trong ba ngày Tết...
    Nhật ký Tết... làng
    Chợ Ba Đồn quê tôi 30 tết vẫn đông nghìn nghịt. Dũng - em tôi là chủ một cửa hàng điện tử lớn, lúc này không nói được, một mình chỉ huy năm - sáu người giúp việc bán hàng, tiếng nó khào khào, khản đặc. Tivi, tủ lạnh, đầu video, đèn, băng đĩa... bán chạy như tôm tươi.
    Thấy em làm ăn buôn bán được, tôi rất mừng. Nhưng mười mấy tết nay rồi, vợ chồng em không có Tết. Tám - chín giờ đêm 30, cửa hàng mới thu dọn xong. Cả nhà mệt rũ. Dẹp gọn cửa hàng lấy một chỗ trống, đặt lên tấm ván lớn kê trên ba cái thùng cáctông đựng tivi, thế là có một cái bàn. Dọn vội lên bàn bánh trái, rượu, bia, ly cốc. Dọn nhanh một cỗ trái cây thắp hương trên bàn thờ. Hò hét mấy đứa con tắm gội. Vội vã quét qua cửa hàng. Chỉ có mấy việc ấy cũng đã gần đến giao thừa. Không đủ sức nấu nướng, mỗi người một bát mì tôm rồi lăn ra ngủ.
    Những ai buôn bán ở chợ đều thế, tất bật, mệt nhoài tới đêm 30. Và Tết tức là ngủ, ngủ bù, ngủ cho bõ những ngày cuối năm buôn bán tất bật.
    Cũng ngày 30, đường thị trấn chật như nêm. Người ta phóng xe máy như đua, khuân vác đủ thứ về nhà ăn Tết. Đời sống phát triển, mua sắm nhiều hơn, tiêu tốn nhiều hơn, từng nhà chất chứa đủ thứ cho Tết: Gà, thịt, thuốc, rượu, kẹo bánh, vật dụng đắt tiền. Đến sẩm tối 30 Tết, đường làng vắng lặng. Nếu không biết Tết đến, đi ngoài đường không ai biết Tết. Tết giấu kín, nêm chặt trong từng nhà. Đường làng vắng hoe. Im lắng. Không còn cái tết cộng đồng.
    Ngày mùng 1. Người ta nói, bây giờ, tục đi thăm nhau ngày Tết đã ít đi. Ngoại trừ việc phải đến nhà bố mẹ, ông bà, bà con ruột thịt thăm tết, mừng tuổi; còn nữa, người ta xúm quanh tivi, chúi đầu vào những trò tiêu khiển kiếm tiền hoặc ai đó giàu có thì đi thật xa du xuân.
    Đến nhà nhau lại bắt đầu khoe về những thứ đồ đạc đắt tiền mới sắm, chai rượu ngoại mới mua, món ăn đắt tiền mới mua. Tết bây giờ ở quê như là cách khoe của nả, khoe tiền bạc, phô trương vật chất. Trẻ con đi theo bố mẹ hau háu chờ những đồng tiền mừng tuổi, gói gắm trong túi, trong ví, đếm đếm tính tính như con buôn.
    Hết việc đi thăm nhau thì về nhà, lại ngủ. Nếu không thế thì ra đường cũng chẳng còn chỗ nào mà đi. Không chỗ chơi. Không chỗ du xuân. Mà nếu có, ít lắm, muốn vào chơi thì phải mất tiền, không còn những trò chơi dân gian như ngày xưa, lấy vui làm chính, phần thưởng thắng thua cũng chỉ là gói kẹo, gói thuốc. Đánh nhoằng một cái hết ngày mùng một. Có người điểm lại những nhà cần đi thăm tết, xong, thở phào, coi như tròn nghĩa vụ, thoả mãn. Tết tựa như chỉ còn cái cớ đến với nhau một lần trong năm. Hết.
    Ngày mùng 2. Đường lại càng vắng. Nhà nhà ở lỳ trong nhà. Lại ăn nhậu. Lại tivi. Số nữa thì ăn no lại ngủ, bù sức cho một năm mới tiếp tục quăng quật, tất bật kiếm sống.
    Ngày mùng 3. Coi như hết xuân, hết Tết. Những cuộc tiệc tùng chia tay. Đến ngày mùng 4, cuộc sống cuồn cuộn bắt đầu. Làng lùi lại sau lưng... Hết Tết!
    Vẫn còn có một nơi...
    Tết đầu tiên tôi rời thị trấn về huyện Lệ Thuỷ chơi tết. Mừng quá. Không ngờ nơi này Tết vẫn còn nguyên Tết như thuở nào. Một cái tết cộng đồng như tôi từng mong ước. Ngay từ những xóm nhỏ, hội bài chòi rôm rả, trẻ con người lớn xúm đến, vui chơi náo nức.
    Người cầm trịch cuộc chơi bài chòi đầu quấn khăn điều đỏ, tay cầm ống bơ đựng thẻ số, miệng hát vọng đất trời: "Con số 5 nó vừa đi nó vừa nằm. Tiếp đến con gì, mời bà con đoán thử là con số bao nhiêu. Số bao nhiêu mời bà con đoán thử là con số 12. Số 12 nó vừa đi nó vừa nhai, tiếp đến con gì mời bà con đoán thử...".
    Thằng cu Tý cười khúc khích nhìn ông già cầm trịch đang hát. Mẹ Trà của nó hồi hộp theo dõi ông cầm trịch cuộc chơi xướng số. Xa kia nữa là hội đu. Những cô gái nghịch ngợm nhún người đu cao vút lên không trung, buông thả những mái tóc đen óng, buông cả xuống mặt trai làng những tiếng cười cám dỗ.
    Thanh niên tụ tập nhau ở đây, đưa mắt đánh mày ở đây. Trên đường, người già, con trẻ líu ríu bước đi, vào tận từng nhà, chúc Tết, mừng tuổi, hoan hỉ, ấm áp cốc trà nóng, miếng gừng cay, kể chuyện đồng áng, chuyện học hành con cái, cuộc giao lưu Tết thanh khiết, ấm áp, mặn nồng tình hương quê đồng nội.
    Những cốc rượu làng ngọt lừ, say lững. Những miếng mứt gừng cay xé lưỡi tự làm. Trẻ con được lì xì không phải chỉ là những đồng tiền, mà là miếng quà tấm bánh.
    Đâu đấy nữa, thuyền nam thuyền nữ véo von hát ví, hò giã gạo: "Chứ thiếp hỏi thăm nàng. Trong trăm thứ dầu chứ dầu chi là dầu không thắp. Trong ngàn thứ bắp bắp chi là bắp không rang...".
    Dưới gốc cây si ở bến sông, mấy cụ già đang đánh cờ tướng khai xuân. Lũ trai làng xúm vào tham mưu. Rôm rả. Cười khà khà mãn nguyện. Tết ở đây, không ra đường không chịu được. Tết ngoài đường, dưới gốc cây già, bên giếng nước, ở bến thuyền. Những cây nêu ngày Tết cao vút, phấp phới những lá cờ tổ quốc đỏ thắm.
    Mẹ con Trà đưa tôi vào nhà mẹ đẻ. Chiếc bánh tét nhà tự gói cắt ra tròn vành vạnh trên đĩa, chấm với nước mắm, thơm ngọt, tròn đầy cái hương vị tết quê. Ngoài vườn, những cây ổi trĩu quả. Cu Tý quên ngay những con siêu nhân, quên ngay kiếm đao, theo bố mình chạy khắp vườn, nhận từ tay bố những quả ổi ngọt lừ.
    Trên sông Kiến Giang, những con thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt sóng, đoàn thuyền kết đôi, kết đôi, chở trên đó một đám rước dâu ngày xuân, náo nức kèn trống, ca hát, rộn rã. Sông Kiến Giang dâng đầy lộc xuân, miên man trong những bài ca hạnh phúc tiễn cô dâu về nhà chồng.
    Tết ở đây quá vui, Tết từ trong nhà ra ngoài đường, rộn rã. Tôi bất ngờ gặp nhóm trẻ đang chơi đu quay. Những con quay được gọt đẽo từ những cành ổi già, quay tít, kêu vù vù, thi nhau trổ tài trên mặt đường bêtông làng. Tết xưa như còn đầy ắp nơi này. Hình như mỗi người dân ở đây đều góp một tay cho cái tết chung của làng của xã. Không như Tết ở thị trấn tôi, Tết gói trong nhà, Tết bị chia nhỏ hết trong nhà, ích kỷ.
    Người ta nói quá nhiều về bản sắc. Tết Việt là bản sắc. Tết Việt cho cộng đồng mới là bản sắc. Nhưng để có Tết Việt cho cộng đồng thì mỗi người, đặc biệt là chính quyền thôn, xã, thị trấn lại phải vào cuộc để phục hồi, duy trì, tổ chức những phong tục tết dân gian vốn có. Không phải cái gì cũng cần đến tiền.
    Nếu huy động sức dân vào Tết, không khí dân gian ắt sẽ có. Một trò chơi đu, trò chơi cờ người, vật, đua thuyền, bài chòi... những thứ đó dân góp sức là xong, không cứ phải tiền. Tôi lại nghe bên tai câu hát dẫn trò: Tiếp đến con gì mời bà con đoán thử...". Không ai đoán được đến lúc nào nữa, Tết sẽ thế nào nếu mất đi cái tết của cộng đồng....

Chia sẻ trang này